Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12/10/2017: Kỷ niệm 80 năm bức ảnh Lòng Chúa Thương xót

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12/10/2017: Kỷ niệm 80 năm bức ảnh Lòng Chúa Thương xót

1. Đức Thánh Cha gặp gỡ Công nghị Giáo Hội Công Giáo Canđê

Trong buổi tiếp kiến công nghị 20 Giám Mục Công Giáo Canđê hôm 5 tháng 10, Đức Thánh Cha cổ võ các vị cộng tác với nhiều thành phần khác để giúp phục hồi và tái thiết cuộc sống các tín hữu sau chiến tranh.

Các Giám Mục Công Giáo Canđê, quốc nội và hải ngoại, nhóm họp tại Roma trong những ngày này dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Phụ Louis Raphael Sako.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhắc đến các vấn đề được các Giám Mục bàn đến như sự cưỡng bách xuất cư của nhiều tín hữu Kitô, việc tái thiết các làng mạc và việc hồi hương, xác định luật riêng của Giáo hội Canđê, vấn đề phụng vụ và ơn gọi.

Ngài nói: “Tôi khuyên anh em nỗ lực không biết mệt mỏi như những người tiến tạo tình hiệp nhất, nhất là giữa anh em với nhau, và với các vị mục tử của các Giáo hội khác, tạo điều kiện dễ dàng cho việc đối thoại và cộng tác giữa mọi tác nhân của đời sống công cộng, để góp phần giúp người di tản hồi hương, và chữa lành những chia rẽ, đối nghịch giữa những người anh em với nhau… Anh em hãy kiên vững trong ý hướng và đừng nản chí trước những khó khăn còn tồn đọng, mặc dù đã có nhiều điều được thực hiện trong việc tái thiết ở Bình nguyên Ninive”.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc nhở các Giám Mục Công Giáo Canđê tránh nhận vào chủng viện những người không được Chúa kêu gọi, cần cứu xét kỹ lưỡng ơn gọi của những người trẻ và kiểm chứng sự chân thực của các ơn gọi ấy”

2. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nhận định Thiên Chúa đã bị đặt xuống hàng thứ yếu trong Phụng Vụ

Thiên Chúa đã trở nên “mờ nhạt” trong Phụng Vụ, dẫn đến những khủng hoảng trong Giáo hội, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã nhận định như trên trong lời nói đầu của cuốn sách Thần học Phụng vụ ấn bản tiếng Nga, được in lại bởi nhà xuất bản La Stampa.

Đức Giáo Hoàng danh dự nói rằng một sự hiểu nhầm về bản chất của Phụng Vụ đã dẫn con người đến đến chỗ đặt “các hoạt động và sự sáng tạo của mình” ở trung tâm của việc phụng tự.

Ngài viết: “Không có gì cao trọng hơn là sự thờ phượng Thiên Chúa. Với những lời này, Thánh Biển Đức trong bộ luật dòng của ngài (43.3) đã thiết lập ưu tiên tuyệt đối cho việc thờ phượng Thiên Chúa trên bất kỳ nhiệm vụ nào khác trong đời sống tu viện”.

Mặc dù công việc nông nghiệp và học thuật tốn rất nhiều thời gian, nhưng Thánh Biển Đức đã bảo đảm rằng Phụng Vụ phải nhận được sự chú ý tối đa, và phải nhấn mạnh đến “ưu tiên chính trong đời sống chúng ta là Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, ngày nay, “những sự liên quan đến Thiên Chúa, và việc thờ phượng Ngài xem ra không có gì là cấp bách đối với nhiều người”.

Việc cử hành Phụng Vụ đúng nghĩa giúp Giáo Hội trở nên sống động, nhưng điều này đang gặp nguy hiểm khi vị trí tối thượng của Thiên Chúa bị thách thức trong Phụng Vụ cũng như trong đời sống hàng ngày.

Đức Giáo Hoàng danh dự nhận xét rằng: “Nguyên nhân sâu sắc nhất của cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội chính là hình ảnh của Thiên Chúa bị mờ nhạt đi trong Phụng Vụ.”

“Nếu Thiên Chúa không còn quan trọng nữa, các tiêu chí sẽ chuyển sang điều người ta cho là quan trọng”. Nếu con người đặt Thiên Chúa sang một bên, con người sẽ trở thành một “nô lệ cho các lực lượng vật chất, và do đó chống lại nhân phẩm của mình”.

3. Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi than thở rằng thế giới đã lãng quên người tị nạn tại Li Băng

Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi, Thượng Phụ của Giáo Hội Công Giáo Maronite, có trụ sở tại Li Băng, đã kêu gọi thế giới chú ý đến một thực tế mà cộng đồng quốc tế có thể đã lãng quên, đó là có 1.5 triệu người tị nạn Sy-ria đang cư trú tại Li Băng. Dân số của quốc gia này rất ít, và lãnh thổ của nó cũng rất nhỏ bé. Cho nên, Li Băng là quốc gia có tỉ lệ người tị nạn cao nhất trên thế giới; hơn một phần tư dân số ở Li Băng ngày nay là những người tị nạn. Sự căng thẳng đối với cơ sở hạ tầng của đất nước, và nền kinh tế của quốc gia này có thể tưởng tượng ra được. Cố nhiên, những điều ấy cũng kéo theo những căng thẳng chính trị sâu xa.

Li Băng, như chúng ta có lẽ đã biết, là quốc gia đã nhiều lần đón tiếp những người tị nạn. Tiêu biểu là làn sóng di dân khổng lồ của người Palestine, sau khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948, và sau các cuộc chiến tranh giữa Israel và các quốc gia Ả Rập trong vùng Trung Đông vào năm 1967.

Làn sóng di dân đã làm mất ổn định chính trị nội bộ mỏng manh của Li Băng và đẩy đất nước này vào cuộc nội chiến kéo dài 17 năm. Vì vậy, những lo lắng của Đức Hồng Y thật là chính đáng. Hơn nữa, như một người gắn bó sâu sắc trong đời sống xã hội, chính trị cũng như tôn giáo của đất nước, ngài cần phải lên tiếng khi tình hình đã trở nên không thể chịu đựng nổi nữa.

4. Đề nghị của Đức Thượng Phụ Boutros al-Rahi về cách giải quyết những người tị nạn Syria

Đức Thượng Phụ đề nghị rằng những người tị nạn phải được gửi về Syria, nơi ngày nay đang có rất nhiều khu vực an toàn, và chính phủ Li Băng nên làm điều này mà không cần chờ một sự giúp đỡ quốc tế mà có thể là không bao giờ đến. 

Vấn đề là, tất nhiên, Syria không muốn chấp nhận những người tị nạn, vì nhiều người trong số họ có thể là “những thành phần nguy hiểm”, theo quan điểm của chính phủ Bashar al-Assad. Đó chính là những người mà cuộc nội chiến đã được thiết kế để đẩy họ ra khỏi biên giới trong một nỗ lực nhằm tái cân bằng các nhóm sắc tộc và tôn giáo trong nước.

Tất nhiên, những người tị nạn ở Syria có thể được định cư tại các nước thứ ba, nơi họ có thể được hội nhập tốt hơn và có thể tìm kiếm được những cơ hội sinh kế ổn định hơn. Tuy nhiên, một số nước đã từng chấp nhận rộng rãi người Syria, nay quay sang từ chối hoặc nhận rất ít.

Trong khi đó, những nước khác ở Trung Đông đang quan sát và học bài học của Li Băng. Trong khi hoan nghênh những khách ngoại kiều là một yêu cầu khách quan của Tin Mừng, như Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở chúng ta nhiều lần, người ta nên xem xét những ảnh hưởng mà điều này sẽ có trên cộng đồng nước chủ nhà. Không một quốc gia châu Âu nào chào đón những người tị nạn đến mức như Li Băng, và những gì Li Băng đã làm là một ví dụ về lòng bác ái, nhưng đồng thời cũng là một lời cảnh báo.

5. Vatican triệu tập các thành viên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái công khai chống lại giáo huấn của Giáo Hội về trợ tử

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vatican đang có kế hoạch triệu tập các thành viên trong ban quản trị các nhà thương và cơ sở điều dưỡng của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ và yêu cầu từng vị giải thích với Tòa Thánh tại sao họ khăng khăng chống lại giáo huấn của Giáo Hội về trợ tử và đề ra một chính sách cho phép các bác sĩ giết các bệnh nhân tâm thần trong các cơ sở của Giáo Hội Công Giáo.

Các viên chức cao cấp của Tòa thánh muốn lắng nghe từng người một vì sao các thành viên quản trị các cơ sở của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái khăng khăng chống lại quyết định của Bề Trên Tu Hội và quyết liệt áp dụng một chính sách mới ủng hộ việc trợ tử.

Sư huynh René Stockman, Bề Trên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã mạnh mẽ phản đối chính sách ủng hộ trợ tử của các thành viên trong ban quản trị. Tuy nhiên, tiếng nói của ngài không được lắng nghe. Nhiều người phê bình ngài thiếu khả năng lãnh đạo, không thuyết phục được các các thành viên trong ban quản trị. Tuy nhiên, chính các vị thẩm quyền của Tòa Thánh nói, họ cũng chẳng nghe.

Thật vậy, với sự ủng hộ của Đức Thánh Cha Phanxicô, bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra một tối hậu thư yêu cầu ban quản trị các cơ sở y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái này phải hủy bỏ chính sách mới trước cuối tháng Tám vừa qua vì nó trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về sự thánh thiêng của mạng sống con người.

Nhưng hai tuần trước, các thành viên quản trị của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã công khai bác bỏ tối hậu hậu thư của Tòa Thánh. Một thành viên trong ban quản trị là Herman van Rompuy, người từng là chủ tịch Hội đồng châu Âu, còn đi xa đến mức tuyên bố trên Twitter rằng “thời đại ‘Roma locuta causa finita’ đã là quá khứ” .

Bình luận về quyết định của Tòa Thánh triệu tập các thành viên ban quản trị đến Vatican, Sư huynh René Stockman nói với Catholic Herald rằng lời mời này là cơ hội cuối cùng cho tổ chức này hành xử theo đúng giáo huấn của Giáo hội.

Ngài nói

“Các thành viên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái sẽ được Vatican mời đến và giải thích về quyết định họ đã đưa ra, sau đó sẽ có quyết định cuối cùng”.

“Với đề nghị này của Tòa Thánh, đây là cơ hội cuối cùng để tổ chức chúng tôi có thể hoạt động phù hợp với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.”

Sư huynh René Stockman tin rằng Vatican sẽ không thỏa hiệp về quan điểm và Tòa Thánh sẽ không thay đổi “yêu cầu ban đầu là Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái phải theo đuổi một đường lối phù hợp với giáo lý của Giáo hội trong việc tôn trọng mạng sống con người trong mọi điều kiện”.

6. Vài nét về Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ được thành lập vào năm 1807 tại thành phố Ghent, bởi Cha Peter Joseph Triest, là người được mà án phong chân phước cho ngài đã được khai mở vào năm 2001. Đây là một dòng với đặc sủng đặc biệt là phục vụ cho người cao tuổi và bệnh tâm thần.

Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái ngày nay được coi là tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần quan trọng nhất ở vùng Flanders của Bỉ,với hơn 5,000 bệnh nhân một năm.

Khoảng 12 bệnh nhân tâm thần thuộc diện chăm sóc của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái được cho là đã yêu cầu được kết liễu mạng sống trong năm 2016 vừa qua, và hai người đã được các sư huynh chuyển đến nơi khác để nhận được các mũi tiêm chấm dứt cuộc đời của họ.

Tháng Ba vừa qua, các thành viên trong ban quản trị 15 nhà điều dưỡng tâm thần của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã công bố chính sách ủng hộ an tử . Họ nói rằng họ muốn hài hoà các hoạt động của trung tâm với luật an tử của Bỉ đã được thông qua năm 2003, một năm sau khi Hà Lan trở thành nước đầu tiên cho phép an tử.

Về mặt lý thuyết, trợ tử vẫn là một hành vi phạm tội ở Bỉ. Luật pháp chỉ bảo vệ các bác sĩ khỏi bị truy tố khi họ tuân theo các tiêu chuẩn cụ thể, trong đó bao gồm sự ưng thuận của các bệnh nhân và thân quyến của họ. Nhưng ngày càng có nhiều các trường hợp tử vong nơi những người tàn tật, những người bị chứng sa sút trí tuệ và bệnh tâm thần; là những người có khả năng chịu áp lực phải chết để tránh là gánh nặng cho gia đình và các nhân viên chăm sóc y tế. Kể từ năm 2014, trẻ em bị bỏ rơi hay vì một lý do nào đó không có người giám hộ cũng đủ điều kiện để xin trợ tử.

7. Tối hậu thư của Tòa Thánh

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sự thay đổi trong chính sách của ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã xảy ra khoảng một năm sau khi một nhà điều dưỡng của họ ở thành phố Diest, đã bị phạt 6,600 đô la vì từ chối trợ tử cho một phụ nữ 74 tuổi bị ung thư phổi.

Sư huynh René Stockman đã yêu cầu ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái ngưng ngay chính sách trợ tử được họ thông qua vào tháng Ba năm nay nhưng thất bại. 

Tháng Sáu vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Bỉ cũng đã can thiệp và tuyên bố rằng các ngài không thể chấp nhận các ca trợ tử có thể được thực hiện trong các cơ sở y tế Công Giáo. Sự can thiệp của các Giám Mục Bỉ cũng không thay đổi được tình hình.

Ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái cũng đã bỏ phớt lờ một tuyên bố về giáo huấn của Giáo Hội cấm trợ tử, được Đức Hồng Y Gerhard Müller, lúc đó là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin viết và ký tên gửi cho các thành viên.

Do đó, Sư huynh René Stockman đã thỉnh cầu sự trợ giúp của Tòa Thánh.

Vatican trước tiên yêu cầu ban quản trị đang điều hành 15 trung tâm thần trên khắp nước Bỉ, phải đảo ngược chính sách, chậm nhất là vào cuối tháng Tám.

Các thành viên trong hội đồng quản trị cũng phải ký tên vào một bức thư chung gởi cho bề trên tổng quyền của họ tuyên bố rằng họ “ủng hộ hoàn toàn quan điểm của Huấn Quyền Giáo Hội Công Giáo là luôn khẳng định rằng mạng sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ trong kể từ thời điểm thụ thai cho đến kết thúc tự nhiên của nó” .

Những người nào từ chối ký tên sẽ bị trừng phạt theo luật dòng, và thậm chí có thể bị trục xuất ra khỏi Giáo hội

Cho đến khi chúng tôi thu hình, hội đồng quản trị vẫn tỏ ra ương ngạnh và bác bỏ tất cả các yêu cầu của Tòa Thánh.

8. Ðức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị bảo vệ trẻ em.

Sáng thứ Sáu mùng 6 tháng 10, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên Hội nghị quốc tế bảo vệ trẻ em trong thế giới kỹ thuật số. Ngài kêu gọi các thành phần xã hội cộng tác để bài trừ tệ nạn này.

Trong số 300 người hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có chủ tịch Thượng viện Italia và nhiều vị đại sứ, chính quyền, và các giáo sư và nhiều chuyên gia.

Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh Cha xác nhận sự kiện hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới sử dụng Internet, và nhiều em có nguy cơ phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực, bị chài vào các mục tiêu dâm ô, bị bắt nạt, xách nhiễu tình dục… vô số các hình ảnh dâm ô được phổ biến.

Ðứng trước tình trạng trên đây, Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người đừng có thái độ thụ động, sợ hãi, cảm thấy bất lực trước hiện tượng quá rộng lớn. Trái lại cần động viên hữu hiệu để chống lại tệ nạn này, cần tránh những sai lầm quá khứ, tránh coi nhẹ những thiệt hại mà các hiện tượng nói trên có thể gây hại cho các trẻ em. Tiếp đến đừng nghĩ rằng các giải pháp kỹ thuật tự động, các hệ thống lọc và ngăn chặn là đủ để đối phó với vấn đề. Sau cùng, cần tránh quan niệm ý thức hệ cho rằng các mạng Internet là một “vương quốc tự do vô giới hạn”.

Ðức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên đây sau khi ngài được một trẻ nữ đại diện cho hàng triệu trẻ em trên thế giới tóm tắt trước Ðức Thánh Cha nội dung tuyên ngôn chung kết của hội nghị với chủ đề “Một xã hội có thể bị đoán xét tùy theo cách đối xử với trẻ em”.

9. Tuyên ngôn của Hội nghị bảo vệ trẻ em.

Trong lời nói đầu, Tuyên ngôn của Hội nghị bảo vệ trẻ em viết:

“Mỗi trẻ em có quyền được phẩm giá và an ninh. Nhưng ngày nay hàng triệu trẻ em đang bị lạm dụng và bóc lột trên thế giới. Kỹ thuật đã thay đổi cuộc sống con người theo nhiều khía cạnh rất tích cực, nhưng càng ngày nó cũng bị sử dụng để khai thác bóc lột các trẻ em.

“Ngày nay nội dung ngày càng có tính chất cực đoan và vô nhân đạo hơn được đặt vào tay các trẻ em. Sự lan tràn các mạng xã hội đã tạo nên một sự gia tăng kinh khủng các thông tin và đồng thời cũng tạo nên hậu quả là nạn bắt nạt trực tuyến, lăng mạ và xách nhiễu tình dục. Vô số các hình ảnh lạm dụng trẻ em và người trẻ được phổ biến trên mạng và tiếp tục gia tăng mau lẹ. Nạn dâm ô trên mang có ảnh hưởng mạnh mẽ trên tâm trí dễ bị lèo lái của các trẻ em.

“Các thách đố rất rộng lớn, nhưng câu trả lời của chúng ta không thể là thái độ xuống tinh thần và nản chí. Chúng ta phải cùng nhau làm việc để tìm những giải pháp tích cực. Chúng ta phải đảm bảo sao cho tất cả các trẻ em được sử dụng internet an toàn để phát triển việc huấn luyện, thông tin và nối mạng. Các công ty hoạt động trong lãnh vực kỹ thuật và các chính phủ phải tiếp tục canh tân để cải tiến việc bảo vệ trẻ em. Chúng ta cũng phải xin các gia đình, hàng xóm láng giềng và các cộng đoàn các nơi trên thế giới và chính các trẻ em hãy ý thức hơn về ảnh hưởng của internet trên các trẻ vị thành niên”.

Tuyên ngôn cũng khẳng định rằng “một công việc quan trọng được Trung tâm bảo vệ trẻ em thuộc Ðại học Giáo Hoàng Gregoriana thực hiện, cùng với Liên minh hoàn cầu “WeProtect”, Chúng tôi bảo vệ, qui tụ 70 nước, 23 công ty kỹ thuật và nhiều tổ chức quốc tế trong sứ mạng này, cũng như Tổ chức Liên Hiệp Quốc “Liên minh hoàn cầu chấm dứt bạo lực chống các trẻ em”. Ðây là một vấn đề không thể giải quyết do một nước hoặc một công ty hay một tín ngưỡng tôn giáo, hoạt động lẻ loi, vì đây là một vấn đề hoàn cầu, đòi phải có những giải pháp hoàn vũ. Nó đòi chúng ta phải phát triển ý thức và động viên hoạt động mỗi chính phủ, mỗi tín ngưỡng, mỗi công ty và mỗi tổ chức”.

Trong thời đại Internet này, thế giới phải đương đầu với những thách đố chưa từng có, nếu muốn bảo vệ các quyền và phẩm giá của các trẻ em, và bảo vệ chúng chống lại những lạm dụng và bóc lột. Những thách đố này đòi phải có một cách suy nghĩ mới và lối tiếp cận mới, một sự ý thức cao độ hơn trên bình diện hoàn cầu và một giới lãnh đạo sáng suốt. Vì thế, tuyên ngôn ở Roma này kêu gọi tất cả hãy đứng lên bảo vệ phẩm giá của các trẻ em”.

10. Kỷ niệm 80 năm các tấm ảnh Lòng Chúa Thương xót đầu tiên được in.

Tháng 10 năm 1937, tại Cracovia, Chúa Giêsu đã truyền cho sơ Faustina, nay là thánh Faustina, tôn vinh giờ Ngài “chịu nạn”, 3 giờ chiều, giờ mà chính Chúa Giêsu gọi là “giờ của lòng thương xót lớn lao cho toàn thế giới”. Chúa Giêsu cũng nói: “Trong giờ đó, ơn cứu độ được thực hiện cho toàn thế giới, lòng thương xót chiến thắng sự xét xử.”

80 năm sau, lúc 15 giờ ngày 28/09 vừa qua, ngày kỉ niệm chân phước Michal Sopocko – cha giải tội của sơ Faustina – cùng các tín hữu đã lần hạt Lòng Chúa Thương xót trên nhiều đường phố của Balan. Ðây là sáng kiến của phong trào “Chiếu tỏa Lòng Chúa Thương xót”, một phong trào được thành lập cách đây 10 năm. Dân chúng đọc kinh Lòng Thương xót trên các nẻo đường, các ngả tư, tại Balan cũng như trên thế giới, tại các nơi công cộng và mời gọi khách đi đường cùng cầu nguyện.

Cha Sopocko là vị tông đồ đầu tiên của Lòng Chúa Thương xót; cha đã xuất bản các tác phẩm về Lòng Chúa Thương xót, tìm cách để thiết lập ngày lễ Lòng Chúa Thương xót, đóng góp vào việc vẽ hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót đầu tiên và đồng sáng lập một hội dòng. Năm 2004, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức của cha. Tháng 12 năm 2007, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã chứng nhận phép lạ qua lời chuyển cầu của cha Sopocko. Ngày 28 tháng 09 năm 2008, lễ phong chân phước cho cha đã được cử hành tại đền thành Lòng Chúa Thương xót ở Bialystok.

Ðức Thánh Cha Phanxicô trong thư gửi Đức Giám Mục giáo phận Lodz cho biết ngài cũng hiệp thông trong lời cầu nguyện. Năm 2017, các người tham dự buổi đọc kinh cầu nguyện cho chính mình, cho những người thân yêu của họ, cho quê hương, cho Giáo hội và cho thế giới, đặc biệt cho các Kitô hữu bị bách hại và cho những kẻ bách hại.

11. Nghi thức đặt bảng kỷ niệm tại nhà in nơi tấm ảnh Lòng Chúa Thương Xót đầu tiên được in ra

Chương trình cầu nguyện năm 2017 còn có một chiều kích đặc biệt khác, đó là 80 năm trước, vào ngày 27 tháng 09 năm 1937, tại nhà in J. Cebulski, số 22 đường Szewska, thành phố Cracovia, 22 hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót đầu tiên, với dòng chữ: “Giêsu, con tín thác vào Chúa”, đã được in trước sự hiện diện của sơ Faustina.

Trong nghi thức đặt bảng kỷ niệm nhà in này, Mẹ tổng quyền của dòng Ðức Bà Lòng Thương xót Petra Kowalczyk đã nhắc rằng thánh Faustina đã nhìn thấy Chúa Giêsu như được vẽ trong các hình ảnh tại đan viện ở Plock. Sau đó thánh nữ đã theo dõi việc vẽ Chúa Giêsu ở Vilnius và cuối cùng, với sự kiểm soát của thánh Faustina, các hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót đầu tiên đã được in. Ngày nay hình ảnh này là một trong những hình ảnh đạo được phổ biến nhất trên thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Cracovia – là Đức Cha Marek Jedraszewski – nhấn mạnh rằng nghi thức cầu nguyện và đặt bảng kỷ niệm nhà in hôm nay là một bước trong việc tuyên bố sự thật về Lòng Chúa Thương xót đã được bắt đầu với việc in các hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót. Ngài cũng nhấn mạnh nghi thức này được cử hành vào dịp kỷ niệm 9 năm cha Michal Sopocko – linh hướng và giải tội của sơ Faustina – được phong chân phước.

12. Tình cảnh bị lãng quên của các thanh niên, thiếu nữ người Yazidi.

Shireen Jerdo Ibrahim, một thiếu nữ người Yazidi ở miền bắc Iraq, đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt và bị làm nô lệ vào năm 2014 nhưng sau đó cô đã trốn thoát được. Hôm thứ Ba, mùng 03 tháng 10 năm 2017, trong buổi trình bày về “Cứu trợ khẩn cấp và trách nhiệm về cuộc diệt chủng ở Iraq và Syria, Ibrahim đã nói với một tiểu ban của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ rằng vẫn còn hàng ngàn thanh thiếu niên nam nữ đang bị bắt giữ. Cô khẩn cần các thành viên Quốc hội có mặt cứu họ khỏi bị giam cầm.

Yazidis là một nhóm tôn giáo thiểu số sống tại tỉnh Ninivê, miền bắc Iraq. Họ là con cháu của người Kurd và tôn giáo của họ được kết hợp các yếu tố của Kitô giáo, Do thái giáo và Zoroast. Nhà nước Hồi giáo xem họ là người thờ ma quỷ.

Năm 2014, khi ISIS chiếm miền bắc Iraq, đã giết và bắt làm nô lệ nhiều người Yazidis, bao vây một nhóm đông đảo ngừoi Yazidi đang trú ngụ trên núi Sinjar. Những người Yazidis dần dần bị chết đói và chết khát, cho đến khi các đội cứu trợ do Hoa kỳ dẫn đầu cung cấp cho họ các thứ cần thiết và đánh đuổi lực lượng ISIS.

Ibrahim chia sẻ rằng mục đích của ISIS là “nhổ rễ” người Yazidis và Kitô hữu ở Iraq, các nhóm thiểu số không thể sống trong cùng môi trường. Cô cũng cho biết ISIS đã giết và bắt hàng ngàn người Yazidis, mỗi tuần cô nhìn thấy những nấm mồ tập thể của đồng bào cô.

Ibrahim bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt khi đang chạy trốn và bị chia cắt khỏi gia đình. Chúng đưa cô đến một nhà tù ở Badoosh rồi bán cô sang Raqqa, nước Syria. Ở đây cô bị tra tấn, rồi bị đưa đến Mosul, bị bán 5 lần. Ở Mosul, hàng trăm và hàng ngàn thiếu nữ Yazidis bị bán như các nô lệ tình dục. Ðối với Ibrahim, 9 tháng bị ISIS bắt giữ là thời gian ở trong địa ngục. Cô cho biết hầu hết người Iraq đã được giải thoát nhưng người Yazidis vẫn còn mất tích.

Ibrahim kêu gọi Hoa kỳ giúp người Yazidis định cư và giải cứu các người thân của họ đang bị cầm tù và giúp họ xây dựng lại quê hương. Những người trẻ được giải cứu khỏi tay ISIS cần được trợ giúp và chăm sóc tâm lý xã hội vì họ bị thương tổn trầm trọng.

Ibrahim cho biết, dù bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị đánh đuổi khỏi Iraq nhưng ý thức hệ của họ vẫn còn. Và theo cùng ý thức hệ này, một nhóm khác có thể tấn công những nhóm thiểu số. Chính cựu nghị sĩ Frank Wolf cũng xác định điều này sau khi thăm các vùng ở Iraq. Ông khẳng định rằng nếu các quốc gia như Hoa kỳ không có hành động mạnh mẽ thì trong một ít năm tới, Kitô giáo sẽ biến mất khỏi Iraq, cũng như các tôn giáo và chủng tộc khác nhau trong vùng cũng không còn. Ðiều này có thể dẫn tới tình trạng bất ổn, bạo lực cực đoan và khủng bố ở Trung đông. 

13. Khóa Họp tiền Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 2018 về giới trẻ.

Những người trẻ Ðại diện các Hội Ðồng Giám Mục, các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, các dòng tu, và nhiều thành phần khác của Giáo Hội và ngoài Giáo Hội sẽ được tham dự khóa họp Tiền Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về giới trẻ, tổ chức tại Roma từ ngày 19 đến 24 tháng 3 năm 2018.

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 4 tháng 10 năm 2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô, chính Ðức Thánh Cha Phanxicô thông báo về Khóa họp này do Văn Phòng Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục triệu tập. Ðược mời tham dự khóa họp này để chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục về giới trẻ có các bạn trẻ Công Giáo, các bạn trẻ Kitô thuộc các hệ phái khác, các tôn giáo khác và cả những người không tín ngưỡng.

Ðức Thánh Cha nói: “Sáng kiến này nằm trong hành trình chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về đề tài “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”, sẽ nhóm tại Roma vào tháng 10 năm 2018. Với hành trình này, Giáo Hội muốn đặt mình lắng nghe tiếng nói, sự nhạy cảm, đức tin và cả những nghi ngờ và những phê bình của người trẻ. Vì thế, những kết luận của khóa họp vào tháng 3 năm 2018 sẽ được chuyển đến các nghị phụ”.

14. Ðức Hồng Y Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục nói về khóa Họp tiền Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 2018 về giới trẻ.

Sau thông báo trên đây của Ðức Thánh Cha, Ðức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã ra thông cáo cho biết thêm một số chi tiết về việc tổ chức: Bộ giáo dân, gia đình và Sự Sống sẽ cộng tác với Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục để tổ chức khóa họp này. Ðược mời tham dự cũng có đại diện của các chủng sinh và tu sinh chuẩn bị tiến lên chức linh mục, các hiệp hội và phong trào của Giáo Hội, các Giáo Hội và Cộng đoàn Kitô, các tôn giáo khác, cũng như đại diện thế giới học đường, đại học và văn hóa, lao động, thể thao, nghệ thuật, thiện nguyện, và thế giới người trẻ ở trong các môi trường “ngoại biên của cuộc sống”, cũng như các chuyên gia, các nhà giáo dục, huấn luyện viên dấn thân trong việc giúp người trẻ phân định những chọn lựa trong cuộc sống.

Ðức Hồng Y Baldisseri nói rằng: “Khóa họp Tiền Thượng Hội Ðồng Giám Mục vào tháng 3 năm 2018 sẽ góp phần phong phú hóa giai đoạn tham khảo ý kiến đã được khởi sự qua việc công bố “Tài liệu chuẩn bị” với bản câu hỏi đính kèm, việc mở một trang mạng trên Internet chứa đựng một bản câu hỏi dành cho ngừơi trẻ, và ngoài ra có một cuộc Hội luận quốc tế về tình trạng thế giới người trẻ nhóm họp hồi tháng 9 năm 2017.

Việc chọn thời điểm nhóm khóa họp tiền Thượng Hội Ðồng Giám Mục, từ 19 đến 24 tháng 3 năm 2018 cũng có mục đích để các tham dự viên, sau khóa họp, có thể dự Thánh Lễ do Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành, Chúa Nhật Lễ Lá, tại Quảng trường thánh Phêrô nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 33 trong năm 2018 với chủ đề “Hỡi Maria, đừng sợ, vì Người đã được ơn phúc của Thiên Chúa” (Lc 1,30).

15. Các nữ tu mù dòng Thánh Thể Don Orione.

Cách đây 90 năm, ngày 15 tháng 8 năm 1927, bên cạnh dòng các linh mục Con Cái Chúa Quan phòng và dòng các Nữ tu Thừa sai Bác ái để hỗ trợ tinh thần qua việc cầu nguyện cho các hoạt động thuộc của các dòng thuộc gia đình Don Orione, cha thánh Luigi Orione đã thành lập thêm một ngành đặc biệt trong gia đình dòng của ngài, với các thành viên khiếm thị, có mục đích dâng hiến sự khiếm khuyết thể lý này cầu nguyện cho ơn cứu độ của thế giới. Ðó là dòng các nữ tu Thánh Thể Don Orione.

Chính thánh Orione, khi còn là linh mục cha sở nhà thờ chánh tòa Tortona, mỗi đêm ngài suy niệm và chầu Thánh thể nhiều giờ trước bàn thờ Thánh Thể. Ý tưởng thành lập dòng các nữ tu khiếm thị đến với cha vào năm 1913, từ sự gợi ý của giáo sư mù Augusto Romagnoli, giám đốc học viện người mù “Regina Margherita” ở Roma, là học viện đón tiếp các người trẻ bị mù, có ý hướng đi tu những không thể sống trong các hội dòng bình thường. Từ năm 1916, cha Orione đã bắt đầu gửi các người nữ bị mù đến cộng đoàn để, nếu Chúa muốn, cha sẽ thành lập dòng các nữ tu mù đầu tiên. Cha tin rằng, nếu Chúa muốn thì mọi sự sẽ tốt đẹp. Ngày 15 tháng 8 năm 1927, 4 nữ tu Thánh Thể mù đầu tiên đã họp lại và sống chung với nhau thành cộng đoàn. Ðây là một cuộc cách mạng thật sự trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, thời điểm mà trong xã hội có những đối xử phân biệt rất nặng nề. Cha Orione muốn mọi người hiểu rằng tính phổ quát hoàn vũ của đặc sủng là hoạt động của Thiên Chúa quan phòng, Ðấng đã chọn cha trở nên khí cụ của gia đình mời này trong Giáo hội. Hiện nay dòng các nữ tu khiếm thị hiện diện ở Italia, Tây ban nha, Phi Luật Tân, Kenya, Á Căn Đình, Ba Tây và Chilê.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …