Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13/8 – 19/08/2015: Tòa Thánh giúp vãn hồi hòa bình tại Mỹ Châu

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13/8 – 19/08/2015: Tòa Thánh giúp vãn hồi hòa bình tại Mỹ Châu

 

1. Thông điệp “Laudato sí” có ảnh hưởng lớn trên các chính phủ

Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, tuyên bố rằng Thông Điệp “Laudato sí” của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc bảo vệ ‘căn nhà chung’, có ảnh hưởng lớn trên các chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 11-8-2015, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ấn định Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên, cử hành vào ngày 1-9 hằng năm, Đức Hồng Y Turkson nói: “Các chính phủ và các vị lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã bắt đầu lắng nghe. Và tôi có bằng chứng về điều đó. Ngày 29-6 năm nay, tôi ở New York, hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh, trong cuộc thảo luận về vấn đề thay đổi khí hậu. Các bài phát biểu đều trích dẫn Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Mặc dù Thông điệp không hẳn nói về đề tài “sự thay đổi khí hậu”, nhưng về thiên nhiên và môi sinh học toàn diện, những các bài tham luận, bài này tới bài khác, đều trích dẫn phần Thông Điêp bàn về vấn đề thay đổi khí hậu. Vì thế, âm hưởng của Thông điệp là điều đã được kiểm chứng”.

Đức Hồng Y Turkson nói thêm rằng “Ở Roma này, chúng tôi tiếp tục nhận được những thư chúc mừng Đức Thánh Cha vì đã công bố thông điệp này. Các thư đó không những đến từ các học giải, nhưng cả từ các vị quốc trưởng, các vị lãnh đạo và thành viên của các chính phủ. Hồi tháng 7 vừa qua, tại Paris, Ông Nicolas Hulot, Cố vấn của Tổng thống Pháp, đã tổ chức một Hội nghị về vấn đề môi trường. Tổng thống Hollande đã khai mạc Hội nghị và trích dẫn nhiều từ thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô.. Không hồ nghi gì về ảnh hưởng của Thông điệp Laudato sí trên các chính phủ”.

Đức Hồng Y Turkson người Ghana bên Phi châu. Ngài kể thêm rằng: “cách đây vài ngày tôi về qua Ghana và tại đó, cả tổng thống cũng đã gửi một thư tới Đức Sứ Thần Tòa Thánh để bày tỏ sự đánh giá cao của ông đối với Thông điệp của Đức Giáo Hoàng”. Đức Hồng Y cho biết tại Hoa Kỳ, cả Tổng thống Obama, khi trình bày kế hoạch giảm bớt số lượng khán khí thải ra, ông cũng trưng dẫn thông điệp của Đức Giáo Hoàng, điều này chứng tỏ rằng các diễn văn của Đức Thánh Cha rất được nhiều nhân vật thế giới theo dõi”.

2. Vai trò của Tòa Thánh trong lịch sử bí ẩn những thương thuyết giữa Hoa Thịnh Đốn và Havana

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử tại Cuba khi đặt chân đến phi trường quốc tế Jose Marti hôm 14 tháng 8. Nhân dịp này, Peter Kornbluh, giám đốc Đề Án Tài Liệu về Cuba thuộc trung tâm Văn khố An ninh Quốc gia của Đại Học George Washington và William LeoGrande, giáo sư môn Khoa học Chính trị tại Đại Học American đã cho công bố một bài viết về vai trò của Tòa Thánh trong việc tái lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba.

Bài viết này là một phần trong cuốn: “The Hidden History of Negotiations Between Washington and Havana” tạm dịch là “Lịch sử bí ẩn những thương thuyết giữa Hoa Thịnh Đốn và Havana” của hai tác giả sẽ được cho ra mắt vào tháng 10 tới đây.

Mọi chuyện đã bắt đầu vào năm 2010 khi Hoa Kỳ và Cuba cùng tham gia vào việc trợ giúp Haiti sau trận động đất kinh hoàng lên đến 7 độ Richter với tâm chấn động tại Léogâne cách thủ đô Port-au-Prince 25km về phía Tây vào ngày 12 tháng Giêng 2010, giết chết 316,000 người. Trận động đất khủng khiếp gây thiệt hại cho 250,000 nhà dân và 30,000 tòa nhà thương mại và các công thự của chính phủ. Trong thời gian dài trợ giúp Hiati, các viên chức Hoa Kỳ và Cuba đã có những dịp gặp gỡ dẫn tới những cuộc đàm phán trả tự do cho những người bị hai bên bắt giữ.

Hoa Kỳ muốn Cuba trao trả Alan Gross, một nhà thầu của USAID bị bắt từ tháng 12 năm 2009. Trong khi Cuba muốn Hoa Kỳ trả tự do cho 5 gián điệp Cuba đang bị giam trong các nhà tù tại Mỹ. 

Thương lượng giữa hai bên đi đến chỗ bế tắc vào tháng Tư năm 2013 vì Toà Bạch Ốc cho rằng Gross không phải là gián điệp của Mỹ tại Cuba, nên không thể được trao đổi trong tư cách gián điệp bị bắt làm tù binh.

Thông qua Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston and Đức Hồng Y Theodore McCarrick là Tổng Giám Mục hồi hưu của Washington, và một số thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ, Toà Bạch Ốc đã ngỏ ý muốn Vatican giúp khai thông bế tắc. Tháng 9 năm 2014, Đức Hồng Y Jaime Ortega y Alamino của Havana đến gặp riêng tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama với một lá thư tay của Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết “sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách”.

Những cuộc thương thuyết giữa hai bên tại Vatican sau đó đã giúp hai bên không chỉ vượt qua những trở ngại trong việc trao trả các viên chức bị bắt mà còn đi xa tới múc tái lập quan hệ ngoại giao bình thường như hiện nay.

3. Ký kết hiệp định giữa Tòa Thánh và Đông Timor

Hôm thứ Sáu 14 tháng 8, Tòa Thánh và Cộng hòa Dân Chủ Đông Timor đã ký hiệp định với nhau.

Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh kiêm Đặc sứ của Đức Thánh Cha, và Thủ tướng Rui Maria de Araújo của Đông Timor đã ký vào văn bản hiệp định.

Hiệp định nhìn nhận vai trò lịch sử của Giáo Hội Công Giáo trong đời sống quốc gia Đông Timor và sự phát triển con người, đồng thời xác định và bảo đảm qui chế pháp lý của Giáo Hội Công Giáo, đề ra những qui luật điều hành các lãnh vực khác nhau, từ hôn nhân theo phép đạo, đến các nơi thờ phượng, các cơ sở giáo dục của Công Giáo, việc dạy môn tôn giáo tại học đường, hoạt động từ thiện bác ái của Giáo Hội, tuyên úy quân đội, nhà tù, nhà thương và chế độ thuế khóa và tài sản.

Hiệp định gồm một Lời Tựa và 26 điều khoản, sẽ bắt đầu có giá trị với việc trao đổi văn kiện phê chuẩn.

Trong diễn văn tại buổi ký hiệp định, trước sự hiện diện của Tổng thống Taur Matan Ruak của Đông Timor và các quan chức chính phủ nước này, cùng với chủ tịch quốc hội và ngoại giao đoàn, Đức Hồng Y Parolin khẳng định rằng toàn thể hiệp định nhắm đến một mục tiêu cơ bản là làm sao trợ giúp nhân dân Đông Timor, đẩy mạnh sự phát triển toàn diện về mặt vật chất và tinh thần.

Ngài nói thêm:

Cả Giáo Hội lẫn Nhà Nước hiện diện là để phục vụ dân chúng, và qua Hiệp định này hai bên quyết tâm “cộng tác với nhau cho sự phát triển toàn diện của nhân dân trong công lý, hòa bình và công ích”, như điều 1 khẳng định.

“Kinh nghiệm luôn cho thấy con người được phục vụ tốt đẹp nhất khi có sự cộng tác và đối thoại giữa mọi thành phần xã hội và khi một nền văn hóa gặp gỡ được thiết lập vững chãi nơi những người lãnh đạo”.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Parolin cũng khẳng định rằng “việc ký kết hiệp định này hôm nay mở ra một chương mới trong lịch sử dài quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước. Thực vậy, trong khuôn khổ quốc tế này nhiều khả thể mới được mở ra trong đó quan hệ này sẽ được đào sâu và củng cố để mưu ích cho nhân dân Timor”.

Hiện diện tại buổi lễ ở Dinh Chính Phủ Đông Timor, về phía Tòa Thánh có Đức Sứ Thần tại địa phương Đức TGM Joseph Marino, Đức Cha Baslilio do Nasciemento, Giám Mục Baucau, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đông Timor, Đức Giám Mục Norberto de Amaral, Giám Mục Mariana, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore và ASEAN, Đức Ông Phanxicô Cao Minh Dung, Tham thán Sứ Thần tại Bộ ngoại giao Tòa Thánh, Đức ông Ionut Paul Strejac, Tham tán Sứ Thần tại Đông Timor.

Về phía Đông Timor có nhiều quan chức chính phủ như các vị Bộ trưởng tại phủ thủ tướng, Bộ trưởng giáo dục, kinh tế, canh nông và ngư nghiệp, Bộ trưởng ngoại giao và tài chánh, v.v..

4. Nạn nhân diệt chủng thời Ottoman sắp được phong chân phước

Đức Cha Flaviano Michele Melki, tử đạo dưới thời đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, sắp được phong chân phước.

Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Đức Cha Melki đã được công bố hôm 8 tháng 8 tại Vatican sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép trong buổi tiếp kiến trước đó dành cho Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh.

Đức Cha Melki tục danh là Giacôbê, sinh năm 1858 ở Kalaat Mara (Thổ Nhĩ Kỳ) thuộc Huynh đoàn thánh Ephrem của Giáo Hội Công Giáo Syriac, bị sát hại vì đức tin cách đây 100 năm, cụ thể là vào ngày 29-8-1915, tại Djézireh nơi ngài làm giám mục – nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ -, trong cuộc bách hại dưới thời đế quốc Ottoman.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 8 tháng 8 vừa qua, Cha Rami Al Kabala, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức Cha Melki, cho biết Đức Cha đã giữ một vai trò chủ yếu trong việc khuyến khích các tín hữu bảo tồn đức tin của mình trong hoàn cảnh khó khăn và bị bách hại thời ấy. Ngài sống rất thanh bần, bán cả các áo lễ của ngài để giúp đỡ người nghèo thoát khỏi tình trạng lầm than. Gia đình ngài trước kia thuộc Giáo Hội Chính Thống Syriac, nhưng ngài đã trở lại Công Giáo rồi được thụ phong linh mục.

Với những kẻ tìm cách dụ dỗ ngài theo Hồi giáo, Đức Cha Melki trả lời rằng: “Tôi bảo vệ đức tin của tôi cho đến độ đổ máu đào!”.

Cha Al Kabala nhận xét rằng: “100 năm sau Đức Cha Melki, các tín hữu Kitô Trung Đông đang phải chịu cuộc bách hại tương tự tuy rằng với những cách thực khác. Vì thế, cuộc tử đạo của Đức Cha Melki khích lệ các tín hữu Kitô Đông phương ngày nay bảo vệ đức tin và sống đức tin không chút sợ hãi, dù gặp khó khăn. Việc phong chân phước cho Đức Cha Melki có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh ngày nay. Hinh ảnh vì tử đạo không chết, nhưng tiếp tục sốn gtrong Giáo Hội, trong ký ức của các tín hữu”.

5. Đức Hồng Y Gioan Thang Hán: Nhà nước Trung quốc cần ngưng ngay chiến dịch triệt hạ thánh giá

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán của Hương Cảng đã công bố một kháng thư khẩn cấp kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc ngăn chặn một chiến dịch phá hủy thánh giá đang diễn ra tại tỉnh Chiết Giang (Zhejiang – 浙江省).

Đầu năm ngoái, trong đại hội đảng tại tỉnh Chiết Giang, Hạ Bảo Long (Xia Baolong – 夏宝龙), bí thư tỉnh ủy, than phiền rằng “quá nhiều thánh giá” được dựng lên, đã làm “lộn xộn nền trời”. Kể từ đó, hơn 1,000 cây thánh đã bị triệt hạ.

Điều đáng lưu ý rằng hầu hết các thánh giá này đều đã được xây dựng tại những ngôi thánh đường của Giáo Hội được nhà nước công nhận với giấy phép thích hợp và được nhà nước phê duyệt. Vì thế, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán nói rằng việc triệt hạ các thánh giá này là “hành vi trái pháp luật.”

Ngài nói thêm rằng trong một số trường hợp giáo sĩ và giáo dân đã bị bắt giữ vì cố gắng bảo vệ các thánh giá của họ. Trong bản tin hôm 11 tháng 8, UCANews cho biết hai người đàn bà cao tuổi đã thiệt mạng hôm 8 tháng 8 khi bảo vệ thánh giá của nhà thờ họ. Nhà nước Trung Quốc giải thích rằng họ bị mưa lũ cuốn trôi.

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán yêu cầu các nhà lãnh đạo chính quyền trung ương ở Bắc Kinh điều tra tình hình ở Chiết Giang và khôi phục lại sự cai trị đúng với pháp luật. Tuy nhiên, lời thỉnh cầu của ngài có lẽ sẽ không có chút tác động nào.

Hạ Bảo Long, sinh năm 1952, sau khi tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế Chính Trị tại Bắc Kinh đã được bổ nhiệm phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang vào tháng 11 năm 2003. Y theo đuổi một đường lối tận diệt tôn giáo quyết liệt để leo dần lên những nấc thang chính trị. Nhờ thế, y được bầu làm ủy viên dự khuyết trung ương đảng cộng sản Trung Quốc khóa 15, 16, 17 và nay là ủy viên chính thức khóa 18 sau khi được bầu làm tỉnh ủy Chiết Giang vào tháng Giêng 2012.

Đức Hồng Y cũng đã đưa ra lời kêu gọi người Công Giáo ăn chay và cầu nguyện cho anh chị em mình ở Chiết Giang.

6. Anh Giáo ngỡ ngàng trưóc tuyên bố ủng hộ trợ tử cuả cựu Tổng Giám Mục Lord Carey

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong đoạn video quý vị và anh chị em vừa nghe, cựu Tổng giám mục Canterbury nói như sau:

“Nhiều người đã rất ngạc nhiên tại sao tôi đứng ra ủng hộ cho việc trợ tử, tôi muốn giải thích với các bạn và những người mà tôi quen biết, những người rất thất vọng tại sao tôi làm như thế.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hơn một năm trước đây, ngày 27/7/2014, Đức Tổng Giám Mục Canterbury, vị đứng đầu của Anh Giáo, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô để xin Ngài đừng vì việc Giáo Hội Anh Giáo chấp thuận tấn phong Giám Mục cho phụ nữ mà tiến trình hiệp nhất giữa Công Giáo và Anh Giáo bị trệch ra khỏi chương trình hiệp nhất. 

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby thừa nhận rằng việc Giáo Hội Anh Giáo bỏ phiếu chấp thuận cho phụ nữ làm Giám Mục đã gây thêm trở ngại cho con đường hiệp nhất vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Nhưng, ngài nhấn mạnh rằng, tuy có những dị biệt, những điểm chung giữa hai bên vẫn nhiều hơn. 

Một trong những điểm chung ấy là lập trường quyết liệt chống lại an tử và trợ tử. Thật vậy, Anh quốc là một trong số những quốc gia nơi cho đến nay những cố gắng hợp pháp hóa trợ tử đều thất bại. Trong những này, Giáo Hội Công Giáo và Anh Giáo tại nước này đang chống trả mạnh mẽ một cố gắng mới nhằm hợp pháp hoá việc trợ tử tại Hạ Viện Anh. 

Linh mục Brendan McCarthy, một cố vấn về y đức cho Giáo Hội Anh, nói cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện nhằm hợp pháp hoá việc trợ tử là một đề xuất “ngây thơ đầy tội lỗi” và “chắc chắn” sẽ đưa những người cao niên dễ bị tổn thương đến nguy cơ chết êm dịu không tự nguyện.

Tuy nhiên, tuần qua, Lord Carey, cựu Tổng giám mục Canterbury, đã gây sửng sốt cho hàng lãnh đạo của Giáo Hội Anh khi nói rằng việc bác sĩ hỗ trợ tự tử có thể là “một điều phù hợp sâu sắc tinh thần Kitô giáo và hoàn toàn hợp đạo đức.”

Lord Carey, người từng là lãnh đạo khối hiệp thông Anh giáo toàn thế giới từ năm 1991 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2002, nói rằng ông vững tin là người ta có thể đề ra những biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng an tử hợp pháp hóa để buộc những người già phải chết. Tuy nhiên, Lord Carey không đưa ra được những cơ sở cho tin tưởng này của ông.

Trong thực tế, gần 2% trong số những người chết mỗi năm ở Bỉ đã bị giết thông qua chiêu bài trợ tử mà không có sự yêu cầu hay sự đồng ý của họ. Một nghiên cứu mới vừa công bố như trên tờ Journal of Medical Ethics, nghĩa là Tạp chí về Y Đức.

7. Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho những nạn nhân vụ nổ ở Thiên Tân

Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha cho biết ngài đặc biệt nghĩ đến dân chúng tại thành phố Thiên Tân ở mạn bắc Trung Quốc, nơi xảy ra một số vụ nổ tại khu công nghệ, hai vụ nổ khủng khiếp tại một kho chứa chất hóa học làm cho hơn 50 người chết và 700 người bị thương, tàn phá cả một khu phố. Chính quyền sợ rằng có nhiều người hít phải khí độc tại những kho bị nổ, trong đó có tích trữ 700 tấn muối thạch tín là chất rất độc.

Sau cùng, khi chào dân Roma và các tín hữu hành hương, Đức Thánh Cha mời gọi họ đến viếng bức ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma. Ngài vốn có lòng sùng mộ đặc biệt đối với ảnh Đức Mẹ tại đây: thường trước và sau mỗi cuộc viếng thăm mục vụ ở nước ngoài, Đức Thánh Cha đều đến kính viếng và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ tại đây.

8. Lễ Đức Mẹ Lên Trời tại Pháp diễn ra trong âu lo khủng bố

Chính phủ Pháp đã tăng sự hiện diện của cảnh sát xung quanh các nhà thờ Công Giáo trưóc các mối đe dọa của một cuộc tấn công khủng bố vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngày 15 tháng 8.

Trong một thông cáo chung, hàng giáo phẩm tại Pháp và Bộ Nội vụ đã cảnh báo rằng bất kỳ nhà thờ nào cũng “đều có thể là mục tiêu của những hành vi ác ý, có thể mở rộng tới mức khủng bố.” Tuyên bố chung yêu cầu các tín hữu cảnh giác và báo cáo ngay về những dấu hiệu của các hoạt động đáng ngờ.

Từ tháng Tư vừa qua, 178 nhà thờ, bao gồm cả Vương Cung Thánh Đường Notre Dame và Sacre Coeur tại Paris đã cảnh sát theo dõi của liên tục vì những cảnh báo về các cuộc tấn công có thể xảy ra.

Tổng giáo phận Genoa mở rộng cửa cho các thuyền nhân

Nhằm hỗ trợ các nhà chức trách dân sự địa phương, Đức Hồng Y Angelo Bagnasco của tổng giáo phận của Genoa, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, đã ra lệnh mở cửa chủng viện của tổng giáo phận làm nơi tạm trú cho 50 người tị nạn.

Quyết định này đã được thực hiện “trong tinh thần Tin Mừng, trong sự hiệp thông với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, và sự liên tục với tinh thần đoàn kết là một đặc trưng lâu đời của Giáo Hội tại Genoa,” Một tuyên bố của tổng giáo phận đã cho biết như trên.

Các tu viện, đền thờ, và các cơ sở Công Giáo khác của tổng giáo phận hiện đang có hơn 300 người tị nạn khác tá túc.

9. Đức Thánh Cha lên tiếng ủng hộ đàm phán hòa bình tại Colombia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các viên chức tư pháp Colombia nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình giữa chính phủ và phiến quân trong lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC.

Trong một thông điệp công bố ngày 14 tháng 8, Đức Giáo Hoàng kêu gọi “sự sáng tạo và lòng dũng cảm để tìm ra những giải pháp củng cố hòa bình và công lý.” Thông điệp của ngài đã được gởi đến Đức Cha José Daniel Falla Robles, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Colombia, trong khi chính quyền Colombia mở phiên thứ 18 một hội nghị về hậu quả pháp lý của một hiệp ước hòa bình với phiến quân.

Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng cuộc họp “sẽ giúp đạt đến việc xây dựng một nền hòa bình ngày càng toàn diện và ổn định lâu dài.”

10. Phiến quân cộng sản Colombia xin gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cuba

Sau ba năm tham dự các cuộc đàm phán hòa bình giằng dai được tổ chức tại Havana để kết thúc một cuộc nội chiến kéo dài trong gần 60 năm qua, các thành viên của tổ chức du kích cộng sản Colombia đã yêu cầu được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài viếng thăm Cuba vào tháng tới để yêu cầu sự dự phần của Tòa Thánh vào một tiến trình thương thảo đã quá lâu mà chỉ đạt được những kết quả rất khiêm tốn.

Antonio Lozada, một nhà đàm phán của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia đã được gặp Đức Tổng Giám Mục Luis Augusto Castro, là Tổng Giám Mục Tunja và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia tại Havana hôm thứ Hai 17 tháng 8.

Sau cuộc họp, Antonio Lozada cho biết Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia muốn được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài đến thăm Cuba trong thời gian từ 19 đến 22 tháng 9 tới đây. Antonio Lozada cho rằng nếu được gặp Đức Giáo Hoàng và nếu Tòa Thánh đồng ý cử một đại diện thường trực tham gia vào các giai đoạn cuối cùng của đàm phán thì mọi bế tắc hiện nay sẽ được khai thông.

Tòa Thánh chưa đưa ra lời bình luận chính thức nào về diễn biến này. Một nhà ngoại giao Mỹ Latin cạnh Tòa Thánh cho rằng một đại diện của Vatican tại các cuộc đàm phán hòa bình là điều hoàn toàn có thể, nhưng ông không bình luận về khả năng của một cuộc họp giữa Đức Giáo Hoàng và nhóm du kích cộng sản Colombia tại Havana.

Nhiều nguồn tin tại Colombia hy vọng Đức Thánh Cha có thể bao gồm Colombia trong chuyến tông du Nam Mỹ vào năm 2016, khi ngài trở lại thăm lần đầu tiên quê hương Á Căn Đình của mình.

Với dân số gần 50 triệu người, Colombia có cộng đồng Công Giáo lớn thứ sáu trên thế giới, sau Brazil, Mexico, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ, và Ý. Theo một nghiên cứu năm 2013 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 85 phần trăm dân số của Colombia nhận mình là người Công Giáo.

11. Đức Thánh Cha chào thăm các bạn trẻ Salesien

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16 tháng 8, sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha đã thân ái chào thăm tất cả mọi người, các tín hữu ở Roma cũng như các tín hữu hành hương, các gia đình và các nhóm giáo xứ, hội đoàn, và đặc biệt là 4,500 các bạn trẻ Salesien.

Mở đầu, Đức Thánh Cha đã chào thăm nhóm dân ca “Tổ chức nghệ thuật và văn hóa Mễ Tây Cơ”, rồi đến các bạn trẻ từ Verona, bắc Italia, đang đến thăm Roma, và các tín hữu đến từ Beverare.

Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến đông đảo các bạn trẻ thuộc Phong trào giới trẻ Salesien, đang tụ họp tại Torino, bắc Italia, ở những nơi thánh Gioan Bosco đã từng sinh sống và hoạt động để mừng kỷ niệm 200 năm sinh nhật của thánh nhân. 

Đức Thánh Cha nói: “Tôi khuyến khích các bạn trẻ ấy hằng ngày hãy sống niềm vui Tin Mừng, để mang lại hy vọng cho thế giới.”

4.500 bạn trẻ đến từ 50 quốc gia thuộc Phong trào giới trẻ Salesien, trong đó có những người đến từ Nam Phi, Hong Kong, Ấn độ, Mễ Tây Cơ, Uruguay và Ukraine, đang tham dự những ngày gặp gỡ tại Torino, với cao điểm là thánh lễ đúng vào sinh nhật của thánh Bosco tại Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù hộ. Chủ sự thánh lễ trong dịp này là Cha Ángel Fernández Artime, Bề trên Tổng quyền dòng Don Bosco. Và trong số những người hiện diện có Nữ tu Yvonne Reungoat, Bề trên Tổng quyền dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật tốt đẹp. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi!”

12. Siêng năng rước lễ để đồng hóa và sống như Chúa Giêsu

Quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 20 thường niên tường thuật việc Chúa Giêsu tiếp tục nói về bánh hằng sống bởi trời Chúa ban cho nhân loại, là thịt và máu Ngài, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy siêng năng tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Thánh, để được kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc sống cụ thể hằng ngày, để chúng ta có cùng những tư tưởng và thái độ yêu thương của Chúa, trở thành con người hòa bình, con người tha thứ, hòa giải, chia sẻ liên đới như Chúa Giêsu đã làm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16 tháng 8, một ngày sau Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

“Trong những Chúa Nhật gần đây phụng vụ đang đề nghị với chúng ta, từ Tin Mừng theo thánh Gioan, bài diễn văn của Cúa Giêsu về bánh sự sống là chính Ngài và cũng là bí tích Thánh Thể. Đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 6,51-58) trình bày phần cuối cùng trong diễn văn ấy, và kể lại: một số người trong dân chúng cảm thấy như bị vấp phạm vì Chúa Giêsu đã nói: ‘Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sự sống đời đời và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết’ (Ga 6,54). Sự ngỡ ngàng của những người nghe Chúa là điều dễ hiểu; thực vậy Chúa Giêsu dùng kiểu nói tiêu biểu của các ngôn sứ để khơi dậy nơi dân chúng – và cả nơi chúng ta – những thắc mắc và sau cùng, khơi lên một quyết định.

Đức Thánh Cha giải thích tiếp như sau:

Trước tiên là những thắc mắc: ‘ăn thịt và uống máu’ Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Đó chỉ là một hình ảnh, một kiểu nói, một biểu tượng thôi, hay những lời ấy nói lên một cái gì thực sự? Để trả lời, ta cần nhận thức điều xảy ra trong tâm hồn Chúa Giêsu trong khi Ngài bẻ bánh cho đám đông dân chúng đang đói. Biết mình sẽ phải chết trên thập giá vì chúng ta, Chúa Giêsu tự đồng hóa với bánh được bẻ ra và phân chia như thế, và bánh ấy đối với Ngài trở thành ‘dấu chỉ’ Hy Tế đang chờ đợi Ngài. Tiến trình này có tột đỉnh trong Bữa Tiệc Ly, trong đó bánh và rượu trở thành Mình và Máu Ngài thực sự. Đó là Thánh Thể, mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta với một mục đích rõ ràng: để chúng ta trở nên một với Ngài. Thực vậy, Chúa nói: ‘Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy’ (v. 56). Động từ ‘ở lại’ nghĩa là: Chúa Giêsu ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa Giêsu. Sự hiệp thông là sự hấp thụ, đồng hóa: khi ăn Ngài, chúng ta trở nên như Ngài. Nhưng điều này đòi sự ưng thuận của chúng ta, sự gắn bó của chúng ta trong đức tin. 

“Nhiều khi, ta nghe thấy vấn nạn này về Thánh Lễ: ‘Thưa cha, Thánh Lễ có ích gì với tôi? Tôi đi nhà thờ khi tôi cảm thấy cần, nhưng tôi thấy rằng cầu nguyện trong cô tịch tốt đẹp hơn’. Nhưng Thánh Lễ không phải là một kinh nguyện riêng tư cũng chẳng đơn giản chỉ là một kinh nghiệm thiêng liêng đẹp đẽ, không phải chỉ là gợi lại điều mà Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly. Để hiểu rõ, chúng ta phải nói rằng Thánh Thể là ‘lễ tưởng niệm’, hay là một cử chỉ hiện tại hóa và làm cho biến cố cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu hiện diện: bánh thực là Mình Chúa ban cho chúng ta, rượu thực là Máu Ngài đổ ra vì chúng ta.”

“Thánh Thể là chính Chúa Giêsu hoàn toàn hiến thân cho chúng ta. Nuôi dưỡng mình bằng Chúa và ở lại trong Ngài nhờ sự hiệp thông thánh thể, nếu chúng ta làm điều này với đức tin, thì nó biến đổi cuộc sống chúng ta, biến cuộc sống chúng ta thành một sự dâng hiến cho Thiên Chúa và anh chị em chúng ta. Nuôi sống mình bằng “Bánh Sự Sống” ấy có nghĩa là bước vào sự hòa hợp với con tim của Chúa Giêsu, hấp thụ những quyết định của Chúa, các tư tưởng, thái độ của Ngài. Nó có nghĩa là đi vào năng động yêu thương và trở thành những con người hòa bình, con người tha thứ, hòa giải, chia sẻ liên đới. Đó cũng chính là những điều Chúa Giêsu đã làm.”

“Chúa Giêsu kết luận bài diễn văn của Ngài bằng những lời này: ‘Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời’ (Ga 6,58). Đúng vậy, sống hiệp thông thực sự với Chúa Giêsu trên mặt đất này làm cho chúng ta tiến từ cái chết sang sự sống. Trời bắt đầu ngay từ trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu.

Và trên trời, Đức Maria Mẹ chúng ta đang chờ đợi chúng ta – chúng ta đã mừng mầu nhiệm này hôm qua. Xin Mẹ làm cho chúng ta được ơn luôn nuôi sống mình bằng niềm tin nơi Chúa Giêsu, Bánh sự sống.”

13. Sáu giáo phận tại Pháp đổ chuông nhắc nhở tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq và Syria

Trong một cử chỉ đoàn kết với các Kitô hữu bị đàn áp ở Trung Đông, các nhà thờ Công Giáo trong sáu giáo phận tại Pháp đã đổ những hồi chuông dài vào buổi trưa ngày 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Lên Trời.

Ít nhất ba giáo phận của Thụy Sĩ cũng đã tham gia vào cử chỉ liên đới này, đã được đề xướng bởi Đức Tổng Giám Mục Dominique Rey của tổng giáo phận Fréjus – Toulon. Chiến dịch này cũng kêu gọi các tín hữu tụ tập tại nhà thờ vào buổi trưa ngày lễ để cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại.

Ngày 15 tháng 8 năm nay, đánh dấu một năm sự sụp đổ của Mosul và vùng đồng bằng Nineveh vào tay quân khủng bố Hồi Giáo IS trong những cuộc tấn công đã khiến hàng trăm ngàn Kitô hữu Iraq phải bỏ nhà cửa tháo chạy về Erbil. Ngày nay, những người tị nạn đang di cư dần ra nước ngoài vì hy vọng ngày về cố hương càng ngày càng mịt mờ hơn bao giờ trước sự thờ ơ của thế giới.

14. Nghị trình phiên họp toàn Chính Thống Giáo vẫn chưa ngã ngũ

Đức Thượng Phụ Chính thống thành Constantinople, trong tư cách là Thượng phụ Đại kết, đã viết thư triệu tập một hội nghị bao gồm tất cả các giám mục Chính Thống Giáo trên thế giới, sẽ được tổ chức từ 29 tháng 8 đến mùng 02 tháng 9.

Mục đích chính của cuộc họp là nhằm chuẩn bị cho một Hội đồng Toàn Chính thống, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2016. Nếu điều này xảy ra theo đúng kế hoạch, cuộc họp này sẽ là cuộc họp chưa từng có bao gồm tất cả các nhà lãnh đạo Chính thống giáo trên thế giới.

Chính Thống Giáo không có một cơ chế tập trung quyền bính như Giáo Hội Công Giáo. Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô của thành Constantinople không phải là vị Giáo Hoàng của Chính Thống Giáo. Ngài cũng chỉ là một trong số 7 vị thượng phụ Chính Thống Giáo khác. Từ lâu, Chính Thống Giáo đã mong muốn có một sự hiệp nhất chặt chẽ hơn. Khái niệm “Pan-Orthodox Council” – Công Đồng Toàn Chính Thống Giáo – đã được ra đời trong bối cảnh đó và được hiểu nôm na như một Vatican của Chính Thống Giáo, mặc dù cố nhiên có những khác biệt rất xa.

Tuy nhiên, con đường hình thành Công Đồng Toàn Chính Thống Giáo có lẽ vẫn còn xa. Ngay phiên họp đầu tiên, các chủ đề nào sẽ được đưa ra thảo luận đã trở thành một vấn đề gây căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo Chính thống. 

Giáo Hội Chính Thống Nga khăng khăng cho rằng chỉ thảo luận các chủ đề nào được sự hỗ trợ của tất cả các tòa Thượng Phụ. Quy tắc đó chắc chắn sẽ ngăn chặn các cuộc thảo luận về những vấn đề phức tạp nhất đang gây chia rẽ trong thế giới Chính Thống.

Trong một diễn biến có liên quan, một nhân vật hàng đầu trong Giáo Hội Chính thống Ukraine liên minh với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa khẳng định rằng sự chia rẽ cộng đồng Chính Thống Giáo Ukraine là một vấn đề không thể được thảo luận tại Hội đồng. Đức Tổng Giám Mục Anthony Pakanych của Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa giải thích lý do như sau:

“Hiện nay chưa thể nào có sự thống nhất về vấn đề này giữa các Giáo Hội địa phương,” 

Trong một dấu hiệu nữa cho thấy các căng thẳng giữa các giám mục Chính thống giáo trên thế giới, Đức Tổng Giám Mục Anthony Pakanych đã phàn nàn rằng đại diện của Tòa Thượng Phụ Đại Kết, đã đi thăm Ukraine, mà không xin phép Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa trước, và đã gặp đại diện của Tòa Thượng Phụ Kiev.

15. Phản ứng của Giáo Hội tại Ấn trước lệnh cấm 857 trang Web khiêu dâm của chính phủ

Các trang Web khiêu dâm của Ấn là một trận dịch kinh hoàng đang tàn phá xứ sở này. Chưa tính đến những suy thoái về luân lý, nền kinh tế của quốc gia này đã bị ảnh hưởng mạnh. Bộ Du Lịch Ấn cho biết con số các du khách đến thăm Ấn Độ đã giảm mạnh trong hai năm qua theo sau những vụ bắt cóc để cưỡng hiếp các nạn nhân hàng tháng trời.

Tháng 12 năm 2012, một tài liệu của Bộ Ngoại Giao Anh cho biết mỗi năm có khoảng 800,000 người Anh viếng thăm quốc gia cựu thuộc địa này và hầu hết những chuyến viếng thăm này là “rất an toàn”. 

Tuy nhiên, từ sau khi Smart phone và iPad trở nên thông dụng tại Ấn, liên tiếp đã xảy ra các vụ cưỡng hiếp cả người trong nước lẫn du khách nước ngoài. Nổi cộm là những vụ bắt cóc để cưỡng hiếp một thiếu nữ Thụy Sĩ tại Madhya Pradesh, một phụ nữ Nga tại Vasant Kunj, một nữ tu người Ái Nhĩ Lan thuộc dòng Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta, một thiếu nữ Đức ngay trên xe lửa Mangalore đi Chennai, và một phụ nữ Đan Mạch ngay giữa phố xá đông người tại Delhi.

Tháng Ba năm nay, Bộ Ngoại Giao chính phủ Nhật phải ra một thông cáo nhắc nhở các du khách Nhật rằng Ấn Độ là một trong những nước nguy hiểm nhất không nên viếng thăm sau khi hai thiếu nữ Nhật bị bắt cóc cưỡng hiếp hàng tháng trời. 

Tính riêng những trường hợp liên quan đến người Ấn, con số những vụ hiếp dâm trong năm 2013 là 33,707 nạn nhân. Con số này lên đến 33, 764 phụ nữ trong năm 2014. Đây chỉ là những con số “biểu kiến” sau khi cục thống kê tội phạm Ấn đã giảm bớt đáng kể. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp nạn nhân không dám báo cáo vì sợ trả thù hay không muốn báo cáo vì có báo cáo đi nữa cảnh sát cũng chẳng làm gì như trong trường hợp nữ tu 71 tuổi bị hãm hiếp hôm 14 tháng Ba năm nay tại Calcutta. 

Trong một cố gắng đối phó, chính phủ Ấn Độ trong tuần qua đã áp đặt một lệnh cấm truy cập Internet vào 857 trang Web khiêu dâm.

Cha Joseph Chinayyan, Phó tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, nói rằng “truy cập tự do và không kiểm soát được vào các trang Web khiêu dâm đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục nơi những người trẻ tuổi; do đó, việc cấm các trang Web vi phạm là một hành động đúng hướng. “

Tuy nhiên, cha Paul Thelakkat, phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar, bày tỏ lo ngại rằng “Chính phủ không thực tâm đối phó với những tình trạng lan tràn tranh ảnh khiêu dâm. Họ chỉ muốn kiểm soát Internet để hướng đến một nhà nước độc tài toàn trị.”

16. Tòa Thánh bắt đầu nhận đơn của các linh mục muốn làm thừa sai Lòng Thương Xót

Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa đã bắt đầu nhận đơn từ các linh mục muốn tham gia vào đoàn “các Thừa Sai của Lòng Thương Xót “.

Tháng Tư vừa qua, khi công bố Tông Chiếu Misericordiae Vultus mở ra Năm Thánh Từ Bi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến kế hoạch sai đi các thừa sai của lòng thương xót, là những vị sẽ được cấp “quyền tha thứ ngay cả những tội lỗi chỉ dành quyền giải cho Tòa Thánh.” Những tội lỗi này bao gồm cả việc mạo phạm Thánh Thể và phá thai.

Cha Arturro Cattaneo thần học gia và chuyên viên giáo luật, giáo sư Phân khoa thần học Lugano, bắc Italia khi giải thích thêm về thẩm quyền của các vị Thừa Sai của Lòng Thương Xót cho biết phá thai là tội nghiêm trọng thường dính líu đến nhiều người. Ngài nói: 

“Phá thai là một trường hợp đặc biệt tự động bị vạ tuyệt thông, không phải chỉ cho người mẹ đã phá thai, mà cả cho người chồng hay các người bà con đã khiến cho người mẹ phá thai, và nhân viên y tế tức các bác sĩ và y tá cộng tác tích cực vào việc phá thai.”

Ngài nói thêm:

“Hậu qủa chính của vạ tuyệt thông là cấm lãnh nhận các bí tích, bao gồm cả bí tích Hòa Giải, tức bí tích Giải Tội. Vì thế, một người bị vạ tuyệt thông không thể lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nếu trước đó đã không được giải vạ tuyệt thông. Bình thường cha giải tội không có quyền tha vạ tuyệt thông. Vì vậy khi linh mục giải tội tiếp nhận một hối nhân và nhận thấy họ bị vạ tuyệt thông, thì không thể ban phép giải tha tội cho họ, mà phải gửi họ, tùy theo trường hợp, tới với vị Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao thay thế Ðức Giáo Hoàng, hay tới linh mục Chánh Án giáo phận, để họ có thể được tha vạ tuyệt thông trước khi nhận việc xá giải bí tích. Ở đây gương mặt của các Thừa Sai Lòng Thương Xót nổi bật, vì các vị có quyền trực tiếp tha vạ tuyệt thông, rồi ban phép giải tội để khiến cho việc hòa giải của các tín hữu được dễ dàng hơn.”

Trong thông cáo đưa ra ngày 18 tháng 8 để khích lệ các linh mục nộp đơn trở thành các Thừa Sai của Lòng Thương Xót, Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, là cơ quan điều phối những biến cố trong Năm Thánh Từ Bi cho biết:

Vào ngày Thứ Tư Lễ Tro 2016, các Thừa Sai của Lòng Thương Xót sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô sai đi trong một buổi lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Chức năng của các Thừa Sai của Lòng Thương Xót đã được mô tả trong đoạn 18 của Tông Chiếu Misericordiae Vultus 18. Xin lưu ý những điều sau đây:

Đặc điểm:

Cc Thừa Sai của Lòng Thương Xót phải là:

1) Một dấu chỉ sống động chào đón của Chúa Cha dành cho tất cả những ai tìm kiếm sự tha thứ.

2) Tác nhân cho tất cả, không loại trừ một ai, trong một cuộc gặp gỡ nhân bản thực sự, là nguồn của sự giải thoát, đầy tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục những trở ngại và hưóng [hối nhân] đến với cuộc sống mới trong Phép Rửa một lần nữa.

3) Được hướng dẫn bởi những lời này “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Thư Rôma 11:32) .

4) Nhà giảng thuyết đầy cảm hứng của Lòng Thương Xót.

5) Sứ giả của niềm vui được tha thứ.

6) Các cha giải tội chào đón, yêu thương, và từ bi, đặc biệt chu đáo với các tình huống khó khăn của mỗi người.

Chức năng

Các Thừa Sai của Lòng Thương Xót sẽ được các Giám Mục giáo phận trong quốc gia cụ thể của các ngài mời đích danh cho những hoạt động truyền giáo hay giúp thực hiện các sáng kiến cụ thể trong Năm Thánh Từ Bi, với một sự chú ý đặc biệt đến Bí Tích Hòa Giải. Đức Thánh Cha sẽ ban cho các Thừa Sai của Lòng Thương Xót thẩm quyền tha thứ ngay cả những tội chỉ dành quyền giải cho Tòa Thánh.

Để được cứu xét tham gia vào đoàn các Thừa Sai của Lòng Thương Xót, các linh mục cần phải có thư giới thiệu của đấng bản quyền địa phương hay bề trên nhà dòng chứng tỏ sự phù hợp của vị linh mục ấy với nhiệm vụ đặc biệt này.

17. Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời

Đức tin là trọng tâm toàn thể cuộc đời Mẹ Maria. Mẹ biết rằng trong lịch sử, đầy rẫy những bạo lực của những kẻ cường quyền, sự kiêu hãnh của người giàu có, sự ngạo mạn của những kẻ kiêu hãnh. Nhưng Mẹ Maria tin và tuyên xưng rằng Thiên Chúa không để con cái Ngài lẻ loi cô độc. 

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 15-8-2015, lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời với hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đây là lần đầu tiên từ 61 năm nay, một vị Giáo Hoàng chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời. Các vị tiền nhiệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn chủ sự buổi đọc kinh này tại dinh thự mùa hè ở Castel Gandolfo.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: 

“Tin Mừng tỏ cho chúng ta thấy đâu là động lực chân thực nhất mang lại sự cao cả và hạnh phúc của Mẹ Maria: đó chính là đức tin. Đức tin là trọng tâm toàn thể cuộc đời Mẹ Maria. Mẹ biết rằng lịch sử loài người đầy rẫy những bạo lực của những kẻ cường quyền, sự kiêu hãnh của người giàu có, sự ngạo mạn của những kẻ kiêu hãnh. Nhưng Mẹ Maria tin và tuyên xưng rằng Thiên Chúa không để lẻ loi cô độc các con cái của Chúa, những người khiêm hạ và nghèo nàn; trái lại Chúa cứu giúp họ trong lượng từ bi, ân cần, Chúa lật đổ những kẻ cường quyền khỏi ngai của chúng, dẹp tan phường kiêu ngạo trong mưu đồ của chúng. Đó chính là đức tin của Mẹ chúng ta, đức tin của Mẹ Maria”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “Nếu lượng từ bi của Chúa là động cơ của lịch sử, thì “Đấng đã sinh ra vị Chúa Tể sự sống không thể bị hư nát trong phần mộ” (Kinh Tiền Tụng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời)… Tất cả những điều vĩ đại ấy, Đấng Toàn Năng không chỉ làm cho Mẹ Maria mà thôi, nhưng cũng có liên hệ sâu xa tới chúng ta, nói với chúng ta về hành trình của chúng ta trong cuộc sống, nhắc nhở chúng ta về mục tiêu đang chờ đợi chúng ta, đó là nhà Cha. Đời sống chúng ta, nhìn dưới ánh sáng của Mẹ Maria được đưa lên trời, không phải là một cuộc đi lang thang vô nghĩa, nhưng là một cuộc lữ hành, tuy có những bất định và đau khổ, nhưng có một mục tiêu chắc chắn, đó là nhà Cha chúng ta, Người đang chờ đợi chúng ta trong tình yêu thương. Thật là đẹp dường nào khi nghĩ đến điều này là: trên trời chúng ta có một người Cha đương yêu thương chờ đợi chúng ta”.

18. Gia đình và những ngày lễ

“Thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật, được dành riêng cho chúng ta để chúng ta có thể tận hưởng những điều không thể sản xuất và không thể tiêu thụ và không thể mua bán được… Những ngày nghỉ lễ là một món quà quý giá của Thiên Chúa; một món quà quý giá mà Thiên Chúa tạo thành cho gia đình nhân loại: Chúng ta đừng làm hỏng nó!”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giáo lý về gia đình hôm 12 tháng 8 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục. 

Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mở ra một con đường suy niệm nho nhỏ về ba chiều kích, có thể nói là đánh dấu nhịp độ cuộc sống gia đình là: ngày lễ, làm việc và cầu nguyện.

Hãy bắt đầu với ngày lễ. Hôm nay chúng ta sẽ nói về ngày lễ. Và chúng ta nói ngay rằng ngày lễ là một phát minh của Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại kết luận của tường thuật tạo dựng trong Sách Sáng Thế Ký mà chúng ta đã nghe: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Ngài làm. Khi làm xong mọi công việc, ngày thứ bảy, Ngài nghỉ ngơi. Thiên Chúa chúc phúc cho ngày thứ bảy và thánh hoá nó, vì trong ngày ấy Ngài đã nghỉ không còn làm mọi công việc tạo dựng của Ngài. “(2:2-3). 

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Thiên Chúa dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc dành thì giờ để chiêm ngưỡng và tận hưởng điều đã được thực hiện cách tốt đẹp bởi công việc. Đương nhiên là tôi nói về công việc, không những chỉ theo nghĩa thủ công và nghề nghiệp, nhưng theo nghĩa rộng: mọi hành động mà với nó chúng ta, những người nam hay nữ, có thể hợp tác vào công việc tạo dựng của Thiên Chúa.

Vì vậy, lễ nghỉ không phải là dịp lười biếng ngồi trên ghế bành, hay say sưa với những trò tiêu khiển vớ vẩn; không, ngày lễ trước hết và trên hết là một cái nhìn yêu thương và biết ơn về công việc được thực hiện tốt đẹp; chúng ta mừng một công việc. Ngay cả anh chị em, những cặp vợ chồng mới cưới, mừng những việc làm của một thời gian đính hôn tốt đẹp: và điều đó tuyệt đẹp! Đó là thời gian để nhìn vào con cái, cháu chắt, đang lớn lên, và nghĩ rằng: thật đẹp! Đó là thời gian để nhìn vào nhà của mình, những bạn bè mà mình đã tiếp đãi, cộng đồng chung quanh mình, và nghĩ rằng: thật tốt! Thiên Chúa đã làm như thế khi Ngài tạo dựng thế giới. Ngài liên tục làm như vậy bởi vì Thiên Chúa mãi mãi tạo dựng, ngay cả bây giờ!

Một ngày lễ có thể xảy ra trong những hoàn cảnh khó khăn và đau thương, và được mừng ngay cả “với một cái bướu trong cổ họng.” Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp ấy, chúng ta xin Chúa ban sức mạnh để không hoàn toàn biến nó thành vô ích. Quý anh chị em là cha mẹ biết điều này: biết bao nhiêu lần, vì lợi ích của con cái, anh chị em có thể nuốt nỗi buồn để cho chúng sống một ngày lễ tốt đẹp, để chúng có thể thưởng thức ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống! Có biết bao yêu thương trong việc này!

Ngay cả trong môi trường làm việc, đôi khi – không sao lãng các bổn phận! – chúng ta biết để cho một vài tia sáng của việc mừng lễ “xâm nhập” vào đó: mừng sinh nhật, đám cưới, một em bé mới sanh, cũng như một người nghỉ việc hoặc mới vào… là những điều quan trọng. Điều quan trọng là ăn mừng. Đó là những giây phút làm quen trong bộ máy sản xuất: đó là điều tốt!

Nhưng thời gian thực sự của ngày lễ làm ngừng công việc chuyên môn, và là thời gian thánh thiêng, bởi vì nó nhắc lại cho những người nam nữ rằng họ đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng không phải là nô lệ của việc làm, nhưng là Chúa, và do đó chúng ta không bao giờ là nô lệ của công việc, nhưng là “chủ”. Có một giới răn cho điều này, một giới răn được áp dụng cho tất cả mọi người, chẳng trừ ai! Nhưng chúng ta biết rằng có hàng triệu người nam nữ và cả trẻ em đang làm nô lệ lao động! Trong thời gian này, chúng ta là nô lệ, bị bóc lột, nô lệ lao động, và điều này là chống lại Thiên Chúa cùng ngược lại với nhân phẩm! 

Việc quá bận tâm với lợi nhuận kinh tế và hiệu quả của kỹ thuật đe doạ những nhịp điệu nhân bản của cuộc sống, bởi vì cuộc sống của con người có những nhịp điệu của nó. Thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật, được dành riêng cho chúng ta để chúng ta có thể tận hưởng điều không thể sản xuất và không thể tiêu thụ và không thể mua bán được. Nhưng chúng ta thấy rằng ý thức hệ về lợi nhuận và tiêu thụ muốn ăn tươi nuốt sống ngày lễ: đôi khi nó cũng bị thu hẹp thành một “dịp buôn bán”, một cách để kiếm tiền và tiêu tiền. Nhưng đó có phải là lý do để chúng ta làm việc không? Việc tham lam tiêu thụ, đưa đến việc phung phí, là một loại vi khuẩn kinh tởm trong số những vi khuẩn khác, cuối cùng làm cho chúng ta thấy mệt mỏi hơn trước. Nó làm tổn hại đến công việc thật và làm hao mòn cuộc sống. Những nhịp điệu vô trật tự của ngày lễ tạo ra những nạn nhân, thường là những người trẻ.

Sau cùng, thời gian của ngày lễ là thời gian thánh thiêng bởi vì Thiên Chúa ngự ở đó một cách đặc biệt. Thánh Lễ Chúa Nhật mang đến cho ngày lễ ân sủng của Đức Chúa Giêsu Kitô: sự hiện diện của Người, tình yêu của Người, hy tế của Người, việc biến chúng ta thành một cộng đồng, việc Người ở với chúng ta… Và như vậy, mọi thực tại nhận được ý nghĩa trọn vẹn của nó: việc làm, gia đình, những niềm vui và khó khăn của mỗi ngày, ngay cả đau khổ và cái chết; tất cả mọi sự đều được biến đổi bởi ân sủng của Đức Kitô. 

Gia đình được cung cấp một khả năng chuyên môn ngoại thường để hiểu biết, hướng dẫn và nâng đỡ giá trị thực sự của thời gian ngày lễ. Nhưng điều tốt đẹp là mừng lễ trong gia đình, thật là đẹp! Và đặc biệt là vào ngày Chúa Nhật. Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên mà những ngày lễ, trong đó có chỗ cho cả gia đình, là những ngày lễ thành công nhất!

Cùng một cuộc sống gia đình, được nhìn dưới cặp mắt đức tin, tỏ ra tốt đẹp hơn những cực nhọc mà chúng ta phải trả. Nó hiện ra như một kiệt tác của sự đơn giản, đẹp vì không giả tạo, không giả dối, nhưng có khả năng kết hợp với tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống thật. Nó xuất hiện như có một điều gì “rất tốt”, như Thiên Chúa đã phán sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x St 1:31). Vì vậy, ngày lễ là một món quà quý giá của Thiên Chúa; một món quà quý giá mà Thiên Chúa tạo thành cho gia đình nhân loại: Chúng ta đừng làm hỏng nó!

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …