Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 10/09 – 16/10/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 10/09 – 16/10/2014

1. Các nghị phụ tạm nghỉ vào cuối tuần

Sau một tuần lắng nghe các chứng từ và thảo luận, tất cả các Giám Mục và các chuyên gia tham gia vào Thượng Hội Đồng đã nghỉ ngơi vào cuối tuần trước khi tái nhóm vào ngày thứ Hai 13 tháng 10. 

Chỉ có vị Tổng phúc trình viên vẫn phải làm việc theo một lịch trình dày đặc. Sáng thứ Hai ngày 13 tháng 10, Đức Hồng Y Peter Erdö Hungary đã báo cáo về các cuộc thảo luận qua tài liệu “Relatio post disceptationem” – báo cáo sau các cuộc thảo luận

Ngài tóm tắt các chủ đề thảo luận và các kết luận đã đạt được trong tuần đầu tiên của cuộc họp. Các tài liệu này thường được dùng để phác thảo lộ trình của Thượng Hội Đồng. 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không thay đổi lịch trình của mình. Sáng Chúa Nhật lúc 10:00 ngài chủ sự Thánh lễ tạ ơn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, nhân dịp phong thánh cho các Thánh: Phanxicô Laval và Maria dell’Incarnazione Guyart Martin. 

Sau đó, lúc 12 giờ, ngài đọc kinh Truyền Tin với hàng ngàn khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô.

2. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tạ ơn việc phong thánh tương đương cho hai vị thánh Canada

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ Giáo Hội tại Canada tưởng niệm hai vị thánh mới được tôn phong theo thể thức tương đương và cầu nguyện để Giáo Hội này được tái phong phú ơn gọi các thừa sai.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong thánh lễ tạ ơn được cử hành lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 12 tháng 10 tại Đền thờ Thánh Phêrô về việc tôn phong hiển thánh theo thể thức tương đương cho hai vị người Canada, là Đức Cha François de Laval, Giám Mục tiên khởi của giáo phận Québec, và Nữ Tu Marie Nhập Thể Guyart Martin, sáng lập dòng Ursuline Liên hiệp Canada.

Hai vị đã cùng với chân phước Linh Mục Giuse de Anchieta, dòng Tên, người Tây Ban Nha, tông đồ tại Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hiển thánh ngày 3 tháng 4 năm 2014 theo thể thức tương đương, nghĩa là không theo thủ tục bình thường và không cần nghi lễ phong thánh.

Thông cáo của Bộ Phong thánh hôm đó nói rằng: ngày 3 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxcô đã tiếp kiến Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh. Ngài đón nhận các tường trình của Đức Hồng Y Tổng trưởng, ghi tên vào sổ bộ các thánh và nới rộng việc tôn kính phụng vụ trong Giáo Hội hoàn vũ đối với 3 vị chân phước:

– Đức Cha François de Laval, Giám Mục tiên khởi Québec, Canada, sinh tại Montigny-sur-Avre bên Pháp ngày 20-4-1623 và qua đời ngày 6-5-1708, thọ 85 tuổi.

– linh mục Giuse de Anchieta, dòng Tên, sinh tại San Cristobal de la Laguna, Tenerife, thuộc quần đảo Canarie, Tây Ban Nha, ngày 19-3-1543 và qua đời tại Reritiba, Brazil ngày 9-6-1597.

– và Nữ tu Marie de l’Incarnation, tục danh là Marie Guyart sinh ngày 28-10 năm 1599 tại thành Tours bên Pháp, sáng lập Đan viện dòng nữ tu Urseline ở Québec, và qua đời ngày 30-4-1672, thọ 73 tuổi.

3. Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tạ ơn

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ tạ ơn có 9 vị Giám Mục người Canada Québec, đứng đầu là Đức Hồng Y Gérard Lacroix, đương kim Tổng Giám Mục giáo phận Québec, Đức Hồng Y Marc Ouellet, nguyên Tổng Giám Mục Québec, và hiện là Tổng trưởng Bộ Giám Mục, 7 Giám Mục khác và khoảng 100 linh mục Canada, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu, trong đó có một số phái đoàn đến từ Canada.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu hãy tưởng niệm và noi gương đức tin kiên trì của các thừa sai đã mang Lời Chúa và Tin Mừng cho đất nước Canada. 

Ngài nói:

“Chúng ta đã nghe lời ngôn sứ Isaia: ‘Chúa là Thiên Chúa sẽ lau nước mắt trên mỗi khuôn mặt..” (Is 25,8). Những lời đầy hy vọng này chỉ cho thấy mục tiêu, chứng tỏ tương lai mà chúng ta đang hành trình hướng về. Trên con đường này các thánh đã đi trước và chỉ dẫn cho chúng ta. Những lời này cũng vạch rõ ơn gọi của các thừa sai.

Các thừa sai là những người ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã có can đảm sống Tin Mừng. Cả bài Tin Mừng mà chúng ta đã nghe: Nhà Vua nói với các đầy tớ: “Các ngươi hãy ra các ngã tư đường” (Mt 22,9). Và các đầy tớ ra đi, tụ tập tất cả những người mà họ gặp, ‘xấu cũng như tốt”, để dẫn họ vào tiệc cưới của nhà vua (Xc v.10)

Các thừa sai đã đón nhận lời mời gọi ấy: các vị đã ra đi kêu gọi tất cả mọi người, ở các ngã tư của thế giới, vì nếu Giáo Hội dừng lại và khép kín, thì Giáo Hội sẽ trở nên bệnh hoạn, có thể làm hư hỏng, hoặc bằng tội lỗi hoặc bằng khoa học giả tạo tách rời khỏi Thiên Chúa, là trào lưu tục hóa phàm trần.

Các thừa sai đã hướng nhìn Chúa Kitô chịu đóng đanh, đã đón nhận ơn phúc của Chúa và đã không giữ riêng cho mình. Như thánh Phaolô, các vị trở nên mọi sự cho mọi người; các vị đã biết sống trong thanh bần và sung túc, trong sự no đầy và đói khát; họ có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho họ (Xc Phil 4,12-13). Với sức mạnh ấy của Thiên Chúa, các vị đã có can đảm ”đi ra” trên các nẻo đường của thế giới với lòng tín thác nơi Chúa là Đấng kêu gọi họ. Cuộc sống của một thừa sai là như thế, kết thúc cuộc sống xa nhà, xa quê hương; bao nhiêu lần các thừa sai bị sát hại, như đang xảy ra ngày nay cho bao nhiêu anh chị em chúng ta.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội chủ yếu là loan báo tình thương, lòng bừ bi và sự tha thứ của Thiên Chúa, được mạc khải cho loài người qua cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Các thừa sai đã phục vụ Sứ Mạng của Giáo Hội, bẻ bánh Lời Chúa cho người bé mọn và những người xa xăm nhất, và mang đến cho mọi người hồng ân tình yêu vô tận tuôn chảy từ trái tim của Chúa Cứu Thế.

Thánh François de Laval và thánh nữ Marie Nhập Thể là những người như thế. Anh chị em tín hữu hành hương người Canada thân mến, trong ngày này, tôi muốn để lại cho anh chị em hai lời khuyên, rút từ thư gửi tín hữu Do thái, hai lời khuyên sẽ giúp ích rất nhiều cho các cộng đoàn của anh chị em.

– Lời khuyên thứ I là: “Hãy nhớ đến các thủ lãnh của anh chị em, những người đã loan báo Lời Chúa cho anh chị em. Khi cứu xét kỹ lưỡng kết quả chung kết cuộc sống của các vị, hãy noi gương đức tin của các vị” (13,7). Ký ức về các thừa sai nâng đỡ chúng ta trong lúc chúng ta cảm thấy sự khan hiếm các thợ của Tin Mừng. Tấm gương của các vị lôi kéo, thúc đẩy chúng ta noi gương đức tin của các ngài. Đó là những chứng tá phong phú sinh ra sự sống!

– Lời khuyên thứ hai là: “Anh chị em hãy nhớ lại những ngày đầu tiên: sau khi lãnh nhận ánh sáng của Chúa Kitô, anh chị em đã phải chịu đựng một cuộc chiến đấu lớn và cơ cực… Đừng từ bỏ sự ngay thẳng của anh chị em, có một phần thưởng lớn dành cho cho sự ngay thẳng này. Anh chị em chỉ cần kiên trì bền đỗ…” (10,32.35-36). Tôn kính những người đã chịu đau khổ để mang Tin Mừng cho chúng ta, có nghĩa là cả chúng ta cũng tham gia cuộc chiến tốt lành cho đức tin, trong sự khiêm tốn, hiền từ, từ bi, trong cuộc sống hằng ngày. Và điều này mang lại thành quả.

Tưởng niệm những vị đã đi trước chúng ta, những vị đã thành lập Giáo Hội chúng ta, Giáo Hội phong phú tại Québec, phong phú với bao nhiêu thừa sai, các vị ra đi khắp nơi. Thế giới đã đầy các thừa sai Canada như hai vị thánh này. Giờ đây tôi có lời khuyên này: việc tưởng niệm các vị không làm cho chúng ta từ bỏ sự thẳng thắn, không từ bỏ can đảm. Ma quỷ ghen tương, và không chấp nhận một phần đất phong phú các thừa sai. Xin Chúa ”ban cho miền Québec trở lại trên con đường phong phú, cung cấp cho thế giới bao nhiêu thừa sai, và xin hai vị thánh đã thành lập Giáo Hội tại Québec, giúp chúng ta như những người chuyển cầu: ước gì hạt giống mà các vị đã gieo vãi, tăng trưởng và mang lại hoa trái là những người nam nữ can đảm, sáng suốt, có tâm hồn mở rộng đối với tiếng gọi của Chúa. Hôm nay anh chị em phải cầu xin điều ấy cho quê hương của anh chị em, và các thánh trên trời sẽ là những vị chuyển cầu cho chúng ta, để Québec tái trở thành nguồn các vị thánh thừa sai can đảm”.

Niềm vui và thách đố trong cuộc hành hương này của anh chị em là: tưởng niệm các chứng nhân, các thừa sai đức tin của đất nước anh chị em. Ký ức này luôn nâng đỡ anh chị em trong hành trình tiến về tương lai, hướng về mục tiêu, khi ”Chúa là Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi gương mặt..”

“Chúng ta hãy vui mừng, hân hoan vì ơn cứu độ của Người” (Is 25,9).

Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Gérard Cyprien Lacroix, Tổng Giám Mục giáo phận Québec và là giáo chủ Canada, đã đại diện các tín hữu Québec và Canada cám ơn ĐTC vì hồng ân lớn lao là phong hai vị thánh François de Laval và Marie Nhập Thể.

Đức Hồng Y Lacroix cho biết ngài đã hướng dẫn một nhóm các tín hữu hành hương sang Pháp, theo vết của hai vị thánh và cuộc lữ hành của phái đoàn đến Roma này để cùng với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô một lần nữa nói lên sự hiệp thông sâu xa và ước muốn đáp lại tiếng gọi thừa sai để loan báo Tin Mừng cho thế giới ngày nay.

Đức Hồng Y cho biết cuộc lữ hàng của các tín hữu Canada không kết thúc ở Roma này, nhưng “với ơn Chúa, chúng con sẽ tiếp tục tại đất nước chúng con, tại Québec và bất kỳ nơi nào Chúa cần chúng con. Chúng con mong ước ngày càng trở thành những môn đệ – thừa sai giữa lòng thế giới”.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 15 và sau đó, lúc đúng 12 giờ, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ ở phòng làm việc của các vị Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin chung với các tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô Ngài quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng về nhà vua mời gọi mọi người tham dự tiệc cưới. Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân bị lụt ở Genova, bắc Italia, cũng như chào thăm nhiều nhóm các tín hữu hành hương, đặc biệt là các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (dòng Salésiennes) đang nhóm tổng tu nghị ở Roma.

4. Bài Phúc Trình Sau Thảo Luận của Đức Hồng Y Peter Erdo

Sáng thứ Hai 13/10, Tòa Thánh đã công bố rằng Thượng Hội Đồng về Gia Đình sắp tới sẽ diễn ra từ 4 đến 25 tháng 10 năm 2015. Bên cạnh đó Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng cho biết rằng kết thúc tuần thứ nhất trong Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình, Đức Thánh Cha và các nghị phụ cũng như các dự thính viên đã nghe bài Phúc Trình Sau Thảo Luận của Đức Hồng Y Peter Erdo của tổng giáo phận Esztergom-Budapest, nước Hung Gia Lợi, là tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Đức Hồng Y Erdő bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng các nghị phụ Thượng Hội Đồng nói tới việc Chúa Giêsu đã nhìn những con người nam nữ bằng một cái nhìn yêu thương như thế nào, đồng hành với họ một cách kiên nhẫn và xót thương ra sao. Ngài nói tới việc Chúa Giêsu Kitô, “sự thật, đã nhập thể trong sự mỏng dòn nhân bản không phải để kết án nó, mà để chữa lành nó”. Ngài nói: Chúa Giêsu dạy rằng hôn nhân là bất khả phân ly nhưng nhìn đến những người nam nữ Ngài đã gặp với tình yêu và sự dịu dàng, đồng hành với họ trong sự kiên nhẫn và lòng thương xót khi công bố những đòi buộc của Nước Trời.

“Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không phải thế đâu.” (Mt 19,8). Bằng cách này, Ngài cho thấy cách hạ mình của Thiên Chúa để đồng hành cùng con đường của nhân loại, hướng nhân loại tới sự khởi đầu mới của họ trên con đường thánh giá.

Trong phúc trình này, các nghị phụ Thượng Hội Đồng nói tới việc Giáo Hội có trách vụ ra sao trong việc thừa nhận các hạt giống Lời Chúa vốn được gieo vãi bên ngoài các biên giới hữu hình và bí tích của mình. Các ngài nại tới “luật tiệm tiến” (“law of graduality”) để suy nghĩ về cách thế Thiên Chúa vươn tay ra với nhân loại và dẫn Dân của Người từng bước tiến lên phía trước.

Các nghị phụ cũng ghi nhận nhu cầu phải suy nghĩ xa hơn nữa về việc liệu sự viên mãn bí tích có loại bỏ khả thể nhìn nhận các yếu tố tích cực dưới các hình thức chưa hoàn hảo không. Thí dụ, liệu có hay chăng các yếu tố tích cực trong các cuộc hôn nhân bất thường. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng khi cuộc hôn nhân dân sự vững ổn, biểu lộ một tình âu yếm và săn sóc con cái cách sâu sắc, thì Giáo Hội nên cố gắng đồng hành với nó hướng về tính bí tích.

Đức Hồng Y Erdő nói tới nhu cầu phải hồi tâm truyền giáo, tới việc Giáo Hội không thể ngưng tại các công bố chỉ có tính tín lý, mà phải đi xa hơn. Hôn nhân Kitô Giáo phải là một quyết định có tính ơn gọi được đảm nhiệm với một việc chuẩn bị thích đáng trên hành trình đức tin. Sở dĩ như thế vì Tin Mừng gia đình vốn là lời giảp đáp cho những hoài mong sâu sắc nhất của con người.

Trong phúc trình này, các nghị phụ Thượng Hội Đồng quả quyết rằng Giáo Hội được đặc biệt mời gọi nhận ra sự đau khổ của những người phối ngẫu bị bỏ rơi và con cái họ thực sự là nạn nhân như thế nào của các cuộc gia đình tan vỡ.

Nhiều thành viên của Thượng Hội Đồng nói lên sự cần thiết phải cải tổ và đơn giản hóa các thủ tục của việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Đức Hồng Y Erdő nói tới việc cuộc cải cách án tuyên bố hôn nhân vô hiệu này sẽ đòi các vị giám mục đang cai quản các giáo phận phải lãnh nhận các trách nhiệm mới và có lẽ sẽ ủy nhiệm cho một linh mục được huấn luyện một cách chuyên biệt ra sao.

Liên quan tới những người Công Giáo ly dị, ly dị và tái hôn dân sự, bản phúc trình nói đến việc cần phải có “các chọn lựa mục vụ can đảm” và “những con đường mục vụ mới”. Bản phúc trình kêu gọi việc biện phân từng trường hợp một theo luật tiệm tiến, nhất là liên quan tới việc nhận lãnh các bí tích. Đức Hồng Y Erdő cho hay: cuộc đối thoại về chủ đề này sẽ tiếp diễn tại các Giáo Hội địa phương trong vòng năm tới và các câu trả lời sẽ được đệ nạp cho Thượng Hội Đồng năm tới.

Bản phúc trình ghi nhận rằng vấn đề sống chung có thể cho thấy nỗi sợ phải cam kết, nhưng cũng là một chọn lựa được đưa ra “trong khi chờ đợi một cuộc sống an toàn” như có việc làm và thu nhập đều đặn.

Vấn đề đồng tính đã được đề cập sau đó, với lời kêu gọi phải suy nghĩ nghiêm túc. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng nhận định rằng những người đồng tính cũng có những ơn phúc và tài năng để cung hiến cho cộng đồng Kitô hữu và việc vươn tới họ về mục vụ là một thách đố có tính giáo dục quan trọng.

Trong bản phúc trình, các ngh ịphụ Thượng Hội Đồng cũng tái khẳng định rằng các cuộc kết hợp đồng tính không thể được coi là ngang hàng với hôn nhân. Và không thể chấp nhận được việc gây áp lực lên các mục tử hay việc các cơ quan quốc tế đòi phải dẫn khởi các luật lệ lấy hứng từ ý thức hệ phái tính mới được lãnh nhận viện trợ tài chánh.

Cuối cùng, khi quả quyết rằng việc cởi mở đối với sự sống mới là phần chủ yếu của tình yêu vợ chồng, các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã trích dẫn sứ điệp của Thông Điệp Humanae Vitae /human vitatê/ của Đức Phaolô Đệ Lục liên quan tới việc phải tôn trọng nhân phẩm trong việc lượng giá các phương pháp kiểm soát sinh đẻ.

Kết luận phần trình bày bản phúc trình sau thảo luận, Đức Hồng Y Erdő nói rằng bằng cách mô phỏng lòng thương xót của Chúa Giêsu, Giáo Hội phải đồng hành với những người con nam nữ mỏng dòn nhất của mình đang đau khổ vì một tình yêu bị thương tổn và mất mát.

5. Ngoại ô Baghdad thất thủ, Sứ thần Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi can thiệp quốc tế

Thông tấn xã AINA của Giáo Hội Assyriô cho biết các tín hữu Kitô ở Baghdad, và ở Qara Tappah đã chìm trong đau buồn và âu lo sau khi toàn bộ tỉnh Anbar thất thủ vào tay quân khủng bố Hồi Giáo IS vào hôm Chúa Nhật 12/10. Ba vụ nổ xe bom đã diễn ra tại Qara Tappah, trong vùng kiểm soát của người Kurds, hôm thứ Bẩy giết chết hơn 100 quân nhân Kurds. Cũng vào ngày thứ Bẩy, chuẩn tướng cảnh sát Ahmed al-Dulaimi, đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS phục kích giết chết tại Ramadi. Thêm vào đó, ba vụ nổ xe bom khác làm chấn động thủ đô Baghdad, đã giết chết 33 thường dân vô tội.

Bất chấp bị liên quân dội bom, quân khủng bố Hồi Giáo IS chỉ còn cách thủ đô Iraq chưa đầy 20km và có khả năng đe doạ phi trường quân sự Baghdad nơi xuất phát các cuộc tấn công của không quân Hoa Kỳ.

Tình hình tại thành phố Kobane giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên tuyệt vọng vì nhiều mặt trận nổ ra cùng một lúc. 

Từ Cario, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban-Kimoon nói: 

“Hàng ngàn mạng sống đang bị đe dọa. Tôi tái kêu gọi tất cả các bên đứng lên để chặn đứng một vụ thảm sát thường dân ở Kobane”.

Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, sứ thần Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, cũng lên tiếng là “cộng đồng quốc tế phải can thiệp” để bảo vệ các nhóm thiểu số bị bách hại ở Trung Đông nếu chính phủ các nước liên hệ không thể bảo vệ họ. 

Phát biểu tại một cuộc họp hôm Thứ Hai 13 tháng 10, Đức Cha nói: “Trách nhiệm bảo vệ người dân” là sự công nhận sự bình đẳng của tất cả mọi người trước pháp luật, dựa trên phẩm giá bẩm sinh của mỗi người nam nữ. Tòa Thánh muốn tái khẳng định rằng tất cả các nhà nước có nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ người dân của mình khỏi những tấn kích nghiêm trọng, khỏi những vi phạm các quyền con người, và khỏi những hậu quả của các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nếu các quốc gia không thể đảm bảo sự bảo vệ đó, cộng đồng quốc tế phải can thiệp với các phương tiện pháp lý đã được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và trong các văn kiện quốc tế khác. 

6. Chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào cuối tháng Mười Một có thể có những khó khăn

Trong một diễn biến gây bất ngờ cho nhiều người, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết trong cuộc họp báo hôm 12 tháng 9 rằng Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng Mười Một.

Thông báo của Tòa Thánh chỉ diễn ra vài giờ sau khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là ông Recep Tayyip Erdoğan chính thức mời Đức Thánh Cha đến thăm đất nước này và Đức Thánh Cha đã đồng ý ngay lập tức.

Theo dự kiến Đức Thánh Cha sẽ đến Istanbul vào ngày 30 tháng 11 nhân lễ thánh Anrê Tông Đồ bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống Constantinope. Theo thông lệ, mỗi năm Giáo Hội Chính Thống Constantinope đều cử đoàn đại biểu sang Rôma vào ngày 29 tháng 6 để mừng lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Ngược lại, Tòa Thánh cũng gởi đoàn đại biểu sang Istanbul để mừng lễ thánh Anrê Tông Đồ.

Tình hình đã trở nên phức tạp vì thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thảm họa nhân đạo tại Kobane, một thành phố của người Kurds ở sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Với một biên giới mênh mông dài đến 570 dặm với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra miễn cưỡng không muốn đụng chạm quân khủng bố Hồi Giáo IS. Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn có một mối hiềm khích với người Kurds sau một cuộc chiến đòi ly khai kéo dài từ ngày 15/8/1984 đến ngày 21/3/2013 khiến cho 45,000 người thiệt mạng. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản mọi nỗ lực tiếp cứu người dân ở Kobane.

Chính sách này đã gây ra những cuộc biểu tình bạo động trong tuần qua tại nhiều thành phố miền Nam của Thổ Nhĩ Kỳ nơi có đông người Kurds. Ít nhất 31 người đã thiệt mạng vì các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Một dự luật ban hành tình trạng khẩn cấp có thể sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc Hội nếu tình hình không được cải thiện. Các thủ lĩnh người Kurds đã kêu gọi hoãn các cuộc biểu tình bạo động. Tuy nhiên, nếu cuộc thảm sát tại Kobane diễn ra thì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể không chỉ là các cuộc biểu tình mà thôi nhưng nền hòa bình mong manh giữa người Kurds và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tan vỡ.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Mười năm 2006. Ngài đã viếng thăm Ankara, và gặp gỡ với chính quyền địa phương. Ngài cũng đã đến thăm Izmir, gần thành phố Ephesus cổ đại, để kính viếng một ngôi đền dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria. Người Hồi Giáo cũng đến đây để tôn kính Đức Mẹ. Sau đó, ngài đến thăm Toà Thượng Phụ Fanar ở Istanbul, của Đức Thượng phụ Đại kết Constantinople và cầu nguyện với vị Đại Giáo Trưởng của Hồi Giáo tại đền thờ Xanh của Hồi giáo.

7. Đức Tổng Giám Mục Dennis Hart nói: Cần phải tìm kiếm những cách thức thông truyền tín lý trong những trường hợp khó khăn về mục vụ gia đình

Đức Tổng Giám Mục Denis Hart, người đã lãnh đạo Tổng Giáo Phận Melbourne, Australia từ năm 2001, đã nói với Đài phát thanh Vatican rằng Giáo Hội cần phải “suy nghĩ lại” làm thế nào để thông truyền giáo huấn Giáo Hội trong những trường hợp khó khăn về mục vụ gia đình, chẳng hạn, như trong trường hợp đồng tính luyến ái. 

Đề cập đến giáo huấn trong Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo rằng “hành vi đồng tính luyến ái là rối loạn về bản chất”, Ngài nói: “Những gì thần học phát biểu trong Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, về những người bị ‘rối loạn’, về những thứ ‘xấu xa về bản chất’ là đúng”.

“Nhưng khi chúng ta nói với một phụ huynh có con trai hay con gái đồng tính là đứa con mà họ yêu thương và dưỡng nuôi, và đứa con ấy đã lựa chọn một điều mà họ cũng không chấp thuận, chỉ vì thế mà nó bị từ chối thì họ thấy chói tai lắm”. 

Ngài nói tiếp: 

“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải trung thành với tín lý của chúng ta và những gì chúng ta giảng dạy và thực hành phải đi đôi với nhau, nhưng chúng ta có thể làm như vậy với lòng thương xót và tình yêu thương để giúp mọi người nhận ra rằng trước bất cứ thách đố nào trong cuộc sống của họ, họ luôn được Giáo Hội tôn trọng và yêu mến. “

Ngài nói thêm: 

“Có những người đang ly thân và ly dị, có những người có xu hướng đồng tính, có những người đang thực sự gặp khó khăn trong hôn nhân của họ, và tự hỏi họ nên làm thế nào. Các giám mục đã nhấn mạnh rằng chúng ta là những mục tử. Khi người dân chịu đau khổ chúng ta chia sẻ khổ đau với họ, khi họ chịu tang chế chúng ta khóc với họ, khi họ chịu gánh nặng của bệnh tật chúng ta cùng chiến đấu với họ, khi họ không chắc chắn về con đường của mình hay đang vật lộn với nghèo nàn cơ cực Giáo Hội phải ở đó với họ.”

8. Nhận định của hai vị Hồng Y Hoa Kỳ về thực trạng mục vụ gia đình tại Mỹ

Hai vị Hồng Y Hoa Kỳ đã trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Vatican khi đang tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình. 

Đức Hồng Y Raymond Burke nói: “Một trong những thách thức lớn nhất” mà các gia đình phải đối mặt “là tình trạng khiếm khuyết về giáo lý trong Giáo Hội – tôi có thể nói từ kinh nghiệm của tôi trong thời gian làm mục vụ tại Mỹ là trong vòng 40 đến 50 năm qua, trẻ em và thanh thiếu niên chưa được dạy đến nơi đến chốn giáo lý liên quan đến hôn nhân.” 

“Cùng với tình trạng đó là sự ra đời gần đây của cái gọi là ‘lý thuyết giới tính’ trong đó tách biệt tính dục con người khỏi ý nghĩa cơ bản của hôn nhân. Điều này hiện đang được đưa vào trường học cùng với đà tiến của trào lưu cổ vũ cho đồng tính luyến ái.” 

“Các giải pháp mục vụ cho các vấn đề nan giải của gia đình sẽ không thể có ngay lập tức,” Đức Hồng Y Donald Wuerl, là vị Hồng Y đã nhấn mạnh về tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục tại Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình nhận xét như trên. 

“Thế giới thế tục, tầm nhìn thế tục không có chỗ cho một mối quan hệ với Thiên Chúa, hay một thực tại siêu việt vượt lên trên chúng ta. Đó là thế giới đã hình thành nên chủ nghĩa cá nhân và một thế giới tự tham chiếu vào chính mình trong đó không còn chỗ cho không gian của một cuộc hôn nhân lành mạnh và một cuộc sống gia đình hình thành từ cuộc hôn nhân đó” 

Nhiều người Công Giáo “đã có kinh nghiệm thất bại mà tầm nhìn thế tục này mang lại. Chúng ta phải có khả năng mục vụ để nói với mọi người rằng chúng ta biết đau khổ của họ, tình trạng đổ vỡ trong hôn nhân của họ, những rối loạn chức năng trong gia đình họ và chúng ta phải hiện diện ở đó để giúp họ.”

9. Vấn đề của các gia đình Công Giáo ở Tây phương khác với những vấn đề mà các gia đình ở Phi Châu phải đương đầu

Các nghị phụ châu Phi phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhắc nhở các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình rằng mối quan tâm chính của các ngài về việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình không giống với những lo lắng của các giám mục ở các nước giàu có phương Tây. 

Đức tin Công Giáo đang lan rộng nhanh chóng ở châu Phi. Các giám mục từ lục địa lưu ý Thượng Hội Đồng rằng các tín hữu tin rằng sau thế hệ học hỏi từ các nhà truyền giáo châu Âu, các cộng đồng của các ngài bây giờ có cái gì đó để dạy lại cho phương Tây. 

Một số giám mục đã bày tỏ sự bực tức của các ngài vì đã có nhiều cố gắng của các tổ chức từ phương Tây muốn thay đổi các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống của châu Phi. Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama của Jos, Nigeria, phàn nàn như sau: 

“Chúng tôi bị các tổ chức quốc tế, quốc gia, và các nhóm lôi kéo chúng tôi đi chệch khỏi những thực hành của chúng tôi về văn hóa và truyền thống và thậm chí cả niềm tin tôn giáo của chúng tôi bởi vì họ nghĩ rằng chúng tôi phải mặc nhiên đón nhận quan điểm của họ, ý kiến của họ và khái niệm của họ về cuộc sống.”

Các nghị phụ châu Phi cho biết các ngài phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc đối phó với ảnh hưởng của nền văn hóa ngoại giáo, đặc biệt là chế độ đa thê và những ảnh hưởng có hại mà nghèo đói gây ra trong cuộc sống gia đình.

10. Gương mục tử Iraq anh hùng

Thông tấn xã Công Giáo CNA đã ca ngợi một linh mục người Iraq đã chọn ở lại giáo xứ của ngài, chỉ cách tuyến đầu giao tranh với quân khủng bố Hồi Giáo IS có mấy dặm đường, chứ không chọn ở lại Rôma. 

Cha giáo Ghazwan Yousif Baho phải phân chia thời gian của mình trong việc coi sóc một giáo xứ ở thị trấn Algosh và trách nhiệm giảng dạy tại Đại học giáo hoàng Urbanô ở Rôma. Trong kỳ giảng dạy vừa qua tại Rôma, vì lo cho sự an nguy của ngài, nhà trường đã yêu cầu ngài ở lại Rôma, nhưng ngài đã từ chối. 

Giải thích về quyết định của mình với thông tấn xã CNA, cha nói:

“Đôi khi tôi cũng có nghĩ đến việc rời khỏi Iraq, nhưng tôi nói với lòng mình: Tôi sẽ không rời khỏi ngôi làng của tôi.” Ngài nói rằng giáo dân đã được khích lệ rất nhiều bởi sự lựa chọn cha là sát cánh với họ bất chấp những hiểm nguy.

11. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 có thể sẽ tham dự Lễ Phong Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 không tham dự vào Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình, nhưng có thể ngài sẽ tham dự nghi lễ phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào ngày 19 tháng 10. Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho biết như trên.

Lịch trình của Thượng Hội Đồng “rất mệt nhọc và lâu giờ” nên vị Giáo Hoàng nghỉ hưu không đủ sức khoẻ để tham dự, cha Federico Lombardi giải thích với các ký giả như trên về sự vắng mặt của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong các cuộc thảo luận của Thượng Hội Đồng. Cha trưởng phòng Báo Chí nêu ra nhận xét rằng kể từ khi nghỉ hưu Đức Bênêđíctô thứ 16 đã từ chối tham gia vào các cuộc thảo luận công cộng, và đã “sống một cuộc sống chiêm niệm và cầu nguyện.” 

Tuy nhiên, gần đây Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tham gia trong các nghi lễ phụng vụ. Mới đây nhất là buổi lễ dành cho người cao niên, và phát ngôn viên Vatican nói rằng “tất cả mọi người hy vọng sẽ được gặp ngài trong lễ phong chân phước cho Đức Phaolô VI.” 

12. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ sang thăm Pháp vào năm tới

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tông du sang Pháp vào năm 2015. Một thông báo từ Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã cho biết như trên. 

Theo thống kê vào tháng 7 năm 2013, nước Pháp có 65,951,000 dân trong đó người Công Giáo chiếm 87% dân số, sinh hoạt trong 19 tổng giáo phận và 80 giáo phận dưới sự coi sóc của 226 vị Giám Mục và Tổng Giám Mục.

Từ đầu triều Giáo Hoàng của ngài đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tông du Brazil (tháng 7 năm 2013), Thánh Địa (tháng 5 năm nay), Hàn Quốc (tháng 8), và Albania (tháng 9). 

Ngài dự kiến thăm các tổ chức Châu Âu ở Strasbourg vào ngày 25; Sri Lanka và Philippines vào tháng Giêng năm 2015.

13. Quân khủng bố Hồi Giáo Bobo Haram gây thiệt hại nặng cho Giáo Hội Công Giáo tại Nigeria

Trong bản tin đánh đi hôm 7 tháng 10, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết tại Giáo Phận Maiduguri, ở miền bắc Nigeria, 185 nhà thờ đã bị đốt cháy trong hai tháng qua và gần 200,000 tín hữu đã phải bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo Boko Haram. 

Cha Gideon Obasogie, phát ngôn viên của giáo phận, nói rằng 11 thành phố trong khu vực đã bị Boko Haram tấn công gần đây. Cư dân đã bỏ chạy, và bây giờ họ phải tạm trú tại nhà của người thân hay nằm ngủ lang thang ngoài đường.

14. Các Giám Mục Iraq tố cáo tình trạng kỳ thị các Kitô hữu trong việc phân phối phẩm vật cứu trợ 

Các Giám Mục Iraq nói rằng chính phủ đang sử dụng hỗ trợ nhân đạo quốc tế để hỗ trợ người tị nạn Hồi giáo ở Baghdad mà thôi chứ không hề giúp đỡ các tín hữu Kitô tị nạn đông đảo tại thủ phủ Erbil của người Kurd. 

“Chính phủ ở Baghdad nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế cho người tị nạn từ Mosul và vùng bình nguyên Nineveh nhưng ở Erbil chúng tôi chẳng nhận được thứ gì” Đức Tổng Giám mục Bashar Warda của tổng giáo phận Mosul nói với tổ chức rợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ như trên.

Trong khi chính phủ Iraq “đã chẳng làm gì, hoàn toàn chẳng làm gì” để hỗ trợ các Kitô hữu chạy trốn quân khủng bố Hồi Giáo IS, Đức Cha Bashar nói rằng “các cơ quan bác ái của Giáo Hội đã ở đây giúp chúng tôi kể từ ngày đầu và họ tiếp tục ở lại với chúng tôi sau khi các hàng tít lớn trên báo chí và các phương tiện truyền thông đã chuyển sang một đề tài khác. “

Dịp này, Đức Tổng Giám Mục Warda cũng lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo Hồi giáo Iraq là đã không lên án hành động tàn bạo của quân khủng bố Hồi Giáo IS là những kẻ đang cướp bóc tài sản của các Kitô hữu là những người ‘hàng xóm lâu năm của người Hồi giáo’.

15. Các linh mục dòng Tên Ấn Độ tố cáo 600 cuộc tấn công nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số tại Ấn

Trong bản tin đánh đi ngày 9 tháng 10, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết từ tháng Năm đến nay, đã có hơn 600 vụ tấn công bạo lực chống lại các tín hữu Kitô và các tín hữu của các tôn giáo thiểu số khác ở Ấn Độ. Các linh mục dòng Tên trong tổ chức Hành động Xã hội gọi tắt là JESA đã cho biết như trên. 

JESA kêu gọi “chấm dứt các chiến dịch được dàn dựng trên quy mô cả nước, được thúc đẩy bởi hận thù và bạo lực đối với các tôn giáo thiểu số, đang tạo ra một tác động tiêu cực đến sự hài hòa xã hội ở nhiều thành phố và làng mạc”. 

“100 ngày đầu tiên của chính phủ mới do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo đã cho thấy một cao trào những bài phát biểu thù hận chống lại người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo,” Các cha dòng Tên Ấn Độ nói thêm. “Thực chất của những bài phát biểu là chế giễu, phủ nhận quyền công dân của các tín hữu không theo Ấn Giáo, và nhạo báng đức tin của họ.”

Nguồn: Vietcatholic

h

Xem thêm

30-12-2024 9-47-45 PM

Lời Chúa – Thứ Ba Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Năm C | 31/12/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN