Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03 – 09/03/2016: Giáo Hội trước những vu cáo che đậy lạm dụng tính dục

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03 – 09/03/2016: Giáo Hội trước những vu cáo che đậy lạm dụng tính dục

1. Đức Thánh Cha chủ sự buổi cử hành thống hối

Lúc 5 giờ chiều thứ Sáu, 4-3, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cử hành thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô cho nhiều hối nhân, với phần xưng tội riêng và lãnh ơn xá giải.

Buổi cử hành diễn ra trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng thương xót, với sự tham dự của 5 Hồng Y, và đông đảo các linh mục, tu sĩ và 6 ngàn giáo dân. Sau bài đọc trích từ sách ngôn sứ Isaia, và bài Tin Mừng về phép lạ Chúa Giêsu chữa lành ông Bartimeo, người mù bẩm sinh, là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha. Ngài nhắn nhủ các mục tử “hãy lắng nghe tiếng kêu, có lẽ âm thầm, của những người muốn gặp Chúa. Chúng ta phải xét lại những thái độ nhiều khi không giúp người khác tiến đến gần Chúa Giêsu; những thời khóa biểu và chương trình không đáp ứng những nhu cầu thực sự của những người có thể đến tòa giải tội; xét lại những luật lệ con người, xem chúng có giá trị hơn ước muốn tha thứ hay không; sự cứng nhắc của chúng ta có thể làm cho người xa cách sự dịu dàng của Thiên Chúa. Dĩ nghiên chúng ta không được giảm bớt những đòi hỏi của Tin Mừng, nhưng chúng ta không thể nhận nguy cơ làm cho ước muốn của tội nhân hòa giải với Chúa Cha trở nên hư vô, vì sự trở về nhà cha của người con là điều mà Chúa Cha chờ đợi hơn mọi sự (Xc Lc 15,20-32).”

Tiếp đến là phần xét mình riêng, rồi chính Đức Thánh Cha cũng đi xưng tội với một linh mục, trước khi ngài giải tội trong hơn một tiếng rưỡi cho các hối nhân, trong đó có một số bạn trẻ thuộc giáo phận Roma.

Trong lúc ấy 60 vị linh mục, phần lớn là các cha giải tội thường xuyên và ngoại thường tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma cộng thêm với Đức Hồng Y Piacenza và các linh mục thuộc tòa ân giải tối cao đã giải tội riêng cho các tín hữu.

Buổi cử hành được kết thúc với kinh nguyện tạ ơn và phép lành của Đức Thánh Cha.

Các nghi thức trên đây là phần đầu của sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, với chủ đề là “Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô 24 giờ trên toàn thế giới để sống Lòng Thương Xót của Chúa.”

Đây là lần thứ 3 sáng kiến này được cử hành, theo sự đề xướng của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, với mục đích đặt ở trung tâm tầm quan trọng của việc cầu nguyện, Chầu Mình Thánh Chúa và lãnh nhận hồng ân bí tích hòa giải, một cơ hội được mở rộng cho tất cả mọi người. Năm nay, sáng kiến này có khẩu hiệu là “Hãy thương xót như Chúa Cha”.

Sáng kiến “24 giờ cho Chúa” cũng được cử hành tại nhiều giáo phận trên thế giới. Đức TGM Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, nói rằng: “Lòng thương xót không thu hẹp trong bí tích hòa giải, nhưng có một chân trời bao quát hơn nhiều, đòi mỗi người chúng ta trở thành dụng cụ lòng thương xót cho tha nhân”.

Từ lúc 9 giờ tối ngày 4-3, các tín hữu cũng có thể lãnh nhận bí tích hòa giải và chầu Mình Thánh Chúa tại 3 thánh đường ở Roma. Thứ bẩy 5-3, thánh đường Đức Bà Thánh Tâm được mở cửa liên tục với sự hiện diện của các linh mục để giải tội cho các tín hữu đến 4 giờ chiều. Sau cùng Đức TGM Fisichella sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn bế mạc, tại Nhà Thờ Chúa Thánh Linh ở khu vực Sassia, cạnh trụ sở Bề trên Tổng quyền dòng Tên ở Roma, và cũng là Đền thánh Lòng Thương Xót Chúa.

2. Báo “Quan sát viên Roma” của Tòa Thánh nhận định rằng phim Spotlight, mới được giải Oscar, không nhắm chống Công Giáo.

Phim Spotlight trình bày cuộc điều tra của báo Boston Globe về những xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong tổng giáo phận Boston Hoa kỳ, và sự che đậy của giáo quyền địa phương đối với những vụ này. Hôm 28 tháng 2, Phim được hai giải thưởng Oscar về hình ảnh đẹp nhất và về trình diễn đặc sắc nhất.

Trong một bài đăng trên báo Tòa Thánh, số ra ngày 29 tháng 2, bà Lucetta Scaraffia, giáo sư lịch sử hiện đại và cộng tác viên thường xuyên của báo Tòa Thánh nhắc đến sự kiện Ông Michael Sugar, người sản xuất phim “Đèn chiếu” khi nhận giải thưởng, đã bày tỏ hy vọng cuốn phim này sẽ vang dội tới Vatican; cuốn phim này đã gióng lên tiếng nói thay cho các nạn nhân và giải Oscar càng gia tăng tiếng nói đó. Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nay đã đến lúc bảo vệ trẻ em và tái lập đức tin”.

Báo Quan sát viên Roma nhận định rằng thật là một dấu hiệu tích cực vì lời kêu gọi của ông Sugar, vì cho thấy vẫn còn có sự tín nhiệm nơi cơ chế của Giáo Hội, có một sự tín nhiệm nơi Đức Giáo Hoàng là vị đang tiếp tục công việc thanh tẩy đã được vị tiền nhiệm của ngài khởi sự.

Báo Tòa Thánh nhận xét rằng cuộc phim không nhắc đến cuộc chiến lâu dài và kiên trì của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, bấy giờ là Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, trong nỗ lực bài trừ những kẻ lạm dụng tính dục trẻ em trong Giáo Hội. Nhưng cuốn phim không thể nói mọi sự và những khó khăn mà Đức Hồng Y Ratzinger gặp phải xác nhận tiền đề của cuốn pháp, nghĩa là quá nhiều khi các tổ chức của Giáo Hội không biết cách đối phó một cách quyết liệt chống lại tội ác lạm dụng.

3. Đức Thánh Cha kêu gọi đặt Bí Tích Hòa Giải ở trọng tâm

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cha giải tội đừng cản trở hồng ân thương xót của Thiên Chúa và hãy trở thành máng chuyển niềm vui tha thứ của Chúa cho các hối nhân.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 4-3 dành cho 500 linh mục trẻ và chủng sinh sắp thụ phong linh mục tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức từ ngày 29-2 đến 4-3. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có Đức Hồng Y Chánh Tòa và các chức sắc của Tòa Ân Giải tối cao những như các cha giải tội tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói: “Khi chúng ta đến tòa giải tội để tiếp đón các anh chị em, trong tư cách là cha giải tội, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng chúng ta là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ; vì thế chúng ta phải chú ý đừng đặt chướng ngại cho hồng ân cứu độ của Chúa. Chính cha giải tội cũng là một người có tội, một người luôn cần ơn tha thứ: Cha giải tội là người đầu tiên không thể không cần lòng thương xót của Chúa, Đấng đã chọn và thiết định cha giải tội (Xc Ga 15,16) cho công tác cao cả này. Vì thế, cha giải tội phải luôn có thái độ khiêm tốn và quảng đại, với ước muốn duy nhất là làm sao để mỗi tín hữu có thể cảm nghiệm tình thương của Chúa Cha”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Trên trời vui mừng vì một tội nhân hoán cải hơn là 99 người công chính không cần hoán cải” (Lc 15,7) và ngài nói: “vì thế, điều quan trọng là cha giải tội cũng phải là “máng chuyển niềm vui mừng” và tín hữu, sau khi lãnh nhận ơn tha thứ, không cảm thấy bị tội lỗi đè nén nữa, nhưng có thể nếm hưởng công trình của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ, tín hữu ấy sống trong tâm tình tạ ơn, sẵn sàng đền bù sự ác đã phạm, và đi gặp gỡ anh chị em với tâm hồn tốt lành và sẵn sàng”.

Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắc nhở các cha giải tội rằng: “Thời đại ngày nay chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa cá nhân, bị bao nhiêu vết thương và bị cám dỗ co cụm vào mình, vì thế thực là một hồng ân khi thấy và tháp tùng những người đến gần lòng thương xót của Chúa. Đối với tất cả chúng ta, điều này cũng đòi chúng ta phải có một cuộc sống phù hợp hơn với Tin Mừng và có lòng từ nhân như người cha; chúng ta là những người gìn giữ, chứ không bao giờ là chủ nhân của đoàn chiên cũng như của ân thánh. Chúng ta hãy đặt ở trung tâm bí tích hòa giải không những trong Năm Thánh này mà thôi; bí tích này thực sự là một không gian của Chúa Thánh Linh trong đó, tất cả mọi người, các cha giải tội cũng như hối nhân, có thể cảm nghiệm tình yêu thương duy nhất, chung kết và trung tín, là tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người trong các con cái của Ngài, một tình yêu không bao giờ để cho chúng ta thấy vọng”

4. Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3-3, dành cho 120 tham dự viên khóa họp toàn thể lần thứ 22 của Hàn Lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của các nhân đức trong đời sống con người.

Khóa họp này kéo dài 3 ngày và có chủ đề: “Các nhân đức trong luân lý đạo đức của đời sống”.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng “điều thiện mà con người thực hiện không phải chỉ là kết quả của những tính toán hoặc chiến lược, và cũng chẳng phải là sản phẩm của những hệ di truyền hoặc những điều kiện xã hội, nhưng là hoa trái của một con tim luôn sẵn sàng, của sự chọn lựa tự do hướng đến điều thiện chân thực. Khoa học và kỹ thuật không đủ, vì để làm điều thiện, còn cần phải có sự khôn ngoan của tâm hồn nữa”.

Từ tiền đề trên đây, Đức Thánh Cha xác quyết rằng: “nhân đức không phải chỉ là một tập quán nhưng là một thái độ liên tục được đổi mới trong việc chọn lựa điều thiện. Nhân đức không phải là một cảm xúc, cũng không phải là một sự khéo léo ta đạt được nhờ một khóa học canh tân, để dần dần trở thành một cơ chế sinh hóa (meccanismo biochimico), nhưng là một biểu hiện cao cả nhất của tự do con người. Nhân đức là điều tốt đẹp nhất mà trái tim con người có thể trao tặng. Khi con tim xa lìa sự thiện và chân lý chứa đựng trong Lời Chúa, thì sẽ gặp bao nhiêu nguy hiểm, thiếu định hướng và có nguy cơ gọi điều ác là điều thiện, và gọi thiện là ác; lúc ấy các nhân đức sẽ mất đi, và tội lỗi dễ dàng thay thế, rồi đến tật xấu. Ai đi xuống dốc nguy hiểm ấy, thì sẽ rơi vào sai lầm luân lý và ngày càng bị lo âu của cuộc sống đè nén”.

Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha tố giác hiện tượng: “Ngày nay không thiếu những kiến thức khoa học và những dụng cụ kỹ thuật có thể nâng đỡ đời sống con người trong những hoàn cảnh cuộc sống ấy bị suy yếu, nhưng nhiều khi cũng thiếu tình người, thiếu nhân tính. Hành động tốt không phải chỉ là sự áp dụng đúng đắn kiến thức luân lý đạo đức, nhưng nó còn đòi phải có một sự quan tâm thực sự đối với người mong manh yếu đuối. Các bác sĩ và mọi nhân viên y tế không bao giờ được lơ là trong việc liên kết khoa học, kỹ thuật và tình người với nhau”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha phê bình sự kiện này: con người thường là nạn nhân của tình trạng thiếu chắc chắn về luân lý, khiến họ không bảo vệ sự sống một cách hiệu quả. Và nhiều khi dưới danh nghĩa nhân đức, người ta che đậy những tật xấu tỏ tường. Vì thế, không những cần để cho các nhân đức thực sự hình thành tư tưởng và hành động của con người, nhưng còn cần phải vun trồng các nhân đức qua sự liên tục phân định và các nhân đức ấy phải ăn rễ trong Thiên Chúa là nguồn mạch mọi nhân đức”.

5. Cha Raniero Cantalamessa trình bày trước giáo triều Rôma những suy tư về việc công bố Lời Chúa

Trong bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ Ba dành cho giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô và các thành viên trong Giáo triều đã tiếp tục suy tư trên Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa “Dei Verbum”, Lời của Thiên Chúa. Đây là một trong những tài liệu quan trọng của Công đồng Vatican II.

Hôm thứ Sáu 4 tháng Ba, Cha Raniero Cantalamessa dòng Capuchin Phanxicô, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã tập trung vào việc “công bố Lời Chúa” là chủ đề tiếp theo sau ba chủ đề trước đó là “Đón nhận Lời Chúa, suy tư Lời Chúa và đặt Lời Chúa vào thực tế cuộc sống”

Khi rao giảng Tin Mừng, “hành động hùng hồn hơn lời nói,” Cha Cantalamessa nhận xét rằng ngay cả “những người dành phần lớn thời gian của họ ngồi đằng sau bàn giấy vẫn có thể đóng góp vào việc rao giảng Tin Mừng.”

Phát biểu về các thành viên trong Giáo triều, Cha Raniero Cantalamessa nói: “Nếu một người nào đó quan niệm công việc của mình như là một sự phục vụ cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội, nếu anh ta canh tân ý nguyện này thường xuyên và không cho phép mối quan tâm về sự nghiệp của mình chiếm ưu tiên trong trái tim mình, thì người nhân viên khiêm tốn của một Bộ nào đó vẫn có thể đóng góp cho công cuộc truyền giáo hiệu quả hơn là một nhà giảng thuyết chuyên nghiệp, đang tìm cách làm hài lòng người ta hơn là Thiên Chúa”.

Để trở thành một nhà truyền giáo, người ta phải “bước ra ngoài”. Và cánh cửa đầu tiên chúng ta phải thoát ra là “cánh cửa của cái tôi của mình,” bỏ lại sau lưng những “ganh tị, ghen tuông, những lo âu bối rối, cay đắng, thù hận và hằn học.” Để trở thành nhà truyền giáo hiệu quả có thể ảnh hưởng người khác một cách tích cực, chúng ta không chỉ nghiên cứu và rao giảng lời Chúa, chúng ta phải cầu nguyện với Lời Chúa và đồng hóa mình trong đó vì “chỉ có những gì xuất phát từ trái tim mới đến được trái tim.”

Tình yêu và lòng từ bi cũng là dấu hiệu của những người rao giảng sự thật, cha Cantalamessa nhấn mạnh. “Trên tất cả là tình yêu dành cho Chúa Giêsu. Chính tình yêu dành cho Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta. “Việc chăn dắt và giảng dạy phải xuất phát từ tình yêu chân thật đối với Chúa Kitô vì chỉ có người đang ở trong tình yêu với Chúa Giêsu mới có thể công bố Ngài cho thế giới với một niềm tin sâu sắc.”

6. Các đề tài Tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Giáo triều Rôma.

Cũng như những năm trước, trong những ngày này Ðức Thánh Cha và các thành viên của Giáo triều Rôma đang có cuộc tĩnh tâm Mùa Chay tại “Nhà Thầy Chí thánh” (Casa Divin Maestro) ở Ariccia từ 06 đến 11 tháng Ba. Trong thời gian này, Đức Thánh Cha sẽ tạm ngưng các buổi tiếp kiến, kể cả buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư.

Vị giảng thuyết cho tuần tĩnh tâm năm nay là cha Ermes Ronchi thuộc Dòng Tôi tớ Ðức Mẹ, với các bài suy niệm lấy đề tài từ mười câu hỏi trong Phúc Âm.

Tuần tĩnh tâm đã bắt đầu lúc 18g Chúa Nhật 06 tháng 03 với giờ Chầu Thánh Thể và Kinh chiều. Những ngày tiếp theo khởi sự lúc 7g30 sáng với Kinh sáng, rồi đến bài suy niệm thứ nhất lúc 9g30, sau đó là Thánh Lễ đồng tế. Bài suy niệm thứ hai vào lúc 16g00, sau đó là Chầu Thánh Thể và Kinh chiều. Ngày 11 tháng Ba năm 2016 chỉ có một bài suy niệm.

Mười câu hỏi cũng là mười đề tài suy niệm là:

1/ Các anh tìm gì thế? (Ga 1,38)

2/ Tại sao các con sợ? Các con vẫn chưa có đức tin sao? (Mc 4,40)

3/ Các con là muối đất. Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp cho nó mặn lại được? (Mt 5,13)

4/ Còn các con, các con bảo Thầy là ai? (Lc 9,20)

5/ Rồi quay sang người phụ nữ, Ðức Giêsu bảo ông Simon: “Con thấy người phụ nữ này chứ?” (Lc 7,44)

6/ Các con có mấy chiếc bánh? (Mc 6,38; Mt 15,34)

7/ Chúa Giêsu ngẩng lên và hỏi người phụ nữ: “Họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (Ga 8,10)

8/ Này bà, sao bà lại khóc? Bà tìm ai?

9/ Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không? (Ga 21,16)

10/ Maria nói với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” (Lc 1,34).

7. Cha Lombardi phê bình một số phản ứng về phim Spotlight

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, phê bình phản ứng của một số người về cuốn phim Spotlight, “có trí nhớ cụt lủn” và họ đòi Giáo Hội Công Giáo “phải bắt đầu phải có biện pháp chống nạn lạm dụng trẻ em, nhất là từ phía giáo sĩ”.

Trong thông cáo dài công bố ngày 4-3, Cha Lombardi nói: “Những điều trần của Đức Hồng Y Pell trước Ủy ban hoàng gia điều tra được nối trực tiếp giữa Australia và Roma, và việc trao tặng đồng thời giải Oscar cho cuốn phim hay nhất “Spotlight” về vai trò của báo Boston Globe trong việc tố cáo việc che đậy những tội ác của nhiều linh mục ấu dâm ở Boston (nhất là trong những năm từ 1960-1980), đã lôi kéo theo một làn sóng mới những quan tâm của các cơ quan truyền thông và dư luận quần chúng về vấn đề thê thảm lạm dụng tính dục trẻ vị thành niêm, đặc biệt từ phía thành viên hàng giáo sĩ.

Sự trình bày “giật gân” về hai biến cố đó đã làm cho phần lớn dân chúng – nhất là những người không am tường hoặc có trí nhớ cụt lủn – nghĩ rằng trong Giáo Hội người ta không làm gì cả hoặc làm rất ít để đáp lại những thảm trạng kinh khủng ấy và cần phải bắt đầu lại từ đầu. Một sự cứu xét khách quan chứng tỏ không phải như vậy. Vị TGM trước đây của giáo phận Boston đã từ nhiệm năm 2002 sau những vụ mà phim Spotlight đã nói tới (và sau cuộc họp nổi tiếng của các Hồng Y Hoa kỳ được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 triệu tập tại Roma hồi tháng 4-2002) và từ năm 2003 (tức là từ 13 năm nay), Tổng giáo phận Boston do Đức Hồng Y Sean O’Malley cai quản, ngài được mọi người biết đến vì sự nghiêm ngặt và khôn ngoan trong việc đương đầu với những vấn đề lạm dụng tính dục, đến độ đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm vào số các cố vấn của ngài và làm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh do Đức Giáo Hoàng thành lập để bảo vệ các trẻ vị thành niên.

Cả những biến cố bi thảm lạm dụng tính dục ở Australlia cũng là đối tượng các vụ điều tra và thủ tục pháp lý và giáo luật từ nhiều năm nay. Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 ở Sydney nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ năm 2008 (tức là đã 8 năm rồi), ngài gặp một nhóm nhỏ các nạn nhân ngay tại tòa TGM giáo phận do Đức Hồng Y Pell cai quản, xét vì vụ này bấy giờ có tính chất thời sự rộng rãi và Đức TGM thấy rằng một cuộc gặp gỡ như vậy rất thích hợp. Để cho thấy những vấn đề này được quan tâm theo dõi, chỉ cần nhắc đến sự kiện nguyên phần dành cho vấn đề “Lạm dụng trẻ vị thành niên. Câu trả lời của Giáo Hội” trên mạng internet của Vatican, đã được khởi sự cách đây 10 năm, và chứa đựng 60 văn kiện hoặc những biện pháp can thiệp của Giáo Hội.

Sự dấn thân can đảm của các vị Giáo Hoàng để đương đầu với các cuộc khủng hoảng xảy ra sau đó tại nhiều nước và những hoàn cảnh khác – như Hoa Kỳ, Ái Nhĩ Lan, Đức, Bỉ, Hòa Lan, dòng Đạo binh Chúa Kitô – không phải là nhỏ và cũng không phải là dửng dưng. Các thủ tục xét xử và các khoản giáo luật phổ quát đã được canh tân; những đường hướng chỉ đạo được yêu cầu và được soạn thảo từ phía các HĐGM, không những để xử lý những vụ lạm dụng đã xảy ra, nhưng con để phòng ngừa chúng một cách thích hợp; các cuộc thanh tra tông tòa để can thiệp trong những tình cảng trầm trọng nhất; sự cải tổ sâu rộng dòng Đạo binh Chúa Kitô, đó là những hành động nhắm đáp lại một cách sâu rộng và với sự sáng suốt đối với một tai ương được biểu lộ một cách trầm trọng lạ thường và tai hại, nhất là trong một số miền và trong một số thời kỳ. Lá thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 gửi các tín hữu Ái Nhĩ Lan hồi tháng 3 năm 2010 có lẽ vẫn còn là văn kiện tham chiếu hùng hồn nhất, vượt ra ngoài nước Ái Nhĩ Lan, để hiểu thái độ và câu trả lời pháp lý, mục vụ và tinh thần của các vị Giáo Hoàng cho những thảm trạng ấy của Giáo Hội thời nay: nhìn nhận những sai lầm đã phạm và thực thi công lý cho các nạn nhân, hoán cải và thanh tẩy, dấn thân phòng ngưà và canh tân việc huấn luyện về mặt nhân bản và tinh thần.

Những cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức và Phanxicô với những nhóm nạn nhân đã tháp tùng con đường dài với gương về sự lắng nghe, xin lỗi, an ủi và với sự đích thân can dự của các vị Giáo Hoàng.

Tại nhiều quốc gia, các kết quả sự dấn thân đổi mới thật là khả quan, những vụ lạm dụng trở nên rất họa hiếm và vì thế, phần lớn những vụ mà ngày nay người ta còn xử lý và tiếp tục được đưa ra ánh sáng thuộc về một quá khứ tương đối xa vài chục năm. Tại các nước khác, thường vì lý do tình cảnh văn hóa rất khác và vẫn còn có tính chất im lặng, còn nhiều điều phải làm và không thiếu những kháng cự và khó khăn, nhưng con đường phải theo đã trở nên rõ ràng hơn.

Việc thành lập Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên được Đức Giáo Hoàng Phanxicô loan báo hồi tháng 12-2013, gồm các thành viên đến từ mọi lục địa, cho thấy sự trưởng thành trong hành trình của Giáo Hội Công Giáo. Sau khi ấn định và phát triển trong nội bộ một câu trả lời quyết liệt đối với những vấn đề lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên (từ phía các linh mục hoặc các nhân viên khác của Giáo Hội), người ta nhất loạt đặt vấn đề không những làm sao đáp ứng một cách thích hợp vấn đề mọi mỗi nơi trong Giáo Hội, nhưng còn phải làm sao giúp xã hội rộng lớn hơn trong đó Giáo Hội đang sống, đối phó với các vấn đề lạm dụng và vi phạm các trẻ vị thành niên, xét vì – như tất cả đều phải biết, tuy rằng nhiều khi người ta dè dặt không muốn nhìn nhận – ở mọi nơi trên thế giới phần lớn những vụ lạm dụng không xảy ra trong các lãnh vực Giáo Hội, nhưng ở bên ngoài các lãnh vực này (ở Á châu người ta có thể nói về hàng chục hàng chục triệu trẻ vị thành niên bị lạm dụng, chắc chắn là không phải trong lãnh vực Công Giáo…).

Tóm lại, Giáo Hội bị thương tổn và tủi nhục vì tai ương lạm dụng, muốn phản ứng không những để thanh tẩy chính mình, nhưng cũng để dành kinh nghiệm cam go của mình trong lãnh vực này, để làm cho việc phục vụ giáo dục và mục vụ dành cho toàn thể xã hội được phong phú hơn, xã hội nói chung còn một con đường dài phải đi để ý thức sự trầm trọng của các vấn đề và để đương đầu với chúng”.

Trong viễn tượng ấy, những biến cố ở Roma trong những ngày qua, rốt cuộc có thể được đọc trong một viễn tượng tích cực. Người ta phải ghi nhận Đức Hồng Y Pell đã trình bày chứng từ bản thân một cách xứng đáng và phù hợp (khoảng 20 tiếng đồng hồ đối thoại với Ủy ban hoàng gia!) từ đó một lần nữa có một khung cảnh khách quan và sáng suốt hơn về những sai lầm đã xảy ra trong nhiều lãnh vực của Giáo Hội (trong trường hợp này là Australia) trong những thập niên quá khứ. Và đây là một sự thủ đắc không phải là vô ích trong viễn tượng “cùng thanh tẩy ký ức”.

Người ta cũng phải nhìn nhận nhiều thành viên của nhóm các nạn nhân đến từ Australia để chứng tỏ sự sẵn sàng thiết lập một cuộc đối thoại xây dựng với chính Đức Hồng Y và với đại diện của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên – cha Hans Zollner SJ, thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana, – với cha, các nạn nhân ấy đã đào sâu những viễn tượng dấn thân hữu hiệu để phòng ngừa những lạm dụng.

Vì thế, nếu những lời kêu gọi tiếp theo sau phim Spotlight và sự động viên của các nạn nhân và của các tổ chức nhân dịp các cuộc điều trần của Đức Hồng Y Pell sẽ góp phần hỗ trợ và tăng cường hành trình dài chống lại những lạm dụng trên trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và trên thế giới ngày nay (nơi mà chiều kích các thảm trạng này thật là vô biên), thì cũng cần được chào đón.

8. Đức Thánh Cha cám ơn các Hiến Binh Italia cạnh Vatican

Sáng ngày 29-2, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến và cám ơn Đại đội hiến binh Roma San Pietro của Italia và ngài khích lệ họ sống tinh thần Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có Đại Tướng Chỉ huy trưởng Hiến binh Italia và 150 quân nhân thuộc binh chủng này. Đức Thánh Cha ca ngợi và cám ơn họ vì những hoạt động bảo vệ an ninh quanh khu vực Vatican, giúp các tín hữu hành hương và du khách tôn trọng luật pháp điều hành sự sống chung thanh thản và hòa hợp.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng “Năm Thánh Lòng thương xót đang mở ra trước mọi người cơ hội được đổi mới, đi từ sự thanh tẩy nội tâm, và phản ánh qua cách cư xử và qua các hoạt động hằng ngày. Chiều kích tinh thần này thúc đẩy mỗi người chúng ta tự hỏi về sự dấn thân thực sự của mình để đáp ứng những đòi hỏi trung thành với Tin Mừng mà Chúa mời gọi chúng ta đi từ bậc sống của mình. Năm Thánh trở thành cơ hội thuận tiện để kiểm chứng đời sống cá nhân và cộng đoàn. Và mô thức để kiểm chứng chính là những công việc từ bi bác ái về thể xác cũng như về tinh thần”.

Đức Thánh Cha mời gọi các hiến binh Italia hãy để cho giáo huấn của Chúa hướng dẫn mình trong trách vụ bảo vệ trật tự công cộng, thăng tiến tình liên đới trong mọi hoàn cảnh, nhất là đối với những người yếu thế và vô phương tự vệ; bênh vực quyền sống qua sự dấn thân bảo vệ an ninh và sự toàn vẹn của con người. Trong khi thi hành sứ vụ này, anh chị em hãy luôn ý thức rằng mỗi người đều được Thiên Chúa yêu thương, họ là thụ tạo của Chúa và đáng được tiếp đón và tôn trọng”

9. Đức Thánh Cha đau buồn và lên án vụ sát hại 4 nữ tu

4 nữ tu thừa sai bác ái và 12 người khác đã bị quân khủng bố sát hại tại một nhà dưỡng lão và săn sóc người tàn tật tại thành phố Aden, Yemen. Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn và lên án bạo lực “ma quái” này.

Hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, truyền đi hôm 4-3 cho biết: nữ tu bề trên cộng đoàn đã sống sót nhờ ẩn nấp. Cha Tom Uzhunnalil, dòng Don Bosco Ấn độ, thì bị mất tích sau cuộc tấn công của nhóm khủng bố. Cha sống trong nhà dưỡng lão do các nữ tu phụ trách từ sau khi nhà xứ Thánh Gia của cha ở Aden bị cướp phá và thiêu hủy hồi tháng 9 năm ngoái.

Yemen ở trong tình trạng khủng hoảng chính trị từ năm 2011 và thường được coi là bị nội chiến giữa các cộng đoàn Hồi giáo Shiite và Sunnit tranh giành quyền bính. Giữa những căng thẳng ấy, các nhóm khủng bố cũng lộng hành tại nước này, trong đó có những nhóm liên kết với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS và lực lượng khủng bố al-Qaida.

Mặc dù hầu hết các tín hữu Kitô đã di tản khỏi Yemen, nhưng một số linh mục dòng Don Bosco và 20 nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta vẫn quyết định ở lại và tiếp tục sứ vụ tại đây.

Đức Cha Paul Hinder, dòng Capuchino Thụy Sĩ, Đại diện Tông Tòa địa phận tông tòa Nam Arabia, trong đó có Yemen, cho biết lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày 4-3 vừa qua, có những người mặc quân phục đột nhập khu nhà của các nữ tu nơi các nữ tu phục vụ ở Aden, giết chết những canh gác và mọi nhân viên tìm cách ngăn cản họ, rồi chúng đến gặp các nữ tu và nổ súng sát hại”.

Trong số 4 nữ tu bị giết có hai chị người Ruanda, một chị Ấn độ và một chị người Kenya. Cha Uzhunnalil dường như bị bắt cóc. Đức Cha Hinder nói: “Dấu hiệu thật là rõ ràng. Vụ này có liên hệ tới tôn giáo” (CNS 4-3)

Trong sứ điệp công bố hôm 5-3, Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha kinh hoàng và rất đau buồn khi hay tin vụ giết hại 4 nữ tu thừa sai bác ái và 12 người khác trong nhà dưỡng lão. Ngài cầu nguyện cho những người bị sát hại và bày tỏ sự gần gũi tinh thần với thân nhân họ cũng như với tất cả những người bị thương tổn vì hành vi vô nghĩa lý và bạo lực ma quái này. Đức Thánh Cha cầu nguyện để vụ sát hại vô ích này thức tỉnh lương tâm con người, đưa tới sự thay đổi tâm hồn và soi sáng cho mọi phe hãy từ bỏ khí giới và đi vào con đường đối thoại.

Nhân danh Thiên Chúa, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi phe trong cuộc xung đột hãy từ bỏ bạo lực và tái quyết tâm phục vụ nhân dân Yemen, nhất là những người cùng khổ nhất, mà các nữ tu và những người trợ tá của các chị tìm cách phục vụ.

Đức Thánh Cha cầu xin Thiên Chúa chúc lành và đặc biệt ngài bày tỏ sự cảm thông trong kinh nguyện và tình liên đới với các nữ tu thừa sai bác ái.

10. Đức Thánh Cha thay đổi thông lệ ngoại giao khi tiếp các nguyên thủ quốc gia ly dị và tái hôn

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi thông lệ ngoại giao của Vatican khi tiếp các nguyên thủ quốc gia đã ly dị và tái hôn.

Trong quá khứ, trong cuộc tiếp kiến giữa Đức Thánh Cha và một nguyên thủ quốc gia là người Công Giáo đã ly dị và tái hôn, Đức Thánh Cha sẽ chỉ tiếp kiến chính thức người đứng đầu nhà nước; sau đó ngài sẽ tiếp kiến riêng người phối ngẫu của vị này. Cử chỉ này hàm ý không công nhận cuộc hôn nhân giữa hai người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã loại bỏ thông lệ ngoại giao này và tiếp cả hai.

Thông lệ ngoại giao mới đã có hiệu lực vào tuần trước, khi Đức Thánh Cha tiếp Tổng thống Á Căn Đình Mauricio Macri. Bà Juliana Awada, người vợ cùng đi với ông tổng thống là người vợ thứ ba của ông.

11. Đức Thánh Cha chuẩn y các án tuyên Thánh và tuyên Chân Phước

Trong buổi tiếp kiến hôm 03 Tháng Ba dành cho Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn việc công bố các nghị định tuyên thánh cho hai vị và tuyên phong Chân Phước cho 8 vị khác.

Các phép lạ nhờ lời cầu bàu của Chân Phước Manuel González García sinh năm 1877 và qua đời năm 1940; và Chân Phước Elizabeth của Thiên Chúa Ba Ngôi sinh năm 1880 và qua đời năm 1906 đã được công nhận. Việc công nhận chính thức này mở đường cho việc tuyên thánh cho hai vị.

Đức Cha Manuel González García nguyên là giám mục Palencia, Tây Ban Nha, và là đấng sáng lập Dòng Thừa Sai Thánh Thể Nazareth.

Chân Phước Elizabeth của Thiên Chúa Ba Ngôi là một nữ tu dòng Camêlô Nhặt Phép người Pháp và là một nhà văn về tâm linh.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phê duyệt sắc lệnh công nhận các phép lạ do lời cầu bầu của hai vị tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa là cha Marie-Eugene, người Pháp, và sơ María Antonia, người Á Căn Đình; do đó mở đường cho việc tuyên Chân Phước cho hai vị.

Ngoài ra có 8 vị được tuyên là những bậc Đáng Kính.

12. Một Giám Mục Ý kêu gọi mafia hoán cải

Tiếp theo những leo thang bạo lực liên quan đến các nhóm mafia tại địa phương, một vị giám mục Ý đã đưa ra một thư mục vụ kêu gọi hoán cải.

Thúc giục các tín hữu không được để cho mình trở thành “thờ ơ, gần như bị tê liệt hay đầu hàng trước những sự ác được nhiều người xem là không thể tránh khỏi”, Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Fiorini Morosini của tổng giáo phận Reggio Calabria-Bova đã viết, “Chẳng lẽ không thể chặn đứng vòng xoáy của sự man rợ, đang dường như không thể ngăn cản được trong xã hội chúng ta?”

Bày tỏ sự thất vọng vì “khoảng cách quá xa giữa đức tin và cuộc sống” của nhiều người, Đức Tổng Giám Mục nói, “Tôi nói với một thái độ quyết liệt phụ tử rằng chúng ta không thể ngủ yên trong hòa bình, tập chú vào những nghi lễ tôn giáo của chúng ta mà thôi.”

Ngài nói thêm, “Chúng ta đang cử hành Năm Thánh của lòng thương xót: nhưng chúng ta có thể nhận được sự thương xót nào từ Thiên Chúa nếu chúng ta không có một tiến trình hoán cải khỏi điều ác”

13. Từ năm 2000 đến nay ít nhất 1.3 triệu Kitô hữu Nigeria phải bỏ nhà cửa tháo chạy

Open Door, một tổ chức đại diện cho các Kitô hữu bị bách hại, đã công bố một bản báo cáo dày 47 trang về bạo lực chống Kitô hữu ở miền bắc Nigeria.

Báo cáo nhận xét rằng:

“Không chỉ có các thứ quân khủng bố Hồi giáo quá khích, trong đó Boko Haram là một ví dụ đáng chú ý nhất, nhưng những thứ Hồi giáo khác như nhóm Hausa-Fulani và các tầng lớp chính trị và tôn giáo theo đạo Hồi ở miền Bắc Nigeria cũng là các diễn viên chính trong những màn bạo lực nhắm vào các nhóm thiểu số Kitô giáo”

“Hơn nữa, cộng đồng Kitô hữu trong các bang đang áp dụng luật Sharia, đặc biệt ở nhiều vùng thuộc miền bắc Nigeria cũng đang phải đối mặt với những thách đố cam go trong một môi trường mà họ phải chịu nhiều thiệt thòi và bị phân biệt đối xử.”

Báo cáo cho thấy một con số “tối thiểu từ 9,000 đến 11,500 Kitô hữu đã bị giết chết”. Bên cạnh đó, ít nhất 1,3 triệu người Kitô hữu đã phải bỏ nhà cửa tháo chạy kể từ năm 2000. 13,000 nhà thờ “đã bị đóng cửa hoặc phá hủy hoàn toàn.”

14. Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Đông Timor

Hôm thứ Năm 3 tháng 20, Đức Thánh Cha đã tiếp Thủ tướng Đông Timor, là ông Rui Maria de Araújo

Một thông cáo báo chí từ văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết các cuộc thảo luận đã diễn ra thân mật, và cho biết “các mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Timor-Leste đã được đề cập đến, cũng như những đóng góp lịch sử của Giáo Hội trong việc xây dựng đất nước và hợp tác với các nhà chức trách trong các lĩnh vực xã hội khác nhau, chẳng hạn như giáo dục, y tế và cuộc chiến chống đói nghèo.”

Thủ tướng Đông Timor sau đó đã gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và thứ trưởng Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước, là Đức Ông. Antoine Camilleri.

Các vị đã hài lòng nhắc lại thỏa thuận gồm 26 điều khoản giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste, ký ở Dili vào ngày 14 tháng 8 năm 2015.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN