Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14/09/2017: Đức Thánh Cha lưu luyến tiễn biệt đất nước Colombia đau khổ

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14/09/2017: Đức Thánh Cha lưu luyến tiễn biệt đất nước Colombia đau khổ

1. Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Colombia

Chiều Chúa Nhật 10-9, trong thánh lễ trước 500 ngàn tín hữu tại Cartagena, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người dân Colombia “hãy đi bước đầu”, nhất là trong việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình.

Thánh lễ được cử hành lúc 4 giờ chiều tại cảng Contecar, một trong những khu vực chính của thành Cartagena, hải cảng quan trọng thứ 4 của toàn Mỹ châu la tinh. Cảng này là một vịnh thiên nhiên rộng hơn 8 ngàn hécta, và sâu 21 mét, chỉ cách kênh đào Panama 265 hải lý. Cảng có hạ tầng cơ cấu và các kỹ thuật tối tân, điều động hơn 40 triệu tấn hàng mỗi năm và tiếp nhận trên 3 ngàn tàu, kể cả những tàu lớn nhất thế giới.

Khu vực Contecar nơi Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ có thể chứa được 800 ngàn người và cũng thường được dùng cho các biến cố lớn, các sinh hoạt thể thao, công nghệ, âm nhạc và văn hóa.

Đến nơi vào lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu và khi đến gần bàn thờ, ngài được một phái đoàn các công nhân hải cảng địa phương đặc biệt chào đón.

Trên lễ đài, có đặt thánh tích của Thánh Phêrô Claver và thánh nữ Maria Bernarda Buetler, gốc Thụy Sĩ, sáng lập dòng các nữ tu thừa sai Capuxin Phan Sinh Đức Mẹ Phù Hộ, được Đức Thánh Cha Biển Đức 16 tôn phong hiển thánh hồi năm 2008.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có đông đảo các Giám Mục Colombia và hàng trăm linh mục. Thánh lễ có chủ đề là “Phẩm giá và các quyền con người”.

Trong bài giảng, dựa vào bài Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu dạy về cách thức sửa lỗi huynh đệ trong cộng đoàn, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người dân Colombia “hãy đi bước đầu”, nhất là trong việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình. Nếu Colombia muốn có một nền hòa bình ổn định và lâu bền, thì cần cấp thiết tiến theo chiều hướng tìm kiếm công ích, thực thi công chính, công lý và tôn trọng bản tính con người với những đòi hỏi đi kèm, chứ không phải chỉ ký kết các hiệp định hòa bình mà thôi. Ngài nói:

“Trong những ngày nay tôi nghe bao nhiêu chứng từ của những người đã đi gặp những kẻ đã gây ra đau khổ tai ương cho họ. Những vết thương kinh khủng mà tôi đã có thể nhìn thấy nơi chính thân thể của họ; những mất mát không thể chữa lành vẫn còn làm cho họ khóc lóc, nhưng những người ấy đã đi, đã thực hiện bước đầu trên con đường khác với những con đường đã đi qua. Vì từ mấy thập niên rồi Colombia đang tìm kiếm hòa bình, và như Chúa Giêsu dạy, – nếu hai bên chỉ đến gần nhau, đối thoại mà thôi thì vẫn không đủ, còn cần có sự can dự của nhiều tác nhân khác trong tiến trình đối thoại chữa lành các tội lỗi nữa. “Nếu họ không nghe, thì hãy dẫn một hai người nữa đi với con” (Mt 18,16), như Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm.

Chúng ta đã học biết rằng những con đường bình định, dành ưu tiên cho lý trí trên sự trả thù, sự hòa hợp tế nhị giữa chính trị và luật pháp, không thể loại bỏ những hoạt động của dân chúng. Đề ra những khuôn khổ qui tắc và hiệp định giữa các nhóm chính trị và kinh tế có thiện chí, thì vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu tìm ra giải pháp cho sự ác trong cuộc gặp gỡ đích thân giữa các phe với nhau. Ngoài ra, một điều luôn luôn hữu ích, đó là đưa vào trong các tiến trình hòa bình kinh nghiệm của các tầng lớp dân chúng. Những kinh nghiệm này, trong nhiều trường hợp, đã không được để ý tới; cần làm sao để chính các cộng đoàn mang lại những sắc thái cho các hoạt động tập thể tưởng nhớ những gì đã xảy ra. Tác nhân chính, chủ thể lịch sử của tiến trình này là dân chúng và văn hóa của họ, chứ không phải một giai cấp, một phe phái, một nhóm hoặc một lực lượng ưu tú. Chúng ta không cần một dự phóng của một nhóm ít người nhắm tới một thiểu số, hoặc một nhóm ít người thông thạo chiếm hữu tâm tình của tập thể. Đây là một thỏa thuận để sống chung, một khế ước xã hội và văn hóa” (E.G. 239)

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: chúng ta có thể đóng góp nhiều cho bước đường mới mà Colombia muốn thực hiện. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường tái hội nhập vào cộng đoàn nhờ một cuộc đối thoại hai người. Không gì có thể thay thế cuộc gặp gỡ chữa lành như thế; không có tiến trình tập thể nào chuẩn chước cho chúng ta thách đố gặp gỡ nhau, giải thích cho nhau, tha thứ. Những vết thương sâu đậm của lịch sử nhất thiết đòi những thẩm quyền qua đó người ta thi hành công lý, trong đó các nạn nhân có thể nhận ra chân lý, thiệt hại được đền bù thích đáng, và hành động minh bạch để tránh tái diễn những tội ác đã xảy ra. Nhưng tất cả những điều đó mới chỉ để cho chúng ta ở ngưỡng cửa những đòi hỏi của Kitô giáo mà thôi. Chúng ta còn được yêu cầu tạo nên một sự thay đổi từ hạ tầng: đối lại với văn hóa chết chóc, bạo lực, chúng ta đáp lại bằng văn hóa sự sống, văn hóa gặp gỡ.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Chúng ta đã hành động thế nào để bênh vực việc gặp gỡ, hòa bình? Chúng ta đã thiếu bỏ sót những gì, khiến cho những hành vi man rợ xảy ra trong đời sống của dân chúng ta? Chúa Giêsu truyền chúng ta phải đối chiếu những cách cư xử, những lối sống gây thiệt hại cho xã hội, phá hủy cộng đoàn. Bao nhiều lần xảy ra những bạo lực, sự loại trừ khỏi xã hội được bình thường hóa, mà chúng ta không lên tiếng, không giơ tay lên tố giác theo tinh thần ngôn sứ.

Cạnh thánh Phêrô Claver, có hàng ngàn Kitô hữu thời ấy, nhưng chỉ có một nhóm rất ít người bắt đầu một nền văn hóa gặp gỡ đi ngược lại. Thánh Phêrô Claver đã biết tái lập phẩm giá và hy vọng cho hàng trăm ngàn người da đen và người nô lệ, họ bị đưa đến đây trong tình trạng vô nhân đạo hoàn toàn, đầy kinh hoàng, mất mát mọi hy vọng. Thánh nhân không có bằng cấp nổi tiếng, thậm chí còn bị coi là người “tài cán tầm thường”, nhưng ngài có một thiên tài sống trọn vẹn Tin Mừng, gặp gỡ những người bị người khác coi là đồ bỏ.

Nhiều thế kỷ sau đó, ảnh hưởng của vị thừa sai và tông đồ này của Dòng Tên đã được thánh nữ Maria Bernarda Buetler noi theo, thánh nữ đã hiến cuộc đời, tận tụy phục vụ những người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề tại chính thành phố Cartagena này”.

Tiếp tục bài giảng thánh lễ cuối cùng tại Colombia chiều Chúa Nhật 10-9, Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng cả Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy có thể là người khác khép kín, từ chối thay đổi, ở lỳ trong sự ác của họ. Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những người tiếp tục phạm tội làm thương tổn cuộc sống chung và cộng đoàn:

“Tôi nghĩ đến thảm trạng đau thương ma túy, dựa vào đó người ta làm giàu bất chấp các luật lệ luân lý và dân sự; tôi nghĩ đến sự tàn phá các tài nguyên thiên nhiên và làm ô nhiễm hiện nay; thảm trạng bóc lột lao công; tôi nghĩ đến sự buôn bán tiền bạc bất hợp pháp, như đầu cơ tài chánh, thường có tính chất như những ác thú gây thiệt hại cho toàn thể hệ thống kinh tế và xã hội khiến cho hàng triệu người phải chịu nghèo đói; tôi nghĩ đến nạn mại dâm hàng ngày gây thiệt hại cho bao nạn nhân vô tội, nhất là nơi những người trẻ nhất, tước đoạt tương lai của họ; tôi nghĩ đến điều kinh tởm là nạn buôn người, đến các tội ác và lạm dụng chống các trẻ vị thành niên, nạn nô lệ vẫn còn làm lan tràn sự kinh khủng của nó tại bao nhiêu nơi trên thế giới, thảm trạng của bao nhiêu người di dân không được lắng nghe và người ta làm giàu bất hợp pháp trên họ và thậm chí cả một thứ tê liệt luật pháp chủ hòa không để ý đến thân mình của người anh em, thân mình của Chúa Kitô. Và trước những điều này, chúng ta cần phải được chuẩn bị và có lập trường vững chắc về các nguyên tắc công lý, không tước đoạt điều gì của đức bác ái. Không thể sống chung trong hòa bình mà không làm gì đối với những gì làm hư hỏng cuộc sống và thống lại chính sự sống. Về điểm này, chúng ta nhớ đến tất cả những ngừơi can đảm, không biết mệt mọi, đã làm việc và thậm chí bị mất mạng sống trong việc bảo vệ và bênh đỡ các quyền và phẩm già của con người. Lịch sử cũng đòi chúng ta giống như họ, dấn thân quyết liệt bảo vệ các quyền con người tại thành Cartagena này, nơi mà anh chị em đã chọn làm trụ sở toàn quốc bảo vệ các quyền con người.

Thánh lễ kết thúc lúc quá 6 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Liền đó, Đức Thánh Cha đáp trực thăng tới Phi trường quốc tế Rafael Nunez của thành Cartagena. Tại đây ngài được Tổng thống Manuel Santos và Phu nhân, cùng với các quan chức chính quyền và các vị lãnh đạo giáo quyền tiễn biệt.

2. Diễn từ tạm biệt Colombia của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong diễn từ tạm biệt gởi đến người dân Colombia, diễn ra vào cuối thánh lễ ở cảng Contecar, Đức Thánh Cha nói:

Vào cuối buổi lễ này, tôi xin cảm ơn Đức Cha Jorge Enrique Jiménez Carvajal, là Tổng Giám mục của Cartagena, vì những lời tốt lành của ngài nhân danh các anh em Giám Mục của ngài và toàn thể dân Chúa.

Tôi cũng cảm ơn Tổng thống Juan Manuel Santos, các nhà chức trách dân sự, và tất cả những ai đã tham dự vào Phụng Vụ Thánh Thể này, dù là ở đây hay thông qua các phương tiện truyền thông.

Tôi biết ơn sâu sắc về công việc khó khăn và hy sinh đã được thực hiện để chuyến đi này trở nên khả thi. Nhiều người đã giúp đỡ, trao đi một cách tự nguyện và sẵn sàng thời gian và sức lực của họ. Đây là những ngày tuyệt vời và tươi đẹp; tôi đã có thể gặp gỡ nhiều người và trải nghiệm nhiều điều đã làm tôi xúc động sâu sắc. Anh chị em đã làm tôi rất nhiều.

Anh chị em thân mến, tôi muốn để lại cho anh chị em một từ cuối cùng. Chúng ta không hài lòng với “bước đầu tiên”. Thay vào đó, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình mới mỗi ngày, đi gặp người khác và khuyến khích sự hòa hợp và tình huynh đệ. Chúng ta không thể đứng yên. Tại chính nơi này, ngày 8 tháng 9 năm 1654, Thánh Phêrô Claver qua đời, sau bốn mươi năm tự nguyện làm nô lệ, hoạt động không mệt mỏi vì lợi ích của người nghèo. Ngài không đứng yên: bước đầu tiên của ngài được tiếp bước theo sau bởi nhiều người khác. Gương sáng của Ngài lôi kéo chúng ta ra khỏi chính mình để gặp gỡ những người hàng xóm của chúng ta. 

Anh chị em thân mến, Colombia cần đến anh chị em. Hãy tiến ra ngoài để gặp gỡ họ. Dẫn dắt họ đến việc chấp nhận hòa bình, không bạo lực. Hãy là “những nô lệ của hòa bình, mãi mãi”. Hãy là “NHỮNG NÔ LỆ CỦA HÒA BÌNH, MÃI MÃI”

Sau thánh lễ, vào lúc 18h30, trực thăng đã đưa Đức Thánh Cha đến phi trường Cartagena. Tại đây, một buổi lễ chia tay đơn sơ đã diễn ra vào lúc 18h45. Sau đó, lúc 19h, máy bay đã cất cánh đưa ngài trở lại Rôma.

3. Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các Giám Mục trong tổ chức CELAM

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi đã tường thuật, sáng ngày 7 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một bài diễn văn trước Tổng Thống Santos cũng như bài nói chuyện với các bạn trẻ. Sau đó, ngài gặp các giám mục Colombia và các Giám Mục trong Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh – gọi tắt là CELAM; và cuối cùng là thánh lễ ngoài trời ở Công Viên Simon Bolivar của Bogota.

Lúc 3 giờ chiều, tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Bogotà, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu la tinh gọi tắt là CELAM, gồm 62 Giám Mục thành viên của tổ chức này, trong đó có 5 vị thuộc đoàn chủ tịch, 35 Giám Mục chủ tịch các Ủy ban và 22 vị Tổng thư ký của 22 Hội Đồng Giám Mục ở Nam Mỹ.

Trong cuộc gặp gỡ, sau lời chào mừng của Đức Hồng Y Rubén Salazar, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi cám vì nỗ lực biến Hội đồng Giám Mục đại lục này thành một ngôi nhà phục vụ sự hiệp thông và sứ mệnh của Giáo Hội taị Châu Mỹ Latinh, một trung tâm đẩy mạnh ý thức là môn đệ thừa sai và một điểm tham chiếu sinh động cho sự hiểu biết và đào sâu “tính công giáo của Mỹ châu Latinh”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đặc biệt đề cập tới tính cách cụ thể của việc rao truyền Tin Mừng và khẳng định rằng:

“Đi ra, khởi hành với Chúa Giêsu là điều kiện của thực tại cụ thể này. Phúc Âm nói tới Chúa Giêsu từ Thiên Chúa Cha đi ra, cùng các môn đệ rong ruổi trên các cánh đồng và làng mạc vùng Galilea. Đây không phải là một lộ trình vô ích của Chúa. Trong khi Ngài đi, Chúa gặp gỡ, trong khi gặp gỡ Ngài đến gần, trong khi đến gần Ngài nói, trong khi nói Ngài đụng vào với quyền năng của Ngài, khi đụng vào, Ngài chữa lành và cứu thoát. Dẫn về với Thiên Chúa Cha những người Ngài gặp gỡ là mục đích việc đi ra thường hằng của Ngài. Giáo Hội cần phải chiếm lại được các động từ mà Ngôi Lời của Thiên Chúa chia trong sứ mệnh của Ngài. Đi ra để gặp gỡ, chứ không đi qua, cúi xuống không lơ là, sờ mó không sợ hãi.. Cần phải hướng tới con người trong hoàn cảnh cụ thể của nó. Chúng ta không thể cất đi cái nhìn khỏi họ. Sứ mệnh được hiện thực trong kiểu thân thể sát nhau.

Trong hiện tình châu Mỹ Latinh Giáo Hội phải là bí tích của sự hiệp nhất. Giáo Hội tôn trọng gương mặt đa diện của đại lục này là sự phong phú. Giáo Hội cần tiếp tục phục vụ thiện ích đích thật của con người mỹ latinh. Phải không mệt mỏi làm việc để xây các cây cầu, đạp đổ các bức tường phân cách, hội nhập sự khác biệt, thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ và dối thoại, giáo dục tha thứ và hoà giải, ý thức công bằng, khước từ bạo lực và can đảm xây dựng hoà bình. Gương mặt đích thật của châu Mỹ Latinh là gương mặt lai giống, gương mặt my latinh. Tôn giáo bình dân là phần đặc thái nhân chủng và là ơn Thiên Chúa muốn cho dân chúng biết Ngài. Các trang lịch sử sáng ngời nhất của Giáo Hội chúng ta đã được viết ra khi chúng ta biết nuôi dưỡng sự phong phú này, nói với con tim kín ẩn đập nhịp giữ gìn như một ngọn lửa sáng dưới tro, ý thức về Thiên Chúa và sự siêu việt của Ngài, tính cách thánh thiêng của sự sống, việc tôn trọng thụ tạo, các mối dây liên đới, niềm vui sống, khả năng hạnh phúc vô điều kiện.

Giáo Hội Mỹ Latinh cũng có khả năng là bí tích của niềm hy vọng, không than van. Dân tộc của chúng ta đã học biết rằng không có thất vọng nào có thể bẻ gẫy nó. Giáo Hội cần canh thức và cụ thể hoá niềm hy vọng ấy.

Niềm hy vọng tại Mỹ Latinh có gương mặt trẻ trung. Anh em đừng để mình bị lôi kéo bởi các hình hý họa coi giới trẻ chỉ chỉ là nạn nhân của ma tuý và bạo lực. Họ không sẵn sàng lập lại quá khứ đâu. Hãy rộng mở các khoảng không cho họ trong các giáo đoàn đuợc giao phó cho anh em, hãy đầu tư thời giờ và tài nguyên cho việc đào tạo họ và xin họ tận dụng các tiềm năng của họ để thành người.

Niềm hy vọng của Mỹ Latinh cũng có gương mặt của nữ giới. Nữ giới có một vai trò quan trọng trong đại lục mỹ latinh. Chính từ môi miệng của họ mà chúng ta đã học đức tin, chính từ sữa lòng họ mà linh hồn chúng ta có các nét lai giống. Tôi nghĩ tới các bà mẹ thổ dân, các bà mẹ của các thành thị với ba vòng làm việc, tôi nghĩ tới các bà nội bà ngoại giáo lý viên, tôi nghĩ tới các nữ tu và các phụ nữ kín ẩn tạo dựng thiện ích. Không có nữ giới Giáo Họi của lục địa sẽ mất đi sức mạnh liên tục tái sinh. Chính các phụ nữ với lòng kiên nhẫn tỉ mỉ thắp sáng lên và tái thắp sáng lên ngọn lửa đức tin. Thật là một bổn phận nghiêm chỉnh hiểu biết, tôn trọng, đánh giá cao thăng tiến sức mạnh giáo hội và xã hội của những gì nữ giới thực hiện trong xã hội và trong Giáo Hội.

Sau cùng niềm hy vọng của châu Mỹ Latinh đi ngang qua con tim, trí khôn và các cánh tay xây dựng của các anh chị em giáo dân.Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng:

Cần phải vượt thắng tâm thức duy giáo sĩ. Tuy đã có vài bước tiến nhưng các thách đố lớn của châu Mỹ Latinh vẫn còn ở trên bàn và tiếp tục chờ đợi việc thực thi thanh thản, có trách nhiệm, chuyên môn, nhìn xa thấy rộng, khúc chiết rõ ràng và ý thức đối với giáo dân Kitô, ý thức góp phần vào các tiến trình phát triển nhân bản đích thực, củng cố nền dân chủ chính trị và xã hội, vượt thắng cấu trúc nghèo đói triền miên, xây dựng sự thịnh vượng dựa trên các cải tổ lâu dài có khả năng bảo vệ thiện ích xã hội, thắng vượt các bất bình đẳng và cứu vãn sự ổn định, đề ra các mô thức phát triển kinh tế có thể thực hiện được tôn trọng thiên nhiên và tương lại đích thật của con người. Ý thức về niềm hy vọng này phải luôn luôn biết nhìn thực tại với đôi mắt của dân nghèo và bắt đầu từ tình trạng sống của người nghèo. Nếu chúng ta muốn phục vụ châu Mỹ Latinh như tổ chức CELAM, thì cần phải làm nó với sự đam mê. Ngày nay cần có đam mê hơn bao giờ hết.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …