Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13-19/04/2017: Đức Bênêđíctô thứ 16 – Những hình ảnh mới nhất trong dịp sinh nhật lần thứ 90

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13-19/04/2017: Đức Bênêđíctô thứ 16 – Những hình ảnh mới nhất trong dịp sinh nhật lần thứ 90

1. Chúa Nhật Phục Sinh 2017 tại Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô đã một lần nữa bỏ qua truyền thống của các vị Giáo Hoàng trong các lễ nghi trang trọng. Trong thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh, diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời âm u đe dọa một trận mưa lớn, ngài đã đưa ra một bài giảng ứng khẩu, chủ yếu tập trung xung quanh câu chuyện về một cú điện thoại hôm thứ Bẩy Tuần Thánh với một kỹ sư trẻ đang bị bệnh nghiêm trọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài cố gắng giải thích cho người trẻ này rằng trong khi Chúa không giải thích sự đau khổ của thế giới, Người đã đưa ra lời hứa về sự phục sinh, mà Đức Thánh Cha khẳng định không phải là “ảo tưởng”.

Bỏ bài giảng đã được dọn sẵn sang một bên, Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Và đây không phải là một chuyện tưởng tượng.”

Chỉ vào những bông hoa được bài trí rất đẹp trên lễ đài và trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói rằng lễ Phục Sinh “không phải là một lễ hội với nhiều hoa. Điều này thật đẹp, nhưng [vẻ đẹp trong biến cố] Phục Sinh vượt xa hơn nhiều”.

“Đó là mầu nhiệm của tảng đá bị vứt bỏ, đã trở nên tảng đá góc tường cho sự tồn tại của chúng ta. Chúa Kitô đã sống lại từ trong cõi chết. Trong nền văn hoá vứt bỏ này, nơi mà những điều không còn hữu ích phải rơi vào con đường xài-rồi-liệng, trong đó những gì vô ích phải bị loại bỏ, viên đá đã bị loại bỏ đã trở thành suối nguồn sự sống”.

Và thậm chí cả “chúng ta, những viên sỏi nhỏ”, là những người đã bị ném vào một trái đất tràn ngập những “đau khổ, và thảm kịch” này, nhưng với niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta vẫn “có lý do để sống giữa những cơn hoạn nạn khủng khiếp như vậy. Với niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta vẫn có được một cảm thức vượt được lên trên những thực tại cay đắng của đời thường: có những bức tường đấy, nhưng cũng có cả một chân trời; có cuộc sống, có niềm vui, bất chấp là cũng có thập giá cùng với những mơ hồ nảy sinh từ đó.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng Giáo Hội, khi đối mặt với “sự hèn tin của chúng ta, [và] những trái tim đóng kín và sợ hãi,” vẫn tiếp tục nói, “bình tĩnh đi, Chúa đã sống lại.”

Nhưng, Đức Thánh Cha nói tiếp, thách đố đối với nhiều người là nếu Chúa đã sống lại từ trong cõi chết, “tại sao những điều này cứ tiếp tục xảy ra: bao nhiêu là bi kịch, rồi đến bệnh tật, nạn buôn bán người, khai thác con người, chiến tranh, những hủy diệt, những cuộc tàn sát, những trò trả thù, những hận thù?”

Ngài hỏi to: “Chúa ở đâu?”

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó đã chia sẻ rằng vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, ngài đã gọi điện thoại cho một thanh niên, là một kỹ sư đang bị “bệnh nghiêm trọng”, và ngài nói với thanh niên này rằng “không có sự giải thích nào cho những gì đang xảy ra với con. Nhưng con hãy nhìn vào Chúa Giêsu bị đóng đinh, Thiên Chúa đã làm điều này với chính Người Con của Ngài. Không có lời giải thích nào khác.”

Đức Thánh Cha kể tiếp rằng đáp lại những lời này của ngài, người thanh niên vẫn khăng khăng hỏi vặn lại ngài: “Vâng, nhưng Chúa Cha đã hỏi Chúa Giêsu Con Ngài và Con Ngài đã trả lời xin vâng. Còn con, Ngài đã không hỏi con nếu con muốn điều này hay không.”

Đức Thánh Cha nói, thực ra, “Không một ai trong chúng ta được hỏi, ‘Con có hài lòng với những gì đang xảy ra trên thế giới không? Con có sẵn sàng vác thánh giá này không?’”

“Hôm nay Giáo Hội tiếp tục nói, dừng lại đi, Chúa Giêsu đã sống lại rồi.”

Trước đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng có các bài giảng ứng khẩu. Ngài làm vậy mỗi buổi sáng trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta, đằng sau những cánh cửa đóng kín; vào mỗi Thứ Năm Tuần Thánh, khi ngài đi thăm các nhà tù hoặc các trung tâm tị nạn để cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, và một lần đáng nhớ là khi ngài cử hành thánh lễ tại Tacloban, Phi Luật Tân hôm 17 tháng Giêng 2015, giữa cơn bão Hải Yến.

Tuy nhiên, chưa bao giờ ngài ứng khẩu giảng trong một bối cảnh long trọng như trong một thánh lễ đại trào. Hôm Chúa Nhật Phục Sinh, Đức Thánh Cha đã giảng ứng khẩu từ đầu đến cuối.

“Anh chị em, những viên sỏi nhỏ, anh chị em có một lý do để sống. Bởi vì anh chị em là một viên sỏi đang bám vào một nền tảng, là đá tảng đã bị tà ác của tội lỗi loại bỏ. Điều mà Giáo Hội muốn nói giữa cơ man những bi kịch là: hòn đá bị người ta bỏ đi đã không bị loại bỏ… Từ thâm tâm, Giáo Hội nói: Chúa Giêsu đã sống lại!”

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi những người hiện diện hãy suy nghĩ về những vấn đề hằng ngày trong cuộc sống, về bệnh tật, chiến tranh, những bi kịch của con người và nói rằng “với một giọng khiêm tốn, không có bông hoa bên cạnh, chỉ một mình thôi, đối diện với Thiên Chúa đang ở trước mặt chúng ta, chúng ta hãy thưa: Lạy Chúa. con không biết tại sao những điều này lại xảy đến với con, nhưng con chắc chắn rằng Chúa Kitô đã sống lại.”

Sau bài giảng của Đức Thánh Cha, và sau phần Lời Nguyện Giáo Dân, mưa bắt đầu rơi nặng hạt, nhiều anh chị em phải dầm mưa tham dự thánh lễ. Mưa tạnh dần trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể. Khi bắt đầu đọc kinh Lạy Cha, thì mưa tạnh hẳn.

2. Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh tại Giêrusalem

Thành phố Giêrusalem đã đông chật người tham dự các nghi lễ. Trước hết phải kể đến những người Do Thái từ khắp nơi trên toàn cõi Israel kéo về tham dự Lễ Vượt Qua kéo dài cả tuần lễ. Kế đó là các tín hữu Kitô thuộc mọi hệ phái.

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là quang cảnh Lễ Phục sinh tại đền thờ Mộ Chúa vào sáng Chúa Nhật 16 tháng Tư vừa qua. Vào lúc 10h30 sáng, theo giờ địa phương, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa là Giám Quản Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem đã cử hành thánh lễ Phục Sinh.

Cùng đồng tế với ngài có Đức Giám Mục William Shomali, và Đức Giám Mục Kamal Batish là Giám Mục phụ tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, và Đức Giám Mục Giacinto Boulos Marcuzzo, Giám Mục phụ tá của Nazareth và hơn 250 linh mục dòng Anh Em Hèn Mọn quản thủ Thánh Địa.

Cùng đồng tế trong thánh lễ còn có khâm sứ Tòa Thánh tại Israel, là Đức Cha Giuseppe Lazzarotto, và sứ thần Tòa Thánh tại Jordan, là Đức Cha Giorgio Lingua.

Trong bài giảng Đức Tổng Giám Mục đã lặp lại lời kêu gọi hòa bình cho vùng đất nơi Chúa đã Giáng Sinh, đã du hành qua các làng mạc và thành phố rao giảng Tin Mừng, đã chịu chết trong một cuộc thương khó đầy bạo lực, và đã phục sinh khải hoàn. Vùng đất ấy đáng buồn thăm vẫn còn chìm trong những làn sóng bạo lực nối tiếp nhau khôn nguôi.

Sau các bài đọc chuông nhà thờ đã được kéo rộn rã trong khi cộng đoàn cùng hát Kinh Vinh Danh.

Tin Mừng Phục sinh cũng đã được tuyên đọc trước ngôi mộ trống.

Kết lễ, cộng đoàn đã hát vang bài Alleluia và vỗ tay chúc mừng Phục sinh cho các vị trong đoàn đồng tế.

3. Đức Tổng Giám mục Georg Gänswein: Câu chuyện Barack Obama dự phần vào kế hoạch ép Đức Bênêđíctô thứ 16 thoái vị là hoang đường

Trong những ngày qua, báo chí tại Italia tung ra những tin đồn theo đó tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được tường thuật là đã từng tham gia vào một kế hoạch nhằm ép buộc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị.

Trả lời câu hỏi của đài truyền hình Matrix, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô thứ 16 và đồng thời là chủ tịch phủ Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, đã nói với khán giả truyền hình Italia rằng câu chuyện này là “hoàn toàn hoang đường”.

Đức Tổng Giám Mục nói:

“Nó hoàn toàn không đúng; nó được bịa đặt ra”

Ngài giải thích thêm:

“Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI không phải là người khuất phục trước các áp lực. Ngược lại, quyết định thoái vị của ngài là hoàn toàn tự nguyện”.

Khi được hỏi về áp lực của “nhóm đồng tính” tại Vatican, Đức Tổng Giám Mục nói rằng ảnh hưởng của nhóm này thường được các phương tiện truyền thông “phóng đại lên hàng trăm lần”. Theo Đức Tổng Giám Mục, lúc này lúc khác có thể có những vấn đề trong Giáo triều Rôma, nhưng “những cố gắng và những phản ứng cần thiết đã được đưa ra để mọi sự đi đúng hướng.”

Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Reuters, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói rằng ngài đã không bao giờ nhận thấy Đức Bênêđíctô thứ 16 biểu hiện bất kỳ hối tiếc nào về quyết định thoái vị hôm 11 tháng Hai năm 2013.

Ngài nói: “Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cảm thấy thanh thản và bình an với chính mình, và tôi nghĩ rằng ngay cả với Thiên Chúa. Sức khoẻ ngài rất tốt, nhưng chắc chắn ngài phải trải nghiệm những gánh nặng của tuổi già. Vì vậy, ngài là một người thể chất đã già, nhưng tinh thần của ngài vẫn rất hoạt bát và minh mẫn. “

Khi được hỏi về những chỉ trích của phương tiện truyền thông đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Đức Tổng Giám mục Gänswein trả lời rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô biết về điều đó nhưng ngài không oán giận.

“Rõ ràng là về phương diện con người mà nói, đôi khi, thật là đau đớn khi xem những gì người khác viết về mình hoàn toàn không đúng với những gì đã được thực hiện. Tuy nhiên, thước đo việc làm của một người, cách thức họ tiến hành công việc, không phải là những gì các phương tiện truyền thông đại chúng ghi nhận nhưng chính là những gì trước lương tâm và trước Thiên Chúa. Và, nói cho công bằng, thì lịch sử sẽ đưa ra phán quyết sau cùng”.

Đức Tổng Giám mục Gänswein nói tiếp: “Tôi thực sự xác tín rằng lịch sử sẽ đưa ra một phán quyết khác với những gì người ta vẫn thường đọc về những năm cuối cùng của triều đại giáo hoàng của ngài bởi vì mọi sự sẽ rõ ràng và minh bạch”.

4. Trong thông điệp Phục Sinh, Đức Thánh Cha lên án cuộc tấn công “đê hèn” nhắm vào người tị nạn Syria

Theo một thỏa thuận được Iran và Qatar môi giới, các cư dân trong hai làng al-Foua và Kfraya đang bị phiến quân chống chính phủ Syria bao vây trong suốt 2 năm qua, đã được đồng ý cho chuyển tới thành phố Aleppo, do chính phủ kiểm soát, để đổi lấy việc hàng trăm quân nổi dậy người Hồi Giáo Sunni và gia đình họ tại các thị trấn Madaya và Zabadani ở gần Damascus được chuyển đến những vùng do phiến quân kiểm soát.

Hơn 50 xe buýt và 20 xe cứu thương chở khoảng 5,000 cư dân Foua và Kfarya đã vào được thành phố Aleppo và được chính phủ Syria cho định cư tại làng Jibreen ở phía Nam Aleppo.

Tuy nhiên, vào hôm thứ Bẩy 15 tháng Tư, những tên khủng bố đeo bom tự sát đã tấn công vào một đoàn xe buýt chở những người tị nạn Syria đang trên đường tới Aleppo.

Ít nhất 80 trẻ em nằm trong số 126 người thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát này. Anthony Lake, giám đốc điều hành của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, nói rằng cuộc tấn công vào một đoàn xe của các thường dân này đánh dấu một “nỗi kinh hoàng mới làm tan nát con tim của bất cứ ai còn có một tấm lòng”.

Ông kêu gọi tất cả các bên tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế và “tạo điều kiện cho Liên Hiệp Quốc và các đối tác của Liên Hiệp Quốc tiếp cận an toàn và không bị cản trở để có thể giúp đỡ những người mạng sống đang bị đe dọa.”

Trong thông điệp Phục Sinh, Đức Thánh Cha đã lên án cuộc tấn công này là “đê hèn”.

Ngài nói:

“Trong những tình huống phức tạp và thường xuyên bi thảm của thế giới ngày nay, xin Chúa Phục Sinh hướng dẫn các bước đi của tất cả những người làm việc cho công lý và hòa bình. Xin Người cho các nhà lãnh đạo các quốc gia ơn can đảm cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của các vụ xung đột và đặt một dấu chấm hết cho nạn buôn bán vũ khí.

Đặc biệt, trong những ngày này, xin Chúa nâng đỡ những nỗ lực của tất cả những ai đang tích cực tham gia vào việc mang lại ủi an và trợ giúp cho người dân Syria, là miếng mồi ngon của một cuộc chiến vẫn đang tiếp tục gieo rắc kinh hoàng và cái chết. Cuộc tấn công đê hèn gần đây nhất trên những người tị nạn đang chạy trốn chỉ mới diễn ra ngày hôm qua, khiến nhiều người phải thiệt mạng và bị thương. Nguyện xin Chúa ban hòa bình cho toàn bộ vùng Trung Đông, bắt đầu từ Thánh Địa cho đến Iraq và Yemen.”

5. Đức Thánh Cha khích lệ các phương tiện truyền thông trình bày các nguyên nhân của hiện tượng di dân

Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ LibertaCivili, phát hành hôm 7 tháng Tư, Đức Thánh Cha khích lệ các phương tiện truyền thông trình bày các nguyên nhân đã dẫn đến cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử của Âu Châu.

Đức Thánh Cha nói:

“Việc vi phạm nhân quyền, xung đột bạo lực, tình trạng bất ổn xã hội, thiếu các nhu yếu phẩm cơ bản, thiên tai và các thảm họa do con người gây ra: tất cả những điều này phải được nói rõ ràng để cho phép hiểu đúng về hiện tượng di cư”.

Đức Thánh Cha đã phàn nàn rằng các phương tiện truyền thông thường sử dụng các thuật ngữ tiêu cực trong việc miêu tả người nhập cư. Ngài quan sát rằng, người ta cố tình biến từ ngữ “bất hợp pháp” thành một từ đồng nghĩa với “người nhập cư”; và báo giới ngày nay tuôn ra một cách thoải mái những thành kiến tiêu cực đối với người di cư và tị nạn.

6. Ủng hộ viên của tổng thống Nicolas Maduro tấn công Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino ngay trong thánh lễ

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino của thủ đô Caracas đã bị các tay sai của tổng thống Nicolas Maduro chửi rủa và ném nhiều thứ vào ngài ngay trong thánh lễ ngày thứ Tư Tuần Thánh 12 tháng Tư tại nhà thờ Santa Teresa.

Những người ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro chửi rủa và lao lên cung thánh khi Đức Hồng Y đang giảng. Anh chị em giáo dân cản trở những người này. Hai bên xô xát ngay trong nhà thờ. Nhiều người bị thương trong vụ này.

Giải thích về hành động này, chính phủ Maduro đã cáo buộc Đức Hồng Y Urosa Savino tội “kích động bạo lực bằng cách nói rằng việc bất tuân dân sự là điều hợp lý để ngăn chặn tiến trình hướng tới chế độ độc tài” tại Venezuela.

Đức Hồng Y đang giảng về mối nguy hiểm của một chính phủ ngày càng độc tài hơn khi các ủng hộ viên của Maduro làm gián đoạn thánh lễ.

Trong thông điệp đầu năm mới của mình, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino của tổng giáo phận Caracas than phiền tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thực phẩm và thuốc men tại Venezuela là hậu quả tai hại của “chế độ xã hội chủ nghĩa toàn trị trong đó ban cho nhà nước quyền kiểm soát hoàn toàn nền kinh tế.”

Ngài chua chát nhận xét rằng: “Chưa bao giờ chúng ta phải tìm kiếm thức ăn trong thùng rác!”

Cùng với các giám mục phụ tá, Đức Hồng Y lên tiếng kêu gọi thả các tù nhân chính trị và nuôi dưỡng một nền văn hóa bất bạo động. Ngài cầu nguyện để “người Venezuela chúng ta có thể giải quyết các xung đột một cách hòa bình.”

7. Số lượng các đại chủng sinh trên thế giới đã giảm liên tục trong 4 năm liên tiếp

Số lượng các đại chủng sinh trên toàn thế giới đã giảm liên tục trong 4 năm liên tiếp vừa qua. Đó là một trong những con số đáng báo động theo số liệu thống kê của Vatican công bố ngày 6 tháng 4.

Số lượng các đại chủng sinh trên toàn thế giới đã tăng từ 63,882 vào năm 1978 lên 110,553 vào năm Thánh 2000 và lên đến 120,616 vào năm 2011 – nghĩa là tăng 33% trong 33 năm.

Tuy nhiên, con số này sau đó đã liên tục giảm xuống chỉ còn 120,051 vào năm 2012, rồi 118,251 vào năm 2013, 116,939 vào năm 2014 và 116,843 vào năm 2015. Theo phòng Báo chí Tòa thánh, con số các chủng sinh vào năm 2015 có thể chia theo vùng địa lý như sau:

Châu Á: 34,741

Bắc và Nam Mỹ: 33,512

Châu Phi: 29,007

Châu Âu: 18,579

Châu Đại Dương: 1,004

Từ năm 2010 đến năm 2015, số lượng các đại chủng sinh ở châu Phi tăng 7.7%. Tại châu Âu, con số này đã giảm 9.7%.

8. Những quan ngại sâu xa trước việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cầu nguyện tại Hagia Sophia đúng ngày thứ Sáu Tuần Thánh

Mustafa Kemal Atatürk được coi một vị “cha già dân tộc”, là người đã khai sáng ra nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, thay thế cho đế quốc Ottoman, là người quyết liệt chống lại ý tưởng về một thứ “nhà nước Hồi Giáo”, mà bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang theo đuổi.

Tám mươi năm sau cái chết của ông Mustafa Kemal Atatürk – vị tổng thống đầu tiên lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ 1923 đến 1938- và trong khi thế giới đang chứng kiến những ngày tàn của tên khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, người ta lại bắt đầu phải quan ngại về những mưu toan của

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Người có lẽ đang manh nha một thứ “nhà nước Hồi Giáo” khác tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cuộc đảo chính vào ngày 15 tháng 7 năm 2016, mà đến giờ phút này nhiều người vẫn cho rằng đó chỉ là một cuộc đảo chính giả, do chính Erdogan dựng lên, Tổng thống Recep Erdogan đã thâu tóm vào trong tay rất nhiều quyền hành. Tính chất thế tục, biệt lập với Hồi Giáo của chính quyền Erdogan mai một nhanh chóng.

Trong một diễn biến gây sửng sốt cho nhiều người, Erdogan đã tuyên bố ý định sẽ đến cầu nguyện tại Hagia Sophia vào ngày 14 tháng 4, cùng với các nhà hoạt động Hồi giáo, là những người luôn lập luận rằng tòa nhà này là một đền thờ Hồi giáo.

Năm 1934, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Ataturk đã ra quyết định biến Hagia Sophia thành một viện bảo tàng. Quyết định này là một phần trong nỗ lực của ông nhằm thế tục hóa nhà nước Thổ.

Hagia Sophia là một đại đền thờ của Kitô Giáo, thuộc tòa Constantinople, đã bị quân Hồi Giáo chiếm và biến thành đền thờ Hồi Giáo.

Quyết định đến cầu nguyện tại Hagia Sophia đúng vào ngày mà thế giới Kitô giáo cử hành Thứ Sáu Tuần Thánh, cho người ta thấy rõ thái độ cực đoan Hồi Giáo của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

9. Đức Hồng Y Reinhard Marx than thở về tình trạng các Kitô hữu bị bách hại

Trong bài Suy Niệm tại buổi đi Đàng Thánh Giá hôm thứ Sáu Tuần Thánh 14 tháng Tư ở Munich, Đức Hồng Y Reinhard Marx than thở về cuộc bách hại không chút suy giảm nhắm vào các tín hữu Kitô, đặc biệt là “ở nhiều quốc gia được định hình bởi Hồi giáo”.

Đức Hồng Y đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của tất cả các tôn giáo ủng hộ cho việc công nhận quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới.

Ngài cảnh cáo rằng: “Không thể có hòa bình giữa các tôn giáo trừ phi tất cả mọi người được phép sống đức tin và đức tin của họ được tôn trọng.”

Theo Open Doors, hơn 7,000 Kitô hữu đã bị giết vì đức tin trong năm ngoái, 2016. Đây là sự gia tăng rất mạnh từ con số 4,344 vào năm 2014 và 2,123 vào năm 2013. Ngoài ra, 2,400 nhà thờ đã bị hư hỏng hoặc bị tấn công trên toàn thế giới, gấp hai lần so với con số vào năm 2014.

Những con số này không bao gồm Bắc Triều Tiên, Iraq và Syria, nơi những con số chính xác khó có thể có được.

Tại Ai Cập, các vụ khủng bố hôm Chúa Nhật Lễ Lá đã khiến nhiều nhà thờ phải hủy bỏ một phần hay toàn bộ chương trình Tuần Thánh và Phục sinh như thường lệ.

10. Giám mục Syria chỉ trích cuộc không kích của Hoa Kỳ là hấp tấp và nguy hiểm

Một giám mục Syria đã lên tiếng chỉ trích cuộc không kích của Mỹ vào một căn cứ quân sự của Syria. Ngài nói rằng cuộc tấn công đã xảy ra mà không có một cuộc điều tra đầy đủ về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib.

Vào sáng thứ Sáu 7 tháng Tư theo giờ địa phương, Hoa Kỳ đã bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào căn cứ không quân Al Shayrat của quân chính phủ Syria vì cho rằng các máy bay xuất phát từ căn cứ này đã thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào đầu tháng Tư tại tỉnh Idlib, gây ra cái chết cho 72 người, trong đó có 20 trẻ em.

Đức Cha Georges Abou Khazen, giám quản tông tòa Công Giáo nghi lễ La tinh ở Aleppo, nói rằng ngài “hoàn toàn ngỡ ngàng “ trước tốc độ phản ứng của Hoa Kỳ.

Theo Đức Cha: “Chiến dịch quân sự này sẽ mở ra những tình huống gây khốn khó cho tất cả mọi người.”

11. Cựu Đại Sứ Canada tại Bắc Kinh cảnh giác Tòa Thánh không nên có ảo tưởng về Trung quốc

Cựu Đại sứ về Tự Do Tôn giáo của Canada cảnh giác các quốc gia có kế hoạch xây dựng quan hệ với Trung Quốc cần phải thận trọng, Canada và Toà Thánh cũng không phải là ngoại lệ.

Đại sứ Andrew Bennett đưa ra lời cảnh báo trên trong Diễn đàn Quốc Hội về Tự do Tôn giáo thường niên lần thứ 6 khai diễn hôm 3 tháng Tư.

Ông Bennett nói:

“Chúng ta không nên ảo tưởng rằng khi Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các khuôn khổ chính trị, kinh tế và xã hội thế giới, thì điều đó sẽ có những ảnh hưởng nào đó về tình trạng nhân quyền tại Hoa Lục”

Ông Bennett nhận xét rằng thay vì cải thiện hồ sơ nhân quyền vì những tham gia này, “họ vẫn không hề động đậy”

Ông nói: “Đây là một lời cảnh báo cho những quốc gia như Canada và các đồng minh của chúng ta khi muốn có một mối quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc về thương mại, quốc phòng và các vấn đề khác. Chúng ta cần phải tiếp tục áp lực nhà nước Trung Quốc.”

Ông Bennett tố cáo Trung Quốc lập ra một số Hiệp hội yêu nước nhằm khống chế và khuynh đảo các tôn giáo, bao gồm cả Công Giáo.

Nhận xét về các cuộc thảo luận gần đây giữa Vatican và Bắc Kinh, ông Bennett nói: “Tòa Thánh hiện đang trong một quá trình cố gắng đạt được một số sự đồng thuận với chính phủ Trung Quốc về vai trò của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước và Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này. Tôi muốn cảnh báo Tòa Thánh nên cẩn thận trong những cuộc trao đổi hiện nay, bởi vì dường như không có mong muốn nào của chính phủ Trung Quốc trong việc thay đổi chính sách của họ về tôn giáo, đặc biệt là với người Công Giáo.”

12. Pakistan phát hiện và dập tắt một âm mưu tấn công các nhà thờ dịp Lễ Phục Sinh

Theo một thông cáo báo chí của quân đội Pakistan, các lực lượng an ninh đã tiến hành một cuộc hành quân đặc biệt dựa trên các tin tình báo gần Hiệp Hội Gia Cư Punjab ở Lahore.

Một kẻ khủng bố đã bị giết trong khi một phụ nữ đã bị bắt trong cuộc hành quân. Bốn quân nhân đã bị thương trong cuộc giao tranh với bọn khủng bố.

Quân đội đã tịch thu được một số lớn lựu đạn và các áo vest chứa đầy bom tự sát.

Quân đội thường không thực hiện các hoạt động chống khủng bố, là phần việc của cảnh sát. Tuy nhiên, họ đã có những hoạt động phối hợp với cảnh sát nước này sau khi ba quân nhân bị giết tại Dera Ghazi Khan và 2 binh sĩ khác bị thương trong một cuộc giao tranh trong khu vực này.

Mùa Phục sinh năm ngoái, ít nhất 65 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương trong một vụ đánh bom tự sát tại một công viên cho trẻ em ở Lahore, thủ phủ của tỉnh Punjab của Pakistan vào tối Chúa Nhật Phục sinh 27 tháng Ba, 2016.

Một số đông dân chúng, đa số là phụ nữ và trẻ em, đã có mặt tại công viên Gulshan-e-Iqbal ở Lahore khi một kẻ đánh bom tự sát cho nổ bom quấn trên người. Những người bị thiệt mạng và bị thương phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Số người tụ tập trong công viên ngày cuối tuần thường không có bao nhiêu người. Nhưng vì là lễ Phục Sinh, nên đông đảo các cộng đồng Kitô hữu đến đây họp nhau mừng lễ như họ vẫn làm hàng năm. Năm nay, các tín hữu Kitô Pakistan không dám mừng lễ tại địa điểm này nữa.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …