Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/09/2017: Chuyến tông du Colombia của Đức Thánh Cha

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/09/2017: Chuyến tông du Colombia của Đức Thánh Cha

1. Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Colombia

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Colombia đã được trình bày với giới báo chí vào ngày thứ Sáu mùng 1 tháng Chín tại phòng báo chí Tòa thánh.

Trong chuyến viếng thăm 5 ngày này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm bốn thành phố là thủ đô Bogotà, Villavicencio, Medellin và Cartagena.

Như thường lệ, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị và với các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Bên cạnh đó, ngài cũng sẽ gặp các nhóm nạn nhân chiến tranh, các gia đình, những người tàn tật, những người nghèo, và cả với các du kích quân trước đây, cùng với các giám mục Colombia anh em, các Giám Mục trong tổ chức CELAM cũng như các linh mục, nữ tu, và anh chị em giáo dân.

Tại Villavicencio, Đức Thánh Cha sẽ phong chân phước cho hai linh mục Công giáo bị giết trong cuộc xung đột và tại Cartagena, ngài sẽ cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Peter Claver.

Thánh Phanxicô sẽ chủ tọa Thánh Lễ ở cả bốn thành phố và sẽ có các bài thuyết giảng liên hệ đến những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với người Colombia như chăm sóc thiên nhiên, hoà giải, bảo vệ sự sống và duy trì phẩm giá và quyền con người .

2. Những lưu ý của Phòng Báo Chí Tòa Thánh chung quanh chuyến tông du Colombia của Đức Thánh Cha

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Với chuyến tông du bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc vào ngày 11 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp bước Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là các vị Giáo Hoàng đã đến Colombia vào năm 1964 và năm 1986. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 20 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài nước Ý.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha thăm Colombia vì ngài đã có mặt tại quốc gia này trong tư cách một linh mục vào những năm 1970 và hai lần trong tư cách một Giám mục thành viên của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh – gọi tắt là CELAM.

Trong cuộc họp báo ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ghi nhận rằng không thể tránh khỏi đôi mắt của thế giới nhìn chuyến viếng thăm này theo một quan điểm chính trị khi người Colombia cam kết đẩy nhanh tiến trình hòa bình. Thực tế, chính phủ đã ký một thỏa thuận với nhóm phiến quân FARC hồi tháng 11 năm ngoái sau 52 năm xung đột khiến 260,000 người thiệt mạng, 60,000 người mất tích, và hơn 7 triệu người phải di dời.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong tiến trình hòa bình đã được Giáo hội Công giáo và chính Đức Giáo Hoàng ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ông Greg Burke nhấn mạnh rằng như thường lệ, chuyến tông du của Đức Thánh Cha chỉ mang tính chất mục vụ thuần túy, và ngài đến với đất nước có đông đảo người Công giáo này để mang sứ điệp Phúc Âm đến với đàn chiên của mình và khuyến khích người Colombia tiến bước trên hành trình đức tin và hòa giải.

3. Thượng viện Pakistan thông qua luật cưỡng bách học môn Hồi Giáo tứ lớp 1 đến lớp 12

Trong tuần qua, Thượng viện Pakistan đã thông qua dự luật bó buộc việc dạy và học kinh Qur’an ở các trường công lập. Văn bản bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục truyền đạt giáo lý kinh Qur’an cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, bất kể học sinh ấy có theo Hồi Giáo hay không.

Dự luật này nhấn mạnh rằng “cần phải hiểu sứ điệp của Thiên Chúa, để bảo đảm sự lan rộng của Hồi Giáo trong xã hội, để khuyến khích hòa bình và ổn định, để thúc đẩy các giá trị tối cao của con người về chân lý, sự trung thực, toàn vẹn, khoan dung và những hiểu biết khác”. Thêm vào đó, một bản ghi nhớ của chính phủ lưu ý rằng dự luật sẽ giúp Nhà nước hoàn thành trách nhiệm theo hiến pháp, như Điều 31 triệt 2 của Hiến pháp nói rằng “Nhà nước sẽ cố gắng thực hiện các giáo lý của kinh Qur’an”.

Các trường thuộc Giáo Hội Công Giáo và Tin lành ở Pakistan cũng bắt buộc phải dạy môn Hồi Giáo cho học sinh Hồi giáo, trong khi chưa có quy định cụ thể nào đối với các học sinh không phải Hồi giáo. 

Luật sư Nasir Saeed, là một tín hữu Công Giáo và là giám đốc của “Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý dành cho các tín hữu Kitô” nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng: “Biện pháp này nhằm tăng cường Hồi giáo hóa trong xã hội Pakistan, và điều này có thể thúc đẩy sự không dung nạp tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chính phủ buộc trẻ em phải học Kinh Koran, ngoài ra, luật này có thể có ảnh hưởng tiêu cực đối với các học sinh không theo đạo Hồi, vì họ bị buộc phải tuân theo những bài học đó”.

4. Thiên thần hộ thủ của người tị nạn sắp phải đi tù

Đối với hàng chục ngàn người nhập cư tuyệt vọng, khi những chiếc tàu thuyền mỏng manh của họ đang gặp nguy hiểm bị nhận chìm trong sóng nước Địa Trung Hải, số điện thoại di động của cha Mussie Zerai có nghĩa là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Không biết bao nhiêu lần trong 14 năm qua, những người tị nạn tìm kiếm một cuộc sống mới ở Châu Âu đã đặt niềm tin của họ vào cha Mussie Zerai, và gọi cho ngài đang khi gặp khó khăn. Ngài đã thông báo với cảnh sát biển Italia về những trường hợp khẩn cấp để họ cứu các thuyền nhân.

Cha Zerai, một linh mục Công giáo người Eritrea, có biệt danh là “thiên thần hộ thủ của những người tị nạn”. Ngài được đề cử giải Nobel Hoà bình năm 2015. Nhưng bây giờ, khi dư luận chung ở Ý quay ngược lại với những người nhập cư từ Châu Phi và Trung Đông , ngài đang bị điều tra bởi một công tố viên quyết liệt quy cho ngài tội đưa người vào Ý bất hợp pháp. Một số báo chí ở Italia không ngần ngại mô tả ngài như một thứ “ma quỷ”.

Trong một chương trình truyền hình, cha Zerai, cười phá lên trước định mệnh oái oăm này. Ngài nói: “Trước đây, tôi đã không hề xem bản thân mình như một thiên thần và bây giờ tôi không chấp nhận ai đó gọi tôi là ma quỷ. Tôi chỉ là một người bình thường. Khi tôi biết cuộc sống của một người đang gặp nguy hiểm, nghĩa vụ của tôi là cứu họ.”

5. Cuộc khủng hoảng đức tin tại Đức

Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg nói với tờ Register rằng chỉ khi chúng ta đặt Chúa Kitô ở trung tâm và chấm dứt việc chạy theo một “não trạng tâm linh tương đối”, chúng ta mới có thể hiệp nhất Giáo Hội và chấm dứt cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội tại Đức nơi Giáo Hội rất giàu có về vật chất nhưng đang tiếp tục mất đi rất nhiều các tín hữu.

Tháng Bẩy vừa qua, tổng giáo phận Munich và Freising của Đức đã công bố chi tiết tài chính cho thấy tài sản của giáo phận đã tăng gần 92 triệu Euro (tương đương với 110 triệu Mỹ Kim) trong năm tài chính 2015-2016. Tài sản của tổng giáo phận đã lên đến 2.8 tỷ Euro (tức là 3.3 tỷ Mỹ Kim).

Tuy nhiên, trong cùng thời gian này, trên toàn quốc, có 162,093 người Đức rời khỏi Giáo hội Công giáo vào năm ngoái 2016. Chỉ riêng trong tổng giáo phận Munich và Freising, gần 18,000 người Công giáo đã rời khỏi Giáo hội vào năm ngoái và chỉ có 173,000 trong tổng số 1.7 triệu người Công giáo của tổng giáo phận tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.

Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục của Munich và Freising, và chủ tịch hội đồng giám mục Đức, nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo ở Đức là “một lực lượng mạnh mẽ, thông điệp được lắng nghe và chấp nhận.” Theo những số liệu mới nhất, có rất ít người đồng ý với ngài.

6. Liên Hiệp Quốc cảnh báo Kitô hữu có nguy cơ bị diệt chủng tại mỏ Kim Cương Bria

Ít nhất 8 người, bao gồm cả thường dân, đã thiệt mạng và 29 người bị thương trong vụ tấn công mới nhất ở Cộng hòa Trung Phi. Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Trong tuần vừa qua, có nhiều báo cáo về các xung đột xung quanh thị trấn Bria, cách thủ đô Bangui khoảng 450 km về phía đông bắc.”

“Có ít nhất 8 người chết, bao gồm cả thường dân, và 29 người bị thương trong cuộc chiến gần đây” trên đoạn đường từ Bria tới Yalinga.

Bria đã là một trong những chiến trường chủ yếu giữa các nhóm phiến quân Hồi giáo và nhóm dân quân bảo vệ các tín hữu Kitô, gọi tắt là anti-Balaka.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái cho biết Bria nằm ở “trung tâm của mỏ Kim Cương ở phía đông Cộng hòa Trung Phi “ và là nơi thường diễn ra các hoạt động buôn lậu kim cương bất hợp pháp. Các nhóm phiến quân Hồi Giáo muốn chiếm vùng này để kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khống chế khu vực Đông Bắc Cộng hòa Trung Phi.

7. Quân đội Phi Luật Tân tái chiếm được nhà thờ chính tòa Marawi

Tại một cuộc họp báo nhằm thông báo về việc tái chiếm Nhà Thờ Chính Tòa Marawi, Thiếu tướng Carlito Galvez, chỉ huy lực lượng chính phủ ở Marawi, đã bác bỏ các báo cáo của các phương tiện truyền thông Phi Luật Tân nói rằng quân khủng bố Hồi Giáo IS đã đưa Cha Teresito Soganub ra khỏi thành phố này. Ông khẳng định rằng Cha Teresito là Tổng Đại Diện của giáo phận Marawi và một số các tín hữu Công giáo khác bị quân khủng bố Hồi Giáo IS bắt làm con tin vẫn còn sống sau hơn ba tháng bị giam cầm.

Quân đội đã trưng bày các vật phẩm tôn giáo mạ vàng bao gồm chén thánh và thánh giá mà bọn khủng bố đã bỏ lại khi tháo chạy hôm 25 tháng 8.

Một số vật dụng bị hư hỏng khi bọn khủng bố tấn công nhà thờ vào ngày 23 tháng 5, là ngày đầu tiên của cuộc xung đột.

Cô Marilyn Suganob-Ginnivan, em gái của cha Teresito, cho biết gia đình rất vui mừng khi biết tin ngài vẫn còn sống.

“Chúng tôi đang liên tục cầu nguyện cho sự an toàn của ngài và các con tin khác. Xin Chúa cứu họ khỏi cái chết”, cô nói với ucanews.com.

Galevez cho hay, quân đội hy vọng thành phố sẽ trở lại bình thường, vì vùng chiến trận đã thu hẹp xuống chỉ còn “400 đến 600 mét vuông”.

Quân đội cũng cho biết hôm 25 tháng Tám họ đã chiếm lại Nhà thờ Hồi giáo Marawi và Trung tâm Hồi giáo vài tiếng đồng hồ trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte đến thăm các quân nhân.

Những người lính đã tìm thấy một đường hầm bên trong nhà thờ Hồi giáo, nơi quân nổi dậy có thể đã từng sử dụng để cất giữ đạn dược.

8. Nhà nước Trung Quốc phá nhà thờ Công Giáo tại tỉnh Sơn Tây

Nhiều Linh Mục và giáo dân Công Giáo tại Trung Quốc bị thương vì bị các nhân viên công an và côn đồ đánh đập tàn nhẫn khi họ cố gắng bảo vệ một nhà thờ Công Giáo tại tỉnh Sơn Tây.

Nhà cầm quyền tỉnh Sơn Tây ở miền bắc Trung Quốc đã cho xe ủi đến phá nhà thờ có từ 100 năm nay ở làng Vương Thôn thuộc giáo phận Trường Trị để làm quảng trường. Thánh đường này đã bị tịch thu thời Cách Mạng Văn Hóa và được nhà nước trả lại cho Giáo Phận cách đây 10 năm cùng với khu đất chung quanh.

Hàng trăm giáo dân đã bảo vệ thánh đường, họ ngồi trước nhà thờ để ngăn cản việc phá hủy. Họ chia nhau canh nhà thờ ban đêm. Sau một ngày tạm ngưng chính quyền lại cho xe ủi đất tiến hành việc phá hủy nhà thờ.

Ngày 29 tháng 8 năm 2017, khi các công nhân tiến hành công việc, công an nhà nước cho bọn côn đồ tấn công và đánh đập các linh mục và tín hữu ngồi lỳ ở khu vực thánh đường, rồi công an cũng can thiệp. Một số giáo dân bị thương cùng với các Linh Mục Trần Tuấn, Cao Bính Long, Mã Ninh và Thẩm Học Trung. Bọn côn đồ kêu: “Hãy giết mấy ông cha trước!”. Chúng phá hoại nhiều xe của các tín hữu.

9. Phản ứng của giáo quyền địa phương trong vụ phá nhà thờ tại tỉnh Sơn Tây

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong lúc xảy ra vụ hành hung tại nhà thờ Vương Thôn, Ðức Cha Phêrô Ðinh Lệnh Bân Giám Mục giáo phận Trường Trị sở tại đã liên tục nói chuyện với chính quyền địa phương, xin họ ngăn chặn các vụ bạo hành và giải quyết vấn đề. Ðức Cha nhấn mạnh rằng đây không phải chỉ là một vấn đề kinh tế, nhưng còn là một cuộc đàn áp tôn giáo và kỳ thị các tín hữu Công Giáo, chà đạp nhân quyền.

Sáng ngày 30 tháng 8 năm 2017, Ðức Cha Phêrô Ðinh Lệnh Bân Giám Mục giáo phận Trường Trị sở tại đã kêu gọi công lý và tố giác sự trở mặt của chính quyền địa phương, phá nhà thờ và lấy lại khu đất của thánh đường. Ngài kêu gọi nhà nước bồi thường cho các Linh Mục và giáo dân, trả tiền sửa chữa các xe bị phá hư, đồng thời trừng trị những kẻ gây ra bạo lực.

Nếu việc phá hủy nhà thờ tiếp tục, các tín hữu ở địa phương không có nơi nào khác để làm việc thờ phượng.

Một linh mục chua chát nhận xét rằng: “vụ đàn áp và kỳ thị này xảy ra giữa lúc người ta nói Trung Quốc và Tòa Thánh đang đối thoại với nhau!”.

10. Sứ điệp chung của Công Giáo và Chính Thống Giáo nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên năm 2017

Cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 30 tháng 08 năm 2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người hiệp thông cầu nguyện trong “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” – được cử hành vào ngày 1 tháng Chín hằng năm.

Ðức Thánh Cha ngài đã cùng với Ðức Thượng phụ Chính thống Bácthôlômêô soạn thảo một sứ điệp chung.

Ðức Thánh Cha nói: “Chúng tôi mời gọi tất cả mọi người hãy chứng tỏ thái độ tôn trọng và có trách nhiệm đối với Thiên nhiên. Chúng tôi cũng kêu gọi những người đang ở những vị trí có ảnh hưởng hãy lắng nghe tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo, là những người phải gánh chịu nhiều nhất do tình trạng mất cân bằng sinh thái”. 

Sứ điệp chung “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” năm 2017 đã được công bố vào thứ Năm, 31 tháng Tám, vừa qua.

11. Nội dung Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân Ngày cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên.

Ðức Thánh Cha Phanxicô và Ðức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople kêu gọi các tín hữu thay đổi quan niệm về thế giới và lối sống để dấn thân bảo tồn thiên nhiên.

Hai vị Giáo Chủ đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp chung nhân ngày Thế Giới cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên, lần thứ 3 cử hành hôm mùng 1 tháng 9 năm 2017.

Sau khi nhắc đến việc Thiên Chúa mời gọi nhân loại cộng tác với Chúa trong việc gìn giữ và bảo tồn môi trường thiên nhiên (Xc St 2,5), ÐTC và Ðức Thượng Phụ Bácthôlômêô tố giác xu hướng của con người ngày nay phá vỡ hệ thống môi sinh tế nhị và quân bình của thế giới, ước muốn vô độ lèo lái và kiểm soát tài nguyên có giới hạn của trái đất, lòng ham hố thủ lợi vô hạn từ thị trường: tất cả những điều đó đã làm cho chúng ta xa lạ với ý định nguyên thủy của Thiên Chúa khi sáng tạo thế giới.

Sứ điệp có đoạn viết:

“Chúng ta không còn tôn trọng thiên nhiên như hồng ân được ban cho mọi người; trái lại chúng ta coi nó như một sở hữu riêng. Chúng ta không còn tương quan với thiên nhiên để nâng đỡ nó; trái lại chúng ta thống trị trên thiên nhiên để nuôi dưỡng các cơ cấu của chúng ta”.

“Hậu quả của những thái độ trên đây thực là bi thảm và kéo dài. Môi trường con người và thiên nhiên đang cùng nhau suy thoái, và sự suy thoái của trái đất đè nặng trên những người dễ bị tổn thương nhất. Ảnh hưởng của những thay đổi khí hậu tác động nhiều nhất trên những người sống nghèo nàn ở mọi góc trời”.

Trước tình trạng trên đây, Ðức Thánh Cha và Ðức Thượng Phụ Bácthôlômêô mời gọi mọi người trong ngày 1 tháng 9 này dành thời gian để cầu nguyện cho môi trường, cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân thiên nhiên tuyệt vời và dấn thân bảo tồn nó để mưu ích cho các thế hệ tương lai.. Một mục tiêu của ngày cầu nguyện này là thay đổi quan niệm và tương quan của chúng ta về thế giới… can đảm chấp nhận một lối sống đơn sơ và có tinh thần liên đới nhiều hơn”.

Hai vị Giáo Chủ tha thiết kêu gọi những người đang giữ vị trí quan trọng trong lãnh vực xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa hãy lắng nghe tiếng kêu của trái đất và chú ý đến nhu cầu của những người bị gạt ra ngoài lề, và nhất là đáp lại tiếng khẩn xin của bao nhiêu người, hỗ trợ sự đồng thuận chung, để chữa lành thiên nhiên bị tổn thương.

Hai vị nói: “Chúng tôi xác tín rằng không thể có giải pháp chân thực và lâu bền cho thách đố khủng hoảng môi trường và những thay đổi khí hậu nếu không có một câu trả lời có phối hợp và tập thể, nếu không có một trách nhiệm chung và có thể ý thức về những điều đã làm, và nếu không dành ưu tiên cho tình liên đới và phục vụ”.

12. Ý nghĩa đại kết của “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Từ năm 1989, Toà Thượng phụ thành Constantinople đã cử hành một ngày dành cho Thiên nhiên vào ngày 1 tháng Chín, để kỷ niệm một cách tượng trưng công trình Sáng tạo thế giới và để bắt đầu năm phụng vụ Chính Thống Giáo.

Tiếp nối sáng kiến của Giáo hội Chính thống, vào năm 2015, vài tuần sau khi công bố thông điệp Laudato Si’, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” trong Giáo hội Công giáo, cũng được cử hành vào ngày 1 tháng Chín hằng năm.

“Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” được Ðức Thánh Cha công bố qua bức thư gửi Ðức hồng y Peter Turkson, khi ấy là Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, và Ðức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu; trong đó Ðức Thánh Cha giải thích rằng “Ðây là một đóng góp vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái mà nhân loại đang phải đối mặt”.

Ngoài ra, “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” còn mang ý nghĩa đại kết; Ðức Thánh Cha viết: “Việc cử hành Ngày này vào cùng thời gian với Giáo hội Chính Thống, sẽ là một cơ hội quý báu để làm chứng cho sự hiệp thông đang tăng triển giữa các anh chị em Chính Thống và chúng ta”.

“Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” chính là cơ hội để tái khẳng định ơn gọi của người Kitô hữu là quản lý thiên nhiên mà Chúa đã tạo dựng, để tỏ lòng biết ơn về những món quà Chúa đã ban tặng, cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường và xin ơn tha thứ vì tội đã huỷ hoại môi trường.

13. Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo Nam Hàn.

Trong buổi tiếp kiến sáng 2 tháng 9 năm 2017, dành cho 20 vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trước nhiều thách đố xã hội.

Ðức Cha Kim Hỷ Trung, Tổng Giám Mục giáo phận Quang Châu, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Hàn Quốc, đã đại diện mọi người chào mừng Ðức Thánh Cha.

Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh Cha nhắc đến tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Ðồng chung Vatican 2, qua đó “Giáo hội khuyến khích các con cái mình, với sự thận trọng và bác ái ..] nhìn nhận, bảo tồn và làm thăng tiến các giá trị tinh thần, luân lý và xã hội nơi họ” (n.2). Thực vậy, đối thoại liên tôn gồm những tiếp xúc, gặp gỡ và cộng tác, đó là một công tác quí giá và làm đẹp lòng Thiên Chúa, một thác đố nhắm thiện ích chung và hòa bình”.

Ðức Thánh Cha nhắc đến hai điều kiện để thực thi đối thoại liên tôn là cởi mở và tôn trọng nhau. Cởi mở là nồng nhiệt và chân thành; tôn trọng nhau vừa là điều kiện và củng là mục đích của đối thoại liên tôn: thực vậy, chính khi tôn trọng quyền sống, sự toàn vẹn thể lý và các quyền tự do căn bản như tự do lương tâm, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và ngôn luận mà người ta đặt nền tảng cho việc xây dựng hòa bình mà mỗi ngừơi chúng ta đều được kêu gọi cầu nguyện và hành động”.

Ðức Thánh Cha cũng nói với các vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc rằng “Thế giới đang nhìn chúng ta, và khuyến khích chúng ta cộng tác với nhau và với mọi người thiện chí. Họ yêu cầu chúng ta những câu trả lời và dấn thân chung về những vấn đề khác nhau như phẩm giá thánh thiêng của con người, nạn nghèo đói mà quá nhiều dân tộc phải chịu, sự từ khước bạo lực, đặc biệt là bạo lực người ta phạm xúc phạm đến danh Thiên Chúa và lòng đạo đức của con ngươi, nạn tham ô nuôi dưỡng bất công, sự suy thoái luân lý, khủng hoảng gia đình, kinh tế, môi sinh và sau cùng là làm băng hoại cả niềm hy vọng”.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha khích lệ các vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc hoạt động, đồng hành với những tiến trình mang lại sự thiện và hòa giải cho tất cả mọi người. Ngài nói: Chúng ta được kêu gọi trở thanh những người công bố hòa bình, loan báo và thể hiện một lối sống bất bạo động, bằng những lời nói tránh gây sợ hãi và bằng những cử chỉ chống lại những lời cổ võ oán thù”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội Ðồng Giám Mục Ý trước khi lên đường về Roma, Ðức Tổng Giám Mục Kim Hỷ Trung cho biết phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo xin Ðức Giáo Hoàng cầu nguyện cho dân tộc Hàn quốc và trợ giúp để đạt tới sự thống nhất hai miền Bán đảo Triều Tiên.

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng gặp các vị lãnh đạo tôn giáo của Hàn Quốc trong cuộc viếng thăm của ngài tại đây hồi trung tuần tháng 8 năm 2014.

14. Linh mục Mỹ đã đến Bắc Hàn 52 lần e rằng không thể đến được quốc gia này nữa

Cha Gerard Hammond đã đến Bắc Hàn 52 lần, hoặc có thể là 53 lần, nhiều lần quá đến nỗi ngài không thể nhớ chính xác được. Nhưng bây giờ, vị linh mục 84 tuổi của tổng giáo phận Philadelphia sợ rằng ngài sẽ không thể trở lại Bắc Hàn được vì những hạn chế mới có hiệu lực vào thứ Sáu mùng 1 tháng 9.

Cha Gerard Hammond là giám đốc chương trình bác ái dành cho Bắc Hàn của dòng Mary Knoll từ năm 1995 đến nay.

Những hạn chế mới đang tạo ra các khó khăn nghiêm trọng cho các tổ chức viện trợ, các nhà giáo dục và các chuyên viên thể thao.

Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng là một tổ chức tư nhân do Mỹ điều hành, có 10 người mang hộ chiếu Hoa Kỳ đang hoạt động trong khuôn viên nhà trường. Những nhà giáo dục này đang cố gắng tìm cách trở lại Bắc Hàn để tiếp tục giảng dạy trong niên khóa mới, bắt đầu từ thứ Hai 4 tháng 9.

“Công dân Hoa Kỳ làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng đang sốt sắng cầu nguyện và chờ đợi sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao để có thể quay trở lại trường”. Ông Park Chan-mo, là Hiệu trưởng trường đại học này nói. Ông Chan-mo là người Triều Tiên có quốc tịch Mỹ.

Các giới hạn đã được áp đặt sau cái chết của Otto Warmbier, một du khách người Mỹ, hôm tháng Sáu vừa qua sau 17 tháng bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên. Hai người Mỹ gốc Triều Tiên hoạt động tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, cũng như một doanh nhân, hiện đang bị giam tại Triều Tiên.

15. Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân ngày Tòa Thánh tại Expo 2017 ở Astana.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cổ võ việc sử dụng năng lượng trong tinh thần liên đới và trách nhiệm, và ngài mời gọi các tôn giáo cộng tác vào công cuộc này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi các tham dự viên Ngày Tòa Thánh cử hành lúc 3 giờ chiều ngày 2 tháng 9 năm 2017, tại Căn nhà của Tòa Thánh ở cuộc triển lãm Expo 2017 tại Astana thủ đô Kazachstan, về chủ đề “Năng lượng tương lai”, trước sự hiện diện của Ông Kassym-Jomart Tokayev, Chủ tịch Thượng viện Kazachstan, Ðức Hồng Y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, Ðức Cha Tomasz Peta, Tổng Giám Mục giáo phận Astana sở tại, cùng với nhiều quan khách quốc tế.

Trong sứ điệp trong dịp này, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “Chúng ta phải làm sao để năng lượng phục vụ điều làm cho chúng ta tốt đẹp hơn, những gì làm cho nhân loại chúng ta triển nở và mang lại thành quả. Nhân loại, tự bản chất hướng về tương quan với tha nhân, hướng về tình liên đới và tình thương”.

Ðức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng “Không được bỏ mặc các nguồn năng lượng cho những kẻ đầu cơ, và không trở thành nguồn tạo ra xung đột. Ðể đạt tới mục đích đó, cần có đối thoại chân thành và rộng rãi, ở mọi cấp độ, giữa các tầng lớp khác nhau trong các xã hội chúng ta. “Năng lượng tương lai” không phải chỉ là công việc của các nhà nghiên cứu, các kỹ thuật gia hoặc các nhà đầu tư, nhưng còn là công tác của giới văn hóa, chính trị, giáo dục và tôn giáo. Trong mục đích này, ÐTC đặc biệt cổ võ sự đối thoại và cộng tác giữa các tôn giáo.. Ðiều quan trọng là mỗi người khám phá trong tín ngưỡng của mình, những động lực và các nguyên tắc làm cho sự dân của tín hữu có thể thực hiện được và có can đảm cải tiến, kiên trì và sống với nhau, sống tình huynh đệ”.

Căn nhà của Tòa Thánh ở Expo 2017 mang chủ đề “Năng lượng phục vụ công ích: chăm sóc căn nhà chung của chúng ta”.

Ðức Hồng Y Turkson là Ủy viên về Căn nhà của Tòa Thánh tại cuộc triển lãm này. Ngài hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh đến Astana từ ngày 31 tháng 8 đến 4 tháng 9 năm 2017. Cùng thuộc phái đoàn Tòa Thánh Ðức Tổng Giám Mục Francis Chullikatt, người Ấn độ, sứ thần Tòa Thánh tại Kazachstan, các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương, và như một số nhân viên của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

3-11-2024 3-27-45 PM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần XXXI Mùa Thường Niên 04/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN