Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/02 – 13/02/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/02 – 13/02/2014

1. Công bố Sứ Điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2014

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ sống tinh thần thanh bần: tự do đối với những của cải vật chất, quan tâm săn sóc người nghèo, và học hỏi sự khôn ngoan nơi họ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 6 tháng Hai, nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ được cử hành cấp Giáo Hội địa phương vào Chúa Nhật Lễ Lá 13 tháng Tưtới đây với chủ đề “Phúc cho ai có tinh thần thanh bần vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Đây là bước đầu trong 3 chặng trên hành trình tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ được cử hành ở cấp hoàn cầu vào năm 2016 tới đây tại Cracovia, Ba Lan. Đề tài ngày Quốc Tế giới trẻ năm tới, 2015, là ”Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8) và sau cùng năm 2016 sẽ có chủ đề là ”Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7).

Trong sứ điệp, sau khi đề cao sức mạnh cách mạng của các Mối Phúc trong Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ hãy can đảm đi ngược dòng, tìm kiếm hạnh phúc chân thực, mở rộng con tim tìm kiếm những sự cao cả, và đừng hài lòng với cuộc sống tầm thường, nhỏ bé. “Các bạn đừng chấp nhận thứ văn hóa tạm thời, hời hợt và loại bỏ, không làm cho các bạn có khả năng lãnh nhận trách nhiệm và đương đầu với những thách đố lớn của cuộc sống!”.

Đức Thánh Cha đặc biệt giải thích ý nghĩa mối phúc thanh bần, và nêu rõ 3 điểm giúp các bạn trẻ sống Mối Phúc này một cách cụ thể:

– Trước tiên, “các bạn hãy cố gắng giữ thái độ tự do đối với sự vật. Chúa kêu gọi chúng ta sống cuộc sống Tin Mừng, với tinh thần điều độ, không chiều theo văn hóa tiêu thụ. Cố gắng tìm kiếm những gì là thiết yếu, học cách từ bỏ bao nhiêu thứ dư thừa và vô ích, bóp nghẹt chúng ta. Chúng ta hãy từ bỏ sự ham hố sở hữu của cải, coi tiền bạc như thần tượng, rồi phung phí!.. Hãy đặt Chúa Giêsu ở chỗ đứng thứ nhất, Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi những thứ thần tượng biến chúng ta thành nô lệ. Hỡi các bạn trẻ, hãy tín thác nơi Thiên Chúa! Ngài biết chúng ta, yêu thương và không bao giờ quên chúng ta…”

– Thứ hai là hoán cải đối với người nghèo. Chúng ta phải chăm sóc họ, nhạy cảm đối với những nhu cầu tinh thần và vật chất của họ. Các bạn trẻ có nghĩa vụ đặc biệt là đặt tình liên đới ở trung tâm nền văn hóa của con người. Đứng trước những hình thức nghèo đói mới mẻ, như nạn thất nghiệp, xuất cư, bao nhiêu thứ nghiện ngập, chúng ta có nghĩa vụ tỉnh thức và ý thức, khắc phục cám dỗ dửng dưng lãnh đạm. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến những người không cảm thấy được yêu thương, không có hy vọng tương lai, từ khước dấn thân trong cuộc sống vì nản chí, thất vọng, sợ hãi. Chúng ta phải học ở với người nghèo. Đừng làm đầy miệng chúng ta bằng những lời đẹp đẽ về người nghèo! Hãy gặp gỡ họ, nhìn tận mắt họ và lắng nghe họ. Người nghèo đối với chúng ta là cơ hội cụ thể để gặp chính Chúa Kitô, động chạm đến thân mình đau khổ của Ngài”.

– Thứ ba là những người nghèo không phải chỉ là những người chúng ta trao tặng, giúp đỡ, nhưng họ cũng có rất nhiều điều trao và dạy cho chúng ta. Chúng ta có thể học được nhiều điều nơi sự khôn ngoan của người nghèo! Các bạn hãy nghĩ đến một vị thánh ở thế kỷ 18, Benedetto Giuseppe Labre, đã ngủ trên đường phố Roma, sống bằng của bố thí của dân chúng, đã trở thành cố vấn tinh thần của bao nhiêu người, trong đó có cả những nhà quí tộc và giám chức. Theo một nghĩa nào đó, người nghèo giống như thầy của chúng ta. Họ dạy chúng ta rằng một người có giá trị không phải vì những gì họ sở hữu. Một người nghèo, tuy thiếu thốn vật chất, nhưng vẫn giữ nguyên phẩm giá của họ. Người nghèo có thể dạy chúng ta rất nhiều về sự khiêm nhường và lòng tín thác nơi Thiên Chúa”

2. Chân Phước Gioan Phaolô II là vị thánh bảo trợ của Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được phong thánh vào Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa 27 tháng Tư tới đây, ngài sẽ đương nhiên là vị thánh bảo trợ Ngày Giới Trẻ Thế Giới, tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết như trên.

Trong thông điệp ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 29, sẽ được tổ chức vào Chúa Nhật Lễ Lá tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II, vào ngày Chúa Nhật thứ Hai sau lễ Phục Sinh, sẽ là một sự kiện được đánh dấu bằng một niềm vui rất lớn. Ngài sẽ là vị Thánh bảo trợ Ngày Giới Trẻ Thế Giới mà chính ngài đã hình thành và luôn ủng hộ. Trong sự hiệp thông với các thánh , ngài sẽ tiếp tục là một người cha và người bạn của tất cả chúng con.”

Vào Năm Thánh 1984, người trẻ đã nồng nhiệt đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ngài đã trao tặng cho giới trẻ cây Thánh Giá, một biểu tượng của Năm Thánh. Cây Thánh Giá này đã trở thành Cây Thánh Giá của người trẻ, của ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đầu tiên sau khi biến cố này được thiết lập trong Giáo Hội đã được cử hành ở cấp giáo phận. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đầu tiên cử hành bên ngoài Rôma diễn ra năm 1987 vào Chúa Nhật Lễ Lá tại Buenos Aires.

Ngày giới trẻ sắp tới sẽ diễn ra vào năm 2016 tại Cracovia, quê hương của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. 

3. Giám Đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh phê bình Ủy ban Nhi Quyền Liên hợp quốc

Cha Lombardi, Giám Đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã mạnh mẽ phê bình Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em, đi quá thẩm quyền của mình và can thiệp vào giáo huấn đạo lý và luân lý của Giáo Hội Công Giáo.

Trong bản những nhận xét kết thúc, được công bố hôm 5 tháng 2, Ủy ban Liên Hiệp Quốc về các quyền trẻ em, gồm 18 người, đã đòi Tòa Thánh phải cách chức ngay các giáo sĩ bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ em và giao nạp họ cho nhà chức trách dân sự, mở văn khố, công bố các văn kiện tài liệu về những giáo sĩ bị cáo đã phạm tội lạm dụng tính dục, và cho rằng cho đến nay Tòa Thánh đã che đậy những tội ác này, khiến cho các thủ phạm tiếp tục phạm tội mà không bị trừng phạt. Điều đáng kinh ngạc là Ủy ban cũng yêu cầu Tòa Thánh phải thay đổi giáo huấn về phá thai, ngừa thai, đồng tính luyến ái.

Trong thông cáo công bố hôm 7 tháng 2, Cha Lombardi nói: ”Những nhận xét của Ủy ban theo nhiều hướng dường như đi quá các thẩm quyền của mình và xen mình vào chính các lập trường đạo lý và luân lý của Giáo Hội Công Giáo, đưa ra những chỉ dẫn liên hệ tới sự thẩm định luân lý về việc ngừa thai và chính việc phá thai, hoặc giáo dục trong gia đình, hoặc quan điểm về tính dục con người, dưới ánh sáng quan điểm ý thức hệ của Ủy ban về tính dục.”

Cha Lombardi cũng tố giác Ủy ban Liên Hiệp Quốc dành sự chú ý tối đa tới những tổ chức phi chính phủ vốn nổi tiếng có thiên kiến chống Công Giáo và Tòa Thánh, mà không để ý tới lập trường của Tòa Thánh, là thành viên ký kết hiệp ước về các quyền trẻ em. Thực vậy, các tổ chức phi chính phủ ấy có đặc tính là không muốn nhìn nhận những gì đã được thực hiện tại Tòa Thánh và trong Giáo Hội Công Giáo trong những năm gần đây, qua việc nhìn nhận những sai lầm, canh tân các qui luật, phát triển các biện pháp huấn luyện và phòng ngừa. Không có hoặc rất ít tổ chức nào đã làm nhiều như Tòa Thánh. Người ta không hề thấy trong văn kiện của Ủy ban sự kiện tích cực ấy.

Linh mục Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh kêu gọi dư luận đừng nói là có sự đụng độ giữa Tòa Thánh và Liên Hiệp Quốc, vì Tòa Thánh vẫn ủng hộ Liên Hiệp Quốc một cách mạnh mẽ và chính các vị lãnh đạo cấp cao của Liên Hiệp Quốc nhiều lần bày tỏ sự quí chuộng đối với sự ủng hộ của Tòa Thánh, đặc biệt qua những lần mời các vị Giáo Hoàng viếg thăm và phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Ủy ban Liên Hiệp Quốc về các quyền trẻ em chỉ là một bộ phận nhỏ, nhóm họp hai lần một năm để kiểm điểm việc áp dụng Hiệp ước quốc tế về các quyền trẻ em nơi các nước thành viên.

Cha Lombardi nhận xét rằng “giọng điệu, sự phát triển và quảng cáo mà Ủy ban dành cho văn kiện những nhận xét về Tòa Thánh chắc chắn là điều không bình thường đối với thể thức thông thường đối với các nước khác đã ký Hiệp Ước. Việc làm này khiến cho Tòa Thánh trở thành một đối tượng của một loạt những phê phán độc đoán và sự chú ý của giới truyền thông tai hại một cách bất công, và vì thế người ta có lý do chính đáng để phê bình nặng nề đối với Ủy ban này”

4. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phê bình Ủy ban Nhi Quyền Liên hợp quốc

Sơ Mary Ann Walsh, Giám đốc quan hệ truyền thông cho Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ phê bình một báo cáo gần đây của một Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em, và mô tả báo cáo này như là một “cơ hội bị đánh mất”

Báo cáo của Liên Hợp Quốc đã chỉ trích gay gắt việc xử lý các trường hợp lạm dụng trẻ em của Giáo Hội. Sơ Walsh nói: “Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là một tội lỗi và một tội phạm mà không một tổ chức nào có thể coi là mãn nguyện khi đề cập đến nó”. Tuy nhiên, Sơ nhấn mạnh “Chắc chắn Giáo Hội Công Giáo đã làm nhiều hơn bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác để đối mặt với vấn đề và Giáo Hội sẽ tiếp tục tiến theo chiều hướng đó.”

Sơ cũng nhấn mạnh đến những nỗ lực tại Hoa Kỳ và tại Vatican để loại bỏ các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ và đưa người phạm tội ra trước công lý. Sơ cũng chỉ ra những nỗ lực của Giáo Hội để hỗ trợ các nạn nhân của lạm dụng.

Theo Sơ Walsh báo cáo của Liên Hợp Quốc, “bị mất giá trị khi những người soạn thảo ra nó cố đưa ra những phản đối giáo huấn Công Giáo về vấn đề hôn nhân đồng tính, phá thai và ngừa thai.” Những phản đối này, “vi phạm nghĩa vụ của Liên Hợp Quốc từ những ngày đầu tiên đó là bảo vệ tôn giáo tự do.”

Sơ Walsh nói thêm Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em “rất đúng khi họ nói lên mối quan ngại về lạm dụng tính dục”, và hoan nghênh những nỗ lực của họ. Tuy nhiên, Ủy ban này sẽ có uy tín hơn nếu nó bảo vệ các quyền cơ bản nhất của một đứa trẻ: đó là quyền được sống … 

Sơ Walsh nói:

“Khi Ủy ban này của Liên Hợp Quốc sa đà vào các cuộc chiến tranh văn hóa để thúc đẩy việc phá thai, ngừa thai và hôn nhân đồng tính, nó đang làm xói mòn chính nghĩa cao quý của nó dành cho trẻ em, và bán đứng mối quan tâm cho trẻ em cho các chương trình nghị sự khác. Thật là một cơ hội bị đánh mất. “

5. Đức Thánh Cha tiếp kiến 97 Giám Mục Ba Lan

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các Giám Mục Ba Lan tăng cường tình đoàn kết, gia tăng giúp đỡ những người ly dị, đẩy mạnh việc săn sóc giới trẻ, gia tăng mục vụ ơn gọi và đào tạo linh mục.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung dành cho 97 Giám Mục Ba Lan sáng hôm 7 tháng 2, nhân dịp các vị kết thúc tuần lễ hành hương viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nhắc lại lời nhắn nhủ của Đức Gioan Phaolô 2 sắp được phong hiển thánh về tầm quan trọng của sự hiệp thông tinh thần và mục vụ giữa các Giám Mục: ”Sự đoàn kết của các vị Chủ Chăn trong đức tin, đức ái, trong việc giảng dạy và quan tâm chung đối với thiện ích của các tín hữu, chính là điểm tham chiếu cho toàn thể cộng đoàn Giáo Hội và cho bất kỳ ai đang tìm kiếm một hướng đi chắc chăn trong hành trình thường nhật, trên những nẻo đường của Chúa. Anh em thân mến, ước gì không một điều nào hoặc một ai có thể du nhập những chia rẽ giữa anh em!”

Đức Thánh Cha cảm tạ Chúa vì bao nhiêu điểm tích cực và tiềm năng lớn lao về đức tin, về sự cầu nguyện, đức ái và đời sống thực hành Kitô trong Giáo Hội tại Ba Lan. Nhưng ngài cũng nhắc đến một số sa sút trong nhiều khía cạnh của đời sống Kitô, đòi các vị Chủ Chăn phải phân định, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra những cách thức để đương đầu với những thách đố mới, ví dụ quan niệm về một thứ tự do vô giới hạn, thái độ bao dung đố kỵ hoặc nghi kỵ đối với chân lý, hoặc sự khó chịu vì sự chống đối chính đáng của Giáo Hội đối với chủ thuyết duy tương đối đang lan tràn.

Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý các Giám Mục Ba Lan về gia đình và ngài phê bình sự kiện ngày nay hôn nhân thường bị coi như một hình thức thỏa mãn tình cảm mà người ta có thể kiến tạo bằng bất cứ cách nào và thay đổi theo sự nhạy cảm của mỗi người (Evangelium gaudium, 66). Ngài nói: “Đáng tiếc là quan điểm đó cũng ảnh hưởng trên tâm thức của các tín hữu Kitô, khiến họ dễ dàng ly dị hoặc chia lìa nhau. Các vị Chủ Chăn được mời gọi tự hỏi làm thế nào để trợ giúp những người sống trong tình trạng ấy, để họ không cảm thấy bị loại khỏi lòng từ bi của Thiên Chúa, khỏi tình yêu thương huynh đệ của các tín hữu Kitô và sự quan tâm chăm sóc của Giáo Hội đối với phần rỗi của họ; tự hỏi về cách thức làm sao để giúp họ đừng bỏ đức tin và giúp con cái họ được tăng trưởng trong kinh nghiệm trọn vẹn của Kitô giáo”.

Trong chiều hướng trên đây, Đức Thánh Cha cổ võ việc huẩn bị hôn nhân, giúp họ vượt thắng những khó khăn, thử thách, lòng ích kỷ, bằng cách tha thứ cho nhau, chữa lành những gì có nguy cơ bị hư hỏng và đừng rơi vào cảm bẫy của não trạng vứt bỏ”.

Đức Thánh Cha khuyến khích đẩy mạnh việc dạy giáo lý cho người trẻ, không phải chỉ gia tăng kiến thức đạo, nhưng đặc biệt huấn luyện về đức tin được sống thực như một quan hệ trong đó ta cảm thấy niềm vui vì được yêu thương và có thể yêu thương”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các Giám Mục đặc biệt tìm hiểu nguyên nhân sự sa xút ơn gọi nữ tu tại Ba Lan, và tìm phương thức đáp ứng, giúp các linh mục sống quan hệ bản thân với vị Mục Tử Nhân Lành, có tinh thần truyền giáo nồng nhiệt, đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người nghèo túng, người thất nghiệp vô gia cư, các bệnh nhân và những người bị bỏ rơi.

6. Dòng Đạo Binh Chúa Kitô bầu ra lãnh đạo mới

Dòng Đạo Binh Chúa Kitô đã bầu ra một lãnh đạo mới, và đã đưa ra một tuyên bố xin lỗi các nạn nhân của cha Marcial Maciel và nhìn nhận dòng đã phạm sai lầm nghiêm trọng là “tôn vinh quá mức” người sáng lập.

Cha Eduardo Robles Gil, một linh mục người Mexico, được bầu làm Tổng Quyền, tin này cũng được xác nhận bởi Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, Tổng Thư Ký Bộ Các Dòng Tu.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 06 tháng 2, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô đã đề cập đến các khó khăn dòng đã phải trải qua sau những tiết lộ theo đó Cha Maciel đã có một cuộc sống hai mặt Bản tuyên bố nói “chúng tôi hy vọng có thể vượt qua được lịch sử đau đớn này, và khống chế được những hậu quả của sự dữ nhờ sự thánh thiện.”

Từ hôm thứ Tư 8 tháng Giêng, tổng tu nghị Dòng Đạo Binh Chúa Kitô đã nhóm họp tại Rôma. Sau ba năm thảo luận hầu xác định đoàn sủng của mình, giờ đây các vị đại biểu sẽ chấp thuận một hiến pháp mới và chọn một lãnh đạo mới hầu chấm dứt thời đại của người sáng lập là cha Marcial Maciel.

Đặc sứ của Đức Thánh Cha là Đức Hồng Y Velasio de Paolis đã quyết định triệu tập tổng tu nghị này vào tháng 10 năm ngoái. Ngài đã trực tiếp giám sát mọi công việc của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô từ tháng 7 năm 2010 sau khi Tòa Thánh phát hiện ra cuộc sống hai mặt tai tiếng cuả cha Maciel.

Cha Maciel người Mêhicô, sinh năm 1920 và đã sáng lập dòng Đạo Binh Chúa Kitô năm 1941 khi mới là một chủng sinh 21 tuổi. 

Trong thông cáo công bố hôm 19 tháng 5 năm 2006, phát ngôn viên Tòa Thánh là ông Navarro Valls, cho biết từ năm 1998, Bộ giáo lý đức tin đã nhận được những lời tố cáo chống lại cha Marcial Maciel liên quan đến phẩm hạnh của một linh mục. Sau cuộc điều tra, Tòa Thánh đã mời gọi cha hãy sống đời ẩn dật, cầu nguyện thống hối, từ bỏ mọi sứ vụ công cộng. Cha Maciel qua đời ngày 30 tháng Giêng năm 2008.

Dòng này hiện có 2830 thành viên, trong đó có 3 Giám Mục, 953 linh mục, 932 tu sĩ, và 945 chủng sinh hoạt động tại 125 nhà thuộc 22 quốc gia. Ngoài ra còn có một hiệp hội giáo dân tên là Regnum Christi, tức là Nước Chúa Kitô gồm khoảng 30,000 thành viên.

7. Phỏng vấn tác giả cuốn “Sự lãng mạn của Tôn Giáo”

Những câu chuyện lớn không bao giờ mất đi tính thời sự. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, Kinh Thánh luôn nổi bật lên như là những câu chuyện hay nhất của mọi thời đại.

Cha. Dwight Longenecker, tác giả cuốn “Sự lãng mạn của Tôn Giáo” nói:

“Đức tin là một cuộc phiêu lưu, đó là một cuộc hành trình, đó là một cuộc tìm kiếm. Đó là một câu chuyện tuyệt vời.”

Nhưng Kinh Thánh không chỉ đơn giản là một câu chuyện hay. Trong cuốn sách mới nhất của ngài, cuốn ‘The Romance of Religion’ – “Sự lãng mạn của Tôn Giáo” – Cha Dwight Longenecker, đã nối kết các yếu tố của tiểu thuyết cổ điển tuyệt vời với Kinh Thánh : Tất cả từ các vị thánh tuyệt vời đến các anh hùng Kinh Thánh.

Cha. Dwight Longenecker nói:

“Sự lãng mạn của Tôn Giáo không hệ tại ở chỗ những chuyện tình lãng mạn gợi tình và tình yêu của con người; nhưng là ở việc sử dụng các từ ngữ như trong những câu chuyện tình lãng mạn tuyệt vời để nói về tình yêu của Thiên Chúa với nhân loại.”

Cuốn sách thực sự đã trở thành một công cụ cho việc Tân Phúc Âm Hóa. Còn cách nào tốt hơn để truyền Tin Mừng cho bằng việc chia sẻ những câu chuyện đức tin. Từ những thành công đến những thất vọng; từ thời hưng thịnh đến những truân chuyên. 

Cha Dwight Longenecker nói thêm:

“Một số người Công Giáo không có câu chuyện đức tin nào để chia sẻ. Vì vậy, tôi đã từng nói với mọi người trong các buổi thuyết trình các bạn cần biết những câu chuyện đức tin để chia sẻ với mọi người.”

Trong thực tế, cha Dwight Longenecker có câu chuyện độc đáo của riêng mình để chia sẻ với mọi người. Ngài sinh trưởng trong một gia đình Tin Lành và là một linh mục Anh giáo trong 10 năm, trước khi trở thành một linh mục Công Giáo .

8. Một năm sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị: ý kiến của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone

Trong cuộc phỏng vấn trực tiếp dành cho RomeReports, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết vào giữa năm 2012 Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nói với ngài về ý định thoái vị. 

Đức Hồng Y nói:

“Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nghĩ về quyết định này từ lâu trước khi công bố. Ngài đã nói với tôi điều đó vào giữa năm 2012. Tôi đã nói với Đức Giáo Hoàng về tất cả những vấn nạn có thể nảy sinh nếu ngài làm như vậy. Nhưng, ngài cảm thấy mệt mỏi, gánh nặng tuổi tác đè nặng trên ngài. Ngài quan tâm đến Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro . và thường tự hỏi mình, ‘ở tuổi của tôi, tôi sẽ nói với hàng triệu người trẻ như thế nào đây?’ Như ngài đã giải thích sau này, vào ngày 11 tháng Hai năm ngoái, ngài cảm thấy để thực hiện đầy đủ sứ vụ Phêrô, ngài cần có năng lực thể chất và tinh thần mạnh mẽ hơn nữa. Ngài tự mình giải thích với tôi, nhưng tôi thường nói với ngài, ‘Nhưng thưa Đức Thánh Cha, ngài vẫn còn phải hoàn thành bộ ba cuốn về Đức Giêsu thành Nadarét, và kết thúc cuốn sách về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Nó sẽ là một món quà Giáng Sinh tuyệt vời của Đức Giáo Hoàng dành cho dân Chúa. Sau đó, còn tông thư về đức tin, mà ngài vẫn còn đang soạn dở dang, thêm vào đó là năm Đức Tin chỉ mới bắt đầu.’ Nhưng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã quyết định rằng ngày ngài thoái vị là ngày 11 tháng Hai năm, 2013, Ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức.”

Trong những tháng sau đó, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đã bảo vệ bí mật này cho đến khi quyết định này được công bố vào ngày 11 Tháng Hai năm 2013.

9. Một năm sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị: ý kiến của Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein.

Trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Reuters nhân kỷ niệm một năm biến cố Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tuyên bố thoái vị, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói đó ngài đã không bao giờ nhận thấy Đức Bênêđíctô thứ 16 biểu hiện bất kỳ hối tiếc nào về quyết định này.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cảm thấy thanh thản và bình an với chính mình, và tôi nghĩ rằng ngay cả với Thiên Chúa”, Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người vừa là thư ký cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong khi vẫn là Trưởng Phủ Giáo Hoàng cho Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Sức khoẻ ngài rất tốt, nhưng chắc chắn ngài phải trải nghiệm những gánh nặng của tuổi già. Vì vậy, ngài là một người thể chất đã già, nhưng tinh thần của ngài vẫn rất hoạt bát và minh mẫn. “

Khi được hỏi về những chỉ trích của phương tiện truyền thông đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Đức Tổng Giám mục Gänswein trả lời rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô biết về điều đó nhưng ngài không oán giận.

“Rõ ràng là về phương diện con người mà nói, đôi khi, thật là đau đớn khi xem những gì viết về một người nào đó không đúng với những gì đã được thực hiện. Tuy nhiên, thước đo việc làm của một người, cách thức họ tiến hành công việc, không phải là những gì các phương tiện truyền thông đại chúng ghi nhận nhưng chính là những gì trước lương tâm và trước Thiên Chúa. Và, nói cho công bằng, thì lịch sử sẽ đưa ra phán quyết sau cùng”. 

Đức Tổng Giám mục Gänswein nói tiếp: “Tôi thực sự xác tín rằng lịch sử sẽ đưa ra một phán quyết khác với những gì người ta vẫn thường đọc về những năm cuối cùng của triều đại giáo hoàng của ngài bởi vì mọi sự sẽ rõ ràng và minh bạch”.

Ngài nói rằng giờ đây Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 “xa cách với thế giới nhưng ngài vẫn hiện diện trong Giáo Hội. Nhiệm vụ của ngài bây giờ, như ngài đã từng nói, là để giúp Giáo Hội và người kế nhiệm của mình, là Đức Thánh Cha Phanxicô, qua lời cầu nguyện. Đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của ngài. Nhưng chỉ có 24 giờ trong một ngày. Ngài nghiên cứu, đọc sách, trả lời thư từ và sau đó tiếp những người thăm ngài. Chúng tôi đi bộ trong khi đọc kinh Mân Côi, ngài thường chơi piano, tất cả điều này được thực hiện bởi thể lực của một người đã 86 tuổi.”

“Ngay từ đầu đã có sự tiếp xúc tốt giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thánh Cha danh dự Bênêđíctô thứ 16, và sự khởi đầu tốt này tiếp tục phát triển và trưởng thành.” Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói thêm: “Các ngài viết cho nhau, gọi điện thoại cho nhau, nói chuyện với nhau, đưa ra những lời mời… Trên nhiều lãnh vực, có một mối giao hảo rất tốt giữa hai vị. “

“Tôi tin Chúa Thánh Thần đã gửi đến cho chúng ta một vị Giáo Hoàng tốt vào đúng thời điểm, và điều này đúng với trường hợp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

10. Các nhà lãnh đạo Kitô Giáo Pakistan phản đối vụ bắt cóc cô gái 16 tuổi và cưỡng ép hôn nhân

Các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tại Pakistan đang cầu xin chính phủ cứu giúp cho gia đình của một cô gái 16 tuổi bị bắt cóc, bị buộc cải sang đạo Hồi, và buộc phải kết hôn với một người đàn ông cao niên đã có nhiều vợ.

AsiaNews cho biết trong thực tế việc bắt cóc phụ nữ trẻ để kết hôn là “phổ biến” ở Pakistan. Cảnh sát địa phương thừa nhận Samariya Nadeem đã bị bắt cóc và bị buộc cải sang đạo Hồi trái với ý muốn của mình.

Tuy nhiên, cảnh sát đã không can thiệp vì “người đàn ông cao niên đã có nhiều vợ” đang bắt cóc cô là một người có quyền thế trong xã hội, và một giáo sĩ Hồi giáo ở Pakistan khích lệ chuyện này. “Bắt cóc và cải đạo một phụ nữ theo Hồi giáo là một điều đáng làm, không có gì là bất hợp pháp cả”. Nhà lãnh đạo Hồi Giáo này nói.

11. Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân của đám cháy ở Buenos Aires

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một thông điệp về quê hương cho các nạn nhân và gia đình của một đám cháy kho hàng chết người ở quê nhà Buenos Aires. Ít nhất chín nhân viên cứu hộ đã chết hôm thứ Tư 5 tháng Hai khi tòa nhà ở khu phố Barry đang bốc cháy đã sụp đổ. Bảy người khác bị thương.

Đức Giáo Hoàng nói ngài đã “đau buồn sâu sắc” sau khi biết tin về đám cháy, và nói rằng ngài gần gũi với các nạn nhân trong lời cầu nguyện cho những người đã chết được hưởng sự sống muôn đời, và hy vọng những người sống sót mau bình phục.

Đức Thánh Cha phó thác các nạn nhân và gia đình họ cho Đức Mẹ Lujan.

12. Ngôi sao nhạc Pop Thánh Ca vào đời của Á Căn Đình

Từ thời thơ ấu, Athenas Venica đã tỏ ra yêu thích âm nhạc. Ở tuổi 15, cô nhận ra với tiếng hát của mình cô có thể mang con người đến gần Thiên Chúa hơn.

“Tôi nghe tiếng gọi của Thiên Chúa khi tôi 15 tuổi. Tôi đã là một thành viên của một nhóm thanh niên, từ khi tôi chịu phép Thêm Sức. Đó là cũng là nơi những người bảo trợ giới thiệu với chúng tôi thể loại âm nhạc vào đời, là loại nhạc trẻ chúng ta không hát trong các thánh lễ.”

Cô đã biểu diễn ở Argentina, Paraguay, Brazil và Hoa Kỳ. Cô cho biết các buổi hòa nhạc của cô không bao giờ giống nhau.

Cô nói:

“Sự thật các buổi biểu diễn không có bất kỳ cấu trúc cố định nào. Thay vào đó tôi chọn bài hát theo cảm hứng về những gì tôi muốn chuyển tải. “

Nhờ tài năng và giọng hát của mình, cô đã nhận được nhiều hợp đồng thu âm nhạc ngoài đời. Nhưng Athenas quyết định gạt đi, không nhận.

“Tôi rất thích nhạc. Nhưng tôi cảm thấy tôi cần phải tiếp tục con đường của mình. Tôi rất hạnh phúc với những gì tôi đang làm, đó là âm nhạc Kitô giáo. “

Với hàng ngàn những người theo dõi trên Facebook, Athenas tiếp tục củng cố vị trí của mình trong làng âm nhạc Kitô giáo.

13. Sáng kiến gặp gỡ các đôi uyên ương trong ngày lễ Tình Nhân của Đức Thánh Cha được chào đón nhiệt liệt

Hàng ngàn đôi uyên ương sẽ gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào Ngày Valentine Thứ Sáu 14 tháng 2. Theo dự trù ban đầu buổi gặp gỡ với chủ đề “Niềm vui của lời ưng thuận là muôn đời” sẽ diễn ra tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican. Tuy nhiên, do số người ghi danh quá đông, buổi gặp gỡ sẽ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong một thông báo, Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình nói có hơn 17,000 người trẻ đã ghi danh. Ban tổ chức cho rằng số đôi uyên ương thực sự sẽ tham dự buổi triều yết chung với Đức Thánh Cha là “không thể đoán trước”.

Cuộc gặp gỡ này đã được chào đón nhiệt liệt bởi các đôi uyên ương đang chuẩn bị cho hôn nhân ở Ý và tại các giáo phận trên toàn thế giới. 

Quảng trường Thánh Phêrô sẽ mở cửa từ 9:00 sáng. Lúc 11:00 giờ sẽ có một khoảng thời gian suy tư, cầu nguyện và trình bày các chứng từ để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Thánh Cha, dự kiến là vào lúc 12.00 trưa. 

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng đầu tiên về nhiều lĩnh vực. Với biến cố này, ngài sẽ có thêm danh hiệu mới là Đức Giáo Hoàng đầu tiên gặp gỡ những người hứa hôn.

14. Đức Thánh Cha công bố ý định thăm Sri Lanka

Hôm thứ Bẩy 08 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một nhóm anh chị em người Sri Lanka di dân sang Ý do Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục Colombo dẫn đầu. Nhóm đã đến Rôma vào dịp kỷ niệm lần thứ 75 lễ cung hiến đền thờ Đức Mẹ Lanka tại Tewatte cho Đức Trinh Nữ Maria .

Đức Thánh Cha chào đón Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, và cảm ơn ngài vì lời mời tới thăm Sri Lanka. Ngài nói: “Tôi hoan nghênh lời mời này, và tôi nghĩ rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta đặc ân đó.”

Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ đến các tình huống dẫn đến việc thánh hiến Sri Lanka cho Đức Trinh Nữ Maria .

Giữa những nguy hiểm của chiến tranh thế giới lần thứ hai, năm 1940, Đức Tổng Giám Mục của Colombo thời bấy giờ là Đức Cha Jean-Marie Masson tuyên bố sẽ xây dựng một ngôi đền kính Đức Mẹ nếu đảo quốc này không bị nước ngoài xâm lược. Sau chiến tranh, thực hiện chí nguyện này, Giáo Hội tại Sri Lanka đã xây dựng đền Đức Mẹ Lanka tại Tewatte, bên ngoài thủ đô Colombo .

“Mẹ luôn luôn gần gũi chúng ta,” Đức Giáo Hoàng nói , “Mẹ âu yếm nhìn mỗi người chúng ta với lòng từ mẫu và luôn luôn tháp tùng trong cuộc lữ hành của chúng ta. Đừng ngần ngại dâng lên Mẹ mọi nhu cầu, đặc biệt là khi chúng ta cảm nhận những gánh nặng của cuộc sống với tất cả những vấn đề của nó.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những cuộc xung đột mà Sri Lanka đã phải đối mặt trong những năm gần đây. “Quê hương của anh chị em được gọi là Hòn ngọc Ấn Độ Dương, vì vẻ đẹp tự nhiên và hình dạng của nó. Người ta nói rằng ngọc trai được hình thành từ những giọt nước mắt của con hàu. Thật không may, nhiều nước mắt đã đổ ra trong những năm gần đây, vì các cuộc xung đột nội bộ với biết bao nạn nhân và những thiệt hại to lớn” 

Đức Thánh Cha đã nói về nhu cầu phải hòa giải: 

“Tôi biết là không phải là dễ dàng để chữa lành những vết thương và hợp tác với các kẻ thù trong quá khứ để xây dựng tương lai với nhau, nhưng đó là con đường duy nhất có thể mang đến niềm hy vọng cho tương lai, cho sự phát triển và hòa bình. “

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô bảo đảm với những người hành hương về lời cầu nguyện của ngài, và phó thác dân nước Sri Lanka “cho việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, Đức Mẹ Lanka.”

15. Ai Cập chính thức khôi phục quan hệ đầy đủ với Vatican 

Ai Cập đã chính thức khôi phục quan hệ đầy đủ với Tòa Thánh qua việc cử tân Đại Sứ đến trình quốc thư hôm thứ Năm 6 tháng Hai vừa qua. 

Vị tân đại sứ có cảm giác được trở về quê hương vì bà đã từng làm việc tại Rôma trong nhiều năm. Bày tỏ niềm vui được trở lại Kinh Thành Vĩnh Cửu bà nói:

“Thật là hân hạnh cho tôi. Tôi không biết phải nói gì. Có rất nhiều cảm xúc trong trái tim tôi.”

Bà Wafaa Bassim trước đây đã làm việc tại Tòa Đại Sứ Ai Cập ở Ý. Nhưng lần này bà có một trách nhiệm lớn hơn. Việc bổ nhiệm bà Bassim làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh báo hiệu một đổi mới trong quan hệ giữa Ai Cập và Vatican, sau khi quốc gia này triệu hồi đại sứ về nước vào năm 2011 sau những rối loạn chính trị. 

Bà Wafaa Bassim, tân Đại sứ Ai Cập cạnh Tòa Thánh nói:

“Tôi ghi nhận một cảm giác chung của sự hài lòng và lạc quan cho tương lai vì bây giờ có một đại sứ mới tại Vatican, sau gần hai năm vắng mặt. Nhưng đó là do những thứ khác nhau trong đó yếu tố chính là những thay đổi to lớn vừa qua ở Ai Cập.”

Việc bổ nhiệm bà Bassim đã diễn ra trong một thời điểm tế nhị theo sau tình trạng bất ổn trầm trọng tại Ai Cập. Kitô hữu tại đây đã bị bách hại tàn khốc trong vòng 3 năm qua.

Đại sứ Ai Cập cho biết một trong những mục tiêu chính của mình sẽ là thúc đẩy đối thoại và hợp tác với Vatican để làm sáng tỏ những định kiến và hiểu lầm .

Bà nói:

“Vai trò của chúng tôi là giải thích, để làm sáng tỏ, để trả lời các câu hỏi, để cung cấp thông tin đáng tin cậy, và chính xác về những gì đang xảy ra ở Ai Cập, về hiến pháp mới, về tiến trình hòa giải các phe phái khác nhau của xã hội. “

Sau khi trình ủy nhiệm thư của mình lên Đức Thánh Cha Phanxicô, bà Bassim cho biết hai vị đã thảo luận đến các vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là về bình đẳng kinh tế và việc bảo vệ các nhóm thiểu số.

Tân Đại sứ đã giới thiệu gia đình và nhân viên đại sứ quán của mình với Đức Thánh Cha. Bà đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một cây Thánh Giá của Giáo Hội Coptic mạ vàng.

16. 124 vị tử đạo Hàn quốc có thể được tôn phong trong chuyến viếng thăm Hán Thành của Đức Thánh Cha Phanxicô

Bộ Phong Thánh cho biết trong buổi triều yết dành cho Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Thánh Bộ, hôm thứ Sáu 7 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã chuẩn y các án phong thánh tử đạo cho

a) Tôi tớ Chúa Francesco Zirano, linh mục của Dòng Anh Em Hèn Mọn. Ngài sinh năm 1564 tại Sassari, Ý, đã bị giết vì lòng căm thù đức tin tại thủ đô Algiers của Algeria vào ngày 25 tháng 1 năm 1603.
b) Tôi Tớ Chúa là anh Phaolô Yun Ji -chung, giáo dân, cùng với 123 bạn tử đạo Họ đã bị giết vì hận thù đức tin tại Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1791 đến 1888.

Có nhiều khả năng Đức Thánh Cha sẽ tôn phong cho các vị trong khoảng từ ngày 10 đến 17 tháng Tám năm 2014 khi ngài tham dự Ngày Giới Trẻ Á Châu tại Daejeon.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha đã chuẩn y việc công nhận các nhân đức anh hùng của 

a) Tôi tớ Chúa là Giêsu Maria Echavarría Aguirre, Giám Mục giáo phận Saltillo, Mexico, đấng sáng lập của Hội Dòng Nữ Tử Giáo Lý Viên Guadalupe. Ngài sinh tại Real de San Pedro de Bacubirito, Mexico ngày 06 tháng 7 năm 1858, và đã qua đời tại Saltillo , Mexico vào ngày 05 Tháng Tư năm 1954 .
b) Tôi tớ Chúa là Faustino Ghilardi (tên khai sinh là Guglielmo Giacomo), linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn. Ngài sinh tại Pieve a Nievole, Ý ngày 6 tháng năm 1858, và đã qua đời ở San Vivaldo thuộc miền Monaione, Ý vào ngày 25 tháng 10 1937 .
c) Tôi tớ Chúa là Maria Giuseppa Rodríguez Xuárez de la Guardia, một nữ tu Hội Dòng Nữ Tu tình yêu của Thiên Chúa. Ngài sinh ra ở Colmenar, Tây Ban Nha vào ngày 16 Tháng Năm 1923 và qua đời tại Roma ngày 30 tháng 3 năm 1956 .

17. Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha vinh danh cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh 

Phát ngôn viên Tòa Thánh Federico Lombardi vừa được Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha trao giải “Bravo” lần thứ 42.

Giải “Bravo” là giải thưởng hàng năm cuả Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha nhằm vinh danh những người làm công tác truyền thông đã có những đóng góp to lớn cho phẩm giá của con người, quyền con người, và các giá trị Tin Mừng.

Giải Bravo lần thứ 42 đã được trao tại Madrid hôm 6 tháng Hai.

Giám đốc văn phòng báo chí Vatican sinh ngày 20 tháng 8 năm 1942 tại Saluzzo, Italia. Ngài là một nhà thần học và triết học. Bên cạnh đó, linh mục Dòng Tên này cũng là một nhà toán học. Ngài đã làm việc trong các phương tiện truyền thông hơn 30 năm qua.

Ngày 11 Tháng Bảy năm 2006, Đức Giáo Hoàng Bêneđíctô XVI đã bổ nhiệm ngài làm giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh, thay thế cho tiến sĩ Joaquin Navarro – Valls, người đã giữ chức vụ này liên tục trong 22 năm. 

Từ năm 1991, ngài đã được bổ nhiệm làm giám đốc chương trình của Radio Vatican, sau đó được bổ nhiệm làm Giám Đốc Truyền Hình Vatican vào năm 2001, và Tổng Giám Đốc Radio Vatican năm 2005. 

Nét nổi bật của ngài là tính khiêm tốn và khả năng ứng phó linh hoạt và bặt thiệp.

Trong lần ra mắt đầu tiên với báo chí, cha Lombardi nói ngài sẽ không phải là một “phát ngôn viên” của Đức Giáo Hoàng 

Ngài nói: “Tôi không nghĩ rằng vai trò của tôi là để giải thích ý tưởng của Đức Giáo Hoàng hoặc giải thích những điều mà ngài đã phát biểu một cách hết sức rõ ràng và phong phú.” 

Bên cạnh tiếng Ý là tiếng mẹ đẻ của mình, cha Lombardi nói thông thạo các ngôn ngữ Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha .

18. Lời cầu nguyện của một linh mục tại Homs đã được nhậm lời.

Tuần trước chúng tôi đã nói về câu chuyện một linh mục người Hà Lan đang bị mắc kẹt tại Homs nói với thông tấn xã Fides và tờ The Telegraph là các cư dân của thành phố Syria này đang chết đói dần và thành phố đã trở thành một khu rừng vô luật lệ.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây cho thấy lời cầu nguyện của cha Frans van der Lugt đã được nhậm lời. Trong ba ngày từ Thứ Năm 6 tháng Hai, các bên tham chiến đã đồng ý ngưng bắn để hàng triệu người mắc kẹt trong thành phố có thể di tản.

Nguồn: Vietcatholic

h5

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …