1. Đức Thánh Cha tiếp tham dự viên Ngày Năm Thánh của dân xiệc
Sáng ngày 16-6, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến hàng ngàn người thuộc các gánh xiệc, cũng như những người trình diễn văn nghệ lưu động, về Roma tham dự Ngày Năm Thánh dành cho họ.
Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 trong buổi tiếp kiến và đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Antonio Maria Viganò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ du lịch là người lưu động. Có một số đoàn xiếc từ các nước ngoài và đại diện các giới thuộc ngành này. Một số nghệ sĩ đã trình diễn các màn xiệc và có người dẫn mộn con beo nhỏ đến gần Đức Thánh Cha.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha ca ngợi hoạt động của những người trình diễn văn nghệ lưu động, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, được mở rộng cho những người túng thiếu nhất, những người vô gia cư, các tù nhân, các trẻ em bụi đời và nghèo đó. Đó là lòng từ bi thương xót, gieo vãi vẻ đẹp và niềm vui trong một thế giới nhiều đi u tối và sầu thảm.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng
“Ngành văn nghệ lưu động và bình dân là hình thức giải trí cổ kính nhất, vừa tầm tay mọi người, và hướng đến mọi người, nhỏ cũng như lớn, đặc biệt là cho các gia đình; phổ biến nền văn hóa gặp gỡ và xã hội tính trong việc giải trí. Môi trường làm việc của anh chị em có thể trở thành nơi tập họp và huynh đệ. Vì thế tôi khuyến khích anh chị em hãy luôn có tinh thần đón tiếp đối với những người bé nhỏ và túng thiếu; trao tặng những lời nói và cử chỉ an ủi cho những người co cụm vào mình, nhớ lại lời thánh Phaolô: “Ai làm những công việc từ bi thương xót, thì hãy thi hành những việc ấy trong niềm vui tươi” (Rm 12,8).
Đức Thánh Cha không quên nhắc nhở những người làm nghề giải trí lưu động quan tâm chăm sóc đời sống đức tin của mình, tuy rằng sự liên tục di chuyển như vậy làm cho họ khó hội nhập vào đời sống của một giáo xứ một cách ổn định. Ngài nói: “Anh chị em hãy lợi dụng mọi cơ hội để lãnh nhận các bí tích, hãy thông truyền cho con cái tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tôi cũng kêu gọi các Giáo Hội địa phương và các giáo xứ quan tâm đến các nhu cầu của anh chị em và của tất cả những người lưu động”.
Các nghệ nhân trong đoàn xiếc đã biểu diễn trước Đức Thánh Cha nhiều màn trình diễn độc đáo trong đó có cả một màn trình diễn dạy một con hổ. Đức Thánh Cha đã không ngại vuốt ve chú hổ này.
2. Đức Thánh Cha kêu gọi cảm thông với các gia đình gặp khó khăn
Đức Thánh Cha kêu gọi cảm thông với các gia đình gặp khó khăn và ngài cho rằng nhiều cặp hôn phối kết ước bất thành.
Ngài đưa ra lời kêu gọi và nhận định trên đây trong buổi khai mạc Hội nghị của giáo phận Roma lúc 7 giờ chiều thứ năm 16-6 về việc mục vụ gia đình, với chủ đề “Niềm vui yêu thương: con đường của các gia đình ở Roma dưới ánh sáng Tông huấn “Amoris laetitia”“.
Hiện diện trong Đền thờ thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Roma, có Đức Hồng Y Giám quản Agostino Valini và các Giám Mục phụ tá, và hàng ngàn linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Sau lời chào mừng của Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha đã thuyết trình khai mạc Hội nghị và kêu gọi làm sao để việc mục vụ gia đình đi tới mỗi gia đình trong giáo phận, chứ không phải chỉ tới các gia đình lui tới giáo xứ, tiếp đến là cần có thái độ cảm thông và sau cùng là cần nêu cao giá trị chứng tá của người già.
Về thái độ cảm thông, Đức Thánh Cha cảnh giác chống lại cám dỗ tưởng mình là người giữ đúng luật như người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện cùng với người thu thuế. Ngài nói: “Tất cả chúng ta cần hoán cải và kêu lên như người thu thuế: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”… Cần có tinh thần thực tiễn của Tin Mừng, tinh thần này làm ta dấn thân với người khác, và không coi những lý tưởng và “nghĩa vụ” là một chướng ngại cản trở việc gặp gỡ người khác trong những hoàn cảnh của họ.
Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Điều này không có nghĩa là không minh bạch về đạo lý, nhưng là “tránh rơi vào những phán đoán không để ý đến tính chất phức tạp của cuộc sống. Tinh thần thực tiễn của Tin Mừng làm ta bẩn tay vì biết rằng lúa tốt và cỏ dại cùng tăng trưởng”.
Đức Thánh Cha trích dẫn Tông huấn “Niềm vui yêu thương” và cho biết ngài hiểu những người thích một nền mục vụ cứng nhắc hơn là tạo nên một sự hoang mang, xáo trộn. Nhưng ngài nói: “Tôi thành thực tin rằng Chúa Giêsu muốn một Giáo Hội trong lúc ngài biểu lộ rõ ràng giáo huấn khách quan, Chúa không từ bỏ sự thiện có thể, mặc dù có nguy cơ bị lấm bùn trên đường phố. Tóm lại là Giáo Hội có khả năng chấp nhận tiêu chuẩn cảm thông đối với những người yếu đuổi.”
Trong phần trả lời 3 thắc mắc do các linh mục và một số tham dự viên nêu lên, Đức Thánh Cha phê bình thứ luân lý cứng nhắc, và những cha giải tội đặt nhiều câu hỏi về đời tư của hối nhân. Ngài nhận xét rằng phần lớn các bí tích hôn phối kết ước bất thành vì ảnh hưởng của nền văn hóa loại bỏ, những người kết hôn không biết thế nào là sự dấn thân trọn đời; họ cử hành hôn phố như một buổi lễ làm đẹp lòng hôn thê, hôn phu hoặc gia đình hai bên. Đức Thánh Cha cho biết ở Buenos Aires, ngài cấm các cặp nam nữ kết hôn vì để bảo toàn danh dự, vì lỡ có thai.. Làm như thế, các cặp ấy không kết hôn tự do..”
Hội nghị của giáo phận Roma còn tiến hành trong ngày 17-6, với các cuộc thảo luận nhóm xoay quanh 5 tiểu đề tại 36 giáo hạt ở Roma. Đó là “Giáo dục về tình yêu trong thời thiếu niên”, “sự thu hút của tình yêu chân thực để tiến tới hôn nhân”, “nâng đỡ sự chung thủy của các đôi vợ chồng”, “niềm vui trao ban sự sống và làm cho sự sống tăng trưởng”, sau cùng là “Gia đình, trường dạy xã hội tính và lối sống huynh đệ”.
Các kết luận của hội nghị, với bài tường trình của Đức Hồng Y Vallini và trình bày các hướng đi mục vụ gia đình cho giáo phận, sẽ diễn ra vào Chúa Nhật 19-6-2016 tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano: trước tiên vào lúc 9 giờ rưỡi với các cha sở và các linh mục; tiếp đến vào lúc 7 giờ rưỡi chiều cùng ngày với các nhân viên mục vụ giáo dân. Trong dịp này có nghi thức trao bài sai cho các giáo lý viên trong năm mục vụ mới nơi các gia đình.
3. Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân lần chót
Trong buổi tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân sáng 17-6, Đức Thánh Cha khuyến khích tiến bước theo đường hướng “Giáo Hội ra ngoài, giáo dân ra ngoài”.
Đây là khóa họp toàn thể cuối cùng của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân sau gần 50 năm hoạt động. Nay Hội đồng này họp với Hội đồng về gia đình và sự sống thành một cơ quan mới của Tòa Thánh trong chương trình cải tổ giáo triều Roma.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, sau khi nhắc đến thành quả hoạt động của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân trong gần nửa thế kỷ vừa qua, Đức Thánh Cha đề nghị một chân trời tham chiếu trong hoạt động của Hội đồng mới đó là “Giáo Hội đi ra ngoài, giáo dân đi ra ngoài”. Vì thế, cả anh chị em cũng hãy nâng cao cái nhìn và hãy nhìn ra ngoài tới những người ở xa xôi trên thế giới này, bao nhiêu gia đình gặp khó khăn và đang cần lòng thương xót, nhìn tới các cánh đồng tông đồ chưa khai phá, với nhiều giáo dân thiện tâm và quảng đại sẵn sàng dành nghị lực, thời giờ, khả năng của họ để phục vụ Tin Mừng, nếu họ được tháp nhập, đề cao giá trị và tháp tùng với lòng quí mến của các mục tử và các tổ chức của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Chúng ta cần những giáo dân được huấn luyện tốt, được đức tin ngay chính và trong sáng linh hoạt, và cuộc sống của họ được chính cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu từ bi đánh động với lòng yêu thương”.
4. Đức Thánh Cha khuyến khích trợ giúp các Giáo Hội Đông Phương
Đức Thánh Cha cám ơn và khuyến khích các nỗ lực trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, để các Giáo Hội này có thể chiếu tỏa rạng ngời khuôn mặt của Chúa Kitô.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16-6, dành cho 90 tham dự viên Hội nghị thường niên của tổ chức Roaco là liên minh các cơ quan bác ái trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. Hội nghị này tiến hành dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và nhiều đại diện của các tổ chức bác ái và các vị sứ thần Tòa Thánh.
Đức Thánh Cha đi từ sự kiện gần đây trong tiến trình tu bổ ở Bethlehem, trên trần một gian giữa của một đền thờ, người ta khám phá ra bức tranh khảm một thiên thần thứ 7, cùng với 6 thiên thần khác đang đi rước tiến về nơi Chúa sinh ra. Ngài nói:
“Sự kiện này làm cho chúng ta nghĩ rằng khuôn mặt của các cộng đoàn Giáo Hội cũng có thể bị che phủ vì những bụi bặm và những lớp vôi khác do những vấn đề khác nhau và tội lỗi. Trong chiều hướng đó, công việc của anh chị em phải luôn luôn được hướng dẫn do niềm xác tín rằng dưới những lớp bụi bặm và những gì che phủ về vật chất và luân lý, dưới những nước mắt và máu đổ do chiến tranh, bạo lực và bách hại gây ra, dưới những lớp phủ dường như không thể xuyên qua như thế, có một khuôn mặt sáng ngời như khuôn mặt thiên thần trong bức tranh khảm.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Tất cả anh chị em, qua những dự án và hành động, đang cộng tác vào việc tu bổ ấy, để khuôn mặt của Giáo Hội phản chiếu rõ rệt ánh sáng của Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Ngài là niềm an bình của chúng ta, và đang gõ cửa tâm hồn chúng ta ở Trung Đông, cũng như tại Ấn độ và Ucraina, quốc gia mà tôi đã muốn dành số tiền lạc quyên đặc biệt mới đây trong các nhà thờ ở Âu Châu hồi tháng tư vừa qua để cứu trợ.
Sau cùng, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến sự hiện diện của Giáo Hội Siro Malabar và Siro Malankara ở ngoài bang Kerala bên Ấn Độ, một chủ đề được bàn tới trong khóa họp hiện nay của tổ chức Roaco. Ngài tái khẳng định lập trường và các chỉ thị của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm về quyền của các Giáo Hội này và các Giáo Hội Công Giáo la tinh, tránh tinh thần chia rẽ, và phải cổ võ tinh thần hiệp thông trong việc làm chứng tá về Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế duy nhất.
Nhiều tín hữu Công Giáo đông phương thuộc hai Giáo Hội Syro Malabar và Syro Malankara ra ngoài lãnh thổ bang Kerala và sống rải rác tại các giáo phận Công Giáo la tinh. Từ đó thỉnh thoảng xảy ra những “cọ xát” về thẩm quyền mục vụ giữa các Giám Mục la tinh và Đông phương. Các vị Giáo Hoàng trước đây đã đề ra các qui tắc cần thiết để việc mục vụ cho các tín hữu Đông phương được tiến hành hài hòa.
5. Video của Đức Thánh Cha kêu gọi ủng hộ dự án “Hãy là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”
Hôm thứ Sáu 17 tháng 6, Tòa Thánh đã công bố một video của Đức Thánh Cha Phanxicô để gây chú ý trên toàn thế giới cho một sáng kiến gây quỹ của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ. Sáng kiến “Hãy là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa” được đưa ra nhằm tích cực đánh dấu Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được chính thức phát động trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Đài phát thanh Vatican.
Trong video này, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người “thực hiện công trình của lòng thương xót cùng với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tại mọi góc trời của thế giới, để đáp ứng với rất nhiều nhu cầu của ngày hôm nay.”
Đức Thánh Cha nói:
“Tôi muốn kêu gọi tất cả những người nam nữ thiện chí trên toàn thế giới tham gia vào một công việc của lòng thương xót được thực hiện trong mỗi thành phố, trong mỗi giáo phận, và trong mỗi hiệp hội. Chúng ta, những người nam nữ, cần lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng cần đến lòng thương xót của nhau. Chúng ta cần nắm lấy tay của những người khác, chăm lo cho nhau, chăm sóc cho người khác và đừng gây ra quá nhiều những cuộc chiến tranh. Tôi đang xem một tài liệu được chuẩn bị bởi tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, là một hội giáo hoàng, nhằm thực hiện công trình của lòng thương xót trên toàn thế giới. Tôi giao phó công việc này cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ… Tôi cũng ủy thách cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ thực thi tinh thần họ đã thừa hưởng từ cha Werenfried van Straaten, là người đã có một tầm nhìn đúng thời điểm để thực hiện trên thế giới những cử chỉ của sự gần gũi, sự thân ái, lòng tốt, tình yêu và lòng thương xót. Vì vậy, tôi mời tất cả anh chị em hãy cùng với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ thực hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới, một công việc của lòng thương xót, không phải một hành động chóng qua nhưng vẫn còn mãi, một công việc lâu dài của lòng thương xót; là một cơ chế cần thiết trước quá nhiều những nhu cầu hiện nay trên thế giới. Tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em thực hiện. Và đừng sợ hãi lòng thương xót .. lòng thương xót là sự vuốt ve âu yếm của Thiên Chúa.”
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đang thực hiện một chiến dịch kéo dài trong 4 tháng trong năm 2016 bao gồm việc chăm sóc mục vụ cho các nhà tù, các trung tâm cai nghiện ma túy và nâng đỡ các phụ nữ bị bạo hành.
6. Văn kiện mới của Bộ Giáo Lý đức tin: Iuvenescit Ecclesia
Sáng ngày 14-6, Bộ giáo lý đức tin đã công bố văn kiện xác định quan hệ thiết yếu giữa giáo quyền và các cộng đoàn, phong trào mới trong Giáo Hội.
Văn kiện này là thư của Bộ gửi các Giám Mục trong Giáo Hội với tựa đề “Iuvenescit Ecclesia” (Giáo Hội trở nên trẻ trung), về tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đoàn sủng cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.
Hiện diện trên bàn chủ tọa trong cuộc họp báo giới thiệu văn kiện của Bộ cũng có Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, Đức Ông Piero Coda, thành viên Ủy ban thần học quốc tế, và nữ giáo sư María Carmen Aparicio Valls, thuộc phân khoa thần học Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma.
Thư dài 18 trang, được ấn hành bằng các ngôn ngữ chính, và mang chữ ký ngày 15-5-2016 của Đức Hồng Y Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, và vị Tổng thư ký của Bộ là Đức TGM Luis Ladaria. Đức Thánh Cha đã phê chuẩn và truyền công bố thư này trong buổi tiếp kiến ngày 14-3 năm nay dành cho Đức Hồng Y Tổng trưởng.
Văn kiện nhấn mạnh đến tương quan hòa hợp và bổ túc cho nhau giữa định chế của Giáo Hội và các phong trào, cộng đoàn mới: trong sự tham gia phong phú và có trật tự của các đoàn sủng vào cộng đoàn hiệp thông của Giáo Hội, các thực thể mới này không được tránh né không vâng phục hàng giáo phẩm của Hội Thánh, và cũng không được tự ban cho mình quyền được thi hành một sứ vụ tự trị. Vì thế, các đoàn sủng có một tầm quan trọng không thể thiếu được đối với đời sống và sứ mạng của
Giáo Hội; các đoàn sủng chân chính chính có đặc tính cởi mở truyền giáo, vâng phục cần thiết đối với các mục tử, và ở trong Giáo Hội.
Thư của Bộ giáo lý đức tin cảnh giác chống lại chủ trương coi Giáo Hội cơ chế và Giáo Hội bác ái như hai thực thể đối nghịch nhau hoặc chỉ ở cạnh nhau, bởi vì trong Giáo Hội cả các cơ chế thiết yếu cũng có đặc tính đoàn sủng, và các đoàn sủng phải được cơ chế hóa để có một sự thống nhất, trước sau như một, và liên tục. Vì thế, cả hai chiều kích đều cùng nhau góp phần hiện diện hóa mầu nhiệm và hoạt động cứu độ của Chúa Kitô trong thế giới.
Bộ giáo lý đức tin cũng trình bày những tiêu chuẩn để phẩm trật Giáo Hội phân định những đoàn sủng chân chính, theo đó các đoàn sủng phải là dụng cụ nên thánh trong Giáo Hội; dấn thân trong việc truyền bá Tin Mừng; tuyên xưng trọn vẹn đức tin Công Giáo, chứng tỏ tình hiệp thông thực sự với toàn thể Giáo Hội, chân thành đón nhận các giáo huấn đạo lý và mục vụ của Giáo Hội, nhìn nhận và quí chuộng các yếu tố đoàn sủng khác trong Giáo Hội; khiêm tốn chấp nhận những lúc thử thách trong cuộc phân định; có những thành quả thiêng liêng như bác ái, vui mừng, hòa bình, nhân bản; để ý đến chiều kích xã hội trong việc loan báo Tin Mừng, ý thức sự kiện: mối quan tâm đến sự phát triển toàn diện cho những người bị xã hội bỏ rơi nhiều nhất là điều không thể thiếu trong một thực tại Giáo Hội chân chính”.
Thư của Bộ giáo lý đức tin đã trình bày 2 tiêu chuẩn cơ bản để cứu xét hầu nhìn nhận các thực tại mới của Giáo Hội về phương diện pháp lý, theo các hình thức đã được Bộ giáo luật thiết định.
– Tiêu chuẩn thứ nhất là “tôn trọng đặc tính đoàn sủng của mỗi phong trào hoặc cộng đoàn ới của Giáo Hội”, vì thế cần tránh những những “bó buộc hoặc lèo lái về pháp lý, làm giảm bớt sự mới mẻ của các thực tại ấy”.
– Tiêu chuẩn thứ hai liên quan đến sự tôn trọng đường lối cơ bản trong việc cai quản Giáo Hội, tạo điều kiện dễ dàng cho sự hội nhập các hồng ân đoàn sủng trong đời sống Giáo Hội, nhưng cần làm sao để tránh cho các thực thể ấy bị coi như một thực tại song song, không tham chiếu các phẩm trật của Hội Thánh”.
7. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Thủ tướng Hà lan
Sáng 15 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Mark Rutte, Thủ tướng Hà lan. Sau đó ông Mark Rutte cũng gặp Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, được Đức Cha Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao, tháp tùng.
Trong cuộc hội đàm thân mật, các quan hệ song phương tốt đẹp giữa Hà Lan và Tòa Thánh được nêu lên. Hai bên cũng chú ý đến các vấn đề được quan tâm chung như hiện tượng di dân và xem xét một vài vấn đề quốc tế khác nhau.
8. 19 sinh viên tốt nghiệp khóa bảo vệ trẻ em vị thành niên tại Roma
Hôm 14 tháng 6, 19 sinh viên đầu tiên, đến từ 15 quốc gia của 4 châu lục, tham dự khóa học cao cấp của Trung tâm Bảo vệ trẻ em vị thành niên tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana đã nhận chứng chỉ trong buổi lễ tốt nghiệp ở Roma. Trung tâm Bảo vệ trẻ em vị thành niên được thành lập năm 2012, là một cơ sở của Giáo Hội ủng hộ các biện pháp đảm bảo an toàn và bảo vệ trẻ vị thành niên và người gặp vấn đề trên toàn thế giới.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô khen ngợi Trung tâm Bảo vệ Trẻ em vị thành niên mới được thành lập này và hy vọng là những sinh viên tốt nghiệp sẽ can đảm và dấn thân trong việc ngăn ngừa các lạm dụng tình dục trẻ em vị thành niên. Trong lá thư gửi riêng cho cha Hans Zollner, dòng Tên, chủ tịch của Trung tâm, Đức Giáo Hoàng đã bầy tỏ lòng biết ơn các giáo sư và sinh viên của chương trình. Ngài chúc các sinh viên tốt nghiệp lòng can đảm và kiên nhẫn, sự dũng cảm và dấn thân.
Đức Hồng Y Filoni, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc cũng khen ngợi việc thành lập Trung tâm. Ngài nói việc bảo vệ trẻ em vị thành niên là ưu tiên của toàn Giáo Hội. Trong một cách đặc biệt chúng tôi muốn đặt những nỗ lực của chúng ta vào các Giáo Hội trẻ để mọi sự có thể được thực hiên để chống lại hiện tượng đau buồn này ở các trường học, nhà trẻ, đại học và giáo xứ. Vì lý do này, Bộ Loan báo Tin Mừng rất vui ủng hộ những nỗ lực giáo dục và khoa học của Trung tâm.
Thông cáo của đại học cho biết chương trình một học kỳ này giáo dục các sinh viên quốc tế thành các chuyên viên ngăn ngừa để phòng chống các lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Chương trình học bao gồm 6 phần được giảng dạy theo phương pháp liên ngành và tương tác do các giáo sư của Trung tâm và của Đại học Gregoriana, cũng như một số giáo sư nổi tiếng, về các chủ đề khác nhau. Các sinh viên học để nhận ra các dấu hiệu của lạm dụng tính dục, để đưa ra các biện pháp phòng ngừa và chăm sóc cho các nạn nhân. Chương trình toàn cầu này đã được khởi xướng như là một phần của chiến lược phòng chống chủ động của Giáo Hội Công Giáo trong tháng Hai năm 2016. Chương trình bắt đầu từ tháng 2 năm 2016 và khai giảng mỗi năm một lần với 18 đến 20 sinh viên mỗi khóa. Việc đăng ký cho khóa học năm 2017 có thể nộp đơn cho đến 30/6/2016.
9. Giám mục Coptic kêu gọi Vương quốc Anh bảo vệ Ki-tô hữu Trung đông
Trong buổi Breakfast Prayer hàng năm của Quốc hội Anh ngày 14/6 vừa qua, Đức Cha Angaelos của Chính thống Coptic ở Vương quốc Anh đã phát biểu về tình hình của Ki-tô hữu ở Trung đông.
Trước sự hiện diện của trên 700 nghị viên, các lãnh đạo dân sự và tôn giáo, các đại sứ và giám đốc các tổ chức phi chính phủ, Đức Cha Angaelos nói: “Các Ki-tô hữu ở Trung đông là dân bản xứ và từ chối bị coi như thiểu số của mình.” Đức Cha kêu goi mọi người thuộc các đảng phái và tôn giáo cùng nhau làm việc, ngài nói: “Như các lãnh đạo tôn giáo và dân sự, chúng ta có cơ hội và trách nhiệm thay đổi câu chuyện và sự chờ đợi của Trung đông từ một vùng không còn hy vọng và tranh chấp thành nơi của hy vọng và lời hứa.”
Đức Cha nói thêm: “Bất kể chúng ta là thành viên của viện nào, hay đang thờ phượng trong Giáo Hội nào, hay một niềm tin mà người có ngừơi không, chúng ta phải cùng nhau hành động cho tự do và phẩm giá của sự sống con người và cùng có tiếng nói chung”.
Breakfast Prayer là buổi hội họp lớn nhất trong các hoạt động của quốc hội và là một sự nhìn nhận hàng năm về sự đóng góp của Ki-tô giáo vào đời sống quốc gia của Vương quốc Anh. Buổi họp này nhắm mời gọi các vị lãnh đạo cùng gặp nhau trong tinh thần của Chúa Giê-su để cùng cầu nguyện với nhau.
10. Kỷ niệm 65 năm linh mục của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16
Ngày 28 tháng Sáu tới đây sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 65 năm linh mục của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16. Nhân dịp này, Ðức giáo hoàng Phanxicô sẽ cùng hiện diện với Ðức giáo hoàng danh dự tại Hội trường Clêmentê của Dinh Tông Tòa. Ðây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của Ðức Bênêđictô XVI kể từ khi khai mạc Năm Thánh, ngày 08 tháng 12 năm 2015, khi ngài bước qua Cửa thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, tiếp theo sau Ðức giáo hoàng Phanxicô.
Ðúng vào ngày 29 tháng Sáu năm 1951, ngày lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Ðức Hồng Y Michael von Faulhaber, Tổng giám mục Munchen và Freising, một nhân vật nổi tiếng chống chế độ độc tài phát xít đã truyền chức linh mục cho thầy Joseph Ratzinger cùng với người anh là Georg Ratzinger.
Lúc ấy có hơn 40 linh mục trẻ cùng được chịu chức trong bối cảnh của một nước Ðức đang hồi sinh cả về vật chất lẫn tinh thần, thoát khỏi những vực thẳm mà Hitler đã đẩy quốc gia này vào. Trong tập Hồi ký, Ðức Hồng Y Ratzinger nói về những kỷ niệm của ngày thụ phong linh mục: “Ðó là một ngày hè rực rỡ không thể nào quên, đó là thời khắc quan trọng nhất của đời tôi”.
Việc tái khẳng định căn tính linh mục và niềm vui đời linh mục là mối bận tâm thường xuyên của Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong nhiều giai đoạn của đời ngài, khi làm giáo sư thần học rồi tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin, và cuối cùng trong sứ vụ mục tử toàn thế giới, đặc biệt khi ngài mở một “Năm Linh mục” vào năm 2009-2010.
11. Người Công Giáo Trung quốc bàng hoàng trước tuyên bố của Đức Cha Tađêô Mã Đạt Khâm
Đức Giám Mục Tađêô Mã Đạt Khâm (Ma Daquin) của Thượng Hải vừa công khai rút lại quyết định từ bỏ Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, mà chính ngài đã mạnh mẽ tuyên bố vào ngày được tấn phong giám mục hồi tháng 7 năm 2012.
Trong một bài đăng trên trang blog cá nhân của mình hôm Chúa Nhật ngày 12 tháng 6, Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm đã ca ngợi Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, một thể chế do nhà nước Trung Quốc lập ra nhằm kiểm soát đời sống của Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này kể từ cuối những năm 1950.
Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc bị người Công Giáo Trung Quốc coi thường, nhiều người trong số đó tiếp tục duy trì lòng trung thành với Roma một cách bí mật. Tòa Thánh cũng không công nhận thể chế này, như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói rõ trong lá thư của ngài gửi tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc Đại Lục hồi năm 2007.
Quyết định thay đổi đột ngột của Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm đã “gây choáng váng” cho các cộng đoàn Công Giáo Trung Quốc với khoảng 12 triệu người. Vị giám mục vốn bị chính quyền xem là ‘bất tuân’ này đã chịu sự quản thúc tại gia trong bốn năm qua, suốt từ ngày được tấn phong bởi Đức cố Giám Mục Alôsiô Kim Lỗ Hiền (Jin Luxian) tại Nhà thờ chính tòa Thánh Inhaxiô ở Thượng Hải. Ngài bị tước bỏ mọi công việc mục vụ, cắt luôn quyền kế vị chức giám mục của Thượng Hải khi Đức Giám Mục Kim Lỗ Hiền qua đời vào tháng 4 năm 2013.
Tuy bị trừng phạt như vậy, cho đến gần đây Đức Giám Mục Mã vẫn kiên quyết không khuất phục trước áp lực hoặc sự lôi kéo của nhà cầm quyền bắt ngài công khai ăn năn vì tội ‘phản loạn’. Sự can đảm không thỏa hiệp của ngài đã biến ngài trở thành một vị anh hùng trong lòng cộng đoàn người Công Giáo Trung Quốc ở Đại Lục và xa hơn nữa. Hoạt động của Đức Giám Mục Mã cũng được coi là sự thách thức cho các giám mục khác đang hợp tác với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Hành động “ăn năn công khai” của Đức Giám Mục Mã vào hôm Chúa Nhật tuần qua là điều mà Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc và Ban Tôn Giáo thành phố Thượng Hải đã ao ước từ lâu.
Hiệp hội này vốn được chỉ đạo bởi Bắc Kinh để ứng phó với những trường hợp giám mục bất tuân và họ thực sự bị bối rối khi Đức Giám Mục Mã công khai rút khỏi Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc hồi năm 2012.
Theo UCANews, Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm đã gây choáng váng cho những người Công Giáo Trung Quốc đang theo dõi blog cá nhân của ngài sau khi ngài dường như đã thay đổi thái độ về Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc. Ngài viết: “Trong thời gian qua, tôi đã bị những người khác lừa dối và đã có một số lời nói và hành động sai trái với Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc”, Đức Giám Mục Mã đã viết như vậy trên blog của ngài.
Nhiều câu hỏi đang đặt ra ở bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc về động thái mới của Đức Giám Mục Mã, nhưng tại thời điểm hiện tại thì có rất ít câu trả lời. Một nguồn tin nói rằng, so với phong cách của ngài thì văn bản trên trang blog đó là “khá thô lỗ” và hoàn toàn không giống của ngài.
Động thái công khai này của ngài dường như mới chỉ là bước đi đầu tiên, nhưng còn quá sớm để nói về những gì kế tiếp có thể xảy ra.
Việc Đức Cha Mã đã thay đổi quan điểm trước đây của ngài đến trong bối cảnh có dấu hiệu về việc Bắc Kinh và Roma đang cùng có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng để hướng về một thỏa ước. Không có bằng chứng nào cho thấy Tòa Thánh đã can dự vào quyết định của vị giám mục nổi tiếng nhất của Trung Quốc này. Một điều chắc chắn là câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây.
12. Quan sát viên Tòa Thánh Vatican cạnh Liên Hiệp Quốc lên tiếng về quyền của người di dân
Đại diện của Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã một lần nữa khẳng định trước Hội đồng Nhân quyền về sự cần thiết có các chính sách phù hợp để bảo vệ người di dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, phụ nữ và người già.
Hôm thứ Ba 14/6/2016, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc, đã phát biểu trước phiên họp lần thứ 32 của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva. Ngài nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô là người di dân không nên bị đối xử như là “một mối đe dọa cho sự ổn định quốc gia”, để mặc cho “những người vô đạo đức lợi dụng hoặc đối xử như là hàng hóa hay sản phẩm, mà không có bất kỳ mối quan tâm thực sự nào về quyền lợi và nguyện vọng của họ”.
Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá sự đóng góp tích cực của những người di dân vào các nước tiếp nhận – nhiều nước trong số đó phải đối mặt với vấn đề nhân khẩu học do dân số già đi. Ngài cho biết những người di dân đóng góp bằng cách “xây dựng những chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa, thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển của các quốc gia xuất xứ của mình qua các khoản tiền họ gửi về cho gia đình và qua các kỹ năng mới mà họ đạt được”.
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Jurkovič lưu ý rằng họ tiếp tục làm việc và sống trong điều kiện bấp bênh, nguy hiểm, và không an toàn, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị phân biệt đối xử và rập khuôn tiêu cực, không có quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Ngài nói rằng giáo dục vẫn là một trong những công cụ hiệu quả nhất để vượt qua sự nghi ngờ, sự thờ ơ, những định kiến và trao quyền cho tất cả mọi người cùng nhau làm việc trong việc xây dựng một “xã hội công bằng, cảm thông và thăng tiến toàn diện hơn”.
Nguồn: VietCatholic News