Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21 – 27/07/2016: Giáo Hội tại Ba Lan

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21 – 27/07/2016: Giáo Hội tại Ba Lan

1. Xung quanh chuyện Venezuela nhờ Vatican làm trung gian hòa giải

Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro Venezuela được tường thuật là đã đồng ý với đề xuất của lãnh tụ phe đối lập yêu cầu Vatican đứng làm trung gian hòa giải trong cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của đất nước.

Chính phủ Maduro và phe đối lập Liên minh Dân chủ Thống nhất đã không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng, đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thực phẩm và thuốc men, dẫn đến sự sụp đổ các dịch vụ về y khoa, năng lượng và vệ sinh.

Tuy nhiên, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ tin này.

Trong thông cáo công bố hôm 22 tháng 7, Cha Lombardi cho biết: “Như mọi người đều biết, từ trong quá khứ, Tòa Thánh vẫn luôn bày tỏ sự sẵn sàng nếu có những điều kiện tiên quyết cần thiết, để có thể góp phần vào cuộc đối thoại. Nhưng cho đến nay, không có một thông tin chính thức nào được gửi đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cũng như tới Bộ ngoại giao Tòa Thánh để trình bày và xác định nội dung chi tiết lời yêu cầu như vậy”.

Ông Ernesto Samper, Tổng thư ký Liên Hiệp các nước Nam Mỹ đã gặp tổng thống Maduro hôm 21 tháng Bẩy và sau đó ông tuyên bố là sẽ thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi đại diện đến Venezuela. Ông Samper đã đến thủ đô Caracas để cùng với cựu thủ tướng José Zapatero của Tây Ban Nha thúc giục các phe liên hệ ở Venezuela ngồi lại với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng trầm trọng của đất nước về kinh tế và chính trị.

2. Đức Hồng Y Pietro Parolin giải thích quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô giữ thinh lặng khi viếng trại tử thần Auschwitz

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói rằng trong cuộc viếng thăm tại trại tập trung Auschwitz trong thinh lặng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tưởng niệm tất cả các nạn nhân của sự oán thù và điên rồ Đức quốc xã, và cả những nạn nhân của bạo lực mù quáng hiện nay, như nạn khủng bố.

Đức Hồng Y Parolin bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho Trung tâm truyền hình Vatican, truyền đi hôm 22 tháng 7. Trong cuộc viếng thăm trại Auschwitz, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định không đọc bài diễn văn nào, nhưng chỉ cầu nguyện trong thinh lặng.

Đức Hồng Y Parolin nói:

“Cuộc viếng thăm này của Đức Thánh Cha cũng là một sự cảnh giác trong thinh lặng: đứng trước những hành động kinh khủng, nhiều khi sự im lặng hùng hồn hơn là lời nói. Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha giữa các khu của trại tập trung, cũng muốn nhắc nhớ rằng đáng tiếc thay, ngày nay cũng có những tình trạng bạo lực, coi rẻ mạng sống con người, những tình trạng trong đó người ta xách động chia rẽ, sự dụng kinh hoàng, khủng bố, vì tư lợi, hoặc để theo đuổi những lợi lộc kinh tế và chính trị”.

Mặt khác, trong một bài đăng trên báo “Quan sát viên Roma” của Tòa Thánh, bà Noemi Di Segni, chủ tịch Cộng đoàn Do thái Italia, đã chào mừng quyết định của Đức Thánh Cha giữ thinh lặng trong cuộc viếng thăm Auschwitz, và nhận định rằng “trong một sự thinh lặng dài và khẩn trương, ngài có thể tập trung vào khía cạnh cảm xúc của cuộc viếng thăm rất có ý nghĩa này. Hình thức cầu nguyện của ngài sẽ mang lại một tiếng nói cho sự kêu than và đau khổ của nhiều nạn nhân.”

3. Đức Thánh Cha cám ơn bà Carmen Hernández

Đức Thánh Cha Phanxicô nhiệt liệt đề cao và cám ơn Bà Carmen Hernández, người đồng sáng lập Con đường Tân Dự Tòng, mới qua đời chiều ngày 19 tháng Bẩy tại Madrid, hưởng thọ 85 tuổi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây qua sứ điệp gửi đến Ông Kiko Arguello, người đã cùng với bà Carmen khởi xướng Con đường Tân dự tòng tại ngoại ô Madrid, Tây Ban Nhà vào cuối thập niên 1960, và nay đã có hơn 30 ngàn Cộng đồng thuộc Con đường này tại 120 nước trên thế giới.

Bà Carmen sinh năm 1930 tại tỉnh Navarra, Tân Ban nha, trong một gia đình thân phụ là người sáng lập công ty Herba, một trong những hãng về gạo quan trọng nhất tại nước này.

Sau khi tốt nghiệp ngành hóa học tại Đại học Madrid và làm việc một thời gian trong hãng của gia đình, Carmen đã quyết định theo đuổi ơn gọi thừa sai đã cảm thấy từ nhỏ và gia nhập Nữ Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô, và chuẩn bị đi truyền giáo. Nhưng rồi dòng tu này bị khủng hoảng trong thời kỳ Công đồng chung Vatican 2, khiến chị Carmen phải tìm con đường khác.

Về sau chị gặp ông Kiko Arguello, một họa sĩ, dấn thân loan báo cho những người nghèo, người du mục, người khuyết tật ở khu vực ngoại ô Madrid và đã cộng tác vào công trình này. Con đường Tân Dự Tòng nảy sinh từ đó và lớn mạnh với thời gian.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha được đọc lên trong lễ an táng Bà Carmen tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Madrid chiều ngày 21 tháng Bẩy vừa qua, do Đức Cha Carlos Osorio Sierra, Tổng Giám Mục sở tại chủ sự. Đức Thánh Cha viết:

Mến gửi ông Francisco Kiko Arguello, Con đường Tân dự tòng, Madrid

Tôi xúc động hay tin bà Carmen Hernández qua đời sau một cuộc đời dài, được ghi đậm bằng tình yêu đối với Chúa Giêsu và lòng hăng say truyền giáo. Trong giờ chia li đau thương này tôi gần gũi trong tinh thần, với lòng quí mến đối với thân nhân và toàn thể Con đường Tân dự tòng mà Bà là người đồng khai sáng, cũng như đối với toàn thể những người quí chuộng nhiệt huyết tông đồ của Bà được cụ thể hóa, nhất là trong việc đề ra một hành trình tái khám phá bí tích Rửa Tội và thường huấn về đức tin. Tôi cảm tạ Chúa vì chứng tá của người phụ nữ này, được linh hoạt bằng tình yêu chân thành đối với Giáo Hội mà Bà đã hiến toàn thân trong việc loan báo Tin Mừng nơi mọi môi trường, cả những môi trường xa lạ nhất, và không quên những người bị gạt ra ngoài lề. Tôi phó thác linh hồn Bà cho lòng từ nhân của Chúa, xin Chúa đón nhận linh hồn Bà trong niềm vui Phục Sinh vĩnh cửu và tôi khích lệ những người đã quen biết Bà và bao nhiêu người tham gia Con đường Tân Dự tòng hãy giữ cho mối quan tâm truyền giáo của Bà được luôn sinh động, hoạt động trong niềm hiệp thông thực sự với các Giám Mục và Linh mục, thực thi lòng kiên nhẫn và từ bi đối với tất cả mọi người. Với những ước nguyện ấy, tôi cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và vui lòng ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả những người hiện diện tại lễ an táng này”.

4. Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Porziuncola

Ngày 4 tháng 8 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến hành hương tại Porziuncola, ngôi thánh đường nhỏ ở bên trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ các thiên thần của các cha dòng Phanxicô gần Assisi.

Cuộc hành hương diễn ra 2 ngày sau khi khai mạc các buổi lễ kỷ niệm 800 năm ơn Toàn Xá tại Assisi.

Ngôi nhà thờ nhỏ dâng kính Đức Mẹ các thiên thần có lẽ được xây hồi thế kỷ thứ 4 và sau đó thuộc quyền sở hữu của các cha dòng Biển Đức. Nhà thờ được gọi là Porziuncola, nghĩa đen là mảnh đất nhỏ. Thánh đường bị bỏ hoang trong thời gian dài và là nhà thờ thứ 3 được thánh Phanxicô Assisi trực tiếp tu bổ sau khi nhận được mệnh lệnh từ Đấng Chịu Đóng Đanh trên thánh giá ở nhà thờ thánh Damiano.

Tại nhà thờ này, thánh Phanxicô hiểu rõ ơn gọi của mình và đã lập dòng Anh em Hèn mọn vào năm 1209. Tại đây, 2 năm sau, vào ngày 28-3 năm 1211, Clara được thánh Phanxicô trao áo dòng, khởi sự dòng thánh Clara.

Cách đây đúng 8 thế kỷ, tức là vào năm 1216, trong một thị kiến, thánh Phanxicô được chính Chúa Giêsu ban ơn toàn xá, hay cũng gọi là ơn Tha Thứ ở Assisi, việc ban ơn này được Đức Giáo Hoàng Onorio III phê chuẩn.

Để kỷ niệm 800 năm biến cố này, Đức Thánh Cha Phanxicô đến hành hương tại Porziuncola, mà ngài gọi là “con tim đang đập của dòng Anh Em Hèn mọn”.

Theo chương trình được công bố hôm 20 tháng Bẩy vừa qua, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng từ Vatican tới sân thể thao Migaghelli, lúc 3 giờ 40 chiều ngày 4 tháng 8, rồi dùng xe đến Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ các Thiên Thần. Tại đây vào lúc 4 giờ, ngài sẽ được Cha Michael Anthony Perry, Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô, cùng với cha Giám tỉnh Phanxicô miền Umbria và cha Bề trên tu viện địa phương đón tiếp.

Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện trong thinh lặng tại nhà thờ nhỏ Porziuncola, trước khi trình bày một bài suy niệm cho các tu sĩ và giáo dân hiện diện trong Vương cung Thánh Đường, dựa vào Tin Mừng theo thánh Mathêu, đoạn 18, từ câu 21 đến 35.

Sau bài suy niệm huấn giáo, Đức Thánh Cha sẽ chào thăm các Giám Mục và các Bề trên Phanxicô hiện diện, rồi đến bệnh xá nơi có 15 tu sĩ Phanxicô và 1 linh mục giáo phận đang được điều trị săn sóc. Ngài cũng chào thăm các nhân viên phục vụ tại đây.

Sau cùng, Đức Thánh Cha sẽ tiến ra thềm Đền thờ để chào thăm các tín hữu tụ tập tại đây, trước khi giã từ vào lúc 6 giờ chiều để trở về Roma, cách đó khoảng 200 cây số.

5. Tòa Thánh lên án vụ quân khủng bố Hồi Giáo IS cắt cổ một linh mục tại thành phố Rouen bên Pháp

Khoảng 9 giờ 45 sáng ngày thứ Ba 26 tháng Bẩy, hai tên khủng bố đã lẻn vào cửa sau thánh đường Saint-Etienne-du-Rouvray, gần Rouen ở mạn tây bắc Pháp. Trong cuộc tấn công, hai tên khủng bố dùng dao sát hại cha Jacques Hamel, 86 tuổi đang dâng lễ và làm bị thương một tín hữu khác. Lực lượng đặc biệt của Pháp đã bao vây và bắn chết hai tên khủng bố.

Phản ứng về sự kiện trên đây, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ra thông cáo nói rằng:

“Lại thêm một tin khủng khiếp, thêm vào một loạt những vụ bạo hành trong những ngày này làm cho chúng ta kinh hoàng xúc động, gây ra đau khổ vô biên và lo âu. Chúng tôi theo dõi tình hình và chờ thêm các thông tin để hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra.

“Đức Thánh Cha đã được thông báo và ngài chia sẻ nỗi đau đớn và kinh hoàng vì bạo lực vô nghĩa lý này, ngài quyết liệt lên án mọi hình thức oán ghét đồng thời cầu nguyện cho những người bị thương tổn. Chúng tôi đặc biệt xúc động vì bạo lực kinh khủng này xảy ra trong một thánh đường, một nơi thánh thiêng trong đó tình thương của Thiên Chúa được loan báo; bạo lực ấy là sự giết hại dã man một linh mục và liên quan đến các tín hữu.

Chúng tôi gần gũi với Giáo Hội tại Pháp, với Tổng giáo phận Rouen và với cộng đoàn bị tấn công, với nhân dân Pháp.”

6. Không có bất cứ thay đổi hay hủy bỏ nào trong chương trình tông du Ba Lan của Đức Phanxicô

Hôm 20 tháng Bẩy, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết sẽ không có bất cứ thay đổi hay hủy bỏ nào trong chương trình tông du Ba Lan của Đức Phanxicô, bất chấp những lo ngại tạo ra bởi các cuộc tấn công khủng bố gần đây nhất tại Nice, Pháp.

Cha cũng cho hay: không có bất cứ nhóm tín hữu nào hủy bỏ việc tham dự biến cố vĩ đại của tuổi trẻ Công Giáo thế giới lần này.

Cha Federico Lombardi nói với các phóng viên rằng có “những lo lắng cụ thể nào” về an ninh trong chuyến đi năm ngày đến Krakow và các khu vực lân cận ở miền nam Ba Lan của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các nhà tổ chức sự kiện này của Giáo Hội Ba Lan nói rằng họ dự kiến sẽ có những đám đông khổng lồ tại các sự kiện quan trọng. 1.8 triệu thanh niên hy vọng sẽ có mặt tại buổi Canh Thức với Đức Thánh Cha tối thứ Bẩy 30 tháng Bảy tại Cánh Đồng Lòng Thương Xót.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz của Krakow, thành phố chủ nhà của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nói với Crux hôm thứ Tư rằng “đối với những người chưa quyết định đến, tôi nói bạn nên đến” tình hình rất là an toàn.

Đức Hồng Y Dziwisz nhấn mạnh rằng tham gia vào Ngày Giới trẻ Thế giới, bất chấp bầu khí căng thẳng hiện nay, tiêu biểu cho một xác tín rằng một châu Âu hòa bình là có thể.

Trong suốt cuộc hành hương của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cầu nguyện âm thầm tại đài tưởng niệm Auschwitz và để lại một ngọn nến thắp sáng tại Birkenau là trại tàn sát người tù nhân trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.

7. An ninh tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Liên tiếp trong mấy tuần trước Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Lan, nhiều vụ khủng bố đã xẩy ra ở Hoa Kỳ, Pháp, Đức, khiến nhiều người lo ngại, mặc dù ban tổ chức khẳng định không có dấu hiệu đáng lo ngại nào đối với an ninh tại địa điểm tổ chức.

Ngay từ tháng Năm, lúc chưa xẩy ra các biến cố khủng bố nói trên, chính phủ Ba Lan đã lưu ý tới khía cạnh an ninh của việc tổ chức Đại Hội. Họ cho rằng địa điểm chính để tổ chức Đại Hội, tức Krakow, gặp khó khăn trong việc cung cấp chăm sóc y tế cũng như di tản nhanh chóng, vì đường lui tới địa điểm không được thỏa đáng và không đủ các cơ sở y tế. Hơn nữa, vì quá gần sông Vistula nên viễn ảnh bị lụt cũng có thể xảy ra.

Chính vì thế, ngoài việc cung cấp các lực lượng để duy trì an ninh cho Đại Hội, quân đội Ba Lan còn dựng thêm 4 chiếc cầu tạm để giải quyết việc lưu thông.

Quân Đội Ba Lan cũng cung cấp lều cho các tham dự viên, một bệnh viện dã chiến và việc chăm sóc y tế, được hỗ trợ bằng các máy bay CASA, 2 trực thăng với dụng cụ y khoa và các xe cứu thương. Các chuyên viên của quân đội sẽ kiểm soát khu vực để phát hiện bất cứ vật dụng nguy hiểm nào, trong khi máy bay thám thính từ trên không cũng sẽ được triển khai. Ngoài ra, vì trong tháng Bẩy, Ba Lan cũng là nơi hội họp của khối NATO, nên chính phủ đã triển khai việc kiểm soát biên giới.

Chính phủ Ba Lan quan tâm tới Đại Hội vì ngoài việc đây là một trong các công trình sáng tạo của người con yêu qúy nhất của đất nước trong hai thế kỷ 20 và 21, người được công chúng Ba Lan coi như vị vua không ngai của họ, nó còn mang đến cho họ Đức Phanxicô là một vị Giáo Hoàng không những họ muốn mà họ còn cần nữa, vì hoàn cảnh xã hội và chính trị hiện nay của họ.

Ba Lan hiện do đảng Luật Pháp và Công Lý cai trị, được coi như “đồng minh” của Giáo Hội ở đây. Nhưng gần đây, chính phủ đang bị nhiều cuộc biểu tình lớn phản đối và các chia rẽ xã hội ngày một gia tăng. Giáo Hội có lẽ là định chế duy nhất có thể trấn an tình hình. Thứ Năm vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki của Poznan, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã ra lời kêu gọi “hòa giải quốc gia”.

8. Các con số thống kê về Giáo Hội tại Ba Lan

Diện tích Ba Lan tương tự diện tích Việt Nam: 323,250 km vuông, nhưng dân số chỉ là 37,507,000 người, trong đó 36,607,000 người theo Công Giáo chiếm 97.6 phần trăm dân số. Giáo Hội ở đây, có 45 giáo phận, 10,379 giáo xứ và 786 trung tâm mục vụ. Hiện có 156 giám mục, 30,661 linh mục, 21,174 nam nữ tu sĩ 1,075 thành viên các viện tu đời, 14,154 giáo lý viên, 125 tiểu chủng sinh và 3,388 đại chủng sinh.

Giáo Hội hiện quản trị 1,425 trung tâm giáo dục Công Giáo mọi cấp, với 213,940 học viên , cũng như 39 trung tâm giáo dục đặc biệt. Giáo Hội cũng có 3,129 trung tâm bác ái xã hội, 54 bệnh viện, 293 bệnh xá, hai trại cùi, 214 nhà cho người cao niên hoặc khuyết tật, 383 viện mồ côi và nhà trẻ, 2,154 trung tâm cố vấn gia đình và các trung tâm khác để bảo vệ sự sống, và 2,190 viện thuộc các loại khác.

9. Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Nam Sudan

Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thư cho các vị lãnh đạo Nam Sudan kêu gọi chấm dứt nội chiến tại nước này.

Đức Hồng Y Turkson người Ghana đã đến thủ đô Juba của Nam Sudan và đã cử hành thánh lễ cho các tín hữu ở nhà thờ chính tòa địa phương. Ngài chuyển lời chào thăm và tình liên đới của Đức Thánh Cha với Cộng đoàn tín hữu, rồi sau lễ, Đức Hồng Y đã viếng thăm một số người tị nạn. Hôm sau, 18-7, Đức Hồng Y đã gặp tổng thống Nam Sudan và trao sứ điệp của Đức Thánh Cha. Ngài cũng mang theo một sứ điệp của Đức Thánh Cha cho cựu phó tổng thống Nam Sudan cũng là lãnh tụ phiến quân. Trong cả hai sứ điệp, Đức Thánh Cha kêu gọi hai bên chấm dứt tình trạng nội chiến hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican sau khi trở về Roma, Đức Hồng Y Turkson nói đến tình trạng dân chúng Nam Sudan đang phải sống trong tình trạng đau khổ, nghèo đói và thiếu an ninh, bệnh tật mà thiếu thuốc men. Hiện thời, tình hình tạm lắng dịu nhưng người ta lo sợ sẽ tái diễn tình trạng tuy có hiệp định hòa bình được ký kết, nhưng rồi đụng độ lại tái diễn, và dân chúng lại phải bỏ chạy. Đã 3 lần xảy ra như vậy.

Đức Hồng Y Turkson cho biết Đức Thánh Cha rất quan tâm tới tình hình Nam Sudan. Khi Đức Hồng Y đến chào ngài để chuẩn bị ra đi và xin ngài viết hai lá thư cho hai lãnh tụ đối nghịch nhau tại nước này, Đức Thánh Cha đã viết thư ngay, và nói: “Tôi cũng muốn tới Nam Sudan..”.

10. Tông Hiến của Đức Thánh Cha Phanxicô về đời sống của các nữ tu chiêm niệm

Sáng thứ Sáu 22 tháng Bẩy, Tông Hiến của Đức Thánh Cha Phanxicô về đời sống của các nữ tu chiêm niệm đã được công bố và giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

Tông Hiến mang tựa đề “Vultum Dei quaerere” (Tìm Nhan Thiên Chúa), mang chữ ký của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29-6 năm nay và được Đức TGM José Rodriguez Carballo, dòng Phanxicô, Tổng thư ký Bộ các dòng tu, trình bày với giới báo chí.

Văn kiện dài 18 trang theo bản tiếng Ý và được chia làm 37 đoạn: sau phần tiền đề, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của đời sống chiêm niệm trong Giáo Hội, rồi lần lượt bàn về 12 đề tài liên quan đến đời sống này, đó là: huấn luyện và cầu nguyện; Lời Chúa, Thánh Thể và Hòa giải; Đời sống huynh đệ và sự tự trị của các Đan viện; Liên hiệp các Đan viện và nội vi; Lao động và thinh lặng; Các phương tiện truyền thông và khổ chế. Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha liệt kê 14 qui định có tính chất pháp luật, theo tinh thần những điều được trình bày trong các phần trên.

Đi vào chi tiết hơn, người ta nhận thấy Tông Hiến mới của Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến việc thăng tiến một sự huấn luyện thích hợp, đề cao vị trí trung tâm của lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa; các tiêu chuẩn đặc thù để các cộng đoàn chiêm niệm được tự trị; vấn đề các đan viện họp thành một liên hiệp.

Đức Thánh Cha cho biết sở dĩ ngài ban hành Tông Hiến “Tìm Nhan Thiên Chúa” là vì hành trình của Giáo Hội 50 năm sau Công đồng chung Vatican 2 có nhiều thay đổi và vì những tiến bộ mau lẹ của lịch sử nhân loại. Vì thế, cần có sự đối thoại với xã hội hiện đại, nhưng vẫn duy trì các giá trị cơ bản của đời sống chiêm niệm, với những đặc tính như thinh lặng, lắng nghe, sự vĩnh cư, có thể và phải tạo nên một thách đố đối với não trạng ngày nay.

Về tầm quan trọng của đời sống chiêm niệm, Đức Thánh Cha khẳng định rằng trong một thế giới đang tìm kiếm Thiên Chúa – dù là một cách vô tình – những người thánh hiến phải trở thành những người đối thoại khôn ngoan, để nhận ra những câu hỏi mà Thiên Chúa và nhân loại đang đặt ra. Vì thế, sự tìm kiếm của họ đối với Thiên Chúa không bao giờ được ngừng lại.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các nữ tu chiêm niệm và nhấn mạnh rằng “Giáo Hội đang cần các chị để đưa Tin Mừng cho con người ngày nay. Đây không phải là một sứ mạng dễ dàng, xét vì thực tại ngày nay tuân hành những tiêu chuẩn quyền bính, kinh tế và tiêu thụ. Tuy nhiên, thách đố mà Đức Thánh Cha đề ra cho các nữ tu chiêm niệm là: làm sao trở thành những đèn pha, những ngọn đuốc sáng hướng dẫn và đồng hành hành trình của nhân loại, các chị là “những người canh ban mai” chỉ cho thế giới thấy Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Đời sống chiêm niệm là một hồng ân vô giá và không thể từ khước được đối với Giáo Hội. “Đời sống chiêm niệm là một chuyện tình say mê đối với Chúa và nhân loại, được biểu lộ qua sự hăng say tìm kiếm nhan Thiên Chúa, và đứng trước nhan Chúa, tất cả đều được điều chỉnh lại, vì dưới nhãn giới này, với cặp mắt thiêng liêng, con người có thể chiêm ngắm thế giới và sự vật với cái nhìn của Thiên Chúa.

Tiếp đến, đứng trước những cám dỗ, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nữ tu chiêm niệm hãy can đảm thi hành cuộc chiến tinh thần, kiên trì vượt thắng cám dỗ lâm vào tình trạng lãnh đạm, sống và hành động theo thói quen, không còn năng lực và ươn lười làm tê liệt.

11. Đức Thượng Phụ Ignatius Joseph III Yonan chỉ trích chính sách can thiệp của phương Tây vao Syria

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syriac hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh đã đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ các chính tri gia “Mỹ, Pháp, Anh, và Liên minh châu Âu” vì những nỗ lực của họ nhằm loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad. Sự can thiệp này vào nội tình Syria đã dẫn đến những cơn ác mộng cho các Kitô hữu trong khu vực.

Đức Thượng Phụ Ignatius Joseph III Yonan nói với tờ National Catholic Register rằng Syria là một nơi “chính phủ đã chiến đấu xóa nạn mù chữ, nơi mọi người được chăm sóc y tế, một đất nước thanh bình, nơi mà bạn có thể đi bất cứ nơi nào bạn muốn đi, 24 giờ một ngày mà không có bất kỳ vấn đề gì. Thế mà các cường quốc phương Tây lại thấy đất nước này có một chế độ độc tài mà họ phải bằng mọi cách lật nhào xuống”.

Đức Thượng Phụ nói thêm rằng Syria là “một trong quốc gia ôn hòa nhất trong khu vực. Nhưng ngày nay đất nước phải gánh chịu một trong những cuộc chiến tranh tôn giáo nặng nề nhất”. Ngài đưa ra nhận định trên khi công khai chỉ trích các quốc gia phương Tây đồng minh với “chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo của Ả Rập Saudi, Qatar và các quốc gia khác trong vùng Vịnh”.

Theo Đức Thượng Phụ có những thứ “chính trị lắt léo” đang ngăn chặn các cuộc thảo luận ở phương Tây về sự nguy hiểm của Hồi giáo cực đoan.

“Hãy đi thẳng vào chiều sâu của vấn đề: Đó không phải là vấn đề về sự nghèo khó” ngài nói. “Đó là vấn đề của Hồi giáo, Hồi giáo cực đoan, và hầu hết những người Hồi giáo Sunni là cực đoan. Tại sao? Bởi vì họ giải thích kinh Quran của họ theo nghĩa đen.”

12. Ðức Thánh Cha chia buồn về vụ thảm sát tại Munich.

Ðức Thánh Cha Phanxicô chia buồn về vụ thảm sát tại Munich làm cho 10 người bị thiệt mạng, kể cả thủ phạm.

Trong điện văn gửi đến Ðức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục giáo phận Munich, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức, Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:

“Ðức Thánh Cha Phanxicô kinh ngạc hay tin về sự kiện kinh khủng xảy ra tại Munich, trong đó nhiều người, nhất là người trẻ, bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng. Ngài chia sẻ nỗi đau khổ của những người sống sót và bày tỏ sự gần gũi của ngài với những ai phải đau khổ. Trong kinh nguyện, Ðức Thánh Cha phó thác những người qua đời cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những người bị thương tổn vì vụ sát hại này và cám ơn các lực lượng cứu trợ và an ninh vì sự dấn thân nhiệt thành và quảng đại của họ. Ðức Thánh Cha Phanxicô cầu xin Chúa Kitô, là Chúa Tể sự sống, ban cho tất cả mọi người ơn an ủi và nâng đỡ, đồng thời ban phép lành Tòa Thánh cho họ như bảo chứng niềm hy vọng”.

Thủ phạm vụ thảm sát tại tiệm ăn McDonald ở Munich hôm thứ Sáu 22 tháng 7 năm 2016 là Ali Sonboly, 18 tuổi, gốc Iran. Theo các giới chức điều tra, Ali đã chuẩn bị cuộc thảm sát này từ 1 năm nay.

Trong số 9 người bị Ali sát hại, đa số là người trẻ và có 7 người là người Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovar. Số người bị thương lên tới 35 người. Ali tự sát lúc 20 giờ 30 trong khi một toán cảnh sát tìm cách liên lạc với anh ta.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …