Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/4 – 13/04/2016: Chân Phước Hồng Y tử đạo Alojzije Stepinac

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/4 – 13/04/2016: Chân Phước Hồng Y tử đạo Alojzije Stepinac

1. Công bố Tông Huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Yêu Thương

Hôm thứ Sáu 8 tháng Tư, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, là Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới; Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienna, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo; và hai vợ chồng Giáo Sư Francesco Miano, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Tor Vergata Roma và Giáo Sư Giuseppina De Simone in Miano, giáo sư triết tại Phân khoa Thần học Nam Italia ở Napoli đã chủ tọa một buổi họp báo để công bố Tông Huấn “Amoris Laetitia”, nghĩa là “Niềm Vui Yêu Thương”. Tông huấn tổng kết gần ba năm tham vấn với người Công Giáo ở các nước trên thế giới và 2 Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình.

Tông huấn “Amoris Laetitia” khẳng định giáo huấn của Giáo Hội theo đó các gia đình ổn định là những khối xây dựng một xã hội lành mạnh và là một nơi mà trẻ em học cách yêu thương, tôn trọng và tương tác với những người khác.

Đồng thời văn bản cũng cảnh báo chống lại việc lý tưởng hóa những thách đố mà cuộc sống gia đình phải đối diện, thúc giục người Công Giáo chăm sóc, chứ không phải lên án, tất cả những ai không sống theo các giáo huấn của Giáo Hội.

Cách riêng, tài liệu tập trung vào nhu cầu cần phải có sự phân định có tính cách mục vụ và phù hợp từng trường hợp cho các cá nhân, trong khi thừa nhận rằng “cả Thượng Hội Đồng, lẫn Tông huấn này đều không thể thiết lập các quy tắc tổng quát, phù hợp với giáo luật về bản chất và áp dụng được cho tất cả các trường hợp”.

2. Amoris Laetitia đề cao giáo lý truyền thống nhưng kêu gọi tính linh hoạt trong việc áp dụng giáo huấn Công Giáo

Tông Huấn Amoris Laetitia, nhằm tổng kết gần ba năm tham vấn với người Công Giáo ở các nước trên thế giới và hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, đề cao giáo lý truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, nhưng mời gọi tính linh hoạt trong việc áp dụng những giáo huấn Công Giáo.

Amoris Laetitia là một văn bản dài, trải dài trên 260 trang và xem xét hôn nhân và cuộc sống gia đình từ một loạt các quan điểm mục vụ. Hầu hết những người đọc Tông Huấn này muốn tìm ra ngay lập tức câu trả lời cho câu hỏi đã được đặt ra trong nhiều tháng qua: đó là liệu Đức Giáo Hoàng sẽ mở cửa cho người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ hay không. Các dòng tít lớn mâu thuẫn với nhau trong các báo cáo được tung ra trên truyền thông thế tục cho thấy câu trả lời cho câu hỏi đó không phải là hoàn toàn rõ ràng.

Trong thực tế, Đức Thánh Cha Phanxicô cố tình tránh một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này, và cho rằng “không phải tất cả thảo luận về các vấn đề giáo lý, đạo đức, hay mục vụ cần phải được giải quyết bằng biện pháp can thiệp của huấn quyền.” Thay vào đó, ngài kêu gọi các mục tử hướng dẫn các cặp vợ chồng thông qua một sự phân định tình trạng của họ, giúp họ “phát triển trong đời sống ân sủng và bác ái, trong khi tiếp nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội đến cùng.” Trong một chú thích Đức Thánh Cha nói thêm: “trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự giúp đỡ của các bí tích”

Đức Thánh Cha viết tiếp rằng

“Khi suy nghĩ rằng tất cả mọi thứ là đen hoặc trắng, đôi khi chúng ta đóng kín con đường của ân sủng và sự tăng trưởng, và ngăn cản con đường thánh hóa là điều tôn vinh Thiên Chúa”. Sau đó, ngài cho biết thêm: “Tôi thông cảm với những ai yêu thích một sự chăm sóc mục vụ nghiêm ngặt hơn trong đó không có chỗ cho sự nhầm lẫn. Nhưng tôi thật sự tin rằng Chúa Giêsu muốn một Giáo Hội chú tâm đến sự tốt lành mà Chúa Thánh Thần gieo giữa sự yếu đuối của con người …”

Amoris Laetitia không đưa ra nhiều chỉ dẫn cho các mục tử biết nên áp dụng hướng dẫn này như thế nào. Khi nhấn mạnh tính linh hoạt, Đức Thánh Cha viết: “tại mỗi nước hoặc miền có thể tìm kiếm những giải pháp hợp với văn hóa hơn, chú ý đến những truyền thống và những thách đố địa phương. Thực vậy, các nền văn hóa rất khác nhau và mỗi nguyên tắc chung (…) cần được hội nhập vào văn hóa địa phương, nếu muốn được tuân giữ và áp dụng”

3. Thủ tướng Croatia xin Đức Thánh Cha tuyên thánh cho Đức Hồng Y Stepinac

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ hôm 07 tháng Tư với Thủ tướng Croatia Tihomir Oreskovic

Một tuyên bố của Vatican đưa ra sau cuộc họp mô tả cuộc gặp gỡ là một “cuộc trò chuyện thân mật” liên quan đến những vấn đề của Giáo Hội và nhà nước Croatia, các vấn đề quốc tế và đặc biệt một cuộc trưng cầu dân ý gần đây ở Croatia về việc phát huy những nét truyền thống của hôn nhân. Tuyên bố cũng cho biết, các cuộc thảo luận đã tập trung vào án tuyên thánh cho Đức Hồng Y Alojzije Stepinac.

Đức Hồng Y Stepinac sinh ngày 8 tháng 5 năm 1898. Ngài được thụ phong linh mục năm 1930. Chỉ một năm sau, ngài được bổ nhiệm làm trưởng ban nghi lễ Phụng Vụ của tổng giáo phận Zagreb và thành lập Caritas của tổng giáo phận này. Năm 1934, ngài được tấn phong Giám Mục Phó tổng giáo phận Zagreb. Khi Đức Tổng Giám Mục Antun Bauer qua đời vào tháng 12 năm 1937, Đức Cha Stepinac lên kế vị ngài.

Ngày 6 tháng Tư năm 1941, Đức Quốc Xã xâm lược Nam Tư và tách Croatia thành một quốc gia độc lập như trước khi bị sát nhập vào Nam Tư hồi tháng 12 năm 1918. Là con dân của tổ quốc Croatia, Đức Cha Stepinac hoan nghênh bước tiến này. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngài không ngừng lên án tội ác của Đức Quốc Xã đối với người Do Thái và người Serb. Ngài được viện Yad Vashem của Do Thái vinh danh là người Công Chính Giữa Các Dân Nước vì đã tích cực giúp người Do Thái và những người khác trốn thoát khỏi tay Đức Quốc Xã. Năm 1943, ngay trước Vương Cung Thánh Đường Zagreb, ngài công khai lên án tội ác của chính quyền bù nhìn.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ Hai, cộng sản Nam Tư do Titô lãnh đạo lên nắm quyền và tái sát nhập Croatia vào liên bang Nam Tư như trước đây. Đức Cha Stepinac không ngừng lên án cộng sản trước diễn biến này và những hành vi tàn ác của cộng sản, đặc biệt là chiến dịch thủ tiêu các linh mục Công Giáo.

Đức Cha Stepinac bị cộng sản bắt ngày 18 tháng 9 năm 1946 và bị đưa ra tòa một tháng sau đó, cụ thể là vào ngày 30 tháng 9 năm 1946. Ngài bị cáo buộc tội phản quốc và trong âm mưu dành hậu thuẫn của người Chính Thống Giáo Serb, cộng sản cũng kết án ngài tội cưỡng bức cải đạo những người Chính Thống Giáo mà ngài cứu thoát trong thế chiến thứ hai. Ngài bị kết án 16 năm tù. Dưới áp lực quốc tế, sau 5 năm bị giam, ngài được về nhà nhưng bị quản thúc tại gia. Ngài được Đức Thánh Cha Piô thứ Mười Hai tấn phong Hồng Y vào năm 1952 nhưng không thể sang Rôma. Ngày 10 tháng Hai năm 1960, ngài qua đời trong tình trạng bị quản thúc.

Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước vào năm 1988.

Những lo ngại về sự chậm trễ trong án tuyên thánh cho Đức Hồng Y Stepinac đã phát sinh tại Croatia sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đồng ý thành lập một ủy ban chung của Công Giáo và Chính thống Serbia, để điều tra các khiếu nại về cáo buộc cho rằng ngài đã cưỡng bức cải đạo những người Chính Thống Giáo.

4. Đức Thánh Cha gặp em bé người Mỹ sắp bị mù và điếc.

Sáng ngày 6 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã gặp em bé 6 tuổi người Mỹ, Lizzy (Elisabeth) Myers sắp bị mù và điếc.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào cuối buổi tiếp kiến chung 40 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha tiến lại gần em, đặt bàn tay trên mắt em và trao đổi vài câu với cha mẹ em, Ông bà Steve và Christine Myers, và Kayla em gái của bé Lizzy. Cả gia đình đều là người Công Giáo, sinh sống tại Belleville bang Ohio.

Hồi năm 2014, các bác sĩ phát hiện bé Lizzy bị một thứ bệnh hiếm Usher loại 2, do di truyền. Cha mẹ của bé được bác sĩ cho biết bé Lizzy sẽ bị mù và điếc trong vòng tối đa là 7 năm nữa, và họ khuyên ông bà cho em bé đi thăm viếng các nơi càng nghiều càng tốt, trước khi em lâm vào tình trạng bóng tối và thinh lặng.

Năm ngoái, bé Lizzy đã được cho mẹ cho thăm viếng đài thiên văn Warren Rupp ở bang Ohio, ngắm xem các vì sao và mặt trăng qua viễn vọng kính, rồi Grand Canyon, thác Niagara, công viên quốc gia Yellostone. Trong những tháng gần đây, cha mẹ em cũng đã lập danh sách những gì cần đưa con đi xem, nhưng họ không ngờ giấc mơ được gặp Đức Giáo Hoàng tại Roma đã thành tựu, cũng nhờ sự giúp đỡ của nhiều người hảo tâm.

Ông tổng giám đốc hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines), Tuncay Eminoglu, biết được số phận của em Lizzy qua báo chí nên đã cảm động tặng gia đình em vé máy bay khứ hồi tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ông nói: “Chúng tôi muốn giúp một em bé gái sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy thế giới nữa”.

Tổ chức bác ái Unitalsi, chuyên giúp các bệnh nhân đi hành hương Lộ Đức và các đền thánh khác, đã giúp tháp tùng gia đình bé Lizzy đến tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha. Khách sạn Appia Antica Resort giúp gia đình em chỗ trọ ở Roma. Ông Emanuele Trancalini, chủ tịch chi hội Unitalsi ở Roma nói: “Đây thật là một chuyện cảm động. Chúng tôi đã giúp các phương tiện để gia đình Myers được gặp Đức Giáo Hoàng và giúp cha mẹ em Lizzy hiểu rằng họ không lẻ loi trong cuộc chiến chống lại căn bệnh kinh khủng này. Với dự án Trẻ em, chúng tôi thường ở cạnh các gia đình phải đương đầu với thảm trạnh bệnh tật của con cái và vì thế chúng tôi hiểu rằng sự săn sóc đầu tiên cho họ là đừng để họ bị lẻ loi. Chắc chắn chúng tôi sẽ mời gia đình Myers đi hành hương Lộ Đức trong cộc hành hương theo truyền thống của chúng tôi vào tháng 10, để cùng tiến bước trong hành trình hy vọng và tin tưởng”.

Sau buổi tiếp kiến, gia đình Myers đã gặp các ký giả ở căn nhà của tổ chức Unitalsi Roma và cho biết cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và em Lizzy thật là cảm động. Ông Steve Myers nói: “Nếu chúng tôi phải rời Roma hôm nay và trở về nhà, chúng tôi cũng đã rất hạnh phúc rồi. Tôi nghĩ rằng bé Lizzy vẫn còn muốn thấy Đức Giáo Hoàng”.

Ông Steve cho biết bé Lizzy vẫn chưa biết mình sẽ dần dần bị điếc và mù. Em phải đeo máy nghe và cũng quen với máy này, như ông Steve tiết lộ. “Chúng tôi hy vọng một lời nguyện đặc biệt hoặc một cái gì đó cho Lizzy và có thể là một phép lạ xảy ra”.

5. Đức Thánh Cha viết lời tựa cho cuốn sách viết về các tu sĩ dòng Trappist bị giết tại Algeria

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết lời tựa cho một cuốn sách bằng tiếng Pháp viết về bảy tu sĩ dòng Trappist tại Tibhirine, Algeria, là những vị đã bị bắt cóc và giết hại năm 1996.

“Hai mươi năm sau cái chết của họ, chúng ta được mời gọi là dấu chỉ của sự đơn sơ và lòng thương xót trong thời đại chúng ta, trong việc thực hành hàng ngày việc cho đi chính mình, theo gương Chúa Kitô,” Đức Giáo Hoàng đã viết như trên trong lời nói đầu cuốn sách có tựa đề: Tibhirine: L’heritage; nghĩa là Di sản Tibhirine, vừa được ra mắt công chúng hôm 6 tháng Tư.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngoài lòng thương xót, “sẽ không có cách nào khác để chống lại cái ác đã dệt thành một mạng nhện trong thế giới của chúng ta.”

6. Tòa Thánh thành lập một văn phòng ‘DotCatholic’

Trong tuần qua, Tòa Thánh chính thức thủ đắc được quyền quản lý những tên miền có đuôi tận cùng là .catholic bất chấp những phản đối của Ả Rập Saudi.

Ả Rập Saudi chỉ trích việc Internet Assigned Numbers Authority giao quyền quản lý tên miền danh mục Internet. catholic cho Tòa Thánh với lập luận rằng Vatican “không thể chứng minh quyền sở hữu độc quyền danh mục .catholic.” Ủy ban công nghệ thông tin của vương quốc Hồi giáo này tuyên bố chủ quyền đó thuộc về cả các nhóm Kitô giáo khác, bao gồm cả các Giáo Hội Đông Phương và Chính Thống Đông Phương.

Ngoài ra, Ả Rập Saudi còn phản đối việc phân cấp quản lý cho các danh mục Internet khác, vì nhiều lý do. Nước này phản đối bất kỳ nhóm nào được giao phụ trách các danh mục liên quan đến tôn giáo như .islam, .halal và .ummah.

Trong thông cáo đưa ra ngày 4 tháng Tư, 2016, Vụ Thông Tin Tòa Thánh cho biết:

“Theo đề nghị của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Vụ Thông Tin Tòa Thánh đã thành lập một văn phòng gọi là ‘DotCatholic’ với mục đích là tận dụng một tên miền danh mục Internet (.catholic), để chia sẻ giáo lý, sứ điệp và các giá trị của Giáo Hội Công Giáo với cộng đồng quốc tế rộng hơn trong không gian mạng.

Cựu giám đốc của bộ phận Công nghệ thông tin Vatican Radio, là kỹ sư Mauro Militia, đã được bổ nhiệm đứng đầu nhóm làm việc mới, gồm 7 kỹ thuật viên công nghệ thông tin.”

7. Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Hội đồng Methodist thế giới

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Methodist làm chứng tá chung về bác ái cụ thể, và giúp đỡ lẫn nhau.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 7 tháng 4, dành cho phái đoàn Hội đồng Methodist thế giới, Methodist Âu Châu và Anh quốc, dưới sự hướng dẫn của Đức Giám Mục Oliveira và Mục Sư Powell. Phái đoàn đến Roma nhân dịp khánh thành Văn phòng Đại kết Methodist tại đây.

Trong lời chào mừng, Đức Thánh Cha gọi việc thành lập văn phòng này là một dấu chỉ tăng cường quan hệ đại kết giữa Công Giáo và Methodist cũng như ước muốn chung vượt thắng những chướng ngại còn cản trở sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai bên. Ngài cũng nhắc đến công cuộc đối thoại thần học giữa Công Giáo và Methodist trong gần 50 năm qua và văn kiện chung đang được chuẩn bị và sẽ được công bố vào cuối năm nay với tựa đề “Ơn gọi nên thánh”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng các tín hữu Công Giáo và Methodist có thể học hỏi nhau nhiều điều về ý nghĩa và cách thức sống sự thánh thiện. “Tất cả chúng ta phải làm hết sức để các thành phần các giáo xứ của chúng ta gặp gỡ nhau thường xuyên, biết nhau qua những trao đổi đầy khích lệ và khuyến khích nhau trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và ơn thánh của Người’.

Đức Thánh Cha nhắc lại lời Mục Sư John Wesley, người khai sáng Tin Lành Methodist, trong thư gửi tín hữu Công Giáo Roma, viết rằng: các tín hữu Công Giáo và Methodist được kêu gọi giúp đỡ nhau trong bất kỳ điều gì .. dẫn đến Nước Chúa… Tuy chúng ta chưa thể suy nghĩ giống nhau trong mọi sự, nhưng ít là chúng ta có thể yêu thương giống nhau”.

Đức Thánh Cha nói: “Đúng vậy, chúng ta chưa thể nghĩ giống nhau trong mọi sự, và về những vấn đề liên quan đến các thừa tác vị thánh chứng và luân lý đạo đức vẫn còn nhiều công việc phải làm. Nhưng không có điều nào trong số những dị biệt ấy là chướng ngại cản trở, không cho chúng ta yêu thương giống nhau và làm chứng tá chung trước mặt thế giới. Đời sống chúng ta trong sự thánh thiện phải luôn bao gồm một việc phục vụ bác ái đối với thế giới; Công Giáo và Methodist phải cùng nhau dấn thân làm chứng vụ thể, trong nhiều lãnh vực, về lòng yêu mến đối với Chúa Kitô. Thực vậy, khi chúng ta cùng nhau phục vụ những người ở trong tình cảnh túng thiếu, thì tình hiệp thông của chúng ta gia tăng”.

Tin Lành Methodist hay cũng gọi là Phong trào Giám Lý do Mục Sư Anh Giáo John Wesley thành lập và tách rời khỏi Anh giáo từ năm 1784 và dần dần lan rộng ra các nơi trên thế giới. Tại Italia, Giáo Hội này chỉ có 7 ngàn tín đồ và hợp chung với Giáo Hội Tin Lành Valdesi thành một cộng đoàn với tổng cộng 45 ngàn tín hữu.

Hội đồng Methodist thế giới được thành lập năm 1881 qui tụ 80 hệ phái tại 133 quốc gia với khoảng 80 triệu tín đồ.

8. Đức Hồng Y Sarah nói “Không có sự tha thứ nếu không có lòng thống hối”

Trong một cuộc phỏng vấn mới, Đức Hồng Y Robert Sarah nhấn mạnh rằng “không có sự tha thứ nếu không có lòng thống hối ăn năn.”

Trong một cuộc trao đổi với một nhà báo Ba Lan, được đăng trên trang web Rorate Caeli, Đức Hồng Y Sarah nhận xét rằng khi Chúa Giêsu gặp người phụ nữ bị bắt vì phạm tội ngoại tình, Chúa nói với người đàn bà ấy rằng: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa” Đức Hồng Y nói thêm: “Chỉ khi chúng ta hiểu được điều này chúng ta mới có thể hoàn toàn tận hưởng thành quả mà Năm Thánh Lòng Thương Xót mang lại cho chúng ta.”

Đức Hồng Y Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, cũng đã nói trong cuộc phỏng vấn về sai lầm “nguy hiểm nhất” là suy nghĩ cho rằng chỉ cần “ao ước điều thiện” là đủ để bảo đảm ơn cứu rỗi.

9. Cảnh sát Ý lùng bắt bác sĩ Nhật là người tung tin điều trị khối u não cho Đức Thánh Cha Phanxicô

Một bác sĩ phẫu thuật người Nhật, là người đã trở nên “khét tiếng” hồi năm ngoái sau khi tung tin đồn nhảm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhờ ông ta điều trị một khối u não, giờ đây đang đối mặt với một vụ tai tiếng mới. Nhờ uy tín hão có được qua vụ tung tin đồn nhảm ông ta đã có thể kiếm tiền từ bệnh nhân đang nằm trong danh sách chờ đợi với hứa hẹn điều trị sớm cho họ.

Bác sĩ Takanori Fukushima, người Nhật Bản, đã là trung tâm của một cuộc điều tra tại một bệnh viện ở Salerno, Ý, nơi ông thỉnh thoảng sang tiến hành các cuộc giải phẩu. Hai bác sĩ và một y tá tại bệnh viện đã bị bắt vào ngày 05 tháng 4. Fukushima chưa bị bắt giữ ngay lập tức vì ông ta hiện đang sống ở Mỹ, nhưng cảnh sát báo cáo rằng họ có những bằng chứng “nghiêm trọng”, theo đó ông ta đã có những hành vi sai trái.

Năm ngoái, một tờ báo Ý tường trình rằng Fukushima đã bí mật đến Vatican để điều trị một khối u não cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau khi Vatican cương quyết phản bác tin này, dưới áp lực của các phương tiện truyền thông, Fukushima nói rằng ông đã gặp Đức Thánh Cha chỉ một lúc ngắn, trong một buổi triều yết chung, và chưa bao giờ khám hay điều trị gì cho Đức Thánh Cha.

10. 2.7 triệu người phải bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo Boko Haram

Cuộc tấn công của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã khiến cho 2.7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ trong lưu vực hồ Chad. Tổ chức “Bác sĩ không biên giới” đã cho biết như trên.

Tổ chức nhân đạo này ghi nhận rằng: “Một cuộc xung đột có nguồn gốc ở Nigeria đã mở rộng qua các biên giới tràn vào Cameroon, Chad và Niger, gây ra những cuộc di dời rộng lớn và bao nhiêu là đau khổ”.

“Các vụ đánh bom tự sát và các cuộc tấn công gây thương vong cho nhiều người xảy ra như cơm bữa khiến cho dân thường ở tất cả các nước này đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của bạo lực bừa bãi gây ra bởi các lực lượng vũ trang tham chiến từ tất cả các bên.”

11. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Hy Lạp vào ngày 16 tháng Tư

Chiều ngày thứ Năm 7 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh chính thức xác nhận với các ký giả rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm hòn đảo Lesbos của Hy Lạp vào ngày 16 tháng 4 để gióng lên trước thế giới tình cảnh bi đát của những người di cư, và tị nạn.

Đức Giáo Hoàng đã nhận lời mời tham gia với Đức Thượng Phụ Chính thống Bartholomew I của Constantinople và Đức Tổng Giám Mục Ieronymos của Athens. Các vị sẽ cùng đến Lesbos để bày tỏ sự hỗ trợ cho những người tị nạn đang phải đối mặt với viễn cảnh bị trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói rằng cử chỉ đại kết này thể hiện “tình liên đới Kitô giáo và sự gần gũi với những người tị nạn, và người di dân trước những thách đố chông gai mà họ phải đối diện”

Tưởng củng nên nhắc lại, bất chấp những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và những người tranh đấu cho quyền tị nạn tại Âu Châu, sáng thứ Hai 4 tháng 4, một chiếc thuyền đã xuất hiện trên đường chân trời ở Thổ Nhĩ Kỳ từ hòn đảo Lesbos của Hy Lạp. Trên tàu là nhóm đầu tiên những người di cư và tị nạn bị trả lại theo một sau thỏa thuận của Liên Hiệp Âu Châu bắt đầu có hiệu quả từ thứ Hai 4 Tháng 4.

Khoảng 130 người nhập cư bị tống lên xe bus tại Hy Lạp vào lúc tảng sáng, nơi họ bị đưa lên hai con tàu để buộc quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo kế hoạch, Ankara sẽ nhận lại tất cả những người di cư và tị nạn, trong đó có cả người Syria, đã vào Hy Lạp trái phép sau ngày 20 tháng 3. Những người di cư bị trục xuất hôm thứ Hai chủ yếu đến từ Bangladesh và Pakistan, và chưa kịp nộp đơn xin tị nạn.

Ewa Moncure là người phát ngôn cho cơ quan biên giới Liên Hiệp Âu Châu gọi tắt là Frontex nói: “Các thủ tục đã diễn ra rất thanh thản, không có xô xát, mọi thứ đều rất có trật tự. Những người di cư đã được đưa lên xe buýt, và được đưa đến các bến cảng.”

Đáp lại việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại những người di cư và tị nạn, Liên Hiệp Âu Châu sẽ thưởng cho Thổ Nhĩ Kỳ 3.6 tỷ Mỹ Kim, và cho phép công dân Thổ Nhĩ Kỳ được miễn thị thực nhập cảnh khi du lịch Âu Châu, và hứa sẽ nhận hàng ngàn người Syria vào Liên Hiệp Âu Châu.

Làn sóng không kiểm soát được những người chạy trốn chiến tranh đã mang vào Âu Châu hơn một triệu người qua ngã Hy Lạp vào năm 2015.

Tuy nhiên, thành công của kế hoạch trục xuất này vẫn bấp bênh như thường. Ngay khi những người bị trục xuất đầu tiên bị đưa lên tàu quay lại Thổ Nhĩ Kỳ, hôm thứ Hai 4/4, lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang vất vả ngăn chặn hàng trăm người đang cố gắng để vượt biển sang Lesbos.

12. Pháp rút lại việc bổ nhiệm đại sứ cạnh Tòa Thánh gây nhiều tranh cãi

Sau bế tắc ngoại giao kéo dài hơn một năm, chính phủ Pháp đã lùi bước trong việc bổ nhiệm một đại sứ cạnh Tòa Thánh.

Tháng Giêng năm 2015, Pháp bổ nhiệm Laurent Stefanini, một người được một số báo chí tại Pháp mô tả là người đồng tính làm đại sứ cạnh Tòa Thánh. Nhưng Vatican không chấp nhận việc đề cử Stefanina. Theo thông lệ ngoại giao, nước chủ nhà có quyền từ chối việc bổ nhiệm tân đại sứ mà không cần phải đưa ra lý do nào cho việc từ chối này. Báo chí tại Pháp nói Vatican có thể đã phản đối vì Stefanini là người đồng tính, mặc dù nhà ngoại giao Pháp này rất kín tiếng. Ông chưa từng minh định mình là người đồng tính hay hành động công khai như một người đồng tính.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp riêng Stefanini hồi tháng Tư năm ngoái. Cả Vatican và các quan chức Pháp không bình luận gì về cuộc họp.

Cuối cùng, sau nhiều tháng im lặng, Pháp đã cử Stefanini làm đặc sứ của quốc gia này tại UNESCO, và việc bổ nhiệm này đã được xác nhận. Chức vụ Đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh vẫn chính thức bị bỏ trống.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

T3T31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  TIỆC BẤT TẬN “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. “Thiên …