Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/03/2018: Kinh cầu Đức Bà cứu nữ tu Damascus thoát chết trong gang tấc

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/03/2018: Kinh cầu Đức Bà cứu nữ tu Damascus thoát chết trong gang tấc

 

1. Kinh cầu Đức Bà cứu các nữ tu Damascus thoát chết trong gang tấc

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây được thu hình vào ngày Chúa Nhật Giáng Sinh 25 tháng 12 năm 2016 khi tổng thống Syria là ông Bashar Al-Assad, cùng với vợ và các con đến thăm một ngôi làng Kitô giáo lâu đời tại Saydnaya, một vùng ven ở phía Bắc thủ đô Damascus. 

Đây là những thời khắc thanh bình nhất của vùng này. Chẳng may, là trong vòng chỉ mới hơn một năm tình hình đã xấu đi rất nhanh.

Cuộc chiến tại Syria đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ trong suốt 7 năm qua. Từ đầu năm nay, chiến sự chung quanh thủ đô Damascus đã bùng lên dữ dội. Chẳng hạn như tại quận Đông Ghouta, nơi phiến quân dùng làm cứ điểm bắn hoả tiễn vào thủ đô Damascus, máy bay Nga và Syria đã ném bom vào cả thường dân vô tội trong một cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công của các nhóm phiến quân. Tính cho đến ngày 23 tháng Hai vừa qua, Liên Hiệp Quốc ước tính ít nhất đã có 541 thường dân vô tội bị thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Trong báo cáo đưa ra hôm 8 tháng Hai, Caritas Syria cho biết: “Hơn 200 quả đạn pháo đã rơi vào các khu phố phía đông của Damascus, khiến 28 người chết và 90 người bị thương. Các cuộc tấn công vẫn đang tiếp diễn” 

Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, trong báo cáo hôm 22 tháng Hai cho biết thêm như sau: “Đạn pháo rơi dữ dội vào tu viện của nữ tu Annie Demerjian. Bà và những người khác trong tu viện đã thoát chết trong gang tấc. Quả bích kích pháo rơi trúng chỗ trú ẩn cùa họ nhưng không nổ.”

Nữ tu Annie nói: “Hôm qua, tức là ngày 21 tháng Hai, cảnh tượng ở đây giống như địa ngục. Hoả tiễn rơi xuống như mưa. Người bị thương nằm la liệt. Các sinh viên đang trốn trong tu viện và các nữ tu chúng tôi khiêng họ xuống hầm trong khi không ngớt đọc kinh cầu Đức Bà. Một trái hỏa tiễn rơi đúng vào căn hầm chúng tôi. May mắn, nó không nổ. Nó nổ có lẽ chúng tôi chết hết. Thật đúng là Đức Bà phù hộ các tín hữu.”

Cha Andrzej Halemba thành viên Caritas địa phương nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ:

“Bạo động đang gia tăng vì các nhóm liên quan đến al-Qaida muốn chiếm một căn cứ quân sự then chốt ở vùng này. Căn cứ này, được gọi là ‘Căn cứ ô tô’, chứa nhiều binh lính, quân xa cũng như các kho vũ khí lớn.” 

“Hãy cầu nguyện cho chúng tôi ở Syria”, cha Andrzej Halemba nói.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cuộc chiến tại Syria trong những ngày này vẫn đang hết sức ác liệt. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị em trong đức tin của chúng ta.

Ðức Bà yên ủi kẻ âu lo. Cầu cho chúng con.

Ðức Bà phù hộ các giáo hữu. Cầu cho chúng con.

2. Đức Hồng Y Gerhard Müller chỉ trích tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Đức mở đường cho người Tin Lành được rước lễ

Đức Hồng Y Gerhard Müller đã chỉ trích tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Đức đưa ra sau phiên khoáng đại Mùa Xuân, diễn ra từ 19 tháng Hai vừa qua, trong đó mở ra khả thể Rước Lễ cho những người phối ngẫu Tin Lành trong những tình huống nhất định.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Die Tagespost, Đức Hồng Y người Đức nói rằng các giám mục đồng hương của ngài đã diễn dịch sai bộ Giáo Luật và cảnh báo các vị chớ có đưa ra những tuyên bố mơ hồ khi chính thức công bố tài liệu này.

Các Giám Mục Đức ủng hộ đề nghị mới này đã viện dẫn Điều 844 triệt 4 trong bộ Giáo Luật, theo đó:

“Trong trường hợp nguy tử hoặc nếu, theo sự nhận định của Giám Mục giáo phận hay của Hội đồng Giám Mục, có một nhu cầu quan trọng khác thúc bách, các thừa tác viên Công Giáo có thể ban cách hợp thức các bí tích trên cho cả những Kitô hữu khác không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, khi họ không thể đến được với một thừa tác viên của cộng đoàn mình và khi họ tự ý xin điều đó, miễn là họ biểu lộ đức tin Công Giáo về các bí tích ấy, và miễn là họ đã được chuẩn bị đầy đủ”

Theo Đức Hồng Y Gerhard Müller, khoản Giáo Luật này chỉ cho phép người theo đạo Tin Lành được rước lễ trong những “hoàn cảnh nghiêm trọng” cụ thể. Một người Tin Lành kết hôn với một người Công Giáo không thể xem là một trường hợp “nguy tử” đến tình mạng, cũng chẳng phải là “một tính huống nghiêm trọng khẩn cấp”.

Ngài nói: “Cả Đức Giáo Hoàng lẫn các Giám mục đều không thể tái định nghĩa các bí tích như một phương tiện để giảm bớt những căng thẳng tinh thần và thỏa mãn các nhu cầu tâm linh. Các bí tích là những dấu chỉ cho thấy hiệu quả của ân sủng Thiên Chúa.”

“Chúng ta tôn trọng thiện chí và niềm tin của các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác, nhưng chúng ta cũng mong đợi đức tin của chúng ta được công nhận như một biểu hiện của niềm tin chúng ta chứ không thể bị xem là một sản phẩm của sự cứng đầu hay một quan điểm ‘bảo thủ’”.

Đức Hồng Y Müller nói rằng thuật ngữ “trong những tình huống nhất định” ngày nay đang được ra sức sử dụng như một chiêu bài trí trá nhằm mở đường cho đủ các loại tháo thứ.

Ngài nói: “Hầu hết các tín hữu không phải là những nhà thần học có một cái nhìn rất chung chung về vấn đề này.”

“Vì thế, những lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục về việc nhận lãnh các bí tích phải được chuẩn bị thật rõ ràng để cho thấy các bí tích là dành cho ơn cứu rỗi nhân loại. Chúa Kitô đã không thiết lập Huấn quyền để mở ra các tiến trình dẫn đến sự lầm lạc”

Ngài cảnh báo rằng nếu các Giám Mục áp dụng “quá lỏng lẻo” các nguyên tắc thần học liên quan đến Bí Tích Thánh Thể, họ sẽ thấy “những hậu quả không mong muốn khác”.

Phát biểu tuần trước, Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, thừa nhận tài liệu này không thể thay đổi tín lý Công Giáo, nhưng thay vào đó nó sẽ là hướng dẫn cho các giám mục địa phương.

3. Cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa tại Vatican với chủ đề “Nơi Chúa có ơn tha thứ”.

Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ sẽ được cử hành tại Rôma vào chiều ngày thứ Sáu 9 tháng Ba, tức là thứ Sáu sau Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay. Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Phụng Vụ Sám Hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 5h chiều, với nghi thức thống hối chung, xưng tội và lãnh ơn xá giải cá nhân, tại Đền thờ Thánh Phêrô. 

Đức Thánh Cha, các Hồng Y, một số đông các Giám Mục và linh mục sẽ ngồi tòa giải tội trong dịp này.

Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ năm nay có chủ đề là “Nơi Chúa có ơn tha thứ”.

Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, 2018, Đức Thánh Cha viết:

“Một trong những khoảnh khắc của ân sủng đó lại một lần nữa xảy đến trong năm nay là sáng kiến ‘24 Giờ cho Chúa’, trong đó mời gọi toàn thể cộng đồng Hội Thánh hãy cử hành bí tích Hòa Giải trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể. Trong năm 2018 này, lấy cảm hứng từ những lời của Thánh Vịnh 130 câu 4, ‘Nơi Chúa có ơn tha thứ’, biến cố này sẽ diễn ra từ Thứ Sáu, 9 Tháng 3 đến Thứ Bẩy, 10 Tháng 3. Trong mỗi giáo phận, ít nhất có một nhà thờ mở cửa liên tục trong hai mươi bốn tiếng, để tạo cơ hội cho cả việc tôn thờ Thánh Thể lẫn bí tích Hoà Giải.”

Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã giải thích về ý nghĩa cuả sáng kiến này và thời gian cử hành như sau:

“Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa,’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.”

4. Đức Tổng Giám Mục Scicluna kết thúc cuộc điều tra tại Chí Lợi

Nhà điều tra tội phạm tình dục của Vatican đã kết thúc sứ mệnh của mình tại Chí Lợi, và các viên chức Công Giáo nói rằng ngài có kế hoạch trình lên Đức Thánh Cha một báo cáo về Đức Cha Juan Barros là vị bị cáo buộc là đã lờ đi những lạm dụng tính dục của một linh mục khét tiếng tại Chí Lợi.

Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna kết thúc chuyến viếng thăm của ngài hôm thứ Tư với một thông điệp thể hiện lòng biết ơn đối với “sự chào đón của người Chí Lợi”.

Lời tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Đức Tổng Giám Mục Scicluna phỏng vấn một số nạn nhân bị các thành viên của dòng Marist lạm dụng. Điều này cho thấy nhiệm vụ của ngài đã được mở rộng ra bên ngoài cuộc điều tra về Đức Cha Juan Barros của giáo phận Osorno.

Các nạn nhân của linh mục ấu dâm Fernando Karadima đã nói rằng như Đức Cha Barros, lúc còn là một linh mục đã chứng kiến những vụ lạm dụng này nhưng không báo cáo. Đức Cha Barros, trong một cuộc gặp gỡ với phái đoàn điều tra của Đức Tổng Giám Mục Scicluna, đã phủ nhận điều đó.

5. Đức Thánh Cha và các Hồng Y cố vấn bàn về khả thể thiết lập các tòa án khu vực trên thế giới để xử các vụ lạm dụng tính dục

Ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha và các Hồng Y cố vấn đã bàn về khả thể thiết lập các tòa án miền trên thế giới để xét xử các vụ lạm dụng tính dục. Ông nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha và các Hồng Y cố vấn của ngài đang xem xét việc phân cấp vai trò của Bộ Giáo lý Đức tin trong việc thụ lý các trường hợp như thế, nhưng sẽ không giảm bớt quyền lực của Bộ này.

“Tôi có thể nói đây là một trong những lựa chọn. Chính Đức Giáo Hoàng đã nói về điều này trong một cuộc họp báo trước đây” ông Burke nói với các nhà báo hôm 28 tháng Hai.

Hội đồng Hồng Y, thường được gọi là C9, đã tổ chức cuộc họp đầu tiên trong năm 2018 từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 2 cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha đã chỉ định các thành viên hội đồng Hồng Y cách đây 5 năm để cố vấn cho ngài về việc cải cách Giáo triều Rôma và về quản trị Giáo Hội.

Trong chuyến bay về Rome sau chuyến hành hương của ngài đến Fatima hồi tháng 5 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các phóng viên về khả năng thiết lập các tòa án khu vực. Theo Đức Thánh Cha, “nhiều trường hợp đã bị trì hoãn vì hồ sơ chồng chất.” Ngài nói thêm các cuộc thảo luận về các tòa án khu vực đang “trong giai đoạn quy hoạch.”

6. Đức Hồng Y Sarah lo ngại hàng giáo sĩ cao cấp đang cố gắng thay đổi luân lý Kitô

Đức Hồng Y Robert Sarah bày tỏ âu lo rằng một số giáo sĩ cao cấp đang xói mòn giáo huấn của Giáo Hội về sự sống, hôn nhân và gia đình.

Trong một bài phát biểu tại Bỉ, Đức Hồng Y đã cáo buộc các vị lãnh đạo cao cấp từ “các quốc gia giàu sang” đang cố gắng sửa đổi luân lý Kitô. Ngài cũng tấn công các nhóm gây áp lực “với những phương tiện tài chính và các quan hệ gắn bó với các phương tiện truyền thông, đang tấn công vào mục đích tự nhiên của hôn nhân, và dấn thân vào việc phá hủy đơn vị gia đình”.

Tờ La Nuova Bussola Quotidiana của Ý tường thuật rằng Đức Hồng Y Sarah đã đưa ra nhận xét trên trước mặt một số giáo sĩ cao cấp trong Giáo Hội Bỉ, trong đó có Đức Hồng Y Josef De Kesel, Sứ thần Tòa Thánh và Tu Viện Trưởng Philippe Mawet, là người mà mấy ngày trước đó đã lên tiếng chỉ trích Đức Hồng Y Sarah trên tờ Libre Belgique.

Đức Hồng Y nói:

“Một số quan chức cao cấp, nhất là những người đến từ các quốc gia giàu sang, đang ra sức tạo ra các thay đổi trong luân lý Kitô liên quan đến sự tôn trọng tuyệt đối sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên, vấn đề ly dị và tái hôn dân sự, và các tình huống khó khăn khác của các gia đình. Tuy nhiên, những ‘người bảo vệ đức tin’ này chớ quên đi thực tế là vấn đề đặt ra bởi sự phân rẽ trong các kết thúc hôn nhân thực chất là một vấn đề về đạo đức tự nhiên.”

Đức Hồng Y Sarah nhấn mạnh rằng:

“Những sai lạc to lớn đã trở nên tỏ tường khi một số giáo sĩ và các nhà trí thức Công Giáo bắt đầu nói hoặc viết về khả thể ‘bật đèn xanh cho phá thai’, ‘bật đèn xanh cho an tử’. Giờ đây, từ lúc những người Công Giáo từ bỏ giáo lý của Chúa Giêsu và Huấn Quyền của Giáo Hội, họ đang góp sức cho sự tàn phá định chế tự nhiên của hôn nhân và gia đình, và giờ đây toàn thề gia đình nhân loại thấy mình bị phân rẽ bởi chính sự phản bội mới này của hàng tư tế.”

Trong chuyến viếng thăm Bỉ, Đức Hồng Y Sarah cũng đã đưa ra một cuộc phỏng vấn với tờ Cathobel của Công Giáo Bỉ trong đó ngài lặp lại những lời chỉ trích này.

Ngài nói:

“Đức tin đã thiếu vắng, không chỉ ở cấp độ dân Chúa, mà còn cả trong hàng ngũ những người có trách nhiệm đối với Giáo Hội. Đôi khi chúng ta có thể tự hỏi liệu chúng ta thực sự có đức tin hay không?”

Ngài cảnh cáo việc thiếu đức tin sẽ có những ảnh hưởng rộng hơn đến nền văn hoá.

“Phương Tây không chỉ đánh mất đi linh hồn của mình, nhưng nó còn đang tự sát, bởi vì một cái cây mà không có gốc rễ sẽ bị lên án chết. Tôi nghĩ rằng phương Tây không thể từ bỏ căn cội của mình, là điều tạo ra văn hoá và các giá trị của nó.”

Đức Hồng Y nói rằng “những điều lạnh xương sống” đã xảy ra ở phương Tây, và các quốc gia này lại xuất khẩu những thứ đó sang các nước đang phát triển.

“Tôi nghĩ rằng một quốc hội cho phép giết chết một đứa trẻ vô tội, vô phương tự vệ, đang phạm vào một hành vi bạo lực nghiêm trọng chống lại con người.”

“Khi phá thai được áp đặt, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển, buộc họ phải chấp nhận phá thai nếu không thì không nhận được viện trợ, thì đó là một hành vi bạo lực. Và đừng ngạc nhiên rằng khi người ta từ bỏ Thiên Chúa, người ta cũng bỏ rơi con người; và đánh mất đi một tầm nhìn rõ ràng về con người. Đây là cuộc khủng hoảng nhân chủng học vĩ đại ở phương Tây. Và nó dẫn tới tình cảnh con người bị đối xử như những vật thể.”

7. Cung hiến nhà thờ chính tòa mới nhất nước Mỹ

Hôm 3 tháng Ba, giáo phận Knoxville đã khánh thành ngôi thánh đường mới nhất của Hoa Kỳ trong một thánh lễ đặc biệt kéo dài gần 4 giờ, trong đó hàng giáo sĩ và giáo dân vui mừng không chỉ vì có ngôi thánh đường lộng lẫy mới tinh nhưng còn vì sự phát triển vượt bậc của Giáo Hội ở miền Nam Hoa Kỳ.

Mở đầu buổi lễ, Đức Giám Mục Richard Stika đã chào mừng hàng ngàn người tham dự buổi lễ, ngài xoa tay nói về kỳ công này như sau: “Hay quá, chúng ta đã thực hiện được.”

Năm vị Hồng Y, 21 giám mục, hơn 100 linh mục, 58 phó tế, và 39 tu sĩ nam nữ đã tham dự thánh lễ cùng với hàng ngàn người Công Giáo ở miền Đông Tennessee.

Nghi lễ cung hiến có sự tham dự của các tu sĩ và giáo dân từ khắp nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ, và thậm chí từ nhiều nước khác trên thế giới.

Các vị Hồng Y có mặt bao gồm: Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, Tổng giám mục đã nghỉ hưu của Krakow, Ba Lan và đã từng là thư ký riêng lâu năm của Đức Gioan Phaolô II; Đức Hồng Y William Levada, Tổng trưởng về hưu của Bộ Giáo lý Đức tin; Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York; Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ; và Đức Hồng Y Justin Rigali, Tổng giám mục Philadelphia và cũng từng là một cư dân Knoxville. Bên cạnh đó còn có Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ.

Giáo phận Knoxville thuộc giáo tỉnh Louisville. Cả bảy giám mục trong giáo tỉnh đã tham dự. 

Đức Hồng Y Dziwisz đã làm phép bức tượng của Thánh Gioan Phaolô, là vị thánh đồng bảo trợ của Giáo phận Knoxville, tại lễ cung hiến nhà thờ mới. Đức Hồng Y Ba Lan cũng tặng hai di tích của vị thánh cho giáo phận, bao gồm một dây stola mà Thánh Gioan Phaolô thường sử dụng.

8. Bất ngờ: Tổng thống Á Căn Đình kêu gọi Quốc Hội nước này thảo luận về việc hợp pháp hóa phá thai

Trong bài nói chuyện về tình hình quốc gia hôm thứ Năm 1 tháng Ba, tổng thống Á Căn Đình là ông Mauricio Macri đã lên tiếng kêu gọi Quốc Hội nước này thảo luận về việc hợp pháp hóa phá thai, và việc này phải được hoàn tất trước năm 2018 này.

Ông nói: “Trong 35 năm qua, chúng ta đã trì hoãn một cuộc thảo luận tế nhị mà một xã hội phải có. Đó là vấn đề phá thai. Như tôi đã từng nói hơn một lần, tôi là người phò sinh, nhưng tôi cũng ủng hộ những cuộc thảo luận trưởng thành và có trách nhiệm mà Á Căn Đình cần phải có”

Phá thai là một chủ đề gây tranh cãi tại quốc gia có tiếng là tôn trọng truyền thống này. Hiện nay phá thai chỉ được phép nếu như việc mang thai đe dọa mạng sống người mẹ, hay cái thai là kết quả của một vụ hiếp dâm.

Ông Mauricio Macri, sinh năm 1959, là một người Công Giáo, từng theo học tại Đại Học Giáo Hoàng Á Căn Đình. Cũng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ông là người Á Căn Đình, gốc Ý. Ông Mauricio Macri là con của Francisco Macri là người giàu có nhất Á Căn Đình.

Mauricio Macri đã làm tổng thống nước này từ ngày 10 tháng 12 năm 2015. 

Trong 6 chuyến tông du Nam Mỹ, Đức Thánh Cha vẫn chưa về thăm cố hương.

9. Lễ hội Purim của người Do Thái tại Giêrusalem

Vụ đóng cửa Đền Thờ Mộ Thánh tại Giêrusalem đã khiến thế giới chú ý nhiều hơn đến những sinh hoạt tại Thành Thánh Giêrusalem trong những ngày gần lễ Phục sinh. Trong bối cảnh đó, thông tấn xã AFP đã ghi lại hình ảnh người Do Thái cử hành lễ kỷ niệm Purim với những người say rượu nằm lăn quay ra giữa đường.

Hôm thứ Sáu 2 tháng Ba, những người Do Thái Chính Thống cực đoan đã tổ chức lễ kỷ niệm Purim tại khu trung tâm Mea Shearim của Giêrusalem. 

Lễ hội Purim kỷ niệm việc đánh bại một âm mưu tận diệt người Do Thái tại Đế Quốc Ba Tư cổ. Lễ hội bao gồm các các cuộc diễn hành, các bữa tiệc với các kiểu trang phục, và uống rượu say túy lúy để tưởng niệm việc đánh bại âm mưu tiêu diệt người Do Thái của quan cận thần Haman 2,500 năm trước, như đã được ghi trong Sách Ette của Cựu Ước.

Ông Haman được lòng vua Asuêrô sau khi phát hiện một âm mưu giết nhà vua. Với lòng ganh ghét người Do Thái, ông thưa với vua Asuêrô: “Trong khắp các miền thuộc vương quốc của đức vua, có một dân sống tản mác, rải rác đó đây giữa các dân. Luật lệ của chúng không giống như luật lệ của bất cứ dân nào khác. Luật lệ của đức vua, chúng chẳng tuân chẳng giữ. Quyền lợi của đức vua không cho phép để chúng yên như vậy. Nếu đẹp lòng đức vua, thì xin đức vua cho viết sắc lệnh tru diệt chúng. Thần xin cân ba trăm ngàn ký bạc trao cho công chức đem vào kho bạc của đức vua.”

Vua nói với ông Haman: “Ta tặng khanh số bạc đó, trao cho khanh cả dân tộc đó nữa. Khanh muốn làm gì chúng thì làm.”

Nhưng hoàng hậu Ette lựa lúc thuận tiện khuyên can vua, và vua đã treo cổ Haman. Khi tình thế đã lật ngược lại, ngày mười ba tháng thứ mười hai, tức là tháng Ađa, người Do Thái tụ họp lại trong các thành của họ để tra tay hại những kẻ mưu giết họ. Không ai dám đương đầu với họ, vì các dân đều khiếp sợ người Do Thái. Ngày ấy được gọi là ngày Purim.

10. Một Giám Mục Ái Nhĩ Lan phải từ chức vì đã cử hành lễ an táng cho một linh mục phạm tội lạm dụng tính dục

Trong tuyên bố đưa ra hôm 1 tháng Ba, Đức Cha John McAreavey của giáo phận Dromore đã tuyên bố từ chức, và việc từ chức của ngài có hiệu lực thi hành ngay lập tức.

Việc từ chức của ngài khiến nhiều người đau buồn thương tiếc, nhiều người ngỡ ngàng hoang mang vì mất đi một mục tử thánh thiện và tận tụy với đàn chiên.

Giáo phận Dromore bao gồm các quận hạt Antrim, Armagh và Down ở miền Bắc Ái Nhĩ Lan.

Đức Cha John McAreavey đã phải từ chức sau một chương trình trên đài BBC nói về một linh mục đã lạm dụng tình dục và đã qua đời. Các nạn nhân nói rằng họ rất “phản cảm” khi thấy Đức Cha McAreavey chủ sự thánh lễ an táng cho linh mục này 15 năm trước đó, mặc dù những vụ lạm dụng, và những lời cáo buộc đã diễn ra từ lâu trước khi ngài làm Giám Mục.

Trong một tuyên bố đưa ra ngay sau đó, Đức Cha McAreavey đã lên án hành động của của linh mục này là “đáng ghê tởm, không thể nào biện minh được.” Ngài cũng nói rằng việc ngài chủ sự thánh lễ an táng 15 năm trước đây cho Finnegan là một “sai lầm”.

Tuy nhiên, một số cha mẹ của các trẻ em sắp được chịu phép thêm sức nói họ không muốn thấy ngài ban phép thêm sức cho con họ. Đức Cha McAreavey đã có cuộc gặp gỡ với những người này.

Thông báo của giáo phận Dromore, sau cuộc gặp gỡ này, cho biết: 

“Đức Giám Mục đã gặp các bậc cha mẹ này, cùng với vị giám đốc ủy ban bảo vệ trẻ em của giáo phận và một vị cố vấn của giáo phận. Vị cố vấn đã chủ trì buổi họp. Các bậc phụ huynh bày tỏ sự lo ngại của họ về buổi lễ ban phép thêm sức năm nay sau khi chương trình Spotlight được phát hình.”

Thông báo cũng cho biết Đức Cha McAreavey “đã nói rõ rằng ngài hiểu quan điểm của họ và rằng ngài không muốn là một chướng ngại vật đối với mong muốn của họ vào thời điểm của buổi lễ.”

Ngày 1 tháng Ba, Đức Cha McAreavey tuyên bố từ chức và việc từ chức của ngài có “hiệu lực thi hành ngay lập tức”.

Ngài nói: “Báo cáo của các phương tiện truyền thông đã gây ra xáo trộn và khó chịu cho nhiều người trong và ngoài giáo phận, vì thế tôi đã quyết định từ chức với hiệu lực ngay lập tức. Tôi sẽ không đưa ra lời bình luận nào thêm.”

11. Putin thông báo Nga có hỏa tiễn bắn tới bất cứ nơi nào trên thế giới.

Theo phóng viên đài BBC, trong một bài phát biểu quốc gia kéo dài hai tiếng đồng hồ trước cuộc họp chung của lưỡng viện Quốc Hội Nga, ông Putin đã nêu bật những vũ khí hạt nhân mới, bao gồm một hỏa tiễn xuyên lục địa và một chiếc tàu ngầm dưới biển không người lái.

Đặc biệt quan tâm là “tên lửa bay thấp, khó phát hiện với một trọng tải của đầu đạn hạt nhân gần như không giới hạn và một đường bay không thể đoán trước, có thể vượt qua các tuyến đánh chặn và có thể coi là bất khả chiến bại khi đối mặt với tất cả các hệ thống phòng thủ chống tên lửa và phòng không hiện tại và tương lai”. 

Putin nói rằng Nga giờ đây có một vũ khí có thể bay “như một thiên thạch” nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh. Với tốc độ quá nhanh như thế, ông Puin cho rằng một cách thực tiễn “nó không thể bị ngăn chặn” 

Tuy nhiên, theo thông tấn xã RT của Nga, ông Putin nói sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân “chỉ để đáp trả lại một cuộc tấn công hạt nhân hoặc một cuộc tấn công của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga hay các đồng minh của Nga, hoặc một cuộc tấn công quy ước chống lại chính sự tồn tại của nhà nước Nga”. Ông đã so sánh chính sách của nước ông với một học thuyết hạt nhân đang nổi lên dưới sự thời của ông Trump mà ông cho rằng sẽ làm gia tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Putin, người dự kiến sẽ giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là tổng thống Nga trong cuộc bầu cử quốc gia ngày 18 tháng 3 tới đây, đã tập trung vào một số chủ đề về chính sách đối ngoại trong bài phát biểu hôm thứ Năm. Ông hứa sẽ làm cầu nối với bán đảo Crimea. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea lấy của Ukraine vào lãnh thổ mình năm 2014, và hỗ trợ cuộc nổi dậy ở Đông Ukraine làm ít nhất 8,000 người chết trong cố gắng thôn tính luôn Ukraine.

Các hoạt động quân sự của Nga ở Syria đã cho thấy khả năng quốc phòng của Nga đã gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Nga đã tham gia vào cuộc xung đột Syria vào năm 2015, giúp Damascus vào thời điểm quân nổi dậy người Syria sắp giành được chiến thắng trong việc lật đổ chế độ Bashar al-Assad.

12. Hai Kitô hữu Indonesia bị đánh đòn trước công chúng chỉ vì chơi game trên máy điện toán

Hai Kitô hữu Indonesia bị đánh đòn trước công chúng trên đường phố của Aceh, Indonesia, sau khi chơi game arcade của trẻ em. Arcade là một trò chơi dành cho trẻ em có sẵn trên máy tính cài đặt hệ điều hành Windows. Trò chơi giải trí dành cho trẻ em này có từ rất lâu nhưng theo luật Sharia, đây được xem là cờ bạc, là một tội ác vì người chơi có thể phân định hơn thua tùy theo số điểm đạt được.

Dahlan Silitonga, 61 tuổi, bị quất tới 6 roi; còn Tjia Nyuk Hwa, 45 tuổi, đã bị đánh 7 roi. Một người đàn ông khác, không rõ danh tính, cũng bị đánh tới 19 roi vì chơi game arcade. Hai vợ chồng kia cũng bị đánh mỗi người hai chục roi về tội “có cử chỉ âu yếm nơi công cộng”.

Đám đông khoảng 300 người chứng kiến việc đánh đòn này với những tiếng reo hò khoái trá hả hê và những lời chế diễu các nạn nhân.

Aceh là tỉnh duy nhất ở Nam Dương, nước có đông người Hồi giáo nhất thế giới, áp đặt luật Sharia của Hồi giáo. 

Thị trưởng Aceh là Aminullah Usman giải thích với tờ Guardian về việc đánh đòn này như sau:

“Điều này là để tạo ra một hiệu ứng ngăn chặn, để không ai dám vi phạm luật Hồi giáo nữa. Chúng tôi cố tình làm điều đó trước mặt công chúng … để nó sẽ không xảy ra nữa.” 

Luật Sharia được đưa ra trong khu vực vào năm 2001 như là một phần trong thỏa thuận với chính quyền trung ương nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy của người Hồi Giáo trong khu vực. 

Từ khi luật này được áp dụng, con số các Kitô hữu, kể cả hai người mới vừa bị đánh, chỉ là một con số nhỏ so với những người Hồi Giáo bị chi phối bởi luật này. 

Những người không phải là người Hồi giáo vi phạm luật Shia có quyền lựa chọn hoặc là ra tòa hoặc là bị đánh đập công khai. Nhiều người chọn bị đánh công khai hơn là phải chịu một phiên tòa kéo dài và tốn kém.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …