Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03/09 – 09/10/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03/09 – 09/10/2014

1. Họp báo về Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình 

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 3 tháng 10 tại phòng báo chí Tòa Thánh Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri cho biết Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới là độc đáo so với các Thượng Hội Đồng Giám Mục trước đó về sự tham dự đông đảo của nhiều vị Giám Mục để đối đầu với những thách đố của các gia đình Công Giáo. 

Cuộc họp bắt đầu vào Chúa Nhật 5 tháng 10 và kéo dài trong 2 tuần không chỉ có sự tham gia của 191 nghị phụ, bao gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục và các Thượng Phụ của Công Giáo Đông Phương nhưng cũng có sự hiện diện của các chuyên gia và các gia đình trong Giáo Hội. 

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri nói:

“Vì đây là một nghị hội bàn về gia đình, các chú ý sẽ đặc biệt hướng tới các cặp vợ chồng, cha mẹ và người đứng đầu gia đình. Có tổng cộng 12 cặp vợ chồng được mời tham dự. Trong số các chuyên gia cũng có một đôi vợ chồng. “

Công nghệ thông tin sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc loan báo với thế giới về những gì sẽ được thảo luận trong Thượng Hội Đồng. 

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết tin tức từ phòng họp Thượng Hội Đồng sẽ được tweet liên tục từ account Twitter của Văn phòng Báo chí (@HolySeePress). Ngoài ra còn có các báo cáo hàng ngày cho các ký giả theo dõi và tường trình về Thượng Hội Đồng.

Ngài nói thêm:

“Cũng sẽ có một loạt các cuộc phỏng vấn audio và video với các Giáo Phụ trong suốt những ngày họp.” 

Đức Hồng Y Baldisseri cũng thông báo rằng Thượng Hội Đồng sẽ kết thúc với việc phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vào ngày 19 tháng 10. 

“Việc tôn phong chân phước này, trong bối cảnh Thượng Hội Đồng, là một dấu chỉ quan trọng của tính đồng đoàn, bởi vì vị Đức Giáo Hoàng vĩ đại của thế kỷ 20 là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, không chỉ kết thúc Công đồng Vatican II, nhưng ngài cũng đã thiết định nên cơ cấu Thượng Hội Đồng Giám Mục.” 

Công việc của các Giám Mục sẽ được đi kèm với những lời cầu nguyện của các tín hữu trên toàn thế giới. Đặc biệt, trong suốt thời gian Thượng Hội Đồng, mỗi buổi chiều, một vị Hồng Y hay Giám mục sẽ cử hành Thánh Lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả với ý chỉ dành cho gia đình. 

Các di tích của các Thánh và các Chân Phước, được biết đến qua sự thánh thiện của họ trong cuộc sống gia đình sẽ được trưng bày tại Đền Thờ Đức Bà Cả. Trong số đó có các di tích của các Chân Phước Marie-Azélie Guérin và Louis Martin, cùng với những di tích của người con gái của họ, là Thánh Têrêxa thành Lisieux. 

2. Đêm Canh Thức Thượng Hội Đồng ngoại thường về gia đình

Lúc 7h tối thứ Bẩy 4 tháng 10, đêm trước ngày khai diễn Thượng Hội Đồng ngoại thường về gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự một buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô 

Buổi cầu nguyện ngoài trời đã thu hút hàng chục ngàn tín hữu và đã bao gồm các chứng từ về gia đình và các cặp vợ chồng, bài đọc Kinh Thánh, ca hát và suy tư về gia đình, và nghe các diễn từ được viết bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các vị tiền nhiệm của mình.

Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng

“Để tìm kiếm điều mà ngày nay Chúa đòi hỏi nơi Giáo Hội của Ngài, chúng ta phải lắng nghe nhịp đập của thời điểm này và cảm nhận được “mùi hương” của con người ngày hôm nay, để có thể hân hoan với niềm vui và hy vọng của họ, và u sầu với nỗi buồn và đau khổ của họ. Lúc đó chúng tôi mới biết làm sao để đề xuất tin mừng của gia đình với một sự khả tín.” 

Đức Thánh Cha xin các tín hữu cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho các Nghị Phụ ơn biết lắng nghe, biết cởi mở tâm hồn và luôn hướng về Chúa. 

“Trên tất cả, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần, hồng ân biết lắng nghe cho các Nghị Phụ: lắng nghe theo cách của Thiên Chúa, để các vị có thể nghe thấy, cùng với Ngài, tiếng kêu của con người ngày nay; để các vị biết lắng nghe người dân, cho đến khi các vị hít thở được thánh ý mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta. 

Bên cạnh ân sủng biết lắng nghe, chúng ta cũng cầu xin cho các vị một sự cởi mở tâm hồn cho một cuộc thảo luận chân thành, thẳng thắn và huynh đệ, để hướng dẫn chúng ta tiến hành với trách nhiệm mục vụ những vấn nạn do những thay đổi trong thời đại gây ra. 

Nếu chúng ta thực sự có ý định tiến bước giữa những thách đố hiện nay, điều kiện tiên quyết là phải giữ cho được một cái nhìn cố định vào Chúa Giêsu Kitô để sâu lắng trong chiêm niệm và trong việc thờ phượng tôn nhan Ngài.” 

3. Thánh Lễ Khai mạc Thượng Hội Đồng về gia đình

Đúng 10h sáng Chúa Nhật 5 tháng 10, sau 11 tháng chuẩn bị, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về gia đình.

Trong số 253 tham dự viên đến từ 5 châu, có 13 thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, 114 vị Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, 25 vị Tổng trưởng hoặc Chủ tịch các Cơ quan trung ương Tòa Thánh, 9 thành viên Hội đồng Thượng Hội Đồng Giám Mục, tiếp đến là Đức Hồng Y Tổng thư ký Baldisseri và Đức Cha Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, 3 Bề trên Tổng quyền do Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên (Bề trên Tổng Quyền dòng Tên, dòng Capuchino và dòng thanh Giuse (CSI), ngoài ra có 26 nghị phụ do Đức Thánh Cha bổ nhiệm.

Các tham dự viên khác gồm 8 đại biểu của các Giáo Hội Kitô anh em, 38 dự thính viên trong số này có 13 đôi vợ chồng. Thêm vào đó có 16 chuyên gia.

Người Việt Nam duy nhất tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sàigòn, trong tư cách là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Trong số 26 nghị phụ do Đức Thánh Cha bổ nhiệm, có Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, Đức Hồng Y Walter Kasper, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, Giám Mục Hong Kong. Có 3 vị là linh mục, đứng đầu là Cha Francois-Xavier Dumortier SJ, Viện trưởng Giáo hoàng Đại học Gregoriana, Cha Antonio Spadaro SJ, Giám đốc tạp chí La Civiltà Cattolica, và Cha Manuel Jesús Arroba Conda, CMF, giáo sư giáo luật Đại Học Giáo Hoàng Laterano.

Trong số các tham dự viên có 191 nghị phụ có quyền phát biểu và bỏ phiếu.

Đức Thánh Cha là Chủ tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục và có 3 Hồng Y Chủ tịch thừa ủy: Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris (Pháp), Đức Hồng Y Luis Tagle, Tổng Giám Mục Manila (Philippines) và Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida (Brazil).

Trong bài giảng, suy tư trên bài Phúc Âm và các bài đọc, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng

“Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục này, chúng ta được mời gọi để làm việc cho vườn nho của Chúa. Các cuộc họp Thượng Hội Đồng không có nghĩa là để thảo luận về những ý tưởng đẹp và thông minh, hay để xem ai thông minh hơn ai… Các cuộc họp có nghĩa là để dưỡng nuôi tốt hơn vườn nho của Chúa, để giúp Ngài thực hiện ước mơ, và kế hoạch yêu thương dành cho dân Ngài. Trong kỳ họp này, Chúa yêu cầu chúng ta chăm sóc cho các gia đình, mà ngay từ đầu đã là một phần của kế hoạch yêu thương của Ngài dành cho nhân loại. 

Chúng ta đều là những người tội lỗi và cũng có thể bị cám dỗ để “chiếm đoạt” vườn nho, vì tham lam luôn luôn hiện diện trong con người chúng ta. Giấc mơ của Thiên Chúa luôn luôn xung khắc với thứ đạo đức giả của một số công bộc của Ngài. Chúng ta có thể “ngăn chặn” giấc mơ của Thiên Chúa nếu chúng ta không để cho mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.”

4. Phiên họp đầu tiên Thượng Hội Đồng về Gia Đình

253 tham dự viên đến từ 5 châu, trong đó có 191 nghị phụ có quyền phát biểu và bỏ phiếu, đã bắt đầu phiên họp đầu tiên vào sáng Thứ Hai 6 tháng 10 tại Hội Trường Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các đại biểu tham dự Thượng Hội Đồng về gia đình hãy phát biểu một cách tự do những suy nghĩ của mình trong các phiên họp. Ngài muốn tất cả các ý kiến được đưa ra thảo luận một cách công khai. 

Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Đây là một yêu cầu cơ bản: hãy nói thẳng thắn. Anh em đừng nói: Tôi không thể nói điều này, nếu tôi nói ra họ sẽ nghĩ xấu về tôi. Hãy nói tự do tất cả mọi thứ anh em tin là đúng. Sau công nghị Hồng Y vào cuối tháng Hai năm nay trong đó chúng ta cũng đã bàn về gia đình, một Hồng Y đã viết như sau: “Thật đáng tiếc! Một số Hồng Y đã không dám nói một số điều vì tôn trọng Đức Giáo Hoàng, họ nghĩ rằng có lẽ Đức Giáo Hoàng không nghĩ như thế. Như vậy không ổn đâu”. 

Ngoài ra để các Nghị Phụ có thể nói thẳng thắn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu các Nghị Phụ lắng nghe ý kiến người khác một cách cởi mở và chăm chú. 

Ngài nói:

“Đồng thời, chúng ta phải lắng nghe với lòng khiêm nhường và đón nhận lời của anh em chúng ta với một trái tim rộng mở. Với hai thái độ này, ta thực hành tính chất nghị hội”. 

Trong buổi sáng thứ Hai, một số chuyên gia là các giáo dân và các cặp vợ chồng đã được mời phát biểu. Tổng cộng có 16 chuyên gia và 13 đôi vợ chồng. Họ đề xuất các biện pháp để đối diện với những thách thức khác nhau như việc chuẩn bị cho hôn nhân, tình trạng những cặp sống chung ngoài hôn nhân, sự tham gia mục vụ của các cặp vợ chồng ly dị, giáo dục trẻ em, bạo lực gia đình và chế độ đa thê.

5. Vai trò người Công Giáo trong thế chiến thứ nhất

Năm nay đánh dấu một trăm năm biến cố đau lòng là thế chiến thứ nhất, một cuộc chiến đầu tiên trên thế giới lôi cuốn một số lớn quốc gia. Vào ngày kỷ niệm sự bùng nổ của cuộc chiến tranh kinh hoàng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng kêu gọi thế giới đừng lặp lại những sai lầm của quá khứ nữa.

Ngài nói:

“Khi nhắc nhớ đến chương bi thảm này của lịch sử, chúng ta hãy thôi đừng lặp lại những sai lầm tương tự, nhưng thay vào đó, cầu xin cho chúng ta biết học hỏi từ lịch sử. Cầu xin cho những bài học của hòa bình, của kiên nhẫn và can đảm đối thoại luôn luôn thắng thế.” 

Để rút tiả những bài học lịch sử, Tòa Thánh đã tổ chức một hội nghị phân tích vai trò của người Công Giáo và của Tòa Thánh trong chiến tranh. 

Cha Bernard Ardura, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử nói:

“Hội nghị sẽ nghiên cứu về việc lợi dụng tôn giáo trong cuộc xung đột. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể chiến đấu chống người khác nhân danh Thiên Chúa. Toàn bộ chiều kích tôn giáo trong cuộc xung đột sẽ được trình bày, cũng như việc lợi dụng các tình cảm tôn giáo để kích động xung đột “. 

Cuộc họp sẽ cố gắng giải thích lý do tại sao có những người Công Giáo phản đối lời kêu gọi hoà bình của Đức Giáo Hoàng trong thời gian đó.

Theo cha Bernard Ardura:

“Các nỗ lực hòa bình của Đức Giáo Hoàng Piô X và Benedict XV không được hưởng ứng bởi tất cả người Công Giáo, cũng như không Công Giáo. Những tình cảm dân tộc vào thời đó rất mạnh, đến mức người ta nghĩ rằng chống chiến tranh có nghĩa là phản bội lại đất nước của mình. Họ sống trong một bầu không khí chúng ta không thể tưởng tượng trong thời đại của chúng ta.”

Các vị cũng sẽ thảo luận về vai trò của tuyên úy quân đội và các nhà truyền giáo trong những năm đầy sóng gió này. 

Đại hội sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17 Tháng 10. Nhiều nhà sử học từ các quốc gia đã tham chiến sẽ có mặt. Đây sẽ là một phân tích thẳng thắn để giúp chúng ta nhận ra những sai lầm của quá khứ với hy vọng không bao giờ lặp lại những sai lầm này một lần nữa.

6. Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn vận động viên khuyết tật

Sáng thứ Bẩy 4 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 7 ngàn vận động viên khuyết tật và những người tháp tùng. Ngài ca ngợi chứng tá của họ như một khích lệ cho những người khác đồng cảnh ngộ.

Các vận động viên hay lực sĩ đến từ nhiều nước trên thế giới về Roma tham dự cuộc thi đấu thể thao với chủ đề “Hãy tin tưởng để sống động” (Believe to be alive).

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở Nội thành Vatican, sau khi đề cao giá trị của thể thao, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: việc thực hành thể thao của các vận động viên khuyết tật là một “sứ điệp khích lệ cho tất cả những người sống trong những hoàn cảnh tương tự và trở thành một lời mời gọi dấn thân với tất cả năng lực của mình để cùng nhau thực hiện những gì tốt đẹp, vượt lên trên những hàng rào mà chúng ta có thể gặp chung quanh mình, và trước tiên là những hàng rào trong nội tâm của mình”.

Đức Thánh Cha cũng nói: “Các vận động viên thân mến, chứng tá của anh chị em là một dấu chỉ hy vọng to lớn. Đó là một bằng chứng cho thấy trong mỗi người có những tiềm năng mà nhiều khi chúng ta không tưởng tượng được, và chúng có thể phát triển trong niềm tín thác và liên đới. Thiên Chúa Cha là người đầu tiên biết điều đó và Người nhìn chúng ta với lòng tín nhiệm, Người yêu thương chúng ta trong thân phận hiện tại nhưng Chúa cũng làm cho chúng ta tăng trưởng theo những gì chúng ta có thể trở thành. Vì thế, trong nỗ lực của anh chị em đạt tới một nền thể thao không hàng rào, một thế giới không có người bị loại trừ, anh chị em không bao giờ lẻ loi! Thiên Chúa là Cha chúng ta ở cùng anh chị em”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Ước gì thể thao trở thành một thao trường đối với tất cả anh chị, trong đó anh chị em tập luyện hằng ngày trong niềm tôn trọng chính mình và người khác, một thao trường mang lại cho anh chị em cơ hội biết những người và môi trường mới, giúp anh chị em cảm thấy mình là thành phần tích cực của xã hội”.

Chúa Nhật 5 tháng 10, lần đầu tiên ở đường Hòa Giải và Quảng trường Piô 12 liền trước Quảng trường Thánh Phêrô có bố trí một diễn trường lớn cho ngành thể thao khuyết tật, thuộc các bộ môn khác nhau. Lúc 12 giờ trưa, các tham dự viên cũng tham gia buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô

7. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án tình trạng “bị khủng bố hàng ngày” của các Kitô hữu Trung Đông 

Hôm thứ Năm 2 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhớ đến những đau khổ mà các Kitô hữu tại Trung Đông phải gánh chịu trong cuộc gặp với Đức Thượng Phụ Mar Dinkha Đệ Tứ của Giáo Hội Assyria. 

Đức Giáo Hoàng nói rằng có “không có lý do tôn giáo, chính trị hay kinh tế” nào có thể biện minh cho “sự đàn áp hàng ngày lên hàng trăm ngàn người vô tội, phụ nữ và trẻ em chỉ vì niềm tin của họ.” 

Đức Thượng Phụ Mar Dinkha Đệ Tứ là người đứng đầu của một trong những Giáo Hội lâu đời nhất ở phương Đông. 

Đức Thánh Cha nói với Đức Thượng Phụ rằng chuyến thăm của ngài là “một bước tiến trên con đường phát triển sự gần gũi và hiệp nhất chúng ta nhiều hơn những gì chia cách chúng ta.” 

8. Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân sống sót trong vụ đắm tàu tại Lampedusa

Hôm thứ Năm 2 tháng 10, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ những người sống sót và thân nhân của các nạn nhân trong vụ đắm tàu cướp đi mạng sống của 368 người cách đây một năm trên bờ biển Lampedusa, ở miền nam nước Ý. 

37 người sống sót trong vụ đắm tàu ngày 3 tháng 10 năm ngoái tại Lampedusa đã đến Vatican từ Đức, Thụy Sĩ, Na Uy, Hà Lan và Đan Mạch, là những thành phố nơi họ đã được định cư. 

Một trong những người thân của các nạn nhân đọc một lá thư cho Đức Giáo Hoàng với các kiến nghị khác nhau trong đó có đề nghị xin được ghi khắc tên các nạn nhân trên mộ chí của họ trong nghĩa trang Sicily. Hiện nay, trên các ngôi mộ này người ta chỉ ghi một bí số. 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất xúc động trước kinh nghiệm bi thảm của họ. Ngài thừa nhận rằng ngài không biết dùng những chữ nghĩa gì để an ủi họ trước những đau khổ kinh hoàng này. 

Ngài nói:

“Thật khó nói lên lời bởi vì tôi không biết phải nói gì đây. Tôi cảm thấy những điều này không thể diễn tả bằng lời nói được vì không có ngôn từ nào diễn tả cho đúng. Với tất cả những gì anh chị em đã phải chịu đựng, chúng tôi đau đớn không nói thành lời, chúng tôi khóc và chúng tôi cố gắng để tìm mọi cách để hỗ trợ anh chị em. “

Dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng kêu gọi hãy mở ra cho người nhập cư những “cánh cửa đóng kín”. Ngài cũng nhắc nhở những người sống sót rằng họ không đơn độc. 

Đức Thánh Cha nói:

“Cuộc sống đối với những người nhập cư rất khó khăn. Có rất nhiều người nam nữ ở Ý mở rộng con tim của họ cho anh chị em. Đừng nghi ngờ điều đó. Chúng tôi bên cạnh anh chị em” 

Đức Giáo Hoàng đã đảm bảo với họ rằng ngài sẽ cầu nguyện cho họ. Từng người một họ trìu mến chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cho tặng ngài những món quà cá nhân. Một người tị nạn đã tặng Đức Giáo Hoàng một bức ảnh những người tiếp đón anh khi anh đến châu Âu. 

9. Thượng Hội Đồng về gia đình – Đức Hồng Y De Paolis nói các gia đình đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng 

Thượng Hội Đồng về gia đình với chủ đề “Những thách thức mục vụ của gia đình trong bối cảnh của Phúc âm hóa” diễn ra vào một thời gian rất quan trọng trong lịch sử cận đại khi bí tích hôn phối, sự trung thành trong hôn nhân và cuộc sống gia đình đang trong cơn khủng hoảng. 

Đây là suy nghĩ của Đức Hồng Y Velasio De Paolis, cựu chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về kinh tế. Ngài cũng là một thành viên của Tòa Ân Giải Tối Cao. 

Đức Hồng Y nói:

“Hôn nhân và gia đình là hạt nhân của xã hội. Nếu hôn nhân bị khủng hoảng, thì xã hội bị khủng hoảng theo. Và nếu xã hội khủng hoảng, thì gia đình cũng bị khủng hoảng. Đây không phải chỉ là một cuộc khủng hoảng của những chuyện bên lề. Toàn bộ tầm nhìn về nhân chủng học đang trong cuộc khủng hoảng. Ngày nay, người ta ngộ nhận đến mức không còn biết con người là gì. “

Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng trong khi các câu hỏi của những người ly dị và tái hôn là rất quan trọng, nó không phải là vấn đề quan trọng duy nhất ảnh hưởng đến gia đình ngày nay. 

Ngài nói:

“Có rất nhiều vấn đề khác có lẽ thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Có nhiều người không lập gia đình nữa và chỉ sống chung với nhau. Và đây là một vấn đề lớn! Không chỉ ở phương Tây, ở thế giới châu Âu của chúng ta mà thôi đâu. Chúng tôi biết rằng đây là một rất vấn đề lớn ở Mỹ Châu Latinh “. 

Đức Hồng Y De Paolis cho biết Đức Giáo Hoàng không triệu tập các Thượng Hội Đồng để thay đổi hay thiết lập các học thuyết về hôn nhân, nhưng để tìm những cách thức mới để giải quyết những vấn đề vì lợi ích của các gia đình. 

Ngài nói:

“Tín lý của Giáo Hội không phải là những thứ có thể thay đổi tùy tiện. Không, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng không thể thay đổi các tín lý của Giáo Hội. Thượng Hội Đồng là để xét xem có thể có những ngộ nhận nào về tín lý cần phải làm rõ hơn hay việc áp dụng tín lý ấy trong Giáo Hội cần phải được chấn hưng. “

Vấn nạn về những người ly dị và tái hôn chỉ là một trong những chủ đề của Thượng Hội Đồng được triệu tập để nghiên cứu các vấn đề toàn diện mà các gia đình ngày nay đang phải đối mặt ở các miền trên thế giới.

10. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhận được 4 triệu Mỹ Kim hàng năm để tranh cãi cho các trẻ em di cư lậu vào Mỹ

Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh quyết định tài trợ cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ một ngân sách là 4 triệu Mỹ Kim hàng năm trong 2 năm tới để Hội Đồng có thể thuê mướn các luật sư tranh cãi cho các trẻ em nhập cư lậu không có phụ huynh đi kèm sau khi các em đã đặt chân vào Hoa Kỳ. 

Ủy ban Hoa Kỳ về người tị nạn và nhập cư cũng sẽ nhận được một khoản trợ cấp tương tự từ Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh. 

Kevin Appleby, giám đốc Văn phòng chính sách di dân của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói với MSNBC rằng: “Tôi nghĩ đó là một sự công nhận rằng đa số những đứa trẻ này có lý do chính đáng để xin tị nạn và họ cần người đại diện pháp lý.” 

“Đó là một kết quả của việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức về lý do tại sao những đứa trẻ này phải chạy trốn khỏi đất nước của các em”.

11. Chuyện không tin vẫn xảy ra: tổ chức thờ phượng Satan xong lại quay ra năn nỉ Đức Tổng Giám Mục trừ tà cho

Bất chấp những phản đối của hơn 100,000 người trong một bản kiến nghị trực tuyến, các quan chức Mỹ ở thành phố Oklahoma vẫn quyết tâm tiến hành cho kỳ được Lễ Đen thờ Satan hôm 21 tháng 9 tại Trung tâm hành chính của thành phố.

Hơn 3000 người Công Giáo đã tham gia vào cuộc rước kiệu Thánh Thể qua các đường phố Oklahoma City, Oklahoma, vào ngày 21 do Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley dẫn đầu, và 1600 người đã tham dự buổi chầu Thánh Thể ở nhà thờ chính toà Tulsa cùng ngày. 

Lễ Đen thờ phượng Satan đã được thực hiện tại một hội trường nhỏ ở tầng hầm trung tâm hành chính của thành phố Oklahoma trước sự bảo vệ của một lực lượng cảnh sát đông đảo. 

Trong bản tin ngày 2 tháng 10, Catholic World News tiết lộ rằng chỉ một ngày sau đó, các viên chức làm việc tại Trung tâm hành chính của thành phố đã thỉnh cầu Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Oklahoma City đến trừ tà cho họ vì các nhân viên làm việc tại đây cảm thấy khó chịu và không an tâm khi làm việc tại tòa nhà này. 

Đức Tổng Giám Mục đã nhận lời thực hiện nghi lễ trừ tà cùng với một linh mục. Phát ngôn viên của Trung tâm hành chính thành phố nói rằng ban quản trị trung tâm này đã mừng rỡ khi thấy Đức Tổng Giám Mục đến giúp họ. 

Lễ Đen là một hình thức tôn thờ Satan, một cố gắng để đảo ngược hành động và ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể để châm biếm sự hy sinh của Chúa Kitô và tôn thờ Satan thông qua một nghi lễ truy hoan trụy lạc và bệnh họan.

Đức Cha Paul Stagg Coakley Tổng Giám Mục Oklahoma City nói:

“Nó công kích tất cả mọi thứ mà chúng ta cho là thiêng liêng và mang lại ơn cứu chuộc; và đưa ra những mối nguy hiểm tinh thần cho mọi người.”

Ngài đã nhiều lần thỉnh cầu chính quyền thành phố đừng lấy tiền đóng thuế của dân để tổ chức một hành động báng bổ tôn giáo như thế, tuy nhiên bất chấp ý nguyện chính đáng của ngài và đông đảo những người ký tên trong kiến nghị, các quan chức tại thành phố Oklahoma vẫn quyết tâm tiến hành cho kỳ được Lễ Đen này.

12. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói phụ huynh có quyền dạy con cái của họ theo niềm tin của mình 

Hôm thứ Sáu 3 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ đại diện của 33 Hội đồng Giám Mục châu Âu. Các vị gặp nhau ở Rôma để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng về gia đình. 

Đức Hồng Y Peter ERDÖ, Chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Âu nói:

“Chúng con đến đây hôm nay để gặp gỡ Đức Thánh Cha. Chúng con đến từ mọi góc trời của đại lục Âu Châu từ Bắc Hải đến Địa Trung Hải, từ Đại Tây Dương đến Urals và xa hơn nữa.” 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các ngài rằng điều quan trọng là “các vị mục tử và các gia đình cùng nhau làm việc” để tìm cách làm cho các giáo xứ trở thành một “gia đình của các gia đình.” 

Ngài cũng nhấn mạnh rằng sự hợp tác này phải mở rộng đặc biệt đến “lĩnh vực giáo dục.” Giáo xứ nên, “hỗ trợ các cha mẹ” trong việc giáo dục con cái của họ. “Phụ huynh là những người thầy đầu tiên của con cái mình và họ phải có quyền giáo dục con cái của họ theo niềm tin tôn giáo và đạo đức của họ.” 

Các Giám Mục Âu Châu đang tham dự một khoá họp với chủ đề “Gia đình và tương lai của châu Âu” từ đầu tuần cho đến ngày 04 tháng 10 trước khi tham dự Thượng Hội Đồng về gia đình. 

13. Đức Thánh Cha tiếp kiến các thành viên tham dự Đại hội của Bộ Giáo Sĩ

Đức Thánh Cha đã khích lệ Bộ giáo sĩ trong các hoạt động xoay quanh 3 lãnh vực: ơn gọi, huấn luyện và loan báo Tin Mừng.

Ngài trình bày lập trường trên trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3 tháng 10, dành cho 80 tham dự viên đại hội của Bộ giáo sĩ, tiến hành dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Tổng trưởng Beniamin Stella, trong đó có 23 Hồng Y và 4 Giám Mục thành viên.

Đức Thánh Cha ví “ơn gọi được Chúa đặt trong tâm hồn một số người người như kho tàng quí giá giấu trong ruộng, cần phải được khám phá và mang ra ánh sáng. Kho tàng này không phải chỉ để làm cho vài người được phong phú. Người được kêu gọi thi hành một thừa tác vụ không phải là ‘chủ nhân’ ơn gọi của mình, nhưng là người quản lý một hồng ân mà Chúa ủy thác cho họ để mưu ích cho tất cả mọi ngừơi, cả những người ở xa và không thực hành đạo.”

Tiếp đến là việc huấn luyện. Đó là một sự đáp lại của con người, của Giáo Hội, đối với hồng ân mà Chúa ban qua ơn gọi. Vấn đề ở đây là bảo tồn và phát huy ơn gọi, để ơn gọi được trưởng thành. Ơn gọi là những viên kim cương thô cần phải được mài dũa cẩn thận, trong sự tôn trọng lương tâm con người và kiên nhẫn, để nó chiếu sáng giữa lòng dân Chúa.

Đức Thánh Cha đặc biệt khai triển khía cạnh thứ ba là loan báo Tin Mừng. Mỗi ơn gọi là để phục vụ cho sứ mạng và sứ mạng của các thừa tác viên thánh chức là loan báo Tin Mừng dưới mọi hình thức. Sứ mạng này khởi hành trước tiên từ cuộc sống trước khi được biểu lộ qua việc làm. Các linh mục được liên kết trong một tình huynh đệ bí tích, nên hình thức đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng là làm chứng về tình huynh đệ và hiệp thông giữa các linh mục với nhau và với Đức Giám Mục. Từ tình hiệp thông như thế có thể nảy sinh một đà tiến truyền giáo mạnh mẽ, giải thoát thừa tác viên thánh chức khỏi cám dỗ muốn tìm kiếm sự đồng thuận và ủng hộ của người khác và an sinh của mình, thay vì được đức bác ái mục tử thúc đây để loan báo Tin Mừng đến tận những vùng ngoại ô xa xăm nhất.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, các linh mục được kêu gọi gia tăng ý thức mình là những mục tử được sai đi ở giữa đoàn chiên, để làm cho Chúa hiện diện qua Thánh Thể và ban phát lòng từ bi của Chúa. Vấn đề ở đây là ‘sống như linh mục’ chứ không phải là ‘làm linh mục’, và cần được giải thoát khỏi mọi tinh thần trần tục, với ý thức rằng chính đời sống của linh mục là một việc loan báo Tin Mừng, trước khi truyền giáo bằng những hành động. Thật là đẹp khi thấy các linh mục vui tươi trong ơn gọi, với niềm thanh thản từ nội tâm, nâng đỡ linh mục cảc trong những lúc vất vả và đau khổi! Và điều này sẽ không bao giờ xảy ra nếu không cầu nguyện”.

14. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Sri Lanka

Tổng thống Sri Lanka, Mahinda Rajapaksa, cùng với phu nhân và một phái đoàn chính phủ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến tại Vatican. 

Trong cuộc họp, hai vị đã bàn đến tình hình kinh tế và xã hội tại Sri Lanka và đặc biệt là chuyến thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng vào tháng Giêng năm 2015. 

Cả hai vị đều bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ truyền cảm hứng cho hòa giải. Đất nước này đã trải qua một cuộc nội chiến kéo dài 26 năm và chỉ mới kết thúc vào năm 2009. 

Tổng thống Sri Lanka đã giới thiệu phái đoàn chính phủ với Đức Giáo Hoàng và nhiều người trong số họ tỏ ra rất xúc động. 

Mahinda Rajapaksa đã tặng Đức Giáo Hoàng một bộ ly tách uống trà. Đáp lại, Đức Thánh Cha đã tặng cho tổng thống Sri Lanka một huy chương Thiên thần Hòa bình. 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm Sri Lanka từ ngày 12-ngày 15 Tháng 1, 2015 và từ đó ngài sẽ đến Philippines. Đây sẽ là chuyến đi quốc tế thứ bảy của Đức Thánh Cha. 

Sri Lanka được nhiều người gọi là Hòn ngọc Ấn Độ Dương, vì vẻ đẹp tự nhiên và hình dạng của nó. Người ta nói rằng ngọc trai được hình thành từ những giọt nước mắt của con hàu. Thật không may, nhiều nước mắt đã đổ ra trong những năm gần đây, vì các cuộc xung đột nội bộ với biết bao nạn nhân và những thiệt hại to lớn.

15. Các vị Sứ Thần Tòa Thánh ở Trung Đông nhóm họp tại Vatican

Trong những ngày từ 2 đến 4 tháng 10, các vị Sứ Thần Tòa Thánh tại Trung Đông nhóm họp tại Vatican với các vị lãnh đạo liên hệ tại Tòa Thánh.

Ngoài các vị Sứ Thần tại Ai Cập, Israel, Jerusalem, Palestine, Giordani, Irak, Iran, Liban, Siria và Thổ nhĩ kỳ còn có ba vị Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Genève, và Liên hiệp Âu Châu.

Từ phía các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh, có Đức Hồng Y Quốc vụ khanh và 2 vị Tổng Giám Mục phụ tá, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ truyền giáo, Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, Hiệp nhất các tín hữu Kitô, Công lý và Hòa bình, di dân và Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum.

Trưa ngày 2 tháng 4 Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết cuộc gặp gỡ diễn ra tại Phủ Quốc Vụ khanh Tòa Thánh và có đề tài chính là “Sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Trung Đông”.

“Cuộc họp là một biểu hiện sự gần gũi và quan tâm của Đức Thánh Cha đối với vấn đề quan trọng này. Chính ngài đã muốn dẫn nhập khóa họp, ngài cám ơn các tham dự viên đến cầu nguyện và cùng nhau suy tư về những gì cần làm để đáp ứng tình trạng bi thảm các tín hữu Kitô Trung Đông và các tôn giáo và chủng tộc thiểu số đang phải chịu vì bạo lực lan tràn trong toàn vùng. Với những lời rất cảm động, Đức Thánh Cha đã biểu lộ sự lo âu của ngài về tình hình chiến tranh đang trải qua tại bao nhiêu nơi và hiện tượng khủng bố, coi rẻ sinh mạng con người. Ngài cũng nhắc đến vấn đề buôn bán võ khí là căn cội của bao nhiêu vấn đề, cũng như thảm trạng nhân đạo của nhiều người buộc lòng phải bỏ xứ sở ra đi. Đức Thánh Cha tái khẳng định tầm quan trọng của lời cầu nguyện và cầu mong có những sáng kiến và hành động ở mọi cấp độ, để bày tỏ tình liên đới của toàn thể Giáo Hội đối với các tín hữu Kitô ở Trung Đông, và làm sao để cộng đồng quốc tế cũng như mọi người thiện chí can dự vào, để đáp ứng các nhu cầu của rất nhiều người đang chịu đau khổ trong Vùng.

Tiếp đến, Đức Hồng Y Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã trình bày ý nghĩa và mục đích của khóa họp. Đức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương đã tường trình tổng quát về tình hình các tín hữu Kitô ở Trung Đông, đề cập đến những khía cạnh khác nhau của vấn đề và khơi lên một cuộc đối thoại sinh động với các tham dự viên.

Sau đó, các vị Đại diện Tòa Thánh ở Syria và Iraq đã thông báo về tình trạng các tín hữu Kitô tại các nước liên hệ. Đức Hồng Y Sarah Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm) trình bày về vai trò của Giáo Hội trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Trung Đông. Rồi các tham dự viên trao đổi và kết thúc phiên họp ban sáng.

Bàn chiều có bài tường trình của Đức Hồng Y Tauran Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn nói về các viễn tượng đối thoại liên tôn với Hồi giáo và những thách đố đối với các tín hữu Kitô ở Trung Đông. Đức Hồng Y Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, tường trình về cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại Iraq trong tư cách là Đặc Sứ của Đức Thánh Cha.

Sau khi trao đổi, các tham dự viên nguyện kinh chiều và kết thúc ngày họp đầu tiên.

16. Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình

Trong buổi tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình vào sáng ngày 2 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tố giác sự khai thác nhân công rẻ mạt, và sự thiếu tôn trọng phẩm giá của giới công nhân.

60 tham dự viên đã dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Peter Turkson, bao gồm các Hồng Y, Giám Mục, các chuyên gia cố vấn và cộng sự viên. Cuộc họp đã được tiến hành từ ngày 1 đến 3 tháng 10, nhân dịp kỷ niệm 5 năm công bố Thông điệp “Bác ái trong chân lý” (Caritas in veritate /veritatê/) của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16

Đức Thánh Cha nhận xét rằng Thông điệp này là một văn kiện cơ bản để loan báo Tin Mừng về mặt xã hội, với những chỉ dẫn quí giá về sự hiện diện của các tín hữu Công Giáo trong xã hội, trong các tổ chức, trong nền kinh tế, tài chánh và chính trị. Thông điệp lưu ý về những lợi ích và cả những hiểm của sự hoàn cầu hóa, khi nó không hướng về thiện ích của các dân tộc.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng:

“Một trong những khía cạnh của hệ thống kinh tế ngày nay là sự khai thác tình trạng chênh lệch trên thế giới về phí tổn lao động, dựa trên sự kiện 2 tỷ người chỉ sống với lợi tức chưa tới 2 mỹ kim mỗi ngày. Sự chênh lệch ấy không những không tôn trọng phẩm giá của những công nhân giá hạ, nhưng còn phá hủy những nguồn công ăn việc làm tại những vùng có sự bảo vệ qui mô hơn dành cho công nhân”. Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha kêu gọi kiến tạo những cơ cấu bảo vệ các quyền của các công nhân cũng như bảo vệ môi sinh, đứng trước một ý thức hệ duy tiêu thụ ngày càng gia tăng, thiếu trách nhiệm đối với xã hội và thiên nhiên”.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi khắc phục những nguyên nhân cơ cấu gây ra sự chênh lệch và nghèo đói. Trong Tông huấn “Niềm vui Phúc Âm” ngài đã đề ra 3 phương thế cơ bản để giúp những người túng thiếu nhất được hội nhập vào xã hội, đó là giáo dục, giúp họ được hưởng sự săn sóc sức khỏe và kiến tạo công ăn việc làm cho mọi người (n.192).

Nói khác đi, không nên hủy bỏ hệ thống trợ cấp an sinh xã hội của quốc gia, đặc biệt là quyền có công ăn việc làm. Quyền này không thể bị coi như một yếu tố thay đổi tùy theo trị trường tài chánh và tiền tệ. Lao công là một thiện ích cơ bản đối với phẩm giá, việc thành lập gia đình và thực thi công ích và hòa bình.

Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi thực hiện những cải tổ sâu rộng để tái phân phối các sản phẩm được tạo ra, và phổ biến thị trường tự do để phục vụ cho các gia đình.

Nguồn: Vietcatholic

10-10-2014 2-52-20 PM

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …