Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 08 – 14/10/2015: Tóm Lược Diễn Tiến Thượng Hội Đồng Giám Mục Về Gia Đình

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 08 – 14/10/2015: Tóm Lược Diễn Tiến Thượng Hội Đồng Giám Mục Về Gia Đình

1. Bế tắc trong việc bổ nhiệm đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh

Chính phủ Pháp đã nhất quyết không đề cử một đại sứ mới cạnh Tòa Thánh, sau khi Vatican từ chối chấp nhận việc đề cử tân đại sứ Laurent Stefanini.

Tháng Giêng năm nay, chính phủ Pháp cử Stefanini làm đại sứ cạnh Tòa Thánh. Tuy nhiên, Vatican đã không chính thức hồi đáp chấp nhận hay không chấp nhận. Sau nhiều tuần sự im lặng đó hiển nhiên có nghĩa là Tòa Thánh đã không chấp nhận sự đề cử này. Theo thông lệ ngoại giao, một nước không nhất thiết phải chấp nhận một tân đại sứ, và không cần có lời giải thích tại sao. Tuy nhiên , nước Pháp không chịu rút lại việc đề cử Stefanini.

Các phương tiện truyền thông ở Pháp cho rằng Tòa Thánh đã không chấp thuận sự đề cử này vì Stefanini là người đồng tính và cho rằng Stetanini chưa bao giờ xác định mình là người đồng tính, cũng chẳng bao giờ ông xuất hiện trước công chúng với một đối tác. Các báo cáo cho rằng ông người đồng tính dường như đã được công bố bởi những kẻ thù chính trị của ông này ở Pháp.

Để làm sáng tỏ vấn đề, trong một động thái rất bất thường, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp riêng Stefanini hồi tháng Tư vừa qua. Sau cuộc gặp gỡ này các quan chức ngoại giao Tòa Thánh tiếp tục thảo luận với chính phủ Pháp trong một nỗ lực nhằm chấm dứt bế tắc. 

Dù không có công bố chính thức của Tòa Thánh, kết quả cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Stefanini đã nói lên sự thật về những lời đồn đoán về ông Stefanini.

Tuy nhiên, tổng thống Pháp Francois Hollande giờ đây tuyên bố rằng chính phủ của ông nhất quyết không đề cử một đại sứ khác. Điều này có nghĩa là Pháp sẽ không có một đại sứ được công nhận tại Tòa Thánh cho đến khi nhiệm kỳ đại sứ này kết thúc vào năm 2017. 

Tất cả vấn đề trong quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Tòa Thánh sẽ do tùy viên đại sứ Francois-Xavier Tillette đảm trách.

2. Đức Thánh Cha gởi điện chia buồn về vụ khủng bố tại Ankara

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gửi một bức điện chia buồn nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau hai vụ đánh bom giết chết hơn 100 người.

Điện văn ký ngày 11 tháng 10 viết:

“Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng đau buồn trước những thiệt mạng và những vết thương gây ra bởi các vụ nổ ở Ankara sáng nay, và ngài bày tỏ tình đoàn kết chân thành của ngài với những ai chịu ảnh hưởng bởi thảm kịch này.

Trong khi lên án những hành động dã man này, ngài xin tổng thống chuyển sự gần gũi thiêng liêng của ngài đến tất cả các gia đình bị ảnh hưởng trong thời gian đau buồn này, cũng như các nhân viên an ninh và những người đang khẩn trương làm việc để hỗ trợ những người bị thương

Trong khi phó thác linh hồn của tất cả những ai đã qua đời cho lòng thương xót yêu thương của Đấng Toàn Năng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cầu khẩn sức mạnh và bình an của Thiên Chúa tuôn đổ trên những thân nhân đang đau buồn của họ.”

3. Bạo lực leo thang rất nhanh tại Thánh Địa – Ngày cuồng nộ cuả người Palestine 

Sáng thứ Ba 13 tháng 10, 2 người đàn ông Palestine lên một chiếc xe buýt ở Jerusalem và bắt đầu bắn và đâm loạn xạ vào các hành khách. Trong khi đó, một tên tấn công khác tông xe vào một trạm xe buýt trước khi rút dao chém bừa bãi vào những người xung quanh. Ba người Israel và một kẻ tấn công đã thiệt mạng.

Đây là ngày đẫm máu nhất trong một tháng bạo lực vừa qua kể từ ngày Năm Mới của người Do Thái. Người Hồi giáo Palestine đã tức giận vì càng ngày càng có đông người Do Thái thăm viếng Núi Đền (Temple Mount) nơi có nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem. Bạo động diễn ra hàng ngày với ít nhất 27 người Palestine và 7 người Do Thái đã bị giết. Hôm thứ Ba 13 tháng 10, các nhóm quá khích Palestine kêu gọi tổ chức “Ngày cuồng nộ cuả người Palestine”. Các quan sát viên e ngại tình hình kéo dài có thể phát triển thành cuộc Intifada lần thứ ba.

Núi Đền trong khu Cổ Thành Jerusalem là nơi thánh đối với cả 3 tôn giáo độc thần: người Do thái coi đây là nơi Abraham sát tế con là Isaac và là địa điểm Đền thờ vua Salomon đã xây cất; người Hồi giáo coi đây là nơi thánh thứ 3 của đạo này, sau La Mecca và Medina bên Arập Sauđi, còn đối với các Kitô hữu, đây là nơi Chúa Giêsu đã tiên báo về sự phá hủy Đền thờ Jerusalem.

Trên núi Đền có một sân rộng hình thang dài gần 500 mét và rộng khoảng 300 mét, chiếm 1 phần 6 diện tích của Cổ Thành Jerusalem. Trên sân rộng này có 2 Đền Thờ lớn của Hồi giáo được kiến thiết: Thứ nhất là Đền thờ Mái Vòm đá tảng là đền Hồi giáo cổ kính nhất tại Thánh Địa, lần đầu tiên được xây hồi năm 640 và 47 năm sau đó được thay thế bằng Đền thờ như hiện nay, có hình bát giác, 8 phía đều được trang điểm bằng ngọc quí, và phần dưới bằng cẩm thạch đa sắc. Vật liệu xây cất Đền thờ này lấy từ các thánh đường và đền đài trước đó thời Bizantine và Roma. Thứ hai là Đền thờ Al-Aqsa được kiến thiết hồi thế kỷ thứ 8 và đã trải qua nhiều lần tái thiết.

Theo thoả ước Nguyên Trạng, do Hoàng Ðế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Ðệ Tam đưa ra vào năm 1853, khu vực Núi Đền thuộc quyền tài phán của Jordan. Kể từ khi Israel bắt đầu chiếm đóng vùng phiá Đông Jerusalem và khu Cổ Thành Jerusalem vào năm 1967, người Do Thái đã được phép đến thăm vùng này – nhưng không được cầu nguyện. Khu vực này được điều hành bởi các cơ quan chức năng Hồi giáo dưới sự giám hộ của Jordan.

Trong thời gian gần đây, nhiều nhóm Do Thái Giáo đã tụ tập ngày càng nhiều tại khu vực này khiến người Hồi Giáo lo sợ Do Thái đang âm thầm muốn chiếm khu vực này.

4. Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Lệ Kỳ thứ 14

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Lệ Kỳ thứ 14 diễn ra từ ngày 04 đến 25 Tháng 10 với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của các gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới đương đại.” 

Thượng Hội Đồng đang suy tư thêm trên các điểm đã được thảo luận trong Khoá Họp Ngoại Thường lần thứ ba nhằm xây dựng những hướng dẫn mục vụ thích hợp cho việc chăm sóc mục vụ cho những cá nhân và gia đình. 

Thượng Hội Đồng năm ngoái 2014, được triệu tập để xác định tình hình hiện tại và để thu thập những kinh nghiệm và đề xuất từ các nghị phụ và các tham dự viên khác, có thể được hiểu như là một sự chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng năm 2015, nhưng như phần dẫn nhập – Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình nêu rõ cả hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình này không tách biệt nhưng “tạo thành một thể thống nhất hữu cơ duy nhất” 

5. Giai đoạn chuẩn bị

Trong hai ngày 19 và 20 tháng 11 năm 2014, Hội Đồng Tòa Thánh về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã họp và quyết định gởi một bản câu hỏi đến các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới để thu thập ý kiến trên toàn thế giới. 

Bản câu hỏi (lineamenta) gồm 46 câu hỏi bao gồm nhiều chủ đề về tất cả các khía cạnh của việc đề cao các giá trị gia đình đích thực, việc đào tạo hàng giáo sĩ về mục vụ gia đình, cách thức Giáo Hội có thể hiện diện nhiều hơn nơi những người sống xa đức tin Kitô, và sự chăm sóc những gia đình bị thương tổn và mong manh. 

Ngoài ra, còn có các câu hỏi về kết hiệp đồng tính, ly dị và tái hôn, tránh thai, và chung sống với nhau không kết hôn. Những từ ngữ trong bản lineamenta được lựa chọn cẩn thận để cho thấy thật rõ ràng rằng các vấn đề cơ bản của giáo lý Công Giáo là không thể bàn cãi. 

Tuy nhiên, nhiều Hội Đồng Giám Mục trên thế giới như Hội Đồng Giám Mục Canada còn ra hẳn một thông cáo nhấn mạnh rằng bản câu hỏi là một cách thu thập những hiểu biết về mục vụ, không phải một cuộc khảo sát hoặc thăm dò ý kiến của người Công Giáo về các vấn đề tín lý là những vấn đề miễn bàn tới.

6. Tài liệu làm việc

Tài liệu làm việc – Instrumentum Laboris, đã được công bố vào ngày 24 tháng 6, 2015. Trong khi nhắc lại quan điểm truyền thống của Giáo Hội về hôn nhân và tính dục, tài liệu mời gọi tìm kiếm một cách thức cởi mở hơn để truyền đạt những giáo huấn này: “Điều cần thiết là đề ra một phong cách giao tiếp minh bạch và cởi mở chứ không lên lớp đạo đức, phán xét và kiểm soát, trong đó vừa đưa ra những chứng tá giáo huấn luân lý của Giáo Hội, đồng thời lại vừa nhạy cảm với tình hình của mỗi cá nhân.”

Tài liệu làm việc cũng quy định các nội dung thảo luận được chia thành ba phần:

Phần 1: Lắng nghe những thách đố về gia đình (Tài liệu làm việc, số 6-36)

Phần 2: Phân định ơn gọi gia đình (Tài liệu làm việc, số 37-38)

Phần 3: Sứ mạng của gia đình ngày nay (Tài liệu làm việc, số 69-147)

7. Các tham dự viên tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình

Tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ này có 270 vị gồm 42 nghị phụ tham dự do chức vụ. Trong đó có 25 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 2 vị là Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, 15 vị thủ lãnh các công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương; rồi đến 183 vị được các Giáo Hội địa phương bầu lên, trong đó có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, là Tổng Giám Mục Sàigòn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phó Xuân Lộc); bên cạnh đó còn có 45 vị do chính Đức Thánh Cha bổ nhiệm. 

Ngoài ra có 14 đại biểu của các Giáo Hội Kitô Anh em, như Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo.

Thêm vào đó có 24 chuyên gia và 51 dự thính viên. Có 17 đôi vợ chồng tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ thứ 14 này.

Tổng số những người có quyền phát biểu ý kiến trong Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này lên đến 318 người.

Vị chủ tịch (President) của Thượng Hội Đồng Giám Mục là Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, việc điều hành các buổi thảo luận được trao lại cho các vị Hồng Y thừa ủy (Delegate Presidents) trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Đó là các Đức Hồng Y Peter Erdo, Tổng Giám Mục Esztergom-Budapest; Đức Hồng Y Luis Antonio G. Tagle, tổng giám mục Manila, Philippines; Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida, Brazil; và Đức Hồng Y Wilfrid Napier, tổng giám mục Durban, Nam Phi.

Vị Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục là Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri.

Thư Ký đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ này là Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte của tổng giáo phận Chieti-Vasto, Ý.

Vị tổng tường trình viên (Rapporteur General) là Đức Hồng Y Péter Erdő, Tổng Giám Mục thủ đô Bupadest của Hung Gia Lợi. Giúp trong công việc đúc kết các báo cáo thảo luận của ngài còn có Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri; Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Đức Hồng Y Donald Wuerl, Đức Hồng Y John Dew, Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernandez, Đức Giám Mục Mathieu Madega Lebouakehan, Đức Giám Mục Marcello Semeraro, và cha Adolfo Nicolas, bề trên tổng quyền Dòng Tên.

Trong cuộc họp báo hôm 9 tháng 10, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle cho biết thêm về báo cáo sau Thượng Hội Đồng Giám Mục như sau:

Trong quá khứ các Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi báo cáo cho Đức Thánh Cha và Đức Thánh Cha sẽ sử dụng các đề nghị này hoặc không sử dụng những đề nghị ấy để viết văn bản Tông Huấn Thượng Hội Đồng. Nhưng chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người dựa trên lịch sử rằng thượng hội đồng đầu tiên được triệu tập bởi Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã không kết thúc với một Tông Huấn Thượng Hội Đồng. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho phép các nghị phụ công bố tài liệu của mình như là tài liệu chính thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục thẳng với thế giới. Điều này có thể xảy ra một lần nữa.

8. Phương pháp tiến hành

Ngày 1 tháng 10, 2015, Hội Đồng Tòa Thánh về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới cho biết Thượng Hội Đồng kỳ này sẽ được tiến hành khác với những Thượng Hội Đồng trong quá khứ. Trước hết, có thể coi Thượng Hội Đồng kỳ này như ba công nghị nhỏ, mỗi công nghị tiến hành khoảng một tuần, trong khoảng thời gian ba tuần từ 4 đến 25 tháng 10. Trong tuần thứ nhất, các nghị phụ sẽ thảo luận về những thách đố các gia đình trên thế giới phải đối mặt, chủ đề của tuần thứ hai là ơn gọi của gia đình, và tuần cuối cùng được dành cho các sứ mệnh của gia đình ngày nay. 

Không giống như Thượng Hội Đồng năm 2014, sẽ không có các báo cáo giữa kỳ. Thay vào đó, mỗi tuần sẽ bắt đầu với các bài phát biểu của một số trong 318 tham dự viên có quyền phát biểu; mỗi vị được nói không quá 3 phút và kết thúc bằng các cuộc thảo luận ở 13 nhóm nhỏ, được tổ chức theo ngôn ngữ. Có 4 nhóm nói tiếng Anh, 3 nhóm Tây Ban Nha, 3 nhóm tiếng Pháp, 2 nhóm tiếng Ý, và 1 nhóm tiếng Đức.

Với số lượng ngày càng tăng của các giám mục trên thế giới và tương ứng là các nghị phụ tham dự Thượng Hội Đồng, thời lượng được phép phát biểu đã phải giảm xuống. Trước năm 2005, mỗi vị có thể phát biểu trong tám phút. Trong năm 2008, thời lượng này đã giảm xuống còn năm phút và hiện nay chỉ còn 3 phút.

Các nhóm nhỏ bao gồm cả anh chị em giáo dân được mời tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, bầu trưởng nhóm và các điều hợp viên riêng của nhóm. 

Cuối ba tuần, các nghị phụ sẽ bỏ phiếu về một tài liệu chính thức. Tuy nhiên, không giống như Thượng Hội Đồng năm 2014, các vị sẽ không bỏ phiếu trên mỗi đoạn riêng rẽ. Thay vào đó, các nghị phụ sẽ bỏ phiếu về toàn bộ tài liệu như một tổng thể. 

Toàn văn báo cáo mỗi nhóm nhỏ sẽ được Tòa Thánh công bố, và cả ý kiến của các cặp vợ chồng tham gia trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình cũng sẽ được công bố. Nhưng, Tòa Thánh không công bố bài phát biểu của từng vị giám mục. Tuy nhiên, một số giám mục theo sáng kiến riêng của mình được sử dụng các công cụ truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, blog, và thậm chí có vị như Đức Tổng Giám Mục Blasé Cupich của tổng giáo phận Chicago mang theo cả một ê-kíp truyền hình để giải thích các diễn biến và suy tư của mình.

Những thông tin cập nhật sẽ được cung cấp hàng ngày cho các phương tiện truyền thông bởi cả chính các tham dự viên Thượng Hội Đồng chứ không chỉ qua các phát ngôn viên của Vatican như Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

9. Truyền thông thế tục

John L. Allen, ký giả kỳ cựu của tờ Cruz trong bài “Synod Notebook: The dirty little secret about media coverage” nhận xét cay đắng rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình thu hút một sự chú ý rất lớn của truyền thông thế tục, tuy nhiên, “trong hầu hết các trường hợp [các phương tiện truyền thông] chỉ loan tải những gì người ta nói về Thượng Hội Đồng Giám Mục, và đó là một chuyện hoàn toàn khác.”

Ông cho biết tiếp: 

“Thực sự tường trình về một thượng hội đồng có nghĩa là phải vào bên trong hội trường trong suốt các cuộc thảo luận, phải có thể hình thành ấn tượng của chúng ta về những gì đang được nói đến, sau đó đo lường phản ứng, xem xét cả các cử chỉ diễn đạt, ngữ điệu và không khí, và phải có được một cảm giác tổng quát chính mình đắm chìm vào những chủ đề đang nổi lên.

Đó là cách người ta tường trình các phiên họp của Quốc hội, chẳng hạn, hay một hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, hoặc bất kỳ cuộc họp quan trọng nào khác, nhưng đó là chắc chắn không phải là cách làm việc tại Thượng Hội Đồng Giám Mục.” 

Các thông tấn xã lớn như Reuters, AP.. rồi các tờ báo lớn như The Telegraph thay nhau chạy những hàng tít giật gân về những tuyên bố tự hào về cuộc sống tính dục thấp hèn của linh mục Krzystof Charamsa và tiên đoán những tuyên bố ấy sẽ tạo ra một đám mây đen u ám che mờ các nghị trình khác tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Tuy nhiên, trong thực tế, một ký giả tham dự các buổi họp báo hàng ngày tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết chẳng ký giả nào quan tâm nêu ra dù chỉ một câu hỏi duy nhất về trường hợp của ông này.

Truyền thông thế tục cũng dành không ít chú ý tới những hoạt động của nhóm The Global Network of Rainbow Catholics là nhóm phò đồng tính tổ chức một cuộc họp tại Rôma hôm thứ Bẩy 3 tháng 10 song song với cuộc họp của những người có khuynh hướng đồng tính nhưng chủ trương sống khiết tịnh được tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Tôma Aquinô, cũng gọi là Đại Học Angelicum.

Các nghị phụ đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi quốc gia trên hành tinh bao la này, thậm chí mỗi giáo phận trong cùng một quốc gia có những vấn đề khác nhau, những kinh nghiệm khác nhau, những cảm nhận khác nhau các dị biệt trong lúc thảo luận ở một nghị hội toàn cầu như thế này là việc bình thường. Nhưng các phương tiện truyền thông thế tục thay nhau tung hứng tự trích dẫn của nhau về những cái gọi là “rạn nứt sâu xa” trong Giáo Hội. Trong khi, chẳng thấy ai nói tới những “rạn nứt sâu xa” trong phán quyết 5 chọi 4 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính!

Hãy nghe Đức Cha Paul-André Durocher, Tổng Giám Mục Gatineau, Canada giải thích thêm về khía cạnh này.

Trong thời gian hai ngày đầu tiên của thượng hội đồng, có là một sự nhất trí rất lớn trong việc nhìn nhận rằng có một căng thẳng ngày càng tăng về khoảng cách văn hóa giữa hôn nhân và đời sống gia đình với những gì Giáo Hội đề nghị và dạy bảo xuất phát từ giáo huấn của Chúa Giêsu; và khoảng cách ngày càng tăng đó, tôi nghĩ, gợi lên những cách khác nhau để phản ứng lại và một phản ứng là nhấn mạnh đến giáo huấn [Kitô Giáo] vì sợ rằng khi nền văn hóa tách biệt dần khỏi quan điểm của chúng ta, niềm tin của chúng ta bị tan loãng; và có những lo ngại rằng chúng ta mất liên lạc với nền văn hóa đó và rồi chúng ta đóng kín trong chính mình và trở thành một loại ghetto hoặc một thứ gia sản không còn có một tác động nào đối với văn hóa. Và tất cả các giám mục, tôi nghĩ, đồng ý rằng giáo huấn của Giáo Hội đến từ Chúa Giêsu là ân sủng cho thế giới. Nó không phải chỉ dành cho một một thiểu số ưu tuyển. Chúng tôi thực sự tin rằng giáo huấn về hôn nhân tin mừng cho thế giới vì vậy làm thế nào để một bên là giữ cho giáo huấn này không bị pha loãng và đồng thời một bên là bước vào cuộc đối thoại với thế giới theo cách thức chúng ta có thể nói với thế giới và kích thích trí tưởng tượng và sự quan tâm của họ. Và vì vậy một số giám mục sẽ nhấn mạnh đến giáo huấn và những vị khác sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc đối thoại. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao điều quan trọng là [chúng ta phải hiểu rằng] đây là một bài tập có tính đồng đoàn theo nghĩa chúng ta làm điều này với nhau vì chúng ta cần phải giữ cho được cả hai khía cạnh đó.

10. Tóm lược các diễn tiến trong tuần đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình

Các tiêu đề giật gân như “Đức Giáo Hoàng đơn giản quá trình kết thúc một cuộc hôn nhân”, “Tiến trình cải cách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép một cuộc hôn nhân được kết thúc trong 45 ngày”, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô tạo thuận lợi và giảm chi phí kết thúc một cuộc hôn nhân trong Giáo Hội” đã bùng lên sau những động thái gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cải cách quy trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu và những điều khoản đặc biệt liên quan đến việc xưng tội trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Tiếp tục trào lưu tung tin giật gân như vậy, truyền thông thế tục thi nhau đồn đoán đủ thứ về những gì sẽ xảy ra trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình dưới triều đại của vị Giáo Hoàng “Tôi là ai mà phán xét người ta”.

Nhưng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là vị Giáo Hoàng của những ngạc nhiên. Khác xa với những dự đoán của nhiều cơ quan truyền thông thế tục, sáng Chúa Nhật 04 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình với một bài giảng trong đó ngài hùng hồn kêu gọi bảo vệ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ và lên án sự suy giảm hôn nhân:

“Người ta càng ngày càng thiếu nghiêm túc trong việc xây dựng một mối quan hệ yêu thương vững chắc và sinh hoa kết quả: khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu. Tình yêu lâu dài, trung tín, tận tâm, ổn định và sinh hoa kết quả ngày càng bị đánh giá thấp, xem như là một di tích cổ kính thời xa xưa. Có vẻ như người ta cho rằng xã hội tiên tiến nhất chính là xã hội có sinh suất thấp nhất và có tỷ lệ phá thai, ly dị, tự tử, và ô nhiễm môi trường cao nhất.”

Đức Thánh Cha khẳng định kế hoạch của Thiên Chúa cho kỳ công sáng tạo yêu quý của Ngài là “thấy nó thành toàn trong sự kết hiệp yêu thương giữa một người nam và một người nữ, khi họ vui mừng trong cuộc hành trình được chia sẻ với nhau, sinh hoa kết quả trong món quà trao tặng cho nhau là chính mình. Đó cũng là kế hoạch Chúa Giêsu trình bày trong Tin Mừng hôm nay: ‘Từ lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.’ (Mc 10: 6-8; x. St 1:27; 2:24)”

Ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong sự thật, không đổi thay theo thị hiếu chóng qua hay theo những ý kiến thời thượng nhằm “bảo vệ mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại khỏi cám dỗ tự quy hướng về mình như là trung tâm, cũng như cám dỗ biến tình yêu sinh hoa kết quả thành thói ích kỷ vô sinh, và biến sự kết hiệp trung tín thành một hình thái kết hợp tạm thời.”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng không quên nhấn mạnh rằng “Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong tình bác ái, không chỉ trỏ kết án người khác, nhưng – trung thành với bản chất của một người mẹ – ý thức về nhiệm vụ của mình là tìm kiếm và chăm sóc cho các cặp vợ chồng với dầu chấp nhận và thương xót… để bao gồm họ và dẫn họ đến suối nguồn của ơn cứu rỗi.”

Trong phiên khoáng đại đầu tiên diễn ra một ngày sau đó, Đức Thánh Cha nói với Giám Mục rằng “Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một nghị viện nơi mà để đạt tới sự đồng thuận hoặc thỏa hiệp chung, người ta thương thuyết với nhau, kết ước với nhau hoặc nhượng bộ nhau, nhưng phương pháp duy nhất của Thượng Hội Đồng Giám Mục là cởi mở đối với Chúa Thánh Linh với lòng can đảm tông đồ, với lòng khiêm tốn theo tinh thần Phúc Âm, và với lời cầu nguyện tín thác, để chính Chúa hướng dẫn chúng ta, soi sáng và đặt trước mắt chúng ta, không phải những ý kiến cá nhân, nhưng là niềm tin nơi Thiên Chúa, lòng trung thành với Huấn quyền Hội Thánh, thiện ích của Giáo Hội và phần rỗi các linh hồn” và cảnh báo các nghị phụ “không để cho mình sợ hãi đứng trước những cám dỗ của thế giới, không dập tắt nơi tâm hồn con người ánh sáng chân lý, thay thế nó bằng những tia sáng bé nhỏ và nhất thời, và càng không sợ hãi đứng trước con tim chai đá của một số người, tuy có thiện ý, nhưng làm cho người người xa lìa Thiên Chúa”.

Cũng trong phiên khoáng đại đầu tiên, Đức Hồng Y Péter Erdő, là tổng tường trình viên cũng đưa ra một diễn văn khẳng định một lập trường dứt khoát trên những chủ đề như đồng tính luyến ái, ly dị, và ngừa thai. Trong diễn văn dài 7,000 từ của mình, Đức Hồng Y nhận xét rằng có nhiều lực lượng tiêu cực đang chống đối với gia đình ngày nay, bao gồm nghèo đói, chiến tranh, và biến đổi khí hậu, thuyết tương đối về đạo đức và chủ nghĩa cá nhân. 

Đức Hồng Y Erdő khẳng định thêm là nhân phẩm của tất cả mọi người phải được tôn trọng, và rằng Giáo Hội phải chăm sóc mục vụ cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta cũng cần nhớ rằng khi Chúa Giêsu tha thứ cho những người tội lỗi, Ngài cũng nói với họ hãy “đi và đừng phạm tội nữa.”

Trong một cuộc họp báo sau ngày đầu tiên, Đức Hồng Y André Vingt-Trois là Tổng Giám Mục Paris khẳng định thêm “Nếu ai nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy một sự thay đổi căn bản trong tín lý của Giáo Hội, người ấy sẽ thất vọng.”

Liên quan đến đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper về khả thể cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ trong những trường hợp nhất định nào đó, là vấn đề được nhiều người quan tâm, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane, Australia cho biết sau phát biểu của 72 vị trong những ngày đầu của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình rằng theo ước tính của ngài ít nhất 65% các giám mục sẽ phản đối việc cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ.

Sau gần một tuần họp, chủ đề nổi bật nhất nổi lên từ các báo cáo là nhu cầu cần thiết phải có một cách tiếp cận tích cực với hôn nhân Kitô giáo. Cũng có một số nghị phụ phàn nàn rằng Tài liệu làm việc phản ảnh các mối quan tâm của người Công Giáo ở thế giới phương Tây – đặc biệt tại châu Âu và Hoa Kỳ – mà không quan tâm đúng mức đến các gia đình Công Giáo ở những nơi khác.

Những mối quan tâm khác bao gồm các tác động tiêu cực của “hệ tư tưởng giới tính” và trào lưu “thực dân hóa ý thức hệ” của các tổ chức cấp viện phương Tây trên các nước đang phát triển; hoàn cảnh của người nhập cư và người tị nạn, tình trạng các tín hữu Kitô ở Trung Đông; và sự cần thiết là Giáo Hội phải cung cấp những hỗ trợ tốt hơn cho các gia đình đang gặp khó khăn để đáp ứng những đòi hỏi của hôn nhân Kitô giáo.

Các tham dự viên cũng kêu gọi những quan tâm về suy tư thần học đối với sự trung thành, yêu thương vợ chồng và gia đình, về những người sống anh hùng chứng tá chân thực của hồng ân gia đình. 

Nhóm A Anh Ngữ kêu gọi “Thông điệp của Thượng Hội Đồng phải loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô rõ ràng và hấp dẫn hơn” trong khi nhóm B Anh Ngữ nhận định rằng “việc phân tích những khó khăn mà các gia đình phải đối mặt là quá tiêu cực. Bất chấp những thách đố các gia đình phải đối diện trong mọi nền văn hóa, gia đình với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa luôn tìm thấy sức mạnh để thực hiện ơn gọi của mình là yêu thương. Vì thế, nhóm C Anh Ngữ kêu gọi “một cách lý giải ít tiêu cực hơn về lịch sử, văn hóa và tình hình của các gia đình vào lúc này.” Nhóm D Anh Ngữ kêu gọi thông điệp của Thượng hội đồng “nên bắt đầu với hy vọng hơn là thất bại,” và nhận xét đó “Các văn bản còn thiếu điều gì đó thu hút mọi người.” Nhóm Đức khuyến cáo mỗi chương trong thông điệp của Thượng Hội Đồng nên bắt đầu với một đoạn mô tả vẻ đẹp của hôn nhân Kitô Giáo.

Nhóm tiếng Pháp cho rằng “Thượng Hội Đồng không nên chỉ tập chú vào các vấn đề và những cuộc khủng hoảng các gia đình phương Tây đối đầu.”

Thứ Bẩy 10 tháng 10, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã dành hai phiên khoáng đại thứ 6 và thứ 7, vào ban sáng và ban chiều để lắng nghe các nghị phụ phát biểu ý kiến về phần hai của Tài liệu làm việc có tiêu đề “Sự phân định ơn gọi gia đình” với những chủ điểm như Chúa Giêsu và gia đình: đặc tính bất khả phân ly của hôn nhân như hồng ân và nghĩa vụ; gia đình hình ảnh Chúa Ba Ngôi, chiều kích truyền giáo của gia đình; đặc tính bất khả phân ly của hôn phối và niềm vui sống chung, lòng từ bi thương xót đối với các gia đình bị thương tổn.

Chúa Nhật 11 tháng 10, các nghị phụ được nghỉ, và trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba, các vị gặp gỡ nhau trong các nhóm nhỏ để thảo luận về phần 2 của Tài liệu làm việc.

11. Phát biểu của một vài nghị phụ

a. Phát biểu của Đức Hồng Y Charles Bo của Miến Điện

Tôi học được rất nhiều từ những cuộc thảo luận và có rất nhiều cảm hứng. Và tôi nghĩ rằng điều này cũng xảy ra trong tất cả các nhóm khác nhau. Những gì tôi đánh giá cao đó là chúng tôi đã đi sâu hơn vào các giá trị của gia đình. Như được đề cập đây đó chúng tôi đã học nhiều từ đó. Chúng tôi mang nặng ưu tư với các gia đình. Dù mới chỉ trong tuần đầu tiên, tôi ghi nhận rất nhiều những cố gắng bảo vệ những giá trị, những kho báu và viên ngọc quý là gia đình.

b. Phát biểu của Đức Cha Charles Drennan của giáo phận Parmerston North, Tân Tây Lan

Chắc chắn một trong những điểm khác biệt trong các nhóm là vấn đề văn hóa. Điều đó là tất nhiên không thể tránh khỏi vì chúng ta sống đức tin trong các nền văn hóa khác nhau và từ đó phát sinh các vấn đề về ngôn ngữ. Tôi nghĩ rằng thật là công bằng để nói rằng đó là một sự công nhận trung thực là có những dị biệt giữa những từ ngữ được sử dụng ngày nay và những từ ngữ mà tôi nói vắn tắt là những từ Giáo Hội sử dụng. Có thể khó để giao tiếp có lẽ cách riêng với những người có thể gọi là đang sống ở ngoại vi. Do đó, nếu chúng ta có một mục tiêu, hay một ao ước giao tiếp tốt hơn với những người này thì chúng ta phải cẩn thận về các ngôn ngữ sử dụng . Chúng ta không thể giả định mọi người hiểu một số cụm từ, một số thuật ngữ là tự nhiên đối với chúng ta. Đó là lý do tại sao sự làm mới ngôn ngữ là rất quan trọng.

c. Phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Một vài chủ đề mà tôi nghĩ là chung nhất và tôi thích thú được nghe Đức Hồng Y Tagle nhắc lại, đó là những thách đố được nêu trong các phát biểu liên quan đến các gia đình hồi năm ngoái tuy chưa vơi đi, và tôi nghĩ rằng chúng ta đã nói nhiều về điều đó, nhưng cũng có khái niệm về sự bắt đầu, theo tôi, là sự tự tin của thượng hội đồng vào những lời của Chúa Giêsu như những lời đầu tiên và chung cuộc. Chúng tôi đang ở trong những ngày đầu, chúng tôi vẫn đang trong tuần đầu tiên trong ba tuần, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang có một khởi đầu tốt.

12. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput cảnh giác chống lại việc phân cấp cho các Hội Đồng Giám Mục một số thẩm quyền về kỷ luật bí tích

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane, Australia cho biết ít nhất là 65% các nghị phụ sẽ chống lại đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper về khả thể cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ trong những trường hợp nhất định nào đó. Tuy nhiên, một số nghị phụ đã đưa ra đề nghị là vấn đề này có thể được giao cho các Hội Đồng Giám Mục địa phương quyết định. Đây là một trong những đề nghị đã được Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức lặp đi lặp lại nhiều lần ngay cả trước Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Theo nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, có thể có đến 50% các nghị phụ chấp nhận đề nghị này.

Tuy nhiên, trong một phát biểu ngắn tại Thượng Hội Đồng Giám Mục vào ngày 10 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia cảnh báo rằng “phân cấp những vấn đề kỷ luật và tín lý quan trọng cho các Hội Đồng Giám Mục các quốc gia và khu vực” sẽ đe dọa đến sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tờ The National Catholic Register cho biết như trên kèm theo toàn văn bài phát biểu của ngài.

Đức Tổng Giám Mục Chaput nói: 

“Giáo Hội là ‘Công Giáo’ hay ‘phổ quát. Đúng là chúng ta cần phải tôn trọng sự khác biệt về tính cách và văn hóa giữa các tín hữu. Nhưng chúng ta đang sống trong một thời gian với đầy những thay đổi trên quy mô toàn cầu, với những rối loạn và bất ổn. Nhu cầu cấp thiết nhất của chúng ta là sự đoàn kết, và nguy hiểm lớn nhất của chúng ta là sự phân mảnh. 

Hỡi anh em, chúng ta cần phải rất thận trọng về việc phân cấp những vấn đề kỷ luật và tín lý quan trọng cho Hội Đồng Giám Mục các quốc gia và khu vực – đặc biệt khi áp lực buộc chúng ta đi theo chiều hướng đó được đi kèm với một tinh thần muốn tự khẳng định và đề kháng.”

Đức Tổng Giám Mục Chaput nói thêm:

“Năm trăm năm trước, tại một thời điểm giống hệt như thời điểm hiện nay của chúng ta, Erasmus của thành Rotterdam đã viết rằng sự hiệp nhất của Hội Thánh là thuộc tính quan trọng nổi bật nhất của Giáo Hội. Chúng ta có thể tranh luận về những gì Erasmus thực sự tin tưởng, và những gì ông muốn nói trong bài viết của mình. Nhưng chúng ta không thể tranh luận về những hậu quả sẽ xảy ra một khi sự hiệp nhất cần thiết của Giáo Hội bị bỏ qua. Trong những ngày sắp tới của Thượng Hội Đồng, xin cho chúng ta có thể nhớ một cách hữu ích tầm quan trọng của sự hiệp nhất, và những gì sự hiệp nhất đó đòi hỏi nơi chúng ta, cũng như những gì sự mất đoàn kết trong những vấn đề nghiêm trọng như thế có thể mang lại”.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

 

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …