Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 15/02 – 27/02/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 15/02 – 27/02/2014

1. Tường thuật Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường ngày thứ nhất

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi sự Công Nghị Hồng Y đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài hôm thứ Năm 20 tháng Hai. Ngài đến sớm, lúc 09:12 . Sau khi chào hỏi nhau , các vị Hồng Y đã bắt đầu ngay một ngày làm việc dài và căng thẳng. Chủ đề chính của cuộc thảo luận của các vị Hồng Y cũng là một trong những mối quan tâm chính của Giáo Hội: đó là thực trạng của gia đình ngày nay.

Tham dự Công Nghị Hồng Y này có tất cả các Hồng Y trên thế giới đang có mặt tại Rôma kể cả 19 vị sẽ được tấn phong vào thứ Bẩy 22 tháng Hai.

Sau kinh giờ Ba, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn đã chào đón Đức Thánh Cha và các vị Hồng Y về Rôma họp bàn về các thách đố của gia đình, trong viễn tượng Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới khóa đặc biệt tháng 10 năm nay về gia đình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc diễn từ sau:

“Anh em thân mến, tôi xin gởi lời chào nồng nhiệt đến tất cả anh em, và cùng với anh em, tôi cảm tạ Chúa là Đấng đã ban cho chúng ta những ngày gặp gỡ và làm việc cùng nhau. Chúng ta đặc biệt hoan nghênh những anh em của chúng ta sẽ được tấn phong Hồng Y vào thứ Bảy này và chúng ta đồng hành với những anh em này trong lời cầu nguyện và trong tình huynh đệ.

Trong những ngày này, chúng ta sẽ suy tư đặc biệt về gia đình, là tế bào cơ bản của xã hội. Từ thuở ban đầu Tọa Hóa đã chúc phúc cho những người nam nữ để họ có thể là sinh sôi nẩy nở, và vì vậy gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thế giới này. Suy tư của chúng ta trước hết phải giữ cho được vẻ đẹp của gia đình và hôn nhân. Sự cao cả của thực tại nhân loại này tuy đơn giản nhưng rất phong phú, bao gồm niềm vui và hy vọng, đấu tranh và đau khổ, như là toàn bộ của cuộc sống. Chúng ta sẽ tìm cách đào sâu hơn thần học về gia đình và phân định xem những thực hành mục vụ nào tình hình hiện nay đang đòi hỏi.

Cầu xin cho chúng ta có thể làm như vậy một cách chu đáo nhưng không rơi vào “tranh biện phức tạp” bởi vì chắc chắn điều này sẽ làm giảm chất lượng công việc của chúng ta. Ngày hôm nay gia đình bị xem nhẹ và khinh thường. Chúng ta được mời gọi để xác nhận thật là đẹp, thật là đúng đắn và tốt đẹp để bắt đầu một gia đình, để là một gia đình ngày hôm nay, và gia đình là điều thật thiết yếu cho cuộc sống của thế giới và cho tương lai của nhân loại.

Chúng ta được mời gọi để loan báo kế hoạch tuyệt vời mà Thiên Chúa dành cho gia đình và giúp những đôi vợ chồng cảm nghiệm cách hân hoan kế hoạch này trong cuộc sống của họ, trong khi chúng ta đồng hành với họ giữa vô vàn những khó khăn .

Chúng ta cảm ơn Đức Hồng Y Walter Kasper vì những đóng góp rất giá trị của ngài sẽ đưa ra cho chúng ta trong lời mở đầu. Cảm ơn tất cả anh em, và chúc anh em một ngày tốt lành!”

Sau bài phát biểu của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Walter Kasper trình bày diễn từ đầu tiên trong ngày có tiêu đề “Tin Mừng của gia đình.” Nhưng ngài cũng nói về những tình huống các linh mục phải đối diện hàng ngày, là một trong các khía cạnh của đời sống Giáo Hội mà các vị Hồng Y sẽ thảo luận.

Trong cuộc gặp gỡ với báo chí, Đức Hồng Y nói:

“Một người mẹ đã ly dị và tái kết hôn đã chuẩn bị theo cách tốt nhất có thể cho con trai bà rước lễ lần đầu, có thể là còn tốt hơn so với những bà mẹ khác vẫn còn trong hôn nhân đầu tiên của họ. Nhưng linh mục chánh xứ nói với tôi. ‘Ngày Rước lễ lần đầu đó con phải nói với người con trai là đứa bé sẽ được rước lễ, nhưng mẹ cháu thì không. Làm sao lại ra nông nỗi như thế? Vì cha mẹ đứa bé đã không thuận thảo được với nhau. Đây là một ví dụ cụ thể. Người mẹ muốn sống đức tin của mình, và bà ấy giáo dục con trai mình trong đức tin. Bà ấy đau buồn vì hôn nhân đầu tiên của bà đã kết thúc như thế. Sự tha thứ có thể áp dụng trong trường hợp này không? “

2. Tường thuật Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường ngày thứ hai

Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường đã diễn ra tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới thuộc nội thành Vatican trong hai ngày thứ Năm 20 và thứ Sáu 21 tháng Hai. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi bộ từ nhà trọ Santa Marta đến địa điểm họp.

Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã bắt đầu ngày họp thứ hai với những nhận xét về bài thuyết trình dẫn nhập của Đức Hồng Y Walter Kasper.

Ngài nói:

“Hôm qua, trước khi ngủ, không phải là ngủ gật, tôi đã đọc đi đọc lại những nhận xét của Đức Hồng Y Kasper. Tôi muốn cảm ơn ngài, vì tôi tìm thấy một thần học sâu sắc, và những tư tưởng thanh thản trong thần học. Thật tốt đẹp khi đọc thần học thanh thản. Nó đã làm tôi phấn chấn và nảy sinh ra ý tưởng này, xin Đức Hồng Y tha thứ nếu tôi nếu tôi làm ngài xấu hổ, nhưng ý nghĩ của tôi là: đây được gọi là suy tư thần học trong khi quỳ trong gối – Cảm ơn Đức Hồng Y rất nhiều.”

Các vị Hồng Y đã suy tư trên chính những nhận xét của Đức Hồng Y Walter Kaster. Trọng tâm là tìm một sự cân bằng giữa sự trung thành với Tin Mừng và đạo lý về lòng thương xót khi đề cập đến các vấn đề gai góc như việc rước lễ của người Công Giáo đã ly dị và tái hôn.

Sau phiên họp buổi sáng, cha Lombardi đã tổ chức một cuộc họp báo giải thích những gì các vị Hồng Y đã thảo luận. Ngài đã nêu bật một lần nữa rằng Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường là bước đầu tiên hướng tới Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình, vì vậy sẽ không có bất kỳ kết luận dứt khoát nào được đưa ra trong giai đoạn này.

Với rất nhiều bất ổn và bạo lực đang xảy ra ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, cha Lombardi đã đọc một tuyên bố của Đức Thánh Cha và các vị Hồng Y về tình trạng thế giới trong những ngày này:

“Những suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng và các Hồng Y đã hướng đến những quốc gia vào thời điểm này đang trải qua những xung đột nội bộ, hoặc những căng thẳng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của thường dân như ở Nam Sudan hoặc Nigeria, nơi mà các cuộc tấn công thường xuyên đã gây ra bao nhiêu những nạn nhân vô tội, giữa bối cảnh một sự thờ ơ ngày càng tăng trên thế giới. “

Các Hồng Y cũng đề cập đến các cuộc chiến đang diễn ra tại Syria, và bạo lực ngày càng tăng ở Ukraine và Cộng hòa Trung Phi.

Tuyên bố không đề cập đến những gì đang diễn ra tại Venezuela. Tuy nhiên, một số Hồng Y đã đề cập đến quốc gia này.

Đức Hồng Y Raymundo Damasceno nói:

“Chúng tôi đang cầu nguyện cho Ukraine, và Venezuela cầu mong cho họ sớm tìm được một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại.”

Đức Hồng Y Carlos Amigo Vallejo nói:

“Có những tình huống rất khó khăn đang diễn ra. Đặc biệt tôi nhớ đến Venezuela, nơi tôi đã từng là giám tỉnh trong một thời gian. Đó là một đất nước tôi yêu mến rất nhiều, với nhiều nguồn tài nguyên to lớn về mọi phương diện. Tôi tin tưỏng rằng người dân Venezuela sẽ tìm được phương pháp tốt nhất để tái lập trật tự cho quốc gia của họ.”

Hôm thứ Ba 18 tháng Hai, tổng thống Yanukovych nói có âm mưu đảo chính. Cảnh sát được lệnh tấn công vào quảng trường Maidan để dẹp những người biểu tình. Trong khi đó những người biểu tình cũng tấn công quyết liệt hơn vào cảnh sát và nổi lửa trước tòa nhà quốc hội vì tin rằng Yanukovych đã bí mật thương thảo với Nga. Một ngày trước đó, hôm thứ Hai 17 tháng Hai, Nga đã trao cho Ukraine 2 tỷ Mỹ Kim trong tổng số 15 tỷ Mỹ Kim là tiền viện trợ Nga dành cho Ukraine để đổi lấy việc Ukraine từ chối các hợp đồng mậu dịch với Liên Hiệp Âu Châu, là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình gần đây.

26 người chết trong cuộc giao tranh đẫm máu tại quảng trường Maidan, trong đó có 10 cảnh sát viên và một ký giả quốc tế. Nhiều đồn bót cảnh sát tại Lviv bị cướp phá.

Liên Hiệp Âu Châu dọa đưa ra những cấm vận đối với Ukraine và làn sóng bạo loạn gia tăng đã khiến Yanukovych đồng ý với các phe đối lập về một thoả thuận hòa bình. Tuy nhiên, giao tranh lại bùng lên ác liệt hơn vào hôm thứ Năm chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận này được công bố.

Các báo cáo cho rằng có ít nhất là 75 người bị giết chỉ trong ngày thứ Năm 20 tháng Hai, phần lớn là bị cảnh sát bắn tỉa.

Đức Hồng Y Peter Scherer Odilo nói:

“Chúng tôi rất lo buồn. Vâng, Đức Giáo Hoàng, thay mặt cho tất cả chúng tôi gửi một thông điệp tới các giám mục Ukraine.”

Trước khi kết thúc phiên họp ban sáng ngày thứ Sáu 21 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã tuyên bố bổ nhiệm 3 vị Hồng Y Chủ tịch thay phiên nhau chủ tọa các phiên họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm nay ở Roma, đó là:

– Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Pháp

– Đức Hồng Y Antonio Luis Tagle, Tổng Giám Mục Manila, Phi Luật Tân

– Đức Hồng Y Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida, Brazil

3. Hai vị Giáo Hoàng cùng hiện diện trong lễ tấn phong các tân Hồng Y

Trong Công Nghị Tấn Phong Hồng Y đầu tiên trong triều giáo hoàng của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng lên hàng Hồng Y 19 giám chức của Giáo Hội lúc 11 giờ sáng ngày thứ Bẩy 22 tháng Hai nhân lễ Tông Tòa Thánh Phêrô.

Vào lúc bắt đầu buổi lễ diễn ra trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nồng nhiệt chào đón Đức Thánh Cha danh dự Bênêđíctô thứ 16. Vị tiền nhiệm của ngài đã ngồi ngay bên cạnh các Hồng Y sắp được tấn phong.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các thành viên của Hồng Y Đoàn hãy để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Giêsu. Ngài cũng nhắc nhở rằng các vị phải suy nghĩ theo lối nghĩ của Thiên Chúa, chứ không để cho mình bị cám dỗ để nghĩ theo lối tư duy của nhân loại.

“Chúng ta tất cả đều là con người, là những kẻ tội lỗi”, nhưng ngài kêu gọi các Hồng Y tìm hy vọng nơi Thánh Giá và cảnh báo rằng “bất cứ khi nào một não trạng thế tục chiếm ưu thế, thì kết quả sẽ là sự cạnh tranh, ganh tị, và phe phái”

Ngài cũng nói rằng “Giáo Hội cần anh em, cần sự hợp tác của anh em, và hơn thế nữa là sự hiệp thông, hiệp thông với tôi và với chính anh em.” Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các ngài hãy là những nhà kiến tạo hòa bình, và là những gương sáng về lòng can đảm và từ bi “đặc biệt là vào thời điểm nhiều đau khổ và chịu đựng này của rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới.”

Đức Thánh Cha đã nhân dịp này bày tỏ “sự gần gũi tinh thần với các cộng đồng Giáo Hội và với tất cả các Kitô hữu bị bách hại và phân biệt đối xử” và “với mỗi người nam nữ đang phải đau khổ một cách bất công chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ” và ngài cầu nguyện cho những cuộc xung đột trên thế giới có thể được kết thúc trong hòa bình.

Trong số 19 Hồng Y có 16 vị dưới 80 tuổi sẽ bổ sung vào số các Hồng Y cử tri. Do đó, Giáo Hội sẽ có 120 Hồng Y cử tri cho đến tháng Năm.

Đông nhất trong số 16 vị Hồng Y là các vị thuộc Mỹ Châu La Tinh bao gồm các tổng giám mục của các thành phố lớn là Managua, Santiago de Chile, Rio de Janeiro và Buenos Aires; và một vị là Tổng Giám Mục Quebec, Canada. Như thế, Giáo Hội sẽ có 19 Hồng Y cử tri thuộc Mỹ Châu La Tinh. Đáng chú ý nhất là Đức Tổng Giám Mục Chibly Langois của Les Cayes. Ngài là vị Hồng Y đầu tiên của Haiti.

Châu Á và châu Phi mỗi nơi có 2 tân Hồng Y. Hàn Quốc có vị Hồng Y thứ hai là Đức Tổng Giám Mục Andrew Yeom Soo Jung của Hán Thành. Cùng với ngài, Á Châu có thêm một Hồng Y nữa là Đức Tổng Giám Mục Orlando Quevedo của tổng giáo phận Cotabato, một khu vực ở miền nam Phi Luật Tân nơi đang gánh chịu bạo lực thường xuyên bởi một nhóm Hồi giáo ly khai.

Hai tân Hồng Y khác đến từ các thành phố nghèo ở Tây Phi, nơi cũng đang diễn ra những cuộc xung đột đẫm máu là Đức Tổng Giám Mục Jean-Pierre Kutwa của Abdijan ở Bờ Biển Ngà, và Đức Tổng Giám Mục Philippe Nakellentuba Ouédraogo của tổng giáo phận Ouagadougou thuộc Burkina Fasso.

Như thế, Châu Phi sẽ có 14 Hồng Y cử tri và châu Á sẽ có 12 vị.

Bên ngoài giáo triều Rôma, chỉ có hai tổng giám mục châu Âu được phong Hồng Y là Đức Tổng Giám Mục Vincent Nichols của Westminster bên Anh và Đức Tổng Giám Mục Gualtiero Bassetti của tổng giáo phận Perugia-Città della Pieve bên Ý.

Bốn thành viên trong giáo triều được phong Hồng Y gồm Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Đức Tổng Giám Mục Gerhard Ludwig Müller, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin; và Đức Tổng Giám Mục Beniamino Stella, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ.

4. Nghi thức tấn phong Hồng Y

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng Y mới.

Ngài nói:

“Anh chị em rất thân mến, chúng tôi sắp thi hành một hành vi trọng đại và vui mừng trong thánh vụ của chúng tôi. Hành vi này có liên hệ trước tiên tới Giáo Hội tại Roma, nhưng cũng liên quan tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng Y đoàn, để các vị được hiệp nhất với Tòa thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn, trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Roma, và cộng tác mật thiết hơn với sứ vụ tông đồ của chúng tôi.”

“Mang mặc phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng, của các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Hội Thánh Roma.”

Đến đây, Đức Thánh Cha lần lượt xướng tên 19 Hồng Y mới, cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay chào mừng khi tên mỗi vị được nhắc đến. Đứng đầu danh sách là Đức Hồng Y Pietro Parolin, người Ý, 59 tuổi, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, rồi đến 3 vị thuộc giáo triều Roma: Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Tổng Giám Mục Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, Đức Tổng Giám Mục Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ.

Tiếp đến là các vị Tổng Giám Mục chính tòa của các giáo phận Westminster Anh quốc, Managua Nicaragua, Québec Canada, Abidjan bên Côte d’Ivoire, Rio de Janeiro Brazil, Perugia Italia, Buenos Aires Argentina, Hán Thành Hàn quốc, Santiago de Chile, Ouagadougou Burkina Faso, Cotabato Philippines, Les Cayes Haiti. Sau cùng là 3 vị đã quá 80 tuổi là Capovilla Italia, Sebastián Aguilar Tây Ban Nha, Edward Felix nguyên Tổng Giám Mục Castries, thuộc quần đảo Antille.

Đức Thánh Cha ấn định 3 vị tân Hồng Y thuộc đẳng phó tế là 3 vị thuộc Giáo triều Roma. 15 vị còn lại, kể cả Đức Hồng Y Parolin, là các Hồng Y thuộc đẳng Linh Mục, hầu hết là những vị đang coi sóc các giáo phận ở các nơi.

Tiếp tục nghi thức, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, các tiến chức Hồng Y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân Đức Thánh Cha Phanxicô và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Họi, theo các quy tắc luật định.

Kế đến, từng Hồng Y lần lượt tiến lên quì trước mặt Đức Thánh Cha để ngài đội mũ đỏ Hồng Y, với lời nhắn nhủ:

“Để ngợi khen Thiên Chúa Toàn Năng và mang lại vinh dự cho Tòa Thánh, Đức Hồng Y hãy nhận mũ đỏ này như dấu chỉ phẩm vị Hồng Y, có nghĩa là Đức Hồng Y phải sẵn sàng cư xử can đảm, cho đến độ đổ máu đào, để làm tăng trưởng Đức Tin Kitô giáo, cho hòa bình và yên hàn của Dân Chúa, cho tự do và sự mở rộng Giáo Hội Roma Thánh”.

Và khi trao nhẫn, ngài nói:

“Đức Hồng Y hãy nhận chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và Đức Hồng Y hãy biết rằng nhờ yêu mến vị Thủ lãnh các thánh tông đồ mà lòng yêu mến Giáo Hội của Đức Hồng Y được kiện cường”.

Sau cùng Đức Thánh Cha trao sắc chỉ về việc phong Hồng Y cũng như việc chỉ định tước hiệu thánh đường của tân chức.

Sau khi lãnh mũ và sắc phong các Tân Hồng Y trao đổi cử chỉ bình an với Đức Thánh Cha các vị đến chào các Hồng Y cũ rồi lên ngồi trên 18 chiếc ghế dành cho các vị.

Nghi thức tấn phong các Hồng Y mới kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của Đức Thánh Cha xin cho các tôi tớ Chúa là các tân Hồng Y khi kiên trì xây dựng Giáo Hội, chiếu tỏa rạng ngời với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh tuyền. Sau cùng là bài thánh Ca Lạy Nữ Vương thiên đàng. Bấy giờ là 12 giờ 15 phút.

Chiều thứ Bẩy ngày 22 tháng Hai, từ lúc 4 giờ rưỡi, các tân Hồng Y đã được nhiều người thân, bạn hữu và quan khách đến chúc mừng tại các địa điểm được chỉ định cho mỗi vị: 4 tân Hồng Y thuộc giáo triều ở trong dinh Giáo Hoàng, và 14 vị còn lại tại nhiều địa điểm trong khu vực Đại thính đường Phaolô Đệ Lục.

5. Thánh Lễ với các Tân Hồng Y

Sáng Chúa Nhật 23 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô với 150 Hồng Y trong đó có 18 vị mới được ngài phong sáng thứ Bẩy.

Trong số 9 ngàn người hiện diện trong Thánh Đường có hơn 100 Giám Mục và 150 linh mục đặc trách phần cho rước lễ. Ngoài ra còn có các phái đoàn chính phủ và nhiều vị trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Lúc 10 giờ, 18 tân Hồng Y đã tiến lên bàn thờ chính cùng với Đức Thánh Cha, kể cả một vị ngồi trên xe lăn là Đức Hồng Y Jean Pierre Kutwa, 69 tuổi, Tổng Giám Mục giáo phận Abidjan thuộc Bờ Biển Ngà, Phi Châu.

Các tân Hồng Y ngồi thành hai hàng cánh cung trước bàn thờ. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn có ca đoàn 40 người thuộc Giáo hoàng học viện Thánh nhạc ở Roma.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài đọc thứ I và bài Tin Mừng của ngày lễ để nhắc nhở các Hồng Y mới về nghĩa vụ nên thánh, xa tránh mọi lối cư xử trần tục, và dấn thân làm chứng về tình thương của Thiên Chúa.

Bài đọc thứ I vang dội lời kêu gọi của Chúa gửi đến dân Ngài: “Các con hãy nên thánh, vì Ta, Thiên Chúa của các con, là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Và Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng vọng lại: “Các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời” (Mt 5,48).

Sự thánh thiện theo tinh thần Kitô không phải là công trình của chúng ta, nhưng là thành quả của sự ngoan ngoãn – được mong muốn và vun trồng – đối với Chúa Thánh Linh của Chúa Ba lần thánh.

Sách Lêvi đã nói: “Đừng nuôi trong tâm hồn con sự oán ghét đối với người anh em con.. Đừng báo thù và nuôi oán hận.. nhưng hãy yêu thương tha nhân” (19,17-19). Những thái độ này nảy sinh từ sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta quá khác nhau, ích kỷ và kiêu ngạo.. nhưng lòng nhân lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa lôi kéo chúng ta, và Chúa Thánh Linh có thể thanh tẩy chúng ta, có thể uốn nắn chúng ta ngày qua ngày.

Trong Tin Mừng, cả Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta về sự thánh thiện và giải thích cho chúng ta luật mới của Ngài “Các con đã nghe nói: Mắt đền mắt, răng đền răng. Nhưng thầy bảo các con: .. nếu ai vả má phải của các con thì hãy giơ cả má kia cho họ” (Mt 5,38-39). Không những chúng ta không được đáp lại sự ác mà người khác làm cho ta, nhưng chúng ta còn phải cố gắng rộng rãi làm điều thiện cho họ nữa.

Anh em Hồng Y thân mến, Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội yêu cầu chúng ta làm chứng tá hăng say nhiệt thành hơn về những thái độ thánh thiện. Chúa Thánh Linh nói với chúng ta ngày hôm nay qua những lời của Thánh Phaolô: “Anh em là Đền thờ của Thiên Chúa.. Đền thờ thánh thiêng của Thiên Chúa là anh em” (1 Cr 3,16-17).

Đền thờ này là chúng ta, trong đó cử hành một phụng vụ nòng cốt: phụng vụ của lòng từ nhân, tha thứ, phục vụ, tóm một lời là phụng vụ tình thương. Đền thờ này sẽ bị xúc phạm, nếu chúng ta lơ là các nghĩa vụ đối với tha nhân. Một khi trong con tim chúng ta có một chỗ cho người bé nhỏ nhất trong anh em chúng ta, thì chính Thiên Chúa tìm được chỗ trong đó. Khi người anh em chúng ta bị bỏ rơi ở ngoài, thì chính Thiên Chúa không được đón nhận. Một con tim không có tình thương thì giống như một thánh đường bị xúc phạm, bị rút khỏi việc việc phụng thờ Thiên Chúa và dùng vào việc khác.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

Anh em Hồng Y thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất trong Chúa Kitô và giữa chúng ta với nhau! Tôi xin anh em hãy gần gũi tôi, bằng kinh nguyện, lời cố vấn, sự cộng tác. Và tất cả anh em chị em, các Giám Mục, linh mục, phó tế những người thánh hiến và giáo dân, anh chị em hãy cùng nhau khẩn cầu Chúa Thánh Linh, để Hồng Y đoàn luôn đầy lòng bác ái mục tử nồng nhiệt, đầu thánh thiện, để phục vụ Tin Mừng và giúp Giáo Hội chiếu tỏa tình thương của Chúa Kitô trên thế giới.

6. Vatican thành lập bộ mới lấy tên là Bộ Kinh Tế

Hôm thứ Hai 24 tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký tự sắc thành lập một bộ mới lấy tên là Bộ Kinh Tế. Bộ này có nhiệm vụ giám sát các hoạt động kinh tế, giúp đỡ người nghèo, tăng cường sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế và quản trị của Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha cũng đã quyết định bổ nhiệm Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney, Australia, lãnh đạo bộ mới này. Ngài có nhiệm vụ soạn thảo ngân sách cho Tòa Thánh cũng như phải áp dụng các tiêu chuẩn tài chánh quốc tế trong công việc điều hành bộ Kinh Tế của Tòa Thánh.

Quyết định này là kết quả theo sau khuyến cáo của nhóm các vị Hồng Y cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về vấn đề cần phải chính thức hoá và minh bạch hơn trong vấn đề tài chánh và quản trị. Đức Hồng Y George Pell cũng là một trong 8 Hồng Y cố vấn cho Đức Giáo Hoàng trong vấn đề tài chánh.

7. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục Tây Ban Nha

Trong tuần này, Đức Thánh Cha sẽ lần lượt tiếp 83 Giám Mục Tây Ban Nha đang trong chương trình Ad Limina viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là cuộc tiếp kiến diễn ra sáng thứ Ba 25 tháng Hai tại Điện Tông Tòa của Vatican giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và nhóm đầu tiên gồm 10 giám mục Tây Ban Nha.

Đức Thánh Cha đã chào đón từng vị một. Mỗi vị đều có một bản kiến nghị đặc biệt và một số quà tặng. Chẳng hạn, Đức Giám Mục của giáo phận Bilbao là Đức Cha Mario Iceta, đã tặng Đức Thánh Cha một mảnh nhỏ của cây Guernica là biểu tượng thành phố này, cũng như một album ảnh và những bài báo nói về trận túc cầu năm 1947 giữa đội Athletic Bilbao và đội San Lorenzo de Almagro mà Đức Giáo Hoàng một ủng hộ viên.

Gặp gỡ giới báo chí sau đó, Đức Cha José Ignacio Munilla, Giám mục giáo phận San Sebastián cho biết cảm tượng của ngài như sau:

“Đó là một cuộc trò chuyện rất thẳng thắn. Ngài nói: ‘Cứ nói tiếng Tây Ban Nha ngay từ đầu đi, khỏi mất thời gian chờ phiên dịch’. 10 anh em Giám Mục chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn. Sau khi cầu nguyện ngài mở đầu: ‘Quả banh đã lăn ra sân rồi. Ai sút phát đầu tiên đây?’ Thế là chúng tôi nói và nói, liên tục trong 2 giờ, về đủ mọi chuyện cần quan tâm”.

8. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Haiti

Sáng thứ Hai 24 tháng Hai Đức Thánh Cha đã tiếp Tổng thống Haiti là ông Michel Martelly, đang có mặt tại Vatican để tham dự lễ tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Chibly Langlois. Đức Tân Hồng Y sẽ đi vào lịch sử Giáo Hội tại quốc gia này như là vị Hồng Y đầu tiên.

Trong cuộc họp của họ, người đứng đầu của nhà nước trong vùng Caribê này đã cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì “những đóng góp tốt đẹp cho xã hội” của Giáo Hội tại Haiti, đặc biệt là về giáo dục và y tế.

Trong cuộc tiếp kiến, hai vị tái khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Haiti và Tòa Thánh. Các vị cũng nhấn mạnh đến việc tái thiết và hòa giải quốc gia.

Tổng thống Martelly đã tặng cho Đức Thánh Cha một con chim bồ câu bằng đồng, như một biểu tượng của hòa bình. Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng đã tặng tổng thống một bản sao bằng tiếng Pháp Tông huấn Evangelii Gaudium.

9. Lá thư của Đức Thánh Cha gởi cho tất cả các gia đình trên thế giới

Sáng thứ Ba 25 tháng Hai, Tòa Thánh đã công bố một lá thư của Đức Thánh Cha gởi cho tất cả các gia đình trên thế giới xin họ cầu nguyện cho hai cuộc họp sắp tới trong đó gia đình là chủ đề chính.

Trong thư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10 năm nay, được triệu tập để thảo luận về chủ đề “các thách thức mục vụ cho các gia đình trong bối cảnh truyền giáo.”

Đức Thánh Cha cho biết Thượng Hội Đồng này sẽ suy tư một cách đặc biệt về gia đình, về ơn gọi và sứ vụ của họ trong Giáo Hội và xã hội, những thách thức đối với hôn nhân, cuộc sống gia đình, việc giáo dục trẻ em, và vai trò của gia đình trong đời sống của Giáo Hội. “

Đức Thánh Cha cho biết thêm là cuộc họp sẽ quy tụ mọi thành phần dân Chúa bao gồm các giám mục, linh mục và giáo dân trên thế giới là những người đang “tích cực chuẩn bị cho cuộc họp với những gợi ý thực tế và sự hỗ trợ quan trọng của lời cầu nguyện. “

Đức Giáo Hoàng cũng yêu cầu các gia đình cầu nguyện cho Hội nghị thế giới của gia đình sẽ diễn ra tại Philadelphia vào tháng Chín năm 2015.

Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng thông qua những lời cầu nguyện cho cả hai sự kiện quan trọng này Giáo Hội sẽ tiến hành một cuộc hành trình thực sự của việc phân định và chọn ra những phương tiện mục vụ cần thiết để giúp các gia đình đối mặt với những thách thức hiện tại trong ánh sáng và sức mạnh xuất phát từ Tin Mừng.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chính Chúa Giêsu là Đấng soi sáng con đường của các gia đình trong cuộc sống hàng ngày và nâng đỡ tất cả mọi người trong cuộc hành trình của họ

10. Giải vô địch túc cầu thế giới sẽ khai mạc với thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô

Giải vô địch túc cầu thế giới tại Brazil sẽ được khai mạc tại sân vận động Sao Paulo vào ngày 12 tháng Sáu. Trong nghi lễ khai mạc, ban tổ chức sẽ phát thanh thông điệp chống kỳ thị chủng tộc của Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi bắt đầu trận đấu giữa đội chủ nhà Brazil và đội tuyển túc cầu Crotia.

Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, đã cho biết như trên hôm thứ Sáu 21 tháng Hai. Bà hiện đang ở thăm Rôma để gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô và dự nghi lễ tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Orani João Tempesta của tổng giáo phận Rio de Janeiro, Brazil.

Lúc 7h30 tối hôm thứ Sáu 21 tháng Hai, sau phiên họp thứ hai của Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến nữ Tổng Thống Brazil tại phòng khánh tiết của Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.

Nhân dịp này Đức Thánh Cha đã cảm ơn nữ Tổng Thống về Ngày Giới trẻ Thế giới diễn ra năm ngoái.

Tổng thống đã tặng Đức Giáo Hoàng một quả bóng có chữ ký của cầu thủ Brazil Ronaldo. Ngoài ra, một chiếc áo bóng đá của đội tuyển Brazil với một vài chữ của ngôi sao bóng đá Pele.

Đức Thánh Cha bông đùa:

“Món quà này có ý nghĩa là Đức Giáo Hoàng phải cầu nguyện để có đội Brazil giật được World Cup phải không?”

Tổng thống Dilma Rousseff đáp:

“Nếu Đức Thánh Cha muốn cầu nguyện để Brazil đoạt giải, thì con cám ơn rất nhiều. Nhưng ít nhất là ngài phải đứng trung lập đấy nhé.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng lại cho bà Rousseff một huy chương khắc hình Thiên thần Hòa bình. Và một món quà cá nhân của ngài gởi tặng cho con gái bà tổng thống.

Giải vô địch túc cầu thế giới, diễn ra 4 năm một lần, sẽ bắt đầu từ 12 tháng Sáu và kết thúc ngày 13 tháng Bẩy với trận tranh cúp vô địch trên sân Estadio do Maracana của thành phố Rio De Janeiro nơi đã diễn ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2013.

Các đội tuyển quốc gia được vào vòng chung kết lần này gồm Algeria, Á Căn Đình, Úc Đại Lợi, Bỉ, Bosnia và Herzegovina, Brazil, Cameroon, Chile, Colombia, Costa Rica, Croatia, Ecuador, Anh, Pháp, Đức, Ghana, Hy Lạp, Honduras, Iran, Ý, Bờ biển Ngà, Nhật Bản, Mexico, Hòa Lan, Nigeria, Bồ Đào Nha, Nga, Nam Hàn, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, và Uruguay.

11. Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 50 năm Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một thông điệp nhân dịp một hội nghị chuyên đề kỷ niệm 50 năm Hiến Chế Công Đồng Vatican II về Phụng Vụ Thánh – Sacrosanctum Concilium.

Trong Thông điệp được gởi đến Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Đức Thánh Cha viết là việc kỷ niệm này gợi lên “tình cảm biết ơn đối với các đổi mới sâu sắc và rộng rãi của đời sống phụng vụ mà Huấn Quyền Công Đồng đã thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa và soi sáng cho Giáo Hội.”

Ngài đã kêu gọi một sự đổi mới trong dấn thân tiếp nhận và thực hiện các giáo huấn trong Hiến Chế này một cách đầy đủ hơn vì theo con đường đã được vạch ra bởi các nghị phụ thì còn rất nhiều điều phải làm cho đúng với tinh thần của Hiến Chế.

Theo Đức Thánh Cha, Hiến Chế này và Huấn Quyền hậu Công Đồng “đã làm cho chúng ta hiểu rõ hơn về phụng vụ trong ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa”. Ngài khẳng định rằng Đức Kitô là nhân vật chính của tất cả các cử hành phụng vụ.

Trích dẫn thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, Đức Thánh Cha đã đề cập đến tầm quan trọng của việc “phụng tự thánh thiêng thật sự” trong đó các tín hữu dâng hiến bản thân làm của lễ sống động. Một phụng vụ “tách khỏi việc phụng tự thánh thiêng” có vẻ “gần như ma thuật” và không có chút “thẩm mỹ”. Trích dẫn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, ngài nhấn mạnh thêm rằng phụng vụ phải biến đổi các Kitô hữu từ bên trong.

12. Đức Thánh Cha gởi thông điệp video cho các tín hữu Tin Lành đang trong tuần cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô Giáo

Hàng trăm các tín hữu Tin Lành thuộc phái Ngũ Tuần đang trong tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô Giáo tại Hoa Kỳ đã theo dõi một đoạn video do vị Giám Mục của họ là Tony Palmer ghi bằng iphone trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 14 tháng Giêng. Trong đoạn video này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi đến Đại Hội của họ những tâm tình mong muốn sự hiệp nhất Kitô Giáo của ngài.

Qua người vợ Ý thuộc Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo, Tony Palmer đã trở thành gạch nối với Giáo Hội Công Giáo và đã từng làm việc với nhiều giới chức Công Giáo tại Rôma. Đặc biệt nhất là trong giai đoạn hoạt động tại Á Căn Đình, ông đã quen biết với Đức Tổng Giám Mục Bergolio từ năm 2006 và nhận Đức Tổng Giám Mục làm linh hướng.

Theo lời ông trình bày trước Đại Hội, thì giữa tháng Mười Hai vừa qua, ông nhận được cú điện thoại từ Đức Phanxicô ngỏ ý muốn gặp ông. Trong cuộc tiếp kiến ngày 14 tháng Giêng tại Vatican, ông cho Đức Phanxicô hay mình sắp sửa tham dự Đại Hội này, nếu Đức Phanxicô có mấy lời nhắn với Đại Hội thì hay biết mấy.

Giám Mục Tony Palmer nói:

“Tôi hỏi: Đức Thánh Cha có muốn tôi viết xuống không? Ngài nói: sao anh không thu một đoạn video? Tôi thực sự đã nghĩ đến chuyện này, tôi luôn có iPhone trong túi. Tôi đã nghĩ đến việc xin ngài điều này … nhưng tôi không muốn lạm dụng tình bạn của chúng tôi.”

Trong đoạn video Đức Thánh Cha nói bằng tiếng Anh nhưng pha với tiếng Ý:

“Xin lỗi anh chị em vì đôi khi tôi nói bằng tiếng Ý. Nhưng tôi nói chẳng bằng tiếng Anh hay tiếng Ý, nhưng bằng tiếng nói con tim. Đó là thứ ngôn ngữ đơn giản và chân thật hơn, và thứ ngôn ngữ này có từ vựng và văn phạm của nó. Một văn phạm đơn giản với hai luật: Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì họ là anh chị em của chúng ta. Với hai luật ấy, chúng ta có thể tiến về phiá trước.

Tôi đang ở đây với người anh em mình, với Giám Mục anh em Tony Plamer. Chúng tôi đã là bạn cố tri trong nhiều năm. Ngài bảo với tôi về Đại Hội của anh chị em, về cuộc gặp gỡ của anh chị em. Và tôi thật hân hạnh được chào đón anh chị em với cả niềm vui và nỗi khát khao.

Vui vì thấy anh chị em cùng tụ họp để tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa duy nhất và cầu nguyện cùng Chúa Cha để đón nhận Thánh Thần. Điều này thật vui vì chúng ta có thể thấy Chúa đang hoạt động khắp cùng bờ cõi trái đất. Khát khao vì điều xảy ra là trong chỗ chòm xóm với nhau có những gia đình yêu mến nhau nhưng cũng có những gia đình không ưa nhau. Những gia đình tụ họp cùng nhau và những gia đình phân rẽ. Chúng ta thuộc loại, chop phép tôi được nói, là phân rẽ. Phân rẽ vì tội lỗi đã chia cách chúng ta, tội lỗi của tất cả chúng ta. Những hiểu nhầm xuyên suốt trong lịch sử. Đó là hành trình dài của tội lỗi mà tất cả chúng ta đều dự phần. Trách ai bây giờ?

Tôi khát khao rằng sự phân rẽ này đến hồi kết thúc để chúng ta được hiệp nhất. Tôi khao khát sự chấp nhận lẫn nhau này.

Thánh Kinh đã đề cập đến gia đình của anh em Giuse khi nạn đói xảy ra họ trẩy sang Ai cập để mua cái gì đó để ăn. Họ có tiền nhưng họ không ăn tiền được. Nhưng ở đó họ gặp được cái còn quý hơn thực phẩm: đó là người anh em của mình. Tất cả chúng ta đều có tiền là văn hóa, là lịch sử của chúng ta. Chúng ta giầu có về văn hóa, tôn giáo và chúng ta có những truyền thống dị biệt. Nhưng chúng ta phải gặp gỡ người khác như những anh chị em của mình. Chúng ta phải khóc cùng nhau như Giuse đã từng khóc. Những giọt nước mắt này hiệp nhất chúng ta. Những giọt lệ của yêu thương.

Tôi nói chuyện với quý vị như những anh chị em với nhau bằng những từ ngữ đơn giản. Với niềm vui và nỗi khát khao. Chúng ta hãy để nỗi khát khao được gặp gỡ và ôm lấy nhau tăng trưởng trong chúng ta vì điều này thúc đẩy chúng ta tìm kiếm nhau và chấp nhận nhau . Và cùng tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Chủ Tể của lịch sử, là Chúa và là Chúa duy nhất của Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài cho sự hiệp nhất.

Tôi chân thành cám ơn anh chị em đã lắng nghe tôi. Tôi chân thành cám ơn anh chị em đã cho tôi nói ngôn ngữ của con tim. Và tôi cũng xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi vì tôi cần những lời cầu nguyện của anh chị em.

Và chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được hiệp nhất. Chúng ta là anh chị em với nhau.

Chúng ta hãy tiến về phía trước, chúng ta là anh chị em với nhau và trong tinh thần chúng ta hãy ôm lấy nhau. Xin Chúa hoàn thành công việc Ngài đã bắt đầu. Cơ may này là một phép lạ, phép lạ của tình hiệp nhất đã bắt đầu. Một nhà văn Ý nổi tiếng là Manzoni, đã viết về điều này trong những tiểu thuyết của ông. Ông là một người đơn giản và ông đã viết: ‘Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một phép lạ Chúa đã bắt đầu mà lại không kết thúc nó một cách chính xác.’ Chúa sẽ hoàn thành phép lạ của sự hiệp nhất này.”

Thông điệp video của Đức Giáo Hoàng làm sững sờ những người hiện diện. Đức Thánh Cha sau đó đã yêu cầu các tham dự viên cầu nguyện theo ước nguyện của Chúa Kitô “Ut unum sint – Để Chúng Nên Một.” Cộng đồng Ngũ Tuần đáp lại bằng những lời cầu nguyện và gửi đến Đức Thánh Cha một video của họ được thực hiện trong dịp này.

13. Âm mưu Hồi Giáo hóa Cộng Hòa Trung Phi đã phá sản. Quân Séléka trên đường tháo chạy.

Hy vọng hòa bình đang ló dạng tại Cộng Hòa Trung Phi. Quân Hồi Giáo Séléka đang trên đường tháo chạy sang nước Chad láng giềng.

Tuy nhiên, một linh mục người Ý thuộc Dòng Cát Minh nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là trên đường tháo chạy phiến quân Séléka vẫn đang tàn sát nhiều người, hãm hiếp, cướp bóc và hôi của.

Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã khởi sự từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống.

Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô lớn đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm nay để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad.

Cha Aurelio Gazzera cho biết hai nữ tu châu Âu và một người tình nguyện viên tại cứ điểm truyền giáo của họ gần biên giới với Chad đã bị phiến quân Séléka cướp bóc và hãm hiếp trước khi bọn chúng bỏ chạy.

Cha Gazzera cũng cho biết tại làng Kitô Giáo Nzakoun, cũng gần biên giới, 22 người đã bị quân Séléka giết chết. Ngài nói thêm ở các thôn làng khác, dân chúng đã nhanh chân bỏ chạy vào rừng sâu, nhưng khi quay trở lại thì nhà cửa của họ đã bị hôi của, phá hủy và đốt cháy.

Các linh mục truyền giáo trong vùng đề nghị liên quân gìn giữ hòa bình giám sát cuộc triệt thoái của các phiến quân Séléka. Cha Gazzera nói “Đặc biệt là ở vùng biên giới, việc bảo vệ thường dân là hết sức cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công và tàn sát.”

14. Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino kêu gọi chính phủ Venezuela phải có hành động cụ thể trước những vấn nạn của quốc gia

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, Tổng Giám Mục Caracas, vừa lên tiếng kêu gọi Tổng thống Nicolas Maduro thừa nhận các vấn đề nghiêm trọng của đất nước trước làn sóng phản đối của những người biểu tình đã gây ra nhiều trường hợp tử vong và thương tích trong những ngày qua.

Trong khi bày tỏ sự hài lòng là chính phủ đã đồng ý mở các cuộc đối thoại với phe đối lập, Đức Hồng Y nói:

“Đối thoại là một bước tiến lớn, nhưng sau đó chính phủ cần phải nhận ra rằng có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết, và các giải pháp nằm trong tay của chính quyền. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về những ai có nhiều quyền lực, vì vậy chính phủ phải có hành động cụ thể”.

15. Giáo Hội tại Ấn tố giác tình trạng lầm than của dân chúng

680 triệu người Ấn, tức là 56% dân số đang sống dưới mức phẩm giá con người. Họ không có những phương tiện cần thiết để đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày. Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Ấn đã cho biết như trên trong báo cáo đưa ra hôm 20 tháng Hai.

Theo ước tính của chính phủ Ấn những ai có thu nhập dưới 1,336 rupees một tháng được xem là dưới mức nghèo khổ.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong khoá họp khoáng đại lần thứ 31 của Hội đồng Giám mục Ấn Độ, được tổ chức tại Palai, từ tháng 5 Hai đến 13 tháng Hai với chủ đề “một Giáo Hội đổi mới cho sự canh tân xã hội”, 185 giám mục nhóm họp đã tuyên bố rằng “Theo gương Đức Thánh Cha Phanxicô: chúng tôi muốn Giáo Hội tại Ấn thực sự là một Giáo Hội của người nghèo”. Giáo Hội tại Ấn được mời gọi để trở thành “một tấm gương của sự đơn sơ, minh bạch, công bằng, lòng thương xót, trong một xã hội bị ô nhiễm bởi tham nhũng và bạo lực”.

16. 40 ngày dành cho sự sống tại Nam Hàn

40 ngày Mùa Chay bắt đầu từ 5 tháng Ba tới đây sẽ là 40 ngày dành cho sự sống. Quyết định này đã được Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc đưa ra trong “Thánh lễ cho sự sống” được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường thủ đô Hán Thành hôm thứ Sáu 21 tháng Hai.

1300 tín hữu đại diện cho các phong trào phò sinh đã tham dự thánh lễ. Các tham dự viên đã nhắc lại cam kết của họ dấn thân loan truyền nền văn hóa sự sống. Nam Hàn đã cho phép phá thai từ năm 1973. Theo ước lượng của chính phủ trong 48.7 triệu dân, mỗi năm có khoảng 340,000 vụ phá thai. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn tố giác con số thật sự phải lên đến 1.5 triệu.

Nguồn: Vietcatholic

3-1-2014 1-42-00 AM

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN