Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 17 – 23/03/2016: Ngày thứ Ba Tuần Thánh kinh hoàng tại Brussels

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 17 – 23/03/2016: Ngày thứ Ba Tuần Thánh kinh hoàng tại Brussels

1. Khủng bố kinh hoàng tại Brussels ngày Thứ Ba Tuần Thánh

Ít nhất 34 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương tại Brussels sau một loạt các cuộc tấn công khủng bố đánh vào sân bay của thành phố và một ga tàu điện ngầm gần trụ sở Liên Hiệp Âu Châu.

Các nhân chứng mô tả cảnh tượng kinh hoàng như ngày tận thế với máu và những phần thân thể tung toé khắp mọi nơi sau hai vụ nổ bom gần quầy check-in của American Airlines tại phi trường Brussels lúc 8 giờ sáng giờ địa phương trong các vụ nổ bom tự sát. Ít nhất 14 người đã thiệt mạng và 35 người bị thương.

Tại sân bay, đã có những báo cáo về một cuộc đọ súng giữa cảnh sát và những kẻ tấn công là những kẻ đã hét lên bằng tiếng Ả Rập trước khi cho nổ bom.

Các vụ nổ gây chấn động nhà ga, làm vỡ cửa sổ và làm sụp trần nhà khiến hành khách hoảng sợ chạy thoát thân.

Sau đó 79 phút, tức là lúc 09:19, ít nhất 20 người khác đã thiệt mạng và 55 người bị thương, một số bị thương rất nặng, trong một vụ tấn công tại một nhà ga tàu điện ngầm chỉ cách trụ sở Liên Hiệp Âu Châu ở trung tâm thành phố có 400 mét.

Các vụ nổ đã khiến các chuyến bay bị hủy bỏ, dịch vụ Eurostar bị đình chỉ và biên giới Pháp – Bỉ tạm thời bị đóng cửa.

Hai nghi phạm đã bị bắt giữ cách nhà ga tàu điện ngầm Maelbeek khoảng một dặm vào khoảng 11:00 sáng khi hàng trăm binh sĩ và cảnh sát tràn ngập các đường phố Brussels trong cuộc săn lùng bọn khủng bố.

Binh lính đã cũng được triển khai tại các sân bay và các địa điểm quan trọng khác tại Brussels.

Các vụ đánh bom xảy ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Nội vụ Bỉ cảnh báo về các cuộc tấn công trả thù sau khi Pháp bắt giữ được tên khủng bố Salah Abdeslam vào hôm thứ Sáu.

2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Bỉ về vụ tấn công khủng bố tại Brussels

Sau một loạt các cuộc tấn công khủng bố đánh vào sân bay của thành phố và một ga tàu điện ngầm gần trụ sở Liên Hiệp Âu Châu làm ít nhất 28 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương, Hội Đồng Giám Mục Bỉ ra tuyên bố sau:

Các giám mục của Bỉ kinh hoàng khi được biết về cuộc tấn công tại sân bay Zaventem và tại trung tâm thủ đô Brussels. Các ngài chia sẻ nỗi đau của hàng ngàn du khách và gia đình họ, các nhân viên hàng không và các lực lượng tiếp cứu mà lại một lần nữa được kêu gọi để phục vụ. Các Giám Mục Bỉ ủy thác các nạn nhân cho những lời cầu nguyện của tất cả chúng ta trong tình huống bi đát mới diễn ra này. Các tuyên úy Airport hoạt động mỗi ngày để phục vụ tất cả và cung cấp những hỗ trợ tinh thần cần thiết. Cầu xin cho cả nước sống những ngày này với một ý thức trách nhiệm công dân cao độ.

Đức Tổng Giám Mục André-Joseph Léonard, Tổng Giám Mục Mechelen-Brussels, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bỉ

3. Đức Giáo Hoàng lên án bạo lực mù quáng gây quá nhiều đau khổ

Trong điện văn nhân danh Đức Thánh Cha gửi đến Đức Tổng Giám Mục Jozef De Kesel của tổng giáo phận Bruxelles-Malines, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:

“Khi hay tin về những vụ khủng bố xảy ra tại Bruxelles, gây hại cho nhiều người, Đức Thánh Cha Phanxicô phó thác cho lòng thương xót Chúa những người bị thiệt mạng và liên kết trong kinh nguyện với những người thân của họ. Ngài bày tỏ sự cảm thông sâu xa với những người bị thương và thân quyến, cũng như với tất cả những người đang góp phần cứu trợ. Ngài xin Chúa ban ơn an ủi khích lệ họ trong cơn thử thách. Đức Thánh Cha tái lên án bạo lực mù quáng gây ra bao nhiêu đau khổ và khẩn cầu Thiên Chúa ban ơn hòa bình. Ngài cầu xin Chúa chúc lành cho các gia đình bị thử thách và cho dân tộc Bỉ.”

Cho đến nay đã có ít nhất 34 người chết và 135 người bị thương trong các vụ tấn công ngày 22 tháng Ba tại Brussels.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, Tòa thánh nói với các phóng viên rằng chương trình các cử hành phụng vụ trong Tuần Thánh sẽ không thay đổi bất chấp vụ khủng bố tại Brussels và những tin đồn dai dẳng cho rằng bọn khủng bố đã có kế hoạch tấn công Rôma. Nhiều thành phố ở Liên hiệp Âu Châu đã được đặt trong tình trạng báo động và các biện pháp an ninh được tăng cường.

4. Lễ Lá tại Vatican

Sáng Chúa Nhật 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo.

Dưới bầu trời nắng xuân và trước sự hiện diện của 50 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa sau đó.

Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống có từ thế kỷ 16. Các cành lá này được Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng Y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

5. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ Tiệc Ly bên ngoài thành phố Rôma. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong nhiều năm qua cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh ở bên ngoài thành phố Rôma. Ngài sẽ cử hành thánh lễ tại một trung tâm dành cho những người tị nạn tại Castelnuovo di Porto.

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, là Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, cho biết như sau:

Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành nhiều thời gian tại Castelnuovo di Porto với những người tị nạn trẻ, đang được Trung tâm Tiếp nhận Người Tị Nạn, gọi tắt là CARA đón tiếp. Chuyến thăm đơn giản nhưng hùng hồn sẽ bao gồm việc cử hành nghi thức Rửa Chân. Đức Giáo Hoàng sẽ cúi xuống rửa chân cho 12 người tị nạn như một dấu chỉ phục vụ và sự chú ý đến tình trạng của họ.

Trong buổi Triều Yết Chung đặc biệt dành cho Năm Thánh vào ngày thứ Bảy 12 Tháng 3, khi nói về hành vi rửa chân, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi rửa chân cho các tông đồ, Chúa Giêsu muốn mạc khải phương thức hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta, và đưa ra một tấm gương về ‘điều răn mới’ của mình (Ga 13,34) là hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta, nghĩa là, yêu thương đến độ hy sinh mạng sống của mình vì chúng ta”. Phân tích sâu hơn, ngài nói thêm rằng tình yêu “là sự phục vụ thực tế mà chúng ta trao ban cho người khác. Tình yêu không phải là một từ, nó là một hành động, một sự phục vụ khiêm nhường, kín đáo và lặng lẽ” . Thật vậy, “nó được thể hiện trong việc chia sẻ của cải vật chất, để không ai bị bỏ lại trong cảnh quẫn bách”. Hơn nữa, đó là “phong cách sống mà Thiên Chúa đề nghị, ngay cả với người ngoài Kitô giáo, như là con đường đích thực của tình người.”

Trong ánh sáng của những nhận định đó chúng ta có thể hiểu được giá trị biểu tượng của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến trung tâm CARA tại Castelnuovo di Porto và hành vi cúi xuống rửa chân cho những người tị nạn của ngài. Hành động của ngài nhằm nhắc cho chúng ta nhớ rằng điều quan trọng là phải chú ý đến những người yếu thế nhất trong thời khắc lịch sử này; rằng chúng ta được kêu gọi để phục hồi nhân phẩm của họ chứ không phải là từ chối khéo. Chúng ta được kêu gọi để trông chờ Lễ Phục Sinh với con mắt của những người biến đức tin của mình thành một đời sống phục vụ cho những người với khuôn mặt hằn sâu dấu vết của khổ đau và bạo lực.

Nhiều người trong số những người trẻ này không phải là Công Giáo. Do đó, cử chỉ này của Đức Thánh Cha Phanxicô còn hùng hồn hơn nữa. Nó chỉ ra sự tôn trọng lẫn nhau là con đường của hòa bình. Tôn trọng có nghĩa là nhận thức được rằng có một người khác bên cạnh tôi. Một người đi với tôi, đau khổ với tôi, vui mừng với tôi. Một người mà, một ngày nào đó, tôi có thể dựa vào họ để được hỗ trợ. Bằng cách rửa chân cho các người tị nạn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nài xin sự tôn trọng đối với mỗi một người trong số họ.

6. Các cử hành Phụng Vụ trong Tam Nhật Thánh tại Vatican và Giêrusalem

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Dưới đây là chi tiết các cử hành Phụng Vụ trong Tam Nhật Thánh tại Vatican và Giêrusalem.

Thứ Năm Tuần Thánh

Lúc 9h30 sáng thứ Năm 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong thánh lễ dầu các linh mục lặp lại những lời hứa các ngài đã tuyên thệ khi thụ phong linh mục. Sau đó, các loại dầu được làm phép để dùng trong suốt năm khi thực hiện các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.

Trong khi đó, tại Thánh Điạ Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút cuối đời của Ngài, lúc 8h sáng thứ Năm 24 tháng Ba, tại nhà thờ Mộ Thánh, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem cử hành thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh. Trong Thánh Lễ, Đức Thượng Phụ cũng lặp lại nghi thức rửa chân. Sau đó, ngài làm phép các loại dầu thánh cho các bệnh nhân và cho các tân tòng, và dầu thánh hiến.

Lúc 9 giờ tối, cha Pierbattista Pizzaballa là Custos tức là trưởng đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ chủ sự đêm canh thức cùng với Chúa Giêsu tại vườn Giệtsimani được trực tiếp truyền hình trên nhiều kênh truyền hình thế giới.

Thứ Sáu Tuần Thánh

Lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thượng Phụ Fouad Twal, Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto là khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và hơn 200 linh mục cử hành thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá tại nhà thờ Mộ Thánh.

Vào lúc 11 giờ sáng, các hiệp sĩ Thánh Mộ và anh chị em tín hữu đã đi đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi để lên đồi Golgotha.

Các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô tại Thánh Địa Giêrusalem không kết thúc sau lễ nghi suy tôn thánh giá lúc 3 giờ chiều nhưng trái lại buổi tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mới là cao điểm với một nghi thức được nhiều người trông đợi đó là tang lễ của Chúa Kitô.

Đây là một nghi thức rất thịnh hành từ thời Trung Cổ ở nhiều quốc gia Âu Châu. Nhưng ở Giêrusalem, ngay tại nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và chịu chết trên thánh giá, nghi thức này có một ý nghĩa đặc biệt.

Ngay từ chiều tối đoàn rước tiến bước chậm chạp trong tiếng nhạc trầm buồn, u sầu trong đền thờ Thánh Mộ. Thỉnh thoảng đoàn lại dừng ở các nhà nguyện khác nhau trong đền thờ để suy niệm.

Tại Vatican, lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 25 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành nghi thức Suy Tôn Thánh Giá tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lúc 21:15 tại hí trường Côlôsê, Đức Thánh Cha chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự.

Thứ Bẩy Tuần Thánh

Lúc 7h30 sáng thứ Bẩy 26 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Phục sinh. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

Tại Vatican, lúc 8h30 tối Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự Thánh Lễ Vọng Phục sinh bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Chúa Nhật Phục Sinh

Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật 27 tháng Ba, Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ Phục sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Tiếp theo đó, từ ban công chính của đền thờ, ngài sẽ đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới cùng nghi thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

7. Đức Thánh Cha tiếp kiến 3 ngàn sinh viên quốc tế

Trong buổi tiếp kiến 3 ngàn sinh viên quốc tế sáng ngày 17-3 , Đức Thánh Cha mời gọi họ đặc biệt quan tâm đến dân nghèo, người tị nạn và những người gặp khó khăn.

Các sinh viên quốc tế này tham dự khóa học thường niên di động trong chương trình gọi là “Havard World Model United Nations”, do Đại Học Havard ở Mỹ cùng với 1 đại học địa phương ở thành phố đón tiếp các sinh viên tham dự khóa học. Hiện nay có hơn 2 ngàn đại học từ trên 70 quốc gia trên thế giới tham gia các khóa học này.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói: “Thành quả lớn nhất trong việc tụ họp nhau ở Roma này không hệ tại việc học về ngoại giao, các hệ thống cơ chế và các tổ chức, tuy rằng những điều này là quan trọng và đáng được các bạn học hỏi. Thành quả lớn hơn chính là thời gian các bạn trải qua với nhau, gặp gỡ những người từ mọi nơi trên thế giới, không những họ tượng trưng cho bao nhiêu thách đố hiện nay, nhưng nhất là họ là biểu tượng các tài năng phong phú khác nhau và tiềm năng của gia đình nhân loại”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Trong những ngày này, các bạn học hỏi rất nhiều với nhau và nhắc nhở nhau rằng đằng sau mỗi khó khăn mà thế giới gặp phải, có những người nam nữ, già trẻ, những người như các bạn. Có những gia đình và cá nhân đang phải vật lộn mỗi ngày để sống, họ cố gắng săn sóc con cái và cung cấp cho chúng không những tương lai, nhưng cả những nhu cầu cơ bản của ngày hôm nay. Nhiều người trong số họ phải chịu những vấn đề trầm trọng của thế giới ngày nay, nạn bạo lực và bất bao dung, họ trở thành những người tị nạn, buộc lòng phải bỏ gia cư, bị tước đoạt đất đai và tự do”.

Đức Thánh Cha nói: “Đó là những người đang cần được các bạn giúp đỡ, họ lớn tiếng xin các bạn lắng nghe họ, hơn bao giờ hết họ đang được những cố gắng của các bạn thực hiện công lý, hòa bình và tình liên đới. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta phải vui với người vui, và khóc với người khóc” (Xc Rm 12,15).

Sau cùng Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng các sinh viên quốc tế thấy “sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo trong việc phục vụ người nghèo và người tị nạn, nâng đỡ các gia đình và các cộng đoàn, bảo vệ phẩm giá bất khả nhượng và các quyền của mỗi phần tử trong gia đình nhân loại”. Ngài nói: “Các tín hữu Kitô chúng ta tin rằng Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta phục vụ các anh chị em, săn sóc lẫn nhau, bất luận nguyên quán hoặc hoàn cảnh của họ. Nhưng đây không phải chỉ là đặc điểm của các tín hữu Kitô, nhưng là một lời kêu gọi phổ quát, ăn rễ sâu nơi chính nhân tính chung của chúng ta”.

8. Đức Thánh Cha sai 270 gia đình đi truyền giáo

Sáng 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 8 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng và sai thêm 270 gia đình từ 5 châu ra đi truyền giáo cho dân ngoại tại 56 cứ điểm.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến tại Đại Thính Đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican, có vị người sáng lập Con đường này là Ông Kikô Arguello và bà Carmen Hernandez người Tây Ban Nha và cha Mario Pezzi, vị linh hướng. Ngoài ra có gần 20 HY và Giám Mục thuộc các giáo phận nơi có các thành viên Con đường Tân Dự Tòng.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các thành viên Con đường Tân dự tòng vun trồng tình hiệp nhất trong tinh thần khiêm tốn, tìm kiếm vinh quang đích thực là tình yêu thương xót của Chúa, sau cùng là dấn thân loan báo Tin Mừng cho thế giới, cho các gia đình và tha nhân.

Đức Thánh Cha đề cao tình hiệp thông trong Giáo Hội và cảnh giác chống lại cám dỗ của ma quỉ luôn tìm cách gieo rắc chia rẽ. Ngài nói: “Tình hiệp thông là điều thiết yếu. Kẻ thù của Thiên Chúa và của con người là ma quỉ, hắn không thể làm gì chống lại Tin Mừng, chống lại sức mạnh khiêm tốn của lời cầu nguyện và các bí tích, nhưng hắn có thể gây hại rất nhiều cho Giáo Hội bằng cách cám dỗ nhân tính của chúng ta. Hắn khơi lên sự tự phụ, xét đoán người khác, khép kín, chia rẽ. Ma quỉ là kẻ chia rẽ và thường bắt đầu bằng cách làm cho chúng ta tưởng mình là tốt lành, thậm chí tốt lành hơn người khác, và thế là hắn có thửa đất sẵn sàng để gieo cỏ dại vào”.

Đức Thánh Cha đề cao đoàn sủng mà các thành viên Con đường tân dự tòng nhận lãnh qua việc canh tân cuộc sống theo tinh thần bí tích rửa tội. Nhưng ngài cảnh giác: “Đoàn sủng này có thể bị hư hỏng khi người ta khép kín, hoặc tự phụ, khi người ta muốn nổi bật hơn người khác. Vì thế cần phải bảo tồn đoàn sủng ấy bằng cách bước theo con đường tuyệt hảo là sự hiệp nhất trong khiêm tốn và vâng phục. Nếu có tinh thần như thế, thì Chúa Thánh Linh tiếp tục hoạt động, như Chúa đã làm nơi Mẹ Maria, cởi mở, khiêm tốn và vâng phục”.

Sau huấn từ, Đức Thánh Cha đã làm phép các thánh giá truyền giáo các gia đình thừa sai cầm trong tay, và một số khác đặt trên khay. Rồi ngài trao riêng thánh giá cho các linh mục hướng dẫn 56 nhóm.

Trong số 56 cứ điểm truyền giáo mà Đức Thánh Cha sai 270 gia đình với hơn 1,500 người con tới đó, có 14 cứ điểm ở Á châu, 30 tại Âu Châu, 4 ở Úc châu và 2 tại Mỹ châu. Mỗi nhóm truyền giáo được sai đi như thế gồm có 4 hoặc 5 gia đình, một linh mục, tức là khoảng 40 người. Tổng cộng có gần 2 ngàn người được nhận thánh giá truyền giáo. Thường thường các nhóm được gửi đến những vùng trong đó sự hiện diện của Kitô giáo bị sa sút như tại nhiều nước Âu Châu như Pháp, Ái Nhĩ Lan, Thụy Điển, Anh quốc, v.v.

Như vậy, với các nhóm mới được sai đi lần này, tổng cộng có 184 cứ điểm truyền giáo của Con đường Tân dự tòng trên thế giới, trong đó có 48 tại Á châu và 106 tại Âu Châu, tất cả là 750 gia đình với gần 4 ngàn người con.

Tại Mỹ châu các gia đình được những nước như Canada, Hoa Kỳ, Peru và Brazil. Có một số nhóm đi Ấn độ và Trung Quốc. Việc gửi các gia đình này được thực hiện theo lời thỉnh cầu của các Giám Mục địa phương.

Con đường Tân Dự Tòng được thành lập năm 1964 do Ông Kiko Arguello và Bà Carmen Hernández tại Madrid, Tây Ban Nha. Hiện nay Con đường này hiện diện tại 128 quốc gia năm châu, với hơn 25 ngàn cộng đoàn tại gần 7 ngàn giáo xứ.

Con đường này cũng có hơn 100 đại chủng viện giáo phận thừa sai Mẹ Đấng Cứu Chuộc với hơn 2.500 đại chủng sinh giáo phận đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục. Từ năm 1989 đến nay có hơn 2 ngàn linh mục đã xuất thân từ các đại chủng viện vừa nói.

9. Đức Thánh Cha tấn phong Giám Mục cho hai vị tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Sáng thứ Bảy 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Giám Mục cho hai vị là Đức Cha Peter Brian Wells, 53 tuổi, được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Phi, Botswana, Lesotho, và Namibia hôm 13 tháng Hai vừa qua; và Đức Cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, 64 tuổi, tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.

Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, và Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh là hai vị phụ phong với Đức Thánh Cha trong buổi lễ. Cùng đồng tế với ngài, còn có hơn 60 Hồng Y, Giám Mục và khoảng 150 linh mục, trước sự hiện diện của 5 ngàn tín hữu. Nhiều vị đại diện các tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật Giáo cũng có mặt trong buổi lễ.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng khi một vị Giám mục thi hành sứ vụ của mình, thì khi đó chính Đức Kitô đang hành động: “Đức Kitô đang rao giảng, Đức Kitô đang xây dựng Hội Thánh, Đức Kitô đang làm cho Giáo Hội sinh nhiều hoa trái, Đức Kitô đang hướng dẫn”

Đức Thánh Cha nhắc nhở các giám mục rằng họ là “tôi tớ cho tất cả”, là người lớn nhất và là người rốt cùng, luôn luôn là người tôi tớ, luôn luôn phục vụ người khác.

“Chức Giám Mục là danh xưng của một việc phục vụ chứ không phải là một vinh dự. Giám Mục có nghĩa vụ phục vụ hơn là thống trị, theo mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh: ‘Ai lớn nhất trong các con, thì hãy trở thành người bé nhỏ nhất. Và ai cai trị, thì hãy hành động như người phục vụ’”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đừng quên rằng bổn phận đầu tiên của một Giám Mục là cầu nguyện. Sứ vụ thứ hai là công bố Lời Chúa.” Tất cả mọi thứ khác đến sau. Nếu một Giám mục không cầu nguyện, ngài chẳng thể làm gì.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc yêu thương những người Chúa đã giao phó cho họ chăm sóc, và đặc biệt là các linh mục và phó tế. Họ là những cộng tác viên thân cận nhất của Giám Mục, là “những người hàng xóm” đầu tiên. Nếu các Giám mục không học cách yêu thương những người gần gũi nhất với ngài, ngài sẽ không thể yêu thương tất cả mọi người.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi các Giám Mục thực sự nhìn vào các tín hữu – không nhìn xéo xéo, nhưng nhìn thẳng vào mắt họ, để vị Giám Mục có thể nhìn thấy họ với con tim mình.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài với lời cầu nguyện xin Chúa đồng hành cùng với các tân chức, và gần gũi với các ngài trên hành trình mới.

10. Đức Thánh Cha khởi động account Instagram của ngài

Hôm thứ Bẩy 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kỷ niệm ngày Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh của ngài với việc khởi động account Instagram mới của ngài. Trong một tweet ngài nói: “Tôi bắt đầu một cuộc hành trình mới, trên Instagram, để đi cùng anh chị em trên con đường của tình thương và sự dịu dàng của Thiên Chúa”

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã tự mình khởi động account có tên gọi là “Franciscus” từ nơi cư trú của ngài tại Casa Santa Marta. Ngài cũng đã đăng hình ảnh đầu tiên của ngài đang quỳ cầu nguyện.

Để lập hồ sơ account của mình, Đức Thánh Cha đã được hỗ trợ bởi Kevin Systrom, giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập Instagram, và Đức Ông Lucio Adrian Ruiz, thư ký của viện truyền thông Tòa Thánh.

Được thành lập vào năm 2010, Instagram có khoảng 400 triệu người sử dụng trên toàn thế giới nhằm chia sẻ hình ảnh và video với một cộng đồng những người dùng Internet. Sự ra mắt tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng sẽ tăng sự hiện diện đáng kể của ngài trên các mạng truyền thông xã hội. Tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha, với hashtag “@Pontifex”, được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 khởi động, đã có hơn 26 triệu người theo dõi.

Phát biểu hồi đầu tuần này với Radio Vatican, Viện Trưởng viện Truyền thông Vatican là Đức Ông Dario Viganò cho biết quyết định mở một tài khoản Instagram phát sinh từ niềm tin của Đức Giáo Hoàng rằng hình ảnh có thể mang lại nhiều điều mà từ ngữ không thể chuyển tải. Mục đích của tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng, là để kể câu chuyện của triều đại Giáo Hoàng Phanxicô qua hình ảnh.

11. Đức Hồng Y Parolin viếng thăm Macedonia và Bulgaria

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viếng thăm chính thức tại Cộng hòa Macedonia và Bulgaria từ ngày 18 đến 22-3, theo lời mời của chính quyền và giáo quyền Công Giáo tại hai nước liên hệ.

Theo hãng tin SIR của Hội Đồng Giám Mục Italia, chặng dừng đầu tiên của Đức Hồng Y Parolin là thành phố Skopjie, thủ đô Macedonia. Ngài gặp chính quyền và cử hành thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ chính tòa Thánh Tâm. Skopjie cũng là nơi sinh của Mẹ Têrêsa Calcutta.

Sau thánh lễ, Đức Hồng Y Parolin tham dự buổi giới thiệu cuốn sách phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô “Tên của Thiên Chúa là lòng thương xót” được dịch ra tiếng Macedonia, rồi ngài khánh thành tòa Giám Mục mới ở Skopjie, gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ của giáo phận. Sau cùng ĐH viếng thăm cộng đoàn Công Giáo tại thành phố Strumica, là trụ sở của các tín hữu Công Giáo nghi lễ đông phương Bizantine ở Macedonia.

Sáng Chúa Nhật 20-3, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh đến viếng thăm nước Bulgaria, thánh hiến nhà thờ Đức Mẹ An Nghỉ ở thủ đô Sofia mới được tu bổ. Đây là trung tâm của giáo phận Công Giáo Đông phương ở Bulgaria.

Ban chiều cùng ngày, Đức Hồng Y viếng thăm Đồng Nhà Thờ chính tòa Công Giáo Đông phương, được dâng kính thánh Gioan 23. Ngài viếng Đan viện các nữ tu Thánh Thể cạnh đó và trung tâm y tế “Gioan Phaolô 2” do các nữ tu đảm trách, chuyên săn sóc các bệnh nhân nghèo và người tị nạn.

Tối 20-3, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cử hành thánh lễ Chúa Nhật lễ lá tại Đồng Nhà chính tòa Thánh Giuse của Công Giáo la tinh, trước khi gặp hàng giáo sĩ, tu sĩ Công Giáo Bulgaria.

Sau cùng ngày 21-3, Đức Hồng Y Parolin gặp Đức Thượng Phụ Neofit và một số vị trong thánh Hội đồng Chính Thống Bulgaria, trước khi gặp tổng thống Rossen Plevneliev, thủ tướng Boyko Borissov và đại giáo trưởng Hồi giáo Mustafa Hadzi.

12. Ý nghĩa việc Chính Phủ Mỹ chính thức xếp các tàn ác của ISIS vào loại diệt chủng

Đầu tuần qua, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết do các dân biểu Cộng Hòa đưa ra nhằm kết án ISIS tội diệt chủng chống lại các Kitô Hữu, người Yazidi và các nhóm thiểu số khác.

Động thái trên nhằm gây áp lực buộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải chính thức công bố và xác nhận ISIS phạm tội diệt chủng. Điều này, tuy không lập tức thay đổi được gì trong chiến lược của Hoa Kỳ, nhưng nó cũng buộc chính phủ Hoa Kỳ phải thiết lập tài liệu cho các tội ác của ISIS và nhận diện những tên tội phạm để có thể truy tố về sau.

Hơn nữa, như lời nhận định của dân biểu Cộng Hòa Jeff Fortenberry của Nebraska, người đệ trình nghị quyết, điều này sẽ tạo “hy vọng mới” cho các nạn nhân của ISIS vì họ thấy rằng “một liên minh đa phái và đại kết” đã coi trọng những thống khổ của họ.

Theo John Allen, bản tuyên bố của ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có ba ý nghĩa:

Thứ nhất, nó có thể có nghĩa là một vai trò quân sự mạnh mẽ hơn cho Hoa Kỳ. Ngày nay, khi ta hỏi bất cứ nhà lãnh đạo Kitô Giáo nào ở Trung Đông ngày nay, họ đều nói rằng họ tin tưởng Nga hơn bất cứ cường quốc Tây Phương nào khác, không những về phương diện đánh trả ISIS mà cả về phương diện bảo vệ các nhóm thiểu số Kitô Giáo.

Thứ hai, nó cũng có thể có nghĩa là đưa ra các cam kết dài hạn về tài chánh và chính trị để trợ giúp tái thiết các cộng đồng thiểu số tại Syria, Iraq và Libya khi ISIS bị đẩy lui. Nói bao quát hơn, nó có nghĩa thừa nhận rằng phát huy sinh lực của những cộng đồng này có lợi cho chiến lược trực tiếp của Hoa Kỳ và thế giới. Sự hiện diện của họ bảo đảm tính đa nguyên và bức tường ngăn ngừa sự lan tràn của chủ nghĩa quá khích; vì các Kitô hữu Trung Đông có tiếng là những người hết lòng hỗ trợ dân chủ và tính thế tục lành mạnh theo nghĩa tách tôn giáo ra khỏi nhà nước.

Vả lại, nhờ các liên hệ của họ với những người đồng đạo khắp thế giới, các Kitô Hữu tại Trung Đông cũng đại diện cho cầu nối tự nhiên với Tây Phương và nói chung là những đối tác tự nhiên nhất của cuộc đối thoại với các nhà ngoại giao, chính khách và người tranh đấu Tây Phương. Không có họ, không những là một thương tích sâu xa cho đức tin mà còn gây ra nhiều nguy cơ chính trị và chiến lược thực sự. Ngăn ngừa điều này đáng trở thành một ưu tiên cho chính sách ngoại giao.

Thứ ba, nó cũng có thể có nghĩa là coi trọng tiếng nói của các cộng đồng thiểu số này khi Hoa Kỳ và các cường quốc khác đưa ra quyết định. Chỉ cần đơn cử một điển hình: Hoa Kỳ vẫn có ác cảm với Assad đến nỗi Tháng Chín năm 2013, Hoa Kỳ gần như sẽ gây chiến với chế độ của ông ta tại Syria. Chống lại mưu toan này là vai trò chính trị đầu tiên của vị tân giáo hoàng Phanxicô, vừa được bầu lúc đó.

Cuối năm 2013, Putin tuyên dương công trạng của ngài trong vai trò trên bằng cách trưng dẫn bức thư ngài gửi cho Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tại St. Petersburg, trong đó, ngài cảnh cáo “thật là vô ích khi theo đuổi giải pháp quân sự” tại Syria

Khi ta hỏi bất cứ người Kitô hữu Syria nào xem họ nghĩ gì về Assad, họ sẽ cho biết: họ không hề có bất cứ ảo tưởng nào về bản chất chế độ của ông ta, nhưng họ không muốn thấy ông ta bị buộc phải ra đi. Lý do là vì giải pháp thay thế ông ta sẽ tồi tệ hơn nhiều. Theo họ, việc chọn lựa không phải giữa một nhà nước cảnh sát trị và một nền dân chủ phồn thịnh; mà là giữa một nhà nước cảnh sát trị và việc biến đất nước thành hư không.

Khi Hoa Kỳ đang đắn đo phải triển khai ảnh hưởng của mình ra sao, thì một cách nhìn như thế đáng được cân nhắc tính toán. Nếu Hoa Kỳ chịu lưu ý tới thiểu số Kitô Giáo ở Iraq năm 2003, vai trò của họ ở đấy chắc chắn đã khác xa rồi!

13. Giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng tin rằng “cuộc chiến” giữa Công Giáo và Tin Lành đã tới hồi kết thúc

Trong bài thứ Năm, và cũng là bài cuối cùng trong chương trình tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giáo triều Rôma, hôm thứ Sáu 18 tháng Ba, Cha Raniero Cantalamessa dòng Capuchin Phanxicô, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, bày tỏ tin tưởng rằng “cuộc chiến” giữa Công Giáo và Tin Lành có lẽ đã tới hồi kết thúc.

Cha Cantalamessa nói rằng bên cạnh các cuộc thảo luận về tín lý, một phong trào đại kết liên quan đến những cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa và sự hòa giải con tim đã làm cho các cộng đồng Kitô hữu xích lại gần nhau hơn trong những thập kỷ gần đây. Khi thế giới đang tiến đến kỷ niệm 500 của cuộc Cải Cách Tin Lành, cha Cantalamessa nói rằng các nhà lãnh đạo Kitô giáo cần phải tập trung vào những niềm tin mà họ cùng chia sẻ, chứ không phải là tranh cãi về công thức tín lý.

Ngài nói rằng các mâu thuẫn giữa người Công Giáo và Tin Lành thường được dựa trên sự hiểu lầm giáo huấn của Thánh Phaolô về sự công chính hóa. Ngài giải thích: Những gì vị Tông Đồ muốn khẳng định trong chương thứ Ba của thư gởi các tín hữu Rôma là trên tất cả không phải chúng ta được công chính hóa bởi đức tin mà chúng ta được nên công chính nhờ đức tin nơi Chúa Kitô; cũng thế chúng ta được công chính hóa chủ yếu nhờ những ân sủng của Chúa Kitô. Chúa Kitô là trọng tâm trong giáo huấn của Thánh Phaolô về sự công chính hóa.

Cha Cantalamessa cho rằng bằng cách đặt niềm tin vào Chúa Kitô, người Công Giáo và Tin lành có thể vượt qua những khác biệt. “Những cuộc chiến tranh tôn giáo giữa người Công Giáo và Tin lành đã qua rồi, và chúng ta còn bao nhiêu điều phải làm hơn là chiến đấu với nhau!”

14. Đức Thánh Cha có thể sẽ viếng thăm Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ xao xuyến

Khả thể có một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Armenia vào tháng Sáu năm nay đang được thảo luận tại Vatican, Cha Federico Lombardi đã cho biết như trên hôm 18 tháng Ba.

Phát ngôn viên của Đức Giáo Hoàng nói rằng đang có những thảo luận theo đó Đức Thánh Cha sẽ thăm Armenia vào cuối tháng Sáu. Tuy nhiên lịch trình chính thức vẫn chưa được thiết lập.

Cha Lombardi nói rằng các báo cáo lưu hành trong các phương tiện truyền thông, theo đó Đức Giáo Hoàng sẽ tới thăm Armenia từ ngày 22 đến 26, là không chính xác. Ngài khuyên các phóng viên chờ đợi một thông báo chính thức để tránh nhầm lẫn.

Khả thể có một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Armenia đã lập tức gây chú ý trên các phương tiện truyền thông trong những ngày qua vì Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra đặc biệt nhạy cảm về vấn đề này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 5 tháng Sáu năm 2013, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đưa công hàm phản đối với Vatican sau khi Đức Thánh Cha đề cập đến việc tàn sát hàng loạt người Armenia trong thời gian từ 1915 – 1918 và gọi đó là “cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20.”

Cũng vào dịp Phục sinh năm ngoái, Đức Thánh Cha lại một lần nữa nhắc lại chuyện này. Ngài nói rằng tội ác diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915 “đặt trước chúng ta bóng tối của mysterium iniquitatis – mầu nhiệm sự ác”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói như trên hôm 09 tháng Tư, 2015 với một nhóm các giám mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Armenia sang Rôma để tham dự lễ tuyên phong Thánh Grêgôriô thành Narek là tiến sĩ Hội Thánh vào ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa 11 tháng Tư, 2015.

Trong buổi gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng bày tỏ hy vọng rằng buổi lễ này, diễn ra trong bối cảnh của Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, có thể “chữa lành mọi vết thương và đẩy mạnh các cử chỉ cụ thể của sự hòa giải và hòa bình giữa hai quốc gia [Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia] mà đến nay vẫn chưa đạt được một sự đồng thuận hợp lý về việc giải thích những sự kiện đáng buồn này.”

Đức Giáo Hoàng đã vinh danh dân tộc Armenia đã đón nhận đức tin Kitô vào năm 301, là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của một lịch sử lâu dài và đáng tự hào đã đem lại cho các Kitô hữu ngày nay “một gia sản đáng ngưỡng mộ về tâm linh và văn hóa.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng ngày nay một số các Kitô hữu Armenia sinh sống tại hải ngoại lại một lần nữa gặp nguy hiểm. Ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu sinh sống tại Aleppo, Syria, nơi “mà một trăm năm trước đây đã là một nơi trú ẩn an toàn cho những người sống sót” nạn diệt chủng gây ra bởi những người cai trị Thổ Nhĩ Kỳ.

15. Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsê Thứ Sáu Tuần Thánh: Con người ngày nay bất hạnh và đau khổ một cách bi đát

Lúc 21:15 ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 25 tháng Ba, tại hí trường Côlôsê, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự.

Bài suy niệm tại các chặng Đàng Thánh Giá được viết bởi Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Tổng Giám Mục Perugia, ở miền Trung nước Ý nơi có tỷ lệ người Công Giáo lên đến 98.7% với 229,500 tín hữu.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 6 năm 1966. Ngày 9 thang 8 năm 1994 ngài được tấn phong Giám Mục và được tấn phong Hồng Y ngày 22 tháng Hai năm 2014.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư 16 tháng 3 với tờ Quan Sát Viên Rôma, Đức Hồng Y Bassetti cho biết bài suy niệm các chặng Đàng Thánh Giá năm nay có tựa đề “Thiên Chúa Là Lòng Thương Xót”.

Đức Hồng Y nhận xét rằng Đàng Thánh Giá và Năm Thánh Lòng Thương Xót “nói với tất cả những nam nữ ngày nay, là những người dường như cô đơn và bối rối hơn bao giờ, chóng mặt trước một xã hội liên tục thay đổi để rồi nhanh chóng chấp nhận tất cả mọi thứ – hàng hóa, tình cảm và mong muốn – và do đó dường như đã mất cả ý niệm về tội lỗi và sự thật”.

Đức Hồng Y nói: “Con người ngày nay, đối với tôi, có vẻ bất hạnh và đau khổ một cách bi đát.”

Ngài giải thích rằng “đau khổ có thể nhìn ra dễ dàng” nơi những người nghèo, những người nhập cư, người bệnh, những người cô đơn và bị bỏ rơi. “Nhưng đồng thời, chúng ta cũng gặp những người giàu có, những kẻ dường như có tất cả mọi thứ, nhưng trong thực tế, không có gì – họ sống một cuộc sống trống rỗng, và trong một số trường hợp, thậm chí muốn chết cho xong. Như một người nào đó đã từng viết, sự ác, do đó, ‘có gì là lạ đâu’, nhưng Chúa Giêsu trên thập giá đem đến cho cuộc sống một ý nghĩa khác và chỉ cho chúng ta thấy một con đường khác: con đường hoán cải”

Đức Hồng Y Bassetti cho biết, bài suy niệm các chặng Đàng Thánh Giá năm nay tham chiếu đến các giáo huấn của Đức Gioan XXIII, Đức Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng quan trọng hơn, ngài đã cố gắng để “nói với trái tim con người.”

“Trong mỗi chặng, tôi đã cố gắng tham chiếu đến các sự kiện đang diễn ra chung quanh chúng ta,” như “các vị tử đạo mới” đang bị giết vì đức tin Kitô, những người di cư và người tị nạn và tai ương bạo lực trên các trẻ em.”

Ngài tâm sự rằng: “Khi tôi viết những dòng này, tôi có cảm giác tôi không sử dụng một cây bút và một tờ giấy, nhưng một cái đục trên một mảnh đá cẩm thạch, khắc ghi lại biết bao những đau khổ trước những tai ương này”

Đức Hồng Y Bassetti nói chặng thứ Nhất khi quan Phongxiô Philatô kết án Chúa Giêsu, chặng thứ Tư khi Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ và chặng thứ Mười Một khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thánh giá đã gây xúc động mãnh liệt cho ngài khi viết bài suy niệm cho những chặng này. Tất cả ba chặng đó, được liên kết bởi “chiều kích của uy lực”: “uy lực chính trị” của Philatô, “uy lực phát sinh” từ đức tin của Đức Mẹ và “uy lực thần thánh” của thánh giá.

16. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Bồ Đào Nha

Hôm thứ Năm 17 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến ông Marcelo Rebelo de Sousa, Tổng thống Cộng hòa Bồ Đào Nha, tại dinh Tông Tòa của Vatican.

Đây là chuyến viếng thăm ngoại giao đầu tiên của Tổng thống ở nước ngoài sau lễ nhậm chức. Hai vị đã bày tỏ sự hài lòng trước các mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Bồ Đào Nha, cũng như sự đóng góp của Giáo Hội vào cuộc sống của đất nước, đặc biệt trong cuộc tranh luận xã hội về nhân phẩm của con người và gia đình.

Trong các cuộc thảo luận thân mật sau đó, hai vị đã có một cuộc trao đổi quan điểm về tình hình ở châu Âu và khu vực Địa Trung Hải, đặc biệt là vấn đề di cư và các vấn đề quốc tế khác liên quan.

Ông Rebelo de Sousa sau đó đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Tổng Trưởng Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước.

17. Pakistan bất ngờ công nhận lễ Phục Sinh là ngày nghỉ lễ

Quốc hội Pakistan đã thông qua một nghị quyết công nhận lễ Phục Sinh là một ngày nghỉ lễ cho các Kitô hữu.

Thông thường việc công nhận như thế thường là một nhượng bộ ngoại giao nào đó. Chẳng hạn như trường hợp Cuba công nhận ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là quốc lễ vào năm 2012. Ngày 9 tháng Tư năm 2012 là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên được Cuba tổ chức như một ngày nghỉ trong nhiều thập kỷ, theo sau một yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 gửi đến Chủ tịch Raul Castro trong chuyến viếng thăm đảo quốc này từ ngày 26 đến ngày 28 tháng Ba năm 2012.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Pakistan chào đón quyết định này. Tuy nhiên các vị cho rằng một ưu tiên cấp bách hơn là việc bảo vệ các quyền của các tôn giáo thiểu số.

Nghị quyết cũng công nhận hai ngày lễ Holi và Diwali của Ấn Giáo.

Nghị quyết này, được đưa ra Quốc Hội bởi một nhà lập pháp Ấn Độ giáo, là một cử chỉ quan trọng đối với tôn giáo thiểu số ở Pakistan nơi người Hồi giáo chiếm đa số.

18. Caritas Italiana công bố tài liệu cho thấy 4.5 triệu người Syria phải lưu vong

Caritas Italiana, các cơ quan cứu trợ và phát triển của Giáo Hội tại Ý, đã công bố một bản báo cáo dài 24 trang đánh dấu kỷ niệm năm thứ năm cuộc nội chiến tại Syria.

Theo Caritas, cuộc chiến tranh, đã làm thiệt mạng hơn 260,000 người, đã khiến 12.5 triệu người rời bỏ nhà cửa của họ: tám triệu người đã phải lánh nạn trong nội bộ Syria, và 4.5 triệu người phải lưu vong ra nước ngoài. Đa số người tị nạn sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Li Băng và Iraq.

Kêu gọi thế giới tiếp tục hỗ trợ người tị nạn, Caritas khẩn thiết kêu gọi việc đấu tranh cho hòa bình “ở cấp độ của các chính phủ và các tổ chức quốc tế.”

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …