1. Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran qua đời ở tuổi 75
Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm và là người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, đã qua đời ở tuổi 75 ở Hartford, Connecticut, Hoa Kỳ, nơi ngài được điều trị y khoa. Ngài đã mắc bệnh Parkinson trong nhiều năm qua.
Mới tháng Tư vừa qua, vị Hồng Y, người Pháp đã thực hiện một sứ mạng quan trọng là dẫn đầu một phái đoàn Vatican đến Ả-rập Xê-út.
Bên cạnh đó, trong vai trò là Hồng Y “trưởng đẳng phó tế”, vào năm 2013, ngài đã xuất hiện tại ban công Đền Thờ Thánh Phêrô để thông báo với thế giới “Habemus papam” – “Chúng ta có Giáo Hoàng.”
Trong một bức điện gởi cho người em gái của Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn và ca ngợi “tinh thần phục vụ và tình yêu dành cho Giáo Hội” của Đức Hồng Y.
Đức Thánh Cha ghi nhận rằng Đức Hồng Y Tauran để lại những dấu ấn sâu sắc và lâu dài cho Giáo Hội, đồng thời nhìn nhận sự tin tưởng và kính trọng lớn lao mà nhiều người dành cho ngài, cách riêng là những người Hồi giáo.
Đức Thánh Cha viết tiếp:
“Tôi có những kỷ niệm tốt đẹp về con người với đức tin sâu sắc này, là người can đảm phục vụ Giáo Hội của Chúa Kitô đến cùng, bất kể gánh nặng của bệnh tật”.
Đức Hồng Y Tauran sinh ra ở Bordeaux, Pháp, ngày 5 tháng 4 năm 1943. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1969 và gia nhập ngành ngoại giao của Vatican vào năm 1975. Ngài từng làm việc tại các Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Cộng hòa Dominica và Liban từ 1975 đến 1983. Ngài là đại diện của Tòa Thánh tại hội nghị về an ninh và hợp tác châu Âu từ năm 1983 đến năm 1988. Trong thời gian phục vụ tại đây ngài làm nổi bật quan điểm của Vatican về nhân quyền vào thời điểm các chế độ trong khối Xô viết của Đông Âu đang suy yếu dần.
Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử vào Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lần đầu tiên với chức danh phụ tá ngoại trưởng Tòa Thánh vào năm 1988. Từ năm 1990, và trong 13 năm sau đó, ngài là ngoại trưởng Tòa Thánh.
Hầu hết công việc của Đức Hồng Y diễn ra trong hậu trường, liên quan đến các cuộc họp không được công bố hàng ngày với các nhà ngoại giao cạnh Tòa Thánh và với các nhà lãnh đạo trên thế giới. Nhưng đôi khi ngài cũng xuất hiện công khai để bày tỏ các quan điểm của Vatican – về các lãnh vực như chiến tranh và hòa bình, Thánh Địa Giêrusalem hoặc về quyền của cộng đồng Công Giáo thiểu số.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã tấn phong tổng giám mục cho ngài vào tháng Giêng năm 1991 và nâng ngài lên hàng Hồng Y vào năm 2003, ngay sau khi đưa ngài lên hàng lãnh đạo Thư viện và Văn khố Mật Vatican.
Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cử ngài làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, nhằm thúc đẩy các nỗ lực đối thoại với các đại diện của các tôn giáo khác, bao gồm cả Hồi giáo. Đức Bênêđíctô thứ 16 đã từng đặt Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn dưới quyền của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa vào năm 2006 nhưng, cùng với việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Tauran vào chức vụ chủ tịch ủy ban này, ngài đã phục hồi Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn như một cơ chế độc lập và quan trọng trong giáo triều Rôma.
Phát biểu tại một hội nghị về đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo ở Qatar năm 2004, Đức Hồng Y Tauran nói với những tham dự viên rằng các nhà lãnh đạo chính trị không có gì phải lo sợ nơi các tín hữu của những tôn giáo đích thực.
“Khi các tín hữu được công nhận và tôn trọng, họ sẽ có khuynh hướng làm việc cùng nhau cho một xã hội mà họ có đầy đủ tư cách thành viên”.
Ngài đã từng nói với các nhà ngoại giao rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã đưa ra nhiều tuyên bố chống lại các cuộc xung đột và chiến tranh thế giới. Đó không phải là nỗ lực tham gia vào chính trị của ngài, nhưng là để cho những người nam nữ trên thế giới thấy được con đường chính xác, để họ thức tỉnh lương tâm, và để nêu bật các quyền lợi và những cam kết do họ đưa ra, cũng như lặp lại một cách mới mẻ những lời trong Tin Mừng: ‘Phúc cho ai kiến tạo hòa bình.’“
Với cái chết của ngài Hồng Y đoàn còn 225 thành viên, trong đó 124 vị dưới 80 tuổi và do đó hội đủ điều kiện để bỏ phiếu trong một mật nghị bầu Giáo Hoàng.
2. Hội nghị về tình trạng các tín hữu Kitô Trung Đông
Ngày 7 tháng 7, Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Trung Đông đã có cuộc họp về tình trạng các tín hữu Kitô Trung Đông tại thành phố Bari, Italia. Chủ đề của cuộc gặp gỡ này là “Hòa bình ở cùng anh chị em! Các Kitô hữu hiệp nhất vì Trung Đông”
Trước đó, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã diễn ra cuộc họp báo để giới thiệu cuộc họp quan trọng này. Các diễn giả là Đức Hồng Y Leonardo Sandri, tổng trưởng Bộ Các Giáo hội Đông phương; và Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô giáo.
Theo Đức Hồng Y Leonardo Sandri, ý tưởng về cuộc họp tại Bari đến từ Trung Đông và từ nhiều tiếng nói: các Giáo hội và Thượng Phụ đã nêu vấn đề trực tiếp với Đức Thánh Cha trong các chuyến viếng thăm Rôma của các ngài.
Sự kiện ngày 7 tháng 7 bao gồm hai khoảnh khắc chính: lời cầu nguyện trên bờ biển với các tín hữu muốn tham gia trực tiếp qua hệ thống truyền hình, và thời điểm suy tư và lắng nghe lẫn nhau giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội tại Trung Đông. Các vị sẽ nêu lên quan điểm của mình, cùng với những quan sát và đề xuất.
Đức Hồng Y Leonardo Sandri cho biết Bari được chọn là nơi diễn ra cuộc họp vì thành phố này là nơi có di tích Thánh Nicholas và là nơi Mẹ Thiên Chúa được tôn kính đặc biệt với tước hiệu Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành. Thành phố này là sự hiện diện của phương Đông ở phương Tây, một nơi hành hương và một cửa ngõ cho hy vọng.
Đức Hồng Y Kurt Koch nhận xét rằng Trung Đông, vùng đất là nguồn gốc của Kitô Giáo, nhưng đáng buồn đó cũng là một trong những khu vực trên thế giới mà tình hình của các tín hữu Kitô là bấp bênh nhất. Bởi vì có quá nhiều các cuộc chiến tranh và khủng bố, nhiều gia đình phải từ bỏ quê hương lịch sử của họ để tìm kiếm an ninh và một tương lai tốt đẹp hơn. Tỷ lệ Kitô hữu ở Trung Đông đã giảm đáng kể trong suốt một thế kỷ qua. Trước Thế chiến thứ nhất các tín hữu Kitô chiếm 20% dân số Trung Đông, bây giờ chỉ còn 4%.
Là một khu vực tử đạo, Trung Đông cũng là một nơi mà các mối quan hệ đại kết mạnh mẽ hơn và hứa hẹn hơn, đặc biệt là giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo.
3. Đức Hồng Y Malcolm Ranjith chỉ trích hệ thống giáo dục phi nhân bản của Sri Lanka
“Các nhà lãnh đạo của đất nước này nên hiểu rằng hệ thống giáo dục tại quốc gia này cần được thay đổi tận căn”: Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám mục Colombo, đã bày tỏ mối quan ngại của ngài đối với hệ thống giáo dục hiện tại của Sri Lanka. Ngài đặc biệt lên án tiến trình loại bỏ các chương trình “giáo dục tôn giáo”, mà các chính phủ kế tiếp nhau đã theo đuổi theo hướng thúc đẩy một hệ thống giáo dục phi tôn giáo.
Đức Hồng Y cho biết ngài đã có nhiều yêu cầu Chính phủ và đã viết một bức thư cho Tổng thống để nói lên những lo ngại về hệ thống giáo dục và tương lai của thế hệ trẻ: đặc biệt, Giáo Hội Công Giáo tại Sri Lanka lên án một nghị định vừa được chính quyền phê chuẩn bắt buộc học sinh phải đi học ngày Chúa Nhật. Theo quyết định mới tất cả học sinh từ 6 đến 19 tuổi bất kể tôn giáo đều phải cắp sách đến trường 7 ngày trong một tuần. Cả các học sinh Kitô giáo cũng phải đi học như một điều kiện tiên quyết để vượt qua các kỳ thi.
Ngày Chúa Nhật đã trở nên một ngày vất vả cho học sinh. Bên cạnh các lớp chính thức, học sinh còn phải đi học thêm vào tối Chúa Nhật để đạt điểm cao trong các kỳ thi.
Giải thích tâm tư của toàn thể Giáo hội ở Sri Lanka, Đức Hồng Y nói ngài đã yêu cầu chính phủ bỏ quy định bắt học sinh theo học ngày Chúa Nhật. Và ngài kết luận rằng: “Ở đất nước này hệ thống giáo dục của chúng ta đang bị phá hủy”.
Giáo Hội Công Giáo ở Sri Lanka điều hành 1,155 trường Chúa Nhật để dạy giáo lý và các sinh hoạt thiếu nhi với hơn 13,000 giáo viên và gần 202,000 học sinh trong 12 giáo phận trên toàn quốc.
Việc dạy giáo lý cho học sinh vào ngày Chúa Nhật là mối quan tâm của Giáo Hội tại Sri Lanka. Nếu chính phủ kiên quyết bắt học sinh học 7 ngày trong tuần, Giáo Hội đề nghị một chương trình giáo lý cho các học sinh Công Giáo đang học tại các trường công lập.
Ủy ban Giám mục Sri Lanka về Giáo lý và Kinh thánh đã gửi một tài liệu cho Bộ Kitô Giáo Sự Vụ của Sri Lanka để yêu cầu xuất bản sách giáo khoa về giáo lý trong trường hợp chính phủ chấp nhận đề nghị trên.
4. Các sắc lệnh công nhận các nhân đức anh hùng của 4 vị giáo dân
Sáng ngày 5 tháng 7, 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh. Trong buổi tiếp kiến này, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn và truyền cho Bộ Tuyên Thánh công bố các sắc lệnh liên quan đến việc nhìn nhận:
– các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Pietro Di Vitale, giáo dân; sinh ngày 14 tháng 12 năm 1916 tại Castronovo di Sicilia, Ý, và qua đời vào ngày 29 tháng 1 năm 1977;
– các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Giorgio La Pira, giáo dân; sinh ngày 9 tháng 1 năm 1904 tại Pozzallo, Ý, và qua đời tại Florence, Italy ngày 5 tháng 11 năm 1977;
– các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Alexia González-Barros y González, giáo dân, sinh ngày 7 tháng 3 năm 1971 tại Madrid, Tây Ban Nha, và qua đời tại Pamplona, Tây Ban Nha ngày 5 tháng 12 năm 1985;
– các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Carlo Acutis, giáo dân sinh ngày 3 tháng 5 năm 1991 tại London, Anh, và qua đời tại Monza, Ý vào ngày 12 tháng 10 năm 2006.
5. Đức Tổng Giám Mục Menghesteab mô tả triển vọng hòa bình giữa Eritrea và Ethiopia là một phép lạ
Eritrea là một quốc gia ở vùng Sừng Châu Phi, đặt thủ đô tại Asmara. Eritrea giáp với Sudan ở phía tây, Ethiopia ở phía nam, và Djibouti ở phía đông nam.
Từ năm 1998 đến nay quốc gia này ở trong tình trạng “không chiến tranh nhưng cũng chẳng có hòa bình” với nước láng giềng Ethiopia ở phía nam.
Trong mấy tháng qua những phát triển hòa bình đã được bắt đầu khi Abiy Ahmed trở thành Thủ tướng Ethiopia vào tháng Tư năm nay. Abiy, 42 tuổi, là nhà lãnh đạo quốc gia trẻ nhất của châu Phi. Ông đã đưa ra các cải cách chính trị và kinh tế sâu rộng và nhanh chóng. Một phần quan trọng của cải cách này là mong muốn của Abiy chấm dứt cuộc chiến quân sự giữa Ethiopia và Eritrea bằng cách trả lại cho Eritrea các lãnh thổ tranh chấp bao gồm thị trấn biên giới Badme. Nếu việc bàn giao này xảy ra, Ethiopia sẽ tuân theo các điều khoản của Hiệp định ngưng bắn Algiers vào năm 2000.
Hôm thứ Ba 3 tháng 7, một phái đoàn Eritrea đã đến Addis Ababa và được thủ tướng Abiy Ahmed chào đón nồng hậu. Đức Hồng Y Berhaneyesus Souraphiel, là Tổng giám mục của Addis Ababa, cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo Ethiopia khác đã ra sân bay Quốc tế Bole của Addis Ababa để cùng với Thủ tướng đón khách.
Reuters tường thuật rằng Thủ tướng Abiy đã thông báo với chính quyền Eritrea rằng Ethiopian Airlines sẽ khởi động lại các chuyến bay đến Eritrea lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Phát biểu với Vatican News hôm thứ Tư 4 tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Menghesteab Tesfamariam, cho biết có sự hưng phấn, một cảm giác tuyệt vời về hy vọng giữa người Eritrea và người Ethiopia trước những diễn tiến hòa bình quá nhanh như vậy.
Tổng giáo phận Asmara đã tổ chức một tuần cầu nguyện cho hòa bình. Tình hình tuy khả quan nhưng vẫn có những yếu tố đáng lo ngại. Những nhượng bộ của thủ tướng Abiy để mưu cầu hòa bình với Eritrea đã vấp phải những kháng cự mạnh mẽ tại Ethiopia. Trong một cuộc tuần hành có sự tham dự của thủ tướng vào hôm thứ Bẩy 30 tháng 6, một số thành phần chống đối đã ném lựu đạn vào đám đông.
6. Hầu hết các giáo phận tại Pháp không có tân linh mục được thụ phong trong năm nay
Pháp đang chứng kiến một sự sút giảm đáng kể các tân linh mục.
Theo những con số thống kê được tờ La Croix tổng hợp, 114 tân chức sẽ được thụ phong linh mục ở nước này trong năm 2018. Đây là một sự sút giảm đáng kể so với năm 2017 khi 133 vị được thụ phong linh mục.
Trong số 114 linh mục này, 82 vị là linh mục triều, trong số đó có hàng chục vị từ các cộng đồng hay các hiệp hội đời sống tông đồ. Sáu vị là thành viên của Cộng đồng Emmanuel, và bốn vị thuộc Con Đường Tân Dự Tòng.
Hình ảnh đặt tay và cầu nguyện cho bốn thầy phó tế và sáu linh mục tại Palais des Sports ở Gerland được kể là biến cố phong chức lớn nhất tại Pháp vừa diễn ra ở Tổng Giáo Phận Lyon.
7. Côn đồ thân chính phủ Nicaragua tấn công nhà thờ và bao vây các linh mục
Hôm thứ Hai, một liên minh quân sự gồm có cảnh sát, và bọn du đảng thân chính phủ Ortega của Nicaragua đã được lệnh triệt hạ các chướng ngại vật được người biểu tình dựng trên đường cao tốc dẫn đến thành phố La Trinidad, khoảng 60 dặm về phía bắc của thủ đô Managua.
Các phương tiện truyền thông nhà nước nói một người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ – mặc dù các nguồn tin độc lập nói có đến bốn người thiệt mạng. Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ Châu hiện đang tiến hành các cuộc điều tra tại Nicaragua nói đã có hơn 220 ca tử vong trong 75 ngày biểu tình vừa qua.
Rosario Murillo, Phó tổng thống Nicaragua, và là vợ của tên độc tài Ortega nói rằng các cuộc tấn công nhằm loại bỏ những phong tỏa trên đường cao tốc là một “công việc xuất phát từ đức tin nơi Thiên Chúa.”
“Giao thông sáng nay đã phục hồi và an ninh trên đường cao tốc đã được bảo đảm cho phép xe cộ di chuyển tự do. Đó là một phép lạ, một công việc xuất phát từ đức tin nơi Thiên Chúa.”
Mặc dù không nêu đích danh bà ta, Đức Giám Mục Silvio Jose Baez, phụ tá của tổng giáo phận Managua, trích dẫn Sách Xuất hành trên Twitter, nói rằng, “Ngươi không được kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.”
Vô cớ, ngài nói, có nghĩa là “không có một lý do chính đáng”, danh của Thiên Chúa không thể bị lạm dụng cho các lợi ích cá nhân và phe nhóm.
Trong khi giao tranh giữa hai bên xảy ra, một nhóm các linh mục từ các giáo xứ lân cận đã chạy ra trong cố gắng làm trung gian hòa giải giữa người biểu tình và lực lượng của Ortega. Tuy nhiên, các ngài bị một nhóm du đảng thân nhà nước bao vây. Linh mục Eugenio Rodríguez, một trong những linh mục này nói với AFP là các ngài bị chặn bởi “năm người đàn ông đội mũ trùm đầu”.
Buổi chiều, bọn du đảng chính phủ còn bao vây nhà thờ Công Giáo La Candelaria trong đó có một số linh mục và hàng chục tín hữu bên trong. Chúng chỉ rút lui sau khi nhà thờ đổ chuông liên hồi báo động.
Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của Managua đã xác nhận điều này trên Twitter: “Tôi được thông báo rằng nhà thờ giáo xứ La Candelaria, tại thành phố La Trinida, thuộc tỉnh Esteli, bị bao vây bởi cảnh sát và các nhóm bán quân sự, gây ra hoảng loạn cho các linh mục và anh chị em tín hữu đang tụ tập bên trong.”
Đức Hồng Y, người đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô cuối tuần qua, đã kêu gọi chính phủ “chỉ đạo cho cảnh sát đình chỉ các hành động quấy rối này”
Các cuộc biểu tình chống lại Ortega và vợ ông Murillo bắt đầu sau một nỗ lực thất bại của bọn độc tài muốn cắt giảm an sinh xã hội. Các cuộc biểu tình rộng rãi kêu gọi bọn độc tài từ chức và tổ chức bầu cử lại. Ortega và vợ đã nắm quyền lực trong 11 năm qua.
Ortega đã từng là chủ tịch của Nicaragua trong những năm 1980 và nhiều nhà quan sát tin rằng bạo lực trong nước ngày nay còn tồi tệ hơn so với ba thập kỷ trước.
8. Đức Thánh Cha tiếp Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk
Mặc dù đang trong thời gian nghỉ hè, hôm thứ Ba 3 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine nhân biến cố 1030 năm vua Ukraine nhận được phép Rửa.
Trong buổi tiếp kiến, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nhận xét rằng con đường của Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine là một con đường tử đạo, khi cố gắng “mời gọi và làm chứng cho sự hiệp nhất mà Giáo Hội của Chúa Kitô được hưởng trong Thiên Niên Kỷ Đầu Tiên, khi thánh Volodymyr chịu Phép Rửa”
Bình luận về những gì đang diễn ra, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nói với Đức Thánh Cha rằng một thực tế đau đớn đang diễn ra là các Giáo Hội Chính Thống ở Ukraine đang chia rẽ. Ngài tái khẳng định với Đức Thánh Cha về quan điển của Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine về các cuộc thảo luận diễn ra giữa các Giáo hội Chính thống và Đức Thượng Phụ Đại kết, nhằm hàn gắn các chia rẽ và thống nhất Chính thống Ukraine.
Ngài nói: “Chúng con nhìn một cách tích cực vào những nỗ lực vượt qua các chia rẽ trong Giáo Hội Chính Thống Ukraine, từ quan điểm salus animarum lex suprema est (sự cứu rỗi các linh hồn là luật cao nhất). Đồng thời, chúng con coi những tiến trình này là những vấn đề nội bộ của Chính thống và sẽ không bao giờ can thiệp vào”.
Về phần mình, Đức Thánh Cha Phanxicô, cảm ơn Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine vì chứng tá tử đạo của Giáo Hội này “như một lời tuyên xưng Đức tin Kitô giáo và một chứng tá cho thấy Người kế vị Thánh Phêrô có nhiệm vụ đặc biệt phục vụ cho sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô.” Ngài cũng bày tỏ sự ủng hộ và lòng biết ơn vì sự phát triển năng động của Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine cũng như thái độ cởi mở đại kết của Giáo Hội này.
Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự gần gũi của mình với quốc gia Ukraine, đang là nạn nhân của những tấn kích bất công, đang sống qua một thời kỳ đau khổ trong lịch sử của quốc gia này. Ngài bảo đảm với Đức Tổng Giám Mục rằng ngài liên tục nghĩ đến và cầu nguyện cho Ukraine.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoàn toàn đồng ý với ý tưởng của Đức Tổng Giám Mục về việc tổ chức, vào năm tới tại Rôma, một cuộc họp của các giám mục Công Giáo Đông Âu. Ngài hứa sẽ tham gia vào cuộc gặp gỡ này, trong đó chủ đề chính sẽ là “Sứ mệnh đại kết của các Giáo Hội Công Giáo Đông Âu ngày nay”.
9. Các Giám Mục Nigeria nói: “Thưa tổng thống, xin ngài vui lòng từ chức”
Trong một tuyên bố được công bố sau một loạt các vụ thảm sát, tiêu biểu là vụ các dân du mục Hồi giáo Fulani giết hại hơn 200 nông dân Kitô giáo vào ngày 23 tháng 6 ở một số làng ở bang Plateau, Hội Đồng Giám Mục đã tái kêu gọi tổng thống nước này nên từ chức.
Theo quan điểm của các Giám Mục Nigeria, ít nhất cũng phải nói rằng tổng thống Muhammadu Buhari không có khả năng bảo đảm an toàn cho mọi công dân.
“Thưa tổng thống, xin ngài vui lòng từ chức. Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Tổng thống Muhammadu Buhari từ chức để cứu đất nước khỏi những đau thương và hỗn loạn, tránh được tình trạng vô chính phủ như hiện nay, và sự hủy diệt cả một quốc gia”.
Trong tuyên bố được gửi cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc để giải thích lập trường của các ngài, các Giám Mục viết: “Chúng tôi lặp lại ở đây những gì chúng tôi đã nói trong tuyên bố cuối cùng của chúng tôi: Tổng thống không thể giữ an toàn cho đất nước, ông ấy đã tự động mất hết lòng tin của công dân. Ông ấy không nên tiếp tục ngự trị trên một đất nước đã trở thành các cánh đồng chết và các nghĩa trang mênh mông”.
Vào cuối tháng Tư, lúc các Giám Mục nước này đang ở Rôma trong chuyến viếng thăm ad limia, Hội Đồng Giám Mục Nigeria cũng đã công bố một tuyên ngôn mạnh mẽ yêu cầu Tổng thống Buhari từ chức sau vụ thảm sát ngày 24 tháng 4 tại làng Mbalom trong đó hai linh mục là Cha Joseph Gor và Cha Felix Tyolaha, đã bị giết, cùng với 15 giáo dân.
Các Giám mục cũng lặp lại rằng “không thể coi là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi những kẻ phạm những tội ác ghê tởm này có cùng tôn giáo như tất cả những người kiểm soát bộ máy an ninh của nước ta, kể cả chính Tổng thống. Tổng thống và những người đứng đầu các cơ quan công quyền không thể thuyết phục phần còn lại của các công dân nước này rằng những vụ giết người này không phải là một phần trong một dự án thanh lọc tôn giáo tinh vi và rộng lớn.”
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, 1,813 người đã thiệt mạng tại 17 trong số 36 tiểu bang của Nigeria kể từ đầu năm đến nay – gấp đôi so với 894 người chết trong toàn năm 2017.
10. Giám Mục Anh cảnh báo người già đi nhà thương coi chừng bị thuốc cho mau chết
Một giám mục người Anh cảnh báo người Công Giáo phải cảnh giác với những vụ giết người có chủ tâm đối với những bệnh nhân mắc phải các chứng nan y ở các bệnh viện do nhà nước tài trợ.
Đức Cha Philip Egan của Portsmouth đã ban hành một “thư mục vụ” cho các giáo sĩ và giáo dân sau khi một báo cáo được công bố liên quan đến những cái chết chóng vánh của 650 người già trong giáo phận của ngài. 650 người đã chết trong một bệnh viện công sau khi được cho dùng những liều thuốc giảm đau rất cao đến mức không thể biện minh được.
Đức Cha Egan cho biết ngài cảm thấy “choáng váng và đau buồn” trước báo cáo của Hội Đồng Y Khoa Độc Lập Gosport được công bố vào cuối tháng 6 vừa qua. Ngài mô tả những cái chết tại Bệnh viện Gosport War Memorial từ năm 1989 đến năm 2000 là một “thảm kịch khủng khiếp”.
Hội Đồng Y Khoa Độc Lập Gosport bắt đầu các cuộc điều tra vào năm 1998 về việc chăm sóc y tế và mức độ tử vong của các bệnh nhân tại bệnh viện. 650 người được tin là đã bị chết oan trong khoảng thời gian từ 1989 đến năm 2000. Họ bị các bác sĩ và y tá cố ý đầu độc cho mau chết bằng cách cho uống những liều thuốc giảm đau cực mạnh.
Đức Cha Egan cảnh báo các tín hữu rằng bất kể sự chấn động của dư luận trước báo cáo này, những bệnh nhân nan y vẫn tiếp tục đối mặt với các mối đe dọa trong Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh, gọi tắt là NHS.
Ngài nhận xét rằng tình trạng cho uống thuốc an thần liều cao và để bệnh nhân bị mất nước quá phổ biến đến mức chăm sóc tại nhà có lẽ an toàn hơn là đi nằm bệnh viện.
“NHS là một phước lành lớn, nhưng chúng ta phải cảnh giác với các chính sách, giá trị, ưu tiên và thủ tục đang hoạt động trong đó”, Đức Giám Mục Egan nói.
“Nếu anh chị em hoặc người thân bị bệnh nan y, hãy cân nhắc xem liệu có nên nằm nhà thương hay không”.
Cho đến nay, chưa một chuyên gia y tế nào bị truy tố về những cái chết của 650 bệnh nhân tại Gosport, mặc dù Jeremy Hunt, Bộ trưởng Bộ Y tế nói cảnh sát sẽ nghiên cứu các bằng chứng do ủy ban điều tra cung cấp.
Tuy nhiên, vụ tai tiếng này chỉ là vụ mới nhất sau một loạt các báo cáo trên các phương tiện truyền thông về sự bỏ bê các bệnh nhân cao tuổi và những người mắc bệnh nan y.
11. Đức Tổng Giám Mục Julian Porteous cấm một linh mục Dòng Tên không được diễn thuyết tại Hobart
Cha Frank Brennan, Dòng Tên, Giám đốc điều hành của Catholic Social Services Australia đã bị cấm phát biểu công khai tại Tổng Giáo Phận Hobart. Vị linh mục này là một luật sư về nhân quyền và là giáo sư Luật Khoa tại Đại Học Công Giáo Australia.
Trong cuộc trưng cầu ý kiến về hôn nhân đồng tính tại Úc diễn ra từ 12 tháng 9 đến 7 tháng 11, 2017, ngài công khai chống lại quan điểm truyền thống của Giáo Hội và ủng hộ việc hợp pháp hóa về mặt dân sự các kết hiệp đồng tính.
Cha Frank Brennan được tường thuật sẽ đến Hobart trong một loạt các buổi diễn thuyết nhằm bảo vệ “quyền” của người Công Giáo bất đồng với giáo huấn của Giáo Hội về “hôn nhân đồng tính”.
Đức Cha Julian Porteous, Tổng Giám mục Hobart, trong một bức thư gửi Tỉnh Dòng Tên, đã cấm không cho cha Frank Brennan được diễn thuyết trên địa hạt của ngài. Các chương trình diễn thuyết được quảng cáo rầm rộ tại các giáo xứ đã bị hủy bỏ.
Cố nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, cha Frank Brennan được tung hô như một “anh hùng” còn Đức Cha Julian Porteous thì lập tức trở thành đối tượng cho một chiến dịch phỉ báng của các phương tiện truyền thông cấp tiến và chống Công Giáo.
12. Chương trình tông du các quốc gia Lithuania, Latvia và Estonia của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong thông cáo đưa ra hôm 5 tháng 7, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình tông du các quốc gia Lithuania, Latvia và Estonia của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Thứ Bảy ngày 22 tháng 9 năm 2018
Lúc 07g30, Đức Thánh Cha khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Vilnius, thủ đô của Lithuania.
Lúc 11g30, ngài sẽ đến sân bay quốc tế Vilnius.
Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn.
Sau khi nghỉ trưa tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, lúc 16g30, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa và sau đó có cuộc gặp gỡ với giới trẻ ở quảng trường phía trước đền thờ
Chúa Nhật ngày 23 tháng 9 năm 2018
Lúc 08g15, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi đến Kaunas nơi ngài sẽ cử hành thánh lễ tại công viên Santakos.
Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ ăn trưa với các giám mục trong Tòa Giám Mục trước khi có cuộc gặp gỡ với các linh mục, nam nữ tu sĩ và các chủng sinh tại nhà thờ chính tòa Kaunas
Buổi chiều, ngài đến thăm Viện Bảo tàng Thời Kỳ Chiếm Đóng và cuộc Chiến đấu dành Tự do ở Vilnius
Thứ Hai ngày 24 tháng 9 năm 2018
Lúc 07g20, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.
Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.
Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn.
Sau cuộc gặp gỡ tại đây, ngài sẽ đến đặt hoa tại Đài Tưởng Niệm các nạn nhân của cộng sản và phát xít, trước khi có cuộc gặp gỡ đại kết với Chính Thống Giáo tại Cung Văn Hóa Riga.
Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ thăm nhà thờ chánh tòa Thánh Giacôbê Tông Đồ.
Ngài sẽ ăn trưa với các giám mục trong Nhà Thánh Gia của Tòa Tổng Giám Mục.
Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển bằng trực thăng từ sân bay trực thăng Riga Harbour đến Đền Thánh Mẹ Thiên Chúa, ở Aglona.
Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho anh chị em giáo dân Estonia.
Sau nghi thức tiễn biệt diễn ra tại sân bay trực thăng Aglona, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển bằng máy bay trực thăng đến sân bay quốc tế Vilnius của Lithuania; nghĩa là ngài quay trở lại quốc gia đầu tiên trong chuyến tông du này.
Thứ Ba ngày 25 tháng 9 năm 2018
Lúc 8g30 sáng sẽ có nghi thức tiễn biệt tại sân bay quốc tế Vilnius. Sau đó, khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay quốc tế Vilnius đến sân bay quốc tế Tallinn của Estonia.
Lúc 09g50 ngài sẽ đến sân bay quốc tế Tallinn.
Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Vườn Hồng của phủ tổng thống.
Sau cuộc gặp gỡ tại đây, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với những người trẻ tại nhà thờ Thánh Charles của Tin Lành Lutheran.
Đức Thánh Cha sẽ ăn trưa với đoàn tùy tùng tại tu viện của các nữ tu dòng Brigidine ở Pirita.
Đức Thánh Cha sau đó sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhân viên bác ái Công Giáo tại nhà thờ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.
Buổi chiều, Đức Thánh Cha dâng thánh lễ cho công chúng tại quảng trường Tự do.
Lúc 18g30, sẽ có nghi thức tiễn biệt tại sân bay quốc tế Tallinn.
Đức Thánh Cha sẽ về đến Rôma lúc 21g20.
13. Giám Mục Đức cho tất cả người phối ngẫu Tin Lành được rước lễ trong các lễ mừng hôn phối
Đức Cha Franz Jung, Giám Mục giáo phận Würzburg đã cho phép tất cả những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được Rước Mình Thánh Chúa trong các thánh lễ mừng hôn phối diễn ra tại nhà thờ chính tòa của ngài.
Đức Giám Mục Franz Jung, 52 tuổi, thần học gia, là người vừa mới được tấn phong giám mục vào tháng trước, đã nói với các cặp vợ chồng trong các cuộc hôn nhân “liên phái” rằng họ được hoan nghênh “tham dự bàn tiệc của Chúa” trong các thánh lễ mừng hôn phối diễn ra vào các ngày thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần tại nhà thờ chính tòa của giáo phận.
Một bài trên trang web của giáo phận nói rằng Đức Cha thành tâm “mời gọi các cặp vợ chồng trong các hôn nhân liên phái cùng cử hành Thánh Thể”.
Ngài nói thêm rằng trong những tháng tới, các ủy ban giáo phận sẽ thảo luận về các khuyến nghị của Hội đồng Giám mục Đức liên quan đến việc Rước lễ của những người phối ngẫu Tin Lành. Tuy nhiên, “ngay hôm nay tôi gởi lời mời chân thành đến tất cả các cặp vợ chồng trong các hôn phối hỗn hợp cùng tham gia vào bàn tiệc của Chúa”.
Lời mời của vị tân Giám Mục vượt xa điều trước đó đã gây sóng gió khi Đức Tổng Giám Mục Hans-Josef Becker của Paderborn chấp thuận cho những người phối ngẫu Tin Lành “trong từng trường hợp một” được rước lễ sau một giai đoạn phân định. Đức Tổng Giám Mục nêu rõ rằng điều này không tạo ra một sự cho phép “đại trà”.
Nguồn: VietCatholic News