Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 11-17/05/2017: 100 năm sứ điệp Fatima

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 11-17/05/2017: 100 năm sứ điệp Fatima

1. Điện tặc tấn công kinh hoàng trên thế giới bằng Ransomware.

Từ hôm thứ Sáu 12 tháng 5, điện tặc đã tấn công vào một con số khổng lồ các máy điện toán trên thế giới bằng một chương trình gọi là WannaCry có khả năng lây lan rất nhanh trên máy tính cá nhân và trên những networks rất lớn. Cuộc tấn công này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế nhưng có thể gây ra cả các trường hợp tử vong vì các bệnh viện tại Anh đã phải từ chối các bệnh nhân mới và nhiều ca phẫu thuật đã phải đình hoãn.

Máy điện toán của những nạn nhân bị tấn công bị khóa không thể làm gì cả cho đến khi nạn nhân trả một số tiền chuộc là 300 Mỹ Kim qua phương thức thanh toán BitCoin. Khi con số các nạn nhân gia tăng, số tiền chuộc đã tăng gấp đôi là 600 Mỹ Kim vào hôm thứ Hai 15 tháng 5.

Các chuyên viên điện toán cho rằng cuộc tấn công này xuất phát từ Bắc Hàn. Thông tấn xã Reuters ước lượng hơn 300,000 máy điện toán trên thế giới đã bị tấn công tại 150 quốc gia trên thế giới kể từ hôm thứ Sáu.

Lý do người ta nghi cho Bắc Hàn là vì nhiều đoạn thảo chương tìm thấy trong chương trình WannaCry này là những đoạn thảo chương đã được dùng bởi nhóm Lazrus. Nhóm này được nhiều người xác định là một hoạt động điện tặc của Bắc Hàn.

Các cuộc tấn công cuối tuần qua được ghi nhận là một trong các chiến dịch làm tiền lây lan nhanh nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, một số chuyên viên khác thì cho rằng còn quá sớm để đi đến kết luận là Bắc Hàn có dính líu vào cuộc tấn công này.

Trước đây nhóm Lazarus đã từng bị cáo buộc lấy cắp 81 triệu Mỹ Kim từ ngân hàng Trung Ương của Bangladesh.

Hoa Kỳ cũng cáo buộc nhóm này tấn công vào Sony Pictures vào năm 2014.

Thủ đoạn tấn công điện toán và đòi tiền chuộc này được gọi là Ransomware đã bắt đầu xảy ra vào năm 2005 và ngày càng trở nên tinh vi. Hiện nay, các ransomware không chỉ có khả năng tấn công các máy desktop và laptop, mà còn có thể tấn công cả những điện thoại di động.

In 2015, một loại ransomware được ngụy trang dưới hình thức một chương trình ứng dụng tên là Porn Droid, hứa hẹn sau khi cài đặt các điện thoại cầm tay có thể truy nhập miễn phí vào các hình ảnh khiêu dâm. Tuy nhiên, ứng dụng này sau khi cài đặt đã khóa điện thoại của nạn nhân, thay đổi PIN number và đòi 500 Mỹ Kim tiền chuộc.

Bi hài đến mức khó tin được là cả cảnh sát Mỹ cũng phải đóng tiền chuộc. Thật vậy, một máy tính cảnh sát ở Swansea, Massachusetts cũng bị tấn công và sở cảnh sát đã quyết định trả tiền chuộc khoảng $750.

Thanh tra cảnh sát Gregory Ryan của Swansea nói với tờ Herald News:

“Virus này rất phức tạp và thành công nên chúng tôi đành phải mua những Bitcoins trả tiền chuộc, là điều chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến”.

Để tránh khỏi bị tấn công, bạn đừng bao giờ mở xem những files đính kèm trong một email không hề mong đợi, đặc biệt nếu nó đến từ một người chưa hề quen biết. Bạn cũng đừng lang thang quá nhiều trên Net. Đừng vào những web sites lạ. Thế giới sa ngã này đầy rẫy những hình ảnh dâm dục trên Net. Xem những hình ảnh ấy là một tội lỗi với các hậu quả nghiêm trọng.

2. Đối với nhiều người thời tiết tại Fatima hôm thứ Bẩy 13 tháng 5 là một phép lạ nhãn tiền

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như Kim Thúy đã tường thuật, trong những ngày qua thời tiết tại Fatima có vẻ không thuận lợi. Từ hôm thứ Tư, trời u ám nhiều mây với những cơn mưa nhẹ. Nhiệt độ xuống thấp đến 10o C và cao nhất cũng chỉ đến 15o C.

Đài khí tượng thủy văn Lisbon tiên đoán sáng thứ Bẩy thế nào cũng có mưa. Nhưng buổi lễ tuyên thánh cho Jacinta và Francesco Marto đã diễn ra dưới bầu trời nắng ráo. Nhiều người qua đêm ngay tại quảng trường đền thờ, quấn mình trong những chiếc chăn cho biết trời về đêm rất lạnh và họ nghĩ rằng ngày mai thế nào cũng có mưa.

Khoảng gần 10 giờ sáng, Đức Phanxicô đến kính viếng mộ hai anh em ruột Francisco và Jacinta Marto trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi.

Trong khi ấy, một đám đông vĩ đại đã tụ tập bên ngoài quảng trường, nơi thánh tượng Trinh Nữ Maria đã được long trọng cung nghinh, dưới ánh sáng mặt trời reo vui và những cánh hoa do con cái ngài tung lên. Các viên chức ước lượng số người tham dự có thể là 1 triệu.

Hơn 10 giờ sáng, Đức Phanxicô từ trong Vương Thánh Đường buớc xuống các bực thềm dẫn tới khán đài cử hành Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, ngài đã phong hiển thánh cho hai chân phúc Francisco và Jacinta, những vị đã được thị kiến Trinh Nữ Maria và đã thực tâm và hết lòng thực hành các điều ngài yêu cầu. Các tín hữu hoan hô vang dội sau khi Đức Giáo Hoàng tuyên thánh cho hai vị.

3. Các Giám Mục Venezuela kêu gọi dân chúng quyết liệt phản đối các âm mưu mới của Maduro trong hòa bình

Các giám mục Venezuela đã chỉ trích mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng thống Nicolas Maduro muốn hình thánh một “Quốc Hội lập hiến” để thay thế Quốc Hội hiện hành, trong đó đa số ghế thuộc phe đối lập. Quốc Hội hiện hành đã bị Maduro giải tán.

Các giám mục kêu gọi người Venezuela cầu nguyện và “lên tiếng phản kháng” nhưng trong vòng ôn hòa.

Trích dẫn bản chất “áp bức của chính phủ thông qua việc dập tắt những phản đối chính đáng bằng một thứ bạo lực quá mức và vô nhân đạo”, các giám mục nói rằng họ không thể làm ngơ trước “nỗi buồn và những đau khổ mà chế độ này đang gây ra cho nhân dân Venezuela”.

4. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về thiên văn

Đức Thánh Cha khuyến khích các nhà khoa học kiên trì tìm kiếm chân lý và đừng bao giờ sợ sự thật.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 12-5, dành cho các tham dự viên vừa kết thúc 4 ngày Hội nghị quốc tế về khoa học và tôn giáo tổ chức tại Đài thiên văn Vatican ở Castel Gandolfo.

Hội nghị có chủ đề là “Những lỗ đen, các sóng hấp lực và đặc điểm không gian – thời gian”, và nhắm chứng tỏ khoa học và tôn giáo không đối nghịch nhau, nhưng liên kết trong sự liên tục tìm kiếm chân lý trong việc khám phá những mầu nhiệm của vũ trụ.

Đức Thánh Cha cho biết Giáo Hội cũng quan tâm đến những vấn đề như sự khởi đầu của vũ trụ và những tiến hóa sau đó, cơ cấu sâu xa của không gian và thời gian… Đây là những đề tài đặc biệt quan trọng đối với khoa học, triết học, thần học và cả đời sống tu đức nữa. Chúng là một thao trường trong đó các bộ môn gặp gỡ và nhiều khi đụng độ nhau.

5. Một giáo sĩ Hồi Giáo Ai Cập lên đài truyền hình mạ lị Kitô Giáo và Do Thái Giáo

Chính quyền Ai Cập đã đình chỉ các hoạt động tôn giáo của một giáo sĩ Hồi giáo, sau khi ông này lên án các Kitô hữu và người Do Thái là những “kẻ ngoại đạo.”

Trong một chương trình truyền hình, Salem Abdel Galil đã đề cập đến Kitô Giáo và Do Thái Giáo như là các tín ngưỡng “băng hoại”, mà các tín đồ không thể được lên thiên đường.

Những lời bình luận của ông đã bị các nhà lãnh đạo Hồi giáo khác chỉ trích. Các quan sát viên nhân quyền tại Ai Cập cho rằng ngôn ngữ của ông này cũng tương tự như các nhà truyền giáo cực đoan, là những người đã kích động bạo lực chống lại thiểu số Kitô giáo ở nước này.

Để bào chữa cho mình, Galil nói rằng ông tin rằng các Kitô hữu và người Do Thái có “các giáo thuyết băng hoại” – và điều này cũng giống như các Kitô hữu và tín hữu Do Thái tin rằng giáo thuyết Hồi Giáo là băng hoại. Cho nên, ông từ chối rút lại tuyên bố của mình.

Bộ tôn giáo vụ Ai Cập – nơi Galil đã từng làm việc – tuyên bố rằng giáo sĩ này không thể thực hiện các chương trình truyền hình hay chủ sự các buổi cầu nguyện công khai cho đến khi nào ông ta chịu xin lỗi vì những lời bình luận của mình.

Đài truyền hình đã phát sóng các bài giảng của Galil, đã đưa ra lời xin lỗi của đài.

Galil cũng phải đối mặt với một cáo buộc hình sự, theo luật chống lại sự phỉ báng tín ngưỡng tôn giáo. Naguib Gobrali, một luật sư người Kitô giáo, đã đệ đơn khiếu nại, nói rằng những lời của Galil “đã cấu thành một sự bôi nhọ tôn giáo.” Một phiên tòa đã nhận đơn kiện và sẽ xét xử vụ này vào tháng Sáu tới đây.

6. Ý kiến của Đức Thánh Cha về việc Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje

Trên chuyến máy bay từ Bồ Đào Nha trở lại Vatican, Đức Phanxicô đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn về đủ mọi vấn đề thời sự. Khi được hỏi về việc Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, ngài nói rằng những cuộc hiện ra lúc ban đầu cách nay hơn 3 thập niên thì đáng được nghiên cứu thêm, nhưng những thị kiến sau đó thì rất đáng hồ nghi. Theo ngài, căn cứ vào bản tường trình của ủy ban điều tra do Đức Bênêđíctô XVI thiết lập, được đệ nạp cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thì ta cần phân biệt hai loại hiện ra.

“Đối với các cuộc hiện ra thứ nhất, với các trẻ em, bản tường trình ít nhiều cho rằng loại này cần được tiếp tục nghiên cứu” nhưng còn đối với “những cuộc hiện ra được giả định là vẫn đang tiếp diễn, thì bản tường trình tỏ ý hồ nghi”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng: “bản thân tôi còn hồ nghi hơn thế, tôi thích coi Đức Mẹ là Mẹ, Mẹ của chúng ta, hơn là một phụ nữ đứng đầu một văn phòng ngày nào cũng gửi đi một tin nhắn vào một giờ nhất định. Đó không phải là Mẹ Chúa Giêsu. Những cuộc hiện ra như thế vô giá trị”.

Ngài minh xác rằng đây chỉ là “ý kiến riêng” của ngài, nhưng nói thêm rằng Đức Bà không hề hành động bằng cách nói rằng “ngày mai vào giờ này, con hãy đến và ta sẽ trao tin nhắn cho những người ấy”.

7. Giám mục mặc áo trắng và sứ điệp hòa bình

Một ký giả hỏi ngài về sứ điệp hòa bình, ngài cho hay: Fatima chắc chắn có một sứ điệp hòa bình và ngài hân hoan được đến đây để tuyên thánh cho Francisco và Jacinta, một việc chỉ mới được lên kế hoạch gần đây thôi khi “bỗng nhiên” có cơ hội. Ngài hân hoan vì thế giới vốn đang mong ước hòa bình và hòa bình là điều ngài sẽ luôn nói với bất cứ ai. Ngài có ý ám chỉ Ông Trump, người mà ngài sẽ gặp vào ngày 24 tháng này.

Nhân dịp này, ngài nhắc lại một sự kiện mới xẩy ra tại Castel Gandolfo, nơi ngài tiếp kiến các khoa học gia thế giới tụ tập nhau tại Đài Thiên Văn Vatican: một nhà khoa học vô thần xin ngài nói với các Kitô hữu rằng “họ nên yêu mến sứ điệp hòa bình của họ hơn nữa”.

Trả lời một ký giả khác hỏi về việc ngài tự mô tả mình như “giám mục mặc áo trắng”, ngài cho rằng trắng nói lên khát vọng hòa bình. Ngài bảo: “tôi không viết câu ấy… đền thánh viết nó ra… Quả có một nối kết ở đây với mầu trắng. Giám mục áo trắng, Đức Mẹ áo trắng, mầu trắng sáng ngời của tuổi thơ trong trắng sau khi chịu Phép Rửa… có sự nối kết với mầu trắng trong lời cầu nguyện ấy. Tôi tin, vì tôi không viết ra nó, nhưng tôi tin rằng với mầu trắng họ thực sự muốn nói lên khát vọng trong trắng, khát vọng hòa bình… không làm tổn thương người khác… không tạo ra tranh chấp…”. Chứ ngài không muốn ví mình như vị giám mục áo trắng của bí mật Fatima thứ ba.

8. Huynh Đoàn Thánh Piô X

Đối với câu hỏi về Huynh Đoàn Thánh Piô X, Đức Phanxicô cho biết: Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đang nghiên cứu các tài liệu về vấn đề này. Trong khi ấy, liên hệ đôi bên hiện rất huynh đệ.

Năm ngoái, ngài cho phép các linh mục của huynh đoàn được quyền giải tội. Huynh Đoàn Thánh Piô X cũng đệ trình lên Tòa Thánh xin giải quyết nhiều vụ: một số vụ về hôn nhân, các vụ lạm dụng tình dục, việc hoàn tục các linh mục.

Đức Cha Fellay duy trì mối liên hệ tốt, được ngài nói chuyện nhiều lần…Nhưng ngài không vội vàng, cứ từ từ mà bước. Đây không phải là việc người thắng kẻ thua, mà là việc anh em cần bước đi với nhau, tìm ra một công thức nhằm thúc đẩy sự việc tiến triển.

9. Ông Trump và cánh cửa hé mở

Vì câu ngài khuyên tín hữu đạp đổ các bức tường, ngược với chủ trương của Tổng Thống Trump, người mà ngài sắp sửa gặp mặt, một ký giả hỏi ngài mong gì ở cuộc gặp gỡ sắp tới, ngài cho biết: “tôi không bao giờ phán đoán ai mà không lắng nghe họ. Tôi tin tôi không nên làm như vậy. Trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, sự việc sẽ diễn ra, tôi sẽ nói điều tôi nghĩ, ông ấy sẽ nói điều ông ấy nghĩ, nhưng tôi không bao giờ, không bao giờ muốn phán đoán ai mà chưa nghe họ nói”.

Còn về câu hỏi ngài mong gì từ một quốc trưởng luôn nghĩ trái ngược với ngài, Đức Phanxicô cho rằng: “Luôn có những cánh cửa không đóng. Hãy tìm cho ra các cánh cửa chỉ hé mở một chút, hãy bước vào và nói về những điều chung rồi ra đi.Từng bước một. Hoà bình là thuật thủ công. Nó được làm hàng ngày. Cũng thế, tình thân hữu giữa con người, việc biết nhau, qúy mến nhau, cũng là thuật thủ công. Nó được làm hàng ngày. Hãy tôn trọng người khác, hãy nói điều mình nghĩ, nhưng với lòng tôn trọng, tuy nhiên, hãy cùng bước với nhau… người ta nghĩ cách này hay cách khác, nhưng hãy nói điều đó… Hãy thành thật với điều mình nghĩ, đúng không?”.

Có hy vọng gì làm dịu các quyết định của Trump? Ngài trả lời: “Đây là một bài toán chính trị mà ngài không tự cho phép mình làm”.

10. Hai mươi lăm năm giám mục của Đức Thánh Cha Phanxicô

Được hỏi về sự trùng hợp giữa ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu ở Fatima, 13 tháng 5 năm 1917 và ngày 13 tháng 5 cách nay 25 năm, lúc ngài được sứ thần Tòa Thánh thông báo sẽ nhận chức vụ giám mục phụ tá của Buenos Aires, Đức Phanxicô cho hay: ngài chỉ nghĩ đến sự trùng hợp này khi đứng cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ tại Fatima. Ngài có thưa chuyện này với Đức Mẹ và xin Đức Mẹ tha thứ mọi lỗi lầm.

Đối với Phong Trào Cải Cách, “đã có những bước tiến vĩ đại… chúng ta nghĩ tới tuyên bố đầu tiên về công chính hóa, từ đó, cuộc hành trình chưa bị đình trệ… cuộc tông du Thụy Điển rất có ý nghĩa… cả lễ kỷ niệm ở Thụy Điền nữa… lại còn ý nghĩa của đại kết đồng hành… nghĩa là đi với nhau, trong cầu nguyện, trong tử đạo, trong các công trình bác ái, các công trình thương xót. Và ở phương diện này, Cơ Quan Caritas của Giáo Hội Luthêrô và cơ quan Caritas của Giáo Hội Công Giáo đã thỏa thuận làm việc chung với nhau. Đây là một bước vĩ đại. Nhưng bước đi luôn cần được chờ đợi. Chúng ta biết: Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa của bất ngờ. Nhưng ta không bao giờ được dừng lại. Phải luôn tiếp tục tiến bước. Cầu nguyện với nhau, làm chứng với nhau và làm các việc thương người với nhau, những việc này công bố tình thương của Chúa Giêsu Kitô, công bố rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, là Đấng Cứu Độ độc nhất, và ơn thánh chỉ từ Người mới có. Và trên đường đi này, các nhà thần học sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhưng đường đi thì lúc nào cũng phải đi tới. Còn lòng ta thì mở ra chào đón các ngạc nhiên”.

Đức Phanxicô còn trả lời hai câu hỏi nữa về các lời tố cáo của Bà Marie Collins khi bà này từ chức khỏi ủy ban giáo hoàng về lạm dụng tình dục trẻ em, và về sự băng hoại trong xã hội Bồ Đào Nha. Về câu hỏi đầu, ngài cho Bà Collins có lý một phần. Chung quy là do hồ sơ ứ đọng, ít nhân viên. Tòa Thánh đang cố gắng tăng thêm nhân viên cho lãnh vực này. Về câu hỏi sau, ngài bảo có hai khía cạnh: chính trị và đào tạo lương tâm. Điều sau thuộc trách nhiệm của Giáo Hội.

11. Nghi thức tuyên thánh cho Jacinta và Francesco Marto

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sinh hoạt thứ nhất của Đức Thánh Cha vào sáng thứ Bẩy 13 tháng 5 là cuộc họp vào lúc 9h10 sáng với thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa tại nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmêlô ở Fatima.

Lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha Phanxicô đến kính viếng mộ hai Chân Phước anh em ruột Francisco và Jacinta Marto trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi, là hai vị mà ngài sắp sửa ghi vào sổ bộ các bậc hiển thánh của Giáo Hội.

Trong khi ấy, một đám đông vĩ đại đã tụ tập bên ngoài quảng trường, nơi thánh tượng Trinh Nữ Maria đã được long trọng cung nghinh, dưới ánh sáng mặt trời reo vui và những cánh hoa do con cái ngài tung lên. Các viên chức ước lượng số người tham dự có thể là 1 triệu.

Hơn 10 giờ sáng, Đức Phanxicô từ trong Vương Thánh Đường buớc xuống các bực thềm dẫn tới khán đài cử hành Thánh Lễ.

Sau các lời chào Phụng Vụ, cộng đoàn đã cùng hát bài Veni, Creator Spiritus – Thánh Thần Hãy Xin Ngự Đến xin Ngài trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức Cha António Augusto dos Santos Marto, là Giám Mục Leiria-Fatima và các cáo thỉnh viên trong vụ án phong thánh tiến lên trước Đức Thánh Cha

Ngài nói:

Trọng Kính Đức Thánh Cha,

Giáo Hội Mẹ Thánh tha thiết khẩn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các Thánh hai vị Chân Phước Jacinta và Francisco Marto để các ngài có thể được kêu cầu như thế bởi tất cả các tín hữu Kitô.

Rồi ngài đọc tiểu sử chính thức của hai vị Chân Phước sắp được tuyên thánh.

Trong một cử chỉ khiêm nhường và cảm động, cộng đoàn cùng đọc kinh Cầu Các Thánh, xin Chúa đoái thương gìn giữ Giáo Hội của Người trong quyết định long trọng sắp diễn ra.

Kết thúc kinh cầu các thánh Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:

Lậy Chúa nhân từ, xin nghe lời dân Chúa cầu xin và xin chiếu dọi ánh sáng Thần Linh Chúa vào tâm trí chúng con, để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Rồi Đức Thánh Cha long trọng đọc công thức phong thánh.

Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố:

Các Chân Phước Jacinta và Francisco Marto là Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng ngài được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen

Đức Cha António Augusto dos Santos Marto tiến lên trước Đức Thánh Cha. Ngài nói:

Trọng kính Đức Thánh Cha, nhân danh Hội Thánh con cảm ơn Đức Thánh Cha đã công bố điều này và khiêm tốn thỉnh cầu ngài truyền rằng một tông thư liên quan đến hành động tuyên Thánh này được thảo ra.

Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự đồng thuận.

12. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các bệnh nhân tại Fatima

“Hãy sống cuộc sống của anh chị em như một ân sủng, và đừng xấu hổ vì anh chị em là một kho báu quý giá của Giáo Hội.”

Đức Thánh Cha đã nói như trên với các bệnh nhân tại Fatima sau thánh lễ tuyên thánh cho Jacinta và Francesco Marto hôm thứ Bẩy 13 tháng 5.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các bệnh nhân, bằng tiếng Bồ Đào Nha, về cách thế Chúa “an ủi và ban sức mạnh cho chúng ta, như ngài đã thực hiện với hai Thánh Francisco và Jacinta Marto, và các thánh thuộc mọi thời đại và ở mọi nơi mọi chốn.”

Ngài cũng nhắc nhở các bệnh nhân về “thừa tác vụ của Giáo Hội”, mà ngài nói bao gồm việc “kêu cầu Chúa an ủi những người đau khổ như anh chị em, và Chúa thực sự an ủi anh chị em, thậm chí qua những cách thức anh chị em không thể nhìn thấy.”

“Người an ủi anh chị em ở sâu thẳm trái tim của anh chị em và Người an ủi anh chị em với ân sủng là sức mạnh.”

Đức Trinh Nữ Maria, “đã yêu cầu tất cả chúng ta cùng một câu hỏi, cách đây một trăm năm, khi Mẹ hỏi những trẻ chăn cừu: “Các con có muốn dâng mình cho Chúa không?” Họ trả lời rằng “Vâng, chúng con muốn!”. Xin Chúa cho chúng ta hiểu và bắt chước cuộc sống của họ.

“Tôi mời gọi anh chị em hãy sống cuộc sống của mình như một ân sủng.”

“Cũng như những đứa trẻ chăn cừu, chúng ta hãy nói cho Đức Mẹ biết rằng chúng ta muốn dâng lên Thiên Chúa hết lòng mình. Đừng nghĩ rằng anh chị em chỉ là những người nhận được lòng bác ái liên đới, nhưng hãy cảm thấy rằng anh chị em chia sẻ đầy đủ trong cuộc đời và sứ mệnh của Giáo Hội”

Đức Thánh Cha mời gọi các bệnh nhân hãy phó thác cho Chúa những nỗi buồn, đau khổ và sự mệt mỏi của họ.

“Hãy trông cậy nơi lời cầu nguyện của Giáo Hội, từ mọi nơi trên thế giới, dâng lên tới thiên đàng cho anh chị em và với anh chị em.”

Đức Thánh Cha kết luận:

“Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Ngài sẽ không bao giờ quên anh chị em.”

13. Tất cả các tường thuật về Fatima chỉ là rác rưởi nếu chúng ta không dám nói rằng hỏa ngục là có thật.

Liên quan đến biến cố 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Giáo sư Stephen Bullivant là Giáo sư Thần Học tại St. Mary’s University, Twickenham, Anh quốc có bài nhận định sau:

Ngày 13 tháng 7, Đức Mẹ đã cảnh báo ba trẻ mục đồng tại Fatima rằng nếu thế giới không ăn năn, và hoán cải thì cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất sẽ được tiếp nối bằng một cuộc chiến tranh thứ hai còn kinh hoàng hơn nữa. Điều này sẽ được báo trước bởi một “dấu hiệu vĩ đại” trên bầu trời. Nhìn lại, nhiều người quả quyết là dấu hiệu vĩ đại này chính là hiện tượng nhật thực vào tháng Giêng năm 1938.

Đức Mẹ đã yêu cầu nước Nga phải được thánh hiến cho Trái tim Vô Nhiễm Nguyên tội của Mẹ và các ngày thứ Bảy đầu tháng phải được dành cho việc rước lễ đền tạ trong. Nếu nhân loại đáp ứng lời kêu gọi của Mẹ, nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ có hòa bình. Nếu không, nước Nga sẽ truyền bá những thuyết sai lầm trên toàn thế giới, sẽ gây ra nhiều cuộc chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Kẻ lành sẽ chịu tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau khổ, nhiều quốc gia sẽ bị hủy diệt. Nhưng sau cùng, Trái tim Mẹ sẽ toàn thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng nước Nga cho Mẹ. Nước Nga sẽ trở lại và nhân loại sẽ được Chúa ban cho một thời hòa bình.

Đối với những người đón nhận sứ điệp Fatima một cách nghiêm túc, đây là một trường hợp rất rõ ràng về một lời tiên tri đã trở thành hiện thực một cách nhãn tiền. Vì những yêu cầu của Đức Mẹ đã không được chú ý, nước Nga thực sự đã truyền bá ảnh hưởng của nó trên toàn thế giới, gây ra chiến tranh, bắt bớ và tử đạo trên quy mô rộng lớn, cùng với sự hủy diệt của nhiều quốc gia.

Đứng trước thực tại đó, các vị Giáo Hoàng đã nhiều lần dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, mặc dù đôi khi kín đáo, vì các nhạy cảm chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, chính chị Lucia đã xác nhận rằng hành động đó đã thực sự được thực hiện.

Và đúng như lời Đức Mẹ nói nước Nga đã trở lại. Tôn giáo được hồi sinh tại quốc gia này. Và mặc dù mong manh, thế giới sau năm 1991 đã thực sự hưởng được một giai đoạn hòa bình.

Nhiều người Công Giáo thích nói về biến cố nước Nga trở lại này. Tuy nhiên, cũng vào ngày 13 tháng 7 năm 1917, Đức Mẹ còn nói về một điều còn quan trọng hơn gấp bội phần. Đó là hỏa ngục. Không những nói, Đức Mẹ còn cho 3 trẻ mục đồng được thị kiến về hỏa ngục. Sơ Lucia cho biết như sau: “Thị kiến đó chỉ kéo dài trong một lát … Nếu không, tôi nghĩ chúng tôi sẽ chết vì sợ hãi.”

Ngày nay, người ta né tránh không muốn nói về hỏa ngục, đặc biệt là theo những cách thức mà sơ Lucia đã kể lại trong hồi ký của mình. Trong một cuốn sách về thần học, một thần học gia Công Giáo quả quyết rằng không hề có hoả ngục vì theo ông “nói cho cùng, ý tưởng về hoả ngục không xứng đáng với Chúa Giêsu”.

Điều rắc rối là, chính Chúa Giêsu không đồng ý với nhà thần học này. Mô tả của chính Chúa, rất là cụ thể. Khi Đức Mẹ Fatima nói về “những ngọn lửa hỏa ngục”, Mẹ chỉ đơn giản lặp lại những hình ảnh đã được chính Con Mẹ thường xuyên sử dụng.

“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.” (Mc 9:43).

“Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:42)

“Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính,50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:49-50)

“Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.’” (Mt 25:41)

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã quở trách những người yêu cầu “một dấu hiệu từ trời” (Mc 8:11) với nhận xét rằng “chỉ có một thế hệ gian ác và tà dâm” (Mt 12:39) mới cần một dấu lạ như vậy.

Khi chúng ta cử hành kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, chúng ta có thể suy nghĩ – dù không thoải mái – về câu hỏi: liệu thế giới hiện đại này còn cần thêm những dấu chỉ nào nữa khi không phải chỉ một dấu hiệu, mà là cơ man những dấu chỉ từ trời như thế đã xảy ra?

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …