Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 05/03 – 11/03/2015: Phong trào Focolare

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 05/03 – 11/03/2015: Phong trào Focolare

 

1. Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ kỷ niệm 50 năm thánh lễ đầu tiên bằng tiếng địa phương

Tối thứ Bảy 7 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà thờ “Ognissanti” – nghĩa là Các Thánh – ở Rôma để kỷ niệm 50 năm ngày thánh lễ đầu tiên được cử hành bằng tiếng Ý ở Italia.

Chính tại ngôi nhà thờ Ognissanti này, năm mươi năm trước đây, vào sáng Chúa Nhật 7/3/1965 là Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên sử dụng tiếng địa phương – ngôn ngữ của dân chúng – thay vì bằng tiếng La Tinh. 

Mở đầu thánh lễ hôm ấy vị Chân Phước Giáo Hoàng đã nói:

“Hôm nay chúng tôi khai mạc hình thức mới của Phụng vụ trong tất cả các giáo xứ và nhà thờ trên toàn thế giới, trong tất cả các Thánh Lễ có giáo dân tham dự. Đây là một sự kiện lớn sẽ được nhớ đến như là sự khởi đầu của một cuộc sống thiêng liêng trăm hoa đua nở, và như một nỗ lực mới để tham gia vào các cuộc đối thoại tuyệt vời giữa Thiên Chúa và con người”.

Trình bày những suy tư của ngài liên quan đến bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại câu nói thời danh của Chúa Giêsu “Đừng làm cho ngôi nhà Cha Ta thành ra nơi buôn bán!” 

Theo Đức Giáo Hoàng, ý tưởng Chúa Giêsu muốn đề cập ở đây không chỉ giới hạn trong những việc kinh doanh trong đền thờ; nhưng Chúa muốn nói đến nó một khía cạnh nhất định của việc phụng tự. Cử chỉ của Chúa Giêsu là một cử chỉ “tẩy uế, thanh lọc.” Thiên Chúa không hài lòng với các của lễ vật chất dựa trên những sở thích cá nhân. Thay vào đó, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta “thờ phượng đích thực, với một sự tương ứng giữa phụng vụ và đời sống – đó là một lời mời gọi cho mọi thời đại, và cả cho chúng ta ngày hôm nay nữa.”

Nhắc lại hiến chế của Công Đồng Vatican II về Phụng Vụ, Sacrosanctum Concilium, Đức Thánh Cha nói: “Giáo Hội đang kêu gọi chúng ta có một đời sống phụng vụ đích thực và đề cao đời sống ấy, để có được sự hài hòa giữa những cử hành phụng vụ và lối sống của chúng ta hàng ngày. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Phụng vụ là nơi đặc biệt để chúng ta lắng nghe tiếng nói của Chúa, là Đấng hướng dẫn chúng ta trên con đường công chính và hoàn thiện Kitô giáo.” 

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng Phụng vụ tiếp tục mời gọi chúng ta đến với một hành trình hoán cải và sám hối, đặc biệt trong Mùa Chay, “thời điểm của đổi mới, của từ bỏ tội lỗi, thời điểm trong đó chúng ta được kêu gọi để tái khám phá Bí Tích Thống hối và Hòa giải để chúng ta giã từ bóng tối của tội lỗi và bước vào ánh sáng của ân sủng và tình bạn với Chúa Giêsu”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng chúng ta không bao giờ được quên sức mạnh to lớn của Bí Tích này trong đời sống người Kitô hữu: Bí Tích ấy làm chúng ta lớn lên trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa, giúp chúng ta lấy lại những cảm nghiệm vui mừng đã mất và niềm an ủi khi nhận biết là chúng ta được chào đón cách cá vị trong vòng tay nhân từ của Chúa Cha.”

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng của ngài với nhận xét rằng ngôi nhà thờ Ognissanti đã được xây dựng “nhờ vào lòng nhiệt thành tông đồ của Thánh Luigi Orione.” và “theo một nghĩa nào đó,” Chân Phước Giáo Hoàng Paul Đệ Lục đã “khai mạc cuộc cải tổ phụng vụ” với việc cử hành Thánh Lễ “bằng ngôn ngữ của dân chúng.” Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng dịp này sẽ làm sống lại trong tất cả mọi người một “tình yêu tuyệt vời dành cho ngôi nhà của Thiên Chúa.”

2. Đức Thánh Cha phê bình những tín hữu có lối sống giả hình và mời gọi mọi người hãy mở rộng tâm hồn đón nhận lòng từ bi thanh tẩy của Chúa Giêsu.

Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ ngài cử hành chiều Chúa Nhật 8 tháng Ba trong cuộc viếng thăm giáo xứ Mẹ Chúa Cứu Thế ở khu vực Tor Bella Monaca, ngoại ô Roma.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha diễn giải bài Tin Mừng kể lại sự tích Chúa Giêsu dùng roi đánh đuổi những người buôn bán chiên bò và đổi tiền ra khỏi đền thờ. Ngài áp dụng vào trường hợp những tín hữu “có bộ mặt Công Giáo, có vẻ gần gũi Giáo Hội, nhưng lối sống của họ thì như dân ngoại”. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể đánh lừa Chúa Giêsu, Chúa biết những gì ở trong tâm hồn chúng ta.. Trước mặt Chúa, chúng ta không thể giả bộ như người thánh thiện. Tất cả chúng ta đều biết tên mà Chúa Giêsu gọi những người hai mặt như thế: đó là những kẻ giả hình”.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy tự hỏi: “Chúa Giêsu có tín nhiệm tôi không? Tôi có phải là người hai mặt hay không? Trong mỗi người chúng ta đều có những điều nhơ bẩn, những tội ích kỷ, kiêu căng, ham hố, ghen tương, bao nhiêu tội lỗi. Điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận mình là người tội lỗi, mở cửa lòng để Chúa Giêsu thanh tẩy linh hồn chúng ta. Anh chị em có biết Chúa Giêsu dùng loại roi nào để thanh tẩy chúng ta hay không? Thưa đó là lòng từ bi. Anh chị em hãy mở rộng tâm hồn cho lòng từ bi thương xót của Chúa, và cầu xin: Lạy Chúa xin thanh tẩy con bằng lòng từ bi của Chúa, bằng lời dịu dàng và sự âu yếm của Chúa”.

Trước đó, khi đến giáo xứ Mẹ Chúa Cứu Thế, lúc gần 4 giờ chiều, ngài đã dừng lại tại Trung Tâm bác ái do các Nữ tu thừa sai bác ái đảm trách và săn sóc cho khoảng 80 người khuyết tật và bệnh nhân. Tại đây ngài đã gặp gỡ họ cùng với 5 gia đình túng thiếu, người Italia và nước ngoài.

Sau đó, ngài gặp gỡ khoảng 1 ngàn bạn trẻ và trả lời một số câu hỏi của một vài người trẻ. Đức Thánh Cha nhắc nhở họ rằng “Những giới luật và những điều cấm tự chúng không làm cho các bạn trở nên những tín hữu Kitô tốt. Tinh thần Kitô chính là tình thương của Chúa Giêsu.”

Khi gặp Hội đồng mục vụ giáo xứ, Đức Thánh Cha nhắc đến thảm trạng: Lòng từ nhân bị thử thách về những bất công và kỳ thị. Ngài cũng nói về những khó khăn về công ăn việc làm ở khu vực Tor Bella Monaca, và nhận xét rằng dân chúng ở đây có cùng một khuyết điểm như Chúa Giêsu, Thánh Giuse và Mẹ Maria, đó là cảnh nghèo”.

3. Đức Thánh Cha tiếp kiến 100 ngàn thành viên Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 7 tháng 3, dành cho hơn 100 ngàn thành viên Phong trào Hiệp thông và giải phóng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống và loan truyền lòng từ bi của Chúa.

Các thành viên tham dự buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô đến từ hơn 50 quốc gia nhân dịp kỷ niệm 10 năm vị sáng lập qua đời là cha Luigi Giussani và kỷ niệm 60 năm thành lập phong trào này. Hiện diện trong dịp này cũng có hàng chục Hồng Y và Giám Mục thành viên của Phong trào, đặc biệt là Cha Julián Carrón, người Tây Ban Nha, kế nhiệm cha Giussani trong nhiệm vụ chủ tịch Phong trào. Các tín hữu đứng tràn ra ngoài đường Hòa Giải ở cuối quảng trường.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với Cha Giussani “vì những thiện ích mà cha mang lại cho bản thân và đời sống linh mục của ngài qua việc đọc các sách và bài báo của Cha; tiếp đến là vì tư tưởng của cha Giussani rất nhân bản và đi tới tận thâm sâu ước muốn của con người”.

Đức Thánh Cha nhắc lại một điều rất quan trọng đối với cha Giussani là cuộc gặp gỡ, không phải với một ý tưởng, nhưng là với chính Chúa Giêsu Kitô.. Tuy nhiên, ngài nói, “người ta không thể hiểu được năng động của cuộc gặp gỡ này với Chúa và gắn bó với Người nếu không có lòng từ bi thương xót… Chỉ người nào được sự dịu dàng của lòng từ bi Chúa âu yếm mới có thể biết Chúa thực sự. Nơi ưu tiên cho cuộc gặp gỡ ấy chính là cảm nghiệm sự dịu dàng âu yếm của lòng từ bi Chúa đối với tội lỗi của chúng ta”.

Từ nguyên tắc trên đây, Đức Thánh Cha khẳng định rằng luân lý Kitô là một câu trả lời cảm động trước một lòng từ bi khôn tả, không lường trước được.. Luân lý Kitô không phải là không bao giờ sa ngã, nhưng là luôn trỗi dậy, nhờ bàn tay Chúa cầm lấy chúng ta”.

Từ đó, con đường của Giáo Hội là không lên án đời đời một ai, trái lại là phổ biến lòng từ bi của Thiên Chúa cho tất cả những ai xin với con tim chân thành. Con đường của Giáo Hội chính là ra khỏi vòng đai của mình để đi tìm kiếm những người ở xa, nơi những “khu ngoại ô” của cuộc sống. Con đường ấy là chấp nhận trọn vẹn tiêu chuẩn hành động của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Phong trào Hiệp thông và giải phóng và nhận xét của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16: “Phong trào này không nảy sinh trong Giáo Hội từ một ý chí của hàng giáo phẩm muốn tổ chức qui củ, nhưng từ một cuộc gặp gỡ được đổi mới với Chúa Kitô, và như thế chúng ta có thể nói, xét cho cùng, là từ một thúc đẩy của Chúa Thánh Linh”.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các thành viên của phong trào hãy trung thành với đoàn sủng, với linh đạo của Phong trào này, giữ cho đoàn sủng ấy được luôn sinh động, không trở thành một nhãn hiệu, hay bị “hóa đá”. Ngài nói: “Cha Giussani sẽ không bao giờ tha thứ cho anh chị em, nếu anh chị em làm mất đoàn sủng ấy và biến thành những người hướng dẫn trong một viện bảo tàng hoặc trở thành những người thờ lạy tro tàn. Anh chị em hãy giữ cho ngọn lửa ký ức cuộc gặp gỡ với Chúa được luôn cháy sáng, và hãy trở thành những người tự do!.. Những người đi ra ngoài, để tìm kiếm những người xa lạ ở ngoại ô, phụng sự Chúa Giêsu nơi mỗi người ở ngoài lề, bị bỏ rơi, không có đức tin, thất vọng về Giáo Hội, tù nhân của tính ích kỷ của họ”

Cha Giussani nguyên là một giáo sư thần học tại đại chủng viện Venegono, nhưng năm 1954, cha chuyển sang dạy môn tôn giáo tại trường trung học Giovanni Berchet ở Milano, bắc Italia. Sau đó cha trở thành tuyên úy phong trào Công Giáo tiến hành, ngành học sinh. Các cuộc tiếp xúc của cha với các sinh viên và học sinh dần dần đưa tới sự hình thành phong trào “Hiệp thông và giải phóng”. Danh xưng này đến từ một truyền đơn do một số sinh viên đại học phổ biến hồi năm 1969, nói lên sự đi ngược dòng với trào lưu văn hóa bấy giờ. Trong khi thứ văn hóa này chủ trương rằng cách mạng là con đường giải phóng con người, thì các môn đệ của cha Giussani trong phong trào khẳng định rằng con đường ấy chỉ có thể có trong sự hiệp thông Kitô giáo, từ đó phát sinh sự giải phóng; ơn cứu độ chính là Chúa Giêsu Kitô và sự giải phong cuộc sống và con người, luôn gắn liền với sự gặp gỡ Chúa Kitô.

Cha Giussani qua đời ngày 22 tháng 2 năm 2005 thọ 83 tuổi. Bộ Phong thánh đã cho phép mở án phong chân phước cho cha Giussani qua sắc lệnh ngày 13 tháng 4 năm 2012.

4. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về sự sống

Đức Thánh Cha chống lại nạn bỏ rơi người già và kêu gọi các nhân viên y tế đảm bảo sự chăm sóc chống đau dành cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 5 tháng Ba dành cho 100 chuyên gia đang tham dự khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống nhóm tại Vatican từ ngày 5 đến 7-3 về việc tăng cường trợ giúp người già và phát triển ngành y khoa chống đau.

Đức Thánh Cha nói đến hiện tượng nhiều người già ngày càng ít được sự quan tâm của ngành y khoa chống đau và thường bị bỏ rơi. Ngài nói: “Bỏ rơi chính là ‘căn bệnh’ trầm trọng nhất mà người già phải chịu và cũng là một bất công lớn nhất đối với họ: không thể bỏ rơi những người đã giúp chúng ta tăng trưởng khi họ cần đến sự giúp đỡ của chúng ta”.

Đức Thánh Cha cũng ca ngợi sự dấn thân về mặt khoa học và văn hóa của các thành viên Hàn lâm việc Tòa Thánh bảo vệ sự sống, để đảm bảo sao cho sự chăm sóc chống đau được dành cho tất cả những người đang cần. Ngài nói: “Tôi khuyến khích những người chuyên nghiệp và các sinh viên hãy đi vào ngành chuyên môn trợ giúp này, nó không kém phần giá trị, nó đề cao giá trị của con người”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Người già cần được sự săn sóc trước tiên của những người thân trong gia đình – lòng yêu thương của họ đối với người già không thể thay thế bằng những cơ cấu dù là hiệu năng nhất hoặc bằng những nhân viên y tế tài ba và bác ái nhất”.

Trong ngày họp đầu tiên hôm 5 tháng Ba, sau diễn văn khai mạc của Đức Cha Chủ tịch Ignacio Carrasco de Paula, khóa họp của Hàm lân viện bảo vệ sự sống bàn về chữa trị các bệnh suy thoái kinh niên, săn sóc y khoa và sử dụng các thuốc chống đau. Thứ sáu 6 tháng 3, khóa họp bàn về các viễn tượng đạo đức đối với người già ở giai đoạn cuối đời và tháp tùng họ một cách xứng với nhân phẩm, cũng như phủ nhận mọi hình thức bỏ rơi hoặc làm cho chết êm dịu.

Sau cùng, thứ bẩy 7 tháng Ba, được dành cho các khía cạnh văn hóa xã hội và tinh thần, tình liên đới được áp dụng trong những hoàn cảnh cuối đời của người bệnh, cũng như các vấn đề pháp lý trong giai đoạn chót của cuộc đời.

5. Đức Thánh Cha tiếp kiến 60 Giám Mục bạn Phong Trào Tổ Ấm

Đức Thánh Cha đã đề cao vai trò của các Giám Mục trong việc tăng cường tình hiệp nhất của các tín hữu Kitô quanh bàn tiệc Thánh Thể.

Ngài nhắc lại đạo lý trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 4 tháng 3, dành cho 60 Giám Mục bạn của Phong trào Focolare (Tổ Ấm), tham dự khóa hội thảo thứ 38 từ 3 đến 6 tháng Ba tại Castel Gandolfo về đề tài: “Thánh Thể, mầu nhiệm hiệp thông”.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Tổ Ấm và vị đồng chủ tịch là linh mục Jesús Morán Cepedano người Tây Ban Nha.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “đoàn sủng hiệp nhất là một đặc điểm của Phong trào Tổ Ấm, ăn rễ sâu nơi Thánh Thể.. Nếu không có Thánh Thể thì sự hiệp nhất sẽ mất đi một nguồn thu hút thần thiêng và bị thu hẹp thành một thứ tình cảm và một năng động nhân bản, tâm lý và xã hội học mà thôi. Trái lại, Thánh Thể đảm bảo cho sự hiệp nhất có trung tâm là Chúa Kitô và chính Thánh Linh của Chúa thúc đẩy những bước đường và sáng kiến gặp gỡ và hiệp thông của chúng ta”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại chân lý: Giám Mục chính là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội, nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu không có Thánh Thể. Giám Mục tụ họp Dân Chúa không phải quanh bản thân và những tư tưởng của Giám Mục, nhưng là quanh Chúa Kitô hiện diện trong Lời Chúa và trong bí tích Mình và Máu Chúa… Như thế Giám mục, được Chúa Kitô củng cố, trở thành Tin Mừng sinh động, trở thành Bánh được bẻ ra để nuôi sống nhiều người, cùng với lời giảng và chứng tá của Giám Mục.”

Đức Thánh Cha tái bày tỏ tình liên đới đặc biệt với một số Giám Mục hiện diện đến từ những vùng đất đẫm máu là Syria, Iraq và Ukraine. Ngài nói: “Trong đau khổ mà anh em đang sống cùng với dân của mình, anh em cảm nghiệm sức mạnh đến từ Chúa Giêsu Thánh Thể, sức mạnh để tiến bước hiệp nhất trong đức tin và hy vọng”.

Trong số 60 Giám Mục bạn của Phong trào Tổ Ấm tại cuộc Hội thảo có các vị đến từ 4 nước Á châu là Hàn quốc, Thái Lan, Myanmar và Ấn độ. Điều hợp viên khóa hội thảo là Đức Tân Hồng Y Phanxicô Xavie Kiengsak Kovithananij, Tổng Giám Mục giáo phận Bangkok, Thái Lan.

Các Giám Mục đã nghe chứng từ của các Giám Mục đến từ các nước đang có chiến tranh như Syria, Iraq, Liban và cả Ukraine.

6. Đức Thánh Cha gửi 200 gia đình đi truyền giáo

Sáng ngày 6 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 7 ngàn thành viên Con đường Tân Dự tòng và gửi thêm 31 đoàn truyền giáo cho dân ngoại, tổng cộng là 200 gia đình với 600 người con.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô 6 có hơn 20 Hồng Y và Giám Mục thuộc các giáo phận nơi có các thành viên Con đường Tân Dự Tòng, cùng với 2 người sáng lập là Ông Kiko Arguello, bà Carmen Hernández và Cha linh hướng, Mario Pezzi.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhìn nhận Con đường Tân Dự Tòng là một thiện ích lớn lao trong Giáo Hội. Ngài cám ơn và đề cao tinh thần truyền giáo của các thành viên Con đường này. Nhiều gia đình sẵn sàng từ bỏ mọi sự, cùng với con cái ra đi truyền giáo, theo lời mời gọi của các Giám Mục. Mỗi đoàn truyền giáo gồm có 1 linh mục và 4 hoặc 5 gia đình. Họ đến sống tại những vùng đã xa rời đức tin Kitô hoặc chưa được nghe loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến độ đã hiến Con của Ngài để ban cho chúng ta ơn được hiến mạng cho tha nhân.

Đức Thánh Cha nói: 

“Thế giới ngày nay rất cần sứ điệp cao cả này. Bao nhiêu cô đơn, bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu xa cách Thiên Chúa tại bao nhiêu khu vực ngoại ô của Âu Châu và Mỹ châu, cũng như tại bao nhiêu thành thị ở Á châu! Con người ngày nay ở mọi góc trời, rất cần được nghe biết Thiên Chúa yêu thương họ và tình yêu là điều có thể! Nhờ các gia đình thừa sai của anh chị em, các cộng đồng Kitô có nghĩa vụ thiết yếu là làm cho sứ điệp ấy trở nên cụ thể, hữu hình”.

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã làm phép các thánh giá mà các gia đình thừa sai cầm trong tay, rồi ngài trao các thánh giá cho 33 LM quì gối để lãnh nhận. Các vị tháp tùng các gia đình trong các đoàn thừa sai mới.

Con đường Tân Dự Tòng được thành lập năm 1967 do Ông Kiko Arguello và Bà Carmen Hernández tại Madrid, Tây Ban Nha. Trong năm 2015 này có 21 ngàn cộng đoàn tại 124 quốc gia 5 châu, thuộc gần 1,500 giáo phận trong hơn 6,300 giáo xứ.

Con đường này cũng có 103 đại chủng viện giáo phận thừa sai Mẹ Đấng Cứu Chuộc với hơn 2,300 đại chủng sinh giáo phận đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục; hơn 2,200 linh mục giáo phận đã xuất thân từ các đại chủng viện đó, hơn 1,100 gia đình với 4,600 con cái đang hiện diện ở 5 châu.

Ngoài ra có 96 đoàn truyền giáo cho dân ngoại với 487 gia đình và 2087 người con, đông nhất là 58 đoàn tại Âu Châu, 9 tại Mỹ châu, 25 tại Á châu, 1 tại Phi châu và 3 tại Úc châu.

Trong buổi tiếp kiến 8 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng ngày 1-2 năm 2014, có 414 gia đình được Đức Thánh Cha Phanxicô sai đi hoạt động trong đó có 174 gia đình shuộc 40 đoàn truyền giáo cho dân ngoại, thêm vào số 52 cứ điểm đã hiện hữu.

7. Song thân thánh nữ Têrêsa Hài Đồng sắp được phong thánh

Song thân thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, là Chân phước Louis và Zélie Martin, sẽ được phong Hiển thánh trong dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay.

Trên đây là lời tuyên bố của Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, trong buổi thuyết trình hôm 27 tháng 2 ở Roma về vai trò của các thánh trong đời sống Giáo Hội. Ngài nói: “Tạ ơn Chúa, vào tháng 10 năm nay, Ông Bà song thân của thánh nữ Thêrêsa thành Lisieux sẽ được phong thánh”.

Chân phước Louis và Marie Zélie Guérin Martin thành hôn năm 1858 và có 9 người con, trong đó có 4 người chết sớm. 5 người con còn lại đều đi tu, trong đó có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng. Bà Zélie Martin qua đời lúc 45 tuổi, tức là năm 1877 vì ung thư, còn Ông Louis Martin qua đời năm 1894 thọ 70 tuổi. Ông Bà được phong chân phước hồi năm 2008.

Theo thủ tục thông thường, trước khi được phong thánh, còn cần phải có một phép lạ được nhìn nhận và sắc lệnh nhìn nhận phép lạ này sẽ được Đức Thánh Cha cho công bố trước lễ Phục Sinh tới đây. Giai đoạn kế tiếp, ngài sẽ nhóm công nghị Hồng Y về vấn đề này đã tuyên bố ngày phong hiển thánh cho ông bà chân phước.

Theo trang thông tin điện tử của Đền thánh Lisieux bên Pháp, một cuộc khỏi bệnh đang được bộ phong thánh cứu xét, liên quan đến một bé gái Carmen thuộc giáo phận Valencia, Tây Ban Nha. Hài nhi sinh thiếu tháng và có nhiều biến chứng phức tạp đe dọa sinh mạng, nhất là bị xuất huyết não. Cha mẹ em đã cầu xin Ông Bà chân phước Louis Zélie Martin cứu giúp, sau đó em đã được sống sót và hiện vẫn khỏe mạnh.

Đức Thánh Cha Phanxicô có lòng sùng kính đặc biệt đối với thánh nữ Têrêsa Hài Đồng. Ngài quen đặt ảnh thánh nữ trên kệ sách thư viện trong văn phòng của ngài khi còn là Tổng Giám Mục giáo phận Buenos Aires.

Trong sắc tay màu đen, ngài thường đích thân cầm trong các chuyến viếng thăm ở nước ngoài, ngoài những vật dụng tùy thân còn có cuốn sách tự thuật của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

8. Ngoại trưởng Tòa Thánh đề cập đến cơ sở hình thành Liên minh châu Âu

Liên minh châu Âu phải được xây dựng trên cơ sở của “sự thánh thiêng của con người, xung quanh các giá trị bất khả nhượng”, Ngoại trưởng của Tòa Thánh đã nói như trên hôm 05 tháng 3 trong hội nghị các cố vấn pháp luật của các Hội Đồng Giám mục châu Âu.

Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher nhắc nhớ những tham dự viên của hội nghị rằng trong diễn văn tại Nghị viện châu Âu tháng 11 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào “sự tôn trọng nhân quyền không phải vì những lý do chính trị, nhưng vì những quyền ấy đã được khắc sâu trong trái tim của mỗi con người.”

Đức Cha Paul Gallagher cũng nói về tình hình những người di cư sang châu Âu đang phải đối diện, Ngài nói rằng việc thiếu một chính sách toàn diện trong số các quốc gia châu Âu đã dẫn đến những áp lực cho những “giải pháp đặc thù” trong đó chà đạp phẩm giá của những người nhập cư.

9. Đức Tổng Giám Mục New Orleans thất vọng với quyết định vinh danh các nhân vật chống báng Giáo Hội của một đại học Công Giáo

Đức Tổng Giám Mục Gregory Aymond của tổng giáo phận New Orleans, Hoa Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng của ngài trước việc Đại học Công Giáo Xavier phong tiến sĩ danh dự cho Chánh Án sắp về hưu Eric Holder và cựu Thượng nghị sĩ Mary Landrieu. Hai nhân vật này khét tiếng phò phá thai và hôn nhân đồng tính.

Đức Cha Gregory Aymond viết trong thư mục vụ gởi toàn tổng giáo phận được công bố hôm 5 tháng Ba:

“Tôi đau buồn thông báo cho anh chị em rằng một số những được vinh danh không đại diện cho các giá trị và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Tôi đã không hề được hỏi ý kiến về các ứng viên được đề xuất và đến nay vẫn rất thất vọng với quyết định của ban giám hiệu trường đại học này.”

Trong một văn thư đáp lễ được công bố trên tờ New Orleans Times, ban giám hiệu đã bày tỏ sự cứng cổ của họ đối với đấng bản quyền địa phương.

Văn thư có đoạn viết:

“Trường đại học đã theo quy trình truyền thống trong việc chọn người nhận bằng tiến sĩ danh dự và vững tin rằng những người sắp được vinh danh là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ đã có những đóng góp phi thường cho nhân loại”.

10. Ngân hàng Vatican công bố việc bổ nhiệm tân phó thống đốc.

Tòa Thánh đã quyết định bổ nhiệm ông Gianfranco Mammi làm tân phó thống đốc ngân hàng Vatican hay còn được gọi là Viện Giáo Vụ viết tắt là IOR. Vị tân phó thống đốc đã từng làm việc với ngân hàng Vatican trong suốt 23 năm qua, và chuyên về các tài khoản của các Giáo Hội địa phương trên thế giới.

Việc bổ nhiệm ông Gianfranco Mammi hứa hẹn một bước tiến mới hướng đến việc quản lý bình thường tại ngân hàng Vatican, sau một giai đoạn hỗn loạn theo sau sự ra đi của ông Massimo Tulli, người đã phải rời khỏi ngân hàng Vatican sau khi bị điều tra về những bất quy tắc tài chính.

11. Đức Giám Mục Renato Corti được chọn viết những bài Suy Niệm 14 chặng đàng Thánh Giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh

Hôm thứ Sáu 6 tháng Ba, văn phòng các nghi lễ Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một giám mục người Ý đã nghỉ hưu viết những bài Suy Niệm sẽ được đọc trong Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.

Đàng Thánh Giá truyền thống tại hí trường Côlôsêô sẽ được cử hành vào tối ngày thứ Sáu Tuần Thánh 03 tháng Tư.

Đức Cha Renato Corti, năm nay 79 tuổi đã là giám mục phụ tá của tổng giáo phận Milan từ năm 1981 đến 1990 và sau đó là giám mục của giáo phận Novara, một thành phố với 100,000 dân ở tây bắc Ý từ năm 1990 cho đến khi ngài về hưu vào năm 2011.

Những bài suy niệm cho 14 chặng đàng thánh giá này đã được chú ý rộng rãi trên toàn thế giới vì sự phong phú của những suy tư thần học. Ngay cả truyền thông thế tục cũng chú ý đến những bài suy niệm này vì chúng phản ánh những suy tư của Giáo Hội trước những bất công lan tràn trên thế giới và tình trạng xuống cấp và tháo thứ về luân lý, và đạo đức trong xã hội.

12. Một bài báo trên tờ Wall Street Journal bênh vực chính sách đối với các thầy cô giáo của Đức Tổng Giám Mục San Francisco 

Trong một bài xã luận được công bố trên tờ Wall Street Journal, Ryan Anderson và Leslie Ford của Heritage Foundation đã lên tiếng bênh vực Đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone của tổng giáo phận San Francisco chống lại những người phê bình ngài.

Bài bình luận nói rằng chính sách mới của Đức Tổng Giám Mục ngăn cấm tất cả thầy cô giáo trong các trường Công Giáo không được hỗ trợ cho các chính sách trái với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo không phải là một hành vi xâm phạm quyền của các thầy cô giáo. Chính sách này nhằm bảo đảm việc đề cao các nguyên tắc Công Giáo, và duy trì bản sắc riêng biệt của họ.

Tưởng cũng nên nhắc lại là nại đến quyền được đối xử bình đẳng trong môi trường làm việc, tám nhà lập pháp thuộc đảng Dân Chủ ở tiểu bang California đã đưa ra một tuyên bố chung yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của tổng giáo phận San Francico bãi bỏ một yêu cầu của ngài là tất cả những thầy cô giáo nào muốn dạy học trong các trường Công Giáo của tổng giáo phận phải thể hiện sự tôn trọng cần thiết đối với giáo huấn của Giáo Hội. Ngài đã đưa ra yêu cầu nêu trên vào đầu tháng Hai năm nay trong một cố gắng nhằm xác định căn tính Công Giáo của các trường do tổng giáo phận điều hành.

Phản ứng lại tuyên bố của các nhà lập pháp, Đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone đã đưa ra một bức thư ngỏ trong đó ngài thách thức các nhà lập pháp “Khi các ông tranh cử, liệu các ông có thuê một người quản lý chiến dịch tranh cử có chủ trương chống lại chính sách mà các ông hô hào hay không? Các ông có dám thuê những người cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với các ông và Đảng Dân chủ nói chung hay không? Nếu các ông không thuê những người như thế thì xin cũng hãy tôn trọng cách hành xử của chúng tôi.”

“Thứ đến là khi người quản lý chiến dịch này, người mà các ông đã thuê, bất chấp những hứa hẹn ban đầu với các ông, bắt đầu chỉ trích các ông và nói tốt cho đối thủ mà các ông đang phải chạy đua, thì các ông có quyết định sa thải người ấy không? Các ông làm điều này bởi vì các ông ghét cay ghét đắng tất cả các đảng viên Cộng hòa, hay vì người này, người lòi ra một người Cộng hòa, đã vi phạm sự tin tưởng của các ông và hành động trái với công việc của các ông? Quan điểm của tôi là: Nếu tôi tôn trọng quyền của các ông sử dụng hay không sử dụng bất cứ ai phù hợp với công việc của các ông. Tôi cũng chỉ cần yêu cầu sự tôn trọng tương tự như thế từ quý ông.”

Đức Tổng Giám Mục cũng nghiêm khắc lưu ý 8 nhà lập pháp Mỹ rằng “điều quan trọng là, trước khi đưa ra nhận xét về một tình huống hoặc về một hành động của bất cứ ai, một trong những yêu cầu tri thức đầu tiên phải có là được thông tin đầy đủ và chính xác nhất có thể.”

Ngài khuyến khích các chính trị gia hãy đọc rõ những chính sách của ngài trên trang web của tổng giáo phận.

13. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Nhật nhân kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc thế chiến thứ Hai

Hội đồng Giám mục Công Giáo Nhật Bản đã ban hành một tuyên bố nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai.

Lo ngại về những nỗ lực gần đây nhằm “viết lại lịch sử của thời gian đó, phủ nhận những gì thực sự đã xảy ra,” các giám mục nói rằng “chúng tôi những người Công Giáo ở Nhật Bản tuy nhỏ bé về số lượng, nhưng hiệp nhất với các Kitô hữu và các tín hữu của các tôn giáo khác và những ai trên toàn thế giới mong muốn sống trong hòa bình, lặp lại cam kết của chúng tôi dấn thân để làm cho hòa bình trở thành một thực tại. “

14. Đức Hồng Y Edward Egan qua đời ở tuổi 82

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện tín bày tỏ nỗi buồn của ngài về cái chết của Đức Hồng Y Edward Egan, Tổng Giám mục Hiệu Tòa của New York, đã qua đời vì chứng ngưng tim hôm thứ Năm 5 tháng Ba ở tuổi 82.

Trong điện văn, Đức Thánh Cha viết:

“Rất buồn khi được biết về cái chết của Đức Hồng Y Edward M. Egan, Tổng Giám mục Hiệu Tòa của New York, tôi gửi lời phân ưu chân thành đến quý vị và các tín hữu trong tổng giáo phận. Tôi hiệp cùng anh chị em phó thác linh hồn cao thượng của Đức cố Hồng Y trong tay Chúa, là Cha đầy lòng thương xót, với lòng biết ơn đối với những năm trong sứ vụ Giáo Hội của Đức Hồng Y giữa đàn chiên Chúa Kitô tại Bridgeport và New York, và những sứ vụ xuất sắc của ngài tại Tòa Thánh, cũng như những đóng góp chuyên môn trong việc duyệt lại giáo luật trong những năm sau Công Đồng Vatican II. Với tất cả anh chị em tụ họp tại nhà thờ Saint Patrick để tham dự Thánh Lễ An táng Kitô giáo, và với tất cả những ai thương tiếc Đức Hồng Y Egan trong niềm hy vọng chắc chắn về sự Phục Sinh, tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh của tôi như bảo chứng về sự an ủi và bình an trong Chúa. “

Đức Hồng Y Egan sinh ngày ngày 02 tháng 4 năm 1932, tại Oak Park, Illinois và được thụ phong linh mục tại Tổng Giáo phận Chicago vào 15 tháng 12 năm 1957.

Đức Hồng Y Egan đã được nâng lên giám mục vào năm 1985. Từ năm 1985 đến năm 1988, ngài từng là Giám Mục phụ tá và phụ trách ngành giáo dục của Tổng Giáo Phận New York. Năm 1988, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục Giáo phận Bridgeport. Trong năm thánh 2000, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục New York và được tấn phong Hồng Y một năm sau đó, tức là năm 2001. Ngài nghỉ hưu năm 2009.

Với cái chết của Đức Hồng Y Egan, số Hồng Y trong Hồng Y Đoàn giảm xuống còn 226 vị.

15. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Azerbaijan

Sáng thứ Sáu 06 tháng Ba, tổng thống nước Cộng hòa Azerbaijan, là ông Ilham Aliyev, và phu nhân, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến riêng. 

Trong buổi gặp gỡ này Đức Thánh Cha và tổng thống đã bày tỏ sự hài lòng đối với sự phát triển của mối quan hệ song phương. Đặc biệt, hai vị đã thảo luận về đời sống của các cộng đồng Công Giáo tại đất nước này và một số sáng kiến trong lĩnh vực văn hóa, nhấn mạng đặc biệt đến các giá trị trong thế giới hiện đại của đối thoại liên văn hóa và liên tôn nhằm thúc đẩy hòa bình.

Hai vị cũng thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế hiện nay sau đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và đàm phán trong việc giải quyết xung đột, và nhu cầu gia tăng giáo dục các thế hệ trẻ về các điều kiện cho sự chung sống hòa bình giữa những dân tộc và các nhóm tôn giáo khác nhau.

Sau đó tổng thống Azerbaijan đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và thứ trưởng Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước, là Đức Cha Antoine Camilleri.

Azerbaijan là quốc gia Trung Á rộng 86,600 cây số vuông. Theo thống kê tháng 7 năm 2014, quốc gia này có 9,686,000 dân trong đó 93.4% là người Hồi Giáo. Người Công Giáo chỉ có khoảng 520 tín hữu sinh hoạt trong Miền Phủ Doãn Tông Toà Azerbaijan được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 thành lập vào năm 2011.

16. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha tại Pompeii và Naples

Tòa Thánh vừa công bố chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Pompeii và Naples như sau:

Sáng Thứ Bẩy 21 Tháng 3 lúc 07:00 Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng từ Vatican đến đền thánh Đức Mẹ Pompeii. 

Lúc 09:00 sáng Đức Thánh Cha sẽ đến Scampia, là một khu vực nghèo khổ gần thành phố Naples nơi ngài sẽ gặp gỡ dân chúng tại quảng trường Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị.

Sau đó ngài sẽ cử hành Thánh Lễ tại trung tâm thành phố Naples ở Piazza del Plebiscito.

Một khoảnh khắc đặc biệt sẽ được dành riêng cho các tù nhân khi Đức Giáo Hoàng đến thăm nhà tù “Giuseppe Salvia” tại Poggioreale nơi ngài sẽ ăn trưa với một số người bị giam giữ.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ đến kính viếng thánh tích của Thánh Gennaro và gặp gỡ với giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và các phó tế tại nhà thờ chính tòa của thành phố.

Trước khi khởi hành về Vatican vào khoảng 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm một số người bệnh tại đền thờ Basilica del Gesù và sẽ gặp một nhóm thanh niên tại một địa điểm tại bãi biển Caracciolo.

Ngài sẽ quay trở về Vatican bằng trực thăng.

17. Tòa Thánh kêu gọi hủy bỏ án tử hình

Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã kêu gọi bãi bỏ hình phạt tử hình trên toàn thế giới trong một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Đức Tổng Giám Mục nói hôm 4 tháng Ba là:

“Tôn trọng phẩm giá của mỗi con người và công ích là hai trụ cột hình thành nên quan điểm của Tòa Thánh. Những nguyên tắc này hội tụ với sự phát triển tương tự như trong pháp luật quốc tế về nhân quyền và luật học. “

Nhiều người cho rằng án tử hình có thể răn đe những kẻ đang mưu tính phạm pháp. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi phủ nhận điều này. Ngài nói: “Án tử hình không có tác động tích cực rõ ràng nào trong việc răn đe những tội ác trong tương lai”.

Hơn thế nữa, ngài cảnh cáo: “Nếu sau đó, người ta phát hiện ra sai lầm trong tiến trình điều tra và buộc tội thì với án tử hình những sai lầm đó là không còn có thể sửa chữa được”.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN