Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 18 – 24/02/2016: Họp báo trên chuyến bay từ Ciudad Juárez về Rôma

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 18 – 24/02/2016: Họp báo trên chuyến bay từ Ciudad Juárez về Rôma

1. Những hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Mễ Tây Cơ

Hoạt động sau cùng của Đức Thánh Cha tại Mễ Tây Cơ là việc tưởng niệm các nạn nhân bỏ mình trên đường vào nước Mỹ và cử hành thánh lễ trước sự tham dự của 200 ngàn tín hữu tại Ciudad Juárez, cách biên giới Mỹ 80 mét.

Lúc quá 3 giờ chiều thứ tư 17 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã đến khu vực hội chợ triển lãm của Ciudad Juárez. Khi vực rộng lớn này có thể tiếp nhận 200 ngàn người ở quảng trường và hơn 30 ngàn người ở sân vận động Benito Juárez. Đến nơi ngài dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào các tín hữu và cũng đi sát biên giới Mỹ để có thể chào thăm hàng trăm tín hữu Công Giáo ở trên đất Hoa Kỳ, chỉ cách nhau bằng hàng rào kim loại, do chính phủ Mỹ dựng lên để kiểm soát làn sóng nhập cư từ Mễ Tây Cơ. Làn sóng này rất mạnh, làm cho dân Mễ Tây Cơ sống trên đất Mỹ hiện lên tới hơn 30 triệu người. Số tiền người Mễ Tây Cơ làm việc ở nước ngoài ngày càng gia tăng và hiện chiếm tới 3% tổng sản lượng của Mễ Tây Cơ và trở thành một nguồn ngoại tệ quan trọng của Mễ Tây Cơ. Báo “El Nacional”, nghĩa là Quốc gia, số ra ngày 16-2 vừa qua, trích thuật thống kê của Đại học Syracuse ở Mỹ cho biết có nhiều người Mễ Tây Cơ hiện sống trên đất Mỹ nhưng không có giấy tờ, trong số này có hơn 13 ngàn người đang chờ bị trục xuất về nước.

Theo con số do cơ quan biên phòng của Mỹ công bố, đã có 4,353 người chết trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2005 đến 2015, khi tìm đường lẻn từ Mễ Tây Cơ vào đất Mỹ.

Đến gần biên giới Mỹ, Đức Thánh Cha dừng lại trước cây thánh giá lớn được dựng lên để tưởng niệm những người đã vượt biên từ Mễ Tây Cơ sang Mỹ và đã bỏ mình trong hành trình này. Đức Thánh Cha cúi đầu cầu nguyện trong thinh lặng rồi đặt một bó hóa trên bàn trước cây thánh giá. Tại đó có 3 cây thánh giá nhỏ, Đức Thánh Cha làm phép, để các thánh giá này được đưa về 3 giáo phận ở Mỹ giáp biên giới Mễ Tây Cơ, đó là giáo phận El Paso, Lac Cruces và New Mexicô.

Dân chúng đứng ở bên kia hàng rào, trên lãnh thổ Mỹ, thuộc hành phố El Paso, bang Texas, vui mừng chào Đức Thánh Cha và ngài cũng vẫy tay đáp lại.

Liền đó, Đức Thánh Cha tiến vào khu vực hành lễ: 200 ngàn tín hữu đã chờ sẵn tại đây và dành cho ngài sự chào đón thật nồng nhiệt. Đồng tế với Đức Thánh Cha thánh lễ lúc 4 giờ chiều tại Ciudad Juárez, cũng là thánh lễ cuối cùng ngài cử hành trong cuộc viếng thăm, ngoài các Giám Mục và linh mục Mễ Tây Cơ, còn có nhiều Giám Mục Hoa Kỳ, đặc biệt là Đức Hồng Y Sean O’Malley, dòng Capuchino, TGM giáo phận Boston và là người đã có 20 năm kinh nghiệm làm việc mục vụ cho người di dân.

Ngoài ra, có 50 ngàn tín hữu thuộc giáo phận El Paso, Hoa Kỳ, tụ tập tại sân vận động Sun Bowl tham dự qua màn hình thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành ở Ciudad Juárez.

2. Nghi thức từ biệt Đức Thánh Cha

Cuối thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục José Guadalupe Torres Campos của giáo phận Ciudad Juárez đã đại diện mọi người cám ơn và tiễn biệt Đức Thánh Cha.

Ngài đáp từ và cám ơn tất cả mọi người, chính quyền liên bang cũng như tiểu bang và tất cả những người đã cộng tác vào cuộc viếng thăm của ngài. Đức Thánh Cha nói: “Bao nhiêu người phục vụ không tên, trong âm thầm, đã đóng góp hết sức để những ngày này trở thành một đại lễ gia đình: xin cám ơn anh chị em. Tôi cảm thấy được đón nhận, với tình thương mến, lòng hân hoan, và hy vọng của đại gia đình Mễ Tây Cơ: cám ơn anh chị em đã mở cho tôi những cánh cửa cuộc sống và quốc gia của anh chị em”.

Ngài cũng ứng khẩu nói thêm:

“Mễ Tây Cơ là một ngạc nhiên!”: Đêm dài dường như vô tận và dầy đặc, nhưng những ngày này tôi có thể nhận thấy nơi dân tộc này có bao nhiêu ánh sáng loan báo hy vọng: tô icó thể thấy nơi nhiều chứng nhân của dân tộc Mễ Tây Cơ, nơi khuôn mặt nhiều người sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục bước đi trên phần đất này, hướng dẫn họ và nâng đỡ niềm hy vọng; nhiều người nam nữ, với những nỗ lực hằng ngày, làm cho xã hội Mễ Tây Cơ không còn ở trong bóng đêm. Họ là những ngôn sứ của ngày mai, là dấu hiệu một bình minh mới. Xin Đức Mẹ Guadalupe tiếp tục thăm viếng anh chị em, tiếp tục đồng hành trên đất nước này, giúp anh chị em trở thành những thừa sai và chứng nhân về lòng thương xót và hòa giải”.

Sau khi kết thúc thánh lễ vào lúc 6 giờ chiều giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã ra phi trường quốc tế Ciudad Juárez cách đó 17 cây số để đáp máy bay về Roma. Cũng như khi ngài đến nước này tối ngày 12-2 vừa qua, lần này cũng có hàng trăm ngàn người đứng hai bên đường để tiễn biệt Đức Thánh Cha, trước khi ngài được tổng thống, Phu nhân và một số quan chức chính phủ và giáo quyền chính thức giã từ tại phi trường.

Lúc 7 giờ 15 phút tối giờ địa phương, máy bay Boeing 787 của hãng hàng không AeroMéxico đã cất cánh, chở Đức Thánh Cha, đoàn tùy tùng và 76 ký giả quốc tế đã cất cánh.

3. Họp báo trên chuyến bay

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho báo chí cuộc họp báo dài trên chuyến bay từ Mễ Tây Cơ về Rôma vào hôm thứ Năm 18 tháng Hai. Ngài chia sẻ về nhiều đề tài bao gồm trường hợp các linh mục phạm vào tội ấu dâm, “những người đã bị giết” tại Mễ Tây Cơ, Giáo Hội Công Giáo tại Ukraine và vi khuẩn sốt Zika.

Khi được hỏi là tại sao Đức Giáo Hoàng đã không tiếp thân nhân của 43 sinh viên sư phạm bị mất tích ở tiểu bang Guerrero vào năm 2014. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài đã nói chuyện nhiều về những vấn nạn liên quan đến những vụ ám sát bởi các băng nhóm tội phạm và buôn ma túy. Đức Thánh Cha lưu ý rằng ngài rất muốn gặp các thân nhân nhưng có nhiều nhóm đại diện cho “ những nạn nhân” và cũng có những tranh chấp nội bộ giữa các nhóm này.

Một nhà báo người Mễ Tây Cơ khác đã hỏi về việc lạm dụng trẻ em và hậu quả mà linh mục Marcial Mariel, cũng là một sáng lập viện của Hội Đạo Binh, để lại cho đất nước Mễ Tây Cơ. Đức Thánh Cha khẳng định lại một lần nữa rằng một vị Giám Mục cố tình chuyển đổi một linh mục bị tố cáo là xâm phạm tình dục từ giáo xứ này đến giáo xứ khác là “vô trách nhiệm” và nên từ chức. Ngài cũng nhấn mạnh là vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã phải làm việc cật lực trong thập niên qua để giải quyết vấn nạn này và chỉ ra những bước khác nhau ngài đã làm việc với Hội Đồng Hồng Y, Thánh Bộ Đức Tin và Ủy Ban Giáo Hoàng bảo vệ các trẻ vị thành niên.

Khi được hỏi về việc di dân tới Hoa Kỳ và việc ứng viên Tổng Thống Hoa Kỳ dọa sẽ xây tường thành dọc theo biên giới, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không có ý kiến gì về việc bầu cử ở Hoa Kỳ nhưng thêm rằng “một người chỉ nghĩ đến việc xây tường thành ở bất cứ đâu – hơn là nghĩ về việc xây những nhịp cầu- thì không phải là một Kitô hữu.”

Đức Thánh Cha cũng nói nhiều về cuộc họp lịch sử hôm thứ Sáu tuần trước với Đức Thượng Phụ Kyrill và về những lo ngại bị phản bội mà những giáo dân Công Giáo Đông phương người Ukraine đã nêu ra, cụ thể là trong cuộc họp báo của Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Đông phương Sviatoslas Schevchuk. Đức Thánh Cha nói rằng ngài thấu hiểu những lo sợ này và ngài có những suy tư riêng liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là đừng diễn dịch quá xa những gì được đề cập trong văn bản và hãy có một cái nhìn lạc quan như Đức Tổng Giám Mục Schevchuk đã mô tả sự trực diện là “một cơ hội tốt”, đem lại hy vọng cho những cuộc đối thoại tiếp theo.

Khi được hỏi về khả năng vi khuẩn Zika gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi đang lan tràn ở các nước Châu Mỹ La tinh, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng phá thai là một trọng tội không bao giờ có thể biện minh được và đi ngược lại lời thề lương y như từ mẫu của các bác sĩ. Nhưng, việc dùng thuốc ngừa thai có thể được chấp nhận trong những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Ngài nói rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã cho phép các nữ tu ở Châu Phi được dùng thuốc ngừa thai từ nửa thế kỷ trước trong những thời kỳ họ phải đối diện thường xuyên với nguy cơ bị hãm hiếp.

Đức Giáo Hoàng cũng nói về Liên Minh Âu Châu. Ngài sắp nhận được giải thưởng Charlemagne vì những đóng góp của ngài cho tương lai của lục địa này.

Một nhà báo Mỹ trở lại câu hỏi về hôn nhân hỏi rằng làm sao một Giáo Hội đầy lòng xót thương lại dễ dàng để tha tội cho kể sát nhân hơn là tha tội cho người ly dị và tái hôn? Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng một tài liệu sau Thượng Hội Đồng về gia đình, sẽ được phổ biến trước lễ Phục Sinh- sẽ khám phá chiều sâu về những đổ vỡ hôn nhân và đặc biệt sự cần thiết cho việc chuẩn bị hôn nhân tốt hơn. Ngài nói rằng có nhiều cặp bị áp lực để kết hôn vội vàng vì đã có con, khi còn là Giám Mục thành Buenos Aires, ngài đã hướng dẫn các linh mục sẽ không làm đám cưới cho đến khi các cặp đôi này sẵn sàng cam kết sống với nhau trọn đời. Những cặp ly dị hay tái hôn phải được tái hòa nhập vào trong đời sống của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng đây là một hành trình dài nhưng “mọi cánh cửa đều rộng mở.”

Một ký giả đặt câu hỏi: “Các phương tiện truyền thông đã đề cập đến những trao đổi thư từ giữa Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và triết gia người Mỹ, Anna Teresa Tymieniecka.. . Theo Đức Thánh Cha, liệu một vị giáo hoàng có thể có một mối quan hệ thân mật như vậy với một người phụ nữ?”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi cho rằng một người đàn ông không biết làm thế nào để có một tình bạn với một người phụ nữ.. .là một người đang thiếu một cái gì đó.. . Một tình bạn với một người phụ nữ không phải là một tội lỗi. Nó là một tình bạn.. . Đức Giáo Hoàng là một người đàn ông Đức Giáo Hoàng cần những ý kiến của phụ nữ, và Đức Giáo Hoàng cũng có một trái tim, cho một tình bạn lành mạnh và thiêng liêng với một người phụ nữ. Có những tình bạn giữa các vị thánh như tình bạn giữa thánh Phanxicô và thánh nữ Clara, giữa thánh Teresa và thánh Gioan thánh Giá.. . Nhưng phụ nữ vẫn còn bị đánh giá thấp, chúng ta đã không hiểu rõ những gì một người phụ nữ có thể đóng góp cho cuộc sống của một linh mục và cho Hội thánh theo nghĩa tư vấn, giúp đỡ và tình bạn lành mạnh”.

Nói về các chuyến đi và cuộc họp trong tương lai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ngài muốn thăm Trung Quốc và rằng ngài hy vọng sớm được gặp lãnh đạo Hồi Giáo Ahmed el-Tyaeb.

Sau hết, cùng với các nhà báo Đức Giáo Hoàng đã cám ơn tiến sĩ Alberto Gasbarri, người đã tổ chức các cuộc thăm viếng cho các Giáo Hoàng trong bốn thập niên qua và sẽ về hưu vào cuối tháng này.

4. Báo chí giải thích không đúng lời Đức Thánh Cha về ứng cử viên tổng thống Donald Trump của đảng cộng hòa ở Mỹ.

Rất nhiều cơ quan báo chí ồ ạt đăng tin: trong cuộc họp báo hôm 18 tháng 2 trên chuyến bay từ Mễ Tây Cơ về Roma, “Đức Thánh Cha tấn công ông Trump và kết án ông không phải là Kitô hữu”. Phản ứng lại tin này, Ông Trump cho rằng thật là điều không xứng đáng khi một vị lãnh đạo tôn giáo “kết án người khác như vậy”, và ông cho rằng mình là “Kitô hữu tốt”! và cả Vatican cũng có những bức tường cao!

Sự kiện là: Ký giả Phil Pulella, thuộc hãng tin Reuters của Anh quốc, hỏi nhận định của Đức Thánh Cha về lời tuyên bố của Ông Donald Trump nói: nếu đắc cử tổng thống, Ông muốn xây bức tường dài 2.500 cây số dọc theo biên giới Mễ Tây Cơ và muốn trục xuất 11 triệu người di dân bất hợp pháp, và như thế là phân rẽ các gia đình.

Đức Thánh Cha đáp:

“Một người chỉ nghĩ đến việc xây dựng những bức tường, bất luận ở đâu, mà không nghĩ đến việc bắc những nhịp cầu, thì không phải là Kitô hữu. Hành động ấy không có trong Tin Mừng”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, hôm 19 tháng 2, Cha Lombardi Tổng Giám Mục đài Vatican và cũng là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh nói:

“Đức Thánh Cha nói điều mà chúng ta đều biết rõ, khi theo dõi giáo huấn và lập trường của ngài: nghĩa là không cần kiến tạo những bức tường, nhưng là những cây cầu. Đó là điều mà ngài vẫn luôn nói, liên tục, và ngài cũng nói điều đó về những vấn đề di dân ở Âu Châu, rất nhiều lần. Vì thế, đây không hề là một vấn đề đặc thù, giới hạn vào trường hợp này. Đó là thái độ chung của ngài, rất phù hợp với điều này là can đảm sống theo những chỉ dẫn của Tin Mừng về sự đón tiếp và liên đới. Rồi người ta thổi lên và truyền đi câu nói của Đức Thánh Cha. Đó không phải là điều ngài muốn nói, ngài không muốn đó là một cuộc tấn công cá nhân, và cũng không phải là một chỉ dẫn về việc bỏ phiếu. Đức Giáo Hoàng đã nói rõ là ngài không xen vào vấn đề bỏ phiếu trong chiến dịch tuyển cử ở Hoa kỳ, và ngài cũng nói rõ: không rõ người ta có tường thuật đúng điều mà ông Trump nói hay không vì vì thế, trong trường hợp này, ngài tỏ ra nghi ngờ về điều báo chí thuật lại những lời tuyên bố của ứng cử viên đảng cộng hòa Mỹ”.

Tóm lại, diễn văn nổi tiếng về việc đón tiếp, về việc bắc cầu hơn là xây tường chính là một đặc điểm của triều đại Giáo Hoàng này. Cần phải giải thích và hiểu theo nghĩa đó”

5. Cha Lombardi phê bình sức ép của một số cơ quan báo chí đối với Đức Thánh Cha

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh phê bình sức ép của một số báo chí đòi Đức Giáo Hoàng Phanxicô phải gặp riêng cha mẹ của 43 học viên mất tích tại Iguala.

43 học viên này theo học tại trường sư phạm Raul Isidro Burgos, bị mất tích hồi tháng 9 năm 2014 và có thể là đã bị giết. Cho đến nay nhà chức trách Mễ Tây Cơ vẫn chưa làm sáng tỏ được vụ này. Từ năm 2006 đến nay đã có hơn 70 ngàn người ở Mễ Tây Cơ bị các băng đảng ma túy giết chết, bắt cóc và hàng chục ngàn người mất tích.

Theo báo Milenio và Jornada số ra ngày 16-2 ở Mễ Tây Cơ, cha Lombardi chống lại toan tính tạo sức ép đòi Đức Giáo Hoàng phải gặp cha mẹ của 43 học viên mất tích, nhân dịp ngài đến thăm thành phố Ciudad Juárez để cử hành thánh lễ chiều ngày 17-2 kết thúc cuộc viếng thăm Mễ Tây Cơ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, truyền đi hôm 16 tháng 2, Cha Lombardi nói: “Tham dự thánh lễ của Đức Thánh Cha tại Ciudad Juárez sẽ có rất nhiều người có liên hệ cách này hay cách khác với các vấn đề bạo lực khác nhau ở Mễ Tây Cơ. Chúng ta biết rằng có 27 ngàn người mất tích, trong những năm gần đây: vì thế tôi không có tin Đức Giáo Hoàng sẽ gặp riêng nhóm này hay nhóm kia. Ngài muốn tỏ cho tất cả mọi người sự gần gũi của ngài, sự hiện diện của ngài: ngài cầu nguyện cho tất cả mọi người và gần gũi tất cả”.

6. Đức Thánh Cha viếng Đền Thờ Đức Bà Cả

Sau 12 giờ bay, vượt qua 9,720 cây số, máy bay đã đáp xuống phi trường Ciampino của thành phố Roma, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm mục vụ thứ 12 của Đức Thánh Cha tại nước ngoài. Và như thường lệ, trên đường từ sân bay về Vatican, ngài đã dừng lại Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện và cảm tạ trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma.

Đức Thánh Cha đã đặt một bó hoa trước tượng ảnh Đức Mẹ. Sau khi viếng thăm đến thờ, Đức Thánh Cha lên xe hơi trở về Vatican.

7. Bài giảng tĩnh tâm đầu Mùa Chay của cha Raniero Cantalamessa

Sinh hoạt đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi trở về từ Mễ Tây Cơ là tham dự buổi tĩnh tâm đầu Mùa Chay của giáo triều Rôma vào sáng thứ Sáu 19 tháng Hai.

Cha Raniero Cantalamessa, tu sĩ dòng Capuchin Phanxicô, người đã từng là giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng từ năm 1980, dành bài giảng tĩnh tâm tuần thứ Nhất Mùa Chay của ngài cho chủ đề “Thờ phượng trong thần khí và trong sự thật: Những suy tư về Hiến Chế Sacrosanctum Concilium,” nghĩa là Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công đồng Vatican II.

Bài thuyết trình của cha Cantalamessa gồm 4 phần được mang tựa đề “Công đồng Vatican II: một nhánh, không phải một dòng sông”, “vị trí của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ”, “thờ phượng trong Thần Khí”, và “lời cầu thay nguyện giúp”.

Theo cha Cantalamessa, một thành phần thiết yếu của kinh nguyện phụng vụ là việc cầu thay nguyện giúp. Trong tất cả những lời cầu nguyện của mình, Giáo Hội đang cầu xin cho chính mình và cho thế giới, cho những người công chính và cho cả các tội nhân, cho kẻ sống và kẻ chết. Điều này cũng là lời cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần muốn làm cho sống động và tăng cường. Thánh Phaolô viết về Chúa Thánh Thần như sau, “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.” (Rm 8: 26-27).

Chúa Thánh Thần cầu thay cho chúng ta và dạy chúng ta đến lượt mình hãy cầu thay nguyện giúp cho người khác.

8. Đức Hồng Y Rainer Woelki nói: Kitô hữu tị nạn bị những người tị nạn khác bắt nạt ngay trên đất Đức

Đức Hồng Y Rainer Woelki của tổng giáo phận Cologne, Đức, nói rằng những Kitô hữu tị nạn phải đối mặt với các mối đe dọa và gây hấn bởi những người di cư khác ngay trong các trại quá cảnh trên đất Đức.

Trong một cuộc gặp gỡ liên tôn tổ chức tại Dusseldorf hôm 13 tháng Hai, Đức Hồng Y nói

“Lo ngại đang ngày càng tăng rằng các chính trị gia và các nhà chức trách có thể đã không xem xét các mối đe dọa như thế một cách nghiên túc”.

Theo Đức Hồng Y, có những báo cáo cụ thể cho thấy các Kitô hữu tị nạn thường là mục tiêu bạo lực từ chính những người di cư là đồng bào của họ.

Ngài nhắc nhở cử tọa rằng: “Các hình thức bách hại Kitô hữu không phải là một vấn đề của quá khứ. Nó vẫn đang tiếp diễn trên thế giới và ngay trước mắt chúng ta”

9. Giáo Hội Công Giáo tại Israel đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện

Giáo Hội Công Giáo tại Israel đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng toàn diện”, vì áp lực tài chính và áp lực mới từ các quan chức chính quyền địa phương. Đức Cha tổng đại diện tòa thượng phụ Giêrusalem đã nói như trên với thông tấn xã AsiaNews.

Đức Giám Mục Giacinto-Boulos Marcuzzo nói rằng một số quan chức địa phương đang gây áp lực buộc các nhà thờ Công Giáo phải nộp thuế, là điều mà trước đây các nhà cầm quyền vùng này dưới thời đế quốc Ottoman không bao giờ hỏi nơi các nhà thờ. Ngài cho biết, một số quan chức thành phố, thậm chí, đã phong tỏa các tài khoản của các nhà thờ Công Giáo và các dòng tu. Ngài lưu ý rằng họ “trích các khoản thuế trực tiếp từ tài khoản ngân hàng đang bị phong tỏa, vì thế chúng tôi có nguy cơ cuối cùng là thấy mình chẳng còn một cắc nào, thậm chí không còn tiền trả tiền điện, nước và khí đốt … không còn thứ gì hết cả.

Đức Cha Marcuzzo nói hoàn cảnh của Giáo Hội tại Thánh Địa trở nên tồi tệ từ năm 2015 với sự sụt giảm mạnh số lượng khách hành hương đến thăm vùng này; mỗi năm giảm gần 30% so với năm trước.

Sự sụt giảm số khách hành hương khiến các Giáo Hội địa phương không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ nguồn thu đáng kể này. Thứ hai, các Kitô hữu sống ở Đất Thánh bị mất nguồn lợi kinh doanh, “gần 30% của các Kitô hữu làm việc trong lĩnh vực du lịch và hành hương giờ đây phải bươn chải kiếm miếng ăn” Thứ ba, sự sụt giảm về số lượng du khách đang kéo theo sự sự suy giảm những hỗ trợ cho các Kitô hữu Thánh Địa.

Đức Giám Mục Marcuzzo kêu gọi Kitô hữu trong thế giới phương Tây hãy đến thăm Đất Thánh. Ngài nói rằng họ không nên sợ hãi các cuộc xung đột. “Người Do Thái và người Hồi giáo luôn xem các khách hành hương là những người tìm kiếm Thiên Chúa và họ tôn trọng những người ấy”.

10. Đức Thánh Cha kêu gọi huỷ bỏ án tử hình trên toàn thế giới

Sau buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 21 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã kêu gọi huỷ bỏ án tử hình trên toàn thế giới, nhân đại hội quốc tế vể đề tài: “Một thế giới không có án tử hình”, do cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại Roma hôm nay. Đức Thánh Cha cầu mong đại hội này trao ban một thúc đẩy mới cho dấn thân huỷ bỏ án tử hình. Nó là một dấu chỉ hy vọng do sự phát triển trong dư luận công cộng của thái độ chống án tử hình ngày càng phổ biến rộng rãi hơn, cả khi như là một dung cụ tự vệ xã hội hợp pháp.

Thật vậy, các xã hội tân tiến ngày nay có khả năng đàn áp tội phạm một cách hữu hiệu, mà không lấy mất khả thể đền bồi của người đã phạm tội. Vấn đề được nhìn trong nhãn quan của một công lý hình sự, ngày càng phù hợp hơn với nhân phẩm và chương trình của Thiên Chúa đối với con người và xã hội, và phù hợp cả với một công lý hình sự rộng mở cho niềm hy vọng tái hội nhập vào xã hội. Giới răn chớ giết người có một giá trị tuyệt đối, và nó liên quan tới người vô tội cũng như kẻ có tội.

Năm Thánh Lòng Thương Xót là một dịp thích hợp cho việc thăng tiến trên thế giới các hình thức ngày càng trưởng thành hơn của việc tôn trọng sự sống và phẩm gia của mọi người. Cả kẻ tội phạm cũng có quyền sống bất khả xâm phạm, là ơn của Thiên Chúa. Tôi kêu gọi lương tâm của các vị cầm quyền, để đạt tới một thoả thuận quốc tế huỷ bỏ án tử hình. Và tôi đề nghị với các tín hữu Công Giáo thực thi một cử chỉ can đảm và gương mẫu: đó là đừng có án tử hình nào được thi hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

Mọi kitô hữu và mọi người thiện chí hôm nay được mời gọi hoạt động, không phải chỉ để huỷ bỏ án tử hình, mà cũng để cải tiến các điều kiện tù tội trong việc tôn trọng nhân phẩm của những nguời đã mất tự do.

11. Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân ban hành thư mục vụ Mùa Chay kịch liệt chống lại văn hóa phẩm khiêu dâm.

Mô tả các văn hóa phẩm khiêu dâm là một “tội ác nghiêm trọng” và một “tai ương” thời hiện đại, các giám mục nhấn mạnh rằng con người được tạo ra cho tình yêu và cho sự khiết tịnh và rằng “chúng ta được kêu gọi để dựa vào ân sủng và quyền năng của Chúa mà chống lại và vượt qua các cám dỗ tình dục để chúng ta có thể bắt chước Chúa Giêsu Kitô Đấng đã hoàn toàn trong sạch và hoàn toàn tinh khiết. “

Các giám mục nói thêm:

“Đối với những người đã bị khai thác và là nạn nhân của ngành công nghiệp văn hóa khiêu dâm, chúng tôi khích lệ anh chị em thoát ra khỏi ngành công nghiệp này vì bất chấp những tội lỗi trong quá khứ, không có gì có thể tách anh chị em ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô!”

Đối với những người thực hiện và phân phối các văn hóa phẩm khiêu dâm, các Giám Mục cảnh cáo họ về lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Giêsu: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã.” (Mt, 18: 6-7).

Đối với những người đang phải đấu tranh với những cám dỗ của văn hóa phẩm khiêu dâm, các Giám Mục khích lệ họ đừng để cho sự xấu hổ, sợ hãi, hay niềm tự hào, ngăn cản anh chị em trở về với Thiên Chúa, là Cha của Lòng Thương Xót, là Đấng yêu thương bạn vượt xa tất cả những tình yêu khác … Hãy cậy nhờ đến các bí tích thường xuyên, đặc biệt là bí tích hòa giải, để nhận được sức mạnh và can đảm từ Thiên Chúa để giúp anh chị em trong những cơn thử thách. Xin anh chị em hãy khấn xin sự bảo trợ của Thánh Thomas Aquinas và Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng luôn phù trợ những ai theo đuổi con đường của đức khiết tịnh.

12. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa chỉ trích Giáo Hội Công Giáo Ukraine

Sau một thời gian ngắn tạm lắng theo sau cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kyrill tại Cuba, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã nhanh chóng tái lập lại những chỉ trích đối với Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương tại Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy Ban Quan Hệ Đối Ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc phỏng vấn hôm 18 tháng Hai mà Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk dành cho báo chí sau cuộc họp thượng đỉnh tại Cuba. Trong cuộc họp này ngài lên tiếng bày tỏ những nghi ngại về những ảnh hưởng tiêu cực mà tuyên bố chung được đưa ra bởi Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ có thể gây ra cho Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion chỉ trích phát biểu của nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine là “rất tiêu cực, rất xúc phạm không chỉ đến chúng tôi, mà còn cả đến Đức Giáo Hoàng”

“Họ có chương trình nghị sự chính trị riêng của họ, và thậm chí cả Đức Giáo Hoàng cũng chẳng có thẩm quyền gì đối với họ.”

Phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cáo buộc rằng các tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kyrill đã nhấn mạnh hòa giải, nhưng Giáo Hội Công Giáo Ukraine vẫn kiên quyết đối đầu. “Lập luận của họ vẫn giữ nguyên sự thù địch, và lỏng lẻo”.

13. Đức Thánh Cha tặng 40,000 Chuỗi Lòng Thương Xót

Cũng trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 21 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã tặng cho các tín hữu và khách hành hương hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô những tràng hạt Lòng Thương Xót Chúa. Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha tặng 40,000 tràng hạt Lòng Thương Xót Chúa cho tín hữu. Lần thứ nhất là ngày 17 tháng 11 năm 2013.

Đức Thánh Cha nói:

“Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bước đi trên con đường hoán cải có trọng tâm là lòng thương xót. Vì thế tôi đã nghĩ tới việc tặng anh chị em hiện diện một ‘liều thuốc tinh thần’ gọi là Chuỗi Lòng Thương Xót. Chúng ta đã làm điều này một lần rồi, nhưng lần này nó có phẩm chất hơn: đó là Chuỗi Thương Xót Plus. Đó là một hộp có một tràng hạt và hình Chúa Giêsu Thương Xót, sẽ được các người nghèo, các anh chị em vô gia cư và người tỵ nạn phân phát.

Anh chị em hãy nhận lấy nó như là một sự trợ giúp tinh thần để phổ biến tình yêu thương, sự tha thứ và tình huynh đệ, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.”

14. Cựu Công tố viên của Vatican nói các Giám Mục nên xem phim Spotlight

Mỗi thành viên trong hàng giáo phẩm Công Giáo nên xem phim Spotlight. Đó là ý kiến của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna người từng là công tố viên hàng đầu của Vatican trong các trường hợp lạm dụng tính dục.

“Tất cả các giám mục và Hồng Y phải xem bộ phim này”, Đức Tổng Giám Mục Scicluna của Malta nói với tờ La Repubblica, nghĩa là Cộng Hòa của Ý. Ngài giải thích rằng bộ phim cho thấy “bản năng bảo vệ danh tiếng bằng mọi giá là hoàn toàn sai lầm.”

Spotlight là một bộ phim Mỹ chiếu lần đầu vào tháng 11 năm 2015. Đạo diễn bộ phim là Tom McCarthy, kịch bản được viết bởi McCarthy và Josh Singer. Bộ phim nói về một đội có tên là Spotlight của tờ The Boston Globe chuyên điều tra các vụ giáo sĩ xâm phạm tính dục trẻ em trong khu vực Boston.

15. Tòa Thánh thương tiếc cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros-Ghali

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gửi một bức điện chia buồn nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô sau cái chết của ông Boutros Boutros-Ghali, một tín hữu Chính Thống Giáo Coptic Ai Cập.

Ông Boutros-Ghali, năm nay 83 tuổi, từng là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trong 4 năm từ 1992 đến 1996.

Đức Hồng Y Parolin viết:

“Nhắc lại sự phục vụ quảng đại mà ông Boutros-Ghali dành cho nước Ai Cập của mình cho và cộng đồng quốc tế, Đức Thánh Cha bảo đảm về lời cầu nguyện của ngài cho phần rỗi đời đời của vị cố Tổng thư ký, và ngài khấn xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành, an bình và sức mạnh cho các thành viên trong gia đình của ông và cho tất cả những ai than khóc sự mất mát này.”

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …