Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 04/01/2018: Quá nhiều linh mục bị thảm sát dã man trong năm 2017

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 04/01/2018: Quá nhiều linh mục bị thảm sát dã man trong năm 2017

1. Con số các nhà truyền giáo bị giết trong năm 2017 rất đáng quan ngại

Trong những năm vừa qua, thế giới chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo. Tuy nhiên, oái oăm thay, số các nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất không phải là ở các quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo hoặc ở các quốc gia Châu Á, nhưng chính là tại Mỹ châu Latinh nơi có một đa số rõ rệt dân chúng là người Công Giáo. Điều này không chỉ xảy ra trong năm nay 2017, nhưng là một thực tại liên tục trong suốt 8 năm vừa qua. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã đưa ra nhận xét cay đắng như trên trong bản phúc trình về con số các nhân viên mục vụ của Giáo Hội Công Giáo bị thảm sát trong năm 2017 sắp kết thúc.

Trong năm 2017, 23 nhân viên mục vụ của Giáo Hội Công Giáo đã bị giết trên toàn thế giới, trong đó có 13 linh mục, 1 sư huynh, 1 nữ tu, và 8 giáo dân truyền giáo.

Phân bố theo lãnh thổ, đây là năm thứ 8 liên tiếp Mỹ Châu Latinh (Mễ Tây Cơ, Trung Mỹ và Nam Mỹ) là nơi có số lượng lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết chết với con số lên đến 11 vị trong đó có 8 linh mục, 1 sư huynh và 2 giáo dân truyền giáo. Kế đến là Phi Châu, nơi có 10 nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết gồm 4 linh mục, 1 nữ tu, và 5 giáo dân truyền giáo. Tại Á châu, 1 linh mục, và 1 giáo dân truyền giáo đã bị giết. Cả hai đều bị giết tại Phi Luật Tân, là quốc gia duy nhất tại châu Á nơi đa số dân theo Công Giáo

Nếu chúng ta xét riêng từng quốc gia, thì trong năm 2017, Nigeria dẫn đầu với 5 nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết, tiếp đến là Mễ Tây Cơ có 4 vị, Colombia và Phi Luật Tân mỗi nước có hai vị.

Với 4 linh mục bị giết, Mễ Tây Cơ tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các linh mục. Theo nhận định của của Cha Omar Sotelo, là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Mễ Tây Cơ, “Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây mà không thấy có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó. Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhưng bây giờ trên hết, chức tư tế đã trở thành một chức vụ nguy hiểm; trong chín năm qua, Mễ Tây Cơ là nước có nhiều linh mục bị giết nhất trên thế giới.”

Báo cáo của Fides cũng đề cập đến một giám mục bị giết tại giáo phận Bafia của Cameroon. Xác Đức Cha Jean-Marie Benoit Bala được tìm thấy trong dòng sông Sanaga vào ngày 2 tháng Sáu. Cơ quan tư pháp của Cameroon quyết liệt cho rằng Đức Cha tự tử, trong khi Hội Đồng Giám Mục kiên trì lặp lại rằng Đức Cha không tự sát, nhưng “đã bị sát hại tàn bạo” trước khi bị ném xuống giòng sông đang chảy xiết.

2. Đức Bênêđíctô thứ 16 ca ngợi Đức Hồng Y Müller đã bảo vệ ‘những truyền thống rõ ràng của đức tin’

Đánh dấu sinh nhật thứ 70 của Đức Hồng Y Gerhard Müller, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nhận xét rằng mặc dù Đức Hồng Y không còn là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngài vẫn tiếp tục có một vai trò công khai trong việc phục vụ Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng danh dự đã viết bài giới thiệu cho một cuốn tiểu luận của Đức Hồng Y Müller nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Đức Hồng Y vào ngày 31 tháng 12 và dự kiến kỷ niệm 40 năm thụ phong linh mục của ngài vào tháng Hai tới đây.

Được phát hành vào đầu tháng 12 bởi nhà xuất bản Herder của Đức, cuốn sách có nhan đề “The Triune God: Christian Faith in the Secular Age” – “Thiên Chúa Ba Ngôi: Đức tin Kitô trong thời Thế Tục.”

Trong phần giới thiệu, Đức Bênêđictô XVI viết rằng Đức Phaolô Đệ Lục kỳ vọng nhiều hơn nơi các chức vụ trong Giáo triều Rôma, đặc biệt là các chức vụ tổng trưởng và tổng thư ký của các bộ, “chỉ được giới hạn trong 5 năm để bảo vệ quyền tự do của Đức Giáo Hoàng và tính linh hoạt của Giáo Hội”.

Liên quan đến Đức Hồng Y Müller, Đức Bênêđictô XVI viết, “Nhiệm kỳ năm năm của ngài tại Bộ Giáo lý Đức Tin đã hết hạn, vì vậy ngài không có một chức vụ cụ thể nào nữa, nhưng một linh mục và chắc chắn một giám mục và một Hồng Y thì không thể nghỉ hưu một cách đơn giản như thế”, đó là lý do tại sao ngài phải tiếp tục “phục vụ đức tin một cách công khai”.

Đài phát thanh Vatican cho hay Đức Bênêđíctô XVI cũng nói về tầm quan trọng của việc trở thành tổng trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin – một vị trí mà ngài đã từng nắm giữ hơn 23 năm trong triều đại của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Kiến thức thần học là rất cần thiết cho vai trò này, vị giáo hoàng đã nghỉ hưu nói, nhưng hiểu biết những giới hạn trong kiến thức thần học của mình cũng là điều cần thiết.

Đức Bênêđíctô XVI đã kết thúc bài giới thiệu với những lời ca ngợi Đức Hồng Y Müller như sau: “Đức Hồng Y đã bảo vệ truyền thống rõ ràng về đức tin, và theo tinh thần của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài đã cố gắng hiểu cách sống đức tin ấy trong thế giới ngày nay”.

Khi được thông báo vào tháng 7 rằng nhiệm kỳ của Đức Hồng Y Müller không được gia hạn, nhiều blogger và nhà văn đã cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra quyết định này vì những bất đồng về mặt thần học, đặc biệt về vấn đề cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Müller trả lời với một tờ nhật báo Đức rằng “không có bất đồng giữa Đức Giáo Hoàng và tôi.”

Đức Hồng Y nói với tờ báo rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng gây bất ngờ cho ngài, nhưng ngài không buồn vì chuyện này.

Là một Hồng Y dưới 80 tuổi, Đức Hồng Y Müller vẫn là thành viên của một số bộ và hội đồng trong giáo triều Rôma, vì vậy, ngài nói: “Tôi vẫn có nhiều việc phải làm ở Rôma.”

3. Lần đầu tiên trong 50 năm qua, Kitô hữu được công khai đón mừng Giáng Sinh tại Yangon

Các cộng đồng Kitô hữu ở Yangon, Công Giáo và Tin lành, đã công khai đón mừng Giáng sinh trên các đường phố của cố đô, lần đầu tiên trong 50 năm qua. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên trong bản tin ngày 29 tháng 12.

Trong quá khứ Kitô hữu đón Giáng sinh âm thầm và giới hạn trong phạm vi các bức tường của nhà thờ. Năm nay một số lễ hội, bao gồm cả những cuộc rước, đã diễn ra trên các đường phố của cố đô Yangon, đặc biệt từ ngày 23 đến 25 tháng 12 với sự cho phép đặc biệt của các cơ quan chính phủ tại Yangon.

Các lễ hội đã được bắt đầu vào ngày 23 tháng 12 tại Nhà thờ Chúa Ba Ngôi của Tin Lành Methodist và kết thúc vào ngày 25 tháng 12 với một phụng vụ trang trọng tại Nhà thờ Công Giáo Santa Maria ở Yangon, trước sự hiện diện của ông Henry Van Thio, phó tổng thống Cộng hòa Miến Điện. 

Đức Giám Mục John Saw Yaw Han, Phụ tá Tổng Giáo phận Yangon, cho thông tấn xã Fides biết các Kitô hữu Miến Điện rất hạnh phúc với mùa lễ hội đầu tiên này. Ngài khuyến khích tất cả các Kitô hữu “đóng góp mọi cách cho hòa bình và thịnh vượng của quốc gia”. 

Lễ hội Giáng sinh được khởi xướng với sự đồng ý của các quan chức cao cấp ở Yangon, với mục đích rõ ràng là “hoan nghênh chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Miến Điện hồi tháng 11 vừa qua và nhằm biểu lộ tình đoàn kết với các Kitô hữu ở Miến Điện và trên thế giới”.

Theo cuộc điều tra dân số năm 2014, toàn bộ dân số Miến Điện là 51,4 triệu người, và con số các Kitô hữu của tất cả các hệ phái Kitô là 3 triệu người.

4. Báo Tòa Thánh cảnh báo nhiều phương tiện truyền thông đang bóp méo hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô

Sử gia Lucetta Scaraffia, người viết bài thường xuyên trên tờ Quan Sát Viên Rôma đã viết một bài có tính cách tổng kết khuynh hướng của các phương tiện truyền thông trong năm 2017 sắp kết thúc. Ông nhận định rằng chủ nghĩa tương đối mà Giáo hội phải đối diện trong những thập kỷ gần đây, đã sản sinh ra hiện tượng “post-truth” (sự thật có hậu ý) là điều rất khó đối đầu bởi vì nó “được phổ biến rất nhanh chóng và rất khó vạch trần.”

Trích dẫn nhà sử học người Pháp Marcel Guachet, là người khởi xướng ra thuật ngữ “post-truth”, để mô tả cách thức trong đó người ta chỉ đề cập đến những khía cạnh của sự thật có lợi cho việc lèo lái dư luận và bỏ qua những khía cạnh khác của sự thật; ông Scaraffia mô tả “sự thật có hậu ý” là “đứa con ngoại tình của thứ chính trị cắt cúp.”

Ông Scaraffia cho rằng các phương tiện truyền thông đang ráo riết xây dựng “hình ảnh một vị Giáo hoàng cấp tiến và phóng khoáng” bằng cách trích dẫn sai lạc bối cảnh những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhấn mạnh những trích dẫn này trong đầu đề nhưng lại bỏ qua các tuyên bố “phù hợp với truyền thống Kitô giáo”. 

Các phương tiện truyền thông xã hội cũng đang lưu hành các bài phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha được gán cho là của Đức Giáo Hoàng.

Những tác động đó, theo Scaraffia, đã bóp méo hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vị Giáo Hoàng Á Căn Đình được miêu tả là “cách mạng và không thể tiên đoán được”, trong khi Giáo triều Rôma bị coi như “rõ ràng đã bị quỷ ám”.

Trong khi những văn bản của Đức Giáo Hoàng có sẵn cho những ai muốn đọc thì “rất ít người đọc bởi vì đa số họ tin vào giới truyền thông một cách mù quáng”.

5. Giáo phận Arlington Đánh gục và biến một trung tâm phá thai thành phòng khám bệnh miễn phí của Công Giáo 

Các tổ chức phò sinh của Công Giáo Hoa Kỳ thường tổ chức các buổi cầu nguyện trước các trung tâm phá thai để ngăn cản các phụ nữ bước vào các trung tâm này. Phương thức này có khi không thực hiện được nếu các trung tâm phá thai xin được một “restraining order”, tức là một lệnh cấm không cho đến gần một phạm vi nào đó.

Khu vực công sở Manassas trên đường Forestwood Lane, Virginia, Hoa Kỳ có một trung tâm phá thai tên là Amethyst, là nơi đã từng giết hại khoảng 1,200 thai nhi mỗi năm. Để tránh những rắc rối về pháp luật, các tổ chức phò sinh đã mua một văn phòng sát cạnh trung tâm nhằm ngăn cản các phụ nữ có ý định phá thai.

Mỗi ngày có hàng chục các thành viên của các phong trào phò sinh đến đọc Kinh Mân Côi và khẩn khoản thuyết phục các phụ nữ đừng bước vào phòng khám phá thai bên cạnh.

Trước các hoạt động “phá đám” một cách hợp pháp của văn phòng bên cạnh, chủ nhân của trung tâm phá thai đã buộc phải đóng cửa vào tháng 9 năm 2015.

Nay thì giáo phận Arlington cho biết đã mua lại trung tâm phá thai Amethyst và từ ngày 6 tháng 12 vừa qua đã biến nó thành một phòng khám bệnh và phát thuốc cho người nghèo có tên là “Mother of Mercy Free Medical Clinic”.

6. Khủng bố Hồi Giáo tấn công vào một nhà thờ Coptic tại thủ đô Cairo

Ít nhất 10 người đã thiệt mạng và 20 người bị thương trong vụ tấn công nhà thờ Chính thống Coptic vào sáng ngày 29 tháng 12 tại Helwan, một quận ở phía nam Cairo. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã nhận trách nhiệm về vụ này.

Hai trong số các nạn nhân là các cảnh sát viên. Một tay súng đã bị các lực lượng an ninh bắn chết tại chỗ, trong khi tên thứ hai trốn thoát được. 

Mục tiêu của cuộc tấn công là Nhà thờ Coptic Mar Mina, nơi đang chuẩn bị để mừng Lễ Giáng sinh Chính Thống Giáo vào ngày 7 tháng Giêng.

Cuộc tấn công đã xảy ra mặc dù các nhà chức trách đã cảnh giác cao hàng ngày và các lực lượng phản ứng nhanh đã được triển khai. Vì thế, Cha Rafic Greiche, phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Ai Cập, nói với AsiaNews rằng “với tình hình này, lễ mừng Giáng Sinh của Giáo Hội Chính Thống Giáo có thể phải hủy bỏ. Chính quyền luôn ở mức báo động cao, dù thế, các mưu toan tấn công vẫn không thể bị loại trừ, đó là những gì đã xảy ra ngày hôm nay.”

Cha Rafic Greiche cho biết thêm một phái đoàn người Công Giáo đang thăm viếng nhà thờ và khu vực này để trao đổi những lời chúc tốt đẹp với các gia đình Chính Thống Giáo địa phương.

Các nhân chứng nói rằng lực lượng an ninh đã vô hiệu hóa một thắt lưng đầy bom của tên khủng bố bị bắn chết.

Trong một quốc gia có gần 95 triệu người đa số là Hồi giáo, các Kitô hữu Coptic chỉ chiếm khoảng 10 phần trăm dân số.

Năm ngoái, quốc gia này đã chứng kiến hàng loạt cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào Kitô hữu. Sự leo thang bạo lực gần như đã dẫn đến việc phải hủy bỏ chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ai Cập vào tháng Tư năm ngoái.

Tuy nhiên, vị giáo hoàng đã có thể viếng thăm đất nước nơi ngài đã gặp Tổng thống và đại diện của trường Đại Học Hồi Giáo al-Azhar lớn nhất thế giới và cử hành Thánh lễ trước hàng chục ngàn người.

Lễ Giáng sinh Công Giáo đã diễn ra giữa các biện pháp an ninh chặt chẽ, và may mắn là không có rắc rối nào được báo cáo dù các tín hữu tham dự chật đầy các nhà thờ.

7. Gần 3.4 triệu người theo dõi buổi hòa nhạc mừng Giáng Sinh tại Vatican

Buổi hòa nhạc mừng Giáng Sinh tại Vatican để giúp các trẻ em bị bắt làm nô lệ và các nạn nhân thiếu nhi trên mạng Internet, được phát sóng trên đài truyền hình số 5 của Italia vào đêm 24 tháng 12 năm 2017, là một “thành công lớn”. Một phát ngôn viên của ban tổ chức đã cho biết.

Đây là chương trình được xem nhiều thứ hai trong đêm đó. Chương trình được xem nhiều nhất là Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự, được truyền hình trực tiếp bởi đài truyền hình quốc gia Ý RAI-Uno.

Buổi hòa nhạc từ thiện đã diễn ra vào ngày 16 tháng 12 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican, đã được theo dõi bởi 2,463,000 người xem truyền hình, tức là 14,6% cao hơn so với buổi hòa nhạc năm ngoái.

992,000 khán giả đã xem chương trình phát sóng vào đầu buổi chiều Giáng sinh tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Á Căn Đình và một số quốc gia châu Âu.

Được sản xuất bởi chương trình Prime Time Promotions và được tổ chức bởi Quỹ Don Bosco in the World và Quỹ Giáo Hoàng “Scholas Occurrentes”, buổi hòa nhạc đã khởi động một chiến dịch gây quỹ để hỗ trợ hai dự án liên quan đến thế giới truyền thông kỹ thuật số.

Dự án đầu tiên là giải phóng các trẻ em đang bị làm nô lệ trong các mỏ coltan ở Congo để khai thác các khoáng sản cần thiết cho việc sản xuất máy tính và điện thoại thông minh.

Dự án thứ hai là chống lại sự bắt nạt trên mạng với các nghiên cứu nhằm bảo đảm một môi trường Internet lành mạnh cho các trẻ em. 

8. Hoa Kỳ và Italia gởi quân sang Nigeria và Niger để tận diệt khủng bố Hồi Giáo Boko Haram

Hôm thứ Tư 27 tháng 12, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nigeria, là ông Stuart Symington, đã trao cho Thống tướng Sadique Abubakar – Tư Lệnh Không quân Nigeria, quyết định của Hoa Kỳ bán các phản lực cơ chiến đấu A29 Super Tucano cho Nigeria trong một nỗ lực tận diệt khủng bố Hồi Giáo Boko Haram.

Từ đầu năm nay, Hoa Kỳ đã cung cấp các cố vấn Mỹ để huấn luyện chiến tranh du kích cho các quân nhân Nigeria. Tình hình tuy có được cải thiện ít nhiều, nhưng bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram vẫn có khả năng gây ra các cuộc tấn công ở miền Bắc nước này. Sau các cuộc tấn công, chúng lại rút qua biên giới với Niger.

Trong một diễn biến mới nhất hôm 28 tháng 12, một kẻ tên khủng bố đã nổ bom tự sát trong một khu chợ đông đúc ở miền Bắc Nigeria giết chết 6 người. Nhà cầm quyền cáo buộc tổ chức khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã gây ra vụ này.

Cuộc chiến do khủng bố Hồi Giáo Boko Haram gây ra đã khiến ít nhất 20,000 người chết và buộc 2.6 triệu người phải di tản từ năm 2009 đến nay.

Hôm thứ Tư 27 tháng 12, Thủ tướng Italia là ông Paolo Gentiloni cho biết ông sẽ đề nghị với quốc hội chuyển một số quân đang đóng tại Iraq tới Niger để chống lại nạn buôn lậu và bọn khủng bố Boko Haram.

Ông Gentiloni cho biết, sự hiện diện của 1,400 quân Italia ở Iraq có thể được giảm bớt sau chiến thắng chống lại các chiến binh Hồi giáo và nên được triển khai tại vùng Sahel ở Tây Phi.

9. Báo Tòa Thánh than phiền Hoa Kỳ cắt giảm các đóng góp cho Liên Hiệp Quốc

Tờ Quan Sát Viên Rôma đã có bài trên trang nhất số ra ngày 27 tháng 12 than phiền Hoa Kỳ cắt giảm các đóng góp cho Liên Hiệp Quốc sau cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng của tổ chức này liên quan đến tuyên bố của tổng thống Trump về tình trạng của thành thánh Giêrusalem.

193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức một phiên họp đặc biệt khẩn cấp vào ngày thứ Năm 21 tháng 12 theo yêu cầu của các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel. 128 nước đã bỏ phiếu chống lại quyết định của tổng thống Trump, 35 nước bỏ phiếu trống và 9 nước bày tỏ sự ủng hộ đối với Hoa Kỳ.

Chỉ vài ngày sau đó, Hoa Kỳ đã lập tức cắt giảm một khoản đóng góp khổng lồ cho Liên Hiệp Quốc trị giá 285 triệu đô la trong tài khóa 2018.

Trong thông báo cắt giảm, Đại sứ Nikki Haley đổ lỗi cho Liên Hiệp Quốc vì sự bội chi ngân sách. Bà nói “Tính không hiệu quả và bội chi của Liên hợp quốc ai cũng biết. Chúng tôi sẽ không để cho sự quảng đại của người Mỹ bị lợi dụng hoặc không được kiểm soát. Việc giảm chi tiêu lịch sử này – và những động thái khác là nhằm hướng đến một Liên Hiệp Quốc hiệu quả hơn và có trách nhiệm hơn – Đó là một bước đi đúng hướng.”

Bà Haley cho biết có thể sẽ cắt giảm thêm ngân sách trong tương lai. Tổng thống Trump dự kiến sẽ chấm dứt việc tài trợ cho các chương trình thay đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc và sẽ cắt giảm 16 phần trăm nguồn tài trợ cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, còn được gọi là UNICEF”

Một phát ngôn viên của phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nói rằng “những cắt giảm đáng kể này là kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài hàng tháng qua. .. không liên quan gì đến cuộc bỏ phiếu về Israel.”

10. Cuộc tranh luận về nền văn hóa súng ống tại Hoa Kỳ

Sáng ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12, trong khi dân chúng đang tụ tập mừng lễ tại các nhà thờ một bọn trộm trộm đã đánh cắp 31 khẩu súng từ một cửa hàng ở Clarksville, Tennessee.

Các nhân viên đã tức tốc chạy đến cửa hàng Double Tap Tactical chưa đầy sáu phút sau khi được báo động, nhưng các tên trộm đã thoát thân.

Các camera của cửa hàng cho thấy 3 tên trộm đã phá cửa chính bằng búa. Sau đó, 3 tên trong những chiếc áo khoác trùm đầu đã đập vỡ các cửa kính của các gian trưng bày trước khi lùa vào những túi lớn các loại vũ khí.

Tổng cộng, những tên trộm đã đánh cắp 25 khẩu súng ngắn bán tự động, 3 súng lục ổ quay và 3 khẩu súng trường.

Vụ trộm súng ống này đã làm bùng lên cuộc tranh luận về quyền sở hữu và mang vũ khí tại Mỹ.

Nền văn hoá súng ống đã ăn sâu trong xã hội Hoa Kỳ. Quyền sở hữu và mang vũ khí được bảo vệ bởi tu chính án thứ hai của hiến pháp Hoa Kỳ. Ước tính một phần ba các gia đình ở Mỹ có vũ khí. 

Hoa Kỳ được coi là một kho vũ khí lớn nhất thế giới với 270 triệu đến 310 triệu khẩu súng được lưu hành. Đến nay, 30,000 người được ghi nhận đã chết vì súng do tự sát hay các cuộc nổ súng giết người hàng loạt. 

Các cuộc tranh luận về kiểm soát súng hầu như không đi đến đâu và một tiểu bang lại có một luật riêng về quyền sở hữu và mang vũ khí. 40% các vụ mua bán súng là phi pháp. Các tổng thống Hoa Kỳ liên tục lặp lại các lời hứa về kiểm soát súng nhưng đều thất bại trước các tổ chức mua bán vũ khí.

11. Các nữ tù nhân tại Chí Lợi chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong cuộc viếng thăm tại Santiago vào tháng Giêng 2018, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm một nhà tù nữ. Thông tấn xã AFP đã thực hiện một cuộc phỏng vấn một số nữ tù nhân tại đây.

Một nữ tù nhân nói: “Mỗi lần tôi nói về chủ đề này tôi cảm thấy rất xúc động khi được ngài đến thăm tại đây, để được lọt vào mắt ngài, vì ngài mang đến bình an, tình yêu và sự kiện là ngài đã chọn viếng thăm cách riêng một nhà tù nữ khiến tôi vui mừng, tự hào, hạnh phúc và phấn khởi”

Một nữ tù nhân khác còn rất trẻ nói: “Tôi nghĩ chuyến viếng thăm này sẽ có ảnh hưởng đến cuộc đời tôi. Tôi suy tư về những gì tôi đã thấy tại nhà tù này, và những gì tôi đã mất đi khi phải sống tại đây, và cũng là nhìn thấy những gì tôi đã cố gắng, được đứng bên cạnh ngài hay chỉ đơn giản được chào đón ngài là một điều tốt”.

Một nữ tù nhân lớn tuổi hơn nói: “Tôi mang một gánh nặng trong tâm hồn tôi. Từ khi tôi vào đây, tôi đã mất mẹ, và hai tháng trước tôi đã mất con tôi. Nhưng tôi biết Đức Thánh Cha đang mang đến cho tôi bình an và con tim tôi sẽ có thể nghỉ yên”.

Ngày thứ Hai 15 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ đến sân bay quốc tế Santiago vào lúc 20h. Ngày thứ Ba 16 tháng Giêng, lúc 16h, ngài sẽ đến thăm nhà tù nữ này sau khi cử hành thánh lễ tại công viên O’Higgins vào lúc 10h30 sáng. 

12. Cuộc sống đang hồi sinh tại Mosul

Hơn ba năm chiến tranh chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tàn phá thành phố cổ này. Nhưng từ khi được giải phóng khỏi IS vào tháng 7 vừa qua, thành phố đã có những dấu chỉ hồi sinh. Một triệu cư dân đã phải lánh nạn trong chiến dịch cuối cùng để giải phóng thành phố này; 9,000 người đã chết trong cuộc xung đột. Các gia cư, các cơ sở thương mại và hạ tầng cơ sở đã bị phá hủy.

Những cư dân đang trở về nhà mình phải đối diện với công việc tái thiết đầy khó khăn. Một cư dân thành Mosul tên là Mohammed Hassan Ali nói: “Để quay về nhà, chúng tôi cần sự trợ giúp của chính quyền. Nếu chúng tôi không được hỗ trợ, chúng tôi không quay lại nổi.”

Mohammed Hassan Ali và gia đình đã lánh nạn vào đầu năm 2017 để tránh những hòn tên mũi đạn. Đây là lần đầu tiên ông nhìn lại được ngôi nhà mình. Ngôi nhà ông bị một quả hoả tiễn đánh trúng.

Ông nói: “Tôi cảm thấy hoàn toàn tan nát, tôi không muốn trở lại ngôi nhà này. Tôi đánh mất mọi hy vọng có thể sống tại đây sau khi đã chứng kiến tất cả cảnh tàn phá này. Tôi đã hào hứng muốn quay về nhà. Nhưng giờ đây khi chứng kiến tình cảnh này thì thà rằng tôi đừng về”

Các cư dân và các chủ tiệm tại Mosul nói họ thất vọng đối với chương trình trợ giúp tái thiết. Xây dựng lại thành phố này có lẽ phải mất nhiều thập kỷ. Hơn 3,000 tấn đổ nát trên mỗi một mẫu tây. Những đổ nát này đè nặng lên khu cổ thành Mosul với những chất nổ, một số được bọn khủng bố Hồi Giáo IS cố ý cài lại.

Chính quyền Baghdad ước tính phải mất 100 tỷ Mỹ Kim cho việc tái thiết quốc gia nhưng các quan chức tại Mosul ước tính phải mất toàn bộ số tiền tương tự để tái thiết thành phố này. 

Ông Zyad Mohammed Ali, một chủ tiệm nói: “Chúng tôi chưa hề nhận được bất cứ khoản trợ giúp nào từ chính quyền hay bất cứ tổ chức nào”.

Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không tài trợ đồng nào cho các nỗ lực tái thiết. Đại sứ Hoa Kỳ Douglas Silliman nói: “Chính quyền Iraq sẽ phải bỏ ra hàng đống tiền để tái thiết cơ sở hạ tầng, tôi nghĩ rằng sẽ có một vài mạnh thường quân quốc tế có thể trợ giúp. Nhưng tối hậu, chúng tôi nghĩ đó sẽ thuộc khu vực tư nhân quốc tế, và chúng tôi hy vọng khu vực tư nhân Iraq sẽ mang tiền về quốc gia này”

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN