Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 09/04 – 15/04/2015: Tưởng niệm 100 năm tội ác diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 09/04 – 15/04/2015: Tưởng niệm 100 năm tội ác diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ

 

1. Nghi thức công bố Tông Chiếu về Năm Thánh Từ Bi

Lúc 17:30 thứ Bảy 11 Tháng Tư, buổi chiều trước Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã chính thức công bố Tông Chiếu ấn định Năm Thánh Từ Bi. Tông Chiếu này có tên là “Misericordiae Vultus” nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”.

Tông Chiếu Misericordiae Vultus ngoài việc chỉ định thời gian cử hành – tức là ngày khai mạc và bế mạc, còn quy định cụ thể cách thức Năm Thánh được thực hiện và những yếu tố khác tạo thành tài liệu cơ bản nói lên tinh thần trong đó Năm Thánh được công bố, và những ý định và kết quả mong đợi của Đức Thánh Cha, là người đã quyết định mở ra Năm Thánh này cho Giáo Hội.

Nghi thức công bố đã diễn ra trước cửa Thánh với sự hiện diện của 40 vị Hồng Y, 30 Giám Mục và các chức sắc khác trong giáo triều Rôma.

Sau lời nguyện, Đức Thánh Cha đã giao tông chiếu cho bốn Hồng Y giám quản 4 đền thờ của Đức Giáo Hoàng tại Rôma là Đức Hồng Y Angelo Comastri, giám quản Đền Thờ Thánh Phêrô; Đức Hồng Y Agostino Vallini, giám quản Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô; Đức Hồng Y Santos Abril y Castello, giám quản Đền Thờ Đức Bà Cả; và Đức Hồng Y James Michael Harvey, giám quản Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. 

Để thể hiện mong muốn của ngài là Năm Thánh Ngoại Thường này sẽ được tổ chức không chỉ tại Rôma mà còn là trên toàn thế giới, Đức Giáo Hoàng cũng đã ký một bản sao của tông chiếu và gửi cho tất cả các giám mục một cách biểu tượng qua Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục ; Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc; và cho Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương. 

Một bản sao khác đã được gởi cho Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy là tổng thư ký Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc thay mặt cho các Giáo Hội ở phía Đông. Lục địa châu Phi sẽ được đại diện bởi Tổng giám mục Bartolome Adoukonou, người Benin và hiện là thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa. Đối với các Giáo Hội Đông Phương, Đức Thánh Cha đã gởi cho Đức Cha Khaled Ayad Bishay của Giáo Hội Công Giáo Coptic Alexandria và 7 Đức Ông Công chứng viên Tông Tòa.

Đức Ông Leonardo Sapienza, Trưởng Dinh Giáo Hoàng, trong tư cách là apostolic protonotary – đệ nhất Công chứng viên Tông Tòa, đã đọc các trích đoạn quan trọng trong tông chiếu. 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi Kinh Chiều vọng Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa.

2. Đức Giáo Hoàng: Cộng đồng quốc tế không thể im lặng trước làn sóng bách hại các Kitô hữu

Hôm thứ Hai Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế không thản nhiên, “im lặng và thụ động”, trước những tội ác chống các Kitô hữu không thể chấp nhận được trên thế giới.

Đức Thánh Cha đã nói với cộng đồng Shalom như trên vào cuối buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Thứ Hai Phục Sinh. Cộng đồng Shalom đã tài trợ cuộc chạy tiếp sức kết thúc tại Quảng trường Thánh Phêrô để thể hiện tình đoàn kết với anh chị em Kitô hữu đang bị đàn áp và nâng cao nhận thức về tình cảnh nguy hiểm của họ hiện nay tại nhiều nơi trên thế giới.

Ngài nói tiếp:

“Hành trình của anh chị em trên các đường phố đã chấm dứt ở đây, nhưng những điều phải tiếp tục là cuộc hành trình tâm linh trong cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ; và tham gia cụ thể với những giúp đỡ hữu hình trong việc bảo vệ những anh chị em của chúng ta đang bị bách hại, bị lưu đày, bị giết, bị chặt đầu, với lý do duy nhất vì họ là một Kitô hữu”.

“Họ là những vị tử đạo của chúng ta hôm nay và họ rất đông đảo; chúng ta có thể nói rằng họ còn đông hơn nhiều các vị tử đạo trong các thế kỷ đầu tiên “.

Ngài nói thêm: “Tôi chân thành hy vọng rằng cộng đồng quốc tế không nhìn theo hướng khác”

3. Tuyên bố của Hội Nghị Quốc Tế về đào tạo tu sĩ trước thực trạng bách hại các Kitô hữu trên thế giới

Hội nghị quốc tế về đào tạo các tu sĩ nhóm họp tại Rôma từ 7 đến 11 tháng Tư đã kết thúc với một thông cáo báo chí do Đức Hồng Y Joao Braz de Aviz, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tu Sĩ và Các Hiệp Hội Tông Đồ, và Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký của Bộ ấn ký. 

Thay mặt cho tất cả những vị sống đời thánh hiến, hội nghị nài xin các chính phủ trên thế giới thực hiện các can thiệp cụ thể nhằm mang lại hòa bình giữa các dân tộc và phá vỡ vòng xoáy bạo lực đang cuốn hút vào đó rất nhiều nạn nhân vô tội.

Toàn văn thông cáo báo chí của các vị như sau:

Vatican, ngày 10 tháng Tư năm 2015

Tham dự hội nghị quốc tế về đào tạo các tu sĩ nhóm họp tại Rôma từ 7 đến 11 tháng Tư, chúng tôi, những người sống đời thánh hiến, cảm thấy cần phải tố cáo khẩn cấp “với giọng nói nghẹn ngào và mạnh mẽ của Tin Mừng” về cuộc bách hại các Kitô hữu đang diễn ra ở nhiều miền khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, chúng tôi cảm thấy gần gũi với những người đang phải đau khổ vì đức tin của họ nơi Chúa Giêsu Kitô và chúng tôi bày tỏ tình hiệp thông với tất cả những người nam nữ thánh hiến trong những vùng ngoại vi khác nhau của thế giới đang phải chịu đau khổ vì các vị là Kitô hữu và sống đời thánh hiến. Chúng tôi bảo đảm với các vị về lời cầu nguyện của chúng tôi trong khi cám ơn các vị đã đưa ra những chứng tá trung thành với ơn gọi và sứ vụ của người sống đời thánh hiến và vì các vị vẫn ở lại để gần gũi với những người đau khổ.

Trong tư cách là những người nam nữ thánh hiến từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi hiệp nhất trong lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô và của tất cả các thành viên trong toàn thể Giáo Hội để xin cho hòa bình, là ân sủng của Chúa Phục Sinh, có thể vượt qua hận thù và bạo lực và để tất cả mọi người có thể nhận ra họ là anh chị em với nhau. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho những thủ phạm của bạo lực biết hướng tâm hồn của họ về với Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống.

Chúng tôi khẩn cầu các chính phủ thực hiện các can thiệp cụ thể nhằm mang lại hòa bình giữa các dân tộc và phá vỡ vòng xoáy bạo lực đang cuốn hút vào đó rất nhiều nạn nhân vô tội. Xin Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội và Đời Sống Tận Hiến, cầu bầu cho chúng ta trước Con Mẹ để hòa bình và hòa hợp có thể được ban cho toàn thế giới.

Nhân danh tất cả những người sống đời thánh hiến,

+ Hồng Y Joao Braz de Aviz 
Tổng Trưởng Thánh Bộ Tu Sĩ và Các Hiệp Hội Tông Đồ

+ Tổng Giám Mục Jose Rodriguez Carballo
Tổng Thư ký Thánh Bộ Tu Sĩ và Các Hiệp Hội Tông Đồ

4. Đức Thánh Cha đề cập một lần nữa về tội ác diệt chủng chống lại người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ

Tội ác diệt chủng người Armenia năm 1915 “đặt trước chúng ta bóng tối của mysterium iniquitatis – mầu nhiệm sự ác”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói như trên hôm 09 tháng Tư với một nhóm các giám mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Armenia.

Các giám mục Armenia đang ở thăm Rôma để chuẩn bị tham dự lễ tuyên phong Thánh Grêgôriô thành Narek là tiến sĩ Hội Thánh vào ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa 11 tháng Tư.

Trong buổi gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng bày tỏ hy vọng rằng buổi lễ này, diễn ra trong bối cảnh của Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, có thể “chữa lành mọi vết thương và đẩy mạnh các cử chỉ cụ thể của sự hòa giải và hòa bình giữa hai quốc gia mà đến nay vẫn chưa đạt được một sự đồng thuận hợp lý về việc giải thích những sự kiện đáng buồn này.”

Đức Giáo Hoàng đã vinh danh dân tộc Armenia đã đón nhận đức tin Kitô vào năm 301, là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của một lịch sử lâu dài và đáng tự hào đã đem lại cho các Kitô hữu ngày nay “một gia sản đáng ngưỡng mộ về tâm linh và văn hóa.” 

Đức Thánh Cha nhận xét rằng ngày nay một số các Kitô hữu Armenia sinh sống tại hải ngoại lại một lần nữa gặp nguy hiểm. Ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu sinh sống tại Aleppo, Syria, nơi “mà một trăm năm trước đây đã là một nơi trú ẩn an toàn cho những người sống sót” nạn diệt chủng gây ra bởi những người cai trị Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ một mối quan tâm đặc biệt về tiến trình đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền, là hai Giáo Hội đã chia sẻ cùng những đau khổ, bách hại và tử đạo 100 năm trước đây. Ngài gọi đó là “đại kết bằng máu”.

Hôm 5 tháng Sáu năm 2013, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đưa công hàm phản đối với Vatican sau khi Đức Thánh Cha đề cập đến việc tàn sát hàng loạt người Armenia trong thời gian từ 1915 – 1918 và gọi đó là “cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20.”

Đức Giáo Hoàng đã đề cập một chút về những tội ác diệt chủng chống lại người Armenia trong một cuộc tiếp kiến một ngày trước đó, tức là hôm 04 tháng 6 năm 2013 với Đức Thượng Phụ Công Giáo Nerses Bedros Tarmouni thứ 19 của thành Cilicia.

Đức Thượng Phụ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một cây thánh giá bằng đồng hai người mới khiêng nổi. Trong đoàn tùy tùng của Đức Thượng Phụ có một cặp vợ chồng đi theo với trách nhiệm khiêng cây thánh giá này. Người phụ nữ nói với Đức Giáo Hoàng rằng gia đình cô là nạn nhân của nạn diệt chủng Armenia hồi năm 1915.

Đức Thánh Cha đáp lại:

-Đó là tội ác diệt chủng tàn ác trên quy mô lớn đầu tiên của thế kỷ 20. 

Vài năm trước đây, khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Thánh Cha lúc đó là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã mô tả vụ sát hại và trục xuất hàng triệu người Armenia là “tội phạm trầm trọng của Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người dân Armenia và toàn thể nhân loại.”

Ước tính từ 1 triệu đến 1.5 triệu người Armenia đã bị giết chết từ ngày 23/4/1915 đến khi kết thúc thế giới chiến tranh lần thứ nhất trong các vụ thảm sát, trong các trại tập trung, và trong các cuộc cưỡng bức trục xuất ra sa mạc cho chết đói… Tuy nhiên, do những dàn xếp chính trị lắt léo, không ai trong chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phạm vào tội ác chống nhân loại nghiêm trọng như thế bị đưa ra xét xử sau chiến tranh. Nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, luôn phủ nhận tội ác này, coi như chưa từng xảy ra. Không chỉ Đức Thánh Cha Phanxicô, các triều Giáo Hoàng trong và sau thế giới chiến tranh lần thứ nhất đều lên án tội ác diệt chủng này.

Cho đến nay có 22 quốc gia chính thức dùng từ “diệt chủng” để đề cập đến tội ác của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Armenia trong đó có thể kể đến Uruguay, Đảo Cyprus, Nga, Đức, Á Căn Đình, Pháp, Ý, và Venezuela.

Chính trị lắt léo cho nên Hoa Kỳ và Anh không công nhận mặc dù tại Hoa Kỳ 43 tiểu bang đã thông qua các nghị quyết coi tội ác này là “diệt chủng”.

5. Tưởng niệm biến cố diệt chủng người Armenia và tuyên phong tiến sĩ Hội Thánh

Sáng Chúa Nhật 12 tháng Tư, Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp tưởng niệm biến cố đau thương: 100 năm cuộc diệt chủng gần 1 triệu 500 ngàn người Arméni do đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ gây ra. Trong thánh lễ ngài cũng tôn phong thánh Gregorio Nazek người Armeni làm Tiến Sĩ Hội Thánh

Hiện diện trong thánh lễ từ 9 giờ sáng tại Đền thờ thánh Phêrô, có 9 ngàn tín hữu đa số là người Armeni đến từ các nơi trên thế giới, và đặc biệt có Tổng thống Cộng hòa Arméni, Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II ở Arméni và Thượng Phụ Aram I của Giáo Hội Arméni Tông truyền ở Liban, Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX của Công Giáo Arméni và hơn 20 GM của Giáo Hội này.

Đầu thánh lễ, trong lời chào mừng các vị lãnh đạo chính quyền và Giáo Hội Arméni, Giáo Hội Tông truyền và Công Giáo, Đức Thánh Cha tố giác thảm trạng diệt chủng mà dân tộc Arméni phải chịu cách đây 100 năm, cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20, tiếp đến là các dân tộc khác, Do thái, Kampuchia, Ruanda, Burundi, Bosnia và nhiều nước khác. Ngài nhận định rằng dường như nhân loại không thành công trong việc chấm dứt đổ máu người vô tội.. “chúng ta chưa học được điều này: “chiến tranh là một điều điên rồ, một cuộc thảm sát vô ích”.

Thánh lễ được tiếp tục và sau bài Tin Mừng được công bố bằng tiếng Arméni, Đức Thánh Cha đã đi từ bài Tin Mừng kể lại biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ các vết thương của Người cho thánh Tôma, mà Đức Thánh Cha gọi là “những vết thương thương xót”. Ngài nói:

“Chúa Giêsu mời chúng ta hãy nhìn các vết thương ấy, Chúa mời chúng ta hãy động chạm đến các vết thương đó như đã làm với thánh Tôma, để chữa lãnh sự cứng lòng tin của chúng ta. Nhất là Chúa mời gọi chúng ta hãy đi vào mầu nhiệm các vết thương ấy, là mầu nhiệm lòng yêu thương từ bi của Người.

“Qua các vết thương đó, như một lỗ hổng sáng ngời, chúng ta có thể thấy trọn mầu nhiệm Chúa Kitô và Thiên Chúa: cuộc khổ nạn của Người, đời sống trần thế của Người – đầy tình cảm thương đối với những người bé mọn và bệnh tật – sự nhập thể của Chúa nơi cung lòng Mẹ Maria…”

Đức Thánh Cha cũng đặt câu hỏi: “Đứng trước những biến cố bi thảm của lịch sử loài người, nhiều khi chúng ta như bị đè bẹp và chúng ta tự hỏi: “Tại sao?”. Sự tàn ác của con người có thể mở ra trên thế giới những vực thẳm, những hố trống lớn lao: trống rỗng tình thương, trống rỗng điều thiện, trống rỗng sự sống. Lúc ấy chúng ta tự hỏi: làm sao chúng ta có thể lấp đầy những vực thẳm ấy? Đối với chúng ta, đó là điều không thể làm được; chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những hố trống rỗng mà sự ác mở ra trong tâm hồn và trong lịch sử chúng ta. Chính Chúa Giêsu, nhập thể làm người và chịu chết trên thập giá, là Đấng lấp đầy vực thẳm tội lỗi bằng vực thẳm lòng thương xót của Người”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng “Anh chị em thân mến, đó là con đường mà Thiên Chúa đã mở ra để đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi và cái chết, để bước vào miền đất sự sống và an bình. Con đường ấy chính là Chúa Giêsu đã chịu đóng đanh và sống lại, và nhất là các vết thương đầy lòng thương xót của Người.”

“Các thánh dạy chúng ta rằng thế giới thay đổi từ sự hoán cải tâm hồn của mình, và điều này xảy ra nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, “đứng trước những tội lỗi của tôi cũng như những thảm trạng lớn lao của thế giới, “lương tâm bị nao núng, nhưng sẽ không bị rúng động vì tôi nhớ đến những vết thương của Chúa. Thực vậy, Chúa đã bị đâm thâu qua vì tội lỗi chúng ta” (Is 53,5).

Cuối thánh lễ, Đức Tổng Thượng phụ Karekin II và Đức Thượng Phụ Aram I của Giáo Hội tông truyền ở Arméni và Cilicia bên Liban đã ngỏ lời cám ơn Đức Thánh Cha và đồng thời cũng mạnh mẽ lên án cuộc diệt chủng mà dân tộc Arméni đã phải chịu. Đức Tổng thượng phụ cho biết ngày 23-4 tới đây, Giáo Hội Arméni Tông truyền sẽ tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng và ngài sẽ phong thánh cho tất cả các nạn nhân Arméni bị tiêu diệt như thế. Còn Đức Aram I gọi đó thảm trạng diệt chủng này là một tội ác chống lại nhân loại.

Về phần Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX của Công Giáo Armeni, ngài đã cám ơn Đức Thánh Cha vì đã tôn phong thánh Gregorio Narek làm tiến sĩ Hội thánh, vị thánh được dân tộc Armeni sùng kính bậc nhất và ảnh hưởng sâu rộng đến lòng đạo đức của các tín hữu. Ngài nói: “Trong dịp tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng sát hại gần 1 triệu rưỡi ngài Armeni vì họ là tín hữu Kitô, con tin tưởng rằng việc tôn phong thánh Gregorio Narek làm tiến sĩ Hội Thánh, sẽ là một biến cố làm gia tăng lòng sùng mộ đối với thánh nhân, và điều này sẽ giúp dân tộc Arméni khắc phục những bất hạnh và tai ương đã đổ ập trên họ cách đây một thế kỷ, và tất cả các dân tộc Kitô giáo, nhất là tại Trung Đông hiện nay đang chịu thảm trạng tương tự”.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ rưỡi và đúng 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hơn 60 ngàn tín hữu ở Quảng trường thánh Phêrô.

6. Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi đại sứ cạnh Tòa Thánh để phản đối Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Trong một diễn biến ngoại giao tệ hại, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ cạnh Tòa Thánh là ông Mehmet Pacaci để phản đối một tuyên bố công khai mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án tội ác diệt chủng chống lại người Armenia.

Thực ra, tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô giống y như những gì Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong thông cáo chung với Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II khi ngài thăm Armenia vào năm 2001. Tuy nhiên, lần đó Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối dữ dội như lần này.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói các tuyên bố của Đức Giáo Hoàng là “quá xa sự thật lịch sử và pháp lý”, và “không thể chấp nhận được”. Ông còn lên tiếng khuyêncác nhà lãnh đạo tôn giáo đừng bao giờ “tuyên bố vô căn cứ” để khuấy động hận thù.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập sứ thần Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ là Đức Tổng Giám Mục Antonio Lucibello để bày tỏ sự bất bình về những lời của Đức Giáo Hoàng, và bị thu hồi đại sứ của chính quốc gia, Mehmet Pacaci, từ Rôma “tham vấn”.

7. Sứ thần Tòa Thánh tại Damascus: Quân khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm được trại tị nạn Yarmouk, đe dọa thủ đô Syria

Trong bản tin đánh đi hôm 9 tháng Tư, Asia News cho biết quân khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm được trại tị nạn Yarmouk ở vùng ngoại ô Damascus. Biến cố bi đát này là gia tăng nỗi sợ hãi là quân khủng bố có thể khởi động một cuộc tấn công trực diện vào thủ đô Syria. 

Sứ thần Tòa Thánh tại Syria nói rằng điều kiện sinh sống tại trại tị nạn này đã rất bi đát từ nhiều tháng trước do giao tranh ác liệt trong vùng. Giờ đây, tình trạng nhân đạo trong trại tị nạn trở nên càng khủng khiếp hơn.

Đức Tổng Giám mục Mario Zenari nói:

“Thật là một sự nhục nhã khi mọi người vẫn chưa chịu mở mắt ra. Bi kịch đã sờ sờ ra đó”

Ngài cho biết cụ thể như sau: Trại Yarmouk đã bị bao vây trong hơn hai năm qua vì cuộc nội chiến tại Syria. Hàng cứu trợ đã không thể đến được với người dân trừ một số nhỏ giọt được thả dù xuống. Báo cáo của nhân viên Liên Hiệp Quốc từ trong trại cho biết hơn 3,500 trẻ em lâm cảnh đói khát và vô gia cư. Tình trạng của các em là “vượt quá sự vô nhân đạo.”

Kể từ khi quân khủng bố Hồi Giáo IS mở cuộc tấn công vào vùng này hồi đầu năm nay, tình hình đã xấu đi hơn nữa. Số thương vong đến nay đã hơn 1,000 người.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS đã giết cả các nhà lãnh đạo Hồi giáo bị chúng coi là bội giáo; trong khi người tị nạn đang được sử dụng làm bia đỡ đạn để ngăn cản các cuộc không kích của quân đội Syria.

8. Phỏng vấn Đức Hồng Y Fernando Filoni về chuyến viếng thăm Iraq

“Giáo Hội mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn là một Giáo Hội cởi mở và gần gũi với những ai chịu đau khổ. Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha đã rất vui mừng là chúng ta có thể hiện diện với những người tị nạn Iraq trong Tuần Thánh”. Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho thông tín viên Gianluca Biccini của tờ Quan Sát Viên Rôma biết như trên trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư 8 tháng Tư.

Buổi tối trước đó, ngay sau khi trở về Rôma, ngài đã được Đức Thánh Cha tiếp tại tại nhà trọ Santa Marta. Đức Hồng Y đã mô tả chuyến viếng thăm của ngài như một chuyến hành hương, mỗi một địa điểm mà ngài dừng chân đã được Đức Hồng Y mô tả là “một chặng đàng thánh giá, nơi những con người này phải sống mỗi ngày”.

Gianluca Biccini: Thưa Đức Hồng Y những điểm dừng quan trọng trong cuộc hành trình của ngài là ở những đâu?

Đức Hồng Y Fernando Filoni: Tôi đã dành Chúa Nhật Lễ Lá tại Amman, thủ đô Jordan. Sau đó tôi đến Baghdad, Iraq. Nhưng tôi đã dành hầu hết thời gian của tôi ở phía bắc, trong các khu vực của người Kurd Iraq. Tôi cử hành các buổi Phụng Vụ trong Tuần Thánh và lễ Phục Sinh, cũng như gặp gỡ các gia đình – không chỉ những gia đình Kitô – mà nói chung là những ai chạy trốn bạo lực của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, và có các cuộc họp với các chức sắc tôn giáo và các cơ quan chính quyền tham gia vào việc đón tiếp những người tị nạn.

Gianluca Biccini Đức Hồng Y có mang đến với họ những dấu chỉ cụ thể nào của tình đoàn kết không?

Đức Hồng Y Fernando Filoni: Có một ngạn ngữ Ả rập, ngắn thôi, là thế này: khi bạn đến thăm, nếu bạn nghèo quá không có gì để mang theo, thì ít nhất là hãy đem theo một viên sỏi. Từ quan điểm này, chúng tôi lôi cuốn giáo phận của Đức Giáo Hoàng vào cuộc. Mỗi gia đình ở Rôma trao tặng một món quà nhỏ – một bánh Phục Sinh colomba, đó là một biểu tượng của hòa bình và tốt lành, nhưng đồng thời là một sự chia sẻ với một gia đình ở Iraq.

Gianluca Biccini Những gia đình Iraq hiện nay đang mong đợi điều gì thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Fernando Filoni: Tất cả đều mong đợi có thể trở về quê nhà của mình, làng mạc của mình. Nhà cửa họ dù có bị tiêu hủy hay bị hôi của cũng không thành vấn đề lắm, họ không sợ phải xây dựng lại. Và chúng tôi đã sẵn sàng để giúp họ bắt đầu lại. Tôi không tìm thấy bất cứ ai có ý định rời khỏi Iraq.

9. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Georgia

Sáng thứ Sáu 10 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Georgia, là ông Giorgi Margvelashvili. Tổng thống sau đó đã gặp Đức Cha Antoine Camilleri, Thứ trưởng Bộ Quan hệ với các dân nước, tại phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Một tuyên bố của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã mô tả các cuộc thảo luận là “thân mật”, và cho biết hai vị đã đánh giá cao sự phát triển của mối quan hệ song phương, và nói về các chủ đề khác nhau mà hai bên cùng quan tâm, trong đó tham chiếu đặc biệt đến sự đóng góp tích cực của các cộng đồng Công Giáo địa phương trong các lĩnh vực giáo dục và bác ái.

Hai vị cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng căng thẳng trong khu vực và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tôn trọng công pháp quốc tế. Hai vị hy vọng rằng một giải pháp có thể được tìm ra thông qua đàm phán hòa bình giữa các bên hữu quan trong cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.

Cuối cùng, hai vị đã bày tỏ hài lòng về những gì Georgia đã đạt được gần đây trong vai trò của mình ở châu Âu.

10. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Cộng Hòa Slovak

Sáng 9 tháng Tư, tại Điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Cộng hòa Slovak, là ông Andrej Kiska. Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, tổng thống cũng đã gặp Đức Cha Antoine Camilleri, là Thứ trưởng Bộ Quan hệ với các dân nước tại phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Trong các cuộc thảo luận thân mật, diễn ra gần ngày kỷ niệm 25 năm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Tiệp vào ngày 19 tháng Tư năm 1990 sau chuyến thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, hai bên đã bày tỏ sự hài lòng về các mối quan hệ song phương tốt đẹp sau khi Hiệp định có hiệu lực và các cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và chính quyền dân sự.

Đức Thánh Cha và tổng thống sau đó đã thảo luận về bối cảnh quốc tế hiện nay, với sự quan tâm đặc biệt đến những thách đố trên một số khu vực của thế giới, đặc biệt là tại Trung Đông, và tầm quan trọng của việc bảo vệ phẩm giá của con người.

Slovak đã tách ra khỏi Cộng Hòa Tiệp để hình thành một quốc gia độc lập vào ngày 1 tháng Giêng năm 1993. Quốc gia này hiện có 5.4 triệu dân trong đó 62% là người Công Giáo nghi lễ La Tinh, 8.2% theo Tin Lành và 3.8% theo Công Giáo nghi lễ Đông phương.

11. Đức Hồng Y Koch cảnh báo trào lưu bài Do Thái đang gia tăng tại Âu Châu

Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, bày tỏ lo âu vì trào lưu bài Do thái đang gia tăng tại Âu Châu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho “Nhật báo Chúa Nhật” (Sonntagszeitung) số ra ngày 5-4-2015 tại Zurich, Thụy Sĩ, Đức Hồng Y Koch gọi sự gia tăng làn sóng bài Do thái là một “tình trạng bi thảm” giữa lúc người ta đang nhìn lại trang sử đen tối về sự ngược đãi và bài người Do thái tại đại lục này. “Hiển nhiên là có nhiều người không học được điều gì từ quá khứ”.

Đồng thời Đức Hồng Y Koch cũng nhấn mạnh rằng việc phê bình chính sách của Israel là điều có thể nhưng không được đồng hóa việc phê bình này với xu hướng bài Do thái. “Nếu người ta không phân biệt như thế thì sẽ cổ võ trào lưu bài Do thái thay vì bài trừ xu hướng này”.

Đức Hồng Y Koch người Thụy Sĩ. Ngài mô tả quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và người Do thái là “tốt”. Ngoài ra, cũng có nhiều người Do thái coi Giáo Hội Công Giáo là một đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống nạn bài Do thái”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Koch không loại trừ vấn đề có thể cung cấp võ khí để chống lại cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” IS. Ngài nói: “Một vấn đề rất khó khăn đó là phải sử dụng phương thế nào để chống lại những hành động giết người của các chiến binh Hồi giáo IS. Người ta cũng phải đồng trách nhiệm nếu chỉ đứng đó mà nhìn”.

Theo Đức Hồng Y, để bảo vệ dân chúng và sự tự vệ chính đáng, người ta không thể loại bỏ trên nguyên tắc việc cung cấp võ khí. Nhưng cần phải làm sao để cứu xét kỹ vấn đề giao võ khí vào tay ai và điều gì sẽ xảy ra sau đó với những võ khí ấy”.

12. Đại hội quốc tế về việc đào tạo các tu sĩ

Đại hội quốc tế về việc đào tạo các tu sĩ đã khai diễn tại Roma hôm mùng 7 tháng Tư và kéo dài tới ngày 11.

Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký Bộ tu sĩ và các hiệp hội tông đồ, cho biết trong các đề tài được trình bầy có thách đố của thế giới điện toán, công lý, hòa bình, việc bảo vệ thụ tạo là các biên giới mới của việc đào tạo cho cuộc sống thánh hiến trong lòng Giáo Hội và giữa lòng thế giới”. Đào tạo là một trong các ưu tiên của đời thánh hiến. Không thể có lòng trung thành sáng tạo, và khả thể sống hiện tại với lòng say mê và giang tay ôm tương lai vào lòng nếu không có một việc đào tạo có phẩm chất và thích hợp với các nhu cầu ngày nay. Vì thế việc thường huấn rất là quan trọng. Bên cạnh đó là việc đào tạo chính các nhà đào tạo.

Trong thế giới điện toán ngày nay việc sử dụng thành thạo các kỹ thuật truyền thông mới là một đòi buộc trong công tác rao giảng Tin Mừng, nhưng chúng cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trên cuộc sống của các tu sĩ. Cần phải biết tạo ra thế quân bình trong cuộc đời thánh hiến giữa việc cầu nguyện, suy niệm, học hành và các công việc khác trong ngày sống. Các người sống đời thánh hiến phải có ý thức trách nhiệm cao để duy trì căn tính đời thánh hiến của mình.

Tham dự đại hội có 1,500 linh mục tu sĩ và các chuyên viên đến từ nhiều nước trên thế giới.

13. Đức Thánh Cha gởi điện chia buồn trước cái chết của Đức Hồng Y Jean-Claude Turcotte 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước cái chết của Đức Hồng Y Jean-Claude Turcotte, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Montreal trong một điện tín được gửi tới người kế nhiệm Đức Hồng Y là Đức Tổng Giám Mục Christian Lépine. 

Đức Thánh Cha viết: “Khi chúng ta đang cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, tôi cầu xin Chúa đón tiếp vào ánh sáng của sự sống đời đời một vị mục tử trung thành đã hết lòng tận tụy phục vụ Giáo Hội.”

Đức Hồng Y đã phục vụ “không chỉ trong giáo phận của ngài nhưng còn ở cấp quốc gia trong tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục của Canada, và đồng thời ngài còn là thành viên của nhiều cơ quan trung ương ở Rôma. Là một mục tử nhiệt thành, chú ý đến những thách đố của Giáo Hội đương đại, ngài đã tích cực tham gia trong Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1994 về ‘Đời Sống Tận Hiến và sứ mệnh trong Giáo Hội và trên thế giới’, và là một trong những nhà lãnh đạo tại Thượng Hội Đồng về Mỹ Châu vào năm 1997”.

Đức Hồng Y Jean-Claude Turcotte đã qua đời hôm 8 tháng Tư tại bệnh viện Marie-Clarac ở Montreal sau một thời gian dài bị bệnh nặng. 

Đức Hồng Y Turcotte sinh tại Montreal vào ngày 26 tháng 6 năm 1936 và được thụ phong linh mục ngày 24 tháng 5 năm 1959. 

Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá của Montreal và được tấn phong Giám Mục vào ngày 29 tháng 6 năm 1982. Tám năm sau, ngày 17 Tháng Ba 1990, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Montreal. 

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tấn phong Hồng Y cho ngài ngày 26 tháng 11 năm 1994. Ngày 20 Tháng 3 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nhận đơn từ chức Tổng Giám Mục Montreal của ngài vì lý do sức khoẻ.

14. Cha Javier Gutierrez, tiếng nói can đảm chống băng đảng Mễ Tây Cơ, đã bị giết

Đức Hồng Y Alberto Suárez India, Tổng Giám Mục của Morelia đã công bố tin buồn về cái chết của cha Francisco Javier Gutierrez, chánh xứ Đức Mẹ Mân Côi tại thị trấn Salvatierra.

Cha Francisco Javier Gutierrez, năm nay 60 tuổi, sinh quán tại Arandas, là người đã được chính Đức Hồng Y truyền chức linh mục ngày 08 tháng Giêng năm 1986. Ngài là tiếng nói bất khuất chống bọn tội phạm và các băng đảng mua bán ma túy trong vùng và đã liên tục bị chúng cảnh cáo. Trong một cuộc tấn công diễn ra vào năm 2014, một giáo dân đi cùng với ngài đã bị giết. Ngài sống sót mặc dù những kẻ tấn công đã bắn nhiều phát về phía ngài. Trước đó, ngài đã thoát nạn trong một âm mưu bắt cóc không thành khác.

Trong thông báo gởi các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân trong tổng giáo phận và được gởi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Hồng Y viết:

“Với nỗi buồn sâu xa tôi công bố cái chết của Cha Francisco Javier Gutiérrez Díaz, tu sĩ của Tu Hội Vương quốc Chúa Kitô. Sau khi rời khỏi giáo xứ của ngài vào thứ Hai 06 tháng 4, ngài đã bị giết chết và thi hài của ngài đã được tìm thấy bên ngoài thị trấn Salvatierra”. 

Đức Hồng Y Suárez Inda gửi lời chia buồn đến tất cả các thành viên của Tu Hội, gia đình và cộng đồng giáo xứ nơi cha Francisco Javier đã “phục vụ với sự tận tụy tông đồ.” 

Thông báo kết luận:

“Chúng ta hãy cầu xin Chúa tha thứ cho những ai đã gây ra tội phạm nghiêm trọng này” 

Hôm 23 tháng 12 năm ngoái, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nhận định rằng Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất cho các linh mục. Trong 24 năm qua,cụ thể là từ năm 1990 đến cuối năm 2014, 47 cuộc tấn công nhắm vào hàng giáo sĩ đã diễn ra gây tử vong cho 1 Hồng Y, 34 linh mục, 1 phó tế, 3 nữ tu, 5 giáo dân và 1 nhà báo Công Giáo. Tình trạng tồi tệ nhất đã xảy ra dưới thời tổng thống Enrique Peña Nieto. Chỉ tính riêng trong năm 2014, bốn linh mục đã bị sát hại. Điều đáng kinh hoàng hơn là cho đến nay chưa một tên sát thủ nào phạm vào tội ác giết hại hàng giáo sĩ Công Giáo tại Mễ Tây Cơ bị bắt và bị pháp luật trừng trị.

15. 5 linh mục dòng Salêsiêng Don Bosco tình nguyện ở lại Yemen bất chấp hiểm nguy

Agenzia Info Salesiana, là cơ quan thông tin của dòng Salêsiêng Don Bosco, cho biết mặc dù cuộc nội chiến ngày càng khốc liệt ở Yemen, 5 linh mục, tất cả đều là các cha dòng Salêsiêng Don Bosco, đã tình nguyện ở lại để chăm sóc mục vụ cho khoảng 3,000 người Công Giáo tại bốn thành phố.

Hầu hết người Công Giáo tại Yemen là các công nhân từ Ấn Độ hay Phi Luật Tân.

Một cha dòng Salesian đang làm mục vụ tại thành phố Aden nói:

“Về tình hình ở đây, cho đến nay tôi vẫn thấy an toàn. Tất nhiên là có những khoảnh khắc rất đáng sợ, như khi hỏa tiễn bay qua ngay trên taxi tôi đang đi, hay là những bước chân chạy rầm rập và những tiếng la hét thất thanh xung quanh nhà thờ nơi chúng tôi đang cử hành thánh lễ, hay tiếng bom nổ cùng tiếng rít của hỏa tiễn rất gần chỉ trong phạm vi từ 5 đến 10 km là cùng”

Cuộc nội chiến ở Yemen đã bùng lên dữ dội từ hôm 22 tháng Ba giữa chính quyền của tổng thống bị lật đổ là Mansur Hadi và lực lượng thánh chiến Hồi Giáo Houthi là nhóm đang nắm quyền tại thủ đô Sana. Từ ngày 25 tháng Ba, tổng thống Hadi đã lánh nạn sang Arab Saudi là nước đang lãnh đạo liên minh các nước Ả rập trong các cuộc không kích nhằm tái lập chính phủ của tổng thống Hadi.

16. Khủng bố tấn công một nhà thờ Coptic tại Ai Cập làm 4 người bị thương

Tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 7 tháng Tư cho biết nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael trong khu Al Agami của thành phố Alexandria đã bị tấn công bởi một nhóm người bắn xối xả vào nhà thờ khi đang di chuyển trên một chiếc xe hơi. 

Ít nhất bốn người, trong đó có một viên chức cảnh sát và 3 người tình cờ đi bộ ngang qua nhà thờ đã bị thương. Nhà chức trách Ai Cập đã tung ra một cuộc điều tra quy mô nhằm tìm kiếm và bắt giữ những kẻ tấn công. 

Cuộc tấn công đã được thực hiện vào đêm Chúa Nhật 5 tháng Tư rạng sáng thứ Hai. Sáng cùng ngày Giáo Hội Chính Thống Coptic đã cử hành Lễ Lá.

Năm nay, người Chính Thống Giáo Coptic Ai Cập đã cử hành Chúa Nhật Lễ Lá sau lịch Phụng Vụ Công Giáo một tuần. 

17. Đức Thánh Cha gởi thông điệp đến Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ Châu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ châu tại Panama nơi đại diện của 35 quốc gia gặp nhau trong hai ngày 10 và 11 tháng Tư.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã mang thông điệp này của Đức Thánh Cha đến với hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ châu được tổ chức mỗi 3 năm một lần từ năm 1994, và lần này được coi là “phi thường” vì sự xuất hiện lần đầu tiên của Cuba.

Một cuộc gặp gỡ được chờ đợi giữa Obama và Castro đánh dấu một chương cơ bản trong quan hệ giữa hai nước sau khi hai bên đã công bố chấm dứt thời kỳ “băng giá” giữa Cuba và Mỹ cuối tháng Mười Hai vừa qua.

Tổng thống Obama nói rằng Đức Giáo Hoàng đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đối thoại này. Đức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục Havana cũng nói sáng kiến này của Đức Thánh Cha đã giúp phá bỏ sự thù nghịch kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước.

Tổng thống Obama sau đó đã đề nghị Bộ Ngoại giao đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …