Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19-25/05/2017: Những phát triển mới chung quanh biến cố Medjugorje

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19-25/05/2017: Những phát triển mới chung quanh biến cố Medjugorje

1. Phản ứng của Tòa Thánh về vụ đánh bom khủng bố tại Manchester

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện bày tỏ lời chia buồn tới các nạn nhân của vụ đánh bom đêm thứ hai tại buổi hòa nhạc ở Manchester, Anh quốc, và lên án cuộc tấn công, trong đó ít nhất 22 người thiệt mạng và 59 người khác bị thương.

Toàn văn bức điện như sau:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vô cùng đau buồn khi được biết về những thương vong bi thảm gây ra bởi cuộc tấn công dã man ở Manchester, và ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai chịu ảnh hưởng bởi hành động bạo lực vô nghĩa này. Ngài ca ngợi các nỗ lực quảng đại của các nhân viên cấp cứu, an ninh và bảo đảm những lời cầu nguyện của ngài dành cho những người bị thương, và cho tất cả người đã chết. Đức Thánh Cha lưu tâm đặc biệt đến những trẻ em và thanh thiếu niên đã bị thiệt mạng, và các gia đình đang đau buồn của các em, ngài cầu xin Chúa ban cho quốc gia này ân sủng của hòa bình, ơn chữa lành và sức mạnh.”

Vụ nổ đã xảy ra lúc 22h30 ngày thứ Hai 22 tháng 5, sau khi buổi hòa nhạc do nữ ca sĩ người Mỹ Ariana Grande biểu diễn đã kết thúc; đèn đã bật sáng; và các nhân viên an ninh đã bắt đầu mất cảnh giác sau nhiều giờ làm việc mệt mỏi.

Bọn khủng bố Hồi giáo IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này trong đó đa số các nạn nhân là các thanh thiếu niên. Đây là cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất tại Anh chỉ sau vụ nổ bom ở hệ thống xe điện ở Luân đôn vào tháng 7 năm 2005, giết hại 52 người.

2. Tuyên bố của các Giám Mục Venezuela về tình trạng khẩn trương của đất nước

Sau một phiên khoáng đại bất thường ở Caracas, hôm 17 tháng 5, các giám mục Venezuela đã ra một tuyên bố về tình trạng khẩn trương của đất nước trong đó ghi nhận rằng cuộc khủng hoảng tại quốc gia này ngày tồi tệ hơn bao giờ.

Cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô và sứ thần Tòa Thánh vì sự ân cần của các ngài, các vị giám mục đã nói về nạn đói ngày càng gia tăng và sự thất vọng đang lan rộng và nhắc nhở người Công Giáo tại quốc gia này rằng các ngài đã kêu gọi tất cả các giáo xứ cử hành ngày Chúa Nhật 21 tháng 5 là một ngày cầu nguyện, ăn chay và liên đới với các nạn nhân của một chế độ độc tài tàn bạo.

Trong tuyên bố của họ, ký ngày 17 tháng 5 và được công bố vào ngày hôm sau, các giám mục đã khuyến khích nhân dân Venezuela “tiếp tục thể hiện quan điểm một cách ôn hòa. Yêu cầu hợp pháp và chính đáng của các công dân không nên bị hoen ố bởi những hành vi bạo lực.”

Các giám mục cũng kêu gọi chế độ Maduro chú ý đến các điểm đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đưa ra vào năm 2016 – bao gồm việc mở một hành lang nhân đạo, thả tù nhân chính trị, và công nhận Quốc hội, do phe đối lập chiếm đa số nhưng đã bị giải thể bởi Maduro.

Phát biểu với cảnh sát và quân đội, các vị giám mục tố cáo “nhiều cái chết của các công dân Venezuela do việc lạm dụng thẩm quyền trong các hành động đàn áp. Trách nhiệm đạo đức đối với các hành vi dẫn đến bạo lực, thương tích và những cái chết của dân chúng thuộc về những người thi hành pháp luật, cũng như những người ra lệnh hoặc cho phép họ làm như thế.”

Các giám mục sau đó đã trích dẫn những lời nổi tiếng của Đức Tổng Giám Mục Óscar Romero của El Salvador:

“Trước lệnh giết người do ai đó ban ra, luật pháp của Thiên Chúa theo đó ‘Ngươi chớ giết người!’ phải thắng thế. Không một người lính nào có nghĩa vụ phải tuân theo một lệnh lạc chống lại luật pháp của Thiên Chúa… nhân danh dân tộc đau khổ này, dân tộc mà tiếng kêu than của họ bay tới trời cao càng ngày càng thống thiết hơn, chúng tôi van xin anh em, chúng tôi khẩn cầu anh em, và chúng tôi ra lệnh cho anh em nhân danh Thiên Chúa, ngưng ngay tức khắc sự đàn áp này”.

3. Vatican Insider: Bẩy cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Medjugorje là chân thật!

Đến nay Tòa Thánh chưa công bố chính thức kết luận của ủy ban điều tra do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina. Tuy nhiên, căn cứ vào câu trả lời các ký giả trong chuyến bay trở về từ Sarajevo hôm 6 tháng Sáu, 2015, nhiều người tin rằng Tòa Thánh sẽ không công nhận biến cố Medjugorje.

Hôm 16 tháng 5, 2017, tờ Vatican Insider, một tờ báo được coi là thạo các tin nội bộ của Tòa Thánh đã gây sửng sốt cho nhiều người khi tường thuật rằng Ủy ban do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina, đã bỏ phiếu đồng thuận rằng bẩy cuộc hiện ra của Đức Mẹ trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1981 là chân thật.

Tuy nhiên, các thành viên trong ủy ban điều tra tỏ ra nghi ngờ về hàng ngàn những thị kiến được cho là đã xảy ra kể từ sau ngày 4 tháng 7 năm 1981, và được cho là vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Hai trong số 17 thành viên của ủy ban cho rằng những thị kiến được cho là đã xảy ra sau ngày 4 tháng 7 năm 1981 không phải là siêu nhiên, trong khi 15 thành viên khác nói rằng họ không thể đưa ra các phán quyết.

Ủy ban nhận định rằng sáu người nói đã được nhìn thấy Đức Mẹ và một người thứ bảy, là người tuyên bố rằng mình bắt đầu nhận được những sứ điệp của Đức Mẹ kể từ tháng 12 năm 1982 đến nay, đã không được hỗ trợ đầy đủ về phương diện mục vụ.

Vatican Insider đã công bố báo cáo trên vào ngày 16 tháng 5, ba ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói về một số chi tiết trong bản báo cáo này với các nhà báo tháp tùng ngài trên chuyến bay từ Fatima, Bồ Đào Nha, về lại Rôma.

Trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 5, phòng báo chí Tòa Thánh đã từ chối bình luận về bài tường thuật này của tờ Vatican Insider.

Trên chuyến máy bay từ Bồ Đào Nha trở lại Vatican hôm 13 tháng 5, Đức Phanxicô đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn về đủ mọi vấn đề thời sự. Khi được hỏi về việc Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, ngài nói rằng những cuộc hiện ra lúc ban đầu cách nay hơn 3 thập niên thì đáng được nghiên cứu thêm, nhưng những thị kiến sau đó thì rất đáng hồ nghi. Theo ngài, căn cứ vào bản tường trình của ủy ban điều tra do Đức Bênêđíctô XVI thiết lập, được đệ nạp cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thì ta cần phân biệt hai loại hiện ra.

“Đối với các cuộc hiện ra thứ nhất, với các trẻ em, bản tường trình ít nhiều cho rằng loại này cần được tiếp tục nghiên cứu” nhưng còn đối với “những cuộc hiện ra được giả định là vẫn đang tiếp diễn, thì bản tường trình tỏ ý hồ nghi”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng: “bản thân tôi còn hồ nghi hơn thế, tôi thích coi Đức Mẹ là Mẹ, Mẹ của chúng ta, hơn là một phụ nữ đứng đầu một văn phòng ngày nào cũng gửi đi một tin nhắn vào một giờ nhất định. Đó không phải là Mẹ Chúa Giêsu. Những cuộc hiện ra như thế vô giá trị”.

Ngài minh xác rằng đây chỉ là “ý kiến riêng” của ngài, nhưng nói thêm rằng Đức Bà không hề hành động bằng cách nói rằng “ngày mai vào giờ này, con hãy đến và ta sẽ trao tin nhắn cho những người ấy”.

Theo Vatican Insider, 13 trong số 14 thành viên ủy ban có mặt tại một cuộc họp đã bỏ phiếu đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm của Vatican đối với các cuộc hành hương chính thức của các giáo phận và giáo xứ tới Medjugorje.

Ủy ban cũng đề nghị việc biến nhà thờ giáo xứ Thánh Giacôbê Tông Đồ thành một nhà thờ giáo hoàng với sự giám sát của Vatican. Động thái này không phải là thừa nhận những cuộc hiện ra, nhưng là thừa nhận những nhu cầu vê đức tin và mục vụ của những người hành hương; đồng thời bảo đảm những hiến tặng tài chính của những người hành hương được kế toán phù hợp.

Vai trò của Ủy ban là đưa ra các khuyến nghị đối với Đức Giáo Hoàng; báo cáo của ủy ban không phải là một phán đoán chính thức của Giáo Hội về những cuộc hiện ra. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên vào ngày 13 tháng Năm rằng “cuối cùng, một cái gì đó sẽ được tuyên bố,” nhưng ngài không đưa ra một thời biểu cụ thể.

4. Đức Thánh Cha tuyên bố triệu tập Công Nghị Tấn Phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 6, 2017

Trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 21 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố với các tín hữu rằng ngài sẽ triệu tập Công Nghị Tấn Phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 6 để tấn phong 5 vị tân Hồng Y.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, tôi muốn thông báo với anh chị em rằng vào ngày Thứ Tư, 28 Tháng Sáu, tôi sẽ triệu tập một Công Nghị để tấn phong 5 Hồng Y mới”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “xuất xứ của các vị là từ những nơi khác nhau trên thế giới thể hiện tính Công Giáo của Giáo Hội, lan rộng trên khắp trái đất “.

Một ngày sau ngày đó, vào ngày 29 tháng 6 Lễ Trọng Kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, các tân Hồng Y sẽ đồng tế Thánh Lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với các vị tổng giám mục được bổ nhiệm trong vòng một năm qua, là những vị được nhận dây pallium từ Đức Thánh Cha trong buổi lễ đó.

Năm vị tân Hồng Y là: Đức Tổng Giám Mục Jean Zerbo, của tổng giáo phận Bamako, Mali; Đức Tổng Giám mục Juan José Omella của Barcelona, Tây Ban Nha; Đức Giám Mục Anders Arborelius của Stockholm, Thụy Điển; Đức Giám Mục José Gregorio Rosa Chávez, là giám mục phụ tá của San Salvador, El Salvador và Đức Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Đại Diện Tông Tòa của Pakse, Lào và Giám Quản Tông Tòa của Viêng Chăn.

Trong danh sách các vị được tấn phong, điều đáng kinh ngạc là ngài đã chọn Đức Cha José Gregorio Rosa Chávez (75 tuổi), là giám mục phụ tá của tổng giáo phận San Salvador thay vì chọn Đức Tổng Giám Mục Jose Luis Escobar Alas (58 tuổi). Tổng giáo phận San Salvador đã được Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero chăn dắt cho đến khi ngài bị bắn chết vào ngày 24 tháng Ba năm 1980, khi đang cử hành thánh lễ. Đức Cha José Gregorio Rosa Chávez, lúc ấy là một linh mục, được xem là một cộng sự viên đắc lực của Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.

5. Đức Thánh Cha bất ngờ thăm viếng các cư dân tại Ostia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục dự án “Ngày Thứ Sáu Lòng Thương Xót” vào ngày 19 tháng 5 vừa qua với một chuyến viếng thăm một dự án nhà ở công cộng ở Ostia, bên bờ biển Địa Trung Hải bên ngoài Rôma, gần sân bay Leonardo da Vinci.

Đức Thánh Cha đã đến thăm các giáo dân ở giáo xứ Stella Maris của Ostia. Cư dân tại đây kinh ngạc khi thấy Đức Thánh Cha gõ cửa nhà mình. Ngài vào thăm và ban phép lành cho nhà cửa của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng các chuyến viếng thăm “Ngày Thứ Sáu Lòng Thương Xót” của ngài như là một phần trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong đó ngài thực hiện một trong những hoạt động bác ái cả phần hồn và phần xác.

6. Đức Bênêđíctô thứ 16 ca ngợi Đức Hồng Y Robert Sarah trong cuốn sách mới

“Với Đức Hồng Y Sarah, một bậc thầy về im lặng và cầu nguyện nội tâm, Phụng Vụ được chăm sóc tốt”, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã viết như trên trong lời tựa một cuốn sách mới của vị Hồng Y Phi Châu. Cuốn sách mới của Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích có tựa đề là “The Power of Silence” – nghĩa là “Sức Mạnh của Sự Yên Lặng”, sẽ được xuất bản trong tương lai gần. Tuy nhiên, ngay bây giờ, người ta có thể đọc bản tóm tắt trên First Things.

Đức Bênêđíctô thứ 16 viết tiếp:

“Bất cứ ai ngày hôm nay đọc những lời bình luận dài dòng tới đâu đi nữa về Phúc Âm thì cuối cùng vẫn thất vọng”.

Theo Đức Bênêđíctô thứ 16, để hiểu Lời Chúa, ta phải bắt chước gương của Chúa Giêsu. Ngài luôn cầu nguyện trong im lặng trước khi lên tiếng giảng dạy.

Đức Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau:

“Chúng ta biết rằng diễn từ của Chúa, những lời nói của Ngài, luôn xuất phát từ sự im lặng và chỉ có thể trưởng thành ở đó. Vì vậy, Lời Ngài chỉ có thể được hiểu một cách chính xác nếu cả chúng ta nữa, cũng tháp nhập vào sự im lặng của Người, và học cách nghe Lời Chúa từ sự im lặng của Ngài.”

Đức Bênêđíctô thứ 16 đã gần như giữ sự im lặng hoàn toàn kể từ khi ngài thoái vị hôm 11 tháng Hai năm 2013. Vì vậy, lời tựa của ngài viết cho cuốn sách này, và sự ủng hộ của ngài dành cho Đức Hồng Y Sarah, là đặc biệt đáng chú ý.

Cuối cùng, Đức Bênêđíctô thứ 16 viết:

“Chúng ta nên biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã bổ nhiệm một vị thầy tâm linh như thế làm người đứng đầu của bộ chịu trách nhiệm về việc cử hành phụng vụ trong Giáo Hội”

7. Cuộc rước Corpus Christi tại Rôma bị dời lại vào ngày Chúa Nhật thay vì ngày thứ Năm theo truyền thống

Hôm thứ Năm 18 tháng 5, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết cuộc rước truyền thống Corpus Christi – Mình Máu Thánh Chúa tại Rôma trong năm nay được dời từ Thứ Năm 15 tháng Sáu sang Chúa Nhật 18 tháng Sáu.

Ở nhiều nước trên thế giới, lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành vào ngày Thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác vì hoàn cảnh cụ thể, lễ Mình Máu Thánh Chúa có thể được cử hành vào ngày Chúa Nhật sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Ý nghĩa của lễ Mình Máu Thánh Chúa là sự thể hiện niềm tin của người tín hữu rằng Chúa thực sự hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

Trong ngày lễ Corpus Christi, theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng dẫn đầu một cuộc rước trọng thể qua các đường phố Rôma, từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả. Mình Thánh Chúa được đặt trong một Mặt Nhật và được rước qua các đường phố.

Hôm thứ Năm 18 tháng 5, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết “Đức Thánh Cha đã quyết định dời lễ Mình Máu Thánh Chúa, từ Thứ Năm 15 Tháng Sáu đến Chúa Nhật 18 Tháng Sáu.”

Ông giải thích rằng quyết định này là “để Dân Chúa, bao gồm các linh mục và các tín hữu của Giáo Hội ở Rôma có thể tham gia tốt đẹp hơn.” Ông nói thêm, “Có một lý do thứ hai: Thứ Năm là một ngày trong tuần” việc dời qua Chúa Nhật “sẽ ít phiền phức hơn cho cư dân Rôma.”

8. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân bày tỏ sự hài lòng là thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám Mục với Trung Quốc đã không xảy ra

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hương Cảng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng “có vẻ như thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc lựa chọn các giám mục đã bất thành. Thật là tốt.”

Ngài nói với Catholic Herald rằng: “Tôi đoán rằng thỏa thuận về việc lựa chọn các giám mục đã sẵn sàng nhưng chưa được ký kết. Tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc muốn Tòa Thánh nhượng bộ mọi thứ. Không chỉ chuyện lựa chọn các giám mục thôi nhưng còn nhiều thứ khác nữa để họ có thể kiểm soát Giáo Hội”.

“Nhưng những thứ khác thì không thể. Cho nên, nhà cầm quyền Trung Quốc từ chối không chịu ký. Đối với tôi như thế là tốt.”

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã lặp lại lời chỉ trích các viên chức Tòa thánh Vatican về việc mưu tìm một thỏa thuận “bằng bất cứ giá nào” và không lắng nghe các nhà lãnh đạo Giáo Hội Trung Quốc.

“Làm sao họ có thể tin rằng họ nắm rõ tình hình tốt hơn tôi? Tốt hơn là Đức Tổng Giám mục Savio Hàn Đại Huy, là nhân vật thứ hai trong Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc? Chúng tôi là người Trung Quốc! Chúng tôi đã ở Trung Quốc rất nhiều năm, giảng dạy trong các chủng viện, dành sáu tháng một năm ở Hoa Lục và nhìn thấy những gì đang xảy ra với chính đôi mắt của chúng tôi. Nhưng họ không tin chúng tôi. Họ không lắng nghe chúng tôi. Thật là khủng khiếp.”

9. Một thẩm phán tại El Salvador mở lại vụ án giết Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero

Thẩm phán, Ricardo Chicas, của El Salvador, đã yêu cầu các công tố viên lên tiếng buộc tội Alvaro Rafael Saravia, nghi can chính trong vụ án giết Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero. Năm 1993, những cáo buộc đối với Saravia đã bị bỏ theo luật ân xá của nước này. Tuy nhiên, luật đó đã bị lật nhào trong tuần qua.

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero đã bị giết ngay tại Vương Cung Thánh Đường San Salvador trong khi ngài đang cử hành thánh lễ hôm 24/3/1980.

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero là chứng nhân can đảm đã tố cáo các tội ác dã man của giới quân nhân nước này trong thời gian nội chiến. Cuộc chiến tại El Salvador đã kết thúc với hiệp định ngưng bắn vào năm 1992 chấm dứt 12 năm nội chiến. Tuy nhiên, mãi cho đến nay, xã hội El Salvador vẫn còn nhiều chia rẽ và bạo lực vì bao nhiêu oan khiên không được giải tỏa. Cái chết của Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero là tiêu biểu cho thế giới thấy các thủ đoạn tàn bạo của Biệt Đội Tử Thần do nhóm quân nhân El Salvador dựng lên.

Thiếu tá Alvaro Rafael Saravia, người trực tiếp nhúng tay vào vụ sát hại Đức Tổng Giám Mục Romero đã di cư sang Mỹ vào giữa thập niên 1980 để chạy tội nhưng y bị bắt và bị đưa ra tòa. Trước tòa án tại California, Alvaro Rafael Saravia không nói một lời nào nhằm bác bỏ hay công nhận trách nhiệm của mình trước cáo buộc đã giết hại Đức Cha Romero. Y cũng không thèm mướn luật sư cãi lại. Tòa án tại California đã trưng ra những bằng cớ không thể phủ nhận được về vai trò trực tiếp giết hại Đức Cha Romero của ông Saravia, vai trò ông này trong Biệt Đội Tử Thần El Salvador cũng như liên hệ giữa ông này và cố đại tá Roberto D’Aubuisson, người đã thành lập đảng ARENA. Tòa đã truyền cho ông Saravia phải đền cho thân nhân Đức Cha Romero 10 triệu Mỹ Kim.

Hai nghi can khác là Đại Tá Roberto D’Aubuisson và một sĩ quan cảnh sát tên là Oscar Perez Linares, người được cho là đã ra lệnh cho Thiếu tá Alvaro Rafael Saravia giết chết Đức Tổng Giám Mục Romero. Tuy nhiên, Đại Tá D’Aubuisson đã qua đời ngày 20 tháng Hai năm 1992, lúc mới 48 tuổi vì bệnh ung thư. Tờ Guardian của Anh, hôm 24 tháng Ba năm 2000, cáo buộc CIA đã giết Linares để phi tang.

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero đã được tuyên phong Chân Phước tử đạo ngày 23 tháng 5, năm 2015.

10. Đức Thượng Phụ Kirill xin Đức Giáo Hoàng can thiệp ngăn chặn dự luật tôn giáo mới tại Ukraine

Đức Thượng Phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác trên thế giới gây ảnh hưởng để ngăn chặn Quốc Hội Ukraine thông qua một dự luật về tôn giáo. Luật này, nếu được thông qua, sẽ đặt ra ngoài vòng pháp luật tất cả các tôn giáo đang chịu ảnh hưởng bởi một “nhà nước xâm lược”.

Ukraine hiện đang định nghĩa Nga là một nước xâm lược, do đó, Đức Thượng Phụ bày tỏ lo ngại rằng, luật mới này sẽ “đe doạ các quyền hiến định của hàng triệu tín đồ Ukraine.”

Trong tổng số 44,220,000 dân của Ukraine, 65.4% là các tín hữu Chính Thống Giáo; trong đó 25% thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev, 15% thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, số còn lại là các tín hữu Chính Thống Giáo Tự Trị.

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chia Ukraine thành 53 giáo phận với 12,334 nhà thờ.

Đức Thượng Phụ Kirill cảnh báo rằng luật mới này, nếu được thông qua, có thể dẫn tới “một làn sóng bạo lực và những vụ tranh chấp các nhà thờ ở Ukraine.”

Một số lớn các nhà thờ thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tại Ukraine đã bị cộng sản tịch thu và giao cho Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa quản lý. Sau khi cộng sản sụp đổ, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tại Ukraine đã đòi lại được một số nhà thờ. Tuy nhiên, một số rất lớn các nhà thờ vẫn còn nằm trong tay Giáo Hội Chính Thống Mạc Tư Khoa. Một trong những lý do thực tế dẫn đến thực trạng này là vì cộng sản chủ trương thủ tiêu người Công Giáo. Trong nhiều vùng rộng lớn, người Công Giáo không còn bao nhiêu nên vấn đề đòi lại tài sản không được đặt ra. Theo thống kê vào tháng 11 năm 2016, các tín hữu Công Giáo nghi lễ La Tinh chỉ chiếm 0.8% dân số (353,000 người), các tín hữu Công Giáo nghi lễ Đông phương chiếm 8.2% dân số (3,630,000 người).

11. Ðức Thánh Cha chống kỳ thị và cô lập các bệnh nhân Huntington.

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu noi gương Chúa Giêsu, phá đổ những bức tường kỳ thị và cô lập các bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh Huntington.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18 tháng 5 dành cho 1,500 người tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các chuyên gia, các thân nhân và bệnh nhân Huntington đến từ nhiều nước trên thế giới.

Huntington là bệnh thoái hóa tiến triển, có tính chất di truyền, nguyên nhân là do tế bào thần kinh trong não bị mất đi. Kết quả có thể là sự chuyển động của bệnh nhân không kiểm soát được, rối loạn cảm xúc và suy sụp tinh thần. Trên thế giới có khoảng 1 triệu người bị bệnh này. Nhiều bệnh nhân buộc lòng phải giấu kín bệnh của mình vì sợ dư luận quần chúng và các thái độ kỳ thị. Bệnh Huntington thường xảy ra trong các gia đình ở Nam Mỹ với mức độ 500 hoặc 1 ngàn lần nhiều hơn so các vùng khác trên thế giới.

Cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha thuộc sáng kiến gọi là “Không giấu kín nữa” – Hidden No More – liên kết những người ủng hộ và đại diện của các bệnh nhân bị Huntington.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha nhiệt liệt tuyên bố hỗ trợ sáng kiến “không giấu kín nữa” và ngài nói:

“Ðây không phải chỉ là một khẩu hiệu, nhưng là một sự quyết tâm trong đó mọi người phải giữ vai chính. Sức mạnh và xác tín khi chúng ta nói lên những lời này xuất phát từ những điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Trong sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu đã gặp bao nhiêu bệnh nhân, đảm trách những đau khổ của họ, Ngài đã phá đổ những bức tường lên án và gạt ra ngoài lề, ngăn cản bao nhiêu bệnh nhân không cho họ cảm thấy được tôn trọng và yêu mến. Ðối với Chúa Giêsu, bệnh tật không bao giờ là chướng ngại cản trở gặp gỡ con người, trái lại là đàng khác. Chúa đã dạy chúng ta rằng nhân vị con người luôn luôn là điều quí giá, luôn có một phẩm giá mà không điều gì và không một ai có thể xóa bỏ, dù là bệnh tật.”

Ðức Thánh Cha đã khích lệ các bác sĩ và nhân viên y tế, những người thiện nguyện chăm sóc các bệnh nhân Huntington, trong số này có các chuyên gia thuộc Bệnh Viện Nhà thoa dịu đau khổ ở miền nam Italia đã được cha thánh Piô thành lập và tặng cho Tòa Thánh.

Ðức Thánh Cha đặc biệt khích lệ các nhà di truyền học và khoa học gia từ lâu nay đã tận tụy nghiên cứu và tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh Huntingon. Ngài nói: “Hy vọng có thể tìm được con đường chữa trị hoàn toàn bệnh này tùy thuộc những cố gắng của anh chị em, cả việc cải tiến điều kiện sống của các anh chị em chúng ta bị bệnh này cũng vậy. Xin Chúa chúc lành cho sự dấn thân của anh chị em.”

12. Sau 60 năm, Cuba có nhà thờ Công Giáo đầu tiên được xây dựng.

Một nhà thờ Công Giáo mới đang được xây dựng tại Cuba, nhờ sự tài trợ của một giáo xứ ở Floria. Ðây là nhà thờ đầu tiên được xây dựng tại quốc gia này sau 60 năm.

Giáo xứ thánh Lôrenxô ở Tampa, Florida đã tặng 95 ngàn đô la để xây nhà thờ ở Sandino, ở miền cực tây Cuba. Cha xứ của giáo xứ thánh Lôrenxô, cha Ramon Hernandez, cho biết cha và các giáo dân vui khi thấy sự quyên góp của họ tài trợ cho dự án này và cha mong đến lễ khánh thành vào đầu năm tới.

Cha Hernandez là một linh mục gốc Cuba. Cha đã từng cử hành Thánh lễ “chui” tại nhà của các gia đình tín hữu. Năm 1980, cha rời Cuba.

Nhà thờ mới sẽ được gọi là giáo xứ Lòng Thương xót ở Sandino và sẽ do cha Cirilo Castro hướng dẫn. Nhà thờ có sức chứa 200 người.

Dự án giúp xây nhà thờ nhen nhóm từ năm 2010 do cha cựu chánh xứ giáo xứ thánh Lôrenxô, người muốn có sự liên kết tinh thần giữa Cuba và Tampa.

Tháng 4 năm 2017, cha Cirilo cho biết là mái của công trình sắp được lợp vào cuối tháng 6 năm 2017. Các ghế ngồi và bàn thờ sẽ được đặt trong những tháng tới để chuẩn bị cho Thánh lễ đầu tiên vào tháng Giêng hay tháng 2 năm 2018.

13. Đức Thánh Cha tiếp kiến 6 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh

Sáng 18 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 6 tân đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh và ngài kêu gọi loại trừ những nguyên nhân làm đen tối tình hình thế giới hiện nay.

Các vị đại sứ mới đến từ 6 nước là Kazakhstan, Mauritanie, Népal, Niger, Sudan, Trinidad và Togago. Đây là những vị không thường trú ở Roma nên được Đức Thánh Cha tiếp kiến chung.

Trong lời chào mừng các tân đại sứ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng tình hình quốc tế hiện nay rất phức tạp và đang trải qua những đám mây dầy đặc, đòi phải ý thức hơn về những thái độ và những hoạt động cần thiết để giảm bớt căng thẳng.

Trong số các nhân tố làm cho các vấn đề trầm trọng hơn, có nền kinh tế tài chánh, thay vì phục vụ con người cụ thể, thì chỉ được bố trí để phục vụ bản thân và tránh sự kiểm soát của công quyền: các chính quyền này tuy có trách nhiệm về công ích, nhưng lại thiếu những đòn bẩy cần thiết để giảm bớt sự tham lam của một thiểu số người.

Đức Thánh Cha cũng tố giác xu hướng dùng võ lực, không phải như phương thế cuối cùng, nhưng như một phương tiện như bất kỳ phương tiện nào khác, sẵn sàng sử dụng mà không thẩm định kỹ lưỡng các hậu quả.

Ngoài ra, còn có nạn cực đoan, lạm dụng tôn giáo để biện minh cho sự khao khát quyền lực, lạm dụng thánh danh Thiên Chúa để đẩy mạnh mưu đồ bá quyền của mình bằng bất kỳ phương tiện nào.

Đức Thánh Cha kêu gọi chống lại những nguy cơ trên đây đối với nền hòa bình thế giới bằng cách kiến tạo một nền kinh tế và tài chánh có trách nhiệm đối với số phận con người và cộng đoàn liên hệ. Con người chứ không phải tiền bạc là mục đích của kinh tế.. . Cần cô lập hóa bất kỳ người nào tìm cách biến sự thuộc về và căn tính tôn giáo thành lý do để oán ghét tất cả những người khác.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “cần hiệp sức chống lại những kẻ làm hoen ố hình ảnh Thiên Chúa và chứng tỏ rằng ai tôn vinh Danh Thiên Chúa, thì cứu vớt sinh mạng con người chứ không giết hại, mang lại hòa giải và hòa bình chứ không phải tạo nên chia rẽ và chiến tranh, thực hiện lòng thương xót và cảm thương chứ không phải sự dửng dưng và tàn bạo.

14. Trước khi sang gặp Đức Thánh Cha, Tổng thống Donald Trump chính thức đề cử bà Callista Gingrich làm đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh

Khi chuẩn bị sang gặp Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã chính thức đề cử bà Callista Gingrich, phu nhân của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, làm tân đại sứ Mỹ tại Toà Thánh.

Theo hiến pháp Hoa Kỳ, tổng thống có quyền chỉ định nhưng có từ 1,200 đến 1,400 chức vụ cao cấp trong chính quyền phải được Thượng Viện Mỹ xác nhận. Chức vụ đại sứ tại hải ngoại là một trong những chức vụ cần phải được Thượng Viện thông qua.

Tòa Bạch Ốc đã công bố việc đề cử này vào cuối ngày thứ Sáu 19 tháng 5, trong khi ông Trump sửa soạn chuyến tông du nước ngoài đầu tiên của mình. Trong chuyến đi này ông sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 24 tháng Năm tại Vatican.

Việc bổ nhiệm bà Gingrich, 51 tuổi, cựu trợ lý của Quốc hội, đã được đồn đại trong nhiều tháng qua. Nếu được xác nhận bởi Thượng viện, bà sẽ thay thế cho Đại sứ Ken Hackett, người đã về hưu vào tháng Giêng. Bà sẽ là phụ nữ thứ ba làm đại sứ Mỹ tại Tòa thánh sau Lindy Boggs, người giữ chức vụ này từ năm 1997 đến 2001 và Mary Ann Glendon, người phục vụ trong 2 năm 2008 và 2009.

Việc bổ nhiệm bà làm tân đại sứ Mỹ tại Toà Thánh được nhiều người ca ngợi. Bà Gingrich là chủ tịch của hãng phim Gingrich Productions, chuyên sản xuất phim tài liệu. Năm 2010, hãng phim này đã thực hiện bộ phim “Nine Days That Changed the World”, nghĩa là “Chín Ngày Thay Đổi Thế Giới”, nói về chuyến hành hương kéo dài 9 ngày của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Ba Lan vào năm 1979 và chuyến tông du này đã đóng góp vào sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu như thế nào. Bà Gingrich là một người nổi tiếng hát hay và là ca viên lâu năm của dàn hợp xướng tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Washington.

Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói chỉ trích không kém phần ác liệt. Bà Gingrich đã từng thừa nhận có quan hệ tình cảm với ông Newt Gingrich trong nhiều năm liền trong khi ông ta đang sống với người vợ thứ hai. Sau khi ông ly dị vào năm 1999, hai người kết hôn một năm sau đó. Ông Newt Gingrich sau đó trở thành người Công Giáo vào năm 2009 và hai cuộc hôn nhân đầu đã được tiêu hôn hợp lệ.

15. Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Anh hoan nghênh quyết tâm của Đảng Bảo thủ Anh xóa bỏ bất công đối với hệ thống giáo dục Công Giáo

Tại Anh, một trong những bất công đối với hệ thống giáo dục Công Giáo kéo dài hàng mấy trăm năm qua là việc các trường Công Giáo chỉ được phép nhận tối đa là 50% học sinh Công Giáo. 50% học sinh còn lại thuộc về các tôn giáo khác.

Con số các trường Công Giáo từ mẫu giáo đến Đại Học của Giáo Hội ở Anh và xứ Wales vào năm 2000 là 2,230 trường. Con số này vẫn cứ là 2,230 trường vào năm 2017. Không một trường học nào được xây dựng thêm. Các trường Công Giáo được xem là nơi đào tạo đức tin cho thế hệ trẻ. Cho nên, chủ trương của các trường Công Giáo là ưu tiên cho các học sinh Công Giáo. Chủ trương này khó lòng thực hiện được vì luật 50% này. Trong thực tế, không một giáo xứ nào thiết tha với việc xây dựng trường học mà chỉ có thể sử dụng được tối đa 50%.

Tháng Chín vừa qua, Đảng Bảo Thủ của bà Theresa Mary May hứa hẹn sẽ bãi bỏ luật 50% này. Nay thì họ thực hiện cam kết đó với điều kiện là các trường Công Giáo phải mở rộng cửa cho các học sinh thuộc các niềm tin khác ở một mức độ hợp lý theo tình hình cụ thể tại địa phương.

Ủy ban Giáo dục Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Anh hoan nghênh diễn biến tích cực.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN