Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/11 – 25/11/2015: An ninh tại Rôma và trong chuyến tông du Phi Châu

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/11 – 25/11/2015: An ninh tại Rôma và trong chuyến tông du Phi Châu

 

1. Tăng cường các biện pháp an ninh tại Rôma và trong chuyến tông du Phi Châu của Đức Thánh Cha

Cảnh sát Ý đã được tăng cường chung quanh Vatican theo sau các cuộc tấn công khủng bố tại Paris, và nhiều biện pháp an ninh đã được bổ sung trong chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến thăm các nước Kenya, Uganda, và Cộng Hòa Trung Phi từ 25 đến 30 tháng 11. Tuy nhiên, sẽ không có thay đổi nào trong lịch trình của Đức Giáo Hoàng tại Phi Châu, cũng như trong kế hoạch cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Lực lượng cảnh sát Ý đã tăng cường các cuộc tuần tra trong và xung quanh quảng trường Thánh Phêrô. Cảnh sát dã chiến đã được điều vào khu vực và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra ngẫu nhiên các túi xách của du khách. Nhân viên an ninh mặc thường phục cũng trà trộn trong đám đông các tín hữu và du khách hành hương trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư hàng tuần và các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô. 

700 binh sĩ Italia cũng đã được điều đến các khu vực xung quanh Rôma, sau khi có những tin tức tình báo lo ngại về một cuộc tấn công khủng bố ngay tại Rôma. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Rôma cảnh giác các công dân Mỹ rằng Đền Thờ Thánh Phêrô có thể là một trong nhiều mục tiêu khủng bố tại Ý.

Tuy nhiên, các quan chức Vatican nói rằng Tòa Thánh không có kế hoạch thay đổi lịch trình hiện nay liên quan đến các biến cố công cộng, tại Rôma cũng như tại ba nước châu Phi mà Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm trong những ngày tới.

Hôm thứ Năm 19 tháng 11, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết ông Domenico Giani, tư lệnh lực lượng hiến binh Vatican, chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Đức Giáo Hoàng trong các cuộc tông du hải ngoại đã đến châu Phi trước Đức Thánh Cha để kiểm tra lần cuối cùng các biện pháp an ninh tại đây. Ông sẽ đặc biệt cảnh giác với các vấn đề tại Cộng hòa Trung Phi, nơi tình trạng bạo động đổ máu vẫn đang diễn ra trầm trọng đến mức gây ra những quan ngại sâu xa cho an ninh của Đức Giáo Hoàng. Chỉ riêng trong tuần qua đã có 22 người bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Pháp có một lực lượng, tên là Sangaris, gồm 900 binh sĩ đang có mặt tại Cộng hòa Trung Phi nhằm hỗ trợ cho 12 ngàn binh sĩ thuộc đạo quân Minusca của Liên Hiệp Quốc. Quan điểm của Bộ quốc phòng Pháp là chỉ có cảnh sát và quân đội của nước sở tại mới có khả năng thu thập được những tin tình báo thiết yếu cho việc bảo vệ các cuộc tụ tập đông người. Tuy nhiên, quân đội và cảnh sát Cộng hòa Trung Phi chưa được hoàn toàn tái lập. Trong tư cách là quân đội ngoại bang đóng trên đất Trung Phi, quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc không có khả năng bảo đảm an ninh cho các yếu nhân và cho sự di chuyển của đám đông dân chúng đông đảo các tín hữu Trung Phi và những người đến từ các nước lân cận như Cameroon, Congo Brazaville.. trên những con đường không được an toàn. Lực lượng Pháp có thể bảo đảm an ninh tại phi trường và di tản các giới chính quyền và giáo quyền trong trường hợp xảy ra tấn công, nhưng không thể làm hơn được.

Trước những lời cảnh báo này, cha Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng vẫn duy trì ý định đến thăm Trung Phi. Cha Lombardi nói: “Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn không thay đổi kế hoạch đến Cộng hòa Trung Phi.”

Hơn nữa, Cha Lombardi nói Đức Giáo Hoàng sẽ di chuyển trên một chiếc xe không có kính chắn đạn trong chuyến tông du châu Phi theo thói quen của ngài. Một ký giả đưa ra đề nghị Đức Giáo Hoàng nên mặc áo chống đạn trong chuyến tông du lần này. Tuy nhiên, cha Lombardi trả lời rằng “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về điều này”. Theo ngài, thật là vô lý khi mặc áo chống đạn trong khi ngồi trong một chiếc xe được mở toang ra.

Liên Hiệp Quốc đang nghiên cứu việc đưa thêm 300 quân vào Cộng hòa Trung Phi trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Cộng hòa Trung Phi mặc dù ao ước được thấy Đức Thánh Cha viếng thăm cũng đã lên tiếng lo ngại rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha có thể gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, là Đức Tổng Giám mục Franco Coppola, nhận xét rằng chuyến tông du của Giáo hoàng là nhằm kêu gọi sự chú ý đến tình trạng hỗn loạn tại đây, “để nhắc nhở cả thế giới, những khó khăn mà Cộng hoà Trung Phi đang phải đương đầu và đang cố gắng để thoát ra với tất cả sức mạnh của mình.”

Trở lại với những lo lắng tại Rôma, hai vị chủ tịch và tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Italia đều đã xác nhận rằng các kế hoạch tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ không thay đổi. “Huỷ bỏ Năm Thánh là hoàn toàn sai lầm,” Đức Hồng Y Angelo Bagnasco nói. “Tuyệt đối không nên gây hoảng loạn trong dân chúng, là những người đang hướng về Rôma, về cuộc hành hương đến Cửa Thánh, với một sự thanh thản bình thường”.

Phát ngôn viên Hạ viện Ý là bà Laura Boldrini, cũng nói rằng sẽ là một “sai lầm trầm trọng” để hủy bỏ kế hoạch Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mặc dù lo ngại về khủng bố hiện bây giờ là rất cao, “nhưng không có lý do cụ thể” nào về một cuộc tấn công liên quan đến các sự kiện của Năm Thánh.

2. Vụ tấn công khủng bố sáng thứ Sáu 20/11 tại Malia

Lúc 7h sáng thứ Sáu 20 tháng 11, có tới 10 tên khủng bố trang bị lựu đạn và AK-47 đã xông vào khách sạn hạng sang Radisson Blu của thủ đô Bamako, Mali. Chúng bắn chết hai nhân viên bảo vệ và một người Pháp trong khi hò hét khẩu hiệu “Allahu Akbar”.

Tin tức sơ khởi cho biết chúng đang bắt giữ làm con tin 140 khách trọ và 30 nhân viên khách sạn. Một số người nhanh chân chạy thoát trong đó có 5 nhân viên hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ và 12 nhân viên hãng Air France. Bọn khủng bố cũng trả tự do cho những ai đọc được kinh Quran.

Liên Hợp Quốc và Pháp đã gửi quân đến hiện trường để giúp nhà chức trách giải vây. Tổng thống Pháp, François Hollande, cho biết tất cả mọi thứ có thể đã được thực hiện nhằm nhằm giải cứu các con tin. Lính dù và cảnh sát chống khủng bố của Pháp từ Paris đã được không vận khẩn cấp sang Bamako trong cố gắng giải vây cho nhiều người Pháp hiện đang bị bắt.

Trong số những con tin, ngoài người Pháp còn có các công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc và Guinea đang bị bắt giữ. Theo tin giờ chót toàn bộ 20 người Ấn cư trú trong khách sạn đã được trả tự do cùng với một số người Trung quốc.

Bọn khủng bố có lẽ chủ yếu nhắm vào con số đông đảo các đại biểu trú ngụ để tham dự một hội nghị về hòa bình cho quốc gia này.

Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita của Mali đã cắt ngắn chuyến thăm Chad để đối phó với cuộc tấn công khủng bố này.

Quá trưa ngày thứ Sáu 20 tháng 11, quân đội và các lực lượng an ninh Mali được dự yểm trợ của quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc đã làm chủ tình hình trong khách sạn Radisson Blu.

27 người được ghi nhận là đã bị thiệt mạng, trong đó có một người Mỹ. Ít nhất 2 tên khủng bố đã bị giết trong cuộc giao tranh.

Mali với dân số 12 triệu người đã từng là thuộc địa của Pháp và đã giành được độc lập vào năm 1960. 94.8% dân số nước này theo Hồi Giáo. Giáo Hội Công Giáo tại đây có một tổng giáo phận và 5 giáo phận với dân số là 223,500 tín hữu.

3. Pháp xác nhận tên cầm đầu vụ khủng bố tại Paris đã thiệt mạng trong cuộc hành quân của cảnh sát tại St. Denis

Hôm thứ Năm, nhà chức trách Pháp cho biết Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị tình nghi là tên cầm đầu các cuộc tấn công Paris hôm thứ Sáu 13 tháng 11, là một trong số những người thiệt mạng trong một cuộc đột kích của cảnh sát Pháp hôm thứ Tư 18 tháng 11.

Giao tranh giữa cảnh sát và bọn khủng bố đã kéo dài từ 4:30 sáng đến 10:30. Hai tên khủng bố bị thiệt mạng trong khi phiá cảnh sát có 5 người bị thương và một con chó của cảnh sát bị bắn chết.

Một người phụ nữ trong nhóm khủng bố – em họ của Abaaoud – đã chết trong cuộc tấn công sau khi cho nổ bom quấn quanh một áo giáp đeo trên người.

Người ta không rõ Abdelhamid Abaaoud chết vì nổ bom tự sát hay vì bị cảnh sát bắn chết. Trên cơ thể của tên này đầy những viên đạn và mảnh đạn. 

Abdelhamid Abaaoud sinh tại Bỉ năm 1987 và được tin là đã qua Syria chiến đấu cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cho biết ông đã nhận được tin tình báo rằng Abaaoud đã trở về từ Syria qua ngã Hy Lạp.

Abdelhamid Abaaoud được cho là đã đạo diễn 2 vụ tấn công bất thành. Vụ thứ nhất diễn ra vào sáng Chúa Nhật 19 tháng Tư. Bọn khủng bố dự định tấn công vào 2 nhà thờ trong khu vực Villejuif. Tên sát thủ trong vụ này đã giết chết một phụ nữ để cướp xe. Hung thủ trong lúc lau súng sau khi giết người đã bị cướp cò làm bị thương một chân và kế hoạch gây án bị thất bại.

Vụ thứ hai diễn ra ngày 21 tháng 8, một tên khủng bố tấn công trên xe lửa Amsterdam đi Paris nhưng bị hành khách khống chế.

Trong những diễn biến khác, Pháp đã trình bày một dự thảo tại Liên Hợp Quốc kêu gọi sự hỗ trợ toàn cầu trong cuộc chiến chống IS. Chín người đã bị bắt giữ tại Bỉ liên quan đến các cuộc tấn công Paris. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra lệnh “tăng cường” các cuộc không kích vào các mục tiêu của bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Iraq và Syria.

Trong khi đó, thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo rằng nước Pháp có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công hoá học hoặc sinh học do các nhóm khủng bố gây ra.

Quốc hội Pháp đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trong ba tháng bắt đầu từ 26 tháng 11.

4. Sống kinh nghiệm lòng thương xót Chúa trong Năm Thánh

Trong tháng 12 tới đây Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu Công Giáo toàn thế giới cầu xin cho tất cả mọi người có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng không mệt mỏi thứ tha.

Ngày mùng 8 tháng 12 tới đây lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự lễ nghi trọng thể khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Vưong cung thánh đường thánh Phêrô. Cửa Thánh các Vưong cung thánh đường Đức Bà Cả và Gioan Laterano cũng sẽ được Đức Thánh Cha mở sau đó. Trong khi lễ nghi mở Cửa Thánh Vương Cung Thánh Đường thánh Phaolô ngoại thành sẽ do Đức Hồng Y James Michael Harvey chủ sự.

Trong thư gửi Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Tân Phúc Âm Hóa, đề ngày mùng 1 tháng 9 năm 2015 Đức Thánh Cha đã bầy tỏ ước muốn của ngài cầu mong cho mọi thành phần dân Chúa có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót Chúa trong Năm Thánh này. Ngài viết “Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót đến gần cho phép tôi tập trung vào vài điểm quan trọng phải can thiệp, để cho việc cử hành Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tất cả mọi tín hữu. Thật thế, ước mong của tôi đó là Năm Thánh là kinh nghiệm sống động sự gần gũi của Thiên Chúa Cha, hầu như sờ mó được với bàn tay sự dịu hiền của Người, để cho đức tin của mỗi tín hữu được củng cố mạnh mẽ, và như vậy chứng tá của họ luôn trở thành hữu hiệu hơn.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nhắc đến mọi thành phần dân Chúa. Trước hết là các tín hữu tại các giáo phận hay các người hành hương đến Roma. Ngài cầu mong họ được sống kinh nghiệm tinh tuyền lòng thương xót và gặp gỡ gương mặt của Thiên Chúa Cha, Đấng tiếp đón và tha thứ, hoàn toàn quên hết mọi tội lỗi con người đã sa phạm. Để có thể được hưởng ơn toàn xá, tín hữu được mời gọi làm một cuộc hành hương ngắn hướng về Cửa Thánh, mở tại mỗi nhà thờ chính tòa hay các nhà thờ được Giám Mục giáo phận thiết định, và trong bốn Vương cung thánh đường giáo hoàng ở Roma, như dấu chỉ ước muốn hoán cải thật sự sâu xa. Đây cũng là điều được thiết định cho các trung tâm hành hương nơi Cửa Lòng Thương Xót được mở, và tại các nhà thờ năm thánh có truyền thống được lãnh nhận ơn toàn xá. Trưóc hết đây là thời điểm quan trọng hiệp nhất với Bí Tích Hòa Giải và việc cử hành Thánh Thể với một suy tư về lòng thương xót. Cần kèm theo các cử hành này với việc tuyên xưng đức tin và lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho các ý chỉ của ngài cho thiện ích của Giáo Hội và toàn thế giới.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nghĩ tới tất cả những ai, vì các lý do khác nhau, không thể đến Cửa Thánh được, trước tiên là các bệnh nhân và người già cả và neo đơn, thường không thể ra khỏi nhà. Các anh chị em này có thể sống tình trạng bệnh tật và khổ đau của mình như kinh nghiệm gần gũi Chúa, là Đấng trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài, đã chỉ cho chúng ta thấy con đường chính trao ban ý nghĩa cho khổ đau và cô đơn. Đối với họ sống thời điểm này với đức tin và niềm hy vọng tươi vui, băng cách rước lễ hay tham dự Thánh Lễ và việc cầu nguyện cộng đoàn, kể cả qua các phương tiện truyền thông, sẽ là kiểu lãnh nhận ơn toàn xá của Năm Thánh.

Đức Thánh Cha cũng nghĩ đến các tù nhân phải sống kinh nghiệm sự hạn chế tự do. Năm Thánh đã luôn luôn là cơ may ban ân xá lớn đối với biết bao nhiêu người, dù đáng chịu hình phạt, nhưng đã ý thức được sự bất công họ đã phạm và chân thành ước mong tái hội nhập xã hội để góp phần xây dựng liêm chính. Lòng xót thương của Thiên Chúa Cha cũng đến với những người ấy, Ngài là Đấng muốn gần gũi kẻ cần đến sự tha thứ của Ngài nhất. Các anh chị em này có thể lãnh nhận ơn toàn xã trong nhà nguyện của các nhà tù. Và mỗi lần họ bước qua cánh cửa phòng giam của họ, khi hướng tư tưởng và lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha, thì cử chỉ này đối với họ có thể có ý nghĩa của việc bước qua Cửa Thánh, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa có khả năng biến đổi các con tim, và có cả khả năng biến các song sắt nhà tù thành kinh nghiệm của sự tự do.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trong Năm Thánh này ngài đã xin Giáo Hội tái khám phá ra sự phong phú chứa đựng trong các công việc của lòng thương xót thể lý và tinh thần. Thật vậy, kinh nghiệm của lòng thương xót trở thành hữu hình trong chứng tá của các dấu chỉ cụ thể như chính Chúa Giêsu đã dậy. Mỗi khi chính tín hữu sống một hay nhiều công việc thương xót đó, họ sẽ được ơn toàn xá của Năm Thánh. Vì thế phải dấn thân sống lòng thương xót để được ơn tha thứ hoàn toàn và trọn vẹn nhờ sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa Cha, là Đấng không loại trừ ai hết. Do đó, đây sẽ là một ơn toàn xá tràn đầy, hoa trái của chính biến cố được cử hành và sống với đức tin, đức cậy và đức mến.

Đức Thánh Cha cũng cho biết có thể lãnh ơn toàn xá cho các anh chị em đã qua đời. Chúng ta được gắn bó với họ bởi chứng tá của lòng tin và lòng mến, mà họ đã để lại cho chúng ta. Như chúng ta nhớ đến họ trong việc cử hành Thánh Thể, trong mầu nhiệm của sự hiệp thông lớn lao, chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho họ, để cho gương mặt thương xót của Thiên Chúa Cha giải thoát họ khỏi mọi cặn bã của tội lỗi và có thể ôm chặt họ trong mối phúc vô tận.

Liên quan tới thảm cảnh phá thai khiến cho tín hữu không thể lãnh nhận các bí tích, Đức Thánh Cha nói đây là một trong các vấn đề nghiêm trọng của thời đại. Có một tâm thức rất phổ thông khiến cho con người mất đi sự nhậy cảm cá nhân và xã hội phải có đối với việc tiếp nhận một sự sống mới. Thảm cảnh phá thai được vài người sống với một ý thức hời hợt, hầu như không nhận thức được sự dữ rất trầm trọng của hành động này. Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ tới tất cả các phụ nữ đã phá thai, và nói rằng ngài biết rõ các điều kiện đã khiến cho họ đi đến quyết định này. Đó là một thảm cảnh hiện sinh và luân lý. Ngài đã gặp biết bao nhiêu phụ nữ mang các vết thẹo trong con tim vì sự lựa chọn đớn đau này. Điều đã xảy ra thật là bất công, nhưng chỉ việc hiểu nó trong sự thật mới có thể cho phép không đánh mất niềm hy vọng. Ơn tha thứ của Thiên Chúa không bị khước từ đối với bất cứ ai sám hối, nhất là khi với con tim chân thành họ chạy đến với Bí Tích Xưng Tội để được hòa giải với Thiên Chúa Cha. Vì vậy Đức Thánh Cha đã quyết định ban phép cho tất cả mọi linh mục, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, xá giải cho những ai đã phá thai, nhưng sám hối chân thành và xin ơn tha thứ. Các linh mục phải chuẩn bị mình cho nhiệm vụ cao cả này, và biết có các lời nói đơn sơ tiếp đón, với một suy tư giúp hiểu tội đã phạm và đề nghị một lộ trình hoán cải đích thật giúp tiếp nhận sự tha thứ đích thực và quảng đại của Thiên Chúa Cha, là Đấng canh tân mọi sự với sự hiện diện của Ngài.

Sau cùng Đức Thánh Cha cũng nhắc tới các tín hữu, vì nhiều lý do khác nhau, lui tới các nhà thờ do các linh mục thuộc Huynh đoàn Pio X trông coi. Năm Thánh Lòng Thương Xót không loại trừ ai. Do đó, vì thiện ích của họ, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, ngài cũng cho phép họ có thể đến xưng tội với các linh mục của Huynh đoàn và nhận ơn tha thứ một cách giá trị và hợp pháp.

Với các chỉ dẫn và ý tưởng trên đây của Đức Thánh Cha, trong tháng 12 này, chúng ta hiệp ý với tín hữu Công Giáo toàn thế giới sốt sắng cầu xin cho tất cả mọi người có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng không mệt mỏi thứ tha.

5. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục đừng khó tính

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục hãy luôn nhớ căn cội của mình, có đời sống nhân bản, an bình, vui tươi và có tinh thần phục vụ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu 20-11 dành cho hàng trăm linh mục, chủng sinh và tu sinh tham dự hội nghị do Bộ giáo sĩ tổ chức tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành hai sắc lệnh của Công đồng chung Vatican 2 về đời sống linh mục (Presbyterorum ordinis) và việc đào tạo linh mục (Optatam totius).

Đức Thánh Cha nhắc nhở các nhà đào tạo và chính các linh mục hãy nhớ đến lịch sử bản thân và của người thụ huấn, nhớ đến con người cụ thể được kêu gọi làm môn đệ và linh mục của Chúa, và luôn ý thức rằng chỉ có Chúa Kitô là vị Tôn Sư duy nhất cần phải noi theo và trở nên đồng hình dạng với Ngài.

Đức Thánh Cha đề cao vai trò của gia đình, trường học, giáo xứ, các hội đoàn và các nhóm bạn hữu, trong việc làm nảy sinh vun trồng ơn gọi cho các bạn trẻ.

Ngài cũng nêu bật một số đức tính của linh mục tốt và nhấn mạnh rằng “việc huấn luyện nhân bản là một điều cần thiết đối với các linh mục, để họ học cách không để cho mình bị những giới hạn thống trị, nhưng biết phát huy những tài năng của mình. Một linh mục cũng phải là một người an bình, biết tỏa lan sự thanh thản ra chung quanh mình, cả trong những lúc vất vả, thông truyền vẻ đẹp của quan hệ với Chúa. Một điều không bình thường, đó là một linh mục sầu muộn, khó tính, cáu kỉnh, hoặc có tính tình cứng cỏi; những thái độ như thế chẳng tốt cho linh mục, cũng như cho dân chúng”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các linh mục phải là những người phục vụ anh chị em mình. Những hình ảnh Chúa Kitô mà chúng ta lấy làm điểm tham chiếu cho sứ vụ linh mục thật là rõ ràng: Ngài là Linh Mục thượng phẩm, gần gũi Thiên Chúa, đồng thời gần gũi con người; là Người Tôi Tớ rửa chân và trở nên tha nhân của những người yếu thế nhất; là Mục Tử nhân lành luôn nhắm mục tiêu chăm sóc đoàn chiên”.

Đức Thánh Cha cũng ứng khẩu nhiều đoạn trong bài diễn văn. Đặc biệt ngài nhắc nhở sắc lệnh của Công đồng Trento buộc các giám mục phải ở trong giáo phận của mình vẫn còn hiệu lực. Ngài nói: “Có những giám mục thích đi đây đi đó thay vì chăm sóc giáo phận thuộc quyền. Nếu họ không cảm thấy cần ở lại thì tốt hơn họ nên từ chức”.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Một giám mục – cám ơn Chúa luôn bận rộn, nhưng nếu nhận được cú điện thoại của một linh mục, thì ít ra hãy nhắc ống nghe lên và làm cho linh mục ấy cảm thấy sự gần gũi của mình. Nhưng có những giám mục dường như xa lìa các linh mục”.

6. Đức Thánh Cha phê bình quan niệm duy lợi ích về con người

Đức Thánh Cha kêu gọi vượt thắng thứ văn hóa tiêu cực, chủ trương đón nhận hay loại bỏ con người theo tiêu chuẩn lợi ích.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Năm 19 -11, dành cho 550 tham dự viên Hội nghị quốc tế lần thứ 30 do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức tại Vatican với chủ đề “Nền văn hóa sức khỏe và đón tiếp phục vụ con người và trái đất”.

Hội nghị trùng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội đồng này của Tòa Thánh và 20 năm công bố Thông điệp “Tin Mừng Sự Sống” (Evangelium Vitae) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Trong thông điệp này, chúng ta có thể tìm thấy những yếu tố cấu thành nền văn hóa sức khỏe, đó là: sự đón tiếp, thương xót, cảm thông và tha thứ. Đó là những thái độ Chúa Giêsu vẫn có đối với nhiều người túng quẫn đến gần Chúa mỗi ngày như các bệnh nhân nói chung, những người tội lỗi công khai, người bị quỷ á, bị gạt ra ngoài lề, người nghèo và ngoại kiều …

Đức Thánh Cha cũng đề cao thái độ gần gũi tha nhân, vượt thắng mọi hàng rào quốc tịch, giai tầng xã hội, tôn giáo, như người Samaritano nhân lành trong dụ ngôn Phúc Âm dạy chúng ta. “Sự gần gũi đó cũng vượt thắng thứ văn hóa theo nghĩa tiêu cực, tại các nước giàu cũng như nước nghèo, chủ trương rằng con người chỉ được tiếp nhận hay phủ nhận theo các tiêu chuẩn duy lợi ích, đặc biệt là tùy theo họ có lợi ích về mặt xã hội hoặc kinh tế hay không.. Não trạng này giống như cái gọi là “y khoa theo ước muốn”: đây là một phong tục ngày càng phổ biến tại các nước giàu, theo đó người ta tìm cách kiện toàn thể lý bằng mọi giá, với ảo tưởng mãi mãi trẻ trung; đây là một phong tục đưa tới sự loại bỏ hoặc gạt ra ngoài lề những ai không có hiệu năng, những người bị coi là gánh nặng và gây phiền toái cho người khác”

7. Lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa

Các phương tiện truyền thông Italia cho rằng Mẹ Têrêsa Calcutta sẽ được tuyên thánh vào ngày 5 tháng Chín năm 2016, là ngày kỷ niệm Mẹ Têrêsa qua đời, hoặc vào ngày Chúa Nhật một ngày trước đó, tức là ngày 4 tháng Chín. 

Tuy nhiên, cha Ciro Benedettini, Phó giám đốc văn phòng báo chí Vatican, nói với Thông tấn xã Công Giáo CNA rằng Bộ Tuyên Thánh chưa hoàn thành kịp các công việc cần thiết cho tiến trình tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa. 

Vatican vẫn còn đang nghiên cứu một phép lạ đã được báo cáo theo đó nhờ sự cầu bầu của Mẹ Têrêsa một người đàn ông Brazil đã được chữa khỏi một khối u não ác tính. 

Cho đến khi nào phép lạ chưa được chính thức phê duyệt, ngày tuyên thánh không thể được ấn định.

8. Đức Thánh Cha lo ngại về sự sa xút của Giáo Hội tại Đức

Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục Đức tìm phương thế đối phó tới tình trạng đời sống bí tích của Giáo Hội tại đây sa xút trầm trọng.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu 20-11 dành cho 64 Giám Mục của 27 giáo phận tại Đức, về Rôma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Trong bài huấn dụ trao cho các Giám Mục, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Giáo Hội Công Giáo tại Đức có rất nhiều hoạt động từ thiện, xã hội, giáo dục, nhưng cần làm sao bảo đảm đặc tính Công Giáo của các hoạt động và tổ chức này. Đàng khác người ta nhận thấy đặc biệt tại các vùng theo truyền thống là Công Giáo có sự sa xút rất nhiều trong sự tham dự thánh lễ Chúa Nhật và đời sống bí tích. Tại những nơi đó trong thập niên 1960, hầu như mọi tín hữu đều tham dự thánh lễ Chúa Nhật, nhưng ngày nay số tham dự chưa đến 10%. 

Càng ngày các tín hữu càng ít lãnh nhận các bí tích. Bí tích Thống Hối hầu như biến mất. Càng ngày càng ít tín hữu Công Giáo lãnh nhận bí tích thêm sức và kết hôn theo phép đạo. Số ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến sa xút rõ rệt. Đứng trước những sự kiện ấy, người ta có thể nói thực sự có sự hao mòn đức tin Công Giáo tại Đức”.

Trong số các biện pháp cần thực hiện trước tình trạng ấy, trước tiên Đức Thánh Cha kêu gọi cần vượt thắng thái độ cam chịu làm tê liệt. Ngài nhắc đến tấm gương của hai tín hữu Công Giáo thiện nguyện, Priscilla và Aquilia, cộng sự viên trung thành của thánh Phaolô. Như một đôi vợ chồng, họ làm chứng tá bằng những lời đầy sức thuyết phục (Xc Cv 18,26), nhưng nhất là bằng đời sống của họ, minh chứng rằng chân lý dựa trên tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội, thực là đáng tin.

Đức Thánh Cha viết: “Tấm gương của những tín hữu “thiện nguyện” ấy có thể làm cho chúng ta suy nghĩ, xét vì xu hướng ngày càng cơ chế hóa. Người ta luôn thiết lập những cơ chế mới mẻ, nhưng rồi thiếu các tín hữu cho các cơ chế ấy. Đó là một thứ chủ thuyết mới cậy dựa vào sức riêng mình (nuovo pelagianesimo) khiến chúng ta tin tưởng nơi các cơ chế hành chánh, các tổ chức hoàn hảo. Một sự tập trung thái quá, thay vì giúp đỡ, thì lại làm cho đời sống Giáo Hội và năng động truyền giáo của Giáo Hội trở nên phức tạp (E.G 32).

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều cấp thiết bây giờ là “hoán cải mục vụ”, nghĩa là làm sao để các “tất cả cơ chế của Giáo Hội có tính chất truyền giáo, .. việc mục vụ ở mọi cấp đều có tính chất cởi mở, đặt các nhân viên mục vụ trong thái độ “đi ra ngoài” và cổ võ sự đáp trả tích cực của những người mà Chúa Giêsu trao tặng tình bạn cho họ” (E.G. 27).

Đức Thánh Cha không quên nhắn nhủ các Giám Mục và nhân viên mục vụ trong Giáo Hội tại Đức hãy ở giữa dân với lòng nhiệt thành của những người đã đón nhận Tin Mừng trước tiên, tìm lại nguồn mạch tươi mát của Tin Mừng.. Ngài cũng kêu gọi các Giám Mục tháp tùng các phân khoa thần học Công Giáo ở Đức, giúp các giáo sư tái khám phá chiều kích Giáo Hội trong sứ mạng của họ. Lòng trung thành với Giáo Hội và Huấn quyền Hội Thánh không trái ngược với tự do nghiên cứu, nhưng đòi phải có một thái độ khiêm tốn, phục vụ các hồng ân của Thiên Chúa. Đặc biệt những người giáo dục và huấn luyện các thế hệ trẻ phải có cùng cảm thức với Giáo Hội.

9. Cử hành nghi thức kiểm soát chuẩn bị mở Cửa Năm Thánh

Lúc 6 giờ rưỡi chiều ngày 17-11, Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, đã chủ sự nghi thức kiểm soát để chuẩn bị mở Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 8-12 tới đây.

Sau lời nguyện, Đức Hồng Y Comastri đã hướng dẫn đoàn kinh sĩ của Đền Thờ Thánh Phêrô đến mặt sau của Cửa Năm Thánh ở bên trong Đền thờ. Sau lời huấn dụ của một vị trưởng nghi, 4 người thợ của Đền thờ đã dùng búa nhọn đục lỗ trong tường và lấy ra một hộp kim loại được gắn vào đó trong lúc đóng Cửa Đại Năm Thánh 2000, bên trong chứa đựng các Văn kiện của Năm Thánh liền trước đây, chìa khóa mở cửa Năm Thánh, các nắm cửa, văn kiện viết trên giấy da về việc đóng cửa Năm Thánh ngày 6-1-2001, các viên gạch và mềđai kỷ niệm.

Sau khi cầu nguyện trước Bàn thờ chính của Đền thờ thánh Phêrô, đoàn kinh sĩ đi rước vào phòng hội. Tại đây, hộp kim loại được mở ra bằng đèn xì. Hiện diện trong dịp này có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và Đức ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha. Đức ông đã tiếp nhận các văn kiện và đồ vật liên hệ tới cuộc kiểm soát chuẩn bị Cửa Năm Thánh”

10. Đức Hồng Y Kurt Koch: bọn khủng bố Hồi Giáo IS là Satan

Phát biểu tại một hội nghị đại kết tại Đức, Đức Hồng Y Kurt Koch gọi bọn khủng bố Hồi Giáo IS là một “tổ chức khủng bố của Satan”, Katholische Presseagentur cho biết như trên.

Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp Nhất Kitô Giáo, đã có cuộc gặp gỡ hôm 17 tháng 11 với 650 thành viên tổ chức cổ vũ đại kết Kitô Giáo Schwäbisch Gmünd. Đề cập đến điều ngài gọi là “đại kết bằng máu,” ngài cảnh báo rằng cuộc sống của các Kitô hữu đang bị đe dọa ở 25 quốc gia và thật là một “hiện tượng lạ” khi các phương tiện truyền thông cố tình lờ đi sự thật này.

11. Vatican chính thức truy tố 5 người về tội lấy cắp và phổ biến các tài liệu mật của Tòa Thánh

Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Sáu, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Vatican chính thức buộc tội năm người lấy cắp và phổ biến bất hợp pháp các tài liệu và các thông tin nhạy cảm của Tòa Thánh, trong đó có cả hai nhà báo đã viết hai cuốn sách mới xuất bản, cùng với hai viên chức, và một thư ký cho những viên chức này.

Những người bị truy tố gồm hai nhà báo Gianluigi Nuzzi và Emiliano Fittipaldi, hai cựu viên chức là Đức Ông Lucio Vallejo Balda và bà Francesca Immacolata Chaouqui, cùng với người thư ký của Đức Ông là cô Nicola Maio.

Vallejo, Chaouqui, và Maio, bị buộc tội “tiết lộ các thông tin, và những tài liệu liên quan đến lợi ích căn bản của Tòa Thánh và quốc gia thành Vatican”, trong khi tất cả năm bị cáo bị buộc tội lấy cắp và lạm dụng các tài liệu Vatican.

Phiên tòa đầu tiên sẽ diễn ra ngày Thứ Ba 24 Tháng 11 vào lúc 10:30 sáng tại tòa án hình sự Vatican.

Hôm 17 tháng 11, Emiliano Fittipaldi, tác giả của một trong hai cuốn sách mới dựa trên các tài liệu bị rò rỉ từ Vatican, đã có cuộc gặp gỡ với các công tố viên Vatican nhưng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến việc tại sao anh ta có được các tài liệu này.

Một nhà báo khác là Gianluigi Nuzzi, trước đó đã từ chối gặp các công tố viên. Gianluigi Nuzzi là tác giả cuốn sách có tựa đề: “Via Crucis” nghĩa là “Đàng Thánh Giá”, khi xuất bản bằng Anh ngữ thì lấy tựa đề giật gân hơn là “Merchants in the Temple” nghĩa là “Những con buôn trong đền thờ”. 

Fittipaldi – tác giả cuốn Avarice, nghĩa là Hà Tiện – cho rằng luật pháp của Ý sẽ bảo vệ quyền của anh ta không tiết lộ nguồn cung cấp tin cho mình bí mật. Fittipaldi nói các công tố viên Vatican cho ông ta biết ông ta có thể đối diện với một án tù lên đến tám năm vì tội xuất bản trái phép các tài liệu mật. Tuy nhiên, ông ta cũng bày tỏ tin tưởng rằng chính phủ Ý sẽ không giao ông ta cho Vatican truy tố.

Nhà báo người Ý này nói rằng nếu xui lắm thì ông ta thà đi tù chứ không chịu tiết lộ nguồn cung cấp tin cho mình. Ông nói rằng ông đã đồng ý gặp các quan chức Vatican chỉ để xem họ sẽ hỏi ông ta những câu hỏi gì mà thôi.

Trong tiến trình cải tổ giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đã cho mở một cuộc khảo sát nhằm cắt giảm các khoản chi tiêu ngõ hầu có thể sử dụng các nguồn tài nguyên của Tòa Thánh vào những mục đích có lợi nhất. Những tài liệu và những băng ghi âm những cuộc họp trong tiến trình khảo sát này bị một số thành viên trong ủy ban khảo sát này trong đó có linh mục Lucio Angel Vallejo Balda, và bà Francesca Chaouqui lấy cắp trao cho hai ký giả Gianluigi Nuzzi và Emiliano Fittipaldi.

12. Trước thềm chuyến tông du Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã trở thành vị Giáo Hoàng hiện đại đầu tiên đến Phi Châu vào năm 1969 và tuyên bố châu lục này một “quê hương mới” cho Chúa Giêsu Kitô. Trong triều đại giáo hoàng kéo dài một phần tư thế kỷ của mình, Thánh Gioan Phaolô II đã đến 42 quốc gia châu Phi và được người dân châu lục này tặng cho biệt danh “Giáo Hoàng Phi Châu.” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng từng thăm viếng châu Phi và gọi lục địa này là hy vọng của Giáo Hội. Trong những ngày sắp tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp nối truyền thống những người tiền nhiệm của ngài khi tông du một khu vực có số lượng ngày càng tăng những người Công Giáo, một khu vực được nhiều người đánh giá là một bức tường thành cho một Giáo Hội đang tìm cách mở rộng sự lôi cuốn của mình trong khi quyết liệt chống trả lại những thách thức từ chủ nghĩa thế tục, đến chủ nghĩa bài Công Giáo và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Cuộc tấn công khủng bố tại Paris hôm 13/11, và cuộc tấn công sau đó tại Mali một tuần sau đó chắc chắn sẽ là một chủ đề quan trọng trong chuyến đi kéo dài từ thứ Tư 25 tháng 11 cho đến 30 tháng 11 của Đức Thánh Cha tại Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Nhưng, đó cũng đồng thời là nguồn gốc gợi lên những âu lo cho an ninh của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du đầy nguy hiểm này.

Mỗi một nước trong ba nước này đều có những câu chuyện riêng của họ về những chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Ở Kenya, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến tông du của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đưa ra một lời khích lệ cho các Kitô hữu vẫn còn quay cuồng sau một cuộc tấn công hồi tháng Tư vừa qua của nhóm Hồi giáo al-Shabab, là những kẻ đã giết chết gần 150 người tại một trường đại học của Kenya nơi phần lớn sinh viên là Kitô hữu.

Cha Stephen Okello, một linh mục Công Giáo Kenya, nhận xét rằng Đức Thánh Cha sẽ tiếp cận với “những người vẫn còn rất sợ, những người đã từng bị khủng bố, những người ngày qua ngày đã và đang phải chịu rất nhiều phiền hà bởi cơ man những trạm kiểm soát an ninh và tất cả những tệ đoan xuất phát từ đó”. Cha Stephen cũng không quên nhắc lại những vụ bạo động sắc tộc trong cuộc bầu cử hồi năm 2007 gây ra cái chết của hơn 1,000 người tại Kenya.

“Người Kenya thực sự cần hòa giải,” cha Stephen, trong ban tổ chức chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng nói thêm. Trước tình trạng bạo lực lan tràn trong các khu vực khác, cha bày tỏ hy vọng lạc quan rằng “điều này có thể là một thông điệp tốt cho toàn bộ châu Phi”.

Jo-Renee Formicola, một chuyên gia và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Seton Hall ở Hoa Kỳ nhận định rằng thách thức đối với Đức Giáo Hoàng, là người đã mô tả bạo lực bùng lên tại Paris và các nơi khác như một phần của “chiến tranh thế giới thứ ba từng mảng” là làm sao kêu gọi người dân “vượt lên trên con người của mình” chống lại cám dỗ chiều theo những thái độ cứng rắn, ăn miếng trả miếng.

“Làm thế nào để bạn hòa giải được giữa lòng thương xót và bạo lực tàn nhẫn của chiến tranh?” Formicola hỏi.

Bên cạnh những cuộc xung đột đẫm máu khắp đại lục này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng được dự kiến sẽ động chạm đến những chủ đề thân thiết với trái tim mình, và được quan tâm rất lớn tại châu Phi, đó là chuyện nghèo đói và môi trường, cũng như nhu cầu đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi giáo.

Bất chấp những thách thức, châu Phi là một nơi hứa hẹn cho Giáo Hội Công Giáo, trái ngược với châu Âu và châu Mỹ nơi Giáo Hội đang vất vả đương đầu với sự gia tăng của chủ nghĩa thế tục và sự cạnh tranh quyết liệt của Tin Lành.

Tỷ lệ người Công Giáo châu Phi trong dân số Công Giáo thế giới đã tăng từ 7 phần trăm đến 16 phần trăm giữa năm 1980 và 2012, theo một báo cáo hồi đầu năm nay của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong các hoạt động Tông Đồ, một trung tâm nghiên cứu trực thuộc Đại học Georgetown ở Mỹ. Việc tăng dân số và kéo dài tuổi thọ sẽ làm tăng hơn gấp đôi số người Công Giáo tại Phi Châu với một con số lên đến 460,400,000 vào năm 2040.

Theo thống kê năm 2012, người Công Giáo chiếm 18.6 phần trăm dân số châu Phi. Đặc biệt, trong vùng cận sa mạc Sahara, bối cảnh của nhiều câu chuyện Hồi Giáo châu Phi, con số người Công Giáo đã lên đến 63%, theo một nghiên cứu của Pew Research Center.

Giáo Hội Công Giáo ở châu Phi cũng gặp phải những thách đố, bao gồm truyền thống tôn kính tổ tiên theo những cách thế không tương hợp với giáo lý Công Giáo, sự thịnh hành của chế độ đa thê vẫn đang được áp dụng ở một số vùng của châu Phi, và việc nhiều giáo phái Kitô khác cạnh tranh quyết liệt với Công Giáo qua những buổi cầu nguyện chữa lành. Có cả những trường hợp một số linh mục Công Giáo đã rời bỏ công việc mục vụ và thành lập các giáo đoàn trong đó hàng giáo sĩ không phải tuân giữ lời thề độc thân.

“Giáo Hội có nhiệm vụ củng cố niềm tin rằng gia đình một vợ một chồng là con đường phía trước,” Đức Hồng Y Francis Arinze của Nigeria đã viết trong lời đề tựa cho cuốn sách “ Christ’s New Homeland – Africa”, nghĩa là “Châu Phi – quê hương mới của Chúa Kitô”, một cuốn sách được xuất bản trong năm nay.

Đức Cha Barthelemy Adoukonou viết một chương trong cuốn sách này, trong đó ngài nói rằng Kitô giáo bị thách thức “không chỉ bởi một thứ Hồi giáo vũ trang cực đoan, mà còn bởi một nền văn minh phương Tây tục hoá, duy vật, duy khoái lạc, và duy hưởng thụ.”

13. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Hội đường Do thái ở Roma vào chiều Chúa Nhật 17-1- 2016.

Trong thông cáo công bố hôm 17-11, Phòng báo chí Tòa Thánh loan báo:

“Đáp lời mời của Rabbi Trưởng và Cộng đoàn Do thái ở Roma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến viếng thăm Đền thờ Lớn của Do thái chiều Chúa Nhật 17-1 năm 2016. Đây là cuộc viếng thăm thứ 3 của một vị Giáo Hoàng tại Đền thờ Lớn của Do thái ở Roma, sau cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16.

Cuộc viếng thăm có đặc tính như cuộc gặp gỡ riêng của Đức Giáo Hoàng với các đại diện Do thái giáo và các thành viên của Cộng đoàn. Chương trình chi tiết sẽ được công bố trong thời gian tới đây”

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đương kim diễn ra đúng 6 năm sau cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ngày 17-1-2010. Ngày 17-1 cũng là ngày đối thoại giữa Công Giáo và Do thái giáo.

14. Đức Thánh Cha viếng thăm Giáo Xứ Tin Lành Luther ở Roma

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther hãy xin lỗi nhau vì gương mù chia rẽ và nỗ lực tiến bước trên con đường hòa giải.

Ngài đưa ra kêu gọi trên đây trong cuộc viếng thăm dài một giờ 15 phút tại Nhà thờ giáo xứ Tin Lành Luther ở Roma từ lúc 4 giờ chiều Chúa Nhật 15-11. Đây là lần thứ 3 một vị giáo hoàng đến thăm Giáo xứ này: Đức Gioan Phaolô 2 thăm hồi năm 1983, rồi Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 hồi năm 2010. Giáo xứ Tin Lành này có 500 tín hữu phần lớn nói tiếng Đức, trên tổng số 7 ngàn tín hữu Tin Lành Luther thuộc 15 cộng đoàn ở Italia.

Đức Thánh Cha đã được mục sư chánh sở Jens-Martin Kruse và mọi người đón tiếp nồng nhiệt khi đến đây. Ngài đã trả lời 3 câu hỏi do một em bé, và hai phụ nữ nêu lên: một bà có chồng là tín hữu Công Giáo và một bà là thủ quĩ một hội bác ái.

Trong buổi cầu nguyện sau đó, Đức Thánh Cha đã giảng sau bài đọc Tin Mừng. Ngài bỏ bài diễn văn đã dọn sẵn và ứng khẩu nói với mọi người, nhấn mạnh đến phép rửa chung sẽ các tín hữu Kitô: Công Giáo và Luther, và nói:

“Chúng ta, các tín hữu Luther và Công Giáo đã có những thời kỳ khó khăn giữa chúng ta.. Tôi nghĩ đến các cuộc bách hại giữa chúng ta là những người có cùng một phép rửa.. Chúng ta cần xin lỗi nhau vì gương xấu chia rẽ như thế.”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Tất cả chúng ta, tín hữu Luther và Công Giáo, chúng ta chỉ có chọn lựa này, đó là chọn lựa phục vụ, là tôi tớ của Chúa. Chúng ta cần phải trở nên những người phục vụ tình hiệp nhất, đồng hành và cộng tác với nhau để giúp đỡ người nghèo.. Có nhiều đạo lý khác nhau giữa Luther và Công Giáo, nay giờ của những khác biệt hòa giải đã tới”.

Trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, mọi người đã cầu nguyện cho các nạn nhân những vụ khủng bố ở Paris tối thứ sáu 13-11 vừa qua. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến biến cố khủng bố ấy và nói: “Đó là một sự chọn lựa xấu xa của những người có con tim khép kín, chúng ta thấy thảm trạng đó ngày nay”

15. Cây thông Giáng Sinh tại Vatican sẽ được khai mạc sớm hơn

Cây thông Giáng sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô sẽ được khai mạc vào ngày 08 Tháng 12 năm nay, thay vì chờ đợi cho đến khi gần đến Giáng sinh như mọi năm.

Trong một thông báo được đưa ra hôm 17 tháng 11, Phủ Thống Đốc cho biết cây thông Giáng Sinh từ miền Bavaria được đưa đến Vatican vào ngày thứ Tư 18 tháng 11 thay vì vào đầu tháng 12 như các năm trước.

Ngày 08 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, sẽ là ngày khai mạc Năm Thánh. Nhân dịp này sẽ có đông đảo các tín hữu và khách hành hương có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô nên Phủ Thống Đốc sẽ khai mạc cây Giáng sinh vào ngày hôm đó.

Trong một diễn biến có liên quan, chính phủ Ý đã ra lệnh cấm các loại máy bay không người lái trên bầu trời Rôma trong suốt Năm Thánh, để đề phòng bọn khủng bố tấn công bằng đường hàng không.

Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano đã công bố lệnh cấm trên sau các cuộc tấn công làm thiệt mạng ít nhất 129 người tại Paris. Ông nói rằng chính phủ Italia đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là khi có sự tập trung cao độ của dân chúng tại Rôma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, bắt đầu từ 8 tháng Mười Hai đến 30 tháng 11 năm tới. 

Ông nói: “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến nguy cơ của một cuộc tấn công từ trên không, sử dụng những chiếc máy bay không người lái”.

16. Đức Thánh Cha tiếp 7,000 tham dự viên Hội nghị Giáo Dục

Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà giáo dục hãy đến các “khu ngoại ô” của cuộc sống và giúp người trẻ tăng trưởng trong tình người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến trưa ngày 21-11-2015 dành cho 7 ngàn tham dự viên Hội nghị quốc tế về giáo dục, do Bộ Giáo Dục Công Giáo tổ chức từ ngày 18 đến 21-11-2015 tại Vatican và Castel Gandolfo về chủ đề: “Giáo dục ngày nay và ngày mai. Canh tân niềm hăng say”.

Hội nghị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn của Công Đồng chung Vatican 2 về nền Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis), và kỷ niệm 25 năm Tông hiến “Ex Corde Ecclesiae” (Từ con tim Giáo Hội), do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ban hành. Hội nghị nhắm củng cố quyết tâm của Giáo Hội trong việc giáo dục và đáp ứng nhiều thách đố đang được đề ra cho sứ mạng giáo dục.

Trong số các tham dự viên hiện tại tại buổi tiếp kiến ở Đại thính đường Phaolô 6 có 50 HY và Giám Mục, đông đảo các linh mục, tu huynh và nữ tu, giáo dân hoạt động trong lãnh vực giáo dục Công Giáo.

Đầu buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha và mọi người đã nghe những chứng từ cảm động về các hoạt động giáo dục đa ngành, dấu chỉ sự hiện diện của Giáo Hội trong mọi góc trời, tìm cách thăng tiến phẩm giá con người, đối thoại và văn hóa, qua các tổ chức Giáo Dục Công Giáo.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ứng khẩu trả lời một số câu hỏi do các tham dự viên nêu lên.

Ngài nhấn mạnh một điều thiếu sót tại nhiều nơi trong ngành giáo dục ngày nay là sự thiếu chiều kích siêu việt. Đức Thánh Cha nói: “Đối với tôi, cuộc khủng hoảng lớn nhất trong ngành giáo dục, để lãnh vực này có chiều kích Kitô, đó là sự khép kín đối với siêu việt. Với xu hướng của chủ thuyết tân thực nghiệm, chúng ta khép kín đối với siêu việt. Cần chuẩn bị các tâm hồn để Chúa biểu lộ trọn vẹn, trong chiều kích nhân tính và cả chiều kích siêu việt”.

Nhưng Đức Thánh Cha cảnh giác rằng đừng bao giờ có những hành động “chiêu dụ tín đồ” (prosélytisme) trong giáo dục: “Giáo dục theo tinh thần Kitô không có nghĩa là dạy giáo lý hoặc chiêu dụ người khác theo đạo, nhưng là giúp người trẻ tiến bước trong mọi giá trị nhân bản, và điều này phải bao hàm cả chiều kích siêu việt”.

Đức Thánh Cha chống lại xu hướng “ưu tuyển” trong ngành giáo dục: chỉ có những người có trình độ nào đó mới được quyền hưởng một nền giáo dục. Đó là một thực tại đáng tủi hổ trên thế giới, sự tuyển lựa này làm cho con người xa cách nhau thay vì giúp họ xích lại gần nhau: người giàu và người nghèo, các các nền văn hóa với nhau.. thế giới không thể tiến triển với một nền giáo dục quá tuyển lựa; giáo dục trong khuôn khổ những bức tường của một nền văn hóa tuyển chọn”

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN