Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 15/11/2017: Nghị định tuyên thánh cho linh mục Hung bị cộng sản giết

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 15/11/2017: Nghị định tuyên thánh cho linh mục Hung bị cộng sản giết

1. Đức Thánh Cha Phanxicô đau buồn vì có quá nhiều người chụp hình trong các thánh lễ

Thánh lễ không phải là một buổi biểu diễn, nhưng là một cuộc gặp gỡ đẹp đẽ, biến đổi chúng ta trước sự hiện diện yêu thương đích thực của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi triều yết chung thứ Tư 8 tháng 11 và nói thêm rằng lòng ngài buồn vô hạn trước việc có quá nhiều người chụp hình trong các thánh lễ.

Trước sự hiện diện từ ái của Chúa Kitô, chúng ta cần phải tập trung tâm hồn hướng về Thiên Chúa, chứ đừng tập trung vào những chiếc điện thoại thông minh và việc ghi lại những hình ảnh trong Thánh Lễ.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi linh mục cử hành Thánh lễ, ngài nói: ‘Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên,’ chứ ngài không nói, ‘chúng ta hãy nhấc điện thoại lên và chụp ảnh’. Không. Đó là điều thật khủng khiếp”

“Điều làm lòng tôi buồn vô hạn khi cử hành Thánh Lễ ở quảng trường này hoặc bên trong đền thờ là tôi thấy rất nhiều điện thoại di động được giơ lên. Và không chỉ là điện thoại của các tín hữu giáo dân, mà còn có cả điện thoại của một số linh mục và cả giám mục nữa”.

“Xin làm ơn giùm, Thánh lễ không phải là một buổi biểu diễn. Thánh lễ là để chúng ta gặp gỡ cuộc thương khó, và sự phục sinh của Chúa”.

Đức Thánh Cha cho biết thêm những nhận xét của ngài về vấn đề chụp hình trong các thánh lễ là phần nhập đề của một loạt các bài huấn đức về Thánh Lễ mà ngài sẽ trình bày liên tục trong các ngày tới đây. 

Loạt các bài huấn đức về Thánh Lễ này sẽ giúp mọi người hiểu được giá trị thực sự và ý nghĩa của phụng vụ như là một phần thiết yếu để chúng ta tiến gần hơn đến Thiên Chúa.

Ngài nhấn mạnh rằng một chủ đề chính được nhấn mạnh trong Công đồng Vatican II là việc đào tạo về phụng vụ cho các tín hữu giáo dân như là một yếu tố “không thể thiếu được cho sự đổi mới thực sự. “Và đây chính là mục đích của loạt bài giáo lý này mà chúng ta bắt đầu hôm nay – đó là để phát triển sự hiểu biết về ân sủng lớn lao mà Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.”

“Công đồng Vatican II bị thúc đẩy bởi mong muốn dẫn dắt người Kitô hữu đến với sự hiểu biết về sự cao cả của đức tin và vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao, sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và một sự đổi mới thích hợp về phụng vụ là cần thiết.”

Thánh Thể là một cách tuyệt vời mà Chúa Giêsu Kitô làm cho Người thực sự hiện diện trong cuộc sống của người khác, Đức Giáo Hoàng nói.

Tham gia vào Thánh Lễ là sống lại cuộc thương khó và cái chết cứu rỗi của Ngài trên bàn thờ, nơi Ngài hiện diện và hiến mình cho sự cứu rỗi thế giới.

“Chúa ở đó với chúng ta và hiện diện trong thánh lễ, nhưng rất nhiều lần chúng ta đến nhà thờ, nhìn ngang ngó dọc, chuyện trò với nhau cả trong khi linh mục đang cử hành Thánh Thể.”

Nếu vị tổng thống hay một người nổi tiếng hay một nhân vật quan trọng nào khác xuất hiện, chắc là tất cả chúng ta đều muốn tới gần ông, chúng ta muốn chào đón ông. Nhưng hãy suy nghĩ về điều này, khi anh chị em đi dự Thánh lễ, Chúa đang ở đó nhưng tâm trí anh chị em lại lang thang đâu đó. Chính là Chúa, Người đang hiện diện giữa chúng ta!”

“Người Công Giáo cần phải tìm hiểu và tái khám phá nhiều điều căn bản về Thánh Lễ và các bí tích để mọi người có thể ‘nhìn và chạm vào thân thể cũng như các vết thương của Chúa Kitô ngõ hầu có thể nhận ra Người, như Thánh Tôma Tông Đồ”.

Loạt các bài huấn đức về Thánh Lễ của Đức Thánh Cha sẽ gồm có các chủ đề sau:

– Tại sao lại làm dấu thánh giá vào đầu Thánh lễ? Tại sao điều quan trọng là chúng ta phải dạy cho trẻ con biết làm thế nào để làm dấu đúng cách và ý nghĩa của điều đó?

– Các bài đọc Thánh Lễ là gì và tại sao lại có những bài đọc như thế trong Thánh Lễ?

– Dự phần vào hy tế của Chúa và đến với bàn tiệc Thánh Thể của Chúa nghĩa là gì?

– Con người đang tìm kiếm điều gì? Phải chăng là nguồn nước tuôn tràn cho cuộc sống vĩnh cửu?

– Người ta có hiểu hay không tầm quan trọng của những lời ngợi khen và tạ ơn trong Bí Tích Thánh Thể và việc đón nhận Thánh Thể “khiến chúng ta nên một thân thể trong Chúa Kitô”?

2. Đức Giáo Hoàng cấm bán thuốc lá bên trong lãnh thổ quốc gia Vatican

Lo ngại về những nguy hiểm đến sức khoẻ do hút thuốc, Đức Giáo Hoàng đã ra lệnh cấm bán thuốc lá bên trong lãnh thổ quốc gia Vatican.

Bắt đầu từ năm 2018, Vatican “sẽ ngừng bán thuốc lá cho các nhân viên,” ông Greg Burke, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 9 tháng 11.

Ông nói: “Lý do rất đơn giản: Tòa Thánh không thể góp phần vào một hoạt động làm tổn hại hiển nhiên đến sức khoẻ của con người.” Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm hút thuốc là nguyên nhân của hơn 7 triệu trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

Năm 2002, quốc gia Vatican đã ra lệnh cấm hút thuốc lá trong văn phòng và nơi công cộng. Tuy nhiên, thuốc lá tiếp tục được bán cho các nhân viên hiện tại và cả các nhân viên đã nghỉ hưu tại Vatican. Tòa Thánh vẫn tiếp tục bán các mặt hàng khác với giá ưu đãi như xăng, hàng tạp hóa và các loại hàng hoá khác cho các nhân viên đang làm việc và những người về hưu.

Ông Greg Burke cho biết doanh thu thuốc lá “là một nguồn thu ngân sách cho Tòa Thánh. Tuy nhiên, lợi nhuận này không thể biện minh được nếu nó gây ra những nguy cơ cho cuộc sống”

Trên bình diện đạo đức, Giáo Hội chưa bao giờ xác định hút thuốc là một tội lỗi. Tuy nhiên, giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng hồng ân sức khoẻ thể chất đòi hỏi một sự chăm sóc hợp lý cơ thể chúng ta, và nhân đức giản dị đòi buộc chúng ta tránh mọi thứ dư thừa: lạm dụng thức ăn, rượu, và thuốc lá.

3. Đức Thánh Cha phê chuẩn án tuyên thánh tử đạo cho linh mục Hung Gia Lợi bị cộng sản thảm sát

Sáng thứ Tư 8 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến dành cho Bộ Tuyên Thánh. Dịp này, Đức Thánh Cha đã chuẩn y các án tuyên thánh tử đạo do Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng của bộ, trình lên ngài. Đức Thánh Cha đã truyền cho Bộ Tuyên Thánh công bố các Nghị Định sau:

– Nghị Định xác nhận sự tử đạo của vị Tôi Tớ Chúa Giovanni Brenner, linh mục triều, sinh ngày 27 tháng 12 năm 1931 tại Szombathely, Hung Gia Lợi, và bị cộng sản sát hại vì lòng hận thù đức tin ngày 15 tháng 12 năm 1957 tại Rabakethely, Hung Gia Lợi;

– Nghị Định xác nhận sự tử đạo của vị Tôi Tớ Chúa Leonella Sgorbati (nhủ danh Rosa), Nữ tu dòng Đức Bà Truyền giáo Consolata; sinh ngày 9 tháng 12 năm 1940 tại Rezzanello di Gazzola, Ý, và đã bị người Hồi Giáo quá khích giết hại vì lòng hận thù đức tin vào ngày 17 tháng 9 năm 2006 tại Mogadishu, Somalia, sau diễn từ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tại Đại Học Regensburg;

– Nghị Định nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Bernardo thành Baden, sinh vào khoảng cuối năm 1428 và đầu năm 1429 tại lâu đài Hohenbaden, Đức, và chết ngày 15 tháng 7 năm 1458 tại Moncalieri, Italia;

– Nghị Định nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I (tức là Đức Thánh Cha Albino Luciani), sinh ngày 17 tháng 10 năm 1912 tại Forno di Canale, Canale d’Agordo, Ý, và qua đời ngày 28 tháng 9 năm 1978 tại điện Tông Tòa Vatican.

– Nghị Định nhìn nhận những nhân đức anh hùng của vị Tôi Tớ Chúa Gregorio Fioravanti (tên thật là Lodovico), linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn là vị sáng lập Dòng Các Nữ Tử Thánh Tâm Chúa Giêsu; sinh tại Grotte di Castro, Ý vào ngày 24 tháng 4 năm 1822, và qua đời tại Gemona, Ý vào ngày 23 tháng 1 năm 1894;

– Nghị Định nhìn nhận những nhân đức anh hùng của vị Tôi Tớ Chúa Tomás Morales Pérez, linh mục, là vị sáng lập các Học viện Cruzados e Cruzadas de Santa María dành cho giáo dân; sinh tại Macuto, Venezuela vào ngày 30 tháng 10 năm 1908, và qua đời vào ngày 1 tháng 10 năm 1994 tại Alcalá de Henares, Tây Ban Nha;

– Nghị Định nhìn nhận những nhân đức anh hùng của vị Tôi Tớ Chúa Marcellino da Capradosso (tên thật là Giovanni Maoloni), linh mục tuyên xưng Dòng Anh Em Hèn Mọn; sinh ngày 22 tháng 9 năm 1873 tại Villa Sambuco di Castel di Lama và qua đời ngày 26 tháng 2 năm 1909 tại Fermo, Italia;

– Nghị Định nhìn nhận những nhân đức anh hùng của vị Tôi Tớ Chúa Teresa Fardella De Blasi, góa phụ và là vị sáng lập Viện Học Viện các Con gái Nghèo nàn của Đức Mẹ; sinh tại New York, Hoa Kỳ, vào ngày 24 tháng 5 năm 1867 và qua đời ngày 26 tháng 8 năm 1957 tại Trapani, Italia.

4. Giáo Hội tại Đức chống lại những vận động mở cửa các cửa hàng vào Đêm Giáng Sinh

Giáo Hội Công Giáo ở Đức bác bỏ ý tưởng cho rằng các các cửa hàng nên được cho phép mở cửa vào đêm vọng Giáng sinh, tức là đêm Chúa Nhật 24 tháng 12 năm nay. 

Hội Đồng Giám mục Đức bác bỏ điều này, “dựa trên luật pháp hiện hành nhằm bảo vệ các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ”, người phát ngôn của Hội Đồng Giám Mục Đức, là ông Matthias Kopp, nói với hãng thông tấn Kna của Đức: 

“Chúng ta sẽ có cả nhiều tuần trước đó và cả thứ bảy để dành cho việc mua sắm vào giờ chót”, ông Kopp nói.

Ông nhận xét rằng: 

“Người lao động trong các siêu thị đã làm việc quần quật, họ đáng được bắt đầu đêm Giáng sinh trong an bình, và thong thả của một ngày Chúa Nhật trước một kỳ nghỉ quan trọng như vậy”. 

Theo một cuộc khảo sát gần đây của tờ “Die Welt”, 87.2% người Đức cũng chống lại việc mở cửa các hàng quán và siêu thị vào ngày 24 tháng 12. 

Phong trào Công nhân Công Giáo (Kab) và các tổ chức giáo hội khác đang vận động ráo riết chống lại việc các cửa hàng mở cửa vào Đêm Giáng Sinh. Aldi, Penny, Rhineland-Palatinate và Hessen Landers tuyên bố họ sẽ không mở các cửa hàng của họ vào đêm Giáng sinh và cả ngày Giáng Sinh.

5. Trong một hành động họa hiếm, Ấn Độ xử tù chung thân kẻ hãm hiếp một nữ tu 72 tuổi

Hôm thứ Tư 8 tháng 11, trong một hành động được kể là vô cùng họa hiếm, tòa án ở Calcutta đã xử tù chung thân tên Nazrul Islam là kẻ đã hãm hiếp một nữ tu 72 tuổi hồi tháng Ba năm 2015.

Tưởng cũng nên nhắc lại là làn sóng bất mãn của người Công Giáo tại Ấn đã dâng lên tới cao độ sau khi một tu viện và cũng là một trường học bị tấn công và một nữ tu 72 tuổi bị 8 tên côn đồ hãm hiếp và đánh đập tàn bạo vào đêm thứ Sáu rạng ngày thứ Bẩy 14 tháng Ba 2015. 

Sáng thứ Bẩy, học sinh và cha mẹ đã xuống đường để phản đối. Họ chặn đoàn tàu trên tuyến Sealdah-Ranaghat và phong tỏa Quốc lộ 34 trong nhiều giờ nhằm phản đối vụ việc. Cư dân khác tham gia với họ.

Trong thông cáo đưa ra sau đó, cha Dominic Gomes, Tổng đại diện của Tổng Giáo Phận Kolkata, cũng gọi là Calcultta, cho biết tu viện Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tại Ranagath, đã bị tấn công và cướp phá trong nhiều giờ từ lúc 1 giờ sáng ngày thứ Bẩy mà không nhận được sự trợ giúp của cảnh sát.

Sau khi khống chế các nhân viên bảo vệ, bọn cướp đã trói 3 nữ tu và bắt đầu cướp phá. Nữ tu hiệu trưởng cũng là bề trên tu viện đã gọi điện thoại báo cảnh sát nhưng bọn cướp xông vào phòng của sơ lục soát, phá hoại tài sản và lấy tiền, một máy tính xách tay và điện thoại di động sau đó đã hãm hiếp sơ.

“Chúng tôi sẽ tìm ra thủ phạm là những kẻ phải bị trừng phạt. Những điều như thế này chưa bao giờ xảy ra tại bang này”, Đức Cha Thomas D’Souza, Tổng Giám Mục của Kolkata nói. Kolkata là nơi Mẹ Teresa đã hoạt động trong hầu hết cuộc đời của mình. Các nữ tu tại đây rất được tôn kính.

Các băng ghi hình đã ghi lại mặt mũi các tên côn đồ. Tổng cộng là 8 tên. Tuy nhiên, trong phiên tòa tại Calcutta hôm 8/11/2017 chỉ có 6 tên bị đưa ra xét xử.

Chánh án Kumkun Singha cũng đưa ra các hình phạt lên đến 10 năm tù giam cho 5 tên còn lại vì tội cướp có võ trang. Cũng cần nói thêm tên Nazrul Islam bị xử tù chung thân không phải là người Ấn nhưng là người Bangladesh.

Bạo lực chống lại các nữ tu tại Ấn đã gia tăng trong các năm gần đây. Một nữ tu 28 tuổi thuộc dòng Thừa Sai Phanxicô của Thánh Giuse đang theo học tại Chennai thuộc bang Orissa đã bị bắt cóc tại Kandhamal (một quận trong tỉnh Orissa) và bị hãm hiếp trong vòng một tuần lễ từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 7 năm 2013. Tháng 8 năm 2008, nữ tu Meena Barwa, 30 tuổi đã bị 22 người Ấn Giáo cực đoan hãm hiếp. Cảnh sát bắt được cả 22 tên nhưng 17 tên được tại ngoại hầu tra ngay tức khắc và đến nay, sau gần 5 năm, theo Đức Hồng Y Oswald Gracias, phiên tòa xử 22 tên này vẫn chưa xảy ra.

6. Ðức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Ukraine.

Ðức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các Linh Mục và chủng sinh Ukraine chăm chỉ học hỏi giáo huấn xã hội Công Giáo và chuẩn bị để trở thành những mục tử phục vụ dân Chúa tại Ukraine.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9 tháng 11 năm 2017 dành cho ban giám đốc và các Linh Mục, chủng sinh thuộc Giáo Hoàng Học Viện Ukraine ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Học Viện do Ðức Giáo Hoàng Piô 11.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Ðức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo đông phương, và Ðức Tổng Giám Mục Vasil, Tổng thư ký của Bộ.

Ðức Thánh Cha nhắc lại mối quan tâm của Ðức Cố Giáo Hoàng đối với giáo huấn xã hội Công Giáo trong thời kỳ đức tin bị các chế độ vô thần đàn áp. Ðức Piô 10 đã phải đương đầu với nhiều thách đố trong thời đại của Người, nhưng luôn lên tiếng mạnh mẽ trong việc bênh vực đức tin, tự do của Giáo Hội và phẩm giá siêu việt của mỗi người. Ngừơi minh mạch lên án các ý thức hệ vô thần và vô nhân đạo làm cho thế kỷ 20 bị đẫm máu.

Ðức Thánh Cha nói với các Linh Mục Ukraine tương lai rằng: “Tôi mời gọi các thày hãy học Ðạo lý xã hội Công Giáo, để trưởng thành trong việc phân định và phán đoán về những thực tại xã hội trong đó các thày sẽ được kêu gọi hoạt động”.

Ngài không quên nhắc đến tình trạng xung đột hiện nay ở miền đông Ukraine, gây đau khổ rất nhiều cho dân chúng, nhất là khi mùa đông đang đến gần. “Chính ước muốn mạnh mẽ về công lý và hòa bình, loại trừ mọi hình thức hư hỏng, băng hoạt xã hội hoặc chính trị, những thực tại trong đó những người nghèo luôn phải trả giá. Xin Chúa nâng đỡ và khích lệ những người đang dấn thân để thực hiện một xã hội ngày càng công bằng và liên đới. Ước gì họ được nâng đỡ tích cực nhờ sự dấn thân cụ thể của các Giáo Hội, các tín hữu và mọi người thiện chí.

7. Khóa trị liệu giúp các linh mục Ái Nhĩ Lan bị vu cáo lạm dụng tình dục trẻ em.

Các buổi trị liệu đang được tổ chức để giúp các linh mục Ái Nhĩ Lan vô tội bị vu cáo lạm dụng tính dục trẻ em có thể cải thiện tình trạng sức khỏe tâm lý của họ.

Trong tháng 11 năm 2017, Hiệp hội Linh mục Công Giáo Ai len lần đầu tiên tổ chức “Chu trình chữa lành”, với các buổi trị liệu, nhằm giúp cho các “nhân viên vô tội của Giáo hội”, những người bị ảnh hưởng do các vụ vu cáo lạm dụng tình dục trong quá khứ.

Cha Roy Donovan, phát ngôn viên của Hiệp hội với 1,000 linh mục thành viên cho biết là mục đích của các buổi trị liệu không chỉ “giúp chữa lành các vết sẹo” của các linh mục được tuyên trắng án, vô tội trong các vụ tình nghi lạm dụng, nhưng còn trợ giúp các giáo sĩ vẫn cảm thấy bị chấn thương hay cảm giác tội lỗi tập thể vì tội ác do một thiểu số các linh mục ấu dâm gây ra. Cha nói: “Nhiều linh mục tốt lành và đáng kính trọng đã bị ảnh hưởng bởi các vụ lạm dụng mà các linh mục khác gây ra. Họ bị “sốc” và cảm thấy xấu hổ về những gì đã xảy ra và đó một phần lý do tại sao chúng tôi tổ chức một chương trình chữa lành.”

Cha Donovan cũng cho biết khóa trị liệu được tổ chức do yêu cầu của các thành viên của hiệp hội. Cha hy vọng là “những người tham dự khóa sẽ thu được những lợi ích và nếu công việc tiến triển tốt, hiệp hội sẽ tổ chức những chu trình chữa lành trên khắp nước Ai len.

Nạn linh mục ấu dâm đã ảnh hưởng trầm trọng đến Giáo hội trên khắp thế giới. Giáo hội nhìn nhận và cố gắng chữa lành những vết thương cho các nạn nhân của tội ác này và đưa ra các biện pháp khắc phục. Ðàng khác, Giáo hội cũng giúp đỡ các linh mục vô tội, nạn nhân của những vụ cáo gian, vu khống nhằm thủ lợi.

8. Ðức Thánh Cha bổ nhiệm 2 Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo.

Ngày 9 tháng 11, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Protase Rugambwa người Tanzania làm tân Tổng thư ký Bộ truyền giáo thay thế Ðức Tổng Giám Mục Savio Hàn Ðại Huy, SDB, được cử đi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.

Ðức Tổng Giám Mục Rugambwa năm nay 57 tuổi (1960), nguyên là Giám Mục giáo phận Kigoma, Tanzania, trước khi được thăng Tổng Giám Mục Ðồng Tổng thư ký Bộ truyền giáo ngày 26 tháng 6 năm 2012. Trong chức vụ này ngài là Chủ tịch của 4 Hội Giáo Hoàng Truyền giáo gồm Hội Truyền Bá Ðức Tin, Hội Thánh Phêrô, Hội Nhi đồng Truyền giáo và Liên hiệp Giáo Sĩ Truyền giáo.

Cùng ngày 9 tháng 11 năm 2017, Ðức Thánh Cha đã bổ nhiệm Ðức Ông Giovanni Pietro Dal Toso, 53 tuổi (1964) người Italia, nguyên là Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh “Cor Unum”, (Ðồng Tâm), làm Ðồng thư ký Bộ truyền giáo thay thế Ðức Tổng Giám Mục Rugambwa, đồng thời thăng làm Tổng Giám Mục hiệu tòa Foraziana. Trong nhiệm vụ mới, ngài phụ trách 4 Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.

Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum là cơ quan bác ái của Ðức Thánh Cha, đã được xáp nhập vào Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện.

9. Chuyên gia giải độc ngoại giao Miến Điện được cử làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh

18 ngày trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Miến Điện, sáng thứ Năm 9 tháng 11, ông San Lwin, tân đại sứ của Miến Điện cạnh Tòa Thánh đã đến Vatican trình quốc thư.

Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Miến Điện vào ngày 4 tháng 5 năm nay theo sau cuộc viếng thăm Vatican của Bà Aung San Suu Kyi. Ông San Lwin là vị đại sứ đầu tiên của Miến Điện cạnh Tòa Thánh.

Trong thông cáo báo chí sau đó, Tòa Thánh không cho biết về nội dung cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và vị tân đại sứ nhưng thay vào đó đã công bố tiểu sử của vị đại diện Miến Điện cạnh Tòa Thánh.

Ông San Lwin sinh ngày 20 tháng 12 năm 1955 tại Yangon, có vợ và hai con gái.

Năm 1977, ông lấy được bằng cử nhân về môn Hóa Công Nghiệp. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Bộ Kinh Tế Miến Điện, ông chuyển sang ngành ngoại giao và đã từng giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Nha Chính Trị Ngoại Giao của Bộ Ngoại Giao Miến Điện trong nhiều năm trước khi được cử sang Âu Châu trong vai trò đại sứ thường trú tại Áo. Ông San Lwin thường được mô tả là chuyên gia giải độc ngoại giao Miến Điện nhằm đối phó với công luận thế giới liên quan đến những thách tích nhân quyền bất hảo của quốc gia này.

Là đại sứ thường trú tại Áo, ông San Lwin kiêm luôn nhiều chức vụ đại sứ tại các quốc gia Âu Châu khác như Lithuania; và nay là tại Vatican.

10. 72% những người được thăm dò chống lại việc cho phá thai tự do

Một cuộc thăm dò ý kiến thứ ba trong vòng chưa đầy sáu tháng đã một lần nữa cho thấy rằng công chúng Anh phản đối việc bãi bỏ các luật lệ hiện hành về phá thai.

Cuộc thăm dò của ComRes cho thấy có một sự phản đối cao trong công chúng đối với một chiến dịch vận động cho phép phá thai tự do tại Anh.

72 phần trăm trong 2,000 người trưởng thành được phỏng vấn nói họ muốn vấn đề phá thai phải nằm trong khuôn khổ pháp lý như hiện nay, nghĩa là phải có sự đồng ý của hai bác sĩ và thai nhi chưa quá 24 tuần.

Chỉ 12% ủng hộ việc bãi bỏ các luật lệ hiện hành về phá thai.

Chiến dịch vận động cho phá thai tự do tại Anh đang được dẫn dắt bởi các nhà cung cấp dịch vụ phá thai tư nhân và các đồng minh của họ trong Quốc hội cũng như một số phương tiện truyền thông.

Các nhà phê bình dự đoán rằng nếu phá thai được hợp pháp hóa thì không ai còn có thể ngăn các bác sĩ và những người khác tiến hành các thủ thuật theo nhu cầu, ngay cả trong những tuần lễ chót trước khi sinh, và cũng không còn ai có thể ngăn ngừa các hành vi ngược đãi khác như phá thai vì chọn lọc giới tính.

Trung tâm Nghiên cứu Hành động và Giáo dục Kitô giáo, gọi tắt là CARE, nhận xét rằng cuộc thăm dò ý kiến của ComRes cho thấy những nỗ lực để cho phá thai tự do là “hoàn toàn chống lại dư luận”.

11. Arập Saudi bắt giữ thủ tướng Li Băng – chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Boutros Rai đến miền đất của tiên tri Môhamét có thể phải hủy bỏ

Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai là Thượng Phụ Công Giáo Maronite tại Li Băng đã có cuộc gặp gỡ vào hôm 9 tháng Mười Một với tổng thống Li Băng Michel Aoun để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước này cũng như cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Li Băng và Arập Saudi.

Tuần trước, Thủ tướng Li Băng Saad Hariri đã gây kinh ngạc cho quốc gia này khi tuyên bố từ chức, trong khi đang thăm viếng Ảrập Saudi. Hariri – là người Hồi giáo Sunni, được xem là một người thân thiết với Ảrập Saudi – đã biến mất hoàn toàn kể từ hôm 4 tháng 11, và một số tin đồn cho biết ông đang bị chính quyền Ảrập Saudi bắt giữ.

Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai đã có kế hoạch đến thăm Ả-rập Saudi trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Aoun, hai vị có thể đã thảo luận liệu chuyến đi có nên được hoãn lại hay liệu Đức Hồng Y có thể đóng một vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán với các quan chức Ả rập Saudi hay không.

Theo hiến pháp Li Băng, tổng thống là một Kitô hữu, trong khi thủ tướng là một người Hồi Giáo.

Nếu cuối cùng chuyến đi của ngài được thực hiện, Đức Hồng Y Rai sẽ là Hồng Y Công Giáo đầu tiên đến thăm ‘miền đất của tiên tri Môhamét’

Hôm thứ Sáu 3 tháng 11, Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite tại Li Băng đã thông báo rằng ngài sẽ thăm Saudi Arabia trong vòng hai tuần tới, để đáp lại lời mời chính thức từ vua Salman Salman, hoàng thái tử, và nhân vật đứng thứ hai tại Saudi Arabia là Mohammad bin Salman. Chỉ một ngày sau đó, vụ khủng hoảng ngoại giao và chính trị này nổ ra.

12. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã mua lại Web site Catholic.Bible

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 6 tháng 11, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết các giám mục Mỹ đã mua lại Web site Catholic.Bible.

Web site này đã được khởi xướng bởi các kỹ sư Công Giáo Hoa Kỳ, là những người vừa có chuyên môn về các lĩnh vực điện toán và Kinh Thánh, vừa có một lòng đạo sốt sắng sáng lập nên. Nay Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ quyết định mua lại từ ngày 31 tháng 10 và đang có kế hoạch mở rộng thêm.

Web site này sẽ được các Giám Mục Hoa Kỳ sử dụng như nguồn tài nguyên chính cho Tuần lễ Kinh Thánh quốc gia diễn ra từ ngày 12 đến ngày 18 tháng Mười Một. Để mừng kỷ niệm 25 năm Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, chủ đề cho Tuần lễ Kinh thánh quốc gia năm nay là The Bible: A Book of Faith / La Biblia: Un Libro de la Fe (Kinh Thánh: Cuốn Sách của Đức Tin).

Ngoài Kinh Thánh, Catholic.Bible cũng là nguồn tài nguyên cho Lectio Divina – Cầu nguyện dưới ánh sáng của Lời Chúa – bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha vào mỗi Chúa Nhật hàng tuần. Trước đây, Lectio Divina chỉ giới hạn trong các Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục sinh.

Cho đến nay, tên miền .Bible được nhiều người xem là một nguồn đáng tin cậy để nghiên cứu về Kinh Thánh. Nhiệm vụ của .Bible là khuyến khích sự tham gia, dịch thuật, đổi mới và hợp tác toàn cầu để tất cả mọi người có thể trải nghiệm thông điệp thay đổi cuộc sống mà Kinh Thánh đem lại cho chúng ta.

Quý vị và anh chị em có thể ghé thăm Catholic.Bible tại địa chỉ này: https://catholic.bible

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …