Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12 – 18/01/2017: Tam Điểm mướn tin tặc lấy cắp tài liệu của Vatican

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12 – 18/01/2017: Tam Điểm mướn tin tặc lấy cắp tài liệu của Vatican

1. Tin tặc xâm nhập vào hệ thống máy tính của Vatican

Cảnh sát Ý đã phát hiện ra một chiến dịch xâm nhập trái phép có quy mô quốc tế vào hệ thống máy tính của Tòa Thánh.

Cảnh sát tại Rôma đã công bố việc bắt giữ hai kỹ sư bị nghi ngờ lấy cắp trái phép các “thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.” Các tin tặc, không được nêu danh tính, chỉ được mô tả một cách tổng quát là các cư dân của thành phố London, và ở độ tuổi 40, đã bị bắt giữ tại Rôma. Cảnh sát cáo buộc hai người này đã truy cập trái phép vào các servers của các nhà lãnh đạo chính phủ Ý và các viên chức ngân hàng châu Âu.

Các hoạt động thâm nhập trái phép cũng tấn công vào Vatican. Hai tin tặc này đã truy cập được vào các máy tính của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi , và Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa. Họ cũng tấn công vào các máy tính đặt tại nhà trọ Santa Marta , là nhà khách của Vatican. Đó là nơi cư ngụ của Đức Thánh Cha Phanxicô và các Hồng Y, Giám Mục khi đến thăm Rôma. Hàng ngàn emails đã bị lấy cắp và được tìm thấy trong máy tính của các nghi can.

Đây được kể là vụ tấn công nghiêm trọng nhất vào hệ thống máy tính của Vatican từ trước đến nay. Các vụ tấn công trước không lấy được tài liệu nào, và chỉ đơn giản là các vụ “DdoS attack” , nghĩa là “tấn công biển người” nhằm làm sập hệ thống máy tính trong vài giờ.

Các viên chức tại Vatican chưa đưa ra những lời bình luận nào về vụ tấn công này, và cảnh sát Ý cũng không nêu cụ thể có bao nhiêu tài liệu với những thông tin nhạy cảm đã bị lấy cắp.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hôm thứ Hai 16 tháng Giêng, cảnh sát Italia đã tổ chức họp báo công bố việc bắt giữ Giulio Occhionero, 45 tuổi, và chị ruột của ông này là Francesca Maria Occhionero, 49 tuổi, về tội xâm nhập trái phép vào hệ thống máy tính của Vatican, cũng như các cơ quan của chính quyền Ý và của các ngân hàng Âu Châu. Hai chị em này cũng bị truy tố về tội đánh cắp các tài liệu; và ngăn chặn các hệ thống công nghệ thông tin truyền dữ liệu.

Quy mô của các cuộc tấn công lên đến 18,000 tài khoản máy tính, bao gồm cả những máy tính được sử dụng bởi Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, và Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, cũng như các máy tính đặt tại nhà khách Santa Marta của Vatican là những máy thường xuyên được sử dụng bởi các Hồng Y và Giám Mục khi các ngài đến thăm Rôma.

Hàng chục ngàn điện thư đánh cắp, được lưu trữ trên một computer đặt tại Hoa Kỳ, đã lôi kéo sự chú ý của FBI; và dẫn đến một cuộc điều tra trên quy mô quốc tế từ Hoa Kỳ sang Anh và Italia.

Nhà chức trách Italia nghi ngờ chị em nhà Occhioneros có thể có quan hệ với nhóm Tam Điểm, bởi vì các phần mềm độc hại được sử dụng trong các cuộc tấn công được gọi là “Eye Pyramid,” hay “Mắt Kim tự tháp”, một biểu tượng tiêu biểu của Tam Điểm.

Dù có hay không có quan hệ với Tam Điểm, các chuyên gia an ninh mạng tin rằng hai chị em này không thể hành động đơn độc một mình.

Các thông tin bí mật mà họ lấy cắp được từ Vatican và các cơ quan của chính phủ Ý có thể có giá trị rất lớn đối với các chính phủ khác, các tập đoàn, hoặc các tổ chức có liên quan đến các vấn đề quốc tế.

2. Đức Thánh Cha cám ơn các viên chức an ninh Vatican

Hôm thứ Sáu 13 tháng Giêng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các viên chức bảo vệ an ninh tại Vatican, và cảm ơn họ vì sự tận tụy trong công việc của mình.

Đức Thánh Cha nói với các thành viên của ban an ninh:

“Tôi biết rằng anh chị em phải đương đầu với nhiều rủi ro. Theo một nghĩa nào đó, anh chị em là các thiên thần hộ thủ cho Quảng trường Thánh Phêrô.”

Đức Thánh Cha cảm ơn họ vì “năng lực và lòng can đảm” của họ trong việc bảo đảm an toàn cho khách hành hương, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót vừa qua.

Trong một diễn biến có liên quan, một viên chức cao cấp của Bộ Nội Vụ Ý cảnh báo là khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố ở Rôma là “rất cao”.

Franco Gabrielli , người đứng đầu Protezione Civile – là văn phòng đáp ứng tình trạng khẩn trương của đất nước, nói với tờ Il Giornale rằng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta đánh giá thấp khả năng của một vụ đánh bom khủng bố.

“Tôi nói điều này rất thẳng thắn: chúng ta cũng sẽ phải trả giá như các nước khác. Chúng tôi chỉ có thể hy vọng giá này thấp chừng nào hay chừng nấy.”

Gabrielli cho biết các nhóm cực đoan Hồi giáo đang ráo riết “xác định các mục tiêu có thể tấn công” bao gồm Rôma, Vatican, và Đức Giáo Hoàng. Ông nhận xét rằng một trong những ấn phẩm thường kỳ của bọn khủng bố IS có tựa đề bằng tiếng Ả Rập là Rumiyah , nghĩa là Rôma.

3. Áp lực bài Kitô Giáo ở Nam và Đông Nam Châu Á đang gia tăng

Một phúc trình có tựa đề “World Watch List” của tổ chức Open Doors, vừa được công bố hôm 12 tháng Giêng năm nay, cho thấy áp lực bài Kitô Giáo đang gia tăng rất nhanh ở Nam và Đông Nam Á Châu.

Bản phúc trình này cho thấy có 50 quốc gia, nơi khoảng 250 triệu Kitô hữu đang trải qua nhiều mức độ bách hại tàn khốc vì đức tin nơi Chúa Kitô. Trong 50 quốc gia này, có 6 quốc gia dẫn đầu trong việc gia tăng các hình thức bài Kitô Giáo trong năm 2016 vừa qua là Ấn Độ, Bangladesh, Lào, Bhutan, Việt Nam, và Nepal. Tất cả các quốc gia kể trên đều nằm trong vùng Nam và Đông Nam Á Châu.

Tiến Sĩ Ron Boyd-MacMillan, Giám Đốc Nghiên Cứu Chiến Lược của Open Doors International, nói rằng “khuynh hướng nổi bật là: chủ nghĩa duy quốc giáo, tức là chủ nghĩa lấy một tôn giáo làm quốc giáo và tận diệt các tôn giáo khác, đang đẩy các quốc gia Á Châu lên cao trên danh sách này. Đây là một khuynh hướng dài hạn, hiện đã và đang gia tăng nhịp độ kể từ thập niên 1990 khi không ai buồn lưu ý tới nó. Nhưng năm nay, tôi nghĩ nó thực sự đã tự làm cho mình được lưu ý. Nó hiển hiện rõ nhất tại Ấn Độ. Nước này hiện có vị thế cao nhất trên Danh Sách World Watch. Những người cực đoan Ấn Giáo thực sự đang cầm quyền, và đám đông muốn làm gì thì làm tại Ấn Độ, và Giáo Hội ở đây khá lớn nên có rất nhiều biến cố xẩy ra”.

Theo bản phúc trình trên, Đảng Bharatiya Janata ở Ấn Độ đang làm bùng nổ cơn sốt duy Ấn Giáo. Từ lúc đảng Ấn Giáo cực đoan này của thủ tướng Modi lên nắm quyền vào năm 2014, nhịp độ bài Kitô Giáo qua các hình thái bạo động đã gia tăng rất mạnh ở phía Bắc, nơi Open Doors ước lượng có chừng 40 triệu Kitô hữu đang phải gánh chịu những kỳ thị chèn ép, kể cả bị đánh đập.

4. Nguy cơ Hồi Giáo hóa tăng cao sau khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trao nhiều quyền cho tổng thống

Hôm thứ Sáu, 13 tháng Giêng, Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến một bước gần đến điều mà Tổng thống Tayyip Erdoğan gọi là một quyền lãnh đạo mạnh mẽ. Quốc hội đã phê duyệt những biện pháp tập trung nhiều quyền lực hơn trong tay của Tayyip Erdoğan, cho phép tổng thống ban hành nghị định, mà không cần thông qua Quốc Hội, và được là thành viên của một đảng chính trị. Cho đến nay, hiến pháp hiện hành của Thổ Nhĩ Kỳ, cấm tổng thống không được là đảng viên của một đảng phái nào.

Đảng AK – do chính Tayyip Erdoğan thành lập – đã thúc đẩy việc thông qua luật này. Các đảng đối lập lo ngại những thay đổi này sẽ dẫn đến một chính quyền độc đoán.

Các nhà lập pháp đã đi đến tình trạng bế tắc vào tối thứ Tư trong cuộc tranh luận về dự luật này. Tuy nhiên, đảng AK đe dọa giải tán Quốc Hội và tổ chức một cuộc bầu cử mới nếu dự luật không được thông qua.

Những thay đổi vẫn cần phải được thông qua tại hai vòng hơn bỏ phiếu, sau đó việc tu chính hiến pháp sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý.

Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi cuối tháng bảy năm ngoái. Nhiều người tin rằng vụ đảo chính này là do chính Tổng thống Tayyip Erdoğan đạo diễn ra để tạo ra một tình trạng khẩn trương giả tạo nhằm đòi hỏi một quyền lãnh đạo thao túng hơn.

Tình trạng tập trung quyền hành vào một đảng, nhất là một đảng có khuynh hướng Hồi Giáo, đe dọa tính chất thế tục của Thổ Nhĩ Kỳ.

5. Linh mục bị mất tích tại Mễ Tây Cơ được tìm thấy đã bị giết chết

Trong buổi họp báo chiều 13 tháng Giêng, cảnh sát tại bang Coalhuila, Mễ Tây Cơ, cho biết linh mục Công Giáo người Mễ Tây Cơ mất tích kể từ hôm mùng 3 tháng Giêng được tìm thấy đã chết. Việc khám nghiệm tử thi cho thấy ngài đã bị giết một ngày trước đó, tức là hôm 12 tháng Giêng.

Cảnh sát nói họ đã phát hiện ra thi thể của cha Joaquin Hernandez Sifuentes , 43 tuổi. Cha đã biến mất đúng ngày ngài dự kiến bắt đầu kỳ nghỉ của mình. Cảnh sát đã bắt giam hai người bị nghi ngờ có dính líu đến cái chết của cha.

Nguồn tin mới nhất của cảnh sát cho biết, cha đã bị 2 thanh niên 20 và 25 tuổi tấn công ngay tại nhà xứ của ngài tại Saltillo vào khoảng từ 4h30 đến 5h sáng mùng 3 tháng Giêng. Ngài bị kẹp cổ chết. Hai tên hung thủ đã lấy xe của ngài và chở thi thể đến Parras de la Fuente, cách Saltillo khoảng 150 km. Chúng bỏ xe và thi thể ngài ở đó rồi đón một xe tải về lại Saltillo.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy là buổi lễ cầu nguyện cho linh hồn của ngài vào chiều ngày 15 tháng Giêng, tại nhà nguyện của Đại Chủng Viện giáo phận Coalhuila. Thánh lễ an táng được diễn ra tại nhà thờ chánh tòa của giáo phận vào sáng thứ Hai 16 tháng Giêng.

Tổng số các linh mục Mễ Tây Cơ bị sát hại từ năm 2012 đã lên đến 16 vị. Nếu tính từ năm 2005, đến nay đã có 35 linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc xếp loại Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các linh mục.

Một số linh mục Mễ Tây Cơ đã bị giết trong các vụ cướp, và trong một số trường hợp các vị bị giết rất dã man. Đó là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự gia tăng nghèo đói cả về kinh tế lẫn văn hóa, dẫn đến các hình thái bạo lực coi thường tính mạng con người. Tuy nhiên, đa số các linh mục Mễ Tây Cơ bị giết là vì các ngài lớn tiếng lên án bất công, tham nhũng, nghèo đói, nhân danh Tin Mừng.

6. Đức Hồng Y André Vingt-Trois nói về cuộc gặp gỡ với tổng thống Pháp

Trong một buổi phỏng vấn dành cho tờ La Croix , nghĩa là Thánh Giá, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, của tổng giáo phận Paris, đã nói về cuộc gặp gỡ với tổng thống Pháp Francois Hollande chiều mùng 5 tháng Giêng với các nhà lãnh đạo Công Giáo, Tin Lành, Do Thái, và Hồi giáo để thảo luận về chủ nghĩa khủng bố nói chung và đặc biệt là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Dịp này, Tổng thống đã hoan nghênh “cách thức mà các tôn giáo đã góp phần vào cuộc sống hài hòa trong xã hội Pháp sau các cuộc tấn công khủng bố hồi năm ngoái”.

Tờ La Croix cho biết thêm là Joël Mergui , một nhà lãnh đạo trong cộng đồng Do Thái tại Paris cho biết Tổng thống đã có một “cung giọng nghiêm trọng”. Trong khi đó, lãnh đạo Hồi giáo ở Pháp là Anwar Kbibech phàn nàn rằng tổng thống đang “cố gắng sử dụng chủ nghĩa thế tục của Pháp để gây thiệt hại của Hồi giáo.”

Đức Hồng Y André Vingt-Trois cũng cho biết thêm là nhân kỷ niệm 500 năm phong trào Tin Lành Cải Cách, ông François Clavairoly , chủ tịch Liên đoàn Tin Lành Lutheran của Pháp, đã tặng cho tổng thống “một tượng nhỏ của Luther”.

7. Các giám mục Ái Nhĩ Lan dự định thảo luận về đề nghị cho các linh mục kết hôn được hoạt động mục vụ trở lại

Các giám mục Công Giáo Ái Nhĩ Lan, đang đi ad-limina tại Rôma vào tháng Giêng này để viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô cũng như thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh, sẽ nói chuyện với các viên chức Vatican trong Bộ giáo sĩ, về một đề xuất cho phép các linh mục đã hồi tục để kết hôn được quay trở lại với việc mục vụ. Tuy nhiên, các giám mục Ái Nhĩ Lan sẽ không thảo luận về đề nghị này với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Giám Mục Leo O’Reilly của giáo phận Kilmore , là người đầu tiên đề nghị chào đón trở lại các linh mục đã kết hôn, nói với tờ Irish Catholic rằng chủ đề này đã được đưa ra tại một cuộc họp của hàng lãnh đạo Giáo Hội tại Ái Nhĩ Lan, nhưng các cuộc thảo luận chỉ mới “sơ khởi”, và do đó, các giám mục Ái Nhĩ Lan sẽ không trình bày ý tưởng này với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tuy nhiên, Đức Cha O’Reilly cho biết chủ đề này có thể được thăm dò khi các giám mục nói chuyện với các quan chức trong giáo triều Rôma.

Những người ủng hộ đề nghị này cho rằng chức linh mục là “đời đời”, trong khi đa số những người được thăm dò bày tỏ sự nghi ngại chuyện này sẽ đem lại nhiều khủng hoảng hơn là hoa trái.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm thứ Sáu 11 tháng 11 năm ngoái 2016, Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm một số các linh mục đã hồi tục tại Ponte di Nona , một khu vực ở miền cực đông của thành Roma. Trong một căn hộ, ngài đã gặp chung 7 gia đình, tất cả gồm những người đã rời bỏ sứ vụ linh mục trong những năm gần đây.

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha diễn ra trong khuôn khổ “Thứ sáu lòng thương xót”, mỗi tháng 1 lần trong Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết qua cuộc viếng thăm ở Ponte di Nona, Đức Thánh Cha muốn có một dấu hiệu nói lên sự gần gũi và quí mến của ngài đối với người trẻ đã rời bỏ sứ vụ linh mục, một quyết định thường không được sự chia sẻ của các anh em linh mục khác và những người thân trong gia đình họ. Sau những năm hoạt động mục vụ trong các xứ đạo, sự cô đơn, thiếu cảm thông và mệt mỏi vì quá nhiều trách nhiệm mục vụ đã khiến cho các linh mục ấy làm cho sự chọn lựa ban đầu đối với chức linh mục bị khủng hoảng. Vì thế sau những năm tháng sống trong bất định và nghi ngờ, họ thường đi tới xác quyết sự chọn lựa làm linh mục của họ là một chọn lựa sai lầm, vì thế họ rời bỏ chức linh mục và lập gia đình.

8. Tòa Thánh công bố tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục tiếp theo

Sáng thứ Sáu 13 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa thường lệ kỳ thứ 15, diễn ra vào tháng 10 năm 2018.

Chủ đề của Thượng Hội Đồng là “Thanh Niên, Đức Tin, và Việc Phân Định Ơn Gọi.”

Tài liệu chuẩn bị gồm ba chương:

Chương một: Những người trẻ trong thế giới ngày nay

Chương hai: Đức tin, sự phân định, và ơn gọi

Chương ba: Hoạt động mục vụ

Tài liệu này được gởi đến “các công nghị và hội đồng các thượng phụ trực thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, các hội đồng giám mục, các bộ của Giáo Triều Rôma và Liên hiệp các Bề Trên Tổng Quyền.”

Tài liệu chuẩn bị được kết thúc với một bảng câu hỏi. Các câu trả lời cho bảng câu hỏi này sẽ hình thành cơ sở cho “Laboris Instrumentum” , nghĩa là tài liệu làm việc của thượng hội đồng.

Trong lời giới thiệu, tài liệu chuẩn bị cho biết văn bản này “tuy chưa đầy đủ, nhưng có thể dùng như là một loại hướng dẫn để khuyến khích việc thảo luận thêm ngõ hầu phong phú hóa kết luận của Thượng Hội Đồng.”

9. Đức Thánh Cha khuyên các di dân tại Hoa Kỳ hướng đến Đức Mẹ

Hôm thứ Năm 12 tháng Giêng, tại nhà thờ Dolores ở California, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của tổng giáo phận Los Angeles đã cử hành thánh lễ cầu cho các di dân trong khuôn khổ Tuần lễ Di cư quốc gia.

Vào cuối Thánh lễ, cộng đoàn đã theo dõi một video từ Đức Thánh Cha Phanxicô gởi người nhập cư tại Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha nói:

“Chúng ta là một cộng đồng lúc nào cũng có một người mẹ mà Chúa Giêsu đã ban người mẹ ấy cho chúng ta – đó là mẹ Ngài và cũng là mẹ của chúng ta. Một cộng đồng có mẹ nên cảm thấy an toàn”.

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Một tu sĩ người Nga sống vào thời trung cổ hoặc trước đó, có một câu nói đáng yêu ‘Khi lòng mình bồn chồn xao xuyến, hãy nương náu dưới áo Mẹ Thánh của Thiên Chúa’ Và đây cũng là những gì tôi muốn nói với anh chị em, chính Mẹ đã từng nói với Thánh Juan Diego ‘Đừng sợ. Mẹ không ở đây với con sao mà sợ hãi? Mẹ không phải là mẹ của con sao?’“

Bình luận về thông điệp của Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói:

“Thông điệp thật đẹp và đầy hy vọng của Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là một gia đình của Thiên Chúa, rằng chúng ta, tất cả là con cái của Thiên Chúa dưới sự bảo vệ yêu thương của Đức Mẹ. Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ cho chúng ta những lời của Đức Mẹ Guadalupe nói với Thánh Juan Diego trong một thời điểm đầy những lo âu về một tương lai bất định. Những lời này trấn an những anh chị em nhập cư của chúng ta. Anh chị em không phải sợ vì anh chị em không cô đơn.”

Ngài nói thêm:

“Giống như Mẹ Chúa Kitô đầy ơn phúc, Giáo Hội sẽ luôn luôn đồng hành với anh chị em. Hội Thánh liên đới với anh chị em nhập cư của chúng ta bởi vì đối với chúng ta, điều này không phải là một vấn đề chính trị, đó là một vấn đề của con người.”

10. Chiến dịch truyền thông của Bộ Dịch vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện về hiện trạng trẻ em di cư

Thánh Bộ mới được thành lập của Vatican cho sự phát triển toàn diện con người đã khởi động một chiến dịch truyền thông vào ngày 15 tháng Giêng, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề và những nguy hiểm mà các trẻ em di cư phải đối mặt.

Ngày Chúa Nhật 15 tháng Giêng được chọn để khai mạc chiến dịch này vì đó là ngày Thế giới Di dân và tị nạn. Chủ đề của ngày Thế giới Di dân và tị nạn trong năm nay, được Đức Thánh Cha Phanxicô lựa chọn, tập trung vào những người di cư trẻ. Chiến dịch truyền thông sẽ tập trung vào các vấn đề bao gồm tình trạng nghèo đói trên thế giới, những trở ngại trong việc tiếp cận với giáo dục, các mối nguy hiểm liên quan đến việc nhập cư bất hợp pháp, và nạn buôn người.

Chiến dịch truyền thông được tổ chức bởi ủy ban di dân trong Bộ Dịch vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện. Khi thiết lập bộ này và giao cho Đức Hồng Y Peter Turkson lãnh đạo, Đức Thánh Cha Phanxicô công bố rằng chính ngài sẽ đích thân giám sát các hoạt động của ủy ban di dân.

11. Nhà nguyện tại đảo Sicilia biến thành hội đường Do Thái nhân kỷ niệm biến cố trục xuất người Do Thái khỏi Palermo

Hơn 500 năm sau khi bị trục xuất khỏi Palermo , thủ phủ của đảo Sicilia , các tín hữu Do Thái vui mừng có được một hội đường tại đây.

Hội đường này nằm sát bên một hội đường cũ có tên là Đại Giáo đường Do Thái của Palermo, và đã hoạt động cho đến năm 1492.

Đức Tổng Giám Mục Palermo, là Đức Cha Corrado Lorefice , đã đồng ý chuyển nhà nguyện nhỏ Santa Maria del Sabato , được xây từ thế kỷ 15 trong khu Do Thái cũ của thành phố, cho cộng đồng Do Thái. Cộng đồng này tuy nhỏ nhưng đang tăng trưởng nhanh tại Palermo. Nhà nguyện đã được sửa sang thành hội đường, một khu vực nghiên cứu và một trung tâm di sản văn hóa của người Do Thái.

Buổi lễ hôm thứ Năm 12 tháng Giêng đã đánh dấu sự chuyển giao chính thức này. Ngày này đã được chọn vì theo lịch sử ngày 12 Tháng Giêng năm 1493, người Do Thái đã bị trục xuất khỏi Sicilia khi hòn đảo này nằm dưới sự kiểm soát của người Tây Ban Nha.

Quyết định của Đức Tổng Giám Mục Corrado Lorefice là nhằm đáp ứng yêu cầu của Viện Nghiên cứu Do Thái ở Sicilia và tổ chức phi lợi nhuận Shavei Israel có trụ sở ở Giêrusalem.

Báo chí Do Thái tại Giêrusalem hoan nghênh cử chỉ này và tường thuật rằng Đức Cha Lorefice nói ngài đáp lại các yêu cầu này “với niềm vui lớn lao”.

Cố nhiên, việc biến một nhà nguyện Công Giáo thành một hội đường Do Thái gây xôn xao rất nhiều trong các tín hữu Công Giáo trên đảo Sicilia. Tuy nhiên, Đức Cha Lorefice giải thích quyết định của ngài như sau:

“Danh thánh của Thiên Chúa không nên làm cớ cho chia rẽ nhưng nên tạo ra những nhịp cầu. Đây là một cử chỉ của hy vọng và hòa bình.”

Noemi di Segni , chủ tịch Cộng Đồng Do Thái Ý, cho biết việc chuyển nhượng này “khôi phục lại hằng bao nhiêu thế kỷ của lịch sử.”

12. Phục hồi một nhà thờ chính tòa ở St Petersburg

Một nhà thờ chính tòa của Giáo Hội Chính thống Nga đã bị chiếm và biến thành thành một viện “Bảo tàng chủ nghĩa vô thần” dưới chế độ Cộng sản sẽ được phục hồi để sử dụng như một nhà thờ.

Nhà thờ Thánh Isaac ở St Petersburg, được xây dựng vào năm 1818, đã là một địa điểm thu hút du lịch lớn, với gần 4 triệu lượt khách trong năm ngoái. Vì thế, trong nhiều năm qua, chính quyền Nga đã cố ý duy trì tình trạng bất hợp lý này để thu hút khách du lịch.

Nhưng các cuộc biểu tình và một thỉnh nguyện thư với hơn 100,000 chữ ký, theo luật định, yêu cầu trao trả toà nhà cho các mục đích tôn giáo đã đi đến thành công.

Kiến nghị này đã được chuẩn y và Giáo Hội Chính Thống Nga giờ đây là chủ nhân hợp pháp của ngôi thánh đường này.

13. Thời tiết lạnh bất thường giết chết nhiều trẻ em tại Sudan

Thời tiết giá rét tiếp tục gây ra cái chết của nhiều trẻ em trong khu vực phía tây Sudan. Từ một vài tuần trước, những trẻ em bị suy dinh dưỡng đã bị thiệt mạng trước cái lạnh kinh hoàng này.

Theo các nhân chứng tại Dola , ngoài việc thiếu lương thực, chăn, các gia cư ấm cúng, sự vắng mặt của các trung tâm y tế và thuốc men trong khu vực miền núi này đã khiến cho tình trạng giá rét bất thường hiện nay trở nên nghiêm trọng tại phía nam Deribat .

Các vụ thả bom vào các ngôi làng và các khu đất nông nghiệp đã khiến người dân phải chạy trốn, tìm nơi ẩn náu trong vùng núi.

Trong khi đó, tại các khu vực an ninh hơn như ở Đông Jebel Marra , hầu hết các trường tiểu học phải dời lại một giờ vào buổi sáng để tránh cái lạnh dữ dội.

14. Tổng Thống Mahmoud Abbas khánh thành tòa đại sứ Palestine cạnh Tòa Thánh

Hôm thứ Bảy 14 tháng Giêng, Tổng Thống Palestine, ông Mahmoud Abbas, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến trước khi khánh thành tòa Đại Sứ Palestine cạnh Tòa Thánh. Tòa Đại Sứ toạ lạc trên đường Porta Angelica ngay bên ngoài Vaticaan.

Buổi lễ khánh thành được diễn ra một ngày trước cuộc Hội Thảo Quốc Tế Về Hòa Bình Cho Trung Đông được triệu tập tại Paris ngày 15 tháng Giêng 2017. Cuộc hội thảo sẽ có đại diện của 70 quốc gia tham dự, nhưng không có đại biểu của Do Thái và Palestine.

Thoả hiệp ngoại giao song phương giữa Tòa Thánh và Quốc Gia Palestine có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2016. Trong một điệp văn đưọc viết vào dịp Giáng Sinh vừa qua, Tổng Thống Palestine viết “ Tôi sẽ hội kiến với Đức Giáo Hoàng và trong buổi hội kiến, chúng tôi sẽ cứu xét một số vấn đề hai bên cùng quan tâm, bao gồm đẩy mạnh công lý và hoà bình trong khu vực, cũng như khuyến khích đối thoại tôn giáo trong chiều hướng hiểu biết và kính trọng lẫn nhau”

Tổng Thống viết thêm “ Chúng tôi sẽ khẳng định lập trường vững chắc của chúng tôi là không để người ta nhân danh bất cứ “Sách Thánh” nào để biện minh cho việc vi phạm các loại tội ác”. Chúng tôi cũng sẽ bàn thảo về thoả hiệp lịch sử giữa Tòa Thánh và Quốc Gia Palestine. Đó là một mẫu mực củng cố sự hiện diện của người Kitô giáo và các thể chế của họ trong khu vực”

15. Đức Thánh Cha thăm một giáo xứ tại Rôma

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu làm chứng cho Chúa Giêsu bằng gương sáng trong cuộc sống, và đừng nói hành nói xấu người khác nếu muốn có một giáo xứ hoàn hảo.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây qua bài giảng ứng khẩu trong thánh lễ chiều Chúa Nhật 15-tháng Giêng tại giáo xứ Santa Maria, ở khu Setteville di Guidonia, thuộc giáo phận Roma. Đức Thánh Cha đã đến thăm giáo xứ này với tư cách là Giám Mục Rôma.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Giám quản Vallini, Đức Giám Mục Phụ tá khu vực, các linh mục thuộc giáo xứ liên hệ và các xứ lân cận.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Là Kitô hữu trước tiên là làm chứng về Chúa Giêsu. Một giáo xứ không có khả năng làm chứng nếu trong giáo xứ có những vụ nói hành nói xấu nhau”.

Ngài hỏi mọi người: “Anh chị em có muốn một giáo xứ hoàn hảo hay không? Nếu muốn thì đừng nói hành nói xấu người khác. Nếu anh chị em có điều gì bất đồng với ai, thì hãy nói trực diện với họ hoặc với cha sở, chứ đừng nói với những người khác. Đó là một dấu chỉ Chúa Thánh Linh hiện diện trong giáo xứ. Các tội lỗi khác chúng ta đều có, nhưng tội nói hành nói xấu nhau chính là tội phá hoại cộng đoàn”.

16. Tiệm ăn McDonald gần Vatican cung cấp thức ăn miễn phí cho người nghèo

Khi mới khai trương, tiệm McDonald gần Vatican, đã được chào đón rất lạnh nhạt, thậm chí là gây nhiều tranh cãi. Tiệm bán thức ăn nhanh này gần Vatican đến mức từ đó có thể thấy được rõ ràng cửa sổ phòng làm việc của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau những phẫn nộ của nhiều người, công ty đã được chào đón ấm cúng hơn khi thực hiện một công việc bác ái là cho kẻ đói ăn.

Nhà hàng McDonald gần Vatican đã bắt đầu phân phát những bữa ăn miễn phí cho những người vô gia cư của Rôma – trong cố gắng đồng hành cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô trong nỗ lực giúp đỡ những người kém may mắn.

Công ty bán thức ăn nhanh khổng lồ đa quốc gia đã mở cửa gần Vatican vào cuối năm ngoái và nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ của họ.

Chính trị gia Alfredo Iorio là một trong những người chống đối. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh chưa từng thấy. Đức Giáo Hoàng nói về chủ nghĩa tư bản, đưa ra bao nhiêu các bài diễn văn đẹp đẽ, rồi lại cho phép mở McDonald trong tòa nhà của mình để lấy 26,000 euro một tháng, đó là một sự sỉ nhục.”

Nhưng giờ đây McDonald đang theo đuổi một trong những nguyên tắc được Đức Thánh Cha trân quý là cho kẻ đói ăn.

Một người vô gia cư nói: “Thật là tốt nếu các công ty đa quốc gia như thế này cuối cùng cho những người nghèo thức ăn thay vì quăng đi”

Những miếng bánh cheeseburgers này được tặng cho những người vô gia cư với sự trợ giúp của một tổ chức bác ái đang mong mỏi việc này có thể trở thành một dự án tuần nào cũng có chứ không chỉ diễn ra một vài lần.

Nguồn: VietcatholicNews

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN