Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 09/11/2017: Chuyện hi hữu: Kẻ sát nhân dự lễ phong thánh cho nạn nhân

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 09/11/2017: Chuyện hi hữu: Kẻ sát nhân dự lễ phong thánh cho nạn nhân

1. Kẻ giết một nữ tu được mời dự thánh lễ tuyên phong Chân Phước của chị

Một nữ tu Ấn Độ bị sát hại vào năm 1995 đã được phong chân phước vào cuối tuần qua – và một trong những người tham dự lễ tuyên phong Chân Phước cho chị lại chính là người đã giết chị.

Nữ tu Rani Maria Vattalil, 41 tuổi, dòng Clarist, đang trên đường về nhà mình ở bang Kerala thì bị đâm trước mặt hơn 50 hành khách trên một xe buýt đang di chuyển qua vùng rừng núi Madhya Pradesh.

Samandar Singh, lúc đó 22 tuổi, đã giết chị thay cho những kẻ cho vay nặng lãi trong vùng. Họ bực tức vì công việc của chị Rani Maria là thành lập các nhóm giúp tiền tín dụng cho người nghèo ở giáo phận Indore. 

Singh đã được gia đình của nữ tu tha thứ và được thả ra khỏi nhà tù.

“Bất cứ điều gì đã xảy ra đã xảy ra rồi. Tôi buồn và hối hận về những gì tôi đã làm. Nhưng bây giờ tôi vui mừng vì thế giới đang nhìn nhận và tôn vinh chị Rani.” Kẻ sát nhân Singh, một người theo Ấn Giáo, nói với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ làng Semlia.

Singh bị buộc tội giết người và ban đầu bị kết án tử hình. Tuy nhiên, em gái của sơ Rani Maria – là sơ Selmy – đã chính thức xin tòa khoan hồng và còn đi xa đến mức chấp nhận anh ta làm “anh trai” trong khi chờ đợi án tử hình vì thế anh ta được thả ra khỏi tù. Các quan chức Tòa án đã đồng ý phóng thích kẻ sát nhân vào năm 2006 sau khi sơ Siostra Selmy, cha mẹ cô và Đức Giám Mục Chacko Thottumarickal của giáo phận Indore nộp đơn xin khoan hồng cho đương sự.

Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã chủ sự lễ phong chân phước. Đức Tổng Giám Mục Giambattista Diquattro, là sứ thần Toà Thánh tại Ấn Độ, đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn vào ngày 5 tháng 11 tại Udainagar, quê hương của vị tân Chân Phước.

2. Thượng phụ Công Giáo đầu tiên được đón tiếp trên ‘miền đất của tiên tri Môhamét’

Đức Hồng Y Rai là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite sẽ đến thăm Saudi Arabia trong chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một nhà lãnh đạo Kitô giáo trên ‘miền đất của tiên tri Môhamét’

Hôm thứ Sáu 3 tháng 11, Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite tại Li Băng đã thông báo rằng ngài sẽ thăm Saudi Arabia trong vòng hai tuần tới, để đáp lại lời mời chính thức từ vua Salman Salman, hoàng thái tử, và nhân vật đứng thứ hai tại Saudi Arabia là Mohammad bin Salman.

Đây là chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tới vương quốc của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo Wahhabi.

Gần đây, quốc gia này đã đưa ra một loạt các cải cách kinh tế và xã hội, bao gồm việc mở các sân thể thao và cho phụ nữ được lái xe, cũng như những nỗ lực đầu tiên để giải phóng các quan điểm cực đoan Hồi giáo.

Năm 2013, Đức Hồng Y Rai cũng đã từng được quốc vưong Abdallah mời sang thăm quốc gia này. Tuy nhiên, ngay sau đó nhà vua lại xin cáo lỗi vì những lý do tế nhị mà đến nay cũng chưa biết là những lý do gì. 

Lần này, người ta tin là chuyến viếng thăm trong 2 tuần tới của Đức Thượng Phụ không phải là một lời mời lơi. Hoàng thái tử là một người đang háo hức thực hiện “Vision 2030”, là một chương trình cải tổ sâu rộng về kinh tế và văn hóa xã hội.

Trong chuyến thăm Riyadh lần này, Tòa Thượng Phụ Li Băng cho biết Đức Hồng Y sẽ thảo luận với các nhà cầm quyền Saudi Arabia về tương lai của Giêrusalem và hòa bình rại Thánh Địa cũng như trong toàn vùng Trung Đông. 

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vụ tấn công khủng bố tại New York

Đức Hồng Y Daniel N DiNardo của Galveston-Houston, là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), đã đưa ra tuyên bố sau đây ngay sau khi được biết về cuộc tấn công khủng bố Hồi Giáo tại Manhattan khiến ít nhất 8 người thiệt mạng.

Toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel N DiNardo như sau:

“Chiều nay chúng ta nghe nói về những gì có vẻ như là một cuộc tấn công có chủ ý nhắm vào những người vô tội tại thành phố New York. Hành động tàn ác này đè nặng lên trái tim của tất cả chúng ta. Các báo cáo về cuộc tấn công còn quá sớm để hiểu đầy đủ những gì đã xảy ra, nhưng dẫu sao nó cũng làm tôi thật đau lòng khi thấy rằng chúng ta lại một lần nữa phải đáp lại những hành động khủng bố như vậy.

Đối với gia đình và bạn bè của những người đã chết, xin vui lòng biết rằng anh chị em không cô đơn, và rằng những lời cầu nguyện của các Giám mục và của tất cả Giáo hội đang dành cho anh chị em và những người thân yêu của anh chị em. 

Tôi muốn nói với anh chị em và với tất cả mọi người rằng các thế lực bóng tối luôn cố gắng xua tan đi những hy vọng của chúng ta; nhưng hy vọng của chúng ta dựa trên danh Chúa và sẽ luôn kiên vững. Chúng ta hãy nhớ đến những lời của Chúa nói cùng tiên tri Giôsuê: hãy mạnh mẽ và kiên định! Đừng sợ hãi, đừng khiếp sợ, vì Chúa, là Chúa ngươi, sẽ ở cùng ngươi mọi nơi mọi lúc.”

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

4. Ðức Thánh Cha viếng nghĩa trang quân đội Hoa Kỳ tại Nettuno.

Ðức Thánh Cha Phanxicô tái lên án chiến tranh tàn phá và chết chóc, nhưng đồng thời ngài mời gọi các tín hữu nuôi dưỡng niềm hy vọng nơi Thiên Chúa sự sống.

Ngài nói lên lập trường trên đây chiều ngày lễ các linh hồn, 2 tháng 11, trong cuộc viếng nghĩa trang quân đội Mỹ ở thành phố Nettuno, cách Roma 70 cây số và là nơi an táng 7,800 binh sĩ Mỹ tử trận trong cuộc giải phóng Italia hồi thế chiến thứ 2.

Ðến nghĩa trang vào lúc 3 giờ chiều, Ðức Thánh Cha đã dừng lại trước một số ngôi mộ trong đó có mộ của một người lính vô danh, Mỹ gốc Ý, và một người Do thái. Ngài mang một bó 10 hoa hồng trắng đặt tượng trưng trên 10 thánh giá màu trắng của các mộ.

Ngay sau đó, Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cùng với Ðức Cha Marcello Semeraro Giám Mục giáo phận Albano sở tại, và hàng chục linh mục, trước sự tham dự của hơn 600 tín hữu và đại diện chính quyền địa phương.

Trong bài giảng ứng khẩu, dựa vào bài đọc của ngày lễ, Ðức Thánh Cha nhận xét rằng bao nhiêu lần niềm hy vọng nảy sinh và ăn rễ trong những tai ương và đau khổ của con người, trong những lúc ấy chúng ta hướng nhìn về trời. Ngài nhắc lại lời kêu gọi: không bao giờ chiến tranh nữa, không bao giờ những tàn sát vô ích nửa, như Ðức Biển Ðức 15 đã nói. Ðiều tốt hơn, đó là chúng ta hy vọng mà không phải trải qua những tàn phá như thế này, hàng ngàn người trẻ mất mạng.. Ðức Thánh Cha cũng kể lại lời một bà cụ già trước những đổ vỡ ở thành Hiroshima Nhật Bản: “Con người làm mọi sự để thi hành chiến tranh, và sau cùng con người tự hủy diệt mình”.. Chiến tranh là sự tự hủy diệt chính mình.. Bao nhiêu người nghĩ rằng với chiến tranh họ sẽ mang lại một thế giới mới, một mùa xuân mới, nhưng rồi họ phải cay đắng, rơi vào một mùa đông xấu xa, tàn ác, kinh hoàng và chết chóc”.

5. Ðức Thánh Cha chủ tế lễ cầu hồn cho 151 Hồng Y và Giám Mục.

Sáng ngày 3 tháng 11, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 15 Hồng Y và 137 Giám Mục qua đời trong 12 tháng qua, trong đó có 3 Giám Mục Việt Nam.

Ba Giám Mục Việt Nam là Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám Mục Nha Trang qua đời ngày 2 tháng 2 năm 2017, Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Phan Thiết qua đời ngày 1 tháng 3 năm 2017, và Ðức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám Mục Thái Bình, qua đời ngày 5 tháng 10 năm 2017. Ngoài ra, còn có 7 Giám Mục ở Hoa Lục đã qua đời trong vòng 12 tháng qua.

Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 30 Giám Mục hiện diện ở Roma, với sự tham dự của hơn 1 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc thánh lễ, Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy tin tưởng và hy vọng đứng trước cái chết, tín thác vào lòng thương xót của Chúa.

Ngài nói:

“Niềm tin mà chúng ta tuyên xưng nơi sự phục sinh làm cho chúng ta trở thành những con người hy vọng và không tuyệt vọng, những người của sự sống chứ không phải của sự chết, vì chúng ta được an ủi nhờ lời hứa sự sống đời đời, có cội rễ nơi sự hiệp nhất với Chúa Kitô phục sinh”.

“Niềm hy vọng ấy giúp chúng ta có thái độ tín thác đứng trước cái chết. Thực vậy, Chúa Giêsu đã chứng tỏ rằng sự chết không phải là lời nói cuối cùng, nhưng chính tình yêu thương xót của Chúa Cha biến đổi và làm cho chúng ta được sống tình hiệp thông vĩnh cửu với Chúa”.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến các Hồng Y và Giám Mục đã giã từ chúng ta sau khi phục vụ Giáo Hội và dân Chúa đã được ủy thác cho các vị, trong viễn tượng vĩnh cửu. Ngài nói: “Trong khi chúng ta cảm tạ Chúa vì việc phục vụ quảng đại của các vị dành cho Tin Mừng và Giáo Hội, dường như chúng ta được nghe lập lại với Thánh Phaolô Tông Ðồ: “Niềm hy vọng không đánh lừa” (Rm 5,5). Thiên Chúa là Ðấng tín trung và niềm hy vọng của chúng ta nơi Chúa không phải là hư vô. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria chuyển cầu cho các vị, để họ cũng được tham dự bữa tiệc vĩnh cửu, họ đã nếm hưởng trước trong cuộc lữ hành trần thế này”. 

6. Hội nghị về giáo dục Công Giáo dành cho người di dân tại Vatican

Trên toàn thế giới, hiện có trên 65 triệu người tị nạn bao gồm những người di tản ra hải ngoại và những người phải di dời trong nội địa, một nửa trong số đó là trẻ vị thành niên. Con số này xấp xỉ với dân số của Vương quốc Anh.

Một số lượng lớn những người phải sống ở bên lề của các quốc gia và xã hội, không có những phương tiện để tham gia tích cực vào sự phát triển riêng của họ cũng như của các quốc gia lưu trú. Đó không chỉ là một bi kịch của nhân loại mà còn là một sự lãng phí tiềm năng to lớn. Các tham dự viên tại một cuộc họp ở Vatican trong tuần này đã nhận định như trên.

Các nhà hoạt động, các nhà khoa học và hàng giáo sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã họp tại Vatican từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 11 để thảo luận về vai trò của các trường đại học và nhà giáo dục trong việc giúp đỡ những người di cư đang gia tăng không ngừng trên thế giới.

Hội nghị “Những người tị nạn và người di cư trong thế giới toàn cầu hoá: Trách nhiệm và phản ứng của các trường Đại học” do Đại học Giáo Hoàng Gregoriô ở Rôma tổ chức với sự phối hợp của Liên đoàn các trường đại học Công Giáo Quốc tế (IFCU), cùng với hơn một chục cơ sở giáo dục đại học Công Giáo.

Trái với những luận điệu thường thấy trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt nơi những tổ chức có xu hướng chống di dân, những người tị nạn, dù là những người có trình độ thấp và thiếu những kỹ năng cần thiết đi nữa, cũng không thích ngửa tay xin tiền của các quốc gia lưu trú. Các tham dự viên tại hội nghị đã đồng thanh nhận xét như trên.

Khi tình hình khủng hoảng lắng dịu và các nhu cầu cơ bản của họ được đáp ứng, người di dân và người tị nạn không muốn đứng ngoài lề xã hội: Họ muốn được học hành, và muốn con cái họ thành đạt; họ mong mỏi nhận được giáo dục và đào tạo để trở thành những người hữu ích cho các quốc gia lưu trú. Và đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà giáo dục Công Giáo có thể và phải mang đến cho họ.

7. Caritas Venezuela cảnh báo khoảng 280,000 trẻ em có thể chết do suy dinh dưỡng

Caritas Venezuela đã cảnh báo rằng khoảng 280,000 trẻ em có thể chết vì suy dinh dưỡng do tình trạng thiếu lương thực vẫn đang tiếp diễn tại Venezuela.

Cô Susanna Rafalli, một đại diện của Caritas ở Venezuela, đã lên tiếng báo động như trên trong một cuộc họp báo với giới truyền thông nước ngoài.

Cô Rafalli chỉ ra rằng ngoài việc thiếu lương thực, người dân Venezuela bị buộc phải đối phó với tình trạng thiếu thuốc, một tình huống “âm thầm tàn phá dân số”.

Theo báo cáo của Caritas, số lượng và phẩm chất thực phẩm đã giảm trên khắp Venezuela, do sự thiếu hụt lương thực và tỷ lệ lạm phát cao.

Caritas đang chăm sóc những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở bốn tiểu bang của Venezuela là Caracas, Vargas, Miranda và Zulia. Gần 10% trẻ em ở các bang này bị suy dinh dưỡng.

Báo cáo của Caritas cho biết mỗi tuần 5 hoặc 6 trẻ em chết vì suy dinh dưỡng. Caritas dự đoán rằng 280,000 trẻ em cuối cùng có thể chết vì đói.

“Suy dinh dưỡng nơi trẻ em đã tăng 15% vào tháng Tám, do đó chúng tôi tuyên bố đây là một trường hợp khẩn cấp về nhân đạo. 33% trẻ em đã có mức tăng trưởng còi cọc. Sự thiệt hại này, dù là về thể xác hay tinh thần, sẽ đi kèm với họ trong suốt cuộc đời của họ.” Cô Rafalli cảnh báo.

Theo số liệu của Caritas, tỷ lệ tử vong nơi các sản phụ đã tăng 10% giữa năm 2006 và năm 1016. Tuy nhiên, trong năm qua con số này đã tăng vọt tới 65%.

Ngoài ra, 63% bệnh viện công không có nước uống, và 64% không có sữa cho trẻ em, 51% không có đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động.

8. Trước thềm chuyến tông du Miến Điện của Đức Thánh Cha, bà Aung San Suu Kyi thăm Rakhine

Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đã đi thăm khu vực xung đột ở miền bắc bang Rakhine lần đầu tiên vào hôm thứ Năm 2 tháng 11, trong khi chính phủ của bà cho biết họ có kế hoạch hồi hương cho hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya đã chạy trốn bạo lực trong những tháng vừa qua.

Những động thái này cho thấy nhà cầm quyền Miến Điện đặc biệt quan tâm tới chuyến tông du của Đức Thánh Cha và muốn nhân cơ hội này thanh minh cùng cộng đồng quốc tế.

Bà Suu Kyi đã đến thành phố Sittwe là thủ phủ của bang Rakhine và sau đó đi đến phía bắc Rakhine, nơi có nhiều ngôi làng của người Hồi Giáo Rohingya. Trong chiến dịch tranh cử vào năm 2015, bà đã viếng thăm miền Nam Rakhine, nơi không có nhiều xung đột.

Chuyến đi của bà Suu Kyi gây bất ngờ cho các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, phát ngôn nhân của bà Suu Kyi là Zaw Htay giải thích rằng chính phủ không công bố trước kế hoạch của chuyến đi này với các phương tiện truyền thông vì những quan ngại về an ninh.

Hơn 600,000 người Rohingya từ miền bắc Rakhine đã trốn sang Bangladesh kể từ hôm 25 tháng 8, khi lực lượng an ninh Miến Điện bắt đầu những điều họ gọi là một chiến dịch “ra tay trước” nhằm đối phó với những cuộc tấn công của quân nổi dậy vào các đồn cảnh sát. Liên Hiệp Quốc cáo buộc chiến dịch này là một phản ứng không tương xứng và chỉ là cái cớ để che đậy một chính sách thanh lọc sắc tộc.

Chiến dịch của quân đội Miến Điện bao gồm việc đốt phá các ngôi làng Rohingya và những vi phạm nhân quyền tràn lan. Những người chạy trốn khỏi Rohingya đã mô tả những hành động tàn bạo của quân Miến Điện như hãm hiếp phụ nữ, đốt nhà và bắn chết những người đàn ông Hồi Giáo.

Bà Suu Kyi trong thời gian qua đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Họ yêu cầu bà phải làm nhiều hơn để chấm dứt bạo lực và lên án những người có trách nhiệm trong các vụ vi phạm nhân quyền.

9. Đức Hồng Y Giuseppe Betori khuyên các tín hữu đừng giữ tro người quá cố trong nhà

Hôm 2 tháng 11, lễ các đẳng linh hồn – Đức Hồng Y Giuseppe Betori, là Tổng Giám Mục của Florence đã khuyên các khuyên các tín hữu đừng chạy theo một trào lưu đang rất thịnh hành tại Italia là lưu giữ tro của những người quá cố trong nhà sau nghi thức hỏa táng.

Theo Đức Hồng Y Betori, hành động này làm tổn thương “phẩm giá bất khả xâm phạm của con người”.

Tòa thánh đã cho phép hỏa táng vào năm 1963 nhưng vẫn luôn dè dặt với thực hành này.

Một năm trước đây, Tòa Thánh đã đưa ra những hướng dẫn theo đó tro của người quá cố không thể bị rải tứ tán trong không trung, cũng không nên được lưu giữ tại nhà nhưng phải được đặt trong “những địa điểm linh thiêng” như nghĩa trang.

10. Huấn thị Ad resurgendum cum Christo – Để sống lại với Chúa Kitô

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân tháng các linh hồn và nhân Đức Hồng Y Giuseppe Betori khuyên các tín hữu đừng giữ tro người quá cố trong nhà, trong phần cuối của chương trình, chúng tôi xin được trình bày chi tiết với quý vị và anh chị em Huấn thị “Ad resurgendum cum Christo”, nghĩa là “Để sống lại với Chúa Kitô” của bộ Giáo Lý Đức Tin.

Đối với câu hỏi được nhiều người nêu ra là an táng hay hỏa táng, Bộ Giáo Lý đức tin tái khẳng định lập trường của Giáo Hội là cổ võ việc an táng người chết thay vì hỏa táng. 

Sau khi nhắc lại những lý do đạo lý khiến truyền thống của Giáo Hội cổ võ việc an táng người chết, Bộ giáo lý đức tin khẳng định rằng: 

Việc hỏa táng không chạm tới linh hồn và không cản trở sự toàn năng của Chúa làm cho xác được sống lại, vì thế nó không phủ nhận khách quan đạo lý Kitô về sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của thân xác. Việc hỏa táng không bị cấm, trừ khi hành động này được thực hiện trái với ý muốn của người quá cố hoặc người ta cố ý thực hiện nhằm chống báng đạo lý Kitô.

Tuy nhiên, Giáo Hội tiếp tục ưa chuộng việc chôn cất thi hài vì qua đó Giáo Hội bày tỏ sự quí trọng hơn đối với người quá cố. 

11. Vấn đề tro cốt của người quá cố trong trường hợp hỏa táng

Huấn thị Ad resurgendum cum Christo của Bộ Giáo Lý đức tin xác quyết một cách mạnh mẽ rằng trong trường hợp phải hỏa táng, tro cốt người chết phải được giữ tại nghĩa trang hoặc tại nhà thờ và không được rải tro trong thiên nhiên.

Huấn thị khẳng định rằng “tro người chết theo luật phải được giữ ở một nơi thánh, nghĩa là tại nghĩa trang, hoặc trong một thánh đường hay một khu vực được thiết định với mục đích ấy, theo qui định của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội”.

“Việc giữ tro tại một nơi thánh có thể góp phần giảm bớt nguy cơ lén lút đưa người chết ra khỏi kinh nguyện và ký ức của thân nhân và cộng đoàn Kitô. Ngoài ra, người ta cũng tránh được tình trạng người chết có thể bị quên lãng hoặc thiếu tôn trọng, điều này có thể xảy ra nhất là khi thế hệ thứ nhất qua đi”.

“Vì những lý do nói trên, việc giữ tro người chết tại tư gia là điều không được phép. Chỉ trong những trường hợp hệ trọng và đặc biệt, do những hoàn cảnh văn hóa của địa phương, vị Bản Quyền (Đức Giám Mục giáo phận hoặc vị Tổng Đại diện), thỏa thuận với Hội Đồng Giám Mục hoặc với Hội đồng của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, có thể cho phép giữ tro ở tư gia. Nhưng tro hỏa táng không được phân tán ra giữa những người thân trong gia đình với nhau và luôn luôn phải đảm bảo sự tôn trọng và những điều kiện thích hợp để bảo tồn tro”.

12. Những lạm dụng trong trường hợp hỏa táng

Trong đoạn 7, Huấn thị dạy rằng “để tránh mọi thứ mơ hồ phiếm thần, duy thiên nhiên hay duy hư vô, các tín hữu không được phép tung tro trong không khí, trên mặt đất hoặc trong nước, hoặc theo một cách thức khác, hay giữ tro trong các đồ kỷ niệm, trong một nữ trang hoặc các vật dụng khác”

Sau cùng, trong trường hợp người quá cố đã công khai yêu cầu hỏa táng mình và tung tro của mình trong thiên nhiên, nhằm mục đích chống báng đức tin Kitô, thì không thể cử hành lễ an táng cho đương sự chiếu theo bộ Giáo Luật

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …