Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 09/05 – 15/05/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 09/05 – 15/05/2014

1. Buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 11 tháng 5

Anh chị em hãy cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, cho tất cả các chủ chăn và giúp các vị trở thành mục tử nhân lành biết trao ban sữa ơn thánh, giáo lý và sự hướng dẫn cho anh chị em.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 11 tháng 5.

Hôm qua là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành cũng là Ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Anh chị em thân mến, trong Chúa Nhật thứ IV mùa phục sinh thánh Gioan giới thiệu với chúng ta hình ảnh của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Khi chiêm ngưỡng đoạn này của Phúc Âm, chúng ta có thể hiểu tương quan mà Chúa Giêsu có đối với các môn đệ Người: một tương quan dựa trên lòng hiền dịu, tình yêu thương, hiểu biết nhau và dựa trên lời hứa của một ơn không thể đo lường được: đó là lời hứa ban cuộc sống dồi dào. Chúa Giêsu nói: “Ta đến để chúng có sự sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tương quan đó là mô thức của các liên hệ giữa các kitô hữu và liên hệ giữa con người với nhau.

Ngày nay cũng như vào thời của Chúa Giêsu, có nhiều người tự đề nghị mình là chủ chăn của cuộc sống chúng ta, nhưng chỉ có Chúa Phục Sinh là Mục Tử đích thật duy nhất, là Đấng ban cho chúng ta sự sống tràn đầy. Tôi mời gọi tất cả mọi người tin tưởng nơi Chúa là Đấng hướng dẫn chúng ta. Người không chỉ hướng dẫn mà còn đồng hành và tiến bước với chúng ta nữa. Chúng ta hãy lắng nghe Lời Người với tâm trí rộng mở, để dưỡng nuôi đức tin của chúng ta, để soi sáng lương tâm chúng ta và đi theo các giáo huấn của Tin Mừng. Rồi Đức Thánh Cha xin tín hữu cầu nguyện cho hàng giáo sĩ như sau:

Trong ngày Chúa Nhật này, chúng ta hãy cầu nguyện cho các Chủ Chăn, cho tất cả các Giám Mục, gồm cả Giám Mục Roma nữa, và cho tất cả các linh mục. Cho tất cả. Cách đặc biệt chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân linh mục của giáo phận Roma, mà tôi vừa mới truyền chức cho trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Xin gửi một lời chào tới 13 linh mục. Xin Chúa giúp chúng ta luôn trung thành với Thầy Giêsu và là những người hướng đạo khôn ngoan, được soi sáng của dân Chúa được ủy thác cho chúng ta. Tôi cũng xin anh chị em giúp chúng tôi trở thành các mục tử tốt. Có một lần tôi đã đọc được một điều rất hay đẹp cho biết dân Chúa trợ giúp các Giám Mục và các Linh Mục thành các chủ chăn tốt như thế nào. Đó là bút tích của thánh Cesario thành Arles, một trong các Giáo Phụ thuộc các thế kỷ đầu của Giáo Hội. Thánh nhân giải thích dân Chúa phải giúp chủ chăn như thế nào và đưa ra thí dụ này: “Khi con bê đói, thì nó sà vào vú mẹ nó để bú. Nhưng con bò cái xem ra không cho con bú ngay, mà giữ sữa lại cho chính mình. Vậy con bê làm sao? Nó cứ dí mõm vào vú mẹ nó để nút sữa. Đây là hình ảnh thật đẹp! Thánh nhân nói: Anh chị em cũng phải làm như vậy với các chủ chăn, luôn luôn gõ vào cửa của các ngài, gõ vào con tim của các ngài, để các ngài cho anh chị em sữa giáo lý, sữa ơn thánh và sữa của sự hướng dẫn”. Tôi xin anh chị em hãy quấy rầy các chủ chăn, quầy rầy tất cả chúng tôi là các chủ chăn, để chúng tôi có thể cho anh chị em sữa của ơn thánh, của giáo lý và sự hướng dẫn. Hãy quấy rầy! Hãy nhớ tới hình ảnh đẹp này của con bê con quấy rầy mẹ nó thế nào để mẹ nó cho nó bú sữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Noi gương Chúa Giêsu mỗi chủ chăn “đôi khi đi trước để chỉ đường và nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng – đôi lần mục tử phải đi trước – những lần khác phải ở giữa tất cả với sự gần gũi đơn sơ và lòng thương xót, và trong vài hoàn cảnh phải bước đi đàng sau dân chúng, để trợ giúp những ai ở lại đàng sau” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 31) Ước chi tất cả mọi chủ chăn được như thế! Nhưng anh chị em phải quầy rầy các chủ chăn, để các vị trao ban sự hướng dẫn, giáo lý và ơn thánh cho anh chị em.

Trong Chúa Nhật Ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi này, trong sứ điệp năm nay tôi đã nhắc rằng: “Mỗi một ơn gọi đòi hỏi phải ra khỏi chính mình để tập trung cuộc sống vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Người” (s. 2). Vì thế lời mời gọi theo Chúa Giêsu cũng đồng thời hứng khởi và dấn thân. Để thực hiện nó, cần phải bước sâu vào tình bạn với Chúa để có thể sống nhờ Người và cho Người. Rồi Đức Thánh Cha mời gọi mọi người như sau:

Chúng ta hãy cầu nguyện để cả ngày nay nữa, có nhìều người trẻ nghe tiếng Chúa luôn có nguy cơ bị bóp nghẹt bởi biết bao nhiêu tiếng nói khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho giới trẻ: biết đâu trong quảng trường này có ai đó nghe tiếng Chúa gọi làm linh mục. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bạn trẻ đó, nếu họ ở đây, và cho tất cả mọi người trẻ được mời gọi.

2. Đức Thánh Cha khuyến khích các doanh nhân Công Giáo

Đức Thánh Cha khuyến khích các doanh nhân Công Giáo làm chứng về các giá trị Tin Mừng trong môi trường kinh tế và xã hội ngày này.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 10 tháng 5, dành cho 400 tham dự viên khóa hội thảo của tổ chức “Centesimus Annus”, Thông điệp Năm Thứ 100 của Đức Gioan Phaolô 2.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi chủ đề của khóa họp là tình liên đới. Ngài nhận định rằng “trong chế độ kinh tế ngày nay danh từ ‘liên đới’ trở thành điều làm cho người ta khó chịu. Cuộc khủng hoảng những năm gần đây có những nguyên nhân sâu xa về luân lý đạo đức, và nó càng làm cho người ta dị ứng đối với những từ như liên đới, phân phối công bằng các tài nguyên, ưu tiên cho lao công. 

Chính vì thế, người ta không đạt được hoặc không muốn nghiên cứu thực sự vấn đề làm thế nào để các giá trị luân lý đạo đức có thể trở thành những giá trị kinh tế cụ thể, nghĩa là có thể khơi lên những năng động tốt đẹp trong việc sản xuất, trong lao động, thương mai, và cả tài chánh nữa”.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng doanh nhân Công Giáo được mời gọi luôn đối chiếu Tin Mừng với thực tại mình hoạt động trong đó, và Tin Mừng đòi phải đặt con người và công ích lên hàng đầu, thi hành phận sự của mình làm sao để có những cơ hội công ăn việc làm, lao công đứng đáng. Dĩ nhiên họ không thể thi hành công tác này một cách đơn độc, nhưng cộng tác với những người khác, cùng chia sẻ căn bản luân lý đạo đức và tìm cách mở rộng mạng lưới của mình bao nhiêu có thể”. 

3. Đức Thánh Cha tiếp kiến 200 ngàn người thuộc giới học đường Italia

Chiều ngày 10 tháng 5, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 200 ngàn người gồm các vị lãnh đạo, giáo chức và các học sinh các trường tại Italia, đặc biệt là các trường Công Giáo.

Tham dự cuộc gặp gỡ này tại Quảng trường thánh Phêrô cũng có Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia và bà bộ trưởng giáo dục Stefania Giannini, cùng với các thành viên Phong trào Công Giáo tiến hành Italia, các nhân viên mục vụ học đường, gia đình và giới trẻ. Họ đứng đầy Quảng trường Thánh Phêrô và dọc theo đường Hòa Giải cho đến tận bờ sông Tevere.

Cuộc gặp gỡ do Hội Đồng Giám Mục Italia tổ chức trong khuôn khổ chương trình gọi là “Giáo Hội bênh vực các trường học”.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, tuyên bố rằng đã đến lúc đặt lại ở trung tâm những gì quan trọng nhất, trong số đó các trường học đáng được đặc biệt quan tâm, vì nếu chúng ta không đầu tư vào lãnh lực này thì một nước rất khó phục hồi sự tăng trưởng. Một xã hội không dành năng lực kinh tế, nhất là các năng lực nhân sự cho trường học, nghĩa là cho việc huấn luyện và canh tân, thì rốt cuộc sẽ bị lỡ cơ hội phục hồi”.

Chương trình gặp gỡ bắt đầu lúc 3 giờ chiều với phần sinh hoạt của các học sinh và sau đó, lúc 4 giờ 15 phút chiều, Đức Thánh Cha tiến vào quảng trường, đi xe zíp để chào thăm mọi người trước khi chính thức bắt đầu cuộc gặp gỡ từ lúc 5 giờ đến 6 giờ rưỡi chiều.

Cuộc gặp gỡ xen lẫn các bài chia sẻ, các bài ca, chứng từ và trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha bày tỏ sự hài lòng về cuộc gặp gỡ như một lễ hội của học đường. Ngài nói:

“Chúng ta biết rõ có những vấn đề và những điều không ổn. Nhưng anh chị em ở đây, chúng ta ở đây vì chúng ta yêu mến học đường. Tôi nói là “chúng tôi” vì tôi cũng yêu mến học đường, tôi đã yêu mến trường học như học sinh, sinh viên và như là giáo chức. Tiếp đến như Giám Mục. Trong giáo phận Buenos Aires, tôi thường gặp giới học đường và ngày nay tôi cám ơn anh chị em vì đã chuẩn bị cuộc gặp gỡ này, cho toàn thể Italia.

Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng: “đi đến trường học có nghĩa là cởi mở tâm trí đối với thực tại, trong sự phong phú của các khía cạnh, các chiều kích. Đây là điều thật đẹp! Trong những năm đầu tiên, ta học 360 độ, rồi dần dần ta đào sâu một hướng đi rồi dần dần chuyên môn. Nếu một người học cách học, thì sẽ luôn luôn là một người cởi mở đối với thực tại! Đó là điều mà một nhà đại giáo dục người Italia đã dạy, đó là cha Lorenzo Milani.

“Đức Thánh Cha đặc biệt nhắn nhủ các giáo chức hãy luôn cởi mở đối với thực tại, với tâm trí luôn cởi mở để học hỏi! Đúng vậy, nếu một giáo chức không cởi mở để học hỏi, thì không phải là một nhà giáo tốt, không hay, và các học sinh đánh hơi thấy ngay. Các học sinh bị thu hút vì những giáo sư có một tư tưởng cởi mở, luôn tìm kiếm những gì hơn nữa, và làm cho các học sinh cũng được lây nhiễm thái độ ấy. Đó là động lực đầu tiên khiến tôi yêu mến học đường.

“Một lý do khác nữa, đó là học đường là nơi gặp gỡ: gặp gỡ bạn bè, giáo chức và các nhân viên trợ giúp. Các phụ huynh gặp giáo dục, hiệu trưởng gặc các gia đình, v.v. Đó là điều căn bản trong tuổi tăng trưởng, như một sự bổ túc cho gia đình… Trường học làm cho chúng ta gặp gỡ những người khác chúng ta, về tuổi tác, văn hóa, nguồn gốc.. Trường học là xã hội đầu tiên hội nhập và bổ túc gia đình. Gia đình và học đường không bao giờ được đối nghịch nhau!

“Sau nữa, tôi yêu mến trường học vì trường dạy chúng ta về chân, thiện, mỹ. Giáo dục không thể trung lập. Hoặc nó tích cực hoặc tiêu cực, hoặc nó làm phong phú hoặc làm nghèo nàn. Sứ mạng của gia đình là phát triển chân, thiện, Mỹ. Điều này diễn ra qua một con đường phong phú, được họp thành nhờ bao nhiêu yếu tố. Vì thế, có bao nhiêu môn học! Vì sự phát triển là thành quả của nhiều yếu tố cùng tác động và kích thức trí tuệ, lương tâm, tình cảm, thân xác.

4. Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Tổng Thượng Phụ Armenia Tông Truyền

Trong buổi gặp gỡ Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II của Giáo Hội Armenia Tông Truyền sáng ngày 8 tháng 5, Đức Thánh Cha đề cao đau khổ là hạt giống sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Đức Tổng Thượng Phụ Karekin hướng dẫn một phái đoàn đến viếng thăm Tòa Thánh từ ngày 7 đến 9 tháng 5.

Ngỏ lời trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha nhắc đến bao đau khổ mà Giáo Hội và dân tộc Armenia đã phải chịu qua dòng lịch sử và ngài khẳng định rằng: “Những đau khổ mà các tín hữu Kitô đã chịu trong những thập niên gần đây đã mang lại một sự đóng góp duy nhất và vô giá cho chính nghĩa hiệp nhất các môn đệ của Chúa Kitô. Như trong Giáo Hội xưa kia, máu các vị tử đạo đã trở thành hạt giống sinh ra các tín hữu mới, ngày nay máu của nhiều Kitô hữu cũng trở thành hạt giống hiệp nhất. Phong trào đại kết qua đau khổ và tử đạo là một lời nhắc nhở mạnh mẽ hãy tiến bước theo con đường hòa giải giữa các Giáo Hội, với quyết tâm và tín thác nơi hoạt động của Chúa Thánh Linh. Chúng ta nghĩa vụ phải đi theo con đường huynh đệ ấy cũng vì lòng biết ơn phải có đối với sự đau khổ của bao nhiêu anh chị em chúng ta, sự đau khổ cứu độ vì được kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”.

Đức Thánh Cha cũng cám ơn Đức Tổng Thượng Phụ Karekin vì đã tích cực nâng đỡ cuộc đối thoại đại kết, đặc biệt là công việc của Ủy ban chung đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, và vì đã đóng góp phần quan trọng do các đại diện của tòa Tổng Thượng Phụ Giáo Hội Armenia Tông truyền”.

Sau cuộc trao đổi diễn văn tại buổi gặp gỡ đến phần trao đổi quà tặng và Đức Thánh Cha cũng như Đức Tổng Thượng Phụ cùng hai phái đoàn đã cầu nguyện chung tại Nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Mater) tại Dinh Tông Tòa.

Đức Tổng Thượng Phụ được bầu làm thủ lãnh tối cao thứ 132 của Giáo Hội Armenia tông truyền hồi năm 1999.

Giáo Hội này được thánh Gregorio vị soi sáng thành lập cách đây hơn 1.700 năm và hiện có khoảng 6 triệu tín hữu, với bao gồm hai tòa Tổng Thượng Phụ và 2 tòa Thượng Phụ ở Jerusalem và Costantinople thuộc Tòa Tổng thượng phủ Eechmiadzin ở Cộng hòa Armenia về những vấn đề tinh thần.

Đức Tổng thượng phụ Karekin II đã thăm Tòa Thánh hồi năm thánh 2000, và năm sau đó, Đức Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm Đức Tổng thượng phụ ở Armenia . Ngài trở lại Roma để dự lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng. Gần đây ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 hồi năm 2008 và 2012, cũng như đã có mặt trong lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong dịp viếng thăm Tòa Thánh lần này, ngài cũng gặp Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và một số cơ quan trung ương Tòa Thánh, viếng mộ thánh Phêrô Tông Đồ, cầu nguyện trước tượng thánh Gregorio vị soi sáng ở khuôn viên phía bắc của Đền Thờ thánh Phêrô.

5. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục sẽ được phong chân phước ngày 19 tháng Mười 

Hôm 10 tháng 5 tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chuẩn y sắc lệnh phong chân phước cho vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Lễ phong chân phước được dự kiến diễn ra ngày 19 Tháng 10 năm 2014, vào lúc kết thúc kỳ họp thứ Ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình.

Trong buổi tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Angelo Amato, Bộ Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh vào chiều thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã ủy quyền cho Bộ ban hành các sắc lệnh công nhận:

– Các phép lạ do lời cầu bầu của Tôi Tớ Đáng Kính của Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (Giovanni Battista Montini ), sinh ngày 26 tháng 9 năm 1897 tại Concesio, Italia và qua đời ngày 6 tháng 8 1978 tại Castel Gandolfo.

– Các phép lạ do lời cầu bầu của Tôi Tớ Đáng Kính của Chúa là Luigi Caburlotto, linh mục triều, người sáng lập Viện các Nữ Tử Thánh Giuse; sinh ra tại Venice, Italia ngày 07 tháng 6 1817 và chết ở đó ngày 09 tháng 7 năm 1897.

– Các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa là Giacomo Abbondo, linh mục giáo phận; sinh tại Salomino, Italia ngày 27 Tháng Tám 1720 và qua đời tại Tronzano (Italy) ngày 09 Tháng 2 năm 1788.

– Các nhân đức anh hùng Tôi Tớ Chúa là Giacinto Alegre Pujals, linh mục Dòng Tên; sinh tại Terrassa Tây Ban Nha ngày 24 tháng 12 1874 và qua đời tại Barcelona ngày 10 tháng 12 năm 1930;

– Các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa là Carla Barbara Colchen Carré de Malberg, người mẹ gia đình, là người sáng lập Hiệp hội các Nữ Tử Thánh Phanxicô đệ; sinh ra tại Metz nước Pháp ngày 08 tháng 4 năm 1829 và qua đời tại Lorry de Metz ngày 28 tháng 1 năm 1891.

6. Đức Thánh Cha gặp gỡ các thành viên tu hội đời ở Italia 

Sáng ngày 10 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 200 thành viên thuộc Hội đồng các tu hội đời ở Italia. Ngài khuyến khích sự dấn thân làm chứng tá Phúc Âm trong các môi trường của đời sống thường nhật.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Do ơn gọi, anh chị em là những giáo dân và linh mục như những người khác và giữa những người khác. Anh chị em sống cuộc sống bình thường, không có những dấu hiệu bên ngoài, không có sự nâng đỡ của đời sống cộng đoàn, không thi hành việc tông đồ có tổ chức hữu hình hoặc những công việc đặc thù. Anh chị em chỉ dồi dào kinh nghiệm về tình yêu Chúa và nhờ đó anh chị em có khả năng nhận biết và chia sẻ những cơ cực của cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau, làm cho chúng được dậy men nhờ ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha cũng đề cao ơn gọi và sứ mạng của các thành viên các tu hội đời, cứu vớt thế giới từ bên trong. Trong ý hướng đó ngài khuyến khích họ quan tâm tới con người và những khát vọng sâu xa nhất của họ, gần gũi với con người, những vết thương, những khắc khoải và nhu cầu của họ như người Samaritano đi gần qua, thấy và động lòng thương.

Đức Thánh Cha nói: “Năng động mà ơn gọi của anh chị em đòi hỏi cũng là đến gần mỗi người và trở nên tha nhân của mỗi người mà anh chị em gặp; vì việc sống giữa đời của anh chị em không phải chỉ là một hoàn cảnh xã hội học, nhưng còn là một thực tại hướng thần, kêu gọi anh chị em trở thành người ý thức, quan tâm, biết ý thức, nhậnthấy và động chạm đến thân mình của người anh em..Nếu điều ấy không xảy ra, thì anh chị em cần cấp thiết hoán cải!” 

7. Buổi thờ phượng Satan tại Đại Học Harvard bị huỷ bỏ

Vào giờ chót nhóm Satan Temple (Đền thờ Satan) và Câu lạc bộ nghiên cứu văn hóa của Đại Học Harvard Mở Rộng đã huỷ bỏ buổi thờ phượng Satan dự định tổ chức vào lúc 8h30 tối thứ Hai 12 tháng 05. Những kẻ tổ chức nêu lý do là không thể bảo đảm an ninh cho những người tham dự.

Trước đó vào buổi sáng ngày thứ Hai, Hiệu Trưởng Đại Học Harvard là bà Drew Faust đưa ra một thông cáo lên án biến cố này là “đáng ghê tởm”. Tuy nhiên bà không ngăn chặn “lễ đen” thờ phượng Satan của nhóm Satan Temple nại lý do là tôn trọng quyền phát biểu của sinh viên. Bà Drew Faust cho biết là sẽ đi dự buổi chầu Thánh Thể do các sinh viên Công Giáo tổ chức trong một nguyện đường kế bên vào cùng một thời điểm.

“Lễ đen” được nhóm Satan Temple tổ chức với dụng ý là chống báng đức tin Công Giáo. Theo dự kiến ban đầu nhóm này cho biết sẽ ăn cắp Mình Thánh Chúa của một nhà thờ Công Giáo để dùng trong “lễ đen”. Đây là một hành vi phạm thánh trầm trọng.

“Lễ đen” thờ kính Satan đầu tiên xảy ra vào năm 1707 dưới thời vua Louis 14. Vị vua nước Pháp này vì thương nhớ một người phi tần được vua sủng ái là Françoise-Athénaïs đã tổ chức “lễ đen” để gọi hồn người phi tần. Một hài nhi đã bị giết chết trong “lễ đen” này.

“Lễ đen” được xem là một hình thức xúc xiểm công khai đức tin Công Giáo vì trong “lễ đen” người ta cử hành những nghi lễ giống như Phụng Vụ Công Giáo truyền thống nhưng thay vì kêu cầu và thờ phượng Chúa thì thờ lạy Satan và xúc phạm đến Mình Thánh Chúa đã được truyền phép, ăn cắp từ một nhà thờ Công Giáo.

Trước biến cố này, tổng giáo phận Boston đã ra thông cáo nói rõ:

“Vì lợi ích của các tín hữu Công Giáo và tất cả mọi người, Giáo Hội đưa ra những giáo huấn rõ ràng liên quan đến việc tôn thờ Satan. Hành động này tách con người khỏi Thiên Chúa và cộng đồng nhân loại, nó trái với lòng bác ái và điều thiện, và nó đặt những người tham gia vào nguy cơ gần gũi cách nguy hiểm với hoạt động phá hoại của ma quỷ.

Trong một tuyên bố gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo về những nguy hiểm xuất phát từ sự ngây thơ hoặc đánh giá thấp sức mạnh của Satan, mà cái ác do nó gây ra quá thường khi hiện diện như một bi kịch giữa chúng ta. Chúng tôi kêu gọi tất cả các tín hữu và những người thiện chí cùng chúng tôi cầu nguyện cho những người đang tham gia vào sự kiện này, để họ có thể đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của các hành động của họ, và yêu cầu Đại Học Harvard tách mình ra khỏi các hoạt động này.”

8. 30 tân ngự lâm quân tuyên thệ trung thành với Đức Thánh Cha Phanxicô

Hôm 6 tháng 5, nghi thức tuyên thệ của 30 tân ngự lâm quân đã diễn ra tại sân San Damaso trong điện Tông Tòa. Các thành viên trong giáo triều Rôma, ngoại giao đoàn, gia đình, bạn bè của các ngự lâm quân và hội cựu ngự lâm quân đã có mặt trong buổi lễ. 

Đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ có một lịch sử rất phong phú. Đức Thánh Cha Giuliô Đệ Nhị thành lập năm 1506 đoàn ngự lâm quân với nhiệm vụ chủ yếu là canh gác điện Tông Tòa và bảo vệ Đức Thánh Cha. 

Ngày 6 tháng 5 là một ngày lịch sử vì vào ngày này năm 1527, 147 ngự lâm quân trong số 189 người đã hy sinh tính mạng của họ để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII khi đại đế Charles V xua quân đánh vào Rôma. 

Trong lễ tuyên thệ, lời thề của các ngự lâm quân đã được cha tuyên úy đọc lên với nội dung như sau: “Tôi thề tận tuỵ, trung thành và hân hạnh phục vụ cho Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị kế nhiệm hợp pháp của ngài, và dâng mình cho các ngài với tất cả sức lực, hy sinh ngay cả mạnh sống mình nếu cần để bảo vệ các ngài.

Tôi cũng cam kết như thế với Hồng Y Đoàn khi Tòa Thánh trống tòa. Hơn thế nữa tôi xin hứa trung thành và tuân theo vị Tư Lệnh và các cấp trên tương ứng. Đây là thời thề của tôi. Xin Chúa và các Thánh Bổn Mạng trợ giúp tôi”. 

Các ngự lâm quân sẽ lần lượt được gọi lên và xác nhận lời thề bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

Các Thánh Bổn Mạng của ngự lâm quân Thụy Sĩ là Thánh Martinô, Thánh Sêbastiêng, và thánh Niklaus von Flue được biết như là “người bảo vệ hòa bình và người cha của đất nước Thụy Sĩ”.

Điều kiện gia nhập ngự lâm quân gồm có: phải là người Thụy Sĩ Công Giáo, nam, dưới 30 tuổi. Họ chưa lập gia đình và cao trên 178 cm. Có bằng cấp Tú Tài trở lên và đã từng học trong một trường huấn luyện quân sự của Thụy Sĩ. 

Các ngự lâm quân phải phục vụ tại Tòa Thánh tối thiểu 2 năm.

9. Thông điệp của Đức Thánh Cha tại cuộc tuần hành phò sinh ở Canada

Hôm thứ Năm 8 tháng 5, các phong trào phò sinh tại Canada đã tổ chức cuộc tuần hành phò sinh toàn quốc lần thứ 17 tại thủ đô Ottawa. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gởi đến các tham dự viên một thông điệp ủng hộ nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thông điệp có đoạn viết: 

“Đức Thánh Cha Phanxicô vui mừng chào đón tất cả mọi người tham gia vào ngày toàn quốc cho sự sống tại Ottawa lần thứ 17, và bảo đảm với họ sự gần gũi tinh thần của ngài khi họ làm chứng cho phẩm giá, vẻ đẹp và giá trị của cuộc sống con người đã được Thiên Chúa ban cho. 

Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng sự kiện này thúc đẩy việc tôn trọng quyền bất khả xâm phạm vào cuộc sống của mỗi người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên và hỗ trợ những nỗ lực của tất cả những ai đang miệt mài tranh đấu để đảm bảo rằng nhân quyền căn bản này phải nhận được sự bảo vệ pháp lý đầy đủ. Với những người tổ chức và những ai tham gia vào sự kiện này, đặc biệt là những người đang hỗ trợ cho những phụ nữ đang gặp khủng hoảng vì mang thai và con cái của họ, Đức Thánh Cha thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh của ngài như bảo chứng của niềm vui và sự bình an trong Chúa Phục Sinh.”

10. Giới thiệu về đất nước Armenia 

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Armenia là quốc gia trong vùng Tiểu Á, bắc giáp Georgia; Đông giáp Azerbaijan; Nam Giáp Iran và Azerbaijan- Naxcivan; và phía Tây giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Với diện tích 29,743 cây số vuông, Armenia chỉ bằng 1/11 của nước Việt Nam.

Thủ đô nước này là Yerevan.

Dân số Armenia là 3 triệu 60 ngàn người trong đó 97.9% là các tín hữu của Giáo Hội Armenia Tông Truyền.

Giáo Hội Armenia Tông Truyền cũng có khoảng 350.000 thành viên ở rải rác trong khu vực Trung Đông; đông nhất là là tại Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ

Giáo Hội Công Giáo có 2 giáo phận. Thực ra là một miền Phủ Doãn Tông Tòa với 250,000 giáo dân và một giáo hạt tòng nhân gồm khoảng hơn 50,000 anh chị em tín hữu.

11. Kitô Giáo đến với Armenia 

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Armenia là quốc gia đầu tiên tại Âu Châu chính thức công nhận Kitô giáo. Đó là vào năm 301, như thế là 79 năm trước khi Kitô giáo được đế quốc Rôma công nhận. 

Giáo Hội Armenia tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo sau khi không công nhận Công Ðồng Chalcedon vào năm 451. Sự bất đồng, cơ bản là về Kitô học, đã được giải quyết tháng 12 năm 1996, khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Tổng Thượng Phụ Karekine Đệ nhất ký một tuyên ngôn thần học chính thức nói lên niềm tin cùng được chia sẻ của cả hai nên. Không có ngăn trở thần học nào cho việc hiệp nhất hoàn toàn, và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng công khai ao ước phục hồi sự hiệp nhất trọn vẹn giữa Rôma và Yerevan.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là vào thời Trung cổ, có một nhóm người Armenian phương tây đã trở lại Công Giáo Rôma qua sự liên hệ với Thập Tự Quân. Ngay cả bây giờ dân cư của các làng Công Giáo được gọi là “Franki,” lấy từ chữ Frankish nghĩa là Thập Tự Quân. 

Tại Armenia cũng có các tín hữu Công Giáo nghi lễ Armenia, hiệp thông với Rôma. Họ có một Toà Thượng Phụ Công Giáo Armenia được thiết lập ở Li-băng năm 1742.

Theo thoả ước Nguyên Trạng, Giáo Hội Armenia Tông Truyền cùng với Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Hy Lạp được quyền sử dụng đền thờ Mộ Chúa tại Jerusalem.

12. Cuộc tàn sát người Armenia

Do vị trí chính trị trọng yếu trong khu vực, dân tộc Armenia đã trải qua chinh chiến liên tục. Đầu thế kỷ 20, nước này bị Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng.

Đêm 24 tháng Tư năm 1915, Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam 200 nhà lãnh đạo cộng đồng Armenia tại Constantinope và khởi động một cuộc tàn sát diệt chủng quy mô lớn với ý muốn tiêu diệt sạch dân tộc này trên thế giới.

Đây được kể là cuộc tàn sát kinh hoàng đầu tiên của thế kỷ 20. Ước tính từ 1 triệu đến 1.5 triệu người Armenia bị giết chết giữa năm 1915 và năm 1918 trong các vụ thảm sát, trong các trại tập trung, và trong các cuộc cưỡng bức trục xuất. 

Do những tính toán chính trị lắt léo tội ác này được nhiều cường quốc che đậy và đến nay không một nhà lãnh đạo nào của đảng Thanh Niên Thổ là những người đã ra lệnh tàn sát bị truy tố trước pháp luật.

13. Quan hệ giữa Giáo Hội Armenia Tông Truyền và Giáo Hội Công Giáo

Được bầu làm Tổng thượng phụ vào năm 1999, Đức Karekin Đệ Nhị đã thăm Tòa Thánh hồi năm thánh 2000, và năm sau đó, Đức Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm Đức Tổng thượng phụ ở Armenia. Ngài trở lại Roma để dự lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng. Gần đây ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 hồi năm 2008 và 2012, cũng như đã có mặt trong lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Lần thứ nhất ngài gặp riêng Đức Thánh Cha Phanxicô là hôm 4 tháng Sáu năm ngoái. Đức Thượng Phụ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một cây thánh giá bằng đồng hai người mới khiêng nổi. Trong đoàn tùy tùng của Đức Thượng Phụ có một cặp vợ chồng đi theo với trách nhiệm khiêng cây thánh giá này. Người phụ nữ nói với Đức Giáo Hoàng rằng gia đình cô là nạn nhân của nạn diệt chủng Armenia hồi năm 1915.

Đức Thánh Cha đáp lại:

-Đó là tội ác diệt chủng tàn ác trên quy mô lớn đầu tiên của thế kỷ 20.

Lập tức Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đưa công hàm phản đối với Vatican.

Vài năm trước đây, khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã mô tả vụ sát hại và trục xuất hàng triệu người Armenia là “tội phạm trầm trọng của Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người dân Armenia và toàn thể nhân loại.”

14. Các nhân viên an ninh bế những người già lên xe Đức Thánh Cha

Hình ảnh được truyền đi khắp thế giới cho thấy hôm thứ Tư 7 tháng 5, trong buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô, khi Đức Thánh Cha đang di chuyển trên chiếc xe popemobile của ngài để chào thăm các tín hữu và khách hành hương, các nhân viên an ninh của ngài đã bế một bà cụ ngồi trên xe lăn, để bà có thể chào đón Đức Giáo Hoàng. Rõ ràng người phụ nữ này đã xúc động mạnh. Bà ôm lấy Đức Giáo Hoàng và trao đổi một vài lời với ngài. 

Một lúc sau một người đàn ông lớn tuổi cũng được các nhân viên an ninh của Đức Giáo Hoàng bế lên xe để ông có thể chào Đức Giáo Hoàng.

15. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp hơn 100 Giám Mục Mễ Tây Cơ

Sáng 12 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp nhóm đầu tiên trong số hơn 100 Giám mục Mễ Tây Cơ đang trong chương trình Ad Limina viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Đức Giáo Hoàng sẽ tiếp tục gặp gỡ các Giám Mục Mễ Tây Cơ khác cho đến ngày 19 tháng Năm. 

16. Vatican kêu gọi trả tự do tức khắc cho hơn 200 nữ sinh người Nigeria bị bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram bắt cóc 

Gần nửa đêm ngày 14 tháng Tư, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bắt cóc hơn 300 nữ sinh tại một trường nội trú ở thị trấn Chibok. Cho đến hôm thứ Sáu 8 tháng 5, 53 nữ sinh đã trốn thoát trong khi 276 nữ sinh khác vẫn còn bị giam giữ.

Phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa ra một thông cáo cực lực lên án hành vi này. 

“Vụ bắt cóc một số lượng lớn các cô gái trẻ bởi những kẻ khủng bố trong tổ chức Boko Haram đã làm tăng thêm các hình thức bạo lực ghê tởm khác mà từ lâu đã đặc trưng cho các hoạt động của nhóm này tại Nigeria. 

Việc từ chối tôn trọng sự sống và phẩm giá của người dân, ngay cả của những người vô tội nhất, dễ bị tổn thương và vô phương tự vệ, đòi hỏi phải bị lên án mạnh mẽ. Hành động dã man này phải gợi lên lòng từ bi chân thành nhất dành cho các nạn nhân, cho nỗi kinh hoàng và những đau khổ về thể chất và tinh thần, cũng như những tủi nhục không thể tin được mà họ phải gánh chịu. 

Chúng tôi hiệp thông với những ai đang kêu gọi trả tự do cho họ, và đưa họ trở về cuộc sống bình thường. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện rằng Nigeria, thông qua những nỗ lực của tất cả những người thiện chí, có thể tìm thấy con đường để chấm dứt tình trạng xung đột và khủng bố hận thù, là nguồn gốc của bao đau khổ khôn xiết.”

17. Bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đe doạ bán các nữ sinh làm nô lệ

Chỉ vài ngày sau khi Tòa Thánh lên án vụ bắt cóc các nữ sinh Nigeria, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đi một tweet yêu cầu trả tự do cho họ, Boko Haram đưa ra một video hình ảnh một số các cô gái bị bắt cóc đang phải đọc kinh Hồi Giáo. 

Lãnh tụ nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram, là Abubakar Shekau đòi các quan chức Nigeria trao đổi tù nhân với những cô gái bị bắt cóc. Y cũng tuyên bố các cô gái đã cải sang đạo Hồi. Đa số các nữ sinh này là các tín hữu Kitô.

Gần nửa đêm ngày 14 tháng Tư, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bắt cóc hơn 300 nữ sinh tại một trường nội trú ở thị trấn Chibok trong bang Borno. Cho đến hôm thứ Sáu 8 tháng 5, 53 nữ sinh đã trốn thoát trong khi 276 nữ sinh khác vẫn còn bị giam giữ.

Tuần trước, Boko Haram đưa ra một video đe dọa sẽ bán các cô gái làm nô lệ. Báo cáo của chính phủ Nigeria cho biết một số nữ sinh bị bắt cóc đã bị bán ở khu vực biên giới với Chad và Cameroon.

Đức Hồng Y John Onaiyekan của tổng giáo phận Abuja kêu gọi chính phủ Nigeria phải có các hành động cụ thể.

18. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các giám mục Ethiopia và Eritrea

Hôm 9 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp các Giám Mục Ethiopia và Eritrea đang về Rôma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Các giám mục đã tặng Đức Thánh Cha bốn cây thánh giá Ethiopia, cũng như một bộ lễ phục phụng vụ mà họ hy vọng ngài mặc vừa.

“Con nghĩ rằng Đức Thánh Cha sẽ mặc vừa.”

Đức Thánh Cha bông đùa:

“Người ta nói rằng Đức Giáo Hoàng có kích thước của tất cả mọi người. Đó là những gì các nhà thần học nói.”

Đức Giáo Hoàng tặng cho mỗi vị một món quà riêng. Một trong số các vị Giám Mục, có vị đã không thể che giấu cảm xúc của mình khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đứng trước mặt ngài, và đã không ngần ngại khen ngợi Đức Thánh Cha.

“Thưa Đức Thánh Cha, con thích câu ngài nói ‘chào buổi sáng và có một bữa ăn trưa ngon miệng’”.

“Ngay bây giờ còn quá sớm để nói chúc anh em có một bữa ăn trưa ngon miệng.”

Đức Giáo Hoàng cũng đã trao cho cho các vị bài phát biểu đã được in sẵn của mình, trong đó nhắc nhở họ rằng Kitô giáo đã có mặt tại đất nước họ hàng nhiều thế kỷ. Bài phát biểu cũng nói rằng mặc dù các vị Giám Mục đến từ các nước khác nhau, hoặc có những nghi thức Phụng Vụ khác nhau, nhiệm vụ của họ là như nhau: đó là rao giảng Tin Mừng, thúc đẩy sự hiệp nhất và lòng bác ái.

Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn các Giáo Hội Ethiopia và Eritrea vì những công việc dành cho người nghèo và những chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa. 

19. Đức Giáo Hoàng gặp gỡ Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo: Để rao giảng Tin Mừng , chúng ta cần phải canh tân Giáo Hội của chúng ta

Cách tốt nhất để Giáo Hội truyền giáo là gì? Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vấn đề này trong buổi tiếp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo hôm 9 tháng Năm nhân Đại hội thường niên của Hội đang nhóm tại Rôma.

Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng của Thánh Bộ Truyền giáo đã nói về nhiệm vụ của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo và một chút lịch sử của hội này.

Ngài nói:

“Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đã xuất phát từ trái tim của một người phụ nữ giáo dân Pháp, là vị tôi tớ đáng kính Pauline Jaricot Marie, ở Lyon vào năm 1817. Cô là một công nhân trẻ, muốn tham gia vào công việc truyền giáo của Giáo Hội với công việc hàng ngày của mình.”

Các hội truyền giáo hoạt động ở những nơi mà Giáo Hội Công Giáo còn non trẻ, số giáo dân không nhiều, còn nghèo hoặc không ổn định. 

Đức Thánh Cha giải thích rằng một Giáo Hội được canh tân là điều cần thiết để rao giảng Tin Mừng.

Ngài nói:

“Trong thời gian đang có những thay đổi xã hội lớn lao này, việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi một Giáo Hội truyền giáo triệt để, có khả năng phân định để đối thoại với các nền văn hóa khác nhau và những tầm nhìn khác nhau của mọi người. Đối với một thế giới thay đổi chúng ta cần một Giáo Hội canh tân và biến đổi qua sự chiêm niệm và những liên hệ cá vị với Chúa Kitô”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng Giáo Hội tự bản chất là một Giáo Hội truyền giáo, một ngôi nhà cho người nghèo, cho những ai bị loại trừ và bị bách hại. Ngài mô tả Giáo Hội như là một căn nhà cung cấp nơi trú ẩn cho tất cả mọi người .

Bên cạnh những lời cám ơn các nhà truyền giáo đã truyền bá Phúc Âm, ngài cũng yêu cầu họ nâng cao nhận thức, ở cấp địa phương, về những công việc truyền giáo mà Giáo Hội cần phải tiến hành.

Nguồn: Vietcatholic

h1

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …