Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 04/07 – 10/07/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 04/07 – 10/07/2014

1. Tường trình chuyến viếng thăm tổng giáo phận Campobasso của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sáng thứ Bẩy 5 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm mục vụ tại tổng giáo phận Campobasso và ngài dành buồi chiều để thăm giáo phận Isernia thuộc miền Molise, nam Italia.

Tổng Giáo phận Campobasso cách Roma 185 cây số về hướng đông nam và có 124 ngàn tín hữu.

Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng đến Campobasso lúc quá 9 giờ sáng và gặp gỡ giới lao động và công nghệ tại Đại thính đường đại học Molise.

Sau lời chào thăm của giáo sư viện trưởng đại học, một bà mẹ trẻ công nhân của hãng xe Fiat, và một thanh niên nông dân 28 tuổi đã trình bày lên Đức Thánh Cha tình trạng của giới công nhân và nạn thất nghiệp của người trẻ, ngài đã ngỏ lời với mọi người trong bài huấn dụ và đặc biệt nói đến vấn đề nghỉ việc Chúa Nhật, một vấn đề liên hệ tới tất cả mọi người, chứ không phải chỉ liên quan đến các tín hữu. Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Nhật nghỉ việc – trừ những dịch vụ cần thiết – nhắm khẳng định rằng ưu tiên không ở nơi kinh tế, nhưng nơi con người, nơi sự nhưng không, nơi những quan hệ không phải thương mại, nhưng là gia đình, thân hữu, và đối với các tín hữu, nơi quan hệ với Thiên Chúa và cộng đoàn. Có lẽ đã đến lúc chúng ta tự hỏi làm việc ngày Chúa Nhật có phải là thực sự là tự do hay không?”

Đề cập đến nạn thất nghiệp đang đè nặng trên miền Molise, Đức Thánh Cha ghi nhận nỗ lực của miền này đang tìm cách vượt thắng thảm trạng thiếu công ăn việc làm, liên kết tất cả những lực lượng trong tinh thần xây dựng. Ngài nói: “Bao nhiêu việc làm có thể được phục hồi qua một chiến lược có phối hợp với chính quyền quốc gia, một “hiệp ước về lao động” biết đón nhận những cơ may do các quy luật quốc gia và Âu Châu mang lại. Tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp bước trên con đường đó, có thể mang lại những thành quả tốt cho cả miền khác nữa”.

Thánh lễ

Giã từ đại học Campobasso, Đức Thánh Cha đã tới tại sân thể thao Romagnoli của thành phố để cử hành thánh lễ lúc gần 10 giờ sáng, trước sự tham dự của gần 80 ngàn tín hữu. Các Giám Mục miền Molise và khoảng 40 linh mục đồng tế tại lễ đài thật đơn sơ với mái che bằng các lá cây.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đề cao chứng tá bác ái như con đường trổi vượt để loan báo Tin Mừng: “Giáo Hội luôn đi hàng đầu, là một sự hiện diện từ mẫu và huynh đệ, chia sẻ những khó khăn và sự dòn mỏng yếu đuối của con người”.

Đức Thánh Cha ca ngợi những nỗ lực của cộng đồng giáo phận Campobasso đang quảng đại thực hiện, với sự nâng đỡ của vị Giám Mục mục tử nhiệt thành. Ngài nói: 

“Tôi khích lệ tất cả anh chị em, linh mục, tu sĩ nam nữ, tín hữu giáo dân, hãy kiên trì trên con đường này, phụng sự Thiên Chúa và anh chị em mình, phổ biến khắp nơi nền văn hóa liên đới. Sự dấn thân này rất cần thiết đứng trước những tình cảnh bấp bênh về vật chất và tinh thần, nhất là đứng trước nạn thất nghiệp, một tai ương đang đòi cố gắng và can đảm của tất cả mọi người. Nạn thất nghiệp đặc biệt đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, của giới chủ xí nghiệp và tài chánh. Cần đặt phẩm giá con người ở trung tâm mọi viễn tượng và hoạt động. Các lợi ích và quan tâm khác, dù là hợp pháp, đều là điều thứ yếu”.

Đức Thánh Cha cũng nói đến tự do mà Chúa ban cho con người: trước tiên là tự do khỏi tội lỗi, khỏi tính ích kỷ dưới mọi hình thức.. Chúng ta cảm nghiệm tự do này trong cộng đoàn Kitô khi chúng ta đặt mình phục vụ nhau. Khi ấy Chúa giải thoát chúng ta khỏi những tham vọng và cạnh tranh, làm thương tổn tình đoàn kết và hiệp thông. Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự nghi kỵ, buồn sầu, sợ hãi và trống rỗng nội tâm, cô lập, tiếc nuối và than vãn…”

Các hoạt động kế tiếp

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã viếng thăm và cầu nguyện tại Nhà thờ chính tòa Campobasso. Ngài chào thăm đại diện các bệnh nhân tại nhà thờ, trước khi đến dùng bữa trưa với 50 người nghèo tại trung tâm Caritas địa phương, gọi là “Nhà các thiên thần”, được biến cải từ một trường học cũ.

Rất đông tín hữu và dân chúng đứng hai bên những con đường ở trung tâm thành phố nơi Đức Thánh Cha đi qua trên chiếc xe díp mui trần. Họ reo hò vui mừng, vẫy cờ màu vàng trắng của Vatican.

Sau bữa trưa, Đức Thánh Cha trở lại sân trực thăng ở đại học Molise để bay về Đền thánh Castelpetroso, nơi có tôn kính tượng ảnh Đức Mẹ Sầu Bi.

Tại đây vào lúc 3 giờ 15, ngài để gặp gỡ giới trẻ miền Abruzzo và Molise.

Nói chuyện với hàng ngàn người trẻ tụ tập tại Đền thờ Castelpetroso, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại thứ “văn hóa tạm bợ” và các xu hướng đang thịnh hành trong xã hội đương đại. 

Một nền văn hóa như vậy không thích hợp cho sự hình thành của một cuộc sống ổn định, là điều phải được xây dựng trên “đá tảng của tình yêu và trách nhiệm” hơn là “những hạt cát của cảm xúc.” Nền văn hóa tạm bợ chỉ dẫn đến một thứ cá nhân chủ nghĩa trong đó hoài nghi tất cả mọi thứ, và dẫn đến một thái độ hời hợt khi đứng trước những trách nhiệm. 

Tuy nhiên, trái tim con người mong muốn những điều tuyệt vời, những đức tính quan trọng, những tình bạn sâu sắc, và những mối quan hệ ngày càng phải được tăng cường chứ không phải là những quan hệ dễ đổ vỡ bởi những khó khăn của cuộc sống. “Con người khao khát yêu và được yêu,” ngài nói. 

Trong khi “văn hóa tạm bợ” xem ra có vẻ làm tăng tự do của chúng ta, nó thực sự tước đi phẩm giá của chúng ta. Ngài thách thức các bạn trẻ hãy khao khát hạnh phúc, và can đảm thoát ra khỏi bản thân mình ngõ hầu hướng tới một tương lai cùng với Chúa Giêsu. 

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta theo Ngài, “không phải để lợi dụng chúng ta, không phải để nô lệ chúng ta, nhưng để làm cho chúng ta được tự do.” 

Đức Thánh Cha tiếp tục chỉ trích tình trạng thất nghiệp hiện nay mà nhiều người trẻ tuổi phải đối mặt. Ngài nói rằng chúng ta không thể thoái thác trách nhiệm trước sự mất mát của cả một thế hệ thanh niên thất nghiệp. Chúng ta cần phải sử dụng sự sáng tạo của chúng ta để giới trẻ có thể trải nghiệm “niềm vui của nhân phẩm xuất phát từ công ăn việc làm.” 

Nhắc lại rằng đền thờ nơi cuộc gặp gỡ đang được diễn ra đã được xây dựng ngay trên địa điểm Đức Mẹ đã hiện ra vào năm 1888, Đức Thánh Cha kết luận diễn từ của ngài với lời cầu xin cùng Đức Maria. Sau đó, ngài ban phép lành cho những người trẻ tuổi đang trong “cuộc hành trình của lòng dũng cảm, hy vọng, và đoàn kết.”

Chặng chót trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha diễn ra vào lúc 4 giờ rưỡi chiều tại nhà tù ở thành phố Isernia. Sau đó, ngài đến nhà thờ chính tòa để gặp các bệnh nhân vào lúc 5 giờ 45, trước khi gặp gỡ các tín hữu và dân chúng tại Quảng trường bên ngoài, để công bố năm thánh kỷ niệm 800 năm sinh nhật của thánh Phêrô Celestino Giáo Hoàng (1215-2015).

Theo chương trình, Đức Thánh Cha đáp trực thăng từ sân của doanh trại lính cứu hỏa ở địa phương vào lúc 7 giờ rưỡi để bay về Vatican cách đó 150 cây số vào lúc 8 giờ 15 phút tối.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục 

Trong cuộc họp báo trưa thứ Hai 7 tháng 7, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói vào ban sáng Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ trong hơn ba giờ với sáu nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục gồm ba người đàn ông và ba phụ nữ, từ Vương quốc Anh, Ireland và Đức. 

Đức Thánh Cha đã gặp riêng với từng người trong khoảng nửa giờ, lắng nghe những câu chuyện và kinh nghiệm của họ. 

Cha Federico Lombardi nói:

“Đó không phải là một cuộc họp hời hợt, ngay cả chiều dài của cuộc họp này cũng đã cho thấy cam kết và ý định để lắng nghe, để thấu hiểu sự việc. Nếu đó chỉ là một họp hình thức, nó đã ngắn hơn rất nhiều.” 

Phát ngôn viên Vatican giải thích rằng mỗi cuộc họp với từng cá nhân rất cảm động, không chỉ với các nạn nhân, mà cả Đức Giáo Hoàng cũng rất cảm động. 

Cha Federico Lombardi nói với các ký giả:

“Tôi có thể cho các bạn biết rằng cảm giác chủ yếu là sâu lắng, tích cực và thanh thản. Chúng tôi thấy những người rất cảm động, hạnh phúc và biết ơn trước cơ hội để sống thời điểm này, cuộc họp này. Cuối cùng, tôi thấy Đức Giáo Hoàng rất xúc động. Bất kỳ người nào, bất cứ linh mục, hay vị mục tử nào đã kinh qua một cuộc họp về vấn đề này, với những người đã bị đau khổ rất nhiều vì những vết thương mà họ đã trải qua, thì nó luôn luôn là một cuộc gặp gỡ đặc biệt nặng nề. “

Sáu nạn nhân bắt đầu đến Santa Marta vào ngày Chúa Nhật. Một số có gia đình tháp tùng. Trong bữa ăn tối, Đức Giáo Hoàng đã chào đón họ. Sáng thứ Hai, họ đã tham dự Thánh Lễ buổi sáng tại nhà nguyện Santa Marta, cùng với các thành viên của Ủy ban Bảo vệ Trẻ Vị Thành Niên. 

Buổi gặp gỡ này đã được Đức Thánh Cha công bố trước trên chuyến bay trở về từ Thánh Địa. Đức Thánh Cha cho biết: 

“Sắp tới, chúng tôi sẽ có một Thánh Lễ tại tại nhà nguyện Santa Marta, với một vài người bị lạm dụng, và sau đó sẽ có cuộc gặp gỡ giữa tôi với họ” 

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết tất cả các nạn nhân đều là những người ở châu Âu. 

“Hai người là từ Đức, hai người từ Anh hay Ai-len, tôi không chắc chắn. Tổng cộng là tám người, phải không?” Ngài hỏi Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nói thêm: 

“Có cả Đức Hồng Y O’Malley, cũng là một người trong ủy ban. Chúng ta cần phải tiến lên phía trước trong chuyện này với chính sách Zero tolerance” (tức là hoàn toàn không khoan nhượng). 

Trước buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và nhóm các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, Đức Hồng Y Sean O’Malley đã có một buổi họp hôm Chúa Nhật 6 tháng 7 với Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên.

Ủy Ban đang soạn thảo một quy chế mới, hướng đến một cấu trúc tổ chức nhằm mục đích giúp chữa lành các vết thương của lạm dụng, ngăn chặn tình trạng lạm dụng và làm mọi cách để việc giải quyết vấn đề lạm dụng trở thành một ưu tiên của toàn thể Giáo Hội. 

Đức Thánh Cha nói:

“Một linh mục gây ra điều này là phản bội lại Nhiệm Thể Chúa, bởi vì các linh mục cần phải dẫn cậu bé này, cô gái này, người thanh niên này, người phụ nữ trẻ này, nên thánh. Và cậu bé này, cô gái này tin tưởng nơi vị linh mục. Thế mà thay vì đưa họ đến sự thánh thiện, lại lạm dụng họ. Thật là một tội lỗi rất nghiêm trọng. “

Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên cũng đang xem xét bổ sung thêm các thành viên từ các nước Á, Phi, mà hiện nay chưa có đại diện.

Đây không phải là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã từng có những cuộc gặp gỡ như thế cũng với sự hiện diện của Đức Hồng Y Sean O’Malley của tổng giáo phận Boston, Hoa Kỳ.

Trong một diễn biến khác, hôm 4 tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Geneva nói rằng “việc huyền chức Józef Wesolowski là dấu chỉ cho thấy Tòa Thánh rất nghiêm chỉnh trong việc giải quyến vấn đề lạm dụng”.

Trong thông cáo đưa ra hôm 27 tháng 6, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết Józef Wesolowski, cựu sứ thần ở Cộng hòa Dominica, đã bị huyền chức, nghĩa là bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ và từ nay chỉ là một giáo dân bình thường. 

Józef Wesolowski, 66 tuổi, đã là sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dominica từ ngày 24 tháng Giêng năm 2008 cho đến khi bị triệu hồi về Tòa Thánh vào tháng 8 năm 2013 vì bị cáo buộc tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên tại Cộng hòa Dominica. 

Sau tiến trình xét xử giáo luật, tiến trình tố tụng hình sự sẽ tiếp tục tại các tòa án dân sự của Tòa Thánh Vatican. 

Vatican đã triệu hồi Józef Wesolowski vào tháng Tám năm ngoái và đã mở một cuộc điều tra sau khi Đức Hồng Y Nicolás López Rodríguez, tổng giám mục của Santo Domingo, thông báo cho Đức Giáo Hoàng về những cáo buộc chống lại Józef Wesolowski. 

Józef Wesolowski được thụ phong linh mục ngày 21 tháng 5 năm 1972 và đã từng là sứ thần hay khâm sứ Tòa Thánh tại các nước Trung Á như Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgzystan và Uzbekistan trước khi được bổ nhiệm đến Cộng hòa Dominica.

3. Đứng trước tuổi già suy thoái, tổng quyền dòng Tên bày tỏ ý định từ chức vào năm 2016

Trong bài phát biểu tại hội nghị những phát ngôn viên của Dòng Tên tại Tây Ban Nha, Cha Adolfo Nicolas cho biết ngài có ý định từ chức trong phiên họp khoáng đại của dòng Tên vào năm 2016. 

Cha Nicolas đã được bầu làm tổng quyền dòng Tên sáu năm trước. Ngài nói rằng tuổi già là yếu tố chính trong quyết định từ chức của ngài. 

Cha Nicolas nói:

“Chắc chắn, tôi không thể lãnh đạo Hội trong những năm sức khoẻ suy thoái. Sau tuổi 80, bạn bắt đầu quá trình suy thoái. Tôi thích rời khỏi công việc, khi tôi vẫn còn giữ lại được các giác quan của tôi, và không chờ đợi cho đến khi các thành viên dòng Tên bắt đầu tự hỏi, ‘ông già ở Rôma không biết vẫn còn sống không? Điều này không tích cực chút nào. Bạn phải làm công việc của mình với một sự sáng suốt nhất định, và tốt hơn là hãy là khởi đầu chuẩn bị mọi thứ ngay từ bây giờ. “

Phiên họp khoáng đại của dòng Tên sẽ diễn ra vào năm 2016. Cho đến lúc đó, các thành viên dòng Tên trên toàn thế giới phải phân tích những thách thức mà xã hội đang phải đối mặt ngày hôm nay, và làm thế nào họ có thể giúp khắc phục chúng. 

Cha Nicolas nói thêm:

“Tôi nghĩ rằng vai trò của chúng tôi hôm nay trong Giáo Hội là thúc đẩy những suy tư có chiều sâu, để chúng ta không làm những gì người khác đang làm: những gì ồn ào trên mặt báo, những gì là chỉ là tạm thời. Nhưng thay vào đó, chúng ta cần phải nhìn vào những thứ trong chiều sâu và cố gắng đáp ứng. những gì Giáo Hội cần bây giờ. “

Một trong những vấn đề mà dòng Tên sẽ xem xét là tình hình ở Trung Đông, nơi mà hai thành viên còn mất tích: là Cha Prem Kuman ở Afghanistan, và Cha Paolo Dall’Oglio ở Syria. Cha Nicolas cho biết rằng họ là những linh mục dòng Tên “hạng nhất”, rất tận tâm, và nhận thức được những rủi ro mà họ phải đối mặt, nhưng đã không sợ hãi. 

Ngài nói:

“Lấy ví dụ trường hợp cha Frank Van der Lugt, gần đây đã thiệt mạng tại Syria. Ngài nhận thức rõ là ngài đang đi dần đến chỗ tử đạo. Khi ngài có cơ hội để ra đi, trong bối cảnh áp lực quốc tế, ngài đã chọn ở lại. Ngài nói rằng trong khi đàn chiên của mình đang đau khổ, ngài chấp nhận ở lại với họ, và ngài đã bị giết. “

Việc từ chức của một vị tổng quyền dòng Tên không phải chưa lần nào xảy ra. Vị tiền nhiệm của cha Nicolas là cha Peter Hans Kolvenbach, đã từ chức vào năm 2008, với sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

4. Hội Đạo Binh Chúa Kitô đón vị cố vấn với “niềm vui và sự tự tin” 

Vị tổng quyền Hội Đạo Binh Chúa Kitô đã đón nhận “với niềm vui và sự tin cậy” vị cố vấn mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi đến Hội Đạo Binh Chúa Kitô để giúp tái tổ chức. 

Khi Đức Hồng Y Velasio de Paolis hết thời hạn đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ủy thác để giúp tái tổ chức Hội Đạo Binh Chúa Kitô vào tháng Hai vừa qua, Tòa Thánh cho biết sẽ cử một vị cố vấn mới sẽ tiếp tục công việc tốt đẹp của Đức Hồng Y.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn linh mục Dòng Tên người Ý là cha Gianfranco Ghirlanda trong chức vụ này. Ngài một trong những cố vấn của Đức Hồng Y Velasio de Paolis. 

Trong tư cách cố vấn, ngài sẽ không là một phần trong ban quản trị của Hội, nhưng có thể tham gia vào các cuộc họp khoáng đại. 

Cha Eduardo Robles-Gil, là tổng quyền Hội Đạo Binh Chúa Kitô, cho biết:

“Ngài sẽ báo cáo định kỳ về Vatican về tiến trình hiệp nhất của phong trào, về việc tu chỉnh hiến pháp hội … Sau khi hiến pháp hội được chuẩn y, ngài sẽ báo cáo về đời sống nội bộ của hội dòng. Đây là những gì Đức Giáo Hoàng muốn. Khi tôi gặp ngài tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: tôi không muốn điều này thất bại, hãy tiến hành, tôi hỗ trợ tất cả anh em” 

Cha Gianfranco là một chuyên gia giáo luật, và nhiệm vụ chính của ngài là giúp xác định những quy luật pháp lý cho phong trào Regnum Christi. Quá trình này đã bắt đầu vào tháng Ba, khi Đạo Binh Chúa Kitô chính thức yêu cầu ngài xem xét lại quy chế của phong trào. 

Cha tổng quyền Eduardo nói:

“Đây là thách thức lớn nhất bởi vì chúng tôi phải tìm một cấu trúc pháp lý thích hợp cho bốn thực thể là anh chị em giáo dân trong Hội Đạo Binh Chúa Kitô, các chủng sinh và linh mục, các nữ tu, và nam tu” 

Tháng Hai vừa qua Hội Đạo Binh Chúa Kitô đã trình lên Tòa Thánh một dự thảo hiến pháp nhưng Tòa Thánh đã yêu cầu thay đổi một vài điểm. 

Sự điều chỉnh các văn bản của Hiến pháp sẽ mất vài tuần, trong khi việc thay đổi các cấu trúc kinh điển của Hội Đạo Binh Chúa Kitô sẽ phải mất nhiều năm. Các thành viên của hội nhìn về tương lai và cam kết tiếp tục công việc chính của mình. 

Cha tổng quyền Eduardo tâm sự:

“Tôi gia nhập Hội sau lần đầu tiên đến với phong trào, nơi tôi đã học để nói về Thiên Chúa cho bạn bè của tôi, vì tình yêu đối với Giáo Hội, vì lợi ích các linh hồn, và bởi vì điều đó cũng tốt cho tôi nữa. Và tôi nghĩ tôi gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô một cách rất sống động và cá vị, và tôi tin rằng đó là điều tốt nhất chúng tôi có thể làm: giúp mọi người có một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô “

Hội Đạo Binh Chúa Kitô là một phong trào Công Giáo bao gồm cả giáo dân lẫn những người sống đời thánh hiến muốn làm việc chặt chẽ với nhau. 

Hội Đạo Binh Chúa Kitô hiện diện ở 22 quốc gia, có 4 giám mục, 954 linh mục; 836 nữ tu và tập sinh; và 945 sinh viên tại các trung tâm dạy nghề. 

5. Ủy Ban Thần Học Quốc tế công bố nghiên cứu về Sensus Fidei

Ủy Ban Thần Học Quốc tế (ITC) vừa công bố một nghiên cứu về Sensus Fidei, có thể dịch ra tiếng Việt là “cảm thức đức tin” trong đời sống của Giáo Hội, trong đó tập trung vào mối quan hệ giữa cảm thức của các tín hữu và hướng dẫn của huấn quyền. 

Tài liệu của ITC giải thích rằng Sensus Fidei – cảm thức đức tin – đề cập đến “khả năng cá nhân của người tín hữu, trong tình hiệp thông với Giáo Hội, biết đón nhận các chân lý đức tin”. Cảm thức đó, ủy ban nói, “là một nguồn lực quan trọng cho việc tân phúc âm hóa.” 

Truy tìm sự phát triển trong nhận thức của Giáo Hội về Sensus Fidei từ Thánh Kinh và các Giáo Phụ cho đến thế kỷ thứ 20, ITC nhấn mạnh rằng “bản năng tinh thần” là một ân sủng của đức tin, nó được củng cố bởi lời cầu nguyện và sự tham gia tích cực trong đời sống của Giáo Hội. 

Trong khi người Công Giáo trung thành có một bản năng tự nhiên trước các chân lý đức tin, ITC cho biết, sự hiện hữu của huấn quyền là cần thiết để kiểm tra, hướng dẫn những bản năng này. Trong khi thừa nhận có những lúc các tín hữu có thể cảm thấy khó khăn chấp nhận những giáo huấn nhất định của Giáo Hội, tài liệu của ITC cho rằng ân sủng đức tin, làm phát sinh cảm thức đức tin, sẽ khiến người Công Giáo trung thành tìm kiếm một sự hiểu biết tốt hơn. 

Tài liệu khích lệ các tín hữu suy nghĩ về những giáo huấn của Giáo Hội, nỗ lực hiểu và chấp nhận huấn quyền Hội Thánh. Phản ứng lại với huấn quyền Hội Thánh, về nguyên tắc, là không phù hợp với cảm thức đức tin đích thực.

6. Thảm cảnh nội chiến tại Syria 

Cuộc nội chiến tại Syria đã bùng nổ theo sau cuộc nổi dậy Ả Rập và đã kéo dài hơn 3 năm qua khiến cho hơn 100,000 người chết, hàng trăm ngàn người bị thương và gây ra cảnh di cư cho hơn 4 triệu dân Syria. Trong cuộc bầu cử tổng thống tổ chức đầu tháng 6 vừa qua tổng thống Bashar Al Assad tái đắc cử, mặc dầu các lực lượng đối lập hoàn toàn đồng loạt tẩy chay cuộc bầu cử.

Ngày 14 tháng 6, trong sứ điệp gửi trên Twitter, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng quên dân nước Syria. Ngài viết: “Có nguy cơ lãng quên các nỗi khổ đau không đụng tới gần chúng ta. Chúng ta hãy phản ứng và cầu nguyện cho hòa bình tại Syria”. Thực ra từ nhiều tháng qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục kêu gọi hòa bình cho Syria trong các buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần cũng như trong các buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Ngoài ra trong chiến tranh nạn nhân đầu tiên là sự thật, vì mọi phía đều đổ tội cho nhau. Nước Pháp muốn đưa vấn đề các tội phạm tàn ác của Syria ra trước Tòa Án quốc tế, nhưng chắc chắn Nga sẽ bỏ phiếu chống. Cho tới khi nào chiến tranh chưa chấm dứt thì điều này sẽ chỉ có một kết qủa khiêm tốn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn một nữ tu Trapist bên Syria.

Xin chị cho biết chị nghĩ gì về nguy cơ tình hình chiến sự tại Syria bị thế giới lãng quên?

Tôi nghĩ rằng có nguy cơ tình hình chiến sự của Syria bị thế giới quên lãng. Cả khi có rất nhiều người quảng đại tiếp tục trợ giúp người dân Siri. Vấn đề đó là vài tình trạng đang trở thành tin tức thời sự: việc chia nước Syria thành nhiều vùng dưới quyền kiểm soát của các lực lượng hồi cuồng tín, các vùng khác thì dưới quyền kiểm soát của chính quyền, thế rồi còn có sự kiện khí giới được cung cấp cho các lực lượng lâm chiến. Nhưng có nguy cơ lớn là chiến tranh trở thành tin thời sự và người ta quen thuộc với tình trạng này.

Đức Thánh Cha nói tới các nỗi khổ đau: người dân Siri đang khổ đau về điều gì?

Tùy theo từng vùng, nhưng nói chung toàn dân Syria đều đau khổ. Trong các vùng nơi tình hình tốt hơn một chút dân chúng khổ đau vì tình hình bất an. Người trẻ không có viễn tượng học hành. Thế rồi còn có các vùng như thành phố Aleppo đã không có nước từ 15 ngày nay, cũng không có điện và là nơi dân chúng khổ đau thực sự. Các bạn bè của chúng tôi sống tại đó đã kể cho chúng tôi biết cảnh đói khát mà họ phải chịu, và với các đầu đạn rơi liên tục vô tội vạ có thể gây chết người bất cứ lúc nào, rồi cảnh tiền lương không đủ sống… Vì thế người dân đau khổ rất nhiều về mặt vật chất và về mặt tinh thần.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Chúng ta hãy phản ứng”. Thế thì phải phản ứng như thế nào thưa chị?

Vâng, theo tôi thấy thì việc phản ứng đòi hỏi chúng ta hành động. Phản ứng theo các kiểu thông thường không đủ vì tình hình có nguy cơ trở thành tồi tệ thêm. Cần phải thực sự quan tâm tới hoàn cảnh và tìm hiểu các sự việc liên hệ, và chúng thường phức tạp, nhưng chỉ như thế mới có thể tìm ra các giải pháp.

Một lời cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình Syria, là điều luôn luôn cần thiết đối với Đức Thánh Cha. Ngài đã tổ chức ngày cầu nguyện cho hòa bình trong toàn vùng Trung Đông với rất nhiều can đảm. Chứng tá này có được cảm nhận bên Syria hay không?

Theo tôi thì chứng tá cầu nguyện này của Đức Thánh Cha có tới và tới với tất cả mọi người, chứ không phải chỉ tới với dân nước Syria chúng tôi mà thôi. Hôm qua có một tín hữu hồi nói với chúng tôi: “Tôi là tìn hữu hồi, nhưng với lòng biết ơn vô bờ tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha đang làm rất nhiều cho chúng ta và cho dân nước Syria”. Như thế, tôi nghĩ là chứng tá cầu nguyện ấy đến với tất cả mọi người. Nó cần thiết lắm, vì tôi tin rằng có vài điều nào đó chỉ được giải quyết thực sự với một cái nhìn của việc cầu nguyện, bởi vì lời cầu nguyện cũng là một hành động và thay đổi kiểu nhìn các sự vật. Nó giúp bạn hiểu phải làm gì can thiệp ra sao, và lắng nghe người dân như thế nào.

Lời Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện có giá trị đối với tất cả mọi người hay không, thưa chị?

Chắc chắn rồi. Tôi nghĩ là có chứ. Xem ra chúng ta luôn luôn cùng nhau đứng trước mặt Thiên Chúa Tạo Hóa và đứng trước sự thiện trong con tim của từng người. Tôi nghĩ rằng ngay từ đầu Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi ấy với con người.

Trong nước láng giềng Iraq hiện đang có cuộc tấn công của các lực lượng hồi cuồng tín khiến cho toàn thế giới kinh hoàng. Các chị sống gần biên giới Iraq, và các người hồi cuồng tín đang hiện diện trong một vài vùng của nước Syria. Các tin tức này có khiến cho các chị lo sợ hay không? Và người ra có các phản ứng nào không?

Chắc chắn là điều này khiến cho chúng tôi rất âu lo, chính bởi vì người ta đang tạo ra một vùng rộng lớn liên tục đang nằm trong tay của các người hồi qúa khích. Một đàng điều này không gây ngạc nhiên cho lắm, nhất là đối với người Syria, bởi vì từ lâu họ đã trông thấy sự kiện này tiến tới, nhằm xé rách quốc gia thành các vùng dưới quyền kiểm soát của các phe phái khác nhau. Đàng khác, nó cũng khiến cho người ta lo âu và kinh hoàng, bởi vì bây giờ nó là một sự hiện diện đông đảo và cũng rất sinh động, các trận đánh ngày càng khốc liệt. Trước tình trạng này kết qủa cuộc bầu cử không khiến cho người ta ngạc nhiên, nhưng chắc chắn là nó không được đồng nhất. Tôi tin rằng người dân đã muốn nói rằng: “Chúng tôi muốn cùng nhau tái thiết quê hương. Chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi muốn an ninh.”

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Santa Marta với các nạn nhân bị lạm dụng

Trong bài giảng tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha nghiêm khắc tố giác và bày tỏ đau buồn vì tội ác của một số giáo sĩ, Giám Mục và linh mục, đã chà đạp sự ngây thơ trong trắng của các trẻ vị thành niên và ơn gọi tư tế của mình, qua việc lạm dụng tính dục của những người trẻ ấy. Tội ác này không phải chỉ là những hành vi đáng lên án, nhưng nó giống như một việc phạm thánh, vì những trẻ em nam nữ ấy đã được ủy thác cho đoàn sủng linh mục của các giáo sĩ ấy để dẫn đưa các em về cùng Thiên Chúa, vậy mà các giáo sĩ đó đã hiến tế các em cho thần tượng đam mê của họ. Họ đã xúc phạm đến chính hình ảnh Thiên Chúa. Tuổi thơ là một kho tàng quí giá. Con tim người trẻ, cởi mở và đầy tín thác, chiêm ngưỡng các mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa và tỏ ra sẵn sàng một cách đặc biệt được nuôi dưỡng trong đức tin. Ngày hôm nay con tim của Giáo Hội nhìn đôi mắt của Chúa Giêsu nơi các trẻ em nam nữ ấy và muốn khóc lóc. Giáo Hội xin được ơn khóc lóc trước những hành vi tội ác lạm dụng chống lại các trẻ vị thành niên, những hành vi để lại những vết tích suốt đời cho những người trẻ ấy.

Đức Thánh Cha nói:

Cảnh tượng Phêrô nhìn thấy Chúa Giêsu xuất hiện sau một cuộc thẩm vấn khủng khiếp. Phêrô với đôi mắt bắt gặp cái nhìn trách móc của Chúa Giêsu đã khóc. Cảnh này đến trong tâm trí tôi khi tôi nhìn vào anh chị em, và suy nghĩ về rất nhiều về những người nam nữ, những bé trai và bé gái. Tôi cảm thấy ánh mắt của Chúa Giêsu và tôi xin ơn để khóc, cầu mong ân sủng cho Giáo Hội phải khóc và đền bù cho những con cái của Giáo Hội đã phản bội lại sứ vụ của họ, và lạm dụng những người vô tội. Hôm nay, tôi rất biết ơn bạn vì đã phải đi rất xa để đến đây. 

Tôi biết rằng những vết thương của anh chị em là một nguồn đau khổ sâu đậm về cảm xúc và tinh thần, và cũng là một nguồn tuyệt vọng. Nhiều người chịu kinh nghiệm ấy đã tìm cách bù trừ bằng sự nghiện ngập. Những người khác đã cảm thấy những xáo trộn trầm trọng trong các quan hệ với cha mẹ, vợ chồng và con cái. Đau khổ của các gia đình đặc biệt nặng nề xét vì thiệt hại do sự lạm dụng ấy gây ra làm thương tổn những quan hệ sinh tử ấy.

Một số người khác đã chịu thảm kịch kinh khủng của sự tự tử của một người thân yêu. Cái chết của những người con được Thiên Chúa yêu thương ấy đè nặng trên con tim và lương tâm của tôi và của toàn thể Giáo Hội. Với các gia đình ấy, tôi bày tỏ những tâm tình yêu thương và đau khổ. Chúa Giêsu bị tra tấn và hỏi cung trong sự thù ghét và Ngài bị dẫn đến một nơi khác và nhìn. Chúa nhìn một trong những người thân yêu, người đã chối bỏ Ngài và cái nhìn ấy làm cho người ấy khóc. Chúng ta hãy cầu xin ơn đền tạ ấy.

Các tội giáo sĩ lạm dụng tính dục chống lại các trẻ vị thành niên là có một hậu quá phá vỡ niềm tin và và lòng cậy trông nơi Thiên Chúa. Một số nạn nhân còn bám vào đức tin trong khi đối với những người khác, sự phản bội và bỏ rơi như thế làm hao mòn niềm tin của họ nơi Thiên Chúa. Sự hiện diện của anh chị em ở đây nói về phép lạ của niềm hy vọng, lướt thắng tăm tối sâu đậm. Chắc chắn thật là một dấu chỉ lòng từ bi của Thiên Chúa sự kiện chúng ta có cơ hội gặp nhau hôm nay, thờ lạy Chúa, nhìn thẳng nhau và tìm kiếm ơn hòa giải.

Trước mặt Thiên Chúa và dân của Ngài, tôi rất đau buồn vì những tội lỗi và tội ác trầm trọng giáo sĩ lạm dụng tính dục của anh chị em và tôi khiêm tốn xin lỗi. Tôi khiêm tốn xin lỗi vì những tội thiếu sót từ phía các vị lãnh đạo Giáo Hội đã không đáp trả một cách thích hợp những lời tố giác lạm dụng mà thân nhân và những nạn nhân bị lạm dụng nêu lên. Điều này càng gia tăng đau khổ cho những người bị lạm dụng và gây nguy hiểm cho các trẻ vị thành niên khác ở trong tình trạng rủi ro.

Đức Thánh Cha cam kết rằng: 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác về đào tạo các ứng sinh linh mục. Tôi hy vọng các thành viên ủy ban Tòa Thánh giúp đỡ để bảo vệ trẻ vị thành niêm, tất cả trẻ vị thành niên thuộc mọi tôn giáo, là những người bé nhỏ mà Chúa đang nhìn với lòng thương mến. Tôi xin sự giúp đỡ của Ủy ban để có thể có những chính sách tốt đẹp và các biện pháp trong Giáo Hội hoàn vũ để bảo vệ các trẻ emvà huấn luyện nhân sự của Giáo Hội để thi hành các chính sách và biện pháp ấy. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để làm sao cho các tội ấy không tái diễn trong Giáo Hội nữa”.

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha đã chào thăm các nạn nhân và sau bữa ăn sáng ngài đã gặp riêng họ trong hơn 3 tiếng đồng hồ cho đến 12 giờ 20 trưa, bình quân ngài gặp riêng mỗi người 30 phút.

7. Công bố logo của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow

Ban tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2016 đã giới thiệu logo chính thức của biến cố này. Logo được thiết kế với những màu xanh lam, đỏ và vàng, là ba màu sắc của thành phố Krakow. 

Logo được bao quanh bởi một đường viền màu đỏ là mầu sắc tiêu biểu của Ba Lan. Trong đó, có một dấu chấm màu vàng đánh dấu vị trí của Krakow. Trung tâm của sự chú ý là thánh giá, đại diện cho Chúa Giêsu Kitô. Ánh sáng của Lòng Thương Xót Chúa tỏa ra từ thánh giá với hai màu xanh và đỏ, tương tự như trong bức ảnh nổi tiếng “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.” Hình ảnh này cũng gắn liền với chủ đề cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ này, đó là “. Phúc thay ai có lòng xót thương” 

Cuộc thi thiết kế logo Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã bắt đầu vào ngày 15 tháng Giêng năm nay. Những người giật được giải là hai người thiếu nữ Ba Lan đã hoàn thành thiết kế của họ tại Vatican, sau lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II. 

Ban tổ chức cũng công bố lời cầu nguyện chính thức của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2016 tập trung vào Lòng Thương Xót Chúa. Lời kinh kêu gọi sự phù trì của Đức Mẹ và Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị là vị thánh bảo trợ của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow kỳ này.

8. Hội đồng các Hồng Y xem xét vai trò của phụ nữ, các cặp vợ chồng và giáo dân trong Giáo triều Rôma

Hôm thứ Sáu 4 tháng 7 là phiên họp cuối cùng trong khóa họp thứ 5 của nhóm các vị Hồng Y cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về quản trị Giáo Hội và cải cách Giáo triều Rôma. 

Nhóm các vị Hồng Y này trước đây thường được gọi là nhóm G8 vì gồm 8 vị Hồng Y. Nay báo chí gọi là nhóm G9 vì Đức Thánh Cha Phanxicô vừa chính thức đưa thêm Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào nhóm này.

Trong phiên họp hôm thứ Sáu, các vị đã xem xét lại cấu trúc của các phòng ban Vatican. Theo Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, “các vị đã thảo luận đặc biệt về Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân và Hội đồng Giáo hoàng về gia đình, nhấn mạnh sự đóng góp và vai trò của giáo dân, các cặp vợ chồng và phụ nữ.” 

Mặc dù, có nhiều anh chị em giáo dân là thành viên của các bộ, các Hội đồng Giáo hoàng và các ủy ban trung ương Tòa Thánh, Hiến Chế Pastor Bonus (Mục Tử Nhân Lành) có từ năm 1988 và hiện vẫn còn giá trị trông đợi nơi anh chị em giáo dân những trách vụ tư vấn chứ không điều hành công việc quản trị Giáo Hội. 

Nhóm các vị Hồng Y cố vấn đang tìm kiếm những cách thức để trao cho anh chị em giáo dân nhiều trách nhiệm hơn, đặc biệt là trong các cơ chế có liên quan đến các vấn đề của riêng người giáo dân. 

Cha Federico Lombardi nói rõ rằng “chưa có quyết định nào cụ thể đã được đưa ra” trong kỳ họp này. 

Đức Giáo Hoàng và chín vị Hồng Y cũng đã trao đổi về công việc của các sứ thần Tòa Thánh, và về thủ tục bổ nhiệm giám mục. 

Các vị đã lên đường trở về nhà với rất nhiều ý tưởng và dự án đang chờ giải quyết. Cuộc họp tiếp theo của các vị được dự trù diễn ra trong hai ngày 15 và 17 tháng Chín. 

9. Cha Reginaldo, vị linh mục nổi tiếng nhất ở Brazil 

Reginaldo Manzotti là một nhà văn, một ca sĩ trên truyền hình và đài phát thanh; nhưng trên tất cả, ngài là một linh mục. 

Hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ khi được thụ phong linh mục, cha Reginaldo nói rằng ngài đã huy động tất cả các phương pháp có thể được để nói về Thiên Chúa. Ngài đã phát hành tám album. Một trong số những album này mang tên Dấu Thánh, là album bán chạy nhất tại Brazil năm 2014.

Công việc của ngài trên làn sóng phát thanh thu hút một lượng khán giả còn rộng lớn hơn. Chương trình phát thanh “Cảm nghiệm về Thiên Chúa,” là một trong những chương trình truyền thanh phổ biến nhất được phát sóng trên làn sóng điện quốc gia 1300 của Brazil. 

Những buổi hòa nhạc của ngài không giống bất cứ buổi hòa nhạc nào trên thế giới vì luôn luôn được bắt đầu với Thánh Lễ.

Làm bao nhiêu chuyện đó, cộng thêm với việc coi sóc một giáo xứ lớn, ngài vẫn còn giờ để điều hành một hiệp hội có tên là “Rao giảng Tin Mừng là cần thiết” nhằm thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ thông tin tiên tiến trong các giáo phận tại Brazil. 

Cha Reginaldo có hơn 3,3 triệu người hâm mộ trên Facebook, và con số này vẫn còn tăng lên.

10. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi những vị cao niên tham dự ngày cầu nguyện cho gia đình hôm 28 tháng 9 

Đức Giáo Hoàng đã thường xuyên bảo vệ vai trò của người cao niên, cả trong Giáo Hội và trong xã hội. 

Hôm 25 tháng 7 năm 2013, Đức Thánh Cha nói: 

“Chúng ta không chăm sóc người cao niên. Và sản sinh ra cả một thứ văn hóa gọi là chết nhân đạo. Những người cao niên không được lắng nghe, không được có ý kiến hay hành động theo ý họ”. 

Vì lý do này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng ngày 28 Tháng 9 sẽ là ngày của họ, trong ngày đó tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe. Đây sẽ là lần đầu tiên có một cuộc họp diễn ra giữa Đức Giáo Hoàng và người cao niên. 

Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia Đình nói:

“Những người lớn tuổi là một kho báu phi thường, một kho tàng của sự khôn ngoan, một kho tàng của truyền thống. Về bản chất, họ là những gốc rễ của xã hội, và tất cả chúng ta biết rằng một xã hội không có rễ giống như một cây thẳng đứng không có rễ. Vì lý do này, chúng tôi muốn cuộc họp quan trọng này có một chiều kích sâu sắc cả về tôn giáo, nhân bản, và Kitô”

Cuộc họp sẽ được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, và chủ đề của cuộc họp sẽ được lấy từ những lời của Đức Gioan Phaolô II: “Hồng ân của cuộc sống lâu dài” 

Đức Tổng Giám Mục Vincenzo nói thêm:

“Tôi tin rằng điều rất quan trọng là dịp gặp gỡ này sẽ truyền cảm hứng cho một suy tư mới về tâm linh, văn hóa và, có thể nói là, nhân văn, để xã hội và Giáo Hội hiểu rằng tuổi già là một hồng ân.” 

Hàng ngàn người cao tuổi sẽ đến quảng trường Thánh Phêrô để trình bày các chứng tá và tham dự Thánh Lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô. Mục đích của cuộc họp là để nhắc nhớ về tầm quan trọng của người cao niên trong xã hội, cũng như để cử mừng rằng cuộc sống luôn luôn là đẹp, dù có hay không có những nếp nhăn. 

Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia Đình nhận xét:

“Một số người nói rằng tuổi già là một con tàu đang đắm dần. Không, nó là một cuộc hành trình đẹp, tôi phải gào lên điều này. Mong muốn của tôi là những lời này được vang vọng từ quảng trường Thánh Phêrô đến tất cả các quảng trường của thế giới: tuổi già đẹp biết bao! nếp nhăn đẹp làm sao! “

Đức Cha Vincenzo Paglia cũng nhắc lại rằng Tòa Thánh cũng đã kêu gọi một ngày cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng về gia đình trong cùng một ngày 28 tháng 9. Chắc chắn, người già là một phần quan trọng của gia đình, và họ không nên bị lãng quên. 

11. Các Giám Mục Peru chống lại nghị định của chính phủ cho phép phá thai

Chính phủ Peru vừa ban hành một nghị định mới cho phép thi hành một đạo luật được đưa ra vào năm 1924 cho phép phá thai trong một số trường hợp. 

Trước diễn biến này, các giám mục Peru đã bày tỏ sự chống đối thẳng thừng của các ngài trong khi bày tỏ lo ngại rằng “pháp luật này sẽ mở ra cánh cửa đầu tiên trong lịch sử của Peru cho việc phá thai mà cuối cùng là cái chết của những con người vô tội. Nghị định mới này cũng là vô luân, vi hiến và bất hợp pháp. “

Các giám mục nói thêm: “Cả người mẹ mang thai và trẻ chưa sinh đều có cùng một quyền được sống, cả hai phải được nhà nước bảo hộ”.

12. Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng họp hội nghị tại Rimini để thảo luận về các vùng ngoại vi của thế giới 

Khoảng nửa triệu người sẽ đến thành phố Rimini vào tuần cuối cùng của tháng Tám để tham dự hội nghị của Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng về đề tài “các vùng ngoại vi hiện sinh và toàn cầu.” 

Giáo sư Giorgio Buccellati của đại học UCLA, California, Hoa Kỳ nói: 

“Chúng ta đều rút ra ngoại vi. Chúng ta đều muốn tránh xa trung tâm, thậm chí cả cái trung tâm của riêng cá nhân chúng ta. Ngoại vi có thể trở thành một hình thức nương náu, có thể bấp bênh, hoặc cũng có thể rất có hiệu quả, nếu có ai đó cố gắng làm điều gì đó trong khi ở bên ngoài trung tâm. Vì vậy, nó là một tiêu đề hấp dẫn, thu hút sự chú ý. Sau đó, cũng có, mô hình của Đức Giáo Hoàng, khi ngài nói ngay rằng ngài đến từ vùng ngoại vi. Vì vậy. tôi nghĩ rằng có nhiều yếu tố làm cho đề tài này có tính thời sự. “

Khoảng 200 diễn giả sẽ trình bày các vấn đề về bạo lực và chiến tranh trên toàn cầu. Trong đó có các Bộ trưởng Ý về lao động và giáo dục, cũng như quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc là Đức Tổng Giám Mục Tomasi. Ngoài các chính trị gia, các nhà lãnh đạo kinh doanh và văn hóa cũng sẽ nói về cách để đạt được hòa bình và mang lại hy vọng thông qua đối thoại và tình bạn ở các khu vực xung đột. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, chẳng hạn như cha Pierbattista Pizzaballa lãnh đạo đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ tại Thánh Địa, các vận động viên và nghệ sĩ cũng sẽ tham gia. 

Cô Emilia Guarnieri, Chủ tịch Hiệp Hội Tình Huynh Đệ Giữa Các Dân Tộc nói: 

“Với hội nghị năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy những người mà chúng ta biết sẽ chia sẻ con đường của sự thật, một con đường khám phá, một con đường tích cực. Trên tất cả, chúng tôi hy vọng rằng cuộc họp này sẽ canh tân chúng ta một lần nữa.” 

Chương trình sẽ bao gồm hơn 100 hội nghị, 17 cuộc biểu diễn, 14 cuộc triển lãm, và 10 sự kiện thể thao. Tất cả các công việc có được là nhờ vào những nỗ lực của hơn 4.000 tình nguyện viên.

Nguồn: Viecatholic

h2

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN