Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 16/07 – 22/07/2015: Sinh Nhật Thánh Gioan Bosco, thánh tích Thánh Piô Năm Dấu Thánh

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 16/07 – 22/07/2015: Sinh Nhật Thánh Gioan Bosco, thánh tích Thánh Piô Năm Dấu Thánh

  1. Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành cảm thương dân chúng

Trông thấy, cảm thương và dậy dỗ là ba động từ diễn tả thái độ của Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành. Lòng thương xót của Ngài không chỉ là tâm tình nhân loại, nhưng là sự cảm thương của Đấng Cứu Thế nhập thể sự dịu hiền của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19 tháng Bẩy. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha chào và khen mọi người: Tôi thấy anh chị em thật can đảm với cái nóng tại quảng trường. Xin khen ngợi anh chị em. Nắng hè Roma tại quảng trường nóng hơn 40 độ C. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Phúc Âm hôm nay nói với chúng ta rằng Các Tông Đồ đã trở về hài lòng, nhưng mệt mỏi sau kinh nghiệm truyền giáo. Và Chúa Giêsu tràn đầy thương xót muốn cho các ông một chút củng cố; vì thế Ngài đưa các ông đi riêng ra trong một nơi thanh vắng, để các ông có thể nghỉ ngơi một chút (x, Mc 6,31) “Nhưng nhiều người trông thấy các ngài ra đi, họ hiểu… và đi tới trước các ngài” (c. 32). Tới đây thánh sử cống hiến cho chúng ta một hình ảnh của Chúa Giêsu đặc biệt sâu đậm, như thể là chụp hình các con mắt của Chúa, và tiếp nhận các tâm tình của con tim Ngài; và thánh sử nói: Xuống thuyền Ngài trông thấy một đám đông lớn, Ngài cảm thương họ, bởi vì họ như chiên không có người chăn, và Ngài bắt đầu giảng dậy họ nhiều điều (c. 34). Đức Thánh Cha định tính thái độ của Chúa Giêsu như sau: Chúng ta hãy lấy lại ba động từ của hình ảnh gọi hứng này: trông thấy, cảm thương và dậy dỗ. Chúng ta có thể gọi chúng là các động từ của vị Mục Tử. Trông thấy, cảm thương và dậy dỗ. Động từ thứ nhất và thứ hai, trông thấy và cảm thương luôn luôn được kết hiệp trong thái độ của Chúa Giêsu. Thật thế, cái nhìn của Ngài không chỉ là cái nhìn của một nhà xã hội học hay của một phóng viên chụp hình, bởi vì Ngài luôn “nhìn với đôi mắt của con tim”. Hai động từ trông thấy và cảm thương diễn tả gương mặt Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Sự cảm thương của Ngài không phải là một tâm tình nhân loại, nhưng là sự cảm xúc của Đấng Cứu Thế, nơi Người nhập thể sụ dịu hiền của Thiên Chúa.Và từ lòng cảm thương này nảy sinh ra ước muốn của Chúa Giêsu dưỡng nuôi đám đông với bánh Lời Ngài, nghĩa là giảng dậy Lời Chúa cho dân chúng. Chúa Giêsu trông thấy, Chúa Giêsu cảm thương, Chúa Giêsu giảng dậy. Điều này thật là đẹp!

2. Đức Thánh Cha chuẩn y nghị định công nhận nhân đức anh hùng của tám vị

Trong buổi tiếp kiến ngày 16 tháng 7 với Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Bộ Phong Thánh, và các thành viên Bộ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn nghị định về các nhân đức anh hùng của tám vị tôi tớ Chúa, là những vị giờ đây được các tín hữu kêu cầu với danh hiệu “bậc đáng kính”. Tám vị này là • Đức Tổng Giám mục của thành Lviv Andrey Sheptytsky (1865-1944), người đã lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine Hy Lạp trong 43 năm cuối cùng của cuộc sống mình. • Đức Giám Mục Giuseppe Carraro của Verona, Ý (1899-1980) • Cha Agustín Ramirez Barba (1881-1967), một linh mục người Mexico thành lập dòng các Nữ Tử Lòng Thương Xót Chúa  • Cha Simpliciano của Chúa Giáng Sinh (1827-1898), một linh mục dòng Phanxicô người Ý, đấng sáng lập dòng Nữ Tử Thánh Tâm Phanxicô.  • Mẹ Maria del Refugio Aguilar y Torres (1866-1937), đấng sáng lập Dòng Nữ Thánh Thể • Chị Maria Teresa Dupouy Bordes (1873-1953), một nữ tu người Pháp, đấng sáng lập Dòng Thừa Sai Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria và qua đời tại Tây Ban Nha. • Chị Elisa Miceli (1904-1976), người Ý, đấng sáng lập phong trào chị em giáo lý viên nông thôn của Thánh Tâm Chúa Giêsu. • Chị Isabel Méndez Herrero (1924-1953), một thành viên người Tây Ban Nha dòng Nữ Tử Thánh Giuse.

3. 595 chủng sinh Hoa Kỳ sẽ được thụ phong linh mục trong năm nay, tăng 25% so với năm 2014

Theo thống kê được Trung tâm nghiên cứu ứng dụng các hoạt động tông đồ công bố ngày 16 tháng Bẩy, ước tính 595 chủng sinh Mỹ sẽ được thụ phong linh mục trong năm nay. Con số này đại diện cho sự gia tăng 25 phần trăm ơn gọi ở Mỹ, so với năm 2014.  Thống kê cũng cho thấy những ảnh hưởng trên quyết định theo đuổi ơn thiên triệu. Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ, cho thấy rằng ít nhất là tại Mỹ, một trong những yếu tố chính là ảnh hưởng của các linh mục giáo xứ địa phương. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy một con số đáng buồn là ở Mỹ, một phần năm các giáo xứ không có linh mục chính xứ. Cũng theo nghiên cứu này, sau ảnh hưởng của một linh mục giáo xứ địa phương là giáo dục ở tất cả các hình thức. .. dù trong gia đình, trường học hay các phong trào, đoàn thể. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Hoa Kỳ vào tháng Chín tới đây, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hy vọng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ có tác dụng làm gia tăng hơn nữa ơn gọi linh mục tại quốc gia này.

4. Thánh tích của thánh Piô năm dấu thánh sẽ được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Theo quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, thánh tích của thánh Piô thành Pietrelcina, thường được gọi là thánh Piô Năm Dấu Thánh sẽ được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phêrô từ ngày 08 đến ngày 14 tháng 2 năm 2016 để đánh dấu Năm Thánh Từ Bi. Đức Thánh Cha đã muốn rằng thánh tích được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày Thứ Tư Lễ Tro (10 tháng 2), là ngày các tín hữu toàn thế giới sẽ được yêu cầu để trở thành “nhà truyền giáo của lòng thương xót.” Cha thánh Piô là một linh mục dòng Capucinô, sinh năm 1887 và qua đời năm 1968. Từ năm 1918, cha đã được bề trên cử về San Giovanni Rotondo (có lẽ tên gọi bắt nguồn từ ngôi nhà thờ hình tròn, dâng kính thánh Gioan Tẩy giả, được cất từ thế kỷ VII) để hoạt động mục vụ cho đến khi qua đời. Trong suốt thời gian 50 năm, cha được biết đến như là vị giải tội ngoại thường: nhiều ngày cha ngồi toà hơn 10 tiếng đồng hồ; ngoài ra cũng từ năm 1918 cha được lãnh nhận trên thân mình 5 dấu thương tích của Chúa Giêsu. Tuy đã qua đời từ hơn 50 năm qua, nhưng hai công trình do cha khởi xướng vẫn tồn tại, thứ nhất là “Nhà xoa dịu đau khổ”, tức là bệnh viện dành cho các bệnh nhân (khánh thành vào năm 1956 với 250 giường, nhưng nay đã lên đến 1200 giường với 50 ngành chuyên khoa) và “hội cầu nguyện cha Piô” (chính thức thành lập từ năm 1950, và ngày nay bành trướng khắp thế giới). Cha Piô được phong chân phước năm 1999 và hiển thánh năm 2002, lễ kính vào ngày 23/9, trùng vào ngày tạ thế. Vào ngày 23/5/1987, đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mồ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội.

5. Án phong Chân Phước cho Enrique Shaw, thương gia Á Căn Đình, bắt đầu tại Rôma

Khi còn là tổng giám mục Buenos Aires, Đức Thánh Cha lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đã thúc đẩy quá trình phong chân phước cho Enrique Shaw. Thương gia Enrique Shaw là một người giàu có và có địa vị cao trong xã hội nhưng rất gần gũi với người lao động bình dân. Ông biết tên của mọi nhân viên thuộc cấp và quan tâm sâu sắc đến họ. Ông nổi tiếng vì đã làm hết sức mình để tránh sa thải hơn 1,200 công nhân trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Linh mục Silvia Correale, Cáo Thỉnh Viên án phong chân phước cho ngài nói: “Mọi người đều nhận ra những mối quan hệ thân mật, tình cảm ông đã có với các công nhân và làm thế nào ông luôn luôn giữ nhu cầu của họ trong tâm trí mình.” Năm 1936, Shaw gia nhập Hải quân Á Căn Đình khi mới 14 tuổi. Ông đã từng dạy cho binh lính về tôn giáo. Ông học tại Harvard và sau đó trở thành một doanh nhân nổi bật. Nhưng Shaw vẫn quan tâm đến các vấn đề xã hội của Á Căn Đình. Cha Silvia Correale cho biết: “Ở Á Căn Đình, ông đã tổ chức một chiến dịch để trợ cấp lương bổng gia đình và tổ chức các cửa hàng cung cấp giá rẻ cho người lao động.” Shaw đã kết hôn và có chín người con. Ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1962 khi ông mới 41 tuổi. Hơn 200 nhân viên của ông đã hiến máu cho ông. Ông cho biết vào thời điểm đó, “bây giờ tôi có thể nói đó là máu của công nhân chạy trong huyết quản của tôi.” Quá trình phong chân phước cho ông Enrique Shaw đã hoàn tất giai đoạn địa phương và hiện đang được xem xét tại Rôma. Còn phải mất ít nhất hai năm cho đến khi có quyết định chính thức.

6. Đợt đối thoại thứ 6 giữa Công Giáo và Pentecostal

Hôm 17-7 đợt đối thoại thứ 6 giữa Công Giáo và Tin Lành Pentecostal đã kết thúc sau 7 ngày tiến hành tại Roma (10-17/7) về đề tài “Các đoàn sủng trong Giáo Hội: ý nghĩa thiêng liêng, sự phân định và những hệ luận về mục vụ”. Tham dự khóa họp có các đại diện Công Giáo do Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô bổ nhiệm và một số vị lãnh đạo Giáo Hội Pentecostal. Trong các cuộc gặp gỡ trước đây, hai bên đã bàn đến những chủ đề như: các đoàn sủng, điểm chung của chúng ta (2011), sự chữa lành (2013), và lời ngôn sứ (2014). Hai bên cùng dành khóa họp năm nay để soạn phúc trình chung kết sẽ được công bố vào đầu năm 2016 tới đây. Mục đích cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Pentecostal, bắt đầu từ năm 1972, là để thăng tiến sự tôn trọng và cảm thông với nhau trong các vấn đề đức tin và thực hành. Sự trao đổi chân thành và thảo luận thẳng thắn về lập trường và thực hành của hai truyền thống là những nguyên tắc hướng dẫn các cuộc đối thoại này, trong đó có những buổi cầu nguyện hằng ngày. Đồng chủ tịch của cuộc đối thoại về phía Công Giáo là Đức Cha Michael Burbidge, Giám Mục giáo phận Raleigh, bang Bắc Carolina Hoa Kỳ, và về phía Pentecostal là Giáo sư Cecil Robeck, thuộc Giáo Hội “Hội Thánh của Thiên Chúa” (Assemblies of God), giáo sư chủng viện thần học Fuller ở Pasadena, bang California, Hoa Kỳ. Trong những khóa họp tại Roma, Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và vị Tổng thư ký là Đức Cha Brian Farrell, cũng đến gặp gỡ và trao đổi với các tham dự viên. Pentecostal là một phong trào trong Kitô giáo bắt nguồn từ phong trào thánh thiện trong Giáo Hội Methodist. Các Giáo Hội này đặc biệt chú trọng đến phép rửa Thánh Linh. Hiện nay có khoảng 170 hệ phái coi mình là Pentecostal với khoảng 200 triệu người

7. Thư Đức Thánh Cha nhân dịp 200 năm Sinh Nhật Thánh Bosco

Đức Thánh Cha cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban thánh Gioan Bosco như một hồng ân cho Giáo Hội và ngài khích lệ các con cái thánh nhân sống những đặc tính thiết yếu trong gia sản tinh thần của thánh Bosco. Trên đây là nội dung thư Đức Thánh Cha gửi đại gia đình dòng Salesien, qua trung gian cha Ángel Fernandez Artime, Bề trên Tổng quyền dòng Salesien Don Bosco, nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của thánh Tổ Phụ. Thư của Đức Thánh Cha đề ngày 24-6-2015 và được công bố hôm 16-7-2015 tại Roma, qua đó ngài viết: “Chúng ta có thể tóm tắt những khía cạnh nổi bật của thánh Bosco: Người sống sự tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa với niềm hăng say đối với phần rỗi các linh hồn và thực thi lòng trung thành với Thiên Chúa và giới trẻ trong cùng một cử chỉ yêu thương. Những thái độ này khiến thánh nhân “đi ra ngoài” và thực hiện những quyết định can đảm: chọn lựa tận tụy săn sóc giới trẻ nghèo, với ý hướng thực thi một phong trào rộng lớn của người nghèo cho người nghèo; và thánh nhân chọn lựa nới rộng việc phục vụ ấy vượt lên trên các ranh giới ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo, nhờ lòng hăng say truyền giáo không biết mệt mỏi”. Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng:  “Ngày nay gia đình dòng Salesien cũng đang cởi mở hướng về những biên cương mới trong lãnh vực giáo dục và truyền giáo, tiến bước trên những con đường các phương tiện truyền thông xã hội mới mẻ và con đường giáo dục liên văn hóa nơi các dân tộc thuộc các tôn giáo khác nhau, hoặc tại các nước đang trên đường phát triển, hoặc tại những nơi di dân. Những thách đố ở Torino hồi thế kỷ thứ 19 nay đang mặc chiều kích hoàn cầu, như sự tôn thờ tiền bạc, bất công sinh ra bạo lực, chế độ thực dân ý thức hệ và những thách đố văn hóa gắn liền với bối cảnh thành thị. Một số khía cạnh có liên hệ trực tiếp đối với thế hệ người trẻ, như sự phổ biến Internet, và qua đó đang gọi hỏi các con cái nam nữ của Thánh Bosco: anh chị em được kêu gọi làm việc, cứu xét những nguồn năng lực mà Chúa Thánh Linh khơi dậy trong hoàn cảnh khủng hoảng, cùng với những vết thương”. Đức Thánh Cha nhắc nhở cho gia đình dòng Salesien hãy làm cho tinh thần sáng tạo theo đoàn sủng của mình được tái triển nở trong và ngoài các cơ sở giáo dục của dòng, với lòng tận tụy tông đồ, đặt mình trên những con đường của người trẻ, nhất là những người trẻ ở các khu vực ngoại ô. Sau cùng, Đức Thánh Cha kết luận rằng “xin Thánh Bosco giúp anh chị em không làm cho những khát vọng sâu xa của người trẻ bị thất vọng: nhu cầu sống, cởi mở, vui tươi, tự do, tương lai, ước muốn cộng tác vào công trình xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, vào việc phát triển mọi dân tộc, bảo vệ thiên nhiên và các môi trường của đời sống” 

8. Đức Thánh Cha phó thác các nước Nam Mỹ cho Đức Mẹ

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19 tháng Bẩy, Đức Thánh Cha đã phó thác các nước Nam Mỹ cho Đức Mẹ, ngài nói: “Tôi đã xin Chúa rằng Thần Khí của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành hướng dẫn tôi trong chuyến tông du, mà tôi đã hoàn thành tại các nước Ecuador, Bolivia và Paraguay. Tôi cảm tạ Chúa với tất cả tâm lòng vì món qùa này. Tôi xin cám ơn các dân tộc của ba nước vì sự tiếp đón trìu mến nồng hậu và hứng khởi của họ. Tôi tái bầy tỏ lòng biết ơn các chính quyền ba nước vì sự tiếp đón và cộng tác của họ. Với tất cả lòng trìu mến tôi xin cám on các anh em Giám Mục, các linh mục, các người sống đời thánh hiến và dân chúng vì đã tham gia một cách nồng nhiệt. Với các anh chị em này tôi đã chúc tụng Chúa vì các điều tuyệt diệu Ngài đã làm trong Dân Chúa trên con đường trần gian, vì đức tin đã và đang linh hoạt cuộc sống và nền văn hóa của nó. Và chúng tôi cũng đã chúc tụng Chúa vì các vẻ đẹp thiên nhiên, mà Ngài đã rộng ban cho các quốc gia này. Đức Thánh Cha nhận xét về đại lục Mỹ Latinh như sau: Đại lục Mỹ latinh có các tiềm năng nhân bản và tinh thần lớn lao, nó giữ gìn các giá trị kitô đã đâm rễ sâu nơi đây, nhưng cũng sống các vấn đề xã hội và kinh tế nghiêm trọng. Để góp phần vào giải pháp cho nó, Giáo Hội đã dấn thân huy động các lực lượng tinh thần và luân lý của các cộng đoàn của mình bằng cách cộng tác với tất cả các thành phần xã hội. Trước các thách đố lớn mà việc loan báo Tin Mừng phải đương đầu, tôi đã mời gọi kín múc nơi Chúa Kitô ơn thánh cứu rỗi và trao ban sức mạnh cho dấn thân của chứng tá kitô, phát triển việc phổ biến Lời Chúa, để tôn giáo tính cao độ của các dân tộc này có thể luôn luôn là chứng tá trung thành của Tin Mừng. Tôi phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, mà toàn châu Mỹ Latinh tôn kính như Bổn Mạng với tước hiệu Đức Bà Guadalupe, các hoa trái của chuyến tông du không thể quên được này.”

9. Ngân Sách năm 2014 của Tòa Thánh bị hụt 25.6 triệu Euro

Trong năm 2014, ngân sách của Tòa Thánh bị thiếu hụt 25 triệu 600 ngàn Euro. Theo thông cáo do Hội đồng Hồng Y về kinh tế công bố hôm 16-7-2015, con số thiếu hụt trên đây gần với số thiếu hụt trong năm 2013 trước đó, là 24 triệu 400 ngàn Euro. Số tiền do các giáo phận và dòng tu đóng góp cho Tòa Thánh trong năm 2014 là 21 triệu Euro và Viện Giáo Vụ quen gọi là ngân hàng Vatican góp 50 triệu Euro. Phần lớn số chi trong ngân sách Tòa Thánh là để trả lương cho 2.880 nhân viên thuộc 64 cơ quan khác nhau, với 126 triệu 600 ngàn Euro. Trong năm 2015, ngân sách của Phủ Thống đốc quốc gia thành Vatican dư được 63 triệu 519 ngàn Euro, tức là nhiều hơn gần 30 triệu Euro so với số dư của phủ này trong năm 2013 là 33 triệu 42 ngàn Euro. Phủ Thống quốc quốc gia thành Vatican có 1.930 nhân viên, và phần lớn số thu đến từ bảo tàn viện Vatican và số tiền đầu tư thuận lợi. Thông cáo của Hội đồng Hồng Y cho biết trong năm 2015, ngân sách của Tòa Thánh tiếp tục sẽ thiếu hụt. Ngoài ra, Hội đồng cho biết gia sản của Tòa Thánh tăng lên 939 triệu Euro nhờ sự điều chỉnh bằng cách bao gồm rất cả các hoạt động và tiền thiếu hụt khi kết toán ngân sách 2014. Trước đây có những khoản tiền dự trữ của các cơ quan Tòa Thánh không được ghi trong ngân sách. Kết toán của Tòa Thánh từ nay được thi hành theo các nguyên tắc quốc tế.

10. Lễ đài tuyệt hảo Nu Guazú được hạ xuống để làm thực phẩm

Phải làm gì với 60 ngàn trái bắp, 20 ngàn quả bí và 150 ngàn trái dừa? Đó là những thực phẩm mà các nông dân Paraguay đã biếu tặng để tạo nên lễ đài chính trong công viên Nu Guazú, nơi mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ cuối cùng của chuyến tông du 3 quốc gia Nam Mỹ. Ngoài con số trên 1 triệu người tham dự đã được tận mắt chiêm ngưỡng cái kỳ công cuả nghệ sĩ Koki Ruiz, nhiều triệu người khác trên thế giới cũng bị thôi miên qua màn ảnh truyền hình hoặc qua các hình ảnh trên mạng xã hội, vì vẻ đẹp cuả chiếc lễ đài, vừa đơn giản nhưng đồng thời lại lộng lẫy và trang nghiêm. Cấu trúc cuả lể đài là một cái tháp, dài 131 feet (40m) và cao 56 feet (17m ), có một diện tích là 4305 feet vuông (400m2). Tất cả được bao phủ bởi những trái ngô, dừa và bí. Ở trung tâm cao nhất là một cây thánh giá. Bên trái có hình Thánh Phanxicô, tên hiệu của Đức Giáo Hoàng, và bên phải là Thánh Inhaxiô Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên là dòng đã reo rắc hạt giống đức tin sang Paraguay.  Ông Ruiz đã cùng với 20 người nghệ sĩ khác làm việc thiết kế và xây dựng, họ sử dụng 200 tình nguyện viên cho những việc trang trí bàn thờ. Nhiều người biết đến dự án nhờ các mạng xã hội và đã tìm đến để tham gia. “Với dự án này, tôi muốn chứng tỏ là nghệ thuật không dành riêng cho một thiểu số có tài năng. Nghệ thuật ở trong tầm tay của tất cả mọi người và nó không cần bất cứ điều gì lạ, nhưng chỉ cần những điều bình thường hàng ngày, và những gì người ta sản xuất có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật “, ông Ruiz nói. Ngoài những người nghệ sĩ trực tiếp nhúng tay vào tác phẩm, những nông dân đã hiến tặng phẩm vật cũng được thông báo về những “trân trọng và đánh giá cao cuả thế giới bên ngoài,” ông nói tiếp. Các mạng xã hội tràn ngập hình ảnh bàn thờ không ngưng nghỉ trong suốt cả ngày. Thậm chí người ta còn tạo ra một hashtag trên Twitter để nói về nó, đó là: #altardemaiz (“Bàn thờ của ngô bắp”) Mỗi mét vuông mặt bằng là có 1.200 trái dừa, dán vào nhau nhờ một loại keo đặc biệt. 60.000 trái bắp được xử dụng để bao quanh thềm gỗ. Loại dừa Guarani là loại dừa nhỏ và có thể để lâu đến 14 tháng. “Nó có vỏ rất cứng có thể sơn lên dễ dàng, vì sau khi lột lớp vỏ bên ngoài, thì cái sọ dừa rất mịn, rất dễ vẽ”, ông Ruiz giải thích. Lễ đài được cấu trúc bằng nhiều phần di động, dễ dàng di chuyển, nhờ đó mà nhiều phần đã được thiết lập và trang trí trong khuôn viên cuả đan viện Tañarandy ở gần đó. Mục tiêu cuả dự án là để biểu trưng cho những nền văn hoá đa dạng cuả quốc gia, đồng thời đề cao nền văn hoá bản xứ là Guarani. “Hai năm trước chúng tôi cũng đã thực hiện một dự án như thế này rồi, chỉ dùng những hoa trái hảo hạng mà người dân Guarani dùng, đó là bắp, bí và dừa” ông Ruiz nói. Những thực phẩm đó sẽ không bị bỏ phí sau khi lễ đài được phá đi. “Dừa sẽ được lấy xuống để làm xà phòng, ngô được chế biến làm thực phẩm cho động vật, còn bí thì sẽ được phát cho dân quanh vùng. Người dân ở đây dùng bí để chế biến ra một loại mứt rất được ưa chuộng có tên là ‘andai’”

11. Đức Giáo Hoàng nói với người nghèo Paraguay

Kính thưa quý vị và anh chị em, Ngày cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Paraguay, chặng chót trong chuyến tông du 3 nước Mỹ Châu La Tinh của ngài, ngoài Thánh Lễ đại trào tại Campo Grande ở Công Viên Nu Guazú, Thủ Đô Asuncion, trong đó ngài nhấn mạnh: muốn phúc âm hóa hữu hiệu, phải có thái độ chào đón, ta thấy hai bài nói chuyện rất đáng chú ý nữa đó là bài nói chuyện với người nghèo và bài nói chuyện ứng khẩu với giới trẻ. Người nghèo Banado Norte: đức tin không liên đới là đức tin không có Chúa Kitô Tại nhà nguyện Thánh Gioan Tẩy Giả ở khu Banado Norte, Paraguay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với người nghèo tụ họp tại đây rằng ngài “rất mong được ở bên họ”; ngài “không thể đến Paraguay mà lại không dành thời gian hiện diện với họ, ngay tại lãnh thổ của” họ. Ngài nói thêm: “nhìn thấy gương mặt anh chị em, con cái anh chị em, người cao niên của anh chị em và được nghe nói về các trải nghiệm của anh chị em và mọi điều anh chị em trải qua để sống ở đây, để có một cuộc sống xứng đáng và một mái nhà che đầu anh chị em, chịu đựng thời tiết xấu và lụt lội của mấy tuần lễ trước… Tất cả những điều ấy làm tôi nghĩ tới tiểu gia đình ở Bêlem. Các cuộc chiến đấu của anh chị em đã không lấy mất giọng cười, niềm vui và niềm hy vọng của anh chị em. Những cuộc chiến đấu không làm giảm ý hướng liên đới của anh chị em nhưng bất chấp mọi điều, đã làm nó lớn lên”. Ngài thuật lại truyện của tiểu gia đình Bêlem trên: họ buộc phải rời bỏ mái ấm, gia đình và bạn bè, bỏ hết những gì họ có để đi tới một nơi “không biết ai, không nhà ở hay gia đình”. Trẻ Giêsu đã ra đời trong hoàn cảnh ấy. Ngài bảo “đó là cách họ đem Chúa Giêsu đến cho ta. Họ cô đơn, trên đất lạ, chỉ có ba người. Rồi đột nhiên, các người chăn chiên xuất hiện. Những người giống như họ cũng phải bỏ nhà cửa để tìm các cơ hội tốt hơn cho gia đình họ. Cuộc sống họ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cả nhiều loại khổ cực khác nữa. Khi nghe biết Chúa Giêsu sinh ra, họ tới gặp Người. Họ trở thành hàng xóm. Ngay lập tức họ trở thành một gia đình đối với Đức Maria và Thánh Giuse. Gia đình Chúa Giêsu”. Đức Phanxicô bảo họ: “đó là điều xẩy ra khi Chúa Giêsu bước vào đời sống ta. Đó là điều xẩy tới với đức tin. Đức tin làm chúng ta gần nhau hơn. Nó làm chúng ta thành hàng xóm. Nó lôi cuốn ta gần lại hơn với đời sống người khác. Đức tin đánh thức dấn thân của ta, tình liên đới của ta. Việc Chúa Giêsu sinh ra đã thay đổi cuộc sống ta. Đức tin nào không lôi kéo ta vào liên đới là đức tin chết. Nó là thứ đức tin không có Chúa Kitô, một đức tin không có Thiên Chúa, một đức tin không có anh chị em. Người đầu tiên chỉ ra tình liên đới là Chúa chúng ta, Đấng đã chọn sống giữa chúng ta”. Rồi ngài bảo họ: “tôi đến với anh chị em như những người chăn chiên trên. Tôi muốn là hàng xóm của anh chị em… Tôi đến tham gia với anh chị em trong việc dâng lời cảm tạ, vì đức tin đã trở thành hy vọng, và hy vọng, đến lượt nó, đã đốt lên ngọn lửa yêu thương. Đức tin mà Chúa Giêsu khơi dậy trong ta là đức tin giúp ta có khả năng mơ về tương lai và làm việc cho tương lai ấy ngay ở đây và ngay lúc này…” Ngài khuyên họ phải có một đức tin liên đới, đừng chia rẽ. “Ma qủi muốn anh chị em đánh nhau vì nó muốn chia rẽ anh chị em, đánh bại anh chị em, và cướp mất đức tin của anh chị em”. Sau khi đọc kinh Lạy Cha với họ, ngài chúc lành cho họ và dặn dò lần cuối cùng: “Anh chị em hãy ra đi, và đừng để ma qủi chia rẽ anh chị em!”.

12. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI trở về Roma.

Sau hai tuần nghỉ ngơi tại biệt điện mùa hè của giáo hoàng ở Castel Gandolfo (từ ngày 30 tháng Sáu năm 2015) và với hai bằng tiến sĩ danh dự, Ðức giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI đã trở về Roma hôm thứ Ba, 14 tháng Bảy năm 2015. Trong buổi lễ đưa tiễn, bà thị trưởng Milvia Monachesi nói với Ðức giáo hoàng danh dự: “Thưa Ðức Thánh Cha, chúng con cảm ơn Ðức Thánh Cha rất nhiều về những lời nói bất ngờ và rất thân thương của Ðức Thánh Cha, về phép lành mà Ðức Thánh Cha đã ban cho Castel Gandolfo và cư dân ở đây”. Bà Monachesi cũng cảm ơn Ðức Bênêđictô XVI đã tặng cho bà một quyển sách. Bà nói thêm: “Chúng con vui sướng vì Ðức Thánh Cha đã đón nhận sự gần gũi âm thầm, đầy lòng yêu mến của chúng con và niềm phấn khởi của chúng con về sự hiện diện của Ðức Thánh Cha. Phép lành của Ðức Thánh Cha là một món quà tuyệt vời cho chúng con và củng cố mối dây liên hệ sâu đậm và lâu dài với Ðức Thánh Cha”. Bà chúc Ðức Thánh Cha trở về Roma bình an, và hứa với ngài, “dù Ðức Thánh Cha ở đâu, chúng con không bao giờ quên cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha và luôn yêu mến Ðức Thánh Cha”. Tuy nhiên, mùa hè bận rộn của Ðức Bênêđictô XVI vẫn chưa kết thúc. Vào ngày 30 tháng Tám năm 2015, ngài sẽ tham dự lễ khánh thành “Thư viện Joseph Ratzinger-Bênêđictô XVI” của “Học viện Giáo hoàng Ðức quốc tại Roma”. Trong dịp này, Ðức Bênêđictô XVI cũng sẽ cử hành Thánh lễ tại Học viện để khai mạc cuộc gặp gỡ hằng năm của các cựu sinh viên thần học của ngài (Ratzinger Schulerkreis).

13. Những chủ đề chính trong bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng với giới trẻ Paraguay

Chiều tối ngày 12 tháng 7, gặp giới trẻ Paraguay, Đức Phanxicô nói với họ: ngài rất vui được nghe các chứng từ của họ và chia sẻ niềm hào hứng và tình yêu Chúa Giêsu của họ. Các chứng từ này là “kho báu vĩ đại nhất”. Dịp này, ngài nói tới hai bạn trẻ: Manuel và Liz. Manuel muốn phục vụ người khác, dù anh kinh qua nhiều trải nghiệm khó khăn, đau đớn. Liz, “một người mẹ đối với cha mẹ” cô; cô chơi với mẹ, thay tã cho mẹ với tâm tình “Đó là tất cả những gì hôm nay con trao cho Thiên Chúa, nhưng con không đền bù được bao nhiêu những điều mẹ con đã làm cho con”. Đức Giáo Hoàng ngỏ với người trẻ Paraguay, “chúng con, hỡi những người trẻ Paraguay, chắc chắn chúng con đã chứng tỏ một lòng nhân và một lòng can đảm lớn lao”. Rồi ngài nói tới các chứng từ khác: tất cả cho thấy sức mạnh của tuổi trẻ phát sinh từ hai nguồn là bạn bè và tĩnh tâm. Ngài xóay quanh hai chủ đề này. Bạn bè “Tình bạn bè là một trong những hồng phúc vĩ đại nhất mà một con người, một người trẻ, có thể có và có thể hiến tặng. Nó thực sự là thế. Sống không bạn bè quả là khó xiết bao! Các con hãy nghĩ về nó: há nó không phải là một trong những điều đẹp đẽ nhất mà Chúa Giêsu đã dạy ta hay sao? Ngài nói: “Thầy đã gọi các con là bạn bè, vì mọi điều Thầy đã nghe được từ Cha Thầy, Thầy đã cho các con biết” (Ga 15:15). Một trong những điều qúi giá nhất của việc được làm Kitô hữu là chúng ta có bạn bè, bạn bè của Chúa Giêsu. Khi các con yêu ai, các con qua thì giờ với họ, các con trông nom họ và giúp đỡ họ, các con kể cho họ nghe các con nghĩ gì, nhưng các con cũng không bao giờ bỏ rơi họ. Đó là cách Chúa Giêsu ở với chúng ta; Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta cả. Bạn bè luôn đứng bên cạnh nhau, giúp đỡ nhau, che chở nhau. Chúa cũng như thế đối với chúng ta. Người kiên nhẫn đối với chúng ta”.

14. Tĩnh Tâm

“Thánh Inhã có một bài suy niệm thời danh về hai lá cờ. Ngài mô tả lá cờ của ma qủi và sau đó, lá cờ của Chúa Kitô. Giống như áo thung túc cầu của hai đội khác nhau. Và ngài hỏi chúng ta muốn chơi cho đội nào”. Theo Đức Phanxicô, Thánh Inhã bảo rằng “để tuyển cầu thủ, ma qủi hứa hẹn rằng ai chơi cho đội của nó sẽ nhận được giầu sang, danh dự, vinh quang và quyền lực. Họ sẽ nổi tiếng. Mọi người sẽ thờ phượng họ”. Còn Chúa Giêsu? “Chúa Giêsu không bảo chúng ta rằng chúng ta sẽ thành những ngôi sao, những người danh tiếng, ở trên đời. Thay vào đó, Người nói với chúng ta rằng chơi cho Người thì phải khiêm nhường, yêu thương, phục vụ người khác”. Đức Phanxicô nhấn mạnh một điều: Chúa Giêsu không bao giờ gian dối, còn ma qủi thì là “cha sự gian dối”. Nó hứa hạnh phúc, thì kết cục ta sẽ bất hạnh. Vì nó hứa mà nào có thực thi được lời hứa. Nó nói nhiều mà làm chẳng được chi. Nó là “nhà nghệ sĩ của lừa đảo” (con artist)… chuyên chia rẽ, làm ta so đo với người khác, dẵm lên người khác mà tiến tới, bỏ rơi bạn bè, không đứng bên bất cứ ai, mọi điều chỉ chuộng bề ngoài, dựa vào của cải. Chúa Giêsu thì không lừa đảo ai, không hứa hẹn hão, không hứa hạnh phúc trong giầu có, quyền lực hay thanh thế. Người dạy ta khiêm nhường trong lòng, khóc lóc, hiền lành, đói khát sự công chính, có lòng thương xót, trong sạch trong tâm hồn, xây dựng hòa bình… Và cuối cùng, Người bảo ta: “Hãy hân hoan vì tất cả những điều ấy!”. Vì sao vậy? Đức Phanxicô trả lời: “Vì Người không nói dối ta. Người chỉ cho ta nẻo đường tới sự sống và sự thật. Người là minh chứng vĩ đại của điều đó. Phong thái, lối sống của Người, là tình bạn bè, mối liên hệ với Cha của Người. Và đó là điều Người hiến cho ta. Người làm cho ta hiểu ra rằng ta là con cái nam nữ. Những đứa con thân yêu”. “Người không lừa dối các con. Vì Người biết rõ: hạnh phúc, hạnh phúc đích thực, một hạnh phúc có thể trám đầy lòng ta, không có trong quần áo hàng hiệu hay giầy dép nhãn hiệu đắt tiền. Ngưòi biết rõ: hạnh phúc chân thực tìm thấy trong việc xích lại gần người khác, học cách biết khóc với người khóc, gần gũi những người cảm thấy xuống thấp hay gặp phiền muộn, đưa cho họ đôi vai đề họ tựa vào mà khóc, một cái ôm hôn. Nếu ta không biết phải khóc ra sao, ta cũng sẽ không biết phải cười thế nào, phải sống như thế nào nữa”.

15. Hạnh phúc thật

Đào sâu hơn, Đức Phanxicô nói với người trẻ Paraguay: “Chúa Giêsu biết rõ trong thế giới đầy cạnh tranh, ghen tuông và gây hấn này, hạnh phúc thật phát sinh từ việc học cách kiên nhẫn, tôn trọng người khác, từ khước kết án hay phán xét người khác. Như người ta thường nói ‘cả giận mất khôn’. Các con đừng để trái tim các con nhường bước cho giận dữ và ghét bỏ. Hạnh phúc thay người hay thương xót. Hạnh phúc thay những ai biết đặt mình vào đôi giầy của người khác, những ai biết ôm ấp, tha thứ. Lúc này hay lúc khác, tất cả chúng ta đều đã cảm nghiệm được điều đó. Nó quả đẹp đẽ xiết bao! Giống như ta nhận lại được đời sống của mình, nhận được cơ may mới. Không gì đẹp đẽ bằng có được cơ may mới. Như thể đời ta lại khởi đầu trở lại. “Cũng hạnh phúc thay những ai đem lại sự sống và cơ hội mới. Hạnh phúc thay những ai cố gắng và hy sinh để làm điều đó. Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm và vướng vào hiểu lầm, cả ngàn sai lầm và hiểu lầm. Thành thử, hạnh phúc thay những ai biết giúp người khác khi họ mắc sai lầm, khi họ cảm nghiệm sự hiểu lầm. Những người này là bạn bè đích thực, họ không bỏ rơi ai. Họ trong sạch trong tâm hồn, những người biết nhìn quá bên kia các sự việc nhỏ nhoi và biết vượt qua khó khăn. Trên hết, hạnh phúc thay những ai biết nhận ra điều tốt nơi người khác”. Để kết luận, Đức Phanxicô cho hay: “các vị thánh nhân là bạn bè và là mẫu mực của ta… Các ngài cho ta hay: Chúa Giêsu không phải là nhà nghệ sĩ lừa đảo; Người hiến tặng ta sự thành toàn đúng nghĩa. Nhưng trên hết, Người hiến tặng ta tình bè bạn, tình bè bạn đích thực, tình bè bạn ta cần.” “Bởi thế ta phải trở nên bạn bè theo cách của Chúa Giêsu. Không khép kín, nhưng tham gia đội banh của Người và chơi môn chơi của Người, đi ra ngoài và tạo bạn bè mỗi ngày một nhiều thêm. Mang niềm hào hứng của tình bạn Chúa Giêsu đến cho thế giới, bất cứ các con ở đâu: ở nơi làm việc, ở trường, trên WhatsApp, Facebook hay Twitter.  Khi các con đi khiêu vũ, hay đi uống trà lạnh tereré, khi các con tụ họp ở công viên thành phố hay chơi trận banh nhỏ tại sân khu xóm. Nghĩa là tại những nơi bạn bè Chúa Giêsu vốn tụ tập. Không phải để lừa đảo người khác, mà là đứng bên cạnh họ và kiên nhẫn với họ. Bằng lòng kiên nhẫn phát sinh từ việc biết rằng ta hạnh phúc, vì ta có một Ngưòi Cha ở trên trời”.

16. Nhận định của tổng thống Paraguay về chuyến tông du Nam Mỹ của Đức Thánh Cha

Tổng thống Paraguay Horacio Cartes cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, chuyến thăm gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô tại đất nước của ông “gây xúc động không chỉ linh hồn của dân tộc mà còn là của thế giới.” Tổng thống Cartes cám ơn Đức Thánh Cha vì “sự đơn giản và lòng nhiệt thành, và những nỗ lực rất lớn để gặp gỡ mọi người, luôn luôn có một nụ cười, và giữ một lịch trình dày đặc các cuộc gặp gỡ như vậy.” “Và đặc biệt là một lời cảm ơn về kho báu là những khuyên bảo của ngài, chiếu tỏa một ánh sáng trên tình hình của chúng tôi và ban cho chúng tôi một hướng dẫn để đối mặt với những thách đố trong tương lai. Hướng dẫn của Ngài là ngọn đèn và cũng đưa ra cho chúng ta một nhiệm vụ lớn là làm việc cùng nhau, với sự hy sinh và lòng kiên trì, để chúng ta có thể có một quốc gia công bằng hơn cho tất cả”

17. Nhận định của một Hồng Y về chuyến tông du Nam Mỹ của Đức Thánh Cha

Trong một bài xã luận đăng trên trang nhất của tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 16 tháng Bẩy, Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti của tổng giáo phận Perugia đó nói rằng chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mỹ Châu Latin đánh dấu “một mùa xuân mới, một mùa xuân đích thực” cho Giáo Hội. Mùa xuân này, theo Đức Hồng Y Bassetti, đang diễn ra tại các quốc gia ở “ngoại biên”. Trong mùa xuân này, người ta có thể “tích hợp việc bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ sự sáng tạo, và củng cố gia đình, trong khi tố cáo những bất công kinh tế, vì những khía cạnh này đều hiệp nhất với mầu nhiệm Nhập Thể. “ Các chủ đề lớn mà các vị Giáo Hoàng đưa ra khi khai mạc và bế mạc Công Đồng Chung Vatican như sự cần thiết phải áp dụng “phương dược lòng thương xót” hơn là chú ý đến “tiên tri về thời thế mạt,” và linh đạo Samaritanô nhân lành vẫn là những vấn đề thời sự liên quan ngày hôm nay, Đức Hồng Y Bassetti nói.

18. Cuộc Hội thảo quốc tế tại Vatican về khai thác quặng mỏ

Tham dự cuộc Hội thảo quốc tế tại Vatican từ 17 đến 19-7-2015 có khoảng 30 đại diện các cộng đoàn bị thương tổn vì quặng mỏ, từ Mỹ châu đến Á châu, qua Phi châu. Ngoài ra cũng có đại diện của một số HĐGM, các dòng tu và CIDSE là liên hiệp quốc tế các tổ chức phát triển và liên đới. Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, vị chủ tọa cuộc Hội thảo, cho biết sinh hoạt này nhắm phối hợp các sáng kiến khác nhau trên bình diện địa phương để tiến tới một sáng kiến mới trên bình diện quốc tế, nhân danh Tòa Thánh, để có thể đối thoại với các giới lãnh đạo các công ty khai thác quặng mỏ. Trong cuộc họp báo giới thiệu cuộc hội thảo này với giới báo chí ban sáng cùng ngày 17-7, một số nạn nhân của các hoạt động khai thác quặng mỏ ở Ấn độ, Brazil, Chile và Cộng hòa dân chủ Congo, đã trình bày chứng từ. Chẳng hạn bà Patricia Generoso Thomas, người Brazil, đã giải thích về sự kiện một xí nghiệp quặng mỏ đã làm ô nhiễm nước uống tại thành phố nơi bà sinh sống ở bang Minas Gerais. Một chứng từ khác của ông Héritier Wembo Nyamo, người Congo, thuật lại sự kiện ông bị quăng vào lửa, bị tra tấn và dọa giết vì đã biểu tình và đòi một môi trường để làm việc sau khi một công ty liên quốc đến khai thác quặng mỏ kim loại đã trục xuất nhiều dân cư trong vùng. Hiện nay ông Nyamo không thể hành nghề tìm vàng nữa. Ông nói “Tôi có vợ con và một em gái phải nuôi”. Về phần Đức Hồng Y Turkson, ngài tố giác những áp lực, và dọa nạt mà một số tham dự viên đã phải chịu, sau khi xin hộ chiếu. Nhiều người khác bị bạo hành, bị giết hoặc bị trả thù. Tin về những sự kiện đó đã được gởi tới Hội đồng Tòa Thánh. Vì thế, – Đức Hồng Y nói – cần phải đón nhận tiếng kêu của những người bị xách nhiễu như thế do những kẻ làm việc mà không theo đuổi một mục tiêu thực sự là nhân bản. Trách nhiệm về những vụ ấy chính là những người đầu tư, các chủ xí nghiệp, ngân hàng chính trị gia và chính quyền của những nước có các quặng mỏ hoặc những nước có trụ sở trung ương của các công ty liên quốc về quặng mỏ. 

19. Đức Thánh Cha kêu gọi thay đổi công nghệ khai thác quặng mỏ

Đức Thánh Cha kêu gọi các giới hữu trách công nghệ khai thác mỏ hãy cải tổ toàn diện, nhất là tại các nước nghèo nhất, để tôn trọng quyền lợi của các cộng đoàn địa phương và bảo vệ môi trường. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp chào mừng các tham dự viên cuộc hội thảo quốc tế đang tại Vatican từ ngày 17 đến 19-7-2015 về chủ đề “Giáo Hội và các quặng mỏ”: hiệp với Thiên Chúa chúng ta lắng nghe một tiếng kêu. Sứ điệp của Đức Thánh Cha được Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, là cơ quan tổ chức cuộc hội thảo, tuyên đọc trong buổi khai mạc sáng ngày 17-7 vừa qua. Đức Thánh Cha viết: “Anh chị em đã muốn họp nhau ở Roma trong ngày suy tư này liên quan đến một đoạn trong Tông Huấn “Niềm vui Phúc Âm” (nn.187-190) để làm vang vọng tiếng kêu của nhiều cá nhân, gia đình và cộng đoàn, đang chịu đau khổ trực tiếp hoặc gián tiếp, vì những hậu quả tiêu cực của các hoạt động khai thác quặng mỏ. Một tiếng kêu cho những vùng đất bị mất; một tiếng kêu vì sự khai thác tài nguyên phong phú từ lòng đất, nhưng không mang lại sự sung túc cho dân chúng địa phương, khiến họ tiếp tục ở trong tình trạng nghèo khổ; một tiếng kêu đau thương phản ứng lại bạo lực, những đe dọa và tham nhũng; một tiếng kêu phẫn nộ và kêu cứu vì những vi phạm các quyền con người, bị chà đạp trắng trợn hoặc kín đáo, liên quan đến sức khỏe của dân chúng, các điều kiện làm việc, và nhiều khi làm nô lệ và nạn buôn người, nuôi dưỡng hiện tượng mại dâm thê thảm; một tiếng kêu đau buồn và bất lực vì sự ô nhiễm nước, không khí và đất; một tiếng kêu không được cảm thông vì không có những tiến trình bao gồm và nâng đỡ từ phía các chính quyền dân sự, địa phương và quốc gia, là những người có nghĩa vụ cơ bản phải thăng tiến công ích”. Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “Toàn bộ lãnh vực khai thác mỏ chắc chắn được kêu gọi thực hiện một sự thay đổi toàn bộ mô hình của mình để cải tiến tình trạng tại nhiều nước. Có thể cộng tác vào công trình này có các chính quyền của những nước nguyên quán của các công ty liên quốc và những nước nơi các công ty ấy hoạt động, các giới chủ xí nghiệp và những nhà đầu tư, các chính quyền địa phương canh chừng hoạt động khai thác mỏ quặng, các công nhân và các đại diện của họ, các chuỗi cung ứng quốc tế với những người trung gian khác nhau, những người tiêu thụ hàng hóa đối tượng của các hoạt động khai thác khoáng sản. Tất cả những người ấy được kêu gọi hãy có một thái độ được linh hoạt nhờ sự kiện chúng ta họp thành một gia đình nhân loại duy nhất, “tất cả có liên hệ với nhau, và sự chăm sóc đích thực cho chính cuộc sống chúng ta cũng như các quan hệ của chúng ta với thiên nhiên là điều không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công lý và lòng trung thành đối với người khác”.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …