Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 05/04/2018: Hội Đồng Giám Mục Pakistan lên án 14 bác sĩ đánh chết một người Công Giáo

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 05/04/2018: Hội Đồng Giám Mục Pakistan lên án 14 bác sĩ đánh chết một người Công Giáo

1. Đức Thánh Cha Rửa Tội cho một “anh hùng di dân”

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã đón tiếp một số thành viên mới vào Giáo Hội Công Giáo qua bí tích Rửa Tội trong Đêm Canh Thức Vọng Phục sinh tối thứ Bẩy 31 tháng Ba.

Năm nay, trong số những người được Đức Thánh Cha Rửa Tội có anh John Ogah, 31 tuổi, người được báo chí Italia gọi là “anh hùng di dân” và được coi là tấm gương dũng cảm của một công dân tốt.

Đài truyền hình Công Giáo TV2000 cho biết hồi tháng 9 năm ngoái, Ogah đang đứng xin ăn bên ngoài một siêu thị ở một khu phố Rôma, nơi có nhiều người di dân sống, thì thấy một tên cướp vũ trang bằng dao xông vào đánh cướp cửa hàng này lấy đi 400 euro. Lúc tên cướp 37 tuổi bỏ chạy ngang qua Ogah, anh quật ngã hắn ta xuống và giữ chặt hắn cho đến khi cảnh sát đến được hiện trường.

Theo tờ La Repubblica, Ogah là di dân bất hợp pháp người Nigeria, không có giấy phép cư trú tại Italy, nên sau khi cảnh sát đến anh lặng lẽ chuồn khỏi hiện trường, sợ rằng sẽ bị cảnh sát phát hiện ra anh ta không có giấy tờ tùy thân.

Cảnh sát sử dụng những cảnh quay được từ các camera giám sát trong khu vực đã theo dõi và khen thưởng anh ta bằng cách giúp anh ta có được giấy tờ cư trú hợp pháp tại ý.

Một sĩ quan cảnh sát Ý làm việc trong khu phố, là ông Nunzio Carbone, là cha đỡ đầu của anh Ogah khi anh được Rửa Tội trong Đêm Canh Thức Vọng Phục sinh vừa qua. Ông đứng ngay bên cạnh anh khi Đức Thánh Cha Phanxicô Rửa Tội cho anh.

Carbone và các cảnh sát viên khác giúp Ogah có được giấy tờ nhập cư. Anh chàng Nigeria này bây giờ làm việc tại một nhà kho của một tổ chức bác ái.

Bẩy người khác được Đức Thánh Cha Rửa Tội trong Đêm Canh Thức Vọng Phục sinh vừa qua gồm 4 người Ý, một người Albania, một người Peru, và một người Hoa Kỳ.

2. Hơn 30,000 người lớn được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ trong đêm Vọng Phục sinh

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết theo các báo cáo sơ khởi của 85 trong tổng số gần 200 giáo phận tại Hoa Kỳ, hơn 30,000 người đã được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ trong đêm Vọng Phục sinh 31 tháng Ba. 

Những người chưa bao giờ chịu phép rửa tội, đã được rửa tội, được rước lễ lần đầu và được ban phép thêm sức. Các ứng viên, tức là những người đã được rửa tội theo một truyền thống Kitô giáo khác, đã được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo qua việc tuyên xưng đức tin, được thêm sức và rước lễ lần đầu.

Tổng giáo phận Hoa Kỳ với số người Công Giáo lớn nhất nước – là Tổng Giáo phận Los Angeles – đã tiếp đón 1,700 người giáo lý và 1,127 ứng cử viên.

Sát bên Tổng giáo phận Los Angeles, tổng giáo phận San Francisco chào đón 173 tân tòng và 169 ứng viên. Cũng trong tiểu bang California, 1,091 tân tòng và ứng viên được đón nhận vào Giáo Hội tại giáo phận San Diego.

Các tổng giáo phận khác có đông số tân tòng và các ứng viên là Galveston-Houston, 2,154; Atlanta: 1,988; Seattle, và New York, 868;

3. Hội Đồng Giám Mục Pakistan tố cáo các bác sĩ trong một nhà thương đánh chết một người Công Giáo

Trong một thông cáo được đưa ra hôm 28 tháng Ba, ủy ban truyền thông xã hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan cực lực lên án với những lời lẽ mạnh nhất hành động dã man của các bác sĩ và nhân viên bảo vệ trong một nhà thương đã xúm lại đánh chết một người Công Giáo.

Cha Qaiser Feroz, thư ký điều hành ủy ban truyền thông xã hội của các giám mục Pakistan, nói: 

“Tôi rất bàng hoàng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bi kịch như thế … Người ta đến bệnh viện để điều trị và bác sĩ phải cứu mạng sống con người. Đàng này họ lại đánh chết người.” 

Suneel Saleem, 34 tuổi, cha của bốn đứa con, đã bị 14 bác sĩ và 20 nhân viên an ninh xúm lại đánh tới tấp trong một bệnh viện chính phủ ở thành phố Lahore của Pakistan trong một cuộc cãi vả. Vụ việc đã xảy ra sau khi một nữ bác sĩ tát vào mặt em gái anh là người đang mang thai sắp sinh và đến bệnh viện để kiểm tra. Suneel Saleem lên tiếng phản đối hành động này và đôi co với các bác sĩ trong nhà thương. 

Aneel Saleem, một người anh của người quá cố, cũng bị tấn công, cho biết:

“Khoảng 20 nhân viên bảo vệ và 14 bác sĩ đánh đấm và tấn công em tôi bằng dùi cui, ghế và thắt lưng. Suneel ngất xỉu và sau đó chết trong bệnh viện này”.

Cha Qaiser Feroz, đã tổ chức lễ tang của Suneel vào ngày 27 tháng 3. Sau đó, hơn 300 người đã cùng với gia đình nạn nhân tụ tập phản đối trước câu lạc bộ báo chí Lahore.

Thủ hiến bang Punjab là ông Shahbaz Sharif đã bày tỏ sự thông cảm đối với gia đình Suneel và ra lệnh điều tra vụ việc. Christian True Spirit, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nạn nhân các cuộc bách hại, cho biết họ sẽ trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình nạn nhân và sáu tháng hỗ trợ tài chính. Người con út của Suneel là đứa con gái mới 4 tháng tuổi.

Sự phân biệt đối xử đối với các nhóm tôn giáo thiểu số bởi các quan chức chính phủ là một hiện tượng thường thấy ở Pakistan.

Trong khi đó, bọn bác sĩ lại nộp đơn tố cáo với cảnh sát là gia đình anh Suneel Saleem đã tạo ra một tình huống “coi thường pháp luật” trong nhà thương. Được hỏi tình huống “coi thường pháp luật” ấy là gì ban quản trị của bệnh viện nói: “Cuộc chiến bắt đầu khi các nhân viên bảo vệ bệnh viện yêu cầu những người thân của bệnh nhân ngừng quay phim bằng điện thoại di động. Nhưng họ không tuân thủ”. 

4. Tòa Thánh bác bỏ tin đồn sắp ký thỏa thuận với Bắc Kinh

Sáng thứ Năm 29 tháng Ba, Tòa Thánh đã bác bỏ một tuyên bố cho rằng một thỏa thuận với Bắc Kinh sắp xảy ra, sau khi một tờ báo do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn tường thuật rằng một thỏa thuận như thế có thể được ký trong Tuần Thánh này.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn lời “giám mục” Quách Kim Tài, Tổng thư ký Hội Đồng Giám mục Trung Quốc, rằng các cuộc đàm phán đang ở trong “giai đoạn cuối cùng”.

“Nếu mọi việc diễn ra theo dự trù, thoả thuận này có thể được ký kết ngay cả vào cuối tháng này”, vị “giám mục dỏm” nói. “Thời điểm phụ thuộc vào các chi tiết của thỏa thuận và các vấn đề kỹ thuật khác.”

Tuy nhiên, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết hôm thứ Năm rằng chẳng có sự ký kết nào “sắp xảy ra”.

Ông nói với các ký giả:

“Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tiếp tục liên lạc với các cộng tác viên của ngài về các vấn đề Trung Quốc và theo sát với các bước của cuộc đối thoại đang còn tiếp diễn”.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng tìm cách nói nước đôi khi trích dẫn bà Wang Meixiu, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, là người nói rằng vẫn còn những điều không chắc chắn.

“Một thoả thuận về các nguyên tắc chung về việc bổ nhiệm các giám mục sẽ không xảy ra nếu hai bên không công bố một văn bản hay một thỏa thuận riêng về việc liệu Tòa Thánh Vatican có công nhận bảy giám mục được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn hay không”, bà nói.

ác “giám mục” này bao gồm một số người đã bị vạ tuyệt thông sau khi được phong chức mà không có sự chấp thuận của Vatican.

Tin đồn về một thỏa thuận sắp được ký kết đã bùng lên sau những lời phát biểu của Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, nguyên Giám Mục Hương Cảng tại một hội nghị diễn ra trong hai ngày 22 và 23 tháng Ba tại Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô tại Rôma. Hội nghị có chủ đề là “Kitô giáo trong Xã hội Trung Quốc: Ảnh hưởng, Tương tác và Sự Hội Nhập Văn hoá”. Đức Hồng Y Gioan Thang Hán cho rằng thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh “sắp xảy ra” và “những ai chống lại thỏa thuận này đang hành động một cách vô lý”.

Lời phản bác của ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho thấy đây là lần thứ hai, những tiên đoán của Hồng Y Gioan Thang Hán liên quan đến cuộc đối thoại với Trung quốc đã không xảy ra.

Trong một diễn biến trước đó, Đức Giám Mục Vincent Quách Tích Kim đã được thả ra sau khi bị chính quyền giam giữ qua đêm. Ngài bị an ninh bắt giữ vào tối ngày 26 tháng Ba, cùng với vị linh mục chưởng ấn.

Đức Giám Mục Quách Tích Kim, năm nay 59 tuổi, là vị giám mục thầm lặng của Mân Đông, được Tòa Thánh công nhận nhưng cộng sản không chấp nhận và hỗ trợ một giám mục bất hợp pháp là “giám mục” Chiêm Tư Lỗ, hiện nay vẫn còn mắc vạ tuyệt thông.

Đức Cha Quách Tích Kim đã bị yêu cầu bước sang một bên nhường chỗ cho Chiêm Tư Lỗ.

Theo nguồn tin cuả AsiaNews thì Đức Cha Quách Tích Kim đã từ chối không đồng tế với Chiêm Tư Lỗ trong thánh lễ Truyền Dầu tại nhà thờ chính tòa Mân Đông.

5. Trong thông điệp Phục sinh Thái tử Charles bày tỏ âu lo về tình trạng các Kitô hữu bị bách hại trên thế giới

Thái tử xứ Wales đã bày tỏ tình đoàn kết đối với các Kitô hữu phải chịu đau khổ vì đức tin của họ trên khắp thế giới trong một video được công bố vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đây là thông điệp Phục sinh đầu tiên của thái tử Charles

Thái tử đã nói về mối quan tâm của ông trước tình trạng các tín hữu Kitô vẫn tiếp tục bị bách hại vì niềm tin tôn giáo của họ, và nêu bật những vấn đề mà các Kitô hữu phải đối mặt.

Ông nói: “Vào thời điểm Phục Sinh này, khi tâm trí chúng ta hồi tưởng lại cuộc thương khó của Chúa chúng ta cách đây 2,000 năm, chúng ta đặc biệt nghĩ đến những Kitô hữu đang đau khổ vì đức tin của họ ở nhiều nơi trên thế giới.

Tôi muốn bảo đảm với họ rằng họ không bị lãng quên và họ đang trong lời cầu nguyện của chúng tôi.”

Video này đã được thực hiện sau cuộc họp của Thái tử với các nhà lãnh đạo Giáo hội từ Trung Đông, nơi tình trạng bách hại các Kitô hữu rõ nét nhất.

Trong thông điệp của mình, Thái tử xứ Wales cũng nêu lên những yếu tố khiến ông lạc quan bao gồm việc hồi hương của các Kitô hữu ở miền bắc Iraq và các nơi khác.

Ông nói: “Tôi cũng nghe nói rằng trong bóng đêm chập chùng này để có những ngọn đèn nhỏ, những dấu hiệu phục sinh và hy vọng rằng, chậm chạp nhưng chắc chắn, những Kitô hữu đã phải chạy trốn khỏi quê hương của họ đang bắt đầu trở lại và xây dựng lại những ngôi nhà điêu tàn của họ” 

Theo số liệu được công bố vào Chúa Nhật Lễ Lá, có 3,249 ngôi nhà của các Kitô hữu ở vùng bình nguyên Ninivê đã được khôi phục trong số 12,217 căn. Đến nay, 37,086 Kitô hữu Iraq đã trở về cố hương.

Thái tử lưu ý rằng trong nhiều thế kỷ qua, các tôn giáo khác nhau – đặc biệt là ba tôn giáo độc thần là Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo đã “sống bên nhau như những người hàng xóm và như những người bạn”.

6. Thông điệp Phục sinh của các nhà lãnh đạo Kitô tại Giêrusalem

Trong một diễn biến đại kết rất đáng vui mừng 13 nhà lãnh đạo tại Giêrusalem của Công Giáo, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Giáo Hội Armenia Tông Truyền, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria, Chính Thống Giáo Ethiopia, và các hệ phái Tin Lành đã cùng ký chung trong thông điệp Phục sinh.

Toàn văn thông điệp như sau:

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại (1 Pet 1:3).

Chúng tôi, các Thượng Phụ và những người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem, cùng nhau gửi lời chúc Phục Sinh của chúng tôi và lời hân hoan công bố Tin Mừng Phục Sinh của Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Từ Giêrusalem, nơi Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, chúng tôi ban phước lành cho các tín hữu đang cử hành Lễ Phục Sinh vào thời điểm hồng phúc này.

Trong hơn hai ngàn năm qua, những người hành hương đã theo bước chân của Chúa Giêsu và tuôn đến Giêrusalem để nhìn thấy ngôi mộ trống. Sự phục sinh của Chúa chúng ta là một sự kiện lịch sử bao gồm sự đổi mới toàn bộ trật tự vũ trụ và canh tân khuôn mặt của toàn bộ sáng tạo. Đây là thời gian mà Gia Đình Kitô Giáo trên toàn thế giới ghi nhớ công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Giêrusalem, Thành phố của Hy vọng và Phục sinh, vẫn là một biểu tượng thiêng liêng cho ơn cứu rỗi và một sự phản chiếu của Giêrusalem mai sau trên trời. Trong thực tế, tính chất thiêng liêng, hiệp nhất và siêu nhiên này của Giêrusalem vẫn tiếp tục là một ngọn hải đăng cho hy vọng, hòa bình, và cuộc sống cho người dân trong khu vực này và trên toàn thế giới. Chúng tôi cầu nguyện rằng ở đây, nơi Thánh Địa này, chúng tôi có thể tiếp tục mà không bị cản trở để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của chúng tôi như những biểu hiện của Tin Mừng sống động trong việc phục vụ người nghèo, tìm kiếm công lý và bước đi trong ánh sáng và tình yêu của Chúa Kitô Phục Sinh.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng trước khi Chúa Giêsu lên trời vinh hiển, Ngài đã phải trải qua cuộc thương khó, và trước khi bước vào vinh quang Ngài đã bị đóng đinh. Chúng ta cầu nguyện lên Thiên Chúa toàn năng để những người đang bước theo con đường thập giá có thể thấy rằng đó là con đường của hy vọng, bình an và sự sống. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những ai đang đau khổ tại khu vực này và trên toàn thế giới, và tất cả những ai đang phải chịu đựng trong im lặng; cho những người tị nạn, và những người phải di dời, cho những ai đang bị áp bức, những ai trong tình cảnh quẫn bách, cho tất cả nạn nhân của bạo lực và phân biệt đối xử, và cho tất cả những người cố gắng mưu cầu công lý và hòa giải.

Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta từ trong kẻ chết là lời nhắc nhở thường xuyên rằng quyền năng của sự dữ và cái chết sẽ không có tiếng nói cuối cùng, thay vào đó sự sống đã chiến thắng cái chết và bóng tối. Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta với chính Ngài trong Đức Chúa Giêsu Kitô và mời gọi chúng ta tiếp bước Người trong sứ vụ hòa giải. Xin Chúa Phục Sinh củng cố chúng ta qua Thánh Thần của Ngài để chúng ta có thể bước đi trong ánh sáng phục sinh của Người để yêu mến, phục vụ và mang lại Tin Mừng cho tất cả mọi người.

Chúa Kitô đã sống lại. Alleluia! Ngài thực sự đã sống lại. Alleluia!

7. Tây Ban Nha treo cờ rũ để tưởng niệm Chúa chịu chết

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một trong 152 cuộc diễu hành và lễ kỷ niệm trong Tuần Thánh tại 80 thành phố tại Tây Ban Nha có sự tham dự tích cực của các quân nhân trong các lực lượng vũ trang của quốc gia này.

Trong thông cáo được công bố hôm thứ Ba 27 tháng Ba, 2018 bà Maria Dolores Cospedal, Bộ Trưởng Quốc Phòng Tây Ban Nha cho biết tất cả các cơ quan của Bộ Quốc phòng nước này, các doanh trại quân đội và các cơ sở khác của lực lượng vũ trang tại quốc nội và hải ngoại sẽ treo cờ rũ để tưởng niệm Chúa chịu chết.

Trong thông cáo, Bộ Quốc Phòng cho biết tất cả các cơ quan, đơn vị, căn cứ, doanh trại bao gồm tòa nhà Bộ Quốc phòng ở Madrid sẽ hạ cờ từ 2 giờ chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh đến 0h01 sáng Chúa Nhật Phục Sinh “như truyền thống” tưởng nhớ cái chết của Chúa Kitô trong Tuần Thánh này.

Bộ Quốc Phòng giải thích rằng thực hành này đã bắt đầu từ vài thập kỷ qua và “là một phần trong truyền thống thế tục của lực lượng vũ trang”.

Quân đội Tây Ban Nha sẽ tham dự 152 cuộc diễu hành và lễ kỷ niệm trong Tuần Thánh tại 80 thành phố trên khắp đất nước trong năm nay, bao gồm Seville, Granada, Madrid và quần đảo Canary.

Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng Bộ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các quân nhân, và sự tham gia của các thành viên lực lượng vũ trang vào các sự kiện này là hoàn toàn tự nguyện.

8. Đức Thượng Phụ Tawadros II: Chúng tôi đặt sinh mạng mình trong tay Chúa

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá năm ngoái, 9 tháng Tư, 2017, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã gây ra 2 vụ nổ bom. Đầu tiên là vụ nổ bom trong Thánh Lễ tại nhà thờ Saint George, thành phố Tanta, phía bắc Cairo khiến 30 người thiệt mạng và 78 người bị thương. Sau đó là cuộc tấn công tại Nhà thờ Thánh Mark, Alexandria khiến 17 người chết và 48 người khác bị thương.

Theo lịch Julian, Tuần Thánh của các Giáo Hội Chính Thống trễ hơn một tuần so với Giáo Hội Công Giáo. Ngày 1 tháng Tư là Chúa Nhật Lễ Lá của Chính Thống Giáo. Nhân dịp này, Đức Thượng Phụ Tawadros II đã dành cho thông tấn xã SIR của Italia một cuộc phỏng vấn.

Khi được hỏi về những ưu tư liên quan đến các biện pháp an ninh trong Tuần Thánh, Đức Thượng Phụ nói:

“Tình cảm của chúng tôi trong suốt cả năm, chứ không riêng dịp Tuần Thánh này là chúng tôi đặt sinh mạng mình trong tay Chúa, trong tay của Đức Chúa Trời, Đấng yêu thương tất cả mọi người, Đấng đã làm bao nhiêu việc tốt lành cho chúng ta. Thiên Chúa là thẩm phán. Người là sở hữu chủ của cuộc sống và cái chết chúng ta. Điều chúng ta có thể làm là cầu nguyện và dấn thân làm việc vì hòa bình. Lời cầu nguyện của chúng ta là để bình an được ban cho chúng ta như là một món quà lan truyền trên khắp trái đất”. 

Năm 2017 là một năm khó khăn cho cộng đồng Kitô giáo Coptic ở Ai Cập: theo báo cáo của Associated Press, từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 12 năm 2017, ít nhất 100 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. 

Phản ứng của cộng đồng Coptic trước sự hung bạo của bạo lực dựa trên “sự tha thứ”. Trước các cuộc tấn công bạo lực nhắm vào cộng đồng Coptic Chính thống cũng như Công Giáo, các nhà lãnh đạo nói “Chúng tôi tha thứ cho những ai đã gây ra những hành vi bạo lực này”.

9. Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle lên án nạn tin giả hoành hành tại Phi Luật Tân

Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila đã lên án việc tiếp tục lan truyền những tin giả “fake news”. Ngài nói rằng mọi người nên tránh và chiến đấu với “những chiến lược lôi kéo” đang gieo rắc chia rẽ để phục vụ những mưu toan chính trị.

Đức Hồng Y nói rằng ngài rất buồn khi các phương tiện truyền thông hiện đại đã bị “giản lược” thành các con rối cho các chiến lược lèo lái con người.

“Những chiến lược lôi kéo đang phát triển mạnh trong bối cảnh không có sự tôn trọng. Đó là lý do tại sao fake news tăng nhanh … cố tình đánh lừa người khác”. Đức Hồng Y Tagle nói như trên trong bài giảng của ngài tại nhà thờ chính tòa Manila khi cử hành Lễ Dầu vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh cùng với Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia là sứ thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân, Đức Giám Mục Phụ Tá Broderick Pabillo của Manila và Đức Hồng Y Gaudencio Rosales, là Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Manila.

Hơn 400 linh mục của tổng giáo phận Manila đã tham dự thánh lễ và lặp lại các lời hứa khi được thụ phong linh mục

Ngài nói: “Chúng ta hãy chấm dứt ngay các tin tức giả mạo! Chúng ta không được kêu gọi và hiến thánh để rồi truyền bá tin giả, chúng ta chỉ truyền bá Tin Mừng, đặc biệt là qua sự chứng tá là chính cuộc đời chúng ta”.

Đức Hồng Y Tagle nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng của “tính toàn vẹn” trong những người rao giảng Tin Mừng, và thêm rằng Tin Mừng chỉ có thể đến được với lòng người nếu Tin Mừng được công bố không chỉ bằng lời nói mà bằng những việc làm cụ thể và chứng tá là chính cuộc sống của người rao giảng.

“Đó là lý do tại sao nhiều người không lắng nghe Tin Mừng vì họ không nhìn thấy Tin Mừng được thể hiện nơi chính những người rao giảng. Họ đang tìm kiếm những người thể hiện được tính toàn vẹn trong đó lời nói của họ phù hợp với hành động của họ.”

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Hồng Y chỉ trích tin giả. Trong hội nghị tại Phi Luật Tân hồi năm ngoái về Phúc Âm hóa mới, ngài đã chỉ trích mạnh mẽ các cơ quan truyền thông chính phủ và tư nhân trong việc tung tin giả.

Trong khi nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của các linh mục và các nam nữ tu sĩ trong việc tuyên xưng Lời Chúa, và loan báo chân lý, ngài nói các tín hữu giáo dân cũng phải chia sẻ cùng sứ mệnh truyền giáo và loan truyền sự thật.

10. Đức Hồng Y Jean-Pierre Kutwa tố cáo nạn hiến tế trẻ em tại Bờ Biển Ngà

Nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu ở Côte d’Ivoire, hay còn gọi là Bờ Biển Ngà, đã lên tiếng tố cáo việc bắt cóc trẻ em và giết chết chúng trong các “hy tế” bất hợp pháp tại quốc gia này.

Đức Hồng Y Jean-Pierre Kutwa của Abidjan đã giảng trong Thánh lễ Truyền Dầu ngày thứ Năm Tuần Thánh trước 5,000 người rằng “Chỉ có máu Chúa Kitô mới có khả năng cứu độ chúng ta … Tất cả mọi người trên đất nước này phải biết rằng họ phải trả lời cho máu người vô tội bị đổ ra”.

Kể từ đầu năm đến nay, đã có ba trường hợp được cảnh sát xác nhận trong đó các trẻ em ở quốc gia Tây Phi này bị bắt cóc và bị giết trong các “hy tế” của các thầy mo và các thầy phủ thủy. Trước Tuần Thánh, một đứa trẻ năm tuổi đã bị giết sau khi một phù thủy nói với tên nhà giàu rằng hắn ta sẽ vô cùng giàu có nếu sát tế một đứa bé.

Tại Yopougon, thành phố có 1,1 triệu dân, hơn 1,000 giáo dân đã tham gia vào một cuộc diễu hành, trong đó họ cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu để nạn giết trẻ em sớm chấm dứt.

Bờ Biển Ngà có 24,2 triệu dân trong đó 43% là người Hồi giáo, 17% theo Công Giáo 17%, 12% theo đạo Tin lành 12%, 4% theo đạo thờ vật linh, và 19% tuyên bố mình là người vô thần.

11. Đụng độ giữa cảnh sát và băng đảng làm gián đoạn Đàng Thánh Giá tại Acapulco, Mễ Tây Cơ

Hàng trăm tín hữu Công Giáo Đàng Thánh Giá tại thành phố nghỉ mát Acapulco, Mễ Tây Cơ đang đi Đàng Thánh Giá trong đó hàng chục người ăn mặc như người La Mã cổ đại và những nhân vật Kinh Thánh, đã phải bỏ chạy tán loạn sau khi tiếng súng vang lên trong một vụ cướp xe gần đó.

Một trong những tên cướp đã chết vì một cơn đau tim trong một cuộc đọ súng với cảnh sát trong khi đồng bọn của hắn trốn thoát. Cảnh sát tại bang Guerrero, là một trong những bang mất an ninh nhất tại Mễ Tây Cơ, đã cho biết như trên.

Vài phút sau cuộc chạm súng, một người đàn ông khác trong một ngôi nhà gần đó đã bị giết có thể là do những tên cướp trên đường chạy trốn giết chết hay đơn giản là bị giết bởi một viên đạn lạc. May mắn không có ai trong đám rước được báo cáo là bị thương.

Một video của Reuters cho thấy những người ăn mặc như người La Mã cổ đại và những nhân vật Kinh Thánh đã tỏ ra bình tĩnh và hướng dẫn đám đông đang hỗn loạn chạy đúng hướng nên không có ai bị thương.

Nguồn: VietCatholic New

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN