1. Ngự lâm quân Thụy Sĩ tuyên thệ
Hôm thứ Sáu 6 tháng 5, các tân binh trong đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã tuyên thệ nhân dịp kỷ niệm biến cố thành Rôma bị cướp phá bởi quân đội của Hoàng đế Charles Đệ Ngũ vào năm 1527.
Những “cái chết anh hùng” của 147 ngự lâm quân Thụy Sĩ vào thời điểm đó “sẽ không thể có được nếu các binh sĩ này không có đức tin vào Chúa của sự sống”, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nói như trên trong bài giảng Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Ngài nói thêm:
“Được dưỡng nuôi bởi đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh và được củng cố bởi những cảm nghiệm của niềm vui là Chúa ban cho chúng ta sự sống viên mãn, tôi mời gọi các bạn, những ngự lâm quân thân yêu, hãy có can đảm để làm chứng nhân trong thế giới ngày nay, bất chấp những khó khăn,”
Hãy là chứng nhân của Chúa Kitô – ngay cả ở chính quê hương của mình, Thụy Sĩ – và trong một thế giới ao ước ánh sáng và sự sống nhưng thường khi nhưng không có can đảm để chấp nhận nó
Hãy là chứng nhân của Chúa Kitô ở giữa các đồng nghiệp trẻ của mình, những người đói khát ý nghĩa và sự viên mãn, để anh em có thể nói với họ rằng thật đáng để đề xuất những điều tuyệt vời và xinh đẹp, mặc dù điều này đòi hỏi sự dấn thân, cống hiến và một số công việc mệt nhọc.
2. Đức Thánh Cha tiếp kiến các Vệ Binh Thụy Sĩ
Sáng 7 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến và cám ơn các vệ binh Thụy Sĩ, đặc biệt là 23 tân vệ binh vừa làm lễ tuyên thệ chiều ngày 6-5 trước đó. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có đại diện chính quyền Thụy Sĩ và thân nhân của các tân vệ binh.
Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các vệ binh hãy tăng trưởng trong đức tin, coi công việc của mình như một sứ mạng được Chúa ủy thác, tận dụng thời gian ở Roma như một cơ hội để đào sâu bình bạn với Chúa Giêsu, vì thế cần nuôi dưỡng tinh thần của mình bằng kinh nguyện, lắng nghe Lời Chúa, sốt sắng tham dự thánh lễ và vun trồng tình con thảo đối với Mẹ Maria.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến cơ hội của các vệ binh Thụy sĩ được cảm nghiệm đặc tính hoàn vũ của Giáo Hội, qua sự hiện diện của các tín hữu từ các nơi về Roma hành hương. Sau cùng ngài đặc biệt nhắn nhủ các vệ binh hãy cảm nghiệm đời sống huynh đệ, quan tâm và nâng đỡ nhau trong công việc thường nhật, biết đề cao đời sống chung, chia sẻ những lui vui mừng và những khó khăn, để ý đến những người lân cận, nhiều khi chỉ cần một cử chỉ khích lệ, một nụ cười và tình thân hữu. Ngài nói: “Khi có những thái đọ như thế, anh em sẽ được nâng đỡ để chuyên cần và kiên trì chu toàn những công tác lớn nhỏ trong việc phục vụ hằng ngày, chứng tỏ lòng tử tế và tinh thần hiếu khách, vị tha và nhân bản đối với tất cả mọi người”.
23 tân vệ binh Thụy Sĩ đã tuyên thệ sẵn sàng bảo vệ Đức Thánh Cha, dù có phải hy sinh tính mạng, trong buổi lễ do Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ tọa tại sân Damaso trong nội thành Vatican, và trong số các quan khách hiện diện cũng có tổng thống Liên bang Thụy Sĩ.
3. Trao tặng giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Âu Châu nhớ lại dự phóng của các tiền nhân và kiến tạo một Âu Châu hiệp nhất, vượt lên trên những cám dỗ xây dựng những bức tường chia cách, thay vì bắc những nhịp cầu liên đới.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng hôm qua, 6-5, nhân dịp nhận giải thưởng Carlo Magno (Charlemagne) trong một buổi lễ tại Vatican trước sự hiện diện của hàng trăm vị lãnh đạo chính trị và đại biểu nghị viện Âu Châu.
Giải thưởng này chỉ trị giá 5 ngàn Euro và kèm theo một mề đai, một mặt có hình Carlo Magno, hoàng đế của người Franc hồi thế kỷ thứ 8 và được coi là “người cha của Âu Châu”. Tuy nhiên, giải này được coi là rất quan trọng về mặt ảnh hưởng và uy tín. Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết thông thường Đức Thánh Cha từ chối không nhận các giải thưởng, nhưng ngài nhận giải này để khích lệ vai trò của Âu Châu đối với nền hòa bình trên thế giới.
Trong diễn văn nhân dịp này, Đức Thánh Cha nhắc đến những dự phóng của những người thành lập Âu Châu trong thế kỷ 20 sau những biến cố đụng độ đau thương qua các cuộc thế chiến. Nhưng ngày nay, ước muốn xây dựng Âu Châu dường như đang tắt lịm, và chúng ta, những người con của giấc mơ hiệp nhất ấy đang bị cám dỗ chiều theo những ích kỷ của mình, nhìn tư lợi và nghĩ đến việc xây dựng những tường thành riêng. Nhưng tôi xác tín rằng thái độ cam chịu và mệt mỏi ấy không phải là điều thuộc về tâm hồn Âu Châu và đàng khác những khó khăn có thể trở thành những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hiệp nhất”.
Đức Thánh Cha cũng cổ võ công trình tiếp tục xây dựng Âu Châu, một công trình dài hạn, qua những thực hiện cụ thể, kiến tạo tình liên đới thực tiễn và cụ thể. Ngài nói: “Chính lúc này, trong thế giới chúng ta đang bị xâu xé và thương tổn, cần trở lại với tình liên đới thực tiễn, lòng quảng đại cụ thể tiếp theo sau thế chiến thứ hai, vì hòa bình thế giới không thể cứu vẫn nếu không có những nỗ lực trong tinh thần sáng tạo, tương ứng với những nguy hiểm đang đe dọa hòa bình. Những dự phóng của các vị sáng lập Âu Châu, là những sứ giả hòa bình và tiên báo tương lai, vẫn không bị lỗi thời: ngày nay hơn bao giờ hết, những dự phóng ấy vẫn còn gợi hứng, để xây dựng những cây cầu và phá đổ các bức tường. Những dự phóng ấy dường như nói lên một lời mời gọi tha thiết đừng hài lòng với những sửa chữa bề ngoài, hoặc những thỏa hiệp quanh quéo để sửa chữa vài hiệp định, nhưng là can đảm đặt những nền tảng mới, ăn rễ sâu vững chắc, như Alcide De Gasperi đã nói, “Tất cả mọi người đều được linh hoạt nhờ mối quan tâm đối với công ích của các tổ quốc chúng ta ở Âu Châu, Tổ Quốc Âu Châu chung của chúng ta, không sợ bắt đầu lại công việc xây dựng đang đòi hỏi những cố gắng kiên nhẫn cộng tác dài hạn của chúng ta”.
Nhân buổi trao giải thưởng cho Đức Thánh Cha, chiều thứ năm, 5-5 vừa qua, đã có một cuộc hội thảo ở Roma với nhiều nhân vật như Chủ tịch Hội đồng Âu Châu ông Donald Tusk, người Ba Lan, Chủ tịch Nghị viên Âu Châu ông Martin Schultz, người Đức, Chủ tịch Ủy ban hành pháp Âu Châu, ông Jean-Claude Juncker, người Luxembourg. Ngoài ra cũng có sự tham dự của thủ tướng Đức và thủ tướng Italia.
Sáng ngày, 6-5, Đức Hồng Y Walter Kasper người Đức, đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô cho các tham dự viên. Và ban trưa các đại diện Âu Châu đã họp mặt tại Sảnh đường Regia ở dinh tông tòa để dự buổi trao giải thưởng.
4. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long làm tân Giám Mục chính tòa Parramatta
Sáng 5 tháng 5, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, làm tân Giám Mục chính tòa giáo phận Parramatta, Úc Đại Lợi.
Với quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long là người gốc Việt đầu tiên làm Giám Mục chính tòa ở hải ngoại, là Giám Mục thứ Tư của giáo phận Parramatta, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, OP.
Giáo phận Parramatta là giáo phận lớn thứ năm tại Úc Đại Lợi bao gồm miền Tây Sydney và dãy núi Blue, tức là khu vực đang phát triển nhanh nhất của Úc, kéo dài từ Parramatta ở miền Tây Sydney đến Blackheath trong dãy núi Blue và từ Richmond đến Warragamba.
Giáo phận có 330,000 người Công Giáo trên tổng số 1,050,000 dân, với 47 giáo xứ, 45,000 học sinh theo học tại hơn 83 trường học, với hơn 5,000 nhân viên.
Đức Cha Nguyễn Văn Long, năm nay 55 tuổi, thuộc dòng Phanxicô Viện Tu. Từ năm 2011 đến nay là Giám Mục Phụ tá Tổng giáo phận Melbourne.
Ngài sinh ngày 3 tháng 12 năm 1961 tại Gia Kiệm, giáo phận Xuân Lộc, Việt Nam. Ngài rời Việt Nam ngày 11/8/1980, khi được 19 tuổi và tị nạn tại Úc Đại Lợi ngày 2/12/1981. 2 năm sau đó, ngài gia nhập dòng Phanxicô Viện Tu, đậu cử nhân thần học năm 1989 tại Học viện thần học Melbourne, rồi đậu cao học về linh đạo và Kitô học năm 1994 tại học viện Seraphicum của dòng Phanxicô Viện tu ở Roma.
Thầy Vinh Sơn Long thụ phong linh mục ngày 30/12/1989. Sau đó cha lần lượt làm cha phó ở Springvale thuộc tổng giáo phận Melbourne (1990-1992), Giám đốc thỉnh viện của dòng ở Úc Đại Lợi (1994-1998), Đại diện Bề trên tỉnh trong 10 năm trời (1995-2005) rồi làm cha sở ở Kellyville thuộc giáo phận Parramatta (1999-2002), cha sở ở Springvale (2002-2008). Năm 2005, cha Long làm Bề trên giám tỉnh và thành viên của nhóm các Bề trên dòng Phanxicô viện tu (International Leadership Team OFM Conv.), và 3 năm sau, 2008 làm Tổng cố vấn của dòng ở Roma, đặc trách vùng Á châu Thái Bình Dương.
Ngày 20/5/2011, Cha Vinh Sơn Long được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục hiệu tòa Tala, Phụ tá Tổng giáo phận Melbourne.
5. Diễn từ của Đức Hồng Y Parolin trong hội nghị về tự do tôn giáo, nhân quyền, và toàn cầu hóa
Trong hội nghị về tự do tôn giáo, nhân quyền, và toàn cầu hóa đang được diễn ra tại Palazzo Madama, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói đối thoại đại kết và liên tôn không phải là một sự xa xỉ viển vông mà là điều mà thế giới càng ngày càng bị thương tổn của chúng ta cần đến, nếu không chúng ta sẽ mãi luẩn quẩn trong vòng bạo lực và khổ đau.
Đức Hồng Y Parolin kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo hãy cùng các guồng máy chính phủ hoạt động như những khí cụ mang lại sự bình an cho quốc dân bằng cách kết hợp qua những trao đổi đối thoại hòa bình, cho những công tác phục vụ được tốt đẹp hơn. Ngài yêu cầu các đại biểu hãy làm mọi thứ có thể để hòa giải giữa các phe phái, không chỉ để giải quyết xung đột, mà còn để thay thế các giải pháp quân sự. Ngài nói hòa bình sẽ được đảm bảo thông qua việc công nhận các quyền cơ bản của con người.
Đức Hồng Y cho hay đây là biên giới mới của các cuộc đối thoại đại kết và liên tôn, mà tôn giáo có thể ngồi lại với nhau để phát triển quá trình hòa bình, tránh gây nên những thảm cảnh đau khổ, oán giận và hận thù, cũng như nghèo đói và mọi hình thức khác của bất công.
Đức Hồng Y cũng nói về những bước tiến quan trọng trong vai trò của Giáo Hội Công Giáo đối với công tác bảo vệ tự do tôn giáo. Ngài nói điều này không chỉ được đề cập đến trong “Thông điệp về quyền tự do của Tôn giáo “libertas Ecclesiae”, một sự tự do cho Giáo Hội để bảo vệ cho các tín hữu và tất cả những nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số, những người đang chịu nhiều đau khổ tang thương.
Đức Hồng Y Parolin cho rằng “với tinh thần tôn giáo và qua thời gian” tổ chức này đã mang lại nhiều hoa trái”, tuy nhiên Ngài cũng nhấn mạnh rằng “trên thực tế những luồng ý thức hệ trần tục luôn muốn loại bỏ tôn giáo ra khỏi mọi hoạt động công cộng”. Sự khác biệt mà Giáo Hội đề xuất, một mặt là “giúp người giáo dân trưởng thành hầu cộng tác với nhau và với mọi người một cách trưởng thành trong sự tôn trọng phẩm giá chống lại mọi hình thức bạo lực phản lại nhân phẩm con người”. Ngài bày tỏ nỗi thất vọng khi nhìn vào những con số ngày càng gia tăng của việc chém giết các Kitô hữu và thái độ vô cảm của con người xã hội ngày nay.
6. Đức Thánh Cha tiếp tổng tu nghị Dòng Đức Mẹ Chuộc kẻ làm tôi
Đức Thánh Cha khích lệ các tu sĩ dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi (mercedari) dấn thân trong sứ vụ ngôn sứ, loan báo Lời Chúa trong các môi trường “ngoại ô” của cuộc sống con người.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ hai 2-5-2016 dành cho 50 thành viên tổng tu nghị dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi, nhân dịp bắt đầu kỷ niệm 800 năm thành lập dòng (1218).
Đức Thánh Cha nhắc đến chủ đề của Tổng tu nghị là “ký ức và ngôn sứ trong các khu ngoại ô của tự do” và đề cao bao nhiêu thành tích của dòng trong 8 thế kỷ qua như cứu chuộc những người bị bắt làm nô lệ, dấn thân truyền giáo ở tân thế giới, bao nhiêu phần tử của dòng nổi bật về đời sống thánh thiện và trí thức. Ngài đặc biệt nhấn mạnh sứ vụ ngôn sứ mà dòng đang nhắm phát triển.
Đức Thánh Cha nói:
“Vị ngôn sứ là người được sai đi, được xức dầu, đã nhận lãnh ơn của Chúa Thánh Linh để phục vụ dân thánh của Thiên Chúa. Anh em cũng đã nhận lãnh một hồng ân và được thánh hiến để thi hành một sứ mạng là công trình từ bi thương xót: theo Chúa Kitô, mang Tin Mừng đến cho người nghèo và giải thoát kẻ bị tù đày (Xc Lc 4,18). Anh em thân mến, lời khấn dòng của chúng ta là một hồng ân và là một trách nhiệm lớn, nhưng chúng ta mang nó trong bình sành. Chúng ta không cậy dựa vào sức riêng của mình, nhưng luôn tín thác nơi lòng thương xót của Thiên Chúa”.
Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của sự tỉnh thức, kiên trì trong việc nguyện gẫm, vun trồng đời sống nội tâm. Đó là những cột trụ nâng đỡ chúng ta. Nếu Thiên Chúa hiện diện trong đời sống anh em, thì niềm vui mang Tin Mừng của Chúa sẽ là sức mạnh và là niềm vui của anh em”. Ngài cũng nhắc nhở rằng “vị ngôn sứ đi tới các khu ngoại ô, vì thế cần phải mang hành lý nhẹ. Chúa Thánh Linh là làn gió nhẹ thúc đẩy chúng ta tiến bước.”
Dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi do cha Pietro Nolasco thành lập năm 1218 tại thành Barcelona, Tây Ban Nha với mục đích nguyên thủy là giải thoát các tín hữu Công Giáo bị bắt làm nô lệ cho người Hồi giáo. Vì thế ngoài ba lời khấn thông thường, các tu sĩ của dòng có lời khấn cứu chuộc, dấn thân sẵn sàng đổi mạng cho các tù nhân có nguy cơ chối bỏ đức tin. Hiện nay dòng có 681 tu sĩ, trong số này có 529 linh mục, và hoạt động tại 159 nhà trên thế giới, theo niên giám năm nay của Tòa Thánh.
Sau công đồng Trento vào năm 1603, một số tu sĩ của dòng thành lập nhánh cải tổ và sống nhặt phép, nhưng hiện nay nhánh này chỉ còn 34 tu sĩ.
7. Buổi Canh Thức ”Lau khô những giọt lệ”
Lúc 6 giờ chiều ngày 5-5, lễ Thăng Thiên tại Vatican, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi Canh Thức ”Lau khô những giọt lệ” tại Đền thờ Thánh Phêrô
Buổi canh thức này nằm trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót và là một dấu chỉ hữu hình về bàn tay thương xót của Chúa Cha lau nước mắt của những người cha người mẹ mất con, của người con bị mất cha hoặc mẹ, của người đang chiến đấu chống bệnh tật, những người bị thất nghiệp hoặc không tìm được công ăn việc làm, những người sống tình trạng bất hòa trong gia đình, những người cô đơn vì tuổi cao, những đau khổ vì cuộc sống, những bất công phải chịu, và cả những người đánh mất ý nghĩa cuộc sống.
Trong Thánh Đường, tại buổi canh thức cầu nguyện với sự tham dự của 9 ngàn tín hữu, có trưng bày cho các tín hữu tôn kính, thánh tích của Đức Mẹ khóc ở thành Siracusa trên đảo Sicilia, nam Italia. Hiện tượng lạ lùng này xảy ra từ ngày 29-8 đến 1-9 năm 1953, khi một pho tượng Đức Mẹ khiết tâm bằng thạch cao để ở đầu giường đôi vợ chồng Angelo Iannuso và Antonina Giusto chảy nước mắt. Bình đựng thánh tích chứa một phần những giọt nước mắt của tượng Đức Mẹ trong dịp ấy.
Trong phần đầu của buổi canh thức, có 3 chứng từ được trình bày xen kẽ với bài thánh ca và một đoạn sách thánh. Trước tiên là chứng từ của gia đình Pellegrino có người con trai tự tử, tiếp kiến là ông Felix Qaiser ký giả Công Giáo người Pakistan, tị nạn chính trị tại Italia, để giữ an ninh cho gia đình ông; sau cùng là Maurizio Fratamino, cùng với người em song sinh Enzo. Cuộc trở lại của Enzo đã ảnh hưởng mạnh trên cuộc đời của Maurizio: anh này khi còn trẻ, đã sống trong tiện nghi vật chất đầy đủ, nhưng rồi đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Chỉ nhờ niềm tin và nước mắt của người mẹ, cùng với một cuộc gặp gỡ sau đó, anh đã tìm lại được ý nghĩa cuộc đời.
8. 900 nữ Bề trên Tổng quyền về Roma dự Đại Hội
900 nữ Bề trên Tổng quyền thuộc các dòng trên thế giới đã nhóm đại hội 3 năm một lần tại Roma từ ngày 9 đến 13-5-2016 về chủ đề “Kiến tạo tình liên đới hoàn cầu cho sự sống”.
Đại Hội này do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ tổ chức lần thứ 20. Đặc biệt lần này có 4 Bề trên Tổng Quyền của 4 dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam cũng được tài trợ để có thể tham dự, không kể một số vị khác thuộc dòng Chúa Quan Phòng Portieux, hay dòng nữ Đa Minh Tam Hiệp.
Trong thông cáo, Văn phòng Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ cho biết chủ đề khóa họp nói đến những thách đố gọi hỏi các tham dự viên liên quan đến “những dấu chỉ thời đại” như Trái Đất là căn nhà chung, các khu vực ngoại ô của cuộc sống và của xã hội, như những người di dân, nạn buôn người, vấn đề hòa bình, và câu trả lời tông đồ trong tư cách là những phụ nữ thánh hiến.
Trong số các thuyết trình viên có nữ tu Rosemarie Nassif, người Mỹ, dòng Các Trường Học Đức Bà (SSND), thuộc tổ chức Conrad N. Hilton, nói về sự nâng đỡ dành cho tình chị em giữa các nữ tu trên thế giới.
Vào cuối đại hội, sẽ có một tuyên ngôn chung kết được công bố, chứa đựng những quyết tâm cụ thể trong các thách đố về môi trường và xã hội ngày nay. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng sẽ tiếp kiến các nữ Bề trên, dự kiến vào ngày thứ năm, 12-5 tới đây.
Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, trong Giáo Hội hiện có 683 ngàn nữ tu đã khấn, thuộc khoảng 2 ngàn dòng nữ.
9. Ðức Thánh Cha Phanxicô gặp các tham dự viên của cuộc Hội thảo liên tôn
Trước buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 04 tháng 05 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các tham dự viên đang tham dự cuộc Hội thảo giữa Viện Nghiên cứu Liên tôn Hoàng gia Amman và Hội đồng Tòa Thánh về Ðối thoại Liên tôn tại Vatican. Chủ đề chính của cuộc Hội thảo lần thứ tư giữa hai tổ chức này là: “Những giá trị chung trong đời sống xã hội và chính trị: công dân và tín hữu”.
Trong bài phát biểu ngắn không soạn trước, Ðức Thánh Cha nhắc lại chuyến tông du của ngài đến Jordan vào năm 2014 và nói: “Ðó là một kỷ niệm đẹp mà tôi nhớ mãi”.
Ngài cảm ơn các tham dự viên cuộc Hội thảo và nói với họ rằng công việc họ đang làm là “một công việc xây dựng”. Mặc dù trong thời đại ngày nay, “chúng ta đã quá quen với sự tàn phá của chiến tranh, nhưng công việc đối thoại, xích lại gần nhau luôn giúp chúng ta xây dựng”.
Ðức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đối thoại”: “Ðối thoại là ra khỏi chính mình, là nói và nghe người khác nói. Hai lời nói gặp nhau, hai tư tưởng gặp nhau. Ðó là bước khởi đầu của một hành trình. Sau cuộc gặp gỡ của lời nói, những con tim sẽ gặp nhau và bắt đầu một cuộc đối thoại của tình bằng hữu, cuối cùng là nắm tay nhau. Lời nói, trái tim, bàn tay. Rất đơn giản! Một đứa trẻ cũng biết cách làm điều đó…”
Nhắc nhở cử tọa rằng “Chúng ta có chung một người Cha nên chúng ta là anh em với nhau”, Ðức Thánh Cha khích lệ mọi người “hãy tiến bước trên con đường tốt đẹp này!”
10. Pakistan: Bùng nổ ơn gọi linh mục.
Giáo Hội tại Pakistan đang sống đức tin trong hoàn cảnh khó khăn hằng ngày, trong một đất nước mà 95% là người Hồi giáo; tuy nhiên Giáo Hội ấy “rất nhiệt thành trong ơn gọi linh mục và tu sĩ, đó là dấu chỉ được Thiên Chúa chúc phúc, một Thiên Chúa luôn gần gũi với dân Người”, cha Inayat Bernard, Giám đốc Tiểu chủng viện Santa Maria ở Lahore, nhấn mạnh điều đó.
Chủng viện của cha Bernard hiện có 26 tiểu chủng sinh, và những con số về ơn gọi tại Giáo Hội Pakistan thật ấn tượng: từ đầu năm 2015 đến nay có 23 tân linh mục (giáo phận và dòng tu) và 15 tân phó tế sẽ được phong chức linh mục trong năm 2016. Trong khi đó, có 79 đại chủng sinh đang học tại Học viện Thần học Quốc gia Karachi, và 96 đại chủng sinh học tại Ðại chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê ở Lahore. Cha Bernard nhận định: “Những con số này dự báo một tương lai tươi sáng cho Giáo Hội Công Giáo ở Pakistan. Cha nói thêm: “Và cũng đừng quên rằng còn nhiều ơn gọi trong các dòng tu nữ: một dấu chỉ của niềm hy vọng, mang lại sự tin tưởng và lòng can trường, ngay cả trong những lúc khó khăn”.
Cha Bernard cho biết: Ðúng là cộng đồng Kitô hữu, trong tình hình xã hội-chính trị phức tạp ở Pakistan, nhiều lúc bị phân biệt đối xử hay là nạn nhân của bạo lực, chẳng hạn như cuộc tấn công diễn ra vào dịp lễ Phục sinh vừa qua ở Lahore, trong khi nạn khủng bố nhắm vào các mục tiêu tôn giáo, dân sự và quân sự một cách bừa bãi. Nhưng những khó khăn này “không ảnh hưởng đến sự tự do và niềm tin của dân chúng, mà còn khiến cho niềm tin ấy thêm mạnh mẽ, và hôm nay chúng tôi được hưởng những hoa trái của nó”.
Cha kết luận: “Rõ ràng là sự tử đạo -mà đôi khi chúng ta có cơ hội trải nghiệm-, là hạt giống sinh ra các Kitô hữu và vẫn là một ơn huệ của Thiên Chúa mà chúng ta chỉ có thể hiểu và sống nhờ ơn đức tin”.
11. Đức Thánh Cha viết thư cho tổng thống Venezuela về tình trạng nghiêm trọng của đất nước
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một bức thư tới Tổng thống Nicholas Maduro của Venezuela về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở quốc gia này.
Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng đã viết thư cho Maduro, nhưng từ chối tiết lộ nội dung của bức thư. Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng theo dõi với sự quan tâm rất lớn về tình hình nghiêm trọng tại Venezuela,” và nhắc nhở các phóng viên rằng Đức Thánh Cha đã đề cập đến cuộc khủng hoảng ở đất nước Nam Mỹ này trong buổi đọc sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi.
Lạm phát phi mã, với sự thiếu hụt thực phẩm và vật liệu cơ bản, đã khiến cuộc biểu tình nổ ra rộng khắp Venezuela. Trong nhiều trường hợp, các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự không khống chế được tình hình đã tạo nhiều cơ hội cho nạn cướp bóc và hôi của.
Cha Lombardi nhận xét rằng các giám mục Venezuela đã thường xuyên gọi sự chú ý đến tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, gần đây nhất là trong một tuyên bố vào ngày 27 tháng 4, khi họ kêu gọi Tổng thống Maduro cho phép các cơ quan của Giáo Hội nhập khẩu lương thực và thuốc men trước sự thiếu hụt chưa từng có.
12. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo làm Giám Mục Chính Tòa Xuân Lộc
Tiếp theo thông cáo ngày thứ Năm 5 tháng 5, bổ nhiệm Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long làm Giám Mục chính tòa Paramatta, Australia; sáng thứ Bẩy 7 tháng 5, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã đưa ra tiếp một thông báo khác có liên quan đến các Giám Mục Việt Nam.
Thông báo cho biết:
“Đức Thánh Cha đã nhận đơn từ chức Giám Mục giáo phận Xuân Lộc của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, theo khoản giáo luật số 401 triệt 1. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phó, sẽ lên kế nhiệm”.
Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh năm nay 76 tuổi, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1940 tại Phú Nhai, Bùi Chu, thụ phong linh mục năm 1966 tại Sàigòn. Năm 2000, ngài là Cha Tổng đại diện Giáo Phận Xuân Lộc. Bốn năm sau, ngày 30-9 năm 2004, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục chính tòa Xuân Lộc, kế nhiệm Đức Cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật.
Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo năm nay 71 tuổi, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1945 tại Thức Hóa, Bùi Chu. Ngài được thụ phong linh mục tại Roma vào năm 1971, rồi giữ chức Phó Giám Đốc Trung Tâm Linh Hoạt Truyền Giáo (gọi tắt là CIAM) ở Rôma trong 31 năm trước khi làm Giám Đốc Trung Tâm này năm 2007. Ngài cũng từng làm giáo sư rồi làm khoa trưởng phân khoa truyền giáo học tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ truyền giáo.
Sau khi về nước, Cha Đinh Đức Đạo làm Giám đốc Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc từ năm 2009 đến 2013 ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc.
Ngày 4 tháng 6 năm 2015, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Phó với quyền kế vị Giáo Phận Xuân Lộc.
Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, Giáo Phận Xuân Lộc có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Việt Nam, với 940,080 tín hữu, trên tổng số 3,205,000 dân, với 248 giáo xứ, 545 linh mục triều và dòng, 145 đại chủng sinh, và hơn 1,800 nữ tu.
13. Đức Thánh Cha tiếp kiến 9 ngàn người “trợ giúp Phi châu”
Đức Thánh Cha phê bình sự kiện quyền sức khỏe còn bị phủ nhận tại nhiều nơi ở Phi châu và nhiều khi đây là đặc ân của một thiểu số.
Ngài đưa ra nhận định trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 7 tháng 5, dành cho 9 ngàn người gồm các bác sĩ, nhân viên y tế, những người thiện nguyện, cộng tác viên, các ân nhân và bạn hữu của Hiệp Hội “các bác sĩ với Phi châu”, gọi tắt là Cuamm. Đây là tổ chức thiện nguyện đầu tiên trong lãnh vực y tế được nhìn nhận tại Italia và cũng là tổ chức lớn nhất của nước này chuyên thăng tiến và bảo vệ sức khỏe của dân chúng ở Phi châu.
Hiệp hội Cuamm được thành lập năm 1950 do sáng kiến của bác sĩ thừa sai Francesco Canova và Đức Cha Girolamo Bortignon, cố Giám Mục giáo phận Padova. Ngày nay, hội này hiện diện và hoạt động tại 7 quốc gia Phi châu nghèo nhất ở miền nam Sahara, bênh vực quyền của người nghèo được săn sóc sức khỏe như các bà mẹ và trẻ em, các bệnh nhân HIV-Sida, người bị bệnh lao phổi và tàn tật. Chủ tịch của hội Cuamm hiện nay là Cha Dante Carraro.
Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã gợi lại quá trình hoạt động trên đây của Hội Cuamm và nhiệt liệt cám ơn sự dấn thân của các thành viên hội này như những người Samaritano nhân lành, hoạt động để cứu giúp những người thuộc các tầng lớp dễ bị tổn thương nhất.
Ngài cũng ca ngợi chủ trương của hội Cuamm là “bác sĩ với Phi châu” chứ không phải là “cho Phi châu. Hội nhắm đưa dân Phi châu vào tiến trình tăng trưởng, đồng hành, chia sẻ những thảm trạng, vui mừng và đau khổ. Dân chúng là những tác nhân đầu tiên trong tiến trình phát triển chính họ”.
Nguồn: Vietcatholic News