Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/03 -13/03/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/03 -13/03/2014

1. Đức Thánh Cha gặp hàng giáo sĩ Roma: kêu gọi thực thi lòng từ bi

Trong buổi gặp gỡ các linh mục Roma sáng thứ Năm mùng 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhắc nhở các vị thể hiện lòng từ bi đối với các tín hữu, đặc biệt qua bí tích Hòa Giải.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục có Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma, 9 Giám Mục phụ tá, và khoảng một ngàn linh mục và phó tế phục vụ trong 330 giáo xứ thuộc giáo phận Roma.

Trong bài suy niệm sau bài đọc Tin Mừng theo thánh Matheo kể lại sự kiện Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi thấy con người mệt mỏi và kiệt lực như đoàn chiên không có mục tử chăm sóc, Đức Thánh Cha gợi lại sứ điệp về lòng từ bi thương xót của Chúa mà thánh nữ Faustina truyền bá và nói rằng: “Trong tư cách là các thừa tác viên của Giáo Hội, chúng ta có nhiệm vụ giữ cho sứ điệp về lòng từ bi thương xót của Chúa được luôn sinh động, nhất là trong các bài giảng, các cử chỉ và dấu hiệu, các quyết định mục vụ, ví dụ trả lại sự ưu tiên cho bí tích Hòa Giải và đồng thời cho các việc bác ái từ bi”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Chúa Giêsu đã có tấm lòng của Thiên Chúa, nghĩa là đầy dịu dàng đối với dân chúng, nhất là những người bị loại bỏ, các tội nhân, những bệnh nhân không ai chăm sóc.. Vì thế, theo hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành, linh mục là người từ bi và thương xót, gần gũi dân chúng và phục vụ tất cả mọi người. Bất cứ ai bị thương tổn trong cuộc sống một cách nào đó, có thể tìm thấy nơi vị linh mục sự quan tâm và lắng nghe. Đặc biệt, linh mục chứng tỏ lòng từ bi qua việc ban bí tích Hòa Giải; biểu lộ tâm tình ấy trong thái độ, trong cách thức đón nhận, lắng nghe, khuyên bảo và ban phép xá giải.”

Đức Thánh Cha cảnh giác và phê bình những linh mục “được khử trùng”, lãnh đạm, những linh mục “phòng thí nghiệm”, họ không giúp đỡ Giáo Hội. Ngài nói: chúng ta có thể nghĩ Giáo Hội ngày nay như một bệnh viện dã chiến săn sóc những người bị thương. Và có bao nhiêu người bị thương vì những vấn đề vật chất, vì những gương mù gương xấu, kể cả trong Giáo Hội, những người bị thương vì những ảo tưởng của trần thế”.

Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục đề phòng tránh hai thái độ lỏng lẻo và ngặt nghèo. Ngài nói: “Giữa các cha giải tội, có những cách thức khác biệt, đó là điều bình thương, nhưng không thể có sự khác biệt về nòng cốt, nghĩa là về đạo lý luân lý lành mạnh và lòng từ bi. Thái độ lỏng lẻo cũng như thái độ ngặt nghèo đều không làm chứng về Chúa Giêsu Kitô, và cũng chẳng nâng đỡ những người mà chúng ta gặp”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng “Những người ngặt nghèo đóng đinh con người vào luật lệ được hiểu một cách lạnh lùng và cứng nhắc. Trái lại, những người lỏng lẻo chỉ có vẻ bề ngoài là từ bi, nhưng thực tế họ không coi trọng vấn đề lương tâm, và coi nhẹ tội lỗi.”

“Linh mục nào thực sự có lòng từ bi thương xót thì phải hành động như người Samaritano nhân lành, vì con tim của linh mục ấy có khả năng cảm thương, đó là con tim của Chúa Kitô. Chúng ta biết rõ rằng thái độ lỏng lẻo cũng như thái độ ngặt nghèo đều không làm gia tăng sự thánh thiện. Trái lại lòng từ bi tháp tùng và làm gia tăng hành trình thánh thiện”. Sau cùng, ngài mời gọi các linh mục xét mình xem mình có lòng từ bi, cảm thông với dân chúng, về đời sống cầu nguyện: Ban tối, cha kết thúc mỗi ngày như thế nào? Với Chúa hay với máy truyền hình?

2. Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô

Trong buổi tiếp kiến phái đoàn Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô sáng thứ Sáu mùng 7 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã đề cao tầm quan trọng của các hoạt động đại kết và kêu gọi đẩy mạnh các hoạt động cộng tác giữa các tín hữu Kitô.

Hội đồng đại kết được thành lập năm 1948 tại Hòa Lan và hiện có trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ, qui tụ 349 Giáo Hội Kitô không Công Giáo với khoảng 500 triệu tín hữu trên thế giới. Giáo Hội Công Giáo không phải là thành viên, nhưng từ lâu vẫn cộng tác với Hội đồng đại kết.

Phái đoàn Hội đồng Đại kết do Mục Sư Tổng thư ký Olav Fykse Tveit, thuộc Giáo Hội Tin Lành Luther Na Uy, hướng dẫn.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha cám ơn Hội đồng đại kết vì sự phục vụ chính nghĩa hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô, đồng thời ngài kêu gọi không nên chấp nhận sự chia rẽ giữa các Kitô hữu như một yếu tố không thể tránh được trong kinh nghiệm lịch sử của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói:

“Nếu các tín hữu Kitô cố tình không biết đến lời kêu gọi hiệp nhất mà Chúa gửi đến cho họ, thì họ có nguy cơ cố tình không biết chính Chúa và ơn cứu độ do Chúa cống hiến qua thân mình của Ngài là Giáo Hội: ‘Không có ơn cứu độ nơi danh nào khác; thực vậy không có danh nào khác được ban cho nhân loại để nhờ đó chúng ta được cứu độ’” (Sách Tông Đồ Công vụ 4,12).

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại sự kiện Giáo Hội Công Giáo bắt đầu cộng tác với Hội đồng đại kết từ thời công đồng chung Vatican 2, những quan hệ đó giúp vượt thắng những hiểu lầm lẫn nhau, và đạt tới một sự cộng tác đại kết chân thành, gia tăng sự trao đổi các hồng ân giữa các cộng đoàn với nhau.

Ngài nhận định rằng: “Con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình là một con đường ngày nay vẫn còn cam go và càng lên càng dốc hơn. Nhưng Chúa Thánh Linh mời gọi chúng ta đừng sợ, hãy tiến bước trong tin tưởng, đừng hài lòng với những tiến bộ mà chúng ta có thể cảm nghiệm được trong những thập niên gần đây”.

Đức Thánh Cha không quên đề cao tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô và ngài cầu chúc cuộc gặp gỡ của phái đoàn Hội đồng đại kết với Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô trong những ngày này giúp xác định cách thức hữu hiệu nhất để tiến bước trên con đường cộng tác với nhau.

3. Tĩnh tâm Mùa Chay của giáo triều Rôma

Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo của Giáo triều Rôma sẽ đi bằng xe buýt từ Rôma đến các Divin Casa del Maestro thuộc miền Albano, Ý, để tĩnh tâm Mùa Chay bắt đầu từ Chúa Nhật 09 tháng Ba.

Thông thường, tĩnh tâm Mùa Chay của giáo triều Rôma được tổ chức ngay trong nội thành Vatican. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ rằng các viên chức Vatican phải tách biệt hoàn toàn với công việc của các vị trong suốt thời gian tĩnh tâm thay vì luôn luôn phải nhín chút thời gian mỗi ngày trong văn phòng của họ. Vì vậy, lần đầu tiên tuần tĩnh tâm Mùa Chay được tổ chức bên ngoài Vatican, cụ thể là tại hồ Albano khoảng 15 dặm về phía đông nam của Rôma.

Tuần tĩnh tâm Mùa Chay bắt đầu từ Chúa Nhật, 9 tháng Ba, và tiếp tục cho đến hết Thứ Sáu, 14 tháng Ba. Đức Ông. Angelo De Donatis, một linh mục của giáo phận Rôma, sẽ là vị thuyết giảng.

4. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 kể về Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã trả lời một một cuộc phỏng vấn dài về chủ đề những năm tháng hoạt động chung của ngài với Chân Phước Gioan Phaolô Đệ Nhị. Cuộc phỏng vấn đã xuất hiện như là bài đầu tiên trong cuốn sách bằng tiếng Ý nhan đề: Accanto a Giovanni Paolo II- Gli amici e I collaborator raccontano, nghĩa là “Bên cạnh Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị – Bạn bè và Cộng sự viên”, do nhà xuất bản Edizioni Ares của Ý thực hiện và vừa được cho ra mắt hôm thứ Sáu mùng 7 tháng Ba.

Cuốn sách trình bày hồi ức của hơn một chục người bạn thân nhất và cộng tác viên thân cận của vị Giáo Hoàng sắp được phong thánh bao gồm: Thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị là Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Đức Tổng Giám Mục Emery Kabongo và Đức Tổng Giám Mục Mieczyslaw Mokrzycki, cựu giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls, người bạn lâu năm của Đức Giáo Hoàng là Wanda Poltawska, cáo thỉnh viên của án Phong Thánh cho ngài là cha Slawomir Oder, và nhiều người khác.

Tháng Mười năm 2013, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã đồng ý trả lời các câu hỏi của nhà báo Ba Lan Wlodzimierz Redzioch bằng văn bản, và ngài đã trả lời xong vào tháng Giêng năm nay. Đức Giáo Hoàng danh dự cũng đã giúp rà soát lại các bản dịch tiếng Ý từ văn bản gốc bằng tiếng Đức các câu trả lời của mình.

Trong số các chủ đề được nêu lên trong các cuộc phỏng vấn, nổi bật là những công việc mà Chân Phước Gioan Phaolô Đệ Nhị và Đức Hồng Y Ratzinger đã thực hiện để ứng phó với thần học giải phóng, công việc của hai vị về Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, những khía cạnh quan trọng nhất trong linh đạo của Chân Phước Gioan Phaolô Đệ Nhị, những yếu tố quyết định khiến Đức Thánh Cha danh dự mở án phong Chân Phước và án phong Thánh cho người tiền nhiệm của ngài; và lòng biết ơn tràn ngập của ngài với người ngài đã phục vụ trong tư cách Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và đã kế vị ngôi Giáo Hoàng.

Hôm thứ Sáu 7 tháng Ba, hai nhật báo Ý Corriere della sera và Avvenire, đã đăng tải những trích đoạn dài từ cuộc phỏng vấn nói về sự ủng hộ mạnh mẽ của Chân Phước Gioan Phaolô Đệ Nhị dành cho Đức Hồng Y Tổng Trưởng Ratzinger ngay cả trong những tình huống cam go nhất. Đức Thánh Cha danh dự viết: “Quá thường khi ngài có đủ lý do để đổ hết lỗi cho tôi hoặc để chấm dứt chức vụ Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cuả tôi. Tuy nhiên, ngài ủng hộ tôi với sự tin cậy và một lòng tốt hoàn toàn không thể hiểu nổi.”

Đức Giáo Hoàng danh dự đã kể lại chi tiết khi hai vị phải đối mặt với cơn bão ùn ùn kéo đến theo sau Tuyên Ngôn Dominus Iesus (Tính Duy Nhất và Phổ Quát của Đức Kitô và Hội Thánh trong công trình Cứu Độ) được công bố ngày 6 tháng 8 năm 2000. Chân Phước Gioan Phaolô Đệ Nhị đã muốn dùng buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13 tháng 8 năm 2000 như là cơ hội để bảo vệ cách hùng hồn cho Tuyên Ngôn Dominus Iesus.

“Đức Giáo Hoàng [Gioan Phaolô Đệ Nhị] đã mời tôi viết một văn bản ngắn ngài sẽ đọc trong buổi đọc kinh Truyền Tin, có thể nói là bịt kín mọi ngóc ngách để không cho phép bất kỳ một giải thích nào khác. ”

Đức Giáo Hoàng danh dự giải thích rằng ý của Chân Phước Gioan Phaolô Đệ Nhị muốn có một văn bản rất ngắn là vì ngài muốn bày tỏ trước thế giới một sự ủng hộ rõ rệt, dứt khoát, hoàn toàn, tuyệt đối và vô điều kiện bản Tuyên Ngôn này. Ngài nói thêm: “Tôi đã chuẩn bị một bài phát biểu rất ngắn . Tuy nhiên, tôi lại không muốn quá cộc cằn, và vì vậy tôi đã cố gắng để giải thích một cách rõ ràng nhưng không hà khắc. Sau khi đọc nó , Đức Giáo Hoàng hỏi lại tôi, “Nhưng, như thế đã thực sự rõ ràng chưa?”. Tôi nói “Thưa rất rõ”.

Những xác định này từ Đức Giáo Hoàng danh dự cho thấy những đồn đoán của giới báo chí cho rằng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thận trọng tách mình khỏi văn bản đó là điều bịa đặt.

5. Bất chấp cuộc tổng đình công tại Israel, chương trình hành hương Thánh Địa của Đức Thánh Cha không thay đổi

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cha. Federico Lombardi, SJ, xác nhận hôm thứ Sáu mùng 7 tháng Ba rằng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Israel sẽ diễn ra theo kế hoạch đã được công bố.

Như vậy, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thánh Điạ sẽ diễn ra từ 24 đến 26 tháng Năm

Tuyên bố của Tòa Thánh được đưa ra để phản bác những đồn đoán của một số báo chí tại Israel nói rằng Bộ Ngoại giao Israel đã phải hủy bỏ chuyến viếng thăm vì những tranh chấp lao động trầm trọng đang diễn ra tại Israel.

Cha Lombardi nói rằng các cuộc đình công vẫn còn xảy ra đã tạo ra một số khó khăn trong việc chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này, nhưng tất cả mọi thứ vẫn được tiến hành đúng dự trù.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 5 tháng Giêng, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo về chuyến hành hương này.

Ngài nói:

“Trong bầu không khi vui mừng, tiêu biểu của mùa Giáng Sinh, tôi muốn loan báo rằng từ ngày 24 đến 26 tháng Năm tới đây, nếu Chúa muốn, tôi sẽ thực hiện cuộc hành hương tại Thánh Địa. Mục đích chính là kỷ niệm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Thượng Phụ Athenagoras, diễn ra cách đây đúng 50 năm cũng vào ngày 5 tháng Giêng như hôm nay.

Có 3 giai đoạn của cuộc hành hương này là: Amman, Bethlehem và Jerusalem. Tại Đền thờ Mộ Thánh chúng tôi sẽ cử hành cuộc gặp gỡ đại kết với tất cả đại diện của các Giáo Hội Kitô ở Jerusalem, cùng với Đức Thượng Phụ Bartolomeo thành Constantinople. Ngay từ bây giờ tôi xin anh chị em cầu nguyện cho cuộc hành hương này, một cuộc hành hương cầu nguyện.”

6. Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Nam Hàn

Sáng thứ Hai 10 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố khẳng định Đức Thánh Cha sẽ đến Nam Hàn từ 14 tháng 8 đến 18 tháng 8.

Thông cáo có đoạn viết:

“Nhận lời mời của tổng thống nước Cộng hòa và các Giám mục Nam Hàn, Đức Giáo Hoàng sẽ thực hiện một chuyến Tông Du đến Cộng hòa Nam Triều Tiên từ ngày 14 đến 18 Tháng Tám năm 2014, nhân dịp Đại Hội Thanh niên châu Á lần thứ Sáu, được tổ chức tại giáo phận Daejeon.”

Tòa Thánh chưa đưa ra các chi tiết về chuyến đi mặc dù Đức Thánh Cha đã nhận được lời mời của một số nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Sri Lanka. Trong nhiều dịp, Đức Thánh Cha cũng đã bày tỏ lòng mong muốn đến thăm các nước này.

7. Giáo dân phải là trọng tâm sứ vụ của Giáo Hội

Chiều tối hôm thứ Sáu mùng 7 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra một thông điệp cho các tham dự viên của một hội nghị về giáo dân đang diễn ra tại Rôma. Ngài thúc giục việc đưa người nghèo vào trong các chương trình nghị sự và các phong trào giáo dân cần liên kết với các giáo xứ địa phương của họ.

Hội nghị bắt đầu từ thứ Sáu 07 tháng Ba và kéo dài trong 2 ngày được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Lateranô với chủ đề “Sứ mệnh của Kitô hữu giáo dân trong thành phố” .

Trong thông điệp, Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn lời dạy của Công Đồng Vatican II và nhấn mạnh rằng anh chị em giáo dân, bởi phép Rửa, “là nhân vật chính trong việc phúc âm hóa và thăng tiến con người ” .

“Được hội nhập vào Giáo Hội, mỗi thành viên của Dân Chúa không thể từ khước hai nghĩa vụ không thể tách rời nhau: Họ phải là một môn đệ Chúa và là một nhà truyền giáo. Chúng ta phải luôn luôn bắt đầu lại từ nền tảng này, chung nhất cho tất cả chúng ta, là những con cái của Mẹ Giáo Hội”

Hệ quả của việc cùng thuộc về Giáo Hội và cùng tham gia trong nghĩa vụ truyền giáo là các giáo xứ và các phong trào giáo dân không thể xung khắc với nhau.

Các phong trào giáo dân với sự năng động của họ là một nguồn tài nguyên cho Giáo Hội. Tuy nhiên, họ phải duy trì sự liên kết quan trọng với giáo phận và giáo xứ, sao cho không xảy ra tình trạng diễn dịch Tin Mừng phiến diện hay tệ hơn là bứng rễ khỏi Giáo Hội.

Trước những vấn nạn chính trị, xã hội phức tạp mà các thành viên các phong trào “Kitô hữu giáo dân trong thành phố” phải đối diện, Đức Thánh Cha kêu gọi các tham dự viên phải thường xuyên tham khảo cuốn “Toát yếu Học thuyết Xã hội của Giáo Hội”, là văn bản được Đức Thánh Cha đề cao như một “công cụ hoàn chỉnh và quý giá”.

“Với sự giúp đỡ của chiếc ‘la bàn’ này, tôi khích lệ anh chị em dấn thân cho sự hòa nhập xã hội của người nghèo, duy trì sự ưu tiên cho các nhu cầu tôn giáo và tâm linh.”

8. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm 15 thành viên Hội đồng Kinh Tế Tòa Thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm 15 thành viên của Hội đồng Kinh Tế Tòa Thánh, là một cơ quan mới được thành lập theo tự sắc Fidelis et Dispensator Prudens nghĩa là “Quản lý Trung tín và Khôn ngoan” được công bố hôm 24 tháng Hai vừa qua.

Hội đồng Kinh Tế Tòa Thánh được giao phó nhiệm vụ “giám sát việc quản lý kinh tế và các hoạt động hành chính và tài chính của các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và của quốc gia Vatican.”

Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Francis HAS Reinhard Marx của tổng giáo phận Munich và Freising là điều phối viên của Hội đồng. Đức Hồng Y Marx là một trong số tám Hồng Y trong Hội đồng tư vấn giúp Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ và cải cách Giáo triều Rôma .

Bẩy giáo sĩ khác được bổ nhiệm là thành viên của Hội đồng Kinh Tế Tòa Thánh gồm có Đức Hồng Y Daniel DiNardo của tổng giáo phận Galveston-Houston; Đức Hồng Y Wilfrid Fox của tổng giáo phận Napier Durban, Nam Phi; Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera của tổng giáo phận thủ đô Mexico; Đức Hồng Y Juan Luis Cipriani Thorne của Lima; Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard của Bordeaux, bên Pháp’ Đức Hồng Y Gioan Thang Hán của Hồng Kông và Đức Hồng Y Agostino Vallini, tổng đại diện của Roma.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm 7 giáo dân là thành viên của Hội Đồng.

Hội đồng Kinh Tế Tòa Thánh có liên hệ với Bộ Kinh Tế mới được thành lập nhưng có nhiệm vụ khác hẳn. Bộ Kinh Tế do Đức Hồng Y George Pell được giao thanh tra, giám sát về mặt kinh tế các chính sách, các thủ tục, và các tài nguyên nhân lực của các cơ quan trung ương Tòa Thánh và của các cơ quan có liên hệ với Tòa Thánh.

9. Đức Thánh Cha Phanxicô và cây thánh giá trên cỗ tràng hạt của một linh mục đã chết.

Ký giả Nicole Winfield của thông tấn AP cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô khi xưa đã lấy cây thánh giá trong cỗ tràng hạt của một linh mục đã chết để đeo vào người cho tới ngày nay. Bản tin trên đã được các cơ quan truyền hình của Hoa Kỳ loan đi hôm thứ Năm 6 Tháng 3 khi nói về Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kể chuyện này trong cuộc gặp gỡ các linh mục Roma vào cùng thứ Năm theo giờ điạ phương Rôma. Ngài kể rằng trước đây ngài đã đến viếng xác một vị linh mục và lúc quan tài chưa đậy nắp, ngài ngạc nhiên không thấy ai để một bông hoa nào bên quan tài. Ngài đã đi mua một bó hoa để phúng viếng. Khi đặt bó hoa trên chiếc quan tài, ngài thấy vị linh mục cầm trong tay một cỗ tràng hạt. Và theo Ngài kể “Liền lập tức cái thằng kẻ trộm trong mỗi con người chúng ta xuất hiện trong đầu óc tôi, tôi lấy tay gỡ lấy thánh giá, mắt nhìn vị linh mục và nói với ngài: ‘Xin cho tôi một nửa lòng thương xót của cha’”

Vị linh mục quá cố mà Đức Thánh Cha nói tới là cha Aristide, một vị linh mục rất đạo đức, là cha giải tội cho cho hầu hết các linh mục của tổng giáo phận Buenos Aires, kể cả ngài, và kể cả Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị khi Ngài sang thăm Á Căn Đình vào năm 1982 và năm 1987 nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đầu tiên bên ngoài Rôma.

Đức Thánh Cha kể tiếp, khi xưa còn mặc áo dòng, ngài để thánh giá này trong túi áo mặc bên trong. Nay làm Giáo Hoàng, cỗ thánh giá đó được bỏ trong bao nhỏ và đính vào bên trong áo Giáo Hoàng.

Ngài kể về công dụng của cây thánh giá trên như sau: “Mỗi khi có một tư tưởng xấu xuất hiện trong đầu óc, thì tôi lấy tay đặt lên cỗ thánh giá ở trước ngực và cảm nhận được rằng mình được ơn huệ”

11. Đức Giáo Hoàng nói gì về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất rõ ràng về tầm quan trọng của phụ nữ trong Giáo Hội trên chuyến bay trở về từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio.

Trên chuyến bay về Rôma ngày 28 tháng 7 năm 2013, Đức Thánh Cha nói

“Đức Mẹ, Đức Maria, quan trọng hơn so các thánh Tông Đồ, các giám mục, phó tế và các linh mục. Phụ nữ trong Giáo Hội quan trọng hơn các giám mục và các linh mục. Tại sao, đây là một cái gì đó chúng ta phải cố gắng giải thích tốt hơn.”

Ngài cũng đã thể hiện mối quan tâm của ngài trong việc đề cao vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội trong dịp kỷ niệm 25 năm Tông Thư Mulieris Dignitatem bàn về phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố ngày 15 tháng 8 năm 1988.

Đối với Đức Giáo Hoàng, sự hiện diện của các “thiên tài nữ” rất có ý nghĩa trong xã hội cũng như trong các lĩnh vực công cộng . Trong một buổi tiếp kiến với những phụ nữ thuộc phong trào Centro Italiano Femminile ngài xác nhận vai trò của phụ nữ là “rất cần thiết”.

Hôm 25 tháng Giêng, Đức Thánh Cha nói:

“Trong khoảng thời gian những thập niên vừa qua, cùng với những biến đổi văn hóa và xã hội khác, bản sắc và vai trò của người phụ nữ trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo Hội, đã có những thay đổi đáng kể, và trên tất cả, sự tham gia và trách nhiệm của phụ nữ vẫn tiếp tục phát triển.”

Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn có một “sự hiện diện của nữ tính sắc bén hơn” trong Giáo Hội, như ngài đã đề cập trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Civilta Cattolica của dòng Tên.

12. Trao trả tù bình tại Syria: Phiến quân Syria trả tự do cho các nữ tu

Phiến quân Syria đã trả tự do cho 16 phụ nữ bị bắt trong tu viện lịch sử Mar Takla của Kitô Giáo tại thị trấn Maaloula ở phía Bắc Damascus hồi tháng 12 năm ngoái.

Việc trả tự do này diễn ra theo một thoả thuận trao trả tù binh với phiến quân. Sau những cuộc thương thảo giằng dai do tướng Abbas Ibrahim, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục An ninh Li Băng làm môi giới. Phía tổng thống Bashar Assad phải trả tự do cho 150 nữ du kích để đổi lấy 13 nữ tu và 3 người giúp việc trong tu viện.

Hai giám mục Syria – một Chính thống Hy Lạp, và một Chính thống Syria – và một linh mục Dòng Tên cũng đã bị bắt cóc ở Syria năm ngoái và vẫn còn mất tích.

Trẻ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua số người Công Giáo ở Iceland và đứng ở mức 11.000, Theo một báo cáo trong báo L’Osservatore Romano.

13. Công cuộc truyền giáo thành công tại Iceland nhờ các nữ tu

Số tín hữu Công Giáo tại Iceland, tiếng Việt gọi là Băng Đảo đã được nhân lên gấp đôi trong một thập niên qua và giờ đây đã lên đến 11,000 tín hữu trong tổng số 315,281 dân, tức là 3.5%. Tờ Quan Sát Viên Rôma hôm 9 tháng Ba đã cho biết như trên.

Các tín hữu được 8 linh mục và 40 nữ tu chăm sóc mục vụ.

Đức Giám Mục Peter Bourne của giáo phận thủ đô Reykjavik nói: “Hầu hết các nữ tu còn rất trẻ, họ rất tích cực trong việc dạy giáo lý và mục vụ giới trẻ qua đó đem lại một động lực mới cho Giáo Hội Công Giáo tại Iceland”.

Đức Cha cho biết giáo phận của ngài hiện đang mua thêm và xây dựng mới các nhà thờ và muốn có “một tu viện nam, có thể là dòng Biển Đức hoặc dòng Augustinô là những dòng hồi thời Trung Cổ đã sở hữu một vài tu viện ở Iceland.”

Đức Cha Peter nói:

“Đất và nhà thờ đã được mua và xây, nhưng bây giờ chúng tôi muốn có một cộng đoàn tu viện. “

14. Đức Giám Mục Công Giáo tại Crimea kêu gọi giữ gìn cuộc sống chung hòa bình

“Chúng ta không thể để cho bối cảnh dân tộc hay tôn giáo của chúng ta gây nên chia rẽ,” một giám mục Công Giáo ở Crimea đã lên tiếng như trên trước cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong khu vực này của Ukraine.

Trong những ngày qua, Nga đã đưa quân vào lãnh thổ Crimea của Ukraine và xúi giục người gốc Nga trong khu vực này đòi ly khai để sáp nhập lãnh thổ này vào Nga.

Đức Cha Jacek Pyl, Giám Mục phụ tá của giáo phận Odessa-Simferopol, cầu xin người dân trong vùng “tránh xa chủ nghĩa quá khích” mà các nhà lãnh đạo Nga đang theo đuổi. Đức Cha Pyl lưu ý rằng Giáo Hội Công Giáo, và cộng đồng dân chúng Crimea nói chung, đã yên hưởng hòa bình trong một thập niên qua. Người gốc Nga, Ukraine, Tatars, và những sắc dân khác đã cùng tồn tại trong hòa bình. Cũng vậy khối đa số Chính Thống Giáo đã có thể sống chung hài hòa với người Công Giáo, Hồi giáo, Do Thái, và Tin Lành.

Đức Cha đề nghị các tín hữu ăn chay tự nguyện để cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine. Ngài nói: “Chúng ta cầu nguyện để người dân, sau hàng chục năm yên hưởng thái bình – không bắt đầu chiến đấu chống lại nhau và gây ra đổ máu như chúng ta đã thấy tại quảng trường Maidan ở Kiev.”

15. Bốn làng Kitô Giáo bị Boko Harams tấn công

Bốn làng Kitô Giáo ở Riyom, một khu vực ở trung tâm Cao nguyên Nigeria, đã bị tấn công vào ngày 5 tháng Ba. Một ước tính sơ khởi ghi nhận 200 ngôi nhà bị đốt cháy, và 16 người đã bị giết chết. Tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan Boko Haram là thủ phạm trong vụ tấn công này.

16. Đức Giám Mục Cassano ca ngợi vị linh mục vừa bị giết

Rạng sáng ngày thứ Hai 3 tháng Ba, một linh mục Công Giáo đã bị đánh đến chết tại thành phố Calabria của Italia.

Cha Lazzaro Longobardi đã bị giết bởi những cú đánh bằng một thanh sắt. Cảnh sát đã tìm thấy hung khí này bên ngoài nhà thờ và đang câu lưu một nghi can, là người thường xuyên hỏi xin tiền cha Lazzaro Longobardi.

Lên tiếng trước cái chết của cha Longobardi, Đức Cha Nunzio Galantino, Giám Mục bản quyền nói rằng cha Longobardi là một vị “tử vì đạo vì lòng bác ái kín đáo.”

Cha Longobardi đã tận tụy hi sinh cho người nghèo, đặc biệt cho những người nhập cư trong cộng đoàn của ngài. Đức Cha Nunzio nói “sự thật đáng buồn nổi lên từ cái chết của cha Longobardi là ngài đã phải chết thê thảm do sự tốt lành vô hạn và niềm tin vào những người khác.”

17. Các chuyên gia y tế xác nhận một phép lạ do sự cầu bầu của ĐTGM Fulton Sheen nhà giảng thuyết lừng danh của Hoa Kỳ

Một nhóm các chuyên gia y tế do Vatican bổ nhiệm đã xác minh tính xác thực của một phép lạ do sự cầu bầu của Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen, nhà giảng thuyết lừng danh của Hoa Kỳ. Biến cố này khiến án phong chân phước cho ngài tiến thêm được một bước đáng kể.

Hôm thứ Năm mùng 06 tháng 3, Đức Giám Mục Daniel Jenky của giáo phận Peoria, Illinois, Hoa Kỳ thông báo rằng nhóm các chuyên gia đã không thể đưa ra lời giải thích về mặt y khoa đối với trường hợp của một em bé đã khôi phục lại cuộc sống sau khi chết non. Các nhân viên y tế đã cố gắng hơn một giờ để cứu đứa bé, nhưng không thành công, trong khi cha mẹ em cầu nguyện với Đức Tổng Giám Mục Sheen. Đứa bé sinh vào tháng Chín năm 2010, tưởng đã chết bây giờ là một trẻ lành mạnh 3 tuổi.

Đức Cha Jenky nói:

“Hôm nay là một bước tiến quan trọng trong án phong chân phước cho Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen yêu quý của chúng ta, một linh mục miền Peoria và là một người con của mảnh đất thân yêu của chúng ta, là người được sinh ra để thay đổi thế giới”.

Án phong chân phước cho Đức Tổng Giám Mục Sheen đã được bắt đầu từ năm 2002.

Báo cáo về phép lạ này giờ đây sẽ được xem xét bởi một nhóm các nhà thần học, và nếu họ chấp nhận, họ sẽ trình lên Bộ Phong Thánh. Sự chấp thuận này sẽ dẫn đến việc phong chân phước cho Đức Tổng Giám Mục Sheen, là người đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn lên hàng “Tôi Tớ Chúa” vào tháng Sáu năm 2012.

Sinh ở Illinois vào năm 1895, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen được thụ phong linh mục tại giáo phận Peoria vào năm 1919. Ngài dạy triết học và thần học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, trước khi trở thành giám mục phụ tá của New York vào năm 1951. Sự nổi tiếng của ngài gia tăng nhanh chóng khi ngài bắt đầu hoạt động trong lãnh vực phát thanh truyền hình. Trong thập niên 1950 chương trình hàng tuần của ngài “Life Is Worth Living,” là chương trình phổ biến nhất trên truyền hình Mỹ. Đức Giám Mục Sheen được bổ nhiệm làm Giám mục Rochester, New York vào năm 1966 và nâng lên tổng giám mục vào năm 1969. Ngài qua đời tại New York vào năm 1979.

18. Đức Hồng Y tân cử Chibly Langlois được mời đóng vai trò hoà giải đất nước Haiti

Đức Hồng Y Chibly Langlois, vị Hồng Y đầu tiên của Haiti vừa được tấn phong hôm 22 tháng Hai vừa qua đã được mời để đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng chính trị quốc gia. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết như trên hôm thứ Sáu 7 tháng Ba.

Tổng thống Michel Martelly đã trì hoãn cuộc bầu cử quốc hội lập pháp trong hai năm qua, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy một thỏa thuận về cuộc bầu cử có thể được khai thông.

Đức Hồng Y nói: “Giáo Hội đồng hành với các đại diện chính trị để xây dựng đối thoại giữa tất cả các bên có liên hệ ngõ hầu giải quyết các vấn đề của xã hội chúng ta. Chúng tôi, do đó, phải chia sẻ trách nhiệm giải quyết tình trạng bế tắc chính trị và cuộc khủng hoảng mà quốc gia chúng ta đang trải qua, và điều này chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại.”

Tổng thống Michel Martelly, đã sang Vatican để tham dự lễ tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Chibly Langlois và đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 24 tháng Hai.

Trong cuộc họp của họ, người đứng đầu của nhà nước trong vùng Caribê này đã cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì “những đóng góp tốt đẹp cho xã hội” của Giáo Hội tại Haiti, đặc biệt là về giáo dục và y tế.

Trong cuộc tiếp kiến, hai vị tái khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Haiti và Tòa Thánh. Các vị cũng nhấn mạnh đến việc tái thiết và hòa giải quốc gia.

Nguồn: Vietcatholic

h1

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …