Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13/12/2017: Nhìn lại những chuyến tông du của Đức Thánh Cha trong năm 2017.

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13/12/2017: Nhìn lại những chuyến tông du của Đức Thánh Cha trong năm 2017.

1. Thắp sáng cây thông và hát thánh ca Giáng Sinh tại Vatican

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 4 giờ rưỡi chiều 7-12, hang đá khổng lồ và cây thông giáng sinh đã được khánh thành tại Quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, Chủ tịch phủ Thống đốc thành Vatican, chính quyền và giáo quyền miền Elk bên Ba Lan, và Đan viện Montevergine, cùng với đông đảo các tín hữu.

Trước đó, vào ban sáng cùng ngày, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến hai phái đoàn tổng cộng 4 ngàn người gồm các ân nhân đã tặng hang đá và cây thông Giáng Sinh được đặt tại Quảng trường thánh Phêrô.

Cây thông đỏ cao 28 mét, đường kính 10 mét ở gốc, do miền Elk bên Ba Lan tặng và chở qua 2.200 cây số đến Vatican hồi đầu tháng 12 này.

Hang đá máng cỏ năm nay do Đan viện Biệt Hạt Montevergine dòng Biển Đức, thuộc miền Campania nam Italia, thực hiện theo nghệ thuật hang đá hồi thế kỷ 18, theo truyền thống cổ kính nhất ở miền Napoli. Hang đá được bố trí trên diện tích 80 mét vuông của hang đá, chiều cao tối đa là 7 mét, với 20 pho tượng bằng đất nung.

Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhiệt liệt cám ơn các ân nhân cũng như chào thăm chính quyền và đại diện các tổ chức đã cổ võ sáng kiến này, đặc biệt là Đức Viện Phụ Đan viện Montevergine và Đức TGM giáo phận Warmia, và Đức Giám Mục giáo phận Elk của Ba Lan.

Ngài đề cao cây thông và hang đá như những biểu tượng làm chúng ta thấy cụ thể hơn điều chúng ta cảm nghiệm trong sự Giáng Sinh của Con Thiên Chúa. Đó là những dấu hiệu sự cảm thương của Chúa Cha trên trời, sự tham gia và gần gũi của Chúa đối với nhân loại: con người không cảm thấy bị bỏ rơi trong tăm tối của thời gian, nhưng được viếng thăm và đồng hành trong những khó khăn của họ.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “cây thông hướng lên cao khích lệ chúng ta cũng hướng về những hồng ân cao cả nhất (Xc 1 Cr 12,31), nâng mình lên trên những mây mù che phủ, để cảm nhiệm điều đẹp đẽ và vui mừng được chìm đắm trong ánh sáng của Chúa Kitô.” Cây thông năm nay được đưa từ Ba Lan, là dấu chỉ niềm tin của một dân tộc, qua dấu hiệu này, muốn biểu lộ lòng trung thành của mình đối với Tòa Thánh Phêrô”.

Về hang đá, năm nay được làm theo nghệ thuật miền Napoli và lấy hứng từ các công việc từ bi thương xót, Đức Thánh Cha nói: “Các công việc này nhắc nhở chúng ta điều Chúa nói: “Tất cả những gì các con muốn người khác làm cho các con, thì cả các con cũng hãy làm cho họ” (Mt 7,12). Hang đá là nơi gợi ý, qua đó chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô, khi mang lấy những lầm than của con người, Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy làm như vậy, qua những hoạt động từ bi bác ái.

Thông thường, cây thông Giáng sinh được dựng lên vào đầu mùa Vọng. Một số gia đình ở Mỹ và Canada dựng cây Giáng sinh cả tuần trước Lễ Tạ Ơn. Ở Ý và Á Căn Đình, cùng với nhiều quốc gia ở châu Mỹ Latin, cây Giáng sinh được dựng lên ngày 08 tháng 12 lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội và được giữ cho đến ngày 6 tháng 1, Lễ Hiển Linh. Một số gia đình Công Giáo còn giữ cho đến Lễ Dâng Chúa vào đền thánh.

Đầu thế kỷ 20, cứ 5 gia đình ở Bắc Mỹ thì có một gia đình có cây Giáng sinh, nhưng ngày nay hầu như gia đình nào cũng có cây Giáng Sinh. Vào những năm đầu thế kỷ 20, người dân Bắc Mỹ thường trang trí cây thông bằng vật trang trí do chính tay họ làm ra. Vật trang trí truyền thống của người Canada và người Mỹ gốc Đức gồm có quả hạnh nhân, bánh hạnh nhân với nhiều hình dạng thú vị khác nhau. Những hạt bắp chiên nhiều màu sắc, được trang trí cùng những quả phúc bồn tử và các chuỗi hạt. Cũng vào thời gian này bắt đầu xuất hiện những dây đèn trang trí trên cây Giáng sinh, nhờ nó cây thông rực rỡ hơn nhiều lần. ánh sáng trang trí bằng đèn điện kéo dài hơn và an toàn hơn rất nhiều so với ánh sáng toả ra từ những ngọn nến. Tại Liên Xô cũ, sau cách mạng tháng Mười, với chủ trương tận diệt tôn giáo, cây Giáng sinh bị cấm, nhưng phong tục này lại được lặng lẽ phục hồi sau năm 1935, và người ta gọi là Cây năm mới. Tại châu Âu, những cây thông thuộc chi Lãnh sam thường được sử dụng làm cây Giáng sinh, bên cạnh đó là chi Vân sam, và đặc biệt là Thông Nordmann hiện nay rất được ưa chuộng. 

2. Đức Thánh Cha kêu gọi tổng thống Trump tôn trọng hiện trạng của thành Thánh Giêrusalem

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ những quan ngại của ngài trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel.

Đức Giáo Hoàng nói ngài “không thể giữ im lặng” trước “những tình huống phát sinh trong những ngày gần đây”, và kêu gọi tôn trọng “hiện trạng của thành phố, phù hợp với các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc”.

“Giêrusalem là một thành phố độc đáo, thánh thiêng đối với người Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo, là những người tôn kính nơi Thánh của các tôn giáo tương ứng của mình, và thành phố này có một ơn gọi đặc biệt cho hòa bình.

“Tôi cầu nguyện xin Chúa rằng căn tính này sẽ được duy trì và tăng cường vì lợi ích của Thánh Địa, Trung Đông và toàn thế giới, cũng như xin cho sự khôn ngoan và thận trọng sẽ chiếm ưu thế, để tránh thêm các yếu tố căng thẳng mới trong một thế giới đã lung lay và được ghi dấu bằng quá nhiều những xung đột tàn bạo”

Tổng thống Trump đã công bố rằng Hoa Kỳ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel, và Hoa Kỳ sẽ di chuyển sứ quán của mình từ Tel Aviv đến đó.

Mặc dù tiến trình xây dựng sứ quán mới sẽ mất vài năm, Trump đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “bắt đầu tiến trình”.

Một quan chức Mỹ nói: “Chính sách của Mỹ là thành thật vì thực tế Giêrusalem là thủ đô của Israel. Nó đã là thủ đô của người dân Israel kể từ thời cổ đại. Không ai có thể phủ nhận điều đó, đó chỉ là một thực tế.”

Tình trạng của thành phố vẫn còn đang trong vòng tranh cãi. Người Palestine nhấn mạnh rằng không có hy vọng về một thỏa thuận hòa bình, trừ khi họ có thể sử dụng phần phía đông thành phố này làm thủ đô của họ, nhưng người Israel cho rằng cả thành phố là của riêng họ.

Một phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmood Abbas mô tả động thái này là “không thể chấp nhận”.

Ông Abbas cũng được tường trình là đã gọi cho Đức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ mối quan ngại của ông về động thái này.

Các nhà lãnh đạo Liên đoàn Ả rập và từ Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến Ai Cập, Jordan, Ả-rập Xê-út và Iraq đã kêu gọi Tổng thống Trump xem xét lại.

3. Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Cairo, Ai Cập

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha trong hai ngày 28 và 29 tháng Tư tại Ai Cập được nhiều người quan tâm vì tầm ảnh hưởng của chuyến tông du này đối với hòa bình thế giới, và công cuộc đối thoại với Hồi Giáo và Giáo Hội Chính Thống Giáo Coptic. Ngoài ra, trong 18 chuyến tông du hải ngoại của Đức Thánh Cha, chuyến tông du này là chuyến đi rất nguy hiểm xét vì tình hình an ninh tại Ai Cập. 

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong các bài đọc lễ Vọng Phục sinh, chúng ta nghe bài trích sách Xuất Hành, đoạn nói về việc con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Có gì mà kêu đến Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ lên đường. Còn ngươi, đưa gậy lên, và giơ tay trên biển, hãy phân rẽ biển ra, cho con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai Cập ra chai đá, chúng sẽ rượt theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ tỏ vinh quang cho Pharaon, toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết. Người Ai Cập sẽ biết Ta là Chúa khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết”.

Những người Coptic ngày nay là dòng dõi người Ai Cập đã được đề cập trong bài trích sách Xuất Hành này, nghĩa là dòng dõi của dân tộc do các vua Pharaon lãnh đạo. Trong tổng số 95 triệu dân Ai Cập ngày nay, họ chiếm 10%. 90% còn lại là những người ngoại bang, là những người Ả rập tràn vào Ai Cập theo cơn lũ của những cuộc thánh chiến Hồi Giáo do Muhammad gây ra.

Năm 1952, theo sau cuộc cách mạng Ai Cập nhằm xóa bỏ chế độ thực dân của Anh, người Coptic, đa số theo Chính Thống Giáo và Công Giáo bị coi là công dân hạng hai, và ở nhiều vùng nông thôn, họ bị đuổi tận giết tuyệt. Hàng mấy thập niên sau cuộc cách mạng 1952, người ta vẫn còn phải chứng kiến những cuộc di cư khổng lồ của người Coptic ra nước ngoài để tránh bị diệt chủng. Bên cạnh hơn 9 triệu người Coptic vẫn còn sống bên trong lãnh thổ Ai Cập còn có khoảng 2 triệu người Coptic sinh sống tại hải ngoại.

Các Kitô hữu Coptic vẫn còn sống bên trong lãnh thổ Ai Cập thường bị công khai phân biệt đối xử và chính phủ nước này chủ yếu là do người Hồi giáo nắm giữ thường xuyên bị chỉ trích vì đã làm ngơ trước cảnh ngộ của họ. Vì thế, từ thời Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12, tình cảnh của các Kitô hữu Coptic luôn là một mối âu lo của các triều Giáo Hoàng.

4. Đức Bênêđíctô thứ 16 lên tiếng bênh vực các Kitô hữu Coptic và phản ứng từ Ai Cập

Chỉ sáu năm trước, vào ngày 1 tháng Giêng năm 2011, một quả bom đã phát nổ bên trong một nhà thờ Chính Thống Coptic ở Alexandria, khiến 23 người chết. Một ngày sau đó, tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lên án hành động tàn bạo này trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 tháng Giêng.

Ngài nói: “Tôi rất buồn khi hay tin về vụ tấn công nghiêm trọng chống lại cộng đồng Kitô giáo Coptic ở Alexandria, Ai Cập. Những hành động hèn nhát gieo rắc chết chóc như thế, cũng như vụ ném bom vào nhà các tín hữu Kitô tại Iraq nhằm buộc họ phải ra đi, xúc phạm đến Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, là những người chỉ mới hôm qua đã cầu nguyện cho hòa bình và bắt đầu một năm mới với đầy hy vọng…Với các thành viên trong gia đình của họ, và nhân dân Ai Cập, tôi bày tỏ lời chia buồn chân thành của tôi và bảo đảm với anh chị em những lời cầu nguyện của tôi xin Chúa ban ơn chữa lành cho những người phải đau khổ vì biến cố này.”

Một tuần sau đó, hôm 10 tháng Giêng, 2011, trong cuộc gặp gỡ với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

“Đối với những nhà cầm quyền và các nhà lãnh đạo Hồi giáo, tôi lặp lại lời kêu gọi chân thành của tôi rằng các đồng bào Kitô hữu của họ phải được sống an ninh, trong khi tiếp tục đóng góp cho xã hội mà họ là những thành viên đầy đủ… Có cần tôi lặp lại điều này không? Ở Trung Đông, các Kitô hữu là những công dân đích thực có gốc gác nguyên thủy ở đó, trung thành với tổ quốc của họ và đảm nhận những nhiệm vụ của họ đối với đất nước họ. Đương nhiên là họ đáng được hưởng tất cả các quyền công dân, tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng và tự do trong việc giáo dục, giảng dạy và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng”.

Giáo sĩ Ahmad al-Tayeb, vốn dĩ đã bất mãn với Đức Bênêđíctô thứ 16 sau diễn từ của ngài tại Đại học Regenburgs hôm 12 tháng Chín, 2006 lập tức lên tiếng chỉ trích Đức Bênêđíctô là “có thành kiến với Hồi Giáo” và “xen vào nội bộ Ai Cập”. Một ngày sau đó, chính phủ Ai Cập của tổng thống Hosni Mubarak triệu hồi đại sứ cạnh Tòa Thánh về nước.

5. Đức Phanxicô lên tiếng và phản ứng của Ai Cập

Những gì đã xảy ra sáu năm trước đây, tức là vào tháng Giêng, 2011, đã lặp lại tương tự như vậy trước chuyến tông du của Đức Phanxicô. Bom đã nổ trong hai vụ tấn công khủng bố nhắm vào các tín hữu Kitô Coptic. 45 người chết và 125 người khác bị thương trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá đẫm máu.

Và khi đến Cairo, Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng lặp lại tương tự những gì Đức Bênêđíctô thứ 16 đã từng nói:

“Tôi cũng nghĩ đến nạn nhân các vụ tấn công vào các nhà thờ Coptic, trong tháng Mười Hai vừa qua và mới gần đây thôi ở Tanta và Alexandria. Với các thành viên của gia đình họ, và với mọi người dân Ai Cập, Tôi xin gửi lời chia buồn và lời cầu nguyện tận đáy lòng tôi xin Chúa ban cho họ được mau chóng chữa lành các vết thương.”

Lần này, người ta không rút đại sứ về nước, nhưng đứng dậy vỗ tay!

Ahmad al-Tayeb, Đại Imam của Đại Học Al-Azhar, trường thần học quan trọng bậc nhất trong thế giới Hồi Giáo Sunni, không những đã vỗ tay mà chính ông còn phụ họa với Đức Giáo Hoàng trong việc lên án những hành vi bạo lực tôn giáo.

Ông Tayeb thậm chí đã mở đầu diễn từ của mình bằng cách kêu gọi tất cả mọi người trong hội trường đứng dậy và yên lặng trong một phút để tưởng niệm các nạn nhân khủng bố và như một cử chỉ liên đới và an ủi gia đình họ!

Hôm thứ Sáu 28 tháng Tư, các kênh truyền hình toàn thế giới truyền đi hình ảnh Đức Giáo Hoàng và ông Tayeb ôm nhau thắm thiết, và ông ta lộ một vẻ xúc động mạnh khi Đức Thánh Cha Phanxicô gọi ông là “người anh em của tôi”.

6. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Fatima

Chuyến tông du thứ hai của Đức Thánh Cha trong năm 2017 là chuyến đi đến Fatima nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây. Hoàn toàn khác với chuyến tông du tại Ai Cập mà chúng tôi vừa đề cập, chuyến tông du này của Đức Thánh Cha mang đậm mầu sắc tôn giáo.

Lúc 2h chiều ngày thứ Sáu, 12 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi hành từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang phi trường quân sự Monte Real của Leiria, Bồ Đào Nha.

Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Monte Real của Leiria, Bồ Đào Nha. Sau nghi thức đón tiếp chính thức, Đức Thánh Cha đã có cuộc họp với tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa của Bồ Đào Nha tại căn cứ không quân Monte Real. Sau đó, ngài đã di chuyển bằng trực thăng tới sân vận động Fatima và rồi đi xe đến ngôi đền.

Lúc 18:15, Đức Thánh Cha đã thăm và cầu nguyện tại nguyện đường nơi Đức Mẹ đã từng hiện ra với các trẻ mục đồng và đọc kinh Mân Côi cùng một con số đông đảo hàng trăm ngàn tín hữu hành hương, được bắt đầu vào lúc 21:30.

Sáng Thứ Bẩy 13-5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tôn phong lên bậc hiển thánh 2 chân phước thiếu nhi đã được Đức Mẹ hiện ra cách đây đúng 100 năm: Phanxicô và Giacinta Marto.

7. Tầm quan trọng của Fatima

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những đôi mắt của thế giới Công Giáo đã hướng về ngôi đền Bồ Đào Nha, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Và người ta không chỉ nghĩ đến Fatima bởi vì Đức Giáo Hoàng đến đó. Ngài không phải là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến đây – ngài là vị giám mục Rôma thứ tư đến thăm ngôi đền này. Người ta chú ý vì tầm quan trọng của Fatima, và, một trăm năm sau biến cố Đức Mẹ hiện ra, Fatima còn quan trọng hơn bao giờ hết.

Tại Fatima, Đức Mẹ đã nói thẳng thừng không quanh co. Mẹ đã nói rõ với chúng ta rằng tất cả những tội lỗi đều có những hậu quả nhất định, và những hậu quả này thật đáng sợ.

Hỏa ngục là một chủ đề bị bỏ quên trong thần học Công Giáo và trong các bài giảng thuyết những năm về sau này, và nó cần phải được đặt lại đúng vị trí của nó trong cả hai trường hợp. Thật rất là lạ lùng khi chúng ta cố ý lờ đi khái niệm hỏa ngục, bởi vì 100 năm qua kể từ năm 1917, thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh hoàng những ví dụ rất cụ thể về địa ngục mà con người đã tạo ra cho nhau. Tại sao chúng ta lại khó tin vào hỏa ngục ở bên kia thế giới – là một nơi hoàn toàn không có tình yêu thương của Thiên Chúa – khi mà trước mắt chúng ta là những bức tranh và những âm thanh mô tả sống động về những địa ngục trên trái đất mà con người đã tạo ra cho đồng loại của mình: các hố chôn người trong Thế giới Chiến tranh Thứ nhất, các quần đảo ngục tù Gulag, các trại tử thần Đức Quốc xã, và những cánh đồng chết tại Campuchia; và cơ man những thí dụ kinh hoàng khác vẫn còn đang tiếp diễn chung quanh chúng ta.

Những ví dụ đáng sợ này lẽ ra đã quá đủ để thuyết phục chúng ta rằng chúng ta có khả năng gây ra các tội lỗi gian ác và các hành động gian ác ấy có những hậu quả thật kinh khủng. Có lẽ các nhà giảng thuyết và nhà thần học đương đại né tránh đề cập đến hỏa ngục, vì sợ mích lòng cử tọa của mình. 

8. Nước Nga trở lại

Biến cố 100 năm Đức Mẹ đã lôi kéo thế giới chú ý đến một lời hứa khác của Đức Mẹ là nước Nga sẽ trở lại.

Đức Mẹ nói tại Fatima:

“Nếu nhân loại đáp ứng lời kêu gọi của Mẹ, nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ có hòa bình. Nếu không, nước Nga sẽ truyền bá những thuyết sai lầm trên toàn thế giới, sẽ gây ra nhiều cuộc chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Kẻ lành sẽ chịu tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau khổ, nhiều quốc gia sẽ bị hủy diệt. Nhưng sau cùng, Trái tim Mẹ sẽ toàn thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng nước Nga cho Mẹ. Nước Nga sẽ trở lại và nhân loại sẽ được Chúa ban cho một thời hòa bình.”

Chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm là lời hứa của Fatima. Cuối cùng, sự gian ác của Lenin, Stalin và Brezhnev đã bị cuốn trôi bởi Trái tim Đức Mẹ. Chiến tranh và đau khổ chìm vào quá khứ, và chỉ có tình yêu là chiến thắng.

7 năm trước đây, vào buổi trưa ngày 13 tháng Năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dâng Thánh Lễ trọng thể kính dâng Đức Mẹ Fatima cho khoảng 500,000 khách hành hương.

Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người nhớ lại những thời điểm gần kề Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) khi chủ nghĩa Bolshevik đang hùng bá một phương trời và lôi kéo đông đảo các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia vốn có truyền thống Công Giáo.

“Lúc ấy Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với ba em nhỏ chăn cừu đơn sơ và trao ban cho họ một thông điệp khẩn thiết: Đức Mẹ Maria kêu gọi mọi người mau hoán cải và sám hối và đền tội.”

Đức Thánh Cha trân trọng nhắc lại lời Đức Trinh Nữ Maria đã phán hứa năm xưa là “cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ thắng. Nước Nga sẽ trở lại.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lời hứa của Đức Mẹ đã là một hiện thực. Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa và toàn Nga đã nhận xét như trên khi khánh thành ngôi nhà thờ mới kính Đức Mẹ tại Astrakhan hôm 26 tháng 9 vừa qua.

9. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Colombia

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chuyến tông du thứ 20 từ đầu triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ngài đến vùng đất bị chiến tranh tàn phá trong suốt hơn nửa thế kỷ.

Với chuyến tông du bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc vào ngày 11 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp bước Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là các vị Giáo Hoàng đã đến Colombia vào năm 1964 và năm 1986. 

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong tiến trình hòa bình đã được Giáo Hội Công Giáo và chính Đức Giáo Hoàng ủng hộ mạnh mẽ. Chính phủ đã ký một thỏa thuận với nhóm phiến quân FARC hồi tháng 11 năm ngoái sau 52 năm xung đột khiến 260,000 người thiệt mạng, 60,000 người mất tích, và hơn 7 triệu người phải di dời.

Trong chuyến viếng thăm 5 ngày này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăm bốn thành phố là thủ đô Bogotà, Villavicencio, Medellin và Cartagena. Ngài đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha cũng đã gặp các nhóm nạn nhân chiến tranh, các gia đình, những người tàn tật, những người nghèo, và cả với các du kích quân trước đây, cùng với các giám mục Colombia anh em, các Giám Mục trong tổ chức CELAM cũng như các linh mục, nữ tu, và anh chị em giáo dân.

10. Cây Thánh Giá Hòa Giải ở Colombia

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những câu chuyện cảm động được nhiều người nhắc đến là buổi gặp gỡ bên cạnh cây thánh giá hòa giải giữa Đức Thánh Cha và những người trước đây đã từng coi nhau là những kẻ thù không đội trời chung.

Buổi gặp gỡ đã diễn ra tại công viên các vị lập quốc Colombia, tiếng địa phương gọi là Los Fundadores.

Cây Thánh Giá hoà giải được dựng tại quảng trường các vị lập quốc là cây Thánh Giá đã được rước qua vùng Đông Ianes hồi năm 2012. Dưới đế Thánh Giá có gắn một bảng ghi số các nạn nhân của các vụ bắt cóc, sát hại và mìn chống người gây đổ máu cho vùng này trong cuộc nội chiến dài từ năm 1964 tới 2016.

Sau tiếng kèn truy diệu và một phút thinh lặng cầu nguyện cho những người đã chết. Kế đó là các chứng từ của nhiều người Colombia từng chịu đau khổ cách này cách khác trong cuộc nội chiến tiếp diễn hơn một nửa thế kỷ qua.

Trong diễn từ với những người hiện diện, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi hiện diện ở đây không hẳn để nói, nhưng để gần gũi anh chị em và được tận mắt nhìn thấy anh chị em, lắng nghe anh chị em và mở lòng tôi ra đối với chứng tá sống và tin của anh chị em. Và nếu anh chị em cho phép, tôi cũng muốn được ôm và cùng khóc với anh chị em. Tôi muốn chúng ta cùng nhau cầu nguyện và tha thứ cho nhau, tôi cũng cần xin sự tha thứ, để, cùng nhau, chúng ta có thể tìm kiếm và tiến vào đức tin và đức cậy”.

Đức Giáo Hoàng kết thúc các nhận định của ngài bằng lời kêu gọi hòa bình và hoà giải, đặt các ý nguyện này dưới chân Tượng Chịu Nạn Bojayá, tức bức tượng cụt tay cụt chân cứu được từ ngôi thánh đường bị đạn súng cối phá sập khiến 79 người thiệt mạng.

11. Lời cuối cùng Đức Thánh Cha lưu lại cho dân tộc đau khổ Colombia

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những khoảng khắc cảm động khác là những lời cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô muốn lưu lại với người dân Colombia.

Ngài nói trong thánh lễ tại cảng Contecar ở thành phố Cartagena vào chiều Chúa Nhật 10 tháng 9, trước khi ra phi trường Cartagena đáp máy bay trở lại Rôma.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, tôi muốn để lại cho anh chị em một từ cuối cùng. Chúng ta không hài lòng với “bước đầu tiên”. Thay vào đó, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình mới mỗi ngày, đi gặp người khác và khuyến khích sự hòa hợp và tình huynh đệ. Chúng ta không thể đứng yên. Tại chính nơi này, ngày 8 tháng 9 năm 1654, Thánh Phêrô Claver qua đời, sau bốn mươi năm tự nguyện làm nô lệ, hoạt động không mệt mỏi vì lợi ích của người nghèo. Ngài không đứng yên: bước đầu tiên của ngài được tiếp bước theo sau bởi nhiều người khác. Gương sáng của Ngài lôi kéo chúng ta ra khỏi chính mình để gặp gỡ những người hàng xóm của chúng ta.

Anh chị em thân mến, Colombia cần đến anh chị em. Hãy tiến ra ngoài để gặp gỡ họ. Dẫn dắt họ đến việc chấp nhận hòa bình, không bạo lực. Hãy là “những nô lệ của hòa bình, mãi mãi”. Hãy là “NHỮNG NÔ LỆ CỦA HÒA BÌNH, MÃI MÃI”

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …