Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 20/8 – 26/08/2015: Tình cảnh người tị nạn trên thế giới

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 20/8 – 26/08/2015: Tình cảnh người tị nạn trên thế giới

 

1. Đức Thánh Cha chọn đề tài Ngày Thế Giới di dân và tị nạn 2016

Đức Thánh Cha đã chọn đề tài cho Ngày Di dân và Tị Nạn sẽ được cử hành ngày 17 tháng Giêng năm 2016 là “Những người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta. Câu trả lời của Tin Mừng lòng thương xót”.

Trong thông cáo về đề tài này, Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người tị nạn giải thích rằng đề tài được Đức Thánh Cha chọn phải được đặt trong bối cảnh Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót được cử hành từ ngày 8-12 năm nay đến 20-11 năm 2016. Có hai khía cạnh được nhấn mạnh trong đề tài:

– Trước tiên, người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta, muốn chúng ta chú ý đến thảm trạng của bao nhiêu người buộc lòng phải bỏ quê hương. Chẳng hạn chúng ta không được quên thảm trạng bao nhiêu người vượt biên trên biển cả.

Đứng trước nguy cơ quên lãng hiện tượng ấy, Đức Thánh Cha trình bày trình trạng đau thương của người di dân và tị nạn như một thực tại đang đặt câu hỏi cho chúng ta. Trong Tông Sắc “Misericordiae vultus” (Tôn Nhan Thương Xót), ngài viết: “Chúng ta đừng rơi vào thái độ dửng dưng gây tủi nhục, thái độ quá quen thuộc làm cho tâm hồn không còn nhạy cảm, ngăn cản việc khám phá điều mới mẻ, đừng rơi vào thái độ sống chết mặc bay tàn hại. Chúng ta hãy mở to đôi mắt để nhìn những lầm than của thế giới, những vết thương của bao nhiêu anh chị em bị tước mất phẩm giá, và chúng ta hãy cảm thấy bị thúc bách lắng nghe tiếng kêu cứu của họ..” (n.15)

– Phần thứ hai của đề tài là: “Câu trả lời của Tin Mừng thương xót” muốn liên kết rõ ràng hiện tượng di dân và câu trả lời của thế giới, đặc biệt là của Giáo Hội. Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha mời gọi dân Chúa hãy suy tư trong Năm Thánh về những việc từ thiện bác ái về thể lý và tinh thần, và không nên quên rằng chính Chúa Kitô hiện diện nơi những người bé mọn nhất, và vào cuối đời chúng ta sẽ bị phán xét về câu trả lời tình thương của chúng ta” (Xc Mt 25,31-45).

Trong tư cách là môn đệ Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn luôn được mời gọi “loan báo sự giải thoát cho những người đang là tù nhân của những hình thức nô lệ mới trong xã hội tân thời” (Misericordiae vultus, 16), đồng thời phải đào sâu tương quan giữa công lý và từ bi, là hai khía cạnh của cùng một thực tại duy nhất (Mis. vultus 20).

Sau cùng, Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân khuyến khích các giáo phận và các cộng đoàn Kitô đề ra những sáng kiến cử hành Ngày Thế giới di dân và tị nạn cũng như những công việc bác ái trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng thương xót, không quên gây ý thức trong các cộng đoàn về hiện tượng di dân. Những điều này không phải chỉ thu hẹp trong Ngày Di dân mà thôi nhưng còn kéo dài.

2. Đức Thánh Cha cảm tạ Chúa vì Cộng đoàn Taizé

Đức Thánh Cha Phanxicô cảm tạ Thiên Chúa vì Cộng đoàn Taizé và biểu lộ lòng quí mến đối với mọi thành viên Cộng đoàn này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thư gửi đến Thầy Alois Tu viện trưởng và Cộng đoàn Taizé nhân dịp kỷ niệm 3 biến cố: 75 năm thành lập, 100 năm sinh nhật của thầy Roger và 10 năm thầy qua đời.

Thư của Đức Thánh Cha được Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô, tuyên đọc trong buổi lễ kỷ niệm ở Taizé ngày 16 tháng 8 và được công bố tại Vatican một ngày sau đó. Lá thư có đoạn viết:

“Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nói với các bạn trẻ nhân dịp cuộc gặp gỡ Âu Châu do Cộng đoàn Taizé tổ chức tại Roma năm 2012, Thầy Roger là một ‘chứng nhân không biết mệt mỏi của Tin Mừng hòa bình và hòa giải, được ngọn lửa đại kết thánh thiện linh hoạt’ (Diễn văn 29-12-2012).

“Chính ngọn lửa ấy đã thúc đẩy Thầy thành lập một cộng đoàn có thể coi như một “dụ ngôn đích thực về tình hiệp thông”, cho đến nay đã giữ một vai trò quan trọng để bắc những cây cầu huynh đệ giữa các tín hữu Kitô.

“Thầy Roger hăng say tìm kiếm sự hiệp nhất của Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô, Thầy cởi mở đối với những kho tàng được gìn giữ trong các truyền thống Kitô khác nhau, nhưng không vì thế mà cắt đứt quan hệ với nguồn gốc Tin Lành của Thầy. Do sự kiên trì đã chứng tỏ trong cuộc sống lâu dài, Thầy đã góp phần thay đổi những quan hệ giữa các tín hữu Kitô còn bị chia rẽ, vạch ra cho nhiều người một con đường hòa giải.

“Được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh, Thầy Roger cũng tham chiếu giáo huấn của các Thánh Giáo Phụ, Thầy kín múc nơi các nguồn mạch Kitô giáo và biết hiện tại hóa các nguồn ấy cho nơi giới trẻ”.

“Thầy Roger yêu mến người nghèo, những người kém may mắn, những người có vẻ không có gì đáng kể. Trong cuộc sống của Thầy và của các tu huynh, Thầy đã chứng tỏ rằng kinh nguyện đi song đối với tình liên đới giữa con người.

“Tôi cảm tạ Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Linh, vì cuộc sống dâng hiến của Thầy Roger, cho đến cái chết vì bạo lực của Thầy. Ước gì Cộng đoàn Taizé luôn duy trì nồng nhiệt chứng tá mà Thầy đã làm cho Chúa Kitô phục sinh và lời kêu gọi Thầy không ngừng lập lại “hãy chọn lựa yêu thương”

3. Tòa Thánh bác bỏ khả năng Đức Thánh Cha gặp gỡ phiến quân cộng sản Colombia

Trong cuộc họp báo hôm 21 tháng 8, Phó Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh chuyên về tiếng Tây Ban Nha là cha Ciro Benedettini, cho biết trong cuộc viếng thăm mục vụ tại Cuba từ ngày 19 đến 22 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ không gặp các lãnh tụ phiến quân cộng sản trong “Mặt trận võ trang cách mạng Colombia”, gọi tắt là FARC.

Antonio Lozada, một nhà đàm phán của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia đã được gặp Đức Tổng Giám Mục Luis Augusto Castro, là Tổng Giám Mục Tunja và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia tại Havana hôm thứ Hai 17 tháng 8.

Sau cuộc họp, Antonio Lozada cho biết Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia muốn được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài đến thăm Cuba vào tháng 9 tới đây. Antonio Lozada cho rằng nếu được gặp Đức Giáo Hoàng và nếu Tòa Thánh đồng ý cử một đại diện thường trực tham gia vào các giai đoạn cuối cùng của đàm phán thì mọi bế tắc hiện nay sẽ được khai thông.

Hôm 17 tháng 8, ông Ivan Marquez, đại diện lực lượng FARC tại Havana cũng nói với giới báo chí rằng: “Chúng tôi muốn nồng nhiệt chào mừng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và chúng tôi hy vọng được cơ hội này”.

Trong 3 năm qua chính phủ Colombia và phiến quân FARC đã có những cuộc hòa đàm tại Cuba, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt tới một hiệp định chung kết vì phiến quân cộng sản tiếp tục chiến thuật vừa đánh vừa đàm. 

Cha Benedettini nói: “Dĩ nhiên Đức Giáo Hoàng vui mừng hoạt động cho hòa bình và có lẽ ngài sẽ tìm một thời điểm thuận tiện hơn để bày tỏ sự hỗ trợ của ngài đối với các cuộc hòa đàm Colombia. Tuy nhiên, không có dự trù cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và đại diện lực lượng FARC trong cuộc viếng thăm của ngài tại Cuba”.

Phiến quân FARC chiến đấu chống chính phủ Colombia từ 55 năm nay và cuộc xung đột đã làm cho khoảng 220 ngàn người thiệt mạng.

Nhiều nguồn tin tại Colombia hy vọng Đức Thánh Cha có thể bao gồm Colombia trong chuyến tông du Nam Mỹ vào năm 2016, khi ngài trở lại thăm lần đầu tiên quê hương Á Căn Đình của mình.

Với dân số gần 50 triệu người, Colombia có cộng đồng Công Giáo lớn thứ sáu trên thế giới, sau Brazil, Mexico, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ, và Ý. Theo một nghiên cứu năm 2013 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 85 phần trăm dân số của Colombia nhận mình là người Công Giáo.

4. Nhật lo lắng về nạn tự tử trong giới trẻ tại nước này

Bản tin của Asia-News, cơ quan thông tin của Pontificio Istituto Missioni Estere – Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, trong số ra ngày 20 tháng 8 trích thuật báo cáo của Văn phòng Nội Các Chính Phủ Nhật, trong đó ghi nhận 18,048 trường hợp tự tử, giữa năm 1971 và năm 2013, liên quan đến trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi từ.

Nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các vụ tự tử xảy ra vào những ngày lễ của Nhật Bản cuối mùa xuân và mùa hè. Nghiêm trọng nhất là vụ 131 thiếu niên tự sát vào ngày 1 tháng Chín năm ngoái. Con số tự tử vào ngày 1 tháng Chín hàng năm chưa bao giờ dưới mức 100 người trong suốt một thập niên qua. Vì thế, ngày 1 tháng Chín năm nay đến trong âu lo của nhiều người.

Ngày 11 tháng Tư hàng năm cũng là một ngày khủng khiếp với con số trung bình số ca tự tử là 99 trường hợp, theo sau là ngày 8 tháng Tư, rồi ngày 02 tháng 9 và 31 tháng 8 với 95, 94 và 92 các vụ tự tử.

Trong những năm gần đây, tính trung bình mổi ngày có 49 trường hợp tự tử.

Các cuộc điều tra của chính phủ cho thấy một trong những lý do chính dẫn đến tự tử trong số các học sinh trung học và tiểu học là những hục hặc trong gia đình. Nguyên nhân tiếp theo là sự thất bại ở trường, mối quan tâm về sự lựa chọn nghề nghiệp, bệnh tâm thần và trầm cảm.

Theo cha Cazzaniga, Nhật Bản là một trong những nước có mức giáo dục cao nhất với khoảng 80 phần trăm sinh viên có được một nền giáo dục sau trung học. Tuy nhiên, “các chương trình giáo dục được thúc đẩy bởi nhu cầu của nền kinh tế quá nhấn mạnh đến các ngành khoa học tự nhiên hơn là khoa học nhân văn. Trẻ em được đào tạo để thúc đẩy sự phát triển của đất nước,” ngài nói.

Hậu quả cúa nền giáo dục và kinh tế ấy là một xã hội vô thần, hiện sinh, thực dụng và tranh đua quyết liệt.

Kitô giáo đến với Nhật Bản nhờ các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm, và đặc biệt là các linh mục dòng Tên, chẳng hạn như Thánh Phanxicô Xaviê. Người Công Giáo đã thành lập nên thành phố Nagasaki, có thời được xem là trung tâm Kitô giáo quan trọng nhất ở vùng Viễn Đông.

Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.

Theo Niên Giám của Tòa Thánh năm 2011, Nhật Bản có khoảng 509,000 người Công Giáo tức là chưa tới 0.5% tổng dân số. Tuy thế, Nhật vẫn có đến 16 giáo phận, trong đó có ba tổng giáo phận với 1589 linh mục và 848 giáo xứ trong cả nước.

Đức Thánh Cha Phanxicô có một tình cảm đặc biệt với Nhật Bản, Nhiều lần ngài giải thích rằng khi còn nhỏ ngài đã muốn trở thành một nhà truyền giáo ở Nhật Bản. Hôm thứ Tư 21 tháng 8 năm 2015, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp đặc biệt dành cho 200 bạn trẻ Nhật Bản tại Vườn Damasus. Đây là một sự kiện bất thường bởi các vị Giáo Hoàng hiếm khi chào đón du khách trong tháng Tám. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngần ngại gặp gỡ cá nhân với nhóm bạn trẻ này.

5. Đức Hồng Y Kurt Koch: Thông điệp Laudeto Sí đẩy mạnh hiệp nhất Kitô Giáo

Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo nói trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ trên tờ Quan Sát Viên Rôma rằng thông điệp Laudeto Sí của Đức Thánh Cha Phanxicô về sinh thái không chỉ thúc đẩy sự hiệp nhất giữa Công Giáo với Chính Thống Giáo, nhưng cũng có khả năng giúp vượt qua những ngăn cách với các hệ phái Kitô khác.

Đức Hồng Y Kurt Koch nói: “Sự hợp tác giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Chính Thống Giáo Constantinople không phải là chuyện mới lạ. Chúng ta không được quên rằng đã có một sự hợp tác tuyệt vời giữa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô.”

Ngài nói tiếp:

“Chúng ta phải nhận ra rằng cuộc đối thoại đại kết phát triển trên những mức độ khác nhau: đại kết về bác ái, về quan hệ hữu nghị, về thần học, văn hóa và về sự hợp tác chung. Tôi cho rằng điều quan trọng là chúng ta cần đào sâu các cuộc đối thoại về sự hợp tác để bảo vệ phẩm giá của người nghèo.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng:

“Giữa các Kitô hữu với nhau, chẳng may là có những khác biệt rất lớn về đạo đức sinh học và đạo đức về tính dục trong bối cảnh về giới tính. Về vấn đề này, thông điệp có thể giúp tìm thấy một sự hiểu biết chung.”

6. Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Ukraine

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho quốc gia Ukraine.

Ngài nói: “Tôi rất âu lo theo dõi cuộc xung đột tại vùng đông Ukraine lại gia tăng trong các tuần vừa qua. Tôi lập lại lời kêu gọi để các dấn thân đã có được tôn trọng, hầu đạt đến việc bình định với sự trợ giúp của các người thiện chí và để đáp ứng cấp thiết trợ giúp nhân đạo trong nước này. Xin Chúa ban hoà bình cho Ucraine, đang sửa soạn cử hành quốc lễ ngày mai. Xin Đức Trinh Nữ Maria bầu cử cho chúng con!”

Khoảng 6,500 người đã bị giết trong cuộc xung đột do Nga và phiến quân thân Nga ở miền Đông nước này gây ra sau khi Nga đã thôn tính bán đảo Crimea vào tháng Ba năm 2014.

Trong tuần qua, giao tranh đã bùng nổ dữ dội tại Donetsk trong khi tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine kêu gọi các đảng phái đoàn kết chống quân Nga xâm lược. Tình hình tại Ukraine trở nên phức tạp sau khi các đảng phái tại Ukraine chia rẽ với nhau về một dự thảo tu chính hiến pháp nhằm đương đầu với cuộc chiến đòi ly khai của các hậu duệ người Nga tại miền Đông Ukraine và cuộc xâm lăng của Nga. Dự thảo tu chính hiến pháp này sẽ được bỏ phiếu tại quốc hội Ukraine vào ngày 31 tháng 8 tới đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ The National Interest, được công bố hôm 20 tháng 8, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissenger, năm nay 92 tuổi, đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ “đừng ủng hộ Kiev bằng mọi giá”. Năm 1972, Henry Kissenger cũng đã từng thúc giục Mỹ “đừng ủng hộ Sàigòn bằng mọi giá”. Số phận của Ukraine có lẽ rồi ra cũng giống như Miền Nam Việt Nam.

7. Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2016

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong cuộc họp báo giới thiệu Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2016 được tổ chức vào ngày đầu năm Dương Lịch, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình giải thích rằng:

“Đây là sứ điệp thứ 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa Bình thế giới. Sự dửng dưng lãnh đạm đối với những tai ương ngày nay là một trong những lý do chính làm cho thiếu hòa bình trên thế giới. Sự dửng dưng ngày nay thường gắn liền với nhiều hình thức cá nhân chủ nghĩa, tạo nên sự cô lập, u mê, ích kỷ, và do đó không dấn thân. Sự gia tăng thông tin tự nó không có nghĩa là gia tăng sự chú ý đối với các vấn đề, nếu không kèm theo một sự cởi mở của lương tâm con người theo chiều hướng liên đới; và với mục đích ấy, điều tối cần thiết là sự đóng góp của các giáo chức, các nhà đào tạo, các nhân viên văn hóa và truyền thông, các nhà trí thức và các nghệ sĩ, có thể dành cho các gia đình. Ta chỉ có thể khắc phục sự dửng dưng bằng cách cùng nhau đương đầu với thách đố này.”

Sứ điệp khẳng định mạnh mẽ rằng:

“Hòa bình cần phải được chinh phục: đó không phải là một thiện ích người ta có thể đạt được mà không cần cố gắng, không cần hoán cải, không có tinh thần sáng tạo và trao đổi. Vấn đề ở đây là gây ý thức và huấn luyện về ý thức trách nhiệm đối với những vấn đề rất trầm trọng đang đè nặng trên gia đình nhân loại, như trào lưu cực đoan và các cuộc thảm sát do nó gây ra, những cuộc bách hại vì tín ngưỡng và chủng tộc, những vi phạm tự do và các quyền của các dân tộc, sự bóc lột và nô lệ hóa con người, nạn tham nhũng và tội phạm có tổ chức, chiến tranh và thảm trạng người tị nạn và cưỡng bách di dân. Đồng thời công trình gây ý thức và huấn luyện như thế cũng liên quan tới những cơ hội và những dịp bài trừ các tai ương ấy: phát triển một nền văn hóa tôn trọng luật pháp và giáo dục về đối thoại và cộng tác là những hình thức cơ bản về phản ứng xây dựng trong bối cảnh này.

“Một lãnh vực trong đó hòa bình có thể được xây dựng ngày qua ngày bằng cách vượt thắng sự dửng dưng, đó là lãnh vực những hình thức nô lệ trên thế giới ngày nay, cũng là đề tài sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới 2015 “Không còn là nô lệ nhưng là anh chị em”. Cần tiếp tục sự dấn thân này, với ý thức và gia tăng cộng tác.

“Hòa bình là điều có thể tại nơi nào quyền của mỗi người được nhìn nhận và tôn trọng, theo tự do và công lý. Sứ điệp năm 2016 muốn là một văn kiện từ đó khởi hành để tất cả mọi người thiện chí, đặc biệt là những người làm việc trong ngành giáo dục, văn hóa và trong các phương tiện truyền thông, hành động – mỗi người theo khẳ năng và khát vọng tốt đẹp nhất của mình – cùng nhau kiến tạo một thế giới ý thức và từ bi hơn, và nhờ đó xây dựng một thế giới tự do và công chính hơn”.

8. Đức Thánh Cha nhắc nhở các gia đình, đặc biệt là các đôi tân hôn noi gương Thánh Jean Eudes 

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày 19 tháng 8, Giáo Hội kính nhớ thánh Jean Eudes, cho nên trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 19 tháng 8, Đức Thánh Cha đã chào các nhóm hành hương Pháp, đặc biệt các linh mục trong ngày lễ thánh Jean Eudes. Ngài nói trong lúc khó khăn này của lịch sử chúng ta hãy xin Chúa nâng đỡ các gia đình trong cuộc sống thường ngày và trong sứ mệnh của các gia đình ấy. Xin Chúa cho các gia đình can đảm và trung thành giữ gìn các giá trị nền tảng của thụ tạo.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn Đức Thánh Cha cũng cầu mong lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Mẹ Maria của thánh nhân dậy giới trẻ biết chạy đến cầu khẩn sự bầu cử của thánh nhân trên con đường thiêng liêng; khích lệ các anh chị em bệnh nhân đương đầu với khổ đau trong đức tin; và khuyến khích các đôi tân hôn biết giáo dục con cái Chúa sẽ ban cho họ.

Thánh Jean Eudes sinh ở Normandy, nước Pháp năm 1601. Ngài là con trai trưởng của một gia đình sống về nghề nông. Ngay khi còn nhỏ, ngài đã noi gương Chúa Giêsu trong cách đối xử với gia đình, bạn hữu và láng giềng. Khi lên chín, cậu Jean Eudes bị một đứa hàng xóm tát vào mặt. Thật tức giận, cậu định trả đũa, nhưng cậu Jean Eudes nhớ lời Chúa trong Phúc Âm: “hãy đưa má bên kia,” và cậu đã làm như vậy.

Cha mẹ của Jean Eudes muốn ngài kết hôn lập gia đình. Nhưng Jean Eudes từ tốn và cương quyết thuyết phục cha mẹ rằng ngài có ơn gọi đi tu. Ngài gia nhập cộng đoàn Oratory và học làm linh mục. Sau khi là linh mục, một trận dịch hạch lớn càn quét Normandy khiến nhiều người chết và đau khổ. Cha Jean Eudes tình nguyện giúp đỡ người đau yếu, chăm sóc thể xác cũng như linh hồn của họ. Sau này, ngài trở thành nhà thuyết giảng nổi tiếng trong các tuần đại phúc giáo xứ. Thật vậy, suốt cuộc đời, tổng cộng ngài đã thực hiện 110 cuộc giảng phòng. Cha Jean Eudes cũng góp phần quan trọng trong việc thành lập các dòng tu: các nữ tu của Ðức Bà Bác Ái và nữ tu Chúa Chiên Lành. Cha Jean Eudes cũng thành lập Tu Hội của Ðức Giêsu và Ðức Maria dành cho nam giới. Tu hội này chuyên huấn luyện các linh mục tương lai cho giáo xứ.

Cha Jean Eudes rất yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Tâm Ðức Maria. Ngài viết sách về sự sùng kính này. Trong một cuộc giảng phòng ngoài trời lạnh, Cha Jean Eudes bị lâm bệnh nặng mà không bao giờ bình phục. Ngài từ trần năm 1680. Ðến năm 1908, ngài được Thánh Giáo Hoàng Piô X phong chân phước, và đến năm 1925, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh.

9. Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti so sánh thông điệp Laudeto Sí với thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự)

Trong một bài báo đăng trên trang nhất tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 21 tháng 8, Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti của tổng giáo phận Perugia-Città della Pieve nói rằng thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô về chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta có thể so sánh được với thông điệp xã hội mang tính đột phá của Đức Giáo Hoàng Lêô thứ XIII, là thông điệp Rerum Novarum, thường được dịch sang Việt Ngữ là Tân Sự.

Đức Hồng Y Bassetti viết rằng vào năm 1891, Đức Giáo Hoàng Leo đã hướng “cái nhìn từ mẫu của Giáo Hội” vào những vấn nạn lao động trong quá trình chuyển đổi quan trọng từ một xã hội nông nghiệp sang một xã hội kỹ nghệ với cuộc cách mạng công nghiệp.

Đức Hồng Y Bassetti viết tiếp:

“Bây giờ chúng ta đang sống trong một thời gian rất quan trọng tương tự như quá trình chuyển đổi đó, một quá trình được dự đoán bởi Cha Romano Guardini trong cuốn The End of The Morndern World – Ngày Tàn của Thế Giới Hiện Đại – trong đó có một ‘kẻ phi nhân’ tuyên bố thống trị vô hạn đối với thiên nhiên và một ‘nhà nước hùng bá về kinh tế, kỹ thuật, và tổ chức’ khẳng định quyền lực vô hạn trên nhân loại và thụ tạo”

Ngài kết luận rằng thách thức quan trọng nhất của Laudato Sí, do đó, là thách thức chống lại thứ quyền lực tưởng chừng bất khả chế ngự của “mô hình kinh tế kỹ thuật.”

Thông điệp Tân Sự của Ðức Lêô XIII về hoàn cảnh của giới công nhân, được công bố ngày 15 tháng 05 năm 1891, được coi như một giáo huấn đầu tiên về xã hội của Giáo Hội. Với một nội dung ôn hoà, nhưng sắc sảo và chính xác, tấn công vào các vấn đề và xuất phát từ cấp cao nhất của Giáo Hội, thông điệp nhanh chóng gây được một tiếng vang rộng lớn trong giới báo chí. Bức thông điệp được một số tuyên ngôn của các đảng phái xã hội đánh giá cao trong khi một số khác tuyên bố rằng nó đã phá đổ hẳn bức tường ngăn cách giữa Giáo Hội và thế giới hiện đại và làm trổi dậy mối thiện cảm đối với Giáo Hội.

Ngày nay thông điệp Laudato Sí của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc bảo vệ ‘căn nhà chung’, cũng có những ảnh hưởng lớn trên các chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 11 tháng 8, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ấn định Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên, cử hành vào ngày 1-9 hằng năm, Đức Hồng Y Turkson nói: “Các chính phủ và các vị lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã bắt đầu lắng nghe. Và tôi có bằng chứng về điều đó. Ngày 29-6 năm nay, tôi ở New York, hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh, trong cuộc thảo luận về vấn đề thay đổi khí hậu. Các bài phát biểu đều trích dẫn Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Mặc dù Thông điệp không hẳn nói về đề tài “sự thay đổi khí hậu”, nhưng về thiên nhiên và môi sinh học toàn diện, những các bài tham luận, bài này tới bài khác, đều trích dẫn phần Thông Điêp bàn về vấn đề thay đổi khí hậu. Vì thế, âm hưởng của Thông điệp là điều đã được kiểm chứng”.

10. Đức Thượng Phụ Giêrusalem lên án Do Thái xây tường ngang qua tu viện dòng Salêsiêng và gia cư của các Kitô hữu

Sau một quyết định của tòa thượng thẩm Israel, các công nhân đã tái tục việc xây dựng bức tường an ninh ở Bờ Tây trong thung lũng Cremisan, ngang qua tu viện dòng Salesien và những mảnh đất của 58 gia đình Kitô hữu Palestine.

Trong thông cáo đưa ra hôm 20 tháng 8, Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem cho biết:

“Tòa Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Latinh Giêrusalem mạnh mẽ lên án hành động này của Israel, tiến hành bất kể quyền lợi của các gia đình; là những quyền mà các gia đình đã mạnh dạn cùng cố gắng bảo vệ trước pháp luật trong một thập kỷ qua. Chúng tôi hiệp thông với nỗi buồn và sự thất vọng của các gia đình những người bị áp bức, và chúng tôi cực lực lên án sự bất công đối với họ.”

Hôm 25 tháng Năm 2014, hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô cúi đầu cầu nguyện, ép lòng bàn tay của mình chống lại bức tường bê tông, và cụng đầu như muốn xô đổ “bức tường ngăn cách” của Israel được nhanh chóng truyền đi khắp thế giới như một cử chỉ phản kháng mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Công Giáo trước một biểu tượng của sự chia rẽ và xung đột trong một thế giới với quá nhiều những dàn xếp lắt léo mà cuối cùng phần thiệt đè nặng trên vai những người dân nghèo vô tội.

Được xây dựng bởi Israel như một hàng rào an ninh để bảo vệ công dân của mình khỏi bị tấn công sau phong trào intifada lần thứ hai, bức tường dài 438 km này bò như một con rắn chia cách khu vực Tây Ngạn, xuyên qua những dải lãnh thổ Palestine, chia cách các cộng đồng cư dân Palestine. Bên cạnh những thiệt hại kinh tế trầm trọng, nó đã trở thành một biểu tượng của sự chiếm đóng của Israel.

11. Tình hình người tị nạn Syria

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hôm thứ Năm 6 tháng 8, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bất ngờ mở cuộc tấn công dữ dội vào al-Qaryatayn, một thị trấn miền trung Syria nơi có 15,000 dân phần lớn là các tín hữu Kitô, và bắt đi hàng trăm cư dân của thị trấn này.

Diễn biến này đang gây ra một làn sóng chạy nạn Hồi Giáo mới. Giữa cái nóng sa mạc chói chang, hàng chục ngàn người bỏ chạy về phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng cõng trên lưng những gì là quý giá nhất đối với họ. Đây là những hình ảnh những người tị nạn Syria mệt mỏi đang băng qua biên giới vào bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay 4 triệu người Syria đã phải bỏ nước ra đi. Cả 1 triệu người đã phải chạy qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, Li Băng và Jordan trong 10 tháng vừa qua. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chỉ riêng từ đầu tháng 8 đến nay đã có 24,000 người Syria tràn vào lãng thổ của họ. Nhiều người đã rất già và cả những trẻ sơ sinh cũng phải trải qua một cuộc hành trình gian khổ. 

Trong năm 2014 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành quốc gia có đông người tị nạn nhất trên thế giới với hơn 2 triệu người tị nạn trong đó 1.8 triệu là người Syria. 

Li Băng đã mở rộng vòng tay đón tiếp 1,172,000 (một triệu một trăm bảy mươi hai ngàn người tị nạn Syria). Đất nước chỉ có 4 triệu dân nay có tới hơn 6 triệu dân.

Tron khi đó, 629,000 người Syria đã xin tị nạn tại Jordan và đang sinh sống trong những hoàn cảnh rất cơ cực. 86% phải sống bên ngoài các trại tị nạn ở dưới mức nghèo cơ cực với 3.2 Mỹ Kim một ngày cho một gia đình.

Nhiều người liều chết vượt biển Địa Trung Hải vào Âu Châu. Tuy nhiên, đa số vẫn sống cơ cực trong vùng. Con số những người tị nạn Syria không ngừng gia tăng. Cho đến cuối năm nay có lẽ con số những người tị nạn Syria sẽ lên đến 4,270,000 người. Bên cạnh đó, ít nhất 7,600,000 người phải di tản bên trong Syria.

12. Thống kê về số người phải di dời vì các cuộc xung đột

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như bản tin chúng tôi vừa loan, Đức Thánh Cha đã chọn đề tài cho Ngày Di dân và Tị Nạn sẽ được cử hành ngày 17 tháng Giêng năm 2016 là “Những người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta. Câu trả lời của Tin Mừng lòng thương xót”.

Nhân đây, Thảo Ly xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài con số thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc được đưa ra hôm 21 tháng 7.

Trong năm 2010 ưóc tính mỗi ngày trên toàn thế giới có 10,900 người phải bỏ nhà cửa chạy trốn các cuộc xung đột vũ trang.

Năm 2013, con số này tăng vọt lên 32,000 người mỗi ngày.

Năm 2014, con số này vẫn tiếp tục tăng ở mức chóng mặt là 42,500 người mỗi ngày.

Vào cuối năm 2014 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có đông người tị nạn nhất với 1.59 triệu người. Con số này đã lên tới 2 triệu người vào tháng 7 vừa qua. Pakistan có 1.51 triệu người tị nạn, Li Băng 1.15 triệu, Iran 982,000, Ethioia là 659,500, và Jordan là 654,000.

Tính chung trên thế giới đến cuối năm 2014 có 59.5 triệu người bị bứng khỏi cố hương. Con số này là 51.2 triệu người vào năm 2013 và 37.5 triệu người vào năm 2005.

13. Quân khủng bố IS tàn phá tu viện cổ kính Syria.

Tu viện Mar Elian cổ xưa có từ thế kỷ thứ V sau tây lịch tọa lạc tại thành phố Qaryatayn bên Syria, vừa bị quân khủng bố Hồi Giáo IS triệt phá thành bình địa.

Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO, gọi hành vi này là tàn bạo. Bà nói rằng từ sau thế chiến thứ Hai đến nay quân khủng bố Hồi Giáo IS là nhóm vũ trang “tàn bạo nhất”, phá hủy một cách có hệ thống các di tích lịch sử. Bà kêu gọi chính quyền các nước khẩn cấp ngăn chặn nạn buôn bán các hiện vật, là một trong những nguồn thu nhập của quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bắt đầu tấn công vào Qaryatayn hồi tháng 5 năm 2015, chúng đã bắt cóc cha Jacques Mourad, viện trưởng tu viện Mar Elian dẫn đi biệt tích cho đến nay. Toàn thể nhân sự của tu viện đã phải chuyển dời sang Deir Mar Musa, một tu viện khác trong vùng. Từ ngày 06 tháng 8, khi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được thị trấn Qaryatayn, không ai có tin tức từ tu viện Mar Elian nữa. Sau đó, nhiều hình ảnh được quân khủng bố Hồi Giáo IS tung lên mạng cho thấy cảnh tàn phá tu viện, từ tháp chuông đến thánh giá và khu vực khảo cổ. 

Tu viện Mar Elian bị tàn phá là một di tích được UNESCO liệt vào danh sách các di tích thế giới. Đó là một ốc đảo an bình đối với người dân trong vùng, nhất là người hồi giáo, và là một dấu chỉ hy vọng. Trước đây có khoảng 47, 48 gia đình kytô sống trong vùng này, với hơn 100 trẻ em. Cộng đoàn tu viện Deir Mar Musa hiện nay có 4 nam tu sĩ và 2 nữ tu, sống trong hy vọng và chờ đợi ngày về của hai linh mục bị bắt cóc mất tích là cha Paolo Dall’Oglio, dòng Tên và cha Jacques Mourad. 

14. Chúa Giêsu là lương thực không thể thiếu đối với cuộc sống con người

Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là làm cho Chúa trở thành trung tâm và ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Chúa Kitô không phải là yếu tố phụ thuộc: Ngài là “bánh hằng sống”, là lương thực không thể thiếu được.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng 8.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Hôm nay kết thúc bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan với diễn văn về “Bánh sự sống”, mà Chúa Giêsu đã nói hôm sau ngày làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. Đức Thánh Cha ghi nhận bầu khí lúc đó như sau:

Vào cuối diễn văn sự hứng khởi của ngày hôm trước đã tắt lịm, bởi vì Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài là bánh từ trời xuống, và sẽ cho thịt Ngài làm của ăn và máu ngài làm của uống, ám chỉ một cách rõ ràng hiến tế mạng sống của chính Ngài.

Các lời này dấy lên nỗi thất vọng nơi dân chúng, họ cho rằng những biến cố như thế không xứng đáng với Đấng Cứu Thế, “không chiến thắng”. Vài người đã nhìn Chúa Giêsu như vậy: như một Đấng Cứu Thế phải nói và hành động làm sao để sứ mệnh của Người thành công, ngay lập tức. Nhưng họ lầm ở chính điểm này: về cách hiểu sứ mệnh của Đấng Messia! Cả các môn đệ cũng không chấp nhận ngôn ngữ ấy, ngôn ngữ gây âu lo đó của Thầy mình. Và đoạn Phúc Âm hôm nay kể lại sự khó chịu này của các vị: “Lời này thật là chướng tai! – họ nói – ai mà có thể nghe được” (Ga 6,60).

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: 

Thật ra họ đã hiểu rõ diễn văn của Chúa Giêsu. Họ hiểu rõ đến nỗi không muốn lắng nghe Ngài, bởi vì đó là một diễn văn khiến cho tâm thức của họ gặp khủng hoảng. Các lời của Chúa Giêsu luôn luôn đặt chúng ta vào trong cuộc khủng hoảng: trong khủng hoảng chẳng hạn như trước tinh thần của thế giới, trước tinh thần thế tục. Nhưng Chúa Giêsu cống hiến chìa khoá giúp thắng vượt khó khăn; một chìa khóa gồm ba yếu tố. Thứ nhất, nguồn gốc thiên linh của Chúa Giêsu: Ngài từ trời xuống và “sẽ lại lên nơi Ngài ở trước kia”( c. 62). Thứ hai, các lời Ngài chỉ có thể được hiểu qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “ban sự sống” (c. 63). Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu Chúa Giêsu. Thứ ba, lý do đích thật của việc không hiểu các lời Ngài là sự thiếu lòng tin: Giữa anh em có vài người không tin” (c. 64). Thật vậy, vì từ lúc đó “nhiều môn đệ Người rút lui” (c. 66). Đứng trước các bỏ cuộc này, Chúa Giêsu không tính toán cũng không giảm thiểu các lời nói của Ngài, trái lại Ngài thúc đẩy làm một lựa chọn chính xác: hoặc là ở lại với Ngài hay tách rời Ngài, và Ngài nói với Nhóm Mười Hai: “Các con cũng muốn bỏ đi sao? (c. 67).

Tới đây thánh Phêrô, nhân danh các Tông Đồ, tuyên xưng đức tin rằng: “Lậy Chúa, chúng con đi tới với ai? Thầy có lời của sự sống vĩnh cửu” (c. 68). Thánh nhân không nói: “Chúng con sẽ đi đâu?” nhưng nói “chúng con sẽ đi đến với ai?”. Vấn đề nền tảng không phải là ra đi và bỏ rơi công trình đã bắt đầu, nhưng đi tới với ai. Từ câu hỏi này của thánh Phêrô chúng ta hiểu rằng sự trung thành với Thiên Chúa là vấn đề trung thành với một người, mà ta cột buộc mình vào để cùng đi trên cùng con đường. Và người đó là Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Tất cả những gì chúng ta có trên thế giới không thoả mãn cái đói sự vô tận của chúng ta. Chúng ta cần Chúa Giêsu, ở với Người, nuôi sống mình ở bàn của Người, bằng các lời của sự sống vĩnh cửu của Người! Tin nơi Chúa Giêsu có nghĩa là khiến cho Người trở thành trung tâm điểm, trở thành ý nghĩa của đời ta. Chúa Kitô không phải là một yếu tố phụ thuộc: Ngài là “bánh hằng sống”, là tlương thực không thể thiếu. Cột buộc vào Ngài trong một tương quan đức tin và tình yêu, không có nghĩa là bị xiềng xích, nhưng tự do một cách sâu xa, luôn luôn tiến bước. Giờ đây mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi mình xem: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Đó là một tên gọi? Một ý tưởng? Hay đó chỉ là một nhân vật lịch sử? Hay đó thật sự là người yêu thương tôi, đã hiến mạng sống cho tôi và đi với tôi?” Đối với bạn, Chúa Giêsu là ai? Bạn có ở với Chúa Giêsu không? Bạn có tìm hiểu biết Ngài trong lời của Ngài hay không? Bạn có đọc Phúc Âm mỗi ngày, một đoạn Phúc Âm để hiểu biết Chúa Giêsu không? Bạn có đem theo sách Phúc Âm trong túi, trong xách tay, để đọc nó ở khắp mọi nơi không? Bởi vì chúng ta càng ở với Ngài bao nhiêu, ước muốn ở lại với Ngài lại càng lớn lên bấy nhiêu. Bây giờ tôi sẽ xin anh chị em, chúng ta hãy thinh lặng một chút và mỗi người trong thinh lặng, trong tim của mình, tự hỏi: “Đối vói tôi Chúa Giêsu là ai?”. Trong thinh lặng, mỗi người hãy tự trả lời trong tim mình: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?” Sau một lúc thinh lặng Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ:

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta luôn luôn đến với Chúa Giêsu để sống kinh nghiệm sự tự do, mà Ngài cống hiến cho chúng ta và cho phép chúng ta tẩy rửa các lựa chọn của chúng ta khỏi các cáu ghét trần tục và các sợ hãi.

15. Lao động là thánh thiêng và là một phần của ơn gọi làm người

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 19 tháng 8, Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài gia đình và công ăn việc làm. Lễ nghỉ và lao động là hai yếu tố trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói:

Người ta thường nói việc làm cần thiết để duy trì gia đình, nuôi nấng con cái lớn lên, và bảo đảm cho những người thân một cuộc sống xứng đáng. Đề cập đến một người nghiêm chỉnh, liêm khiết, điều đẹp nhất mà người ta có thể nói là: “Đó là một người làm việc”, họ thật là một người làm việc, là một người không sống trên vai người khác trong cộng đoàn. Tôi thấy có nhiều người Argentina ở đây và tôi sẽ nóí như chúng ta thường nói: “No vive de arriba /nô vivê đê ar-ri-ba – Không sống trên cao”

Thật thế, công việc làm, trong hàng ngàn hình thái của nó, bắt đầu từ công việc nội trợ, cũng lo lắng cho công ích. Và người ta học kiểu sống cần mẫn này ở đâu? Trước hết trong gia đình. Gia đình giáo dục làm việc với gương của cha mẹ: cha mẹ làm việc cho thiện ích của gia đình và xã hội.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Trong Phúc Âm, Thánh Gia Nagiarét xuất hiện như một gia đình công nhân, và chính Chúa Giêsu cũng được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55) hay một cách trực tiếp là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Và thánh Phaolô sẽ cảnh cáo các kitô hữu: “Ai không làm việc thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10). Đây là một phương pháp tốt giúp gầy đi, không làm thì đừng ăn! Thánh Tông Đồ rõ ràng ám chỉ khuynh hướng duy linh giả dối của vài người sống trên vai các anh chị em khác mà “không làm việc gì cả” (2 Tx 3,11).

Dấn thân làm việc và sống cuộc sống tinh thần, trong quan niệm kitô, thật ra không trái nghịch nhau. Hiểu rõ điều này thật là quan trọng! Cầu nguyện và làm việc có thể và phải hòa hợp với nhau, như thánh Biển Đức dậy. Thiếu công ăn việc làm cũng gây hại cho tinh thần cũng như thiếu cầu nguyện cũng làm hại cho sinh hoạt cụ thể.

Tôi xin lập lại lao động, trong hàng ngàn hình thái của nó, là đặc điểm của con người. Nó diễn tả phẩm giá của con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế người ta nói rằng công việc là thánh thiêng. Do đó việc quản trị công ăn việc làm là một trách nhiệm lớn của con người và của xã hội, không thể để trong tay một ít người hay được giao cho một “thị trường” được thần thánh hóa. Làm mất đi chỗ làm việc có nghĩa là gây ra cho xã hội một thiệt hại nghiêm trọng. Tôi cảm thấy buồn, khi trông thấy có người không có công ăn việc làm, không tìm ra việc và không có phẩm giá đem bánh về cho gia đình. Và tôi vui mừng biết bao, khi trông thấy các vị lãnh đạo làm mọi cố gắng để tìm ra công ăn việc làm và để cho tất cả mọi người đều có một việc làm. Việc làm là thánh thiêng, việc làm trao ban phẩm giá cho một gia đình. Chúng ta phải cầu nguyện để không thiếu việc làm cho một gia đình.

Như vậy cũng giống ngày lễ, công việc làm là một phần trong chương trình của Thiên Chúa Tạo Vật. Trong sách Sáng Thế, đề tài trái đất như là nhà – vườn được trao phó cho sự săn sóc và việc canh tác của con người (St 2,8.15) đã đuợc diễn tả trước với một đoạn rất đánh động: “Khi Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai, và Người làm trào lên từ đất nước của các con kinh để tưới” (St 2,4b-6). Đây không phải là chuyện thơ mộng, mà là mạc khải của Thiên Chúa. Và chúng ta có trách nhiệm hiểu biết nó và thấm nhuần nó tới nơi tới chốn. Thông điệp Laudato si’ đề nghị một môi sinh toàn vẹn cũng có sứ điệp này: vẻ đẹp của trái đất và phẩm giá của công việc làm được làm ra để nối kết với nhau. Cả hai chúng đi với nhau: trái đất trở nên xinh đẹp, khi nó được con người canh tác. Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Khi công việc làm bị tách rời khỏi giao ước của Thiên Chúa với ngưòi nam và người nữ, khi nó bị tách rời khỏi các phẩm tính tinh thần của chúng, khi nó là con tin của cái luận lý lợi nhuận thôi, và khinh rẻ các tâm tình của cuộc sống, việc làm giảm giá trị của linh hồn khiến ô nhiễm tất cả: kể cả khí, nước, cỏ cây và thực phẩm… Cuộc sống dân sự bị hư thối và môi sinh bị hư hoại. Và các hậu quả âm hưởng nhất là trên những người nghèo nhất và các gia đình nghèo nhất. Việc tổ chức công ăn việc làm tân tiến đôi khi cho thấy một khunh hướng nguy hiểm coi gia đình như là một chướng ngại, một gánh nặng, một sự thụ động đối với sự sản xuất của công việc làm. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: sự sản xuất nào đây? Và sản xuất cho ai? Cái gọi là “thành thị thông minh” chắc chắn là giầu việc phục vụ và tổ chức. Tuy nhiên, nó thường thù nghịch với trẻ em và người già.

Đôi khi người đề ra dự án chú ý tới việc quản trị sức mạnh việc làm cá nhân, cần quy tụ, sử dụng hay gạt bỏ, tùy theo sự phù hợp kinh tế. Gia đình là một trường thử nghiệm lớn. Khi sự tổ chức việc làm bắt nó làm con tin, hay tệ hơn ngăn cản đường đi của nó, thì khi đó chúng ta chắc chắn là xã hội loài người đã bắt đầu làm việc chống lại chính nó.

Các gia đình kitô nhận được từ việc kết hiệp này một thách đố và một sứ mệnh lớn. Chúng đem vào đó các yếu tố nền tảng công trình tạo dựng cuả Thiên Chúa: căn tính và mối dây nối kết của nguời nam và người nữ, việc sinh con cái, việc làm khiến cho đất đai được thuần thục và thế giới có thể ở được. 

Đánh mất đi các nền tảng này là một việc vô cùng nghiêm trọng, vì trong căn nhà chung đã có quá nhiều vết nứt rạn rồi! Nhiệm vụ không dễ. Đôi khi đối với các hiệp hội gia đình có thể xem ra như Đavít đứng trước mặt Gôliát… nhưng chúng ta biết câu chuyện thách thức ấy đã kết thúc ra sao! Cần phải có đức tin và sự khôn khéo. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tiếp đón lời kêu gọi của Ngài với niềm vui và lòng hy vọng, trong lúc khó khăn này của lịch sử của chúng ta, ơn gọi làm việc để trao ban phẩm giá cho chính mình và cho gia đình mình.

16. Ghi danh đi qua Cửa Năm Thánh tại Rôma

Ban Tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót, thuộc Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, trong thông cáo ngày 20 tháng 8 vừa qua cho biết là tại Rôma sẽ có 4 Cửa Năm Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đền Thờ Thánh Gioan Laterano, Đền Thờ Đức Bà Cả và Đền Thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

Riêng việc đi qua Cửa Năm Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô, thông cáo cho biết các tín hữu nên ghi danh trước.

Đồng thời để giúp các tín hữu thực hiện một cuộc hành hương ngắn tiến về Cửa Năm Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô, Ban tổ chức dự trù một lộ trình đi bộ dành riêng cho các tín hữu lữ hành: bắt đầu từ Lâu Đài Thiên Thần (Castel Sant’Angelo), đi qua đường Hòa Giải, quảng trường Piô 12 và quảng trường Thánh Phêrô để đi vào Cửa Năm Thánh. Vì có đông người nên tín hữu được tha thiết khuyên thông báo việc mình tới Roma và thời gian muốn thực hiện cuộc hành hương như vậy.

Văn phòng tổ chức sẽ xác nhận đơn xin ghi danh và cho biết thời khóa biểu tốt nhất nên trình diện để bắt đầu lộ trình (từ Lâu Đài Thiên Thần) tiến về Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô. Phương thức này giúp giảm bớt tối đa sự chờ đợi, đồng thời bảo đảm bầu không khí cầu nguyện và tịnh niệm khi hành hương đi bộ tiến về Cửa Năm Thánh.

Quý vị và anh chị em có thể đăng ký theo nhóm hoặc cá nhân tín hữu hành hương.

Nguồn: Vietcatholic News

h3

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN