Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14 – 20/07/2016: Nỗi buồn của Đức Thánh Cha trước tai ương khủng bố

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14 – 20/07/2016: Nỗi buồn của Đức Thánh Cha trước tai ương khủng bố

1. Tòa Thánh lên án vụ tấn công tại Nice

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án vụ tấn công khủng bố ở Nice, bên Pháp, vào đêm thứ Năm 14 tháng Bẩy, giết chết ít nhất 84 người.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, SJ nói: “Chúng tôi đã theo dõi vụ việc này trong đêm qua, với những mối quan tâm lớn nhất trước những tin tức khủng khiếp đến từ Nice,”

Cha Lombardi nói thêm: “Chúng tôi muốn bày tỏ, về phần của Đức Thánh Cha Phanxicô và của chính bản thân chúng tôi, tình liên đới và sự chia sẻ những đau khổ với các nạn nhân và toàn dân Pháp, trong một ngày lẽ ra phải là một lễ kỷ niệm đẹp đẽ. Chúng tôi tuyệt đối lên án mọi biểu hiện của sự giết người điên rồ, hận thù, khủng bố, và các cuộc tấn công chống lại hòa bình.”

Lúc gần 11h đêm, tên khủng bố, tên là Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, người gốc Tunisi, đã lái một chiếc xe tải hạng nặng với tốc độ rất nhanh vào một đám đông vừa mới xem bắn pháo bông. Tên khủng bố đã cố ý lái xe sàng qua sàng lại để giết thật nhiều người. Ít nhất 10 trẻ em bị cán chết. Chiếc xe tải cuối cùng đã dừng lại sau khi càn qua hai kilômét. Tên khủng bố ra khỏi xe và bắn vào đám đông trước khi bị bắn chết trong một cuộc đọ súng với cảnh sát.

Hồ sơ cảnh sát ghi nhận Mohamed Lahouaiej Bouhlel có phạm một vài tội lặt vặt nhưng y không có tên trong danh sách những kẻ cực đoan Hồi Giáo cần theo dõi.

Các cuộc tấn công xảy ra chỉ tám tháng và một ngày sau khi các tay súng và những kẻ đánh bom tự sát của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công Paris vào ngày 13 Tháng 11 năm 2015, giết chết 130 người. Bốn tháng trước, một người Hồi giáo có quốc tịch Bỉ có liên hệ với những kẻ tấn công ở Paris đã giết chết 32 người tại một sân bay ở Brussels.

2. Đức Thánh Cha gởi điện văn chia buồn với nước Pháp

Trong điện văn gửi nhân danh Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án các vụ tấn công khủng bố ở Nice và thể hiện nỗi buồn sâu sắc của Ngài cũng như sự gần gũi tinh thần của mình với người dân Pháp.

Trong điện văn gửi Đức Cha Andre Marceau, là Giám Mục giáo phận Nice /ní:s/, bức điện ghi nhận rằng trong khi Pháp đang kỷ niệm ngày quốc khánh “bạo lực mù quáng đã một lần nữa tấn công quốc gia” tại thành phố Nice nơi các nạn nhân bao gồm nhiều trẻ em. Đức Thánh Cha một lần nữa “lên án những hành vi như vậy” và thể hiện mình “nỗi buồn sâu sắc và sự gần gũi tinh thần của mình với người dân Pháp.”

Bức điện cho biết thêm là Đức Thánh Cha Phanxicô “phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa những người đã thiệt mạng” và ngài chia sẻ “nỗi đau của các gia đình tang quyến” cũng như bày tỏ sự đồng cảm của ngài đối với những người bị thương.

Đức Thánh Cha kết thúc bức điện với lời van xin Thiên Chúa ban cho ân sủng “hòa bình và hòa hợp” và xin muôn ơn lành của Thiên Chúa tuôn đổ trên các gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này và tất cả nhân dân Pháp.

3. Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ mạnh mẽ lên án nạn bạo lực và kỳ thị chủng tộc gia tăng trong nước.

Đứng trước cảnh hai nguời da đen bị cảnh sát bắn chết và 5 nhân viên cảnh sát bị bắn hạ bởi một bính sĩ da đen trong các vụ biểu tình của dân chúng, Đức Hồng Y Timothy Michael Dolan, Tổng Giám Mục New York, đã mạnh mẽ lên án nạn kỳ thị và bạo lục gia tăng. Ngài kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhân.

Đức Hồng Y nói: từ Minnesota tới Lousiana và Texas ước chi quốc gia này được tín thác cho Thiên Chúa duyệt xét linh hồn mình, và xin Thiên Chúa ơn chữa lành, hoà bình, công bằng và hoà giải. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng ta và chúng ta là thụ tạo của Ngài và chúng ta xâu xé nhau. Vì thế để sửa chữa lại chính mình chúng ta cần biết lắng nghe các giáo huấn của Chúa.

Đức Cha Kevin Farrell, Giám Mục Dallas, cũng mạnh mẽ lên án nạn kỳ thị bạo lực gia tăng. Ngài nói rằng “mức độ bạo lực ở trung tâm thành phố Dallas vào đêm thứ Năm 7 tháng Bẩy là đáng sững sờ.”

Ngài nói thêm, “mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi hướng đến những gia đình đã mất người thân trong vụ tấn công thảm khốc này”. Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Tất cả mạng sống đều có giá trị, dù là người da đen, hay da trắng, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, hay Ấn Độ giáo. Chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và tất cả cuộc sống con người đều là quý giá “.

Nhân danh tất cả các Giám Mục Mỹ, Đức Cha Joseph Kurtz chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã ra thông cáo khích lệ mọi người chống lại thù hận, khiến cho con người không trông thấy cộng đoàn nhân loại của mình nữa. Cảnh sát không phải là một kẻ thù không diện mạo, một công dân bị nghi ngờ không phải là một đe dọa không diện mạo. Đức Cha mời gọi mọi người suy tư về giá trị của sự sống và nhân phẩm của từng người.

4. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền bảo đảm tự do tôn giáo

Các Giám Mục Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền bảo đảm tự do tôn giáo và tự do lương tâm của mọi người dân.

Thỉnh cầu này đã được đưa ra trong một thông cáo mang chữ ký của Đức Cha Salvatore Joseph Cordileone, Tổng Giám Mục San Francisco, chủ tịch Tiểu ban thăng tiến và bảo vệ hôn nhân của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Đức Cha William Edward Lori, Tổng Giám Mục Baltimore, chủ tịch Uỷ ban tự do tôn giáo.

Các Giám Mục nhấn mạnh rằng cần phải ủng hộ việc tu chính Hiến Pháp đang liên quan tới việc bảo đảm tự do tôn giáo và tụ do lương tâm cho tất cả mọi người. Tu chính này đang được Quốc hội thảo luận liên quan tới quyền tự do tôn giáo, tự do lương tâm, tự do phát biểu và tự do thông tin, tự do hội họp một cách hoà bình và kêu lên chính quyền chống lại các sai trái phải chịu. Ngoài ra nó còn cấm Quốc Hội không được đưa ra các luật lệ chính thức thừa nhận bất kỳ tôn giáo nào gây thiệt hại cho những người khác.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã luôn luôn ủng hộ luật bảo đảm các biện pháp che chở tự do tôn giáo trên bình diện liên bang. Theo các Giám Mục tu chính thứ nhất liên quan tới việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho tín hữu của mọi tôn giáo cũng như những người không có niềm tin tôn giáo và hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là điều quan trọng. Việc tu chính quan trọng và nòng cốt giúp bảo vệ công ích, vì sự bất khoan nhượng đối với niềm tin tôn giáo và các hành xử cụ thể sai trái gia tăng. Không được để cho các trường học và cơ sở do các tu sĩ điều khiển, mất giấy phép hay các quyền đã chiếm được chỉ vì có quan điểm hôn nhân khác với các cơ sở khác. Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ được ủng hộ một cách đại đồng từ bao thế kỷ không dính dáng gì tới việc thiếu tôn trọng người khác, nó cũng không tuỳ thuộc niềm tin tôn giáo. Đúng hơn nó được xây dựng trên sự thật về bản vị con người, cũng có thể hiểu dược qua lý trí. Giáo Hội sẽ tiếp tục ủng hộ khả thể của tất cả mọi người thực thi các xác tín tôn giáo và luân lý của mình và làm chứng cho sự thật trong lãnh vực công cộng, mà không sợ hãi

5. Đức Thánh Cha gửi điện tín chia buồn với các nạn nhân tai nạn xe lửa

Đức Thánh Cha đã gửi điện tín chia buồn với các nạn nhân và gia đình họ vì tại nạn hai xe lửa đụng nhau trên tuyến đường Corato-Andria vùng Puglia, nam Italia, sáng ngày 12 tháng 7 vừa qua.

Điện tín gửi Đức Cha Francesco Cacucci, Tổng Giám Mục Bari-Bitonto do Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, viết: “Nghe tin tại nạn hoả xa trầm trọng xảy ra trên tuyến đường Corato-Andria khiến cho nhiều người thiệt mạng và bị thương, Đức Thánh Cha chân thành bầy tỏ sự chia sẻ nỗi đau buồn của biết bao gia đình. Ngài bảo đảm sốt sắng cầu nguyện cho những người đã chết một cách thê thảm, và trong khi khẩn cầu Chúa cho những người bị thương mau bình phục, Đức Thánh Cha tín thác cho sự chở che hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria những người đang chịu tang tóc thê thảm này và gửi đến cho họ phép lành Toà Thánh của Ngài.”

Lúc sau 11 giờ sáng ngày 12 tháng Bẩy hai chuyến xe lửa chạy ngược chiều trên tuyến đường Corato-Andria đã đâm thẳng đầu vào nhau khiến cho mấy toa tầu bị tan nát và đổ nghiêng. Các toán cứu trợ đã làm việc suốt đêm để tìm xác các nạn nhân. Tính cho đến nay đã có 27 người bị chết và hơn 50 người bị thương, nhiều người rất nặng, nhưng vẫn có người còn bị kẹt trong các toa tầu bẹp giúm. Thủ tướng Renzi và bộ trưởng lưu thông Italia đã đến tận nơi để uỷ lạo và quan sát tình hình. Chính quyền đã ra lệnh điều tra vụ này. Tại một vài vùng Italia vẫn còn có các tuyến đường xe lửa hai chiều, di chuyển trên cùng một đường rầy duy nhất và được hướng dẫn bằng điện thoại thay vì bằng các kỹ thuật tự động tối tân.

6. Chương trình chuyến công du của Đức Thánh Cha tại Georgia và Azerbaigian

Toà Thánh đã công bố chương trình chuyến viếng thăm mục vụ Cộng hòa Giorgia và Azerbaigian của Đức Thánh Cha trong các ngày từ 30 tháng 9 tới mùng 2 tháng 10.

Lúc 9 giờ sáng thứ sáu 30 tháng 9 Đức Thánh Cha ra phi trường Fiumicino lấy máy bay sang thủ đô Tbilisi của Giorgia. Sau lễ nghi tiếp đón Đức Thánh Cha viếng thăm xã giao tổng thống cộng hoà Giorgia rồi gặp gỡ các giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn trong sân dinh tổng thống. Tiếp đến Đức Thánh Cha gặp gỡ Đức Catholicos Elia II Thượng Phụ toàn Giorgia trong Toà Thượng Phụ, rồi gặp gỡ cộng đoàn Assiro canđê trong nhà thờ Công Giáo thánh Simon thợ nhuộm.

Thứ Bẩy mùng 1 tháng 10 Đức Thánh Cha dâng thánh lễ tại vận động trường Meskhi, rồi gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ trong nhà thờ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Tiếp theo đó Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhân viên các trung tâm bác ái, các bệnh nhân và người tàn tật trước sân trung tâm bác ái của các tu sĩ dòng Camilliani, rồi ngài viếng thăm nhà thờ chính toà Svietyskhoveli Mskheta.

Ngày Chúa Nhật mùng 2 tháng 10 lúc 8 giờ sáng Đức Thánh Cha từ giã cộng hoà Georgia để bay sang Baku thủ đô cộng hoà Azerbaigian. Sau lễ nghi tiếp đón Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ trong nhà thờ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội của Trung tâm dòng Salesien, rồi dùng bữa trưa với cộng đoàn. Vào ban chiều ngài viếng thăm tổng thống và gặp gỡ các giới chức chính quyền trong trung tâm “Heydar Aliyev”. Tiếp đến ngài gặp Sceicco của người Hồi vùng Caucase tại đền thờ “Heydar Aliyev”, rồi gặp gỡ Đức Giám Mục chính thống Baku và vi chủ tịch công đoàn Do thái. Sau đó Đức Thánh Cha ra phi trường lấy máy bay trở về Roma.

7. Đức Thánh Cha gửi điện tín chia buồn về cái chết của Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski

Ngày 13 tháng 7 vừa qua Đức Thánh Cha đã gửi điện tín chia buồn về cái chết của Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh mục vụ y tế.

Trong điện tín gửi Đức Ông Jean Marie Mate Musivi Mupendawatu, thư ký Hội Đồng Toà Thánh mục vụ y tế, Đức Thánh Cha viết: “Tôi đã nhận đuợc tin qua đời của Đức Cha Zygmunt Zimowski, chủ tịch Hội Đồng sau thời gian bị bệnh dài đau đớn, nhưng được sống với tinh thần đức tin và chứng tá kitô. Tôi muốn bầy tỏ sự chia sẻ tinh thần của tôi với sự buồn thương của Hội Đồng, và trong khi nhớ lại sứ vụ quảng đại của ngài như Giám Mục giáo phận Radom bên Ba Lan và thời gian phục tụ Toà Thánh, tôi sốt sắng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn ngài và tín thác ngài cho lời bầu cử của Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria, Nữ Vuơng Ba Lan. Với các tâm tình ấy tôi khẩn nài cho nguời cộng sự viên thương tiếc này phần thưởng vĩnh cửu được hứa ban cho các người trung thành phục vụ Tin Mừng. Và tôi thân ái ban phép lành Toà Thánh an ủi củng cố cho Đức ông, các nhân viên và cộng sự viên của Hội Đồng Toà Thánh”.

Đức Tổng Giám Mục Zimowski sinh năm 1949, thụ phong Linh Mục năm 1973, được chỉ định làm Giám Mục giáo phận Radom bên Balan năm 2002. Năm 2009 ngài được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chỉ định làm chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh mục vụ y tế. Hồi tháng 12 năm 2014 ngài phải nhập viện bên Ba Lan vì bị ung thư lá lách. Năm sau đó ngài trở về Roma tiếp tục công việc. Đức cố TGM đã giữ nhiều nhiệm vụ khác nhau trong HĐGM Ba Lan, và đã là cố vấn của Bộ Phong Thánh và Bộ Giám Mục. Ngài đã cộng tác trong việc chuẩn bị sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ấn bản tiếng Ba Lan, cũng như cộng tác với chương trình Ba Lan của đài phát thanh Vaticăng, và là tác giả của vài cuốn sách, cũng như nhiều thư mục vụ và nhiều bài khảo luận.

8. Đức Thánh Cha bất thình lình thăm Ủy Ban Toà Thánh Đặc Trách Về Châu Mỹ Latinh

Sáng ngày 13 tháng 7 Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất thình lình đến thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về châu Mỹ Latinh, trước sự ngạc nhiên vui sướng của các nhân viên.

Ngài đến gõ cửa văn phòng của Ủy ban trong khi các nhân viên đang họp để bàn về việc cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Bogotà thủ đô Colombia. Trước sự ngạc nhiên của các nhân viên Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn nhảy sang thăm anh chị em một lát”. Với thái độ đơn sơ và thân tình Đức Thánh Cha xin được họp chung với mọi người. Sau đó một nhân viên đã báo cho ông Guzman Cariquiry thư ký Ủy ban biết, và ông đã vội vàng đón tiếp Đức Thánh Cha. Ngài hỏi ông: “Anh có giờ nói chuyện một chút không?”

Và Đức Thánh Cha đã chuyện vãn với ông nửa giờ đồng hồ, chào và hỏi chuyện từng nhân viên hiện diện và chụp hình lưu niệm. Ngài nhắc lại các chuyến viếng thăm Ủy ban khi còn là TGM Buenos Aires.

Trong khi Đức Thánh Cha nói chuyện với vị phó chủ tịch Ủy ban, một trong các nhân viên an ninh Vatican đã trả lời các câu hỏi tò mò của các nhân viên Ủy ban. Ông cho biết sau khi khám răng tại văn phòng sức khoẻ trong Vatican Đức Thánh Cha tỏ ý muốn ghé thăm Ủy ban đặc trách về Châu Mỹ Latinh. Mặc dù nhân viên an ninh cho ngài biết các thủ tục an ninh phức tạp Đức Thánh Cha nói: “Anh đừng có lo, chúng ta ở trong tay Chúa mà”. Và thế là xe chở ngài tới thăm Ủy ban.

9. Các Giáo Hội Kitô Đức kêu gọi hạn chế xuất cảng vũ khí

Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tin Lành Đức kêu gọi hạn chế việc xuất cảng vũ khí ra nước ngoài đặc biệt là các nước không tôn trọng các quyền con người.

Các Giáo Hội Kitô Đức đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thông cáo phổ biến sau khi chính quyền Berlin công bố bản tường trình về việc xuất cảng vũ khí năm 2015. Các Giáo Hội Kitô Đức nhấn mạnh một lần nữa rằng cần phải có một luật lệ nghiêm ngặt hơn trong vấn đề này. Thông cáo mang chữ ký của Đức Ông Karl Juesten, đặc trách Văn phòng của HĐGM Đức tại Berlin, nhấn mạnh rằng điều đáng chỉ trích nhất là sự cách biệt giữa các luật lệ và các lời tuyên bố chính trị và những gì được làm trên thực tế.

Việc bán khí giới chiến tranh tại Đức đã gia tăng gấp đôi trong năm qua vì chính quyển cung cấp các giấy phép bán khí giới cho các vùng có khủng hoảng và xung khắc. Ông Martin Dutzmann, đặc phái viên của Giáo Hội Tin Lành cạnh Quốc Hội và chính quyền Đức, tuyên bố: cần phải có một luật lệ nghiêm ngặt hơn. Ông Zigmar Gabriel, bộ trưởng kinh tế, cũng đã nêu lên vấn đề này hồi tháng 2 năm nay.

Trong bản tường trình dài 120 trang do chính quyền Đức công bố những ngày vừa qua người ta được biết dịch vụ bán vũ khí đã thu vào 7.9 tỷ Euros so với 4 tỷ hồi năm 2014. Số vũ khí bán cho Qatar không thôi đã lên tới 1.6 tỷ Euros. Các Giáo Hội Kitô nêu bật rằng Qatar là nước trực tiếp liên lụy tới chiến tranh tại Yemen, và như thế là chúng ta đồng lõa với các chương trình đen tối và các bạo lực mà chúng ta khó lòng biết rõ. Tài liệu cũng cho biết 41% vũ khí của Đức được bán cho các nước của Liên Hiệp Âu châu và khối NATO, 59% còn lại được bán cho các mưóc trung gian thứ ba. Số vũ khí nhẹ giảm một phần ba, nhưng điều này xảy ra vì Đức đã nhường các bằng chế tạo vũ khí nhẹ cho các nước khác như A rập Sauđi để chúng được sản xuất tại địa phương.

10. Ủy ban Công Lý và Hoà Bình Nam Phi kêu gọi bầu cử tự do và công bằng

Uỷ ban Công Lý và Hoà Bình của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi kêu gọi Quốc hội can thiệp để cho cuộc bầu cử vào đầu tháng 8 tới đây diễn ra trong bầu khí tự do và công bằng.

Trong thông cáo công bố những ngày vừa qua Đức Cha Abel Gabuzza, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hoà Bình Nam Phi đã yêu cầu quốc hội nhóm họp để thảo luận vấn đề, vì trong thời gian qua giới truyên thông Nam Phi đã không đưa tín chính xác và không đăng và chiếu các hình ảnh bạo lực, gắn liền với các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng. Đây là một “kiểm lọc” tin tức để không khiến cho bầu khí vốn đã nóng bỏng trở thành sôi động thêm. Các Giám Mục Nam Phi phê bình lệnh của chính quyền cấm chiếu các hình các dinh thự của chính quyền bị dân chúng đốt cháy.

Các dấu diếm này khiến cho người ta có cảm tưởng giới tuyền thông không biết thông truyền một cách hoàn toàn và khách quan các biến cố có thể ảnh hưởng trên các cuộc bầu cử tụw do và công bằng. Cuộc khủng hoảng thông tin này có thể khiến cho dân chúng mất tin tưởng trong cuộc bầu cử. Nhân dân sẽ không tin vào kết qủa cuộc bầu cử nếu chính quyền không giải quyết cuộc tranh cãi liên quan tới cung cách làm việc của giới truyền thông. Chính vì thế cần phải điều chỉnh kiểu thông tin để phục vụ công ích hơn là vì quyền lợi các phe phái.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hồi đầu tháng 7 này Ủy ban Công Lý và Hoà Bình Nam Phi cũng đã ra thông cáo phê bình các giới chức chính trị địa phương đã không lên án đủ các vụ bạo lực làm dơ bẩn cuộc tranh cử. Hồi trung tuần tháng 6 vừa qua ít nhất đã có 3 người thiệt mạng tại Tshwane gần thủ đô Pretoria trong các cuộc đụng độ do một ứng cử viên gây ra. ĐC Gabuzza tố cáo các nhà chính trị ham hố quyền bính bằng cách huy động và thuê muớn người trẻ thất nghiệp và dùng họ trong các vụ đụng độ trong thời gian tranh cử.

11. Anh Giáo sẽ mở thêm 125 trường học mới

Hôm 12.07 vừa qua, Đức Cha Stephen Conway, Giám Mục giáo phận Ely, đặc trách về giáo dục của Hội Đồng Giám Mục Anh giáo cho biết trong vài năm tới đây, Giáo Hội sẽ cho mở thêm 125 cơ sở giáo dục mới. Mục đích là để cung cấp cho các cộng đoàn một khung cảng giáo dục sâu rộng hơn với khả thể nhào nặn và cải tiến tầm quan trọng của nền giáo dục hiện hành, cung cấp các phương tiện mới, tạo ra một phong trào giáo dục và chuẩn bị các giáo chức và hàng lãnh đạo. Dự án giáo dục của Giáo Hội Anh giáo đã được phát triển sau một cuộc tham khảo ý kiến của một nhóm thần học do ông David Ford giáo sư hưu trí của đại học Cambridge hướng dẫn. Dự án này nhắm mục đích cống hiến cho giới học sinh sinh viên khả thể phát triển tinh thần, thể lý, trí tuệ, cảm xúc, luân lý và xã hội, nghĩa là một quan niệm toàn vẹn về việc phát triển nhân bản đại đồng, giúp các học sinh đạt mức độ học vấn tốt trong một khung cảnh rộng rãi, hấp dẫn và đua tranh hơn. Chương trình được soạn thảo dựa trên 4 cột trụ: Khôn ngoan, Hy vọng, Cộng đồng và Phẩm giá.

Mục su Nigel Cenders Giám đốc văn phòng giáo dục của Hội Đồng Giám Mục Anh giáo cho biết mục đích dự án giáo dục nói trên nhằm sửa chữa khung cảnh giáo dục ngày càng bị phân tác từng mảnh và nhấn mạnh trên sự kiện người trẻ là tương lai đất nước. Dự án đã được trình bày trước Công nghị của Giáo Hội Anh và được sự ủng hộ của ĐC Justin Welby, TGM Canterbury và là giáo chủ Anh giáo.

Anh giáo là tác nhân giáo dục lớn nhất tại Anh quốc hiện nay với hơn 1 triệu học sinh sinh viên theo học tại 4,700 cơ sở giáo dục do Giáo Hội điều khiển.

12. Tòa Thánh kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý tới tình hình thê thảm tại Trung Đông

Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc bên New York, kêu gọi cộng đồng thế giới chú ý nhiều hơn tới tình hình thê thảm tại Trung Đông.

Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu trước phiên họp của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 13 tháng 7 vừa qua, dưới ánh sáng của “Bản tường trình về vùng Trung Đông”, và trong bối cảnh của bạo lực liên tục xảy ra tại Syria, Iraq và tình hình dậm chân tại chỗ giữa người Israel và Palestin. Đức Tổng Giám Mục Auza nói: “Sau 69 năm, nghị quyết số 181 của Liên Hiệp Quốc liên quan tới các vấn đề của người Israel và Palestine mới chỉ được áp dụng một nửa. Hàng chục năm thương thuyết đã thất bại liên quan tới việc thành lập một quốc gia Palestine, trong khi cuộc xung đột giữa hai bên đã trở nên không thể chấp nhận được và ngày càng khó giải quyết.

Phái đoàn của Toà Thánh lập lại lập trường của mình đối với việc thành lập hai quốc gia. Vì đó là giải pháp tốt nhất. Nếu người Israel và Palestine không chấp nhận sinh sống cạnh nhau trong cảnh hoà giải, tôn trọng quyền tối thượng của nhau, và với các biên giới được quốc tế thừa nhận, thì hoà bình lâu dài sẽ chỉ là một giấc mơ xa vời, và an ninh sẽ chỉ là một ảo tưởng. Hãy thành lập hai quốc gia vì sự an toàn của người Israel và người Palestine, cũng là ước mong thầm kín trong con tim của dân chúng cả hai bên, không muốn gì khác ngoài hoà bình và an ninh. Đã đến lúc hành động dựa trên các lời khích lệ của bản tường trình công bố ngày mùng 1 tháng 7 bằng cách đem lại hoà bình và an ninh cho người dân Israel và Palestine cũng như của toàn thế giới.

Tiếp đến Đức Cha Auza đã duyệt xét tình hình Syria tiếp tục là nơi khổ đau không thể tả được của dân chúng, bị giết, bị bó buộc sống dưới bom đạn hay chạy trốn vào những vùng bị tàn phá. Phái đoàn Toà Thánh cảm thấy có bổn phận lưu ý Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc liên quan tới các cuộc bách hại kitô hữu, người Hồi Yazidi, và các nhóm tôn giáo thiểu số, bởi các lực lượng không phải của chính phủ trong các vùng khác nhau của Syria và Iraq.

Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ tố cáo trách nhiệm của bất cứ phe phái nào đối với các vụ tàn sát vô nghĩa này. Ngài cũng tố cáo những người cung cấp tiền bạc và vũ khí cho những kẻ giết người vô tội và tàn phá hủy hoại các cơ cấu văn minh và hạ tầng xã hội. Người ta cần phải than phiền về thái độ hai lòng ấy: một đàng thì nói tới hoà bình, đàng khác lại cung cấp vũ khí cho các kẻ sát nhân thuộc mọi phiá liên lụy trong cuộc chiến.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN