1. Tĩnh tâm Mùa Vọng của giáo triều Rôma
Hôm thứ Sáu 5 tháng 12, giáo triều Rôma đã bắt đầu chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng với bài thuyết giảng của cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, tại nhà nguyện Redemptoris Mater của Dinh Tông Tòa ở Vatican.
Cha Cantalamessa nói ngài đã quyết định tập trung cả ba bài giảng thuyết mùa Vọng về chủ đề hòa bình, vì hòa bình là “tiếng kêu to nhất trong con tim của hàng tỷ người.”
Bài giảng thuyết thứ nhất của ngài có chủ đề “Hòa bình là ân sủng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”. Bài thứ hai có chủ đề “Hòa bình là nghĩa vụ mà chúng ta phải ra sức”. Và bài cuối cùng vào ngày thứ Sáu 19 tháng 12 sẽ xem xét hòa bình như là hoa trái của Thánh Thần, chẳng hạn như sự bình an nội tâm.
2. Đức Thánh Cha tái bày tỏ tình liên đới với người tị nạn Iraq
Trong điện văn bằng video được một vị Hồng Y đưa sang thủ phủ Erbil của người Kurd tại Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái bày tỏ tình liên đới với các tín hữu Công Giáo Iraq tị nạn đã bị những kẻ khủng bố cực đoan đánh đuổi đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế góp phần giải quyết các cuộc xung đột đẫm máu tại Trung Đông.
Trên đây là nội dung sứ điệp Video của Đức Thánh Cha được Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon bên Pháp phổ biến chiều thứ Bẩy 6 tháng 12 nhân dịp ngài hướng dẫn một phái đoàn của tổng giáo phận Lyon đến thăm các tín hữu tị nạn tại thành phố Erbil thủ phủ miền Kurdistan bắc Iraq, trong vòng 48 tiếng đồng hồ từ ngày 5 tháng 12.
Trong sứ điệp Đức Thánh Cha cũng cho biết ngài rất muốn đến thăm các tín hữu Iraq tị nạn đang chịu đau khổ khôn tả. Ngài nói: “Tôi nghĩ đến những vết thương, những đau đớn của các bà mẹ với các con nhỏ, những người già và người phải di tản, các vết thương của các nạn nhân đủ loại bạo lực. Các tín hữu Kitô và những người Yazedi bị trục xuất khỏi gia cư của họ, phải bỏ lại mọi sự để thoát thân, và để khỏi phải chối bỏ tín ngưỡng của mình. Bạo lực cũng vùi dập các nhà thờ, đền đài, biểu tượng tôn giáo và gia sản văn hóa, hầu như muốn xóa bỏ mọi vết tích, mọi ký ức của người khác…
“Trong tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi có nghĩa vụ phải tố giác mọi sự vi phạm phẩm giá và các quyền con người!”
Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Ngày hôm nay tôi muốn đến gần anh chị em là những người đang chịu đựng đau khổ ấy, gần gũi anh chị em.. Và tôi nghĩ đến Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Người đã nói rằng mình và Giáo Hội cảm thấy như một cây sậy: khi gió bão thổi tới, cây sậy gập mình nhưng không gẫy! Trong lúc này anh chị em là cây sậy ấy, anh chị em bị gập mình vì đau khổ, nhưng anh chị em có sức mạnh để tiếp tục niềm tin, là chứng tá cho chúng tôi. Anh chị em là cây sậy của Thiên Chúa ngày nay!..”
Trong thông cáo công bố trước khi lên đường Đức Hồng Y Philippe Barbarin cho biết cuộc viếng thăm này là một giai đoạn mới trong việc kết nghĩa giữa Tổng giáo phận Lyon và giáo phận Mossul ở miền bắc Iraq từ tháng 7 năm nay. Sự trợ giúp tài chánh của giáo phận Lyon giúp tái định cư hàng ngàn gia đình, không phân biệt là tín hữu Kitô hay không.
Phái đoàn gồm khoảng 100 người thiện nguyện, tự bỏ tiền túi, để tham gia cuộc viếng thăm ủy lạo này. Họ được Đức Thượng Phụ Louis Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê, tiếp đón tại thành phố Erbil.
Đức Hồng Y Barbarin cũng nói rằng: “Chúng tôi đi cầu nguyện, không những cho các anh chị em Iraq như chúng tôi đã làm từ nhiều tháng nay, nhưng còn cầu nguyện với họ. Đây là một cuộc hành hương trong đó chúng tôi đồng hành với nhau. Tôi biết chúng tôi sẽ được phong phú nhiều nhờ tham dự phụng vụ, truyền thống, linh đạo của các tín hữu Công Giáo Canđê và đón nhận chứng tá đức tin của họ”.
Trong chương trình, phái đoàn cũng viếng thăm khu nhà được xây cất nhờ tài trợ của Quỹ Thánh Irénée và Mérieux ở Lyon, cũng như của thành phố này và vùng Lyon.
3. Đức Hồng Y Jean Louis Tauran lạc quan về đối thoại với Hồi Giáo
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo nói rằng ngài đã nhìn thấy những dấu hiệu tiến bộ trong các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Hồi giáo, sau một cuộc họp diễn ra vào tuần này ở Rôma.
Đức Hồng Y Jean Louis Tauran nói với Đài phát thanh Vatican rằng cuộc họp thượng đỉnh Công Giáo-Hồi giáo lần thứ ba đã có đột phá mới vì “các tham dự viên đến từ khắp nơi trên thế giới.”
Quan trọng hơn, Đức Hồng Y nói các tham dự viên là người Hồi giáo Shi’ite đã chấp nhận “sự cần thiết phải nghiên cứu kinh Qu ‘ran trong bối cảnh của lịch sử.” Đây là một bước rất quan trọng, vì các nhà lãnh đạo Hồi giáo thường tuyên bố rằng kinh Qu ‘ran phải được xem như là một văn bản có thẩm quyền biệt lập, và không thể là đối tượng nghiên cứu lịch sử. Sự sẵn sàng để xem xét bối cảnh lịch sử, là “bước khởi đầu của thông diễn học – hermeneutics” – tức là khoa định ra các nguyên tắc diễn giải Kinh Thánh. Đây là một nét “rất mới và rất can đảm, đến từ người Hồi Giáo Shi’ite ở Iran.”
Đức Hồng Y nói cuộc họp thượng đỉnh Công Giáo-Hồi giáo cũng tìm thấy một sự đồng thuận rõ ràng về tầm quan trọng trong việc giáo dục các nguyên tắc đạo đức cho thế hệ trẻ.
4. Điện toán hoá Văn Khố Tòa Thánh
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là văn khố Tòa Thánh, nơi chứa đựng các thư từ đã được phân mục hằng thế kỷ qua do các Đức Giáo Hoàng gửi hay nhận, các tài liệu của Nội vụ Tông tòa, các tài liệu ngoại giao của nhiều vị sứ thần và các phái bộ ngoại giao, cũng như tài liệu Công đồng và Thượng Hội đồng Giám mục, v.v
Xét về nội dung, những văn kiện này cũng có một giá trị khoa học, lịch sử và văn hóa vô giá đối với các nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới.
Văn khố này đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Ngũ thành lập vào năm 1611 và ban đầu chỉ có các bản chép tay từ triều Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Đệ Thất (1073-1085) còn lưu lại được sau thời ly giáo Avignon. Ban đầu các tài liệu lưu trữ được chứa trong các tủ kệ dài tổng cộng 400 mét, bây giờ đã là hơn 85 kilômét.
Người ta thường gọi đây là Văn Khố Mật hay có người còn gọi là Mật Khố của Tòa Thánh. Tuy nhiên, có lẽ do việc giải thích sai lầm tên gọi (từ “mật” hiểu theo đúng nghĩa tiếng Latinh là “riêng”). Văn khố chỉ là kho tư liệu của Tòa Thánh, từ “mật” là không chính xác. Thật thế, từ năm 1881, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã mở Văn khố cho các nhà nghiên cứu tự do tham khảo.
Các hồ sơ lưu trữ được dành cho việc nghiên cứu của tất cả những ai có bằng đại học hoặc tương đương. Ðể truy cập tài liệu, cần viết một lá thư yêu cầu gởi đến Đức Hồng Y phụ trách, kèm theo sự chỉ dẫn của một học viện nghiên cứu khoa học hoặc một cá nhân hội đủ điều kiện trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử.
Những nhà nghiên cứu dùng những tài liệu này sau đó phải nộp cho vị Quản Thủ Thư Viện Vatican một phiên bản của bài viết mà họ cho phát hành trên các tạp chí, hay tập sách, nếu họ đã trích dẫn từ những tài liệu của Tòa Thánh.
Theo nhà sử học người Đức Arnold Esch, “đây là Văn khố lớn nhất thế giới về thời Trung Cổ. Trên hết, đó là một Văn khố gồm các tư liệu có giá trị và tầm quan trọng toàn cầu”.
Sau lễ kỷ niệm bốn trăm năm Văn khố Vatican vào năm 2012, Tòa Thánh đã và đang xúc tiến việc điện toán hóa để có thể bảo quản lâu dài các tài liệu này.
Cuối tháng Ba vừa qua, Tòa Thánh đã hoàn tất việc điện toán hoá kho lưu trữ các bản ghi âm của tất cả các triều đại Giáo Hoàng từ thời Đức Piô XI đến Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong thông báo việc hoàn thành kho lưu trữ kỹ thuật số, Tòa Thánh cho biết nguồn tài nguyên mới sẽ cho phép bảo quản các bản ghi âm của các Đức Giáo Hoàng, và giúp các học giả truy cập dễ dàng các tài liệu này. Đồng thời, Đài phát thanh Vatican sẽ giữ lại quyền sở hữu đối với các bản ghi âm và quyền kiểm soát việc sử dụng tiếng nói của các vị Giáo Hoàng.
5. Mùa Giáng Sinh cô đơn và lạnh lẽo
21 người, trong đó có 5 trẻ em, đã chết vì cái lạnh cóng của mùa đông trong giáo phận Damascus chập chùng khói lửa. Đức Tổng Giám mục Samir Nassar của Giáo Hội Công Giáo Maranoite đã nói như trên với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
Trong thư Mục Vụ Mùa Vọng có tựa đề “Giáng sinh cô đơn”, Đức Tổng Giám mục Samir cho biết: “Các Kitô hữu Đông Phương, một nhóm thiểu số đang sống trong các giao lộ nguy hiểm, đang đấu tranh để đi theo con đường chứng tá. Tình trạng gia tăng sự cuồng tín, bất an, thiếu hụt đủ thứ và phong tỏa, đe dọa sự hiện diện và làm giảm sút niềm hy vọng của họ. Bất chấp bầu khí căng thẳng này, đoàn chiên nhỏ bé ấy đã bày tỏ một đức tin vững vàng, dũng cảm và kiên định.”
“Một tương quan mới với Thiên Chúa được khẳng định trong lời cầu nguyện thinh lặng trước Thánh Thể. Họ có chuỗi Mân Côi trong tay và sẽ không dễ dàng bỏ Giáo Hội khi họ sống trong tình liên đới với người nghèo và với các vị tử đạo, những hạt giống của các Kitô hữu. Những anh hùng của đức tin này là sức mạnh của Giáo Hội và là một chân trời hy vọng.”
Đức Tổng Giám Mục nói rằng người dân Damascus cảm thấy bị kết án khi sống trong nguy hiểm và chết chóc. Ngài viết: “Những người Damascus trung thành của chúng tôi cảm thấy bị cô lập, bị kết án khi sống trong nguy hiểm, và chết trong một cái “hố”cắt đứt khỏi người thân và bạn bè ở Li Băng. Sự cô đơn này làm tăng thêm nỗi đau đớn, kinh nghiệm cay đắng mùa đông lạnh giá, cung nhạc buồn và cảm giác bị bỏ rơi.”
Đức Tổng Giám Mục cho biết đây là năm thứ Ba, “các Kitô hữu chúng tôi cử hành lễ Giáng sinh trong cái lạnh đóng băng nhưng ấm áp bởi đức tin dưới cái nhìn dịu dàng của Thánh Gia.”
6. Đức Hồng Y Parolin nói về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Anh Quốc và Tòa Thánh
Hôm thứ Tư 03 tháng 12, Đức Hồng Y Pietro Parolin, là Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã chủ sự một Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày tái lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Tòa Thánh. Thánh lễ có sự tham dự của nhiều quan khách và một phái đoàn cao cấp của chính phủ Anh.
Năm 1529, vua Henry thứ Tám quyết định rằng ông ta không cần Tòa Thánh cho phép tái hôn với người khác và tự tuyên bố là thủ lãnh của một Giáo Hội ly khai là Anh Giáo, cắt đứt quan hệ với Vatican, và cấm các Giám Mục Anh giữ liên hệ với Tòa Thánh. Đi xa hơn, ông ta còn chặt đầu Thánh Thomas More là thủ tướng trong triều đình Anh quốc và Đức Hồng Y John Fisher, Giám Mục thành Rochester là những người cương quyết không chịu tuyên thệ trung thành với ông ta, và phản bội lại Tòa Thánh.
Giữa sự bùng nổ của chiến tranh thế giới thứ nhất, chính phủ Anh thừa nhận rằng Đức Giáo Hoàng là “một vị lãnh đạo có ảnh hưởng sâu rộng” và mưu tìm quan hệ trở lại với Vatican.
Nhận định về mối bang giao này hiện nay, Đức Hồng Y Parolin nói đây là một dịp kỷ niệm rất quan trọng để đối thoại và sử dụng các kênh truyền thông nhằm đối phó với các vấn đề của thế giới hôm nay.
Khi được hỏi về việc có những người vẫn thận trọng với sự “can thiệp” của Tòa Thánh vào các vấn đề của nước Anh, Đức Hồng Y Parolin nói rằng luôn luôn có những người lo sợ sức mạnh của Giáo Hội. Nhưng Đức Hồng Y đã trích dẫn Hiến chế Gaudium et Spes của công đồng Vatican II nói rõ rằng Giáo Hội và Nhà nước là “hai thực thể độc lập” nhưng hỗ trợ cho nhau vì lợi ích của con người.
Về những vấn đề gây tranh cãi như luật hôn nhân đồng tính ở Anh, Đức Hồng Y cho biết quan hệ ngoại giao không bị căng thẳng bởi những vấn đề này. Nhưng Tòa Thánh có thể bày tỏ quan ngại về những diễn biến liên quan đến vấn đề luân lý và điều quan trọng là cũng phải lắng nghe tiếng nói của Giáo Hội địa phương.
Về các lĩnh vực xã hội, Đức Hồng Y cho biết Toà Thánh luôn đẩy mạnh hợp tác với các chính phủ trong đó có cả Anh quốc. “Chúng tôi cũng sẵn sàng để duy trì và tăng cường sự hợp tác này”, ngài nói, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng ngừa xung đột và giải quyết, trong việc bảo vệ các quyền con người và trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Khi được hỏi về mức độ trầm trọng của chủ nghĩa hoài nghi ở Anh ngày nay, Đức Hồng Y Parolin nói thật không dễ dàng để thuyết phục mọi người, nhưng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Strasbourg đã chuyển tải các thông điệp đơn giản về tầm quan trọng của kế hoạch châu Âu, điều đã mang lại cho họ 60 năm hòa bình và phát triển. Điểm thứ hai, ngài lưu ý, Đức Thánh Cha cũng muốn mang lại niềm hy vọng và sự khích lệ cách đặc biệt cho các thế hệ trẻ hơn và đảm bảo với họ rằng nếu giải quyết một số nhược điểm đó thì có thể xây dựng một châu Âu hợp nhất.
Về khả năng có một chuyến công du khác của Đức Thánh Cha tới Anh, Đức Hồng Y cho biết Đức Thánh Cha có nhiều chuyến đi đã lên kế hoạch, đến châu Á trong năm nay, đến Philadelphia dự Hội nghị thế giới về Gia đình, sau đó ngài đang nghĩ về châu Phi, vì vậy thời điểm này không có gì chắc chắn cho việc thăm vương quốc Anh, mặc dù ngài nói rằng hy vọng một ngày nào đó một chuyến tông du như thế có thể được thực hiện để củng cố những thành quả tốt đẹp từ chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đến quốc gia này.
7. Hội nghị Hồi Giáo tại Đại Học Al-Azhar lên án bọn khủng bố Hồi Giáo IS
Trong một bước tiến đầy khích lệ, trong thông cáo chung được đưa ra hôm thứ Năm 4 tháng 12, 700 tham dự viên của cuộc họp thượng đỉnh các nhà khoa bảng Hồi Giáo tại Đại Học Al-Azhar đã đồng thanh lên án bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Đại học Al-Azhar tại thủ đô Cairo của Ai Cập, là tổ chức học thuật Hồi giáo hàng đầu trên thế giới học tập nơi đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai của Hồi Giáo.
Thông cáo viết:
“Chúng tôi lên án việc trục xuất cưỡng bức các Kitô hữu và các nhóm dân tộc, tôn giáo và các nhóm khác. Chúng tôi kêu gọi các Kitô hữu ở lại quê hương mà họ đã từng sống lâu dài và trong thời tiết sóng này của chủ nghĩa khủng bố tất cả chúng ta đều chịu đau khổ.”
Đức Giám Mục Antonios Aziz Mina, là Giám Mục Công Giáo Coptic tại Giza, nói với hãng tin Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng hội nghị này là “một biến chuyển lịch sử.”
“Đây là lần đầu tiên một tổ chức Hồi giáo có ảnh hưởng như vậy công khai chống lại lý thuyết đã được những kẻ khủng bố và cực đoan sử dụng để biện minh cho các hoạt động bạo lực. Cho đến nay các tổ chức và các học viện Hồi giáo trên thế giới đã luôn luôn tỏ ra e dè trong việc lên án những khuynh hướng cực đoan như vậy.”
8. Đức Hồng Y George Pell bày tỏ lạc quan về cuộc cải cách tài chính Vatican
Trong một bài báo nhan đề “The days of ripping off the Vatican are over” – có thể dịch là “những ngày người ta có thể chỉ trích Tòa Thánh đã qua rồi” – đăng trên tờ The Catholic Herald, Đức Hồng Y George Pell, tổng trưởng bộ Kinh Tế Tòa Thánh bày tỏ hy vọng rằng những cải tổ trong guồng máy kinh tế Tòa Thánh được tiến hành trong năm qua đã có những thành công khả dĩ có thể bảo đảm rằng các cơ quan tài chính của Tòa Thánh từ nay sẽ không còn là đầu đề chỉ trích của giới truyền thông nữa.
Phân tích những vấn nạn trong quá khứ, Đức Hồng Y cho biết:
“Khi chúng tôi quay trở lại những năm cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô thứ 16, chúng tôi thấy những rắc rối đã quay trở lại với ngân hàng Vatican. Sau khi giám đốc ngân hàng, là tiến sĩ Ettore Gotti Tedeschi, bị một ủy ban điều hành của giáo dân sa thải, một cuộc đấu tranh quyền lực đã nổ ra và dẫn đến việc rò rỉ thông tin thường xuyên.”
Đức Hồng Y cho biết các cơ quan tài chính của Tòa Thánh đã là đầu đề chỉ trích của giới truyền thông sau khi “Paolo Gabriele, quản gia của Đức Giáo Hoàng, tán phát hàng ngàn trang photocopy các tài liệu của Vatican cho báo chí.”
“Phản ứng đầu tiên của tôi là tự hỏi làm thế nào một quản gia có thể truy cập mọi thứ, cả những thứ không dễ dàng truy cập, cho đến các tài liệu nhạy cảm. Một phần của câu trả lời nằm ở chỗ là ông ta làm việc chung trong một văn phòng lớn không được ngăn ra với hai vị bí thư của Đức Giáo Hoàng. Tất cả điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Tòa Thánh và là một cây thánh giá đè nặng lên vai Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. “
Nhìn về tương lai, Đức Hồng Y Pell nói “những cải cách gần đây được thiết kế để làm cho tất cả các cơ quan tài chính Vatican thành công cho bằng được, để họ không phải là tâm điểm chú ý của giới báo chí nữa.”
Tuy nhiên, Đức Hồng Y dè dặt cảnh cáo rằng các cơ quan của Tòa Thánh phải cảnh giác để tránh những vấn đề có thể vẫn xảy ra được trong năm tới hoặc lâu hơn.
9. Tổng giáo phận Dublin mở cửa cho những người vô gia cư
Phản ứng nhanh chóng trước cái chết của một người đàn ông vô gia cư đã chết vì lạnh cóng trước thềm một ngôi nhà ở thủ đô Dublin, Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin đã chỉ thị cho các cơ sở trong tổng giáo phận mở cửa đón những người vô gia cư vào trú ngụ tạm thời.
Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài tin rằng các toà nhà của Giáo Hội tại Dublin có thể cung cấp nơi tạm trú cho ít nhất 30 người vào cuối năm nay.
Một phát ngôn viên của toà giám mục nói rằng Đức Tổng Giám Mục “rất quan ngại sâu sắc về một Dublin chia rẽ sâu sắc với một số người tưng bừng mua sắm trong mùa Giáng sinh và một số người khác vô gia cư, đói rét. Số người vô gia cư sống ở Dublin đã tăng gấp ba lần kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới vào năm 2008.”
10. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ
Sáng 1 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 11 Giám Mục của 6 giáo phận tại Thụy Sĩ và ngài kêu gọi Giáo Hội tại nước này nỗ lực duy trì đức tin sinh động tại quê hương mình.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có hai cha Bề trên của hai Đan viện biệt hạt cổ kính, Einsiedeln của dòng Biển Đức và Saint-Maurice của dòng Kinh sĩ thánh Augustino.
Trong bài huấn dụ trao cho các Giám Mục, Đức Thánh Cha nói đến sự kiện năm tới đây, 2015, Đan viện Saint-Maurice sẽ mừng kỷ niệm 1,500 năm đời sống tu trì liên tục, không hề bị gián đoạn, đây là một sự kiện ngoại thường trong toàn Âu Châu.
Ngài viết: “Anh em thân mến, anh em có trách nhiệm lớn lao và đẹp đẽ duy trì đức tin sinh động tại đất nước anh em. Nếu không có niềm tin sinh động nơi Chúa Kitô phục sinh, thì những thánh đường và đan viện đẹp đẽ sẽ dần dần trở thành bảo tàng viện, và tất cả những công trình đáng ca ngợi và các tổ chức sẽ mất hồn, và chỉ để lại mội trường chung quanh trống rỗng và những con người bị bỏ rơi”.
Ám chỉ đến một số vùng tại Thụy Sĩ, có những giáo dân chống đối Giám Mục và muốn điều khiển Giáo Hội, buộc các chủ chăn phải chiều ý họ, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Sứ mạng được ủy thác cho anh em là chăn dắt đoàn chiên, theo những hoàn cảnh, đi trước, đi giữa và đi sau họ. Dân Chúa không thể tồn tại mà không có các vị mục tử là các Giám Mục và linh mục; Chúa đã ban cho Giáo Hội hồng ân là sự kế truyền các Tông Đồ, để phục vụ sự hiệp nhất trong đức tin và để đức tin được thông truyền trọn vẹn (Xc LG 49). Đó là một hồng ân quí giá, với đoàn thể tính từ đó mà ra, nếu chúng ta biết làm cho hồng ân ấy trở nên hữu hiệu, để cao giá trị của nó để nâng đỡ nhau, để sống và dẫn dắt những người được ủy thác cho chúng ta đến cùng Chúa..”.
Trong bài huấn dụ trao cho các Giám Mục Thụy Sĩ, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các vị tiếp tục nỗ lực huấn luyện các chủng sinh, vì điều này có liên hệ tới tương lai Giáo Hội. Ngài viết: “Giáo Hội cần những LM ngày càng đạt được sự quen thuộc vững chắc với Truyền Thống và Giáo huấn của Hội Thánh, để cho mình được gặp Chúa Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, dẫn đưa con người trên những nẻo đường của Chúa (Xc Ga 1,40-42). Để được vậy, cần dạy cho các chủng sinh càng ngày càng ở trước mặt Chúa, đón nhận Lời Chúa, nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể, làm chứng về giá trị cứu độ của bí tích hòa giải và tìm kiếm những “điều thuộc về Chúa Cha” (Xc Lc 2,49).
Đức Thánh Cha viết thêm rằng: ”Trong đời sống huynh đệ các chủng sinh tìm được một sự nâng đỡ hữu hiệu đứng trước cám dỗ co cụm vào mình hoặc sống tiềm thể, và họ cũng tìm được thuốc giải độc chống lại sự cô đơn nhiều khi nặng nề. Tôi mời gọi anh em quan tâm đến các linh mục của mình, dành thời giờ cho họ, nhất là những LM đã rời xa hoặc quên ý nghĩa tình phụ tử của Giám Mục, hoặc nghĩ rằng mình chẳng cần Giám Mục. Một cuộc đối thoại khiêm tốn, chân thành và huynh đệ nhiều khi giúp một cuộc khởi hành mới”.
Trong số gần 8 triệu dân cư ở Thụy Sĩ, hiện có khoảng 43% là tín hữu Công Giáo, 33% theo Tin Lành và 1,8% theo Chính Thống giáo
11. Khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến tại Rôma
Năm Đời Sống Thánh Hiến đã được chính thức khai mạc tại Rôma vào dịp đầu năm phụng vụ mới, Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng. Thánh lễ khai mạc được Đức Hồng Y Braz de Aviz, Tổng Trưởng Bộ Tu Sĩ của Tòa Thánh, chủ tế tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào sáng Chúa Nhật ngày 30/11/2014. Trước đó, đêm canh thức đã được diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả vào buổi tối hôm Thứ Bảy 29/11/2014.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho tất cả bậc sống thánh hiến đã được đọc trong thánh lễ khai mạc. Trong đó, ngài bày tỏ niềm vui mừng đối với Năm Thánh Hiến và lấy làm tiếc vì không thể có mặt trong dịp trọng đại này. Đức Thánh Cha cũng ưu ái khích lệ đời sống thánh hiến qua việc đề cao dạng thức đặc biệt trong Giáo Hội của bậc sống thánh hiến, sẵn sàng “vất bỏ tất cả để bắt chước Đức Kitô”, bằng cách gợi lại điều mà ngài đã nói với các bề trên thượng cấp đã gần một năm : “Hãy lay động thế giới ! Hãy chiếu sáng thế giới bằng chứng tá ngôn sứ của mình”.
Đức Thánh Cha cũng đưa ra ba từ mấu chốt để sống trong năm này : vui tươi ; can đảm và hiệp thông. Vui tươi để cho thấy sự theo Chúa và thực hành Tin Mừng của Người tràn ngập tâm hồn. Can đảm trong việc yêu mến Chúa và gửi gắm nơi Ngài tất cả niềm tin tưởng của mình, giống như các Đấng sáng lập dòng đã làm. Hiệp thông trước hết phải được bén rễ trong mối tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa để trở nên những người xây dựng tình huynh đệ qua việc thực hành tình bác ái tương trợ xuất phát từ Tin Mừng đối với người nghèo khó.
Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận : “Hãy chỉ cho thấy tình huynh đệ phổ quát không phải là sự ảo tưởng, nhưng chính là ước nguyện của Đức Giêsu đối với toàn thể nhân loại”.
Trong phần bài giảng, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Tu Sĩ đặc biệt bày tỏ niềm vui mừng về buổi cảnh thức vào tối hôm trước tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, vốn đánh động nhiều người. “Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm, chúng ta muốn trao phó cho Đức Trinh Nữ Maria con đường và những hoa trái trong suốt Năm Thánh Hiến này”, Vị đứng đầu Bộ Tu Sĩ của Tòa Thánh biểu lộ.
Năm Thánh Hiến sẽ kết thúc vào ngày 02 tháng 02 năm 2016, nhân lễ Đức Mẹ Dâng Con trong đền thờ.
12. Tỷ lệ sinh sản ở phụ nữ Mỹ giảm đến mức thấp nhất chưa từng có
Tỷ lệ sinh sản ở phụ nữ ở Mỹ đã giảm đáng kể trong thời suy thoái kinh tế trên toàn thế giới, và nay vẫn tiếp tục giảm. Một nghiên cứu mới đã cho biết như trên.
Tỷ lệ sinh sản ở Mỹ đã giảm tới mức thấp 1.86 – dưới mức sinh sản thay thế là 2.1, là mức duy trì sự cân bằng dân số.
The Wall Street Journal, khi báo cáo về xu hướng này, lưu ý rằng như thế Hoa Kỳ phải tăng con số nhập cư nếu không dân số Mỹ sẽ giảm xuống, với những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ có ít nhân công để thúc đẩy nền kinh tế và tiền thuế thu được không đủ để tài trợ cho người cao tuổi. Xu hướng này cũng sẽ làm giảm mức chi tiêu trong xã hội.
13. Các nhà lãnh đạo Kitô Giáo xin Đức Thánh Cha hoãn cuộc tông du Sri Lanka
Một số nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Sri Lanka đang yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoãn chuyến thăm đất nước của họ vào tháng Giêng, vì sợ rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ bị lợi dụng trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mahinda Rajapaksa.
Đại diện của phong trào Christian Solidarity đã viết thư cho Vatican, nói rằng các chính trị gia sẽ sử dụng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng như một “công cụ tranh cử”. Trong thực tế, họ cho biết, hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xuất hiện trên các bích chương tranh cử của tổng thống Mahinda.
Tháng Mười vừa qua khi chính phủ công bố một cuộc bầu cử bất ngờ sẽ được tổ chức vào tháng Giêng, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Colombo đã đặt câu hỏi liệu chuyến thăm của Đức Thánh Cha đã lên kế hoạch vào tháng Giêng có nên được hoãn lại không. Thông thường Vatican cẩn thận không lên lịch tông du của Đức Thánh Cha đến một quốc gia sắp có bầu cử để tránh làm phức tạp thêm tình hình chính trị ở quốc gia đó.
14. Có rất ít tín hiệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cởi mở hơn với Kitô giáo
Những bài nói chuyện của tổng thống Recep Tayyip Erdoğan và giám đốc tôn giáo sự vụ, Mehmet Gormez trong các buổi tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy có rất ít tín hiệu là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cởi mở hơn với cộng đồng Kitô giáo tại nước này. Đó là nhận định của nhiều quan sát viên sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô từ 28 đến 30 tháng 11 vừa qua.
Tổng Thống Erdogan, trong bài diễn văn chào mừng Đức Phanxicô hôm thứ Sáu 28 tháng 11, nói rằng, đang có “một khuynh hướng rất nghiêm trọng và phát triển rất nhanh của chủ nghĩa chủng tộc, kỳ thị, và ghét bỏ người khác, nhất là kỳ thị Hồi Giáo, tại Tây Phương”.
Ông Mehmet Gormez cũng phát biểu cùng một quan điểm ấy. Ông nói: “chúng tôi cảm thấy lo lắng và ưu tư đối với tương lai khi bệnh hoang tưởng kỳ thị Hồi Giáo, một bệnh vốn rất thịnh hành trong công luận Tây Phương, đang được sử dụng làm cớ gây áp lực nặng nề, đe dọa, kỳ thị, tha hóa, và tấn công thực sự anh chị em Hồi Giáo của chúng tôi tại Tây Phương”.
Đây là lối nói phủ đầu để che dấu một thực tại vi phạm quyền tự do tôn giáo trầm trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một thế kỷ vừa qua với những biện pháp đa dạng như đóng cửa trường thần học duy nhất tại nước này, tịch thu các nhà thờ Kitô Giáo, trục xuất các tín hữu Kitô; Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc triệt tiêu dần sự hiện diện của Kitô Giáo tại nước này. Từ 20% dân số là các tín hữu Kitô, ngày nay ở Thổ Nhĩ Kỳ người Kitô Giáo chỉ chiếm 0.2%.
Giáo Hội Công Giáo chống đối bất cứ thứ kỳ thị tôn giáo nào, dù nó đụng tới ai đi nữa. Và thực sự Đức Phanxicô cũng đã kêu gọi việc trợ giúp các di dân Hồi Giáo tại Tây Âu. Thế nhưng, không thể so sánh tình cảnh của các tín hữu Hồi Giáo tại Tây phương với những gì đang xẩy ra cho các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác tại các nước Hồi Giáo.
Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp cao hay cảm nghĩ bị cho ra rìa quả là những vấn đề thực sự, nhưng làm sao so sánh được với những đe dọa triệt hạ hàng loạt cộng đồng Kitô Giáo, những cuộc tấn công quy mô, trong một chương trình thanh trừng tôn giáo và diệt chủng thực sự.
Sử dụng “chiêu bài kỳ thị Hồi Giáo” làm cớ để trì hoãn không chịu hành động gì đối với chủ nghĩa cực đoan duy Hồi Giáo, nhẹ nhất, cũng bị coi là không trung thực. Mà tệ nhất, phải bị coi là đồng lõa vào việc gây ra đau khổ cho người khác.
Trên chuyến bay trở về Rôma, Đức Phanxicô cho các ký giả biết ngài đã nói với tổng thống Erdogan rằng sẽ tốt đẹp xiết bao “nếu mọi nhà lãnh đạo Hồi Giáo, kể cả các chính trị gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và các nhà khoa bảng, lên tiếng rõ ràng” chống lại chủ nghĩa quá khích Hồi Giáo.
Cũng trong cuộc họp báo trên, Đức Phanxicô cho hay: “tất cả chúng ta cần có sự lên án khắp thế giới, cả từ chính người Hồi Giáo, những người vốn cho rằng ‘chúng tôi không như thế. Kinh Kôrăng không như thế’”.
Ngài cũng cương quyết cảnh cáo trước tình thế của các Kitô hữu tại Trung Đông. “Thực sự, tôi không muốn dùng các từ ngữ bọc đường. Các Kitô hữu đang bị xua đuổi ra khỏi Trung Đông. Đôi khi, như ta thấy ở Iraq, khu vực Mosul, họ phải ra đi trong khi phải để lại mọi sự”.
15. Đức Thánh Cha kêu gọi xã hội phải cộng tác để tạo điều kiện cho người phụ nữ lo lắng cho gia đình
“Tương lai của nhân lọai là ở nơi gia đình”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định như vậy khi ngài kêu gọi làm sao để cho “ phụ nữ không vì những lý do kinh tế mà phải chấp nhận những công việc quá khó nhọc và những giờ giấc quá khó khăn”, trong khi vẫn phải có trách nhiệm bên trong gia đình.
Ngài khẳng định : “Những công việc của phụ nữ trong mọi đẳng cấp của gia đình, cũng là những đóng góp không thể thiếu được cho tương lai của xã hội” .
Đức Thánh Cha đã gửi điện văn cho các tham dự viên của Đại Hội Gia Đình được tổ chức tại Riva del Garda từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 12 với chủ đề : “Hệ thống môi sinh của đời sống và việc làm. Phụ nữ lao động và sanh sản, sự an vui và tăng trưởng về kinh tế “.
Đại hội có mục đích cung ứng các đường lối họat động để cho gia đình “được bênh vực hơn trong khuôn khổ xã hội, văn hóa và chính trị” của nước Ý.
Trong điện văn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến “vai trò không thể thay thế và rất căn bản của gia đình trong xã hội dân sự và trong cộng đồng Giáo Hội” vì “tương lai của nhân lọai là ở nơi gia đình”.
Ngài khuyên các tham dự viên tìm kiếm các giải pháp cụ thể để “dung hòa các bổn phận đối với gia đình và xã hội, đặc biệt trong các mối tương quan giữa đời sống chức nghiệp và đời sống gia đình” : đó là “thực hành sự liên đới và hỗ trợ, nghĩa là một tương quan năng động giữa công cộng và tư nhân, giữa công sở và gia đình.”
Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh về việc làm của phụ nữ : “nhiều phụ nữ yêu cầu xã hội cần phải biết nhiều đến quyền lợi của họ, đến những giá trị mà họ đem lại cho gia đình và xã hội”.
“Một số người cảm thấy mệt mỏi và bị đè nén bởi sức nặng của bổn phận và việc làm, mà không tìm được sự giúp đỡ và thông cảm.” Ngài kêu gọi “hành động để cho phụ nữ không bị bó buộc phải chấp nhận những việc làm quá nặng nề và giờ giấc khó khăn vì những lý do kinh tế”, trong khi họ “vẫn phải thực thi trách nhiệm của một người chủ gia đình và giáo dục con cái”
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi làm sao cho “các gia đình được hưởng trợ giúp thích nghi từ chính phủ và các cơ quan cho việc sinh sản và giáo dục con cái”.
Cuối cùng ngài bầy tỏ ưu tư về nạn thất nghiệp trong giới trẻ : “sự thất nghiệp làm cho con người mất tinh thần, họ cảm thấy mình sống vô ích, và làm cho xã hội nghèo nàn đi”. Não trạng trên hình thành vì thiếu sự hỗ trợ của các quyền lực hữu hiệu và có thiện chí.
16. Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Thần học Quốc tế
Sáng thứ Sáu 5 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Ủy ban thần học quốc tế vừa kết thúc khóa họp toàn thể tại Vatican. 30 thần học gia quốc tế nhóm khóa họp đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm, dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng là chủ tịch của Ủy ban.
Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã nêu bật những đặc tính mà nhà thần học Công Giáo phải có. Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Nhà thần học trước tiên là một tín hữu lắng nghe Lời Chúa hằng sống và đón nhận Người trong tâm trí. Nhưng nhà thần học cũng phải khiêm tốn lắng nghe “điều mà Chúa Thánh Linh nói với các Giáo Đoàn” (Kh 2,7), qua những biểu thị khác nhau của đức tin được sống thực nơi dân Chúa.
Trong số các thành viên Ủy ban thần học quốc tế hiện nay có 5 phụ nữ, tức là gấp 5 lần so với trước đây. Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Sự hiện diện này trở thành một lời mời gọi suy tư về vai trò mà phụ nữ có thể và phải giữ trong lãnh vực thần học. Thực vậy, “Giáo Hội nhìn nhận đóng góp không thể thiếu được của phụ nữ trong xã hội, với một sự nhạy cảm, một trực giác, và một số khả năng đặc thù thường là những đặc tính riêng của phụ nữ hơn là của nam giới.. Tôi hài lòng vì thấy có nhiều phụ nữ cống hiến những đóng góp mới cho suy tư thần học” (Evangaudium, 103). Như thế, do thiên tài nữ giới, để mưu ích cho tất cả mọi người, các nữ thần học gia có thể nêu bật một số khía cạnh chưa được khai phá trong mầu nhiệm khôn lường của Chúa Kitô trong đó có giấu ẩn tất cả những kho tàng khôn ngoan và tri thức”
17. Đức Thánh Cha ký tuyên ngôn chung chống nạn nô lệ mới
Sáng ngày 2 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo khác, ký tuyên ngôn chung bày tỏ quyết tâm cộng tác loại bỏ vĩnh viễn hình thức nô lệ mới trước năm 2020.
Cùng ký vào tuyên ngôn còn có Đức Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo Justin Welby, các vị lãnh đạo Chính Thống, Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo đến từ nhiều quốc gia. Sáng kiến lịch sử này do tổ chức gọi là Global Freedom Network (Mạng tự do trên thế giới), đề xướng. Tổ chức này được hình thành để loại trừ nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới trên thế giới ngày nay.
Lễ nghi ký tuyên ngôn chung diễn ra lúc 11 giờ 15 sáng tại trụ sở của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học ở Nội thành Vatican.
Lên tiếng trong dịp này, sau khi cám ơn tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo và những người hiện diện, Đức Thánh Cha khẳng định rằng:
“Được sự tuyên xưng tín ngưỡng soi sáng, chúng ta họp nhau nơi đây do một sáng kiến lịch sử và để thực hiện một hành động cụ thể: tuyên bố chúng ta sẽ cộng tác với nhau để loại trừ tai ương kinh khủng là sự nô lệ tân thời dưới tất cả mọi hình thức của nó.
“Sự bóc lột thể lý, kinh tế, tính dục và tâm lý người nam, người nữ, trẻ em nam nữ, hiện đang xiềng đích hàng triệu người trong tình trạng vô nhân đạo và tủi nhục. Mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình thương và tự do, Đấng hiến thân trong các quan hệ giữa con người với nhau… Bất kỳ quan hệ kỳ thị nào đều không tôn trọng xác tín cơ bản theo đó người khác cũng là người như chúng ta, và hành động đó là một tội ác. Và bao nhiêu lần có những tội ác kinh khủng!
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Vì thế chúng ta tuyên bố nhân danh tất cả và từng người rằng nạn nô lệ tân thời, trong tương quan với nạn buôn người, cưỡng bách lao động, mại dâm và buôn bán cơ phận, là tội ác xúc phạm đến nhân loại. Các nạn nhân thuộc mọi giai tầng, nhưng nhất là những người nghèo khổ và dễ tổn thương nhất trong các anh chị em của chúng ta.
“Nhân danh họ chúng ta kêu gọi các cộng đoàn của chúng ta hãy hành động, để hoàn toàn loại bỏ mọi sự tước đoạt tự do của cá nhân với mục đích bóc lột con người và thương mai; nhân danh họ chúng ta đưa ra tuyên ngôn này.
Đức Thánh Cha ghi nhận rằng mặc dù có những cố gắng lớn của nhiều người, tệ nạn nô lệ tân thời tiếp tục là một tai ương kinh khủng trên thế giới, kể cả dưới hình thức du lịch.. Tội ác này nấp sau những thói quen bề ngoài và được chấp nhận, nhưng trong thực tế, các nạn nhân của chúng ở trong tình trạng mại dâm, buôn người, cưỡng bách lao động, làm việc như nô lệ, cắt chặt cơ phận, bán cơ phận và tiêu thụ ma túy, bắt trẻ em làm việc.
Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng tôi kêu gọi tất cả những người có tín ngưỡng, các vị lãnh đạo, chính quyền, xí nghiệp, mọi người nam nữ thiện chí, hãy quyết liệt hỗ trợ và tham gia các phong trào chống nạn nô lệ tân thời dưới mọi hình thức”
“Được sự nâng đỡ của các lý tưởng trong tín ngưỡng và các giá trị nhân bản chung, tất cả chúng ta có thể và phải giơ cao ngọn cờ các giá trị tinh thần.. . Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta ngày hôm nay ơn được hoán cải chính mình thành tha nhân của mỗi người không phân biệt ai, luôn tích cực giúp đỡ những người chúng ta gặp trên đường.”
18. Đức Giáo Hoàng tiếp Tổng thống Mozambique
Hôm 04/12/2014, Tổng thống Mozambique Armando Emilio Guebuza đã hội kiến lần đầu tiên với Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Trong cuộc hội kiến ngắn, hai vị đã thảo luận về bất bình đẳng xã hội, đói nghèo và giải trừ quân bị.
Hai vị lãnh đạo cũng thảo luận về vai trò của Giáo Hội trong việc thúc đẩy hòa bình và hòa giải, nhất là trong bối cảnh những bạo lực quá khứ trên đất nước này. Mozambique giành độc lập vào năm 1975, sau đó đã rơi vào cuộc nội chiến kéo dài 15 năm.
Sau khi giới thiệu đoàn tùy tùng của mình với Đức Giáo Hoàng, Tổng thống đã tặng Đức Giáo Hoàng một bức tranh đầy màu sắc mang tên “Tạ ơn mẹ”, do nghệ sĩ André Macie thực hiện. Đức Giáo Hoàng đã trao tặng vị Tổng thống một bản sao Tông huấn Niềm vui Phúc Âm của ngài cùng với một huy chương Thánh Martin thành Tours.
Mozambique là một trong những nước nghèo nhất và có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao nhất thế giới. Giáo Hội điều hành hàng loạt các tổ chức bác ái ở đất nước này để giúp những người nghèo. Theo ước tính, Mozambique có 28 phần trăm dân số là người Công Giáo.
19. Nạn buôn cơ phận người trên thế giới
Cũng trong buổi sáng ngày 2 tháng 12, tại trụ sở của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học ở Nội thành Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị lãnh đạo tôn giáo khác, cũng ký một tuyên ngôn chung khác chống lại nạn buôn cơ phận người.
Theo bản tường trình năm 2007 của các chuyên viên Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới hàng năm trên toàn cầu có 21,000 vụ ghép gan, 66,000 vụ ghép thận và 6,000 vụ ghép tim. Năm phần trăm các cơ phận phát xuất từ chợ đen với các lợi nhuận lên đến 1,2 tỷ mỹ kim. Và các vụ buôn bán cơ phận bất hợp pháp này ngày càng gia tăng tạo thành cả một siêu thị quốc tế buôn bán cơ phận người. Năm 2004 Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới đã kêu gọi các quốc gia thành viên có các biện pháp che chở các nhóm người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất chống lại nạn du lịch cấy ghép cơ phận và bán các mô và cơ phận người, cũng như đề phòng nạn buôn bán cơ phận xuyên quốc gia.
Các quốc gia chính bán cơ phận người là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Philippines, và Colombia. Trong khi người mua cơ phận thuộc các các nước kỹ nghệ giầu tại Âu châu, Hoa Kỳ, các nước vùng Vịnh Ba Tư, Israel, Nhật Bản, Australia và Canada. Và đa số các nạn nhân của kỹ nghệ buôn bán cơ phận người là dân nghèo, thường khi gồm cả trẻ em, bị áp lực, hay bị dụ dỗ bán cơ phận để gia đình có thể sống còn. Họ chỉ nhận được một số tiền rất nhỏ nhoi, trong khi những kẻ ăn cắp cơ phận bán lại chúng với gía đắt hơn vàng.
Bên châu Mỹ Latinh người ta rao bán cơ phận trên báo chí. Bên Indonesia các nhà báo chụp được hình của một người cha cầm bảng rao bán cơ phận mình ngoài đường phố để có tiền cho con ăn học. Tại Ấn Độ và Pakistan hằng năm có 2.000 người bán cơ phận, thường là thận.
Tuy nhiên, trong thị trường buôn bán cơ phận người, Trung Quốc đứng hàng đầu. Điều tệ hại hơn nữa là đa số các cơ phận đều là các cơ phận ăn cướp từ các tù nhân. Theo bản tường trình của Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới trong năm 2005 Trung Quốc đã bán 12,000 trái thận và 900 lá gan của các tù nhân bị hành quyết cho các người Hoa giầu có, hay cho các người ngoại quốc không thể chờ đợi một cơ phận hợp pháp.
Nguồn: Vietcatholic