1. Bác bỏ tin bịa đặt là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 sắp qua đời
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trước khi bắt đầu chương trình này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em một bản tin đặc biệt liên quan Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.
Hôm thứ Ba 17 tháng 10, trong một cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Kath.net của Công Giáo Đức, Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI, đã lên tiếng bác bỏ các báo cáo cho rằng Đức Nguyên Giáo Hoàng đang sắp qua đời.
Những tin đồn về Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đang gần kề cái chết đã được loan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội trong vài ngày qua. Các nguồn tin này nói là dựa theo những lời của Đức Tổng Giám Mục Ganswein theo đó, “Đức Giáo Hoàng danh dự giống như một ngọn đèn sắp tắt. Ngài thanh thản, bình an với Thiên Chúa, với chính Ngài và thế gian. Ngài không còn có thể đi đứng mà không có người giúp đỡ và không còn cử hành Thánh Lễ được nữa.”
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Ganswein phủ nhận không hề nói như thế và những lời này chỉ là “thuần túy thêu dệt ra”.
“Thật sai lầm! Tôi muốn biết ai là tác giả của những điều này” ngài nói.
“Tôi đã nhận được trong hai ngày vừa qua nhiều thông điệp liên quan đến cụm từ này, và mọi người đang lo lắng,”.
Đức Tổng Giám Mục cho biết thêm, tuần trước, Đức Ông Georg Ratzinger đã đến Vatican thăm viếng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, và đã trở về nhà “Cả hai vị đã có một thời gian vui vẻ.”
2. Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân kết thúc kỷ niệm 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Trong video được công bố hôm ngày 11 tháng 10 nhân kết thúc kỷ niệm 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi cầu cho hòa bình.
Ðức Thánh Cha nói:
“Thứ sáu, ngày 13 tháng 10 (năm 2017), sẽ kết thúc năm kỷ niệm 100 năm các cuộc hiện ra của Ðức Mẹ tại Fatima. Với cái nhìn hướng lên Mẹ của Chúa và là Nữ Vương Các Xứ Truyền giáo, tôi mời gọi tất cả mọi người, đặc biệt trong tháng 10 này, hãy đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Ước gì kinh nguyện có thể đánh động các tâm hồn nổi loạn nhất, để những bạo lực có thể bì trục xuất khỏi tâm hồn, lời nói và những cử chỉ của họ, và kiến tạo cộng đoàn bất bạo động, chăm sóc căn nhà chung. Không gì là không có thể, nếu chúng ta hướng lên Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả mọi người đều có thể trở thành những người xây dựng hòa bình” (Sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình 1-1-2017).
“Cùng ngày 13 tháng 10 tới đây, là Ngày Thế giới giảm bớt thiên tai. Tôi tái tha thiết kêu gọi bảo tồn thiên nhiên qua thái độ ngày càng chú ý bảo vệ và chămsóc môi trường. Vì thế, tôi khích lệ các tổ chức và những người có trách nhiệm công cộng và xã hội ngày càng thăng tiến một nền văn hóa nhắm mục tiêu giảm bớt những nguy cơ và rủi ro thiên tai. Những hành động cụ thể, nhắm nghiên cứu và bảo vệ căn nhà chung, có thể giảm bớt dần dần những nguy hiểm đối với những người dân dễ bị tổn thương nhất.”
3. Hàng triệu người tham dự những biến cố kỷ niệm 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima
Trong hai ngày 12 và 13 tháng 10, hàng triệu người đã tham dự những biến cố kỷ niệm 100 năm phép lạ mặt trời nhảy múa tại tại Fatima. Những biến cố này đánh dấu một đỉnh cao thứ hai trong các hoạt động mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Đỉnh cao thứ nhất là lễ tuyên thánh cho hai trẻ Jacinta và Francisco do Đức Thánh Cha chủ sự hôm 13 tháng 5 vừa qua.
Lúc 21h30 tối 12/10, hàng trăm ngàn tín hữu đã tham dự buổi đọc Kinh Mân Côi trước khi tham dự một cuộc rước nến vĩ đại kéo dài đến 22:30.
Cộng đoàn sau đó đã cùng tham dự thánh lễ đại trào cho đến tận 23:45.
Tiếp theo là giờ chầu thánh thể đến 2 giờ sáng. Cộng đoàn cũng đã đi đàng thánh giá từ 2 giờ sáng đến 3:15 trước khi các thánh lễ bằng các ngôn ngữ khác nhau được cử hành liên tục cho đến 9h sáng.
Bí tích hoà giải đã được cử hành từ 9h cho đến 10h sáng khi hàng triệu tín hữu bắt đầu tham dự thánh lễ đại trào mừng 100 năm phép lạ mặt trời nhảy múa kết thúc những hoạt động chính mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Bên cạnh các biến cố tại Fatima, trên thế giới cũng có những biến cố đặc biệt đáng ghi nhận khác. Các giáo xứ trên toàn nước Anh đã thực hiện việc thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, và Đức Hồng Y Vincent Nichols đã tái thánh hiến nước Anh và xứ Wales trước bức tượng Đức Mẹ Fatima tại nhà thờ chính tòa Westminster. Trước đây, nước Anh và xứ Wales đã được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội vào năm 1948.
Vào cuối tháng Chín vừa qua, trong phiên khoáng đại thường niên, các giám mục Canada cũng tái dâng đất nước cho Trái Tim Vô Nhiễm. Hành động này đã được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1947. Và trong suốt năm, mỗi giám mục đã hiến dâng giáo phận của mình cho Trái tim Đức Mẹ.
Các Giám Mục Ba Lan cũng đã thực hiện việc dâng hiến quốc gia cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ.
4. Hàng triệu tín hữu lưu luyến chào tạm biệt Đức Mẹ
Tại Fatima, sau mỗi lần tượng Đức Mẹ Fatima được rước ra khỏi đền thờ, các tín hữu hành hương lại tham dự một cuộc rước rất đặc biệt mà người Bồ Đào Nha gọi là Procissão do Adeus. Procissão nghĩa là cuộc rước, Adeus nghĩa là tạm biệt.
Ý nghĩa của cuộc rước này là tạm biệt Đức Mẹ và tạm biệt nhau.
Theo truyền thống này, hàng triệu người tham dự các nghi thức kỷ niệm 100 năm phép lạ mặt trời nhảy múa hôm 13 tháng 10, đã tham dự cuộc rước tạm biệt Đức Mẹ.
8 người khiêng kiệu Đức Mẹ qua các lối đi trong khi các tín hữu vẫy những khăn tay màu trắng để tạm biệt Đức Mẹ. Hàng triệu những khăn tay màu trắng như thế tạo thành một quang cảnh rất ngoạn mục.
Nếu đã từng tham dự cuộc rước Procissão do Adeus, quý vị và anh chị em sẽ cảm thấy một cảm giác rất khó diễn tả. Lưu luyến chào tạm biệt Đức Mẹ, trở về với đời thường, nhiều người không khỏi rơi lệ.
5. Ơn Toàn Xá dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Mặc dù những biến cố chính trong năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima đã kết thúc nhưng Ơn Toàn Xá dịp này vẫn còn kéo dài đến ngày 26 tháng 11 này.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima thuộc Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định ban Ơn Toàn Xá trong suốt năm mừng kỷ niệm 100 năm này, kể từ ngày 27.11.2016 đến ngày 26.11.2017.
Các tín hữu muốn được hưởng Ân Toàn Xá trong dịp này phải chu toàn các điều kiện thông thường, đó là: Xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý chỉ Đức Giáo Hoàng và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
Tiếp đến, họ phải thực hiện những hình thức tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima như đích thân đi hành hương Linh địa Fatima ở Bồ Đào Nha hay tham dự Thánh Lễ hay một trong những giờ cầu nguyện trọng thể và công khai nhằm tôn kính Đức Trinh Nữ Maria. Các tín hữu vì do già yếu, bệnh tật hay vì một lý do quan trọng bất khả kháng nào đó mà không thể đích thân tham dự vào cuộc hành hương Linh địa Fatima hay vào Thánh Lễ, Giờ Chầu hay các giờ cầu nguyện công khai và trọng thể với các tín hữu khác trước các tượng ảnh Đức Mẹ Fatima để tỏ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, thì họ cũng có thể cầu nguyện trước một bức tượng hay ảnh Đức Mẹ Fatima và phải hợp ý tham dự cách thiêng liêng với các tín hữu khác.
6. Lễ Tuyên Thánh ngày 15 tháng 10
Quý vị và anh chị em đang theo dõi Lễ Tuyên Thánh cho 35 vị tân hiển thánh diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô vào sáng Chúa Nhật 15 tháng 10, tức là Chúa Nhật thứ 28 mùa Thường Niên.
Các vị được tuyên phong gồm 33 thánh tử đạo và 2 thánh hiển tu. Đó là 3 thiếu niên tử đạo đầu tiên tại Mễ Tây Cơ vào năm 1526, tiếp đến là 2 linh mục: Cha Anrê de Soveral, Cha Ambrosio Francesco Ferro và 28 giáo dân tử đạo tại Brazil năm 1645. Rồi đến hai chân phước hiển tu: Cha Angelo D’Acri dòng Capuchino người Italia và Cha Cha Manuel Míguez González dòng Scolopi người Tây Ban Nha.
Chúng tôi ghi nhận hàng chục ngàn tín hữu đang đứng tại quảng trường Thánh Phêrô để tham dự thánh lễ long trọng này. Trên lễ đài chúng tôi ghi nhận có các phái đoàn chính phủ 4 nước: Brazil, Mễ Tây Cơ, Tây Ban Nha và Italia.
Bốn bức tranh lớn của 4 nhóm các vị được treo ở mặt tiền đền thờ Thánh Phêrô.
Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng về dụ ngôn Nước Thiên Chúa như Tiệc Cưới (xc Mt 22,1-14). Ngài nhận xét rằng: “Nhân vật chính là hoàng tử, là vị hôn phu, qua đó ta dễ nhận thấy đó là Chúa Giêsu. Nhưng trong dụ ngôn không hề nói đến hôn thê, mà nói đến nhiều khách mời, được mong muốn và chờ đợi. Chính họ là người mặc áo cưới. Những khách mời ấy là tất cả chúng ta, vì Chúa muốn “cử hành hôn lễ” với mỗi người chúng ta. Các hôn lễ khai mào cuộc hiệp thông trọn cuộc sống: đó là điều chính Thiên Chúa muốn với mỗi ngừơi chúng ta. Vì thế, tương quan của chúng ta với Chúa, không thể chỉ là tương quan của những thần dân sùng kính nhà vua, những người đầy tớ trung tín với chủ, hoặc tương quan của các học sinh chuyên cần đối với Thầy, nhưng trước hết là tương quan của hôn thê được yêu mến với hôn phu của mình. Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta, tìm kiếm và mời chúng ta, và Ngài không chỉ hài lòng nếu chúng ta chu toàn các bổn phận tốt và tuân giữ các giới luật của Ngài, nhưng Chúa muốn có một cuộc hiệp thông cuộc sống thực sự với Ngài, một tương quan đối thoại, tín thác và tha thứ”.
Sau khi khai triển một số khía cạnh của tương quan phu phụ của tín hữu với Thiên Chúa, đặc biệt là sự kiện nhiều người từ khước lời mời của Thiên Chúa và chỉ quan tâm tới những lợi ích riêng tư của họ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
“Có một khía cạnh chót mà Tin Mừng nhấn mạnh, đó là áo của các khách mời, là điều không thể thiếu được. Thực vậy, không phải chỉ thưa nhận lời mời là đủ, nhưng còn cần phải mặc áo, cần có “tập quán” sống tình yêu mỗi ngày. Vì không thể nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” mà không sống và thực thi ý Chúa (Xc Mt 7,21). Chúng ta cần mặc lấy tình thương của Chúa mỗi ngày, canh tân mỗi ngày sự chọn lựa theo Chúa. Các Thánh được tôn phong hôm nay, nhất là bao nhiêu vị Tử Đạo, chỉ cho thấy con đường ấy. Các vị không phải chỉ thưa bằng lời nói “xin vâng” với tính yêu, và trong một thời gian ngắn, nhưng bằng cuộc sống và cho đến cùng. Áo hằng ngày của các ngài là tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu điên rồ khiến Chúa yêu thương chúng ta đến cùng, để lại tha thứ và áo của Ngài cho kẻ đã đóng đinh Ngài. Cả chúng ta cũng đã nhận lãnh áo trắng khi rửa tội, áo cưới với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các thánh anh chị chúng ta, ơn chọn lựa và mặc áo ấy hằng ngày và giữ cho áo này thanh sạch. Bằng cách nào? Trước tiên bằng cách đi lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa mà không sợ hãi: đó là bước quyết liệt để đi vào phòng hôn lễ, để cử hành lễ tình yêu với Chúa”.
7. Một linh mục Coptic bị đâm chết trên đường phố Cairo
Giáo Hội Chính thống Coptic Ai Cập rúng động trước việc một linh mục bị giết trong một cuộc tấn công bằng dao ở trên đường phố Cairo. Đây là vụ tấn công chết người mới nhất nhắm vào các thành viên của nhóm thiểu số Kitô hữu ở nước này.
Giáo Hội Chính thống Coptic cho biết cuộc tấn công đã diễn ra vào hôm thứ Năm 12 tháng 10. Vị linh mục bị giết là Cha Samaan Shehata.
Các quan chức an ninh nói rằng kẻ tấn công đã đâm cha Shehata bằng dao và chạy trốn khỏi hiện trường, nhưng sau đó bị bắt.
Đức Cha Angaelos, là giám mục Chính Thống Giáo Coptic, cho biết cha Shehata là một linh mục ở vùng Thượng Ai Cập. Ngài đang thăm viếng gia đình tại Cairo và quyên góp cho những người nghèo trong giáo xứ của mình. Ngài đã để quên điện thoại di động của mình ở nhà thờ và đang trên đường đi bộ đến nhà thờ để lấy lại thì bị đâm chết.
Ngài nói rằng hoàn cảnh cái chết của cha Shehata đã nêu lên nhiều câu hỏi. Chẳng hạn như tại sao xe cứu thương phải mất một giờ mới đến được hiện trường và tại sao cảnh sát lại không làm hàng rào bảo vệ an ninh ở hiện trường để tìm ra các bằng chứng pháp y.
Vị giám mục viết: “Tại sao một linh mục không thể đi bộ một cách an toàn trên đường phố, đặc biệt là một con phố ngoại ô ở Cairo? Tại sao anh lại bị đuổi giết bởi một người trong khi không có ai chạy đến giúp đỡ ngài? Tại sao, khi ngài đang bị đổ máu thì dịch vụ xe cứu thương hơn một giờ mới đến và sau đó không chữa trị ngay cho ngài?”
8. Kitô hữu ngày nay bị bách hại tàn tệ hơn bao giờ trong lịch sử
Ngày nay, Kitô hữu đang phải đối mặt với những cuộc bách hại tàn tệ hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử, nhưng Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế phần lớn chọn thái độ bỏ mặc họ.
Báo cáo có tựa đề “Bị bách hại và bị lãng quên?” của văn phòng Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ chi nhánh tại Anh nói rằng cuộc bách hại các tín hữu Kitô đã đạt đến một kỷ lục mới trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây vì các nhóm khủng bố Hồi Giáo như ISIS và Boko Haram đã và đang tăng cường các cuộc tấn công.
Báo cáo này cáo buộc cộng đồng quốc tế đã không phản ứng một cách thích đáng với bạo lực: “Các chính phủ ở phương Tây và Liên Hiệp Quốc không cung cấp cho Kitô hữu ở các nước như Iraq và Syria những sự trợ giúp khẩn cấp mà họ cần khi nạn diệt chủng được tiến hành.”
“Nếu các tổ chức Kitô giáo và các tổ chức phi chính phủ khác không can thiệp kịp thời, sự hiện diện của Kitô hữu có thể đã biến mất khỏi Iraq và các khu vực khác của Trung Đông”.
Cũng như tại Iraq và Syria, Kitô hữu đang bị đe doạ ngày càng nghiêm trọng ở một số quốc gia nơi người Hồi giáo chiếm đa số, cũng như dưới các chế độ độc tài như Triều Tiên và Eritrea.
John Pontifex, chủ biên báo cáo này nói: “Nếu chúng ta nhìn đến con số các tín hữu Kitô là nạn nhân của các tội ác này, rõ ràng là quy mô cuộc bách hại các Kitô hữu ngày nay tệ hại hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử.”
“Những Kitô hữu không chỉ bị bách hại hơn bất kỳ nhóm tín ngưỡng nào khác, nhưng con số các nạn nhân đang ngày càng tăng ở mức chóng mặt với những hình thức khủng bố tồi tệ nhất.”
9. Tình hình tại 13 quốc gia khét tiếng bách hại các tín hữu Kitô
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Các nhà nghiên cứu đã tập trung vào 13 quốc gia, để đưa ra một cái nhìn tổng quan về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới.
Ví dụ như ở Trung Quốc, các tín hữu Kitô đã và đang phải chịu những áp lực ngày càng tăng khi bọn cầm quyền cố gắng ép buộc các tôn giáo phải đi theo đường lối phù hợp với chính sách của đảng cộng sản. Hơn 2,000 nhà thờ đã bị phá hủy ở tỉnh ven biển Chiết Giang, và cảnh sát vẫn đang bắt giữ nhiều giáo sĩ.
Kitô hữu cũng chịu đau khổ bởi những bạo lực kinh hoàng do người Hồi giáo gây ra ở Trung Đông. Tại Iraq, hơn một nửa dân số Kitô Giáo của nước này trở thành người tị nạn ngay trong nước, trong khi tại thành phố lớn thứ hai của Syria là Aleppo, cho đến năm 2011, đây là nơi có cộng đồng Kitô giáo lớn nhất đất nước. Tuy nhiên, con số các tín hữu Kitô ở đây đã giảm mạnh từ 150,000 xuống còn chỉ còn 35,000 vào mùa xuân năm 2017; nghĩa là giảm hơn 75 phần trăm.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương ở Trung Đông đã nhiều lần nói rằng họ cảm thấy bị lãng quên bởi cộng đồng quốc tế. Một số giám mục đã cáo buộc Liên Hiệp Quốc còn tỏ ra phân biệt đối xử với các Kitô hữu tị nạn, bất chấp cam kết sẽ cung cấp viện trợ “trung lập và không thiên vị”.
Chủ nghĩa cực đoan cũng là một vấn đề ngày càng tăng ở Châu Phi – đặc biệt ở Nigeria, nơi Boko Haram đã làm hơn 1,8 triệu người phải chạy loạn.
Chỉ trong một giáo phận duy nhất là giáo phận Kafanchan – và chỉ trong một năm qua thôi, đã có 988 người bị giết, và 71 ngôi làng đa số Kitô giáo đã bị phá hủy. 2,712 ngôi nhà và 20 nhà thờ bị đốt cháy.
Ông John Pontifex nhận xét cay đắng rằng:
“Bản chất lan rộng của cuộc bách hại – cũng như các bằng chứng cho thấy có sự liên quan mật thiết của bọn cầm quyền các quốc gia này với các chế độ mà phương Tây – chứng minh hùng hồn rằng các chính phủ của chúng ta không hề sử dụng ảnh hưởng của họ để gióng lên một tiếng nói cho các nhóm thiểu số, đặc biệt là Kitô hữu.”
Báo cáo của Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ kết luận rằng:
“Không nên bắt các Kitô hữu phải hy sinh trên bàn thờ cho những chiến lược địa chính trị và các lợi thế kinh tế.”
10. Giám Mục Nigeria than thở Giáo Hội đang mất dần ảnh hưởng tại quốc gia này
Một giám mục Nigeria nói rằng Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này đang mất dần ảnh hưởng một phần do sự suy giảm đức tin ở phương Tây.
Đức Giám Mục Matthew Kukah của giáo phận Sokoto nói với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn tại Liverpool rằng sự mất lòng tin Kitô ở phương Tây chắc chắn là một trong số những nguyên nhân gây ra sự sút giảm của Giáo Hội Công Giáo ở Nigeria.
Hôn nhân đồng tính, tỷ lệ ly dị cao, các mạng khiêu dâm là các dấu chỉ phản chứng đang có những tác động tiêu cực trong việc truyền giáo tại Nigeria.
Đức Cha Kukah cũng cáo buộc các chính trị gia châu Âu và Mỹ và các nhà ngoại giao công khai “ve vãn” Hồi giáo.
Kết quả, ngài nói, là sự gia tăng mạnh mẽ của Hồi giáo và và sự suy tàn của Công Giáo.
Ngài nói: “Đối với tôi, với tư cách là một giám mục Công Giáo, tôi có thể thấy rất rõ rằng ảnh hưởng của chúng ta trong công chúng đang dần dần giảm đi, và chủ yếu là do chúng tôi mất dần khả năng huy động các nguồn tài nguyên cho việc truyền giáo.”
11. Hình thức thánh lễ Coldplay
Trong tuần qua, dư luận Công Giáo tại Mễ Tây Cơ đã tỏ ra tức giận đối với một hình thức thánh lễ do một trường đại học của Dòng Tên tại Puebla tổ chức.
Coldplay là tên của một ban nhạc Anh có khuynh hướng hát những bài hát có liên quan đến triết học với những suy tư về ý nghĩa của cuộc sống. Cần phải nói ngay rằng Coldplay không phải là một ban nhạc có khuynh hướng Kitô Giáo, càng không thể nói là một ban nhạc Công Giáo.
Các bài hát của Coldplay có tính cách tôn giáo đại đồng, hay nói thẳng ra là một thứ đạo lý nhập nhằng, mơ hồ. Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Prensa vào năm 2008, ca sĩ chính Chris Martin, nói về những bài hát của mình như sau: “Tôi luôn cố gắng để giải mã ‘ông ấy’ hay ‘cô ấy’ là ai. Tôi không chắc những gì tôi nghĩ là đúng. Tôi không biết đó là Allah hay Giêsu hay Mohammed hay Zeus, nhưng tôi đoán có lẽ là Zeus.”
Đại học Iberoamericana Puebla đã quảng cáo Thánh lễ, hứa hẹn rằng các tín hữu có thể “lắng nghe và suy tư về các bài hát của ban nhạc Anh” và “thấy những thông điệp của họ được đan quyện” với phụng vụ như thế nào.
Một đoạn video được tải lên Facebook cho thấy một linh mục cử hành Thánh Lễ trong khi bài hát “Mỗi nước mắt rơi xuống như một dòng thác” được chơi như một thứ nhạc nền. Bài hát có những lời như sau: “Tôi bật nhạc lên, tôi bật máy thu lên / Tôi quên lãng thế giới bên ngoài cho đến khi ánh đèn bật sáng / Có lẽ phố phường đang lên đèn, có lẽ những hàng cây đang trôi qua / Tôi cảm thấy trái tim tôi bắt đầu đập trước bài hát mà tôi yêu thích.”
Đây là những lời lẽ ấm ớ, tào lao, hoàn toàn không xứng đáng với Phụng Vụ Công Giáo.
12. Phản ứng của giáo quyền Mễ Tây Cơ đối với thánh lễ Coldplay
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Tư 11 tháng 10, tổng giáo phận Puebla cho biết giáo quyền địa phương bất mãn với hình thức “Thánh Lễ Coldplay” được tổ chức tại trường đại học Iberoamericana Puebla của Dòng Tên.
Tổng giáo phận Puebla tuyên bố trên Twitter rằng tổng giáo phận không “tổ chức, và cũng chẳng hề cổ vũ” thánh lễ loại này.
Các Giám Mục nhắc lại rằng Thánh Thể là “Kho báu lớn nhất của Giáo Hội”.
Tổng giáo phận Puebla kêu gọi các linh mục “tránh đừng dùng cái cớ thử nghiệm để làm những thứ như thế trong nhà thờ, làm giảm đi sự thánh thiêng của nơi thờ tự, làm hạ phẩm giá của các nghi thức phụng vụ và lòng đạo đức của các tín hữu.”
Những bài hát trong nhà thờ, tổng giáo phận nói thêm, cần phải “phù hợp với giáo lý Công Giáo; và tốt hơn, nên dựa trên Thánh Kinh và các nguồn phụng vụ.”
Trong lời tựa cuốn “Thần học Phụng vụ” ấn bản tiếng Nga, vừa được nhà xuất bản La Stampa in lại, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã than thở rằng: Thiên Chúa đã trở nên “mờ nhạt” trong Phụng Vụ, dẫn đến những khủng hoảng trong Giáo hội. Ngài nhận xét rằng những hiểu nhầm về bản chất của Phụng Vụ đã dẫn con người đến đến chỗ đặt Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu và đưa “các hoạt động và sự sáng tạo của mình” vào vị trí trung tâm của việc phụng tự.
13. Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ kỷ niệm 100 năm Bộ Ðông Phương.
Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu tiếp tục tín thác vào Chúa, qua kinh nguyện, giữa những khó khăn của cuộc sống.
Ngài đưa ra lời mời gọi này trong bài giảng thánh lễ lúc quá 10 giờ sáng ngày 12 tháng 10, tại Ðền thờ Ðức Bà Cả ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương và Giáo Hoàng Học Viện Ðông Phương gần đó.
Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có Ðức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, Ðức Tổng Giám Mục Tổng thư ký và Cha Bề trên Tổng quyền dòng Tên cùng với cha Viện trưởng của Học Viện Ðông phương. Ngoài ra có 24 Hồng Y, 6 Thượng Phụ và Tổng Giám Mục Trưởng, 12 Giám Mục và 60 Linh Mục giáo sư.
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 đã thiết lập 2 cơ quan vừa nói vào năm 1917 giữa lúc thế chiến thứ I đang hoành hành.
Đức Thánh Cha nói:
“Ngày nay cũng vậy, chúng ta có thể nói đang có một thế chiến khác, thế chiến từng mảnh. Và chúng ta thấy bao nhiêu anh chị em Kitô chúng ta thuộc các Giáo Hội Ðông phương đang bị bách hại thê thảm và các tín hữu sống thuộc các Giáo Hội này ở hải ngoại ngày càng lo âu. Từ đó nảy sinh bao nhiêu câu hỏi “tại sao như vậy” giống như bài đọc thứ I hôm nay trích từ sách ngôn sứ Malakia (3,13-20a). Nhiều người than thách Chúa khi thấy những kẻ ác được thành công, thịnh vượng, mà không bị trừng phạt, từ đó người ta đặt câu hỏi: phụng tự Thiên Chúa có ích gì đâu?”
Sách ngôn sứ Malakia cũng xác quyết rằng Thiên Chúa không quên con cái Ngài, Ngài nhớ đến những kẻ công chính và những người đau khổ, dù bị áp bức họ vẫn không ngừng tín thác nơi Chúa.
Ðức Thánh Cha nói: Bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta rằng có một cách đánh động ký ức của Thiên Chúa, đó là kinh nguyện của chúng ta. Khi cầu nguyện cần có lòng can đảm của đức tin, tín thác rằng Chúa lắng nghe chúng ta, can đảm gõ cửa. Chúa nói với chúng ta rằng “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy và ai gõ thì sẽ mở cửa cho” (Lc 11,10).
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng “chúng ta hãy học cách gõ cửa tâm hồn của Thiên Chúa, hãy học cách làm như thế một cách can đảm. Ước gì kinh nguyện can đảm này cũng soi sáng và nuôi dưỡng việc phục vụ của anh chị em trong Giáo Hội”
14. Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương
Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, Ðức Thánh Cha đã trao cho Ðức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, và cũng là Chưởng Ấn Giáo Hoàng Học Viện Ðông phương, một sứ điệp, trong đó sau khi nhắc lại quá trình khai sinh và phát triển của Học Viện này trong một thế kỷ qua, Ðức Thánh Cha mời gọi các giáo sư tại đây dành ưu tiên cho việc nghiên cứu khoa học, theo gương các vị tiền nhiệm, đã nổi bật trong việc soạn và ấn hành các tác phẩm với những đóng góp quan trọng về phụng vụ, linh đạo, khảo cổ và giáo luật..
Ðức Thánh Cha cũng mời gọi Học viện Ðông Phương giúp toàn thể Cộng đoàn Giáo Hội khả năng lắng nghe cuộc sống và suy tư thần học, để nâng đỡ cuộc sống và hành trình của họ. Học viện có nhiệm vụ giúp các anh chị em chúng ta củng cố đức tin trước những thách đố lớn lao họ phải đương đầu. Học viện được kêu gọi trở thành nơi thuận tiện cho việc huấn luyện những người nam nữ, các chủng sinh, Linh Mục và giáo dân, để họ có thể nói lên lý do niềm hy vọng đang linh hoạt và nâng đỡ họ” (1 Pr 3,15), và có khả năng cộng tác vào sứ mạng hòa giải của Chúa Kitô. (Xc 2 Cr 5,18).
Nhắc đến tình trạng nhiều sinh viên tại các Học viện Ðông phương ở Roma theo học tại các Ðại học và Phân khoa trong đó họ không luôn luôn nhận được một nền huấn luyện hoàn toàn phù hợp với các truyền thống của họ, Ðức Thánh Cha mời gọi Học Viện Ðông Phương hãy suy tư xem có thể làm gì để bổ túc những thiếu sót đó.
Sau cùng, Ðức Thánh Cha mời gọi dòng Tên, ngoài sứ vụ đang thi hành tại Ðại Học Gregoriana và Học Viện Kinh Thánh, cần làm sao bảo đảm cho Giáo Hoàng Học Viện Ðông phương một con số ổn định các nhà đào tạo Dòng Tên để hỗ trợ hoạt động của Học Viện này. Theo sư phạm của thánh Ignatio, và sử dụng sự phân định cộng đoàn phong phú, các phần tử của cộng đoàn, – nhà dòng cũng như Học Viện – biết tìm ra những hình thức thích hợp nhất để huấn luyện các sinh viên mà các Giáo Hội ủy thác cho dòng chăm sóc, biết nghiên cứu nghiêm túc và đáp dứng các nhu cầu mục vụ của Giáo Hội liên hệ.
15. Ðức Thánh Cha mạnh mẽ chống án tử hình.
Ðức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định lập trường chống án tử hình và kêu gọi nhấn mạnh đến vấn đề này hơn trong sách giáo lý Công Giáo.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến lúc 6 giờ chiều ngày 11 tháng 12 dành các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng tổ chức tại Hội trường Thượng Hội Ðồng Giám Mục ở Vatican, nhân dịp kỷ niệm 25 năm công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.
Ðức Thánh Cha nói:
“Cần phải mạnh mẽ khẳng định rằng án tử hình là một biện pháp vô nhân đạo hạ nhục phẩm giá con người, bất kỳ án này được thi hành thế nào. Tự nó, án tử hình là điều trái ngược với Tin Mừng vì người ta chủ ý loại bỏ một mạng sống con người vốn là điều luôn luôn thánh thiêng trước mắt Ðâng Tạo Hóa và, xét cho cùng, chỉ một mình Thiên Chúa xét cho cùng là thẩm phán đích thực và là vị bảo đảm sự sống. Không bao giờ một người, dù là kẻ sát nhân, bị mất phẩm giá của họ” (Thư gửi Chủ tịch Ủy ban quốc tế chống án tử hình, 20-3-2015), vì Thiên Chúa là một người Cha luôn chờ đợi ngừơi con trở về, người con này khi biết mình lầm lỗi, xin tha thứ và bắt đầu một cuộc sống mới. Không thể tước bỏ sự sống của một ai, và cũng không thể trước bỏ khả thể phục hồi luân lý và cuộc sống có thể mưu lợi cho cộng đoàn”.
Ðức Thánh Cha nhìn nhận rằng trong những thế kỷ trước đây, khi người ta còn nghèo các phương thế bảo vệ và sự trưởng thành xã hội chưa tiến triển tích cực, việc sử dụng án tử hình được coi như hậu quả hữu lý của việc áp dụng công lý. “Rất tiếc là cả Nước Tòa Thánh cũng đã sử dụng phương thế cùng cực và vô nhân đạo này, mà coi nhẹ quyền tối thượng của lòng thương xót trên công lý. Chúng ta nhận các trách nhiệm của quá khứ và chúng ta nhìn nhận rằng những phương thức ấy là do một não trạng vụ luật hơn là hợp với tinh thần Kitô. Sự quan tâm bảo tồn quyền bính và sự giàu có vật chất đã đưa tới thái độ quá đề cao giá trị của luật lệ, ngăn cản người ta đi sâu hơn trong sự hiểu biết về Tin Mừng. Tuy nhiên, ngày nay nếu giữ thái độ trung lập trước những đòi hỏi mới để tái khẳng định phẩm giá con người, thì chúng ta sẽ có lỗi nhiều hơn”.
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng “Ở đây chúng ta không mâu thuẫn với giáo huấn quá khứ, vì việc bảo vệ phẩm giá sự sống con người ngay từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên luôn tìm thấy trong giáo huấn của Giáo Hội một tiếng nói thế giá và trước sau như một”.
16. Tài khoản Twitter của Ðức Thánh Cha đạt 40 triệu người theo dõi.
Tài khoản Twitter của Ðức Thánh Cha Phanxicô @Pontifex bằng 9 ngôn ngữ đã vượt quá 40 triệu người theo dõi (follower) sau 5 năm đăng ký. Ngày 12 tháng 12 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã muốn mở một tài khoản của Giáo hoàng trên mạng xã hội Twitter.
Mỗi ngày, qua các “tweet” của mình, Ðức Thánh Cha Phanxicô đến gần với dân chúng trong thế giới truyền thông xã hội. Thỉnh thoảng ngài đăng một suy tư thiêng liêng, hay nhắc nhớ đến vị thánh đước kính nhớ trong ngày, hoặc chia sẻ với những người theo dõi các suy tư về các biến cố quan trọng trên thế giới.
Trong 12 tháng qua, số follower đã tăng thêm hơn 9 triệu; điều này cho thấy sự quan tâm liên tục của dân chúng đến các “tweet” của Ðức Thánh Cha, trong đó có người bình dân, các Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo, các lãnh đạo chính trị, những nhân vật nổi tiếng về văn hóa.
Bên cạnh số đông follower trên tài khoản Twitter, tài khoản Instagram của Ðức Thánh Cha @Franciscus cũng gần đạt 5 triệu follower. Tài khoản Instagram được bắt đầu từ ngày 19 tháng 03 năm 2015 với tin: “Tôi bắt đầu một hành trình mới để đồng hành với anh chị em trên con đường của lòng thương xót và dịu dàng của Thiên Chúa.”
Một điều thật ý nghĩa là phần lớn những người theo dõi tài khoản Instagram của Ðức Thánh Cha nằm trong độ tuổi 25-34 và Ba Tây và Hoa kỳ là nơi có nhiều follower nhất.
Theo Ðức ông Dario Edoardo Viganò, Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Vatican, con số 40 triệu không chỉ có ý nghĩa về con số thống kê, nhưng quan trọng hơn hết là Ðức Thánh Cha Phanxicô, cũng như vị tiền nhiệm của ngài, cho thấy sự hiện diện của các chứng tá Kitô giáo trong “thế giới kỹ thuật số” và đặc biệt là trong các phương tiện truyền thông xã hội. 40 triệu người theo dõi là 40 triệu người, 40 triệu trái tim, trí tuệ và tình cảm. Ðó là một thế giới, một mối liên hệ, một cộng đồng.
Ðức ông Viganò cũng nhận định rằng Ðức Thánh Cha rất quan tâm đến các tài khoản xã hôi của ngài; ngài kiểm tra kỹ lưỡng các tweet được đăng trên tài khoản. Ðiều này chứng tỏ sự quan tâm của ngài với mối liên hệ với các follower và bất kỳ mối liên hệ nào cũng cần được chăm sóc, sưởi ấm trái tim, ngay cả chỉ bằng một ít từ ngữ. Ðối với Ðức Thánh Cha, “Internet là một là một nơi đầy nhân tính, là mạng lưới của con người chứ không phải của các dây dợ.
17. Đức Thánh Cha thăm tổ chức Lương Nông Thế Giới
Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi khắc phục các cuộc xung đột và sự thay đổi khí hậu trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh lương thực trên thế giới.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng thứ Hai 16 tháng 10 trong cuộc viếng thăm Tổ chức lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, ở Roma, nhân ngày Thế giới về lương thực.
FAO hiện có 194 quốc gia thành viên, mỗi quốc gia đóng góp tùy theo khả năng của mình. Với các ngân khoản này, FAO hoạt động cho các nước thành viên. Một số quốc gia đóng góp thêm để nâng đỡ các dự án tại chỗ.
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 viếng thăm tổ chức FAO. Vị đầu tiên là Ðức Chân phước Giáo hoàng Phaolô 6 ngày 16 tháng 11 năm 1970 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức quốc tế này. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã đến thăm tổ chức FAO hồi tháng 11 năm 2012 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực.
Khi tới tổ chức FAO, Ðức Thánh Cha đã làm phép pho tượng bằng cẩm thạch diễn tả hai trẻ em: một em tên là Aylan tị nạn người Syria chết đuối trước bãi biển Bodrum ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10 năm 2015 và một em đang khóc. Tượng cao 75 phân, dài hơn 1 mét 7 và rộng 1 mét 2, nạng 9 tạ do Tòa Thánh thuê tạc để tặng cho tổ chức FAO.
Trong bài diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha, Ðức Thánh Cha nhắc đến những thành tựu của những cố gắng cho đến nay trong việc chống nạn đói và giải quyết nạn thiếu lương thực, nhưng ngài cũng nhấn mạnh đến thách đố đang được đề ra cho cộng đồng quốc tế và nói rằng:
“Bối cảnh những tương quan quốc tế, cũng như những đóng góp của khoa học và kỹ thuật, cho thấy khả năng ngày càng gia tăng trong việc mang lại câu trả lời cho những mong đợi của gia đình nhân loại trong việc nghiên cứu và đề ra các giải pháp thích hợp. Tuy nhiên những thành tựu này chưa thành công trong việc xóa bỏ tình trạng bị loại trừ của một phần lớn dân chúng thế giới: họ là nạn nhân của nạn suy dinh dưỡng, chiến tranh, thay đổi khí hậu. Bao nhiêu người thiếu công ăn việc làm và những thiện ích cơ bản và buộc lòng phải rời bỏ quê hương, chịu bao nhiêu hình thức bóc lột kinh khủng.”
Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Chúng ta chỉ có thể bàn đến tương quan giữa nạn đói và di cư nếu đi tới căn cội của vấn đề. Về khía cạnh này, các nghiên cứu do Liên Hiệp Quốc thực hiện, cũng như bao nhiêu nghiên cứu do các tổ chức xã hội dân sự khác, đều đồng ý ở điểm này là có hai chướng ngại chính cần khắc phục: đó là các cuộc xung đột và những thay đổi khí hậu.
Làm sao khắc phục các xung đột? Công pháp quốc tế chỉ cho chúng ta những phương thế để phòng ngừa và giải quyết các xung đột một cách mau lẹ. Chúng ta hãy nghĩ đến các dân tộc bị tàn hại vì chiến tranh đã kéo dài từ nhiều thập niên, và lẽ ra những xung đột ấy có thể tránh được hoặc ít là hạn chế, nhưng trái lại chúng đang lan tràn các hậu quả tàn khốc trong đó có tình trạng bấp bênh về lương thực và nhiều người phải di tản. Cần có thiện chí và đối thoại để ngăn chặn các xung đột và sự dấn thân hoàn toàn nhắm tới một sự giải trừ võ trang dần dần và có hệ thống như Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã dự trù, cũng như phải sửa chữa một tai ương nghiêm trọng là nạn buôn bán võ khí. Tố giác sự kiện các cuộc xung đột võ trang làm cho hàng triệu người bị đói và suy dinh dưỡng có ích gì, nếu chúng ta không thực hiện một cách hữu hiệu những công tác kiến tạo hòa bình và giải trừ võ trang?
– Về những thay đổi khí hậu, chúng ta thấy hậu quả của nó mỗi ngày. Nhờ những kiến thức khoa học, chúng ta biết cách thức đối phó với các vấn đề, và cộng đồng quốc tế đã đề ra những văn kiện pháp lý cần thiết, ví dụ như Hiệp định Paris, mà rất tiếc là một số nước đang từ bỏ. Người ta thấy tái xuất hiện thái độ cẩu thả thờ ơ đối với những quân bình mong manh của các hệ thống môi sinh, những chủ trương ích kỷ nhằm lèo lái và kiểm soát các tài nguyên hạn hẹp của trái đất, và sự ham hố lợi lộc. Vì thế, cần cố gắng cổ võ một sự đồng thuận cụ thể và thực tiễn nếu chúng ta muốn tránh các hậu quả bi thảm hơn, đang tiếp tục đổ xuống trên những người nghèo nhất và vô phương thế tự vệ. Chúng ta được kêu gọi đề nghị một lối sống, trong việc sử dụng các tài nguyên, các tiêu chuẩn sản xuất, cho đến sự tiêu thụ, liên quan đến các lương thực, khiến cho sự thất thoát gia tăng. Chúng ta không thể trấn an mình và nói rằng “những người khác sẽ làm thay chúng ta”.
“Tôi nghĩ những điều đó là điều tiên quyết đối với bất kỳ diễn văn nghiêm túc nào về an ninh lương thực, trong tương quan với hiện tượng di cư. Hiển nhiên là chiến tranh và những thay đổi khí hậu gây ra nghèo đói, nhưng chúng ta cần tránh trình bày nó như một thứ bệnh bất trị. Những dự đoán gần đây do các chuyên gia của quí vị đề ra cho biết sẽ có sự gia tăng sản xuất ngũ cốc, làm gia tăng đáng kể số dự trữ của thế giới. Sự kiện này mang lại cho chúng ta hy vọng và chỉ cho chúng ta thấy rằng nếu chúng ta làm việc và quan tâm tới những nhu cầu, tránh nạn đầu cơ, thì sẽ đạt được những kết quả. Thực vậy, lương thực thường bị bỏ mặc cho nạn đầu cơ, người ta chỉ đo lường chúng theo mức độ lợi nhuận kinh tế của các nhà đại sản xuất, hoặc trong tương quan với dự báo về mức tiêu thụ, chứ không theo những nhu cầu thực sự của con người.. Vì thế, người ta tạo điều kiện cho các xung đột và những phung phí, làm tăng số người nghèo trên thế giới, họ phải tìm kiếm tương lai xa lãnh thổ nguyên quán của họ.”
Trong việc đề ra những đường hướng để giải quyết những thách đố trên đây, Ðức Thánh Cha nói:
“Tôi tự hỏi và cũng đặt câu hỏi cho quí vị: Phải chăng là điều thái quá khi du nhập vào ngôn ngữ cộng tác quốc tế những từ ngữ như tình thương, cùng với đặc tính nhưng không, đối xử bình đẳng, liên đới, nền văn hóa trao tặng, tình huynh đệ, từ bi thương xót? Những từ này thực sự diễn tả nội dung thực tế của từ “nhân đạo”, rất được sử dụng trong các hoạt động quốc tế. Yêu thương anh chị em, đề ra sáng kiến mà không mong đợi được đáp lại, đó là nguyên tắc Tin Mừng chủ yếu cũng có trong lối diễn tả của nhiều nền văn hóa và tôn giáo, trở thành nguyên tắc nhân đạo, trong ngôn ngữ của những tương quan quốc tế. Cần làm sao để ngành ngoại giao và các tổ chức đa phương nuôi dưỡng và điều hợp khả năng yêu thương này, vì đó là con đường tốt nhất bảo đảm không những an ninh lương thực, nhưng cả an ninh của con người trong chiều kích hoàn cầu. Chúng ta không thể chỉ thực hiện điều mà những người khác đang làm, và không chỉ giới hạn vào lòng thương xót, vì lòng thương xót chỉ giới hạn vào những cứu trợ cấp thiết, trong khi đó tình thương gợi hứng cho công lý và là điều thiết yếu để thực hiện một trật tự xã hội công chính giữa các thực tại khác nhau, mong muốn có sự gặp gỡ nhau. Yêu thương có nghĩa là góp phần để mỗi nước gia tăng sản xuất và đạt tới sự tự túc về lương thực. Yêu thương được biểu lộ qua việc nghĩ đến những kiểu mẫu mới trong việc phát triển và tiêu thụ, và chấp nhận những chính sách không làm cho tình trạng dân chúng kém phát triển trợ nên đồi tệ hơn, và gia tăng sự lệ thuộc ngoại viện của họ. Yêu thương có nghĩa là không tiếp tục phân chia gia đình nhân loại thành những người sống dư thừa và những người thiếu thốn những điều cần thiết nhất”.
Trong phần kết luận, Ðức Thánh Cha kêu gọi đại diện các nước: “Chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu của bao nhiêu anh chị em chúng ta bị gạt ra ngoài lề và bị loại trừ: “Tôi đói, tôi là người ngoại quốc, tôi trần trụi, tôi yếu đau, tôi bị giam giữ trong một trại tị nạn”. Ðó là một lời thỉnh cầu công lý, chứ không phải là một lời kêu xin hoặc là một tiếng kêu cấp thiết. Cần làm sao để ở mọi cấp độ có sự đối thoại rộng rãi và chân thành để tìm ra những giải pháp tốt đẹp nhất và đạt tới một quan hệ mới giữa các tác nhân khác nhau trên trường quốc tế, mang tinh thần trách nhiệm hỗ tương, liên đới và hiệp thông”.
Nguồn: VietCatholic News