Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 16-22/03/2017: Đức Thánh Cha xưng tội tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 16-22/03/2017: Đức Thánh Cha xưng tội tại Đền Thờ Thánh Phêrô

1. Đức Thánh Cha chủ sự buổi cầu nguyện sám hối

Lúc 5 giờ chiều ngày 17 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cử hành thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô cho nhiều hối nhân, với phần xưng tội riêng và lãnh ơn xá giải.

Tham dự nghi thức này cũng có 3 Hồng Y, 3 Giám Mục, đông đảo các linh mục, tu sĩ và hàng ngàn giáo dân.

Trong tập sách nhỏ phát cho các tín hữu tham dự nghi thức, có phần giúp các tín hữu xét mình chuẩn bị xưng tội, với 28 câu hỏi.

Sau bài đọc trích từ thư thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ (2,20b-25) nói về gương Chúa Kitô chịu đau khổ cho chúng ta, gánh lấy tội lỗi loài người, và bài Tin Mừng theo thánh Marco đoạn 10 (10,32-45) nói về phản ứng của Chúa Giêsu trước lời xin của Giacôbê và Gioan mong Chúa cho họ được ngồi bên hữu bên tả Ngài trong vinh quang, mọi người đã suy niệm trong thinh lặng trong 10 phút.

Tiếp đến là phần xét mình riêng, rồi chính Đức Thánh Cha cũng đi xưng tội với một linh mục, ngài quì trước cha giải tội khoảng 4 phút, trước khi đi sang tòa gần đó để giải tội cho 7 giáo dân gồm 3 người nam và 4 người nữ, trong 50 phút đồng hồ.

Trong lúc ấy các Giám Mục và 95 linh mục, phần lớn là các cha giải tội thường xuyên và ngoại thường tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma cộng thêm với Đức Hồng Y Piacenza và các linh mục thuộc tòa ân giải tối cao đã giải tội riêng cho các tín hữu. Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh và người đánh đàn phong cầm và hạc cầm thay phiên nhau tạo nên một bầu không khí an bình trong thánh đường.

Buổi cử hành được kết thúc với kinh nguyện tạ ơn và phép lành của Đức Thánh Cha.

2. Đức Thánh Cha nói về các đặc tính của một cha giải tội tốt

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với một nhóm linh mục về các đặc tính của một cha giải tội tốt vào cùng ngày ngài chủ sự một buổi cử hành Phụng Vụ Sám Hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong buổi tiếp kiến trước đó vào sáng 17 tháng Ba dành cho 700 người gồm các linh mục trẻ và chủng sinh sắp thụ phong linh mục tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức trong những ngày qua, Đức Thánh Cha khai triển 3 điều kiện để trở thành cha “giải tội tốt”:

– Trước tiên phải là người bạn đích thực của Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành. Điều này trước tiên có nghĩa là phải vun trồng đời sống cầu nguyện, luôn cầu xin Chúa ơn bác ái mục tử, ơn có khả năng hiểu những vết thương của người khác để chữa lành, ơn khiêm tốn, và luôn xin ơn Thánh Linh là Thánh Thần Phân Định và cảm thương.

– Thứ hai, cha giải tội tốt là người của Thánh Linh, người biết phân định. Cha giải tội không dạy đạo lý riêng của mình, nhưng luôn luôn thực thi thánh ý Chúa, trong niềm hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội.

– Thứ ba, Đức Thánh Cha nói, cha giải tội tốt là người ý thức rằng tòa giải tội cũng là nơi thực sự để loan báo Tin Mừng. Thực vậy, không có sự loan báo Tin Mừng nào chân chính hơn là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa từ bi thương xót.

Tòa Giải tội cũng là nơi huấn luyện. Tuy cuộc đối thoại giữa cha giải tội với hối nhân thường ngắn ngủi, nhưng Cha giải tội được kêu gọi phân định xem đâu là điều hữu ích nhất và đâu là điều cần thiết cho hành trình thiêng liêng của anh chị em đến xưng tội.

3. Thông điệp của nhà lãnh đạo Công Giáo Ái Nhĩ Lan

Đức Tổng Giám mục Eamon Martin của tổng giáo phận Armagh, giáo chủ Công Giáo toàn Ái Nhĩ Lan, đã đưa ra thông điệp nhân lễ Thánh Patrick và kêu gọi suy tư về Thánh Patrick như một người tị nạn và là một người di cư không có giấy tờ.

“Ngày Lễ Thánh Patrick năm nay, trước tình cảnh của hàng ngàn người bị mất nhà cửa trên khắp thế giới, chúng ta hãy nghĩ đến thánh nhân như một người tị nạn, một người nô lệ lưu vong, một người di cư không có giấy tờ”.

Đức Tổng Giám Mục viết tiếp:

“Là người Ái Nhĩ Lan, chúng ta không thể nghĩ đến Patrick mà không thừa nhận những thách thức rất lớn về nhân đạo và mục vụ đang phải đối mặt với một số lượng ngày càng tăng những người thấy mình bị di dời và không có chỗ đứng trong thế giới của chúng ta.”

4. Đức Tổng Giám Mục đảo Sicily nói trùm Mafia không thể là cha đỡ đầu

Một vị tổng giám mục đảo Sicily đã nói rằng những tên cầm đầu các băng đảng tội phạm có tổ chức không thể là người đỡ đầu trong bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức.

Đức Cha Michele Pennisi của tổng giáo phận Monreale nói với tờ Corriere della Sera rằng: “Cha đỡ đầu trong Kitô giáo phải bảo đảm nuôi dạy một đứa trẻ trong đức tin. Làm sao người ấy có thể làm được điều đó, nếu anh ta sống trong sự chống đối Tin Mừng, trong bạo lực và hoàn toàn vâng lời thần tài?”

Đó là phản ứng của Đức Tổng Giám mục Pennisi trong cuộc tranh cãi nảy sinh vào tháng 12 vừa qua, khi một trùm Mafia khét tiếng là Salvatore Riina, muốn làm cha đỡ đầu của cháu trai.

Tổng Giáo Phận Monreale bao gồm thị trấn Corleone, được tác giả Mario Puzo sử dụng như là nơi sinh của Vito Corleone, một nhân vật hư cấu, là người đứng đầu gia đình Mafia trong cuốn Bố Già.

5. Các Hiệp sĩ Columbus kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp những Kitô hữu bị bách hại

Các Hiệp sĩ Columbus đã cấp thêm 1.9 triệu đô la viện trợ nhân đạo cho các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo khác ở Trung Đông. Kể từ năm 2014, các hiệp sĩ Columbus đâ cấp 12 triệu đô la cho khu vực này.

Nhân dịp này, ông Carl Anderson, lãnh đạo hội các Hiệp sĩ Columbus nói:

“Một năm trước, đất nước chúng ta tuyên bố rằng nạn diệt chủng đang xảy ra với các Kitô hữu và các cộng đồng thiểu số tôn giáo khác, nhưng những lời nói vẫn chưa đủ”.

Ông nói thêm:

Những người là mục tiêu của cuộc diệt chủng này vẫn cần sự trợ giúp của chúng ta, đặc biệt là vì nhiều người hoàn toàn không nhận được khoản tài trợ nào từ chính phủ Hoa Kỳ hoặc từ Liên Hiệp Quốc. Chính quyền mới nên sửa đổi các chính sách hiện hành và ngăn chặn sự phân biệt đối xử trên thực tế đang tiếp tục gây nguy hiểm cho các cộng đồng là nạn nhân của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

6. Các Giám Mục Nigeria than thở về tình trạng gia tăng bạo lực.

Chủ tịch hội nghị giám mục Nigeria vừa công bố một thông điệp Mùa Chay để cầu xin hòa bình, và than thở về một sự gia tăng bạo lực mới trong nước.

Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama của Jos nhấn mạnh rằng “không ai thực sự thắng trong cuộc chiến tranh ở đất nước này.” Ngài lập luận rằng cần phải có “cuộc đối thoại thực sự hơn giữa các dân tộc, tôn giáo và chính trị.”

Đức Tổng Giám mục viết rằng: Các chiến binh Hồi giáo đã tấn công vào các thị trấn ở đông bắc Nigeria, và khu vực có nhiều dầu mỏ Niger Delta khiến cho tình hình kinh tế của đất nước này ngày càng tồi tệ hơn.”

Khủng bố Hồi Giáo Boko Haram vừa gây thêm kinh hoàng tại Nigeria với một phương thức khủng bố mới. Trong diễn biến mới nhất, hôm 17 tháng Ba, 4 phụ nữ đã nổ bom tự sát ở một thành phố đông bắc Nigeria khiến 2 người chết và 16 người bị thương, không kể 4 phụ nữ này. Một nhân chứng cho biết:

“Họ tới gõ cửa nhà một người già và trong khi đang gõ cửa, trước khi người chủ nhà mở cửa, các tên nổ bom tự sát này đã cho nổ bom trên người khiến nhiều người bị thương. Chúng tôi hối hả đưa họ đến nhà thương”

Vụ nổ diễn ra trong một khu vực bị tàn phá nặng nề bởi bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram, là một bọn khủng bố muốn thiết lập một nhà nước Hồi Giáo tại Nigeria.

15,000 người đã bị giết và hơn 2 triệu người phải di dời vì các cuộc nổi loạn của chúng.

Tấn công vào các tư gia là một phương thức mới của nhóm này. Trước đây, chúng chỉ tấn công vào các khu vực đông người như chợ búa và các trại tị nạn.

7. Kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận Bình Nhưỡng, Bắc Hàn.

Năm 2017, giáo phận Công Giáo Bình Nhưỡng ở Bắc Hàn sẽ kỷ niệm 90 năm thành lập. Nhân dịp này, tổng giáo phận Hán Thành đã tổ chức các sáng kiến như Thánh lễ đặc biệt và một cuộc triển lãm các hình ảnh.

Thánh lễ đã được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Hán Thành vào ngày 18 tháng 03 và được dâng với ý chỉ cầu cho tất cả tín hữu Công Giáo ở Bắc Hàn, đặc biệt những người đã sống trong 90 năm này ở Bình Nhưỡng và những người đã hy sinh mạng sống vì đức tin.

Thánh lễ do Ðức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng giám mục Hán Thành và giám quản tông tòa của Bình Nhưỡng, chủ sự. Trong Thánh lễ, một bức tranh vẽ 24 vị tử đạo của Bình nhưỡng do cha Jerome Chang Keung-sole vẽ được đặt trước bàn thờ. Cha Chang Keung-sole cũng là thư ký điều hành của nhóm các linh mục sinh tại Bình Nhưỡng và là cựu giám đốc của Ủy ban hòa giải dân tộc Hàn quốc.

Trong số 24 vị tử đạo, có Đức Cha Francesco Borgia Hong Yong-ho, nạn nhân của chế độ Bắc Hàn vào năm 1949, hiện nay được gộp vào nhóm các vị tân tử đạo Hàn quốc (tất cả 214 vị, gồm có Giám mục, Linh mục và giáo dân) đang trong tiến trình phong chân phước.

8. Cảnh sát Philippines mời các linh mục tham gia hoạt động bạo lực chống ma túy.

Tướng Ronald “Bato” Dela Rosa, giám đốc cảnh sát quốc gia Philippines nhắc lại lời mời gọi Giáo Hội Công Giáo liên kết với chính quyền trong chiến dịch bạo lực chống ma túy của Tổng thống Duterte.

Cho đến nay, các giám mục đã từ chối lời mời của tướng Dela Rosa và mạnh mẽ chống lại nền văn hóa chết chóc của chính sách đã gây ra cái chết của hơn 8,000 người trong 8 tháng qua.

Lần này, Hội đồng Giám mục Philippines cũng đã từ chối đề nghị của tướng Dela Rosa về hoạt động chung giữa cảnh sát và Giáo Hội.

Cha Jerome Secillano, giám đốc Ủy ban đối ngoại của Hội đồng Giám mục khẳng định: “Giáo Hội hỗ trợ bất kỳ chiến lược vào (trong cuộc chiến chống ma túy) miễn là điều này không đưa đến các vụ giết người, tham nhũng và bất công.”

Tướng Dela Rosa tin là sự hiện diện của các chức sắc Giáo Hội trong các hoạt động làm cho những kẻ tình nghi dịu lại và thúc đẩy họ đầu hàng chính quyền theo cách hòa bình, thay vì chống đối cách bạo lực.

Dionardo Carlos, phát ngôn viên của cảnh sát quốc gia khẳng định là cuộc chiến chống ma túy là để cứu mạng của 1.18 triệu người nghiện tại quốc gia này. Phó tổng thống Leni Robredo thì tuyên bố rằng cuộc chiến do tổng thống tiến hành làm cho người dân Philippines “trở nên vô vọng và bất lực”.

Từ khi tổng thống Duterte nhậm chức vào cuối tháng 6 năm 2016, cảnh sát cho biết khoảng 2,500 người bị giết trong các hoạt động chống ma túy mà phần lớn là các trường hợp tự vệ chính đáng của các nhân viên cảnh sát. Trong khi đó, 4,500 người khác bị chết trong các trường hợp không thể giải thích. Các nhà chức trách gán cho các xung đột cạnh tranh giữa các băng nhóm tội phạm là nguyên nhân của các cái chết này.

9. Ðại diện Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc lên án nạn buôn người.

Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, là Ðức Tổng Giám Mục Bernadito Auza, mạnh mẽ lên án các nhóm khủng bố buôn người và biến họ thành nô lệ.

Ðức Tổng Giám Mục Auza bày tỏ lập trường trên đây trong bài tham luận hôm 15 tháng 3 năm 2017 tại cuộc thảo luận mở rộng của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về đề tài: “Nạn buôn người trong những tình cảnh xung đột: cưỡng bách lao động, nô lệ và những việc làm tương tự”.

Ngài nhắc lại rằng Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã coi cuộc chiến chống nạn buôn người là một trong những ưu tiên trong triều đại Giáo Hoàng này, và không do dự định nghĩa nạn buôn người là một tội ác chống lại nhân loại.

Và Ðức Tổng Giám Mục Auza tố giác sự kiện “ngày nay chiến tranh và xung đột đã trở thành động lực hàng đầu đưa tới nạn buôn người. Chúng tạo nên môi trường để những kẻ buôn người hoạt động, lợi dụng những người trốn chạy bách hại và xung đột, những người đặc biệt dễ bị tổn thương và dễ rơi vào vòng tay của chúng. Các cuộc xung đột đã tạo điều kiện cho những tên khủng bố, các nhóm võ trang và các mạng tổ chức tội phạm liên quốc gia tăng bóc lột các cá nhân và dân chúng”.

10. Ðức Thánh Cha khích lệ các Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolô.

Ðức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các thành viên các Hội Bác Ái thánh Vinh Sơn Phaolô tiếp tục theo đuổi lý tưởng phục vụ người nghèo.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các Hội bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô nhân dịp kỷ niệm 400 năm thành lập hội này và Ðại hội Liên hiệp quốc tế các Hội Bác Ái (AIC) mừng kỷ niệm được cử hành từ ngày 12 đến 15 tháng 3 năm 2017 tại Châtillon-sur-Chalaronne bên Pháp về chủ đề “400 năm với thánh Vinh Sơn, trên con đường tiến về tương lai trong căn nhà chung của chúng ta”.

Liên hiệp ACI này qui tụ 150 ngàn người thiện nguyện, phần lớn là phụ nữ, tại 53 quốc gia. Châtillon-sur-Chalaronne cách Paris 430 cây số về hướng đông nam. Thánh Vinh Sơn Phaolô thành lập các Hội bác ái tại Châtillon năm 1617.

Sau khi nhắc đến quá trình hoạt động của các hội này, Ðức Thánh Cha viết: “Ngày nay, tôi cũng khuyến khích anh chị em đồng hành với con người toàn diện, đặc biệt chú ý đến tình trạng sống bấp bênh của nhiều phụ nữ và trẻ em. Ðời sống đức tin, đời sống kết hiệp với Chúa Kitô giúp chúng ta nhận ra thực tại con người, phẩm giá khôn sánh của họ.. nhìn họ như một hữu thể được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa, như người anh chị em, như tha nhân mà chúng ta có trách nhiệm đối với họ”.

Ðức Thánh Cha giải thích rằng để “nhìn thấy” những người nghèo ấy, và trở nên gần gũi họ, nếu chỉ theo những ý tưởng lớn mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải sống mầu nhiệm nhập thể nữa, mầu nhiệm này rất được thánh Vinh Sơn Phaolô quí mến, mầu nhiệm Thiên Chúa hạ mình, trở nên phàm nhân, sống giữa chúng ta và đã chết để nâng con người lên và cứu vớt họ.. Ðó là thực tại mà chúng ta được mời gọi sống trong tư cách là Giáo Hội. Vì thế, không có sự thăng tiến nhân bản và không có sự giải phóng con người đích thực mà không có sự loan báo Tin Mừng, vì khía cạnh cao cả nhất của phẩm giá con người ở trong ơn gọi con người hiệp thông với Thiên Chúa”.

11. Nga âm mưu thôn tính Crimea lâu dài

Trong âm mưu thôn tính lâu dài bán đảo Crimea, Nga vừa cho khởi công xây cất một chiếc cầu nối liền bán đảo này với lãnh thổ Nga. Chiếc cầu sẽ bắt qua eo biển Kerch để nối liền phần lãnh thổ Crimea của Ukraine bị Nga sát nhập vào đất liền trên lãnh thổ Nga.

Điện Cẩm Linh xem cây cầu này là thiết yếu trong việc hội nhập vùng này vào Nga. Crimea của Ukraine đã bị Nga chiếm vào năm 2014.

Tổng thống Vladimir Putin gọi công trình này là một sứ mạng lịch sử. Cây cầu này gồm 2 cấu trúc song song. Một dành cho giao thông đường bộ và một cho giao thông đường sắt. Cây cầu dài 11.81 dặm, tức là 19km, này sẽ là cây cầu dài nhất tại Âu Châu. Một sắc lệnh của chính quyền Nga cho biết cây cầu này sẽ được hoạt động trước tháng 12, 2018, và tuyến đường sắt sẽ hoạt động trước tháng 12, 2019.

12. Caritas Peru đưa ra lời kêu gọi cứu trợ khẩn cấp

Hội Đồng Giám Mục Peru và Caritas nước này đã lên tiếng kêu gọi cứu trợ khẩn cấp trong tinh thần liên đới Mùa Chay sau khi nước này phải hứng chịu một trận lụt tàn hại nhất trong gần 20 năm qua.

Sáu mươi bảy người đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác buộc phải di tản vì những cơn mưa dữ dội làm 115,000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 100 cây cầu bị cuốn trôi trong trận lũ lụt tồi tệ nhất của Peru trong hai mươi năm qua.

Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski, nói trong một chương trình truyền hình chiều thứ Sáu, rằng: “Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề khí hậu nghiêm trọng. Từ năm 1998 đến nay, không có biến cố nào kinh hoàng như thế dọc bờ biển Peru.”

Thiên tai xảy ra sau một thời hạn hạn hán nghiêm trọng. Người ta đổ lỗi cho nhiệt độ cao bất thường ở Thái Bình Dương, cùng với những lời chỉ trích cho rằng đất nước này không sẵn sàng trước những thách thức ngày càng gia tăng về thay đổi khí hậu.

Trong ba ngày từ hôm thứ Tư 15 tháng Ba, những trận mưa trút nước đã làm vỡ bờ sông, tạo ra tình trạng lụt lội, các cây cầu bị sập, đường bị đóng, các hoạt động thường nhật phải tạm ngừng ở các vùng phía tây và phía bắc của Peru.

13. Giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đang có nguy cơ thất bại

Giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, là giải pháp được Tòa Thánh ủng hộ, đang có nguy cơ thất bại vì quyết tâm của Irael muốn xây dựng các khu định cư người Do Thái trong khu vực West Bank của Plaestine.

Các cuộc hòa đàm bị đình trệ, những luận điệu châm dầu vào lửa tới tấp được đưa ra cùng với các hành vi khủng bố, và những hành động đơn phương đang dập tắt những nỗ lực khôi phục lại quá trình đối thoại thực sự và những thỏa hiệp.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 17 tháng Ba, ông Netanyahu, thủ tướng Do Thái nói:

“Chiều nay, tôi sẽ gặp đặc sứ của tổng thống Trump là ông Jason Greenblatt. Chúng tôi đang nói chuyện với Tòa Bạch Ốc với ý hướng là tiến đến một chính sách thỏa thuận về việc xây dựng các khu định cư được cả chúng tôi đồng ý chứ không chỉ người Mỹ đồng ý là đủ. Cố nhiên điều này sẽ giúp cho Do Thái sau một thời gian nhiều năm chúng ta không tham gia vào tiến trình như thế.”

Bất chấp sự phản đối của Palestine, trong một cử chỉ khiêu khích, ông Netanyahu nói thêm:

“Với những người định cư tại Amona, tôi lặp lại, là tôi cho phép anh chị em thiết lập khu định cư và tôi sẽ giữ lời hưá”.

Xô xát đã xảy ra giữa người Palestine và người Do Thái tại các khu định cư của Israel sau tuyên bố của ông Netanyahu.

Trong cuộc họp báo sau đó, tổng thống Palestine, là ông Mahmoud Abbas nói:

“Chúng tôi đã cuộc gặp gỡ với đặc sứ của tổng thống Trump là ông Jason Greenblatt, là người đã ngồi xuống với chúng tôi để biết thêm thông tin và các ý tưởng hầu thăm dò các vấn đề.”

Ông Mahmoud Abbas nói thêm:

“Ông ta đã gặp gỡ chúng tôi và nhiều viên chức Palestine khác. Chúng tôi hy vọng rằng những tiếp xúc này cuối cùng sẽ dẫn đến hòa bình dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế”.

14. Một Linh mục Ðaminh người Pakistan được trao “Giải thưởng Hòa hợp tôn giáo”.

Phân bộ châu Âu của tổ chức quốc tế “United Religions Initiative” đã trao giải “Premio per Armonia Interreligiosa” năm 2017 cho cha James Channan, một Linh mục dòng Ðaminh và Abdul Khabir Azad, một đại Imam ở Lahore.

Ðây là giải thưởng cho việc họ đã xây dựng sự hòa hợp tôn giáo trong các công việc hàng ngày, một hoạt động đáng là gương mẫu cho toàn lục địa châu Phi.

Cha James nói với hãng tin Fides: “Ðây là sự nhìn nhận hoạt động cổ võ đối thoại liên tôn ở Pakistan và trên toàn thế giới, và vổ võ một nền văn hóa hòa bình, công bằng, hòa giải và đối thoại. Sự nhìn nhận này sẽ nuôi dưỡng lòng can đảm và các hoạt động thường ngày để phá bỏ bức tường thù ghét giữa Kitô hữu và Hồi giáo và xây dựng các cây cầu tin tưởng và tôn trọng.”

Cha James là giám đốc trung tâm hòa bình ở Lahore và điều phối viên khu vực Ðông Á của tổ chức “United Religions Initiative”, đã cùng làm việc chung với Imam Abdul Khabir Azad từ hơn 20 năm nay. Cả hai người đã thăm nhiều quốc gia trên thế giới để cổ võ đối thoại Hồi giáo và Kitô giáo.

Cha James cám ơn Chúa về ơn gọi Linh mục và tu sĩ Ðaminh của mình, nhờ đó cha có cơ hội hoạt động cho sứ vụ quan trọng này ở Pakistan và trên thế giới. Cha cũng cám ơn dòng Ðaminh đã trợ giúp cha trên mỗi bước đường của sứ vụ.

Trong tình cảnh hiện tại của Pakistan bị ảnh hưởng bởi khủng bố, cha James khẳng định sự dấn thân để cùng với những người thiện chí, cổ võ hòa bình, công bằng, hòa hợp để làm cho Pakistan trở thành một đất nước tốt hơn, nơi các công dân của mọi tôn giáo có thể sống hòa bình và an bình.

15. Giáo Hội Italia trợ giúp 1 triệu euro để cứu trợ cho Nam Sudan.

Hội đồng Giám mục Italia trích một triệu euro từ số tiền thuế 8/1,000 dành cho Giáo Hội để trợ giúp những người di tản và nạn nhân của cuộc xung đột đẫm máu tại Nam Sudan.

Hôm 17 tháng 03 năm 2017, văn phòng quốc gia của ủy ban truyền thông xã hội của Hội đồng Giám mục đã thông báo rằng “số tiền, qua Caritas Italia, sẽ trợ giúp các hoạt động về sức khỏe và dinh dưỡng của Hội bác sĩ châu Phi Cuamm, bệnh viện của dòng Comboniano ở Wau và cac dự án tái thiết xã hội kinh tế của Caritas địa phương.

Nước Cộng hòa Nam Sudan được độc lập từ năm 2011, “đang sống trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất tại lục địa châu Phi do cuộc xung đột từ năm 2013 và các bạo lực do quân đội gây ra cho dân chúng.

Theo Liên hiệp quốc, có khoảng 100 ngàn người đang có nguy cơ chết đói, trong khi 5.5 triệu người có thể cũng lâm vào cùng tình cảnh này vào cuối năm 2017. Gần 2 triệu người chạy trốn chiến tranh và cần trợ giúp nhân đạo.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG