Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12/11 – 18/11/2015: Vụ tấn công khủng bố tại Paris

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12/11 – 18/11/2015: Vụ tấn công khủng bố tại Paris

 

1. Diễn tiến vụ tấn công khủng bố tại Paris

Vụ tấn công khủng bố trong nội thành Paris và vùng phụ cận diễn ra từ lúc 21:16 giờ địa phương ngày thứ Sáu 13 tháng 11 và chấm dứt lúc 00:58 ngày thứ Bẩy 14 tháng 11 tại 7 địa điểm khác nhau với ba vụ nổ bom và sáu vụ nổ súng.

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng, trong đó thương vong nặng nề nhất diễn ra tại nhà hát Bataclan với 87 người bị giết. Hơn 200 người bị thương trong các cuộc tấn công, trong đó có 80 người được ghi nhận đang trong tình trạng nghiêm trọng. Tám tên khủng bố đã thiệt mạng nhưng nhà chức trách tin rằng một số tên đã tẩu thoát và có thể có những đồng phạm.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong một tuyên bố trên truyền hình vào lúc 23:58 giờ địa phương. Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai Pháp phải công bố tình trạng khẩn cấp.

Đây là cuộc tấn công lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố trên lục địa châu Âu kể từ khi nhà ga xe lửa Madrid bị đánh bom vào năm 2004. Vụ này gây ra một quan ngại sâu xa vì bọn khủng bố đã có thể tấn công ngay cả khi nước Pháp đã thắt chặt an ninh trước thềm Hội nghị biến đổi khí hậu năm 2015 của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Paris từ 30 tháng Mười Một đến 11 tháng Mười Hai quy tụ 50,000 tham dự viên trong đó có 25,000 đại biểu chính thức của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia, các tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ khác.

Lúc 21:16 bọn khủng bố xả súng bắn vào những người đang ngồi bên ngoài quán cà phê Le Carillon ở ngã ba đường Bichat và đường Alibert, gần kênh đào Saint-Martin ở quận 10 của thành phố Paris. Sau đó, chúng tấn công một nhà hàng Căm Bốt gần đó. Cảnh sát cho biết 11 người bên trong nhà hàng Căm Bốt bị giết chết. Bọn khủng bố tẩu thoát trên một hoặc hai chiếc xe hơi trong đó ít nhất một chiếc mang bảng số của Bỉ. 

Lúc 21:30, ba vụ nổ liên tiếp đã diễn ra tại một quán bar gần sân vận động Stade de France ở khu Saint-Denis, lúc trận đấu giao hữu giữa đội tuyển Pháp và đội tuyển Đức đã bắt đầu được khoảng hai mươi phút. 5 người được báo cáo là thiệt mạng trong những vụ nổ này. Tổng thống Pháp Francois Hollande đang có mặt trong sân vận động để theo dõi cuộc thi đấu đã được đưa an toàn ra khỏi hiện trường, và có cuộc họp khẩn với Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve. Hai trong ba vụ nổ có thể nghe được rõ ràng trên các chương trình phát sóng truyền hình trực tiếp trận đấu. Cảnh sát cho biết cả ba vụ nổ đều là đánh bom tự sát.

Lúc 21:50, bọn khủng bố tấn công vào nhà hàng La Belle Equipe trên đường Charonne ở Quận 11 giết chết 18 người.

Nghiêm trọng nhất là vụ tấn công tại nhà hát Bataclan trên đại lộ Voltaire ở Quận 11. Ban nhạc Mỹ Eagles of Death Metal đã trình diễn được khoảng một giờ trước một con số đông đảo là 1,500 người, ngồi đầy rạp hát.

Bốn tên khủng bố người da đen trang bị AK-47 bước vào rạp hát. Các nhân chứng cho biết họ nghe bọn chúng hô to “Allahu akbar” trước khi nổ súng một cách bình tĩnh và có phương pháp vào đám đông. Cuộc tấn công kéo dài khoảng 20 phút, và chúng có đủ thời gian để nạp đạn đến 3 hay 4 lần. Các nhân chứng báo cáo rằng những kẻ tấn công đã ném cả lựu đạn vào đám đông. 

Vào khoảng 10 giờ tối, khi cảnh sát kéo đến bao vây nhà hát, bọn khủng bố bắt khoảng 60 cho đến 100 người làm con tin. Các thành viên trong ban nhạc trốn thoát được nhưng bọn khủng bố đã bắn chết từng con tin một trong tiến trình giằng co với cảnh sát.

Vào khoảng 00:15, cảnh sát được lệnh tấn công vào nhà hát và kiểm soát được tình hình lúc 00:58. Các báo cáo của cảnh sát lúc ban đầu nói trên 100 người đã bị giết chết tại nhà hát. Tuy nhiên, con số này sau đó đã được hạ xuống còn 87. Bốn tên khủng bố đã thiệt mạng, ba tên nổ bom tự sát chết. Tên thứ tư bị cảnh sát bắn trúng và bom quấn quanh thắt lưng của hắn nổ tung khi hắn bị té xuống.

Một tên khủng bố khác nổ bom tự sát trên đại lộ Voltaire gần nhà hát Bataclan. 

Đây là vụ khủng bố thứ sáu tại Paris từ đầu năm đến nay. Vụ thứ nhất diễn ra từ 7 đến 9 tháng Giêng tại tòa soạn nhật báo biếm họa Charlie Hebdo, và sau đó tại một siêu thị Do Thái làm 20 người bị thiệt mạng và 22 người khác bị thương.

Gần một tháng sau đó, hôm 3 tháng Hai, 3 quân nhân đứng gác tại một trung tâm sinh hoạt của người Do Thái tại thành phố Nice bị đâm. 

Chúa Nhật 19 tháng Tư, một tên khủng bố dự định tấn công vào 2 nhà thờ trong khu vực Villejuif đã giết chết một phụ nữ để cướp xe. Hung thủ trong lúc lau súng sau khi giết người đã bị cướp cò làm bị thương một chân và kế hoạch gây án bị thất bại.

Ngày 26 tháng 6, một tên khủng bố khác chặt đầu người chủ mình và cắm thủ cấp của ông bên ngoài nhà máy trước khi lái xe tông vào một nhà máy sản xuất khí đốt với ý định làm nổ tung nhà máy này.

Ngày 21 tháng 8, một tên khủng bố tấn công trên xe lửa Amsterdam đi Paris nhưng bị hành khách khống chế.

2. Điện văn chia buồn của Đức Thánh Cha về vụ tấn công khủng bố tại Paris

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi điện văn chia buồn tới Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris về vụ tấn công khủng bố tàn bạo tối thứ Sáu 13 tháng 11. Nội dung bức điện do Đức Hồng Y Pietro Parolin gởi nhân danh Đức Thánh Cha như sau:

Được thông báo về các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng đã xảy ra tại Paris và tại khu vực Stade de France, làm nhiều người bị thiệt mạng và làm bị thương nhiều người khác, Đức Thánh Cha Phanxicô hiệp thông trong lời cầu nguyện trước những đau khổ của các gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này và trước nỗi đau của người dân Pháp. 

Ngài cầu khấn cùng Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, xin Chúa đón nhận các nạn nhân vào chốn bình an trong ánh sáng của Ngài và mang lại ủi an và hy vọng cho những người bị thương và gia đình của họ. Ngài đoan chắc sự gần gũi tinh thần với họ, và tất cả các nhân viên tham gia vào các nỗ lực cứu trợ. 

Một lần nữa, Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án bạo lực, là điều không thể giải quyết được gì, và cầu xin Chúa linh hứng cho những ý tưởng hòa bình và đoàn kết nơi tất cả mọi người và ưu ái ban phép lành cho các gia đình trong lúc thử thách này và cho tất cả những người dân Pháp.

+ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

3. Tuyên bố của Tòa Thánh về vụ tấn công khủng bố tại Paris

Ngay sau khi được tin về vụ tấn công khủng bố tại Paris, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã đưa ra thông báo sau:

“Tại Vatican, chúng tôi đang theo dõi những tin tức bi thảm từ Paris. Chúng tôi kinh hoàng trước những biểu hiện mới của sự điên loạn, bạo lực khủng bố và thù hận mà chúng tôi lên án một cách triệt để nhất cùng với Đức Thánh Cha và tất cả những người yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và những người bị thương, và cho tất cả người dân Pháp. 

Đây là một cuộc tấn công vào nền hòa bình của toàn thể nhân loại, và nó đòi hỏi một đáp trả kiên quyết, được sự ủng hộ của tất cả chúng ta khi chúng ta chống lại sự lây lan của thứ hận thù giết người dưới tất cả các hình thức của nó.”

4. Đức Hồng Y Parolin phê bình các cuộc tấn công chống Giáo Hội

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, phê bình các cuộc tấn công “cuồng điên” của một số cơ quan truyền thông chống Giáo Hội.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Amedeo Lomonaco hôm 10-11, về vụ mới đây hai cuốn sách đăng tải những tài liệu mật của Tòa Thánh bị lấy cắp liên quan đến chương trình cải tổ của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Parolin nói: “Nếu chúng ta đọc báo chí, chúng ta thấy những cuộc tấn công ấy có lẽ thiếu hợp lý, ít suy nghĩ, đầy cảm xúc, nếu không muốn nói là “cuồng điên”. Có một câu tục ngữ nói rằng: Chúa biết viết thẳng những đường cong. Chắc chắn, tôi không tin rằng những cuộc tấn công ấy có thiện ý tốt. Đó là những cuộc tấn Công Giáo Hội. Chúng có thể được diễn ra hoặc biến thành một điều tốt nếu chúng ta cũng biết đón nhận chúng với tinh thần hoán cải và trở về với Tin Mừng như Chúa yêu cầu chúng ta. Tôi sẽ tìm cách đón nhận khía cạnh này vì tất cả chúng ta đều luôn luôn cần sự hoán cải”.

Về những đối kháng mà Đức Thánh Cha nói là gặp phải trong chương trình của ngài cải tổ giáo triều và Giáo Hội, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhận xét rằng: “Thay đổi sự việc luôn luôn là điều khó khăn vì tất cả chúng ta đều bị cám dỗ muốn tiếp tục ở trong sự yên hàn, trong sự quen thuộc hàng ngày đều đều của chúng ta. Theo chiều hướng này cần vượt thắng những đối kháng. Định nghĩa những đối kháng đó là điều tự nhiên thì quá nhẹ, nhưng định nghĩa chúng là bệnh hoạn thì quá nặng. Đó là những đối kháng có thực. Tôi nghĩ rằng cần đương đầu với những đối kháng ấy trong tinh thần xây dựng, để chúng được biến đổi. Tôi tin rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề này là biến đổi những đối kháng bình thường đứng trước những thay đổi thành những dụng cụ để cải tổ. Và tất cả chúng ta đều muốn có sự cải tiến. Sự cải tiến ấy chính Đức Thánh Cha đã yêu cầu cần thực hiện cho giáo triều Roma”.

Mặt khác, hôm 10-11, cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, lại phải lên tiếng cải chính những tin “thất thiệt” của một số báo chí Italia cho rằng trong khuôn khổ các cuộc điều tra tại Vatican, một số Hồng Y hoặc giám chức cũng bị hỏi cung trong những ngày qua. Cha Lombardi gọi những tin này là “Hoàn toàn sai lầm, không có căn cứ nào cả”.

Cha Lombardi cũng bác bỏ một số thông tin về Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc quốc gia thành Vatican: báo chí nói rằng Đức Hồng Y Bertello đã tiếp xúc với chính quyền Italia, về vấn đề thất thoát các tài liệu. linh mục giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh nói: “Những tin này cũng hoàn toàn là sai”.

5. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với các nhân viên cơ quan cứu trợ người tỵ nạn của dòng Tên

Đức Thánh Cha khích lệ các nhân viên Cơ quan cứu trợ người tỵ nạn của dòng Tên tiếp tục công tác trợ giúp nhằm trao ban hy vọng và tương lai cho các người tỵ nạn trên thế giới.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 14 tháng 11 vửa qua, dành cho các nhân viên của Cơ quan nhân kỷ niệm 35 năm thành lập. Ngài đã nhắc lại lý do cha Bề trên tổng quyền Pedro Arrupe cho thành lập Văn phòng. Vì hồi đó có làn sóng người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do, bất chấp mọi hiểm nguy, các vụ tấn công của hải tặc và cái chết trên biển cả vùng Đông Nam Á. Là người đã từng chứng kiến cảnh bom nguyên tử nổ tại Hiroshima và ý thức được các chiều kích trong thảm cảnh xuất hành của người tỵ nạn, cha nhận ra nơi đó một thách đố, mà các tu sĩ dòng Tên không thể không biết tới. Cha muốn cơ quan tới gặp các anh chị em tỵ nạn và đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của họ, bằng cách cung cấp thực phẩm, quần áo, thuốc men, chỗ trú ngụ, đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng, bảo vệ phẩm giá bị thương tích, lắng nghe và an ủi họ.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha ghi nhận hiện tượng di cư tỵ nạn gia tăng mạnh trên thế giới ngày nay. Các đoàn người di cư tỵ nạn khởi hành từ nhiều nước vùng Trung Đông, Phi châu, Á châu và tìm ẩn náu bên Âu châu. Cao Uỷ tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc ước lượng có khoảng 60 triệu người tỵ nạn trên thế giới. Đây là con số cao nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến tới nay. Đàng sau các con số này có các con người với một tên tuổi, một gương mặt, một lịch sử và một phẩm giá là con Thiên Chúa không thể bị tha hóa.

Hiện nay Cơ quan cứu trợ người tỵ nạn của dòng Tên hoạt động trong 10 vùng với các dự án tại 45 nước khác nhau, cùng với sự cộng tác của các nữ tu, giáo dân và rất nhiều người tỵ nạn, trung thành với lý tưởng do cha Arrupe đề ra: đó là đồng hành, phục vụ và bảo vệ các quyền của người tỵ nạn. Việc lựa chọn sống giữa người tỵ nạn tại những nơi cần thiết, trong và sau chiến tranh, đã khiến cho tổ chức này nổi tiếng. Đức Thánh Cha đã đặc biệt nghĩ đến các nhóm sống bên Syria, Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, và vùng đông Cộng hòa dân chủ Congo. Cơ quan cứu trợ người tỵ nạn của dòng Tên trao ban hy vọng và tương lai cho người tỵ nạn qua việc giáo dục, giúp người tỵ nạn duy trì sống động niềm hy vọng, tin vào tưong lai và có các dự án cho cuộc sống. Không có gì cao đẹp hơn là cống hiến cho các trẻ em phương tiện học hành và phát huy tối đa các năng khiếu của chúng, làm sao để chúng có thể bảo vệ các quyền riêng và chung của cộng đoàn… Rất tiếc là cả các trường học cũng không tránh khỏi các vụ tấn kích của những người gieo rắc bạo lực. Tuy nhiên, việc giáo dục rất quan trọng, vì thế trong Năm Thánh Thương Xót sắp tới cơ quan cứu trợ người tỵ nạn phát động chiến dịch “Giáo dục toàn diện” với khẩu hiệu “Chúng ta hãy huy dộng lòng thương xót” nhằm giúp thêm 100.000 trẻ em có thể đi học, đặc biệt là các trẻ nữ thường bị thiệt thòi nhiều hơn.

Đức Thánh Cha bầy tỏ lòng biết ơn các ân nhân của cơ quan và khích lệ mọi người tiếp tục công tác giáo dục phát triển này cho người tỵ nạn 

6. Bộ quốc phòng Pháp cho rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Trung Phi là đầy rủi ro

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha tiếp tục giữ chương trình viếng thăm Trung Phi mặc dù Bộ quốc phòng Pháp cảnh giác rằng đó là một cuộc viếng thăm có nhiều rủi ro. Cha nói với báo Công Giáo La Croix ở Pháp: “Chúng tôi tiếp tục tổ chức cuộc viếng thăm, theo chiều hướng đó, trừ khi có chuyện bất ngờ.. Chúng tôi biết rõ về tình hình Trung Phi”.

Hãng tin Công Giáo quốc tế I.Media truyền đi hôm 12-11-2015 từ Vatican, cũng trích thuật lời tuyên bố của một nguồn tin ở Vatican nói rằng “Công cuộc chuẩn bị ở thủ đô Bangui vẫn tiến hành và tất cả cho thấy Đức Giáo Hoàng sẽ đến đây. Đối với ngài, không đến đó là một thất bại”.

Lực lượng Pháp tại Cộng hòa Trung Phi, tên là Sangaris, có 900 binh sĩ hỗ trợ cho 12 ngàn binh sĩ thuộc đạo quân Minusca của Liên Hiệp Quốc. Theo Bộ quốc phòng Pháp, quân số 900 người không đủ để bảo vệ an ninh, không những cho Đức Giáo Hoàng, nhưng còn cho hàng trăm ngàn tín hữu đến từ Trung Phi và các nước lân cận như Camerun, Congo Brazaville.. trên những con đường không được an toàn. Lực lượng Pháp bảo đảm an ninh tại Phi trường và di tản các giới chính quyền và giáo quyền trong trường hợp xảy ra tai nạn, nhưng không thể làm hơn được”.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp nói: “Ở Trung Phi, chúng tôi ở trong một nước mà quân đội và cảnh sát chưa được hoàn toàn tái lập, và do đó không có khả năng bảo đảm an ninh cho sự di chuyển của đám đông dân chúng”

7. Đức Thánh Cha tiếp kiến gia đình dòng Thánh Guanella

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 12-11 dành cho 5 ngàn tín hữu hành hương thuộc gia đình dòng Thánh Luigi Guanella, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương thánh nhân xả thân thi hành bác ái.

Cuộc hành hương diễn ra nhân dịp dòng thánh Guanella vừa kết thúc năm kỷ niệm 100 năm sinh nhật của thánh Tổ Phụ.

Trong bài huấn dụ, sau khi mời gọi các tín hữu tín thác nơi tình yêu quan phòng vô biên của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Trong thế giới không bao giờ thiếu các vấn đề và rất tiếc là thời đại chúng ta ngày nay có thêm những hình thức mới của nạn nghèo khổ và bao nhiêu bất công. Nhưng nạn hạn hán lớn nhất chính là nạn thiếu tình bác ái: nhất là cần có những người với những cái nhìn mới về tình thương và cái nhìn thông truyền hy vọng. Vì “tình yêu sẽ giúp tìm ra những cách thức và lời nói để an ủi kẻ yếu đuối”, như thánh Sáng Lập của anh chị em đã nói”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Nhiều khi thị giác thiêng liêng của chúng ta bị bệnh cận thị, vì chúng ta không nhìn xa hơn cái tôi của mình. Nhiều lần khác chúng ta bị viễn thị: chúng ta thích giúp đỡ những người ở xa, nhưng lại không có khả năng cúi mình xuống bên những người sống bên cạnh chúng ta. Trái lại đôi khi chúng ta thích nhắm mắt, vì chúng ta mỏi mệt và bị bi quan đè nặng. Thánh Guanella khuyên chúng ta nhìn Chúa Giêsu từ con tim của Ngài, và thánh nhân mời gọi chúng ta có cùng cái nhìn của Chúa: một cái nhìn trao ban hy vọng và vui mừng, đồng thời có khả năng cảm thương sinh động đối với người đau khổ”.

Thánh Luigi Guanella qua đời năm 1915 hưởng thọ 73 tuổi, Ngài sáng lập dòng các Tôi Tớ Bác Ái và dòng Nữ Tử Đức Maria Chúa Quan Phòng. Thánh Nhân nổi bật về lòng tin tưởng nơi Chúa Quan Phòng và các hoạt động bác ái. Ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong hiển thánh ngày 23-11 năm 2011 trong buổi lễ tại Quảng trường thánh Phêrô.

8. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Giám Mục Slovak

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các Giám Mục Cộng Hòa Slovak tận dụng những biến chuyển trong xã hội và văn hóa ngày nay thành cơ hội canh tân công cuộc loan báo Tin Mừng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua, 12-11, dành cho 15 Giám Mục Slovak về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Trong bài huấn dụ trao cho các Giám Mục, Đức Thánh Cha nhắc đến những thách đố do những thay đổi thời nay tạo nên trong bao nhiêu lãnh vực của đời sống con người và những thách đố do hiện tượng hoàn cầu hóa gây ra, trong đó đôi khi có những đe dọa cho những nước ít dân, nhưng đồng thời cũng có những yếu tố có thể mang lại những cơ hội mới để loan báo Tin Mừng. Trong số những yếu tố này có hiện tượng di dân. Đức Thánh Cha nói: “Giáo Hội được kêu gọi công bố và làm chứng về việc đón tiếp người di dân trong tinh thần bác ái và tôn trọng phẩm giá con người, trong khuôn khổ sự tôn trọng cần thiết đối với luật pháp”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “Ngày nay hơn bao giờ hết, cần soi sáng hành trình của các dân tộc với những nguyên tắc Kitô, đón nhận những cơ hội mà tình trạng ngày nay mang lại để phát huy công cuộc loan báo Tin Mừng, với một ngôn ngữ mới, làm cho sứ điệp Kitô dễ hiểu hơn. Vì thế, điều quan trọng là Giáo Hội mang lại hy vọng, để mọi thay đổi trong thời đại ngày nay biến thành một cuộc gặp gỡ được đổi với với Chúa Kitô, thúc đẩy dân tộc anh em tiến đến một sự tiến bộ đích thực”.

Đức Thánh Cha ca ngợi sự quan tâm của các Giám Mục Slovak đối với việc bảo vệ và mục vụ gia đình. Trong lãnh vực này, – ngài nói – cần đề cao giá trị của người trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội và xã hội. Nơi họ có một ước muốn mạnh mẽ phục vụ tha nhân và liên đới, mà các vị chủ chăn cần hướng dẫn và tín nhiệm, để ước muốn ấy biến thành một cuộc gặp gỡ sinh động với Chúa Kitô, một dự án quyết liệt phổ biến Tin Mừng. 

Thực vậy, mặc dù có bao nhiêu dua nịnh, mời gọi những người trẻ chiều theo xu hướng duy lạc thú, cuộc sống tầm thường và thành công nhất thời, nhưng người trẻ không dễ để cho mình khiếp sợ khó khăn, họ đặc biệt nhạy cảm đối với sự dấn thân không chút dè dặăt, khi họ thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống”.

Cộng hòa Slovak chỉ rộng 49 ngàn cây số vuông với 5 triệu 400 ngàn dân cư, trong đó 73% tức là gần 4 triệu người là tín hữu Công Giáo, thuộc 13 giáo phận.

9. Năm Thánh Lòng Thương Xót trong bối cảnh vụ tấn công khủng bố tại Paris

Hôm thứ Bảy, 14 tháng 11, công tố viên Francois Molins cho biết kết quả sơ khởi của các cuộc điều tra cho thấy ba nhóm sát thủ đã thực hiện 7 vụ tấn công tại Paris hôm thứ Sáu giết chết 129 người và làm bị thương ít nhất 352 người khác.

Sáng thứ Bẩy, quân đội Pháp đã đảm trách việc canh gác các đường phố theo sau vụ tấn công được ghi nhận là đẫm máu nhất trên đất Pháp kể từ khi phát xít Đức xâm lược nước này hồi Thế chiến II.

Trong khi đó, Koen Geens bộ trưởng tư pháp của Bỉ cho biết một số người đã bị bắt tại Brussels vì có liên quan đến cuộc tấn công.

Sau khi giết chết 18 người tại quán cà phê Le Carillon và tại một nhà hàng Căm Bốt gần đó, hai tên khủng bố đã tẩu thoát trên một chiếc xe hơi mang bảng số của Bỉ. Chiếc xe này của một công ty cho mướn xe tại Brussels. Lần theo dấu vết này, cảnh sát đã bắt một số người tình nghi và khám xét nhà của ba tên sát thủ đã thiệt mạng. 

Sáng sớm thứ Bảy, tổng thống Francois Hollande quy trách nhiệm vụ tấn công này cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS và mô tả vụ tấn công “hèn nhát” này là một “hành động chiến tranh”.

Hollande nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi sẽ làm việc cùng với các đồng minh của chúng tôi để chống lại mối đe dọa khủng bố này … Nước Pháp là mạnh mẽ và thậm chí nếu bị tổn thương quốc gia này sẽ luôn luôn đứng thẳng dậy và không có gì có thể đè bẹp được nó, ngay cả khi chúng ta cảm thấy nỗi đau bây giờ … Chúng ta sẽ bảo vệ chính mình. “

Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói thêm: “Chúng tôi đang có chiến tranh. Và trong cuộc chiến này, chúng tôi sẽ giành chiến thắng.”

Hôm thứ Bẩy, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đưa ra một thông cáo tự nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào “những địa điểm có chọn lọc” nhằm trừng phạt nước Pháp “thập tự quân”. Chúng còn tung ra một video kêu gọi người Hồi giáo không thể tham gia cuộc thánh chiến ở Syria hãy thực hiện các cuộc tấn công tại Pháp và các thành phố khác như Rôma, Luân Đôn…

Một đoạn nói bằng tiếng Pháp và tiếng Ả rập thúc giục người Hồi Giáo như sau:

“Bạn đã được lệnh phải chiến đấu chống lại quân vô đạo ở bất cứ nơi nào bạn thấy chúng”

Một quan chức Pháp xác nhận với NBC News rằng một hộ chiếu Syria đã được tìm thấy trên thi thể của những kẻ tấn công. Người mang hộ chiếu này đã xin tị nạn tại Liên minh châu Âu qua ngã Hy Lạp hồi tháng trước. Hiện chưa rõ liệu đó có phải là hộ chiếu của một trong tên sát thủ hay không.

Trong một thông cáo liên quan đến việc tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót, bắt đầu vào ngày 8 tháng 12, cha Lombardi khẳng định bạo lực khủng bố gây chết chóc điên loạn và vô nghĩa trong các ngày này nhằm mục đích gieo vãi kinh hoàng. Nếu chúng ta để cho mình sợ hãi là chúng đã đạt được mục đích đầu tiên. Đây là một lý do khác để cương quyết chống lại cám dỗ sợ hãi. Dĩ nhiên cần phải thận trọng, có tinh thần trách nhiệm và đề phòng hợp lý, nhưng phải tiếp tục sống, xây dựng hòa bình và tin tưởng lẫn nhau. Do đó Năm Thánh Lòng Thương Xót lại càng cần thiết hơn nữa. Sứ điệp của lòng thương xót, nghiã là của tình yêu của Thiên Chúa đem lại yêu thương và hòa giải chính là câu trả lời cho các thời điểm cám dỗ mất tin tưởng. Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng sứ điệp của lòng thương xót đã là câu trả lời lớn lao của Thiên Chúa và các tín hữu trong thời khắc đen tối và kinh hoàng của đệ nhị thế chiến, của những vụ tàn sát do các chế độ độc tài gây ra, của việc phổ biến thù hận giữa các dân tộc và con người.

Hôm nay, khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói tới đệ tam thế chiến từng mảnh, cần có sứ điệp của lòng thương xót để khiến cho chúng ta có khả năng hòa giải, xây dựng các cây cầu mặc cho tất cả, và có can đảm yêu thương. Đây không phải là thời điểm khước từ Năm Thánh hay sợ hãi. Nhưng chúng ta cần Năm Thánh hơn bao giờ hết. Chúng ta phải sống khôn ngoan, cũng như can đảm và với tinh thần hăng say, tiếp tục tiến tới, mặc dù có các tấn kích của thù hận. Đức Thánh Cha Phanxicô hướng dẫn chúng ta và mời gọi chúng ta tin tưởng nơi Chúa Thánh Thần là Đấng đồng hành với chúng ta.

10. Cha Lombardi lên tiếng trước những vu khống của báo chí

Trong cuộc họp báo ngày 11-11, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã lên tiếng cải chính tin của một vài hãng thông tấn và báo chí loan tin thiên lệch và không chính xác về nội dung một văn kiện mật, cho rằng Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là APSA, trong quá khứ đã bị lạm dụng vào một hoạt động tài chánh bất hợp pháp. Nhà chức trách tư pháp của Vatican đã mở cuộc điều tra về việc phổ biến tài liệu đó. Cơ quan APSA luôn cộng tác với các cơ quan có thểm quyền, và không hề bị điều tra, đồng thời tiếp tục thi hành hoạt động của mình trong sự tôn trọng các qui luật hiện hành”.

Cha Lombarbi cũng cho biết: Hiến binh Vatican, trong tư cách là cảnh sát tư pháp, đã báo cho Công tố viện Vatican hoạt động của hai ký giả Nuzzi và Fittipaldi, có thể họ đã cộng tác vào tội phạm phổ biến tin tức và văn kiện mật, chiếu theo luật số IX của Quốc gia thành Vatican, ngày 13-7 năm 2013 (art. 116 bis c.p).

Trong hoạt động điều tra, Công tố viện đã thu thập các bằng chứng cho thấy hai ký giả đã thật sự cộng tác vào tội phạm, và với tư cách đó họ bị điều tra.

Các giới chức điều tra cũng cứu xét một số lập trường của những người khác, vì lý do chức vụ, có thể đã cộng tác vào việc lấy những tài liệu mật nói trên.

11. Đức Thánh Cha lên án nạn bóc lột lao động

Đức Thánh Cha Phanxicô lên án nạn bóc lột sức lao động, nhất là bóc lột những công nhân “làm lậu”.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ các tín hữu và giới công nhân tại thành phố Prato sáng ngày 10-11-2015.

Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng từ Roma lúc 7 giờ sáng để bay tới Prato hơn 1 giờ sau đó. Thành phố này có khoảng 190 ngàn dân cư, trước kia có công nghệ phồn thịnh với nhiều công xưởng, nhưng rồi các chủ nhân đã di chuyển các xưởng đó tới nhiều nước khác nơi có giá công nhân rẻ hơn. Phản ứng lại, chính quyền địa phương đã mở cửa đón nhận nhiều công nhân nước ngoài với đồng lương thấp hơn. Trong bối cảnh đó, tại Prato có tới hơn 20 ngàn người Hoa hoạt động trong các công xưởng làm việc quần quật với đồng lương rẻ mạt. Số người Hoa đăng ký chính thức chỉ có 16 ngàn người, điều này chứng tỏ có nhiều người ở lậu và làm việc đen. Nhiều khi Chúa Nhật những tín hữu Công Giáo người Hoa muốn đi dự lễ cũng gặp khó khăn vì những người chủ không cho phép. Cha sở người Hoa, Phêrô Hầu, dòng Phanxicô, cho biết nhà thờ do cha phụ trách chỉ có khoảng 100 tín hữu người Hoa lui tới. Tại Prato cũng có nhiều cộng đoàn công nhân nước ngoài khác như 5 ngàn người Albani, người Pakistan, và nhiều sắc dân khác.

Đến Prato, Đức Thánh Cha đã vào nhà thờ chính tòa để kính viếng, rồi ngài lên bao lơn của mặt tiền thánh đường, giống như tòa giảng, để chào thăm 5 ngàn người tụ họp ở quảng trường bên dưới, và 30 ngàn người khác tụ tập tại các đường phố gần đó.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Cha Franco Agostinelli, Giám Mục Prato sở tại, Đức Thánh Cha thân ái chào mọi người, cả những người không đến dự được, nhất là những người già yếu, bệnh nhân và các tù nhân. Ngài nói:

“Như là người khách hành hương, tôi đến đây, thành phố phong phú về lịch sử và mỹ thuật, đã xứng danh với định nghĩa “thành phố của Đức Mẹ”. Anh chị em thật may mắn vì anh chị em nằm trong vòng tay hiền mẫu luôn che chở, luôn rộng mở để đón nhận. Anh chị em cũng được ưu đãi vì đang gìn giữ thánh tích sợi dây thắt lưng áo của Đức Mẹ mà tôi vừa được chiêm ngưỡng.

Tiếp đó, Đức Thánh Cha đã suy tư về thánh tích này, dấu chỉ sự ưu ái dành cho thành phố Prato. Trong sách Xuất Hành, trước khi giải thoát dân Do Thái khỏi cuộc lưu đày và đưa đến vùng Đất Hứa, Thiên Chúa đã dạy họ ăn mừng lễ Vượt Qua và ăn mừng theo một cách thức đặc biệt, với “lưng thắt gọn”. “Thắt gọn lưng áo” có nghĩa là đã sẵn sàng, đã chuẩn bị để lên đường, để ra đi. Đó cũng là lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta ngày nay, ngay bây giờ. Chúa mời gọi chúng ta đừng khép kín trong thái độ thờ ơ lãnh đạm, nhưng hãy mở rộng tâm lòng, tất cả chúng ta hãy lắng nghe lời kêu gọi ấy, sẵn sàng từ bỏ một điều gì đó để đến với một người hầu chia sẻ niềm vui đã được gặp gỡ Thiên Chúa, đồng thời chia sẻ nỗi niềm mệt nhọc khi bước đi trên con đường của Người. Chúa mời gọi chúng ta ra khỏi mình để đến gần tha nhân, những người nam và người nữ của thời đại chúng ta.

“Ra khỏi mình, có nghĩa là đối diện với hiểm nguy, nhưng không có niềm tin nào mà không có nguy hiểm. Một đức tin chỉ nghĩ đến riêng mình và khép kín trong nhà là một đức Tin không trung thành với lời mời gọi của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, trước những biến đổi ồ ạt những năm gần đây, có nguy cơ người tín hữu bị lạc hướng hay bị mất can đảm không tìm ra đường đi. Nhưng Thiên Chúa vẫn thúc đẩy chúng ta tìm đến với những người chưa biết Chúa, vẫn khơi dậy đam mê truyền giáo trong chúng ta, vẫn giao cho chúng ta một trọng trách mới. Chúa mời gọi Giáo Hội, Hiền Thê của Người, bước đi trên con đường chông gai của thời đại ngày nay, đồng hành với những người bị lạc lối, dựng căn lều hy vọng để đón tiếp những ai bị thương tổn và không còn chờ đợi gì nữa trong đời.

“Chính Chúa đã làm gương cho chúng ta khi Người hạ mình đến gần chúng ta. Sợi dây lưng thánh cũng gợi lại cử chỉ của Chúa Giêsu trong bữa tiệc lễ Vượt Qua, khi người lấy khăn mà thắt lưng, như một đầy tớ, và rửa chân cho các môn đệ. Người làm thế để chúng ta theo gương Người phục vụ những ai ở cạnh chúng ta. Với người môn đệ của Chúa, không người lân cận nào lại là một người xa lạ. Và cũng thế, không có ai ở quá xa, nhưng họ là những người chúng ta sắp đến gặp. Cám ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đang cố gắng thực hiện để giúp hội nhập mỗi người, chống lại nền văn hóa lãnh đạm và xa cách, để bảo vệ những kẻ yếu đuối nhất và các gia đình. Cầu mong anh chị em đừng bao giờ nản chí ngã lòng trước những khó khăn gặp phải.

Tiếp tục diễn văn trước cộng đoàn tín hữu và dân chúng ở Prato, Đức Thánh Cha nói:

“Còn một suy tư khác tôi muốn gợi lên cùng anh chị em. Thánh Phaolo đã mời gọi các Kitô hữu hãy mặc lấy một áo giáp đặc biệt, áo giáp của Thiên Chúa. Thánh nhân nói hãy mặc lấy những giá trị thánh thiêng cần thiết để có thể đương đầu với những đối thủ thực sự là ma quỷ. Chiếm địa vị ưu tiên trong bộ binh giáp vũ khí ấy là chân lý: lưng thắt đai là chân lý. (Ef 6,14) Chúng ta phải thắt đai lưng là chân lý. Vì không ai có thể xây dựng điều gì tốt lành trên nền tảng dối trá hay mờ ám. Tìm kiếm và chọn lựa chân lý không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng là một quyết định sinh tử, đánh dấu cuộc sống con người và toàn thể xã hội. Sự thánh thiêng của mỗi một con người đòi hỏi được tôn trọng, đón tiếp và có một công việc làm xứng đáng.

Tôi xin nhắc đến ở đây 5 người đàn ông và 2 phụ nữ người Hoa bị thiệt mạng cách đây 2 năm vì một vụ hỏa hạn trong khu công nghệ ở Prato này. Họ sống và ngủ trong một công xưởng nơi họ làm việc: trong khu đó ngừơi ta làm một nhà ngủ bằng giấy carton, với những giường chồng lên nhau, để tận dụng chiều cao của công xưởng ấy… Thật là một thảm trạng bóc lột và những điều kiện sống không xứng đáng với con người!

Cuộc sống của mỗi cộng đoàn đòi hỏi phải chiến đấu đến cùng chống lại mọi mưu toan tham nhũng hối lộ, một thứ bệnh ung thư bóc lột con người và sức lao động và nọc độc bất hợp pháp. Trong chúng ta và cùng với những người khác chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi chiến đấu cho sự thật và công lý!

Tôi khích lệ tất cả mọi người, nhất là những ngừơi trẻ, đừng bao giờ đầu hàng sự yếm thế và cam chịu, nhưng hãy theo gương Mẹ Maria. Mẹ là Đấng trong thinh lặng và cầu nguyện, đã biến ngày thứ bảy của tuyệt vọng thành bình minh của lễ Phục Sinh. Hỡi những ai mệt mỏi oằn oại vì những hoàn cảnh cuộc đời, hãy chạy đến với Mẹ, để được Mẹ ủi an. Con của Mẹ sẽ không bao giờ phản bội những chờ mong của chúng ta và sẽ ươm trong tim chúng ta một hy vọng không bao giờ tàn. Xin cám ơn anh chị em.”

Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha còn chào thăm nhiều người, kể cả cha sở giáo xứ người Hoa ở Prato. Rồi ngài đáp trực thăng bay đến thành phố Florence để tiếp tục cuộc viếng thăm.

12. Bộ Truyền Giáo bác bỏ những tin vu khống

Trong thông cáo công bố hôm 11-11, Bộ Truyền giáo cho biết, trái ngược với tin tức sai lầm được phổ biến, Bộ hoàn toàn tuân theo đường hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc cải tổ các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh, và những cải tổ hành chánh do Bộ Kinh Tế của Tòa Thánh trù định, Bộ Truyền giáo đệ trình cho Bộ Kinh Tế tất cả các ngân sách dự chi và kết toán chi thu. 

Vì thế những tin tức do một số cơ quan thông tin phổ biến là không đúng sự thật. Ví dụ họ viết rằng Bộ Truyền giáo cho thuê các bất động sản sang trọng với giá “thân hữu” và thậm chí còn đón nhận việc dâng tặng một phòng tắm hơi, và là sở hữu chủ của khách sạn Priscilla.

Bộ Truyền giáo xác quyết rằng: “Tất cả các bất động sản thuộc quyền sở hữu của Bộ Truyền giáo, – do ân nhân tặng để giúp các xứ truyền giáo,- đều được cho thuê với giá trị trường; không thiếu những trường hợp ngoại lệ vì tình trạng nghèo. Các bất động sản đó được cho thuê trong sự tôn trọng luật pháp hiện hành của Italia, cả Bộ truyền giáo lẫn người quản trị đều tuân hành luật pháp đó. Lợi nhuận đến từ việc cho thuê các bất động sản ấy chủ yếu được dùng để bảo trì Bộ Truyền Giáo, Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, các tổ chức truyền giáo và các giáo phận trẻ tại các xứ truyền giáo. Bộ Truyền giáo vẫn nộp thuế đều đặn cho chính quyền Italia (năm 2014, Bộ đã trả thuế bất động sản lên tới 2,169,200 Euro nguyên cho thủ đô Roma).

Thông cáo cũng nói rằng: “Bộ truyền giáo biết ơn các ân nhân, qua sự giúp đỡ của họ, họ góp phần vào việc loan báo Tin Mừng và hỗ trợ vô số các sáng kiến giáo dục, xã hội và y tế tại các nước nghèo nhất”.

Sau cùng Bộ cảnh giác rằng nếu còn tái diễn việc phổ biến những tin tức sai sự thật và có ý gian, thì Bộ truyền giáo sẽ buộc lòng phải bảo vệ thanh danh của mình nơi các cơ quan thích hợp”

Bộ Truyền giáo là cơ quan phối hợp hoạt động của 1,100 giáo phận thuộc các miền truyền giáo. Phần lớn các giáo phận này được Bộ giúp đỡ.

13. Cộng hòa Trung Phi vẫn tiếp tục hy vọng cuộc tông du của Đức Thánh Cha có thể thực hiện được 

Các Giám Mục Cộng hòa Trung Phi hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha vào cuối tháng 11 này sẽ đẩy mạnh sự hòa giải đất nước. Đức Thánh Cha Phanxicô đến để mời gọi dân chúng xây dựng đất nước trong tình yêu thương và huynh đệ.

Đức Cha Dieudonné Nzapailanga, TGM giáo phận thủ đô Bangui tuyên bố như trên hôm 11-11, trong cuộc viếng thăm trụ sở tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” ở thành phố Munich, Nam Đức.

Đức Tổng Giám Mục cho biết từ sau cuộc đảo chánh của liên minh phiến quân Seleka hồi năm 2013, Trung Phi không còn được an ninh. “Tình hình như thể chúng tôi ngồi trên đống than còn bốc khói, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng đủ làm cho ngọn lửa bùng cháy”. Trong bối cảnh đó, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha cũng là điều quan trọng đối với quan hệ giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo.

Đức Cha Cyr-Nestor Yapaupa, Giám Mục giáo phận Alindao ở miền nam Trung Phi, mô tả sự kiện Đức Thánh Cha cũng viếng thăm cộng đồng Hồi giáo và Tin Lành cũng là điều quan trọng và đầy ý nghĩa. Cả hai tôn giáo này đều được mời tham dự buổi lễ.

Đức Cha Yapaupa cũng nhắc lại rằng cuộc nổi dậy của phiến quân Seleka đã bắt đầu hồi năm 2013 tại vùng của ngài. Trong những tháng đầu tiên, phiến quân này đặc biệt chiếu cố cướp bóc các nhà xứ, các trung tâm y tế và cơ sở bác ái Caritas của Công Giáo.

Năm 2014, tình hình được cải tiến. Sau khi quân đội quốc tế được gửi tới Cộng hòa Trung Phi, phiến quân đã rời bỏ thủ đô Bangui, tuy nhiên trong giáo phận Alindao của ngài vẫn còn những thành phần Seleka, họ được võ trang hùng hậu và rất nguy hiểm. Sự kiện này khiến cho nhiều tín hữu Kitô không dám hồi hương. Ngoài ra, tình hình y tế cũng rất khó khăn: trong số 273 ngàn dân cư tại đây chỉ có 3 bác sĩ. Cả các trường học cũng thiếu nhân sự. 7 trường Công Giáo ở Alindao là những cơ sở duy nhất mở cửa trong thời kỳ khủng hoảng. Vấn đề hiện nay là tái tạo các dịch vụ y tế lưu động, để có thể giúp đỡ dân chúng tại các làng quê.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN