Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 20/1/2018: Đức Thánh Cha gặp gỡ các dân tộc vùng Amazon

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 20/1/2018: Đức Thánh Cha gặp gỡ các dân tộc vùng Amazon

Thông thường, khi đến thăm một quốc gia, Đức Giáo Hoàng sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn trước khi có các cuộc gặp gỡ khác. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha tại Peru ban đầu cũng được hoạch định như vậy. Tuy nhiên, vào giờ chót đã có những thay đổi lớn.

Sáng thứ Sáu, 19 tháng Giêng, sau thánh lễ sáng tại Tòa Sứ Thần ở thủ đô Lima, lúc 8h30, Đức Thánh Cha đã đáp máy bay đi Puerto Maldonado. Nơi đây, ngài đã có cuộc gặp gỡ với các sắc dân thiểu số vùng Amazon tại sân vận động Mẹ Thiên Chúa, gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre, thăm trung tâm chăm sóc trẻ em Hogar Principito, và dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazon ở trung tâm mục vụ Apaktone trước khi lên máy bay trở về Lima để có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn vào ban chiều.

Trong cuộc gặp gỡ tại sân vận động Mẹ Thiên Chúa với khoảng 4,000 người bản địa ở khu vực Amazon của Peru, Đức Thánh Cha nói rằng ngài muốn ở với họ để chia sẻ các thách đố của họ và cùng với họ, tái khẳng định “một quyết tâm bảo vệ sự sống, bảo vệ trái đất và bảo vệ các nền văn hoá.”

Đức Giáo Hoàng nhắc nhớ, và đã phân phát thông điệp Laudato Si của ngài về môi trường, về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì họ làm để bảo vệ hành tinh.

“Xin cho phép tôi nói lại một lần nữa,” Đức Giáo Hoàng nói, “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa, vì những kỳ công của Ngài nơi các dân tộc Amazon của Ngài và vì mọi sự đa dạng sinh học mà các vùng đất này bảo bọc!”

Tiếp đó, Đức Giáo Hoàng than phiền rằng các dân tộc Amazon có lẽ chưa bao giờ bị đe doạ trên ngay lãnh thổ của họ đến thế như hiện nay. “Tôi cho rằng điều chủ yếu là phải bắt đầu tạo ra các biểu hiện định chế nhằm tôn trọng, công nhận và đối thoại với người dân bản địa, thừa nhận và khôi phục các nền văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống, quyền lợi và linh đạo bản địa”. Đức Giáo Hoàng kêu gọi một cuộc đối thoại giữa các nền văn hoá, trong đó những người đang ở trước mặt ngài sẽ “là những đối tác đối thoại chính,” nhất là khi các dự án lớn ảnh hưởng đến đất đai của họ được đề ra.

“Công nhận và đối thoại sẽ là cách tốt nhất để biến đổi các mối liên hệ mà lịch sử của chúng vốn được đánh dấu bằng sự loại trừ và kỳ thị.”

Đức Giáo Hoàng nói: “Việc bảo vệ trái đất không có mục đích nào khác ngoài việc bảo vệ sự sống.” Ngài thừa nhận một số đau khổ của họ do việc thải các khí hydrocacbon gây ra, đe dọa sự sống và làm ô nhiễm môi trường tự nhiên của chúng ta.

“Theo cùng các đường hướng trên, hiện đang có một cuộc tấn công tàn phá khác đối với sự sống có liên hệ đến việc ô nhiễm môi trường, một sự kiện rất được việc khai mỏ trái phép ưa thích. Tôi muốn nói tới nạn buôn người: lao động nô lệ và lạm dụng tình dục.

“Bạo lực chống các thiếu niên và phụ nữ hiện đã thấu tới trời. Tôi luôn buồn khổ trước số phận của những người là nạn nhân của nhiều loại buôn người khác nhau. Tôi mong ước rằng tất cả chúng ta nghe được câu hỏi của Thiên Chúa, ‘Em trai của ngươi đâu?’ (St 4: 9). Anh hay chị em của các ngươi đang bị làm nô lệ ở đâu?”

Đức Giáo Hoàng khẩn khoản: “Chúng ta đừng nhìn đi chỗ khác. Hiện có sự đồng lõa lớn lao hơn chúng ta tưởng. Vấn đề này liên quan đến mọi người! “

Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ đến những người thường được gọi là “Các Người Bản Địa Tự Ý Cô Lập”, Đức Giáo Hoàng nói rằng mối quan tâm nói trên khiến chúng ta, trong căn bản, chọn giải pháp bảo vệ sự sống của những người ít khả năng tự vệ nhất.

“Chúng ta biết rằng họ là những người dễ bị thương tổn nhất. Cách sống sơ khai của họ khiến họ bị cô lập ngay cả trong các nhóm sắc tộc của chính họ; họ đi ẩn náu trong những khu rừng gần như không ai có thể tới để được sống một cách tự do. Hãy tiếp tục bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong các anh chị em của chúng ta. Sự có mặt của họ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể sử dụng các hàng hoá vốn nhằm dành cho mọi người do lòng tham lam duy tiêu thụ ra lệnh. Các giới hạn phải được đặt ra để có thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi mọi kế hoạch phá huỷ môi trường ồ ạt, một môi trường vốn làm chúng ta là chính chúng ta hiện nay.

Đức Giáo Hoàng nói, việc công nhận những người này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là chủ nhân ông tuyệt đối của sáng thế. “Chúng ta cần khẩn trương đánh giá cao sự đóng góp thiết yếu mà họ mang lại cho xã hội như một toàn thể, và không rút gọn các nền văn hoá của họ vào hình ảnh lý tưởng hoá về một trạng thái tự nhiên, huống hồ là một loại bảo tàng viện về lối sống xa xưa.”

Vị Giáo Hoàng Dòng Tên nhấn mạnh: viễn kiến vũ trụ của họ và đức khôn ngoan của họ có nhiều điều để dạy dỗ những người trong chúng ta vốn không phải là thành phần trong nền văn hóa của họ.

“Văn hoá của các dân tộc chúng ta là dấu hiệu chỉ sự sống. Amazon không chỉ là một khu bảo tồn đa sinh học mà còn là một khu bảo tồn văn hoá cần phải được duy trì khi đối mặt với những hình thức thực dân mới. Gia đình là và luôn luôn vốn là một định chế xã hội góp phần nhiều nhất vào việc giữ cho nền văn hoá của chúng ta sống động. Trong các thời điểm khủng hoảng của quá khứ, khi đối mặt với nhiều hình thức đế quốc chủ nghĩa, các gia đình của các dân tộc nguyên thủy đã là những người bảo vệ sự sống tốt nhất.”

Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi mọi người hiện diện lắng nghe người cao niên; ngài lưu ý rằng họ có một sự khôn ngoan giúp họ tiếp xúc được với Đấng siêu việt và giúp họ thấy điều gì là thiết yếu trong đời sống.

Đức Giáo Hoàng nói rằng việc giáo dục giúp chúng ta xây dựng các cây cầu và tạo ra nền văn hoá gặp gỡ. “Đối với các dân tộc bản địa, đi học và giáo dục phải là một ưu tiên và cam kết của nhà nước: một cam kết toàn bộ và có bản vị văn hóa biết thừa nhận, tôn trọng và hoà nhập đức khôn ngoan của tổ tiên như là một kho báu thuộc về cả quốc gia.”

Tiếp theo đó, Đức Giáo Hoàng yêu cầu các anh em giám mục của ngài tiếp tục, như họ đang làm ở những nơi xa xôi nhất trong rừng, khuyến khích việc giáo dục liên văn hoá và song ngữ trong các trường học, trong các định chế đào tạo giáo viên, và trong các đại học. Ngài bày tỏ sự đánh giá cao của ngài đối với các sáng kiến mà Giáo hội Amazon ở Peru từng giúp thi hành nhằm ủng hộ các dân tộc bản địa.

Ngài nói “biết bao nhiêu nhà truyền giáo, nam cũng như nữ, đã hiến đời mình cho các dân tộc của anh chị em và bảo vệ nền văn hóa của anh chị em!”, và nhấn mạnh rằng họ đã làm như thế vì Tin Mừng. “Chính Chúa Kitô đã nhận lấy xác thịt từ một nền văn hoá, nền văn hoá Do Thái, và từ xác thịt này, Người đã tự ban Người cho ta làm nguồn canh tân cho mọi dân tộc, theo cách mà mỗi người, trong bản sắc sâu xa nhất của mình, cảm thấy mình được khẳng định nơi Người. Đừng nhường bước cho các mưu toan bứng gốc đức tin Công Giáo khỏi các dân tộc của anh chị em.”

Đức Giáo Hoàng nói rằng mỗi nền văn hoá và mỗi thế giới quan từng tiếp nhận Tin Mừng đều làm phong phú cho Giáo Hội bằng cách biểu lộ một khía cạnh mới mẻ của gương mặt Chúa Kitô.

“Giáo hội không xa lạ với những vấn đề và cuộc sống của anh chị em, Giáo Hội không muốn xa cách lối sống và cách tổ chức của anh chị em. Chúng ta cần các dân tộc bản địa để lên khuôn cho nền văn hóa của các giáo hội địa phương ở Amazon.” Đức Giáo Hoàng khuyến khích những người hiện diện giúp các vị giám mục của họ, và các nhà truyền giáo nam nữ của họ, nên một với các ngài, và bằng cách này,”nhờ cuộc đối thoại với mọi người, anh chị em hãy lên khuôn một Giáo hội có khuôn mặt Amazon, một Giáo hội có khuôn mặt bản địa.” Trong tinh thần này, Đức Giáo Hoàng nói ngài đã triệu tập một Thượng hội đồng cho Amazon vào năm 2019.

“Tôi tin tưởng vào khả năng linh động của các dân tộc anh chị em và khả năng ứng phó của anh chị em trước các thời điểm khó khăn mà anh chị em đang phải sống. Anh chị em đã cho thấy điều này trong những khoảnh khắc quan yếu khác nhau của lịch sử mình, với những đóng góp của anh chị em và viễn kiến dị biệt hóa về các mối liên hệ giữa con người, với môi trường tự nhiên và cách sống đức tin của anh chị em.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận, bằng cách nói rằng ngài sẽ cầu nguyện cho họ, cho lãnh thổ vốn được Thiên Chúa chúc phúc này, và nhắc họ cầu nguyện cho ngài.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG