Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 06/02/2018: ĐTC khẳng định cho vay ăn lời cắt cổ là một tội nghiêm trọng

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 06/02/2018: ĐTC khẳng định cho vay ăn lời cắt cổ là một tội nghiêm trọng

1. Các sinh hoạt vào đầu Mùa Chay của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma

Theo thông báo của Văn Phòng Các Nghi Lễ Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng, Mùa Chay tại Vatican sẽ bắt đầu với cuộc rước kiệu sám hối vào ngày Thứ Tư Lễ Tro 14 tháng Hai.

Lúc 4:30 chiều, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự cuộc rước kiệu sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh.

Đi trong đoàn rước với Đức Thánh Cha, sẽ có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma, các tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị sẽ vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ Năm, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Chiều Chúa Nhật 18 tháng 2, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh sẽ rời Vatican đi tĩnh tâm mùa chay cho đến sáng thứ sáu, 23 tháng 2.

Giống như các năm trước, các vị dùng xe bus để tới trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu lúc 6 giờ chiều với buổi Chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều. Những ngày sau đó có kinh sáng lúc 7 giờ rưỡi, tiếp đến là bài suy niệm thứ I lúc 9 giờ rưỡi, rồi thánh lễ đồng tế.

Ban chiều lúc 6 giờ có bài suy niệm thứ II, tiếp đến là Chầu Thánh Thể và kinh chiều.

Sáng thứ Sáu 23 tháng 2, sẽ có thánh lễ lúc 7 giờ rưỡi và một bài kết thúc lúc 9 giờ rưỡi.

Tuần tĩnh tâm của giáo triều Rôma đã được khởi xuớng từ năm 1929 dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI. Trong thời gian đầu giáo triều dự tĩnh tâm vào Mùa Vọng. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã đổi sang tĩnh tâm vào tuần thứ nhất Mùa Chay.

2. Lễ tuyên phong Chân Phước cho anh Teresio Olivelli, giáo dân bị giết trong trại tập trung Đức Quốc Xã

Một giáo dân người Ý, là anh Teresio Olivelli, bị giết chết trong một trại tập trung của Đức Quốc Xã hồi Thế chiến II vì đức tin, đã được phong Chân Phước vào ngày thứ Bẩy 3 tháng 2 tại Vigevano, Italia. 

Anh Teresio Olivelli, sinh ngày 7 tháng Giêng 1916. Anh đã từng tham gia trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha vào năm 1936 để bênh vực Giáo Hội và sau đó chiến đấu chống phát xít Ý và Đức Quốc Xã tại Nga. Năm 1943, anh bị trục xuất từ Nga sang Áo và trốn thoát được về Milan thành lập một tờ báo Công Giáo bí mật ở thành phố này. Anh bị bắt ngày 27 tháng Tư 1944. Anh bị hành hạ dã man nhưng không khai ra những người trong tổ chức kháng chiến của mình nên bị đưa vào danh sách tử hình vào tháng 7, 1944. Anh trốn thoát được nhưng vài ngày sau lại bị bắt. 

Teresio Olivelli bị trục xuất sang Đức vào tháng 8, năm 1944 và qua đời ở thành phố Hersbruck, ở tuổi 29, vào ngày 12 tháng Giêng năm 1945 sau khi cố gắng bảo vệ một tù nhân trẻ người Ukraine bị đánh đập tàn nhẫn.

Lễ phong Chân Phước cho anh đã diễn ra tại Cung Thể thao Vigevano, do Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh chủ sự.

Trong bài giảng thánh lễ Đức Hồng Y Amato nói: 

“Nói về Teresio Olivelli, là nói về một thanh niên trẻ tuổi nhiệt tình đối với đức tin và là một người yêu mến thiết tha tổ quốc mình … Trong khi tham chiến ở mặt trận bên Nga và cả trong các trại tập trung, sự thanh khiết của đức tin đơn sơ của anh, đầy thuyết phục và làm cảm động nhiều người. Anh yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Giáo Hội, yêu mến Đức Giáo Hoàng, và yêu thương những người khác với một lòng bác ái như Chúa Giêsu đã từng dạy. Lòng bác ái là cấu trúc hình thành nên cuộc đời anh”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã vinh danh Teresio trong huấn từ của ngài trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 4 tháng Hai. Ngài nói:

“Vị tân Chân phước đã làm chứng cho Chúa Kitô qua tình yêu thương dành cho những người yếu thế, và ngài kết hiệp với hàng ngũ đông đảo các vị tử đạo trong thế kỷ vừa qua. Cầu xin cho sự hy sinh anh dũng của ngài là hạt giống cho hy vọng và tình huynh đệ nhất là cho những người trẻ.”

3. Bối cảnh Hội Nghị: “Đương đầu với bạo lực nhân danh tôn giáo”

Tháng 10 năm 2016, quân Iraq mở cuộc tấn công vào vùng bình nguyên Ninivê. Đầu tháng Giêng 2017, bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị vây chặt trong thành Mosul. Những biến chuyển ấy khiến nhiều người lạc quan tin rằng làn sóng bách hại các Kitô hữu trên thế giới sẽ phải chậm lại. Nhưng không, tổ chức Open Doors vừa công bố một báo cáo cho thấy 3,066 Kitô hữu đã bị giết vì niềm tin Kitô của mình trong năm ngoái 2017, nhiều gấp hai lần năm 2016. 

Tất cả 11 nước vẫn thường được xem là bạc đãi các Kitô hữu nhất giờ đây đều được coi là những nơi bách hại dã man hơn bao giờ hết trong 26 năm theo dõi của Open Doors. Dựa trên các dữ liệu về năm lĩnh vực của cuộc sống – cuộc sống riêng tư, gia đình, cộng đồng, quốc gia và Giáo Hội, Open Doors khẳng định rằng trên toàn thế giới có đến 50 quốc gia nơi sự bách hại các tín hữu Kitô đã lên đến mức cực đoan một cách đáng báo động.

Bắc Triều Tiên vẫn giữ vị trí số một trong việc khủng bố các Kitô hữu, theo sau là Afghanistan và Somalia, nơi mà các Kitô hữu thường xuyên phải gánh chịu những hình thái bạo lực của người Hồi giáo.

Báo cáo mới nhất của Open Doors nêu bật những mức độ bức hại chưa từng thấy ở Ai Cập, là nơi năm ngoái có hơn 200 Kitô hữu bị đuổi ra khỏi nhà và 128 người bị giết vì đức tin của họ. Ai Cập là nơi sinh sống của cộng đồng Coptic lớn nhất ở Trung Đông, phần lớn là người theo Chính Thống Giáo. Trong ngày Giáng sinh vừa qua, các Kitô hữu đã tham dự các nghi lễ cùng với những người lính giữa các hàng rào an ninh nghiêm nhặt. Lễ Phục Sinh năm ngoái hai vụ đánh bom nhà thờ đã giết chết 49 người.

Theo những tác giả của báo cáo này, việc bọn khủng bố Hồi giáo bị đẩy lùi khỏi Iraq và Syria đã góp phần làm gia tăng mức độ bạo lực ở các nước xung quanh.

Cựu Giám đốc điều hành của Open Doors tại Vương quốc Anh và Ái Nhĩ Lan là bà Lisa Pearce nói: “Kitô hữu ở Ai Cập đang phải đối mặt với một sự phân biệt và đe dọa nặng nề, nhưng họ quyết liệt không chối bỏ niềm tin của mình. Chúng ta những người sống ở Anh và Ái Nhĩ Lan khó tưởng tượng hết nổi những khía cạnh đau thương mà họ phải gánh chịu.”

Bà nói rằng các hình thức phân biệt đối xử bao gồm việc không có việc làm, bị từ chối giấy phép quy hoạch gia cư và là mục tiêu của các cuộc tấn công khi họ đi nhà thờ.

Danh sách của Open Doors cũng nhấn mạnh đến trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, là nước trong ba năm gần đây đã tăng đều đặn lên đến hạng 31 trong năm nay.

Các khu vực đáng quan tâm khác là chủ nghĩa cực đoan Hindu ở Ấn Độ và Nepal, cũng như xu hướng bách hại đang nổi lên ở Đông Nam Á, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở Malaysia.

Theo báo cáo, cuộc bách hại tiếp tục gia tăng trên khắp châu Phi, với Sudan, Somalia, Eritrea và Libya là những quốc gia trong số 11 nước tồi tệ nhất.

4. Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các tham dự viên Hội Nghị: “Đương đầu với bạo lực nhân danh tôn giáo”

Lúc 9 giờ 30 sáng thứ Sáu 2 tháng 2, tại Hội trường Clêmentê của dinh Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các tham dự viên của Hội nghị “Đương đầu với bạo lực nhân danh tôn giáo”.

Trong diễn từ với những người hiện diện, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào đón nồng nhiệt và tôi cảm ơn sự hiện diện của anh chị em. Điều rất quan trọng là các nhà chức trách dân sự và các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể gặp nhau để thảo luận làm thế nào để đối phó với các hành vi bạo lực đã và đang được thực hiện dưới danh nghĩa tôn giáo.

Tôi sẽ bắt đầu bằng cách lặp lại những gì tôi thường nói, và đặc biệt là điều tôi đã nói trong chuyến viếng thăm của tôi đến Ai Cập: “Thiên Chúa, Đấng yêu mến sự sống, không ngừng yêu thương con người, và vì thế Người khuyên chúng ta nên từ khước con đường bạo lực như là điều kiện cần thiết cho mọi ‘giao ước’ trần thế. Trên tất cả và đặc biệt trong thời của chúng ta, các tôn giáo được kêu gọi tôn trọng mệnh lệnh này, bởi vì, trước tất cả ước vọng của chúng ta về Đấng Tuyệt đối, điều thiết yếu là chúng ta từ chối bất kỳ ‘sự tuyệt đối hóa’ nào có thể biện minh cho bạo lực. Vì bạo lực là sự phủ nhận của mọi biểu hiện tôn giáo đích thực. Chúng ta có nghĩa vụ tố cáo những vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, vạch trần những nỗ lực nhằm biện minh cho mọi hình thức hận thù nhân danh tôn giáo, và lên án những nỗ lực đó như những bức biếm hoạ bôi bác Thiên Chúa” (Diễn từ tại Hội nghị Hoà bình Quốc tế, Trung tâm Hội nghị Al-Azhar, Cairo, ngày 28 tháng 4 năm 2017). 

Bạo lực được cổ vũ và được thực hiện nhân danh tôn giáo chỉ có thể làm mất uy tín của chính tôn giáo ấy. Do đó, những thứ bạo lực như thế phải được tất cả mọi người lên án, và nhất là bởi những người có niềm tin tôn giáo thực sự, là những người biết rằng Thiên Chúa luôn luôn tốt lành, yêu thương và từ bi, và trong Người không có chỗ cho hận thù, oán giận hoặc trả thù trả oán. Người có niềm tin tôn giáo biết rằng trong số những lời báng bổ khốn nạn nhất chống lại Thiên Chúa có tội kêu cầu danh Chúa để biện minh cho tội lỗi và tội ác của mình, kêu cầu Ngài để biện minh cho việc giết người, thảm sát hàng loạt, nô dịch, bóc lột bằng bất cứ hình thức nào, áp bức và bách hại cá nhân hay toàn thể dân chúng.

Người có niềm tin tôn giáo biết rằng Thiên Chúa là Đấng Thánh, và rằng không ai có thể viện đến danh Ngài để làm điều ác. Mỗi nhà lãnh đạo tôn giáo được kêu gọi để lột mặt nạ bất kỳ nỗ lực nào lợi dụng danh Thiên Chúa cho những mục đích không liên quan gì đến Ngài hay vinh quang của Ngài. Chúng ta cần phải chứng tỏ với những nỗ lực không ngừng nghỉ rằng mọi cuộc sống con người đều là thánh thiêng, xứng đáng được tôn trọng, yêu mến, trắc ẩn và liên đới, bất kể sắc tộc, tôn giáo, văn hoá, hoặc ý thức hệ hay xác tín chính trị của người đó.

Việc theo một tôn giáo nào đó không trao thêm phẩm giá hay quyền hành trên các cá nhân nhân khác, và việc không theo một tôn giáo nào cũng không thể vì thế mà bị tước mất hay giảm thiểu phẩm giá và quyền lợi.

Do đó, cần có một cam kết chung của các nhà chức trách dân sự, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các thầy cô giáo và những ai làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và thông tin liên lạc, là phải cảnh báo tất cả những người bị cám dỗ bởi những hình thức tín ngưỡng sai lạc rằng những hình thức bạo lực không thể được xem là việc tuyên xưng một niềm tin tôn giáo đúng với ý nghĩa của danh xưng này.

Điều này sẽ giúp tất cả những người có thiện chí đang tìm kiếm Thiên Chúa có thể gặp gỡ Chúa trong sự thật, gặp gỡ Đấng giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi, hận thù và bạo lực, và gặp gỡ với Đấng muốn sử dụng khả năng sáng tạo và năng lực của mỗi người để truyền bá kế hoạch yêu thương và hòa bình của Ngài, được ban cho tất cả mọi người.

Thưa quý vị, tôi xin lặp lại nơi đây lời cảm ơn của tôi trước sự sẵn sàng tham gia vào việc suy tư và đối thoại về một chủ đề rất quan trọng này, và sự đóng góp các kinh nghiệm chuyên môn cho sự phát triển của nền văn hoá hòa bình luôn đặt nền tảng trên sự thật và tình yêu. Xin Thiên Chúa ban phép lành cho anh chị em và công việc của anh chị em. Cảm ơn anh chị em.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô lên án nạn cho vay ăn lời cắt cổ tại Ý

Sáng thứ Bẩy 2 tháng 2, phát biểu với các thành viên của Hiệp Hội Toàn Quốc Chống Cho Vay Ăn Lời Cắt Cổ Italia, Đức Thánh Cha đã lên án việc khai thác tài chính và kêu gọi một nền giáo dục đối phó với nạn cho vay nặng lãi và tham nhũng.

Hiệp Hội “Gioan Phaolô II” Chống Cho Vay Ăn Lời Cắt Cổ của Italia là tổ chức cung cấp các trợ giúp cho các nạn nhân của các hình thức khai thác tài chính.

Cho vay ăn lời cắt cổ là làm nhục và giết người

Đức Thánh Cha nói: “Cho vay ăn lời cắt cổ là làm nhục và giết người. Cho vay nặng lãi là một tội trọng. Nó giết chết cuộc sống, chà đạp nhân phẩm, thúc đẩy tham nhũng, và gây ra những trở ngại cho thiện ích chung.” 

Đức Thánh Cha nhận xét rằng loại hình khai thác tài chính này – bao gồm việc cho vay tiền với lãi suất cao một cách bất hợp lý – là một tội ác đã có từ xa xưa và phải được ngăn chặn thông qua giáo dục.

Nhu cầu giáo dục tài chính

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chúng ta cần dạy cho mọi người biết sống một lối sống giản dị, “biết cách phân biệt giữa những gì không cần thiết và những gì cần thiết” là bước đầu tiên để ngăn ngừa sự ác này.

Ngài nói thêm rằng giáo dục tài chính phải làm cho mọi người biết chịu trách nhiệm về hành động của mình và giúp họ đừng mắc nợ vào thân chỉ vì muốn mua sắm những thứ không cần thiết, những thứ mà người ta có thể sống được dễ dàng mà không cần có những thứ ấy.

Đức Thánh Cha nói: “nhân đức khó nghèo và hy sinh” cần phải được tái khám phá vì sự thanh bần giúp ta tránh được tình cảnh làm “nô lệ cho mọi thứ”, trong khi sự hy sinh giải thoát chúng ta khỏi lòng ao ước chiếm hữu được mọi sự trong cuộc sống.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rằng giáo dục chống lại việc cho vay ăn lời cắt cổ phải bao gồm việc thấm nhuần một tư duy trung thực và hợp pháp, cùng với lòng mong muốn giúp đỡ những người túng quẫn thông qua các công việc thiện nguyện.

Lòng biết ơn đối với dịch vụ do Hiệp hội cung cấp

Đức Giáo Hoàng cảm ơn Hiệp Hội Toàn Quốc Chống Cho Vay Ăn Lời Cắt Cổ Italia vì đã phục vụ suốt 26 năm qua trong việc chống lại việc khai thác tài chính.

Ngài nói những nỗ lực của họ đã cứu được hơn 25,000 gia đình và các doanh nghiệp nhỏ khỏi những món nợ nặng lãi và giúp họ khôi phục được nhân phẩm.

“Bằng cách chống lại nạn cho vay nặng lãi và tham nhũng, anh chị em đã có thể truyền tải hy vọng và sức mạnh cho các nạn nhân, để họ có thể phục hồi sự tự tin và thoát ra được tình trạng túng thiếu”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi “một chủ nghĩa nhân bản kinh tế mới,” chấm dứt nền kinh tế bất hợp lý và bất công “giết chết” và làm hạ giá con người đến mức chỉ còn là “các công cụ của một nền văn hoá lãng phí”.

6. Nữ tu bị bắt cóc tại Mali khẩn khoản xin Đức Thánh Cha can thiệp 

“Chúng tôi đã xem video và chúng tôi rất vui khi biết sơ ấy còn sống và điều này thúc đẩy chúng tôi tiếp tục những lời cầu nguyện và những nỗ lực của mình để sơ ấy được thả ra”, Đức Cha Jean-Baptiste Tiama, Giám mục giáo phận Sikasso, ở Mali, cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc biết như trên sau khi khủng bố Hồi Giáo tung lên Net một video về nữ tu Gloria Cecilia Narvaez Argoti.

Sơ Gloria là nữ tu người Colombia thuộc dòng Thánh Phanxicô của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên tội. Sơ bị bắt cóc vào ngày 8 tháng 2 năm 2017 tại Karangasso ở phía Nam Mali.

Đức Cha Toma nhấn mạnh rằng: “Điều an ủi chúng tôi là thấy rằng sơ Gloria xuất hiện trong tình trạng sức khoẻ tốt và thực tế là sơ ấy đã đề cập đến chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Chí Lợi và Peru làm cho chúng tôi nghĩ rằng video này mới được thu hình gần đây thôi. Và điều này mang lại cho chúng tôi nhiều hy vọng”.

Đức Giám Mục cho biết thêm “vào tuần tới, một năm sau khi sơ Gloria bị bắt cóc, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi cầu nguyện. Toàn thể cộng đồng giáo phận sẽ đi đến chỗ sơ bị bắt cóc để cầu nguyện và yêu cầu trả tự do cho sơ”

Tháng 7 năm 2017, nhóm “Ủng hộ Hồi giáo và các tín hữu Hồi” liên kết với Al Qaida cũng đã tung ra một video về nữ tu Gloria.

Trong video mới kéo dài 4 phút 44 giây, nữ tu Gloria đã đề cập đến Đức Thánh Cha Phanxicô và khẩn khoản xin ngài can thiệp để sơ được trả tự do.

7. Vatican cấm cửa nguyên tổng thống Ái Nhĩ Lan 

Cựu tổng thống Ái Nhĩ Lan Mary McAleese đã bị cấm không được tham dự một cuộc họp phụ nữ tại Vatican. Để đối phó các nhà tổ chức chuyển cuộc họp này sang một địa điểm khác.

Chantal Götz, giám đốc điều hành Voices of Faith, cho biết nguyên tổng thống McAleese đã không nhận được sự chấp thuận của Đức Hồng Y Kevin Farrell, một người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, là Tổng Trưởng Bộ Gia đình và Cuộc sống.

Chantal Götz nói với tờ Irish Times: “Đức Hồng Y Farrell gửi lại cho tôi danh sách những người mà ngài cho phép. Mary McAleese và hai người khác đã không được tham dự. Chúng tôi đã thuyết phục ngài nhưng thật không may, những nỗ lực của chúng tôi đã không khiến cho Đức Hồng Y đổi ý.”

Một trong những người bị cấm khác là Ssenfuka Joanita Warry, một nhà hoạt động đồng tính người Uganda.

Thay vì loại bỏ các diễn giả, các nhà tổ chức đã chuyển cuộc họp tới trụ sở của Dòng Tên ở ngay bên ngoài Vatican.

Một phát ngôn viên của bà McAleese nói với tờ Crux rằng bà cựu tổng thống đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng về vấn đề này và hiện đang chờ câu trả lời, và trong lúc này bà sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào thêm.

Cựu tổng thống Ái Nhĩ Lan Mary McAleese, năm nay 66 tuổi, là tổng thống thứ 8 của Cộng Hoà Ái Nhĩ Lan trong nhiệm kỳ 1997 – 2011. Tuy là người Công Giáo, bà thường xuyên chế nhạo các giáo huấn của Công Giáo về hôn nhân đồng tính, an tử và trợ tử.

8. Hội Đồng Giám Mục Colombia lên tiếng về nền hòa bình mong manh của quốc gia này

Chỉ chưa đầy 24 giờ, các phiến quân cộng sản đã mở 3 cuộc tấn công vào 3 trạm cảnh sát trên bờ biển Caribê của Colombia.

“Các sự kiện như thế không thể đe dọa chúng tôi, họ không thể làm cho chúng tôi rơi vào thất vọng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi sống chung với nhau, như những anh chị em và chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau và đánh giá cao mạng sống của mọi người”, Đức Cha Pablo Emiro Salas Anteliz, Tổng giám mục Barranquilla, nói trong một tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Colombia, được gửi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. 

Vụ tấn công đầu tiên xảy ra vào những giờ sáng sớm thứ Bảy, 27 Tháng Giêng. Du kích cộng sản của cái gọi là Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia, viết tắt là ELN đã tấn công dữ dội vào đồn cảnh sát San Jose ở phía nam Barranquilla, giết chết 5 cảnh sát viên và làm bị thương 41 người khác, nhiều người trong số này đang trong tình trạng nghiêm trọng. 

Tối hôm đó, một cuộc tấn công khác xảy ra tại trạm biến áp Buenavista ở Santa Rosa, phía Nam Bolivar, làm 2 cảnh sát viên thiệt mạng. 

Mờ sáng ngày 28 tháng Giêng, một vụ tấn công thứ ba diễn ra tại đồn cảnh sát của thành phố Soledad, Atlántico, gây thương tích cho 7 người.

“Chúng ta đặt tất cả các nạn nhân của những vụ tấn công này trong tay Chúa.” Đức Tổng Giám Mục Anteliz nói. Ngài nói thêm rằng các Giám Mục Colombia “khuyến khích tất cả mọi người bình tĩnh đừng để những sự kiện này ảnh hưởng đến con đường hòa bình.”

Đầu tháng 9 năm ngoái 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tông du nước này và cố gắng thuyết phục dân chúng Colombia chấp nhận một thoả hiệp ngừng bắn với lực lượng du kích FARC. ELN là nhóm du kích cộng sản lớn thứ hai sau FARC. Đến nay, chính quyền nước này vẫn chưa đạt được một thoả thuận hòa bình với nhóm ELN.

Trước khi giã từ Colombia, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em thân mến, tôi muốn để lại cho anh chị em một từ cuối cùng. Chúng ta không hài lòng với ‘bước đầu tiên’. Thay vào đó, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình mới mỗi ngày, đi gặp người khác và khuyến khích sự hòa hợp và tình huynh đệ. Chúng ta không thể đứng yên. 

Anh chị em thân mến, Colombia cần đến anh chị em. Hãy tiến ra ngoài để gặp gỡ họ. Dẫn dắt họ đến việc chấp nhận hòa bình, không bạo lực. Hãy là ‘những nô lệ của hòa bình, mãi mãi’. Hãy là ‘NHỮNG NÔ LỆ CỦA HÒA BÌNH, MÃI MÃI’”

9. Các Giám Mục El Salavador đến Hoa Kỳ để tìm cách giúp các di dân bất hợp pháp

Một phái đoàn gồm bốn giám mục của El Salavador sẽ đến Hoa Kỳ để gặp các Giám mục Mỹ, với mục đích phối hợp các hành động nhằm giúp giải quyết tình trạng di dân của những người Salvador đang ở trong tình trạng được bảo vệ tạm thời (TPS). TPS là một chính sách của Hoa Kỳ nhằm giúp công dân các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc các vấn đề nội bộ khác.

Hội Đồng Giám Mục Salvador đã công bố như trên vào lúc kết thúc hội nghị khoáng đại thường niên hôm 27 tháng Giêng. 

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết tình trạng pháp lý của những người nhập cư Salvador ở Hoa Kỳ và những cuộc bầu cử vào tháng 3 năm tới là hai vấn đề chính trị và xã hội quan trọng nhất mà các Giám mục đã thảo luận.

Hôm 8 tháng Giêng, Hoa Kỳ tuyên bố rằng có 195,000 người Salvador được bảo vệ theo luật TPS. Họ sẽ có thời gian cho đến tháng 9 năm 2019 để rời khỏi Hoa Kỳ hoặc hợp thức hóa tình trạng của họ. Tuy nhiên, theo các cuộc khảo sát gần đây, 2 triệu người Salvador đang sống bất hợp pháp trên đất Mỹ. 

Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas của thủ đô San Salvador nói:

“Cùng với các Giám mục Hoa Kỳ, những người đã ủng hộ chúng tôi rất nhiều, chúng tôi muốn cố gắng tạo một ảnh hưởng nào đó với các quan chức dân sự, để tìm ra giải pháp phù hợp với các anh chị em Salvador của chúng tôi”.

10. Cộng đoàn Thánh Edigio mở trường cho các thiếu nhi Rohingya tị nạn

Người Rohingya sống trong những chòi tre nhỏ bé làm bằng tre nứa và những miếng vải nhựa trong các trại tị nạn; nước uống và thực phẩm vẫn còn rất khan hiếm. Có hơn 500,000 trẻ em đang khao khát một tương lai không hề tồn tại. Tôi vừa mới đến thăm các trại tị nạn Rohingya ở Bangladesh: gần một triệu người đã trốn khỏi Miến Điện để thoát chết. Để đáp lại nhu cầu lớn lao của trẻ em, chiếm hơn một nửa số người Rohingya trong các trại, cộng đoàn Thánh Egidio đã mở một trường học cho 300 trẻ em trong trại tị nạn Jamtholi”. Ông Alberto Quattrucci, một phái viên của cộng đoàn Thánh Egidio ở Bangladeh, đã cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, biết như trên sau chuyến viếng thăm các trại tị nạn dành cho những người Rohingya trốn khỏi Miến Điện.

Ông Quattrucci nói tiếp: “Những người lính Miến Điện đã phá hủy các ngôi làng của người Rohingya, đốt nhà cửa của họ, tra tấn những người đàn ông và hãm hiếp phụ nữ, giết chết hơn 7,000 người chỉ trong năm ngoái mà thôi. Vì vậy, người Rohingya phải bỏ trốn mang theo gia đình hoặc những gì còn sót lại với họ. Đây là những người không có quốc tịch đông nhất trên thế giới. Đó là những người không tồn tại về mặt pháp lý và do đó không có bất kỳ quyền lợi nào. Chúng ta đang nói về chính sách thanh lọc sắc tộc bi đát nhất trong thế kỷ của chúng ta”.

Một hạt giống hy vọng, trong tình huống bi thảm này, là một trường mới vừa được khởi động ở trại tị nạn Jamtholi. Nhà trường mở cửa sáu ngày một tuần, từ thứ Bảy đến thứ Năm, nghỉ ngày thứ Sáu, từ 9 giờ đến 3 giờ chiều, gồm ba ca, mỗi ca dành cho 100 đứa trẻ. Khác với các Kitô hữu, người Hồi Giáo nghỉ vào ngày thứ Sáu thay vì Chúa Nhật.

Ông Quattrucci giải thích rằng các giáo viên là bốn người tị nạn Rohingya. Họ là những giáo viên ở bang Rakhine Miến Điện trước khi trốn sang Bangladesh. Các lớp học đang được tổ chức tại một túp lều tạm thời, trong khi chờ đợi ngày khởi công xây dựng một ngôi trường rộng rãi và ổn định hơn trên một mảnh đất đã được chính quyền cho phép. 

11. Ba Lan thông qua dự luật về Holocaust gây khó chịu cho Do Thái

Các nhà lập pháp Ba Lan đã thông qua một dự luật vào hôm thứ Năm 1 tháng Hai theo đó chính quyền sẽ áp đặt lệnh bắt giam với những ai cho rằng Ba Lan đã đồng lõa với Đức Quốc Xã trong cuộc tàn sát người Do Thái. Diễn biến này thu hút sự quan tâm của Hoa Kỳ và sự phẫn nộ từ Israel với những cáo buộc cho rằng Ba Lan đang cố gắng “thay đổi chân lý lịch sử”.

Đảng Pháp Luật và Công Lý là đảng đang cầm quyền tại Ba Lan cho biết dự luật này là cần thiết để bảo vệ danh tiếng của Ba Lan và bảo đảm rằng các nhà sử học nhận ra rằng không chỉ có người Do Thái mà rất đông người Ba Lan cũng đã bị giết hại dưới thời Đức Quốc xã. 

Thượng viện đã bỏ phiếu cho dự luật vào những giờ đầu của ngày thứ Năm và sẽ được gửi đến Tổng thống Andrzej Duda, để ký ban hành luật này trong vòng 21 ngày.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết: “Cái chết và những đau khổ ở các trại tập trung Đức Quốc xã là một kinh nghiệm được chia sẻ giữa người Do Thái, Ba Lan và nhiều quốc gia khác, và thêm rằng Ba Lan sẽ không bao giờ giới hạn cuộc tranh luận về cuộc diệt chủng người Do Thái, hay thường được gọi là Holocaust.

Phó Thủ tướng Beata Szydlo cho biết hôm thứ Tư trước cuộc bỏ phiếu rằng “Tất cả người dân Ba Lan đều có nghĩa vụ bảo vệ danh tiếng của đất nước”.

Tổng thống Andrzej Duda chưa cho biết liệu ông sẽ ký vào dự luật này hay không, nhưng ông đã gợi ý rằng ông có thiện cảm với mục đích của dự luật này. Ông nói với truyền hình nhà nước vào hôm thứ Hai: “Vấn đề cần được giải thích một cách bình tĩnh, nhưng chúng ta hoàn toàn không thể quay trở lại.”

Dự luật này sẽ áp dụng hình phạt tù ba năm với bất cứ ai sống trên lãnh thổ Ba Lan đề cập đến cụm từ “trại tử thần Ba Lan”, mặc dù dự luật bảo đảm rằng các nghiên cứu khoa học về chiến tranh thế giới thứ hai sẽ không bị hạn chế.

Bộ Ngoại giao Israel hôm thứ Năm cho biết Israel “cương quyết phản đối” dự luật này.

12. Dịch cúm lan rộng khiến nhiều giáo phận Hoa Kỳ yêu cầu các tín hữu đừng bắt tay trao bình an, gật đầu thôi là đủ

Sự bùng phát dịch cúm ở Hoa Kỳ đã thúc đẩy các giáo phận phải thực hiện các bước cần thiết trong đó có việc đình chỉ các nghi thức truyền thống nhằm ngăn chặn sự lan truyền của vi khuẩn càng nhiều càng tốt.

Nhiều giáo phận Mỹ khuyến khích anh chị em giáo dân đừng bắt tay khi trao bình an, nhưng chỉ đơn giản là gật đầu hoặc nở một nụ cười thôi là đủ. Nhiều giáo phận còn làm cạn các bình nước thánh trước tình trạng bệnh cúm lan truyền khắp hầu hết mọi miền đất nước một cách tồi tệ nhất trong gần một thập niên qua.

Các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh cúm cho biết đông đảo người Mỹ đang bị nhiễm vi khuẩn cúm B, hoặc H3N2. Hàng chục ngàn người đã phải vào bệnh viện từ ngày 1 tháng 10 năm ngoái, khi bắt đầu mùa cúm.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã dành hẳn một trang trên trang web của mình để hướng dẫn về những liên quan giữa phụng vụ và bệnh cúm. Trang web này cung cấp thông tin về bệnh cúm cũng như cách ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này trong các buổi cử hành phụng vụ.

Đức Giám Mục Edward Malesic của Greensburg, Pennsylvania, đã khuyên các giáo dân đừng bắt tay nhau khi trao đổi bình an và ngừng sử dụng rượu thánh khi Rước Lễ.

Tại giáo phận El Paso, Texas, phát ngôn viên Patricia Fierro đã gửi một bản ghi nhớ cho tất cả các giáo xứ để các giáo sĩ và anh chị em giáo dân thực hành các biện pháp vệ sinh trong mùa cúm. Đặc biệt, giáo phận yêu cầu anh chị em giáo dân bị bệnh cúm đừng rước Máu Thánh Chúa trong các thánh lễ.

Bà Patricia nói:

“Khi bạn rước lễ, bạn sẽ đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, ngay cả khi bạn chỉ rước Mình Thánh Chúa mà thôi”.

13. Đức Giám Mục giáo phận Saginaw cho biết ngài bị ung thư phổi và xin anh chị em giáo dân cầu nguyện

Đức Cha Joseph Cistone là Giám Mục Saginaw, bang Michigan, Hoa Kỳ đã xin anh chị em giáo dân cầu nguyện cho ngài và thông cảm cho việc thực thi các kế hoạch mục vụ đã được đề ra sau khi các bác sĩ chẩn đoán ngài bị ung thư phổi.

Trong một bức thư gửi các linh mục và các nhà lãnh đạo giáo phận ngày thứ Năm 1 tháng 2, Đức Cha Saginaw nói rằng báo cáo chẩn đoán của ngài được đưa ra sau một loạt các cuộc kiểm tra, sau những cơn ho dai dẳng và tình trạng khó thở kéo dài không dứt từ tháng 9 năm ngoái.

“Trong hai tháng qua, tôi đã trải qua một loạt các xét nghiệm và bây giờ đã được báo cho biết rằng tôi bị ung thư phổi”. Ngài nói thêm: “Tin tốt lành là, vì tôi chưa bao giờ hút thuốc nên nó là một dạng ung thư phổi có thể điều trị được và có khả năng chữa khỏi.”

Đức Cha Cistone là giám mục thứ sáu của giáo phận Saginaw, và được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm vào năm 2009. Trước đó, ngài là Giám Mục Phụ Tá Pennsylvania. Ngài được thụ phong linh mục tại Tổng Giáo phận Philadelphia năm 1975, và được bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá vào năm 2004.

Vì phải theo một khóa điều trị kéo dài sáu tuần bao gồm hóa trị và xạ trị, Đức Cha Cistone nói ngài có thể cần phải bỏ qua những sự kiện đã được lên kế hoạch, nhưng ngài có kế hoạch duy trì các trách nhiệm hành chính và sự tham gia của mình vào các mối quan tâm mục vụ “hết khả năng” của ngài.

Ngài cũng lưu ý các giáo xứ không nên thay đổi lịch trình các cuộc thăm viếng của ngài trừ khi họ nhận được những chỉ dẫn trực tiếp từ tòa giám mục.

Đức Cha Cistone được các bác sĩ cho biết rằng những triệu chứng như ho và khó thở sẽ bớt đi trong hai tuần đầu tiên được điều trị. Dự kiến khóa điều trị kéo dài sáu tuần sẽ được hoàn thành trước Lễ Phục Sinh.

Trong thư gởi cho linh mục giáo phận, Đức Cha viết:

“Với ơn Chúa, cầu xin cho chúng ta có thể cùng nhau cử hành Thánh Lễ Dầu với những lời cầu nguyện xuất phát từ lòng biết ơn. Trong khi chờ đợi, tôi cầu xin những lời cầu nguyện của anh em và những giáo dân của anh em, tôi bảo đảm với anh em những lời cầu nguyện của tôi dành cho anh em và những người được ủy thác cho anh em chăm sóc”.

14. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Hai: Hãy nói “Không” với tham nhũng

Hôm thứ Năm 1 tháng 2, Hội Cầu Nguyện Toàn Cầu Theo Ý Đức Thánh Cha – The Pope’s Worldwide Prayer Network – đã công bố một đoạn băng video trình bày các ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 2 năm 2018.

Chủ đề của tháng này là “Nói ‘Không’ với tham nhũng”, và xin cho những người có quyền lực vật chất, chính trị hoặc tinh thần biết chống lại những cám dỗ tham nhũng.

Trong video, Đức Thánh Cha nói:

Đâu là căn cội của chế độ nô lệ, của tình trạng thất nghiệp và sự thiếu quan tâm đến thiên nhiên cũng như sự lơ là với công ích? Đó chính là tham nhũng. Tham nhũng là một quá trình chết chóc, là điều nuôi dưỡng nền văn hóa sự chết.

Bởi vì lòng khao khát quyền lực và của cải thì bất tận.

Không thể chống lại tham nhũng bằng sự im lặng.

Chúng ta phải nói về nó, tố cáo những điều xấu xa của nó, và cố gắng hiểu nó để thể hiện quyết tâm của chúng ta là làm cho lòng thương xót thống trị trên sự bất công, và vẻ đẹp chiến thắng sự trống rỗng.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người có quyền lực vật chất, chính trị hoặc tinh thần biết chống lại những cám dỗ tham nhũng.

Nguồn: Vietcatholic news

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …