Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/03 – 25/03/2015: Phép lạ máu thánh Gennaro hóa lỏng trước mặt Đức Thánh Cha

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/03 – 25/03/2015: Phép lạ máu thánh Gennaro hóa lỏng trước mặt Đức Thánh Cha

 

1. Đức Thánh Cha viếng thăm Pompei và Scampia, Napoli

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sáng thứ Bẩy 21 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành trọn 10 tiếng đồng hồ để viếng thăm mục vụ tại Đền thánh Đức Mẹ Pompei và tổng giáo phận Napoli, nam Italia.

Chặng dừng đầu tiên là Pompei, Đức Thánh Cha đã đến Đền Đức Mẹ Pompei lúc 8 giờ sáng sau 1 giờ bay trực thăng từ Roma.

Đền thánh Đức Mẹ quan trọng nhất ở miền nam Italia và cũng là một giám hạt do Đức Tổng Giám Mục Tommaso Caputo coi sóc, với 25 ngàn tín hữu Công Giáo, thuộc 5 giáo xứ, do 44 linh mục giáo phận và 6 linh mục dòng săn sóc và 112 nữ tu. Tiếp đến là Napoli một tổng giáo phận có gần 1 triệu 760 ngàn tín hữu Công Giáo, 287 giáo xứ với hơn 1,500 linh mục.

Cuộc viếng thăm thu hút sự chú ý nhiều của dư luận, trong số 1 ngàn ký giả đăng ký để theo dõi và tường thuật có 250 ký giả nước ngoài, đặc biệt là từ Á Căn Đình và nhiều nước Âu Châu. Theo ban tổ chức hằng triệu người tham dự các sinh hoạt trong ngày viếng thăm của Đức Thánh Cha. Cả 68 nữ tu dòng kín cũng được phép ra khỏi đan viện để tham dự thánh lễ và các cuộc gặp gỡ với ngài.

Đức Thánh Cha kính viếng và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ đang trao chuỗi Mân Côi cho thánh Đa Minh và thánh nữ Catarina. Đây là ảnh Đức Mẹ làm phép lạ do cha giải tội Alberto Radente tặng cho chân phước Bartolo Longo vào năm 1875.

Đức Thánh Cha cầu nguyện trong thinh lặng và đọc một kinh ngắn trước ảnh Đức Mẹ Mân Côi do chính chân phước Bartolo Longo soạn, xin Mẹ cứu giúp các tín hữu đang sống trong lầm than, đang trải qua bao nhiêu con đường oán thù và máu đổ, bao nhiêu tình trạng nghèo cũ và mới, nhất là tội lỗi.

Sau khi chào thăm một số bệnh nhân, người khuyết tật và người nghèo, cùng với các tín hữu khác, Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng đến sân thể thao Scampía vào lúc quá 9 giờ và được Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám Mục Napoli, nguyên là Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, cùng với các giới chức chính quyền địa phương tiếp đón, và ngài gặp gỡ dân chúng tại Quảng trường thánh Gioan Phaolô 2 vẫn thuộc khu vực Scampía. Chính tại nơi đây 25 năm về trước, Đức Thánh Giáo Hoàng cũng đã đến viếng thăm.

2. Gặp gỡ dân chúng tại khu vực Scampía

Scampía là khu phố ở mạn cực bắc thành Napoli, rất đông dân cư và là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất Italia: từ 50 tới 75% dân chúng ở tuổi làm việc, với bao nhiêu tệ nạn xã hội từ đó mà ra, nhất là tệ nạn tổ chức bất lương Camora.

Ngỏ lời với gần 10 ngàn người, cùng với các giới chức chính quyền địa phương, đại diện những người di dân, tụ tập tại Quảng trường, Đức Thánh Cha nhắc đến những vấn đề khó khăn của người dân, nhưng cũng nhấn mạnh đến niềm hy vọng. 

Ngài nói:

“Hành trình thường nhật tại thành phố này, với những khó khăn và cơ cực và nhiều khi bị thử thách cam go, tạo nên một nền văn hóa sự sống luôn giúp đỡ trỗi dậy sau mỗi sa ngã và làm sao để sự ác không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Đó chính là hy vọng, anh chị em biết rõ niềm hy vọng này là gia sản quí giá, là ”đòn bẩy của tâm hồn”, nhưng nhiều khi nó cũng phải chịu những cuộc tấn công và cướp bóc. Thực vậy ai tự ý đi theo con đường sự ác, thì cũng là người cướp mất một mảnh hy vọng của mình và của mọi người, của bao nhiêu người lương thiện và cần cù, của danh thơm tiếng tốt và nền kinh tế của thành phố này”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến tình trạng bao nhiêu người trẻ ở đây thiếu công ăn việc làm, “đó là một tiếng kêu mạnh mẽ. Vì thất nghiệp họ bị thiếu mất phẩm giá và có nguy cơ phải chịu mọi thứ bóc lột”. Ngài tố giác toan tính muốn biến khu Scampía này thành vùng đất “không thuộc một ai”, trong đó mọi giá trị bị gạt bỏ, một vùng đất ở trong tay của cái gọi là “tiểu tội phạm”. Đức Thánh Cha mạnh mẽ tố giác nạn bóc lột sức lao động như nô lệ, nạn “làm đen” làm lậu và nạn tham nhũng tại đây. Tất cả những hành động đó hoàn toàn trái ngược với Kitô giáo. Tín hữu Kitô tham nhũng là người ung thối!

Ngài không quên nhắc nhở giới chính trị hãy dấn thân phục vụ và nói rằng “chính trị tốt là một việc phục vụ con người, chính trị được thi hành trước tiên nơi bình diện địa phương, nơi là gánh nặng của những gì không được hoàn tất, những chậm trễ và thiếu sót đè nặng trực tiếp trên dân chúng và gây đau khổ nhiều nhất. Chính trị tốt là một trong những biểu hiện cao quí nhất của đức bác ái, của việc phục vụ và tình thương”.

3. Đức Thánh Cha viếng thăm nhà tù Poggioreale

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm nhà tù Poggioreale vào lúc quá 1 giờ trưa. Nơi đây có khoảng 1.900 tù nhân. Ngài được các vị hữu trách, cha tuyên úy nhà tù tiếp đón rồi dùng bữa với đại diện các tù nhân tại Nhà Nguyện.

Ngỏ lời với các tù nhân, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với tất cả mọi người và nói:

“Cuộc gặp gỡ này cho tôi cơ hội biểu lộ sự gần gũi của tôi với anh chị em, và tôi đến đây để mang cho anh chị em lời và tình thương của Chúa Giêsu, Đấng đã đến trần thể để làm cho trái đất chúng ta đầy hy vọng và Chúa đã chết để cứu vớt mỗi người chúng ta.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “nhiều khi anh chị em cảm thấy thất vọng, nản chí, bị mọi người bỏ rơi,. nhưng Thiên Chúa không quên các con cái của Ngài, không bao giờ bỏ rơi họ! Chúa luôn ở cạnh chúng ta, nhất là trong giờ thử thách; Ngài là người Cha giàu lòng xót thương (Ep 2,4) luôn thanh thản nhìn chúng ta với lòng từ nhân, luôn chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở. Niềm chắc chắn này làm cho chúng ta tràn đầy an ủi và hy vọng, nhất là trong những lúc khó khăn và buồn sầu.”

Đức Thánh Cha không quên kêu gọi các giới hữu trách cải tiến điều kiện sinh sống của cac tù nhân, nhiều khi họ bị giam giữ trong những tình trạng không xứng đáng với con người và sau đó họ không thể tái hội nhập vào xã hội. Nơi căn bản của xác tín và sự dấn thân ấy, có xác tín: tình thương luôn có thể biến đổi con người”.

4. Bình máu thánh đã khô cứng cuả thánh Gennaro chảy ra thành thể lỏng trước mặt Đức Thánh Cha

Giã từ nhà tù, và sau khi ghé tòa Tổng Giám Mục Napoli để nghỉ ngơi chốc lát, Đức Thánh Cha đã vào Nhà thờ chính tòa kính viếng thánh tích của thánh Gennaro tử đạo và gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh. 

Thánh Gennaro là vị giám mục cuả thành phố Napoli, đã chịu tử đạo dưới những cuộc bách hại kinh hoàng cuả hoàng đế Diocletian diễn ra từ cuối thế kỷ thứ 3 cho tới đầu thế kỷ thứ 4. Thánh tích của ngài được giữ trong ngôi thánh đường này là một bình đựng máu khô.

Tuy nhiên, mỗi năm ba lần xảy ra hiện tượng máu hoá lỏng xảy ra trước sự chứng kiến cuả hàng ngàn khách hành hương, một là vào ngày 19 tháng 9, tức là ngày lễ kính thánh Gennaro, một lần nữa vào ngày 16 tháng 12, là ngày lễ quan thầy cuả thành Napoli và lần thứ 3 vào ngày thứ Bảy trước Chúa Nhật tháng 5, là dịp kỷ niệm xương và máu thánh được đưa về đây.

Trước đây bình máu cũng đã từng hoá lỏng trong một dịp khác, đó là dịp tông du cuả một vị giáo hoàng, vào năm 1848 khi Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín tới thăm nơi đây.

Đó là dịp duy nhất đã xảy ra cho một vị giáo hoàng bởi vì những cuộc thăm viếng sau này của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị vào năm 1979 và của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2007 đã không có sự lạ nào xảy ra cả.

Đức Hồng Y Sepe đã cho phép các nữ tu dòng kín được ra ngoài để gặp gỡ Đức Thánh Cha. Sau khi ngài giới thiệu các nữ tu với Đức Thánh Cha, các chị đã ùa ra tặng quà cho ngài và Đức Hồng Y đã không cản được. 

Đức Thánh Cha đã ứng khẩu đưa ra một số lời khuyên cho các linh mục, tu sĩ và chủng sinh mong họ cải thiện mối quan hệ với Thiên Chúa và duy trì tình huynh đệ.

Đặc biệt, đối với các chủng sinh, ngài nói:

“Nếu Chúa Giêsu chưa phải là trung tâm của các con, hãy khoan đừng chịu chức. Nếu các con không chắc chắn Chúa Giêsu là trung tâm của cuộc sống mình, hãy chờ đợi thêm một thời gian nữa.”

Đức Thánh Cha cũng yêu cầu các tu sĩ xa lánh của cải thế gian và đừng chiều theo những tin đồn. Ngài nói:

“Phải gọi là ‘chủ nghĩa khủng bố tin đồn’ vì tin đồn là một tên khủng bố ném bom, phá hủy, rồi chuồn thẳng.”

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Cha. Đức Hồng Y Sepe trao cho ngài bình máu thánh Gennaro. Khi Đức Thánh Cha hôn kính thánh tích, máu bắt đầu hóa lỏng và Đức Hồng Y đưa ra nhận xét này với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha sau đó đã cầm thánh tích trên tay để ban phép lành cho cộng đoàn trước khi trao lại cho Đức Hồng Y. Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thành Napoli quan sát một lần nữa và kêu gọi sự chú ý của mọi người.

Ngài nói: 

“Anh chị em chú ý: Có dấu chỉ cho thấy Thánh San Gennaro thương mến Đức Giáo Hoàng, cũng là người Napoli như chúng ta: máu đã lỏng”.

Máu đã hóa lỏng nhưng không hoàn toàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét hóm hỉnh như sau:

“Dường như vị thánh yêu thương chúng ta một chút. Chúng ta phải hoán cải nhiều hơn để ngài yêu thương chúng ta hoàn toàn.”

Sau đó, Đức Thánh Cha đến nhà thờ Chúa Giêsu mới để thăm các bệnh nhân, sau cùng, ngài gặp gỡ các bạn trẻ và các gia đình vào lúc 5 giờ chiều tại khu vực Caracciolo dọc theo bờ biển. Đức Thánh Cha đã giã từ Napoli lúc quá 6 giờ chiều để đáp trực thăng trở về Roma.

5. Đức Thánh Cha tái khẳng định lập trường chống án tử hình

Sáng ngày 20 tháng 3, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến phái đoàn của Ủy ban quốc tế chống án tử hình và nhân dịp này ngài tái khẳng định lập trường của Giáo Hội Công Giáo theo đó ngày nay án tử hình là điều không thể chấp nhận được.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha ca ngợi, cám ơn và khích lệ những người thiện chí đang dấn thân để trong thế thế giới không còn án tử hình nữa, đồng thời ngài nhấn mạnh rằng:

“Ngày nay, án tử hình là điều không thể chấp nhận được, cho dù tội của người bị kết án có nặng đến đâu đi nữa. Án này là một sự xúc phạm đến đặc tính bất khả xâm phạm của sự sống và phẩm giá con người, và nó trái ngược với ý định của Thiên Chúa về con người và xã hội, về nền công lý từ bi, và ngăn cản sự chu toàn bất kỳ mục tiêu chính đáng của các án phạt. Án tử hình không thực thi công lý cho các nạn nhân, nhưng chỉ nuôi dưỡng sự trả thù.”

Đức Thánh Cha cũng viết rằng, “đối với một nhà nước pháp quyền, án tử hình là một thất bại, vì nó buộc Nhà Nước phải giết người nhân danh công lý… Án tử hình đánh mất mọi sự hợp pháp vì sự tuyển chọn thiếu sót của hệ thống hình luật và đứng trước sự kiện có thể có sai lầm trong việc xử án. Công lý loài người là điều bất toàn, và khi công lý không nhìn nhận mình có thể sai lầm, có thể biến công lý thành nguồn mạch sinh ra bất công. Với việc thi hành án tử hình, người ta chối bỏ cơ may cho người bị kết án được sửa chữa những thiệt hại đã gây ra, cơ may xưng thú biểu lộ sự hoán cải nội tâm, và thống hối là cánh cửa dẫn đến sự hối hận và đền bù, hầu tiến đến cuộc gặp gỡ lòng từ bi yêu thương và chữa lành của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha cũng nói đến sự kiện một số chế độ độc tài và những nhóm cực đoan, thường dùng án tử hình để tiêu diệt những người đố lập chính trị, thiểu số và tất cả những thành phần bị họ coi là “nguy hiểm” hoặc là một đe dọa cho quyền bính của họ.. Sau cùng, án tử hình là điều trái ngược với cảm thức nhân đạo và lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa là đức tính phải là mẫu gương cho nền công lý của con người”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Ngày nay, không những có các phương thế để đàn áp tội ác một cách hữu hiệu mà không cần tước bỏ vĩnh viễn cơ may chuộc tội của kẻ đã phạm tội ác (Xc Evang. vitae, 27), nhưng người ta còn phát huy một sự nhạy cảm lớn ơn về luân lý đối với giá trị sự sống con người, tạo nên thái độ càng ngày càng có nhiều người chống án tử hình và dư luận quần chúng ủng hộ những biện pháp nhắm bãi bỏ hoặc ngưng áp dụng án tử hình (Toát yếu Đạo lý xã hội của Hội Thánh, n.405)

6. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chào mừng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ông Ban Ki Moon, đã lên tiếng chào mừng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại trụ sở LHQ ở New York sáng ngày 25 tháng 9 tới đây.

Tuyên bố hôm 18 tháng 3, Ông Ban Ki Moon gọi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là một phần quan trọng trong năm lịch sử, Liên Hiệp Quốc mừng kỷ niệm 70 năm thành lập, và trong đó các quốc gia thành viên sẽ đề ra những quyết định lớn về việc phát triển dài hạn, sự thay đổi khí hậu, tương lai hòa bình và an sinh của nhân loại.

Trong cuộc viếng thăm, Đức Thánh Cha sẽ phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và sẽ có cuộc gặp gỡ song phương với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Vị Chủ tịch Đại hội đồng, và sẽ tham dự một cuộc gặp gỡ các nhân viên của Liên Hiệp Quốc.

Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tin tưởng rằng cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ khích lệ cộng đồng quốc tế gia tăng gấp đôi nỗ lực đảm bảo nhân phẩm cho tất cả mọi người, qua sự thăng tiến công bằng xã hội, tinh thần bao dung và sự cảm thông giữa mọi dân tộc trên thế giới”.

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại trụ sở Liên Hiệp Quốc nằm trong khuôn khổ chuyến viếng thăm của ngài tại Hoa Kỳ, với những trạm dừng tại Washington, New York và Philadelphia, nơi sẽ diễn ra Đại hội kỳ 8 các gia đình Công Giáo thế giới. Theo dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ gặp các gia đình chiều ngày thứ Bẩy 26 tháng 9 và chủ sự thánh lễ bế mạc đại hội sáng Chúa Nhật hôm sau, 27 tháng 9.

Hồi tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Hạ nghị viện Hoa Kỳ, ông John Boehner, thuộc đảng cộng hòa bang Ohio, loan báo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phát biểu trong phiên họp chung của Quốc hội lưỡng viện Mỹ vào ngày 24 tháng 9 và ngài sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên làm như vậy.

Tổng giáo phận Washington cho biết sẽ đón tiếp Đức Thánh Cha, nhưng chưa loan báo ngày chính xác. Trên chuyến bay từ Phi Luật Tân về Roma ngày 19 tháng Giêng, Đức Thánh Cha cho biết ngài sẽ tôn phong hiển thánh cho chân phước Junipero Serra dòng Anh Em Hèn Mọn tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Washington.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viếng thăm và phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi năm 1965, tiếp đến là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 vào năm 1979 và 1995. Sau cùng là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 hồi năm 2008.

7. Đức Thánh Cha thành lập một miền Giám Quản Tông Tòa mới cho Giáo Hội nghi lễ Byzantine ở Hung Gia Lợi

Với sắc lệnh ngày 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức lại hệ thống phân cấp của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Byzantine tại Hung Gia Lợi, và thành lập một miền Giám Quản Tông Tòa (sui juris) mới tại đây. 

Đức Thánh Cha đã nâng giáo phận đông phương Hajdúdorog thành một tổng giáo phận, và đặt Đức Cha Fulop Kocsis làm giám mục trưởng. Ngài cũng nâng miền Phủ Doãn Tông Tòa Đông Phương (Apostolic Exarchate) Miskolc thành một giáo phận đông phương, do Đức Giám Mục Atanáz Orosz coi sóc. 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha thành lập miền Giám Quản Tông Tòa Nyiregyhaza từ lãnh thổ của giáo phận Hajdúdorog. 

Trong tổng số 9.9 triệu dân, 37.2% người Hung Gia Lợi là các tín hữu Công Giáo nghi lễ La Tinh sinh hoạt trong 5 tổng giáo phận, 8 giáo phận và một giáo phận quân đội. 1.8% dân số Hung Gia Lợi theo Công Giáo nghi lễ Byzantine sinh hoạt trong một tổng giáo phận, một giáo phận và một miền Giám Quản Tông Tòa.

8. Đức Thánh Cha chúc mừng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nhân lễ quan thầy

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện chúc mừng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 hôm 19 tháng Ba là lễ Thánh Giuse, bổn mạng của ngài. 

Về phần mình, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã chúc mừng đệ nhị chu niên ngày lễ nhậm chức mục tử toàn thể Hội Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô. 

Thánh Giuse được vinh danh là Quan Thầy của Giáo Hội hoàn vũ, và là một trong những Thánh Quan Thầy của nước Ý. Ngày lễ Thánh Giuse là một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ La Tinh, và là một ngày nghỉ lễ ở Vatican.

9. Bộ Phụng Tự bác bỏ khả năng dùng bản dịch tiếng Anh Sách Lễ Rôma năm 1998

Tổng Thư ký của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã bác bỏ khả năng sử dụng bản dịch tiếng Anh Sách Lễ Rôma đã được Ủy ban Quốc tế về Anh ngữ trong phụng vụ, gọi tắt là ICEL, đưa ra vào năm 1998, nhưng cuối cùng không được Tòa Thánh phê chuẩn.

Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche nói với tờ The Tablet rằng Tòa Thánh đã có bản dịch mới “thể hiện sự thống nhất trong toàn bộ Giáo Hội.” Ngài bác bỏ những lời kêu gọi của một số chuyên viên Phụng Vụ đang kêu gọi quay lại bản dịch cũ hồi năm 1998.

Bản dịch Anh ngữ Sách Lễ Rôma năm 1998 bị nhiều người chỉ trích là không sát với ngôn ngữ Latin gốc của phụng vụ. ICEL đã sửa đổi bản dịch này sau khi Tòa Thánh công bố Sách Lễ Rôma mới và những nguyên tắc hướng dẫn xác định những chuẩn mực phải theo của một bản dịch chính xác.

Trước khi được đề cử là Tổng Thư ký của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Đức Tổng Giám mục Roche đã là chủ tịch của ICEL, và đã giám sát việc dịch thuật bản dịch mới.

10. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho 60 ngàn tín hữu Napoli

Giã từ dân chúng tại khu vực Scampía, mạn cực bắc của thành Napli, Đức Thánh Cha đã tiến về quảng trường Dân ý (Plesbicito) ở trung tâm thành Napoli, để cử hành thánh lễ lúc 11 giờ. Trong số các tín hữu hiện diện, đặc biệt cũng có gia đình Ông Mario Cuomo, thống đốc bang New York, Hoa Kỳ, là người gốc thành Napoli. Trên vòng cung quanh quảng trường, có treo các bức ảnh lớn các vị thánh và chân phước xuất thân từ tổng giáo phận Napoli.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Sepe, Tổng Giám Mục sở tại, đông đảo các Giám Mục thuộc 25 giáo phận miền Campania và 300 linh mục.

Trong bài giảng, sau khi nói đến sức mạnh của Lời Chúa và mời gọi các tín hữu đón nhận sức mạnh của Lời Chúa, Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng:

“Anh chị em Napoli thân mến, anh chị em đừng để người ta cướp mất niềm hy vọng của mình! Đừng chiều theo những lời dụ dỗ kiếm tiền dễ dàng hoặc kiếm những lợi lộc bất chính. Hãy cương quyết phản ứng chống các tổ chức khai thác, bóc lột và làm hư hỏng người trẻ, người nghèo, người yếu, bằng việc buôn bán ma túy và các tội phạm khác. Ước gì nạn tham nhũng và phạm pháp không bóp méo khuôn mặt của thành phố tươi đẹp này! Giáo Hội lập lại với những kẻ phạm pháp và tất cả các kẻ đồng loã của họ rằng: Hãy hoán cải, hãy trở về với tình thương và công lý! Hãy để cho mình được lòng tư bi của Thiên Chúa tìm thấy! Với ơn Chúa tha thứ tất cả, có thể trở lại một cuộc sống lương thiện. Với nước mắt của những bà mẹ ở Napoli, hòa lẫn với nước mắt của Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa được cầu khẩn ở Piedigrotta và tại bao nhiêu thánh đường ở Napoli này, tôi xin anh chị em điều đó. Ước gì những giọt nước mắt này sẽ cho những con tim chai cứng trở nên dịu dàng và dẫn đưa tất cả trở về con đường sự thiện”.

Sau cùng Đức Thánh Cha cầu mong và nguyện cầu cho thành Napoli được phục hồi, một thành có bao nhiêu tiềm năng tinh thần, văn hóa và nhân bản, nhất là có bao nhiêu khả năng yêu thương. Chính quyền, các tổ chức, các thực tại xã hội khác nhau, cùng với các công dân, tất cả cùng nhau và hòa hợp, có thể kiện tạo một tương lai tốt đẹp hơn. Tương lai của Napoli không phải là com cụm vào mình và cam chịu, nhưng là tín thác cởi mở đối với thế giới.”

11. Tòa Thánh lên án vụ khủng bố tại Tunisi

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã lên án vụ khủng bố tại Tunisi hôm thứ Tư 18 tháng 3 vừa qua, làm cho 22 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

5 tên khủng bố có liên hệ đến cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” IS, toan tính tấn công trụ sở quốc hội, nhưng sau đó đã rút vào Bảo tàng viện Bardo và bắt giữ các du khách làm con tin. Sau cuộc tấn công của lực lượng an ninh, có 22 du khách nước ngoài bị thiệt mạng và 42 người bị thương. 1 người bị bắt, 2 tên khủng bố bị giết và một số khác tẩu thoát.

Tuyên bố với giới báo chí sau một cuộc gặp gỡ ở Roma nhân kỷ niệm 25 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Rumani, Đức Thánh Cha gọi cuộc tấn công khủng bố ở Tunisi là “một điều cực kỳ tàn ác và vô nhân đạo, không thể tưởng tượng được. Những hành động này phải bị lên án một cách mạnh mẽ nhất. Và ta phải hy vọng rằng, nhân danh Thiên Chúa, họ không còn gây ra những hành vi bạo lực nữa”.

Đức Hồng Y Parolin cũng cho biết Tòa Thánh mong ước cộng tác với Rumani để củng cố các quan hệ song phương và thăng tiến sự hòa hợp, hòa bình trên thế giới.

Sau lời tuyên bố trên đây, Đức Hồng Y Parolin đã gửi điện cho Đức Cha Ilario Antoniazzi, Tổng Giám Mục giáo phận Tunis, thủ đô Tunisi và cho biết:

“Sau khi được thông báo về vụ khủng bố trầm trọng tại thành phố Tunis hôm 18 tháng 3, làm cho nhiều người chết và bị thương, Đức Thánh Cha Phanxicô tái mạnh mẽ lên án mọi hành vi chống lại hòa bình và tính chất thánh thiêng của sự sống con người. Ngài hiệp ý trong kinh nguyện với những đau khổ của các gia đình đang chịu tang tóc, với tất cả những người bị thương tổn vì thảm trạng này cũng như với toàn dân Tunisi bị thử thách. Đức Thánh Cha cầu xin Chúa đón nhận những người bị thiệt mạng vào trong an bình của Chúa và an ủi những người bị thương nặng. Như bảo chứng niềm an ủi, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban dồi dào phúc lành trên tất cả mọi người”.

12. Đức Hồng Y Tauran kết thúc chuyến viếng thăm tại Côte d’Ivoire

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, tái lên án những kẻ giết người nhân danh Thiên Chúa và kỳ thị tôn giáo.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thánh lễ ngày 16 tháng 3 tại Nhà thờ chính tòa Yamoussoukro ở thủ đô nước Côte d’Ivoire, hay còn gọi là Bờ Biển Ngà, bên Phi châu. Đức Hồng Y cho biết ngài muốn chia sẻ lập trường này với tất cả các tín hữu, “đặc biệt là với các bạn Hồi giáo của chúng ta trong lúc này, đang thấy tôn giáo của họ bị những người vô tôn giáo và vô luật lệ xuyên tạc”.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một cuộc đối thoại chân thành, trước tiên giữa các tín hữu Kitô, tiếp đến giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo: đối thoại về cuộc sống và về linh đạo, giúp chúng ta công bố đức tin và nhìn thấy tất cả những gì tích cực liên kết chúng ta và chúng ta có thể dùng để phục vụ xã hội như một hạt giống nhỏ đang tăng trưởng. Đối với Đức Hồng Y, cần làm việc trước tiên nơi những người trẻ, dạy họ nhìn nhận “những gì là tốt ở trong các tôn giáo khác và trong xã hội”.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Tauran nhấn mạnh rằng “chiến tranh nảy sinh từ chính nơi tâm hồn con người”, những cũng tại nơi đó “nảy sinh hòa bình”. Vì thế đây không phải là lúc nản chí thất vọng, nhưng đúng hơn là lúc kiên trì. Hãy để Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi, lo lắng, và những cay đắng”.

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran đến viếng thăm Côte d’Ivoire từ ngày 13 đến 17 tháng 3. Trong ngày cuối cùng, ngài đã gặp tổng thống Alassane Ouattara vào ban sáng, và gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo vào ban chiều tại thành phố Abidjan. linh mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, dòng thánh Comboni, người Tây Ban Nha, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, cũng hiện diện tại cuộc gặp gỡ này.

Lên tiếng trong dịp này, Cha Guixot cho biết Giáo Hội Công Giáo tôn trọng các tín đồ của mọi tôn giáo và ngài mời gọi các tín hữu Kitô cũng như không Kitô hãy học cách thông truyền các giá trị có khả năng uốn nắn con người nội tâm. Điều này chỉ có thể trong một bầu không khí tự do, tạo điều kiện dễ dàng cho những chọn lựa của mỗi người, nhất là tự do tìm kiếm chân lý.

Cha Guixot cũng ghi nhận rằng “Nơi trung tâm của mỗi tôn giáo, có một sứ điệp huynh đệ và hòa bình. Các tín hữu có thể trở thành những người kiến tạo hòa bình xã hội” nếu họ có khả năng không coi những khác biệt như những đe dọa, nhưng như những điều phong phú. Vì thế cần đi xa hơn thái độ bao dung mà thôi, nhưng còn phải đi tới một chọn lựa căn bản dựa trên sự tôn trọng, yêu thương và cảm thông.

13. Đức Thánh Cha khuyến khích nỗ lực truyền giáo tại Nhật Bản

Trong buổi tiếp kiến 16 Giám Mục Nhật Bản sáng ngày 20 tháng 3, Đức Thánh Cha nồng nhiệt khuyến khích Giáo Hội tại nước này tăng cường các hoạt động loan báo Tin Mừng.

Các Giám Mục thuộc 16 giáo phận tại Nhật về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Đây là đoàn thứ 2 và cũng là đoàn cuối cùng của các Giám Mục từ Á châu về Roma thăm Tòa Thánh trong năm nay.

Trong bài huấn dụ trao cho các Giám Mục tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi công trình của các thừa sai và các tín hữu Công Giáo ẩn náu mà Giáo Hội Công Giáo tại nước này đang kỷ niệm 150 năm khám phá ra họ. Tấm gương của họ tiếp tục nâng đỡ đời sống Giáo Hội ngày nay và cống hiến một chỉ dẫn để sống đức tin.

Đức Thánh Cha cho biết ngài cùng với các Giám Mục nồng nhiệt cám ơn nhiều thừa sai từ nước ngoài đến hoạt động truyền giáo tại Nhật Bản, cộng tác với các linh mục, tu sĩ địa phương và các thủ lãnh giáo dân. Đức Thánh Cha nói:

“Ngoài việc nâng cỡ các cố gắng của các thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng, tôi cũng khuyến khích anh em quan tâm đến các nhu cầu thiêng liêng và nhân bản của họ, để họ không nản chí, nhưng kiên trì trong các công tác của họ. Ước gì anh em hướng dẫn họ hiểu các phong tục của nhân dân Nhật Bản, để họ có thể trở thành những người phục vụ Tin Mừng hữu hiệu hơn và cùng nhau tìm kiếm những phương thức mới để mang tinh thần Phúc Âm vào nền văn hóa (Xc Evang. gaudium 69).

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng “công cuộc loan báo Tin Mừng không phải chỉ là trách nhiệm của những người rời bỏ quê hương đến miền đất xa xôi để rao giảng Phúc Âm… Tất cả chúng ta, do bí tích rửa tội, đều được kêu gọi trở thành những nhà truyền giáo và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu, bất kỳ chúng ta ở đâu (Mt 28,19-20). Chúng ta được kêu gọi tiến bước, trở thành cộng đoàn truyền giáo, cho dù điều này chỉ là mở cửa nhà, đi ra ngoài, tiến vào các khu xóm láng giềng. ”Một cộng đồng truyền giáo can dự bằng lời nói và việc làm vào cuộc sống thường nhật của dân chúng; bắc những nhịp cầu trên những xa cách, hạ mình xuống nếu cần, và đón nhận cuộc sống con người, đụng chạm đến thân mình đau khổ của Chúa Kitô nơi người khác. Như thế những người truyền giảng Tin Mừng có ”mùi của chiên” và chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ” (Evang. Gaudium 24).

Nhật bản rộng gần 378 ngàn cây số vuông với 126 triệu 650 ngàn dân cư đa số theo Thần đạo và Phật giáo, và chỉ có 1.7% là tín hữu Kitô, trong đó chỉ có 444 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 0.35% dân số toàn quốc. Nếu kể cả tín hữu Công Giáo nhập cư từ nước ngoài, con số có thể lên đến 1 triệu người. Số tín hữu Công Giáo tại Nhật tăng trưởng rất chậm và hơn một lần các vị Giáo Hoàng khích lệ các hoạt động truyền giáo trực tiếp tại đây cho những người chưa biết Tin Mừng của Chúa Kitô.

14. Các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong tuần thánh

Theo Văn Phòng các cử hành Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng, sáng Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 29 tháng Ba Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ và đi kiệu lá vào lúc 9h30 tại quảng trường Thánh Phêrô. Thánh lễ này cũng được cử hành với ý hướng Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 30, được cử hành ở cấp giáo phận trên toàn thế giới, với chủ đề “Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.” 

Phụng vụ sẽ bắt đầu với việc làm phép lá truyền thống. Khoảng 300 nhành lá được tết rất đẹp và kỹ thuật bởi các nghệ nhân vùng Sanremo và Bordighera theo truyền thống cổ của Phụng Vụ Tây phương. Dành cho Đức Thánh Cha là chiếc lá được làm từ ba lá cọ lớn kết lại với nhau tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi.

15. Đức Hồng Y O’Brien từ bỏ quyền lợi và đặc ân của tước vị Hồng Y

Trong thông cáo công bố hôm 20 tháng 3, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn cho biết “Đức Thánh Cha đã chấp nhận việc từ bỏ các quyền lợi và đặc quyền của tước vị Hồng Y theo các khoản giáo luật 349, 353 và 356 do Hồng Y Keith Michael Patrick O’Brien, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Saint Andrews và Edinburg, Tô Cách Lan, đệ trình, sau thời gian dài cầu nguyện. Với biện pháp này, Đức Thánh Cha bày tỏ mối quan tâm mục tử với tất cả các tín hữu của Giáo Hội tại Tô Cách Lan và khuyến khích họ tiếp tục hành trình canh tân và hòa giải trong niềm tín thác.”

Hồng Y O’Brien năm nay 77 tuổi. Ngày 18 tháng 2 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nhận đơn từ chức Tổng Giám Mục giáo phận Saint Andrews và Edinburg của vị Hồng Y này. Sau đó, đương sự cũng loan báo không tham dự mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp đó và đã nhận thực rằng: “Có những lúc lối cư xử của tôi về tính dục ở dưới mức độ cần phải có trong tư cách là linh mục, Tổng Giám Mục và Hồng Y”. Rồi đương sự xin lỗi những người ngài xúc phạm, Giáo Hội Công Giáo và nhân dân Tô Cách Lan”.

Ngày 15 tháng 5 năm 2013, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, với sự đồng ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, đương sự rời Tô Cách Lan trong vài tháng để canh tân tinh thần, cầu nguyện và thống hối. Mọi quyết định liên quan đến số phận tương lai của Đức Hồng Y sẽ được thỏa thuận với Tòa Thánh”.

Với quyết định được thông báo ngày 20 tháng 3 vừa qua, Hồng Y O’Brien tiếp tục là Giám Mục và là Hồng Y, nhưng không còn các quyền lợi và đặc quyền của tước vị Hồng Y, nghĩa là không tham dự các công nghị của Hồng Y đoàn, không tham dự việc bầu Giáo Hoàng, và không còn là cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Trong thông cáo được Văn phòng thông tin của Tổng giáo phận Saint Andrews và Edinburg công bố sau khi tin trên đây, Hồng Y O’Brien tái xin lỗi và bày tỏ sự đau buồn sâu xa vì hành động của mình trong quá khứ, đồng thời nói thêm rằng: “Tôi cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì sự săn sóc hiền phụ của Ngài đối với tôi và những người mà tôi đã làm thương tổn bằng bất cứ cách nào. Tôi sẽ tiếp tục không thi hành vai trò nào trong đời sống công khai của Giáo Hội tại Tô Cách Lan và dành phần còn lại của đời tôi sống ẩn dật, cầu nguyện đặc biệt cho Tổng giáo phận Saint Andrews và Edinburg, cho Tô Cách Lan và những người mà tôi đã làm thương tổn cách nào đó”

16. Các cử hành Phụng Vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Vatican

Lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu Mùng 3 tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Phụng Vụ Suy Tôn Thánh Giá bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Hiện diện cùng với ngài sẽ có các vị Hồng Y, và Giám Mục trong giáo triều Rôma.

Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng sẽ trình bày bài chia sẻ của ngài trước Đức Thánh Cha, giáo triều Rôma và đông đảo các tín hữu hiện diện.

Buổi tối cùng ngày, lúc 21:15 tại hí trường Côlôsê, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự. Văn bản của các chặng đàng thánh giá năm nay do Đức Cha Renato Corti viết.

Đức Cha Renato Corti, năm nay 79 tuổi đã là giám mục phụ tá của tổng giáo phận Milan từ năm 1981 đến 1990 và sau đó là giám mục của giáo phận Novara, một thành phố với 100,000 dân ở tây bắc Ý từ năm 1990 cho đến khi ngài về hưu vào năm 2011.

17. Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại một nhà tù ở vùng ngoại ô Rebibbia

Ngày 02 Tháng Tư, Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm nhà tù Rebibbia ở vùng ngoại ô nằm ở phía Đông Bắc Rôma. Lúc 5:30 ngài sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà nguyện “Padre Nostro” trong khuôn viên nhà tù và rửa chân cho một số nam tù nhân trong trại Rebibbia và cả một số nữ tù nhân đến từ một nhà tù phụ nữ gần đó. Tuyên úy nhà tù Rebibbia, là cha Sandro Spriano, nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican rằng “Chúng tôi quá đỗi hạnh phúc vì Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận lời mời tôi đã đưa ra khi tôi gặp ngài trong một Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta hồi tháng Chín năm ngoái. Ngài nói với tôi rằng nếu có thể, ngài sẽ đến vào Thứ Năm Tuần Thánh. Thực tế là ngài đã giữ lời hứa này và điều này làm cho chúng tôi rất, rất hạnh phúc: đó là một điều tuyệt vời. Chúng tôi sẽ lặp lại những kinh nghiệm của ba năm trước đây, với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, nhưng trong một bối cảnh khác.”

Theo cha Sandro Spriano, đối với các tù nhân, đây là một chuyến thăm đặc biệt. “Rõ ràng, nó cho thấy sự quan tâm của Giáo Hội trước tình trạng của họ.” 

Về chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 hồi 3 năm trước, cha tuyên uý nhà tù nói: “Tôi còn nhớ rất rõ, bởi vì Đức Thánh Cha đã dành cho các tù nhận một cuộc đối thoại. Họ đặt ra những câu hỏi và nhận được những câu trả lời rất thỏa đáng của Đức Giáo Hoàng, và Đức Thánh Cha đã rất cởi mở với họ đến mức đã chia sẻ một số câu chuyện cá nhân của ngài”.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ và nghi thức rửa chân tại một cơ sở phục hồi chức năng cho người già và người khuyết tật ở ngoại ô Rôma. Năm trước nữa, lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã đến Casal del Marmo, là một trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên của Rôma, nơi ngài rửa chân cho các nam nữ thanh niên phạm pháp.

Các vị tiền nhiệm của ngài thường cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại Đền Thờ Thánh Phêrô hay Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô. Thực hành mới phản ảnh truyền thống của ngài tại Buenos Aires với những Thánh Lễ Tiệc Ly trong các nhà tù, bệnh viện hoặc nơi tạm trú cho người nghèo.

Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ Dầu vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô và làm phép các loại dầu sử dụng trong các bí tích tại Giáo Phận Roma.

18. Giám Mục Richard Williamson bị tuyệt thông lần thứ hai

Lễ Thánh Giuse, bổn mạng Giáo Hội toàn thế giới vào ngày 19 tháng Ba năm nay bị hoen ố phần nào do biến cố giám mục Richard Williamson tấn phong Giám Mục trái phép cho cha Jean-Michel Faure, người Ba Tây.

Việc tấn phong Giám Mục trái phép này khiến cả hai người đều vị vạ tuyệt thông tiền kết, nghĩa là tức khắc và đương nhiên bị vạ tuyệt thông, không cần một thông báo nào của Tòa Thánh. 

Đây là lần thứ hai giám mục Richard Williamson bị vạ tuyệt thông. Lần đầu, là vào năm 1988, khi đương sự được Tổng Giám Mục Marcel Lefèbre tấn phong giám mục trái phép. Vạ tuyệt thông tiền kết này sau đó đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tháo gỡ vào năm 2009 như một thiện chí mời gọi Huynh Đoàn Thánh Piô X trở về với Giáo Hội Công Giáo. Huynh Đoàn Thánh Piô X, là nhóm ly giáo do Tổng Giám Mục Lefèbre thành lập vào năm 1970 để chống lại những cải tổ của Công Đồng Vatican II.

Richard William, vốn xuất thân từ Anh Giáo, không đánh giá cao thiện chí của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, và vẫn tiếp tục giữ thái độ quá khích chống lại mọi cố gắng hàn gắn hay nhích lại gần Giáo Hội Công Giáo của Huynh Đoàn Thánh Piô X đến mức là năm 2012, đương sự bị chính Đức Cha Bernard Fellay, là lãnh đạo Huynh Đoàn, trục xuất ra khỏi nhóm. 

Linh mục Jean-Michel Faure, năm nay 73 tuổi cư ngụ tại tu viện Santa Cruz ở Nova Friburgo, Ba Tây đã được Tổng Giám Mục Lefèbre phong chức linh mục năm 1977 cũng là một trong những người đã ly khai khỏi Huynh Đoàn Thánh Piô X để phản đối chủ trương từng bước quay về với Giáo Hội Công Giáo của Đức Cha Bernard Fellay.

Nguồn: Vietcatholic News

 

h2

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN