Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 20/06 – 26/06/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 20/06 – 26/06/2014

1. Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa

Lúc 7 giờ chiều thứ Năm 19 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa tại thềm Đền thờ thánh Gioan Laterano.

Tham dự thánh lễ, có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục, cùng với các vị Giám Chức, linh mục và hàng chục ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc lại lời ngôn sứ Môisê trách dân Do thái khi được vào Đất Hứa đã quên đi Chúa Đấng đã dùng manna để nuôi họ trong sa mạc: ”Chúa là Thiên Chúa của ngươi.. đã nuôi ngươi bằng manna, mà người không nhận biết” (Dnl 8,2). 

“Sau khi định cư, dân Chúa tuyển đã đạt được một sự tự lập, được sung túc phần nào, và họ gặp nguy cơ quên đi những biến cố đau buồn quá khứ mà họ đã vượt qua được nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa và nhờ lòng từ nhân vô biên của Ngài. Bấy giờ Kinh Thánh nhắn nhủ họ hãy nhớ tất cả hành trình đã trải qua trong sa mạc, trong thời thiếu thốn và cơ cực. Lời mời gọi của Môisê là hãy trở lại với những gì thiết yếu, với kinh nghiệm hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, khi sự sinh tồn được ủy thác cho Chúa, để con người hiểu rằng “mình không sống bởi cơm bánh mà thôi.. nhưng còn nhờ tất cả những gì từ miệng Thiên Chúa mà ra” (Dnl 8,3).

Đức Thánh Cha giải thích rằng con người không phải chỉ đói thể lý, nhưng còn có cái đói khác không thể thỏa mãn bằng lương thực, đó là cái đói sự sống, đói tình thương, đói sự vĩnh cửu.. Chúa Giêsu ban cho chúng ta lương thực ấy, đúng hơn, chính Ngài là bánh hằng sống ban sự sống cho thế giới (Xc Ga 6,51). Mình Chúa là lương thực chân thực dưới hình bánh, và Máu ngài là của uống thực sự dưới hình rượu..

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: 

“Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa thông truyền cho chúng ta tình thương, một tình thương lớn lao đến độ Chúa nuôi chúng ta bằng chính mình Chúa, một tình yêu nhưng không, luôn được dành cho những người đói khát và cần bồi dưỡng sức lực. Sống kinh nghiệm đức tin có nghĩa là để cho Chúa nuôi dưỡng và kiến tạo cuộc sống của mình không phải trên những của cải vật chất, nhưng trên thực tại không hư nát là những hồng ân của Thiên Chúa, là Lời Chúa và chính Thân Mình Chúa”

Đức Thánh Cha không quên cảnh giác các tín hữu đừng chạy theo những thứ lương thực khác. Ngài nói: “Một số người nuôi dưỡng mình bằng tiền bạc, người khác bằng thành công và sự háo danh, kẻ khác nữa bằng quyền lực và kiêu ngạo. Nhưng lương thực nuôi sống chúng ta thực sự chỉ có thể là lương thực Chúa ban!”

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người, ngày hôm nay hãy tự hỏi: Tôi ăn ở đâu? Tôi muốn nuôi sống mình ở bàn ăn nào? Nơi bàn ăn của Chúa? Hay là tôi ước mơ ăn những lương thực ngon lành, nhưng trong sự nô lệ? Đâu là ký ức của tôi? Phải chăng tôi nhớ đến Chúa đã cứu thoát tôi, hay chỉ nhớ đến những củ hành củ tỏi của thời nô lệ? Tôi làm cho linh hồn tôi được no đầy nhờ ký ức nào?”

Sau thánh lễ, Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini, đã thay Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa cùng với hàng ngàn tín hữu tiến bước trên quảng đường dài hơn 1 cây số, tới Đền thờ Đức Bà Cả. Còn ngài thì đi xe thẳng tới Đền thờ và đợi đoàn rước đến, rồi ngài chủ sự nghi thức ban phép lành Mình Thánh Chúa cho mọi người.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích rằng, Đức Thánh Cha không đi bộ rước kiệu trên quãng đường dài như vậy giữa hai Đại Vương cung thánh đường, vì ngài sắp thực hiện cuộc viếng thăm tại giáo phận Cassano miền Calabria vào thứ Bẩy 21 tháng 6, và đồng thời, ngài cũng muốn sự chú ý của các tín hữu tập trung vào Mình Thánh Chúa trong cuộc rước, hợp với tinh thần của buổi lễ.

2. Đức Thánh Cha viếng thăm Giáo phận Cassano all’Jonio

Hoạt động nổi bật nhất của Đức Thánh Cha trong tuần qua là cuộc viếng thăm giáo phận Cassano all’Jonio.

Giáo phận Cassano cách Roma 400 cây số đường chim bay, có 106 ngàn tín hữu Công Giáo và hiện do Đức Cha Nunzio Galantino cai quản. Ngài cũng là Tổng thư ký HĐGM Italia. Vùng này thường bị nạn tổ chức bất lương N’drangheta, giống như mafia, hoành hành. . Cha Lazzaro Longobardi đã bị giết vào đầu tháng Ba năm nay và trước đó hồi đầu năm, một em bé mới 3 tuổi đã bị thiêu sống.

Chặng đầu tiên trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là nhà tù Castrovillari, giam giữ các phụ nữ. Khi trực thăng chở ngài đáp xuống đây lúc quá 9 giờ sáng, Đức Giám Mục giáo phận cùng với ông thị trưởng và hàng trăm người đã nồng nhiệt đón tiếp, rồi ngài tiến vào nhà tù, Ông giám đốc Fedele Rizzo cùng với một toán cảnh sát chào đón, trước sự hiện diện của 200 người.

Lên tiếng sau khi thăm hỏi một số tù nhân, Đức Thánh Cha cho biết cuộc viếng thăm của ngài tại đây là để bày tỏ sự gần gũi của ngài cũng như của Giáo Hội đối với mỗi người nam nữ đang ở trong nhà giam ở các nơi trên thế giới. Ngài cũng nhận xét rằng khi suy tư về các tù nhân, người ta thường nói đến vấn đề tôn trọng các quyền con người và sự cần thiết phải có những điều kiện thi hành án tù tương ứng. Khía cạnh này trong chính sách về các nhà cải huấn tuy là thiết yếu, nhưng vẫn chưa đủ, nếu không được bổ túc bằng sự dấn thân cụ thể của các cơ quan nhắm giúp các cựu tù nhân tái hội nhập vào xã hội.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi mục đích này bị lơ là, thì việc thi hành hình phạt chỉ là một phương thế trừng phạt và là một sự trả đũa của xã hội, nhiều khi có hại cho chính đương sự và cho xã hội”.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến chiều kích tinh thần của tiến trình tái hội nhập vào xã hội và nói: “Trong hành trình này cũng có cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, khả năng để cho Thiên Chúa nhìn đến, Người là Đấng yêu thương chúng ta, cảm thông và tha thứ các lỗi lầm của chúng ta. Chúa là Thầy dạy sự tái hội nhập, Người cầm tay và dẫn chúng ta trở lại cộng đoàn xã hội. Chúa luôn tha thứ, tháo tùng và cảm thông chúng ta”.

Đức Thánh Cha đã bắt tay chào từng nữ tù nhân và khi chào mọi ngừơi, ngài nói: ”Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi”.

Sau khi viếng thăm nhà tù, Đức Thánh Cha cùng với Đức Giám Mục sở tại đáp trực thăng đến Cassano vào lúc 11 giờ. Tại đây ngài viếng thăm trung tâm thánh Giuseppe Moscato, chuyên chữa trị chống đau cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời.

• Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng giáo sĩ địa phương

Lúc 12 giờ trưa tại nhà thờ chính tòa Cassano, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ hàng giáo sĩ địa phương.

Trong bài huấn dụ ngắn nhân dịp này, ngài nhắc nhở cho các linh mục về niềm vui làm linh mục, vẻ đẹp của tình huynh đệ, đồng thời khích lệ các vị làm việc với các gia đình và cho các gia đình. Đức Thánh Cha nhận xét rằng nhiều khi linh mục cảm thấy khó chịu khi thinh lặng ở trước Nhà tạm Mình Thánh Chúa. Lúc ấy Chúa Giêsu cho chúng ta thấy mình là những người thợ tốt, hoặc chỉ là những công nhân, công chức; chúng ta là những máng mở rộng, quảng đại qua đó tình thương và ơn thánh của Chúa tuôn chảy dồi dào, hoặc chúng ta tự đặt mình ở trung tâm, và thay vì là máng chuyển, chúng ta trở thành những hàng rào không giúp gặp gỡ Chúa, với ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha cảnh giác các linh mục về thái độ cá nhân chủ nghĩa trong mục vụ, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa tuyên dương cái tôi, đến độ tôn thờ nó như thần tượng. Sau cùng, cần phải quan tâm giúp đỡ các gia đình trong thời kỳ khó khăn hiện nay, nhiều gia đình bị khủng hoảng. Ngài nói: “Chúng ta được kêu gọi làm chứng nhân, làm người trung gian về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với các gia đình và về sức mạnh ngôn sứ của Lời Chúa cho các gia đình”.

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Calabria

Sau cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ, Đức Thánh Cha đã đến chủng viện Gioan Phaolô I của giáo phận để dùng bữa trưa với các bệnh nhân cho những người nghèo do Caritas giáo phận giúp đỡ cũng như các bạn trẻ thuộc cộng đồng cai nghiện “Saman”.

Ban chiều lúc 2 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha viếng thăm những người già tại nhà dưỡng lão Casa Serana, trước khi đến Sibari để cử hành thánh lễ vào lúc 4 giờ rưỡi chiều với sự tham dự của khoảng 200 ngàn tín hữu. 

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án nhóm bất lương mafia Ndrangheta đang hoành hành trong vùng.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng là người tín hữu chúng ta tôn thờ Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, Đấng mà trong Chúa Giêsu Kitô đã hiến mình cho chúng ta, hiến mình trên thập tự giá để chuộc tội lỗi chúng ta và qua sức mạnh của tình yêu này, Ngài đã sống lại từ cái chết và tiếp tục sống trong Giáo Hội của Ngài. Chúng ta không có Thiên Chúa nào khác hơn là vị Thiên Chúa này!

Nếu thay vì tôn thờ Thiên Chúa, chúng ta lại quay sang tôn thờ tiền bạc thì con đường tội lỗi mở ra với những ham muốn cá nhân … Một người không yêu mến Chúa, thì trở thành một kẻ suy tôn cái ác, như trong trường hợp những người sống bằng gian dối và bạo lực. Mảnh đất này của anh chị em, thật đẹp, nhưng lại đầy những vết tích hậu quả của tội lỗi này. Mafia Ndrangheta nghĩa là: tôn thờ cái ác và khinh bỉ công ích. Cái ác này phải bị đánh bại, phải bị trục xuất.

Sau cùng, lúc 6 giờ chiều ngài đáp trực thăng trở về Roma.

3. 3 linh mục và 2 nữ tu Ba Lan vừa được Do Thái vinh danh là “người công chính giữa các dân nước”.

Viện Yad Vashem, là cơ quan lo việc tưởng niệm biến cố Holocaust, tức là thảm kịch diệt chủng người Do Thái trong thế chiến thứ Hai do Đức Quốc Xã gây nên, đã vinh danh ba linh mục và hai nữ tu Ba Lan vì những nỗ lực của họ để cứu người Do Thái trong Thế chiến II, và đưa các vị vào trong danh sách những ” người công chính giữa các dân nước.” 

Zri Rav-Ner, đại sứ Israel tại Ba Lan, đã trao tặng các giải thưởng hôm 11 tháng Sáu trong cuộc họp thường niên của các giám mục Ba Lan. 

Rav-Ner nói Polskie Radio rằng “điều quan trọng chúng tôi muốn nêu lên là rất nhiều người trong Giáo Hội Công Giáo đã cứu người Do Thái khi liều mạng, đôi khi không cần chỉ thị hoặc những chỉ dẫn từ bất cứ ai, nhưng chỉ vì lương tâm của mình và niềm tin tôn giáo mà họ đã làm điều đó. “

4. Hội Đồng Giám Mục Ấn lên án vụ thảm sát một cặp vợ chồng Tây Tạng theo đạo Công Giáo

Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày thứ Sáu 20 tháng 6, Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ mạnh mẽ lên án vụ sát hại dã man hai vợ chồng người Tây Tạng vừa cải đạo từ Phật Giáo sang Công Giáo.

Vụ thảm sát đã diễn ra tại khu ổ chuột Geetdubling tại quận Budhwar thuộc thị trấn Kalimpong, đêm Thứ Ba rạng sáng Thứ Tư 18 tháng Sáu. 

Hai vợ chồng đã bị chém bằng nhiều nhát búa trong khi đứa con gái 12 tuổi bị khoét mất một con mắt. Cháu bé đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện Bengal.

Cặp vợ chồng còn một cháu bé 4 tuổi đã thoát chết vì đến thăm người bà con lúc xảy ra vụ thảm sát.

Lạt Ma Sonam Londrup, tổng thư ký Hiệp hội Phật giáo Hi Mã Lạp Sơn và Nhóm Hỗ Trợ người Tây Tạng vùng đông bắc Ấn Độ đã lên án vụ này và đề nghị nhà cầm quyền Ấn trừng phạt nặng những thủ phạm để làm gương.

Cảnh sát đã câu lưu một người bị tình nghi dính líu đến vụ này.

5. Các Giám Mục Công Giáo Melkite Hy Lạp âu lo trước làn sóng Hồi Giáo cực đoan

Trong bài phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Melkite Hy Lạp toàn Trung Đông nhóm tại Ain Traz, Li Băng từ 16 đến 21 tháng 6, Đức Thượng Phụ Gregory III Laham bầy tỏ âu lo trước sự phát triển mạnh của chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan tại Trung Đông.

Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Melkite, một Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh, nói rằng “Li Băng đang trong cuộc khủng hoảng chính trị, chức vụ tổng thống của nước cộng hòa bị bỏ trống. Iraq yêu dấu lại quay lại một lần nữa với máu lửa. Chúng tôi hy vọng rằng Ai Cập nhanh chóng lấy lại sự ổn định và an ninh với vị tổng thống mới, là người mà chúng tôi muốn bầy tỏ những lời chúc tốt đẹp, cầu mong ông có thể đưa đất nước mình đến sự ổn định và an ninh.”

“Chúng ta có thể nói gì về Syria, nơi đang trải qua năm thứ tư của cuộc khủng hoảng đẫm máu, là một đàng thánh giá thực sự cho cả một quốc gia, một đất nước mà người dân và các tòa nhà đang bị tàn phá? 91 nhà thờ Kitô Giáo đã bị phá hủy hoặc bị hư hỏng ở Syria , bao gồm 37 nhà thờ của Công Giáo Melkite Hy Lạp ” 

Đức Thượng Phụ nói thêm. “Chúng ta cũng không bao giờ quên sự đau khổ của anh chị em của chúng ta tại Đất Thánh và cuộc xung đột Israel-Palestine là nguyên cớ tạo ra cuộc khủng hoảng chung của cả vùng Trung Đông. Chúng tôi cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta về mối quan tâm của ngài, những lời kêu gọi và tất cả những sáng kiến của ngài cho hòa bình trong khu vực của chúng ta và trong mỗi một quốc gia của chúng ta. “

Ngài nói tiếp:

Ngày nay quan tâm mục vụ lớn nhất của chúng ta và trách nhiệm của chúng ta là làm sao bảo tồn và duy trì sự hiện diện và vai trò của chúng ta để chúng ta có thể là muối và men mãi mãi trong vùng đất này, nơi Thiên Chúa đã đặt để chúng ta, bất kể khủng hoảng, chiến tranh, sự nổi lên của trào lưu cực đoan và sự từ chối chúng ta của những người khác. Và với mỗi trẻ em của chúng ta, chúng ta nói: “Đừng đi đâu nhé! Hãy chờ đợi! Hãy kháng cự! Anh chị em là một đàn chiên nhỏ, là một đàn chiên nhỏ thật nhưng với một vai trò rất lớn. “

6. Đức Cha Saad Syroub: Baghdad hoảng loạn vì chiến tranh tâm lý trên Internet của thánh chiến Hồi Giáo

Kitô hữu tại Baghdad đang “u sầu và đau khổ sâu sắc” trước những tin đồn cho rằng khủng bố Hồi Giáo trong cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria”, hoặc ISIS, đã xâm nhập vùng ngoại ô của thủ đô Iraq.

Đức Giám Mục Saad Syroub, một phụ tá của Đức Hồng Y Louis Raphael I Sako, Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê tại Iraq, nói với Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là chính phủ Iraq đã chống lại cuộc chiến tranh tâm lý của ISIS bằng cách ngăn chặn việc truy cập vào Internet, và do đó “ngăn cản chúng tôi giao tiếp với thế giới bên ngoài.” Kết quả là tin đồn lan truyền còn nhanh hơn, thổi bùng ngọn lửa hoảng loạn.

Bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS đã sử dụng rất thành công những mạng xã hội như YouTube, Flickr.. để tung lên Internet những hình ảnh hành hình dã man những binh lính Iraq do chúng bắt được. Ít nhất 1700 binh lính Iraq đã bị hành quyết từ khi ISIS chiếm được Mosul. Cuộc chiến tâm lý đã gây ra sự hoảng loạn và những cuộc rút chạy không thể ngăn chặn lại được của binh lính và dân chúng Iraq. Hầu hết các thành phố chủ yếu của Iraq ở phía Bắc và phía Tây Iraq đã bị lọt vào tay khủng bố Hồi Giáo.

“Sau hơn 2000 năm trong đó chúng tôi cố chống chọi lại những trở ngại và chịu đựng sự ngược đãi, Iraq ngày nay gần như trống rỗng sự hiện diện Kitô giáo”, Đức Cha Syroub than thở. 

Ngài nói rằng nhiều Kitô hữu đã xin cấp bản sao giấy chứng nhận rửa tội của họ trong khi chuẩn bị bỏ chạy đến các nước khác trước những chiến thắng dồn dập của khủng bố Hồi Giáo.

Đức Cha Syroub tố cáo rằng thảm họa hiện nay ở Iraq là kết quả của cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003 và nỗ lực để áp đặt một chính phủ dân chủ “mà không thể hoạt động được nếu không có hòa giải thực sự.” Ngài nói rằng các cường quốc trên thế giới đặc biệt là Mỹ- lẽ ra phải tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến hơn là trực tiếp xua quân vào Iraq.

Ngài nói thêm:

“Chúng tôi lo sợ một cuộc nội chiến. Một cuộc xung đột toàn diện sẽ là một thảm họa. Điều đó có nghĩa là dấu chấm hết cuối cùng đối với Kitô hữu chúng tôi.”

Khi bọn khủng bố Hồi Giáo đã chiếm được một phần của các thành phố gần thủ đô Baghdad, Barack Obama đã công bố một kế hoạch táo bạo. Kế hoạch này chẳng có liên hệ gì với Trung Đông. Thật vậy, ngài tổng thống vẽ ra một kế hoạch tạo ra khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới ở Thái Bình Dương. Ngài tổng thống cũng đã công bố một khuôn khổ toàn diện của một chiến dịch chống hải sản nhập lậu vào Hoa Kỳ. Câu chuyện 180,000 lính Mỹ được đưa sang Iraq để bảo vệ cho nước này khỏi rơi vào cuộc nội chiến và 4500 người lính Mỹ đã hy sinh dường như là một chuyện thần thoại chưa bao giờ xảy ra. 

Khi bọn khủng bố Hồi Giáo đã chiếm được một phần của các thành phố Baghdad, ngài tổng thống Barack Obama lại đang bận lo những chuyện cá, mú với hải sản các loại. Thủy quân lục chiến được đưa sang Baghdad, chuẩn bị di tản. Mong sao một ngày 30 tháng Tư buồn đừng ập xuống đầu người dân Iraq. Đó sẽ là một dấu chấm hết bi đát của một cộng đoàn Kitô đã được hình thành từ thời các thánh Tông Đồ.

7. Đức Thánh Cha tái bênh vực tự do tôn giáo

Âu lo trước những diễn biến tệ hại đang diễn ra trên thế giới, đặc biệt là tại Iraq, sáng 20-6, Đức Thánh Cha tái lên tiếng bênh vực tự do tôn giáo và tố giác hiện tượng nhiều tín hữu Kitô vẫn còn bị bách hại trên thế giới ngày nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến dành cho 200 tham dự viên hội nghị quốc tế do Đại học Công Giáo Lumsa ở Roma tổ chức trong hai ngày 20 và 21 tháng 6 về đề tài: “Tự do tôn giáo theo công pháp quốc tế và cuộc xung đột các giá trị trên thế giới”.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng:

“Lý trí nhìn nhận trong tự do tôn giáo một quyền cơ bản của con người, phản ánh phẩm giá cao cả nhất, phẩm giá của người có thể tìm kiếm và gắn bó với sự thật, và lý trí nhìn nhận trong tự do ấy một điều kiện không thể thiếu được để phát huy tất cả tiềm năng của mình. Tự do tôn giáo không phải chỉ là tự do tư tưởng hoặc phụng tự riêng tư. Đó là tự do được sống theo các nguyên tắc luân lý đạo đức phù hợp với chân lý đã tìm được, cả trong chiều kích riêng tư và công khai.”

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng đây là một thách đố lớn trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, trong đó có những trào lưu tư tưởng muốn hạ thấp trình độ luân lý nói chung và nhân danh quan niệm sai lầm về sự bao dung, người ta đi tới chỗ bách hại những người bảo vệ chân lý về con người và những hệ lụy luân lý đạo đức từ đó mà ra”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “tự do tôn giáo, khi được khẳng định trong các hiến pháp và luật lệ, cũng như khi được biểu lộ qua những thái độ phù hợp, thì tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các quan hệ tôn trọng nhau giữa các tín ngưỡng và một sự cộng tác lành mạnh với Nhà Nước và xã hội chính trị, không lẫn lộn vai trò và không đối nghịch nhau. Thay cho những xung đột các giá trị trên thế giới, người ta giúp nhau đạt tới sự cộng tác để mưu công ích, khởi đi từ những giá trị được mọi người chấp nhận”.

Cũng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án các cuộc bách hại tôn giáo. “Sự bách hại này làm thương tổn lý trí, gây thiệt hại cho hòa bình và hạ nhục phẩm giá con người”.

Ngài nói: “Đối với tôi, thật là một đau khổ lớn lao khi thấy các tín hữu Kitô trên thế giới đang phải chịu rất nhiều các vụ kỳ thị. Sự bách hại các tín hữu Kitô này này lớn lao hơn so với những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, và ngày nay có nhiều Kitô hữu tử đạo hơn cả trước kia. Điều này đang xảy ra 1,700 năm sau chiếu chỉ của Hoàng đế Constantino nhìn nhận tự do của các Kitô hữu được công khai tuyên xưng niềm tin của họ”.

Đại học Lumsa, tức là Đại học tự do Đức Mẹ Mông Triệu (Libera Universit Maria SS Assunta), có trụ sở gần Vatican, được thành lập năm 1939 và hiện gồm các khoa như: nhân văn, truyền thông, huấn luyện, tâm lý, luật khoa. kinh tế, chính trị và ngôn ngữ hiện đại.

8. Đức Thánh Cha tiếp các vị đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha

Sáng thứ Hai 23 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp những vị đứng đầu các Ủy Ban thuộc Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha trong đó có Đức Cha Chủ tịch Ricardo Blazquez, Tổng Giám Mục Villanueva del Campillo, Đức Cha Carlos Osoro phó chủ tịch và Đức Cha tổng thư ký, José María Gil Tamayo. 

Cuộc họp kéo dài khoảng 45 phút trong đó Đức Thánh Cha khích lệ các vị tiếp tục công việc của mình là tăng cường sự hiện diện của Giáo Hội trong xã hội Tây Ban Nha.

Đầu năm này các Giám Mục thuộc 70 giáo phận tại Tây Ban Nha đã chia thành 2 đoàn về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh từ ngày 24-2 đến 8-3. Trong buổi tiếp kiến chung 2 đoàn, Đức Thánh Cha nhận xét rằng các vị Giám Mục Tây ban Nha đang trải qua kinh nghiệm cam go về sự dửng dưng của nhiều tín hữu đã chịu phép rửa và các vị còn phải đương đầu với một nền văn hóa tục hóa, đóng khung Thiên Chúa trong đời sống riêng tư và loại bỏ Ngài ra khỏi lãnh vực công cộng. Đức Thánh Cha nói: “Điều cần là đừng quên lịch sử của anh em. Từ đó chúng ta học biết rằng ơn thánh của Chúa không bao giờ tàn lụi và Chúa Thánh Linh tiếp tục hoạt động quảng đại trong thực tại ngày nay”.

9. Nhà cầm quyền Hồi Giáo Sudan trả tự do cho người phụ nữ bị kết án treo cổ

Hôm thứ Hai 23 tháng Sáu, thông tấn xã chính thức của nhà nước Sudan cho biết chị Meriam Yehya Ibrahim đã được tự do sau khi một toà án đã đưa ra phán quyết hủy bỏ bản án trước đó. Cô Meriam đã được ra khỏi tù và được đưa đến một điạ điểm bí mật vì nhiều người Hồi Giáo vẫn muốn cô phải chết. Sáng thứ Ba, gia đình chị chị Meriam ra phi trường quốc tế Khartoum để đi Hoa Kỳ. Tuy nhiên, họ bị bắt tại sân bay và chính phủ Sudan không đưa ra một lời giải thích nào về vụ bắt giữ này.

Hôm 16 tháng 5, một tòa án Sudan đã đưa ra một phán quyết tàn bạo là treo cổ chị Meriam Yehya Ibrahim, là một người phụ nữ đang mang thai vì phạm tội bỏ Hồi giáo để gia nhập Kitô Giáo.

Cô Meriam Yehya Ibrahim, 27 tuổi, có cha là một người Hồi Giáo đã bỏ rơi mẹ cô là một tín hữu Chính Thống Giáo nghi lễ Êthiôpia. Từ nhỏ, cô đã được mẹ nuôi dạy trong đức tin Kitô và chưa một ngày nào là người Hồi Giáo.

Cô đã kết hôn với một tín hữu Kitô là anh Daniel Wani, một công dân Hoa Kỳ và có một cháu bé gần 2 tuổi. Người em trai cùng cha khác nẹ với cô đã tố cáo cô bỏ đạo Hồi để theo Kitô Giáo. Trong những diễn biến mới nhất, người này đã bày tỏ sự chống đối với việc tha bổng cô Meriam và cho rằng phán quyết đó vi phạm giáo lý đạo Hồi.

Trước tòa, Meriam luôn kiên quyết cho rằng mình theo đạo mẹ và đã là một Kitô hữu từ nhỏ.

Tòa án khăng khăng cho rằng Meriam đã phạm tội bội giáo và vì thế cô phải bị treo cổ. Luật lệ Hồi Giáo cũng không cho phép một người phụ nữ kết hôn với một Kitô hữu nên tòa cũng không công nhận hôn nhân giữa cô và anh Daniel Wani và truyền đánh Meriam 100 hèo vì tội ngoại tình.

Trong thời gian bị giam trong tù, cô đã hạ sinh cháu bé thứ hai vào ngày 27 tháng 5 vừa qua. Tòa truyền rằng khi cháu gái mới sinh được dứt sữa thì cô sẽ phải thi hành án.

Nhiều phong trào cầu nguyện cho cô và phản kháng bản án bất nhân đã nổ ra trên khắp thế giới.

10. Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hàn Quốc

Hôm 18 tháng 6, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hàn quốc, từ ngày 13 đến 18 tháng 8 tới đây, nhân dịp Đại hội Giới trẻ Công Giáo Á châu.

• Thứ tư, 13 tháng 8

– Đức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 4 giờ chiều ngày Thứ tư, 13 tháng 8 và bay tới Căn cứ không quân ở thủ đô Hán Thành lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày hôm sau, 14 tháng 8. Ngài sẽ cử hành thánh lễ riêng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh vào lúc 12 giờ trưa. Sau đó lúc gần 4 giờ chiều cùng ngày sẽ có nghi thức đón tiếp chính thức tại Tòa Nhà Xanh là dinh tổng thống Hàn Quốc, rồi gặp gỡ chính quyền.

Tiếp đến, vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, ngài sẽ gặp các Giám Mục Hàn quốc tại Trụ sở của Hội Đồng Giám Mục.

• Thứ Sáu 15 tháng 8

– Sáng hôm sau, thứ Sáu 15 tháng 8, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng đến thành phố Đại Điền (Daejeon) và chủ sự thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời tại Sân túc cầu quốc tế tại đây vào lúc 10 giờ rưỡi.

Sau lễ, ngài sẽ dùng bữa trưa với đại diện các bạn trẻ Công Giáo Á châu tại Đại chủng viện giáo phận Đại Điền.

Ban chiều, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng đến Đền Thánh Solmoe để gặp gỡ các bạn trẻ Á châu vào lúc 5 giờ rưỡi chiều rồi trở về thủ đô Hán Thành.

• Thứ Bẩy, 16 tháng 8

– Sáng thứ Bẩy, 16 tháng 8, Đức Thánh Cha sẽ kính viếng Đền các Thánh Tử Đạo Hàn quốc Seo So Mon, rồi trở về Quảng trường Khải Hoàn Môn ở thủ đô Hán Thành để chủ sự thánh lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo đứng đầu là vị Tôi Tớ Chúa Phaolô Duẫn Trì Trung (Paul Yun Ji-Chung).

Ban chiều cùng ngày 16 tháng 8, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng đến Kkottongnae để viếng thăm Nhà Hy Vọng, lúc 4 giờ chiều. Đây là một trung tâm phục hồi những người khuyết tật.

Sau đó lúc 5 giờ 15 ngài gặp gỡ các cộng đồng dòng tu tại Hàn Quốc tại Trung Tâm Huấn nghệ “Trường Tình Thương”, gặp các thủ lãnh tông đồ giáo dân ở Trung Tâm Linh Đạo, cũng tại thành phố Kkottongnae.

• Chúa Nhật 17 tháng 8

Chúa Nhật 17 tháng 8 là ngày quan trọng nhất trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hàn Quốc.

Trước hết vào ban Sáng, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng tới Đền thánh Haeni, gặp gỡ các Giám Mục Á châu tại đây lúc 11 giờ, và dùng bữa trưa với các vị. 

Ban chiều, lúc 4 giờ rưỡi, ngài sẽ chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội kỳ 6 của giới trẻ Công Giáo Á châu tại Lâu Đài Haeni.

• Thứ Hai 18 tháng 8

– Sáng thứ Hai, 18 tháng 8, vào lúc 9 giờ, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo tại Tòa Giám Mục cũ của Tổng giáo phận Hán Thành trước khi cử hành thánh lễ lúc gần 10 giờ tại Nhà thờ Chính tòa Minh Đổng ở địa phương để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng tới căn cứ quân sự Hán Thánh, và sau nghi thức tiễn biệt, ngài đáp máy bay lúc 1 giờ trưa để bay trở lại Roma, dự kiến sẽ về tới phi trường Ciampino vào lúc gần 6 giờ chiều cùng ngày 18 tháng 8.

11. Viện trợ khẩn cấp cho các tín hữu Kitô Iraq

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã tặng 100.000 € Euro (khoảng $ 130,000) trong khuôn khổ chương trình cứu trợ khẩn cấp cho người Công Giáo Iraq đã chạy trốn khỏi Mosul, sau khi thành phố này bị quân khủng bố Hồi giáo chiếm được.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Canđê Emil Shimon Nona của tổng giáo phận Mosul đã báo cáo với Tòa Thánh rằng tất cả 3,000 gia đình cư dân Kitô giáo của thành phố đã tìm các nơi trú ẩn ở các làng lân cận vùng đồng bằng Nineveh. Nhiều người không thể đến được những vùng an toàn hơn do người Kurds kiểm soát.

Số tiền tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tặng sẽ được sử dụng để cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho khoảng 1,000 gia đình cần được giúp đỡ khẩn cấp.

Trong năm năm qua, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã hỗ trợ khoảng 2,4 triệu € Euro (hơn $ 3.250.000) cho các Kitô hữu Iraq.

12. Tòa Thánh xuất bản tem vinh danh danh hề Sạc Lô

Danh hề Charlie Chaplin, người Việt thường gọi là Sạc Lô, đã chinh phục thế giới giải trí với một cây gậy, một bộ ria mép độc đáo và một loạt các câu chuyện cảm động. Phim của ông không cần lời nói lời nào, cũng chẳng cần mầu sắc, hay áo quần sang trọng vẫn hấp dẫn hàng tỷ người trên thế giới hết thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhân ngày sinh thứ 125 của ông, Tòa Thánh xuất bản một bộ tem để kỷ niệm người nghệ sĩ tài hoa này.

Ông Mauro Olivieri, Giám đốc văn phòng tem thư Vatican tem và sưu tập của Tòa Thánh cho biết:

“Chúng tôi nghĩ đây là một thời điểm tốt để nhận ra tầm quan trọng của nghệ sĩ này như một thiên tài trong nghệ thuật thứ bẩy. Điện ảnh đã thay đổi rất nhiều sau thời đại của ông, nhưng ông là một trong những diễn viên và đạo diễn xuất sắc đầu tiên.”

Những phim của ông như “Thời Đại Tân Kỳ”, “Nhà Đại Độc Tài”, “Gà trống nuôi con” đầy dẫy những khoảnh khắc độc đáo.

Danh hề Sạc Lô sinh năm 1889 và qua đời ngày 25 tháng 12 năm 1977.

13. Đức Thánh Cha chống chủ trương cho sử dụng “ma túy nhẹ”

Trong buổi tiếp kiến sáng 20-6 dành cho 450 tham dự viên hội nghị quốc tế chống ma túy, Đức Thánh Cha mạnh mẽ phê bình việc cho sử dụng các loại ma túy gọi là liều lượng nhẹ.

Lên tiếng trong dịp này, ngài cầu chúc hội nghị đạt tới mục tiêu là phối hợp các chính sách chống ma túy, chia sẻ những thông tin liên hệ và phát triển một chiến lược hành động chống lại nạn buôn bán ma túy.

Đức Thánh Cha bày tỏ lo âu và đau buồn vì sự lan tràn nạn ma túy trên thế giới đồng thời khẳng định rằng: 

“Tôi muốn nói thật rõ ràng: không thể chống ma túy bằng ma túy! Ma túy là một điều ác và không thể có thái độ nhượng bộ hoặc thỏa hiệp với điều ác. Tưởng rằng có thể giảm bớt thiệt hại của ma túy bằng cách cho những người sử dụng ma túy dùng những thuốc ảnh hưởng tới tâm lý thì không hề giải quyết được vấn đề. Những luật lệ cho sự dụng những thứ gọi là “ma túy nhẹ”, kể cả bán phần, không đáng được đưa ra tranh luận về mặt lập pháp, và cũng chẳng đạt được những hiệu quả mà người ta đề ra. Đàng khác, ma túy thay thế như thế không phải là một sự trị liệu đầy đủ, nhưng chỉ là một cách thức đầu hàng trá hình hiện tượng ma túy. Tôi muốn lập lại điều mà tôi đã nói trong một dịp khác: không chấp nhận bất kỳ loại ma túy nào! (Buổi triều yết chung 7-5-2014).

Đức Thánh Cha nói thêm rằng để phủ nhận ma túy, thì cần chấp nhận bênh vực sự sống, chấp nhận tình thương, chấp nhận tha nhân, giáo dục, và tạo công ăn việc làm. Nếu có những thái độ như thế thì sẽ không còn chỗ cho ma túy, cho sự lạm dụng rượu, và những thứ nghiện ngập khác”.

Đức Thánh Cha cũng nói đến sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo, theo gương Chúa Giêsu đối với người đau khổ, và không bỏ rơi những người sa vào vòng ma túy. “Giáo Hội cầm tay họ, qua hoạt động của bao nhiêu nhân viên và người thiện nguyện giúp họ tái khám phá phẩm giá cuả mình, giúp họ phục hồi các tiềm năng và năng khiếu bản thân mà ma túy đã chôn vùi” 

14. Khủng bố Hồi Giáo Boko Haram bắt cóc thêm 60 thiếu nữ Kitô hữu

Trong cuộc tấn công hôm Chúa Nhật, nhóm khủng bố Hồi Giáo khét tiếng Boko Haram lại bắt cóc thêm 60 thiếu nữ trong một thị trấn Kitô Giáo ở miền bắc Nigeria. 30 thanh niên cũng bị bắt, một số được ghi nhận đã bị giết trên đường rút lui của chúng.

Hôm 14 tháng Tư, khoảng 300 thiếu nữ trong một trường nội trú của Kitô Giáo đã bị bắt cóc. Một số trốn thoát được và cho đến nay 276 cô gái vẫn bị coi là mất tích. 

Một đoạn video do nhóm này đưa lên YouTube, cho thấy các cô gái bị buộc phải ăn mặc như người Hồi Giáo.

Lãnh đạo của Boko Haram, là Abubakar Sheku, xuất hiện trong video tuyên bố các cô gái đã cải sang đạo Hồi. Một số cô gái trốn thoát đã kể những câu chuyện kinh hoàng trong thời gian bị bắt giữ.

Nhóm cực đoan này cũng đe dọa sẽ bán các cô gái trong khu vực biên giới với Chad và Cameroon.

Tòa Thánh Vatican đã kêu gọi trả tự do cho các cô gái, trong khi Đức Giáo Hoàng đã làm dùng Twitter vận động cầu nguyện cho việc trả tự do này. Tại Nigeria, các Giám mục đã chỉ trích chính quyền là quá thụ động không có những hành động cụ thể để giải thoát các cô gái bị bắt cóc.

Nguồn: Viecatholic

h1

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …