Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19 – 25/01/2017: 800 năm Dòng Đa Minh

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19 – 25/01/2017: 800 năm Dòng Đa Minh

1. Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi tổng thống Donald Trump trong lễ nhậm chức

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào của ngài đến tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, và bảo đảm những lời cầu nguyện vào ngày lễ nhậm chức của tân tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng tân tổng thống sẽ được “hướng dẫn bởi các giá trị tinh thần và đạo đức phong phú đã định hình lịch sử của người dân Mỹ”, và cho rằng thành công của một đất nước nên được “đo lường trên tất cả các mối quan tâm của quốc gia ấy đối với người nghèo, người bị ruồng bỏ, và những người đang gặp khó khăn”

Toàn văn thông điệp của Đức Thánh Cha như sau:

“Nhân lễ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 của tổng thống, tôi xin gởi đến ngài những lời cầu chúc tốt đẹp thân ái và bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng ban cho tổng thống sự khôn ngoan và sức mạnh trong việc thực hiện các chức vụ trọng đại của ngài.

Vào thời điểm khi gia đình nhân loại của chúng ta đang bị vây bủa bởi các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đòi hỏi các phản ứng chính trị có tầm nhìn xa và thống nhất, tôi cầu nguyện xin cho các quyết định của tổng thống được hướng dẫn bởi các giá trị tinh thần và đạo đức phong phú đã định hình lịch sử của nhân dân Mỹ và sự dấn thân của quốc gia ngài cho sự thăng tiến nhân phẩm và tự do trên toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo của tổng thống, cầu xin cho tầm cỡ của Hoa Kỳ tiếp tục được đo lường trên tất cả các mối quan tâm đối với người nghèo, người bị ruồng bỏ và những người cần đang gặp khó khăn, như những Lagiarô, đang đứng trước cửa nhà của chúng ta.

Với những tâm tình này, tôi xin Chúa ban cho tổng thống và gia đình, cũng như tất cả những người Mỹ yêu quý, những phước lành của Chúa là hòa bình, hòa hợp và mọi thịnh vượng về vật chất và tinh thần.

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô”

2. Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Đại kết Phần Lan

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther tăng cường đời sống đức tin và đưa ra các chứng tá chung, đặc biệt trong năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 19 tháng Giêng dành cho phái đoàn đại kết Phần lan, gồm các vị lãnh đạo Tin Lành Luther, Chính Thống và Công Giáo, về Roma hành hương nhân dịp lễ kính thánh Enrico bổn mạng Phần Lan, và nhân dịp Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Đây là lần thứ 35 cuộc hành hương thường niên này được thực hiện.

Lên tiếng trong dịp này Đức Thánh Cha nhắc đến buổi lễ tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther ngày 31 tháng 10 năm ngoái 2016 tại thành phố Lund, Thụy Điển, mà ngài đích thân tham dự. “Tại thành phố ấy, chúng ta đã nhắc nhớ ý hướng của Martin Luther cách đây 500 năm là canh tân Giáo Hội chứ không phải để phân rẽ Giáo Hội. Cuộc tập họp này tại đây mang lại cho chúng ta can đảm và sức mạnh, trong Chúa Giêsu Kitô, để nhìn về hành trình đại kết đằng trước, hành trình mà chúng ta được kêu gọi cùng nhau tiến bước”.

Đức Thánh Cha nói thêm nói rằng: “Năm kỷ niệm này, đối với các tín hữu Công Giáo và Luther là một cơ hội rất tốt để sống đức tin một cách chân thực hơn, để cùng nhau tái khám Tin Mừng và tìm cách làm chứng cho Chúa Kitô hăng hái nồng nhiệt hơn. Vào cuối ngày kỷ niệm ở thành phố Lund, và hướng về tương lai, chúng ta đã lấy hứng từ chứng tá chung của chúng ta về đức tin trước mặt thế giới, khi chúng ta quyết tâm cùng nhau giúp đỡ những người đau khổ, những người túng thiếu, bị bách hại và phải chịu nạn bạo lực. Khi làm như thế, các tín hữu Kitô chúng ta không còn chia rẽ nữa, nhưng đúng hơn, được hiệp nhất với nhau trong hành trình tiến về sự hiệp thông trọn vẹn”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Phong trào đại kết chân thực dựa trên sự cùng hoán cải, trở về với Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Nếu chúng ta đến gần Chúa, chúng ta cũng đến gần nhau. Trong những ngày này, chúng ta cùng nhau cầu nguyện sốt sắng hơn với Chúa Thánh Linh để chúng ta có thể cảm nghiệm sự hoán cải này, làm cho sự hòa giải có thể thực hiện được”.

3. Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Cantebury khuyên nên nhớ đến những tai hại lâu dài của cuộc cải cách Tin Lành

Trong một diễn biến khác có liên quan đến cuộc Cải Cách Tin Lành, Đức Tổng giám mục Canterbury, cũng là nhà lãnh đạo trên toàn thế giới của Liên Hiệp Anh giáo, đã khuyến khích việc thừa nhận rằng Cải Cách Tin Lành đã làm thiệt hại nghiêm trọng cho sự hiệp nhất Kitô giáo.

Trong một thông điệp ký chung với Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo John Sentamu của tổng giáo phận York, nhân kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách, Tiến sĩ Justin Welby nói rằng cuộc cải cách này tuy có mang lại “những phước lành to lớn”, nhưng đồng thời cũng có “rất nhiều những thiệt hại nghiêm trọng”. Các nhà lãnh đạo Anh giáo lưu ý rằng trong những năm chiến tranh tôn giáo “nhiều người bị đàn áp và thậm chí bị tử vong dưới bàn tay của những người khác là những kẻ cũng tuyên bố mình tin vào cùng một Chúa.”

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Anh Giáo nhận xét rằng sự chia rẽ trong Kitô Giáo Tây Phương, gây ra những thiệt hại lâu dài “cho sự hiệp nhất của Giáo Hội, bất chấp lệnh truyền rõ ràng của Chúa Giêsu Kitô là các môn đệ Ngài phải hiệp nhất trong tình yêu.”

Tuyên bố đề nghị rằng ký ức về cuộc Cải Cách Tin Lành “nên dẫn chúng ta đến sự ăn năn về vai trò của chúng ta trong việc duy trì tình trạng chia rẽ lâu dài hiện nay”

Tưởng cũng nên nhắc lại là Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, là Đức Hồng Y Gerhard Müller, cũng đã đưa ra một nhận xét tương tự trong một cuộc phỏng vấn hôm 31 tháng Ba, 2016.

Ngài nói: “Người Công Giáo chúng ta không có lý do để ăn mừng ngày 31 tháng 10 năm 1517, ngày đó được coi là sự khởi đầu của cuộc cải cách dẫn đến sự rạn vỡ của Kitô giáo phương Tây.”

Thực vậy, cuộc Cải Cách Tin Lành không chỉ xâu xé Công Giáo; nhưng cũng khiến nhiệm thể của các tín hữu Kitô lâm vào vào những cuộc ly giáo bất tận, với hàng ngàn giáo phái Tin Lành. Phong trào Cải Cách đã dẫn đến những thập kỷ chiến tranh, cách mạng, những cuộc tranh giành vô tận và phân chia tan nát châu Âu.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Anh giáo được nhiều người khen ngợi tuy nhiên nhiều người không hài lòng vì tuyên bố này đã không đề cập trực tiếp đến những cuộc đàn áp người Công Giáo tại Anh cũng như việc tịch thu các nhà thờ Công Giáo, tu viện, và tu viện của Giáo Hội Anh.

4. Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy là màn trình diễn của các nữ nghệ nhân người Afghanistan trong buổi lễ khai mạc diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ hôm 17 tháng Giêng vừa qua. Năm nay, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos đã diễn ra từ 17 đến 20 tháng Giêng.

Trong phần sau chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị và anh chị em diễn từ của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tại Davos, nhưng trước hết Thảo Ly xin giới thiệu sơ qua về diễn đàn này.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ, có trụ sở tại Cologny, Geneva. Diễn đàn này được thành lập vào năm 1971 và được chính phủ Thụy Sĩ công nhận là một cơ quan quốc tế. Nhiệm vụ của diễn đàn là “cam kết cải thiện tình trạng của thế giới bằng cách mời gọi các nhà kinh doanh, các chính trị gia, các khoa học gia, và các nhà lãnh đạo khác của thế giới trong việc định hình các chương trình nghị sự toàn cầu, và khu vực, cũng như trong các ngành công nghiệp” .

Tòa Thánh tham gia vào diễn đàn này như một phương cách ngõ hầu có thể đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức cuộc họp thường niên vào cuối tháng Giêng tại Davos, một khu nghỉ mát trong vùng núi Graubunden, phía đông của Thụy Sĩ. Hội nghị quy tụ khoảng 2,500 các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, các nhà lãnh đạo quốc tế về chính trị, kinh tế, khoa học và các nhà báo trong bốn ngày để thảo luận về các vấn đề cấp bách nhất đối với thế giới.

Mỗi năm, tổ chức này cũng triệu tập từ sáu đến tám cuộc họp khác có tính khu vực tại châu Phi, Đông Á và Mỹ châu Latinh, cũng như tại Trung Quốc và United Arab Emirates.

5. Tại Diễn đàn Davos, Đức Hồng Y Parolin thúc giục châu Âu hướng tới những chính sách có tính xây dựng với người di cư

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Vatican nói với các nhà lãnh đạo các cường quốc mạnh nhất thế giới rằng “chúng ta phải học những bài học của lịch sử” trong việc tiếp cận với vấn đề di cư.

Đức Hồng Y Pietro Parolin nói rằng dòng người di cư vào châu Âu hiện nay “không phải là một hiện tượng mới”, mặc dù ngài thừa nhận rằng quy mô của cuộc di cư hiện nay là chưa từng có. Ngài than thở rằng một số người châu Âu đang “sống chung với nỗi sợ hãi và cảm giác khó chịu,” lo lắng về việc mất đi bản sắc dân tộc của mình.

Theo Đức Hồng Y “cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa” là một khía cạnh liên tục của lịch sử thế giới. Ngài nhận xét rằng thách đố hiện nay của các nhà lãnh đạo chính trị là “đừng tạo ra các nguyên nhân dẫn đến xung đột, đụng độ, và những chia rẽ, nhưng hãy khích lệ các nguồn mạch làm phong phú lẫn nhau.”

Đức Hồng Y Parolin nói với Diễn đàn Davos là mặc dù “khả năng của Vatican rất hạn chế theo một ý nghĩa nào đó,” Tòa Thánh sẽ tiếp tục đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế, sẽ luôn luôn dấn thân cho hòa bình, chống đói nghèo, và xây dựng các nhịp cầu giữa các quốc gia và các nền văn hóa.

Đặc biệt, Đức Hồng Y cho biết, trong năm nay ưu tiên của Vatican là nỗ lực hoạt động “để bảo vệ, và thúc đẩy tự do tôn giáo”, mà theo Đức Hồng Y đó là “quyền tối thượng của con người. Trọng tâm của con người là tính siêu việt, và thực tế là nhân loại được mời gọi là anh chị em với nhau. Nếu không có sự hiểu biết như thế, các mục tiêu đầy tiêu cực khác sẽ chiếm ưu thế, và cuối cùng sẽ làm thiệt hại và tiêu diệt cả cá nhân lẫn cộng đồng.”

6. Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhà tổ chức cuộc triển lãm các Năm Thánh

Hôm thứ Năm 19 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với những nhà tổ chức cuộc triển lãm tập trung vào lịch sử của các Năm Thánh.

Cuộc triển lãm, mang tên Antiquorum Habet, đã được trưng bày từ cuối tháng Ba đến tháng Bảy tại phòng khánh tiết của Thượng viện Italia.

Đức Thánh Cha cám ơn Thượng viện Italia đã quảng đại cung cấp địa điểm cho cuộc triển lãm này, cũng như lòng quảng đại hy sinh của các nhà tổ chức và các tình nguyện viên.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng cuộc triển lãm cung cấp một cái nhìn thú vị về lịch sử của Rôma. Ngài nói thêm:

“Từ năm 1300 trở đi, mỗi Năm Thánh đã đánh dấu lịch sử của Rôma: từ kiến trúc đón khách hành hương đến những nét nghệ thuật và các hoạt động bác ái. Nhưng có một yếu tố thiết yếu, là cốt lõi của mỗi dịp Năm Thánh, mà chúng ta không bao giờ được đánh mất, đó là trong mỗi dịp Năm Thánh, chúng ta chứng kiến sự tốt lành của Thiên Chúa và sự mong manh của nhân loại, của những người luôn luôn cần đến tình yêu và sự tha thứ của Chúa Cha.”

7. Diễn đàn Công Giáo – Chính Thống Giáo về nạn khủng bố và Hồi Giáo

Tuần qua, diễn đàn các Giám Mục Công Giáo và Chính Thống Giáo nhằm thảo luận về cuộc sống, hôn nhân, gia đình, và các vấn đề xã hội khác, đã tổ chức cuộc họp lần thứ năm kể từ năm 2008.

Cuộc họp diễn ra tại Paris có chủ đề là “Âu châu trong nỗi sợ hãi trước những mối đe dọa của khủng bố cực đoan; giá trị của con người và tự do tôn giáo.”

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp, các giám mục Công Giáo và Chính Thống Giáo đã đưa ra những suy tư của các ngài về mối quan hệ giữa Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố.

“Hoàn toàn không có thành kiến với đạo Hồi, chúng tôi nhận thấy điều này, cùng các nhà lãnh đạo Hồi giáo, đó là một số kẻ khủng bố đã biện minh cho hành động của chúng bằng các văn bản sách thánh của Hồi giáo.”

Các giám mục Công Giáo và Chính Thống nói thêm:

“Chúng tôi thấy các trào lưu cực đoan đã trở nên có chút sắc màu Hồi Giáo, chứ không phải là điều ngược lại. Chúng tôi tin rằng /một số câu chuyện kể về lịch sử Hồi giáo/ và kinh nghiệm cá nhân/ đã củng cố tinh thần của những người trẻ tuổi/ với một tầm nhìn hận thù/ và từ chối người khác/ … Chúng tôi kêu gọi /các vị thẩm quyền Hồi giáo/ hãy bảo đảm /không để xảy ra bất cứ hình thức tuyên truyền có hệ thống nào /những hình ảnh thù địch về những người không theo đạo Hồi/.

Tuyên bố của giám mục cũng đề cập đến về một số chủ đề khác, bao gồm “làn sóng di cư chưa từng có.”

Các ngài nói:

“Chúng tôi tin rằng việc chào đón người nước ngoài như một con người là hết sức quan trọng và là một nghĩa vụ của các Kitô hữu. Tuy nhiên, việc nhập cư cũng phải tính đến những gì là thực sự khả thi của nước sở tại … Mấu chốt là sự hội nhập của những người nhập cư vào quốc gia liên hệ.”

8. Đức Hồng Y Nigeria kêu gọi tuyên chiến với nạn khủng bố Fulani

Cũng liên quan đến nạn khủng bố Hồi Giáo, nhà lãnh đạo hàng đầu của Nigeria, là Đức Hồng Y John Onaiyekan, đã kêu gọi chính quyền nước này cứng rắn hơn với nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani.

Đức Hồng Y đã đưa ra lập trường trên sau khi cử hành Thánh Lễ hôm 19 tháng Giêng để tạ ơn nhân dịp Cha Gabriel Oyaka, người đã bị bắt cóc cách đây một năm, được phóng thích.

Trong cuộc họp báo sau Thánh Lễ, Đức Hồng Y nói:

“Đây là một thảm kịch trong đó đất đai của chúng ta đã bị cướp phá và nhóm Fulani đứng đằng sau tất cả những vụ giết người, bắt cóc và tàn phá cuộc sống và tài sản quốc gia này”

“Chúng ta đang phải đối mặt với một tình trạng khẩn cấp của đất nước, và vì thế toàn dân nên đồng lòng tìm ra cách kết thúc trào lưu khủng bố này. Chúng ta hãy tuyên chiến chống lại những thủ phạm của tất cả các tệ nạn này.”

Fulani là một sắc dân, theo Hồi giáo cực đoan sống rải rác bằng nghề chăn nuôi gia súc, khắp nhiều vùng của Tây Phi, từ hồ Chad, ở phía đông, đến bờ biển Đại Tây Dương. Họ tập trung chủ yếu ở Nigeria, Mali, Guinea, Cameroon, Senegal và Niger. Được khích lệ và trợ giúp của các nhóm khủng bố Hồi Giáo trên thế giới, họ mưu toan thành lập cái gọi là Cộng Hòa Fulani Nigeria.

9. Tổng thống Đài Loan nói với Đức Thánh Cha là cô hy vọng một kỷ nguyên mới trong quan hệ với Bắc Kinh

Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc là cô Thái Anh Văn (蔡英文) đã viết một bức thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2017 của ngài.

Trong thư, đề ngày 05 tháng Giêng, và được Vatican công bố hôm 20 tháng Giêng, tổng thống Thái Anh Văn viết rằng “Đài Loan và Trung Quốc đại lục đã từng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột không đội trời chung gây căng thẳng trong khu vực và lo âu cho đồng bào chúng tôi.”

“Nhưng hôm nay người dân ở hai bên của eo biển Đài Loan tận hưởng cuộc sống ổn định và trao đổi bình thường với nhau và được quản trị riêng biệt một cách hòa bình. Tôi mong ước sống như những lời của ngài và nguyện cống hiến bản thân mình cho việc nâng cao mức sống của người Đài Loan và tạo ra một kỷ nguyên mới của hòa bình tại eo biển này.”

Cô Thái Anh Văn sinh ngày 31 tháng 8 năm 1956 trong một gia đình có 11 người con. Cô đắc cử tổng thống vào ngày 16 tháng Giêng năm ngoái 2016 và trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ tổng thống Trung Hoa Dân Quốc; và cũng là tổng thống Trung Hoa Dân Quốc đầu tiên chưa lập gia đình.

Tòa Thánh là một trong số 21 quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan. Quốc gia này có 23.5 triệu dân trong đó 5% theo Kitô giáo, và 93% theo Phật giáo hay Lão giáo.

Giáo Hội tại Đài Loan có một tổng giáo phận là Tổng giáo phận Đài Bắc; và 6 giáo phận khác là các giáo phận Cao Hùng, Đài Nam, Đài Trung, Gia Nghĩa, Hoa Liên và Tân Trúc.

10. Đặc sứ của Đức Thánh Cha không muốn bị làm bung xung cho Nicolas Maduro

Đặc sứ của Vatican trong vai trò trung gian hòa giải các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập lãnh đạo Venezuela đã từ chối tham gia trong các phiên họp gần đây nhất, trong một cử chỉ cho thấy Vatican bất mãn với đường lối đàm phán của chính phủ do tổng thống Nicolas Maduro lãnh đạo .

Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli nói rằng ngài sẽ không có mặt trong các cuộc đàm phán trong tuần này. Đức Tổng Giám mục Aldo Giordano, là sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, sẽ đi họp thay cho Đức Cha Claudio.

Đức Cha Claudio Maria Celli đã tỏ rõ sự bất mãn của ngài trước sự ngoan cố của chính phủ trong quá trình đàm phán. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo đối lập đã phàn nàn rằng chính phủ đã không thực thi các điều khoản đã được hai bên thỏa thuận. Vì thế, đã làm cho cuộc đàm phán rơi vào khủng hoảng.

Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ về kinh tế và chính trị. Dân chúng đau khổ trước tình trạng thiếu một cách trầm trọng các nhu yếu phẩm. Các hàng dài những người phải xếp hàng chờ đợi mua bánh mì và sữa. Họ phải đối diện với một tương lai bất định gây ra bởi hiện trạng siêu lạm phát tiền Venezuela.

Tòa Thánh đã làm trung gian hòa giải giữa chính phủ và phe đối lập tại Venezuela từ hôm 30 tháng 10 năm ngoái. Các cuộc đàm phán đã được công bố hôm 25 tháng 10 chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela đã có một cuộc họp bất ngờ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán diễn ra trên đảo Margarita, ngoài khơi bờ biển Venezuela, cho đến nay vẫn không đi đến đâu vì các cuộc đàm phán này chỉ là động tác giả của Nicolas Maduro nhằm câu giờ hơn là thực tâm muốn giải quyết các cuộc khủng hoảng.

11. Tổng thống Duterte viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ ‘sự kính trọng sâu sắc’

Tổng thống Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân đã viết một lá thư riêng cho Đức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ “sự kính trọng sâu sắc” của ông đối với Đức Thánh Cha và Tòa Thánh.

Nhà lãnh đạo Phi Luật Tân, một người Phi Luật Tân gốc Hoa, là người thường xuyên được báo chí quốc tế nhắc đến vào năm 2015 với những lời chỉ trích thô tục nhắm thẳng vào Đức Giáo Hoàng, và các Giám Mục Phi Luật Tân.

Tuy nhiên, trong lá thư vừa được công bố ông Duterte đã viết:

“Phi Luật Tân đánh giá cao mối quan hệ đặc biệt với Tòa Thánh và nhìn nhận với lòng biết ơn sự quản lý đức tin Công Giáo của Đức Thánh Cha.”

Jesus Dureza , một cố vấn của tổng thống Duterte, là người đang ở Rôma để hội đàm với phiến quân Phi Luật Tân, đã công bố nội dung lá thư này. Ông cố vấn này cho biết ông sẽ đích thân trình lá thư này lên Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, chưa trình lên Đức Thánh Cha, ông đã công bố với báo chí. Đó là một việc hoàn toàn không phù hợp với các protocols ngoại giao.

Trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Manila, từ 15 đến 19 tháng Giêng năm 2015, Duterte, lúc đó là một ứng cử viên tổng thống đã phàn nàn gay gắt về tình trạng ách tắc giao thông gây ra bởi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng. Lúc đó, ông nói: “Đức Giáo Hoàng nên cút đi. Đừng đến đây nữa.”

Duterte đã tiếp tục đụng độ với các nhà lãnh đạo Giáo Hội trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông đã thành lập một đội hành quyết bắn bỏ bất cứ ai bị nghi ngờ có dính líu đến việc mua bán ma túy. Các Giám Mục Phi Luật Tân lên án hành động này vì quá nhiều người chết, nhiều người chết oan, và nhiều người tuy có tham gia vào việc mua bán ma túy nhưng chỉ là cò con, còn những tay trùm ma túy vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật. Trong tháng qua, các Giám Mục Phi Luật Tân cũng đã đụng độ với tổng thống Duterte khi ông này mở chiến dịch cung cấp các biện pháp tránh thai miễn phí cho người nghèo.

12. Đức Cha Giorgio Bertin vẫn còn chút hy vọng tại Somalia

Đức Giám Mục Giorgio Bertin, giám quản tông tòa tại Somalia, bày tỏ hy vọng cho tương lai của quốc gia Phi châu đang gặp khó khăn này. Tuy nhiên, ngài cảnh báo rằng đất nước này cần phải tái thiết lập định chế quốc gia sau hơn hai thập kỷ không có một chính phủ thực sự nào có thể hoạt động được.

Sau nhiều năm cai trị bởi nạn sứ quân với các lãnh chúa hùng bá mỗi người một phương và xua quân chém giết lẫn nhau, Somalia rơi vào một tình trạng nguy hiểm hơn khi nhóm thánh chiến Hồi giáo al Shabab thống nhất lãnh thổ bằng bạo lực. Sau khi, bọn khủng bố bị đánh bại, chính phủ chuyển tiếp đang mở rộng phạm vi kiểm soát của mình với sự giúp đỡ của các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Các cuộc bầu cử hiện đang đang lên kế hoạch cho tuần tới, sau khi đã bị hoãn lại nhiều lần.

Đức Giám Mục Bertin nói rằng Somalia cần không chỉ là một chính phủ mới đại diện cho toàn dân, nhưng điều quan trọng là “sự tái sinh của các tổ chức nhà nước.” Theo Đức Tổng Giám Mục, nước này vẫn bị kiểm soát bởi các nhóm lợi ích cạnh tranh nhau, bao gồm cả các cơ quan viện trợ đang giành giật trong việc cung cấp các nhu cầu nhân đạo cơ bản. Đức Tổng Giám Mục nói “Viện trợ là quan trọng. Nhưng chúng ta cũng phải mang lại những giá trị mà một ngày nào đó sẽ có nghĩa là không còn cần thiết phải cung cấp các viện trợ lương thực và y tế nữa, bởi vì mọi người đã học được cách sống, chia sẻ và làm việc cùng nhau.”

Sự hiện diện Công Giáo đã hầu như biến mất hoàn toàn tại Somalia. Đức Cha Bertin có văn phòng ở Djibouti nhưng chỉ cử hành được thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật cho vài nhân viên ngoại giao của các nuớc.

Ngài nói rằng một nhà thờ Công Giáo đã được xây dựng lại và đã được thánh hiến tại Hargeisa. Tuy nhiên, chỉ có 10 tới 15 người Công Giáo ở đó; tất cả đều là người nước ngoài, chủ yếu là công nhân từ các cơ quan cứu trợ quốc tế. Tuy nhiên, họ không còn gặp nguy hiểm như trước.

Đức Cha cho biết thêm:

“Mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tất nhiên là lúc nào cũng có, nhưng tình hình bây giờ là tương đối an toàn.”

13. Đức Hồng Y Dolan kêu gọi các tín hữu tham gia tuần cửu nhật cho cuộc sống

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, chủ tịch Ủy ban Giám Mục Hoa Kỳ về các hoạt động Phò Sinh, đã mời gọi các Kitô hữu tại Hoa Kỳ tham gia vào tuần “9 ngày hàng năm cho cuộc sống” được tổ chức để kỷ niệm phán quyết khét tiếng “Roe chống Wade” của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Tuần cửu nhật đã được bắt đầu trong tất cả các giáo phận tại Hoa Kỳ từ ngày 21 tháng Giêng.

Trong thư gởi các tín hữu, Đức Hồng Y viết:

“Chúng ta đang cầu nguyện cho rất nhiều điều trong tháng này, trong đó có sự hòa hợp chủng tộc, hiệp nhất Kitô giáo, và sự bảo vệ tất cả sự sống của con người.

Khi chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất đó, tôi mời gọi anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô hãy tham gia chiến dịch cầu nguyện 9 ngày cho sự sống. Cùng với nhau, chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời cầu nguyện và các hành động cụ thể của chúng ta ngõ hầu có thể làm chứng cho phẩm giá của con người.”

14. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cung cấp 2.3 triệu Mỹ kim cho các dự án giới trẻ tại Đông Âu

Tiểu ban viện trợ cho các Giáo Hội tại Trung và Đông Âu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ trao tặng hơn 2.3 triệu Mỹ Kim để tài trợ cho 75 dự án về giới trẻ tại Đông Âu.

Đức Hồng Y Blaise Cupich, Tổng Giám Mục Chicago, và cũng là chủ tịch của tiểu ban này nói:

“Một thế hệ mới những người Công Giáo ở Trung và Đông Âu đang cần sự hỗ trợ của chúng ta khi họ tiếp tục phải đối mặt với những hậu quả dai dẳng sau nhiều thập kỷ sống dưới chế độ Cộng sản”

Các khoản tài trợ này sẽ được quyên góp tại các giáo phận Hoa Kỳ vào ngày Thứ Tư Lễ Tro tới đây.

Năm ngoái nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Lan, tiểu ban đã trao tặng 4.7 triệu Mỹ Kim vào tháng Sáu 2016. Trước đó, hồi tháng Giêng 2016, ủy ban cũng đã trao tặng 2.5 triệu Mỹ kim.

15. Lễ phong chân phước cho một võ sĩ Nhật Bản

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là một bộ phim tài liệu nói về câu chuyện của một vị võ sĩ Nhật Bản sắp được phong Chân Phước. Cuốn phim có tựa đề “Ukon Samurai: The Way of the Sword, the way of the cross” nghĩa là “Võ sĩ Ukon: Con đường gươm giáo, con đường thập giá”, đã được hãng phim “Aurora Vision” sản xuất dưới sự bảo trợ của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, sự hợp tác của Đại sứ quán Nhật Bản cạnh Tòa Thánh, Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản, Dòng Tên tại Ý, và của “Ủy ban phim Trentino”.

Lễ phong chân phước cho bậc đáng kính Justo Takayama Ukon sinh năm 1552 và qua đời 1615), là người có biệt danh “Samurai của Chúa Kitô”, một người con yêu quí cuả Giáo Hội Nhật Bản, sẽ được tổ chức vào ngày 07 tháng 2 tại thành phố Osaka, Nhật bản.

Đức Cha Isao Kikuchi, Giám Mục giáo phận Niigata và là chủ tịch Caritas cuả Nhật Bản đã cho biết như trên trong tuần qua nhân kỷ niệm một năm Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn y sắc lệnh phong chân phước vào ngày 21 tháng Giêng năm 2016.

Giáo Hội Nhật Bản đã bỏ ra một năm trời để chuẩn bị cho biến cố này. Buổi lễ sẽ được cử hành trên lãnh thổ Nhật Bản và sẽ được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh sẽ chủ trì buổi lễ.

Giáo Hội tại Nhật đã có 42 vị thánh và 393 chân phước, bao gồm cả các nhà truyền giáo châu Âu, hầu hết là những vị tử đạo đã bị giết vì đức tin qua nhiều đợt bách hại.Trường hợp của vị tân Chân Phước Takayama là một trường hợp đặc biệt: Ngài trong thực tế là một giáo dân, một chính trị gia, một võ sĩ samurai, đã không bị giết nhưng đã chọn con đường theo chân Chúa Kitô, sống nghèo khó, vâng lời, và phục vụ như một tôi tớ của Tin Mừng.

Sinh ra trong một gia đình địa chủ, Ukon đã theo người cha cải đạo sang Thiên Chúa giáo ở tuổi 12, sau những tiếp xúc với các giáo sĩ Dòng Tên.

Tin Mừng được truyền sang Nhật Bản bởi Cha Thánh Phanxicô Xavier từ năm 1549 và đã nhanh chóng lan rộng. Nhưng khi tướng quân Toyotomi Hideyoshi lên cầm quyền và ra lệnh cấm đạo, tất cả các lãnh chúa phong kiến đã chấp nhận tuân theo ngoại trừ Ukon. Ngài đã bị tước mất tài sản, tước vị, địa vị xã hội, danh dự và nhân phẩm, trở thành một kẻ lang thang và buộc phải lưu vong.

Với ba trăm Kitô hữu Nhật Bản khác, Ngài trốn sang Manila, nhưng chỉ bốn mươi ngày sau khi đến nơi thì Ngài ngã bệnh và qua đời vào ngày 04 tháng 2, 1615.

Ngay từ thế kỷ 17, Giáo hội Nhật Bản đã tuyên bố sự thánh thiện của Ngài, nhưng chính sách cô lập của Nhật bản lúc bấy giờ đã ngăn chặn các cuộc điều tra. Mãi tới năm 1965, trường hợp của Ngài mới được các giám mục Nhật Bản trình lên Tòa Thánh và cùng nhau thúc đẩy tiến trình phong chân phước.

16. Lễ Chúa Hiển Linh tại Nga

Ước tính có khoảng hai triệu người Nga đã ngâm mình trong làn nước giá lạnh hôm thứ Hai 16 tháng Giêng để ăn mừng lễ Hiển Linh, một ngày lễ lớn trong Chính thống giáo bao gồm cả lễ ba Vua và lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Tại Mạc Tư Khoa, chính quyền thiết lập 60 hồ tắm chính thức cho các tín hữu. Nhiệt độ ở tại thủ đô Cộng Hoà Liên Bang Nga xuống đến -10 độ C. Nhưng như trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy đông đảo các tín hữu Chính Thống đang chờ đợi để đến phiên mình nhảy xuống hồ đóng băng.

Một linh mục Chính Thống Giáo sau khi làm phép đã nhảy xuống hồ lạnh giá để làm gương cho những người khác.

Các tín hữu sẽ lặn xuống tất cả ba lần. Mỗi lần lặn xuống họ sẽ lần lượt nói nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

Ý nghĩa của cử chỉ này là để kính nhớ Chúa Giêsu chịu phép rửa và để thanh tẩy mình khỏi mọi tội lỗi.

Người phụ nữ này vừa nổi lên từ hồ nước đóng băng tại Quảng trường Cách mạng, chỉ cách Điện Cẩm Linh có mấy bước. Chị nói: “Tôi cảm thấy thật kỳ diệu, phấn khởi trong lòng và thể xác trở nên mạnh mẽ.”

Việc nhảy xuống hồ là một nghi thức được cử hành rộng rãi trong thế giới Chính Thống Giáo. Tuy nhiên, điều này được kể là một thử thách rất lớn tại Nga và Ukraine vì nhiệt độ thường xuống dưới không độ trong mùa này.

17. Đức Thánh Cha bế mạc năm kỷ niệm 800 năm lập dòng Đa Minh

Lúc 4 giờ chiều thứ Bẩy 21 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano ở Roma nhân dịp bế mạc năm kỷ niệm 800 năm Đức Giáo Hoàng Onorio Đệ Tam phê chuẩn dòng Đa Minh.

Thánh lễ này cũng kết thúc 4 ngày hội nghị quốc tế từ 17 đến 21 tháng Giêng tại Đại học Thánh Tômaso Aquino ở Roma về các khía cạnh trong sứ vụ của dòng Đa Minh. Hơn 600 tu sĩ và giáo dân Đa Minh từ nhiều nước đã tham dự sinh hoạt này.

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ tạ ơn có 20 Hồng Y, Giám Mục và khoảng 100 linh mục, đặc biệt có các giáo sĩ dòng Đa Minh như Đức Hồng Y Dominik Duka, Tổng Giám Mục Praha thuộc Cộng hòa Tiệp, Đức Tổng Giám Mục Carlos Azpiros, người Á Căn Đình, nguyên Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh và Cha đương kim Tổng quyền Bruno Cadoré, Hiện diện trong thánh đường có khoảng hơn 3 ngàn người, trong đó có đông đảo các tu sĩ nam nữ và giáo dân Đa Minh đến từ các nước. Phần thánh ca do ca đoàn Ba Lan từ Cracovia đảm trách.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn hai bài đọc trong đó thánh Phaolô nhắn nhủ môn đệ Timothê hãy kiên trì rao giảng chân lý, dù con người chỉ thích tìm kiếm những điều mới mẻ, không chịu nghe chân lý, nhưng chỉ thích những chuyện huyền thoại; tiếp đến là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ hãy trở thành muối đất và ánh sáng thế gian, hãy tôn vinh Chúa Cha bằng những công việc lành, và nhờ đó, làm cho những người chứng kiến ngợi khen Chúa Cha trên trời.

Ngài nói:

“Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta hai cảnh tượng của nhân loại trái ngược nhau: một bên là “hội hóa trang” (carnevale) của sự hiếu kỳ trần tục, và bên kia là sự tôn vinh Chúa Cha qua các công việc lành. Và đời sống chúng ta cũng luôn tiến qua hai cảnh tượng ấy. Thực vậy, những cảnh tượng này ở mọi thời đại đều có, như lời thánh Phaolô nói với Timothê (Xc 2 Tm 4,1-5). Và cả thánh Đa Minh với các anh em đầu tiên của Người, cách đây 800 năm, cũng trải qua hai cảnh tượng ấy.

Hôm nay, chúng ta tôn vinh Chúa Cha vì công việc mà thánh Đa Minh đã làm trong 800 năm qua, đầy ánh sáng và muối của Chúa Kitô; một công trình phục vụ Tin Mừng, được rao giảng bằng lời nói và bằng cuộc sống; một công trình, nhờ ơn của Chúa Thánh Linh, đã làm cho bao nhiêu người nam nữ được trợ giúp để không bị tản mát giữa “thứ hội hóa trang” của sự hiếu kỳ trần tục, trái lại họ cảm thấy hương vị của đạo lý lành mạnh, của Tin Mừng, và đến lượt họ, họ trở thành ánh sáng và muối, thành những người thực hiện những công lành.. thành những anh chị em đích thực, tôn vinh Thiên Chúa và họ dạy cách tôn vinh Chúa bằng những công việc lành trong cuộc sống”

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN