Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 10 – 16/03/2016: Ba năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các con số

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 10 – 16/03/2016: Ba năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các con số

1. Mẹ Têrêsa Calcutta sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hiển thánh vào Chúa Nhật 4 tháng 9 tới đây.

Trong công nghị Hồng Y diễn ra lúc 10 giờ sáng ngày 15 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã quyết định ngày tôn phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa thành Calcutta, đấng sáng lập dòng các nữ tu thừa sai bác ái, là ngày 4 tháng 9 tới đây.

Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5-9-1997, hưởng thọ 87 tuổi, và đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 tuyên chân phước ngày 1910-2003.

Trong công nghị Hồng Y, Đức Thánh Cha cũng quyết định sẽ tuyên thánh cho hai vị Chân Phước khác vào ngày Chúa Nhật 5 tháng 6. Vị thứ nhất là nữ Chân Phước Maria Elisabetta Hesselblad sinh năm 1870. Ngài qua đời tại Roma năm 1957 thọ 87 tuổi và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 9-4 trong Đại Năm Thánh 2000. Vị thứ hai là cha Stanislao Giêsu Maria, sinh năm 1631. Cha Stanislao Giêsu và Maria qua đời năm 1701, thọ 70 tuổi, và được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 16-9 năm 2007 tại Đền thánh Đức Mẹ Lichen, Ba Lan.

Sau khi tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, vào Chúa Nhật 16-10, Đức Thánh Cha sẽ tuyên thánh cho hai vị Chân Phước khác nữa. Vị thứ nhất là Chân Phước thiếu niên Giuse Sanchez Del Río, người Mễ Tây Cơ, tử đạo lúc mới được 14 tuổi. Vị thứ hai là Chân Phước José Gabriel del Rosario Brochero, sinh năm 1840. Cha qua đời vì kiệt lực trong việc chăm sóc cho người nghèo và được phong chân phước ngày 14-9 năm 2013 theo một quyết định trước đó của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ngày 20-12 năm 2012.

2. Đức Thánh Cha chuyển đổi Giám Mục Đà Nẵng và Lạng Sơn

Hôm 12 tháng 3, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuyển đổi: Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân về làm Giám Mục Chính Tòa Đà Nẵng và Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri làm Giám Mục Lạng Sơn và Cao Bằng.

Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân năm nay 59 tuổi (16-6-1957), thụ phong linh mục năm 1987 trong Giáo Phận Hà Nội, và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Lạng Sơn và Cao Bằng cách đây 9 năm, ngày 12-10 năm 2007. Giáo phận này hiện có hơn 5.800 tín hữu Công Giáo thuộc 22 giáo Xứ.

Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri năm nay 60 tuổi (12-9-1956), thụ phong Linh Mục năm 1989 trong giáo phận Đà Nẵng, và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Đà Nẵng cách đây 10 năm, ngày 13-5-2006. Giáo phận này hiện có hơn 68 ngàn tín hữu Công Giáo với 53 giáo xứ.

3. Tòa Thánh ban hành nghị định mới quản lý việc chi tiêu trong các án tuyên thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn quy định mới quản lý việc chi tiêu các ngân quỹ trong những án tuyên thánh hay tuyên chân phước.

Các quy định mới, được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha trong một thời gian thử nghiệm kéo dài ba năm, được thiết kế để bảo đảm trách nhiệm giải trình trong việc thu chi những số tiền liên quan đến tiến trình tuyên thánh hay tuyên chân phước.

Năm ngoái, một cuộc điều tra về tài chính tại Vatican cho thấy cần phải chấn chỉnh và minh bạch hóa việc sử dụng nguồn thu được từ anh chị em giáo dân trong những dịp này.

Các quy định mới sẽ yêu cầu kế toán chi tiết tất cả các chi phí, dưới sự giám sát của các giám mục. Các vị này sau đó sẽ cung cấp báo cáo giải trình cho Vatican. Nếu các quỹ có liên quan đến một ứng cử viên cụ thể không dùng hết khi án được hoàn thành, quy định mới buộc số tiền còn lại phải được xung vào một “quỹ liên đới” để hỗ trợ các chi phí cho những án phong chân phước và phong thánh không nhận được đủ kinh phí.

Các chi phí điều tra án tuyên thánh hay tuyên chân phước thường phải mất hơn 100,000 Mỹ Kim cho việc chuẩn bị một hồ sơ rộng rãi trên cuộc sống của ứng viên, và nghiên cứu tỉ mỉ trên những phép lạ được báo cáo; cùng với các chi phí liên quan đến việc di chuyển, dịch thuật và in ấn. Các quy định mới này nhằm chống lại những chi tiêu quá mức và giảm thiểu cơ hội tham nhũng.

4. Đức Tổng Giám mục Colorado dẫn đầu đoàn rước Thánh Thể tới trung tâm “Kế Hoạch Hóa Gia Đình”

Khoảng 1,800 người đã tham gia vào cuộc kiệu Thánh Thể, do Đức Tổng Giám mục Samuel Aquila dẫn đầu, bên ngoài một cơ sở Planned Parenthood ở Stapleton, Colorado, vào hôm thứ Bảy 5 tháng Ba.

Các nhà tổ chức cuộc rước kiệu Thánh Thể cho biết rằng họ chỉ hy vọng thu hút được 500 đến cùng lắm là 800 người tham gia. Số người tham dự bất ngờ tăng cao “khiến chúng tôi lúng túng, vì 1,800 người là quá đông trên vỉa hè của một khu phố.”

Đức Tổng Giám Mục Aquila nhận xét rằng cuộc rước Thánh Thể này “thực sự là một thời điểm của ân sủng, một khoảnh khắc của hồng ân.”

5. Giám quản Tông Tòa Miền Nam Ả rập gặp gỡ các nữ tu Thừa sai Bác ái sống sót

Đức Cha Phaolô Hinder, Giám quản Tông Tòa Miền Nam Bán Đảo Ả rập đã gặp gỡ các nữ tu Thừa sai Bác ái sống sót sau vụ tấn công tấn công khủng bố vào một viện dưỡng lão ở Aden, Yemen.

Chị Sally “đang phục hồi nhanh chóng”, Đức Cha Phaolô Hinder nói. “Chúng ta có thể hiểu được là chị vẫn còn trong trạng thái kinh hoàng. Chị chắc chắn là kiệt sức bởi những thử thách gặp phải, nhưng tính mạng của chị đã hết nguy hiểm. “

“Hiện nay chị được đưa đến nơi an toàn, điều quan trọng là chúng ta bảo vệ chị ấy khỏi những kẻ thù; và làm sao cho kinh nghiệm khủng khiếp này sớm phai tàn. Chúng tôi cũng bảo vệ chị khỏi các phương tiện truyền thông tò mò, những người muốn có cuộc gặp gỡ với chị ấy chỉ để làm một bài bình luận, hoặc một câu chuyện trên báo chí”.

Đức Giám Mục Hinder nói rằng “cả chính quyền và những người bình thường ở Yemen đã tìm đến chúng tôi để chia sẻ nỗi đau thương này. Ngoại trừ một vài nhóm cực đoan nhỏ, không ai là không thích chúng tôi. Tuy nhiên, những kẻ cực đoan có súng và sẵn sàng sử dụng vũ lực “.

Số phận của Cha Tom Ezhunnalli, một linh mục dòng Salesian bị bắt cóc từ viện dưỡng lão, vẫn chưa được biết, theo một báo cáo của Asia-News.

6. Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Kraków, Ba Lan

Hôm thứ Bảy 12 tháng Ba, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Cha Damian Muskus, phụ trách chung Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Kraków, đã mở cuộc họp báo công bố chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Ba Lan trong dịp này.

Thứ Tư 27 Tháng 7, 2016

Chuyến tông du Ba Lan của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bắt đầu vào chiều ngày thứ Tư 27 Tháng 7 khi chiếc máy bay của ngài đáp xuống phi trường Kraków. Đức Thánh Cha Phanxicô ngay sau đó sẽ gặp gỡ với tổng thống Cộng hòa Ba Lan, các quan chức nhà nước và các Giám Mục Ba Lan.

Buổi tối cùng ngày – theo truyền thống được bắt đầu bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi đến thăm Kraków, và được nối tiếp bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 – Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ xuất hiện tại cửa sổ của phòng làm việc của Đức Tổng Giám Mục Kraków nhìn ra con đường Franciszkańska để nói chuyện với những người trẻ tuổi.

Đây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên của ngài với những người trẻ ở Kraków. Ban tổ chức hy vọng cuộc gặp gỡ buổi tối này sẽ thu hút đông đảo những người trẻ.

Thứ Năm 28 Tháng 7, 2016

Sáng thứ Năm ngày 28 tháng 7 sẽ được đánh dấu bằng một cuộc hành hương của Đức Thánh Cha đến đền thánh Jasna Góra dành để kính Đức Mẹ tại Częstochowa. Trên đường đi, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm các nữ tu dòng Đức Mẹ Dâng Chúa Vào Đền Thánh và gặp gỡ các học sinh tại trường do các nữ tu điều hành. Tại Częstochowa, trong nhà nguyện Đức Mẹ Đen, Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện riêng một lúc. Sau đó, trên cánh đồng Jasna Góra, Đức Thánh Cha sẽ cử hành dịp 1050 năm Phép Rửa đầu tiên tại Ba Lan. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại đền thánh Jasna Góra xảy ra đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày Quốc Tế Giới Trẻ đáng nhớ tại Czestochowa khi cộng sản sụp đổ tan tành tại Đông Âu.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chính thức có cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Lễ chào đón Đức Thánh Cha sẽ bắt đầu lúc 05:30 chiều tại công viên Błonia. Địa điểm rộng 48 mẫu tây này, nằm sát bên trung tâm lịch sử của Kraków, được dùng cho lễ khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới diễn ra vào ngày thứ Ba 26 tháng 7, cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các bạn trẻ, và buổi đi Đàng Thánh Giá.

Chủ đề trong cuộc gặp gỡ này là một thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hãy đến với Ngài và đừng sợ! Hãy đến với Ngài và nói từ sâu thẳm trái tim mình: ‘Lạy Chúa, con tin tưởng vào Chúa’. Hãy để mình được xúc động bởi lòng thương xót vô biên của Ngài”.

Trong cuộc gặp gỡ này các nhà soạn nhạc nổi tiếng sẽ lần lượt điều khiển một ca đoàn 300 ca viên và một dàn nhạc giao hưởng với hơn 100 nhạc công.

Thứ Sáu 29 Tháng 7, 2016

Buổi sáng thứ Sáu, 29 Tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm trại tập trung Auschwitz-Birkenau và ngài sẽ đọc một bài phát biểu quan trọng tại đây.

Đàng Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ bắt đầu lúc 05:30 chiều tại Błonia do chính Đức Thánh Cha dẫn đầu. Mục đích của sự kiện quan trọng này là để cho những người trẻ ý thức về ý nghĩa của Thánh Giá trong bối cảnh của lòng thương xót. Các bài suy niệm các chặng Đàng Thánh Giá được viết bởi Đức Cha Grzegorz RYS là Giám Mục phụ tá của Kraków,

Chủ đề của buổi tối này là “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương.” Đó cũng là chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Kraków năm 2016.

Thứ Bẩy 30 Tháng 7, 2016

Vào sáng thứ Bảy, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa tại Lagiewniki và nhà nguyện của nữ tu Faustina. Ngài sẽ đi qua các cửa ra Năm Thánh Lòng Thương Xót và cử hành Thánh Lễ với các linh mục, những người sống đời thánh hiến và các chủng sinh Ba Lan. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Thánh đường kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ ngồi tòa giải tội cho những người trẻ bằng tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và Pháp.

Buởi trưa, tại tòa Tổng Giám Mục Kraków, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ăn trưa với 12 đại diện của những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có hai người Ba Lan.

Buổi chiều, lúc 07:30, Đức Thánh Cha sẽ khai mạc Đêm Canh Thức với giới trẻ tại Campus Misericordiae, nghĩa là Cánh Đồng Lòng Thương Xót. Địa điểm này nằm cách trung tâm thành phố Kraków 15km về hướng Đông Nam tại thị trấn Brzegi. Chủ đề chính trong cuộc gặp gỡ này là một câu trích từ Nhật ký của Thánh Faustina: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi nó biết hướng về Lòng Thương Xót với sự cậy trông.”.

Bàn thờ trong đêm Canh Thức được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ba Lan Stanisław Niemczyck, được mệnh danh là “Gaudi của Ba Lan”. Nhà thờ Lòng Thương Xót tại Osiedle Oficerskie thuộc Kraków là một trong kiệt tác của ông.

Yếu tố quan trọng nhất trong đêm Canh Thức là buổi Chầu Thánh Thể. Buổi Canh Thức sẽ được kết thúc bằng một buổi hòa nhạc do Adam Sztaba điều khiển dựa trên Kinh Tin Kính.

Chúa Nhật ngày 31 tháng 7 năm 2016

Thánh Lễ bế mạc sẽ bắt đầu lúc 10h sáng tại Campus Misericordiae. Chủ đề chính trong thánh lễ này là Phép Rửa Tội, là bí tích liên kết tất cả chúng ta vào hàng con cái Chúa. Và với phẩm giá được làm con cái Chúa, chúng ta được sai đi đến với muôn dân.

Một câu trong Nhật Ký của Chị Faustina sẽ được coi là câu trích dành cho ngày hôm nay. “Nếu con muốn làm cho Cha luôn hạnh phúc, hãy nói với thế giới về lòng thương xót vĩ đại và không thể thấu hiểu hết của Cha.”

Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ công bố nước tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần tới. Tác phẩm âm nhạc “Thánh Lễ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II” của Henryk Jan Betor sẽ được trình diễn. Đây là một kiệt tác âm nhạc được sáng tác đặc biệt cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Ban đầu tác phẩm được viết bằng tiếng Latin. Sau đó, bài hát này được dịch sang các ngôn ngữ khác. Tác phẩm này sẽ là một món quà từ Ba Lan cho thế giới, và hy vọng sẽ được hát lên sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại các giáo xứ trên toàn thế giới.

Trước khi Đức Thánh Cha rời Ba Lan, ngài sẽ gặp gỡ những người tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới – các tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới, những người phục vụ trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới, và các tình nguyện viên dài hạn đã giúp đỡ trong vài tháng qua.

Ước tính khoảng 25,000 người trẻ tình nguyện làm việc toàn thời cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Kraków.

Lúc 6:15 lễ nghi từ biệt sẽ diễn ra tại sân bay Kraków.

7. Năm Thánh làm gia tăng số người xưng tội tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Năm Thánh đưa nhiều người đến tòa giải tội trong đền thờ Thánh Phê rô hơn, Cha Rocco Rizzo dòng Phanxicô viện tu, trưởng nhóm các cha giải tội tại đền thờ Thánh Phêrô cho biết như thế.

Cha nói với báo Osservatore Romano rằng: “Số người xưng tội trong đền thờ thánh Phê rô gia tăng thấy rõ trong những tháng đầu của năm Thánh Thương xót, nhưng không phải giữa những người nói tiếng Anh, những người có lẽ vì sợ khủng bố nên tránh xa châu Âu”.

Cha cho biết là ngài đã giải tội cho khoảng 2000 người trong đền thờ Thánh Phê rô, kể từ ngày khai mạc Năm Thánh cho đến hết tháng 2, nhưng phần lớn các hối nhân là người Ý. Cha nghĩ là số người ngoại quốc ít đi là do những cảnh báo về khủng bố sau những vụ tấn công ở Paris vào tháng 11 năm ngoái. Đây là lý do các cha giải tội bằng tiếng Anh có ít người xưng tội hơn trong năm nay.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 10 tháng 3, Cha Rizzo cho báo Osservatore Romano biết, ngoài 14 cha Phanxi cô viện tu giải tội thường trực trong đền thờ, thì cũng có thêm 30 cha được gửi đến ngồi tòa trong Năm Thánh. Các cha sẽ giải tội hàng ngày, ban sáng từ 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa, và ban chiều, vào mùa đông, từ 3 giờ 30 đến 6 giờ 30 chiều, còn mùa xuân và hè thì các ngài sẽ giải tội cho đến 7 giờ chiều. Ngoài các ngôn ngữ chính như: Ý, Tây ban nha, Anh, Pháp, Đức, Bồ đào nha, và Ba lan, cũng có một số cha có thể ban phép gỉai tội bằng tiếng Hoa, Malta và Cro-át

Cha Rizzo thường giải tội cho khoảng 20 đến 30 người một ngày bằng tiếng Ý và Tây ban nha, nhưng vào dịp cuối tuần thứ 7 và Chúa Nhật, số người đến xưng tội thường tăng lên, và Cha sẽ nghe khoảng 50 người xưng tội.

Cha cũng nói về một hiện tượng đang gia tăng là số người không Công Giáo đến xưng tội. Họ muốn xưng tội để xem nó như thế nào. Cha nói: “Các vị giải tội có thể lắng nghe và khuyên nhủ những người không Công Giáo, nhưng những trường hợp đó không được coi là bí tích giải tội.”

Theo Cha, ngay cả các khách du lich hay nhũng người hành hương Công Giáo thăm viếng đền thờ thánh Phê rô cũng không quen với việc lãnh nhận bí tích hòa giải. Nhiều người trẻ cho biết họ đã không xưng tội từ khi họ rước lễ lần đầu. Cha kể: “Cha đã giải tội cho những ngườì đã phạm tội trọng cách đây 30 hay 40 năm, bây giờ họ nghe những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô và muốn hòa giải với Chúa. Đặc biệt, có những phụ nữ đã từng phá thai, đến xưng tội với Cha. Họ mang vết thương không bao giờ lành nên dù đã xưng tội đó rồi họ vẫn muốn xưng tội lại.”

Trong năm Lòng Thương xót, cha Rizzo và các cha giải tội ở đền thờ thánh Phê rô và các đền thờ lớn ở Roma được ban năng quyền đặc biệt, có thể ban phép giải tội cho cả những trường hợp như phá thai, điều mà bình thường cần tham vấn Giám mục địa phương, hay có khi là Vatican.

Cha Rizzo cho biết thêm: “có một điều thay đổi nữa trong năm Lòng Thương xót, đó là trong phần đền tội, nhiều cha giải tội tại đền thờ đã yêu cầu các hối nhân thể hiện sự thống hối của họ bằng một việc làm cụ thể, thay vì đọc kinh. Các việc làm này có thể là thăm viếng người đau yếu, đi chợ cho người già, trả bill cho những người không có tiền, hoặc là giúp ai đó đi đến nhà thờ.”

8. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ kêu gọi tôn trọng quyền sức khỏe

Đại diện Tòa Thánh cạnh các tổ chức LHQ ở Genève, Đức Ông Richard Gyhra, kêu gọi đừng đặt những lợi lộc kinh tế lên trên hết đến độ không còn tôn trọng quyền của dân nghèo được săn sóc sức khỏe.

Đức ông Gyhra hiện xử lý thường vụ Phái bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh ở LHQ, Genève. Trong bài tham luận hôm 10-3-2016, ngài kêu gọi tôn trọng quyền sức khỏe của con người như được nhìn nhận trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, và đừng chấp nhận một sự kỳ thị nào trong việc cung cấp những dịch vụ sức khỏe, trong đó có việc cung cấp những thuốc men thiết yếu, phân phối công bình các dịch vụ y tế và chấp nhận các chiến lược quốc gia để phòng ngừa và bài trừ bệnh Sida (Aids).

Đức Ông Gyhra nhận xét rằng mặc dù bao nhiêu sáng kiến tích cực đã được thi hành trong 10 năm gần đây để chấm dứt bệnh dịch Sida, nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần làm. Trong số các thách đố chính, có thách đố không coi lợi lộc kinh tế do thuốc men và các dụng cụ chẩn bệnh mang lại như một ưu tiên, để tránh tình trạng giá thuốc men quá cao khiến các bệnh nhân không thể mua nổi.

Đức Ông Gyhra nhận xét rằng trong hơn 30 năm, bệnh Sida đã gây ra chết chóc và đau khổ khôn tả cho hàng triệu trẻ em và người lớn, và khiến cho hàng triệu trẻ em mồ côi, đưa các gia đình và cộng đoàn đến tình trạng sụp đổ về mặt xã hội, kinh tế và cảm xúc.

Sau cùng Đức Ông Gyhra kết thúc bài tham luận với lời Đức Thánh Cha Phanxicô tại Trụ sở LHQ ở Nairobi, Kenya ngày 26-11-2015: “Sự lệ thuộc lẫn nhau và hội nhập các nền kinh tế không được gây thiệt hại nào cho hệ thống y tế và bảo vệ xã hội hiện nay, trái lại, nó phải tạo điều kiện dễ dàng cho sự thiết lập và điều hành các hệ thống ấy. Một số vấn đề y tế đòi các giới chức chính trị ưu tiên lưu tâm, vượt lên trên bất kỳ lợi lộc thương mại hoặc chính trị nào.

9. Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa phàn nàn những dị biệt vẫn còn

Chủ tịch ủy ban đại kết của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nhận xét rằng: “bất chấp cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill, vẫn còn những khác biệt nghiêm trọng giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Chính Thống Nga.”

Tổng Giám Mục Hilarion nói rằng Mạc Tư Khoa và Rome đã đến gần với nhau trên “nhiều vấn đề quan trọng của tính hiện đại”, nhưng vẫn bị chia cách bởi những bất đồng về các vấn đề khác. Ngài đặc biệt trưng dẫn trường hợp Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, và nói rằng căng thẳng về điểm này “một lần nữa phá hỏng nỗ lực để thiết lập đối thoại, để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và để mang chúng ta lại với nhau.”

Các nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga thường phàn nàn rằng Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương đã “chiếm” các nhà thờ của Chính Thống Giáo Ukraine vào đầu những năm 1990.

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chưa bao giờ thừa nhận rằng các nhà thờ này đã từng thuộc về Giáo Hội Công Giáo, nhưng đã bị tịch thu bởi chính phủ cộng sản, và chuyển cho các giáo sĩ Chính Thống ngoan ngoãn hơn.

10. Bề Trên Tổng quyền Hội Thừa Sai Paris được bổ nhiệm làm Giám Mục

Hôm 9 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm cha Georges Colomb, Bề trên tổng quyền Hội thừa sai Paris, làm tân Giám Mục giáo phận La Rochelle bên Pháp.

Cha Georges Colomb năm nay 63 tuổi, đã học về quản trị khách sạn và quản trị kinh tế và xã hội ở Strabourg, rồi đậu tiến sĩ dân luật năm 1978 ở đại học Jean Moulin ở Lyon, sau đó từ năm 1979 làm thanh tra bưu diện, cho đến khi gia nhập chủng viện thuộc Đại học Công Giáo Paris.

Cha Colomb thụ phong linh mục năm 1987 thuộc hội thừa sai Paris, rồi theo học tại Đại học Công Giáo Paris từ 1987 đến 1988, đậu cử nhân thần học. Sau đó Cha học tiếng Hoa tại Đài Loan, rồi làm giáo sư Pháp ngữ ở Côn Minh và Đại Liên bên Trung Quốc. Từ năm 1998 đến 2004, cha làm phụ tá Bề trên Tổng quyền và sau đó làm tổng đại diện, trước khi làm Bề trên tổng quyền Hội thừa sai Paris từ năm 2010.

Hội Thừa Sai Paris đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam và vẫn trợ giúp Giáo Hội này, đặc biệt trong việc giúp học bổng cho nhiều Linh mục Việt Nam theo học tại Pháp.

Theo niên giám 2016 của Tòa Thánh, Hội Thừa Sai Paris hiện còn 229 thành viên, trong đó có 204 linh mục, hoạt động tại 14 nhà.

Giáo phận La Rochelle nơi Đức Cha George Colomb được bổ nhiệm coi sóc có gần 400 ngàn tín hữu Công Giáo.

11. 3 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các con số

Nhân dịp kỷ niệm 3 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, mạng internet “Sismografo” ở Italia đã làm tổng kết hoạt động của ngài qua các con số:

Tổng cộng trong hơn 1 ngàn ngày, ngài đã đọc 628 bài diễn văn và 180 bài giảng, công bố 153 sứ điệp, cử hành 382 thánh lễ tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Martha, trong số này con số thánh lễ trong năm ngoái giảm bớt nhiều so với 2 năm trước đó.

Đức Thánh Cha đã thực hiện 124 buổi tiếp kiến chung và tiếp kiến dịp Năm Thánh, ngài chủ sự 168 buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu tại Roma và các nơi khác, thực hiện 11 chuyến viếng thăm tại Italia và 12 lần viếng thăm tại hải ngoại với gần 2 tháng ở nước ngoài và di chuyển 152 ngàn cây số tức là gần 4 vòng trái đất.

Ngoài Tông Sắc “Khuôn mặt thương xót” (Misiricordiae Vultus) ấn định Năm Thánh ngoại thường, Đức Thánh Cha đã công bố hai thông điệp “Lumen Fidei”, Ánh sáng đức tin, và Laudato sí, Chúc tụng Chúa, một tông huấn Evangelii Gaudium, “Niềm Vui Phúc Âm”. Ngoài ra, Đức Thánh Cha công bố 15 Tông Hiến, 101 thư và 29 Tông thư, 9 Tự Sắc và khoảng 20 kinh nguyện

Để kỷ niệm 3 năm Giáo Hoàng, chiều Chúa Nhật 13 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng bữa với những người vô gia cư tại nhà thờ thánh Lorenzo chỉ cách Vatican 50 mét.

Thánh đường này ở cạnh trung tâm giới trẻ quốc tế, là nơi giữ bản gốc Thánh Giá giới trẻ mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 trao cho giới trẻ nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần đầu tiên cử hành cách đây 33 năm (1983).

Bữa ăn tối của Đức Thánh Cha với những người vô gia cư ở khu vực Vatican đã kết thúc sáng kiến “cầu nguyện đường trường 24 tiếng đồng hồ” được khởi xướng để cảm tạ Chúa vì 3 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời xin Chúa chúc lành cho bản thân và sứ vụ của Người.

Cuộc cầu nguyện này sẽ được khởi sự lúc 10 giờ tối thứ bẩy, 12-3, với việc Chầu Mình Thánh Chúa và thánh lễ trọng thể lúc 11 giờ đêm. Trưa Chúa Nhật 13-3, các tín hữu đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô và lúc 2 giờ chiều Chúa Nhật này, có buổi đọc kinh Mân Côi của các trẻ em. Nhiều phong trào và hội đoàn đã đăng ký thay phiên nhau tham gia các giờ cầu nguyện với thánh ca và phần linh hoạt phụng vụ.

12. Bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ Tư dành cho giáo triều Rôma của cha Raniero Cantalamessa

Trong bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ Tư dành cho giáo triều Rôma hôm thứ Sáu 11 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô và các thành viên trong Giáo triều đã suy tư trên Hiến Chế Mục Vụ “Gaudium et Spes”, nghĩa là Về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay.

Hiến Chế Mục Vụ “Về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay” có mục đích chính là “trình bày sự hiện diện và sinh hoạt của Giáo Hội trong thế giới”

Trong này có lẽ chưa bao giờ Giáo Hội đã nhận thấy cần phải tìm hiểu xã hội loài người chung quanh để tới gần nó, tôn trọng nó một cách chính đáng, nhập vào nó, phục vụ và trao cho nó sứ điệp Phúc Âm. Công Ðồng Vatican II cảm thấy rằng đó là việc khẩn cấp trong thời đại chúng ta.

Cha Raniero Cantalamessa dòng Capuchin Phanxicô, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã tập trung vào những chỉ dẫn của Hiến Chế này đối với hôn nhân và gia đình.

Phát biểu về các thành viên trong Giáo triều, Cha Raniero Cantalamessa nhận xét rằng các vị đang nghe ngài nói không sống trong đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, dù thế thật là quan trọng là các vị nhận biết và hiểu những thách thức mà các cặp vợ chồng và các gia đình phải đối mặt trong thế giới hiện đại.

Sau khi xem xét kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân như được tìm thấy trong Kinh Thánh, và khào sát thực tế đời sống hôn nhân hiện nay, Cha Cantalamessa đề xuất rằng kế hoạch Thiên Chúa dành cho hôn nhân phải là một lý tưởng cần được các Kitô hữu tái khám phá. Ngài lập luận rằng các Kitô tiên khởi đã thay đổi luật pháp dân sự liên quan đến hôn nhân bằng những thực hành tốt đẹp trong đời sống của họ; và chúng ta cũng phải giới thiệu lại với thế giới sự thật về hôn nhân bằng những gương sáng của chúng ta.

Cha Cantalamessa đã kết luận bài giảng của mình bằng cách quan sát rằng những người sống đời thánh hiến và những người sống bậc vợ chồng có thể giúp đỡ lẫn nhau hiểu kế hoạch của Thiên Chúa cho nhân loại.

Ngài nói rằng “Trong các cộng đồng Kitô hữu, người thánh hiến và người có gia đình có khả năng ‘gây dựng lẫn nhau’. Những cặp vợ chồng được nhắc nhở bởi những người thánh hiến về sự ưu việt của Thiên Chúa và về những gì là vĩnh cửu, họ được giới thiệu để biết yêu mến Lời Chúa bởi những người có khả năng phân tích cho anh chị em giáo dân hiểu sâu sắc hơn. Nhưng người thánh hiến cũng có thể học một cái gì đó từ những người đã lập gia đình về sự quảng đại, tự quên mình, phục vụ sự sống, và những yếu tố ‘nhân bản’ đến từ sự tham gia của họ vào thực tế khó khăn của cuộc sống.”

13. Phúc trình mới nhất nhấn mạnh: bọn khủng bố Hồi Giáo IS phạm tội diệt chủng chống các Kitô hữu

Ngày 10 tháng Ba hôm qua, một phúc trình của hai tổ chức Kitô Giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ quả quyết cần phải kể các Kitô hữu Iraq, Syria và Libya vào số các nạn nhân của nạn diệt chủng do ISIS chủ trương.

Phúc trình dầy 278 trang của Hội Hiệp Sĩ Columbus hợp tác với cơ sở “Để Bảo Vệ Các Kitô Hữu”, một cơ quan nghiên cứu và vận động nhằm bảo vệ các Kitô hữu Trung Đông.

Tháng Mười năm ngoái, các viên chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gợi ý cho rằng hạn từ “diệt chủng” có thể qui cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS, nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp thiểu số Yazidi, chứ không phải các Kitô hữu, khiến nhiều nhóm tôn giáo, vận động nhân quyền, và nhiều lực lượng chính trị khác lên tiếng phản đối.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng cho rằng các Kitô hữu ít bị nguy hiểm hơn các nhóm khác vì họ có thể đóng thuế tôn giáo theo luật Hồi Giáo có tên là jizya.

Trích dẫn các chuyên viên như học giả chuyên về Trung Đông Alberto Fernandez, phúc trình cho rằng trên thực tế, sắc thuế mà ISIS đòi đóng chỉ là “một trò quảng cáo giât gân”, chứ không phải là một hình thức bảo vệ của luật pháp, và việc thu thứ thuế này thường là khúc dạo đầu cho nhiều hình thức “tống tiền và bạo lực” khác.

Bản tóm tắt của luật sư gửi cho Bộ Trưởng Ngoại Giao John F. Kerry yêu cầu ông này áp dụng hạn từ “diệt chủng” vào các hành động của ISIS. Báo cáo viết: “Nếu Syria và các phần khác của Iraq rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS, các thế hệ tương lai sẽ thắc mắc tại sao đáng lý ra ông có thể gọi các hành động này bằng tên riêng của chúng là ‘diệt chủng’, nhưng ông đã không làm thế”.

14. Đức Thánh Cha kêu gọi các chức sắc tòa án thi hành luật mới

Đức Thánh Cha kêu gọi các chức sắc và nhân viên tòa án của Giáo Hội đón nhận và đào sâu qui luật mới về việc giải hôn phối.

Sáng 12 tháng Ba, ngài đã tiếp kiến 400 tham dự viên khóa học do Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma tổ chức về việc áp dụng hai tự sắc mới của Đức Thánh Cha ban hành ngày 15-8 năm 2015 về việc đơn giản hóa thủ tục cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Đặc điểm nổi bật trong luật mới là chỉ cần một phán quyết thay vì hai phán quyết của hai cấp tòa án khác nhau để một hôn phối được xác nhận là vô hiệu. Ngoài ra có thủ tục vắn để giải hôn phối, trong đó vai trò của Giám Mục giáo phận được đề cao như vị thẩm phán xét xử.

Đức Thánh Cha nói: “Điều quan trọng là qui luật mới được những chức sắc của các tòa án Giáo Hội đặc biệt đón nhận và đào sâu, trong thực chất và tinh thần, để phục vụ công lý và bác ái cho các gia đình. Đối với bao nhiêu người, đã sống kinh nghiệm hôn phối bất hạnh, việc kiểm chứng xem hôn phối có hiệu lực hay không, đó là một khả thể quan trọng; và những người này cần được giúp đỡ để tiến hành trên con đường này một cách mau lẹ và dễ dàng bao nhiêu có thể. Và đây chính là giá trị của khóa học mà anh chị em đã tham dự. Tôi khuyến khích anh chị em tận dụng những gì đã học trong những ngày nay, và luôn nghĩ đến phần rỗi các linh hồn là qui luật tối thượng của Giáo Hội”.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

T3T31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  TIỆC BẤT TẬN “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. “Thiên …