Như chúng tôi đã tường trình, sáng thứ Năm, 18 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha đã giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chí Lợi và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito vào lúc 11 giờ rưỡi. Ban chiều, ngài đã giã từ Chí Lợi lúc 5 giờ để bay tới thủ đô Lima của Peru.
Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên cử hành phép hôn phối trên máy bay
“Bí tích này có ý nghĩa rất nhiều. ..” Carlos và Paula nói trong khi mắt họ vẫn còn đọng những giọt lệ vì vui mừng. Trước đó vài phút, họ vẫn còn tất bật phục vụ bánh mì và các thức uống cho hành khách trên chuyến bay Santiago-Iquique. Anh là một người quản lý, và chị là một tiếp viên hàng không.
Sau khi kết hôn dân sự, họ đã dự định làm phép cưới trong nhà thờ nhưng trận động đất năm 2010 đã hủy hoại nhà thờ giáo xứ của họ ở Santiago de Chile. Nhưng bây giờ, họ chính thức là một cặp vợ chồng theo đúng phép đạo, vì lần đầu tiên, một vị Giáo Hoàng đã cử hành phép hôn phối trên máy bay.
Sau khi được chụp hình chung với Đức Thánh Cha Phanxicô, họ xin ngài ban phép lành cho họ. Đức Thánh Cha đã hỏi họ đã lập gia đình chưa, họ trả lời rằng họ là đôi vợ chồng, nhưng chỉ mới kết hôn dân sự vì trận động đất. Và bất ngờ, Đức Giáo Hoàng hỏi họ có muốn được ngài cử hành phép hôn phối ngay tại chỗ không. Họ đương nhiên gật đầu đồng ý.
Chủ nhân của hãng hàng không Latam, là ông Ignacio Cueto, và Đức ông Mauricio Rueda (người lo việc tổ chức các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng) là những nhân chứng chính thức. Đức Thánh Cha cử hành lễ nghi trong khi chiếc Airbus đang bay ở độ cao 10,900m. Và ngài nói, “Tôi hy vọng rằng những gì anh chị làm ngày hôm nay sẽ truyền cảm hứng cho các cặp vợ chồng khác trên thế giới.”
Giấy chứng nhận kết hôn được lập ngay sau đó trên một tờ A4 đơn giản, bằng tiếng Tây Ban Nha: “Vào ngày 18 tháng 1 năm 2018, trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng từ Santiago đến Iquique, ông Carlos Ciuffardi Elorriaga và bà Paula Podest Ruiz đã kết hôn, với sự có mặt của nhân chứng Ignacio Cueto. Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận sự ưng thuận của họ”. (Xem ảnh)
“Trước khi tuyên bố chúng tôi là vợ chồng – anh Carlos, người Chí Lợi gốc Ý, nói – Đức Giáo Hoàng mỉm cười hỏi tôi: anh có chắc không đó?”.
Carlos Ciuffardi, 41 tuổi, và Paula Podest Ruiz, 39 tuổi, có hai con gái, Rafaella, 6 tuổi, và Isabella, 4 tuổi.
Đây là đám cưới đầu tiên được tổ chức bởi một vị Giáo Hoàng trên bầu trời.
Sau 2h15 phút bay, máy bay của Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường quốc tế Lima, thủ đô của Peru. Chút nữa đây sẽ có các nghi lễ chính thức chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong khi chờ đợi, Thảo Ly xin được điểm qua với quý vị và anh chị em một vài nét về Giáo Hội tại quốc gia này.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trước thềm chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Chí Lợi và Peru, Đức Hồng Y Juan Luis Cipriani Thorne là Tổng Giám Mục thủ đô Peru đã viếng thăm Rôma, và gặp Đức Giáo Hoàng trong một cuộc trò chuyện tập trung chủ yếu vào chuyến viếng thăm sắp tới của ngài tại quốc gia này.
Nói với các phóng viên sau cuộc gặp gỡ này, Đức Tổng Giám Mục nói rằng vị Giám mục Rôma sẽ thấy tại Peru một đức tin sống động với “những biểu hiện của lòng đạo đức bình dân”.
Đức Hồng Y cho biết Châu Mỹ Latinh và đặc biệt Peru vẫn duy trì được một nền văn hoá Kitô vững vàng, nơi các giá trị truyền thống về hôn nhân và gia đình đặc biệt được xiển dương trong quảng đại quần chúng.
Peru là một quốc gia Công Giáo, và trong khi các hình thức hôn nhân truyền thống và đời sống gia đình bị đe doạ bởi các hệ tư tưởng thế tục ngày càng tăng lên, như người ta vẫn thường thấy tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác ở châu Âu, việc bảo vệ hôn nhân tại Peru mạnh hơn rất nhiều.
Đất nước này cũng có truyền thống kháng cự quyết liệt đối với vấn đề phá thai, với khoảng 89% dân số ủng hộ cho chính nghĩa phò sinh.
Vì lý do này, Đức Hồng Y Cipriani nói ngài tin rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng là một cơ hội để thế giới nhìn vào châu Mỹ Latinh và học hỏi từ tấm gương đức tin của họ.
Niềm tin này được thể hiện ở Peru thông qua các hình thức của lòng đạo đức bình dân một cách đa dạng và đầy màu sắc như rước lễ, cầu nguyện trong gia đình, và nơi công cộng. Trong số những lễ hội lớn nhất trong năm, cần phải kể đến các cuộc rước vào ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa và một ngày lễ khác rất đặc biệt của Peru là lễ Chúa Ban Nhiều Phép lạ.
Đức Hồng Y nói, “Lòng đạo đức bình dân nổi tiếng cuả Peru sẽ khích lệ Đức Thánh Cha Phanxicô rất nhiều vì ngài sẽ nhìn thấy ở mọi nơi”
Đức Hồng Y cho biết thêm:
“Đất nước này rất đa dạng, về địa lý, và sắc tộc, vì vậy thực tế va chạm của các giám mục Peru dọc bờ biển, trên núi, hoặc trong rừng rất khác nhau. Với 50 giám mục đại diện cho những khu vực rất khác biệt này, cố gắng kết hợp tất cả mọi thứ vào một cuộc họp thường không phải là dễ dàng”.
Tại Peru, có những giáo phận chỉ có 100,000 dân, trong khi những nơi khác, như tại Lima, có 10 triệu người. Một số vùng rất phát triển, trong khi tại một số khu vực khác người dân sống “nghèo đói cùng cực”.
Nguồn: VietCatholic News