Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 1/2/2018: Hãy cảnh giác Tin Giả có thể giết chết Tin Mừng trong lòng người

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 1/2/2018: Hãy cảnh giác Tin Giả có thể giết chết Tin Mừng trong lòng người

1. Đức Thánh Cha nói: Nhiệm vụ của Bộ Giáo Lý Đức Tin là có một “khuôn mặt nổi bật về mục vụ”

Hôm thứ Sáu 26 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với những tham dự viên phiên họp khoáng đại của Bộ Giáo lý Đức Tin. Ngài cảm ơn các thành viên của Bộ vì sự “phục vụ tinh tế” của họ đối với Giáo Hội, và ghi nhận “mối quan hệ đặc biệt” giữa Bộ này và “người kế nhiệm Thánh Phêrô, là người được kêu gọi để củng cố anh em trong đức tin, và tăng cường sự hiệp nhất của Giáo Hội.”

Bảo vệ Đức tin và các Bí tích

Đức Thánh Cha cũng cám ơn họ vì những dấn thân trong việc hỗ trợ huấn quyền của các Giám mục “trong việc bảo vệ đức tin và tính thánh thiêng của các Bí tích” trước những vấn đề hiện nay đang đòi hỏi phải có sự phân định mục vụ sâu sắc. Đặc biệt, Đức Thánh Cha đề cập đến công việc khảo sát những trường hợp liên quan đến “graviora delicta” (tức là các tội ác nghiêm trọng, như lạm dụng tình dục hoặc lạm dụng nghiêm trọng các Bí tích) và các câu hỏi liên quan đến việc tiêu hôn “vì lợi ích đức tin” (thường gọi là “đặc ân thánh Phêrô”).

Theo nghĩa này, Đức Giáo Hoàng nói, công việc của Thánh Bộ khi “nhắc nhớ ơn gọi siêu việt của con người” và mối quan hệ giữa lý trí con người với những giá trị của chân lý và sự thiện, được nhận ra qua đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô, “xem ra có tính chất quyết định.” Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng “Không có gì có thể giúp con người nhận ra chính mình và kế hoạch dành cho thế giới của Thiên Chúa cho bằng việc tự mở chính mình ra đối với ánh sáng đến từ Thiên Chúa.”

Công việc của Bộ

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã thực hiện trong Phiên Họp toàn thể hai năm, bao gồm: việc nghiên cứu ơn cứu độ Kitô giáo trong mối tương quan với các xu hướng hiện đại, “thuyết tân Pelagiô”[1], và “thuyết tân Ngộ Đạo” [2]; phản ánh tầm quan trọng của một nhân học phù hợp trong lĩnh vực kinh tế và tài chính; và giải quyết “những câu hỏi tế nhị liên quan đến việc tháp tùng những bệnh nhân mắc bệnh nan y”.

Liên quan đến điều sau, Đức Thánh Cha đã ghi nhận sự gia tăng những yêu cầu trợ tử ở nhiều quốc gia “như một khẳng định có tính chất ý thức hệ về ý chí con người muốn nắm quyền sinh tử trong tay mình.” Điều này xảy ra ở bất cứ nơi nào người ta “không coi trọng phẩm giá của cuộc sống, nhưng chỉ coi trọng tính hiệu quả và năng suất của nó”. Đáp lại, Đức Giáo Hoàng nói, “Cần phải nhắc lại rằng cuộc sống con người, từ lúc thụ thai đến kết thúc tự nhiên, có một phẩm giá bất khả nhượng”

Ngài nhận xét rằng, con người đương đại thường gặp khó khăn khi suy tư về thực tại đau khổ, về sự sống và cái chết, với một “cái nhìn hy vọng”. Một trong những sứ vụ mà Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể mang lại cho những người nam nữ ngày nay là cung cấp cho họ một niềm “hy vọng đáng tin” có thể giúp họ “sống tốt, và duy trì một viễn ảnh tự tin hướng về tương lai.”

Một khuôn mặt nổi bật về mục vụ 

Đức Thánh Cha nói sứ mệnh của Bộ Giáo Lý Đức Tin là đưa ra “một khuôn mặt nổi bật về mục vụ.” Ngài nói trong phần kết luận rằng các mục tử đích thực, là những người “không bỏ mặc con người, cũng không để con người trở thành miếng mồi ngon cho sự mất phương hướng và sự sai lầm của người ấy, nhưng với sự thật và lòng thương xót, hãy giúp người ấy tái khám phá lại khuôn mặt đích thực của mình trong sự tốt lành.”

2. Bức ảnh Đức Mẹ mà Đức Thánh Cha Phanxicô tôn kính đặc biệt được phục hồi

Bức ảnh Đức Mẹ mà Đức Thánh Cha Phanxicô có lòng sùng mộ đặc biệt vừa được phục hồi. Hôm thứ Tư 24 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố hình ảnh về bức ảnh Đức Mẹ Là Phần Rỗi của dân Rôma vừa được phục chế. Bức tranh vẽ trên gỗ theo kiểu Byzantine thường được đặt bên trong Đền Thờ Đức Bà Cả. Biểu tượng này, được đặc biệt tôn kính bởi người dân Rôma, sẽ được trưng bày trước công chúng vào ngày Chúa Nhật 28 tháng Giêng khi Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành một Thánh Lễ long trọng tại đền thờ này.

Đức Phanxicô đã rời Vatican vào ngay sáng hôm sau khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng và cầu nguyện trước bức ảnh này, trong đó vẽ Đức Maria, mặc một chiếc áo choàng màu xanh, bồng Chúa Hài Nhi Giêsu, đang cầm trên tay Ngài một quyển sách trang sức bằng vàng. Trước và sau mỗi chuyến tông du nước ngoài, Đức Thánh Cha Phanxicô đều đến nhà thờ này để cầu nguyện trước bức ảnh và để lại một bó hoa hồng.

Người đứng đầu viện bảo tàng Vatican, là bà Barbara Jatta, cho biết cuộc phục chế đã khám phá ra những sắc màu “tinh tế” trong khuôn mặt của Đức Maria và Chúa Giêsu, và sự sáng chói của áo choàng vàng của Chúa Hài Nhi và của áo choàng màu xanh của Đức Maria.

Việc phục chế cũng giúp các học giả xác định niên đại của bức ảnh. Theo truyền thống, bức ảnh được tin là được tìm thấy ở Giêrusalem vào thế kỷ thứ 5 và được chính Thánh Luca vẽ. Trong một bài viết trên tờ Quan Sát Viên Rôma của Vatican hôm thứ Năm 25 tháng Giêng, bà Jatta nói rằng niên đại thật sự có thể là trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13.

Ngoài việc làm sạch hình ảnh và sửa chữa các vấn đề có trong các lần phục hồi trước đó, các nhà phục chế đã thực hiện một khung mới nhẹ nhàng hơn và có tay cầm để bức ảnh có thể được vận chuyển dễ dàng và an toàn hơn cho các cử hành khác nhau ở các đền thờ ở Rôma nơi bức ảnh được mang đến trưng bày.

Đức Giáo Hoàng đầu tiên của Mỹ châu Latinh có lòng sùng kính Đức Mẹ cách riêng, và với tư cách là một giám mục và một Hồng Y, ngài thường đến Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước bức ảnh Đức Mẹ Là Phần Rỗi Dân Rôma mỗi khi ngài về Rôma. Một bức ảnh Đức Mẹ khác mà ngài cũng mến mộ là bức “Mary Undoer of Knots” – Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt, mà ngài nhìn thấy đầu tiên trong một nhà thờ vùng Bavarian khi ngài theo học ở Đức vào những năm 1980.

3. Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục Venezuela bày tỏ sự ủng hộ với 2 Giám Mục bị Maduro cáo buộc tội kích động căm thù chế độ

Các giám mục Công Giáo ở Venezuela đang cất tiếng nói bảo vệ hai vị Giám Mục anh em của các ngài, bị tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc tội kích động hận thù trong các bài giảng nhân lễ Chúa Chăn Chiên Lành, hôm 14 tháng Giêng. Đó là một trong các ngày lễ lớn ở quốc gia này .

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ sự ủng hộ của ngài, dưới hình thức một cú điện thoại riêng đến ít nhất một trong hai giám mục.

Một ngày sau ngày lễ này, phát biểu trước Quốc hội Lập hiến Venezuela, Maduro đã yêu cầu Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát và Văn phòng Công tố tiến hành điều tra cả Đức Tổng Giám Mục Antonio López Castillo của tổng giáo phận Barquisimeto và Đức Giám Mục Víctor Hugo Basabe của giáo phận San Felipe, vì “tội kích động thù hận chế độ.”

Trong các bài giảng của mình, được Hội Đồng Giám Mục Venezuela đăng tải rộng rãi trên Facebook của các ngài, hai vị đã yêu cầu chấm dứt nạn đói và tham nhũng, là những điều đã làm tê liệt quốc gia này trong những năm gần đây.

Trong bài giảng của ngài, Đức Cha Basabe đã liệt kê nhiều vấn đề mà giáo hội địa phương đã từng thẳng thắn phê phán. Ngài nói: “Chúng ta không thể chọn con đường của những kẻ cứ khăng khăng phủ nhận rằng ở Venezuela chẳng hề có nạn đói và suy dinh dưỡng.”

Trong bối cảnh xã hội Venezuela, ai cũng phải hiểu ý ngài rõ ràng muốn đề cập tới Maduro, vì ông và các đồng minh của mình đã khăng khăng cho rằng mức độ khủng hoảng chính trị và kinh tế của Venezuela đã được phóng đại bởi các thành phần chống chế độ cả trong lẫn ngoài nước.

Đức Cha Basabe kêu gọi tạo ra các hành lang nhân đạo để thực phẩm và thuốc men có thể đến được với những ai cần. Ngài kêu gọi những người Công Giáo “tránh đừng đi theo con đường” của những kẻ quyết liệt phủ nhận vấn đề “mặc dù họ tận mắt chứng kiến cảnh hàng ngàn người Venezuela phải tìm kiếm thức ăn trong các thùng rác.”

Ngài nói tiếp: “Có những người nhấn mạnh rằng ở Venezuela mọi thứ đều ổn cả, và chúng tôi có đủ lương thực để nuôi sống cả nhiều quốc gia khác, trong khi sự thật nhãn tiền là Venezuela đang ngày càng thiếu thốn mọi thứ và đặc biệt là thực phẩm.”

“Những người này quyết liệt không muốn hiểu rằng nguyên nhân gốc rễ của các căn bệnh tại Venezuela là sự tồn tại của một mô hình chính trị, kinh tế và xã hội phủ nhận Thiên Chúa và do đó phủ nhận luôn cả nhân phẩm”.

Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục López Castillo cũng bao gồm các ý tưởng tương tự.

Theo Maduro, các bài giảng đã chứng minh rằng “ma quỷ đang núp dưới những áo chùng các thầy tu để kêu gọi những cuộc đối đầu bạo lực, để thúc đẩy nội chiến”. Đó là một cáo buộc mà cả hai giám mục đã nhanh chóng phủ nhận.

Đức Cha Basabe nhận xét rằng:

“Ông Maduro đã đặt vào miệng của tôi những lời tôi không bao giờ nói. Điều tồi tệ hơn là ông ta buộc cho tôi cái tội mà chính ông ta đang phạm.”

Maduro muốn các giám mục bị buộc tội theo luật kích động thù hận vừa được soạn thảo bởi Quốc hội Lập hiến do hắn đẻ ra để thay thế cho Quốc Hội bao gồm đa số là những người đối lập.

Đức Tổng Giám Mục López Castillo nói với các phóng viên là chỉ một ngày sau khi Maduro yêu cầu điều tra các giám mục, ngài đã nhận được một cú điện thoại hỗ trợ tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vào thời điểm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đang ở Chí Lợi.

Đức Cha Castillo nói, “Đức Giáo Hoàng ủng hộ chúng tôi, ngài ủng hộ toàn thể dân chúng Venezuela”.

Các giáo phận và các cơ quan của Giáo Hội Công Giáo tại Venezuela cũng lần lượt bày tỏ tình liên đới qua các tuyên bố bằng văn bản hoặc các buổi họp báo với giới truyền thông.

4. Các Giám Mục CELAM bày tỏ tình liên đới với 2 Giám Mục Venezuela bị Maduro cáo buộc kích động hận thù chế độ

Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM, đã gửi một thông điệp bày tò tình liên đới với 2 Giám Mục Venezuela đang bị tổng thống Maduro cáo buộc tội kích động hận thù chế độ.

Các ngài đã sử dụng đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu như một tiêu đề: “Phúc cho anh em khi bị sỉ nhục, bách hại, vu khống vì danh Thầy.”

CELAM bày tỏ sự ủng hộ không chỉ đối với hai vị giám mục đang bị Maduro truy tố vì “tội kích động thù hận chế độ” – là Đức Tổng Giám Mục Antonio López Castillo của tổng giáo phận Barquisimeto và Đức Giám Mục Víctor Hugo Basabe của giáo phận San Felipe – mà còn với toàn thể nhân dân Venezuela, giữa “cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng” đang ảnh hưởng đến quốc gia này.

Tuyên bố của CELAM viết:

“Những hậu quả trầm trọng của nạn đói, suy dinh dưỡng, thiếu thuốc men và các nguồn cung cấp y tế, cùng với những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, đã làm xấu đi phẩm chất cuộc sống và tạo ra một đợt di cư chưa từng có của hàng triệu người Venezuela, những người bị buộc phải di cư sang các nước khác để tìm một lối thoát và những cơ hội tốt hơn” 

Các vị lãnh đạo của CELAM cũng ca ngợi các giám mục Venezuela về những “lời nói dũng cảm và chân thành” của họ, và khẳng định rằng nội dung của những lời rao giảng của các Giám Mục nước này là đúng với thực tế và nằm trong “viễn ảnh tiên tri” của Giáo hội.

Các vị lãnh đạo của CELAM viết:

“Các hiền huynh đang bị buộc tội quảng bá cho hận thù và bạo lực. Chắc chắn là những kẻ cáo buộc các hiền huynh không hiểu được tình yêu của các hiền huynh trong sứ điệp phát sinh từ Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng tôi xác tín rằng các hiền huynh đang hành động nhân danh Chúa và chấp nhận những rủi ro của người ngôn sứ” 

5. Ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Công Giáo Đông phương Ukraine ở Rôma

Lúc 4h chiều Chúa Nhật 28 tháng Giêng Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm nhà thờ Thánh Sophia trên đường Boccea, phía tây bắc của Rôma. Ngoài 3,000 người Ukraine có mặt tại chỗ để đón tiếp ngài, hàng triệu người Ukraine theo dõi chuyến viếng thăm lịch sử này qua các phương tiện truyền thông.

Mặc dù đây không phải là một giáo xứ Công Giáo thuộc về giáo phận Rome, cuộc viếng thăm này cũng có thể xem là chuyến viếng thăm một “giáo xứ” đầu tiên của vị Giám Mục Rôma kể từ đầu năm mới.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng thăm nhà thờ này vào năm 1984, để viếng mộ Đức Hồng Y Josyp Slipyi, là Thượng Phụ Công Giáo Đông phương Ukraine bị bách hại dưới chế độ Xô Viết. Ngài chịu giam cầm trong 18 năm trước khi được trả tự do vào tháng Giêng năm 1963 sau những áp lực ngoại giao từ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy. Cũng trong năm 1963, ngài đến Rôma tham gia Công Đồng Chung Vatican II và sau đó qua đời tại đây ngày 7 tháng 9 năm 1984. 

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục cũng đã từng đến đây vào năm 1969, để thánh hiến nhà thờ này theo đề nghị của Đức Hồng Y Slipyi.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của tổng giáo phận Kiev-Halyc, nói rằng ngài rất biết ơn vì sự chú ý của Tòa Thánh đối với Ukraine.

Từ bốn qua, Ukraine đã bị Nga xâm lược trực tiếp và gián tiếp thông qua các phiến quân thân Nga. Theo các cơ quan Liên hợp quốc, ngày nay ở Ukraine có 2 triệu người phải di dời bên trong nội địa. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn đang tiếp tục và có khuynh hướng leo thang dần. Những số liệu thống kê cho thấy đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất ở châu Âu sau Thế chiến II. Mặc dù vậy, đó là một “cuộc chiến tranh bị lãng quên”, như Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nói trong chuyến thăm Nga hồi tháng Tám vừa qua.

Trong cuộc tiếp xúc với các nhà báo ở Vatican, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã được hỏi liệu một chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Ukraine có khả thi hay không. Ngài trả lời: “Chúng tôi đã đưa ra lời mời. Đức Giáo Hoàng đã được cả hai vị giám mục Công Giáo Latinh và Đông phương, và cả Tổng thống và chính phủ mời đến Ukraine”

6. Các Giám Mục Ý lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ những người nhập cư

Trong khi các giám mục ở Hoa Kỳ tiếp tục lên tiếng ủng hộ những người nhập cư trong một môi trường chính trị rất bất lợi, các Giám Mục Ý cũng mạnh mẽ lên tiếng như thế trong cuộc bầu cử tổng thống ở nước này vào ngày 4 tháng 3 tới đây.

Trong một bài phát biểu trước các giám mục Italia, Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, đã chỉ trích những gì ngài mô tả là một sự hồi sinh đáng báo động của thứ ngôn ngữ phân biệt chủng tộc trong các cuộc thảo luận chính trị ở Ý, và đưa ra một bản đồ nhận thức về các vấn đề để người dân suy tư khi họ đến các phòng bỏ phiếu.

Những điều này bao gồm sự chào đón và hội nhập những người nhập cư, sự nuôi dưỡng cuộc sống gia đình và các giá trị và một lập trường mạnh mẽ bảo vệ cuộc sống.

Tại Hoa Kỳ, các giám mục Công Giáo đã từng là những người bảo vệ thẳng thắn cho cả chương trình Khuyết Tật Cho Trẻ Sơ Sinh (DACA) và Tạm Thời Tạm Ngưng Trục Xuất (TPS), cũng như lên án mạnh mẽ các trường hợp phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

5. Thượng Viện Hoa Kỳ chuẩn y việc bổ nhiệm thống đốc Brownback là đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế

Thượng viện Hoa Kỳ đã xác nhận thống đốc Kansas Sam Brownback, một người Công Giáo, làm tân đại sứ lưu động về quyền tự do tôn giáo quốc tế tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Được Tổng thống Donald Trump đề cử vào tháng Bảy vừa qua, ông Brownback được Thượng Viện Hoa Kỳ chuẩn y vào ngày 24 tháng Giêng với tỷ lệ nghiêng ngửa 49-49. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mike Pence đã bỏ phiếu cho ông; và tỷ lệ cuối cùng là 50-49 . Ông Brownback tuyên bố sẽ từ chức thống đốc vào ngày 31 tháng Giêng.

“Thật vinh dự khi được phục vụ Kansans trong vai trò thống đốc của họ từ năm 2011 và trước đó là thượng nghị sĩ và dân biểu”, Ông Brownback đã viết như trên trong bức thư gửi cho Bộ trưởng Thương mại Kansas là ông Kris W. Kobach. “Là một người Kansas và mãi mãi là người Kansas, tôi đã được đặc quyền phục vụ và đại diện cho các công dân của tôi trong suốt cuộc đời trưởng thành của tôi.”

Thomas Farr, chủ tịch của Viện Tự do Tôn giáo ở Washington, hoan nghênh sự chuẩn y của Thượng viện đối với chức vụ này.

Ông Farr cho biết: “Kinh nghiệm sâu sắc của Đại sứ Brownback và cam kết của ông đối với tự do tôn giáo cho tất cả mọi người sẽ giúp đảm bảo sự lãnh đạo của Mỹ trong công cuộc giảm bớt sự đàn áp tôn giáo toàn cầu. Chúng tôi tin rằng ông sẽ làm cho chính sách tự do tôn giáo của Hoa Kỳ trở thành một phần trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ.”

Ông Farr cho biết thêm: “Mức độ bách hại tôn giáo toàn cầu đang tăng lên vì sự thúc đẩy của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo bạo lực, chính sách áp bức của các chính phủ, và chủ nghĩa thế tục chống lại niềm tin tôn giáo. Kết quả là hàng triệu người đang phải gánh chịu những vụ cướp bóc khủng khiếp. Các quốc gia và nền kinh tế đang bị bất ổn bởi sự vắng mặt của tự do tôn giáo. “

Ông Brownback, 62 tuổi, được bầu làm thống đốc thứ 46 của Kansas vào tháng 11 năm 2010 và lên nắm quyền vào tháng Giêng năm 2011. Ông đã giành lại chức vụ vào tháng 11 năm 2016. Trước đó, ông từng phục vụ trong Thượng viện Hoa Kỳ sau khi thắng trong một cuộc bầu cử đặc biệt vào năm 1996 để thay thế cho ông Bob Dole, là ứng cử viên tổng thống của đảng vào năm đó.

7. Các khoa học gia Hoa Kỳ nói thế giới đang gần đến “ngày tận thế” hơn bao giờ

Hôm thứ Năm 25 tháng Giêng, các nhà khoa học nguyên tử của Hoa Kỳ đã mở cuộc họp báo công bố rằng những lo ngại về khả năng xảy ra các cuộc chiến tranh hạt nhân và các mối đe dọa toàn cầu khác đã khiến họ vặn Doomsday Clock (đồng hồ báo ngày tận thế) lên 30 giây; và như vậy là chỉ còn hai phút nữa là đến nửa đêm; tức là đến “ngày tận thế”.

Các nhà khoa học nguyên tử Mỹ cho biết họ đã hành động như vậy vì thế giới đang trở nên “nguy hiểm hơn”.

Đồng hồ Doomsday Clock, được tạo ra bởi Bulletin of the Atomic Scientists – tạp chí của các nhà Khoa học Nguyên Tử – gọi tắt là BAS, vào năm 1947, là một ẩn dụ cho thấy sự gần gũi của con người đối với việc tiêu hủy trái đất.

Cứ năm nào tình hình thế giới nguy hiểm thì họ vặn đồng hồ lên cho gần tới 12 giờ. Năm nào tình hình thế giới thanh bình hơn thì họ vặn xuống.

Kim đồng hồ gần 12 giờ dêm nhất vào năm 1953, khi Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết tiến hành các cuộc thử nghiệm bom hydro.

Năm ngoái, đồng hồ cũng được vặn lên 30 giây.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BAS, Rachel Bronson nói rằng “trong các cuộc thảo luận năm nay, các vấn đề hạt nhân đã trở lại vị trí trung tâm”.

Các nhà khoa học đã chỉ ra một loạt các vụ thử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Họ lo ngại rằng những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và quốc gia cộng sản này.

BAS cũng đề cập tới một chiến lược hạt nhân mới của Mỹ, trong đó dự kiến sẽ kêu gọi thêm nhiều nguồn tài trợ để mở rộng vai trò của kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Sự căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây cũng là một yếu tố.

8. Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn đến các nạn nhân tai nạn trật đường ray xe lửa ở Ý

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn và lời cầu nguyện của ngài đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi một tai nạn xe lửa ở Ý đã giết chết ba người vào hôm thứ Năm 25 tháng Giêng.

Trong bức điện tín, Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã thay mặt Đức Giáo Hoàng bày tỏ nỗi buồn vì tai nạn nghiêm trọng và nói ngài chia sẽ nỗi đau của những người bị ảnh hưởng bởi sự kiện bi thảm này.

Đức Thánh Cha bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho những người đã chết trong thảm kịch này, và nói thêm rằng Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các hành khách bị thương trong chuyến tàu cao tốc đến Milan được sớm phục hồi.

13 người bị thương nặng trong vụ tai nạn này trong đó 5 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Trận thảm hoạ xảy ra khi một số toa xe lửa đã bị trật đường ray vào sáng thứ Năm ở một ga bên ngoài Milan.

9. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các nạn nhân trong trận hỏa hoạn tại một bệnh viện Hàn Quốc

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi trận hỏa hoạn tại một bệnh viện Hàn Quốc, trong đó có ít nhất 37 bệnh nhân tử vong.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn bi thảm ở một bệnh viện ở Hàn Quốc đã giết chết ít nhất 37 người và làm bị thương nhiều người khác.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, gởi thay mặt cho ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và con số đông đảo những người bị thương trong vụ hỏa hoạn tại bệnh viện Sejong, ở thành phố Miryang.

Ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng ca ngợi các cơ quan dân sự và các nhân viên cấp cứu khi họ anh dũng giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này, và trên hết ngài cầu nguyện xin Chúa gìn giữ họ, tăng cường sức mạnh và an ủi họ.

Ngọn lửa được tin là đã bắt đầu ở phòng cấp cứu tại bệnh viện Sejong phía đông nam thành phố Miryang.

Gần 200 bệnh nhân đa số là những người lớn tuổi đang ở bên trong tòa nhà và nhà dưỡng lão bên cạnh khi ngọn lửa bùng phát vào buổi sáng ngày thứ Bẩy 27 tháng Giêng.

10. Sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2018 về vấn đề tin giả

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi một nền “báo chí vì hoà bình” để đối phó với mối đe dọa của tin giả, đang “phát triển mạnh vì thiếu vắng sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo. Chủ đề của sứ điệp năm nay là:

“‘Sự thật sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8:32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình”

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha chỉ ra bản chất sai trái của tin giả, làm thế nào để nhận ra tin giả, khả năng giải độc của sự thật, và một nền báo chí vì hoà bình đặt con người ở vị trí trọng tâm như thế nào.

11. Ngày Truyền Thông Thế giới

Kính thưa quý vị và anh chị em

Trong số các ngày kỷ niệm trên bình diện thế giới trong một năm, Ngày Truyền Thông Thế giới là lễ kỷ niệm duy nhất đã được chính Công đồng Vatican II đề xướng trong Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica) được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 4 tháng 12, 1963.

Ngày Truyền Thông Thế giới được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống, năm nay rơi vào ngày 13 tháng 5. Tuy nhiên, sứ điệp của Đức Thánh Cha thường được công bố trước, vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, để các hội đồng giám mục, các ủy ban có liên quan ở các giáo phận và các cơ quan truyền thông có đủ thời gian để chuẩn bị các tài liệu in ấn, nghe nhìn và các tài liệu khác cho lễ kỷ niệm này ở các quốc gia và các địa phương.

Ngày Truyền Thông Thế giới lần đầu tiên được cử hành trong toàn Giáo Hội Công Giáo vào ngày 7 tháng 5 năm 1967, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, là vị Giáo Hoàng đã muốn thu hút sự chú ý của toàn thể Giáo Hội đến truyền thông và sức mạnh to lớn mà nó có thể đem lại cho những thay đổi sâu xa về xã hội, văn hoá và tôn giáo. Ngày Truyền Thông Thế giới năm nay là lần thứ 52.

Trong sứ điệp ngày truyền thông thế giới năm nay, Đức Thánh Cha viết:

Anh chị em thân mến,

Truyền thông là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta và là một cách thiết yếu để trải nghiệm tình bằng hữu. Được tạo ra giống hình ảnh Đấng Tạo Hóa, chúng ta có thể bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là chân, thiện, mỹ. Chúng ta có thể mô tả kinh nghiệm của chính mình và thế giới xung quanh chúng ta, và do đó, tạo ra ký ức lịch sử và sự hiểu biết về các sự kiện. Nhưng, khi chúng ta chiều theo thói kiêu ngạo và tính ích kỷ của mình, chúng ta cũng có thể bóp méo cách thế chúng ta sử dụng khả năng giao tiếp của chúng ta. Điều này có thể được nhìn thấy ngay từ những thời kỳ sơ khai, trong các câu chuyện Kinh thánh như câu chuyện Cain và Abel và chuyện tháp Babel (xem Sáng thế ký 4: 4-16, 11: 1-9). Khả năng bóp méo sự thật là triệu chứng nói lên tình trạng của chúng ta, trong cả hai chiều kích cá nhân và cộng đồng. Trái lại, khi chúng ta trung tín với kế hoạch của Thiên Chúa, truyền thông trở thành một biểu hiện cho thấy rõ sự tìm kiếm chân lý có trách nhiệm và ý chí theo đuổi điều thiện của chúng ta.

Ngày nay, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng các kỹ thuật truyền thông và các hệ thống kỹ thuật số, chúng ta đang chứng kiến sự lan rộng của cái được gọi là “tin giả”. Điều này đòi hỏi một sự suy tư, và đó là lý do tại sao trong Sứ điệp Truyền thông Thế giới này, tôi đã quyết định trở lại vấn đề về chân lý, là điều đã được đề cập đến bởi các vị tiền nhiệm của tôi bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, trong sứ điệp năm 1972 của ngài, với chủ đề là: “Truyền thông Xã hội phục vụ Chân Lý”. Bằng cách này, tôi muốn đóng góp vào dấn thân chung của chúng ta nhằm ngăn chặn sự lan rộng của tin giả và tái khám phá phẩm giá của báo chí và trách nhiệm cá nhân của các nhà báo trong việc truyền đạt sự thật.

1. Tính “thất thiệt” của tin giả là gì?

Thuật ngữ “tin giả” đã là đối tượng của các cuộc thảo luận và tranh luận sôi nổi. Nói chung, nó liên quan đến sự lan rộng việc thông tin sai lạc trên mạng hoặc trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Nó liên quan đến những thông tin sai lệch dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Người ta truyền bá tin giả để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể, ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và phục vụ cho những lợi ích về kinh tế.

Hiệu quả của tin giả phụ thuộc trước hết là vào khả năng bắt chước các tin tức thực sự, đến mức xem ra có vẻ hợp lý. Thứ nữa, cái thông tin này tuy giả nhưng trở nên đáng tin nếu nó “nắm bắt” được sự chú ý của người dân bằng cách đánh trúng các thành kiến và những định kiến xã hội, và khai thác được những cảm xúc bộc phát như lo lắng, căm hờn, tức giận và thất vọng. Khả năng truyền bá những tin giả này thường dựa vào việc lèo lái các mạng xã hội và các phương thức hoạt động của chúng. Những câu chuyện thất thiệt có thể lan truyền nhanh đến nỗi ngay cả những lời phủ nhận có thẩm quyền đi nữa cũng không thể hạn chế được những thiệt hại.

Khó khăn trong việc vạch trần và loại bỏ tin giả cũng do thực tế là nhiều người thường chỉ tương tác trong các môi trường kỹ thuật số với những người hợp ý với mình, trong các môi trường như thế, thường không có chỗ cho các quan điểm và ý kiến khác nhau. Thông tin sai lạc, do vậy, phát triển mạnh khi không có sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác có khả năng thách thức một cách hiệu quả các định kiến và tạo ra các cuộc đối thoại xây dựng; thay vào đó, nó có nguy cơ làm cho người ta trở thành những kẻ vô tình đồng lõa trong việc truyền bá những ý tưởng sai lệch và vô căn cứ. Bi kịch của thông tin sai lạc là nó làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, tới mức mô tả họ như ma quỷ và nung nấu lòng căm thù họ. Tin giả là một dấu chỉ cho những thái độ thiếu khoan dung và quá nhạy cảm, và chỉ dẫn đến việc truyền bá sự kiêu căng và lòng thù hận. Đó là kết quả cuối cùng của sự thất thiệt.

2. Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra tin giả mạo?

Không ai trong chúng ta có thể cảm thấy được miễn trừ khỏi trách nhiệm chống lại những sự giả trá này. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì những thông tin sai lệch thường dựa trên những luận điệu cố ý gây hiểu nhầm một cách quanh co và xảo quyệt, và đôi khi còn sử dụng cả các cơ chế tâm lý tinh vi. Các nỗ lực đáng khen đang được thực hiện để hình thành các chương trình giáo dục nhằm giúp người dân lý giải và đánh giá thông tin được cung cấp bởi các phương tiện truyền thông và dạy họ tham gia tích cực vào việc vạch trần sự giả dối thay vì vô tình góp phần làm lan rộng những thông tin sai lệch. Cũng đáng khen ngợi đó là những sáng kiến về cơ chế và luật pháp nhằm phát triển các quy định giúp kiềm chế hiện tượng này, đó là chưa kể các công trình đang được thực hiện bởi các công ty công nghệ và truyền thông trong việc đưa ra các tiêu chí mới nhằm xác minh các đặc điểm nhận dạng cá nhân ẩn nấp sau hàng triệu hồ sơ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, việc ngăn ngừa và xác định cách thức hoạt động của thông tin sai lệch cũng đòi hỏi một quá trình phân định sâu sắc và thận trọng. Chúng ta cần phải vạch trần cái gọi là “những chiến thuật của con rắn” được sử dụng bởi những kẻ cải trang để tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ tại nơi nào. Đây là chiến lược được sử dụng bởi “con rắn quỷ quyệt” trong Sách Sáng thế ký, đó là đứa đã tung ra những tin giả trước nhất (Sáng thế ký 3: 1-15), khởi đầu lịch sử bi thảm của tội lỗi con người, bắt đầu với cảnh huynh đệ tương tàn đầu tiên (xem Sáng thế ký 4) và dẫn đến cơ man những sự ác khác chống lại Thiên Chúa, người lân cận, xã hội và thiên nhiên. Chiến lược của “Cha đẻ những lời dối trá” ranh mãnh này (Ga 8:44) là bắt chước chính xác cái hình thức dụ dỗ tinh quái và nguy hiểm đó để lẻn vào con tim con người với những lý lẽ vừa giả dối vừa quyến rũ.

Trong trình thuật về tội lỗi đầu tiên, tên cám dỗ tiếp cận người phụ nữ bằng cách giả vờ là bạn của cô, chỉ quan tâm đến phúc lợi của cô, và bắt đầu bằng cách nói điều gì đó chỉ có một phần là thật: “Thiên Chúa thực sự nói rằng ông bà không được ăn trái của bất kỳ cây nào trong vườn này sao?”(Sáng thế ký 3: 1). Trên thực tế, Thiên Chúa không bao giờ nói ông Adong không được ăn trái của bất kỳ cây nào, nhưng chỉ là trái từ một cái cây: “trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn” (Sáng thế ký 2:17). Người đàn bà sửa sai con rắn, nhưng lại để cho mình bị thua trước sự khiêu khích của nó: “Trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.’” (Sáng thế ký 3: 2). Câu trả lời của cô bao hàm những ý tưởng vụ luật và tiêu cực; sau khi lắng nghe đứa lừa dối và để bản thân mình chịu thua trước phiên bản của nó về các sự kiện, người phụ nữ bị lừa. Vì vậy, cô chú ý đến lời trấn an của nó: “Ông bà sẽ không chết đâu!” (Sáng thế ký 3: 4).

“Sự hủy diệt” của tên cám dỗ khoác lên chút sắc màu của sự thật: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” (Sáng thế ký 3: 5). Mệnh lệnh hiền phụ của Thiên Chúa là vì lợi ích của họ, đã bị làm mất uy tín bởi sự cám dỗ hấp dẫn của kẻ thù: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt” (Sáng 3: 6). Câu truyện Kinh thánh này mang lại một yếu tố thiết yếu cho suy luận của chúng ta: chẳng hề có những thông tin sai lạc mà lại vô hại; trái lại, tin vào sự giả dối có thể có những hậu quả thảm khốc. Ngay cả một sự méo mó chút đỉnh sự thật cũng có thể có những hệ quả nguy hiểm.

Điều nguy hiểm là lòng tham của chúng ta. Tin giả thường lan truyền nhanh chóng đến nỗi khó có thể dừng lại, không phải vì cảm thức muốn được chia sẻ, là điều truyền cảm hứng cho các phương tiện truyền thông xã hội, mà bởi vì nó hấp dẫn lòng tham không đáy rất dễ bùng lên trong lòng người. Những mục tiêu kinh tế và lèo lái gây ra tin giả bắt nguồn từ lòng khao khát quyền lực, ham muốn sở hữu và lạc thú, mà chung cuộc biến chúng ta trở thành nạn nhân của một cái gì đó bi thảm hơn nữa: đó là sức mạnh lừa đảo của cái ác di chuyển từ lời nói láo này đến lời lừa dối khác nhằm cướp đi sự tự do nội tâm của chúng ta. Đó là lý do vì sao giáo dục chân lý có nghĩa là dạy cho mọi người biết cách phân định, đánh giá và hiểu rõ những ham muốn và khuynh hướng sâu xa nhất của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất đi nhận thức về điều thiện để rồi chiều theo mọi cám dỗ.

3. “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32)

Sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối có thể làm đen tối cuộc sống nội tâm của chúng ta. Quan sát của Dostoevsky thật là chí lý: “Những người nói dối chính mình và lắng nghe những lời nói dối của chính họ đến một lúc nào đó sẽ hết còn phân biệt nổi đâu là sự thật trong họ, hoặc xung quanh họ, và như vậy họ mất tất cả lòng tự trọng và sự tôn trọng đối với người khác. Và khi không còn được ai tôn trọng, họ không còn biết yêu, và khi không có tình yêu, để lấp đầy chính mình và quên đi, họ lao vào những đam mê và những lạc thú tầm thường và chìm sâu trong thú tính giữa những thấp hèn của họ, tất cả đều do liên tục dối trá với người và với mình mà ra” (Anh em nhà Karamazov, II, 2).

Vậy làm thế nào để chúng ta tự bảo vệ mình? Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho vi khuẩn giả dối là sự thanh lọc trong chân lý. Trong Kitô giáo, chân lý không chỉ là một thực tại nhận thức [chú thích của người dịch conceptual reality để phân biệt với physical reality – thực tại thể lý] liên quan đến cách thức chúng ta đánh giá sự vật, xác định xem chúng là đúng hay sai. Sự thật không chỉ mang ra ánh sáng những thứ được che giấu, “vạch ra thực tại”, như thuật ngữ Hy Lạp xưa là aletheia (từ chữ “a-lethès”, “không ẩn dấu”) mà còn có thể làm chúng ta tin. Sự thật liên quan đến toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Trong Kinh Thánh, nó có nghĩa là sự ủng hộ, sự vững chắc và tin cậy, như được ám chỉ bởi từ gốc ‘aman’, là nguồn gốc của thành ngữ phụng vụ Amen của chúng ta. Sự thật là cái gì bạn có thể dựa vào, để không bị rơi. Theo ý nghĩa tương quan này, Đấng duy nhất thực sự đáng tin cậy và tín thác – Đấng mà chúng ta có thể tin tưởng chính là Thiên Chúa hằng sống. Vì thế, Chúa Giêsu mới nói: “Ta là sự thật” (Ga 14: 6). Chúng ta khám phá và tái khám phá sự thật khi chúng ta trải nghiệm điều này trong lòng mình với niềm trung thành và tin tưởng vào Đấng yêu thương chúng ta. Chỉ điều này thôi mới có thể giải phóng chúng ta: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32).

Tự do khỏi sự giả trá và tìm kiếm mối quan hệ là hai thành phần không thể thiếu nếu những lời nói và cử chỉ của chúng ta là đúng, chân thực và đáng tin cậy. Để phân biệt sự thật, chúng ta cần phải phân định mọi thứ khuyến khích sự hiệp thông và cổ vũ điều thiện với bất cứ điều gì có xu hướng cô lập, chia rẽ và chống đối. Sự thật, do đó, không thực sự được nắm bắt dù cho nó không bị áp đặt bởi một cá nhân nào. Sự thật cần phải xuất phát từ các mối quan hệ tự do giữa con người với nhau, từ việc lắng nghe lẫn nhau. Chúng ta cũng không bao giờ có thể ngừng tìm kiếm sự thật, bởi vì sự giả dối luôn luôn có thể len vào, ngay cả khi chúng ta nói ra những điều đúng. Một lý luận cho dù không ai bắt bẻ vào đâu được, và hoàn toàn dựa trên những sự kiện không thể phủ nhận, nhưng nếu nó được dùng để làm tổn thương người khác và làm mất uy tín của người đó trước mắt người khác, thì bất kể nó có vẻ đúng đến đâu đi nữa, nó cũng không phải là đúng. Chúng ta có thể nhận ra tính chân thực của những lời phát biểu qua hoa trái của chúng: liệu chúng có gây tranh cãi, chia rẽ, làm nhụt chí; hay chúng thúc đẩy sự suy tư trưởng thành và được thông tin đầy đủ, dẫn đến sự đối thoại xây dựng và những thành quả tích cực.

4. Hòa bình là những tin chân thực

Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho sự giả dối không phải là những chiến lược, nhưng là con người: những người không tham lam nhưng sẵn sàng lắng nghe, những người nỗ lực tham gia vào cuộc đối thoại chân thành để sự thật có thể nổi lên; và những người bị thu hút bởi sự thiện và chịu trách nhiệm về cách họ sử dụng ngôn ngữ. Nếu trách nhiệm là câu trả lời cho sự lan rộng của tin giả, thì một trách nhiệm nặng nề đặt trên vai những người mà công việc của họ là cung cấp thông tin, cụ thể là các nhà báo, những người bảo vệ tin tức. Trong thế giới ngày nay, công việc của họ, trong mọi khía cạnh, không chỉ là một nghề kiếm ăn; đó là một sứ mệnh. Giữa những cạnh tranh ác liệt và chạy đua ráo riết, họ phải nhớ rằng trái tim của thông tin không phải là tốc độ tường trình hay tác động của nó đối với độc giả, mà là những con người. Thông báo cho người khác có nghĩa là đào tạo người khác; nó có nghĩa là động chạm đến cuộc sống của người dân. Đó là lý do tại sao việc bảo đảm tính chính xác của các nguồn tin và bảo vệ việc truyền thông là những phương tiện thực sự để quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin và mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.

Như thế, tôi muốn mời gọi tất cả mọi người cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình. Khi nói như thế, tôi không có ý muốn nói đến loại hình báo chí đầy mật ngọt và từ chối thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề nghiêm trọng; hay loại hình báo chí chỉ đầy cảm tính. Ngược lại, tôi muốn nói đến một nền báo chí trung thực trong đó chống lại những giả dối, những thứ khẩu hiệu nghe thật kêu, và các tiêu đề giật gân. Một nền báo chí do dân tạo ra và vì dân, một nền báo chí phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có tiếng nói- và họ là đa số trong thế giới của chúng ta. Một nền báo chí ít tập trung vào các tin tức giật gân và tập chú nhiều hơn vào việc tìm ra các nguyên nhân cơ bản của các cuộc xung đột, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn và góp phần giải quyết bằng cách thiết lập các quy trình đạo đức. Một nền báo chí dấn thân vào việc chỉ ra những lựa chọn khác hơn là sự leo thang các trận chiến la hét và bạo lực bằng lời nói.

Để đạt được mục đích này, lấy cảm hứng từ một lời cầu của Thánh Phanxicô, chúng ta có thể hướng về Đấng Chân Lý với lời nguyện cá nhân sau:

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa.

Giúp chúng con nhận ra sự ác len lỏi trong thứ truyền thông không kiến tạo sự hiệp thông.

Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.

Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.

Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.

nơi có tiếng la hét, xin làm cho chúng con biết lắng nghe;

nơi có hoang mang, xin cho chúng con gợi hứng cho hài hòa;

nơi có mơ hồ, xin cho chúng con biết mang lại sự minh bạch;

nơi có sự loại trừ, hãy để chúng con mang đến tình đoàn kết;

nơi có chủ nghĩa kích động, xin cho chúng con biết dùng sự tỉnh táo;

nơi hời hợt, xin cho chúng con nêu lên những câu hỏi thực sự;

nơi có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức niềm tin;

nơi có hận thù, xin cho chúng con mang lại niềm tôn trọng;

nơi có sự giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật.

Amen.

Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2018

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …