Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14/05 – 20/05/2015: Tòa Thánh và Palestine

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14/05 – 20/05/2015: Tòa Thánh và Palestine

 

1. Thánh lễ phong Hiển thánh cho bốn nữ tu tại Vatican

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 17 tháng 05, Lễ Chúa Thăng Thiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Vatican để tôn phong 4 vị chân phước lên bậc hiển thánh: cả 4 vị đều là nữ tu hoạt động trong ngành giáo dục. Hình của các vị được treo trên mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô. Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ có 30 Hồng Y, 90 Giám Mục, trong đó có cả các Giám Mục thuộc các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương tại Giêrusalem, và rất đông các linh mục, trước sự hiện diện của đông đảo các tín hữu, trong đó có một phái đoàn gồm hơn 2000 tín hữu đến từ Palestine do Đức Giám Mục William Shomali, thuộc Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem hướng dẫn.

Hiện diện trong thánh lễ đặc biệt có sự hiện diện của tổng thống Palestine là Mahmoud Abbas và ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Sau kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, tiến lên trước Đức Thánh Cha và xin ngài ghi tên 4 vị chân phước vào sổ bộ các thánh theo lời thỉnh nguyện của toàn thể các tín hữu Kitô. Rồi Đức Hồng Y trình bày vắn tắt tiểu sử 4 vị chân phước.

Đầu tiên là chân phước Jeanne Emilie de Villeneuve, vị sáng lập dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thành Castres bên Pháp. Tiếp đến là nữ tu Maria Alfonsina Danil Ghattas, sinh tại Giêrusalem, vị sáng lập Dòng các nữ tu Đa Minh Mân Côi. Thứ ba là nữ tu Mariam Baouardy, dòng Cát Minh ở Bethelehem, một nhà thần bí được mang 5 dấu thánh. Cuối cùng là nữ tu Maria Cristina Brando, người Italia, sáng lập dòng các nữ tu Hy lễ Đền Tạ Chúa Giêsu Thánh Thể.

Sau lời thỉnh nguyện và giới thiệu của Đức Hồng Y Amato, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, với kinh cầu các thánh. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã long trọng đọc công thức phong thánh cho bốn nữ tu chân phước.

Đức Thánh Cha vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của 4 vị tân hiển thánh được rước lên cho Đức Thánh Cha hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

Trong bài giảng sau bài Phúc Âm, Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa lễ Chúa Thăng thiên và áp dụng vào trường hợp 4 vị tân hiển thánh, những người đã làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Ngài nói:

“Sách Công vụ tông đồ đã giới thiệu cho chúng ta Giáo Hội thời sơ khai trong thời điểm mà Giáo Hội đang tuyển chọn người được Thiên Chúa kêu gọi để thế chỗ của Giu-đa trong hàng ngũ các Tông đồ. Điều này không chỉ đơn thuần đề cập đến một công việc, nhưng là một thừa tác vụ. Và thực sự là, Mát-thia, người bắt trúng thăm, đã nhận lãnh một sứ mạng như thánh Phêrô minh định: “Vậy phải làm thế này […] một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã Phục Sinh.” (Cv 1, 21-22). Cùng với những lời này, thánh Phêrô đã tóm lược ý nghĩa của việc thuộc về nhóm Mười Hai: đó là làm nhân chứng cho sự sống lại của Đức Giêsu. Lời tuyên bố “cùng với chúng tôi” giúp hiểu rằng sứ mạng loan báo Đức Giêsu đã Phục Sinh không phải là một nhiệm vụ mang tính cá nhân nhưng phải được thực thi trong đường lối mang tính tập thể, cùng với tông đồ đoàn và cùng với cộng đoàn.”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Hôm nay, chúng ta xây dựng nền tảng cho niềm tin của mình vào Thiên Chúa Phục Sinh thông qua chứng từ của các thánh tông đồ vốn đã đụng chạm đến chúng ta thông qua sứ mạng của Giáo Hội. Noi gương các tông đồ, mỗi môn đệ của Đức Ki tô được kêu gọi để trở nên nhân chứng cho sự Phục Sinh của Người, trước hết trong những môi trường nhân loại nơi mà sự lãng quên Thiên Chúa và sự bất lực của con người đang hoành hành mạnh mẽ.

Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Chỉ khi nhận thức được điều này, người ta mới thấy cần phải ở lại trong Đức Kitô Phục Sinh và trong tình yêu của Người, như lời thánh Gioan đã nhắc nhở chúng ta trong bài đọc thứ nhất: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4, 16).

Áp dụng những điều trên đây vào bốn tân thánh nữ, Đức Thánh Cha nói:

“Tình yêu này chiếu tỏa nơi chứng từ của nữ tu Giovanna Emilia de Villeneuve, người đã hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và những người nghèo, cho những người yếu đau, tù nhân, và cho những ai bị bóc lột và chị đã trở nên dấu chỉ cụ thể cho chính mình và cho mọi người về lòng tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa. Tương quan với Đức Giêsu Phục Sinh là một “bầu khí” trong đó Kitô hữu sống và tìm thấy sức mạnh để duy trì lòng tin vào Tin Mừng, ngay cả trong những nghịch cảnh và bị hiểu lầm. “Hãy ở lại trong tình thương”: đây cũng là điều mà nữ tu Maria Cristina Brando cũng đã thực thi. Chị đã thủ đắc trọn vẹn một tình yêu nồng cháy dành cho Thiên Chúa khởi đi từ cầu nguyện, thông qua những cuộc gặp gỡ giữa con tim với con tim cùng với Đức Giêsu Phục Sinh, hiện diện trong Thánh Thể, chị đã lãnh nhận uy lực để chịu đựng những đau khổ và hiến dâng chính mình như tấm bánh bẻ ra cho nhiều người đang xa cách với Thiên Chúa và đang đói khát tình yêu chân thực.

Một khía cạnh cần thiết của chứng tá để làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh là sự hiệp nhất giữa chúng ta, những môn đệ của Ngài, như biểu trưng của sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu. Và vang vọng trong Tin Mừng hôm nay lời cầu nguyện của Đức Giêsu đêm hôm trước ngày Chịu Nạn: “Xin cho họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11). Từ tình yêu vĩnh cữu này giữa Chúa Cha và Người Con, tuôn trào trong chúng ta thông qua Chúa Thánh Thần (Rm 5,5), sứ mạng và sự thông hiệp huynh đệ của chúng ta có thể kín múc sức mạnh từ đó; từ tình yêu này sẽ luôn luôn tuôn trào một cách mới mẻ niềm vui bước theo Đức Ki tô trong lối nẻo của sự nghèo khó, sự trinh khiết và sự vâng phục của Ngài; và cũng chính tình yêu này kêu gọi ta nuôi dưỡng những lời nguyện chiêm niệm. Nữ tu Maria Baouardy đã trải nghiệm điều này với một phương thức tuyệt diệu, đó là mặc dù hèn mọn và mù chữ, chị đã biết đưa ra những lời khuyên và giải thích mang tính thần học trong sự mạch lạc tuyệt đối, vốn là hoa trái của cuộc đối thoại liên lỉ với Thánh Thần. Sự ngoan ngùy với Thần Khí đã làm cho chị trở nên khí cụ của sự gặp gỡ và sự thông hiệp cùng với thế giới Hồi Giáo. Và ngay cả nữ tu Maria Alfonsina Danil Ghattas cũng đã thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ nơi các tông đồ, nhờ việc chị đã trở nên nhân chứng của sự ôn hòa và sự hiệp nhất. Chị mang lại cho chúng ta mẫu gương rạng ngời về tầm quan trọng của việc hợp nhất chính mình với những người khác, để sống sự phục vụ đối với tha nhân.”

Để kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Hãy ở lại trong Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, để loan báo bằng lời nói và đời sống về sự sống lại của Đức Giêsu; để chứng tỏ cho sự hiệp nhất giữa chúng ta và sự bác ái với tất cả mọi người. Đây là điều mà bốn nữ tu được tuyên thánh hôm nay đã thực hiện. Gương sáng rạng ngời của các ngài chất vấn ngay cả đời sống Ki tô hữu của chúng ta. Khi trở về nhà, hãy mang trong mình niềm vui của cuộc gặp gỡ này cùng với Đức Giêsu Phục Sinh; hãy vun trồng trong con tim mình cam kết ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa, hãy hiệp nhất với Ngài và giữa chúng ta với nhau, và hãy dõi theo bước chân của bốn nữ thánh này, những mẫu gương của sự thánh thiện mà Giáo Hội mời gọi chúng ta bắt chước.”

2. Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho dân nước Burundi đang trải qua những thử thách nghiêm trọng

Sau thánh lễ tuyên thánh cho 4 nữ Chân Phước tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trong đó ngài đặc biệt kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho dân nước Burundi đang trong một thời kỳ khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Hàng trăm ngàn người đã phải bỏ nước lánh nạn tại các quốc gia lân bang và phải sống trong những điều kiện tồi tệ. Một cuộc đảo chính đã diễn ra hôm thứ Tư 13 tháng 5 nhưng bất thành. 

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Vào cuối buổi lễ này, tôi muốn chào đón tất cả anh chị em là những người đã đến đây để tỏ lòng tôn kính các thánh mới, đặc biệt là các đoàn đại biểu chính thức của Palestine, Pháp, Ý, Israel và Jordan. Tôi chào đón với lòng yêu mến các Hồng Y, Giám mục, linh mục, cũng như cơ man những nữ tử thiêng liêng của bốn vị Thánh. Thông qua lời cầu bầu của các ngài, xin Chúa ban cho một động lực truyền giáo mới trên đất nước của các vị. Cầu xin cho các tín hữu Kitô trong những vùng đất này được cảm hứng từ gương sáng của các ngài về lòng thương xót, bác ái, và hòa giải, biết nhìn về tương lai với niềm hy vọng, trong hành trình đoàn kết và chung sống huynh đệ.

Tôi cũng gởi lời chào của tôi đến các gia đình, các giáo xứ, các hiệp hội và các trường học hiện diện hôm nay, đặc biệt là những em vừa được chịu phép thêm sức từ tổng giáo phận Genoa. Tôi nhớ đến cách riêng các tín hữu của Cộng hòa Tiệp, đang quây quần trong đền thờ Thánh Kopeček, gần Olomouc, để kính nhớ chuyến viếng thăm vào hai thập niên trước của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Hôm qua, tại Venice đã diễn ra lễ phong chân phước cho linh mục Luigi Caburlotto, là một mục tử, một nhà giáo dục, và là người sáng lập dòng Nữ Tử Thánh Giuse. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì gương sáng của vị mục tử này, là người đã có một một cuộc sống tinh thần và tông đồ thật cao cả, đã tận hiến cho phần rỗi các linh hồn.

Tôi muốn mời gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho những người dân thân yêu của nước Burundi đang trải qua một thời điểm tế nhị: Xin Chúa giúp đỡ tất cả mọi người chạy trốn bạo lực và xin cho mọi người biết hành động có trách nhiệm vì những điều tốt đẹp cho dân tộc.

Với tâm tình con thảo giờ đây chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội, Nữ Vương các Thánh, và mẫu gương của tất cả các Kitô hữu”

3. Điều tra tại Á Căn Đình cho thấy nhà báo vu cáo Đức Thánh Cha hợp tác với chế độ quân sự lại chính là tay sai của chế độ ấy

Ngày 13 tháng Ba năm 2013, khi người dân Á Căn Đình vui mừng tột độ trước tin Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của tổng giáo phận Buenos Aires được các vị Hồng Y trên thế giới tín nhiệm bầu làm Giáo Hoàng, ký giả Horacio Verbitsky tạt nước lạnh vào sự vui mừng của dân chúng với một quả bom rất nặng ký: Vị tân Giáo Hoàng mới được bầu đã từng hợp tác với nhà cầm quyền quân sự trong thời kỳ làm giám tỉnh Dòng Tên tại quốc gia này.

Hôm thứ Hai 18 tháng 5, 2015, Gabriel Levinas và Sergio Serrichio là hai ký giả chuyên viết phóng sự điều tra đã họp báo giới thiệu cuốn sách mới sắp được bán rộng rãi là cuốn “Verbitsky: Con Dios y Con el Diabolo” (“Verbitsky: Với Thiên Chúa và với Quỷ sứ”).

Sau 14 tháng điều tra, hai vị ký giả này đã tìm ra những bằng chứng cho thấy Verbitsky đã ký một hợp đồng béo bở để làm việc với các lãnh đạo quân sự từ 1978 đến 1982. Verbitsky đã là người chuyên viết diễn văn cho Chuẩn Tướng Omar Domingo Rubens Graffigna, một thành viên chủ chốt của chính quyền quân sự và được lãnh lương hàng tháng.

Sau sự sụp đổ của chế độ quân sự, Verbitsky, rũ bỏ ngay lập tức quá khứ hắc ám của mình và trở nên nổi bật trong việc tố cáo những vi phạm nhân quyền của chế độ quân sự Á Căn Đình. Nhờ những liên hệ chặt chẽ với chế độ, Verbitsky biết rất nhiều, rất chính xác và chi tiết về tội ác của cái chế độ mà ông ta đã từng hợp tác. Người dân Á Căn Đình rất tin tưởng Verbitsky. Tuy nhiên, cũng có những người tự hỏi vì sao Verbitsky có thể biết rõ nhiều chi tiết như thế.

Sau cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Verbitsky tố cáo vị tân Giáo Hoàng vào thời Junta (chế độ quân sự Á Căn Đình) lúc đó là Cha Bergoglio, Giám Tỉnh Dòng Tên, đã phối hợp với chính quyền khi bịt miệng các linh mục dòng Tên chống đối chế độ.

Cuốn “Verbitsky: Con Dios y Con el Diabolo” trình diện trước công chúng Á Căn Đình nhiều bằng chứng không thể chối cãi được trong đó có 34 trang bản thảo viết tay một bài diễn văn cho tướng Omar Domingo Rubens Graffigna đã được các chuyên gia thư pháp của Á Căn Đình xác nhận đúng thật là nét chữ của Verbitsky. Bên cạnh đó là một hợp đồng viết lách cho các tướng lãnh được ký ngày 5 tháng 10 năm 1978 theo đó Verbitsky nhận được 700,000 pesos một tháng. Có cả những bằng chứng cho thấy Verbitsky đã hợp tác soạn ra cuốn “El Poder Aereo de los Argentinos” (nghĩa là “Các lực lượng không quân Á Căn Đình”) để bốc thơm chế độ.

4. Đức Thánh Cha khai mạc Đại Hội các Giám Mục Italia

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục Italia thông truyền niềm vui, can đảm chống lại não trạng tham nhũng và các tệ đoan xã hội và gia tăng tình hiệp thông Giáo Hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong diễn văn tại buổi khai mạc Đại hội thứ 68 của Hội Đồng Giám Mục Italia nhóm họp từ chiều ngày 18 đến 21 tháng 5 tại nội thành Vatican với chủ đề chính là: kiểm điểm sự đón nhận Tông huấn “Niềm Vui Phúc Âm” do Đức Thánh Cha ban hành cách đây gần 2 năm.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng “ơn gọi Kitô và Giám Mục của chúng ta là đi ngược dòng, nghĩa là trở thành những chứng nhân vui tươi của Chúa Kitô Phục Sinh để thông truyền niềm vui và hy vọng cho tha nhân… Chúng ta được yêu cầu an ủi, giúp đỡ, khích lệ tất cả những anh chị em chúng ta đang bị đè bẹp dưới gánh nặng thập giá của họ, không phân biệt một ai, tháp tùng họ, và không hề mệt mỏi trong việc nâng họ dậy nhờ sức mạnh đến từ một mình Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Thật là buồn khi thấy một người thánh hiến nản chí, rầu rĩ, không còn sức sống: họ giống như một cái giếng khô cạn, nơi mà dân chúng không còn tìm được nước để giải khát”.

Đức Thánh Cha nhắc lại kinh nghiệm gặp gỡ từ 2 năm qua với các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới và nhấn mạnh tầm quan trọng của điều mà ngài gọi là “sự nhạy cảm Giáo Hội”, nghĩa là phải có cùng những tâm tình của Chúa Kitô, khiêm tốn, cảm thương, từ bi, cụ thể và khôn ngoan”.

Đức Thánh Cha lần lượt giải thích sự “nhạy cảm Giáo Hội” mà các vị Giám Mục phải có:

– Trước tiên là không nhút nhát hoặc dè dặt trong việc tố giác và khắc phục não trạng tham nhũng đang lan tràn trong lãnh vực công và tư, làm cho các gia đình, những người hồi hưu, các công nhân lương thiện, các cộng đồng Kitô trở nên nghèo nàn, gạt bỏ người trẻ làm cho họ không còn hy vọng về tương lai, nhất là gạt ra ngoài lề những người yếu thế và túng thiếu.

– Sự nhạy cảm Giáo Hội thúc đẩy các vị chủ chăn ra khỏi mình, đi đến với Dân Chúa để bảo vệ họ chống lại những thứ thực dân ý thức hệ, khiến cho họ mất căn tính và nhân phẩm.

– Cũng sự nhạy cảm ấy làm cho các vị chủ chăn soạn những văn kiện cụ thể, dành cho dân Chúa chứ không phải cho các chuyên gia, chứa đựng những đề nghị cụ thể, dễ hiểu; tiếp đến là củng cố vai trò không thể thiếu được của giáo dân.

– Sự nhạy cảm Giáo Hội cũng được biểu lộ cụ thể qua đoàn thể tính giữa các Giám Mục và Linh mục, hiệp thông giữa các Giám Mục với nhau, giữa cac giáo phận giàu và giáo phận gặp khó khăn…

Đức Thánh Cha ghi nhận trên thế giới tại một số nơi, đoàn thể tính bị suy yếu trong việc xác định các kế hoạch mục vụ, cũng như trong việc chia sẻ những dấn thân về mặt kinh tế tài chánh như chương trình đã được đề ra, thiếu sự kiểm soát việc tiếp nhận các chương trình và thực hiện các dự án..

Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục Italia đừng để bao nhiêu dòng tu, đan viện trở nên già nua đến độ hầu như không còn là những chứng tá Tin Mừng trung thành với đoàn sủng của vị sáng lập. Tại sao không dự trù gộp các dòng hoặc đan viện ấy lại trước khi quá trễ về bao nhiêu phương diện?

5. Đức Thánh Cha gặp gỡ nam nữ tu sĩ thuộc giáo phận Rôma trong khuôn khổ năm Đời Sống Thánh Hiến

Trong tư cách Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến riêng dành cho các nam nữ tu sĩ của giáo phận theo chương trình của năm Đời Sống Thánh Hiến của giáo phận. 

Cuộc tiếp kiến đã diễn ra vào sáng thứ Bẩy 16 tháng 5 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục. Đức Thánh Cha đã ứng khẩu trả lời các câu hỏi khác nhau, từ những căng thẳng của đời sống đan tu đô thị đến các khía cạnh thực tế của sứ vụ linh mục.

Để đáp lại câu hỏi của một nữ tu về sự cân bằng tế nhị giữa sự ẩn dật và sự hiện diện “hữu hình” trong các tu viện, Đức Thánh Cha gọi đó là một “căng thẳng quan trọng, một sự căng thẳng sống động trong tâm hồn của anh chị em; đó là tiếng gọi của Thiên Chúa đối với cả cuộc sống ẩn dật và sự cần thiết phải là một dấu chỉ cụ thể”.

“Nhưng thưa Đức Thánh Cha, những tin tức có nên được nghe trong các tu viện không?”. Đức Thánh Cha nói: “Chắc chắn rồi. Anh chị em phải biết tin tức về những gì xảy ra trên thế giới, ví dụ như chiến tranh, dịch bệnh, bao nhiêu người đau khổ”.

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau: “Ơn gọi của anh chị em không phải là một người ẩn dật; nhưng là ra chiến trường, giống như Môisê với hai bàn tay giơ lên trong lời cầu nguyện trong khi dân tộc chiến đấu ‘.

Đáp lại một câu hỏi về sự giống nhau giữa tình yêu hôn nhân với tình yêu của đời sống thánh hiến, Đức Thánh Cha nói hai tình yêu ấy là một.

“Có một chiều kích của tình yêu phu phụ trong đời thánh hiến của một nữ tu… ngay cả đối với nam tu, vì Chúa Giêsu kết hôn với Giáo Hội”.

Đề cập đến chủ đề của đức vâng phục, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của tông đồ Phaolô về Chúa Giêsu Kitô, Đấng “tự hạ mình, vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” Ngài nói “Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô là một sự vâng phục sinh hoa trái, là mẫu guơng sự vâng phục trong đời sống thánh hiến; vâng phục là biểu tượng cho đường lối của Chúa Kitô.”

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến đời sống thánh hiến như một ân sủng Chúa đã ban trong tâm hồn những người sống đời thánh hiến và là một ân sủng cho thế giới.

6. Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Palestine

Sáng thứ Bẩy 16 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Tổng thống Palestine, Ông Mahmoud Abbas, nhân dịp ông về Rôma dự lễ phong hiển thánh cho 2 nữ chân phước người Palestine.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, sau khi hội kiến trong 20 phút với Đức Thánh Cha, tổng thống Palestine và đoàn tùy tùng gồm 11 người đã gặp Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và Đức Tổng Giám Mục ngoại trưởng Paul Gallagher.

Trong các cuộc nói chuyện thân mật, các vị tỏ ra rất hài lòng vì Văn bản hiệp định giữa Palestine và Tòa Thánh đã được hoàn thành, liên quan tới những khía cạnh thiết yếu về đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Palestine. Hiệp định sẽ được hai bên ký kết trong thời gian tới đây.

Sau đó các vị đã bàn về tiến trình hòa bình với Israel, bày tỏ mong ước cuộc thương thảo trực tiếp có thể mở lại để tìm ra một giải pháp công chính và lâu bền cho cuộc xung đột. Tòa Thánh tái khẳng định mong ước, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, người Israel và Palestine quyết tâm đi tới những quyết định can đảm để thực thi hòa bình. Sau cùng, về các cuộc xung đột ở Trung Đông, Tòa Thánh tái khẳng định sự cần thiết phải bài trừ nạn khủng bố và đối thoại liên tôn.

Trong phần trao đổi quà tặng, Đức Thánh Cha đã tặng Tổng thống một mề đai có hình Thiên Thần hòa bình. Ngài nói: “Thiên thần hòa bình tiêu diệt ác thần chiến tranh. Tôi đã nghĩ đến Tổng Thống: Tổng thống có thể là một thiên thần hòa bình”.

Trước đó, khi đến bước vào phòng tiếp kiến ở dinh Tông Tòa, Tổng thống Mahmoud Abbas nói với Đức Giáo Hoàng: “Tôi thấy ngài trẻ hơn”!

7. Al Gore chờ đợi thông điệp môi sinh của Đức Thánh Cha và có thể trở thành người Công Giáo.

Thông điệp về môi sinh của Đức Thánh Cha, được dự trù công bố vào tháng Sáu tới đây, đang được nhiều người chờ đón. Trong số những người ấy có ông Al Gore, nguyên phó tổng thống Hoa Kỳ, là người đã suýt chút nữa trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2000. 

Trong bài nói chuyện tại Đại Học Berkeley, California, hôm 5 tháng 5 vừa qua, ông Al Gore đã tự mô tả mình giống như thánh Phaolô trên đường đi Đamát. Tuy nhiên, ông nói rõ là ông có thể sẽ trở thành người Công Giáo không phải vì ông ta nhận được bất kỳ mặc khải tôn giáo nào, nhưng vì mối quan tâm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về sự nóng lên toàn cầu.

“Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một nhân vật thực sự gây nhiều hứng khởi. Ngài là một hiện tượng. Tôi đã giật mình với sự trong sáng trong sức mạnh tinh thần mà ngài là hiện thân.” 

“Vâng tôi đã nói công khai năm ngoái là tôi xuất thân và được nuôi dưỡng trong truyền thống Tin Lành Baptist miền Nam, nhưng tôi có thể sẽ trở thành một người Công Giáo do vị Giáo hoàng này. Ngài đã truyền cảm hứng cho tôi. Và tôi biết đa số bạn bè Công Giáo của tôi vui mừng đến tận xương tủy vì hình thái lãnh đạo tinh thần này của ngài.”

Ông Al Gore cho biết ông ta đang chờ đợi thông điệp về môi sinh của Đức Thánh Cha trong đó Đức Thánh Cha dự kiến sẽ mạnh mẽ chống lại việc đốt các nhiên liệu hóa thạch để tạo năng lượng và vận động một chiến dịch giảm bớt khí thải carbon trong nền kinh tế thế giới.

8. Tòa Thánh bác bỏ tin đồn thông điệp môi sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô bị dời lại

Tòa thánh đã bác bỏ tin đồn theo đó việc công bố thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô về môi trường đã bị đình hoãn.

Thông điệp sẽ được công bố vào tháng Sáu, theo dự trù trước đây. Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh khẳng định như trên và nói rằng “chưa có, và không có, bất kỳ sự chậm trễ nào so với những gì đã được dự kiến.”

Tòa Thánh vẫn chưa quyết định ngày giờ cụ thể để công bố tài liệu này, một tài liệu trong đó có nhiều luận chứng khoa học có thể gây tranh cãi lớn. Sự dè dặt của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma là có thể hiểu được, đặc biệt trong bối cảnh sự thất bại của hội nghị về sự thay đổi khí hậu vào tháng 12 năm ngoái tại Lima, Peru, và một hội nghị tương tự sắp diễn ra tại Paris từ 30 tháng 11 đến 11 tháng 12 năm nay, 2015.

Tuy nhiên, cha Lombardi khẳng định một lần nữa rằng từ cuối tháng ba thông điệp đó đã gần hoàn thành. 

Tin đồn là thông điệp sẽ bị đình hoãn do ký giả Sandro Magister, của tờ L’Espresso đưa ra, theo đó Đức Giáo Hoàng đã “liệng vào thùng rác” một dự thảo tài liệu này, được chuẩn bị bởi Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernández. Trong một bài viết có ý chỉ trích Đức Tổng Giám Mục Manuel Fernandez, Magister nói là dự thảo này đã bị “bác bỏ” bởi Đức Hồng Y Gerhard Müller và Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Cha Lombardi nói rằng theo thông lệ một thông điệp trước khi được công bố đều được xem xét lại cẩn thận bởi Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và một số thay đổi có thể được thực hiện trong quá trình tái xét đó. Tuy nhiên, ngài nói rằng ngài không hề hay biết về bất kỳ vấn đề nào có thể làm trì hoãn sự công bố thông điệp này.

9. Hoàn thành Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Hôm 13 tháng 5, Ủy ban song phương giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Palestine đã hoàn thành việc soạn thảo Hiệp định toàn bộ giữa hai bên.

Hiệp định này tiếp theo Hiệp định cơ bản được Tòa Thánh và Palestine ký kết ngày 15-2 năm 2000.

Thông cáo chung công bố ngày 13 tháng 5 cho biết Ủy ban song phương đã nhóm khóa họp chung cùng ngày tại Vatican dưới quyền chủ tọa của hai vị Đồng Chủ tịch là Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ Trưởng ngoại giao Tòa Thánh, và Đại Sứ Rawan Sulaiman, Phụ Tá ngoại trưởng đa vụ của Palestine. Phái đoàn Tòa Thánh có 6 người, trong đó có Đức TGiám Mục Giuseppe Lazzarotto, Khâm sứ Tòa Thánh tại Jerusalem và Palestine. Phái đoàn Palestine có 4 người.

Các cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện và xây dựng, và Ủy ban hài lòng ghi nhận những tiến bộ đã đạt được trong việc soạn Văn bản hiệp định liên quan đến những khía cạnh thiết yếu trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Palestine. Cả hai bên đều đồng ý rằng công việc của Ủy ban trong việc soạn hiệp định đã kết thúc và Văn bản sẽ được đệ trình cấp trên liên hệ để phê chuẩn và xác định ngày chính thức ký kết hiệp định trong tương lai gần đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Ông thứ trưởng Tòa Thánh Camilleri, người Malta, cho biết Văn bản hiệp định gồm có Lời Tựa, tiếp đến là chương I về các nguyên tắc và qui luật cơ bản làm khung nền cho sự cộng tác giữa Tòa Thánh và Palestine, trong đó cũng có bày tỏ mong ước một giải pháp cho vấn đề Palestine, và cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, qua giải pháp 2 quốc gia và các nghị quyết của Cộng đồng quốc tế.

Chương thứ 2 quan trọng, nói về tự do tôn giáo và lương tâm với nhiều chi tiết.

Các chương kế tiếp nói về các khía cạnh khác nhau liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại các lãnh thổ của Palestine: tự do hoạt động, nhân sự và quyền tài phán của Giáo Hội, qui chế nhân sự, các nơi thờ phượng, các hoạt động xã hội và từ thiện, các phương tiện truyền thông xã hội.

Sau cùng có một chương nói về vấn đề thuế khóa và tài sản.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Ông Camilleri cũng cho biết về vấn đề soạn hiệp định giữa Tòa Thánh và Israel. Sau khi ký hiệp định cơ bản hồi tháng 12-1993, Israel và Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau hồi tháng 6-1994, tiếp đến là ký hiệp định về pháp nhân của các tổ chức Công Giáo năm 1997 và từ năm 1999 trở đi có các cuộc thương thuyết về hiệp định kinh tế, thuế khóa. Hiệp định hầu như đã sẵn sàng và Đức Ông hy vọng sớm có sự ký kết hiệp định này để mưu lợi ích cho cả hai bên.

10. Phản ứng của Palestine về hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Cùng ngày 14 tháng 5, một lãnh tụ Palestine là Bà Hanan Ashrawi, thuộc Ban chấp hành của tổ chức OLP, chào mừng Hiệp định đã đạt được với Tòa Thánh trong đó có nói đến việc Tòa Thánh chính thức nhìn nhận người Palestine có quyền được một quốc gia. Bà Asharawi bày tỏ “lòng biết ơn và quí chuộng cao độ đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Trong thông báo, bà viết: “Nhờ tất cả những người đã làm việc để đạt tới kết quả lịch sử này, việc nhìn nhận Palestine và dân tộc Palestine là một sự đầu tư quan trọng cho hòa bình, an ninh và ổn định trong vùng.. Chúng tôi vui mừng vì sự nhìn nhận này và coi đó là một tiến triển tích cực, không những về phương diện chính trị, nhưng cả về mặt nhân bản và pháp lý. Hiệp định mở đường cho một kỷ nguyên mới trong đó thế giới sẽ coi Palestine là một quốc gia độc lập, một kỷ nguyên trong đó dân tộc Palestine sẽ được quyền tự vệ và ở lại quê hương của mình, phù hợp với công pháp quốc tế”.

Sau cùng bà Asharawi nhắc lại rằng hiệp định ấy đến cùng với một biến cố lớn khác của quốc gia, đó là sự phong thánh cho hai nữ tu người Palestine: Maria Alfonsina Ghattas và Mariam Baouardy vào Chúa Nhật 17 tháng 5. Đây là một biến cố lịch sử quan trọng, đầy ý nghĩa quốc gia, chính trị, tôn giáo và nhân bản, và sẽ để lại một dấu vết rõ ràng trong ký ức của dân tộc Palestine”

11. Đức Hồng Y Luis Tagle, Tổng Giám Mục Manila, được bầu làm chủ tịch Caritas 

Trong năm ngày từ 12 đến 17 tháng 5, hơn 300 đại biểu Caritas từ khắp nơi trên thế giới đã họp Đại Hội Đồng lần thứ 20 tại Rôma để thảo luận về kế hoạch cho bốn năm tới, nhắm vào việc cải thiện cuộc sống của những người đang sống trong nghèo đói và đau khổ.

Đại Hội Đồng lần thứ 20 này đã bầu ra một vị chủ tịch mới vì Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga sẽ thoái vị sau sau tám năm giữ chức chủ tịch. Hiến chương của Caritas quy định một người chỉ có thể giữ chức chủ tịch Caritas tối đa là hai nhiệm kỳ. Các ứng cử viên sáng giá cho chức vụ này là Đức Tổng Giám mục Youssef Soueif, là chủ tịch Caritas đảo Síp và Đức Hồng Y Luis Tagle, là Tổng Giám Mục Manila. Các cuộc bầu cử lãnh đạo sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm 14 tháng Năm.

Đức Hồng Y Luis Tagle đã thắng cử với 91 trên tổng số 131 phiếu bầu.

Sinh tại Manila năm 1957 và thụ phong linh mục năm 1982, Đức Hồng Y Tagle được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Imus năm 2001. Năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Manila, và tấn phong Hồng Y cho Ngài năm 2012, lúc đó Ngài là người trẻ thứ hai trong Hồng Y đoàn.

12. Họp báo về Lễ Phong Thánh cho hai nữ tu người Palestine

Việc phong thánh cho hai nữ tu Palestine vào ngày Chúa Nhật 17 là một lời nhắc nhở rằng “chỉ có lời cầu nguyện mới có thể giúp giữ vững đức tin của chúng ta một cách nhiệm mầu ở giữa những gian truân và thử thách”, một linh mục từ Jordan cho biết như trên tại một cuộc họp báo hôm thứ Sáu ngày 15 tháng Năm tại phòng báo chí Tòa Thánh.

Cha Rifat Bader, Giám đốc Trung tâm Công Giáo Nghiên cứu và Truyền thông ở Amman, cho biết việc phong thánh cho hai nữ tu Marie-Alphonsine Danil Ghattas và Baouardy Maryam (hay còn gọi là Maria của Chúa Giêsu chịu đóng đinh) “là một sự kiện thiêng liêng có tầm quan trọng đặc biệt cho các cư dân tại Thánh Địa, trong bối cảnh khó khăn chúng ta đang trải qua, vì hai vị sắp được tuyên thánh soi sáng con đường của chúng ta.”

Cha Bader nhận xét rằng chân phước Marie-Alphonsine được mọi người nhớ đến như là người đã thành lập cộng đoàn nữ tu Ả Rập đầu tiên. Trong khi Chân Phước “Maria của Chúa Giêsu chịu đóng đinh” được mọi người kính nhớ vì tấm gương kiên cường không chịu khuất phục trước “những bách hại của chủ nghĩa cực đoan và những nỗ lực tìm cách buộc chị phải cải đạo sang Hồi Giáo” 

Hai vị thánh mới, như thế, mang lại một thông điệp đặc biệt cho các Kitô hữu tại Thánh Địa ngày nay .

13. Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Togo

Đức Thánh Cha khuyến khích các Giám Mục Togo nâng đỡ gia đình trước những cuộc tấn công ý thức hệ qua các phương tiện truyền thông.

Trong bài huấn dụ trao cho 9 Giám Mục nước Togo tại buổi tiếp kiến sáng hôm 11-5-2015, nhân dịp các vị về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, Đức Thánh Cha viết:

“Tôi khuyến khích anh em kiên trì trong những nỗ lực nâng đỡ các gia đình giữa những khó khăn của họ, nhất là qua việc giáo dục và các hoạt động xã hội, và chuẩn bị các cặp nam nữ tiến tới những quyết tâm dấn thân của hôn nhân Kitô giáo, những dấn thân này có nhiều đòi hỏi nhưng cũng tuyệt vời. Togo cũng không tránh được những tấn công ý thức hệ và qua các phương tiện truyền thông, ngày nay đang lan tràn, chúng đề nghĩ những kiểu mẫu sống chung và gia đình không thể dung hợp với đức tin Kitô. Tôi biết anh em đã tỏ ra cảnh giác trong vấn đề này, cũng như những cố gắng của anh em, nhất về qua các phương tiện truyền thông”.

Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục Togo luôn gần gũi các linh mục của mình, khơi dậy nơi linh mục đoàn một tinh thần gia đình, giúp kiến tạo tình liên đới và huynh đệ linh mục, phục vụ sứ mạng chung.” Ngài cũng nhắc nhở các linh mục tương lai “ăn rễ sâu trong các giá trị Tin Mừng để củng cố sự dấn thân của họ, trong sự trung thành và gắn bó với Chúa Kitô” (Afr. munus, 121). Điều này sẽ giúp họ sau đó chiến đấu chống lại tham vọng, thái độ tìm công danh sự nghiệp, nạn ghen tương, tinh thần thế tục, sự cám dỗ của tiền bạc và những của cải trần thế này, trong sự độc thân chân thành và được sống trong vui tươi. Tôi khuyên nhủ anh em đặc biệt quan tâm tháp tùng các linh mục trẻ về phương diện tu đức và mục vụ, lắng nghe những gì họ sống”.

Togo chỉ rộng gần 57 ngàn cây số vuông với dân số hơn 7 triệu 200 ngàn người, trong đó có 1 triệu 600 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 7 giáo phận, họp thành một giáo tỉnh thủ đô Lomé.

14. Đức Thánh Cha cám ơn ban tổ chức và ân nhân buổi hòa nhạc

Sáng ngày 13 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến và cám ơn ban tổ chức, các nhạc sĩ cũng như các ân nhân “buổi hòa nhạc cho người nghèo” tại Đại thính đường Phaolô 6 lúc 6 giờ chiều ngày 14 tháng 5.

Buổi hòa nhạc được sự bảo trợ của Sở Từ Thiện của Đức Thánh Cha, Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng và Ngân Quỹ Thánh Mathêu tưởng niệm Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

Lên tiếng trong dịp này, sau khi nồng nhiệt cám ơn mọi người về những gì họ đã và sẽ làm cho buổi hòa nhạc, Đức Thánh Cha cũng nói rằng “Âm nhạc có khả năng liên kết các tâm hồn và nối kết chúng ta với Chúa.. Âm nhạc giải thoát chúng ta khỏi những lo âu. Cả những nhạc buồn cũng giúp chúng ta trong những lúc khó khăn.”

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Tôi cám ơn anh chị em rất nhiều, vì một chút tinh thần mang lại lợi ích cho mọi người, giữa bao nhiêu công việc lo toan vật chất luôn vây bủa và kéo chúng ta xuống. Trong tư cách là tín hữu, chúng ta có niềm vui của một người Cha yêu thương tất cả chúng ta, niềm vui vì có thể thực hiện tình huynh đệ với tất cả mọi người.. Buổi hòa nhạc của anh chị em là để gieo vãi niềm vui, không phải thứ vui mừng giải trí chóng qua, và hạt giống mà anh chị em gieo vãi sẽ ở lại trong tâm hồn mọi người và mưu ích cho tất cả.. Tôi thành tâm cám ơn tất cả anh chị em”.

Trong số những người hiện diện cũng có nhạc trưởng Daniel Oren người Do thái, ông điều khiển ban nhạc ở Salerno. Ông xin Đức Giáo Hoàng Phanxicô chúc lành cho ông và gia đình tháp tùng. Đức Giáo Hoàng đã nhận lời và ngài chúc lành cho ông theo công thức của tổ phụ Abraham.

Đức Ông Marco Frisina, giám đốc ca đoàn của giáo phận Roma và là tác giả của nhiều bài ca, cũng có mặt trong buổi tiếp kiến. Ngài nhận định rằng ‘đúng là âm nhạc có thể liên kết mọi người, như Đức Thánh Cha nói, không những những người thuộc các giai tầng xã hội khác nhau, nhưng cả những người thuộc các tôn giáo khác nhau, tín hữu và người không tín ngưỡng”.

Số tiền lạc quyên được trong buổi hòa nhạc sẽ được dành để tài trợ các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha.

2 ngàn người nghèo, vốn được Caritas Roma, cộng đồng thánh Edigio, Hội Hiệp sĩ Malta, cũng như trung tâm tị nạn của Dòng Tên ở Roma trợ giúp, được mời tham dự buổi hòa nhạc và được ngồi ở những hàng ghế đầu.

Trong số khoảng 20 ân nhân bảo trợ buổi hòa nhạc, có Phân khoa kinh doanh thuộc đại học Công Giáo LUISS ở Roma, Quỹ Mariano chuyên về các chương trình giáo dục và y tế cho giới trẻ, công ty bảo hiểm Patriot National INC, và ngân hàng BCC ở Roma, v.v..

Trong buổi hòa nhạc có trình diễn tác phẩm “La Divina Commedia” do Đức ông Frisina phổ nhạc, để kỷ niệm 750 năm sinh nhật của thi hào Dante, và những đoản khúc về Mùa Phục Sinh, hy vọng và vui mừng.

15. Phản ứng của Israel về hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Một số quan chức Bộ ngoại giao Israel bày tỏ đau buồn trong khi Palestine vui mừng vì hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine sắp được ký kết.

Thông cáo chung công bố hôm 13-5-2015 của Ủy ban song phương giữa Tòa Thánh và Israel cho biết đã hoàn tất Văn bản hiệp định toàn bộ và đệ trình cấp trên để cứu xét và chuẩn bị ký kết. Thông cáo có nói đến giải pháp hai quốc gia cho cuộc xung đột từ lâu giữa Israel và Palestine.

Tuy không có thông cáo chính thức của Bộ ngoại giao Israel, nhưng báo chí Israel ra ngày 14-5-2015 đưa tin một số quan chức của Bộ này tỏ ra bất mãn về việc Tòa Thánh chính thức dùng từ “Quốc gia Palestine” và cho rằng việc làm của Tòa Thánh không đẩy mạnh tiến trình hòa bình tại Thánh Địa. Tuy nhiên cũng có một quan chức cấp cao khác của Bộ ngoại giao Israel nói rằng người ta không thấy trong văn kiện và thông cáo có đoạn nào nói Tòa Thánh nhìn nhận quốc gia Palestine, và chính phủ Israel chờ đợi Tòa Thánh làm sáng tỏ vấn đề này.

Thực ra, từ cuối năm 2013, Tòa Thánh vẫn nói về “Quốc gia Palestine”. Tòa Thánh và tổ chức Giải Phóng Palestine, OLP, đã ký hiệp định cơ bản với nhau hồi năm 2000. Năm 2004 một Ủy ban song phương được thành lập để cụ thể hóa hiệp định chi tiết giữa hai bên.

Rabbi David Rosen, Giám đốc Quốc tế của Ủy ban Do thái Hoa Kỳ, nói với tờ New York Thời Báo rằng: Quan hệ giữa Israel và Tòa Thánh rất vững chắc, nên không bị thương tổn vì một từ ngữ hay một cách gọi. “Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất quan tâm đến các dân tộc tại Israel và ngài rất muón thấy có một sự hòa giải an bình, nhưng tôi không thấy có thay đổi nào trong chính sách của Tòa Thánh”.

16. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Rumani

Hôm 14 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Klaus Werner Johannis của Rumani, nhân dịp Tòa Thánh và Rumani đánh dấu kỷ niệm 25 năm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết trong các cuộc thảo luận “thân mật”, các cuộc trò chuyện tập trung vào các mối quan hệ song phương và đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho đất nước này.

Rumani hiện có 21.8 triệu dân. Đa số dân, cụ thể là 82%, theo Chính Thống Giáo Hy Lạp. Người Công Giáo chỉ có 4.3% sinh hoạt trong 3 tổng giáo phận, 8 giáo phận, 1 giáo phận Công Giáo nghi lễ Armenia và một giáo phận Công Giáo nghi lễ Đông Phương. 

17. Các khoa học gia nói các phụ nữ dùng thuốc tránh thai có thể bị suy thoái vỏ não bộ

Nghiên cứu khoa học mới cho thấy rằng việc sử dụng thuốc tránh thai có thể làm thay đổi hình dạng của não bộ phụ nữ, Thông tấn xã Công Giáo CNA cho biết như trên.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Human Brain Mapping đã tìm thấy rằng hai khu vực trên vỏ não gọi là lateral orbitofrontal và posterior cingulate bị bào mòn đáng kể và trở nên mỏng ở mức đáng báo động nơi những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai. Các nghiên cứu cho đến nay chưa đưa ra những khẳng định là liệu sự bào mòn này có khả năng năng gây ra những thay đổi trong cấu trúc của não bộ mà tối hậu sẽ dẫn đến những thay đổi trong hành vi hoặc cảm xúc.

Một đồng tác giả của nghiên cứu này giải thích lý do của việc chưa thể khẳng định này với CNA rằng ông thấy rằng người ta cố tình lờ đi, thậm chí ngăn chặn tích cực bằng cách cấm đoán hay tiêu cực bằng cách không tài trợ cho những nghiên cứu về các tác dụng phụ của thuốc ngừa thai trên phụ nữ. 

Tiến sĩ Larry Cahill của Đại học Irvine tại California cho biết

“Bạn có thể nghĩ rằng sau 50 năm, khi mà đã có hàng trăm triệu phụ nữ dùng các loại hóa thân khác nhau của các loại thuốc này, đương nhiên là sẽ có những bằng chứng to lớn, mạch lạc, và đầy ấn tượng về tác dụng phụ của các thứ thuốc ngừa thai. Nhưng bên cạnh điều đó không có một nghiên cứu nào.”

18. Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Cộng hòa Trung Phi

Đức Thánh Cha tái bày tỏ sự gần gũi và liên đới với Giáo Hội tại Cộng hòa Trung Phi đang trải qua tình trạng khó khăn và ngài khích lệ các vị lãnh đạo Giáo Hội đẩy mạnh công tác hòa giải.

Đức Thánh Cha đưa ra lập trường trên đây sáng ngày 15 tháng 5, trong bài huấn dụ trao cho 9 Giám Mục thuộc Cộng Hòa Trung Phi về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Quốc gia này ở trong tình trạng nội chiến từ vài năm nay, và đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp.

Đức Thánh Cha viết: “Anh em có một vai trò ngôn sứ không thể thay thế được trong tiến trình chuyển tiếp chế độ hiện nay; anh em hãy nhắc nhở và làm chứng về những giá trị căn bản như công lý, sự thật, lương thiện là nền tảng của mọi sự đổi mới, cổ võ đối thoại và sống chung hòa bình giữa các tôn giáo và chủng tộc khác nhau, tạo điều kiện cho sự hòa giải và đoàn kết xã hội, như một chìa khóa mở vào tương lai”.

Đức Thánh Cha không quên nhắn nhủ các Giám Mục, tuy dấn thân xã hội, nhưng tránh can thiệp trực tiếp vào những tranh biện chính trị. “Cần huấn luyện và khuyến khích giáo dân dấn thân các các cuộc thảo luận chính trị và lãnh nhận trách nhiệm, theo giáo huấn xã hội Công Giáo.”

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các Giám Mục Trung Phi đặc biệt chú ý tới việc đào tạo linh mục, giúp các linh mục tương lai có khả năng sống sự cam kết độc thân, đời sống này không thể chấp nhận một sự nhân nhượng thỏa hiệp nào. “Anh em cũng hãy nêu gương đoàn kết và sống hoàn hảo trong việc thực hành các nhân đức của bậc tư tế”.

Đức Thánh Cha đặc biệt khuyến khích các Giám Mục Trung Phi tăng cường mục vụ gia đình, vì họ là những nạn nhân đầu tiên của bạo lực và thường bị xáo trộn hoặc bị tan vỡ vì cảnh vợ chồng xa nhau, tang tóc, nghèo đói, bất thuận và chia rẽ.

Cộng Hòa Trung Phi là quốc gia thuộc hàng nghèo nhất Phi Châu, với diện tích hơn 622 ngàn cây số vuông và 4 triệu 500 ngàn dân, trong số này một nửa là Kitô hữu gồm 36% Công Giáo và 16% Tin Lành. Một nửa còn lại theo Hồi giáo và các tôn giáo cổ truyền của Phi châu.

Giáo Hội Công Giáo Trung Phi có hơn 1 triệu 600 ngàn tín hữu thuộc 9 giáo phận, họp thành một giáo tỉnh.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN