KHAI MẠC TUẦN THÁNH TẠI VATICAN VÀ JERUSALEM
1. Lễ Lá tại Vatican
Sáng Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 13 tháng Tư, hàng chục ngàn anh chị em tín hữu đã quy tụ về quảng trường Thánh Phêrô, để tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự vào lúc 9h30. Thánh lễ này cũng được cử hành với ý hướng Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 29 với chủ đề “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Theo truyền thống, sẽ có nghi thức chuyển giao thánh giá của ngày Quốc Tế Giới Trẻ và hình Đức Mẹ là phần rỗi của dân Rôma từ các bạn trẻ Brazil sang các bạn trẻ Ba Lan, để mang tới Cracovia, nơi sẽ tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vào mùa hè năm 2016.
Phụng vụ bắt đầu với việc làm phép lá truyền thống. Khoảng 300 nhành lá được tết rất đẹp và kỹ thuật bởi các nghệ nhân vùng Sanremo và Bordighera theo truyền thống cổ của Phụng Vụ Tây phương. Dành cho Đức Thánh Cha là chiếc lá được làm từ ba lá cọ lớn kết lại với nhau tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi. Các nhành Ô-liu và hoa dùng để trang hoàng Quảng Trường Phêrô do vùng Puglia cung cấp. Khu vực chung quanh bút tháp được bố trí theo cách nhằm gợi nhắc về việc Đức Giêsu được mọi người chào đón khi tiến vào Giêrusalem. Gậy mục tử mà Đức Thánh Cha sử dụng được làm từ gỗ cây Ô-liu ở nhà tù Sanremo.
Lấy gợi hứng từ Bài Thương Khó theo thánh Matthêu, bài chia sẻ của Đức Thánh Cha gợi lên cho mọi người rất nhiều câu hỏi. Đức Thánh Cha đã nhắc lại toàn bộ những nhân vật xuất hiện trong Tin Mừng, từ khi Đức Giêsu bước vào thành cho đến khi Ngài được chôn cất trong mồ, với câu hỏi trọng tâm: Tôi là ai?
Đức Thánh Cha nói:
Tuần này bắt đầu với việc rước những nhành lá Ô-liu: tất cả mọi người chào đón Chúa Giêsu. Trẻ em, thanh thiếu niên ca hát, ngợi ca Đức Giêsu. Với tuần này, chúng ta tiến vào mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Đức Giêsu. Chúng ta đã vừa nghe cuộc thương khó của Chúa: cuộc thương khó ấy đặt ra cho chúng ta một câu hỏi rất lý thú: tôi là ai? Tôi là ai trước Thiên Chúa của tôi? Tôi là ai, trước Chúa Giêsu Đấng đang tiến vào Ngày Lễ Vượt Qua ở Giêrusalem? Tôi có diễn tả niềm vui của tôi, tôi có chúc tụng Người không? Hay tôi đứng đàng xa? Tôi là ai trước Đức Giêsu đang chịu đau khổ? Chúng ta nghe thấy rất nhiều cái tên. Nhóm lãnh đạo, một số tư tế, Pharisêu, thầy thông luật là những người đã quyết định giết Đức Giêsu. Họ chờ cơ hội để triệt hạ Người. Tôi có là một trong số họ không? Chúng ta cũng nghe một tên khác: Giuđa, 30 đồng bạc. Tôi có là Giuđa không? Chúng ta cũng nghe một số tên khác: các môn đệ chẳng hiểu gì cả, họ buồn ngủ khi Chúa đang chịu đau khổ.
Cuộc sống của tôi có buồn ngủ không? Tôi có giống các môn đệ, không hiểu điều gì là phản bội Chúa Giêsu không? Tôi có giống một số các môn đệ khác muốn giải quyết mọi chuyện với đao kiếm không? Tôi có giống Giuđa, kẻ giả vờ yêu và hôn Thầy mình để giao nộp Thầy, để phản bội Thầy không? Tôi có là kẻ phản bội không? Tôi có giống như các nhà lãnh đạo vội vàng triệu tập tòa án và tìm chứng gian không? Và giả như tôi có làm những điều này thì khi ấy tôi có tin là với những điều này tôi có thể cứu độ muôn dân không? Tôi có giống Philatô không, khi thấy tình cảnh khó khăn, thì rửa tay và chối bỏ trách nhiệm và để mặc cho người khác kết án – hay chính tôi kết án? Tôi có giống đám đông, không biết gì cả nhưng lại đòi tha cho Barabba không? Với họ thì như nhau cả: nhưng hạ nhục Giêsu thì vui thú hơn.
Tôi có giống những tên lính đánh Chúa, đóng đinh Chúa, treo người lên, hạ nhục Người không? Tôi có giống ông Simon thành Cyrene, đi làm về, mệt mỏi nhưng có ý tốt giúp Chúa vác cây Thập giá không? Tôi có giống những người đi ngang qua thập giá và chế nhạo Chúa Giêsu không: Nào, cố lên! Xuống khỏi thập giá đi rồi chúng tôi sẽ tin vào ông!” Họ chế nhạo Giêsu. Tôi có giống những người phụ nữ can đảm, và giống như mẹ của Giêsu, đứng ở đó, hứng chịu bao đau khổ trong thinh lặng? Tôi có giống Giuse, người môn đệ ẩn danh, đã mang xác Giêsu với trọn tình yêu và đem đi chôn cất không? Tôi có giống những nhà lãnh đạo vào ngày hôm sau đi đến chỗ Philatô và nói: “”Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: “Sau ba ngày, Ta sẽ chỗi dậy”. Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm hắn đi, rồi phao với dân là hắn đã từ cõi chết sống lại. Và như thế, chuyện bịp bợm cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước”. Họ đóng cuộc sống mình lại, đóng ngôi mộ lại để bảo vệ học thuyết của mình để cuộc sống của mình không đi ra ngoài. Con tim của tôi đang ở đâu? Tôi thấy mình giống ai trong những người này? Những câu hỏi này sẽ theo chúng ta trong suốt tuần này.”
Trong phần Lời nguyện giáo dân, có lời nguyện bằng tiếng Pháp cầu nguyện cho “những người bị bách hại vì đức tin” để “hiến tế tình yêu” của Chúa “có thể nâng đỡ sự trung tín và sự hiền lành của các Kitô hữu” trong cuộc thử thách. Lời nguyện bằng tiếng Hoa cầu cho hòa bình giữa các dân tộc và công lý trên thế giới.
Sau thánh lễ là nghi thức trao Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ. Trước hết, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến 250 giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người đã tham gia vào Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được Ủy Ban Giáo Hoàng về Giáo dân tổ chức. Ngày gặp gỡ thế giới lần tới được tổ chức vào tháng 7 năm 2016 tại Cracovia với chủ đề “Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7)
Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Các bạn trẻ Brazil đã sớm chuyển cho các bạn trẻ Ba Lan cây Thánh Giá của ngày Giới Trẻ thế giới. Việc chuyển giao thánh giá cho giới trẻ đã được thực hiện 30 năm trước do Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thực hiện: ngài mời gọi họ hãy mang thánh giá ấy đi khắp thế giới như dấu chỉ tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại. Ngày 27 tháng Tư sắp tới chúng ta vui mừng cử hành lễ phong thánh cho vị Giáo Hoàng này, cùng với Đức Gioan 23. Đức Gioan Phaolô 2, người đã khởi xướng Ngày Giới Trẻ Thế Giới, sẽ trở thành Đấng bảo trợ vĩ đại cho sự kiện này; trong sự hiệp thông với các thánh, ngài sẽ trở thành người cha và người bạn của tất cả các bạn trẻ trên khắp thế giới. Chúng ta hãy cùng cầu xin Chúa để cây Thập Giá, cùng với hình Mẹ Maria là phần rỗi dân Rôma, trở thành dấu chỉ niềm hy vọng dành cho tất cả mọi người, biểu lộ cho thế giới tình yêu chiến thắng của Đức Kitô.”
Sau chia sẻ của Đức Thánh Cha, các bạn trẻ trao thánh giá cho nhau. Thánh giá được dựng đứng giữa quảng trường cùng với ảnh Đức Mẹ. Sau cùng, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến tất cả mọi người. Ngài đặc biệt nói đến sự kiện ngài sẽ đến Hàn Quốc vào tháng 8 tới để gặp gỡ các bạn trẻ ở Châu Á.
Thánh lễ và mọi nghi thức kết thức, sau khi đã thay phẩm phục, Đức Thánh Cha tiếp tục ra phía trước quảng trường để gặp gỡ, nói chuyện và chụp hình với các bạn trẻ trong tiếng hô vang và tiếng cười hạnh phúc của họ.
11. Chúa Nhật Lễ Lá tại Giêrusalem.
Lúc 6h30 sáng ngày 13 tháng Tư năm 2014, tại nhà thờ Mộ Chúa tại Giêrusalem, Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Thánh Điạ Giêrusalem đã cử hành Lễ Lá với các linh mục dòng Phanxicô trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.
Anh chị em giáo dân và đoàn đồng tế đã đốt đèn cầy để đi rước lá chung quanh bàn thờ Thánh Nữ Maria Mađalêna. Hàng ngàn người đã tham dự thánh lễ. Tuy nhiên phần lớn là khách hành hương.
Ngay sau khi thánh lễ vừa chấm dứt, các tín hữu hành hương đã lũ lượt kéo lên Núi Ôliu để chuẩn bị cho cuộc rước truyền thống từ đây tiến về Giêrusalem bắt đầu lúc 2 giờ chiều. Cuộc rước này là để diễn lại việc Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Đoàn rước vừa đi vừa hô vang “Hôsana” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tạo nên một cảnh tượng rất hoành tráng và cảm động.
Từ núi Ôliu về đến Cổ Thành Giêrusalem, đoàn rước đi trong hơn một giờ đồng hồ. Đức Thượng Phụ Fouad Twal và Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto là khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem đi sau cùng chung với đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.
Đến cửa thành Thánh Stêphanô, người Do Thái gọi là cửa Sư Tử, là một trong 7 cửa thành của Cổ Thành Giêrusalem, Đức Thượng Phụ Fouad Twal hướng dẫn mọi người vào cầu nguyện bên trong nhà thờ Thánh Anna. Trong khi đó, anh chị em tín hữu Kitô thuộc các hệ Phái Tin Lành tập trung tại hồ Bethesda nơi Chúa đã từng chữa cho người mù được thấy.
Giêrusalem là thành phố được Vua Đavít xây dựng hơn 3000 năm về trước làm Kinh Thành của mình. Nơi đây, một thời cũng đã có những đền thờ nguy nga do Vua Sôlomon và Vua Hêrôđê dựng lên. Đền thờ do Vua Sôlomon dựng lên là một trong 10 kỳ quan thế giới cổ. Những đền thờ Do Thái ngày xưa đã đổ nát và ngày nay chỉ còn dấu tích là bức tường than khóc trong khu vực cổ thành nơi hiện có 35,000 dân trong đó hơn ba phần tư là người Hồi Giáo, người Kitô Giáo chỉ chiếm 6000 và người Do Thái Giáo chỉ có chưa đến 2,500 người.
Trong khu vực Jerusalem, Bethlehem và Ramallah có khoảng 50,000 tín hữu Kitô là một con số rất nhỏ so với cộng đồng Hồi Giáo tại đây.
3. Chương trình Tuần Thánh tại Vatican và Jerusalem
Lễ Lá tại Vatican và Jerusalem đã khai mạc Tuần Thánh tại hai địa điểm trọng yếu này của Giáo Hội. Những lễ nghi khác sẽ diễn ra như sau:
Sáng thứ Năm Tuần Thánh 17 tháng Tư, lúc 9h30 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức làm phép dầu cùng với Hồng Y, Thượng Phụ, Tổng Giám Mục, Giám Mục trong giáo triều Rôma và các linh mục thuộc giáo phận Rôma. Các loại dầu Thánh, như thường lệ, sẽ được nhận tại phòng thánh của Vương Cung Thánh Đường Latêranô, là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Rôma.
Lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại Trung Tâm Đức Bà là Đấng Quan Phòng thuộc hiệp hội Don Gnocchi nằm ở ngoại ô Rôma.
Tại Jerusalem, lúc 8h sáng thứ Năm Tuần Thánh, tại nhà thờ Mộ Thánh, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem sẽ cử hành thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh. Theo thỏa ước Nguyên Trạng, hôm nay là ngày các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa được giữ chìa khóa để mở cửa đền thờ Mộ Thánh cho buổi chầu Thánh Thể tổ chức lúc 2:45 chiều. Lúc 9 giờ tối, cha Pierbattista Pizzaballa là Custos tức là trưởng đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ sẽ chủ sự đêm canh thức cùng với Chúa Giêsu tại vườn GiệtSimani.
Lúc 5 giờ chiều thứ Sáu 18 tháng Tư, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi Phụng Vụ Lời Chúa, nghi thức tôn kính Thánh Giá và cho các tín hữu rước lễ. Lúc 21:15 tại hí trường Côlôsê, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự.
Tại Jerusalem, lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thượng Phụ Fouad Twal sẽ cử hành thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá tại nhà thờ Mộ Thánh.
Vào lúc 11 giờ sáng, các hiệp sĩ Thánh Mộ và anh chị em tín hữu đã đi đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi để lên đồi Golgotha. Buổi tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đoàn hiệp sĩ quản thủ Thánh Mộ sẽ cử hành tang lễ của Chúa Kitô.
Lúc 20h30 tối thứ Bẩy 19 tháng Tư, cùng với các vị trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi Rước Nến Phục sinh, công bố Tin Mừng Phục sinh, Rửa tội cho các tân tòng và Phụng Vụ Thánh Thể bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.
Tại Jeusalem, Lúc 7h30 sáng thứ Bẩy, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem sẽ cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Phục sinh.
Vâng thưa quý vị và anh chị em, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Chúa Phục Sinh, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh lúc 7h30 SÁNG. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giê-ru-sa-lem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.
Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ Phục sinh và đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới. Tiếp theo đó là nghi thức ban phép lành Urbi et Orbi cho Rôma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
4. Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ nỗi buồn vì tội lỗi lạm dụng tính dục trẻ em của các linh mục
Sáng thứ Sáu 11 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các đại diện của Văn Phòng Công Giáo quốc tế về trẻ em, gọi tắt là BICE. Trong bài phát biểu chống lại tệ nạn bắt trẻ em lao động như nô lệ và phải đi lính.
Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện văn phòng Bice được thành lập sau khi Đức Giáo Hoàng Piô 12 lên tiếng bênh vực trẻ em thời hậu thế chiến thứ 2. Từ đó tổ chức này luôn dấn thân thăng tiến các quyền của trẻ em và góp phần vào Hiệp ước của Liên Hiệp Quốc cách đây 25 năm về việc bảo vệ các quyền của trẻ em.
Dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ nỗi buồn của mình vì một số nhỏ linh mục lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.
Đức Thánh Cha nói:
“Tôi cảm thấy bắt buộc phải đích thân đề cập đến tất cả sự ác mà một số linh mục, rõ ràng chỉ là một số nhỏ so với con số tất cả các linh mục, và phải đích thân yêu cầu sự tha thứ cho những thiệt hại họ đã gây ra cho những nạn nhân bị lạm dụng tình dục. “
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng Giáo Hội nhận thức các thiệt hại, và sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này.
Ngài nói:
“Chúng ta sẽ không thối lui trong việc đề ra những biện pháp xử lý vấn đề này và thi hành các hình phạt. Trái lại, tôi tin rằng chúng ta phải mạnh mẽ, vì đối với các trẻ em không được đùa giỡn”
Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Ngày nay, điều quan trọng là tiếp tục thi hành các dự án chống lại tệ nạn trẻ em phải lao động như nô lệ, trẻ em bị xung vào quân ngũ và mọi thứ bạo hành chống trẻ vị thành niên. Nói một cách tích cực, cần tái khẳng định quyền của trẻ em được lớn lên trong một gia đình, với cha với mẹ có khả năng kiến tạo một môi trường thích hợp cho sự phát triển và sự trưởng thành tình cảm của các em”.
5. Nguy cơ lớn nhất là ly hôn giữa kinh tế và đạo đức
Hôm thứ Sáu 11 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến với Phong Trào Phò Sinh Itallia, dịp này ngài đã nhắc lại tình yêu của Giáo Hội đối với sự sống con người, nhấn mạnh rằng cần phải bảo vệ sự sống nhất là ở giai đoạn còn trong bụng mẹ và giai đoạn cao niên.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
“Tất cả chúng ta đã biết, sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Mọi dân quyền đều phụ thuộc vào việc thừa nhận quyền tối thượng và căn bản này là quyền sống. Đó là một quyền không phụ thuộc bất cứ điều kiện nào, dù là kinh tế, hay ý thức hệ.
Một trong các nguy cơ trầm trọng nhất thời nay là việc ly dị giữa kinh tế và luân lý, giữa một bên là các tiềm năng do thị trường đem lại cùng với những mới mẻ kỹ thuật của nó và một bên là quyền sống của con người đang bị lãng quên hơn bao giờ hết. Chúng ta cần phải khẳng định một sự chống đối quyết liệt đối với mọi mưu toan trực tiếp chống lại sự sống, nhất là sự sống vô tội và yếu ớt của những đứa trẻ còn trong bụng mẹ”
6. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng của sự sống và của gia đình
Trước lễ phong hiển thánh cho Đức Gioan Phaolô II, cha Slawomir Oder, cáo thỉnh viên án phong thánh cho ngài, lên tiếng nhấn mạnh tới sự quan tâm đặc biệt của vị Giáo Hoàng đối với sự sống và gia đình.
Cha cho hay Đức Gioan Phaolô II đã cai quản Giáo Hội trong 30 năm. Ngài đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau nhưng ngài đặc biệt muốn người đời sau nhớ tới ngài như vị Giáo Hoàng của sự sống và của gia đình.
Thực vậy, hai phép lạ dọn đường cho việc phong chân phước và phong hiển thánh cho ngài đều liên quan tới sự sống và gia đình.
Về án phong chân phước, một nữ tu người Pháp là Dì Marie Simon-Pierre, vốn làm việc tại một trung tâm sinh nở, đã nhờ lời cầu bầu của Đức Gioan Phaolô II mà khỏi bệnh Parkinson.
Còn về án phong hiển thánh, phép lạ được gán cho sự cầu bầu của ngài là việc chữa lành bà Floribeth Mora, người chuyên tâm cầu nguyện để chồng bà, con cái và các cháu không mất vợ, mẹ và bà.
Ngoài ra, cha Oder còn cho hay: đa số thư từ mà cha nhận được đều cám ơn Đức Gioan Phaolô II vì nhờ lời cầu bầu của ngài mà các cặp vợ chồng đã làm hòa trở lại, sinh con sinh cái. Cha bảo: “Sau tang lễ của Đức Gioan Phaolô II, nhiều gia đình được ơn sinh con cái. Họ bèn lấy tên ngài đặt tên cho đứa trẻ như Charles, Carolina, Gioan hay Gioan Phaolô, rất nhiều trường hợp như thế.
Cha nhớ trường hợp một cặp vợ chồng Đức viết thư nói về hồng ân của họ. Họ bị khủng hoảng gia đình nhưng sau đó vượt qua được cơn khủng hoảng này nhờ nghe bài giáo lý của Đức Gioan Phaolô II về gia đình. Nhất là loạt bài giáo lý của ngài với tựa đề “Chúa dựng nên họ có nam có nữ”.
Nhân dịp lễ phong hiển thánh sắp tới, cha Oder phân phối hàng ngàn tấm hình của Đức Gioan Phaolô II. Một số tấm hình này có chứa một mảnh vải nhỏ từ chiếc áo chùng của ngài, để số đông người có thể có được một chút gì đó của vị giáo hoàng mà họ biết nhiều hơn cả trong suốt đời họ.
7. Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Italia viết bài suy niệm cho 14 chặng đàng thánh giá tại hí trường Côlôsê
Lúc 21:15 tại hí trường Côlôsê, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự. Vị được giao viết những bài suy niệm cho 14 chặng đàng thánh giá năm nay là Đức Tổng Giám Mục Giancarlo Maria Bregantini của tổng giáo phận Campobasso-Boiano, đồng thời cũng là chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, Vấn Nạn Xã Hội và Lao Động thuộc Hội Đồng Giám Mục Italia.
Trong lời dẫn nhập, Đức Tổng Giám Mục đã trích dẫn Tin Mừng thánh Gioan (19:35-37):
“Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác rằng: Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu qua.”
Ngài viết tiếp:
“Lạy Chúa Giêsu dấu ái. Chúa đã bước lên đồi Golgotha không chút do dự, đầy yêu thương và để cho mình chịu đóng đinh không một lời phàn nàn trách móc”.
Những bài suy niệm cho 14 chặng đàng thánh giá tại hí trường Côlôsê luôn được chú ý rộng rãi trên toàn thế giới vì sự phong phú của những suy tư thần học. Ngay cả truyền thông thế tục cũng chú ý đến những bài suy niệm này vì chúng phản ánh những suy tư của Giáo Hội trước những bất công lan tràn trên thế giới và tình trạng xuống cấp và tháo thứ về luân lý, và đạo đức trong xã hội.
Trong khi chặng đàng thánh giá năm 2013 do Đức Thượng Phụ Bechara Boutros al-Rahi biên soạn nói lên tình cảnh bi đát của các tín hữu Kitô vùng Trung Đông, văn bản của các chặng đàng Thánh Giá năm 2007 do một học giả nổi tiếng về Thánh Kinh là Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi biên soạn thường được xem là một áng văn chương kiệt xuất.
8. Đức Thánh Cha tiếp kiến 120 bác sĩ tham dự hội nghị về giải phẫu ung thư
Trong buổi tiếp kiến 120 bác sĩ tham dự Hội nghị về giải phẫu ung thư, sáng thứ Bẩy 12 tháng Tư, Đức Thánh Cha kêu gọi giới y khoa hãy chú ý đến con người một cách toàn diện và có tinh thần chia sẻ huynh đệ với các bệnh nhân.
Hội nghị do Đại học La Sapienza ở Roma cùng với bệnh viện thánh Andrea tổ chức.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đề cao vai trò của các bác sĩ như một sự dấn thân có giá trị cao cả, để mang lại câu trả lời cho những mong đợi và hy vọng của nhiều bệnh nhân trên toàn thế giới. Và ngài nói:
“Để có thể nói về sức khỏe trọn vẹn, cần để ý rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, gồm thể xác và tinh thần. Hai yếu tố này có thể phân biệt, nhưng không tách rời nhau, vì con người là đơn nhất. Vì thế, cả bệnh tật, kinh nghiệm đau khổ, không phải chỉ liên quan đến chiều kích thân xác, nhưng liên hệ tới con người toàn diện.”
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “cần có một sự chăm sóc chữa trị toàn diện, cứu xét con người trong toàn bộ và liên kết sự chữa trị y khoa với sự nâng đỡ nhân bản, tâm lý và xã hội, tháp tùng tinh thần và nâng đỡ thân nhân người bệnh. Vì vậy, điều tối cần thiết là các nhân viên y tế “được hướng dẫn nhờ một quan niệm nhân bản toàn diện về bệnh tật và biết thực hiện một lối tiếp cận thực sự là nhân bản đối với bệnh nhân đang chịu đau khổ” (Gioan Phaolô 2, Tự sắc Dolentium hominum, 11-2-1985).
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến Tuần Thánh bắt đầu với cao điểm là Tam Nhật Thánh cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Ngài nói: “Chỉ có Chúa Kitô mang lại ý nghĩa cho cái cớ vấp phạm là sự đau khổ của người vô tội. Anh chị em cũng có thể nhìn lên Chúa chịu đóng đinh và sống lại, khi chu toàn công việc hằng ngày. Dưới thân thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta cũng gặp người Mẹ đau khổ của Chúa. Người là Mẹ của toàn thể nhân loại và luôn gần gũi những người con đau yếu bệnh tật của Mẹ”
9. Tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls: Phép lạ lớn nhất của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chính là cuộc sống hàng ngày của ngài.
Tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls, cựu phát ngôn viên Tòa Thánh đã trải qua 22 năm làm việc sát cánh với Đức Gioan Phaolô II. Như một người bạn thân, tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls chia sẻ nhiều khoảnh khắc khó quên với Đức Giáo Hoàng Ba Lan, nhưng một trong những điều ông nhớ nhất là cách vị Giáo Hoàng đã sống cuộc sống hàng ngày của ngài.
Tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls nói:
“Ngài có khiếu hài hước tuyệt vời. Ngài luôn nói đùa và ngài yêu cầu chúng tôi cũng phải làm như vậy. Đó là một chiều kích khác của sự thánh thiện, bởi vì nó dựa vào những chuyện diễn ra hàng ngày. Khi người ta hỏi tôi, ‘ông đã bao giờ nhìn thấy ngài làm một phép lạ nào không?’ Tôi nói thấy chứ. Một phép lạ mà không có ai đã viết thành sách là cuộc sống hàng ngày của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Cách ngài làm việc, làm thế nào ngài sử dụng thời gian của mình và cách ngài nói đùa với người xung quanh. Ngài có một trực giác hài hước kỳ lạ. “
Trong tư cách là phát ngôn viên của Tòa Thánh, tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls đã đi cùng với Đức Gioan Phaolô II trong 128 cuộc tông du, bao gồm cả chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tới Cuba. Ông cũng tích cực tham gia vào việc tổ chức Năm Thánh vào năm 2000. Vì vậy, tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls là một người thân cận trong nhóm cộng sự viên đắc lực của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng trên hết họ là những người bạn với nhau. Tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls luôn cho rằng trong cách nào đó ông vẫn cảm thấy rất gần gũi với Đức Gioan Phaolô II.
“Khi được hỏi, ông có nhớ ngài không? Tôi nói không. Mọi người có thể không tin điều đó. Họ nói rằng, như vậy nghĩa là gì vì bạn luôn gần gũi với ngài mà? Vâng, đó là sự thật. Khi nói đến chuyện làm việc, chúng tôi gặp nhau hai hoặc ba giờ mỗi ngày. Nhưng bây giờ, tôi có thể cảm thấy sự liên hệ với ngài 24 giờ một ngày. Vì vậy, theo ý nghĩa đó, tôi không cảm thấy nhớ ngài. “
Không phải ai cũng có diễm phúc được thấy ông xếp của mình được phong thánh. Vào ngày Chúa Nhật 27 Tháng Tư, trong buổi lễ phong thánh, tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls nói rằng ông đã biết trước những gì ông sẽ nói với người bạn của mình, ông xếp trong quá khứ và vị thánh trong tương lai.
Tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls nói:
“Vào ngày lễ sắp tới, tôi sẽ nói với ngài: Gioan Phaolô II: cảm ơn bạn, cảm ơn bạn đã biến cuộc sống của bạn thành một kiệt tác với sự giúp đỡ của Thiên Chúa. “
Mặc dù Chúa Nhật 27 Tháng Tư sẽ là một ngày lịch sử của Giáo Hội, nhưng ngày này cũng sẽ đầy ắp những kỷ niệm cho những ai đã từng quen biết vị Giáo Hoàng người Ba Lan.
10. Đức Thánh Cha tái lên án nạn buôn người
Đức Thánh Cha Phanxicô tái lên án nạn buôn người và ngài khích lệ mọi nỗ lực thuộc các ngành khác nhau nhắm chống lại tội ác này.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ sáng 10 Tháng Tư với 120 tham dự viên Hội nghị quốc tế kỳ 2 về nạn buôn người tiến hành tại trụ sở Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học ở nội thành Vatican trong hai ngày 9 và 10 tháng Tư với sự tham dự của 50 chuyên gia đến từ hơn 20 quốc gia, trong số này có các giới chức cảnh sát quốc tế, các giáo sĩ, tu sĩ và các chuyên gia về các hoạt động nhân đạo.
Đức Thánh Cha nói:
“Nạn buôn người là một vết thương trong thân thể nhân loại ngày nay, một vết thương trong thân mình của Chúa Kitô. Đó là một tội ác chống lại nhân loại. Sự kiện chúng ta họp nhau ở đây để liên kết những nỗ lực của chúng ta, có nghĩa là chúng ta muốn các chiến lược và thẩm quyền được tháp tùng và củng bố bằng sự cảm thông từ bi theo tinh thần Tin Mừng, và bằng sự gần gũi với những người nam nữ nạn nhân của tệ nạn này”.
Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện tại hội nghị có nhiều quan chức cảnh sát quốc tế cùng với các nhân viên về các hoạt động nhân đạo: một bên nhắm thi hành luật pháp nghiêm túc, một bên có nghĩa vụ chính yếu là tiếp đón, trao tặng hơi ấm của tình người và giúp các nạn nhân phục hồi, hai khía cảnh này có thể và phải đi song đôi với nhau. Đối thoại và đối chiếu từ hai lối tiếp cận bổ túc cho nhau như vậy là điều rất quan trọng. Vì thế các cuộc gặp gỡ như thế này rất hữu ích và cần thiết”
Có khoảng 2 triệu 400 ngàn nạn nhân của tệ nạn này trên thế giới, mang lại 32 tỷ mỹ kim cho những kẻ bất lương. Hội nghị được triệu tập do sáng kiến của Hội Đồng Giám Mục Anh quốc, nhắm mục đích góp phần loại trừ nạn buôn người, tăng cường sự cộng tác quốc tế trong ý hướng này.
Trong phiên họp hôm 10 tháng Tư, một số nạn nhân đã trình bày chứng từ tại Hội nghị
11. Người Công Giáo tại Crimea đang sống những ngày thứ Sáu Tuần Thánh dưới ách quân Nga
Người Công Giáo sống ở Crimea đã hoàn toàn bị biệt lập khỏi Giáo Hội Công Giáo tại Ukriane kể từ khi Nga chiếm đóng và sáp nhập Crimea vào Nga, một giám mục tại Crimea đã nói như trên với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ gọi tắt là ACN.
Đức Cha Jacek Pyl, Giám Mục phụ tá của giáo phận Odessa-Simferopol, nói với ACN: “Chúng tôi chỉ còn có thể giao tiếp qua điện thoại hoặc email. Các gói viện trợ bị giữ lại hết tại biên giới. “
Mặc dù chỉ có khoảng 2,000 người Công Giáo ở Crimea, Giáo Hội Công Giáo đã tìm cách hỗ trợ cho các gia đình nghèo, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng chính trị. Đức Cha PYL nói rằng ngài không biết có bao nhiêu người Công Giáo đã di tản kể từ khi Nga tiếp quản bán đảo này.
Dưới sự kiểm soát của Mạc Tư Khoa, nhiều linh mục Công Giáo đang phục vụ theo giấy phép cư trú của chính phủ Ukraine có thể bị yêu cầu rời khỏi vùng này. Ngoài ra, các cuộc đàm phán với các quan chức Ukraine về việc phục hồi tài sản các giáo xứ Công Giáo bị tịch thu trong thời kỳ Stalin đã bị gián đoạn.
Trong khi đó hôm thứ Bẩy 12 tháng Tư Ngoại trưởng Ukraine là Andrii Deshchytsia đã kêu gọi Nga chấm dứt ngay những “hành động khiêu khích” ở miền đông Ukraine.
Những người đàn ông vũ trang trong quân phục ngụy trang đã xông vào một đồn cảnh sát và một tòa nhà an ninh ở thành phố Slaviansk phía đông Ukraina lấy đi ít nhất 400 khẩu súng ngắn và 40 súng trường tự động, phân phối cho những người biểu tình là những hậu duệ người Nga đang muốn khu vực của họ thuộc về Nga.
Slaviansk cách biên giới Nga khoảng 150 km.
12. Một nhà thần học không cầu nguyện sẽ bị nhận chìm trong chủ nghĩa tự tôn tự đại (narcissim)
Hôm thứ Năm 10 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các giáo sư và sinh viên của ba trường đại học tại Rome do Dòng Tên điều hành là Đại học Giáo hoàng Gregoriô, Viện Giáo Hoàng về Kinh Thánh, và Viện Giáo Hoàng về Phương Đông.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu các tham dự viên bảo vệ lịch sử và luôn luôn nhìn tới tương lai.
Đức Thánh Cha nói:
“Hãy tỉnh thức với hiện tại nhưng luôn luôn với đôi mắt dõi nhìn vào tương lai. .. Hãy nhìn về chân trời với óc sáng tạo và trí tưởng tượng, hãy tìm cách có một tầm nhìn tổng quát về tình huống và những thách thức thực sự. Tìm mọi cách để đối mặt với chúng trong tổng thể, hãy tìm kiếm những con đường mới mà không sợ hãi. “
Ngài nói thêm rằng các trường đại học giáo hoàng không phải là các nhà máy đào tạo các triết gia và các nhà thần học, vì một nhà thần học không cầu nguyện thì sớm muộm cũng kết thúc trong chủ nghĩa tự tôn, tự đại.
Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi các giáo sư hãy tạo ra một bầu không khí ấm áp trong lớp học, để duy trì quan hệ thân thiết với các sinh viên của họ.
13. Các ca nhạc sĩ Mỹ Châu La Tinh trong liên khúc tri ân hai vị Giáo Hoàng sắp được phong thánh
Đức Cha Francisco Robles Ortega, Tổng Giám Mục Guadalajara, Mexico đã có sáng kiến mời 13 ca nhạc sĩ hàng đầu của Mỹ Châu La Tinh góp mặt trong một ca khúc mới sáng tác để bày tỏ lòng tri ân của các quốc gia thuộc Mỹ Châu với Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII
Ca khúc “Hombres de Dios”, “những người đàn ông của Thiên Chúa”, là tên của ca khúc này.
Người ca sĩ đang hát này là ngôi sao ca nhạc Athenas Vénica của Á Căn Đình, người chuyên hát những bài thánh ca vào đời thu hút hàng trăm ngàn người trẻ trong các buổi trình diễn của cô tại Buenos Aires và Hoa Kỳ.
14. Đức Giáo Hoàng viết thư cho chính phủ và phe đối lập Venezuela
Sau hơn hai tháng bạo lực đẫm máu giữa người biểu tình và lực lượng an ninh làm ít nhất 41 bị thiệt mạng trên các đường phố của Venezuela, qua trung gian của Hội Đồng Giám Mục Venezuela, lần đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra, chính phủ và phe đối lập đã chịu ngồi xuống đàm phán.
Dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp yêu cầu hai bên chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau, kiên nhẫn và can đảm để đạt được hòa bình. Ngài kêu gọi họ vượt qua sự khác biệt bằng “chủ nghĩa anh hùng của sự tha thứ” và thúc giục họ hãy can đảm “vì lợi ích của người dân và tương lai của con cái họ.”
Trong một lá thư khác, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết ngài hy vọng hòa bình sẽ sớm được vãn hồi. Đức Hồng Y trước đây đã từng là sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela. Vì thế, ngài viết rằng “trái tim tôi vẫn còn với anh chị em,” và nói thêm rằng tiến trình hòa bình là ” một cơ hội tốt không thể bị lãng phí. “
Đức Hồng Y Parolin cũng nói ngài sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa hai bên.
15. Đức Giáo Hoàng dừng chiếc xe popemobile để trò chuyện với một người bạn ở Quảng trường Thánh Phêrô
Mùa xuân lại về với Rôma, hàng mấy chục ngàn người lại tuôn đến với các buổi triều yết chung ngày Thứ Tư và các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.
Hôm thứ Tư 9 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải mất 25 phút để thực hiện nhiều vòng quanh quảng trường Thánh Phêrô để chào đón anh chị em tín hữu.
Đức Giáo Hoàng đã nhận ra một người bạn cũ. Ngài dừng chiếc xe popemobile, chờ đợi người bạn nhảy qua hàng rào và đã có một cuộc trò chuyện với người ấy bằng tiếng Tây Ban Nha.
Trong bài giáo lý về Bảy Ơn Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha cũng đã đề cập đến chuyện ngài gặp lại được người bạn thân này.
Trong số hơn 45,000 người hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô hôm mùng 9 tháng Tư có một đoàn đại biểu đông đảo các quân nhân đại diện cho thủy quân lục chiến Ý.
Nguồn: Vietcatholic